Kung Fu




Trong “Nước cờ Hư Trúc”, Gấu Cà Chớn đã “mách nước” đám Hậu Vệ, đừng tìm cái mới cho mất công, cứ cái cũ mà xài, và nếu cần, thì làm như Kim Dung, đốt 1 que diêm đã đốt rồi!

Đây đúng là tuyệt chiêu của Kim Dung, đốt 1 que diêm đốt rồi, mà vẫn cháy như thường, và có khi còn bảnh hơn lần cháy trước!
Hư Trúc, do muốn cứu mạng “Ác quán mãn doanh" Đoàn Diên Khánh bị ván cờ quái dị của chưởng môn phái Tiêu Dao đưa vào cõi chết, bèn nhặt đại 1 con cờ bỏ đại xuống bàn cờ, lay tỉnh họ Đoàn, nhưng khi Đệ Nhất Ác Nhân tỉnh lại, nhìn nước cờ “mình tự giết mình” – bởi vì đặt quân cờ vào chỗ đó, là tàn sát hầu như toàn thể quân ta, nhờ vậy, bàn cờ trở nên thoáng ra - bèn nhìn ra sinh lộ!
Thú vị hơn nữa, là sau đó, ông lại dùng chiêu này để cứu Thiên Sơn Đồng Mỗ, chủ nhân Linh Thíu Cung!
Cũng thế, là trận đấu giữa Miêu Nhân Phượng và Hồ Nhất Đao. Trong khi hai bên tử đấu, bà vợ HND ẵm Hồ Phi đứng coi, tối về nựng con, bố mày là Đệ Nhất Cao Thủ, ông chồng ngạc nhiên hỏi, ta đánh mãi không thắng hắn, “đệ nhất” cái gì. Bà vợ mới cho biết, do đứng ngoài, nhìn từ phía sau lưng MNP, nhận ra, mỗi lần ra chiêu “gì gì đó” [Gấu quên tên], là vai phải [hay vai trái] nhúc nhích. Ngày mai, nếu hắn ra chiêu kiếm đó đó, anh dùng chiêu này này, trong Hồ Gia đao pháp, là rồi đời hắn!
Bữa sau, quả nhiên như vậy, nhưng Hồ Nhất Đao vào giờ chót, tha mạng MNP, và nói, cái này là do bà xã đứng ngoài nhìn thấy, mách nước, thôi bỏ. Nhân đó, hỏi, MNP kể, khi còn nhỏ tập kiếm với ông bố, đúng lúc ra chiêu đó đó, thì bị 1 con kiến cắn, thế là nhói 1 cái, và bèn nhúc nhích vai, bị bố đánh đau quá, sau, mỗi lần ra chiêu, là nhúc nhích vai, chẳng cần kiến cắn nữa!

Trận đấu sau, lập lại trận đấu đó, giữa MNP và Hồ Phi, con HND, mới khủng khiếp.
MNP phải giết Hồ Phi, vì thấy thằng cà chớn từ trên giường phóng ra, cứu MNP, nhưng nhìn lại thì cô con gái của mình nằm trần truồng trên giường, do bị bế huyệt đạo, nhưng ông đâu có biết nguồn cơn …
Nên nhớ MNP, vì vợ bỏ theo trai, bây giờ có cô gái cưng lại bị thằng khốn làm thịt, làm sao tha cho nó được!

Lần trước thù giết bố, lần này vì con gái bị làm nhục.
*
Kính anh Nguyễn Quốc Trụ,
….
Em vào ngay đây:
 "Và cái nên thơ ấy mà Kim Dung mang lại cho võ học, là cái nên thơ của cơ cấu luận, nghĩa là của những gì phân tích được”(Đỗ Long Vân).
 Đây là một khẳng định rất dễ gây tranh luận, vì nó đối nghịch với quan niệm “thông thường”, khi cho rằng thơ là để “cảm nhận”: Cái cõi nhẹ như tơ, mong manh như sương khói đó, đâu phải là để… phân tích!
Nên nhớ, cơ cấu luận là từ toán học mà ra. Người ta không thể nói về nó mà không khởi từ toán học, theo tính cách lịch sử cũng như lô gíc của vấn đề. Lévi-Strauss chẳng hạn, đã tạo nên những mẫu mã cơ cấu của ông từ môn đại số đại cương (algèbre générale).
Cho nên, từ định lý “cái nên thơ… của những gì phân tích được”, chúng ta có thể có được một hệ luận, là:
 “Cái gì có thể phân tích được, là thơ.”
[Trích Vô Kỵ giữa chúng ta]
 Ta có mệnh đề: Nếu f(a) = f(b) suy ra: a = b
 Thì mệnh đề tương đương của nó là:
Nếu a khác b suy ra f(a) khác f(b).
Em xin nêu 1 ví dụ:
Cái gì đẹp thì lạ nhưng cái gì lạ thường không đẹp.
Tương tự câu - muốn tiến lên CNXH cần có con người XHCN
sẽ đưa đến hậu quả là:
Nếu (VN) không có con người XHCN thì (VN) không có CNXH
Thực tế đã cho thấy không bao giờ có con người XHCN nên CS đã bị tổ trác trên toàn thế giới.
Kính anh. Nếu có điều chỉ giáo xin anh cứ mạnh tay.
SCD
Vậy hệ luận mà anh nêu trên sẽ viết là:
Cái gì không thể phân tích được không phải là thơ
[GCC tô đậm]
Phúc đáp.
Bài viết bên lề tác phẩm Vô Kỵ giữa chúng ta của DLV, thực sự mà nói, chỉ là bản nháp. Đọc 1 khúc, thì lại viết 1 khúc, thế rồi nhân có dịp, bèn in, chưa có dịp hoàn chỉnh.
Bài viết này đã từng được 1 website về chưởng Kim Dung type và post, và Gấu đã có mail, cho biết tình trạng như trên, và mấy vị chủ trương website cho biết, cứ post đã, sau có bản hoàn chỉnh, sẽ lại post tiếp!
Hà, hà!
Và cái câu phán của mấy vị này, cũng có thể dùng để nói về.. cơ cấu luận: Có 1 cái gì đó chưa hoàn chỉnh về lý thuyết văn học này.
Tuy nhiên, 1 định luật toán học có phần đảo, phần thuận, phải đúng cả hai, thì mới coi là định lý được. Những góc vuông thì đều bằng nhau, nhưng những góc bằng nhau đâu “nhất thiết, bắt buộc” phải là… góc vuông!
Hệ luận mà bạn đưa ra, theo tôi, giống như thế, “những góc bằng nhau thì đều là góc vuông”
Chủ nghĩa CS thì cũng y chang: Mít sẽ xây cái nhà to tổ bố, sau cuộc chiến Mít, nhưng nhà đâu chẳng thấy, mà hầu hết dân Mít thì đều mất nhà!
Thân
NQT
Câu bạn hỏi và vấn đề liên quan tới thơ & cảm thơ & phân tích thơ & thơ hũ nút & thơ hiểu được & không thể hiểu
Văn Chương Kung Fu

Trong “đại lục” Kim Dung, nếu Gấu nhớ không lầm, có ba kho tàng.
Một, trong Bích Huyết Kiếm, chủ nhân kho tàng, là 1 ông vua, bị cháu lật đổ, bỏ chạy, thu gom vàng bạc, mong dùng nó tuyển mộ quân đội cướp lại ngôi. Bản đồ là 1 trong “tam bảo” của Ngũ Độc Giáo. Viên Thừa Chí nhờ bản đồ, kiếm được kho tàng, biếu Sấm Vương, đánh bại vì vua cuối cùng của nhà Minh, là Sùng Chinh, tức ông vua xử tử Viên Sùng Hoán, bố Viên Thừa Chí.
Kho tàng thứ nhì, ở núi Tuyết Sơn, là của Sấm Vương. Khi đại cục tan vỡ, Sấm Vương thu gom vàng bạc, lập kho tàng, làm bản đồ, 1 nửa giấu trong thanh đao lệnh của Sấm Vương, một nửa sau cùng nằm trong cây thoa Miêu Nhược Lan, con gái Miêu Nhân Phượng, đeo. Sấm Vương biết, Mãn Thanh dù có lấy được TQ, thì sau này, chắc chắn dân TQ cũng sẽ nổi lên, đuổi Mãn Thành ra khỏi TQ.
Kho tàng sẽ dùng vào việc đó.
Kho tàng này, trong Tuyết Sơn Phi Hồ.
Phi Hồ, là tên của Hồ Phi, đọc ngược.
Kho tàng thứ ba là của quân Mãn Thanh.
Mãn Thanh, dù lấy được TQ, nhưng vẫn biết, sẽ có ngày bị đá ra khỏi TQ, bèn thu gom vàng bạc, lập pho tàng này, sau Vi Tiểu Bảo, trong Lộc Đỉnh Ký, kiếm thấy.
Tuyết Sơn Phi HồLãnh Nguyệt Bảo Đao, có thể nói, là một. Không đọc truyện này, thì khó hiểu được chuyện kia. 
Tuyết Sơn Phi Hồ, nếu biểu là hay nhất của Kim Dung, thì 1 phần của cái hay của nó, là do “viết hỏng” mà ra.
Trong TSPH, có những cái lỗi, có thể nói, không làm sao sửa được. KD cũng nhận ra, và cố sửa, nhưng sau cùng chịu thua.
Lỗi nặng nhất, là, Miêu Nhân Phượng đã từng gặp Hồ Phi mấy lần, vậy mà không nhận ra để đến nỗi cả hai phải lập lại trận đấu trước, giữa Miêu Nhân Phượng vs Hồ Nhất Đao, và kết quả của trận đấu, gây 1 trường náo loạn trong những độc giả của KD, vì không biết ai chết, giữa Miêu Nhân Phượng và Hồ Phi.
Kết thúc Tuyết Sơn Phi Hồ là 1 thai đố giống như thai đố “mỹ nhân hay mãnh hổ” chắc nhiều độc giả đã từng biết.
Trên TV hình như cũng đã lèm bèm về chuyện này rồi. 
 

 
Kim Dung viết Thần Đao Hồ Đại Đởm, [tức Tuyết Sơn Phi Hồ], thấy một vài chi tiết sai, ông cố sửa, và viết lại cuốn truyện, thành Lãnh Nguyệt Bảo Đao. Nhưng vẫn không thể giải thích tại sao Miêu Nhân Phượng không nhận ra Hồ Phỉ, cậu bé con của người bạn ngày nào, dù hai người đã gặp nhau mấy lần.
Theo truyền thuyết Ấn độ, Ganesh, vị thần đầu voi, vì quá mê văn chương, nên đã chịu ngồi dưới chân nhà thơ Vyasa, nghe kể và ghi lại toàn bộ bản văn Mahabharata. Saleem Sinai, nhân vật chính trong Những đứa con giờ Tý của S. Rushdie, nhắc lại thần thoại trên, nhưng Ganesh của anh lại ngồi dưới chân thi sĩ Valmiki, và ghi lại Ramayana. Tác giả hy vọng người đọc đừng quá tin tưởng vào anh ta, và cũng đừng coi cuốn tiểu thuyết của ông là một hướng dẫn lịch sử Ấn độ sau khi được độc lập, cho dù nhân vật của ông sinh vào nửa đêm, giờ thứ nhất ngày 15 tháng Tám, 1947, giờ của tự do.
Theo "qui ước", những nhân vật tiểu thuyết hay lầm lẫn thường là những kẻ "ngu đần", và độc giả nhận ra liền ý nghĩa của câu chuyện. Nhưng nhân vật trong truyện của Rushdie lại không ngu, anh ta hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Vậy thì phải cắt nghĩa sao đây, về những chi tiết lầm lạc? Đành đổ tội cho tác giả, đã không chịu nghiên cứu, tìm tòi. Một lần, Rushdie gặp một độc giả. Người này giận dữ "sửa lưng" tác giả: "Nếu ông muốn sử dụng những truyền thống Ấn độ, xin ông hãy cố gắng trân trọng chúng." Ông cũng nhận được rất nhiều thư độc giả, "sửa lưng" người viết, về những sai lạc trong những tuyến xe buýt tại Bombay, những chức tước, cấp bậc trong quân đội... Đọc thư, ông như nhìn ra nụ cười hóm hỉnh của người viết.
Ông thừa nhận, cuốn sách có vài chi tiết sai lầm. Ông đã lầm, nhân vật của ông cũng bắt chước ông, lầm "thêm" một lần nữa. Về cuộc tàn sát ở Amritsar, ông đã để cho Saleem kể là, Dyer đi vào trong vườn Jalianwala Bagh, theo sau có "năm chục binh sĩ da trắng". Sự thực có 50 binh sĩ, nhưng không phải tất cả da trắng. Khi khám phá ra sự lầm lạc, ông rất bực bội, và cứ loay hoay tìm cách "sửa sai". Nhưng dần dà, ông nhận ra: Sự lầm lạc càng ngày càng "thuộc về" nhân vật của ông. Rằng có cái gì đúng ở trong đó. Có những đoạn, khi nhận ra sai, thay vì sửa, ông lại "quan trọng hóa" vấn đề. Ông giải thích: Thoạt đầu, ông muốn nó mang hơi hướng của Proust. "Thời gian và di dân: bộ lọc giữa tôi và đề tài. Và nếu như sức tưởng tượng của tôi khá mạnh mẽ, tôi có thể nhìn qua bộ lọc đó, và viết, như thể đây không là quá khứ; như thể tôi chưa từng rời khỏi Ấn Độ tới Tây phương. Nhưng trong khi làm việc, tôi khám phá ra, điều tôi quan tâm, chính là hiện tượng thẩm thấu. Không còn đi tìm thời gian đã mất mà là "cách" tái tạo quá khứ, dùng hồi nhớ như một dụng cụ, sao cho quá khứ đáp ứng hiện tại." 
[Viết, như thể đây không là quá khứ, "như thể chẳng có gì đã xẩy ra, chẳng có gì đã thay đổi," như thể chưa từng, chưa từng... có lẽ đây là giấc mơ lớn lao, tuyệt vời nhất của chúng ta. "Thơ phải được đọc lên, được nghe, như đây là định mệnh cuối cùng của nó. Định mệnh của một tiếng nói nhưng cũng là định mệnh của hồi nhớ của bao nhiêu con người" (Thanh Tâm Tuyền, "Thơ giữa chiến tranh và trại tù").]
Hồi nhớ thường lầm lạc, và thường hay "chọc quê" con người. Để chống lại, con người ôm lấy kỷ niệm giả, thay vì sự kiện thực. Người đọc đành phải coi những biến cố trong tiểu thuyết chỉ là những giả dụ. Bản thân người viết, qua mục "Tạp Ghi" (trên tờ Văn Học, Cali) đã hơn một lần bị trí nhớ đánh lừa. Câu của Sartre, trong bài viết về Koestler, "tác phẩm lớn như cây đại thụ", thực sự không phải vậy. Khi viết về Sartoris của Faulkner, ông cho rằng tác phẩm lớn, tới một lúc nào đó, giống như sỏi đá, cây cỏ. Người đọc chấp nhận, và quên luôn nó đã từng có một tác giả. Cũng trong bài "Trầm luân vì niềm tin" kể trên, người viết đã cố tình "hiểu sai" ý nghĩa của cuốn truyện, vì như một độc giả có thiên kiến, hoặc như bao con người của 10 ngày cải tạo, anh ta không tin sự chuyển hoá cuối cùng, Rubashov "lần hồi" trở lại làm người. 
Về chuyện thả mồi bắt bóng, Borges là một bậc thầy. Ông còn đi xa hơn, coi Don Quichotte, của Cervantes, là một cuốn sách "giả", chính nó được viết ra bởi một tác giả "giả", Pierre Ménard. Gilles Deleuze nhân đó, cho rằng, đã đến lúc phải kể một cuốn sách thực, về triết học đã qua, như đây là một cuốn sách giả. Như vậy, sự lập lại đúng nhất, triệt để nhất "đẩy" sự khác biệt tới mức tối đa ("Bản văn của Cervantes và Ménard từ ngữ y hệt nhau, nhưng cái sau rõ ràng là súc tích vô cùng..."). Giả và thực là hiện hữu kép của tác phẩm. Tác phẩm kép "lý tưởng" chính là sự lập lại bản cổ văn/ bản hiện đại, cái nọ trong cái kia. (Gilles Deleuze, Différence et Répétition, Paris, PUF, 1972). 
Vũ Quần Phương, Tổng Biên Tập báo Người Hà Nội, khi được phỏng vấn về "bối cảnh lịch sử", và nhận định với tư cách thành viên Ban chung khảo giải thưởng, về cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, ông cho biết: "Tôi đề nghị cho giải B, vì cuộc chiến Bảo Ninh thể hiện không phải là cuộc chiến ta đã trải qua. Tôi đã sống giai đoạn lịch sử này, tôi thấy cảnh ném bom tả ở ga Thanh Hoá là không có trong thời kỳ chiến tranh phá hoại. Tôi nhớ một thành viên trong ban giám khảo giải thích: "Bảo Ninh không định phản ánh hiện thực, anh suy ngẫm hiện thực" Tôi không tin, vì muốn suy ngẫm đúng thì phải dựa trên dữ kiện đúng... Tác giả như muốn đứng cao hơn cả hai phía để phán xét cuộc chiến. Với anh, chiến tranh là chiến tranh, không có tính từ nào kèm theo. Đó là bộ máy huỷ diệt - đi qua nó, cái tốt đẹp bị huỷ diệt, cái còn lại thành thân tàn ma dại không thích hợp với thời bình. Sau này, một nhà nghiên cứu giải thích cho riêng tôi: Bảo Ninh ra trận ở cuối giai đoạn của cuộc chiến, sự trải nghiệm của anh có thể khác lúc tôi đi..."
Trong giai phẩm "gió đông", (đã đình bản), Vũ Hoằng Dương nhận định một bài của Nguyễn Khải, viết về Hà-nội: "Riêng nhà văn, dường như ông không màng đến chuyện đánh giá. Ông cứ kể tỉnh bơ, kể những chuyện động đến nhà nước, đến con người, đến luôn bản thân ông... Ông tỉnh bơ như thể: tôi chỉ nói thực tế, bản thân chẳng ý kiến gì".
Nhưng "kể tỉnh bơ", là đã có vấn đề rồi. Văn tự "trắng, trung tính" là cõi không tưởng, một đảo ngược "đất hứa", thời đại hoàng kim của nhà văn-không văn chương, khi con người còn ngạc nhiên về vẻ tự nhiên của sự vật.
Vũ Hoằng Dương trích dẫn Bùi Minh Quốc, "Chả trách Nguyên Ngọc có lần xếp Nguyễn Khải (cùng với Chế Lan Viên) là hai trong "những người thông minh sắc sảo vào hàng nhất nước". Chính vì quá thông minh, nên Nguyễn Khải đã chọn lựa một cách viết tối hảo cho ông, khi viết về những chuyện động đến nhà nước: để cho sự kiện nói. Bởi vì ông hiểu rất rõ, chi tiết, sự kiện, là "ông trời" trong văn chương.
Người ta nói đến những chi tiết tàn nhẫn, cái ác trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. "Người Nghệ sĩ Đói" được coi là truyện ngắn độc ác nhất của Kafka: công chúng phải trả tiền để vào xem người nghệ sĩ đói, ở trong chuồng, để mân mê thân hình trơ xương của anh. Liệu chúng ta có thể nhìn ra, một hiện hữu kép của tác phẩm, như "sự kiện giả", ở Bảo Ninh, và "sự kiện thật, kể tỉnh bơ", ở Nguyễn Khải?
Chi tiết là Thượng đế trong văn chương. Cô Hiền, nhân vật của Nguyễn Khải chỉ biết mặt trái, phía "sau, tối, khuất" của Hà-nội. Vậy thì phía sáng của nó đâu? Lê Trọng Phương, trong "gió đông", khi nhắc đến tấm bản đồ tỷ lệ xích 1:1, rách tả tơi mà một số người cố gắng mang ra khỏi nước, rồi tìm đủ mọi cách vá víu lại, ngụ ý đây là phía sáng của Hà-nội. Đọc những tác giả ra đi từ miền Bắc, cá nhân tôi bắt gặp những chi tiết "cửa sổ" đó; những chi tiết cực kỳ thơ, trong một thế giới cực kỳ không thơ mà Kundera đã nói tới.
Nhân vật trong Về Làng của Lê Minh Hà (Văn Học số tháng Sáu, 1997), về làng là để đi luôn không về nữa. "Tôi còn gì ở đó?", cô gái tự hỏi. Tôi cũng tự hỏi như vậy, và tìm thấy, ở trong truyện ngắn, những chi tiết "cửa sổ" mà cô gái muốn mang đi cùng với cô. Bởi vì, "Bắt đầu lại từ đầu ở xứ người vào tuổi ngoài ba mươi như thế nào tôi không hình dung được".
"Tôi còn gì ở đó?".
Đây là một số chi tiết cô còn: "Buổi chiều nắng hết ơi ơi mà rực lên như nắng những ngày sau bão..." "Nhớ! sao không nhớ? Xuy Xá. Đình tám mái sân đầy hoa gạo và cứt chim. Bãi dâu xanh mênh mông. Hoa muồng muồng vàng rực. Chợ Lai Thụ toàn thịt chuột là táo bột... Kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc năm đó tổ chức ở cái làng heo hút ấy. Máy bay Mỹ oanh tạc khắp nơi. Một kỷ niệm như thế quả thực không dễ có trong đời đi học."
Kim Phúc, cô bé bị bom napan năm nào suốt đời chỉ mơ được mặc áo ngắn tay. Cô bỏ đi, vì không muốn nhà nước "lạm dụng" ước mơ của cô vào mục đích tuyên truyền. Không muốn một ước mơ không làm sao đạt được, một chi tiết cửa sổ biến thành nhà tù giam giữ cô. 
Viết như thể đây không là quá khứ, như thể chẳng có gì đã xẩy ra, hay viết sao cho quá khứ đáp ứng hiện tại, hay viết một cuốn sách giả, về một cuốn sách thực... 
NQT


*

PIX: Nguyễn Đình Thuần & Nguyễn Đức Bạn

Trước 1975, Gấu không được quen Đỗ Long Vân. Có gặp, đúng hai lần. Một, ở Quán Chùa, ông đi cùng một hai người bạn, liền ngay sau bài giới thiệu Gấu viết về 1 cuốn sách của ông mới ra lò, đăng trên trang VHNT của nhật báo quân đội VNCH, Tiền Tuyến.
Gấu có nhắc lại cuộc gặp gỡ này, trong bài tưởng niệm ông, khi nghe tin ông mất, trước đó cũng lâu, ở quê nhà, trên tờ Văn Học của NMG. Bài viết thực sự là cho báo Sóng Văn, nhưng NMG, đọc bản thảo, thú quá, bèn biểu “thằng người làm”, “thằng viết muớn”, thằng “hitman”, ông cho tôi bài này. Ông chủ báo Sóng Văn, biết, bực lắm, nhưng cũng bỏ qua!
Lần thứ nhì, gặp ông, là đi cùng với Joseph Huỳnh Văn tới Đài truyền tin Phú Lâm, nơi ông trực thuộc, khi bị bắt đi lính, như là 1 bình nhì, vì không trưng bằng cấp, tuy là giáo sư Đại Học. Joseph hẹn gặp, để lấy bài Truyện Kiều ABC, của DLV, viết cho tờ Tập San Văn Chương.

Chắc cũng chỉ tình cờ, bữa tá túc nhà bạn Bạn, ông hỏi tôi, Đỗ Long Vân thuộc băng đảng nào trước 1975.
Gấu bèn ngớ ra, và sau đành nói đại, ông hay viết cho tờ Trình Bày, như vậy, chắc thuộc băng “phản chiến”!
Còn ông bạn họa sĩ đang ngồi khoa tay, thì trong 1 lần nhậu, cho biết, có gặp bà xã của Đỗ Long Vân, trong lần triển lãm tranh ở Houston, Texas, và có nhắc tới cuốn Gấu viết về DLV, bà xã của ông bèn đưa ra nhận xét, ông ta có viết, nhưng đâu có viết gì về Đỗ Long Vân!
Đúng như vậy. Gấu không được quen với DLV.
Những bè bạn của ông, viết, mới đúng.
Đinh Cường có lần nhắc tới DLV, ngồi đọc sách, trong khi ông nhậu với mấy đấng bạn khác, hình như thế.
Mới đây, Gấu đọc báo trong nước, 1 tay nào đó, có viết về cái chết, thật là đau lòng của ông, nhưng thôi, bỏ.
VC viết thì cũng khó tin, nhưng quả là những ngày sau 1975 của ông thì thê lương hơn nhiều, so với những ngày cũng thê lương chẳng thua gì, trước 1975.
Đời Gấu Cà Chớn mà chẳng thê luơng sao?
Hà, hà!
Đâu có sao!
Mà có sao thì cũng đếch cần!
Duyên do Gấu viết về bản văn “Vô Kỵ giữa chúng ta” của Đỗ Long Vân:
Gấu về Hà Nội, vớ được nó, tại 1 sạp báo. Từ sạp báo, nhìn qua con hồ, Hồ Gươm, Gấu muờng tượng ra 1 cái tiệm thuốc Tây, hồi Gấu được về Hà Nội học, 1954 còn thấy nó, nghe nói của gia đình DLV. Ông đi Tây học, để về làm chủ tiệm thuốc Tây, nhưng mê văn chương, nhất là mê Simone Weil, thế là bèn tung hê hết. Cái chết của ông, như sau này đọc qua 1 tay nào trong nước viết, nếu đúng như thế, thì chắc cũng là noi gương Simone Weil.
Về lại Canada, Gấu vừa gõ bài viết của DLV, vừa viết ở bên lề bản văn, lập lại trường hợp Đạt Ma Tổ Sư viết Cửu Dương Thần Công, ở bên lề 1 cuốn kinh Phật, vì vậy mà sau này mở ra 1 trường giang hồ gió tanh mưa máu, cùng sự xuất hiện của đủ các thứ môn phái võ học, nào Nga Mi, nào Côn Luân, nào Võ Đang....






Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư