Nguyễn Bính, Trăm Hoa và Nhân văn-Giai phẩm


Mar 15, 2015

Nguyễn Bính, Trăm Hoa và Nhân văn-Giai phẩm

Theo tôi, Nhân văn-Giai phẩm vừa phức tạp hơn thế vừa đơn giản hơn thế. Xem mọi tổng kết tương đối đáng tin về Nhân văn-Giai phẩm, gần như ta thấy đương nhiên Nguyễn Bính và tờ Trăm Hoa đứng về phía bị trừng phạt, thuộc vào số các nạn nhân của một cuộc thanh trừng văn nghệ nhuốm rất nhiều mùi chính trị. Nhưng hồi ấy phức tạp hơn thế: mối quan hệ đao phủ-nạn nhân xoay vòng vòng không cố định, Hoài Thanh vừa phê Trần Dần xong một thời gian ngắn sau đã xin lỗi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm hay Nguyễn Hữu Đang khi trước vừa đi chỉnh huấn người khác lúc sau đã trở thành đối tượng bị chỉ trích nặng nề, bị đấu tố. Bản thân "phong trào Nhân văn-Giai phẩm" cũng có lúc lên lúc xuống, có thời điểm thắng thế chứ không bi đát từ đầu đến cuối. Mọi thứ phức tạp hơn mới thoạt nhìn qua.

Ở riêng trường hợp Nguyễn Bính và tờ Trăm Hoa: cũng như bài Trần Lê Văn phê thơ Xuân Diệu ở đây, bài dưới đây thuộc vào đoạn cuối của Trăm Hoa bộ cũ, là mảng tư liệu bất ngờ thiếu vắng trong mọi nghiên cứu về Nhân văn-Giai phẩm cho đến lúc này. Đọc bài này mới thấy rõ, vị trí của Nguyễn Bính không thể nhìn nhận đơn giản; đọc Cát bụi chân ai cũng có thể thấy Tô Hoài ám chỉ Nguyễn Bính có vai trò không hề đơn giản.

Bài tường thuật cực kỳ chi tiết cuộc họp ở Hà Nội để đánh bài "Nhất định thắng" của Trần Dần này xứng đáng được coi là một tài liệu độc đáo; bài viết đăng Trăm Hoa số 22, thứ Bảy 3-3-1956, liên tục trên bốn trang. Bài viết ký tên Hồng Cầu (gần như chắc chắn 100% là bút danh của Nguyễn Bính).


CUỘC HỘI HỌP VĂN NGHỆ SĨ THỦ ĐÔ DO HỘI VĂN NGHỆ VIỆT NAM TRIỆU TẬP TỐI 22-2-56 ĐÃ VẠCH RA

Những sai lầm nghiêm trọng của Trần Dần trong bài thơ “Nhất định thắng”
IN TRONG CUỐN “GIAI PHẨM 1956”


Cuốn “Giai phẩm 1956” do nhà xuất bản Minh-đức–Thời-đại xuất bản và phát hành dịp đầu xuân năm Bính thân, đã gây ra nhiều dư luận trong giới văn nghệ sĩ và các tầng lớp bạn đọc ở Hà-nội. Sự phản ứng của độc giả đối với bài thơ dài đề là “Nhất định thắng” của Trần-Dần in trong cuốn sách đó, đã khá rõ rệt. Mặc dầu nhà xuất bản đã tự ý thu hồi tác phẩm ấy và cáo lỗi cùng độc giả, dư luận vẫn còn bàn tán không thôi. Trước sự việc ấy, ban Thường vụ Hội Văn-nghệ Việt-nam, đã quyết định triệu tập một phiên họp các văn nghệ sĩ thủ đô vào tối thứ tư 22-2-1956 tại trụ sở Hội, để thảo luận rộng rãi về bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần, để tập thể cùng thống nhất thái độ đối với bài thơ ấy.
Nhận được giấy mời của Ban Thường vụ Hội, văn nghệ sĩ Thủ đô thấy như tấm lòng cởi mở nhẹ nhàng. Là vì từ hôm cuốn sách bắt đầu phát hành, ai đã đọc nó, nhất là đọc bài “Nhất định thắng” của Trần Dần, đều thấy một cái gì nặng nề bực bội đè lên lòng mình. Có những ý nghĩ cần phải được giãi bày, những phê phán cần phải được nói ra. Phải có những nhận định chính xác đối với bài thơ mà người ta coi như một vết đen tối mà Trần Dần đã vô tình hay hữu ý quệt lên bức tranh mùa xuân tươi đẹp, có bao mầu sắc tưng bừng phấn khởi của miền Bắc hoàn toàn giải phóng đương nỗ lực kiến thiết.
Cho nên cái không khí phòng họp thật là nhộn nhịp khác thường. Những người công tác văn nghệ gặp nhau, xiết [sic] chặt bàn tay, nở một nụ cười trách nhiệm.
Anh Nguyễn Tuân, tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt-nam, tuyên bố lý do phiên họp và giới thiệu Chủ tịch đoàn: các anh Hoài Thanh, Trần văn Cẩn, Lương ngọc Trác, thư ký đoàn: các anh Huy Phương, Vương Linh. Vì là cuộc thảo luận một bài thơ, nên một thi sĩ được giới thiệu để đề-dẫn vấn đề: hội nghị hoan nghênh anh Chế Lan Viên trong nhiệm vụ ấy.
Nhà thơ Chế Lan Viên bắt đầu trình bày nội dung bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần, kể lại một số phản ứng của độc giả khi đọc bài thơ ấy (anh bộ đội sau khi mua cuốn sách ở một hiệu sách tại Hà-nội, đọc xong bài thơ, xé cả cuốn sách vất đi; người nông dân ngoại thành tuy chưa hề biết có bài thơ ấy ra đời, nhưng khi nghe nói đến cái không khí mưa gió rã rời, cái giọng buồn nản chán chường của bài thơ, phải kêu lên: ô hay, đời sống của chúng ta vui tươi chứ sao lại bảo nó buồn thảm thế!) Theo lời đề dẫn, thì bài thơ này chỉ mới lưu hành một ít tại thủ đô, có gây ra một số dư luận và có sự phản ứng của một số bạn đọc. Nhân dân còn nhiều việc khác phải làm, những việc quan trọng hơn nhiều chưa có thì giờ đọc bài thơ ấy, nên chẳng chú ý gì đến nó cả. Nhưng riêng đối với giới văn nghệ thì bài thơ ấy cần được đem ra thảo luận để chúng ta cùng nhất trí nắm vững vấn đề, bởi vấn đề đây không nằm trong phương diện hình thức của văn nghệ mà nằm trong nội dung của bài thơ, ở đó tác giả đã đề cập đến những vấn đề quan trọng như vấn đề thất nghiệp, vấn đề di cư, vấn đề nghèo đói, vấn đề tự do tư tưởng và vấn đề then chốt hơn hết là vấn đề củng cố miền Bắc, đấu tranh cho Hiệp thương, Tổng tuyển cử Thống nhất đất nước. Tác giả (Trần-Dần) đã tuyên bố:
Chút tài mọn
             tôi làm thơ chính trị
Vậy đề dẫn viên yêu cầu hội nghị thảo luận về mọi khía cạnh của bài thơ để tìm ra cho hết lập ý của tác giả. Và để cho ý kiến của hội nghị được tập trung, chủ tịch đoàn yêu cầu Hội nghị chỉ xét đến tư tưởng của Trần Dần thể hiện trong phạm vi bài thơ “Nhất định thắng” chứ không đi sâu vào con người của tác giả. Mọi người đều có tự do phát biểu ý kiến kể cả những bạn có bài in trong tập “Giai phẩm 1956” được coi là hoàn toàn “vô sự” hoặc có ít nhiều tư tưởng sai lầm. Và kể cả những bạn nào muốn đứng ra bênh vực bài thơ ấy.
Không khí mỗi lúc một thêm phấn khởi sôi nổi. Càng đi sâu vào từng khía cạnh của bài thơ, các anh các chị càng tìm thấy những sai lầm nghiêm trọng trong tư tưởng của Trần Dần khi sáng tác bài thơ, những sai lầm không phải là ngẫu nhiên, hay do nghệ thuật non kém mà mắc phải, vì những sai lầm ấy có hệ thống, có dụng ý, được thể hiện bằng một kỹ thuật văn chương xảo trá, nham hiểm, có ác ý hẳn hoi. Những đoạn thơ từng câu thơ trích ở bài “Nhất định thắng” được đưa ra làm dẫn chứng một cách cụ thể.
Mười một giờ đêm. Hai mươi mốt bạn đã phát biểu ý kiến.
Chủ tịch đoàn tuyên bố sẽ không kéo dài cuộc thảo luận sang một đêm nữa. Chúng ta còn nhiều công tác bận rộn cần thiết khác. Quyền ưu tiên được phát biểu ý kiến lúc này dành cho những ai có ý kiến muốn bênh vực bài “Nhất định thắng”.
Mọi người cố tìm. Người ta nghĩ đến đoạn cuối bài thơ, trong đó Trần Dần có nói đến cái buổi “nắng lên đỏ phố đỏ cờ” miền Bắc “cuồn cuộn mít tinh”, ai nấy ra đường đi biểu tình “vung cờ đỏ hò hát vỡ phổi”. Song, ở ngay cái đoạn tựa hồ “vươn lên” ấy, chúng ta cũng khó tìm thấy cái ý tốt. Bài “Nhất định thắng” đã có dụng ý không tốt từ đầu, nên trong đoạn cuối “hửng nắng” này người ta cũng chỉ tìm thấy một thứ nắng giả tạo, vàng vọt, yếu đuối, theo dụng ý của tác giả.
Quyền ưu tiên lại dành cho những bạn có bài đăng trong cuốn “Giai phẩm”. Có các anh Sỹ Ngọc, Văn Cao, Lê Đạt và anh Trần thiếu Bảo, đại diện nhà xuất bản Minh-đức–Thời-đại phát biểu ý kiến.
Quá nửa đêm, sau ý kiến của các anh Nguyễn Tuân, Huy Cận, anh Hoài Thanh thay mặt Chủ tịch đoàn, căn cứ vào lời phát biểu hết sức phong phú, sác [sic] thực trong cuộc họp, đọc bản tóm tắt những ý kiến chính và tổng kết lời bình luận của Hội nghị. Những tràng vỗ tay ran phòng họp. Thế là chúng ta đã giải quyết xong một vấn đề. Ra về, lòng chúng ta nhẹ nhõm, thoải mái. Ngoài trời mưa xuân phơi phới bay. Đồng hồ chỉ gần một giờ sáng.
Dưới đây, chúng tôi xin tóm tắt những nhận xét của Hội-nghị đối với bài thơ “Nhất định thắng” của Trần-Dần.


Tóm tắt những ý kiến phê bình bài thơ Nhất định thắng
Bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần đã phạm những sai lầm nghiêm trọng như sau:
1) Nó không phản ánh đúng bộ mặt thực của miền Bắc đã hoàn toàn giải-phóng và đương tưng bừng kiến-thiết, bằng cách đưa ra những hình ảnh đơn độc, không điển-hình gì cả. Tác giả cố ý xoáy mạnh vào những hình ảnh mưa gió rã rời, những người đi Nam, người con gái thất-nghiệp, con chó mực đói kêu khan cả tiếng, vân vân… để nói xấu chế-độ chúng ta, mà không nhìn thấy rõ nguyên-nhân những khó khăn ấy là do đế-quốc và phong-kiến đã gây ra và để lại cho chế độ chúng ta, không nhìn thấy một sự thật hiển-nhiên là sau khi miền Bắc giải phóng hoàn toàn, chính phủ và nhân dân ta đã nỗ lực kiến thiết lại đất nước, hàn gắn lại những vết thương do địch để lại. Nạn thất nghiệp ngày càng giảm nhiều vì chính phủ ta không lúc nào không lo giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho nhân dân. Nhiều đồng bào đi Nam nghẹt thở dưới chế độ Mỹ-Diệm đã trở về Bắc, các quyền tự do dân chủ được bảo đảm (tư tưởng được cởi mở, phát triển, những tình cảm tốt được duy trì). Đường sắt, nhà máy, công trình thủy lợi được khôi phục lại, nông thôn tiến hành cải cách ruộng đất thắng lợi, v.v… Tất cả những sự việc lớn lao ấy, Trần Dần không nhìn thấy hoặc cố ý không nhìn thấy. Cái nhìn của Trần Dần trước sau chỉ là cái nhìn lệch lạc, cái nhìn xuống, cái nhìn thiển cận nhưng rất có ác ý (Ý kiến các anh NGUYỄN VĂN BỔNG nhà văn, NGUYỄN PHƯƠNG báo HÀ-NỘI hàng ngày, VĂN GIÁO họa sĩ.)
2) Nó không những phản ánh không đúng bộ mặt thực của miền Bắc chúng ta mà còn cố ý xuyên tạc sự thực, đặt điều ra để vu khống chế độ miền Bắc. Người đọc rất công phẫn khi đọc tới những đoạn thơ nham hiểm của Trần Dần tả cảnh thất nghiệp, đói khổ, chuyện đồng bào di cư. Trần Dần cố vẽ những “mảng” người lếch thếch ôm nhau đi trong “mưa rơi tối xầm [sic]” rồi bảo:
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo
Thiếu Cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
Ở đây
       khát gió, thèm mây,
Sự thật đồng bào ta dạo ấy bị cưỡng ép di cư, ra đi với một tâm trạng đau buồn, với một thái độ bất đắc dĩ. Đồng bào không hề bảo là tại thiếu cái nọ, thiếu cái kia, không than là “khát gió thèm mây” như trong bài thơ “Nhất định thắng”. Những lời Trần Dần đưa ra rất phù hợp với luận điệu của địch. Đó không phải là lời của ta, mà quyết nhiên là những lời của địch. (ý kiến chị THANH HƯƠNG).
3) Trần Dần cố ý bôi nhọ chế độ miền Bắc, gây nên trong suốt bài thơ một không khí hoang mang rã rời. Điệp khúc:
“Tôi bước đi
            không thấy phố
                         không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
                         trên mầu cờ đỏ”
Nhắc lại bốn năm lần trong suốt bài thơ, có dụng ý gây cho người đọc một tâm trạng chán chường, rã rời. Hình ảnh ấy, hoàn toàn sai lầm, vu khoát, cũng như hình ảnh lá cờ Tổ quốc của ta mà Trần Dần đã ví như một “lá cờ trừ ma” treo đầu nhà, là một súc [sic] phạm lớn đến một vật báu nhất, thiêng liêng nhất của toàn thể nhân dân. Trần Dần đã cố ý làm việc hỗn xược ấy, cũng như mọi cố ý khác trong bài thơ chỉ để gieo giắc [sic] hoài nghi:
- Chúng phá hiệp thương
                     - Liệu có hiệp thương
- Liệu có tuyển cử
- Liệu tổng hay chẳng tổng?
- Liệu đúng kỳ hay chậm vài năm?
gieo rắc hoang mang:
Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thương kinh hoảng trước tương lai
hoặc tuyên truyền ngờ vực:
Ai có LÝ và ai có LỰC?
Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?
Cuộc đấu tranh trong giai đoạn gay go quyết liệt này mà đưa ra những luận điệu như thế thì chỉ có lợi cho địch. (ý kiến anh TRÚC ĐƯỜNG báo Trăm hoa).
4) Nói đến chuyện đấu tranh cho Hiệp thương Tổng tuyển cử Thống nhất đất nước - một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng bậc nhất của toàn thể nhân dân ta - Trần Dần đã dùng những lời nói diễu [sic] cợt, phủ nhận giá trị cuộc đấu tranh chung ấy:
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi Thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
Việc nhỏ Trần Dần nói đây là việc gì? Là “cái ăn” “cái ngủ” “chuyện riêng tây” là “nựng con” và “tán vợ”. Địch cũng có những luận điệu tuyên truyền xấu xa và bỉ-ổi như vậy, cốt ý để làm cho người ta chỉ tha thiết lo những cái hưởng-thụ riêng lẻ của cá nhân mà lãng quên đi một nhiệm vụ quan trọng cấp-thiết của dân tộc (ý kiến một số đông văn nghệ). Cũng như khi nói đến cuộc tranh đấu của đồng bào miền-Nam chống Mỹ-Diệm thì Trần-Dần lại cố ý xuyên tạc sự thật ở trong ấy đi cũng như Trần-Dần đã bóp méo sự thật ở miền Bắc. Đồng bào miền Nam tranh đấu chống Mỹ-Diệm rất anh-dũng, bằng mọi hình thức phong phú, chứ có phải đâu chỉ là:
Những mảng thịt
Những giọt máu đào
kéo lũ lượt và thảm thê đi biểu tình ở ngoài đường phố. Có phải đâu chỉ là những “bàn tay nghều ngào” giơ lên, những “tiếng kêu vào giấc ngủ” những “tiếng khóc nổi trong cơm”… Trần Dần đã xuyên tạc khí thế đấu tranh và hành động anh dũng của đồng bào miền Nam đương hăng hái chống Mỹ Diệm. Trần Dần đã không làm nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là nói lên sự thật, phản ánh đúng sự thật. (ý kiến anh VŨ LÂN)
5) Tư tưởng của Trần Dần là tư tưởng của một người tách xa quần chúng, lười biếng, chỉ muốn không làm mà có ăn. Không chịu được khó khăn, không khắc phục được gian khổ. Những người ấy không bao giờ nhìn cảnh vật, nhìn xã hội mà thấy được cái hướng đương lên của cảnh vật, của xã hội. Thấy những sở thích cá nhân chưa được thỏa mãn thì hằn học nhìn cuộc đời, bất mãn, oán trách vu vơ.
Tư tưởng Trần Dần đi vào cá nhân chủ nghĩa, nên cái nhìn của anh là cái nhìn trên lập trường phản nhân dân, cái nhìn của một giai cấp suy tàn, sắp tiêu diệt. (ý kiến anh VĂN GIÁO)
Và có thể nói, tư tưởng của Trần Dần biểu hiện một phần nào tư tưởng của giai cấp địa chủ đương cố chống lại cách mạng, nhất là trong đợt 5 Cải cách ruộng đất ở chiến dịch Điện-biên-phủ chống phong kiến này. (ý kiến anh NGUYỄN XUÂN HUY giáo sư).
6) Trần Dần đã từng ở trong quân đội, Trần Dần đã được giáo dục, được học hỏi há không biết rằng bản chất quân đội của chúng ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra để phục vụ quyền lợi cho nhân dân. Vậy mà Trần Dần gọi quân đội của ta là “quân vô sản” thật là láo xược. Hơn nữa, Trần Dần đem những cám dỗ vật chất hệt như luận điệu địch thường dùng để hòng gây ra cho bộ đội ta những khao khát thèm muốn vật chất (ăn, ngủ, tán vợ, nựng con) để làm sao lãng ý chí đấu tranh của bộ đội ta (ý kiến anh LƯƠNG NGỌC TRÁC bộ đội).
Trần Dần tả quân đội ta bằng những câu:
Biển súng
         rừng lê
                   bạt ngàn con mắt
Quân đội ta đi tập trận về qua…
chủ ý là để cho người đọe [sic] ngộ nhận rằng quân đội ta là một quân đội hiếu chiến. Sự thật thì toàn dân toàn quân ta đương theo đúng đường lối của chính phủ đấu tranh cho sự nghiệp Thống nhất bằng phương pháp hòa bình (ý kiến anh TRẦN CƯ bộ đội).
7) Trần Dần đã cố ý dùng những chữ lập lờ để che đậy cho bộ mặt thật xấu xa ghê tởm của đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô đình Diệm. Những chữ “Mỹ miếc tít mù Mỹ miếc Ngô nghê) là những chữ dùng cố ý để làm lạc hướng người ta. Những chữ lập lờ thò lò hai mặt.
… bóng CHÚNG đè lên số phận từng người
CHÚNG ở đâu mà lại núp bên ta.
- Anh ạ! HỌ bảo chờ…
Ôi! xưa nay NGƯỜI vẫn thiếu tin NGƯỜI
NGƯỜI vẫn thường kinh hoảng trước tương lai.
(những chữ Người viết hoa rất mập mờ) đều có dụng ý xấu. (ý kiến nhà thơ trào phúng TÚ MỠ)
8) Bài thơ của Trần-Dần là con dao nhọn mài rất sắc đâm vào ngực chúng ta, ngoáy đi ngoáy lại mãi, trái lại khi nói đến kẻ địch là tụi Mỹ-Diệm, thì Trần-Dần đánh rất nhẹ, bằng những chữ rất mơ hồ, bằng những đòn lướt qua, như người quấn bông vào đầu gậy mà đánh (ý kiến anh ĐỖ ĐỨC DỤC). Hơn thế nữa, Trần-Dần đánh ta rất đau mà đối với địch, Trần-Dần không đánh, mặc dầu là đánh bằng cái gậy đầu bọc bông. Trần-Dần vuốt ve mơn trớn địch. Thử xem bài thơ nói về địch thế nào? Trần-Dần không vạch mặt chỉ tên địch mà gọi là Mỹ miếc, Ngô nghê. Trần-Dần nói đến ta thì thật sâu cay, mà nói đến địch thì cố tìm những hình ảnh mơ hồ, không sát, không đúng. Cả đoạn tả cuộc đấu tranh của miền Nam, Ngô-đình-Diệm sợ “xám xanh mày mặt” rồi hắn “điên cuồng”, hắn “run sợ” quỳ xin tha tội, rồi những giòng [sic] máu rỏ trúng đầu trúng mặt hắn, thật chẳng nói lên được cái gì là chế độ thối nát, độc tài, phát xít của Mỹ-Diệm. Đến đoạn cuối Trần-Dần cũng tả cái không khí phấn khởi của miền Bắc, nhưng tả thật là giả tạo thật là trống rỗng. Miền Bắc đấu tranh về mọi phương diện chứ đâu có phải chỉ có “những người thành phố, thôn quê” ùa ra phố mít tinh, biểu tình “vung cờ đỏ hát hò vỡ phổi” mặc dầu “đói no, lành rách”. Mấy khẩu hiệu Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, nêu ra ở cuối bài thơ không có tác-dụng gì chỉ gây cho người đọc một cái gì nhạt nhẽo, trừu tượng quá (ý kiến nhà thơ CÙ HUY CẬN.)
9) Chúng ta những người công tác văn-nghệ, yêu mến chế độ của ta, phải bảo vệ lấy nền văn nghệ tươi sáng của chế độ ấy do công sức chiến đấu và sản xuất của nhân dân ta tạo thành. Bảo vệ lấy nền văn nghệ ấy, tức là tự bảo vệ lấy bản thân ta. Trần-Dần đã có dụng ý không tốt. Bài thơ của Trần Dần đã “phỉ nhổ” lên cái gì cao quý nhất của ta. Đó là một mụn lở trên một cơ thể lành mạnh. Ta thấy cái dụng ý xấu ấy ngay từ ở một bài chuyện [sic] ngắn của Trần Dần in cách đây ít lâu, dưới nhan đề “Anh Cò lấm”, ký tên Trần bá Sá. (Ý kiến anh NGUYỄN TUÂN)
10) Bài thơ Trần Dần đã khéo ngụy trang để đánh lừa người đọc. Tác giả cũng giả vờ nói đến cái hay cái đẹp của miền Bắc, nhưng thâm ý chỉ cốt để người ta tưởng lầm rằng mình nói đến sự việc cả đủ hai chiều. (ý kiến một số đông văn nghệ sĩ) Không thể vin vào cớ “chống công thức” hay cớ gì để bênh vực nó, vì thơ gì thì thơ, chống công thức gì thì chống, văn nghệ cần phải phản ánh được sự thật, phục vụ được quyền lợi của nhân dân, không thoát ly được chính trị.
11) Khoan nói đến thằng địch ở miền Nam, hãy nói đến thằng địch còn sót lại ít nhiều ở trong lòng một số người chúng ta. Đó là cái phía tiêu cực, chán nản, hoài nghi của lòng người nó đương thoi thóp chết, thì bài thơ của Trần Dần có tác dụng hà thêm hơi thở cho nó sống lại. (Ý kiến anh ĐOÀN PHÚ TỨ).
12) Tôi rất hối hận đã có bài đăng trong cuốn Giai-phẩm. Mặc dầu bài của tôi được coi như “vô sự” nhưng thực ra, đăng bên cạnh bài thơ Trần Dần, nó có thể là một bức bình phong che cho bài thơ kia. Độc giả có thể tưởng lầm rằng bài thơ “Nhất định thắng” cũng là một bài thơ phản ánh đúng sự thật. (Ý kiến anh SỸ NGỌC, họa sĩ).
Ý kiến tổng kết của hội nghị

Bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần là một bài thơ làm ra với mục đích cố ý xuyên tạc sự thật để nói xấu miền Bắc, vu cáo chế độ tươi đẹp của chúng ta. Trần Dần đã dùng thứ văn chương sảo [sic] trá, nham hiểm để đạt mục đích ấy. Tư tưởng diễn đạt trong bài thơ rất phù hợp với luận điệu của địch tuyên truyền nói xấu ta. Tư tưởng ấy rõ ràng là tư tưởng phản động, tư tưởng của địch chống lại nhân dân ta, chống lại cuộc đấu tranh thống đất nước [sic] chúng ta.

HỒNG CẦU

ngay bên cạnh bài viết trên là bài thơ này của Nguyễn Bính:

10 comments:

  1. Đọc những dòng phê bình này mà thấy ghê rợn cho một thời, bao văn nghệ tài danh moi móc ra thật nhiều ý giết người. May là lịch sử không có cơ hội lặp lại nhiều lần nhưng cũng làm bao người phải đau thương, khốn khổ.
    Reply
  2. Tô Hoài toàn vạch mặt đồng đội, cụ đúng là không phải dạng vừa, vừa, vừa đâu, nhỉ? :p Hồng Cầu là ai?
    Reply
    Replies

    1. Con gái đầu của Nguyễn Bính tên Nguyễn Bính Hồng Cầu ạ:)
  3. Làm sao xác định Hồng Cầu 100% chính là Nguyễn Bính?
    Reply
    Replies

    1. chậc, Hồng Châu, Nguyễn Bính Hồng Cầu
    2. Cảm ơn cậu về thông tin. Buồn mấy phút khi nhìn thấy tên Nguyễn Tuân trong danh sách.
    3. à, không biết Tô Hoài có mặt trong cuộc họp này không nhỉ ^^
    4. riêng về Tô Hoài, mọi thứ gì ông ấy kể lại đều phải kiểm chứng chi tiết đấy: trong Cát bụi chân ai phiên bản đầu nói đến một tay (không nói rõ tên) từng nói xấu Nguyễn Tuân hồi năm 1956, ở bài này của Đặng Tiến:

      http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoc/to-hoai-tu-cat-bui-chan-ai-den-chieu-chieu-86006.html

      cho biết ở phiên bản sau Tô Hoài nói rõ đó là Hoàng Huế trong bài đăng trên Đất Mới

      có điều trên tờ Đất Mới không có bài ấy của Hoàng Huế hehe, mà bài của Hoàng Huế đăng một tờ khác thời Nhân văn-Giai phẩm
  4. đến hôm nay người vẫn thiếu tin người
    người vẫn thế rất kinh sợ tương lai :3
    Reply
  5. hài vãi. cụ NB cũng mơ được nắm tay vợ mình, con cái mình được học ĐH... những giấc mơ cũng đầy cá nhân chủ nghĩa (có điều cụ khôn vì lồng ĐẢNG phủ lên trên:)
    Reply

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates