To Thuy Yen par Phan Nhien Hao
26.4.2005
Tô Thuỳ Yên
Thi sĩ, kẻ nhuốm bệnh thời khí trước tiên và khỏi bệnh sau cùng
Phan Nhiên Hạo thực hiện
Tô Thùy Yên (TTY): Thú thật, tôi đã phải ngần ngừ trước câu hỏi này. Trình bày những đặc điểm dù là những đặc điểm nổi bật của thơ trong cả một thời kỳ quả là việc làm không quen của một người không phải là một nhà chuyên môn nghiên cứu văn học với đầy đủ tài liệu, thống kê. Bởi miền Nam trước 1975 có nhiều bài thơ đặc sắc, nhiều thi sĩ có tài, mỗi bài thơ, một không khí, mỗi thi sĩ, một phong cách. Nên trình bày tóm lược như vậy, do chủ quan và qua hồi tưởng, chắc sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót có thể là trầm trọng. Nhưng đã được hỏi đến, thôi thì thấy sao, nhớ gì, nói nấy vậy.
Theo tôi, thơ miền Nam trước 1975, so với thơ của những thời kỳ trước đó, nhìn chung, đã đi sát hơn với thời đại mà nó phát sinh, đã biểu hiện đầy đủ hơn, trung tín hơn thực tế của thời đại đó. Ở đây, để tránh mọi hiểu lầm, tôi xin nói ra bên lề một chút về ý niệm thực tế trong thơ. Thực tế biểu hiện trong thơ, theo chỗ hiểu của tôi, không nhất thiết phải là một thực tế biểu hiện theo lề lối của chủ nghĩa tả chân xã hội mà là một thực tế gần như không cụ thể hẳn, một thực tế thường nặng phần tinh thần hơn mà tôi mạo muội gọi là thực tế tinh ròng, một thực tế không bắt buộc phải pha tạp bận bịu với những chi tiết râu ria của đời thường. Một bài thơ có tính thời đại nhiều khi đã chẳng hề nói đến những gì đang xảy ra trước ngõ nhà thi sĩ, mà lại nói về những chuyện tận đâu đâu. Tính thời đại của một bài thơ quan yếu ở tình ý, thần hồn của bài thơ đó.
Nói như vậy cũng hàm ý rằng văn chương, đặc biệt là thơ của một thời đại chính là cái hình tướng sẽ còn lại của thời đại đó. Lịch sử là lăng tẩm của thời gian. Thi ca là một phần hồn thiêng của lăng tẩm đó. Trong thơ miền Nam vào thời kỳ sau 1954 đã xuất hiện một nhân tố hoàn toàn mới, nhân tố đó là lịch sử. Nhân tố đó tuy đã bắt đầu có ló dạng trong thơ thời kháng chiến chống Pháp nhưng sự ló dạng đó dù sao cũng chỉ thập thò, loáng thoáng, bóng dáng lịch sử trong thơ thời kháng chiến vẫn có vẻ gì đó phiến diện, cùng lắm chỉ là những biểu hiện hoàn toàn có tính tả chân đơn điệu mà thôi. Trong khi lịch sử hiện diện trong thơ miền Nam thời chia cắt đất nước rõ nét hơn, trung thực hơn, và cũng đa dạng hơn. Nó đã lộ hiện tùy ở mỗi bài thơ, ở mỗi thi sĩ, với nhiều vẻ mặt sống động khác nhau, hăm hở có, hy vọng có, dò hỏi có, nghi hoặc có, nhưng nhan nhản vẫn là những vẻ mặt thảm thiết, thất thần, ê chề và tuyệt vọng. Dù phơi bày hay dù che khuất, lịch sử vẫn là cái phông nền ám ảnh bất biến của hầu hết những bài thơ miền Nam trong thời kỳ đó.
PNH: Ngoài đặc điểm “đi sát thời đại”, thơ miền Nam trước 1975 hình như cũng đã phần nào trở nên “lý trí” hơn thơ tiền chiến?
TTY: Một đặc điểm nổi bật nữa của thơ miền Nam trước 1975 là sự ngồi xê qua của cảm xúc để nhường bớt chỗ cho tư duy cùng ngồi. Nhìn chung, thơ Việt trước 1954, đặc biệt là thơ tiền chiến, chủ yếu thành hình trên cảm xúc thuần túy. Một nhận thức gần như một định nghĩa rất đỗi sai lạc về thơ thường được nhắc đi nhắc lại như một khuôn vàng thước ngọc là thơ chỉ cần cảm, không cần hiểu. Chính cái nhận thức cực kỳ tai hại này đã giam hãm thơ Việt, đã làm cho thơ Việt bị phế bỏ đi oan uổng một khả năng nữa đáng lý phải có đầy đủ của thơ là biểu hiện tư duy. Ðến độ người ta đã dễ dàng ngộ nhận là thơ như không hề thuộc về trí tuệ con người. Nên vô hình trung, thơ Việt cùng với thơ Trung Quốc, đã không thoát ra khỏi cái vỏ tù túng, bí hơi ngàn đời của nó. Sau đời Ðường, thơ đời Tống cũng chẳng đi xa hơn là mấy. Nó vẫn lẩn quẩn giữa những tình tự chủ yếu từng được biểu lộ loáng thoáng đâu đó thôi. Người đọc gần như không tìm thấy những sáng tạo mới khác, những rung động mới khác trong thơ nữa. Thơ miền Nam sau 1954 là bước đầu tiên và cũng là một bước quả quyết mở rộng bờ cõi sinh tồn cho thơ. Ở đây, có lẽ cũng nên nói thêm một chút về tính chất tư duy trong thơ để tránh những hiểu lầm nào đó cũng không kém phần nguy hại cho thơ. Gần đây, thỉnh thoảng người ta muốn phân loại thơ, chắc là cho dễ nói, nên đưa ra những danh loại cho thơ như là thơ chính luận, thơ siêu hình, thơ triết lý, thơ vân vân. Cách thức phân loại căn cứ thuần túy vào nội dung của bài thơ này vô tình đã coi nhẹ, nếu không nói là lược bỏ cái chính yếu của bài thơ, là cái phương cách cấu trúc thơ của bài thơ. Ðiều sơ đẳng là thơ có riêng những khả năng cùng những phương cách cấu trúc biểu hiện hoàn toàn đặc biệt của thơ. Hẳn nhiên, một bài thơ không phải, không thể, và nhất là cũng không nên là một bài luận thuyết chắc nịch quy củ về một chủ đề nào đó. Một bài thơ chỉ là một cố gắng hầu như tuyệt vọng làm lộ hiện một thi ảnh mờ ảo biểu tả một chấn động xúc cảm tư duy nào đó bằng một ngôn ngữ đã thoát vượt ra ngoài biên hạn thông phàm của chính ngôn ngữ, trên một phương cách cấu trúc hoàn toàn độc đáo của bài thơ. Sự không minh bạch của thơ chính là sinh mạng của thơ. Chỗ sáng trơ bao giờ cũng là tử địa của thơ. Nói như vậy không có nghĩa là thơ phải bí hiểm mờ mịt mới là thơ. Người nào cố tình nghĩ sai, người đó có tội. Nhìn xa hơn, thơ với những khiếm khuyết mơ hồ khả nghi thuộc về bản thể của nó, lại cũng là một phương thức thật sự tuyệt vời trong công cuộc thăm dò đời sống của trí tuệ nhân loại phiêu lưu. Chỗ cùng đường của luận lý, của khoa học, kể cả của tôn giáo nữa, chính là điểm khởi hành lang bạt của thơ không bao giờ khứng chịu ngừng nghỉ. Thơ miền Nam trước 1975 đã có công lớn mang về đầy đủ cho thơ Việt cái khả năng biểu hiện tư duy phải có nhưng đã bị phế bỏ lâu đời mà không biết của thơ.
PNH: Có thời, cùng với Thanh Tâm Tuyền, anh là nhà thơ trụ cột của tờ Sáng Tạo. Tờ này tuy tồn tại chỉ vài năm, nhưng đã để lại dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển văn chương, nhất là thơ ca, miền Nam. Theo anh, vì sao nhóm Sáng Tạo thành công như vậy vào lúc đó?
TTY: Dù muốn dù không, con người vẫn là sản phẩm của lịch sử. Trong một bài tựa, sử gia Pháp thế kỷ 19 Michelet đã cho lưu hành từ gia tốc như là một đặc tính của lịch sử. Nhưng ông mới chỉ phát hiện đặc tính gia tốc của lịch sử trong phạm vi thời gian với những biến cố càng lúc càng dồn dập của lịch sử, chớ chưa nêu lên đặc tính gia tốc của lịch sử trong phạm vi nhân bản, tức sự bành trướng khắp cùng của lịch sử càng lúc càng bao trùm khống chế nặng nề lên từng định mệnh cá nhân. Trong lịch sử, càng ngày con người càng bị quy định khắc nghiệt hơn bởi cái sử tịch chẳng thể từ bỏ được của mình. Và hẳn nhiên, người ta chẳng thể nào làm văn chương nghệ thuật bên ngoài lịch sử được. Sự xuất hiện cũng như sự thành công nếu có của tạp chí Sáng Tạo vào cuối thập niên 1950 cũng nằm trong tiến trình đương nhiên của lịch sử ở thời điểm đó. Năm 1954, chiến tranh với danh xưng chiến tranh Việt Pháp kết thúc, chiến tranh với một danh xưng khác còn đang mai phục chưa lộ diện, miền Nam trong một thời đoạn ân hạn ngắn ngủi, mặc nhiên trở thành vùng đất trống của hy vọng và lo âu. Chủ nghĩa thực dân và kẻ a tòng bất đắc dĩ của nó là chủ nghĩa phong kiến đã bị thanh toán. Miền Nam từ trong hang cùng ngõ cụt của xã hội, cần những thay đổi khẩn cấp, những triển khai vượt bực để sinh tồn trong một cơn bão lửa khủng khiếp đã bắt đầu cho thấy lờn rờn những điềm báo bất thường. Thành thử, miền Nam cùng với sự tượng hình của ý niệm tự do dân chủ, trong một thời gian nhanh chóng, đã đón nhận ồ ạt bất kể mọi trào lưu tư tưởng hiện hành của thế giới, nhờ đó, nhận thức của thành phần tiên tiến trong quần chúng văn chương nghệ thuật một sớm một chiều cũng được nâng cao lên ngang tầm với nhận thức đương thời của quần chúng văn chương nghệ thuật thế giới. Tất nhiên, lớp quần chúng tiến bộ khởi đầu của một trào lưu canh tân văn chương nghệ thuật bao giờ cũng ít ỏi. Tạp chí Sáng Tạo lúc khởi đầu cũng không ra ngoài thông lệ đó. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, rất ngắn chừng vài ba năm thôi, cùng với những chuyển biến liên tục cấp kỳ của xã hội miền Nam, lớp quần chúng khởi đầu thưa thớt đó đã phát triển thật ngoạn mục và mặc nhiên chiếm lĩnh vai trò ngự trị trong sinh hoạt văn chương nghệ thuật. Trong ký ức của những độc giả thuộc thế hệ 1954 vẫn còn tồn đọng lâu dài những kỷ niệm tình đầu văn chương nào đó với tạp chí Sáng Tạo. Thế hệ 1954 đó là một thế hệ đặc biệt, sáng rực bao nhiêu là tài năng, xum xuê bao nhiêu là hứa hẹn, người viết trẻ viết cho những người đọc trẻ. Nhưng thương thay, đó lại là một thế hệ yểu mệnh, một thế hệ không có được nhiều thời gian, y như số phận chung của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, một dân tộc bất hạnh ít khi được rảnh rang thư thả, nên thế hệ đó đã chẳng thực hiện được những công trình quan trọng, quy mô mà lẽ ra thế hệ đó có cơ may làm được. Chiến tranh gia tăng cường độ, nới rộng địa bàn, thế hệ tội nghiệp đó một sớm một chiều đã bị cướp đoạt thì giờ và tâm trí, bị thí bỏ. Trong khung cảnh đó, tạp chí Sáng Tạo hiện diện chỉ được vài năm thôi, đã đình chỉ nhưng dù vậy, ảnh hưởng của nó trong quần chúng văn chương nghệ thuật Việt Nam quả đã chẳng đình chỉ. Trong lãnh vực tư tưởng, không riêng gì tại Việt Nam, mà hình như ở bất cứ nước nào, kể cả những nước sinh động nhất, bao giờ bức tường bảo thủ cũng cực kỳ kiên cố. Tạp chí Sáng Tạo ở thời điểm của nó, đã góp phần quan trọng trong việc xuyên thủng, phá sập được bức tường thâm niên đó, giải thoát quần chúng từ bao lâu bị kềm hãm bưng bít ra với thế kỷ, ra với thế giới.
PNH: Cho đến tận hôm nay, vài nhóm văn chương cũng có tham vọng tạo được ảnh hưởng như Sáng Tạo xưa kia, nhưng xem ra “mộng vẫn không thành”. Anh giải thích sao về điều này?
TTY: Lý do đơn giản là vì những nhóm đó không gặp được điều kiện thuận lợi phải có từ một lớp quần chúng khởi đầu hăm hở sôi động với những nhu cầu cực kỳ bức thiết. Người ta chẳng thể nào làm cách mạng trong một xã hội lắng đọng, quần chúng không có ý chí đổi thay. Nhìn ở một góc độ khác nào đó, chính những cách tân lẻ tẻ, một cách khá là nghịch lý, lại chỉ củng cố thêm cho bức tường bảo thủ. Ðiều này, những tên cai trị độc tài biết rõ hơn ai hết.
Trở lại chuyện văn chương. Trong lãnh vực này, khác với sự lầm tưởng của đa số người đời, việc xuyên thủng, phá sập bức tường bảo thủ thật ra không hề do một chủ trương canh tân văn chương hô hào, mà lại do chính những tác phẩm có tính canh tân gợi ý. Ðể mở đường văn chương nghệ thuật, bao giờ lý thuyết gia cũng đi sau người sáng tạo ít nhất là một bước. Chỉ độc lý thuyết canh tân thôi mà không có một đội ngũ những tài năng sáng tác canh tân tiên phong, lý thuyết đó cuối cùng chẳng hấp dẫn thuyết phục được ai mà chỉ trơ là một ngông cuồng lố bịch.
PNH: Thời đó, nhóm Sáng Tạo đại diện cho cái mới. Nhưng ngay cả khi cùng ý hướng cách tân, anh và Thanh Tâm Tuyền vẫn là hai phong cách thơ rất độc lập nhau...
TTY: Tự bản chất, nhóm Sáng Tạo không phải là một văn đoàn với những định chế quy củ nghiêm nhặt, với những cương lĩnh chi tiết rạch ròi, những chương trình họp bàn kiểm điểm, mà chỉ là một quy tụ gần như tình cờ của một số người, tuổi tác chênh lệch nhau, gia thế khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, sở học khác nhau, nhưng cùng chung một sở thích là làm mới văn chương nghệ thuật, có vậy thôi. Ngay cả cái chuyện chính là làm mới đó cũng chẳng ai bảo ban ai phải làm mới như thế nào. Tự do sáng tác được tuyệt đối tôn trọng, các tác giả, ai muốn viết gì, viết như thế nào, cứ việc viết, ngay cả việc khen chê sáng tác của nhau cũng chỉ là nhân tiện câu chuyện qua qua, lắm khi đùa cợt, chớ chẳng ai nghiêm trọng hiệu đính ai, chẳng ai ra sức vận động ai. Nếu như có một vận động nào đó thì vận động đó chỉ phát khởi từ Mai Thảo, một Mai Thảo tinh nhạy, cực kỳ yêu quý chữ nghĩa và tài năng, trầm lặng đến độ người không thân tưởng là lạnh lùng phớt tỉnh, với tư cách chủ báo cần bài đủ kịp cho số báo tới, đã có kêu gọi, thúc hối mọi người viết, viết. Những người trong nhóm chẳng mấy khi họp bàn nghiêm trọng, nhưng sinh hoạt với nhau thật chặt chẽ thân tình, hầu như đã dành tất cả thì giờ rảnh rỗi tìm gặp nhau, tay đôi, tay ba, nhiều khi cả đám, nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời để rồi cuối cùng cũng chủ yếu quay về chuyện chữ nghĩa tư tưởng như là một ám ảnh đam mê chung. Ở bất cứ nơi nào, nhà riêng, tòa soạn, nhà in, công viên, vỉa hè, bờ sông, quán cốc, hàng ăn, phòng trà... Vào bất cứ lúc nào, sáng trưa chiều tối, và rất, rất nhiều lần mãi tận đêm khuya lang thang trên đường phố. Ðó là thời kỳ bohémien của chúng tôi.
PNH: Anh có thể nói đôi điều về quan hệ văn nghệ giữa anh và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền?
TTY: Thanh Tâm Tuyền và tôi bắt đầu chơi thân nhau cũng từ thời kỳ đó. Nửa thế kỷ đã đi qua, thay đổi bao nhiêu cảnh đời, nhưng vẫn không thay đổi tình bạn giữa chúng tôi. Chúng tôi trao đổi chia sẻ với nhau nhiều điều và tất nhiên cũng có nhiều điều chúng tôi không đồng ý với nhau. Thường chúng tôi cũng có những nhận xét bất chợt về những bài thơ nào đó của nhau nhưng chúng tôi tuyệt nhiên chẳng bao giờ thuyết phục nhau dù bằng cách này hay cách khác về phương cách làm thơ của nhau. Lý do quan trọng hơn cả là vì chúng tôi tôn trọng nhau, cũng như hiểu rõ rằng trong việc làm thơ không có chuyện hợp tác, và riêng phần tôi, tôi rất yêu quý tài năng đa dạng và chói rực của Thanh Tâm Tuyền. Theo chỗ tôi nhận thấy, Thanh Tâm Tuyền là một người sáng tạo bẩm sinh, đích thực, ngay cả trong những câu chuyện mưa nắng bình thường, anh cũng hay đưa ra những ý tưởng mới mẻ bất ngờ mà người không quen có thể cho là chối ngẳng, nhưng riêng tôi, tôi nhìn thấy chúng như những tia nháng lạ lùng của một trí tuệ cực kỳ sinh động, khiến người nghe có dịp đi xa thêm nữa trong suy nghĩ của mình. Thường giữa chúng tôi với nhau, Thanh Tâm Tuyền có một cách thức nói chuyện khá độc đáo là từ ý tưởng này nhảy sang ngay ý tưởng khác, thường rất xa cách nhau mà không cần lần lượt đi qua những ý tưởng chuyển tiếp trung gian, khiến người nghe có khi cũng ngớ ra và phải cất công chớp nhoáng dò ngược lại trong đầu mình đường dây tư tưởng của anh. Có lẽ cấu trúc thơ văn của Thanh Tâm Tuyền cũng theo một tiến trình tương tự. Ngay từ những năm mới 20, 21 tuổi, anh đã là một khuôn mặt quan trọng hàng đầu trong sinh họat văn chương miền Nam dù rằng anh là một tác giả gây ra nhiều dị nghị và dị ứng nhất. Mãi cho đến bây giờ, sau những gần năm thập niên rồi, hình như người ta vẫn chưa thật sự công bằng với anh. Cảm thức thưởng ngoạn của quần chúng văn chương Việt Nam quả neo buộc quá chặt, quá lâu vào cội đa già bảo thủ. Thời gian sau này, ra khỏi nước, anh ẩn mình ở một bang miền Bắc hẻo lánh, không công bố thêm sáng tác nào nữa, và như vậy, vô tình anh đã tạo ra một khoảng trống không nhỏ trong sinh hoạt văn chương hải ngoại hiện thời. Những khi gặp nhau, thường tôi có hỏi thăm chuyện viết lách của anh, nhưng hoặc anh lảng tránh trả lời, hoặc trả lời không rõ ràng, lúc vầy lúc khác, dù rằng anh vẫn như hồi nào, hào hứng đam mê nói bàn về tư tưởng chữ nghĩa kim cổ Ðông Tây. Thôi thì văn chương cũng là thứ hữu mệnh, tôi chỉ biết ngậm ngùi và cũng như hồi nào, tôi chẳng nói thêm với anh một lời thúc đẩy, vặn vẹo nào cả.
PNH: Quan niệm chung của anh về vấn đề làm mới thơ ca thế nào?
TTY: Bạn hỏi về quan niệm chung của tôi trong việc làm mới thơ như thế nào, quả tình tôi cũng ngẩn ra. Bởi tôi không hề có, ngay cho bản thân tôi, một chủ trương nhất định nào trong việc làm mới thơ. Một phần vì tự bản chất trời sinh, tôi vốn dị ứng với tất cả những thứ gọi là hệ thống hay định chế. Tôi định nghĩa tôi là một thân phận vô định. Và thơ cũng theo đó mà vô định. Vì vậy, tôi nhận thấy là mọi toan dự định nghĩa thơ nếu như có được đi chăng nữa, cùng lắm chỉ là một định nghĩa què quặt tạm bợ cho thơ, định nghĩa qua những bài thơ đã có mà thôi. Lúc nãy, tôi có nhắc qua về bản chất phiêu bạt của hồn thơ, thành thử một định nghĩa nào đó về thơ mặc nhiên chặn đứng hồn thơ lại. Và vì hồn thơ không thể bị chặn đứng lại mà không bị hủy diệt nên thơ cũng như mọi hình thức diễn đạt khác phải được làm mới, thường trực làm mới. Nội ý niệm làm mới thôi cho thơ, nghĩ cho kỹ, tự nó đã bao hàm đầy đủ lắm rồi những gì cần làm, những gì cần tránh trong bài thơ sắp tới, chớ còn chủ trương thêm phải thế này, phải thế nọ chỉ là một việc làm dư thừa nếu không nói là có khi lại bội phản thơ vì ngăn chặn thơ. Ngay cả với mỗi thi sĩ thôi, trong mỗi bài thơ đang làm của mình, theo dẫn dắt vô định của hồn thơ phiêu bạt, hắn sẽ tự chọn lựa lấy một phương cách đặc thù và cũng là nhất thời nào đó mà thôiù. Có như vậy mới thật sự là làm mới, thường trực làm mới. Bằng không, sẽ chỉ là mô phỏng, ngay cả mô phỏng chính mình. Một chủ trương về thơ thật ra chỉ làm hạn hẹp không gian sinh tồn của thơ. Hãy làm thơ theo như mình cảm nghĩ. Người sáng tạo tâm niệm: cõi sống mênh mông biến ảo, liệu ta đã theo hồn thơ đi cùng khắp hay chưa? Ngay tảng đá nơi sân nhà, có những buổi sáng tôi nhìn nó thấy lạ như chưa từng nhìn thấy nó.
PNH: Sau 1975, anh đi “cải tạo” mười ba năm. Có lúc anh viết: “Hãy kể lại mười năm mộng dữ / Một lần kể lại để rồi thôi”. Anh đã có dịp kể lại cơn mộng dữ này chưa?
TTY: Chưa, nếu nói là viết hẳn một cuốn sách dày về cơn mộng dữ đó. Nhưng nếu chỉ nói chung chung thì tôi có kể loáng thoáng đây đó qua một số bài thơ của tôi. Có nhiều biến động lớn lao trong đời như chiến tranh, tù rạc... mà tôi đã chứng nghiệm nhưng rồi tôi đã chỉ nói được một phần rất nhỏ nhoi qua thơ tôi mà thôi. Ðồng ý là văn chương trong tự thể của nó tựu trung là một nỗ lực vô vọng nhưng tuyệt vời nhằm kéo dài sinh mệnh mong manh của ký ức loài người, nhưng việc viết hay không viết về những từng trải của mình hoàn toàn tùy thuộc nơi tâm cơ của từng tác giả. Vạn vật bất bình tất lên tiếng là chuyện đã đành, nhưng lên tiếng như thế nào lại là chuyện khác nữa.
Hẳn nhiên độc giả Việt Nam, nhất là tác giả Việt Nam nào mà chẳng mong mỏi một kiệt tác bề thế chiếu yêu một thời đại lầm than vừa đi qua của đất nước? Một thời đại thảm khốc thường dẫn dắt ngay theo sau nó một thời đại được mùa của văn học. Nhân loại chẳng học hỏi được ở đâu nhiều bằng từ những thảm kịch của chính mình. Quả đáng tiếc và cũng đáng xấu hổ nếu như chính chúng ta chưa hình thành nổi một giáo án tầm cỡ tương xứng. Hay là dân tộc Việt Nam vẫn chưa vùng thoát ra được cái thảm kịch mấy ngàn năm đeo đẳng của mình là chẳng thu vén đủ nổi thời lượng rảnh rang và tâm trí tỉnh táo cho những công trình quy mô đồ sộ?
Tôi cũng xin nhân tiện nói luôn: chẳng lẽ cả dân tộc Việt Nam tự mình lại còn muốn kiệt sức hà hơi tiếp cho những cái thây ma một thời được nhớt rãi rêu rao là đỉnh cao, là siêu việt, lại còn muốn khuất thân tôi mọi nối dài thêm nữa một chương hồi lịch sử lầm lạc oan khiên, để tự mình đầy đọa lấy mình thêm nữa trong đó hay sao? Và cũng chẳng lẽ đã ba thập niên qua, thời gian của hơn một thế hệ trưởng thành, vẫn chưa đủ để chúng ta khựng tỉnh cơn hả hê hào khí ngất trời ngu muội và vô sỉ, vẫn chưa đủ để chúng ta giải trừ được lòng nghi kỵ cùng sự sợ hãi như những hội chứng tâm thần trước những phải trái cần phân minh, vẫn chưa đủ để chúng ta lương thiện lượng giá phẩm cách làm người của mình, để mà can trường hồi phục được hy vọng, niềm tin và ý chí phải có của một dân tộc hay sao?
PNH: Những bài thơ sau 1975 của anh, trong khi phản ánh một đời sống khốn cùng cả vật chất lẫn tinh thần, vẫn toát lên nỗi buồn bao dung về cuộc nhân sinh: “Ta tưởng chừng nghe thời đại động/ Xô đi ầm ĩ một cơn đau”, những niềm vui rất thi sĩ: “Cám ơn hoa đã vì ta nở/ Thế giới vui từ mỗi lẻ loi”. Trong quan niệm của anh, thi sĩ là ai trong cõi đời này vậy, giữa những biến động tàn khốc của lịch sử?
TTY: Thi sĩ, ngươi là ai? Bất thần bị hỏi căn cước, thi sĩ chắc phải lúng túng thôi. Bởi chẳng như người đời thường tưởng lầm, thi sĩ vốn không có căn cước nhất định. Căn cước đích thực của thi sĩ là bài thơ hắn đã làm ra, vì vậy có thể hắn có rất nhiều căn cước khác nhau, mỗi bài thơ là một căn cước nào đó của hắn. Thi sĩ thật ra chỉ là người từng là thi sĩ của những bài thơ hắn đã làm ra, chớ không phải là người lúc nào cũng đang là thi sĩ, hay sẽ là thi sĩ. Thi sĩ không phải là một danh phận thường trực hiện hành mà là một danh phận nào đó thuộc quá khứ. Căn cước hay những căn cước của hắn, nếu phải gọi đó là căn cước thì cũng chỉ là những căn cước đã quá hạn. Nhận thức này cũng ngầm nói rằng thi sĩ là một hồn tính lang thang vô sở cư một khi đã xa lìa bài thơ quá khứ của chính mình. Hơn nữa, nói đến văn chương là nói đến quá khứ. Nếu như phải chọn một định nghĩa nào đó cho văn chương, tôi sẽ sẵn sàng chọn cái tên tựa tác phẩm À la recherche du temps perdu của M. Proust làm định nghĩa vậy. Người sống chẳng ở lại trọn đời nơi quá khứ. Thi sĩ đã mãn phần khi làm xong bài thơ. Và nếu muốn, tự hắn sẽ thoát đi, hóa thân thành một thi sĩ khác ở bài thơ sau.
Với xã hội, thi sĩ có khác người chăng chỉ ở chỗ làm được thơ cho ra thơ, thế thôi. Tôi thiết nghĩ không nên nhầm lẫn lấy sứ mệnh của thơ làm sứ mệnh của thi sĩ. Trước đây, tôi đã có lần bày tỏ đại khái là thơ có sứ mạng, thi sĩ thì không.
Với lịch sử, trước những chuyển đổi thời thế, thi sĩ của bài thơ đang làm là cơ phận nhạy cảm nhất trên thân thể cộng đồng. Hắn nhuốm bệnh dịch thời khí trước tiên và sau khi dịch thời khí đã đi qua, dường như hắn vẫn còn phải chịu đựng lâu dài thêm hậu quả của bệnh. Âu đó cũng là cái giá phải chăng mà hắn phải trả sòng phẳng cho chính bài thơ hắn đã làm ra. Nghề nào, nghiệp nấy.
PNH: Anh đang sống ra sao, đang viết gì hay có ý định viết gì?
TTY: Tôi hiện sống một mình trong một khu chung cư do chính phủ Mỹ tài trợ, láng giềng chủ yếu là người da đen và tôi gần như chẳng giao tiếp với bên ngoài vượt quá mức tối thiểu đòi hỏi của xã hội. Về vật chất, tôi tự bằng lòng với những căn bản mà một con người có thể nhờ vào đó mà tạm sống còn trong xã hội Mỹ. Về tinh thần, tôi đang suy nghiệm, qua bản thân khi đối diện với tuổi già trong cô quạnh, về một câu nói của E. M. Cioran mà tôi đã tình cờ đọc thấy: “Ðêm tối chảy trong huyết quản tôi”.
Tôi vẫn chưa bỏ được viết. Tôi viết, lúc được lúc không, nhiều ít tùy cơ, và bởi tôi vốn không hề nhằm chủ đích chiêu khách tiếp thị gì nên thấy không cần phải rao hàng trước. Bao giờ tác phẩm đã xong thì hay là đã xong, xong như vậy đó. Hơn nữa, qua kinh nghiệm, khi chưa khởi công, thường tôi cũng có ý định này nọ, nhưng đến khi viết được thì lại viết những thứ khác hẳn với ý định ban đầu của mình. Thành thử cuối cùng tôi đành để trống tâm trí mình và tự thả nổi theo duyên nghiệp. Vả lại, đương đầu với tuổi già trái trở, tôi cũng tự lượng sức mình may ra chỉ còn làm kịp được dăm ba câu thơ chơi chơi nữa mà thôi. Từ bao giờ, tôi vẫn tâm nguyện ca múa không dụng tâm, sống đời không hậu ý. Bây giờ, thời gian còn lại ước lượng chẳng bao nhiêu, lẽ nào lại đổi thay điều tâm nguyện đó? Tôi mong mỏi bạn đã chẳng cảm thấy bị phụ lòng khi tôi phải trả lời không rõ ràng như vậy.
Cám ơn bạn Phan Nhiên Hạo cùng các bạn đã quan tâm thăm hỏi.
PNH: Cảm ơn nhà thơ Tô ThùyYên.
Comments
Post a Comment