Bỉm

Cái Bỉm của Trương Tân
 

 
 
Họa sĩ Nguyễn Minh Thành
Họa sĩ Nguyễn Minh Thành
Cuộc triển lãm lớn về nghệ thuật thị giác mang tên “Come-in” do Viện Goethe Hà Nội và Viện Văn hoá Ðức (ifa) tổ chức vừa diễn ra tại trường Ðại học Mỹ thuật Hà Nội từ ngày 10/1/2007.
Trên một diện tích hơn 800 m2, triển lãm lần này bao gồm hàng trăm sản phẩm, tác phẩm sắp đặt, tác phẩm video và nhiếp ảnh.
Có thể nói, từ đợt triển lãm "Quobo" năm 2003 đến nay, ở Việt Nam chưa hề có một triển lãm quốc tế nào về nghệ thuật tiền phong đương đại có quy mô hoành tráng đến như vậy.
Nhưng trong bài này tôi không có ý mô tả toàn bộ cuộc triển lãm, mà muốn bàn về một chuyện buồn của triển lãm. Ðó là việc các tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam là Trương Tân và Nguyễn Quang Huy được trưng bày một ngày và hôm sau thì bị công an văn hoá không cho trưng bày tiếp.
Mặc dù Viện Goethe đã xin được giấy phép từ Vụ Mỹ thuật của Bộ Văn hoá cho tác phẩm của hai nghệ sĩ Việt Nam này, nhưng theo lời giải thích của Viện Goethe thì công an văn hoá nhất mực không cho trưng bày nữa.
Sự việc này hoàn toàn không thể áp dụng lý lẽ để hiểu nổi.
Nguyễn Quang Huy dùng một con thiên nga đạp nước mua ở hồ Trúc Bạch mà ai đi qua đường Thanh Niên thì thấy, người ta đạp chúng để dạo chơi trên mặt nước thật thanh bình và âu yếm.
"Ngôi đền của tình yêu"
Anh sơn và vẽ lại con thiên nga này theo cách tô sơn mài truyền thống, với những hoạ tiết như ở đình chùa, rồi đặt lên trên một chiếc kiệu gỗ cổ.
Anh đặt tên cho thiên nga là: "Ngôi đền của tình yêu". Kế bên ngôi chùa, anh đặt một màn hình TV, chiếu một đoạn video do anh quay, cảnh đôi tình nhân bên nhau say đắm trên con thiên nga đạp nước tại hồ Trúc Bạch.
Còn Trương Tân thì với tài nghệ may vá, anh làm một bức điêu khắc bằng vải. Ðó là một chiếc Bỉm thay cho tã lót trước kia của các em bé nhưng được phóng với tỷ lệ 1:10 nghĩa là gấp 10 lần kích thước thật.
Khi lại gần thì thấy phía trong của chiếc Bỉm được lát bằng một lớp túi áo ngực (138 cái) ngay ngắn và đều đặn. Nhìn cái túi áo ngực là nhớ ngay ra hình ảnh cái áo mà người ta quen gọi ngày trước là áo đại cán.
Khi tôi đến xưởng, nơi anh làm việc, anh cho tôi xem cái áo công an cũ mà anh đã mua ở đường Lê Duẩn, cạnh ga Hàng Cỏ.
Tôi tự kiểm duyệt
Những cái túi áo này chính là thủ phạm gây nên việc công an đến và không cho trưng bày, cho dù đã xin được giấy phép từ Vụ Mỹ thuật.
Nghe đồn rằng, công an nói đó là hình ảnh túi áo của tấm áo mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa từng mặc. Thì đây tôi cũng chỉ nói lại theo dạng tin đồn, chứ không biết có thực thế hay không và chúng ta cũng chỉ hiểu nó ở dạng tin đồn.
Nhưng những túi áo ngực mà Trương Tân dùng làm lớp đệm phía trong của chiếc Bỉm phóng đại này, với riêng tôi thì đúng là giống hệt như ở cái áo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong nhiều bức ảnh.
Theo như tôi tự kiểm duyệt, thì tác phẩm "Ngôi đền tình yêu" của Nguyễn Quang Huy chẳng có vấn đề gì là phê bình nhà nước, hay khiêu dâm, hay bạo lực, để bị kiểm duyệt. Thế mà cũng bị dẹp luôn.
Nguyễn Quang Huy nói: “Tôi cảm thấy như bị đàn áp, vì sáng tạo của mình không được triển lãm. Một tác phẩm tôn thờ tình yêu mà cũng bị cấm, tôi không thể hiểu nổi”.
Người Ðức mời hai nghệ sĩ Việt Nam triển lãm cùng 29 nghệ sĩ Ðức tại Việt Nam, thế mà hai người Việt Nam không được triển lãm. Thế mới đen.
Bỉm được trưng một hôm thì phải dẹp
Giai thoại ''xin lỗi''
Ðây không phải lần đầu tiên tác phẩm của anh bị kiểm duyệt khi triển lãm. Trước đây người ta cũng làm như vậy khi anh triển lãm chung với một nghệ sĩ Mỹ năm 1995, tại Hà Nội. Nghệ sĩ Mỹ thì được trưng bày, còn Trương Tân thì không.
Thay vì không được treo tranh, anh đã viết những hàng chữ "xin lỗi" lên giấy dó bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp và Anh, để treo thế chỗ cho những bức tranh.
Chuyện này giờ trở thành một giai thoại thiêng liêng cho văn nghệ Việt Nam thời đổi mới.
Những bức tranh của anh từ xưởng vẽ di chuyển đến gallery để trưng bày, bằng một phép màu oan nghiệt tự dưng biến ngay thành lời xin lỗi.
Lời xin lỗi ấy được viết bằng bút lông, nét chữ của anh chân phương đơn giản và còn có vẻ hơi non nớt, nhưng, những chữ ấy tự dưng lại biến thành bức tranh, bởi phép màu của lòng thành thật.
Những từ “xin lỗi” được viết ra đúng khi xã hội đã gần quên mất từ “xin lỗi”, khi mà bầu không khí văn hoá đói khát lời xin lỗi, khi mà lời xin lỗi bị chôn giấu bởi hàng chục năm cuồng tín và hận thù. Khi mà người ta chỉ dạy nhau say sưa với chiến thắng và anh hùng.
Tác phẩm "xin lỗi" ấy của Trương Tân đã làm ấm dần lên cõi lòng một số ít đám bọn tôi, khi ấy còn là sinh viên của anh. Từ đó, băng dần tan trong tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu hiểu nghệ thuật.
Cái Bỉm của Trương Tân
Có lẽ trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình mà tôi xem của nghệ sĩ Việt Nam thì "Bỉm" của Trương Tân là tác phẩm hài hước nhất. Với riêng tôi đó là một kiệt tác.
Tôi chiêm ngưỡng tác phẩm này mà lòng thấy được an ủi và vinh hạnh biết bao, khi ít ra người Việt Nam đã có tác phẩm ngang tài các tác phẩm lớn trên thế giới. Ðó là nhận xét của tự mình tôi và chỉ tự mình tôi an lòng về điều này chứ thực sự, đến giờ tôi chưa nghe ai nói thế cả.
Từ "Bỉm", tôi nghĩ là một từ nôm, mà không hiểu nó được gọi như thế từ bao giờ. Nhưng âm thanh của nó thực là chính xác cho cái mà nó được gọi, đến mức không thể diễn tả nổi.
Lần này Trương Tân đã may những cái túi. Những cái túi nghiêm trang. Những cái túi đựng quyền lực. Những cái túi đựng tiền. Những cái túi đựng hai chiến thắng Pháp và Mỹ, bên ngoài còn treo thêm nhiều huân chương cho đẹp, cho vinh quang.
Trương tân dùng 138 cái túi này để lót bên trong bỉm
Những cái túi ấy còn đựng nhiều thứ nữa, nhưng có một thứ mà ngay sau khi "Bỉm" được triển lãm hai ngày, người ta dùng nó để khiêng "Bỉm đi, đó là: "quyền" không được tự do triển lãm.
Cái Bỉm có phải là thứ bậy bạ không? Với tôi, nó không bậy bạ, vì nếu em bé mà không nhờ công ích của cái Bỉm thì bẩn thật. Người ta khôn khéo để khắc phục sự bẩn kia bằng cái Bỉm.
Cái Bỉm cũng có chức năng như cái túi. Những cái túi được lót bên trong một cái giống như túi. Nếu những cái túi ngực tham nhũng, thì có nên đựng trong Bỉm không?
Chúng ta đã phí hoài bao nhiêu năm, cái lỗi nó không biến mất đi được, nó cũng cần có những cái Bỉm, để chuyển hoá những lỗi lầm và làm sạch dần trở lại. Cho tới mai này khôn lớn, thì thôi không cần đóng Bỉm nữa.
Nghệ thuật không sai
Tôi không biết có cách nào để những người cầm quyền ở Việt Nam hiểu cho một điều rằng: văn nghệ sĩ phải được trưng bày, trình chiếu tác phẩm của mình một cách hoàn toàn tự do.
Tôi muốn giải thích với các nhà cầm quyền là:
Thứ nhất: Chính trị có thể sai, nghệ thuật không có sai. Dù nghệ sĩ làm bất cứ cái gì thì cũng không có sai, chỉ có tác phẩm nhạt nhẽo, hoặc nhàm chán, chứ không có tác phẩm sai.
Vì sai, là sai với ai? Nếu đúng là người nghệ sĩ, thì họ không làm tác phẩm để phục vụ cho một chính quyền nào, cho một đảng phái nào hay cho một tổ chức nào. Họ luôn phải là người tự do trong suy tư và tư tưởng hơn bao giờ hết.
Thứ hai: Nghệ sĩ ngày nay làm tác phẩm không phải chỉ nói về cái Đẹp mà cả cái Xấu, không chỉ cái Thiện mà cả cái Ác, điên rồ và thậm chí càn rỡ nữa. Nói vậy nhiều người hoảng hồn, nhưng sự thực là thế đó.
Xã hội cần đến luật pháp để giữ cho những điên rồ, cuồng loạn, càn rỡ trong nghệ thuật không bị biến thể, xâm hại tới lãnh vực an ninh dân sự.
Ví dụ: nếu là tác phẩm có tính chất bạo lực, hoặc dâm dục, thì người tổ chức triển lãm phải làm đủ các điều kiện cần thiết, như cảnh báo, hoặc cấm người từ độ tuổi nào thì không thể xem, vân vân.
Nhà nước và luật pháp chỉ có vai trò đảm bảo cho người muốn xem thì được xem, người muốn trưng bày thì được trưng bày và không lợi dụng, hoặc bị lợi dụng.
Còn phẩm chất hay đạo đức của tác phẩm nghệ thuật là do phán quyết của công chúng, báo chí, các nhà chuyên môn.
 Tôi vẫn luôn hy vọng và ao ước, cho đến một ngày dưới bầu trời xanh, nghệ sĩ chúng tôi được tự do, hết sợ nhà nước và công an. Nghệ sĩ thực sự là nhân văn, thoải mái bay bổng làm nên các giai phẩm.
 
Nguyễn Minh Thành
Tác phẩm nghệ thuật cũng được quyền phê phán bất kỳ điều gì, kể cả chính phủ hay lãnh đạo và tôn giáo. Tất nhiên, không được thoá mạ hay mạt sát hoặc kích thích đồi bại vô nhân tính.
Một lời nài xin
Cũng là một người làm nghệ thuật, tôi thấy rằng, nghệ thuật Việt Nam đang là nô lệ. Nghệ sĩ cũng là nô lệ luôn.
Nhưng với riêng tôi, tôi theo tinh thần Phật giáo, nên tôi không đứng lên đấu tranh, phá ách nô lệ như tôi được dạy theo tinh thần của Ðảng, khi còn đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Tôi chỉ dám nài xin.
Tôi chịu nhục vì thân mình hèn mọn thế và tôi chỉ biết nài xin như thân phận kẻ nô lệ. Nếu không cho, hay chưa cho tôi vẫn cứ phải chịu vậy, nhưng lời nài xin của tôi luôn đợi đó.
Tôi xin nhà cầm quyền hãy cho nghệ sĩ được tự do, báo chí, truyền thông và ngôn luận được tự do, hãy bỏ chế độ kiểm duyệt, hãy bỏ chế độ xin phép khi làm triển lãm, hãy học cách làm quản lý văn hoá như một số các nước, ví dụ như Mỹ, Nhật, Ðức, Pháp, Úc,... hay ngay như bên Thái Lan là cũng tốt lắm rồi.
Ðừng dùng cái lý lẽ "người ta khác mình khác" để rũ bỏ trách nhiệm.
Ðằng sau những cái túi ngực là trái tim, cách nhau chẳng mấy xa xôi, thế mà hàng chục năm giời muốn tìm trái tim thì chỉ trông thấy cái cúc áo, hoặc tấm huy chương. Hỡi những cái túi ngực anh hùng, hãy đừng che lấp trái tim, hãy ủ ấm trái tim mà thôi.
Tôi vẫn luôn hy vọng và ao ước, cho đến một ngày dưới bầu trời xanh, nghệ sĩ chúng tôi được tự do, hết sợ nhà nước và công an. Nghệ sĩ thực sự là nhân văn, thoải mái bay bổng làm nên các giai phẩm.
Công an thì chuyên tâm săn bắt cướp, chứ không ngăn chặn rình rập nghệ sĩ.
Dưới bầu trời xanh, chính quyền bình đẳng với nghệ sĩ, với nhân dân. Nghệ sĩ cũng có thể yêu chính quyền, công an cũng yêu nghệ thuật.
Hà Nội tháng 1 năm 2007
Chú thích: BBC hiệu đính lại bài tác giả đã đăng trên Talawas.

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates