HHT
Note: Lần đầu
đọc Nổ Như Tạc Đạn, đăng từng kỳ trên nhật báo Gấu cứ nghĩ là sáng tác. Và là sáng
tác độc nhất của HHT
NỔ NHƯ TẠC ÐẠN
Posted on May 17, 2013 by hoanghaithuy
Tháng Năm 2013, tôi đọc được trên Internet bài của bạn Nhị Linh – và của một số bạn đọc – viết về truyện Phơi-ơ-tông Nổ Như Tạc Ðạn của tôi.Nhị Linh: Hoàng Hải Thủy và Nổ Như Tạc Ðạn
Hoàng Hải Thủy (tức Công Tử Hà Ðông) rất đặc biệt, và là nhà văn vô cùng được mến mộ. Ông từng thế chỗ Vũ Mộng Long tức Duyên Anh tức Thương Sinh, một thần tượng khác của miền Nam một thuở, tại báo Con Ong, lúc Duyên Anh chuyển sang làm cho tờ Tuổi Ngọc; cả Con Ong lẫn Tuổi Ngọc đều là những ấn phẩm từng “sáng dội miền Nam”, đến nay vẫn còn sinh động trong tâm trí rất nhiều độc giả.
Hoàng Hải Thủy: Tôi viết rõ: Không bao giờ tôi “thế chỗ Duyên Anh” trong tuần báo Con Ong. Không ai có thể “thế chỗ” Duyên Anh trong Con Ong. Khi Duyên Anh làm chủ bút Con Ong, anh viết bao sân, tức với nhiều bút hiệu anh viết gần như tất cả những bài trong Con Ong. Mình anh viết Con Ong. Anh không cần ai khác. Thời ấy theo tôi nhớ chỉ có Dê Húc Càn được DA mời viết mục “Cà Kê Dê Ngỗng.” DA bỏ Con Ong để làm chủ nhiệm-chủ bút tuần báo Tuổi Ngọc, chủ nhiệm Con Ong Minh Vồ mời vài người viết cho Con Ong; trong số có tôi. Tôi chỉ viết cho Con Ong có một trang. Dường như tên bài viết năm xưa ấy của tôi là “Nói Láo Mà Chơi, “ký tên Công Tử Hà Ðông và Gã Thâm. Cái tên Công Tử Hà Ðông có từ năm đó – khoảng năm 1968 – Duyên Anh Thương Sinh bỏ đi, Con Ong không còn là Con Ong nữa. Bài vở trên Con Ong không ra làm sao cả, Con Ong sống èo uột với cái dư danh của nó.
Nhị Linh: Hoàng Hải Thủy đứng ở giữa hai lĩnh vực: sáng tác và dịch thuật, phần quan trọng nhất trong văn nghiệp Hoàng Hải Thủy là phóng tác.
Hoàng Hải Thủy: Tôi chuyên phóng tác. Rõ hơn tôi “Việt Nam Hoá tiểu thuyết Âu Mỹ.” Tôi làm cho truyện tiểu thuyết Âu Mỹ trở thành truyện tiểu thuyết Việt Nam, chuyện xẩy ra trên đất Việt với nhân vật là người Việt. Tôi thấy đại đa số người Việt thời tôi viết truyện phơi-ơ-tông – những năm 1960 – chưa một lần dùng tô-lô-phôn, chưa một lần lên xuống thang máy, đi máy bay, ngụ phòng máy lạnh. Những người này đọc truyện thấy khó hiểu khi trong truyện có việc dùng điện thoại, lên xuống thang máy. Khi truyện khó hiểu họ không đọc. Tôi chủ trương viết truyện giải trí cho đồng bào tôi. Giải trí là một nhu cầu của con người. Giải trí là một chức năng của văn nghệ. Tôi muốn mang lại cho người đọc truyện tôi những giây phút họ tạm quên cuộc sống khó chịu quanh họ. Tôi thấy người đọc khó nhớ, khó hiểu, khó chịu khi đọc truyện nào nữ nhân vật lúc tên là Liz, lúc tên là Lizzie, vài trang truyên sau là Elizabeth. Tôi phải tìm những tiểu thuyết Âu Mỹ nào có cốt truyện có thể xẩy ra được với những người Việt Nam, xẩy ra trên đất Việt Nam. Tôi cho Ðỉnh Gió Hú, Kiều Giang xẩy ra ở Ðàlạt, Tìm Em nơi Thiên Ðường xẩy ra ở Huế, Người Vợ Mất Tích xẩy ra ở Sài Gòn. Ðen Hơn Bóng Tối và Như Chuyện Thần Tiên xẩy ra ở Ðà Nẵng, Dữ Hơn Rắn Ðộc xẩy ra ở Ðàlạt, Ðà Nẵng.
Những năm 1960 tôi thường vào tiệm sách, khi tiệm có sách mới, mua một lúc 5, 6 quyển tiểu thuyết detective. Ðêm, tôi nằm đọc truyện, tôi đọc để thưởng thức truyện. Khi thấy truyện nào hay, có thể phóng tác được, tôi để riêng một chỗ. Vài tháng sau lấy truyện ra đọc lại, vẫn thấy hấp dẫn, khi đó tôi mới quyết định sẽ phóng tác quyển đó. Truyện nào tôi đọc lại vẫn thấy hấp dẫn, tôi mới có thể làm thành truyện hấp dẫn người đọc. Vì đọc kỹ truyện, khi phóng tác, cốt truyện đã thành cốt truyện của tôi. Tôi thấy những tiểu thuyết Âu Mỹ hiện đại đã được những chuyên viên Editor đọc, cắt xén, thêm bớt thật hoàn hảo nên khi phóng tác tôi bỏ qua sự kiện nào là sau đó truyện sẽ mất hay, tôi thêm sự kiện nào là chuyện thừa, chỉ là việc tô vẽ hoa hoè, hoa sói không cần thiết. Nhiều truyện tôi có thể làm như là truyện tôi sáng tác, nhưng tôi thấy làm thế là không lương thiện, nên tôi vẫn để là Truyện Phóng Tác, ghi rõ như “Chiếc Hôn Tử Biệt. Nguyên bản A Kiss before dying của Ira Levin. Kiều Giang. Nguyên bản Jane Eyre của Charlotte Bronte.”.
Tôi có dịch Tình Trong Chiến Hào, nguyên bản Svastopol của Tolstoy, và Tầng Ðầu Ðịa Ngục, nguyên bản The First Circle của Solzhenitsyn. Tôi dịch – có bỏ bớt một số chương – tiểu thuyết One Hundred Years of Solitude cuả Marquez. Truyện dịch xong nhưng bị Bộ Thông Tin – Bộ Trưởng Hoàng Ðức Nhã – không cho xuất bản. Lý do vì Marquez giao du thân thiết với Castro, Cuba, và phản đối việc Quân Mỹ vào Việt Nam. Tôi rất tiếc công sức của tôi khi dịch tiểu thuyết One hundred years of Solitude của Marquez.
Nhị Linh: Nổ Như Tạc Ðạn có lẽ là tác phẩm phóng tác được nhắc đến nhiều của Hoàng Hải Thủy.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời sưu tầm sách của tôi liên quan đến Hoàng Hải Thủy: có lần tôi nhìn thấy quyển “Môi Thắm Nửa Ðời” có chữ ký của Hoàng Hải Thủy ở chợ sách vỉa hè sau 1975, chỉ vì tần ngần do dự mất một lúc mà sau đó quyển sách đã mất tăm hơi không sao tìm lại được, ba năm rồi thỉnh thoảng nhớ lại tôi vẫn còn tiếc.
Tôi muốn đi sâu vào một tác phẩm rất nổi tiếng của Hoàng Hải Thủy, thậm chí nhan đề còn giống như một “thành ngữ mới”: “Nổ như tạc đạn,” tôi muốn tìm hiểu những gì xung quanh tác phẩm đồng thời cũng tìm hiểu về cách thức viết văn của nhà văn hồi ấy, rồi cách xuất hiện của tác phẩm, những yếu tố ngày nay hẳn rất xa lạ với tuyệt đại đa số độc giả.
Nổ Như Tạc Ðạn xuất bản năm 1964, nhưng trước đó, NNTÐ đã được đăng feuilleton trên báo. Tôi nhờ hỏi thì nhà văn Hoàng Hải Thủy cho biết đây là truyện phóng tác đầu tiên của ông, ông nhớ là đã đăng truyện trong khoảng 1955-1956 trên tờ Ngôn Luận.
Tìm đi tìm lại mãi trên những tờ truyện Nổ Như Tạc Ðạn tôi cắt từ báo ra để dành đọc lại thì thấy đúng đây là tờ Ngôn Luận, nhưng niên đại thì nhà văn nhớ sai: chính xác là truyện NNTÐ được đăng trên Ngôn Luận năm 1962, như một số mẫu quảng cáo cho thấy, và rõ hơn là lời tác giả ghi ở cuối truyện:
Lời ghi là “Viết xong Tháng Mười năm 1962.” Có vẻ như truyện được loan là truyện đăng tiếp “Ði TìmTình Yêu” Hoàng Hải Thủy sau đã không viết, hoặc đã đổi tên.
Ðây chính là một đặc điểm nổi bật của truyện phơi-ơ-tông: tác giả thay đổi cốt truyện rất nhiều, và trong quá trình viết nhiều khi cốt truyện đi hẳn theo hướng khác với dự định ban đầu.
Tôi nhớ những chương Một, Hai, Ba của Nổ Như Tạc Ðạn chẳng có liên quan gì đến nội dung truyện. Gần đây, khi đưa Nổ Như Tạc Ðạn lên trang web riêng của mình, nhà văn Hoàng Hải Thủy đã bỏ đoạn ấy đi. Có vẻ như lúc đầu Hoàng Hải Thủy định viết một câu chuyện hoàn toàn khác: về một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Tích có chuyện lằng nhằng với cô con gái (lai) con riêng của vợ.
Từ Chương IV cho đến hết (tức là Chương XXXVI) thì câu chuyện thực sự hoàn chỉnh: Hùng con nhà khá giả gia giáo lọt vào một nhóm bạn ( tất cả chừng 17, 18 tuổi) Hùng ăn chơi, rất James Dean và có triết lý sống tự do tuyệt đối, hư vô chủ nghĩa, coi việc người con gái lấy chồng như là trở thành cái máy đẻ kiêm máy giặt. Hùng có quan hệ tình cảm với Hạnh, rồi hai người cùng Duy ( lý thuyết gia của nhóm) tham gia một vụ “săng ta” (chantage, tức tống tiền). Cụm từ “Nu Ven Va” xuất hiện vài lần, muốn nói đến trào lưu “Nouvelle Vague” Ðợt Sóng Mới. Phong trào mới ở Âu Châu những năm 1960. Cuộc sống của những “enfant terrible” của Sài Thành một thuở được miêu tả rất sinh động trong Nổ Như Tạc Ðạn.
Nhưng Hoàng Hải Thủy cũng cho biết, Nổ Như Tạc Ðạn là truyện phóng tác, và nhớ ông phóng tác từ truyện tên là “Après moi le déluge” nằm trong Série Noire của Pháp, nhưng không nhớ gì thêm. Tìm quyển sách này không phải dễ, vì nhan đề của nó là một thành ngữ rất nổi tiếng do câu nói của Vua Pháp Louis XIV.
Hì hục mãi cuối cùng tôi cũng tạm tin là mình đã tìm ra “nguồn”: cuốn sách Hoàng Hải Thủy đã đọc rồi từ đó phóng tác ra tên là Après moi le déluge (tên gốc tiếng Anh: Sabotage), đứng số 101 trong Série Noire, xuất bản năm 1940, tác giả là Cleve Franklin Adams, nhà văn Mỹ sinh năm 1884 ở Chicago, mất năm 1949 ở California.
Ðặc biệt, nhìn kỹ vào bản in báo, có thể thấy một số đoạn trắng, chắc hẳn là kiểm duyệt đã cắt bỏ những chi tiết quá nóng bỏng, bản sách sau này cũng không khôi phục được.
Hoàng Hải Thủy: Xin thưa: những đoạn trắng trong trang truyện – như quí vị thấy trong hình đi kèm bài này – không phải là “bị Bộ Thông Tin kiểm duyệt.” Thời xưa ấy Bộ Thông Tin VNCH không kiểm duyệt tiểu thuyết. Khi thấy tiểu thuyết đăng báo nào có luận điệu chống chính quyền, ca tụng cộng sản hay khiêu dâm, nhân viên kiểm duyệt Bộ Thông Tin làm báo cáo, ông Giám Ðốc Nha Báo Chi, ông Ðổng Lý Bộ Thông Tin sẽ nói chuyện ấy với ông chủ nhiệm báo. Cột báo bị trắng đoạn cuối là do tác giả viết thiếu bài. Bọn thợ viết phơi-ơ-tông chúng tôi gọi việc để trắng một cột báo là “mất một ống quần,” để trắng nguyên phần đăng truyện là “ở truồng” – tiếng Pháp là sauter – anh thợ viết nào sốt-tê truyện, tức không đưa truyện, hai, ba lần là bị nhà báo cúp truyện, thay vào truyện của thợ viết khác.
Tôi cũng vào Internet tìm quyển “Après moi, le déluge” và thấy có sự rắc rối: Internet ghi “Après moi, le déluge” tác giả là Cleve F. Adams, nhưng truyện này không phải là truyện Sabotage của Cleve F. Adams được dịch sang chữ Pháp.
Lâm Vũ. May 8, 2013,
Bài viết của bạn Nhị Linh vô tình đánh “trúng tim đen” của tôi: Nổ Như Tạc Ðạn và Môi Thắm Nửa Ðời là hai tác phẩm của HHT mà thủa teenager tôi mê nhất. Nhưng về mặt “lịch sử” thì hơi ngược, vì tôi chỉ biết đến Mối Thắm Nửa Ðời qua báo, tờ “Chính Luận” thì phải, tôi nhớ khá chắc chắn vì sau “Cách mạng 1/11/1963” tờ Ngôn Luận không còn, và Nổ Như Tạc Ðạn thì tôi đọc sách (mướn!).
Vì lý do nào đó, tôi biết Nổ Như Tạc Ðạn (phần chính) là một truyện phóng tác và cũng nhớ có phần đầu là một câu chuyện “dan díu” – thậm chí có cảnh hiếp dâm thì phải – không dính dáng gì đến câu chuyện chính…
Ngoài ra, tôi thấy đám bạn học (trung học) của tôi, ở lứa tuổi 16, 17 nhiều đứa thích Môi Thắm Nửa Ðời, nhưng thất vọng vì đoạn kết “lãng xẹt”!
Tôi không đồng ý tí nào với nhận định ” HHT từng thế chỗ Vũ Mộng Long tức Duyên Anh tức Thương Sinh” trong tuần báo Con Ong.
Lý do: HHT viết lách có thể trước Duyên Anh, tôi nhớ đã đọc phóng sự Vũ Nữ Sài Gòn trước Ðiệu Ru Nước Mắt. Nhưng điều này dĩ nhiên chẳng chứng minh được gì. Quan trọng hơn là các tác phẩm của HHT và DA nhằm vào hai giới độc giả khác nhau, tuy chủ yếu là thanh thiếu niên, nhưng độc giả HHT là đàn ông con trai nhiều hơn là đàn bà con gái, trong khi DA thì ngược lại. Trên hết, HHT chuyên về phóng tác (tiểu thuyết Âu Mỹ, kể cả truyện Cao Bồi Viễn Tây), DA không liên quan đến lãnh vực này, mà nghiêng về phía sách nhi đồng, cho các “búp bê”… (Ðó là không nói đến chuyện sau 1975).
Nhị Linh, May 8, 2013.
Về tuổi tác, Duyên Anh và Hoàng Hải Thủy gần bằng tuổi nhau – DA sinh năm 35, HHT sinh năm 33 – xuất hiện trên văn đàn cũng không xa nhau mấy, Duyên Anh xuất hiện chừng năm 60. Hai người còn từng xuất hiện chung với tư cách tác giả, ít nhất ở cùng một cuốn sách. Tác phẩm của Duyên Anh không hẳn thiên về “đàn bà con gái”, mà là thiếu niên (chủ yếu con trai). Ở câu nhắc đến cả HHT lẫn DA, ý tôi chỉ nói ở báo “Con Ong” HHT thế chỗ DA, điều này đã được HHT ghi lại một cách rất trân trọng trong một bài viết.
Lâm Vũ. May 8, 2013,
Trước hết tôi xin lỗi về vụ “HHT thế chỗ DA”. Tôi đã đọc quá nhanh, “nhẩy cóc” mất phần cuối của câu văn. Tôi hay mắc lỗi đó chưa chừa được.
Còn về chuyện ai viết cho con trai, ai viết cho con gái, cũng chỉ là chủ quan của tôi thôi. Số là thủa còn teenager, tôi học trường con trai, chẳng thấy đứa bạn nào đọc DA, mà đa số ít nhiều mê “văn” HHT. Trong khi đó, lâu lâu ghé mắt vào Tuổi Ngọc (?) chỉ thấy toàn là các “búp-bê” (đa phần là nữ) um xùm trong đó. Một vài búp-bê Tuổi Ngọc tôi biết sau này thành nhà văn “nữ”, nhưng tôi chẳng nhớ tên các nàng.
Vừa tìm trong wiki, thấy có tiểu sử của DA: “Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý.” Vậy là rõ ràng.
HHT chưa thấy có “entry” trong wiki, chắc vì ông còn sống. Nhưng tôi chắc chắn ông đã có tác phẩm in trước 1960. Trong “Viết và đọc tiểu thuyết” – viết trước 1960 – Nhất Linh đã khen bản dịch Ðỉnh Gió Hú của HHT. Ðại khái NL viết: Ðỉnh Gió Hú là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất kim cổ và bản dịch của HHT cũng rất tuyệt! (Quảng cáo khéo thế thì thôi!)
Tôi không phải ngưòi nghiên cứu, không sưu tầm sách, cũng không gần thư viện lớn. Chỉ dựa vào trí nhớ, nhưng nay thì “thằng” trí nhớ của tôi cũng hết còn tin tưởng đươc.
Hodinhvu. May 8, 2013.
HHT không viết cho tờ Chính Luận. Sau khi hai tờ Sài Gòn Mới và Ngôn Luận bị đóng cửa năm 1964, ông cộng tác với tờ Tiền Tuyến năm 1965.
Trả lời cuộc phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ được đăng trên website gio-o, HHT cho biết ông viết truyện phóng tác cho đối tượng độc giả là… phụ nữ. Chắc ông nói một cách khiêm nhường.
Nhị Linh. May 8, 2013,
Trong “Viết và đọc tiểu thuyết” Nhất Linh nhắc đến bản dịch Ðỉnh Gió Hú của Hoàng Hải Thủy? Chi tiết này hay, tối nay tôi sẽ kiểm tra. Theo tôi nhớ, vì tôi đã đọc “Viết và đọc tiểu thuyết” , thì NL không nhắc đến HHT. Ông ấy nói đến Ðỉnh Gió Hú là nói về bản dịch của chính ông ấy (Nhất Linh..) Thêm một chi tiết: quyển “Viết và đọc tiểu thuyết” được nhà Ðời Nay xuất bản năm 1961, nhưng sách được viết trước đó (1952-1961).
Công Tử Hà Ðông. Viết ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Ngày 4 Tháng Hai Mỹ Năm 2010.
Nổ Như Tạc Ðạn là tiểu thuyết phóng tác đầu tiên của tôi. Các ông văn sĩ nhà nghề gọi quyển truyện thứ nhất của một người viết là “tác phẩm đầu tay.” Tôi viết Nổ Như Tạc Ðạn năm 1956, đăng nơi trang trong Nhật Báo Ngôn Luận.
Chiều nay, buổi chiều mùa đông tuyết trắng trời, trắng đất, trắng cây ở Virginia, tôi viết những dòng chữ này về cái gọi là “tác phẩm đầu tay Nổ Như Tạc Ðạn” của tôi.
1956-2010.. Mèn ơi..! 50 mùa thu lá bay đã qua đời tôi kể từ ngày xưa ấy … Cảm khái cách gì..!!!!
Ngày xưa xa lắm, tôi còn trẻ
Chưa biết đau thương, biết nợ nần.
Ðời chỉ có hoa và mật ngọt,
Da thịt thơm mùi phấn ái ân.
Ngày xưa ấy tôi còn trẻ — 25, 26 tuổi đời — kinh nghiệm phóng tác
tiểu thuyết của tôi chưa có bao nhiêu. Nguyên bản Nổ Như Tạc Ðạn là
truyện nhan đề “Après moi, le déluge” tôi nhớ là tiểu thuyết Pháp
trong Série Noire. Dường như năm xưa ấy truyện được làm thành phim,
phim đen trắng của Pháp, phim cũng lấy tên là “Après moi, le déluge.” Nam nữ
diễn viên trong phim toàn là những người trẻ tuổi. Phim mở đầu cho
phong trào làm phim gọi là Nouvelle Vague của Ðiện ảnh Âu châu.Chưa biết đau thương, biết nợ nần.
Ðời chỉ có hoa và mật ngọt,
Da thịt thơm mùi phấn ái ân.
Từ lâu rồi tôi quên không nhớ chút síu gì về truyện Nổ Như Tạc Ðạn. Năm 1973 bà Cosunam Films mua Nổ Như Tạc Ðạn để làm thành phim. Bà đã trả tiền bản quyền cho tôi nhưng tôi, và tiểu thuyết của tôi, không có duyên với Xi-la-ma, tức với Ðiện Ảnh. Nổ Như Tạc Ðạn để mãi mà không được làm thành phim. Năm 1972 ông Quốc Phong, Giám Ðốc Liem Films, mua Như Chuyện Thần Tiên để làm phim. Ðạo diễn Lê Hoàng Hoa và tôi đã gặp nhau bàn về phim ba, bốn lần, nhưng rồi phim cũng không được làm trước Ngày 30 Tháng Tư Ðen Hơn Mõm Chó.
Ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh.. Năm 2000, con tôi tình cờ tìm được Nổ Như Tạc Ðạn trong một tiệm sách cũ ờ Sài Gòn. Sau 50 năm không nhìn thấy mặt nhau, Nổ Như Tạc Ðạn đến Kỳ Hoa Ðất Trích với tôi. Cảm khái cách gì !.
Cám ơn bạn Nam Phục, bạn Bắc Thần đã đưa Nổ Như Tạc Ðạn lên “hoanghaithuy.com.”
Cám ơn quí vị đã đọc những tiểu thuyết phóng tác của tôi.
HOÀNG HẢI THỦY
Ðây là một đoạn trích trong Nổ Như Tạc Ðạn
Trong một tiệm bán đĩa hát ngoại quốc ở đường Tự Do … Hùng đến tiệm tìm một đĩa nhạc Jazz của Jerry Mulligan. Hôm đó là một chiều thứ bẩy đầu tháng, tiệm đông người ra vào. Tiệm có máy lạnh, đóng cửa kín, nên tiếng nhạc thử đĩa ồn ào làm choáng tai mọi người ở trong tiệm, nhưng hai cô bán hàng vẫn nhanh nhẹn đi lại, lịch thiệp, tươi tỉnh và mát như hai trái cam Triều Châu nằm trong tủ lạnh. Trong số hai cô bán hàng ấy, Hùng có quen một cô. Nàng là em gái một người bạn không thân lắm của chàng. Trông nàng có đôi mắt và miệng cười giống cô đào điện ảnh Grace Kelly.
Chàng hỏi nàng về đĩa nhạc mới của Mulligan. Nàng cười tươi :
– Không có đâu anh Hùng ạ. Các đĩa nhạc Jazz khó bán ở Sài Gòn lắm. Mỗi lần về chỉ có chừng vài đĩa. Hiện bây giờ thì chẳng còn đĩa Mulligan nào hết …
Thất vọng, Hùng tần ngần đứng trước những chồng đĩa hát sặc sỡ đủ màu, trong lúc nàng “Grace Kelly” của chàng tiếp một ông khách khó tánh đang đòi nghe tất cả những đĩa nhạc mới nhất của Dalida.
Chàng dở từng chiếc đĩa hát trên giá gỗ ra coi. Chàng không hy vọng là nàng “Grace Kelly” nói sai, nhưng sự thực là trong số đĩa nhạc Zazz không có đĩa nào của Jerry Mulligan. Chàng thích chơi đĩa. Chàng thích các đĩa hát đẹp cũng như chàng thích các quyển sách đẹp. Ðược ở trong một hiệu sách hay một tiệm đĩa hát có nhiều hàng mới về, chàng có cái cảm giác của một anh trẻ con được lạc vào một động núi kho tàng. Chàng thích được cầm, được sờ mó trên những mặt giấy láng in nhiều màu rực rỡ. Chàng thích được nhìn những ngón tay dài, thon, đẹp như tay văn sĩ của chàng, vờn trên những mặt bao điã nhạc bìa cứng.
HHT: Tôi viết Môi Thắm Nửa Ðời trên nhật báo Chính Luận khoảng năm 1970. Tôi không viết chung văn phẩm nào với Duyên Anh. Sang Mỹ tôi thấy một quyển phóng sự được xuất bản, để tên Thương Sinh-Gã Thâm. Quyển này là tập truyện của tôi, người xuất bản chép lại trong Nhật báo Ngôn Luận. Tôi không nhớ tên truyện. Tôi có quyển đó. Nó nằm đâu đó trong tủ sách của tôi. Nhưng nay muốn có tên nó, tôi phải chổng mông tìm nó trong các ngăn tủ, có khi tìm cả giờ mới thấy nó. Mất hứng viết.
Tôi không được gặp ông Nhất Linh lần nào. Sau khi tôi phóng tác The Wuthering Heights của Nữ sĩ Emily Bronte thành Ðỉnh Gió Húđăng phơi-ơ-tông trên nhật báo Ngôn Luận và xuất bản thành sách; ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt nói với tôi:
“Ông Nhất Linh ông ấy dịch Les Hauts des Hurlevents, ông ấy nói “Có thằng nào nó lấy cái tên Ðỉnh Gió Hú của tôi. Bực quá.”
Nghe nói, tôi ngẩn ngơ mất nửa phút. Rồi tôi nói:
“Ông ấy dịch, tôi phóng tác. Ai dịch hay phóng tác Les Hauts den Hurlevents cũng thấy cái tên Ðỉnh Gió Hú là hay nhất. Cái tên Ðỉnh Gió Hú đâu phải là do ông ấy đặt ra.”
Tôi phóng tác The Citadel của A.J. Cronin thành “Ði Tìm Người Yêu.” Truyên này đăng trên nhật báo Ngôn Luận, sau đó được xuất bản thành sách.
Khi viết Nổ Như Tạc Ðạn tôi có ý định sáng tác, nhưng thấy vất vả và không có hứng, tôi chuyển ngang sang truyện phóng tác. Khi đó tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về việc phóng tác tiểu thuyết.
o O o
Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Ngày 10 Tháng 5, 2013.Tôi – Hoàng Hải Thủy – cám ơn các bạn đã viết về tôi và tiểu thuyết Nổ Như Tạc Ðạn. Tôi cảm động khi thấy các bạn viết về tôi, các bạn nhớ về tôi và những truyện tôi viết trong 60 năm qua còn hơn những gì tôi nhớ về tôi và những tiểu thuyết phóng tác của tôi.
Tôi cám ơn bạn Nhị Linh. Bạn đã cất giữ những trang Nổ Như Tạc Ðạn do bạn cắt trên báo từ năm 1960 cho đến nay – 2013 – là 53 năm. Nhìn trang báo 50 năm trước, tôi cảm khái cách gì.
Cám ơn các bạn.
Comments
Post a Comment