Mưa Huế
Giời mưa ở Huế
Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Bính » Mười hai bến nước (1942)Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây
Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầy
Đò vắng khách chơi nằm bát úp
Thu về lại giở gió heo may...
Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây
Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay
Túi rỗng nợ nần hơn Chúa Chổm
Áo quần trộm mướn, túng đồ thay
Hàng xóm có người con gái lẻ
Ý chừng duyên nợ với nhau đây
Chao ôi! Ba bốn tao ân ái
Đã đủ tan tành một kiếp trai.
Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ!
Đành phụ nhau thôi, kẻo đến ngày
Khăn gói gió đưa sang xứ lạ
Ai cười cho được lúc chia tay?
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?
Mà nhớ mà thương đến thế này!
Cố nhân chẳng khoá buồng xuân lại
Vung vãi ân tình khắp đó đây
Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
Cả đến ông giời cũng đổi thay!
Gia đình dọn cả lên Hà Nội
Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cầy
"Anh em cánh nhạn người Nam Bắc
Tâm sự hồn quyên lệ ngắn dài..."
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say
Nón lá áo tơi ra quán chợ
Trơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ những đêm say
Người quen nhắc lại từng tên một
Kể lại từng nơi đặt dấu giày
Trôi dạt dám mong gì vấn vít
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Tỉ tê gợi nhớ niềm tâm sự
Cúi mặt soi gương chén rượu đầy
Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hoà một vị chua cay
Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều ...con nước mây
Hoa rao bán nhuỵ tình nên vợ
Chim nửa bình minh bóng trúc gầy.
Không hiểu vì đâu hai đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này.
Huế 1941
Nguồn: Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2005
Comments
Post a Comment