30 Tháng Tư đọc Thơ Thanh Tâm Tuyền

 





 VIẾT MỖI NGÀY / APRIL 8, 2018

 

 

Thanh Tâm Tuyền và Pasternak

April 1, 2014 at 4:08am

Trong lời dẫn nhập cho cuốn truyện “Bếp Lửa”, lần xuất bản thứ hai – 1965 - Thanh Tâm Tuyền đã kết: “Mỗi nhà văn là một kẻ sống sót”. Trong bối cảnh tang thương chết chóc vào lúc đó, ngưòi ta dễ nghĩ ngay đến sự sống còn thể xác. Nhưng hẳn TTT không muốn nói đến điều đó, hay chỉ là rất phụ. Ngay trên câu cuối đó, TTT viết: “Cái chết lựa chọn không bao giờ phi lý, nó làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết lưu truyền cho kẻ sống sót”. Thật rõ ràng, nhiệm vụ - có thể độc nhất - của nhà văn, theo TTT, là lưu truyền sự thật vậy.

Cùng thời điểm ‘Bếp Lửa’ chào đời – 1957 - tác phẩm vĩ đại ‘Doctor Zhivago’ cũng ra đời, trong một bối cảnh nghiệt ngã. Còn nghiệt ngã hơn là của ‘Bếp Lửa’ rất nhiều. ‘Bếp Lửa’ tuy ra đời như một tác phẩm của kẻ lưu vong, nhưng chỉ là "lưu vong" trên mảnh đất của mình, với bạn bè tụ tập họp chung quanh, nâng niu nó như một hài nhi mọi người mong đợi; đàng kia, Pasternak bị bắt buộc phải chối từ ‘Doctor Zhivago’ và rốt cục chính tác phẩm đã phải lưu vong (*).

Cả hai, Boris Pasternak và Thanh Tâm Tuyền, đều là một nhà thơ lớn, mang tính chất khai phá và là “thần tượng” thơ của nhiều người làm thơ trẻ cùng thời. Cả hai đều đã chọn lựa trở thành nhà văn, TTT đã làm việc chọn lựa này sớm trong cuộc đời mình hơn là Pasternak. Cả hai cũng đều trải qua những “thử thách” lớn, bởi sự chọn lựa trở thành một nhà văn là để nói lên sự thật . Thế nhưng, Pasternak xem còn may mắn hơn, ở chỗ tác phẩm chính của mình được cả thế giới biết đến, đọc và công nhận (**); trong khi với TTT, tác phẩm lớn nhất của ông, ‘Ung Thư’, đến nay chưa từng được xuất bản thành sách (***).

Một năm trước khi từ giã cõi đời, 1960, Pasternak đã viết:

Tôi đã phạm tội gì,
Tôi là kẻ cướp hay sát nhân?
Tôi đã làm thế giới thương cảm
Trước nét đẹp của quê hương tôi
Cho dù có đang thở những hơi cuối cùng
Tôi vẫn vững tin rằng hồn của ánh sáng
Sẽ sớm đập tan cái bóng đen
Mà sức mạnh là tàn bạo và hận thù

(... Am I a gangster, a murderer?
Of what crime do I stand
Condemned? I made the whole world weep
At the beauty of my land.
Even so one step from my grave,
I believe that cruelty, spite,
The powers of darkness will in time
Be crushed by the spirit of light...)

(Pasternak, ‘Nobel’, 1959)

_________________________

(*) ‘Doctor Zhivago’ được xuất bản lần đầu ở Ý và bằng tiếng Ý, 1957.

(**) ‘Doctor Zhivago’ được trao giải thưởng Nobel Văn Chương 1958. Pasternak không được nhà cầm quyền Liên Xô cho nhận giải.

(***) Trong hơn 10 năm, 'Ung Thư' được TTT viết đi viết lại nhiều lần và đã được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn (Saigon) trong khoảng hai năm. Cuối 1974, TTT quyết định cho xuất bản, mọi chuyện tiến hành thì biến cố 30/04/1975 xẩy đến...
Note [NQT]:

V/v Pasternak. Như tôi biết, không phải nhà nước Liên Xô không cho ông nhận Nobel. Cho đi nhận, nhưng không cho trở về. Ông đành từ chối.
Vv xb “Ung Thư”. GCC không biết chi tiết này. Nhưng chắc là không có. Vì TTT sau đó viết “Một Chủ Nhật Khác”, là để thay thế “Ung Thư”, như qua trả lời phỏng vấn Le Huu Khoa cho thấy
V/v Chuơng trình nhạc chủ đề của NDT: Do NDT phụ trách. Ông là nhân viên DPT Sài Gòn. Qua c/t này một số ca sĩ thành danh, hay nói khác đi, họ thành danh 1 phần là nhờ nó. Thí dụ, Sĩ Phú, Khánh Ly, Vũ Thành An… GCC còn nhớ là mỗi thứ năm ông phải vô đài để thu thanh, nhưng không nhớ phát thanh ngày nào, giờ nào.
Hoàng Hải Thuỷ có đi 1 bài về c/t này, từ hồi còn Sài Gòn. Đúng ra là về giọng đọc của NDT. Ông nhớ đến câu nói của 1 anh chàng, đang làm tình, mà đã giao hẹn, lát nữa, nữa nhá?
Gấu nhớ hoài chi tiết này, hăm he lập lại hoài, mà không có dịp.
TTT có nét giống Brodsky, hơn là Pasternak, theo GCC. Ông không thích được dân Mít & Liên Xô yêu. Ông đếch thèm đến với nước Nga, nước Nga bèn "âm thầm" đến với ông.
Khác hẳn Pasternak.
Khi TTT còn sống, ít người yêu thơ, cũng như con người của ông.
Đọc MT viết về ông, khi ông còn ở trong tù VC, là biết.
Chỉ khi ông chết đi, thì mới được mọi người trân trọng. Tếu thế.


*

Coetzee nói về Brodsky: Ông chẳng hề loay hoay hì hục làm cho mình được yêu, thí dụ, như Pasternak, rất được yêu. Venclova cho rằng, người Nga tìm chẳng thấy, ở trong thơ của ông sự "ấm áp", "tha thứ tất cả", "sướt mướt", "nức nở con tim", hay sự "vui tươi, nhí nhảnh". Nhà thơ Viktor Krivulin nghi ngờ tính hài hước, rất ư là không giống Nga, very un-Russian, vốn trở thành thói quen trong thơ Brodsky. Ông trau giồi hài hước, Krivulin nói, để bảo vệ mình, từ những ý nghĩ, tư tưởng, hay hoàn cảnh mà ông cảm thấy không thoải mái. "Một sự sợ hãi phải phơi lòng mình ra, hay có thể, chỉ là một ước muốn đừng phơi mở...".

Ui chao, liệu có thể bệ cả đoạn trên sang bài tưởng niệm ông anh nhà thơ?

Why not?

5 năm rồi không gặp...

5 năm rồi TTT đã ra đi, nhưng hẳn là ai cũng còn nhớ, khi ông sắp đi, ra lệnh cho vợ con, đừng làm phiền bè bạn, đừng thông báo thông biếc, sống ta đã chẳng làm cho họ vui, cớ sao ta chết, lại làm cho họ buồn?

Gấu phải mãi sau này, mới hiểu ra tại làm sao mà Milosz thèm được cái số phận bảnh tỏng của Brodsky: được lọc ra giữa những thi sĩ của thời đại của ông, của thành phố của ông, để nhân dân ban cho cái án cải tạo, rồi được Đảng tha cho về, được Đảng bắt phải lưu vong, và sau đó, khăn đóng áo dài bước lên Đài cao nhận Nobel. Trong khi cái số phần của Milosz, chính là cái mà ông miêu tả trong bài viết Rửa, To Wash, 1 thi sĩ bửn của thời đại của ông.

To Wash

At the end of his life, a poet thinks: I have plunged into so many of the obsessions and stupid ideas of my epoch! It would be necessary to put me in a bathtub and scrub me still all that dirt was washed away. And yet only because of that dirt could I be a poet of the twentieth century, and perhaps the Good Lord wanted it, so that I was of use to Him.

Một nhà thơ của thế kỷ 20, cuối đời nhìn lại, thấy mình bẩn quá, bèn chui vô bồn tắm, dùng xà bông thơm kỳ cọ, cho văng tất cả những cái bẩn đi.
Kỳ mãi, kỳ mãi, vẫn không hết, và ông ngộ ra, số phận của ông là như vậy.
Bởi vì, nếu ông ta sạch,Thượng Đế đã không giao cho ông ta "nghĩa cả" đó, và nhân loại cũng đếch cần đến ông ta.

Gấu tin là trong bài thơ tự trào về mình, TTT cho biết, chưa từng bắn một phát súng, bảo là tự hào, thì thật nhảm (1): thi sĩ cũng muốn có tí bùn dơ ở trên người, và sau 30 Tháng Tư, phải cám ơn VC đã cho ông đi tù, cùng bạn bè,“cùng hội cùng thuyền”, nhờ cú đi tù mà lại làm được thơ, như những ngày đầu đời, “nụ hôn đầu Ga Hàng Cỏ”, bẽn la bẽn lẽn giấu các bạn tù!

(1) Một chủ nhật khác, một cách nào đó, là một bản văn giải thích hành động không rút súng bắn VC một lần nào!

Nên nhớ, TTT đã từng nhập thân vào bạn của ông, là anh chàng sĩ quan VNCH, Đạo, anh này đã từng nằm suốt đêm ở bên ngoài, chờ cho tên VC nằm vùng, một “serial killer”, chuyên xử tử những tên Ngụy trong vùng, đêm đó lén về nhà, hú hí với vợ con, sáng trở về rừng, mới ra lệnh cho lính dưới quyền nổ súng!

TTT có mấy cuốn tiểu thuyết viết bỏ dở, chưa kể Ung Thư, hoàn tất, nhưng không cho xb. Trong mấy cuốn đó, cuốn nào cũng thật là tuyệt, ở những đoạn mở.

Uổng thật!

Tiếc quá!

Giấu mặt, viết về 1 em mới nhơn nhớn, khung cảnh Đà Lạt.

Truyện anh chàng sĩ quan VCNH tên Đạo.

Một cú tự thuật, TTT vô Quang Trung, giữa đám con nít mới lớn, chúng gọi ông là Cụ, hay Bố gì đó.
Còn ông, qua nhân vật kể chuyện, xưng là Ông Già.

Nhân nói chuyện... Bố: Cả trại tù Đỗ Hòa, đám học viên, không chỉ Đội Ba, mà Gấu là Y Tế Đội, đều gọi Gấu là Bố!

Bà Cụ Gấu tự hào lắm, vì “chi tiết là Thượng Đế” thần sầu này! (2)
 

  

 

ON PASTERNAK SOBERLY

Về Pạt, thật nhã

Với những ai quen thuộc với thơ của ông, trước khi ông nổi tiếng thế giới, thì giải Nobel ban cho ông vào năm 1958 quả là có 1 cái gì tiếu lâm ở trong đó. Một nhà thơ mà thế giá ở Nga, người ngang hàng với ông chỉ có 1, là nữ thần thi ca Akhmatova; một đại gia về dịch thuật, nếu không muốn nói, "thiên tài dịch dọt", [hai từ đều thuổng cả!], thì mới dám đụng vô Shakespeare, vậy mà phải viết một cuốn tiểu thuyết to tổ bố, và cuốn tiểu thuyết to tổ bố này phải gây chấn động giang hồ, cả Ðông lẫn Tây, cả Tà lẫn Chính, và trở thành một best-seller, [có lẽ phải thêm vô, phải có bàn tay lông lá của Xịa nữa] tới lúc đó, những thi sĩ của những xứ sở Slavic, mà ông ta nhân danh, mới được Uỷ Ban Nobel ở Stockholm, thương tình để mắt tới.
Giá như mà ông được Nobel trước đó vài năm, thì lại chẳng sao. Chính vì thế mà mùi vị Nobel mới cay đắng làm sao, và thật khó coi đây là một bằng chứng về một sự quan tâm thực sự của giới độc giả Tây Phương với những nền văn học Ðông Âu, và điều này nằm ngoài những thiện ý của Hàn Lâm Thụy Ðiển.

Sau khi được Nobel, Pạt mới hiểu ra được, và thấy mình, ở trong một đại ác mộng! Một đại ác mộng về sự hồ nghi, chính tài năng của mình! Trong khi ông khăng khăng khẳng định với chính mình, tác phẩm của ta là một toàn thể, thì cái toàn thể bị bẻ gẫy vì những hoàn cảnh.
Nhân dân Nga, chắc là có cả nhà nước VC Nga khốn kiếp, hè nhau bịt mũi, mi được Nobel vì 1 cuốn tiểu thuyết chẳng ai biết tới, đếch ai thèm đọc….

Tôi không kiếm thấy trong tác phẩm của Pasternak tí mùi vị của sự chống đối triết học của ông, với lý thuyết của nhà nước, ngoại trừ cái sự ngần ngại khi phải đối đầu với những trừu tượng – và như thế, thuật ngữ “trừu tượng” và “giả trá”, với ông, là đồng nghĩa – và đây là chứng cớ của sự chống trả của ông. Cuộc sống của công dân Xô Viết là cuộc sống của ông, và trong những bài thơ ái quốc, ông không chơi trò chơi chân thực. Ông chẳng nổi loạn gì hơn bất cứ 1 con người bình thường Nga Xô.
Dr Zhivago là 1 cuốn sách Ky Tô, tuy nhiên chẳng thấy có tí dấu vết nào của thứ khẩu khí làm nên sức mạnh của Dos, về 1 quan điểm con người chống-Ky-tô.
Ky Tô giáo của Pasternak là vô thần, [atheological]. Pasternak là 1 người bị hớp hồn bởi thực tại, đối với ông, thực tại thì thật là lạ lùng như một phép lạ. Ông chấp nhận khổ đau vì ở nơi thâm sâu của yếu tính của cuộc đời là đau khổ, chết chóc và tái sinh. Và ông coi [treat] nghệ thuật như là một quà tặng của Chúa.


Czeslaw Milosz

 

 

 



Bếp Lửa,Tựa Lần In Thứ Tư (1973)


Malraux có viết: "Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết."
Tôi không tin như thế. Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một BẾP LỬA khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bẩy năm.
Đây không phải là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi.
Quyển đầu tay tuy được một nhà xuất bản nhận in năm 1955, vào phút chót tôi đổi ý, rút lại sách, quyết định không xuất bản.
Quyển Bếp Lửa rất có thể đã chịu chung số phận của quyển đầu tay, nếu không may mắn gặp ông Nguyễn Đình Vượng [chủ báo Văn, chủ nhà in, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng].
Được viết một hơi – khoảng đâu hai ba tháng – được in ngay sau khi viết – không có một quãng cách nào để kịp lùi, nhìn lại – quyển Bếp Lửa là quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo.
Trên trang đầu bản thảo có đề câu của Rimbaud: Je est un autre [Tôi là kẻ khác], nhưng khi đưa in tôi đã xóa bỏ.
Sách in lần đầu ba ngàn cuốn, chẳng rõ bán được bao nhiêu, chỉ biết ít lâu sau sách được mang bán "son". Có hai bài viết về quyển sách: một trên nhật báo Tự Do tại Sài Gòn, một trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn miền Bắc ở Hà Nội.
Tiếc là tôi không có thói quen lưu giữ tài liệu để có thể in kèm vào sách khi tái bản.
Đại cương hai bài viết đều là lời chê trách giống nhau: quyển sách bi quan tiêu cực. Bài trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội chỉ là một cột điểm sách ngắn vài mươi giòng nhưng bấy giờ đã mang đến cho tôi hãnh diện và sung sướng. Hãnh diện là thứ có ngày nghĩ lại khiến thẹn thùng. Nhưng sung sướng lúc nào cũng vẫn là sung sướng, dù cùng với thời gian có thể lẫn vẻ bùi ngùi.
Tôi sung sướng nghĩ các bạn tôi ở Hà Nội đọc cột báo ấy, biết được tôi vẫn nhớ họ, đã viết về họ, về những ngày tháng ấy của chúng tôi. Họ có thể tức tối căm giận, nhưng chắc họ cũng cảm động bồi hồi.
Mười bẩy năm đã qua.
Kinh nghiệm dạy cho tôi là lời của Malraux đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một quyển sách. Lần này tôi quyết định đề là ấn bản chung quyết.
Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.
Tháng 3 – 73
THANH TÂM TUYỀN




Ba Mươi Tháng Tư
Đọc
Thơ Thanh Tâm Tuyền 

Đầu năm 78 ở Lào Kay lần đầu tiên nhận được thư nhà, biết tin anh đi xa. (Vợ tôi viết: "Bố nuôi của Thái đã về quê ngoại sống, không còn ở Sài Gòn nữa"), tôi như chợt tỉnh sau giấc hôn thụy. Bài Nhớ Thi Sĩ  viết vào lúc ấy đề tặng một thi sĩ đã mất và gửi Anh, một thi sĩ lưu lạc khi chúng tôi nghĩ chắc không còn ngày gặp lại. Trong những lời thơ vẳng trong tôi bấy giờ có cả lời thơ anh.
Thanh Tâm Tuyền: Trong Đất Trời Nhau
[Tưởng niệm Mai Thảo, tạp chí Thơ, số Mùa Xuân 1998].

Bài nhớ thi sĩ

Nhớ Già Ung *
Gửi MT 
Sáng nay thức giấc trong nhà giam
Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ
 Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu
u ám quạnh quẽ
Ánh lửa mênh mang buổi tình đầu
 Mưa bụi rì rào
Gió náo nức mù tối
 Trễ muộn mùa xuân trên miền cao
Đang lay thức rừng núi biên giới
Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo anh tự nhủ
Cũng qua cơn khô hạn khác thường
Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc
đầu óc quái gở
Từng thiêu đốt anh trên đồi theo vào đêm
hành hạ anh đớn đau

Từ bao giờ anh đứng trân trối cô đơn
Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song tù ngục
Hoang vu lời thơ ai reo hát cùng cỏ lá heo hút
Dẫn đưa anh về tận nẻo nguồn
chốn bình minh lẩn lút
(Bình minh bình minh anh kêu khẽ cảm động muốn khóc
Mai Mai xa Mai như hoa Mai về
tình thơ hôm nay)

Em, em có hay kẻ tội đồ biệt xứ
sớm nay về ngang cố quận
Xao xuyến ngây ngô hắn dọ hỏi bóng tối sâu thẳm
Đêm vây hãm lụn dần
Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn 

Em, soi bóng em hồn nhiên trên lối thời gian
Lặng lẽ anh gầy nhóm lửa tinh mơ đầm ấm. 
Lào Kay 4/78
Vĩnh Phú 1/79
Thanh Tâm Tuyền

Thơ Ở Đâu Xa

Ghi chú của tác giả:
Già Ung: Giuseppe Ungaretti (1898-1970). Thi sĩ Ý.

Ghi chú của người sao lục:
Bài Nhớ Thi Sĩ của Thanh Tâm Tuyền, qua thi sĩ Nguyễn Hà Tuệ, còn là sĩ quan cải tạo, đã được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín phổ nhạc, hát giữa bạn tù, tại trại Tân Lập K2.
Độc giả [Thính giả?] đầu tiên của bài thơ, là trại viên Nguyễn Chí Kham, như tác giả Nắng Hồng Phương Nam cho biết.
Trong đất trời nhau, là từ thơ Mai Thảo: Trong đất trời nhau mình vẫn gần. Biết tin anh đi xa, là để chỉ Mai Thảo đã vượt thoát. Quê ngoại là hải ngoại.

... Hôn thụy, ngủ mê, như Gấu tôi được biết, là chữ của Tô Thùy Yên, khi chuyển từ "coma" [hôn mê] sang tiếng Việt. Trong một lần hai anh em ngồi Quán Chùa, TTT tâm đắc với từ này, và gật gù, 'luý' dịch từ này, hay thật!

Nhưng phải đợi đến đầu năm 87 ở Lao Kay, lần đầu tiên nhận được tin nhà, biết Mai Thảo đã vượt thoát, Thanh Tâm Tuyền mới chợt tỉnh giấc hôn thụy, và chúng ta mới thấy hết ý của lời khen của TTT dành cho bạn mình là Tô Thuỳ Yên [luý dịch hay thật!]. Một lời khen biến thành một lời tiên tri, cho số phận của ba nhà thơ.
- Mai Thảo, chắc chắn là nhận ra được lời nhắn gọi của bạn mình [Trong thơ tui có thơ anh], nên đã trở lại với thơ, nhờ vậy chúng ta có Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.
- Tô Thuỳ Yên tiếp tục làm thơ, và có Ta Về.
- Thanh Tâm Tuyền, có Thơ Ở Đâu Xa.
Toàn bài thơ là từ "chợt tỉnh giấc hôn thụy", mà ra:
Sáng nay, thức giấc, nhà giam
Nhớ thơ làm hồi trẻ
Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo.
Cũng qua cơn hạn khác thường...

Bạn hãy nhớ lại câu thơ của Holderlin:
Nơi nào có hiểm nguy, nơi đó có cứu rỗi.

Với Thanh Tâm Tuyền, cứu rỗi, chính là tin bạn mình đã đi xa. Tức Sáng Tạo vẫn còn.
NQT


THANH TÂM TUYỀN VÀ KY TÔ GIÁO

 

 

        

           A Burnt-Out Case.

          Cuốn này, “Một trường hợp lụi tàn”, theo Phạm Việt Cường cho biết, đã có bản tiếng Việt. Gấu sở dĩ chọn nó, để toan tính mở ra cuốn truyện ngăn ngắn của mình, là vì, Gấu cũng đã từng bị VC tính thịt 1 cánh tay của mình, lần ăn mìn claymore ở nhà hang nổi Mỹ Cảnh nơi bờ sông Sài Gòn, mà còn là vì, hình như giống như nhân vật chính trong truyện, Chúa đã bắt kịp Gấu… 1 cách nào đó, sau khi cố tìm cách làm thịt chính Gấu.

Còn nữa, cuốn A Burnt-Out Case, mắc mớ tới niềm tin Ky Tô, mà những người như TTT, và sau đó, lớp đàn em, trong có Gấu, không có.

Trong “Lụi Tàn”, có 1 xen giống cái cảnh TTT tả, trong Bếp Lửa, anh chàng Tâm đối diện với Chúa, và bèn vặc, ông mà có đầu thai làm người, thì cũng vô phương cứu loài người, nhất là lũ Mít!

Trên đường về Lao, GCC mang theo hai cuốn, 1 là cuốn mới mua, của Kadare. Và 1 là cuốn A Burnt-Out Case của Greene, tính mở ra 1 cú “tỉu thết”, chừng trăm trang. Bằng 1 câu thuổng, từ Greene.

www.tanvien.net/Day_Notes/PXA_vs_Greene.html

" Trong một vài đường hướng, đây là một cuốn sách tuyệt hảo đối với tôi - mặc dù đề tài và sự quan tâm của nó, thì rõ ràng thuộc về một cõi không tuyệt hảo. Tôi đọc nó, lần đầu khi còn trẻ, dân Ky tô, lớn lên ở Phi Châu, vào lúc mà trại cùi còn phổ thông. Tôi còn nhớ, lần viếng thăm cùng với mẹ tôi, một trại cùi như thế, được mấy bà sơ chăm sóc, tại Ntakataka, nơi hồ Lake Malawi. Và tôi sợ đến mất vía bởi cái sự cử động dịu dàng đến trở thành như không có, của những người cùi bị bịnh ăn mất hết cánh tay, y hệt như được miêu tả ở trong cuốn tiểu thuyết: “Deo Gratias gõ cửa. Querry nghe tiếng cào cào cánh cửa của cái phần còn lại của cánh tay. Một xô nước treo lủng lẳng ở cổ tay giống như một cái áo khoác, treo ở cái núm trong tủ áo”.

Vào cái lúc tôi đọc nó, thì tôi đang phải chiến đấu, như những người trẻ, hay già, phải chiến đấu, và cũng không phải chỉ ở Phi Châu, với những đòi hỏi về một niềm tin, khi mà niềm tin này thì thực là "vô ích, vô hại, vô dụng, vô can…", tại một nơi chốn, bất cứ một nơi chốn, bị tai ương, bệnh tật, và cái chết nhòm nhỏ, đánh hơi, quấy rầy, không phút nào nhả ra.

Thành thử câu chuyện của Greene về một gã Querry, một tay kiến trúc sư bảnh tỏng, tới xứ Công Gô, chỉ để chạy trốn, và tìm ra một thế giới, và có thể, Chúa bắt kịp anh ta đúng ở đó, một câu chuyện như thế, làm tôi quan tâm.

Trong một vài đường hướng, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc như một cuộc điều tra, về niềm tin hậu-Ky tô, một toan tính để nhìn coi xem, cái gì dấy lên từ tro than của thế kỷ trứ danh về cái sự độc ác của nó…"

 

Ui chao, bạn đọc có thể mô phỏng đoạn trên, và đi một đường “bốc thúi” trang Tin Văn:

Trong một vài đường hướng, trang Tin Văn có thể được đọc như là "… niềm tin hậu chiến Mít, một cái gì dấy lên từ tro than của cuộc chiến trứ danh vì Cái Ác Bắc Kít của nó."!

Nhưng, biết đâu đấy, Ky Tô giáo đang lâm đại nạn tại nước Mít, là cũng ứng vào cuộc "điều tra" này, của trang Tin Văn?

 

 

http://www.tanvien.net/Roman/bep_lua_5.html

“Thượng Đế sẽ giải quyết được những vấn đề của loài người nếu loài người biết tìm về Người.”

“Không, tôi không tin như thế, Thượng Đế không sống cái sống xác thịt của nhân loại. Khi Thượng Đế nhập thể thành người như Chúa Jésus hay Phật Tổ thì chính ở những người ấy Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấn thảm kịch riêng tư của loài người, và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại…”

“Tôi phải kiếm cho ra một tôn giáo”, Graham Greene nói, “để đo lường cái phần quỉ ma ở nơi tôi”.

Một thách đố như vậy đã đặt Greene vào cái thế của một “tiểu thuyết gia Ky tô giáo” – ông rất ghét định nghĩa này - đúng như viễn tượng về ông: trước khi chọn Chúa Ky Tô, như là một thế giá cao cả nhất, thì ông, trước hết, còn là một con người bị ám ảnh bới chính cái nấc thang thế giá đó. Không nhà văn nào của thế kỷ 20 này có thể so với ông, người muốn đi tới cùng trong cõi nhân sinh nhỏ xíu - ấy là nói về chuyện so sánh giữa con người với con người, và có thể, với Chúa nữa. Trong khi những tiểu thuyết gia thuộc loại tầm tầm mày mò, dị mọ những đòn phép nhằm phân biệt thằng cha này tốt, thằng cha kia xấu, Greene là bậc thầy của sự tách biệt đa tầng, dị dạng, khi xoáy vào những đường ranh thật là mỏng manh phân chia, giữa thế nào là quỉ ma thế nào là độc địa, thế nào là bất tương thân, thế nào là ngu si đần độn chứa đầy ác tâm. Những con người của ông loay hoay xoay sở bên trong cái khuôn mẫu đạo đức rất ư là chi ly. Sa sẩy, là từng bước chân, là từng lỡ bộ. Sai một ly đi một dặm. Thành thử vô phương, làm người tốt [to be good] ở nơi Greene. Nhưng có hàng triệu triệu cách, để đỡ tồi tệ hơn, ít hoặc nhiều.

Khía cạnh hiện thực mang tính đạo hạnh chi ly tỉ mỉ đó, ở Greene, thường không được người đọc để ý, thay vì vậy, là những mầu sắc “baroque” – trò truy hoan thẳng thừng, thú du lịch, cái lối viết nhà báo – những dấu ấn khiến ông được coi là đồng hội đồng thuyền với những tay phiêu lưu như Erskine Childers, Len Deighton, Alec Waugh, John Le Carré.

Chắc chắn rồi, Greene phải được coi như là một người viết quan tâm tới dòng văn chương điệp viên, tình báo – chú thiếu niên Greene ngày nào đã từng thử làm người hùng máu lạnh, qua trò chơi chết người Russian roulette. Tuy nhiên, người đọc đừng quên rằng, trên giá sách của ông, còn có sự ngự trị của, thí dụ như, Henry James. Hơn thế nữa, Greene quả thực là một điệp viên nhị trùng, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư