Nguyễn Huy Thiệp by Nhật Tuấn



CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 8)

NGUYỄN HUY THIỆP

Một thời trong giới nghệ sĩ , người ta coi Văn Cao là cụ tiên chỉ trong làng nhạc. Vậy trong làng văn , cụ tiên chỉ ấy là ai vậy ? Tất nhiên không phải ông Hữu Thỉnh tuy đã được Đảng chọn làm Chủ tịch Hội nhà văn suốt đời và thực ra cái ghế đó so với phẩm trật triều đình thì cũng chỉ ngang chức Bật Mã Ôn mà Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho Tôn Ngộ Không ?
Vậy thì cụ tiên chỉ trong làng văn một thời là ai ?
Là ai thì chắc mọi người đều biết - đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người gây “”động đất” làng văn vào thời Đảng tuyên bố cởi trói cho nhà văn.
Thời đó, Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng đặc biệt”.
Trước hết, xưa nay, một nhà văn trở thành nổi tiếng thường do giới phê bình “cung đình” tôn vinh theo gợi ý của Ban tuyên huấn vì nó đáp ứng một nhu cầu chính trị nào đó đang diễn ra kiểu như “Sống như anh” của Trần Đình Vân, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi,”Hòn đất” của Anh Đức…Những nhà văn “trật khỏi đường rầy” khỏi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, không những khó được nêu danh trên báo, mà còn bị đập tơi bời, bị “cấm bút”.
Nguyễn Huy Thiệp chẳng những được các nhà phê bình “quốc doanh” tung hô hết lời, gọi ông là “cây bút vàng” ( Vương Trí Nhàn) mà ngay cả các nhà nghiên cứu văn học hải ngoại cũng đưa ông lên cao chót vót, gọi ông là “nhà thạch học” ( Thụy Khuê).
Hầu hết các nhà phê bình”có số má” đều góp phần vào cơn bão ngôn từ ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp : Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu, … các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh… và cả bạn đọc cũng hân hoan chào đón những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Danh tiếng của ông lan ra cả nước ngoài khiến ông được nhận giải thưởng văn chương Nonino tại Ý và huy chương Chevalier des arts et des lettres của Pháp .
Tuy nhiên, “lộc” văn chương Nguyễn Huy Thiệp được hưởng dường như đã vượt quá cái phần giá trị thực của ông.
Vì sao vậy ?
Trước hết ông không thuộc các nhà văn Việt Nam lớn lên từ nền văn hóa Pháp, ông chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc thì đúng hơn.
Trong truyện “Giọt máu”, đoạn tên Phạm Ngọc Chiểu muốn chiếm đoạt nicô Huệ Liên chùa Thiên Trù bèn nhờ tên “macô” Hàn Soạn,bày mưu :
"Việc này có năm bước. Em quen hòa thượng trụ trì ở chùa Thiên Trù là nơi ni cô Huệ Liên ở đó. Ðến đấy, quan bác giả đò đau bụng rồi bảo bà chị cứ đi vào chùa Trong trước, quan bác đưa biếu hòa thượng một lạng vàng, nếu hòa thượng không nhận thì thôi, coi như hỏng việc. Nếu hòa thượng nhận, thế là được một bước. Ðêm đó hòa thượng cho quan bác nghỉ ngơi trong trai phòng, quan bác đưa cho em một lạng vàng để em lo gác bên ngoài, hòa thượng mời cơm chay, có ni cô hầu rượu. Quan bác ép ni cô uống một cốc rượu có pha thuốc mê, nếu ni cô không uống thì thôi, coi như hỏng việc. Nếu ni cô uống, thế là được hai bước. Dọn mâm xong, ni cô say thuốc, hòa thượng quay đi, quan bác bế ni cô lên giường, thế là được ba bước. Quan bác cởi y phục nhà chùa của ni cô ra, muốn làm gì thì làm, thế là bốn bước. Sáng hôm sau, ni cô tỉnh lại, hòa thượng với em vào, chửi mắng quan bác với ni cô làm nhục cửa thiền, bắt quan bác phải ký văn tự nhận ni cô về, quan bác nộp vào hòm công đức một lạng vàng xá tội, thế là năm bước"
Thử so đoạn văn của Nguyễn Huy Thiệp với đoạn văn của Thi Nại Am trong Thủy Hử chương Tây Môn Khánh nhờ Vương bà dụ dỗ Kim Liên , vợ Võ Đại Lang :
“Đến lúc mua được thức nhắm về, tôi lại nhờ nàng xếp đồ khâu lại, để cùng ngồi uống rượu cho vui, thế mà nàng không chịu ngồi là việc hư hỏng. Nếu nàng bằng lòng ngồi cho, thì việc ấy có tới tám phần bợm rồi đó. Uống dăm ba chén rượu, tôi giả vờ là hết rượu,bảo cậu phải mua thêm. Bấy giờ cậu sẽ nhờ tôi đi mua hộ, đoạn rồi tôi đi khép cửa, để mặc hai người ở đó, thế mà nàng hoảng hốt đòi về là hỏng việc. Bằng nàng cứ ngồi yên không nói chi, là việc có chín phần bợm rồi đó. Đến đó chỉ còn thiếu có một phần nữa là xong…trước hết phải giơ tay áo lên bàn, giả cách đánh rơi chiếc đũa, rồi lại vội vàng cúi xuống nhặt, và rờ tay vào chân nàng mà nắm một cái, nếu nàng gắt giận cự mắng, thì tôi sẽ chạy vào cứu, song như thế cũng là hỏng việc, không còn làm thế nào được nữa! Nhược bằng nàng lẳng lặng không nói gì, thì bấy giờ cóđủ mười phần bợm rồi đó.”
Tất nhiên, không ai kết luận Nguyễn Huy Thiệp “cóp văn” của Thi Nại Am, nhưng “mượn thủ pháp diễn nghĩa ” trong văn chương Tàu là khá rõ. Mà văn chương Trung Quốc phần lớn xoay quanh “thủ đoạn sống”, “mẹo làm người”, “người ăn thịt người ” … đó cũng là những đề tài và những câu triết lý sặc mùi “tàu” thường thấy trong văn chương Thiệp , .
Trở lại câu hỏi vì sao văn chương Thiệp lại “semer à tout vent” , gieo được vào các ngọn gió – nôm na là “Đảng khen, dân thích và cả hải ngoại cũng …OK” ?
Trước hết NHT không đi vào vết xe của các nhà văn bị “cấm bút”, bị “thu hồi sách”, bị đập tơi bời trên báo chí. Tác phẩm NHT dẫu có mổ xẻ cái xấu của con người thì cũng không phải là con người xã hội chủ nghĩa, mà con người chung chung, không đòi hỏi dân chủ, không tố cáo chế độ, không “phản biện” trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa…Tóm lại văn chương Thiệp không phạm những chuyện “nhạy cảm”, Vậy yên tâm nhé, các nhà phê bình “quốc doanh” cứ thả sức ca ngợi mà không bị tuyên huấn thổi còi . Tất nhiên ở đâu đó, NHT cũng có đôi lời “phàn nàn”, “động chạm”. Trong bài “viết cho Hội nghị lý luận phê bình văn học tháng 11/1989, ông nói trắng phớ :
“Chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng tình trạng hiện nay của dân tộc ta là thê thảm. Tôi không muốn nói đến tình trạng thiếu thốn vật chất mà muốn nói đến thế giới tinh thần của họ. Những ràng buộc nặng nề của các tư tưởng lạc hậu cũ kỹ khiến cho hàng triệu số phận con người đau khổ. Họ mê man trong các công sở và trong các tổ quỷ gia đình, trong các luỹ tre xanh và các khu tập thể đông hộ.”
‘Trên văn đàn, số nghiệp dư và tỉnh lẻ thời nào cũng có và đông như kiến(!). Thói to mồm, tính chất bảo hoàng hơn cả nhà vua và đủ kiểu văn hay khác có thể giết phăng, giết tươi những người có ý định tử tế muốn làm việc này. Việc tranh đấu với những con ngợm văn chương (chữ của người Pháp dùng để chỉ đám quần cộc trong văn học) là bất khả. “
Trong ““Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” , Nguyễn Huy Thiệp gọi Hội nhà văn là “đám giặc già” và gây nên một làn sóng la ó và phản đối. Tuy nhiên tất cả những ý kiến kiểu đó chỉ là trên bài phát biểu, chứ không bộc lộ thành cảm hứng, thành chủ đề trong sáng tác. Và cũng chỉ ít lâu sau, Nguyễn Huy Thiếp lại viết theo kiểu “bé ngoan” để chuộc lỗi :
“Tôi cứ nghĩ rằng thời của tiểu thuyết sẽ là thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ. “
Dẫu sao, Nguyễn Huy Thiệp vẫn xuất sắc trong một số truyện ngắn khiến một thời ông đáng mặt là “tiên chỉ trong làng văn” . Nhưng lộc trời chỉ có vậy, sang lĩnh vực tiểu thuyết, cái phần chính yếu làm nên cốt cách một nhà văn lớn thì ông lại…không có. Tuổi hai mươi yêu dấu, Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm …tiếc thay lại là những truyện dài tồi, bộc lộ một lỗ hổng chết người trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp : câu chữ dễ dãi, sơ sài và nhất là …không có tư tưởng. Và như lời kịch tác gia Shakekspeares :” lời mà không có tư tưởng sao bay được lên thiên đàng ?”. Mai sau, trải qua sàng lọc sinh tử của thời gian, văn chương Nguyễn Huy Thiệp liệu bay cao tới đâu ?
Khi được nhà báo hỏi nhắn nhủ gì cho lớp trẻ, Nguyễn Huy Thiệp trả lời
” Trước hết các bạn phải nổi tiếng”
Đó là khác biệt rất lớn của Nguyễn Huy Thiệp với những nhà văn lớp trước , khác nào Thiệp xúi các nhà văn trẻ chăm chăm vào PR hơn là khổ luyện văn chương chữ nghĩa. Thế còn “trách nhiệm thời đại”, “lương tâm thời đại”, “lương tri dân tộc”…xưa nay xã hội thường trông cậy các nhà văn ? Không dám động chạm tới “cường quyền”, Nguyễn Huy Thiệp khôn ngoan né xa những “nhạy cảm” chết người đó.
Xuân Sách hiểu khá rõ Nguyễn HuyThiệp , bởi vậy đã hạ bút :
“Không có vua thì làm sao có tướng
Nên về hưu vẫn phải chết tại chiến trường
Kiếm sắc chém bao nhiêu đầu giặc
Để vàng tôi trong lửa chịu đau thương.”
Nhật Tuấn FB

 


Note: Tụi mũi lõ có câu, đừng tin nhà văn, tin câu chuyện kể [tác phẩm] của họ. Nhật Tuấn cắt nghĩa NHT bằng những chi tiết giống nhau giữa câu chuyện kể của ông, và của…  Tầu.
Cách cắt nghĩa của NHT về tác phẩm của ông, là 1 kiểu nhìn lại chúng, rồi định nghĩa chúng, sao cho hợp với hiện tại.
Cách của GCC, thuổng từ Lukacs, bảnh nhất, và điều này cho thấy, Mít thiếu đọc. Do thiếu ngoại ngữ, nên không làm sao mà nhìn ra chính cả những đứa con tinh thần của họ, trên bình diện thế giới, thời hội nhập. Chắc là NHT cũng chẳng hề biết, truyện ngắn của ông có lần được để kế bên những truyện ngắn của Borges.
Hà Nội, Thiệp và Gấu

Có lần, tôi đọc một bài viết, tác giả của nó tỏ ra rất là thất vọng về thần tượng của mình, là ông, NHT.
Thành thực mà nói, tôi mừng cho cả hai, tác giả và độc giả.
Có vẻ như tôi đã chờ một bài viết như thế.
Liệu không có bài Giã Từ Thần Tượng đó, ông sẽ còn phải đeo gánh nặng “thần tượng” tới khi nào?
Phải chăng nhờ vậy mà có Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu?
Phản ứng về nó cho thấy, tác phẩm/tác giả có thay đổi, nhưng độc giả/cách đọc chưa thay đổi.
Nói chung, có vẻ như mọi người đều thất vọng về NHT, trừ… tôi ra!
Hình như tôi đoán trước được, một NHT như thế.

DT: Tôi cũng đồng ý với quan điểm của anh Nguyên Ngọc. Nhà văn chúng ta... dốt quá. Không chịu học, không chịu đọc, lại mang cái bệnh "ếch ngồi đáy giếng", mới "nho nhoe" lên một tý cứ tưởng mình nhất thế giới. Nguyễn Huy Thiệp khi mới bật lên cũng tưởng mình nhất thế giới, thực ra cỡ như Thiệp ở Ðức, Mỹ, Nhật, Pháp... cũng có thể... vơ hàng tá!
[Trích Talawas]. 

Nhà văn chúng ta... dốt quá thì đúng quá rồi. Nhưng cái chuyện viết hay hay không hay, nhất là ở những người viết truyện ngắn, theo tôi, không liên quan nhiều tới.. tri thức. Cần một con mắt quan sát, cần một tấm lòng - cần nhất là một tấm lòng - là đủ.
G. Lukacs, trong “Solzhenitsyn: Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich” (1969) [William David Graf, dịch từ tiếng Đức, nhà xb The MIT Press, Cambridge, Mass 1971] viết:
Liên hệ mỹ học giữa truyện ngắn [novella] và truyện dài [tiểu thuyết, novel] thường được phân tích, nghiên cứu. Ít, là nối kết lịch sử và liên hệ nội tại giữa hai thể loại, trong cuộc phát triển văn học [their historical connection and their interrelationship throughout the course of literary development]. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất thú vị, bổ ích, nó chiếu sáng tình hình văn học hiện thời [the present-day situation]. Tôi [Lukacs] đang nghĩ tới sự kiện, truyện ngắn [novella] thường xuất hiện hoặc, như là một con chim báo bão [nguyên văn: tiền thân, precursor] cho  sự ra đời của hùng ca, sử thi, hay những hình thức bi kịch lớn, hoặc như là đội quân hậu vệ [rearguard], một cách viết ở tận cùng một giai đoạn. Nói cách khác, hoặc nó xuất hiện như là một Sẽ Có, [a Not-Yet, Nochnicht], hay một Không Còn Nữa [a No-Longer, Nichtmerhr].
Áp dụng nhận xét trên vào Một Ngày...  của Solz., Lukacs viết: Với một chút dè dặt, người ta có thể nói, thể loại giả tưởng cận và đương thời đã từ bỏ truyện dài để cố thủ ở trong truyện ngắn, trong toan tính cung cấp, cái gọi là bằng chứng, về một cách thế đạo đức của con người.
[With this reservation, one can say of contemporary and near-contemporary fiction that it often withdraws from the novel into the novella, in its attempt to provide proof of man’s moral stature…..]
“Không phát hiện quá khứ thì sẽ không khám phá hiện tại. Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich của Solzhenitsyn là một khai mở ý nghĩa cho tiến trình lại khám phá ra cái tôi, cái ngã, the self, ở trong văn chương, trong hiện tại xã hội chủ nghĩa.” [Lukacs].
Truyện ngắn của NHT có gì tương tự với Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich của Solzhenisyn. Nó báo hiệu sự suy tàn của một chế độ, sự tận cùng của một thời kỳ [a termination at the end of a period, a No-Longer], và đồng thời nó đăng quang con người, như một cá nhân [lại khám phá ra một cái tôi, thí dụ như của NHT, của Bùi Ngọc Tấn, và nhất là, của Nguyễn Chí Thiện, một cái tôi như là tôi dám tự chọn cho tôi: nhà thơ ngục sĩ đời đời!
Hay như Nguyên Ngọc nhận xét về Nỗi Buồn Chiến Tranh, cùng trong bài viết trích Talawas nêu trên, của Bảo Ninh, có thể áp dụng cho NHT:
"Theo tôi, nói một cách thật nghiêm khắc, từ Nỗi buồn chiến tranh, chúng ta mới thật sự có tiểu thuyết hiện đại. Trước đấy, về cơ bản là sử thi, tức chiến tranh được soi nhìn bằng cái nhìn của cộng đồng, từ góc độ của dân tộc mà nhìn cuộc chiến tranh (Ðất nước đứng lên của tôi cũng vậy thôi). Ðến Bảo Ninh thì khác hẳn, lần đầu tiên chiến tranh được soi nhìn qua số phận của một cá nhân. Như vậy không hề có nghĩa là cái nhìn sau chống lại cái nhìn trước, nhưng đã là một cái nhìn khác hẳn. Ðiều này làm thay đổi hẳn ngôn ngữ của tiểu thuyết, từ độc thoại chuyển sang đối thoại, tức một giai đoạn mới trong tư duy tiểu thuyết."
Tuy nhiên, thật khó mà đồng ý với nhận định, "không hề có nghĩa cái nhìn sau chống lại cái nhìn trước". Cái nhìn sau quyết liệt loại trừ cái nhìn trước, hay nói rõ hơn: cái nhìn trước là... bố láo! Cái nhìn sau mới là cái nhìn đích thật về cuộc chiến tưởng như là... thần thánh, nhưng thật sự chỉ là nồi da sáo thịt!
Sự xuất hiện của NHT, hay của Bảo Ninh, là rất đặc biệt, và cần thiết, và thật khó mà nói rằng, "thực ra cỡ như Thiệp ở Đức, Mỹ, Nhật, Pháp... cũng có thể... vơ hàng tá".
Ở Đức, có, vào thời kỳ hậu chiến, với những nhà văn thí dụ như một Boll, nhưng ngược lại với Thiệp, họ nhục cái nhục thua trận, cái nhục Nazi, chứ không như Thiệp, nhục cái nhục thắng trận!
Ở Nga, có, như một Solzhenitsyn, khi ông tố cáo, và cùng lúc tiên đoán sự cáo chung, của Cái Ác đẻ ra Gulag.
VHNT
Số 555
February 14, 2003
Tin Văn 


Thus it is enough for the poet to be the bad conscience of his age.
Saint-John Perse. Diễn văn Nobel (1960).
(Là ý thức tự phán của thời mình, vậy là quá đủ cho nhà thơ).
Gửi Điểm Hẹn
JT

Chuyện NHT sau này không còn ăn khách cho lắm, nghĩa là "thất bại" của một NHT sau này, chính là do thành công trước đó, nói rõ hơn, do thể loại văn học mà ông ta sử dụng thật đắc ý, và cũng thật đắc địa: ẩn dụ. Nhưng ẩn dụ, chính nó, giết (metaphors kill). Một khi đời thường lấn át ẩn dụ, người ta không cần đến ẩn dụ nữa, mà cần một hình thức văn chương khác, bản thân NHT chưa kiếm ra, để đáp ứng cho độc giả của ông, theo tôi.
Note: Lướt Tin Văn, mò ra bài này


VHNT
Số 555
February 14, 2003
 Tin Văn
 1. Mỗi trường hợp mỗi khác.
Thus it is enough for the poet to be the bad conscience of his age.
Saint-John Perse. Diễn văn Nobel (1960).
(Là ý thức tự phán của thời mình, vậy là quá đủ cho nhà thơ).
Gửi Điểm Hẹn
JT
Lời người viết: Mới đây, trên diễn đàn Talawas, www.talawas.org, Đoàn Cầm Thi có nhận xét về những lời phát biểu của Nguyễn Huy Thiệp nhân cuộc gặp gỡ người đọc và báo chí Pháp trong chuyến viếng thăm Paris ra mắt tác phẩm của ông (dịch ra tiếng Pháp). Sau đó, Thụy Khuê lên tiếng "Về những lời tuyên bố của NHT tại Paris", nhằm góp ý với Đoàn Cầm Thi.
Ở đây, người viết thử đưa ra một số ý nghĩ cá nhân, về ba nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương; đặc biệt là về Nguyễn Huy Thiệp.
Jennifer Tran
Theo tôi, ba nhà văn miền bắc, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, mỗi trường hợp mỗi khác, do hoàn cảnh của mỗi người. Chuyện ưa hoặc ghét người này, hay người kia, cũng còn tuỳ theo "khẩu vị", quan điểm của mỗi độc giả, và trên hết, còn tuỳ thái độ của người đó, đối với cả một nền văn học ở trong nước.
Nguyễn Huy Thiệp, một cách nào đó, là ý thức của một miền đất, trước cuộc chiến nam bắc. Nói khiêm tốn hơn, đây là cái nhìn của một nhà văn sáng suốt, theo nghĩa: nhà văn luôn có một quãng cách với thời đại của mình. Tướng Về Hưu chỉ là giai đoạn chót của cái nhìn sáng suốt đó (1). Một độc giả "sáng suốt" có thể nghĩ, mình "hiểu" NHT, như ông hiểu, về điều này: người dân miền bắc không thể biết sự thực về miền nam, nhưng những nhà lãnh đạo, phải hiểu, phải biết, rằng miền nam tự do hơn, so với miền bắc, mức sống của dân miền nam cao hơn, và đó chính là nguyên nhân của cuộc chiến. Cái Ác ở trong truyện của ông hoàn toàn không phải là Cái Ác của chủ nghĩa Cộng Sản, thoát thai từ tư tưởng Marx, mà là một Cái Ác "ở trong chuồng heo". Kafka đã từng nhận ra trước NHT, trong truyện ngắn Y Sĩ Đồng Quê, qua cách đọc của Amoz Oz [bài viết này đã được dịch, đăng trên báo VHNT trên lưới, trên trang Tin Văn do Nguyễn Quốc Trụ phụ trách, và trên Việt Báo on line]: Người ta chẳng biết trong nhà mình có gì, và Cái Ác nằm thu lu ở trong chuồng heo, đã bỏ hoang từ bao nhiêu năm tháng. Cái Ác lưu cữu trong những tầng sâu thẳm, từ đời nảo đời nào, của lịch sử một miền đất, được cơn gió độc là chủ nghĩa CS làm sống dậy. Theo nghĩa đó, nhà văn nữ người Nga, T. Tolstaya cho rằng chủ nghĩa CS không phải tự trên trời rớt trúng đầu dân Nga, mà ở trong họ, trong lịch sử lập quốc của họ.
Từ đó, quan niệm "nhà văn luôn có một khoảng cách với thời của mình," đẩy lên một nấc, có nghĩa: nhà văn là ý thức tự phán (bad conscience) của thời đại, như nhà thơ Saint-John Perse đã từng phát biểu trong bài diễn văn Nobel, nhưng gốc rễ của từ này, người ta có thể tìm thấy, ở trong tư tưởng của Nietzsche.
Bởi vì, theo tôi, cứ giả dụ như là tất cả mọi người đều đúng, rằng cuộc chiến kết quả như mọi người mong đợi, cũng không có ông nhà văn NHT ở trong số "mọi người" đó.
Solzhenitsyn đã diễn giải ý này, bằng khẳng định, nhà văn là một nhà nước trong một nhà nước, là vậy.
Dương Thu Hương là một trường hợp nhà văn dấn thân, theo như định nghĩa của Sartre. Bà tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, dấn thân hết mình vào cuộc chiến. Và khi thấy sai, bà lên tiếng, và chống lại cái chủ nghĩa đã một thời mê say đó, hung bạo, mãnh liệt cũng chẳng kém lần tin đầu, vào nó. Thật giống trường hợp của Sartre, khi đã hết tin vào chủ nghĩa CS, khi thấy mình sai, tuy đã mù, ông phải nhờ bạn (đúng ra là thế hệ đàn em, André Glucksmann) dắt tới bàn chủ tọa trong một cuộc gặp gỡ báo chí, ngồi cùng kẻ thù/bạn cũ của ông, là Raymon Aron, để cầu xin thế giới hãy giúp đỡ những người Việt bỏ nước ra đi. "Hãy cứu những xác người", ông dùng đúng những từ, đã một lần dùng, với một kẻ thù/bạn cũ khác của ông, là Camus.
Trường hợp Phạm Thị Hoài, do hoàn cảnh riêng, bà đã vượt ra ngoài hai cảnh ngộ/tình huống trên. Và bà tiếp tục cái vị thế đặc biệt của mình, ở bên ngoài, để nói về bên trong, mà theo bà, như vậy có ích hơn, theo tôi. Một "Thiên Sứ", đại khái vậy.
Còn về những lời tuyên bố của NHT mới đây, với giới báo chí Pháp, nhân chuyến ông ghé Paris ra mắt tác phẩm của ông được dịch qua tiếng Pháp, về tình trạng tự do dân chủ ở trong nước..., chúng ta nghe, đọc, nhưng đừng quá tin vào đó.
Muốn biết về NHT, PTH, DTH, là phải đọc thẳng tác phẩm của họ, đừng đọc những nhà phê bình, đừng tin những cuộc phỏng vấn. Ngay cả những cuộc phỏng vấn cứ coi là trung thực, chúng cũng chỉ nói lên rất ít về con người nhà văn, như một kẻ sáng tạo. Nhà văn Naipaul, trong bài diễn văn Nobel, đã nói rõ về trường hợp này, đại khái, tôi có gì, là ở trong tác phẩm của tôi. Ba thứ còn lại chỉ là đồ làm xàm.
Một cách nào đó, đây là phản ứng ngược, hay sự trả thù của ông trời cũng được, tại sao mày dám "sáng tạo", như tao? Và ông trời trả thù bằng cách, cho người đó nổi tiếng!
Nhà thơ Bồ Đào Nha, Pessoa nói về sự nổi tiếng, "Đôi khi tôi nghĩ về những con người nổi tiếng, và cảm thấy tất cả nỗi phiền hà của nó. Nổi tiếng là chuyện tầm phào. Nó gây thương tổn tới cảm tính của bất cứ một ai.... Nổi tiếng là mất tiêu luôn cuộc đời riêng tư của mình... Những bức tường bảo vệ sự riêng tư biến thành những tấm gương... Trở thành nổi tiếng là mất tiêu luôn cơ may trở về lại với cõi u tối. Nổi tiếng là hết thuốc chữa. Như thời gian, làm sao có chuyện đảo ngược. [Xin coi bài "Những Dấu Chân của Một Cái Bóng", đã đăng trên Tin Văn].
Nhà văn người Ý Calvino rất khoái "giấc mơ biến thành người vô hình" của ông, và còn khoái hơn nữa, khi tuyên bố, "nhà văn mất đủ thứ, một khi chường bộ mặt thịt của mình trước công chúng." Theo ông, "chỉ cần cái tên trên bìa sách, là quá đủ... Đó là một điều kiện lý tưởng cho một nhà văn." Một chi tiết lý thú khác nữa là, nhận định của ông về sự sử dụng văn chương vào chính trị, áp dụng vào văn phong của NHT, thật xứng: "Điều mà chúng ta yêu cầu ở nhà văn, là họ hãy bảo đảm sự sống còn của cái mà chúng ta gọi là tính người, trong một thế giới bầy ra sự phi nhân. ("What we ask of writers is that they guarantee the survival of what we call human, in a world where everything appears inhuman").
Những hệ lụy mà NHT hiện đang phải chịu, chính là vì ông ta nổi tiếng, ngay sau 1975, như là một nhà văn đầu tiên nói lên sự thất bại của chiến thắng miền nam, và tìm ra được nguyên nhân của nó. Bây giờ, ông bị chính những độc giả của ông, yêu hoặc ghét thì cũng xêm xêm, lăm le mang ra "làm thịt", để ý đến từng chi tiết, từng cử chỉ, từng lời nói của ông. Kundera diễn tả một cách khác, cũng cùng một hiện tượng, khi cho rằng: một khi người đời lăm le tìm hiểu đến cuộc đời riêng tư, tiểu sử của Kafka, như vậy là ông lại chết thêm một lần nữa.
Vả chăng, chuyện yêu và (rồi) ghét NHT thì cũng dễ hiểu thôi, đúng như Đoàn Cầm Thi đã nhận ra: mới ngày nào, "Chưa quá một thập kỷ, Con gái thuỷ thần, người đàn bà bí hiểm trong giấc mơ trai trẻ, đã hiện nguyên hình là một Sến Em ơi-Hà Nội váy!" (xem bài Đoàn Cầm Thi "Có một dòng văn khác", trên Talawas), như vậy mà làm sao không cay đắng cho được!
Thêm nữa, cái nhân vật xưng "tôi" của ông, lại tỏ ra "không được thuỷ chung cho lắm", (với một miền đất, với một con gái thuỷ thần?), vẫn như Đoàn Cầm Thi nhận xét, khi trích dẫn NHT: Chính tại Cali, nhân vật "tôi" của Không khóc ở California gặp người đàn bà lý tưởng trong nữ Việt Kiều diện "bộ váy liền áo may bằng lụa tơ tằm, khoác thêm chiếc áo giắc-két". 
Chuyện NHT sau này không còn ăn khách cho lắm, nghĩa là "thất bại" của một NHT sau này, chính là do thành công trước đó, nói rõ hơn, do thể loại văn học mà ông ta sử dụng thật đắc ý, và cũng thật đắc địa: ẩn dụ. Nhưng ẩn dụ, chính nó, giết (metaphors kill). Một khi đời thường lấn át ẩn dụ, người ta không cần đến ẩn dụ nữa, mà cần một hình thức văn chương khác, bản thân NHT chưa kiếm ra, để đáp ứng cho độc giả của ông, theo tôi.
Nhưng, một khi độc giả yêu thích một nhà văn, họ tò mò muốn biết thêm, về tiểu sử đời tư của "thần tượng", không chỉ để thán phục, mà có khi ngược lại, nghĩa là để hân hoan hồ hởi khi khám phá ra rằng, mấy tay đó cũng đâu có "ghê gớm" gì, như nhà thơ Nga, Pouchkine bực bội diễn tả: "Nếu thiên hạ ngấu nghiến đọc những lời thú tội, những ghi chú riêng tư... ấy là vì, trong cõi bùn đen, xấu xa của họ, họ cảm thấy thoải mái khi thưởng thức những nỗi nhục nhã của vĩ nhân hay những yếu hèn của kẻ mạnh.... khi khám phá ra cả một mớ thúi tha đó, họ sướng mê tơi và tự nhủ: mấy tay đó thì cũng nhỏ bé, cũng xấu xa, đê tiện như mình!" (2)
Và vĩ nhân quạt lại liền: "Nói bậy; đúng là họ nhỏ bé, và đê tiện, nhưng không như mấy người đâu!
Vĩ nhân chớ để cho thiên hạ nhìn gần, chớ chường bộ mặt thịt của mình ra trước công chúng, là vậy!
Jennifer Tran
Chú thích:
(1) Từ "sáng suốt" ở đây, ngoài ý nghĩa "nhà văn luôn có một khoảng cách với thời đại của mình", còn được dùng theo nghĩa "ý thức tự phán của thời mình", của Saint-John Perse. Trong bài viết về George Steiner, "The Triumph of the Hedgehog", "Sự chiến thắng của Con Nhím", [trong "Đọc G. Steiner", nhà xb Johns Hopkins University Press, 1994], Guido Almansi coi vai trò của Steiner trong văn hoá Tây Phương: "là một ý thức tự phán của tầng lớp trí thức, trong nỗ lực hùng vĩ một cách bi thảm, và gây nhức nhối, bực mình, nếu nói về mặt đạo đức, [đó là nỗ lực] tìm ra cho bằng được cốt lõi của những nan đề sau đây: Làm sao chúng ta ‘hòa giải’ (conciliate) những đường ranh cận kề giữa văn hóa cao và tính [chủ nghĩa] man rợ của thế kỷ 20? Làm sao chúng ta giải thích được vai trò của Hitler, không chỉ về mặt lịch sử mà còn ở mức độ siêu-lịch sử?..."
Người viết bài này coi truyện ngắn Tướng Về Hưu là giai đoạn chót của cái nhìn sáng suốt, "ý thức tự phán" của NHT, trước và vào lúc chấm dứt cuộc chiến. Nỗ lực "hoà giải", của ông, như nhận định của Almansi về Steiner, chưa có.
Trong The Portage to San Cristobal of A.H. [Cuộc di chuyển A.H. tới San Cristobal, tiểu thuyết của Steiner, viết về một toán biệt kích Do Thái, 30 năm sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, đã bắt được một ông già trong rừng sâu ở Amazone. Ông già này chính là Adolf Hitler. Họ thông báo về Jerusalem bằng mật mã dựa trên Cựu Ước; nhưng ở những thành phố lớn trên thế giới như London, Paris, Hoa Thịnh Đốn, Moscow đã bắt được tín hiệu, và giải mã được thông điệp. Trong khi cả thế giới đổ dồn về San Cristobal, toán biệt kích đã trải qua một cuộc hành trình gian nan, khắc khoải, nhằm đưa được Đệ Nhất Ác Nhân ra khỏi rừng sâu, về với thế giới văn minh đang nóng nẩy đợi chờ, và để đưa ra tòa về những tội ác của ông ta,] Hitler đã dựa trên những luận cứ của viên Đại Phán Quan trong Anh Em Nhà Karamazov, để tự biện hộ, theo đó, nếu Chúa Giê Su trở lại thế gian thì Nhà Thờ cũng "làm thịt" Chúa, để bảo vệ Đạo (the Christian doctrine), và Steiner để cho Hitler "khoe khoang" thành quả của mình: cái giá 6 triệu dân Do Thái, là "bắt buộc", để nhà nước Do Thái ra đời.
Nguyễn Huy Thiệp đã từng vượt biên, như trong tác phẩm mới của ông, Hoa Sen Nở Trong Ngày 29 Tháng Tư, [tổng tập 7 vở kịch nói, nhà xb Thời Mới, Canada, do Nguyễn Tiến Văn chủ trương, cho biết], "Tôi [NHT] muốn ra đi vào lúc có chiến tranh Trung Quốc -Việt Nam năm 1979; tôi đã thuê một người dẫn đường để đưa tôi qua Thái Lan, nhưng nửa đường nghĩ đến mẹ và tôi trở lại. Người dẫn đường muốn giết tôi luôn.".
Liệu ông tin rằng, Cái Họa 1975, là bắt buộc, để có được một nước Việt Nam "mới" ra đời, có tên là "Thuyền Nhân" (Boat People)?
(2): Trích Simon Leys, trong "Protée và những tiểu luận khác", nhà xb Gallimard, 2001, nguyên văn: "Si la foule lit des confessions, notes privés, etc.. avec tant d’avidité, c’est que, dans sa bassesse, elle se réjouit de comtempler les humiliations des grands et les faiblesses des puissants; en découvrant toute espèce de vilenies, elle est enchantée, il est petit comme nous! il est vil comme nous! - Vous mentez, canailles; oui, il est petit et vil, mais différement: pas comme vous." Tác giả cho biết, ông trích từ Volkov, trong cuốn "Chuyện trò với nhà thơ Brodsky", và cho biết thêm, đây là nhà thơ Nga [Pouchkine] chỉ trích những kẻ tò mò bới móc đời tư của Byron.
2. Trường hợp Tướng Về Hưu
Trên tờ Diễn Đàn Forum số mới, tháng Giêng 2003, bài viết của Nguyên Ngọc, "Văn học Việt Nam đang ở đâu", có đoạn nhắc tới Nguyễn Huy Thiệp, "... một nhà văn rất quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt vì những gì anh đã khởi xuớng", và trường hợp Tướng Về Hưu. Xin trích đăng:
"Tôi nhớ lại một người bạn của tôi, anh Nguyễn Khải, một nhà văn có tài. Bấy giờ là năm 1987, và tôi đang làm tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi n truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu. Cứ như là một cú giật nẩy mình trong đời sống văn học, và cả trong xã hội. Đọc xong truyện ngắn ấy, Nguyễn Khải bảo tôi: "Sau thằng Thiệp, chẳng ai có thể viết gì được nữa. Mình bỏ bút thôi. Chỉ bằng mỗi truyện ngắn này, nó đã lật đổ tất cả, xóa sạch tất cả những gì mình viết trước nay." Tôi nghĩ Nguyễn Khải đã không diễn tả thật chính xác điều tất cả chúng tôi cảm thấy lúc bấy giờ. Điều chúng tôi nhận ra lúc bấy giờ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, là từ nay không còn có thể viết như lúc trước nữa. Phải thay đổi. Thay đổi cái gì, và thay đổi như thế nào? Đương nhiên, đó là công việc của mỗi người. Nhưng có một điều chắc chắn: phải viết khác đi."
Theo Jennifer Tran tôi, câu phát biểu của NK diễn tả rất chính xác tâm trạng, nếu không phải của tất cả "chúng tôi lúc bấy giờ", thì chí ít, cũng của NK. "Bỏ bút", "chẳng ai có thể viết", "lật đổ tất cả, xoá sạch tất cả những gì mình viết trước đây": Theo tôi, chưa bao giờ có những lời "tự thú" chân thật nhất, về văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa, viết dưới ánh sáng của Đảng như vậy. Như thể NK nhận ra điều mà Adorno đã từng cảnh cáo, rằng không có thơ sau Lò Thiêu. Với Nguyễn Khải, câu đó có nghĩa: Không có văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, sau 1975. Và tất cả những gì trước đó, đều bị "lật đổ, xóa sạch".
Cũng trong bài viết, Nguyên Ngọc đã cho rằng, Nguyễn Khải đã "không diễn đạt thật chính xác điều tất cả chúng tôi cảm thấy lúc bấy giờ...", và theo ông, "điều quan trọng nhất ở Nguyễn Huy Thiệp, cái phân biệt anh với tất cả những người khác... Anh làm một việc khác: anh cố tìm ra "nguyên nhân sơ khởi" của tình trạng xã hội và con người Việt Nam đó, và để làm việc ấy, anh cố lần ngược lên đến ngọn nguồn của nó."
"Và như vậy, anh đã khởi xướng ra trong văn học Việt Nam hiện đại cái mà tôi gọi là xu hướng tự vấn...".
Xu hướng tự vấn theo tôi cũng tương tự như ý thức tự phán mà nhà thơ Saint-John Perse đã nhắc tới, trong bài diễn văn Nobel của ông.
3. Đoàn Cầm Thi: Ranh giới "tư"/"công" trong văn học và phê bình văn học"
(Trích Talawas)
 Đọc bài viết của Jennifer Trân, tôi đồng ý là nhà văn nào muốn là vĩ nhân trước mắt độc giả thì "chớ để cho thiên hạ nhìn gần, chớ chường bộ mặt thịt của mình ra trước công chúng".
 Tuy nhiên, tôi xin J. Tran lưu ý một số điểm sau:
 1..
 Những phát biểu của Nguyễn Huy Thiệp với báo chí nước ngoài, trong cách chuyến viếng thăm Pháp, đều rất công khai (trước hàng trăm độc giả tại tiệm sách Phénix chẳng hạn). Chúng không có gì la "riêng tư" như J. Tran hàm ý. Và những chủ đề của NHT như "tình trạng tự do dân chủ trong nước", lại càng không liên quan đến "tiểu sử đời tư" của ông cả. Chính vì vậy chúng mới mở ra cuộc tranh luận trên diễn đàn Talawas. Những bài của Lê Minh Hà hay Trần Thị Trường, cũng đăng trên Talawas, viết về cảm xúc cá nhân khi gặp Nguyễn Huy Thiệp, nhìn nhà văn với con mắt cuồng tín hoặc xô bồ, không hề có hồi âm nào.
Vả lại câu "bực bội" của Pouchkine trước sự tò mò của độc giả (mà J. Tran dẫn) chỉ liên quan đến những "lời xưng tội" (confessions) hay "ghi chú riêng tư" (notes privés). Kundera mà J. Tran trích cũng chỉ chê trách việc ngưới ta quá quan tâm đến "đời riêng" của Kafka mà thôi.
Vì vậy tôi đề nghị J. Tran định nghĩa rõ thế nào là "tư" và "công". Cụ thể, khi J. Tran kể "Nguyễn Huy Thiệp đã từng vượt biên, như trong tác phẩm mới của ông, Hoa Sen Nở Trong Ngày 29 tháng Tư, (...) cho biết: ‘Tôi muốn ra đi vào lúc có chiến tranh Trung Quốc – Việt Nam năm 1979, tôi đã thuê một người dẫn đường để đưa tôi qua Thái Lan, nhưng nửa đường nghĩ đến mẹ và tôi trở lại. Người dẫn đường muốn giết tôi luôn’", thì đó là "tư" hay "công"? Nó không cho thấy một J. Tran "nghiến ngấu đọc những lời tự thú" của Nguyễn Huy Thiệp đấy sao? Nó chẳng thể hiện nỗi "hân hoan hồ hởi" của J. Tran khi khám phá ra rằng "tay đó cũng đâu có ghê gớm gì, hắn cũng như ta"?
Trở lại vấn đề "công" và "tư" trong văn học, tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề nghiêm túc, đáng tranh luận. Ngay trong một số bài trên Talawas của các nhà phê bình chuyên nghiệp, vẫn thấy thịnh hành việc khen chê các tác giả thông qua các chi tiết thuộc về đời tư của họ (như tên riêng, nghề kiếm cơm, cách ăn mặc, các thói quen trong cuộc sống hàng ngày...) (a) Có nhà phê bình còn hùng hồn cho rằng việc một nhà văn sống độc thân đủ để chứng minh tư tưởng tự do "rất hiện sinh" trong sáng tác của ông ta!
2.
J. Tran không nhất quán lắm. Khuyên độc giả : "đừng quá tin vào (những tuyên bố của NHT). Muốn biết về NHT, PTH, DTH, là phải đọc thẳng các tác phẩm của họ, đừng đọc các nhà phê bình, đừng tin các cuộc phỏng vấn. Ngay cả những cuộc phỏng vấn cứ coi như là trung thực, chúng cũng chỉ noí lên rất ít về con người nhà văn như một kẻ sáng tạo", nhưng chính J. Tran lại tỏ ra vô cùng quan tâm đến những gì các nhà văn nói ngoài "tác phẩm", bắng cách trích dẫn Sartre (cầu xin thế giới), Saint-John Perse (Diễn văn Nobel), Naipaul (Diễn văn Nobel), Pessoa (nói về sự nổi tiếng), Calvino (noí về giấc mơ biến thành người vô hình), Kundera (nói về Kafka), Pouchkine (bực bội về thói tò mò của thiên hạ). Riêng lời tuyên bố của Pouchkine, một chú thích của J. Tran cho biết nó đã được trích trong "Protée và những tiểu luận khác" của Simon Leys, rồi Simon Leys lại trích từ cuốn "Chuyện trò với nhà thơ Brodsky", rồi "nhà thơ Nga" (Pouchkine hay Brodsky?) lại "chỉ trích những kẻ tò mò bới móc đời tư của Byron". Hơn nữa, rất nhiều câu trích của J. Tran không có xuất xứ, thậm chí lại được chua "đại khái vậy". Người ta có quyền hỏi có phải tác giả đã nói như thế không hay J. Tran đã "lăm le" gán cho họ? Tóm lại, khẳng định chỉ nên "tin" nhà văn qua "tác phẩm" , nhưng J. Tran lại lập luận dựa vào chính các "diễn văn", "tiểu luận", "chuyện trò", "cầu xin", "bực bội", hay "chỉ trích" của các nhà văn, những cái mà J. Tran gọi là "đồ làm xàm". Kêu gọi "đừng đọc các nhà phê bình", nhưng chính J. Tran lại trích nhận định của Amoz Oz về Kafka, nhận xét của Guido Almansi về G. Steiner. Thế độc giả có nên tin vào những ý kiến về Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương của chính J. Tran không? Nói rộng ra, J. Tran mất công viết bài này để làm gì? Có ẽ J. Tran nên thông báo ngay: "Đừng nên đọc bài của tôi, đừng tin những lời tôi nói. Hãy đọc thẳng NHT, PTH, DTH, Kafka, Pouchkine, Byron, Sartre, vân vân"? Và J. Tran có hàm ý gì khi gọi NHT, PTH, DTH là "ba nhà văn miền bắc"? 
3.
Tại sao người ta lại chỉ được tin vào diễn văn Nobel của các nhà văn mà không được tin vào những phát biểu của họ trước công chúng? Vì ban giám khảo giải Nobel đáng được tôn trọng hơn các độc giả bình thường?
4.
Ai cũng biết rằng nhà văn không chỉ tồn tại qua tác phẩm. Khi viết, rồi phát hành tác phẩm của mình, nhà văn khẳng định tầm quan trọng của công chúng. Nếu không, tại sao Nguyễn Huy Thiệp phải nhiều lần sang tận Paris để gặp độc giả "yêu quí", mà ông chỉ lo "không làm vừa lòng"? Nếu không tại sao Nguyễn Huy Thiệp phải mở lòng mình ra trước đám đông mà tâm sự về nghề viết văn: "Tôi xin nhắc lại, nghề văn là một nghề thổ tả! Để viết chân thực anh phải dày vò, anh phải đớn đau. Cả tình yêu của người đàn bà, lẫn tiếng tăm, tiền bạc cũng không thể an ủi anh được, chẳng như hồi mới viết tôi cứ ngây thơ tưởng vậy. Nhưng đó là số phận của tôi"? (b). Nếu không tại sao Nguyễn Huy Thiệp lại phải "trà dư tửu hậu" với các nhà báo, chịu những câu hỏi như "đâm" của họ trong nhiều tiếng đồng hồ giữa chốn thanh thiên bạch nhật?
Paris, 8/1/2003. 
@ 2003 Talawas.
Chú thích của tác giả Đoàn Cầm Thi:
 (a). Trừ khi chính tác giả lại cho nhân vật mang tên mình (trong Nỗi buồn chiến tranh, nhân vật nữ tên Phương, tên thật của Bảo Ninh), hay nhiều nét tiểu sử bản thân (trong Những người muôn năm cũ, nhân vật nhà văn Thiêm, xuất thân giáo viên miền xuôi lên miền núi dậy học như Nguyễn Huy Thiệp). Trong trường hợp này, người ta có thể bình các chi tiết "đời tư" đó.
(b). Xem Thụy Khê, "Về những lời tuyên bố của Nguyễn Huy Thiệp tại Paris", Talawas 12/2002.
4. Đáp lời Đoàn Cầm Thi
Cảm ơn tác giả Đoàn Cầm Thi đã đọc bài viết "Mỗi trường hợp mỗi khác". Sau đây, xin trả lời một số vấn đề được nêu.
-Tôi vẫn giữ nguyên quan niệm, phải đọc thẳng tác phẩm, nếu muốn biết rõ một tác giả. Nhưng bỏ cụm từ "ba đồ làm xàm", và thay bằng "những thông tin bên ngoài tác phẩm", thí dụ những chi tiết mà tôi lấy từ những bài viết mà tôi trích dẫn, không phải từ chính tác phẩm, kể luôn cả diễn văn Nobel, (và lẽ tất nhiên, kể cả bài viết của tôi, về ba nhà văn miền bắc). Chúng đều được coi là "công", nhưng không "chính thức" so với tác phẩm, với cái tên tác giả ở ngoài bìa. Còn "tư", là đúng như Đoàn Cầm Thi nhận xét, khi nhắc lại đoạn tôi nhắc tới Kundera, và Pouchkine. (Câu văn của tôi không rõ ràng, vì có tới hai nhà thơ được nhắc tới ở đây, là Brodsky và Pouchkine). Những chi tiết được nhắc tới trong bài đều ghi xuất xứ, thường là từ những bài viết đã xuất hiện trên trang báo VHNT trên lưới do Phạm Chi Lan chủ biên, và trang Tin Văn do Nguyễn Quốc Trụ phụ trách, [địa chỉ trên lưới, trước đây saomai.org, bây giờ demthu.lonestar.org], trừ hai câu của Calvino (writers lose a lot when they are seen in the flesh: nhà văn mất mát rất nhiều khi chường mặt ra trước công chúng, và câu «What we ask.... »), tôi lấy trên lưới, nhưng lại quên không copy/paste/save tên tác giả bài báo, và tên tờ báo.
Bản thân tôi rất thích đọc những chi tiết bên ngoài tác phẩm, và đi tìm tác phẩm, tác giả mà mình thích, hoặc quan tâm, sau đó, để tự mình có những nhận xét của riêng mình, về tác giả và tác phẩm, đoạn văn "đừng tin những nhà phê bình, những cuộc phỏng vấn..", là được hiểu theo nghĩa như vậy.
-Ba nhà văn miền bắc. Bài viết của tôi mở đầu bằng cụm từ "Theo tôi". "Tôi" ở đây, là Jennifer Tran, một người viết trước 1975, nhưng dưới những bút hiệu khác, tại miền nam, nhìn ba nhà văn miền bắc là Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, qua những tác phẩm của họ mà ít nhiều, có những suy tư của riêng họ, về cuộc chiến vừa qua.
Thế nào là "tư" thế nào là "công", đây đúng là một đề tài thú vị. Trong một kỳ tới, Jennifer Tran tôi sẽ bàn tiếp, về vấn nạn, có nên "làm thịt" cả [những chi tiết] "tư" lẫn "công", và nếu cần, "làm thịt" luôn tác giả, chỉ giữ lại tác phẩm, theo nghĩa bản văn, gọi hứng từ bài viết "Cái Chết Của Tác Giả", của Roland Barthes.
Jennifer Tran
Đầu Xuân đọc Tạp Ghi

Người khai sinh ra mục Tạp Ghi trên nhật báo Tiền Tuyến ngày nào, sau những năm tháng dài cải tạo, trở về đời, và trở ra hải ngoại đã cho ra mắt độc giả hai tập tạp ghi, chỉ là những bài viết sau này, khi mục tạp ghi do ông khai sáng đã trở thành "lịch sử", bởi vì làm sao mà độc giả "lại" còn có thể "lại" được thưởng thức, chỉ một bài trước đó? 
Tôi viết "trở ra", là bởi vì, trước 75 ông đã từng ra "ngoài này" nhiều lần, và đã từng viết về nỗi, đêm nằm kế bên một bãi biển, nhớ phở, ".... Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi cứ tưởng, những tiếng sóng vỗ vào bờ bên ngoài kia, là những tiếng réo gọi: Phở, Phở!" (mô phỏng một câu văn trong Lần Cuối Sài Gòn của Nguyễn Quốc Trụ: "Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo đường xưa cũ, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với Sài Gòn, bởi cái phần đời đó mới đáng kể.").
Trong nỗi hoài nhớ đó, chúng ta có thể coi đây, vẫn chỉ là những "nhớ phở" ngày nào của ông, nhưng lần này, "dậy" lên cùng với phở, là cái mùi "tâm linh" như ông diễn tả, ngay ở những trang mở đầu của "Tuyển tập Tạp ghi", khi trích dẫn Nguyên Phong: "Các cổ thư Đông Phương đã vạch ra một cuộc sống ở cõi trần như sau: 25 năm đầu để học hỏi, 25 năm sau để lo gia đình... 25 năm sau nữa phải từ bỏ việc đời để lo cho tâm linh." (Hành Trình Về Phương Đông).
Chúng ta tự hỏi, nếu không có những tháng ngày cải tạo, liệu ông có tới được cái trạng thái tâm linh đó không, hay nói như Võ Phiến: "Các hồi ký lao tù khác thường chung một vẻ, một hướng. Bè Bạn Gần Xa biệt ra một hướng riêng. Các hồi ký khác nói về cái xấu, cái khổ, cái tàn khốc dã man. Bè Bạn Gần Xa nói về cái tốt, cái cao quí trong tù. Các hồi ký khác đọc thấy đau đớn uất hận. Bè Bạn Gần Xa thấy tin tưởng, xúc động, hãnh diện về con người – thấy sướng...".
Sự thực, không phải không có dấu vết của cái ác, ở trong những bài tạp ghi, về những ngày tháng đó. Cái tốt ở trong, chỉ là tốt, khi quanh nó, cái ác luôn luôn rình mò, và giọng tâm linh của tạp ghi, không phải dễ gì ai cũng có, vào lúc cuối đời. Nên nhớ, Phan Lạc Phúc là người miền bắc. Gia đình ông, bạn bè ông, có người ở bên này, ở bên kia, như những trang đầu viết về thời thơ ấu cho thấy. Nếu ông viết về cái ác ở trong tù bằng cái giọng không thể nào gây tác động ác, là bởi vì ông biết rất rõ, không thể có một cách viết khác, đối với những con người như ông.
Trong lần về Hà Nội, cá nhân người viết có hân hạnh gặp, quen, và quen thân, với một người thuộc hàng con cháu của ông. Nghe "người ấy" nói bằng một giọng bùi ngùi, "Em phải gọi ông ấy bằng ông", tôi lại thấy giọng của cô, ở trong những dòng tạp ghi của Phan Lạc Phúc.
Viết tới đây, tình cờ giở qua số báo Điểm Sách Nữu Ước vừa mới nhận được, tôi thấy có bài viết của nữ văn sĩ Mỹ gốc Đại Hàn, Suki Kim, viết về chuyến trở về của bà, vào ngày 16 tháng Hai, năm 2002:"... thật là một tình trạng kỳ cục, đối với một người viết tiểu thuyết, đến từ East Village thuộc Nữu Ước, một kẻ chẳng phải nhà hoạt động nhân quyền, hay diễn viên. Tôi sinh ra là Đại Hàn, và sau đó, là người Mỹ di dân từ khi mười ba tuổi. Cái phần Mẽo ở trong tôi chối đây đẩy xứ sở này, chốn đèo heo hút gió, đứa con hoang của chiến tranh lạnh. Nhưng tôi thường xuyên bị ám ảnh, bởi cơn đói của nó, trên màn hình TV vào mỗi buổi chiều. Khi bạn bè hỏi tôi, liệu có khi nào, hai phần Đại Hàn sẽ hợp làm một, tôi không biết làm sao trả lời. Tôi biết nhiều như họ, và cũng ít như họ. Nhưng có một điều làm tôi lẻ loi ra, giữa đám bè bạn của mình, đó là, tôi chắc chắn một điều, cho dù miền đèo heo hút gió đó - tôi muốn nói Bắc Hàn - tà ma ác quỉ tới mức nào, tôi cũng chẳng bao giờ thù ghét nó." ("... I am certain, no matter how evil North Korea is supposed to be, that I could never hate it". Suki Kim: A Visit to North Korea, NYRB, số đề ngày 13 tháng Hai, 2003)
(còn tiếp)
Jennifer Tran
Ranh giới"tư" và "công" trong thế giới xã hội chủ nghĩa.

Thiên la (chòi cao lính gác), địa võng (hàng rào kẽm gai trùng trùng điệp điệp), chó săn người từng bầy, từng bầy.. và tù nhân bị chuyên chở như xúc vật... Khi những hình ảnh về trại cải tại Xô viết lần đầu tiên ra mắt khán thính giả phương Tây, và được trình chiếu trên TV ở Pháp, nhà nước Liên xô đã lắc đầu bai bải, không phải đồ zin, đồ xịn, mà là đồ dởm, "ngụy tạo". Sau đó, khi bắt buộc phải thừa nhận, họ "bèn" biện minh, làm gì có tù chính trị ở trong đám đó. Và thế là khán thính giả đài truyền hình Pháp "bèn" thở phào, "ồ, hoá ra chỉ là những tên phạm tội thông thường, mấy tù hình sự!"
Trong cuộc phỏng vấn, "Tội phạm tại Liên Xô nhìn theo quan điểm chính trị", do tờ Partisan Review thực hiện (1971), khi được hỏi, phản ứng của ông trước sự kiện trên, triết gia người Pháp, Michel Foucault đã nhớ lại một câu trả lời của nhà nước Xô viết, vào thời kỳ đó, một câu trả lời "đầy ấn tượng". Họ bảo, rằng trại tù sờ sờ ra đấy, ngay giữa trái tim thành phố (the very existence of the camp... in the middle of a city), điều này chứng tỏ chẳng có gì gây sốc ở đây. Chuyện đâu có gì mà ầm ĩ! Như thể, sự hiện diện của trại cải tạo, chẳng cần giấu diếm, chẳng cần ngụy trang, ở ngay trung tâm một thành phố, là một chứng cớ hùng hồn, rằng, "tụi này" đâu cần xin lỗi (excuse) "nhân loại"? Như thể, với cư dân thành phố Riga, sự kiện - nhà nước chẳng thèm hổ thẹn, chẳng cần che giấu trại tù - là một chứng cớ hùng hồn cho phép họ đòi hỏi sự câm lặng ở mọi người, và ở mọi nơi. Đây là lô gíc của Cyrano de Bergerac: "Bạn không có quyền chỉ trích cái mũi của tôi, bởi vì nó nằm ngay ở giữa mặt tôi".
[Theo Foucault, những người Đức, đôi khi, lại cảm thấy cần che giấu những trại tù].
Nhưng Foucault còn bị sốc, vì câu tuyên bố của nhà nước Xô Viết, "Đấy không phải là những tù nhân chính trị, mà là những tù hình sự thông thường". Và để bồi thêm, viên Phó bộ trưởng Tư pháp khẳng định, "Đừng bao giờ có ý nghĩ, rằng có người bị bỏ tù vì quan điểm chính trị, tại xứ sở này."
Foucault nói, "... [như vậy, ở nơi đó], với tôi, có vẻ như mọi hành vi chống lại luật pháp, đều mang tính chính trị. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, bất cứ một vi phạm luật pháp – trộm cắp chẳng hạn, thứ tội nhẹ nhất – không phải là một tội nhắm vào một tài sản tư, mà là tài sản của nhân dân, tức là chống lại xã hội, chống lại sự sản xuất của chế độ xã hội chủ nghĩa, và chống lại chính cái thể chế chính trị đóù. Tôi [Foucault], sẽ hiểu được điều này, nếu nhà cầm quyền Xô viết nói rằng, chẳng còn một người nào là tù nhân không-chính trị, bởi vì tất cả tội phạm, là tội chính trị, theo như định nghĩa. Và nếu như vậy, chúng ta phải buộc tội viên phó bộ trưởng, không chỉ về chuyện ông ta nói dối (bởi vì ông ta biết rất rõ, có tù nhân chính trị ở Xô viết), mà còn phải hỏi ông ta, làm sao mà sau 60 năm chủ nghĩa xã hội, vậy mà họ vẫn còn bộ luật hình sự dành cho những tội phạm không-chính trị?
Một tháng sau khi TV Pháp chiếu phim tài liệu về trại tù ở thành phố Riga, tin tức về vụ thả nhà toán học Leonid Plyushch làm dư luận tại đây chú ý tới sự kiện, nhà nước Xô viết tống những nhận vật ly khai vào nhà thương điên. Foucault đã bầy tỏ những ý nghĩ của ông:
"Việc an trí những người ly khai vào nhà thương điên cho thấy tính ngược ngạo (paradox: nghịch lý) quái dị tại một xứ sở tự coi nó là xã hội chủ nghĩa. Trong trường hợp sát nhân, hay mò mẫn con nít, việc truy tìm những cội rễ mang tính tâm lý của hành vi phạm pháp, và mọi toan tính nhằm chữa trị cho kẻ phạm tội, là có thể hiểu được. Nhưng trong số tất cả những công dân Xô viết, một người ly khai – như tôi hiểu, một người không chấp nhận chế độ, ruồng rẫy (reject) nó, hoặc không hiểu [nổi] nó – không thể bị, không nên bị coi là bệnh hoạn về tâm thần. Thay vì vậy, nên cho người đó có cơ hội để mở to mắt ra mà coi, để làm cho người đó ý thức thêm lên về tính... ưu việt của "chế độ ta". Tuy nhiên, [dưới chế độ đó], hơn ai hết, những người ly khai thường "hơi" bị đưa vào nhà thương điên. Điều này liệu có nghĩa, rằng một khi kẻ đó [chọn con đường] ly khai, là hết thuốc chữa, là "ngu" đến cùng cực ngu rồi! [Nguyên văn: không thể dùng những từ hợp lý lẽ, để chứng minh cho người đó thấy rằng, ly khai là không có cơ sở]. Liệu điều đó có nghĩa: phương tiện độc nhất, theo đó, thực tại Xô viết trở thành có thể chấp nhận được, đối với những ai không "khoái" cái món đó, là, thông qua những phương pháp của kẻ cầm quyền – nghĩa là qua sự sử dụng những "mê thảo", chúng sẽ tác động lên hệ thần kinh của những kẻ đó. [Nếu tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng, thì chủ nghiã xã hội, cũng rứa!]. Sự ngược ngạo quái dị này làm bật ra một "sự thực": Thực tại Xô viết chỉ trở nên dễ chịu (pleasant), dưới tác dụng của mê thảo. Và nếu chỉ có những thứ thuốc an thần, mê thảo, mê dược mới tỏ ra diệu dụng, như vậy chứng tỏ, có một nguyên nhân thực sự, về nỗi lo lắng của đảng: Những nhà lãnh đạo Xô viết chẳng đã từng vờ đi tính ưu việt của đảng ta, mà chỉ còn lo làm sao cho quần chúng trở nên ngoan ngoãn dễ bảo? Hệ thống trừng phạt ở Xô viết cho thấy một điều: chính nhà nuớc chủ nghĩa xã hội là một sỉ nhục, đối với những ai đã từng tin vào nó. Chính sự hiện hữu của một chế độ như thế là một sỉ nhục tất cả những gì được coi là cơ bản của một phương án xã hội chủ nghĩa."
Nhật ký trong tù của một tử tội.
Trong bài đọc vào cuối tháng Giêng năm 1979, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40 của Edouard Kouznetsov, một người bị kết án tử hình bởi nhà nước Xô viết, nhà phê bình văn học người Pháp, Marthe Robert đã nhắc tới một nhận xét, trong Nhật ký của một tử tội (Journal d’un comdamné à mort), của Kouznetsov, theo đó, những người phạm khinh tội thường không cảm thấy trại tù khác với đời thường. Và nếu họ viết – một điều chẳng bao giờ họ nghĩ tới nếu đang tự do ở ngoài đời - nhằm tố cáo thế giới trại cải tạo, thì thường là để đưa ra những giải thích có tính cách cá nhân, như những quan sát viên, những chứng nhân có đặc quyền, ở trên cao ngó xuống mớ hỗn tạp không thể có họ ở trong, hoặc đưa một kinh nghiệm chỉ có họ mới có thể có được. Kouznetsov không thuộc vào loại đó. Bởi vì ông đã nằm ấp 7 năm trước khi được ra tòa, và nhận thêm 14 niên nữa. Đối với ông, tù là nhà, bởi vì, như mọi tù cải tạo, ông chẳng bao giờ biết ngày ra, và liệu có cái ngày "ấy" không, tức cái ngày được ban quản giáo nhận xét, "học tập tốt, lao động tốt". Nhưng đặc biệt tù là nhà đối với ông, ở điểm này: tù làm ông nhận ra một điều, dưới dạng cơ bản nhất, chính xác nhất, và dễ nhận ra nhất của nó: điều làm đau con người khi sống dưới mọi xã hội mang tính công an trị, nghĩa là mọi xã hội công an hóa (dans toute société policiée). Thành thử những gì ông viết ra, trước hết và trên hết, là những chứng cớ về những trại tù ở xứ sở của ông, và được nhân rộng lên, ở trong nhiều xứ sở khác.
Theo ông, một chứng nhân như vậy, sẽ chẳng có một tí giá trị, nếu người đó cứ nghĩ rằng cái đầu của mình trắng nõn, tay lúc nào cũng khư khư cầm bông hồng, khi vào tù, thí dụ vậy. Hoặc vẫn còn cố giữ dịt, một tí ti, cái gọi là tín ngưỡng về quyền lực (la religion du pouvoir), ở trong đầu, theo kiểu một kẻ ở trên ngó xuống, như ở trên đã nói. Ông viết nhật ký, là tự ban cho mình một phương tiện chiến đấu, ở ngay trong mình, và với bên ngoài, chống lại sự lẫn lộn (confusion) giữa [điều được coi là] tâm linh và nhất thời, giữa chính trị, và tâm lý, hay là, mượn một công thức cay chua của Kafka trong Toà Lâu Đài – lẽ tất nhiên là ông chưa từng đọc tác phẩm này – chống lại sự lẫn lộn giữa "tư" (privé) và "công" (administratif), vốn luôn luôn ở bất cứ nơi đâu, là cội nguồn của chuyên chế, bạo lực, và một khi cả xã hội bị không chế, nó trở thành chết chóc.
Ông tố cáo, không chỉ sự coi công lý như pha, lạm dụng quyền lực, những hành động tàn nhẫn mà ông vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân, nhưng luôn cả những đồng lõa, toa rập âm u tăm tối, mà cái gọi là quyền lực toàn trị đã biết cách sử dụng, làm sao đụng tới tận cõi sâu đen thăm thẳm, ở trong mỗi con người, trong cuộc sống rất ư riêng tư, thầm kín của họ. Điều ông căm hận nhất, ở nơi ông, và ở nơi người khác, là một tí dung tha, cho cái gọi là ý thức hệ. Nhà phê bình Marthe Robert cho rằng, trong số những nhà văn Xô viết mà người ta xếp vào nhóm "ly khai", ông là thứ ly khai uyên nguyên nhất, thuộc loại "ròng".
Trong cõi hoàn toàn cách biệt thế giới, từng tí từng tí, ông tháo gỡ từng mẩu này, tới mẩu khác, cái gọi là con người cá nhân mà Nhà nước Xô viết đã biến ông trở thành như vậy. Bởi vì, hãy nhớ một điều, ông sinh năm 1939, tức ông là cái thành phẩm hoàn toàn do nhà nước cấu tạo ra, theo phương pháp "một trăm năm trồng người", qua đó, phải làm sao cho không còn một kẽ hở, giữa tư và công, khiến không một cái gì gọi là khác thường có thể có cơ hội chui vô.

Kẻ thù ở ngay trong ta.

Bị trấn lột tất cả, bị cách ly thế giới, cô đơn còm cõi tuy chung quanh là cả một khối hỗn tạp, huyên náo tức cuộc sống trong trại cải tạo, Kouznetsov nhận ra, việc đầu tiên, là nghi ngờ ngay chính tuổi trẻ của mình, khi còn là một cây non dễ bị uốn nắn. Tất cả những gì ông tin tưởng khi còn trẻ, những hứng khởi lãng mạn, những ham muốn ngày nào sẽ trở thành thi sĩ, tất cả, kể cả luôn nhu cầu, lòng yêu mến công lý, luôn cả niềm đam mê không thể nào cưỡng lại được của ông là suy tưởng, triết lý: tất cả đều trở nên nghi ngờ. Bởi vì ông không còn tin, chúng uyên nguyên ở nơi ông, do ông trời ban cho, hay cũng do phương pháp một trăm năm trồng người "cấy" vào? Chính từ đó, ông nhận ra sự cần thiết của Nhật Ký: Với nó, là phương tiện chiến đấu để sống còn. Sống còn như thế nào? Như một con người tuyệt đối riêng tư, mình là mình (personne absolument sigulière). Không phải cá nhân bị cấy, được trồng (individu faconné). Ông sử dụng Nhật Ký để suy nghĩ một mình, không tìm sự nương náu, hoặc ẩn trốn ở hy vọng, niềm tin, luôn cả ảo tưởng; cũng chẳng thèm tìm chỗ dựa mang tính ý thức hệ, mà những người khác đã làm như vậy, bằng cách tin vào Chúa, vào Phật, và trong trường hợp không thể, vì đã lỡ quá tin vào những ông thần đỏ, họ đành tìm về một thứ chủ nghĩa mác xít đã được "cải lương, cải thiện" (amélioré). Chính vì vậy, Nhật Ký có giọng bi quan, đôi khi trở thành cay độc (xi-níc), mà theo Kouznetsov, nó giúp ông cuỡng lại (résister), một cách ý thức, sự bất khả hiện hữu (l’impossibilité d’exister). Chính vì điều này, theo nhà phê bình văn học người Pháp, Marthe Robert, khiến ông trở thành một "của hiếm" (nguyên văn: một giá trị đặc biệt), và ông tự xác nhận, mình là nhà văn, nhờ nó. Nghĩa là như một kẻ, trong khi chỉ nói về mình, mà mở ra cả thiên hạ, tức đại thể (la généralité).
Nhật Ký của tên tử tội thuộc vào "giai cấp lớn" (la grande classe) của những tác phẩm văn học, mà chỉ tự chúng là đủ để biện minh, cho chỉ một từ: văn học. Tác giả của nó, Kouznetsov, một kẻ chẳng ai hay (inconnu), một kẻ lạ, một người bị chôn sống, trong những vùng u tối mà chúng ta chẳng làm sao mò tới gần. Nhưng ông viết một cuốn sách, cuốn sách độc nhất mà chúng ta được biết tới qua bản dịch, và nhờ vậy, chúng ta có cơ hội gần gụi với ông, đến nỗi chúng ta có thể nhận ra ông, khi gặp ở ngoài đường phố. Nhờ những ghi chú vội vã, những ghi chú như của báu may mắn vớ được, trong mỗi ngày ở trại tù, như giành giật được, từ những tên quản giáo, với cái nhìn cú vọ, khốn kiếp (nguyên văn: sa-đích), nhờ vậy mà ông nối liền với chúng ta, vượt lên trên mọi ranh giới, từ thiên nhiên cho tới xã hội, cho tới thời gian... Nhờ nó, cuốn Nhật Ký, ông đã bẻ gẫy những cánh cửa nhà tù, nói theo tính cách đạo đức, ít ra là như vậy. Nói như thế không có nghĩa coi nhà tù giống như một thứ tự do còn hơn cả thứ tự do thiệt ở ngoài đời. Bởi vì ở trong địa ngục trại cải tạo mà con người này còn phải trải qua trong nhiều năm, chính là nhờ văn chương mà anh ta cố níu kéo cuộc sống, nó cho phép anh ta sống sót, và nó cho phép anh ta trở thành thật gần gũi, thật thân thương, thật sờ sờ trước mắt chúng ta. Tất cả làm chúng ta suy ra điều này: văn chương, chính nó, có thể có ngày gục ngã, ròng rã trong những ngày tháng triền miên ở nơi trại cải tạo. Và chính nó là cái mà chúng ta cần phải cứu vớt, còn hơn cả tác giả của nó.
[Marthe Robert, trong một ghi chú, cho biết, sau đó, Kouznetsov đã được trả tự do, qua một vụ trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ. Và như để chứng tỏ sự lo lắng của bà, tức là của chúng ta như trên, ông đã tiếp tục viết phần thứ nhì của Nhật Ký của một tử tội].
Jennifer Tran giới thiệu.



















Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

‘A Lament in Three Voices’