Why

Trao đổi cùng ông Nguyễn Quốc Trụ: Vì sao lại ghét Talawas

08/04/2009 | 12:00 sáng | 6 phản hồi
Tác giả: Lê Diễn Đức
Nhờ bài “Vì sao nhà văn Nguyễn Quốc Trụ ghét Talawas” [http://www.talawas.org/?p=2298] tôi mới biết ông là ai. Mò theo bản pdf trong bài, tôi truy cập www.tanvien.net để tìm hiểu thêm.
Thì ra ông Nguyễn Quốc Trụ (NQT) đã ngoài bảy bó, cây đa cây đề của làng văn báo hải ngoại có gốc Bắc Kỳ [tức Yankee mũi tẹt?] như những người tôi đã gặp, hầu chuyện, thậm chí ăn nhậu như Hoàng Khởi Phong, Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng), Trương Trọng Trác, Trương Anh Thuỵ, Nam Dao, Phan Huy Đường, Uyên Thao, v.v…
Đọc thêm một chút, thấy cách phê bình của ông NQT có màu sắc hài hước, dễ lọt tai nhưng không kém phần gấu gó nên cũng đau. Khá hợp với cách xưng tên Gấu của ông.
Tôi sẽ bàn về cụm từ “Yankee mũi tẹt” của Gấu, vào dịp khác. Nghe hơi khó chịu. Mũi tẹt thì có, nhưng chắc chắn tôi sẽ không chấp nhận mình là thứ Yankee đầy miệt thị của Gấu. Tôi sẽ nói vì sao. Mặc kệ Gấu khuyến cáo rằng, những người không phải là độc giả của ông thì đừng xía dzô!
Bữa nay, bàn đôi chút về vấn đề dịch thuật và việc hiệu đính của Talawas (bộ cũ) làm Gấu bực mình, nghỉ chơi luôn cho béo!
Tôi không phải là người chuyên về dịch thuật, đặc biệt trong lĩnh vực khó gặm văn chương, triết học, kinh tế học… Tôi thường chỉ dịch các bài báo mà mình thấy có ý nghĩa với người Việt.
Dịch là công việc vất vả, khó khăn và phức tạp. Nếu viết, anh có thể phang ào ào theo cảm hứng, hay dở chưa cần bàn nhưng là của mình. Dịch là biến cái thứ ngôn ngữ ngoại lai nào đó ra ngôn ngữ khác, theo ý mình, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và hiểu biết của mình, nhưng phải tuyệt đối giữ được nội dung chuyển tải và cách thể hiện ngôn ngữ của tác giả. Biến tướng thành luôn ra ngôn ngữ của mình là bỏ mẹ.
Tôi không làm một dịch giả như một số người gán cho. Tôi dịch thật. Làm anh thông ngôn để kiếm cơm là nghề của chàng từ nhiều năm. Tôi đã phiên dịch (chuyên nghiệp, ăn lương, có hợp đồng lao động đàng hoàng) cho Hàng hải Ba Lan (PLO), rồi Tổng lãnh sự quán Ba Lan ở Sài Gòn vào những năm 80. Không ít lần tôi đã tham gia dịch cho các phái đoàn cấp nhà nước Ba Lan -Việt Nam tại dinh Độc Lập [sau 1975 gọi là Hội trường Thống Nhất] trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa [đã làm tiêu Công Lý].
Tôi đã từng mở văn phòng dịch vụ giải quyết việc dịch giấy tờ linh tinh hoặc dịch miệng cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Cũng không có ít đơn từ, khiếu nại, tôi phải viết bằng ngôn ngữ bản xứ gửi lên toà án hay các cơ quan nhà nước cao nhất của Ba Lan. Cái nghề phiên dịch đã cứu tôi suýt chết đói, chết chìm sau vụ khủng hoảng kinh tế Nga 1998 với số hàng mua chịu không tiêu thụ được hàng trăm ngàn đôla.
Tôi cũng đã tham gia dịch cho biên phòng Ba Lan trong những lần họ bắt người Việt vượt biên qua Ba Lan trái phép hay cho toà án Ba Lan những vụ xét xử người Việt vi phạm pháp luật, trong vai trò thành viên của “Polish Society of Economic, Legal and Court Translators“.
Tôi nói về mình hơi bị nhiều, xin đừng ghép cho tôi tự khoe mẽ. Có gì đáng khoe về cái nghề của anh phiên dịch, chuyên trị đi sau đít thầy, hầu thầy, chảy nước dãi mà không dám ăn trong những buổi tiệc yến ngoại giao?
Tôi có hàm ý khác. Cái lý lịch của tôi vậy, chắc nhiều người cho rằng tiếng Ba Lan của tôi tàm tạm ngon lành, đủ xài? Không! Là anh mũi tẹt, lại không sinh đẻ ra và lớn lên ở đất người, tôi biết chắc rằng, không bao giờ mình giỏi đến mức không bị sai lầm trong dịch thuật. Vô số người khác giỏi hơn mình, hoặc mình trội hơn mặt này, sẽ kém hơn nhiều người ở lĩnh vực khác. Chưa nói tới việc phải cập nhập ngôn ngữ đời sống thường xuyên. Ngồi ở nơi cách xứ Việt hàng ngàn cây số, xa Việt Nam đã mấy chục năm, mà vẫn cứ xài ngôn ngữ của “hồi ấy” thì khó chinh phục được giới trẻ đang chẳng hề quan tâm đến “hồi ấy” của chúng ta là cái quái gì.
Nói đâu xa, trên Talawas Blog, trong bài “Obama bị tố cáo gian lận bầu cử” [http://www.talawas.org/?p=1543] ngày 28/03, tôi đã bị sửa lưng, tức anh ách nhưng nghiến răng chịu đòn đó thôi. Bạn đọc Nghiêm Quang đã nện cho một trận vì phán quyết rằng không phải tôi làm cái việc dịch soạn tin sai mà là tưởng tượng. Có khác gì hơn là tôi bịa đặt hoặc là quá yếu kém!
Thực ra đây là sự lầm lẫn hết sức vô duyên của tôi. Trong tiếng Ba Lan động từ “odwiedzić” (thăm viếng) khi chuyển sang tính động từ bị động sẽ là “odwiedzony” (được/bị thăm viếng). Trong khi đó, động từ “odwieźć” (áp giải, dẫn giải) khi chuyển sang tính động từ bị động sẽ là “odwiedziony” (bị/được áp giải, dẫn giải). Tôi viết chữ đậm để dễ thấy rằng, hai từ chỉ khác nhau đúng một nguyên âm “i” ở giữa.
Cứ cho là tôi đã làm vài vại bia (lý do bào chữa dễ cảm thông nhất), hơi chuyếnh choáng nên cho thêm chữ “i” vào từ phải dịch! Vì thế, i thành như ị luôn, “bị tới viếng thăm tại nhà” mà choảng ra “bị dẫn độ về nhà” thì tầm bậy quá, bị đánh thì ráng chịu thôi. Tự ái, tự yêu dám bị đòn tiếp, chết luôn!
Bạn đọc phát hiện ra cái sai của người dịch đồng nghĩa với việc nhắn bảo mình thận trọng, nghiêm túc hơn và sẽ tránh tái phạm. Cho nên, sự phát hiện này phải được đáp lại bằng sự khích lệ và lòng biết ơn của người viết, người dịch. Ở đây tôi chưa nói đến tư chất của người có tính khiêm tốn.
Tôi đồng ý với Gấu rằng, ban biên tập của Talawas (bộ cũ) để tên người hiệu đính bên cạnh tác giả thì hơi bị chướng thật. Để tên người hiệu đính bên cạnh tác giả chỉ nên áp dụng trong trường hợp chính tác giả yêu cầu thực hiện công việc ấy cho tác phẩm của mình.
Bởi vì, ai cũng ngầm hiểu rằng, một bài viết dù gửi đến báo nào cũng sẽ được ban biên tập, chủ bút (hay chủ quán, nói  theo cách của Gấu) xem lại, nếu cần thì sửa chữa, hiệu đính lỗi chính tả, làm phù hợp với format (cách trình bày thống nhất), thậm chí với cả chủ trương của báo mình (ngoại trừ hình thức tự do post bài hơi bị nhiều của các Blogers trên Talawas Blog hiện nay). Ban biên tập nào cũng thông báo quyền hạn này trước tác giả và bạn đọc. Báo nào làm công việc biên tập, hiệu đính càng công phu, càng có trách nhiệm với người đọc, sẽ càng được trân trọng và đánh giá cao. Tuy nhiên, ban biên tập không nhất thiết và không tự nhiên là người mang trách nhiệm chữa cái sai của tác giả. Không nên để xảy ra cảnh “quýt làm cam chịu”. Nếu phát hiện ra cái sai nhiều quá, hết hứng hiệu đính, tốt nhất là ban biên tập khước từ đăng bài.
Gấu chửi toà soạn Talawas “khốn nạn”, “làm nhục một người cộng tác” thì có quá đáng lắm không? Rất có thể đây chỉ là một sơ suất của một người trong ban biên tập. Bà chủ quán chẳng được ai trả lương, biết đâu lúc mọi người edit bài và bài đã Online, bà ta vẫn còn ở ngoài chợ kiếm cơm nuôi con, chẳng hạn. Tất nhiên, Gấu cũng “lịch sự cám ơn” theo thông lệ, OK, nhưng vứt hết vào một rọ rồi nói “cái đám này không chơi được” thì lại quá đáng thêm lần nữa.
Giỏi về lý thuyết ngôn ngữ bậc thầy như nhà đại trí thức Noam Chomsky mà còn bị nhà báo Ba Lan gọi là “nhà trí thức ngu xuẩn nhất thế giới” [http://www.talawas.org/?p=182], chỉ vì ông lầm lẫn đôi chỗ, cảm hứng hoang dã chút chút, bảo thủ ti tí. Chưa chừng ông ta nói lăng nhăng khi đã làm hết vài lít bia, hay là vừa bị bà xã bỏ đói!
Vậy thì có gì lắm đâu mà Gấu đao to, búa lớn đến vậy!

Phản hồi

6 phản hồi (bài “Trao đổi cùng ông Nguyễn Quốc Trụ: Vì sao lại ghét Talawas”)
  1. lam truong phong says:
    Ông Nguyễn QUốc Trụ có tật đang viết tiếng Việt thì chêm một ông Tây bà Đầm ngang xương vào để dẫn giải. Nhưng nhiều lần ông nhét vào mà người đọc không hiểu tại sao ông Tây bà Đầm này bị bắt cóc đứng trong bài viết một cách trơ trẽn. Chưa hết, ông lấy nguyên đoạn tiếng Anh hay tiếng Pháp,… đặt kế bên, lắm khi người đọc cũng không hiểu tại sao ông dịch như thế. Quay trở lại bài dịch ông bị hiệu đính trên Talawas tôi thấy ông phải cảm ơn công hiệu đính. Vì bài dịch quá nhiều lỗi sai thì chỉ có hai cách: một là quăng vào sọt rác, hai là gửi trả lại dịch giả và đề nghị người này đọc và dịch lại. Talawas làm ơn mà bị mắc oán!!!
  2. hien le says:
    Tôi có một bài dịch đã được đăng trên talawas. Qua kinh nghiệm làm việc chung với người hiệu đính, tôi đã học được nhiều. Do đó tôi đồng ý với HL và không có vấn đề gì nếu người hiệu đính muốn cùng đứng tên trên bài dịch.
  3. HL says:
    (Tiếp theo) Người hiệu đính (cùng với người biên tập) không những phải có kiến thức quảng bác, kiên nhẫn, cẩn thận, mà phải còn là người có óc suy nghĩ logic, khoa học, rành mạch (là điều rất nhiều tác giả không có được)…, là cầu nối giữa tác giả, tác phẩm và người đọc.
    Cho nên, tác giả nào… khôn, thì nên… học hỏi từ người hiệu đính, biên tập, chứ chớ nên kẻ cả, coi thường, bỉ thử công việc của họ, như bác Gấu…
  4. HL says:
    Bác Gấu, xưa nay, chuyên đời viết kiểu tưng tửng, link loạn xị ngậu chuyện Đông Tây kim cổ này nọ. Có người phục, bảo là uyên bác. Người khác bảo khoe chữ, nhiều khi không cần thiết. Nhưng đó là phong cách của bác, đọc đôi lúc cũng có cái thú.
    Nhưng ý kiến của bác về người hiệu đính, tôi thấy bác trật lấc. Hiệu đính, tạm hiểu theo tự vị, là: “Đối chiếu với các tài liệu đáng tin cậy để sửa chữa những điểm chưa chính xác, chưa đầy đủ về các sự kiện, nhân vật, địa danh, niên đại, các công thức, các đoạn trích dẫn, các ngữ Việt và nước ngoài (nguyên dạng hoặc phiên âm), v.v… trong nội dung các văn bản trước khi xuất bản. Đối với tài liệu dịch, hiệu đính là đối chiếu với bản gốc để sửa chữa những chỗ dịch chưa chính xác, những đoạn diễn đạt chưa rõ hoặc phiên âm chưa đúng quy định”. Đây là khâu CỰC KỲ QUAN TRỌNG trong quá trình xuất bản, và kết quả hiệu đính nói lên sự cẩn trọng, “tầm vóc” của cơ sở xuất bản. (Còn tiếp)
  5. Nghiêm Quang says:
    Thưa anh Lê Diễn Đức,
    Đọc lại các phản hồi của mình, tôi lấy làm tiếc đã cho rằng anh “tưởng tượng” ra một chi tiết trong bài. Thực sự, đúng như anh trình bày trên đây, đó chỉ là một lỗi dịch thuật nhỏ, không đáng bị buộc tội nặng nề.
    Những bài viết sau, anh đã cho chú thích cặn kẽ về nguồn tin và bối cảnh, tôi không còn lý do gì để phàn nàn nữa.
    Cám ơn anh.
  6. Trần Văn says:
    Quả tình là từ trước tới giờ tôi chưa nghe đến tên của ông nhà văn Nguyễn Quốc Trụ. Vì tò mò, tôi theo đường dẫn vào website của ông đọc cho biết. Nhận xét vắn tắt: ông nhà văn này có lối viết vụn vặt, đầu không ra đầu, đuôi không ra đuôi. Người ta hay nói những người “quậy” thường là đám trẻ, nhưng dạo này tôi thấy mấy ông “thất thập cổ lai hy” “quậy” hơi nhiều.

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư