talawas:
Thưa anh Đinh Bá Anh, tạp chí văn nghệ eVăn hàng ngày đến với độc giả
từ 15.12.2003, rồi bỗng nhiên dừng lại ở ngày 29.4 năm nay. 10 ngày sau,
tức ngày 9.5, nó được cập nhật trở lại với một phong cách khác hẳn.
Chuyện gì đã xảy ra với eVăn?
Đinh Bá Anh (ĐBA): Anh Trần Tiễn Cao Đăng và tôi, hai người biên tập trang eVăn từ ngày đầu, đã thôi làm eVăn. Hiện nay nó được thực hiện bởi một
team khác. Và nó đang đi theo một hướng khác.
talawas:
Hướng trung thành với phong cách truyền thống của
VnExpress? Bài vở chủ yếu lấy từ các nguồn khác, với một lời ghi xuất
xứ rất đúng kiểu VnExpress, chẳng hạn „Theo Thanh Niên“. Vì sao eVăn mà
anh và anh Cao Đăng đã chọn sinh vào cái nôi ấy của VnExpress? Hay nói
đúng hơn, VnExpress đã gửi hi vọng gì vào eVăn khi cho phép nó không
giống mẹ?
ĐBA: Khi nhận làm eVăn, chúng tôi đã thỏa thuận rằng, eVăn sẽ
có phong cách riêng, và tôi sẽ là người quyết định phong cách ấy. Đấy
là lý do và cũng là điều kiện để tôi yên tâm gửi mình vào cái nôi ấy. Và
chúng tôi đã giữ được phong cách của eVăn đến ngày ra đi. Về phía
VnExpress, thì phải công bằng mà nói rằng, họ đã kỳ vọng vào eVăn và đã
tạo những điều kiện tốt để chúng tôi làm việc. Có điều sau này - đây là ý
kiến cá nhân của tôi - họ thấy eVăn ngày càng xa lạ với họ, và điều
quan trọng, họ thấy nó không hiệu quả. Và đây là điều sâu xa nhất tôi
muốn nói: họ đã không tưởng tượng ra eVăn, không hình dung nó sẽ như
thế. Dĩ nhiên đây cũng là lỗi về phía tôi, vì tôi đã không nghĩ được xa
đến như vậy.
talawas: Không ít tờ báo tại Việt Nam thực hiện hoặc bị
thực hiện động tác "tự đình bản". Có những tờ bị đóng cửa một thời gian,
sau đó lại được mở cửa, lí do vì sao thì chỉ có bên trong biết. Báo chí
ở Việt Nam có cảm thấy nợ ở độc giả và các tác giả từng cộng tác với
mình một lời giải thích về sự tồn tại hay không tồn tại của mình không?
ĐBA: Báo chí Việt Nam là một phạm trù rộng và có lịch sử lâu
dài, nó ôm trong mình những rắc rối không dễ lý giải trong một bài phỏng
vấn. Còn chuyện nợ độc giả? Vâng, riêng tôi thì có thấy, vì vậy, bài
trả lời phỏng vấn này có thể coi như một cách trả nợ.
talawas: eVăn mới "ra ở riêng" được chưa đầy nửa năm, hành động tách riêng này có phải là một trong những lí do khiến nó gặp trở ngại?
ĐBA: eVăn là một chuyên trang của VnExpress, trước nay vẫn
vậy. Nó chỉ ra ở một địa chỉ riêng để thuận tiện cho việc quản lý tư
liệu. Nói chung, mở một chuyên trang với tên miền riêng là điều bình
thường ở các báo điện tử, và không gây trở ngại gì thực sự.
talawas: Ban biên tập chính của eVăn ở thời của anh gồm bao nhiêu người?
ĐBA: Hai người. Trần Tiễn Cao Đăng và tôi.
talawas: Anh là một trong những người sáng lập eVăn?
ĐBA: Vâng. Khi tôi được mời trở lại VnExpress tháng 9.2003 để
làm eVăn (trước đó tôi đã có thời gian làm biên tập cho trang Khoa học
của VnExpress), chúng tôi chưa có gì. Tất cả còn trong dự định. Lúc ấy
anh Ngô Tự Lập giới thiệu anh Trần Tiễn Cao Đăng cho VnExpress, và đấy
cũng là lần đầu tiên tôi gặp anh Cao Đăng. Lập tức tôi tìm được ở anh
một người bạn cùng chí hướng; và phải nói rằng, eVăn đã không thể ra đời
và duy trì suốt thời gian qua nếu không có anh Cao Đăng. Chúng tôi làm
thành một
team ăn ý. Thời gian này, chúng tôi được sự trợ giúp
nhiều về ý tưởng (nhất là trong mảng thơ) của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hồi
đó, Minh còn là phóng viên của VnExpress ở trong Nam. Nhưng vì một số sự
cố, anh đã sớm rời VnExpress và chỉ có thể làm việc với chúng tôi như
một cộng tác viên. Tóm lại, sáng lập eVăn có anh Trần Tiễn Cao Đăng,
tôi, và tất nhiên, vai trò của anh Thang Đức Thắng, tổng biên tập
VnExpress, sếp của chúng tôi, là quan trọng. Anh là người chủ trương cho
eVăn ra đời và có nhiều góp ý về xây dựng diện mạo trang cho phù hợp
với các chuẩn mực của báo chí hiện đại. Tiếc rằng sau này, chúng tôi
thường không thống nhất được với nhau về quan điểm làm báo văn nghệ, và
bây giờ thì không còn đi chung đường nữa.
talawas: Và anh đã đi đến quyết định thôi việc tại eVăn?
ĐBA: Trả lời câu hỏi này là điều không dễ dàng, dễ sa vào
những tiểu tiết dẫn tới hiểu lầm. Vậy xin nói ngắn gọn: VnExpress và tôi
đã không còn tìm được tiếng nói chung trong công việc, không còn chung
định hướng và tiêu chí đánh giá về sự thành công của eVăn. Cũng có thể
hiểu rằng, tôi đã không thỏa mãn được những mong đợi của họ.
talawas: Khi bước vào hoạt động, anh hình dung eVăn sẽ phải và có thể trở thành một tờ báo/tạp chí/diễn đàn như thế nào?
ĐBA: Thực ra, khi nhận lời làm eVăn, tôi mới chỉ có một định
hướng chung về một diễn đàn văn nghệ tiến bộ và dân chủ. Và phải một
thời gian sau khi bắt tay vào việc, tôi mới dần định hình được một
vision
rõ rệt. Tôi hình dung, eVăn sẽ gồm hai phần, tạm gọi là: phần nền và
phần động. Phần nền sẽ là một kho dữ liệu tích hợp các nguồn tri thức
tinh hoa nhất trên thế giới. Để xây dựng kho dữ liệu này, trước tiên cần
có một bản đồ. Bản đồ này sẽ liệt kê những cuốn sách quan trọng nhất
trong hành trình tri thức nhân loại, những cuốn sách có ảnh hưởng quyết
định hoặc đáng kể tới cách nhìn thế giới và con người, từ Khổng, Lão,
Plato, Aristote,... cho tới các học giả đương đại. Tất cả những cuốn
sách này đều được giới thiệu ngắn về nội dung cũng như ý nghĩa. Cuốn nào
chưa được dịch ra tiếng Việt sẽ đánh màu đỏ, đã được dịch ra tiếng Việt
sẽ đánh màu xanh. Như vậy, nhìn vào Bản đồ này, người Việt ở mọi nơi
trên thế giới sẽ biết được 3 điều: 1) Thiên hạ có gì; 2) Chúng ta có gì;
và 3) Chúng ta chưa có gì. Bản đồ này cũng giúp các dịch giả tránh dịch
trùng lặp, hoặc tham khảo bản dịch cũ nếu muốn dịch mới. Cuốn nào đã có
bản tiếng Việt, nếu xin được bản quyền, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ nội
dung để bạn đọc có thể tra cứu trên trang. Cuốn nào chưa dịch, chúng tôi
sẽ có đường
link đến càng nguồn tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng
nguyên bản. Kho dữ liệu này sẽ được xây dựng dần theo thời gian, và tôi
hình dung, với một định hướng đúng về tiếp nhận tri thức của chính phủ
và với sự phát triển của ngành xuất bản, trong khoảng 10-15 năm, eVăn sẽ
có được kho dữ liệu lớn. Trong quá trình xây dựng, cập nhật, eVăn chắc
chắn sẽ cần đến sự góp sức của hàng trăm trí thức trong và ngoài nước và
sẽ tạo được một diễn đàn sôi động. Tôi cũng không lo lắng về số lượng
người truy cập và khả năng quảng cáo (nguồn quảng cáo chủ yếu sẽ đến từ
giới xuất bản và các công ty văn hóa), vì tin rằng, những nhà nghiên
cứu, văn nghệ sĩ, sinh viên các ngành sẽ truy cập vào kho dữ liệu. Và
con số này sẽ không nhỏ.
[1]
Phần động sẽ là một diễn đàn văn nghệ, tất nhiên, sẽ không chỉ bó
hẹp trong văn chương, mà sẽ mở rộng ra các lĩnh vực tri thức liên quan.
Nó có thể kế thừa diện mạo của trang eVăn hiện nay: giới thiệu tác phẩm
mới, phê bình, tranh luận văn nghệ, v.v. Và ở phần này, chúng tôi cũng
sẽ lập một tủ sách riêng về văn chương và phê bình văn học.
Để khởi động, chúng tôi lựa chọn mô-đun thứ hai, bởi nó là phần
động, có thể lập tức thu hút sự chú ý của độc giả và sự cộng tác của
giới trí thức văn nghệ sĩ. Vả lại, điều kiện về nhân sự và quỹ tài chính
dành cho eVăn cũng giới hạn, chúng tôi phải sớm chứng minh được sự
thành công mới có thể nhận được sự ủng hộ để xây dựng những mô-đun tiếp
theo. Thực ra, chương trình "Bản đồ tri thức" là cái tôi mới hoàn tất và
đệ trình sau này, khi mà eVăn đã gặp phải một loạt những sự cố khiến
các nhà đầu tư không mấy hài lòng, thêm vào đó, quan điểm văn nghệ và
tiêu chí đánh giá thành công của các bên ngày càng xa nhau. Tôi rất
tiếc.
talawas: Để so sánh với slogan „Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội!“ của báo Văn nghệ, vì sao eVăn chọn "Tinh thần thế giới"?
ĐBA: "Tinh thần thế giới" được gợi hứng từ chữ
Weltliteratur
(Văn học thế giới) của J.W. Goethe. Trong bức thư gửi Streckfuss ngày
27.1.1827, Goethe viết: "Tôi tin rằng có một nền văn học thế giới đang
hình thành, rằng mọi dân tộc đều hướng đến nó và bởi thế, họ đều vui
lòng nhích lại. Dân tộc Đức đặc biệt có thể và cần góp ảnh hưởng của
mình; nó sẽ phải có một vai trò đẹp đẽ trong cuộc hội ngộ lớn này."
[2]
Trong một cuộc trao đổi với Eckermann ngày 31.1.1831, Goethe cũng
lặp lại ý này, nhưng quyết đoán hơn: "Ngày nay văn học dân tộc không còn
nói được gì nhiều nữa, bởi kỷ nguyên của văn học thế giới đang tới, và
lúc này, mỗi chúng ta cần nỗ lực để thúc đẩy tiến trình đó."
[3]
Với
Weltliteratur, Goethe chủ trương rằng, các nền văn học dân tộc đơn lẻ tuy có bản sắc riêng nhưng đều có cội rễ tinh thần chung.
[4]
Chính nhờ cái cội rễ chung ấy mà các nền văn học dân tộc có thể tìm
đến nhau và thấu hiểu lẫn nhau. Nhà văn cần chủ động vươn ra thế giới để
tiếp nhận những đặc sắc của các dân tộc khác rồi trở về làm mới cái đặc
sắc riêng của mình. Bằng cách đó, nhà văn cũng làm giàu cho văn học thế
giới. Như vậy, văn học thế giới không hề loại trừ bản sắc riêng của văn
học dân tộc; ngược lại, văn học dân tộc có thể tìm thấy ở văn học thế
giới những giá trị tinh hoa và phổ quát nhất để vun đắp cho bản sắc của
mình. Chính Goethe cũng là người đi tiên phong cho quan niệm này. Ông đã
nhiệt thành tiếp thu những di sản của Hồi giáo, của văn học Cận đông,
và ông đã tìm thấy cảm hứng ở nhà thơ Ba Tư Hafis để viết những vần thơ
tiếng Đức trác tuyệt trong
West-Östlicher Divan.
[5]
Nếu Hegel được coi là người đã đưa triết học Đức hòa vào triết học
thế giới thì Goethe chính là người đã đưa văn học Đức chảy vào nguồn
chung của văn học nhân loại.
Weltliteratur được coi là di chúc tinh thần của Goethe, là tâm nguyện lớn nhất mà thi hào muốn gửi tới chúng ta. Gần hai thế kỷ qua,
Weltliteratur trở thành đề tài cho vô số nghiên cứu, tranh luận và là niềm hứng khởi cho hàng trăm nhà văn, nhà thơ lớn.
Weltliteratur là di sản thế giới, và hôm nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa, nó vẫn còn nguyên tính thời sự.
Khi làm eVăn, chúng tôi đã cân nhắc nhiều về việc nên tìm cho nó cái
tinh thần gì. Và cuối cùng, "Tinh thần thế giới" đã được chọn lựa.
Thông điệp của eVăn là: Văn học Việt Nam cần tìm đến những nguồn suối
tinh thần của nhân loại; nhà văn Việt Nam cần chủ động nhìn ra thế giới,
tiếp nhận những cái tinh hoa của họ để xây dựng cái bản sắc riêng của
mình. Chỉ như thế, chúng ta mới nâng được bản sắc của mình lên tầm thế
giới, mới có cơ may đóng góp được cái gì đó thực sự mới mẻ và đáng kể.
Đấy cũng là cơ may duy nhất để thế giới biết đến chúng ta. Hãy khoan hỏi
tại sao văn học thế giới không biết đến văn học Việt Nam, hãy hỏi rằng,
văn học Việt Nam đã làm gì cho văn học thế giới.
Khi treo biển "Tinh thần thế giới" mà không có lời giải thích nào,
quả thực chúng tôi cũng mong rằng sẽ có độc giả đặt câu hỏi để chúng tôi
có dịp trả lời trên eVăn. Nhưng suốt 16 tháng qua, đã chẳng có một câu
hỏi nào hết. Như vậy, hoặc là tất cả những người đọc eVăn đều hiểu "Tinh
thần thế giới" nghĩa là gì, hoặc mỗi người đã tự tìm cho mình một cách
hiểu riêng; hoặc, cũng có thể, họ chẳng mấy tò mò. Không đặt câu hỏi thì
sẽ không có câu trả lời, nhưng như thế, chúng tôi thành thực tin rằng,
phần lớn độc giả eVăn đã không hiểu "Tinh thần thế giới" theo đúng dụng ý
của chúng tôi.
Về
slogan "Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội!" của
Văn nghệ:
nó phản ánh chính xác bản chất của nền văn nghệ chính thống - văn nghệ
như một công cụ. Nghĩa là nó không có giá trị tự thân, không có bản sắc,
có thể tráo đổi nó cho một tờ báo công an hay quân đội cũng chẳng có gì
khác biệt. Nhưng nó tồn tại, và vì thế, nó không phi lý; nó hợp lý
trong hệ thống của nó.
talawas: Sau một thời gian 16 tháng phụ trách trang này, anh có cảm thấy eVăn đã đạt được, hay thậm chí vượt những hình dung của anh?
ĐBA: eVăn là một tờ báo tồn tại ở môi trường Việt Nam, bởi
thế nó rất khó vượt thoát được những luật định ngầm của thế chế cũng như
những ràng buộc và hệ lụy của xã hội. Nhưng nếu được kể ra một điểm gọi
là thành công, thì tôi thấy rằng, chúng tôi đã triệt để loại bỏ được
cái không khí văn nghệ có tính hội hè, ma chay điếu đóm, hoặc mượn sân
văn nghệ để chiêu đãi bạn bè. Chúng tôi chưa bao giờ bị lung lạc bởi
những mối quan hệ, thân hay sơ, cấp tiến hay bảo thủ, hữu danh hay vô
danh. Ở Việt Nam, để làm được điều đó, anh phải bám chặt vào các nguyên
tắc và phải chấp nhận bị coi là kẻ đáng ghét. Và nếu được kể thêm một
điểm thành công nữa, thì tôi thấy rằng, chúng tôi cũng loại bỏ được cái
lối tư duy quân bình vùng miền, kiểu đã có A thì nhất định phải có B, đã
có Thơ trẻ Sài Gòn thì phải có Thơ trẻ Hà Nội hoặc Đồng bằng sông Cửu
Long. Chỉ cần dứt khoát làm được hai điều đó thôi, anh đã thoát được cái
phong cách "báo tường" của các trang báo văn nghệ trong nước.
Nhưng như thế thì cũng chẳng đáng kể. Mười sáu tháng qua, eVăn đã
làm được gì? Chúng tôi thực hiện một số chuyên đề, giới thiệu được một
số tác giả mới, một số tác giả kinh điển, tổ chức dịch được một số tiểu
luận văn học có giá trị, cập nhật được một số tin tức văn nghệ... Song,
nói trung thực, eVăn đã không đạt được những mục tiêu trong hình dung
của tôi.
talawas: So với các websites hải ngoại, eVăn có lợi thế
hơn hẳn về điều kiện hoạt động: trực tiếp đóng đô tại Hà Nội, trung tâm
giao tiếp với giới văn nghệ và trí thức, trực thuộc một cơ quan do nhà
nước chủ quản, không bị rào cản kĩ thuật, không bị rào cản tâm lí cho
các cộng tác viên. Theo anh đánh giá, eVăn gây được uy tín ít nhất là
cho giới văn học trong nước ở mức nào?
ĐBA: Tôi nghĩ là đáng kể, nhất là trong giới văn nghệ sĩ cấp
tiến, giới hàn lâm và sinh viên văn khoa. Chính tôi đã được đọc những
luận văn, những bài nghiên cứu ở trường đại học và Viện Văn học sử dụng
tư liệu của eVăn. Những bạn đọc văn chương nghiêm túc nói rằng họ thấy ở
eVăn một diễn đàn có thể tin tưởng được. Chúng tôi nhận được nhiều
e-mail khen ngợi, có những cái khen không tiếc lời. Khi nhận được những
e-mail ấy, chúng tôi thường viết thư cảm ơn, nhưng không công bố trong
mục Thư độc giả. Ngược lại, trong giới hạn cho phép, chúng tôi không
ngần ngại công bố những e-mail chỉ trích hoặc châm biếm tòa soạn.
talawas: Một tờ báo đã in và phát hành thì không ai xoá
nổi một bài nhất định trong đó nữa, nhưng báo điện tử thì có thể xoá
hoặc thay đổi bài bất kì lúc nào. Chính vì thế, mỗi khi xoá hay thay đổi
bài, báo điện tử, nhất là báo văn nghệ, nên có thông báo, đính chính,
cáo lỗi cần thiết. eVăn từng bỗng nhiên hôm trước hôm sau xoá bài vừa
đăng mà không có giải thích gì, chẳng hạn bài của Nguyễn Phượng viết về
thơ Trần Dần?
ĐBA: Một câu hỏi rất chính đáng. Báo in phát hành ra rồi,
không thể xóa bài, nhưng người ta có thể thu hồi số báo ấy. Tất nhiên,
một vài người đã kịp mua nó, và văn bản ấy đã tồn tại, có thể được
photocopy.
Báo điện tử có thể xóa bài, nhưng với một xác suất rất cao, một độc giả
nào đó đã kịp lưu giữ nó, và văn bản ấy cũng tồn tại, có thể được phát
tán qua e-mail. Như vậy, bản chất của vấn đề không khác nhau.
Có lần theo dõi BBCnews online, chúng tôi thấy họ đăng một tin nói
rằng có mấy trăm người chết trong một cuộc nổi loạn ở Tây Nguyên, nhưng
sau đó vài tiếng đồng hồ, bài báo được kéo xuống, không một lời giải
thích. Vấn đề ở đây là gì? Là sự mâu thuẫn giữa tốc độ đưa tin và độ tin
cậy của tin tức. BBC thấy rằng, họ nhận được một tin giá trị, dù có thể
chưa chính xác lắm, song họ muốn đi trước các hãng thông tấn khác, càng
nhanh càng tốt. Khi phát hiện tin sai, họ kéo xuống. Cũng có trường
hợp, họ không kéo cả bài mà chỉ sửa lại một số chỗ cho đúng với sự thật.
Trong báo chí hiện đại, nhất là ở các báo điện tử, những sự cố như thế
xảy ra nhiều hơn ta tưởng. Về lý thuyết, với mỗi sự cố này, người ta đều
có thể đăng một đính chính hoặc cáo lỗi. Nhưng như vậy e là phải đính
chính hoặc cáo lỗi quá nhiều, vì thế họ bỏ qua. Bạn đọc có thể ngầm hiểu
rằng, tin ấy không chính xác và ban biên tập đã sửa lỗi.
Nói một cách công bằng, phần nhiều những tin bài bị kéo xuống ở báo
điện tử Việt Nam cũng thuộc loại trên. Nhưng đó là vấn đề của các báo
chuyên về tin tức. Khi làm eVăn, vì hiểu tính chất đặc thù của một tạp
chí văn nghệ, chúng tôi đã rất chú trọng đến tính nguyên bản. Các bài đã
đăng, nếu được sửa đổi ở một mức độ đáng kể (ngoại trừ các lỗi nhỏ như
lỗi chính tả hoặc những câu chữ không thực sự quan trọng), chúng tôi đều
cố gắng có đính chính. Có lẽ eVăn là trang báo điện tử duy nhất ở Việt
Nam làm điều đó.
Tôi biết, những điều tôi nói ở trên không phải là những điều mà
người ta muốn nghe, dù nó cũng là một phần của sự thật. Họ muốn biết tại
sao có những bài đột nhiên biến mất mà không có lời giải thích nào cả,
dù trên thực tế ban biên tập có thể (hoặc cần) làm điều đó. Đúng vậy, ở
đây anh có thể cho đăng một thông báo, rằng, bài viết ấy đã không làm
vừa ý
ai đó, vì thế nó bị kéo xuống. Tất nhiên, đó sẽ là một
thông báo quá giật gân, quá hoành tráng, chưa từng có, và chắc chắn sẽ
thoả mãn độc giả ở mức cao nhất. Nhưng về phía
ai đó, sự không vừa ý sẽ càng lớn hơn nữa, và nó sẽ không chỉ dừng lại ở đấy. Chúng ta hiểu rằng, tiếp theo sự không vừa ý sẽ là
những biện pháp. Anh muốn thành Jesus? Cũng được thôi, vấn đề là anh đã chuẩn bị sẵn cho mình cây thập tự chưa.
talawas: eVăn đã đăng và thông tin rất nhiều về văn học
nước ngoài, đặc biệt là văn học hiện đại (theo nghĩa mới, mới nhất). Các
tác giả được giới thiệu hầu hết là những người nổi tiếng. Anh có cảm
giác rằng việc làm này như dã tràng xe cát không, khi mà những khu vực
quan trọng nhất của đời sống văn học đều còn là những pháo đài kiên cố
của tinh thần văn học cách mạng Việt Nam?
ĐBA: Nếu nghĩ thế, người ta sẽ chẳng muốn làm gì nữa. Thực
ra, sau bao năm ngự trị của "văn học cách mạng", chúng ta vẫn còn một
công chúng văn học khác, những người muốn nhìn ra bên ngoài. Chẳng còn
cách nào, phải đặt hy vọng vào họ. Mặt khác, nếu nhìn kỹ, không phải
chúng tôi chỉ giới thiệu những cái mới nhất. Như đã nói, chúng tôi còn
giới thiệu nhiều cái kinh điển nữa.
talawas: eVăn dường như có ý nhấn mạnh rằng mình là một
tạp chí văn học, văn học thuần túy, không trực tiếp dính dáng đến những
vấn đề xã hội chính trị. Anh có tin rằng văn học có thể đứng tách riêng
ra như vậy không?
ĐBA: Nếu eVăn gây cảm giác về một tạp chí "văn học thuần túy"
thì điều đó có nghĩa là nó đã không có lựa chọn khác. Sự phát triển này
hoàn toàn trái với mong muốn của tôi. Đã đành hôm nay, văn học không
phải triết học hay lịch sử, không phải chính trị hay xã hội học: nó có
thể đứng riêng, nhưng nó cũng không phải từ trên trời rơi xuống. Văn học
chịu sự tác động mạnh của những hoàn cảnh chính trị xã hội, và một diễn
đàn văn nghệ tốt cần chạm tới những vấn đề như thế. Nhưng để làm được
vậy, cần tạo được một sân chơi bình đẳng, nơi các vấn đề chính trị xã
hội của văn nghệ được mổ xẻ một cách dân chủ. Không thể cho phép ý kiến A
mà loại ý kiến B, chỉ vì B trái với quan niệm về văn nghệ của Đảng.
Cũng không thể đăng tác giả này mà bỏ tác giả kia, chỉ vì tác giả kia bị
liệt vào sổ đen. Anh có đảm bảo được một sân chơi như thế không? Nếu
không thì anh cũng chỉ thành cái loa tuyên truyền cho một phía mà thôi.
Trong bối cảnh ấy, không còn con đường nào khác là "văn học thuần
tuý". Ít ra ở đây, còn một cánh cửa hẹp để tiếp nhận những vấn đề học
thuật.
Trước nay, có hai ý kiến chỉ trích eVăn mà tôi thấy đúng. Ý kiến thứ
nhất, thì như câu hỏi trên, eVăn gần như lảng tránh những vấn đề chính
trị xã hội. Tại sao, tôi đã nói. Ý kiến thứ hai cho rằng, nó thiếu tính
thời sự, nghĩa là có nhiều sự kiện văn chương hẳn hoi mà nó không đề
cập. Ở đây họ trách chúng tôi lạnh nhạt với các giải thưởng và các hội
thảo, hội nghị văn học trong nước. Lẽ ra phải có bài phỏng vấn, phải có
giới thiệu, hoặc ít ra phải đưa tin. Tôi không phản bác ý kiến này,
nhưng tôi cũng hiểu chuyện hậu trường của những giải thưởng, những hội
nghị, hội thảo ấy. Chính những hậu trường đó mới là những chuyện thối
nát mà chúng tôi cho rằng nên đi vào, nhưng ở đây, chúng tôi cũng gặp
phải những rào cản tương tự: chúng tôi không thể đi vào bản chất, chỉ có
thể gãi ngứa bề ngoài. Nên cũng đành thôi vậy.
talawas: Anh nghĩ thế nào về lời than phiền càng ngày càng
vang lên nhiều hơn, là các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ,
mải mê vào những trò chơi văn chương sang trọng, xa-lông, xảo thuật,
không còn ý thức được, không còn đối diện với những vấn đề của con người
trong một xã hội như Việt Nam hiện tại?
ĐBA: Đây không phải là một lời than phiền nữa, mà với tôi, nó
là một thực tế đáng sợ, là điều gây thất vọng và chán nản khi đọc nhiều
tác phẩm văn chương hiện nay. Họ đang xa lánh hiện thực. Họ rời bỏ
những truyền thống tinh thần đã được Nam Cao và Vũ Trọng Phụng, Nguyễn
Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài xây dựng. Các cây bút trẻ đang có xu hướng
ném các vị tiền bối này vào sọt rác - nhân danh xảo thuật, nhân danh chủ
nghĩa cá nhân, và trên hết, nhân danh sự hèn nhát, sự nông cạn và sự
thiếu nhạy cảm vô bờ bến trước hiện thực xã hội.
Văn nghệ sĩ Việt Nam lâu nay mới chỉ biết đến một kẻ thù, đó là sự
độc tài. Họ chưa thực sự nhìn thấy một kẻ thù khác, một kẻ thù đang tới
nhưng sẽ ngự trị lâu dài, đấy là tư bản. Giờ đây, độc tài và tư bản đang
kết bạn đồng chí như môi với răng. Văn nghệ sĩ chịu sự xiết chặt của
hai vòng kim cô, nhưng họ chưa ý thức được điều đó. Trong cơn kinh
hoảng, họ chui vào những vỏ ốc cá nhân để làm những trò xảo thuật be bé,
và chỉ có thế thôi. Họ chưa sẵn sàng tạo lập cho mình một vị thế trí
thức kiêu hãnh, và họ chưa thành một lực lượng.
Nguyễn Huy Thiệp không phải là một nhà văn mạnh về lý luận, nhưng có
thể tìm thấy rải rác trong những tác phẩm của ông sự băn khoăn về vị
thế của người quân tử. Phạm Thị Hoài có lẽ là nhà văn đầu tiên đã đặt
thành hệ thống vấn đề của người trí thức. Hai nhà văn này, mỗi người
theo một cách, đã chạm được vào sợi dây thần kinh nhạy cảm nhất của hệ
thống. Người quân tử, di sản quý giá nhất của Nho giáo, đã bị chủ nghĩa
thực dân, và sau này, những người cộng sản, nhân danh cách mạng, nhân
danh "xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa", tiêu diệt. Cái bóng của
người quân tử chỉ gợi lại một quá khứ xa, vẫn có thể tìm được sự thỏa
hiệp, vì thế Thiệp tồn tại. Người trí thức, dù chưa định hình, nhưng
mạnh mẽ hơn nhiều, thời sự hơn nhiều, nó đe dọa một nguy cơ sát sườn, vì
thế Hoài đã không thể tồn tại.
Một tình thế văn nghệ bi thảm như vậy đã không được các nhà văn trẻ
nhìn nhận. Ở đâu đó, tôi nghe thấy những tiếng reo đắc thắng: Thiệp xưa
rồi, Hoài cũ rồi, bây giờ có nhiều cây bút mới hơn, hay hơn nhiều. Được
thế thì mừng, nhưng tôi lại chẳng thấy. Bởi vì, khi nói đến sự mới, sự
hay, họ quá chú tâm vào các vấn đề kỹ thuật, những tiểu xảo. Họ chúi mũi
vào những câu ngắn của Thiệp, những câu dài của Hoài, và giờ đây, khi
có một cây bút tung ra những câu vừa vừa, thế là họ bảo mới. Họ quên
rằng, ngắn hay dài chẳng phải là điều quan trọng, mà quan trọng là hiệu
quả. Và, họ không hiệu quả. Họ chẳng làm ai kinh ngạc, hân hoan hay sợ
hãi. Họ càng bất lực trong việc làm cho người khác đồng cảm hay thấu
hiểu.
talawas:
Nhóm Mở Miệng mà eVăn từng hân hoan giới thiệu đã
gây kinh ngạc và chia rẽ dư luận. Phan Thị Vàng Anh, đã có hiệu quả
không nhỏ khi trở thành Thảo Hảo... Mặt khác, khi Kafka mới xuất hiện,
ông không gây một tiếng vang, một hiệu quả đáng chú ý nào trong đời sống
tinh thần châu Âu; thậm chí chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở sát
mang tai mà trong tác phẩm của Kafka, người ta chết vì những lí do lãng
xẹt chứ không bỏ mạng trên chiến trường...
ĐBA: Vâng, cũng may là còn có cái gì đấy. Phan Thị Vàng Anh
đã tìm được một thế đứng, một cách nói để chạm được vào thực tế, đồng
thời vẫn tồn tại được. Một điều đáng quý nữa ở chị là tinh thần xây
dựng. Chị luôn cố gắng gỡ rối, để từ mớ bùng nhùng của hiện thực thử đề
xuất một giải pháp. Nhưng lúc ấy, chị còn đứng độc lập. Bây giờ, ở vị
trí Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn, nghĩa là chui vào một thực tế còn
rối hơn, mong rằng chị vẫn giữ được phong độ. Biết đâu chị sẽ là người
đầu tiên chứng minh rằng, mọi quy luật đều có ngoại lệ? Chúc chị thành
công. Còn nhóm Mở Miệng, họ xác định ngay từ đầu một thế đứng ngoài rìa.
Chỉ động thái ấy thôi, đã là mới mẻ, đã là đáng chú ý. Còn về tác phẩm
của họ, tôi mong sẽ có dịp nói đến ở chỗ khác, vì ở đây e sẽ quá dài. Dù
sao Vàng Anh, Mở Miệng... và một số cây bút khác mà tôi không tiện kể
cũng là những gì đang chuyển động. Nhưng điều đáng nói là cái mặt bằng ù
lì có vẻ vẫn đứng im, hoặc ngọ nguậy theo những hướng kỳ quặc. Ở đây
gần như thiếu vắng một tinh thần văn nghệ phê phán kiểu trí thức. Nó
cũng thiếu vắng một tinh thần xây dựng kiểu trí thức. Có nghĩa là nó
chẳng phê phán, cũng chẳng xây dựng, mà tinh thần chủ đạo của nó là: bức
xúc/gãi ngứa - ấy là tôi chưa nói đến cái tinh thần nô bộc. Bức xúc/gãi
ngứa là trường phái lớn nhất. Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến hai
trường phái khá phổ biến nữa: trường phái xa lánh hồng trần và trường
phái tính dục. Bên cạnh ba trường phái lớn này còn những trường phái
nhỏ: trường phái hình sự, trường phái phụ nữ, trường phái hoa học trò,
trường phái công nông binh, trường phái hưu trí... v.v. Ở đây, xin miễn
cho tôi phải đi vào những đặc thù của các trường phái này, vì như thế
thì đến ốm mất.
Song trên tất cả những trường phái, trào lưu này là sự thiếu vắng
tinh thần sáng tạo, và đây chính là điểm cốt tử nhất. Ít nhất là ở Hà
thành này, người ta rất khó gặp các văn sĩ tìm đến nhau trong tinh thần
sáng tạo, trong sự nhiệt thành và cầu thị lẫn nhau... Thôi, bây giờ hãy
nói về Kafka. Quả thực, ở bối cảnh châu Âu súng nổ ùng oàng thời ấy, ông
có lẽ là nhà văn xa lánh thời thế nhất. Nhưng, nói như John Banville,
ông lại tìm được dòng chảy khinh khoái nhất của sáng tạo văn học: ông có
khả năng hòa tan mình vào các nhân vật, các hoàn cảnh nhỏ bé, thả mình
tự do phát triển trong nó và tường thuật nó từ bên trong. Và như thế,
ông tìm được đến con người. Ông cho chúng ta bài học rằng, bên cạnh
những cái chết ở chiến trường còn có những cái chết khác, và bằng cách
đó, ông chỉ cho chúng ta một hiện thực khác, để rồi trong tất cả sự tĩnh
lặng, chúng ta kinh ngạc thấy rằng, đấy mới là cái hiện thực ghê gớm.
Thì ông là thiên tài! Chúng ta có thể làm gì cho các thiên tài ngoài
việc ân hận rằng, chúng ta đã không sớm nhìn ra họ. Chúng ta quá chú ý
đến những tiếng ồn ào mà không nghe được những tiếng động nhỏ bé, và đây
là một sai lầm không thể sửa chữa được. Khi Kafka đem bản thảo truyện
Hóa thân
gửi đến một tạp chí văn học, ông nhận được trả lời rằng, tạp chí sẵn
sàng đăng với điều kiện Kafka phải rút ngắn nó lại. Và người biên tập ấy
chính là Robert Musil! Vâng, Robert Musil, tác giả của
Người không tư chất (
Der Mann ohne Eigenschaften). Đấy, các thiên tài cũng có thể đối xử với nhau như vậy.
[6]
Thế thì, với tư cách một cựu biên tập viên, và để khiêm tốn, tôi sẽ
nói rằng, ở bối cảnh văn chương Việt Nam hiện nay, tôi cũng mong một
ngày kia sẽ phải xem lại những nhận định của mình. Nhưng hôm nay thì cứ
biết vậy.
Hôm nay, tôi muốn lưu ý rằng: Châu Âu đã trải qua hai cuộc đại
chiến, trải qua Auschwitz, trải qua các trại cải tạo ở Sibiria, nhưng
châu Âu vẫn gượng dậy được. Thiên tài Kafka, dù bị bỏ quên trong hiện
tại, nhưng đã được dọn sẵn cho tương lai để châu Âu tỉnh ngộ. Và khi đã
tỉnh ngộ, họ có cái để quay về, để xây dựng lại. Còn chúng ta, cứ cho là
bây giờ chúng ta đang có một thiên tài còn lớn hơn cả Kafka ẩn dật đâu
đó, và hai mươi năm nữa chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng của Ngài, lúc ấy
chúng ta có thể làm gì? Thưa rằng, chúng ta sẽ chẳng làm được gì; và,
thực lòng tôi cũng chẳng tin chúng ta sẽ sản sinh được một thiên tài như
vậy.
talawas: Vì sao anh không tin?
ĐBA: Bởi vì chúng ta mất đế, một sự mất đế có tính hệ thống.
Gần đây, lập danh sách 100 nhà triết học quan trọng nhất cho chương
trình "Bản đồ tri thức", tôi nhận ra rằng, ở Việt Nam, chỉ có Marx,
Nietzsche và một phần Sartre là được dịch tương đối đầy đủ. Còn lại, từ
Aristote, Plato, Descarte, cho tới Kant, Mill, Spinoza, Hegel,
Wittgenstein... tóm lại là tất cả những gì còn lại, đều chưa được dịch
hoặc dịch không đáng kể.
Và bởi vì chỉ có Marx và Nietzsche, nên bóng ma của họ còn ngự trị,
như một tất yếu. Một thanh niên ưu tú khi ra đời, nếu không rơi vào
trạng thái ngất ngưởng: „vấn đề không phải là diễn giải thế giới thế
nào, mà quan trọng là phải cải tạo nó“, thì cũng trầm tư: „con người là
cái cần vượt qua“. Và bởi vì sự ngất ngưởng hay trầm tư ấy đều không có
cội rễ căn bản, nên tất cả đều tha hóa. Trên thực tế, trong khi giới
chính khách, miệng niệm Marx, tay ký hợp đồng khống thì giới văn nghệ
sĩ, co mình trong những vỏ ốc thối rữa, tụng niệm Nietzsche.
Không phải vậy. Không phải con người là cái cần vượt qua, mà
Nietzsche mới là cái cần vượt qua; Marx cũng vậy. Và phải vượt qua lúc
này chứ không phải lúc nào khác.
Nhưng, vấn đề là vượt đi đâu? Chúng ta chưa được chuẩn bị. Cái bản
đồ trắng xóa ấy, nơi vắng bóng Aristote, vắng bóng Plato, vắng bóng
Kant, vắng bóng Mill, vắng bóng Wittgenstein... vắng bóng tất cả; cái
vùng trắng đáng sợ ấy chưa được lấp. Trong sự trống rỗng, một thiểu số
ưu tú tìm thấy ở chủ nghĩa hậu hiện đại một lối thoát. Thực ra, không
phải là họ không có những thành tựu; cái gì mới du nhập mà chẳng có
những thành tựu? Nhưng rồi cũng thế thôi, một lần nữa, trong các trào
lưu du nhập tri thức kể từ thời Tự Lực Văn Đoàn, thời Hiện sinh ở Miền
Nam và thời Hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, chúng ta đang đu cả
người vào cái ngọn. Hai mươi năm sau, khi tổng kết giai đoạn văn học
này, chúng ta sẽ ghi danh các nhà hậu hiện đại, cũng tương tự như bây
giờ, chúng ta ghi danh các nhà lãng mạn hay các nhà hiện sinh chủ nghĩa
vậy. Nhưng cũng sẽ thế, tất cả sẽ chỉ là những cái danh be bé, mờ mờ,
không vượt ra khỏi cái ao làng. Bởi vì, chúng ta có nội lực đâu mà đi ra
thế giới?
Lịch sử cứ như một cái đèn cù. 100 năm trước, chúng ta đã không thấy
việc dịch Aristote hay Kant là quan trọng; 70 năm trước, chúng ta thấy
Thơ Mới quan trọng hơn; 50 năm trước, ở bên này, chúng ta tin rằng chỉ
cần bám đuôi Marx là có thể tiến thẳng lên thiên đường cộng sản; còn ở
bên kia, chúng ta tin rằng vấn đề của con người chỉ là làm thế nào để
thành Siêu nhân hay thành Phật. Và, điều đáng kinh ngạc nhất là ở chỗ
này: 20 năm sau Đổi mới, chúng ta vẫn chưa thấy Aristote hay Kant là
quan trọng. Cuốn
Phê phán lý tính thuần túy do Bùi Văn Nam Sơn dịch được đón nhận một cách lạnh nhạt; người ta không coi đó là một sự kiện.
talawas:
Giữa không có Kant và không có Khai sáng và có
Kant và vẫn không có Khai sáng, tai hoạ nào lớn hơn? Chỉ cần bày các món
tri thức lên bàn tiệc là cái dạ dày văn hoá của xã hội sẽ tự động biết
co bóp thích hợp với chúng hay sao? Hình như chúng ta chưa thoát khỏi
nạn đói tri thức thế giới thì đã lâm ngay vào nạn bội thực? Nếu không
thì có thể giải thích sự lạnh nhạt đó như thế nào?
ĐBA: Câu hỏi không phải không chính đáng, nhưng nó cũng thể
hiện một cách nhìn bi quan trước sức vận động tự nhiên của một cộng
đồng. Khi tôi nói đến sự lạnh nhạt, là tôi muốn chỉ trích thái độ thủ
dâm của hệ thống: nó không hân hoan trước tri thức. Còn cộng đồng lại có
những vận động khác. Có thể người ta còn chưa kịp đọc Kant - ở châu Âu
bây giờ người ta cũng chẳng đọc Kant, nhưng điều đáng kể là, Kant
có đó,
và Khai sáng sẽ có xác suất cao hơn được lựa chọn. Lịch sử đã cho chúng
ta thấy rằng, Marx có đó, và Marx thành lựa chọn. Nietzsche có đó, và
Nietzsche thành lựa chọn. Sartre có đó, và chúng ta có "buồn khóc như
buồn nôn". Maiakovsky có đó, và chúng ta có "mưa sa trên màu cờ đỏ". Còn
bây giờ, hậu hiện đại có đó, và chúng ta lập tức có
những nhà "không làm thơ".
Ở đây, cho tôi có một nhận xét tích cực: Có thể đây là lần đầu tiên
trong lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy xuất hiện những nhà tiên phong mà
"không làm thơ", cộng thêm với
Phê phán lý tính, phải chăng sẽ là một kết hợp mới, một chuyển biến chưa từng có về chất?
Bây giờ thì chúng ta thấy rằng, tất cả những tiếp nhận của chúng ta
đều chắp vá, vụn vặn, có tính thời vụ chứ chẳng thành một chiến lược gì.
Dân chủ là thành tựu của nhân loại, nó khởi nguồn từ mặt trời Hy Lạp -
La Mã, từ Phục hưng, từ Khai sáng, từ triết học cổ điển Đức... Nó là một
concept có tính tổng thể, không thể nhập khẩu bộ phận này mà bỏ
bộ phận khác, cũng chẳng có con đường nào để đi tắt đón đầu. Con đường
đến dân chủ là con đường dài và khó nhọc - có thể là con đường khó nhọc
nhất. Chúng ta chưa bao giờ thực sự muốn đi con đường đó. Lịch sử du
nhập tri thức Việt Nam đã nhào theo những hướng quái đản nhất. Chúng ta
luôn chọn những ngả rẽ, những lối đi tắt, những ngõ cụt; còn cái đại lộ
thênh thang ấy, chúng ta lảng tránh. Chúng ta muốn tiến nhanh lên thiên
đường, lên Niết Bàn, lên Cõi siêu nhân; và bây giờ - có hạ thấp xuống
một bậc - lên chủ nghĩa xã hội! Bởi vì, tất cả những con đường ấy đều
hứa hẹn một phần thưởng to lớn, nhanh chóng mà chẳng mấy khó nhọc. Nó
cho chúng ta những giải pháp để bồng bềnh, để trong một đêm có thể đứng
trên đầu nhân loại.
Trở lại câu hỏi trên, thì tôi phải nhắc lại rằng, nó không phải
không chính đáng. Bởi vì như quan điểm của Khai sáng, thì sức vận động
tự nhiên của một cộng đồng, nhất là một cộng đồng còn ở trạng thái "vị
thành niên" vì bị quản thúc quá lâu của các nhà "bảo mẫu" như Việt Nam
hiện nay, là rất hạn chế. Việc tiếp nhận tri thức cần sự cởi mở và các
biện pháp hỗ trợ tích cực. Nhưng đây lại là một vấn đề phức tạp, và có
vẻ đang đi quá xa chủ đề trả lời của tôi.
talawas: Tinh thần thế giới của eVăn có loại trừ các nhà
văn hải ngoại ra không? Dường như ở điểm này, eVăn cũng không đi xa hơn
các nơi khác?
ĐBA: Khi eVăn mới khởi động, chúng tôi chủ trương sẽ lần lượt
giới thiệu các nhà văn, nhà thơ quan trọng nhất ở hải ngoại. Vì nhà văn
thường dễ gặp rắc rối hơn, nên chúng tôi bắt đầu bằng các nhà thơ.
Nhưng khi mới giới thiệu Đinh Linh và Mộng Lan, chúng tôi đã gặp trở
ngại về phía các nhà quản lý báo chí. eVăn bị cảnh báo là đang trở thành
sân chơi cho các nhà văn hải ngoại, và nó trở thành mục tiêu công kích
của một số văn nghệ sĩ trong nước. Dĩ nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở
đấy, nó trở nên nặng nề hơn nhiều. Tôi xin lỗi Đinh Linh về sự cố đăng
bài của anh (bài này sau được đăng lại nguyên văn trên Tiền Vệ). Tôi
không muốn biện minh gì hết, chỉ nói rằng, đã không thể làm khác hơn.
Nhiều lần eVăn muốn giới thiệu Trần Vũ. Đây có lẽ là nhà văn hải ngoại
được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Chúng tôi đã thu thập tất cả tác
phẩm của anh, các bài viết về anh (tiếng Việt, Anh, Pháp). Chúng tôi
muốn chủ bút Hợp Lưu sẽ xuất hiện một cách xứng đáng trên eVăn, đây sẽ
là một sự kiện, một dấu mốc của văn nghệ. Nhưng mọi nỗ lực đều không
thành. eVăn cũng nhiều lần muốn giới thiệu lại một số bài của Nguyễn
Hưng Quốc - một cây bút phê bình như anh tiếc thay đã không thể có ở
Việt Nam. Nhưng cũng không được. Phỏng vấn Đỗ Kh. cũng không đi được,
Phan Nhiên Hạo không được, và vân vân. Thực ra, eVăn cũng giới thiệu
được một số cây bút hải ngoại, như Nguyễn Hoàng Tranh, Nguyễn Danh Bằng,
Đoàn Cầm Thi, Barbara Trần, Monique Trương,... nhưng họ đều là những
nhân vật được coi là "không có vấn đề".
Còn những nơi khác? Tôi không hiểu là những nơi nào.
Phụ san Thơ của báo
Văn nghệ và tạp chí
Người Hà Nội
thỉnh thoảng cũng giới thiệu một số nhà thơ hải ngoại. Nhưng họ giới
thiệu như thế nào, đấy là câu hỏi. Chia cho mỗi nhà thơ một ô, bày bán
như hàng chợ, rồi ở trên ghi cho cái tiêu đề "Sáng tác của các nhà thơ
Việt Nam ở nước ngoài", đấy không phải là
style của chúng tôi. Giới thiệu thế, thà không giới thiệu còn hơn.
talawas: Nói cách khác, chính sách đối xử ấy về bản chất
là một thứ chương trình cải tạo từ xa. Muốn được xuất hiện chính thức
trong khung cảnh văn hoá văn nghệ hiện nay ở Việt Nam, các nhà văn Việt ở
hải ngoại phải là hoặc phải trở thành những trường hợp „không có vấn
đề“?
ĐBA: Tôi không nghĩ rằng căn cước của một nhà văn hải ngoại
lại phụ thuộc lớn thế vào việc anh ta có được giới thiệu ở Việt Nam hay
không. Nếu trong nước áp dụng chính sách "ngăn sông cấm chợ" với họ, thì
trước hết, đấy là thiệt hại cho trong nước chứ hải ngoại cũng chẳng
thiệt gì. Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu tâm lý của các nhà văn hải ngoại. Họ
muốn được giới thiệu tác phẩm ở trong nước vì ở đây có thị trường lớn
hơn, đôi lúc họ cũng chấp nhận thỏa hiệp. Nói tóm lại, trong cái vòng
lằng nhằng này, chỉ có văn nghệ chân chính và bạn đọc là chịu thiệt.
talawas: Làm thế nào để có một diễn đàn cho văn nghệ chân chính mà trường tồn tại Việt Nam?
ĐBA: Câu hỏi này khó quá, bởi nếu trả lời được thì người ta
đã làm được rồi. Và bởi vì thực tế không hề có một diễn đàn như vậy,
càng chứng tỏ câu hỏi không có lời giải đáp.
Như đã nói, văn nghệ hiện nay chịu hai vòng kim cô: độc tài và tư
bản, và tôi không có đủ tầm thi sĩ đến mức tin rằng, người ta có thể
thay đổi thực trạng đó trong nay mai.
Có lẽ bước đầu tiên là phải đấu tranh cho một chế độ kiểm duyệt báo
chí minh bạch. Cần có một bộ khung rõ ràng về việc cái gì là không hợp
với thể chế, và phải công khai điều đó. Có như vậy, các biên tập viên
mới yên tâm làm việc trong Hiến pháp và Pháp luật. Các tổng biên tập sẽ
chịu trách nhiệm trực tiếp trước Luật Báo chí chứ không phải bị chỉ đạo
hoặc quấy nhiễu bằng lệnh miệng của Ban tư tưởng hay Công an văn hóa như
hiện nay. Tiếp theo, cần cho phép tự do lập các hội văn nghệ, nhóm văn
nghệ, và cho phép ra báo tư nhân. Các chủ báo tư nhân cũng chịu trách
nhiệm trước Luật Báo chí như báo của nhà nước.
Chỉ có một môi trường báo chí, xuất bản thông thoáng và minh bạch
mới tạo cơ hội cho đời sống văn nghệ, trí thức phát triển. Bên cạnh đó,
chính phủ cũng phải có thái độ cởi mở, có một định hướng đúng và gấp rút
có những biện pháp hỗ trợ việc tiếp nhận và phổ cập tri thức, không thể
để tình trạng rỗng ruột như hiện nay kéo dài thêm.
talawas: Và cuối cùng, xin hỏi anh, nếu ngày mai lại được
mời làm một trang web văn nghệ tại Việt Nam như eVăn ở thời của anh, anh
sẽ nói KHÔNG hay nói CÓ?
ĐBA: Khi làm eVăn, có những ngày, vì phải đối xử bất công với
một tác giả nào đó (từ chối đăng bài, đề nghị bỏ đoạn này, đoạn kia...
chỉ vì lý do "nhạy cảm"), tôi đã phải leo lên sân thượng để nhủ rằng:
đừng tha hóa, đừng tha hóa, đừng biến thành bọ. Những ngày ấy, tôi luôn
có Kafka là bạn. Chính ông - một nhà văn nước ngoài - đã cho tôi sức
mạnh và niềm tin vào giá trị của văn học. Tôi luôn tin rằng, khả năng to
lớn nhất của văn học là thức tỉnh lương tri con người, đưa con người
lại gần nhau trong sự đồng cảm và thấu hiểu. Cũng như thế, tôi tin vào
di chúc của Goethe, tin vào nền văn học thế giới và những khả năng tiềm
tàng của nó; văn học Việt Nam phải tìm thấy ở đấy những nền tảng và
những nguồn cảm hứng tinh tuyền nhất để xây dựng những giá trị riêng đặc
sắc của mình. Đấy cũng là cách để chúng ta làm ra cái mới, đóng góp trở
lại cho văn học thế giới. Nghĩa là, nếu phải trở về thời điểm tháng
9.2003 để làm eVăn, tôi sẽ nói CÓ, để rồi có thể lại phải ra đi. Nhưng
đấy là chuyện của ngày hôm qua. Ngày mai, mọi sự có thể sẽ khác, bởi
không có một hoàn cảnh nào lại lặp lại y hệt. Để nói CÓ hay KHÔNG cho
tương lai là điều không thể, và không nên.
Hôm nay, eVăn đã không còn giữ được diện mạo của nó nữa, và có thể,
trong suốt thời gian qua, nó cũng không làm được gì đáng kể, nhưng tôi
vẫn luôn hy vọng rằng, TINH THẦN THẾ GIỚI sẽ là cái còn lại.
talawas: Xin cảm ơn anh Đinh Bá Anh.
© 2005 talawas
[1]eVăn đã ấp ủ dự dịnh này từ lâu, và khi phác thảo bản đồ, chúng tôi đã được gợi hứng đáng kể từ bài „
Kế hoạch 500 cuốn sách“ của Ngô Tự Lập. Bài viết này có điểm rất đáng chú ý là nó thử đề xuất khả năng thực hiện dự án về khía cạnh kinh tế.
[2]Ich
bin überzeugt, dass Weltliteratur sich bilde, dass alle Nationen dazu
geneigt sind und deshalb freundliche Schritte tun. Der Deutsche kann und
soll hier am meisten wirken, er wird eine schöne Rolle bei diesem
grossen Zusammentreten zu spielen haben. (A.F.C. Streckfuss, 27.1.1827,
Goethes Briefe Bd. 4, 215).
[3]Nationalliteratur
will jetzt nicht viel sagen, die Epoche der Weltliteratur ist an der
Zeit, und jeder muss jetzt dazu wirken, diese Epoche zu beschleunigen.
(Gespräch mit Eckermann am 31.1.1831,
Eckermann, 196).
[4]ein gemeinsames literarisches Kulturgut.
[5]J.W.Goethe,
West-Östlicher Divan, Vorwort und Erläuterungen von Max Rychner, VII-XLVII, Manesse Verlag Zürich, 1952.
[6]Đoạn này tôi nói dựa trên Milan Kundera, trong
Những di chúc bị phản bội, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.
Comments
Post a Comment