KHẨU SÚNG SĂN






KHẨU SÚNG SĂN
Ryoju by Inoue Yasushi
(Phạm Đức Thân dịch từ bản Anh ngữ Shotgun của George Saito)
         Inoue Yasushi (1907-1991) viết báo, làm thơ trước khi xuất bản tác phẩm đầu tay "Khẩu Súng Săn" năm 1949, và nổi tiếng tức thời. Trong lời bạt của tác phẩm này in năm 1988, ông nhận xét: tuy truyện có chút vụng về của buổi đầu, nhưng nó biểu thị con người ông đầy đủ nhất, hơn cả 50 tiểu thuyết và 150 truyện ngắn ông viết sau này, "có một cái gì cơ bản mà tôi không thể thoát ra được" Thật vậy, tác phẩm tâm lý sâu sắc này, tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng nó có đủ tính chất chừng mực, chững chạc, súc tích, trữ tình, chi tiết, và nhất là chất thơ (dẫu sao ông còn là thi sĩ) của một bực thầy.
Tình yêu, cái chết, cô đơn và sự thật ẩn giấu trong mỗi người... tất cả đan bện vào nhau trong 3 bức thư từ 3 góc nhìn khác nhau của 3 phụ nữ trong một cuộc tình tay ba bi thảm: người tình, con gái người tình và người vợ bị bỏ bê. Phạm đức Thân chuyển Việt ngữ từ bản Anh dịch "Shotgun" của George Saito, có tham khảo bản dịch "The Hunting Gun" của Michael Emmerich.
          Gần đây tôi có đóng góp bài thơ tựa là "Khẩu Súng Săn" cho báo Người Đi Săn, một tạp chí nhỏ là cơ quan của Hội Những Người Đi Săn Nhật Bản.
Thiên hạ có thể cho tôi là một người có ít nhiều thích thú săn bắn. Trong khi thật ra tôi được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ bình sinh rất ghét giết chóc và tôi thì chưa bao giờ đụng tới khẩu súng hơi nữa. Vậy mà có một bạn cũ thời trung học, biên tập báo Người Đi Săn, yêu cầu tôi viết một bài thơ - vì biết rằng ngay tuổi này tôi vẫn làm thơ, theo kiểu riêng của mình, cho tạp chí thơ mông lung. Anh có lẽ yêu cầu tôi trong một lúc cao hứng và tỏ ra lịch sự muốn bù đắp một thời gian dài mất liên lạc giữa chúng tôi. Thông thường tôi hay từ chối đề nghị như vậy vì tôi không hứng thú với tờ tạp chí và yêu cầu lại là viết về săn bắn. Nhưng số là tôi đã từng suy nghĩ ngày nào đó sẽ viết một bài thơ về khẩu súng săn và nỗi cô đơn của con người. Dịp này đúng là chỗ chính xác để giải tỏa...
Một đêm cuối tháng Mười Một, khi cảm thấy cái lạnh của đêm, tôi ngồi xuống bàn giấy. Làm việc tới quá nửa đêm, tôi viết một bài thơ kiểu như văn xuôi và sáng hôm sau gửi nó tới biên tập viên báo Người Đi Săn.
Vì bài thơ có liên hệ phần nào tới câu chuyện tôi xin trích ra đây:
"Đầu mùa đông, một người đàn ông, miệng ngậm cái tẩu thuốc to kiểu thủy thủ, đang len lỏi qua những bụi cây, chậm chạp lần đường lên núi Amagi, dẫn con chó săn chạy trước, và đôi ủng đạp trên lá cây đông cứng. Đây kiểu người gì mà lại tự võ trang khẩu Churchill hai nòng và thắt lưng 25 viên đạn? Đây kiểu người gì mà lại tước đoạt sự sống bằng một khí cụ trắng và sáng loáng như thế? Không hiểu sao bỗng dưng tôi bị hấp dẫn bởi cái người đi săn cao lớn đi ngang qua, chỉ còn thấy cái lưng. Từ đó tôi cứ thoáng nhớ lại ông - khi thì tại trạm xe lửa trong một thành phố lớn, khi thì tại những chỗ nhộn nhịp muộn về đêm. Lúc ấy tôi thích bước đi như người đi săn đó. Chậm rải, bình thản và lạnh lùng. Tôi không hình dung người đi săn giữa khung cảnh giá lạnh của Amagi trong đầu mùa đông. Mà đúng hơn ông đang ở giữa một lòng sông trắng đơn độc. Và khẩu súng sáng loáng lấp lánh tỏa một vẻ đẹp hết sức tuyệt vời - không bao giờ cảm nhận như thế khi súng nhắm vào một sinh vật - như đè nặng trên tâm hồn cô đơn và hình hài của một người đàn ông trung niên".
Chỉ khi lần giở những trang báo tôi mới phát hiện, mặc dù cái tựa thích hợp, nhưng bài thơ thì hoàn toàn tương phản thấy rõ đối với những chữ "săn bắn", "tinh thần thể thao", "trải nghiệm lành mạnh" nằm rải rác trong những bài khác. Tôi thật ngu ngốc chỉ nhận ra điều này sau khi nhìn thấy bài thơ được in trên một trang hình như tách biệt hẳn với các phần khác của tờ báo. Tuy nhiên cái tôi đưa vào bài thơ là đặc tính thiết yếu của cây súng, theo như trực giác thi hứng của tôi cảm nhận, hoặc ít ra cũng là một cái gì tôi nhắm đến, một cái gì mà tôi thấy không cần phải xin lỗi. Nếu nó được đăng trong một tạp chí khác loại, thì không có vấn đề gì cả. Nhưng tạp chí này, cơ quan của Hội Những Người Đi Săn Nhật Bản, đang trình bầy đi săn là một cái thú khỏe khoắn, lành mạnh nhất; thành thử cảm nghĩ của tôi có phần nào trái khoáy. Tôi có thể tưởng tượng cái tình cảnh lúng túng của bạn tôi khi nhận được bản thảo bài thơ. Nhiều phần chắc là anh có lưỡng lự một thời gian trước khi quyết định. Khi nghĩ đến sự rộng lượng của anh, tim tôi thót lại. Tôi đoán là sẽ nhận được một hai bức thư phản đối của hội viên trong Hội. Nhưng hóa ra lo lắng của tôi vô căn cứ. Tôi không nhận được cho dù chỉ một bưu thiếp. Chẳng biết thế là tốt hay xấu, hình như tất cả mọi người đi săn trong nước không ai để ý đến bài thơ. Thật ra có thể cũng chẳng ai buồn đọc nó. Khoảng hai tháng sau, khi tôi đã quên vụ này, tôi nhận được một phong thư niêm kín, từ một ông Misugi Josuke hoàn toàn xa lạ..
Tôi nhớ có một nhà sử học đã nhận xét rằng những chữ khắc trên một công trình cổ xưa bằng đá ở Thái Sơn làm người ta liên tưởng tới lấp lánh ánh nắng của mặt trời sau một cơn gió thu lạnh lẽo thổi qua. Mặc dù những chữ khắc đã biến mất từ lâu, không có đến một bản rập lưu lại cho chúng ta thấy nét bay lượn và uy lực của chúng, nhưng theo tôi hình như thủ bút của Misugi trên cái phong bì trắng lớn giấy Nhật Bản hẳn phải rất giống chúng. Quả thật các chữ viết bao trùm gần hết mặt bì thư trông tuyệt đẹp. Tuy nhiên có cái gì đó làm tôi cảm thấy một trống vắng toát ra từ mỗi chữ, và chính cái tính chất này khiến tôi nhớ đến nhận xét của nhà sử học về những chữ khắc trên Thái Sơn. Cái địa chỉ hình như đã được viết nhanh bởi một lần duy nhất chấm bút đẫm mực. Tuy nhiên đường đi của bút lông gợi ra một trống vắng lạnh lùng kỳ lạ, một thản nhiên phải phân biệt với cái thản nhiên nhờ tập luyện mà thành thói quen. Nói cách khác, tôi cảm thấy trong cái phóng khoáng của bút pháp có cái vị kỷ của một đầu óc hiện đại, không chìm đắm trong cái tầm thường, tự hào chữ đẹp, thường thấy ở một tay bình thường.
Dẫu sao vẻ tuyệt đẹp của chữ viết hình như phần nào không hợp cảnh khi tôi thấy nó trong cái hộp thư đơn sơ bằng gỗ của tôi. Mở phong bì ra tôi thấy một cuộn giấy Trung Quốc dài gần 2 mét, phủ những hàng gồm 5, 6 chữ lớn, tất cả viết theo lối thảo.
"Săn bắn là thú tiêu khiển của tôi", bức thư mở đầu. "Gần đây tôi tình cờ được đọc bài thơ 'Khẩu Súng Săn' của ông trong báo Người Đi Săn. Tôi diễn đạt vụng về và không biết gì về thi ca. Thú thật với ông đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đọc một bài thơ. Tôi cũng phải thú nhận với ông đây là lần đầu tiên tôi được biết tên ông. Tuy nhiên tôi phải nói rằng bài thơ đã gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi."
Khi khởi sự đọc thư, tôi nhớ lại bài thơ văn xuôi đã gần như quên hẳn. Trong thoáng chốc tôi hơi bực mình, nghĩ rằng đây là bức thư phản đối chờ đợi từ lâu, có lẽ của một ông đi săn nổi tiếng nào đó. Tuy nhiên đọc tiếp, tôi thấy bức thư hoàn toàn khác hẳn điều tôi lo lắng.
Lịch sự và với vẻ tin chắc, Misugi Jokuse viết: "Tôi có lầm không khi tưởng tượng nhân vật đó là chính tôi? Tôi chắc rằng ông đã bắt gặp cái hình ảnh cao lớn của tôi đâu đó trong một làng dưới núi Amagi khi tôi đang đi săn hồi đầu tháng Mười Một. Tôi rất tự hào về con chó săn hai mầu trắng đen đã được huấn luyện đặc biệt để săn chim trĩ; về khẩu súng Churchill quà tặng của thầy giáo khi tôi ở Luân Đôn; cũng như về cả cái tẩu thuốc ưa thích mà ông có mô tả. Tôi lại còn hân hạnh được ông lấy cái tâm trạng của tôi, không có chút gì là hân hoan cả, để làm đề tài cho thi ca. Tôi thật xấu hổ và không thể không cảm phục cái nhìn sâu sắc đầy thi hứng của ông."
Tôi cố gắng hình dung lại một lần nữa người đi săn mà tôi đã gặp trên con đường qua rừng cây tuyết tùng, một buổi sáng cách đây khoảng 5 tháng. Tôi đang trọ tại một quán nhỏ suối nước nóng đưới chân núi Amagi, ở Izu. Tôi không nhớ rõ mọi sự trừ cái vẻ đơn độc đặc biệt của người đi săn khi ông ta đi ngang qua, lưng quay lại phía tôi. Tôi chỉ nhớ rằng ông là một người cao lớn, tuổi trung niên.
Sự thật là tôi đã không chăm chú quan sát ông cẩn thận. Với khẩu sáng săn quàng vai, tẩu thuốc ở miệng, ông có vẻ như trầm ngâm suy tư, không giống những người đi săn thường gặp và ông hiện rõ nổi bật giữa khung cảnh lạnh lẽo của buổi sáng đầu mùa đông. Đó là lý do duy nhất khiến tôi quay nhìn ông khi hai chúng tôi đã đi qua nhau. Ông rẽ vào một con đường khác đường tôi đang đi, lên cao giữa đám bụi cây. Tôi có nhìn ông một thoáng ngắn khi ông chậm chạp leo lên đường dốc. Ông hình như sợ bị trượt, và không hiểu tại sao tôi có cảm tưởng ông đang rất cô đơn. Vì thế tôi mới mô tả ông trong bài thơ. Mặc dù tôi có thể thấy con chó săn của ông rất khá, nhưng một người chẳng biết gì về thực tế săn bắn như tôi làm sao biết được loại súng ông đeo? Chả là khi tôi bắt đầu chuẩn bị làm bài thơ tôi tra cứu được biết súng săn tốt nhất là Richard và Churchill. Tôi bèn tự tiện cho nhân vật của mình một khẩu súng Anh. Thật là ngẫu nhiên mà khẩu súng của Misugi thực sự ngoài đời lại là Churchill. Với tôi Misugi Josuke vẫn là một người xa lạ.
Bức thư tiếp, "Ông có thể nghĩ thật là lạ lùng, sao tôi lại nói đến chuyện tôi có 3 bức thư. Tôi đã dự định đem đốt chúng. Tuy nhiên sau khi đọc bài thơ ông tôi chợt nghĩ tôi nên yêu cầu ông đọc chúng. Tôi rất tiếc phải làm phiền ông, nhưng xin cho phép tôi được yêu cầu ông, khi nào rảnh rỗi, đọc 3 lá thư mà tôi sẽ gửi trong một phong bì khác. Tôi muốn để cho ông hiểu cái mà ông gọi là "lòng sông trắng". Con người là một sinh vật điên rồ, muốn trên tất cả là được người khác biết về mình. Bản thân tôi chưa bao giờ nuôi dưỡng cái ước muốn đó, cho đến khi được biết ông đã tỏ ra thích thú đặc biệt đến tôi. Tôi cảm thấy tôi muốn ông biết rõ mọi sự về tôi. Tôi hết sức hoan nghênh ông hủy 3 là thư này sau khi đọc xong. Cũng ngẫu nhiên là sau khi tôi vừa nhận 3 lá thư này thì ông bắt gặp tôi ở Izu. Sự thật là tôi đã có cái thú đi săn từ vài năm rồi. Đó là giai đoạn an bình trong đời sống tư cũng như công của tôi, ngược hẳn với cuộc sống lẻ loi của tôi bây giờ. Thời điểm mà ông thấy tôi, khẩu súng săn đã trở thành tất cả đối với tôi"
Hai ngày sau tôi nhận được một phong bì trên có tên người gửi là Misugi Josuke, theo sau với hàng chữ "tại một khách sạn ở Izu". Bên trong gồm 3 bức thư. Chúng đều đề gửi cho Misugi, và mỗi thư là của một phụ nữ khác nhau. Tôi sẽ không cho biết cảm nghĩ của mình. Thay vào đó, tôi trích dẫn cả 3 bức thư. Tôi phải thêm rằng Misugi hình như là một người có địa vị đáng kể trong xã hội, cho nên tôi đã tra cứu các danh bạ để tìm tên ông. Nhưng tôi không tìm thấy. Rất có thể ông đã dùng tên giả. Trình bầy các thư ở đây tôi sẽ điền tên Misugi Josuke vào chỗ tên thật đã bị xóa đi. Còn tên các nhân vật khác đều là giả tưởng.
 Xem tiếp Thư của Shoko



Chú Josuke kính mến.
 
Mẹ chết đã được 3 tuần rồi. Từ hôm qua chúng cháu không còn nhận được những thăm hỏi chia buồn và căn nhà chợt im ắng trở lại. Cảm nhận Mẹ không còn sống nữa trở nên thấm thía đau như cắt. Chú hẳn phải mệt kinh khủng. Chú đã lo mọi sự cho tang lễ, từ gửi thông báo tới họ hàng đến sửa soạn thức ăn cho khách lúc canh thức. Vì tính chất bất thường cái chết của Mẹ, chú đã thay cháu tới lui trạm cảnh sát nhiều lần. Thật vậy, chú đã làm mọi việc, không sót điều gì. Liền ngay sau đó chú về Tokyo lo công việc. Cháu thành thật mong rằng chú đã không mệt mỏi quá sức để sinh bệnh.
 
Theo như thời biểu của chú, giờ này chắc chú đang ngắm cảnh rừng đẹp ở Izu, tươi sáng nhưng dịu nhẹ, giống như hình vẽ trên đồ gốm Trung Quốc. Cháu đã cầm bút viết là để chú có thể đọc thư cháu trong khi chú ở Izu. Mặc dù cháu rất muốn viết sao để sau khi đọc chú có thể cảm giác như lâng lâng theo gió, tẩu thuốc trong tay, nhưng cháu không thể làm được. Cháu đã phí nhiều tờ giấy mà thấy không thể tiếp tục. Khi khởi viết cháu đã không ngờ lại như vậy. Cháu muốn bình tĩnh nói với chú những điều mình nghĩ trong đầu và xin chú thông cảm. Khi chuẩn bị bức thư cháu đã suy nghĩ mãi về thứ tự trình bầy. Tuy nhiên, bây giờ khi đã bắt đầu viết, thì những điều cháu muốn nói với chú lại ập đến cùng lúc. Không, không chính xác là vậy. Sự thật là cháu bị tràn ngập từ mọi phía bởi một nỗi đau buồn, giống như những cuộn sóng trắng sông Ashiya vào một ngày lộng gió. Cho dù vậy, cháu sẽ cố tiếp tục viết.
 
Thưa chú, cháu có dám mạnh bạo nói với chú không? Cháu biết chuyện đó - về Mẹ và chú. Cháu biết mọi chuyện hôm trước khi Mẹ mất. Cháu đã đọc nhật ký của bà.
 
Thật khó làm sao phải nói thẳng với chú những lời này! Cháu đã cố hết sức tìm mọi cách, nhưng không thể nào nói được lấy một câu. Chỉ có viết cháu mới có thể diễn đạt được ý mình. Không phải cháu sợ. Chỉ là vì cháu buồn. Buồn đã cột cái lưỡi cháu lại. Cháu không buồn chú, buồn Mẹ hay buồn cháu. Mọi thứ, mọi thứ, bầu trời xanh, ánh nắng mặt trời tháng Mười, vỏ cây bách nhật hồng, lá tre lay động trong gió, nước, đá, đất, vâng, tất cả những gì hiện hữu trong thiên nhiên, trở nên buồn ngay khi cháu vừa mở miệng. Sau cái ngày đọc nhật ký của Mẹ cháu biết rằng thiên nhiên xung quanh cháu có thể nhuốm một mầu buồn 2, 3 lần, có khi tới 5, 6 lần trong một ngày, như mặt trời bị phủ nhiều mây. Cứ chợt nghĩ đến chú và Mẹ thì đột nhiên thế giới trở thành hoàn toàn khác hẳn. Chú có biết ngoài tất cả những mầu thông thường còn có một mầu buồn mà người ta có thể nhìn thấy rõ ràng không?
 
Qua cuộc tình giữa chú và Mẹ cháu mới biết được có một tình yêu không được ai chúc phúc và cũng không ai xin chúc phúc. Tình yêu giữa chú và Mẹ là chuyện chỉ hai người biết. Dì Midori không biết, cháu không biết và không một họ hàng nào biết. Ngay cả xóm giềng và bạn thân thiết cũng không biết hoặc không thể biết. Mẹ chết đi thì chỉ còn chú biết chuyện này. Và sau này chú mất, không ai trên đời lại tưởng tượng có tồn tại một tình yêu như thế. Trước đây cháu tin rằng tình yêu là một cái gì tươi sáng và hân hoan như mặt trời, một cái gì được Thượng Đế cũng như người chúc phúc đời đời. Cháu đinh ninh là tình yêu giống như một giòng nước nhỏ thuần khiết, lấp lánh dưới mặt trời và lăn tăn theo gió, được dịu dàng nhìn ngắm bởi cỏ, cây, hoa trên bờ, và phát ra âm nhạc tuyệt diệu khi lớn mạnh. Làm sao cháu có thể tưởng tượng được tình yêu lại như dòng nước ngầm dưới đất, không có ánh nắng và không ai biết nước từ đâu đến và chẩy đi đâu.
 
Mẹ đã lừa dối cháu trong suốt 13 năm. Sau cùng đến chết Mẹ vẫn dối cháu. Cháu chưa từng nghĩ giữa Mẹ và cháu lại có một bí mật. Thỉnh thoảng Mẹ bảo cháu rằng hai mẹ con mình thật lẻ loi cô đơn trên đời. Về chuyện làm sao Mẹ lại chia tay Bố, bà chỉ nói khi nào cháu tới tuổi lập gia đình cháu sẽ hiểu. Cháu muốn trưởng thành mau lẹ không phải vì cháu muốn biết về Mẹ và Bố, nhưng vì cháu nghĩ Mẹ hẳn phải khổ tâm để giữ bí mật. Mẹ hình như đã chịu rất nhiều đau khổ. Không thể ngờ bà lại còn có một bí mật khác giấu cháu!
 
Khi cháu còn nhỏ Mẹ thường kể câu chuyện con chó sói lừa dối con thỏ và bị biến thành đá vì cái tội dối trá. Mẹ đã dối cháu, Dì Midori, và cả thế giới. Làm sao bà có thể như vậy? Điều kinh khủng nào đã mê ám bà? Phải, cháu nhớ bà dùng chữ "xấu xa" trong nhật ký. "Cả Misugi và tôi đều xấu xa. Chúng tôi muốn được xấu xa hoàn toàn." Tại sao bà không viết là đã bị mê ám? Mẹ bất hạnh nhiều hơn con chó sói đã lừa dối con thỏ! Nhưng Mẹ và chú thân yêu đã chọn cái xấu - những người hoàn toàn xấu nhất trên đời! Tình yêu đòi hỏi người ta phải trở nên xấu thì mới buồn làm sao! Cháu nhớ ngày lễ nọ có người đem cho một quả thủy tinh tròn trong có gắn những cánh hoa giả mầu đỏ. Cháu chỉ là một đứa trẻ. Cháu cầm nó trong tay và bật khóc. Cháu hẳn làm mọi người ngỡ ngàng. Cháu thấy các cánh hoa như đông cứng trong thủy tinh lạnh ngắt; những cánh hoa cứ y nguyên dù khi xuân hoặc hè đến; những cánh hoa đã bị hy sinh. Khi cháu nghĩ đến những cánh hoa, nỗi buồn chợt đến. Cũng cái nỗi buồn đó bây giờ đang trở lại với cháu. Tình yêu giữa chú và Mẹ, giống như những cánh hoa buồn này!
 
Chú Josuke kính mến.
 
Chú hẳn chắc giận cháu vì đọc nhật ký của Mẹ. Hôm trước ngày Mẹ mất có cái gì đó bảo cháu Mẹ chắc là không thể hồi phục. Cháu có cái linh cảm này. Như chú nhớ đấy, trừ cơn sốt nhẹ không có dấu hiệu nào xấu đáng kể ở bà. Bà vẫn ăn được. Hai má tươi và hình như còn hồng hơn thường lệ. Tuy nhiên cháu không thể không cảm thấy tuyệt vọng. Nhìn bà từ sau lưng - nhất là đường chạy từ vai xuống cánh tay- cháu thấy sờ sợ. Chiều hôm bà mất, lúc Dì Midori đến hỏi thăm, cháu vào phòng Mẹ nói cho bà biết. Khi cháu đẩy cánh cửa, cháu khựng lại. Bà đang ngồi trên giường, lưng quay về phía cháu. Bà mặc chiếc áo choàng kimono mầu xám đỏ tô điểm mạnh bạo với những hoa cúc gai, mà bà cất trong tủ và hiếm lấy ra. Bà đã nói bà sẽ cho cháu vì nó quá nổi đối với bà.
 
"Chuyện gì vậy?" Bà hình như không hiểu tại sao cháu lại giật mình
 
"Nhưng mẹ..."
 
Cháu không thể nói tiếp. Bản thân cháu cũng không hiểu tại sao lại giật mình. Một cái cục lạ lùng trào lên trong cổ họng cháu. Dẫu sao không có gì ngạc nhiên chuyện Mẹ lấy chiếc áo kimono thời trẻ ra mặc vì bà vốn vẫn thích mặc kimono. Từ khi bà đau bà có thói quen mỗi ngày lôi ra mặc một kimono đã không mặc trong nhiều năm. Có thể bà muốn khuây khỏa tâm trí. Tuy nhiên về sau, cháu biết tại sao cháu đã ngạc nhiên. Mẹ trông đẹp đến nỗi không phải nói ngoa khi mô tả bà là đẹp lộng lẫy. Nhưng đồng thời bà trông cô đơn bất hạnh, cô đơn bất hạnh cháu chưa từng thấy trước đây. Dì Midori bước vào phòng. "Ôi, đẹp quá!" dì kêu lên và ngồi lặng một lúc như thể bị choáng ngợp. Hình ảnh Mẹ như cháu thấy khi nhìn từ sau lưng trong áo choàng lụa Yuki không hề phai trong đầu cháu suốt ngày hôm đó, một hình ảnh đẹp nhưng lẻ loi cô đơn, như một khối nặng lạnh lẽo đè trên tim cháu.
 
Buổi chiều gió ngừng thổi. Cháu giúp chị người làm Sadayo quét gom lá rải rác trong vườn để đốt. Cháu cũng lấy ít rơm mấy hôm trước cháu đã mua giá cao một cách phi lý đến tức cười, để làm tro đệm cho lò than của Mẹ. Mẹ đang ngồi trong phòng khách ngó ra ngoài. Bà bước ra hàng hiên cầm một bọc gói ngay ngắn.
 
"Đốt cái này nữa."
 
Khi cháu hỏi bà đó là cái gì, bà trả lời giọng nghiêm nghị khác thường rằng không việc gì đến cháu. Rồi bà nói khẽ:
 
"Đó là nhật ký của mẹ. Làm ơn đốt nó."
 
Bà quay gót bước về phòng mình, loạng choạng lạ lùng như thể đang bị gió thổi..
 
Cháu phải mất nửa giờ để có tro đệm. Khi rơm cuối cùng đã biến thành khói tía, cháu đi đến một quyết định. Cháu đem nhật ký của Mẹ lên phòng mình và giấu sau một kệ. Đêm đó gió lại nổi lên. Một con trăng mờ mờ âm u chiếu xuống vườn. Nhìn từ cửa sổ trên lầu cảnh trí giống như một bãi biển hoang đâu đó ở miền bắc xa xôi, và gió rì rào giống như sóng đập vào bờ. Mẹ và Sadayo đã đi ngủ.. Chỉ có cháu còn thức. Cháu lấy vài quyển sách dầy cộm của một bộ bách khoa đem chẹn cửa và hạ màn cửa sổ xuống. (Ngay cả ánh trăng cháu cũng sợ). Rồi cháu điều chỉnh cái chụp đèn và mở cuốn sổ là nhật ký của Mẹ....
 
Chú Josuke kính mến.
 
Cháu nghĩ cháu sẽ không bao giờ được biết về Bố và Mẹ nếu cháu bỏ lỡ cơ hội đọc nhật ký. Cho tới lúc đó cháu chưa hề có ý muốn biết về Bố. Dẫu sao khi cháu lập gia đình Mẹ sẽ cho cháu biết. Cháu chỉ nhớ tên ông mà thôi, Kadota Reiichiro. Nhưng suy nghĩ cháu thay đổi sau khi cháu bắt gặp mẹ cháu trong chiếc áo choàng đó. Không hiểu tại sao cháu lại buồn rầu tin chắc bà không qua khỏi.
 
Cháu đã nghe bà ngoại ở Akashi và thân nhân khác, cháu không nhớ là hồi nào, nói rằng Mẹ đã phải bỏ Bố. Trong khi Bố đang làm luận án Bác Sĩ tại Khoa Nhi Đại Học Tokyo thì cháu sống trong nhà ở Akashi với Mẹ, Ông, Bà và một chị người làm. Lúc đó cháu 5 tuổi. Một ngày tháng Tư có gió, một phụ nữ trẻ bồng một đứa bé sơ sinh đến gặp mẹ. Khi cô ta được đưa vào phòng khách, cô đặt đứa bé vào chỗ khuất trong phòng, cởi giải lưng, lấy một cái áo - loại mặc bên trong kimono - từ một cái giỏ, và bắt đầu thay y phục. Mẹ đang bưng tách trà ra giật mình trước cảnh này. Cô ta bị mất trí. Sau này được biết đứa bé hình hài èo uột đang nằm ngủ ở chỗ trưng bầy hoa nandina đỏ là con của Bố.
 
Đứa bé ít lâu sau qua đời. Người phụ nữ chỉ bị diên khùng nhất thời và sớm bình phục. Cháu nghe nói bà ta lập gia đình hạnh phúc với một thương gia ở Okayama. Liền sau biến cố này Mẹ dẫn cháu rời Akashi. Gia đình quyết định là Bố, trước được nhận vào làm con nuôi, nay phải bị ly dị.
 
Bà ngoại ở Akashi có lần nói với cháu, lúc cháu vào trường nữ sinh: "Mẹ cháu quá cứng rắn. Dẫu sao thì chuyện cũng đã rồi."
 
Mẹ rất khó tính, cho nên bà không thể tha thứ cho Bố. Đó là tất cả những gì cháu biết về Bố và Mẹ. Cho tới 7 hoặc 8 tuổi cháu nghĩ là bố không còn sống; hay đúng hơn, cháu được làm cho nghĩ như vậy. Nhưng Bố đã chết, ngay bây giờ, trong tim cháu. Cháu không thể hình dung bố thực của mình, ông, nghe nói, hiện đang điều hành một bệnh viện lớn ở Hyogo, xa cách đây chưa đầy một giờ. Ông vẫn còn độc thân. Ông vẫn còn sống, nhưng bố cháu thì đã chết từ lâu.
 
Cháu mở nhật ký của Mẹ. Cái chữ đầu tiên mà đôi mắt háo hức của cháu bắt gặp là "tội lỗi", chữ cháu không hề ngờ sẽ tìm thấy. "Tội lỗi," "tội lỗi," "tội lỗi." Chữ này được viết nguệch ngoạc lập đi lập lại. Cháu hầu như không thể tin rằng Mẹ đã viết chúng. Dưới các chữ "tội lỗi" cũng viết nguêch ngoạc: "Thượng Đế, xin hãy tha tội cho con. Midori, tha thứ cho chị." Bà hình như đang rên rỉ dưới sức nặng của những chữ. Phần còn lại của trang biến mất, và chỉ có hàng chữ này nằm gầm gừ như con yêu tinh, nhìn trừng trừng từ trang giấy như muốn nhẩy chồm lên cháu.
 
Cháu gập nhật ký lại. Một khoảnh khắc kinh hoàng. Giữa lặng thinh, cháu có thể nghe thấy tiếng đập của quả tim. Cháu nhỏm dậy khỏi ghế và một lần nữa xem chắc cửa và cửa sổ vẫn an toàn. Trở lại bàn giấy cháu sợ sệt mở lại nhật ký. Rồi cháu đọc từ đầu đến cuối, không bỏ sót chút nào, và đồng thời cũng cảm thấy mình như một con quỷ. Không thấy nói gì đến Bố. Đây, với ngôn ngữ thành thật, là cuộc tình giữa Mẹ và chú, một cuộc tình cháu chưa bao giờ tưởng tượng nổi. Cháu đọc Mẹ khi thì đau khổ ra sao, lúc thì vui sướng thế nào, rồi cầu nguyện, thất vọng, đôi lần còn muốn tự tử nữa. Vâng, bà đã quyết định kết liễu đời mình trong trường hợp cuộc tình bị Dì Mirodi khám phá. A! Mẹ lúc nào cũng nói chuyện với Dì Midori thân ái dịu dàng là thế mà lại sợ dì!
 
Nhật ký của Mẹ cho thấy bà đã sống bên cạnh cái chết trong suốt 13 năm này. Khi thì bà ghi 4 hoặc 5 ngày liên tục, khi thì 2 hoặc 3 tháng để qua bên. Và trang nào của nhật ký cũng đối diện cái chết.
 
"Tôi phải chết. Chết sẽ giải quyết được mọi chuyện." Điều gì đã khiến bà viết như thế? "Tại sao ngươi lại sợ này nọ, một khi ngươi đã quyết định chết? Can đảm lên, Ayako!". Điều gì đã làm người mẹ dịu dàng của cháu phải than khóc thế này? Tình yêu chăng? Điều đẹp đẽ và tươi sáng gọi là tình yêu? Chú có lần đã cho quà sinh nhật cháu là một quyển sách mô tả một phụ nữ hãnh diện đứng khỏa thân cạnh một giòng suối, mớ tóc dài cuộn xõa trên vai, hai tay đỡ ngực, nâng vú lên trông giống như chồi hoa. Tình yêu của Mẹ và chú thật khác hẳn tình yêu mô tả trong quyển sách.
 
Từ lúc cháu đọc nhật ký của Mẹ, Dì Midori trở thành một người đáng sợ nhất trên đời. Đau đớn của Mẹ trở thành đau đớn của cháu. A, Dì Midori, người hôn cháu với đôi môi cong! Dì Midori thân yêu, người cháu coi như Mẹ! Chính dì, khi cháu vào trường sơ học ở Ashiya, đã cho cháu cái cặp đựng sách có tô điểm những bông hồng to; và chính dì đã cho cháu cái phao bơi lớn hình dạng như con mòng biển khi cháu đi trại hè. Ngày nọ ở trường lúc cháu học lớp hai, cháu được vỗ tay khen vì thuật một truyện của anh em Grimm. Cũng chính Dì Midori đã khuyến khích cháu tập dượt mỗi chiều và thưởng cho sự kiên trì của cháu. Dì Midori là họ hàng của Mẹ và rất thân với Mẹ. Mặc dù bây giờ Dì Mirodi chỉ còn khiêu vũ, nhưng trước đây dì giỏi chơi mạt chược, gôn, bơi lội và trượt tuyết. Chính Dì Midori đã nướng bánh lăn bột to lớn hơn mặt cháu và đem nhóm vũ nữ từ Takarazuka về nhà làm Mẹ và cháu giựt mình. Tại sao dì đã bước vào đời mẹ con cháu dịu dàng thế, như một đóa hồng?
 
Nếu cháu đã từng có thấy điềm gì về chú và Mẹ, thì chỉ có một lần duy nhất. Đó là cách đây khoảng 1 năm. Cháu đang cùng bạn trên đường đến trường. Khi chúng cháu tới Trạm Shukugawa, cháu chợt nhận ra đã quên quyển đọc tiếng Anh. Cháu bảo bạn đợi ở trạm và vội vàng quay về nhà. Không hiểu tại sao cháu lại không thể cố thử mở cửa. Chị người làm đã đi đâu đó lo việc vặt và chỉ có Mẹ ở nhà. Cháu cảm thấy hơi không an tâm bà ở nhà một mình. Cháu sợ. Cháu đứng ở cổng không biết có nên vào hay không. Cháu ngó bụi cây đỗ quyên. Cuối cùng cháu bỏ cuộc và trở lại trạm xe lửa, tâm trạng kỳ lạ thế nào ấy không hiểu tại sao. Cháu cảm thấy rằng từ cái lúc cháu rời nhà tới trường thì cũng là lúc bắt đầu một thời gian đặc biệt cho Mẹ. Cháu cảm thấy nếu bước vào cổng thì sẽ làm phiền bà. Cảm thấy cô đơn không tả cháu vừa đi về trạm vừa đá mấy viên sỏi trên đường dọc theo Sông Ashiya. Rồi cháu thấy mình dựa vào chiếc ghế gỗ dài trong phòng đợi, lơ đãng nghe bạn nói.
 
Đó là lần đầu và cũng là lần cuối cháu cảm nghiệm như vậy. Bây giờ mới thấy hình như đáng sợ thật. Con người sở hữu những đặc tính đáng gờm! Làm sao cháu có thể bảo Dì Midori đôi khi không cảm thấy điềm như thế? Dì Midori, khi chơi bài thường tự hào mình có khả năng đọc được đầu óc tay bài khác. Cứ thử nghĩ xem có đáng sợ không? Có thể lo lắng như vậy là ngu ngốc, vì mọi sự đã chấm dứt và bí mật đã được giữ kín. Không, bí mật không phải được giữ kín, mà Mẹ chết là để giữ bí mật. Cháu tin như vậy.
 
Vào ngày buồn đó, ngay trước khi cơn đau đớn ngắn ngủi nhưng mãnh liệt bắt đầu, Mẹ gọi cháu, nói giọng đều đều kỳ lạ, hơi có vẻ khô khan: "Mẹ vừa uống thuốc độc. Mẹ quá mệt mỏi, không thiết sống...."
 
Giọng bà nghe giống nhạc trên không trung, rõ lạ lùng, như thể qua cháu bà đang nói với Thượng Đế. Cháu có thể nghe chữ "tội lỗi" chồng chất cao như Tháp Eiffel, đổ nhào vào tai cháu. Những tầng tội lỗi bà đã chống đỡ trong 13 năm bây giờ đang đè bẹp thân xác mệt mỏi của bà và cuốn sạch nó đi. Cháu chỉ thấy tràn ngập một nỗi tức giận, như bão táp của gió đông thổi từ thung lũng, khi cháu ngồi trước Mẹ và dõi theo đôi mắt mẹ đang ngó trân trân vô hồn vào xa tít. Nhìn khuôn mặt buồn của Mẹ cháu chỉ đáp được một tiếng "Ô?" như thể không có gì liên quan tới cháu. Rồi tim cháu trở nên lạnh như bị dội nước. Đầu óc tĩnh lặng, tĩnh lặng đến nỗi chính cháu cũng ngạc nhiên, và thay vì đi ngang qua phòng bên cạnh, cháu đi dọc hành lang, bước đi như lướt trên nước (chính lúc này cháu nghe tiếng kêu của Mẹ như sắp bị cái chết nuốt chửng). Cháu đến chỗ điện thoại cuối hành lang và gọi chú. Tuy nhiên không phải chú, mà là Dì Midori 5 phút sau đã ập vào nhà. Mẹ chết, nắm tay Dì Midori, người gần nhất mà cũng sợ nhất. Và những bàn tay này phủ một miếng vải trắng lên mặt Mẹ, giờ thì đã thoát khỏi lo lắng và buồn phiền.
 
Chú Josuké kính mến.
 
Đêm đầu tiên canh thức là một đêm yên tĩnh - yên tĩnh không thể tin được. Đám đông khách ban ngày, cảnh sát, bác sĩ, và hàng xóm tất cả đã rời khỏi. Chỉ có chúng ta - chú, Dì Midori và cháu- Không ai nói một câu. Như thể chúng ta đang lắng nghe tiếng nước vỗ yếu ớt vào bờ. Khi nhang tàn chúng ta lần lượt đứng lên thay nhang, và có lẽ cả mở cửa sổ cho thoáng khí nữa. Chú hính như buồn nhất. Khi chú đứng lên thắp nhang mới, chú ngó dịu dàng hình Mẹ. Trên khuôn mặt buồn của chú thoáng một mỉm cười, thoáng phớt hầu như khó có thể nhận ra. Đêm đó biết bao lần cháu nghĩ dẫu sao cuối cùng Mẹ hẳn phải hạnh phúc.
 
Khoảng 9 giờ, khi cháu đang ngồi gần cửa sổ cháu bật khóc. Chú nhỏm dậy lặng lẽ tới đặt tay lên vai cháu và đứng như vậy một lúc. Rồi chú trở về ghế của mình không nói một lời nào. Không phải vì cháu thấy đau nhói buồn cho Mẹ mà cháu khóc. Cháu nghĩ tới chuyện Mẹ không nói gì về chú trong những giây phút cuối và cháu tự hỏi tại sao không phải chú mà là Dì Midori đã ập tới bên cháu khi cháu điện thoại. Tim cháu quặn đau. Tình yêu của chú và của Mẹ phải bị giấu kín ngay lúc lâm chung. Nó hình như đáng thương giống những cánh hoa bị đóng đinh trong cái bầu thủy tinh. Cháu đứng lên, mở cửa sổ, ngó ra bầu trời sao lạnh lẽo, mang một nỗi buồn suýt phải phát ra thành tiếng. Nhưng rồi cháu chợt nghĩ tình yêu của Mẹ đang bay lên trời thấp thoáng giữa những vì sao, không ai trong chúng ta được biết. Với cháu hình như đau buồn cho cái chết của một cá nhân gọi là "Mẹ" có vẻ nhỏ nhặt so với đau buồn cho một tình yêu đang thăng thiên.
 
Khi cháu ngồi xuống dùng bữa nửa đêm, cháu lại bật khóc. Dì Midori dịu dàng bảo: "Cháu phải can đảm. Dì đau lòng lắm thấy mình không giúp được gì." Lau nước mắt và ngẩng đầu lên cháu thấy Dì Midori đang nhìn cháu. Mắt dì cũng ngấn lệ. Cháu lắc đầu. Dì chắc không để ý. Sự thật là cháu đột nhiên cảm thấy buồn cho dì. Cháu ngó dì sửa soạn 4 cái đĩa, cho chú, dì và cháu và Mẹ. Cháu thình lình cảm thấy dì là người buồn nhất ở đó. Đó là tại sao cháu khóc.
 
Đêm đó cháu còn khóc lần thứ ba. Đó là khi hai người bảo cháu đi ngủ. Chú bảo ngày mai sẽ là một ngày vất vả. Kiệt sức cháu thiếp đi ờ phòng bên. Khi thức dậy người ướt đẫm mồ hôi. Cháu thấy một giờ đã trôi qua. Phòng bên vẫn im ắng trừ thỉnh thoảng có tiếng chú bật lửa. Nửa giờ sau cháu nghe chú và Dì Midori nói với nhau.
"Midori, em đi nghỉ đi. Tôi ở đây canh cho".
 
"Không, cám ơn. Anh nghỉ đi."
 
Tất cả chỉ có vậy, rồi im ắng trở lại. Cháu thổn thức có lẽ 3 lần. Lần thổn thức này chú dì không nghe. Cháu chỉ thấy có cô đơn và kinh hoàng. Ba người, các vị - Mẹ, người đã gia nhập thế giới khác, và hai chú dì - cùng ở trong một phòng. Mỗi người ở đó có ý nghĩ riêng khác nhau. Thế giới của người lớn đối với cháu hình như cô đơn và kinh hoàng không chịu nổi.
 
Chú Jokusé kính mến.
 
Cháu đã viết lan man. Cháu đã cố hết sức diễn đạt tốt cảm nghĩ của mình để xin chú thông cảm cái yêu cầu cháu sắp nêu ra đây.
 
Cháu chỉ yêu cầu chú một việc: cháu không muốn gặp lại chú hoặc Dì Midori. Cháu không còn có thể đóng vai đứa trẻ theo cách như trước đây khi cháu chưa được đọc nhật ký của Mẹ. Cháu muốn thoát ra khỏi cái mớ bòng bong "tội lỗi" sau cùng đã đè bẹp Mẹ. Cháu không có can đảm viết tiếp.
 
Cháu đang nhờ chú Tsumura tìm cách bán đi cái nhà này. Rồi cháu sẽ quay về Akashi một thời gian. Cháu tính mở một tiệm nhỏ cắt may quần áo. Trong di chúc Mẹ đề nghị cháu hỏi ý kiến chú. Bà sẽ không làm vậy nếu như bà biết tình trạng cháu hiện giờ.
 
Hôm nay cháu đã đốt nhật ký của Mẹ trong vườn. Quyển sổ rút lại chỉ còn là một nắm tro. Một cơn gió xoáy đã thổi bay đi cùng với lá khô trong khi cháu lo đi kiếm xô nước. Cháu cũng gửi chú thư của Mẹ trong một phong bì khác. Cháu tìm thấy nó trong bàn của bà hôm sau ngày chú rời đi Tokyo.  
 
 
Xem tiếp Thư của Midori
             Trở về phần 1



Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư