Bùi Giáng
Jan 8, 2012
Bùi Giáng không điên không tỉnh
Trong thơ của miền Nam trước 1975, người
ta hay xếp Bùi Giáng cạnh Phạm Công Thiện, nhưng theo tôi người cần đặt
cạnh Bùi Giáng là Thanh Tâm Tuyền, để thấy rằng thơ miền Nam hồi đó có
những antipode đến mức thế nào. Ở đây không chỉ là chuyện tự do tư tưởng
cho phép nảy sinh và nuôi dưỡng sự đa dạng, mà còn là chuyện các khả
thể của thơ đã được một số người đẩy đi nhiều hướng, xa hết mức. Giờ đây
nhìn lại, đó là điều căn bản khác giữa thơ miền Nam và thơ miền Bắc.
Thơ miền Bắc thời ấy cũng rất đông đảo và không ít người tài năng, nhưng
hoàn toàn khác, có thể là vì không có chuyện đi về những cực điểm khác
nhau.
Và thêm nữa, các đối cực ấy lại hiểu
nhau sâu sắc: bài viết quan trọng nhất về Bùi Giáng cho tới giờ hẳn vẫn
là bài của Thanh Tâm Tuyền, và ngược lại, Bùi Giáng cũng đặc biệt coi
trọng tài năng của Thanh Tâm Tuyền.
-----------
Nản nhất là gặp phải những nhà thơ khi
nhắc tới là nhất nhất phải tuân theo một sơ đồ định sẵn, như Huy Cận thì
sầu, Xuân Diệu thì ríu rít, Vũ Hoàng Chương thì mây khói, Bùi Giáng thì
điên. Cũng thật nản khi bàn tới Bùi Giáng nhất định người ta cứ phải
quay cuồng trong “Hằng thể”, “Cố quận”, “Quy hồi”, “Tồn lưu”, “Yếu
tính”, “Phiêu bồng”, “Ẩn ngữ”, vân vân và vân vân, trong khi thơ Bùi
Giáng hoàn toàn có thể là một cõi đơn giản nhất, cõi của “Năm xưa châu
chấu mang tên chuồn chuồn”, và để đi vào đó thì những từ ngữ giản dị
nhất cũng hữu hiệu ngang bằng ngôn từ uyên áo dị kỳ nhất. Hoặc chẳng
ngôn từ nào là cần thiết cả.
Người ta có nói gì về sự điên của Bùi
Giáng, rằng đó là điên đẹp, điên lớn (nghe cũng thích), thì với tôi ông
vẫn không điên. Không điên nhưng cũng không tỉnh. Mà là một sự ở giữa,
một sự cân bằng nào đó không thể gọi tên, nhưng cân bằng đích thực. Ta
rất khó nói người điên có cân bằng hay không, và rất có khả năng người
điên dễ đạt tới mức cân bằng hơn người tỉnh, còn Bùi Giáng bình thản
trong sự xa lạ và mênh mông: “Vào trong cõi bờ nào bát ngát, trung niên
thy sỹ cũng tự biến mình làm người khách lạ mênh mông”. Người tỉnh chắc
chắn không rộng lượng, người điên chưa chắc đã rộng lượng, nhưng người
cân bằng thì rộng lượng, nên Bùi Giáng bảo “độc giả hãy hồn nhiên bỏ
chân xuống ngày tháng, xuống ngã ba, hình thành bước đi cho những con
đường ngã bốn, ngã năm ngã sáu ngã bảy. Thế là tốt lắm”. Nhìn ra ở ý
nghĩ này một nguồn gốc Heidegger (Những con đường không dẫn về đâu) thì
cũng được, cũng hay, nhưng không nhất thiết. Và cõi Bùi Giáng nhất quyết
là khác cõi Thanh Tâm Tuyền, người tuyên bố: “Ở đây tôi là hoàng đế đầy
đủ quyền uy”.
Bởi Bùi Giáng không giống người khác ở
chỗ: những người khác họ đến một cõi, họ xin lấy một chỗ cho mình, hoặc
giả họ cướp lấy, rồi mở rộng, bành trướng, còn Bùi Giáng thì ngay từ đầu
đã tạo ra một cõi riêng, cái cõi ấy hay được miêu tả là mênh mông,
phiêu bồng, rộng như sa mạc, rộn ràng phong phú, nhưng hoàn toàn cũng có
thể nghĩ là một cõi đơn sơ, đạm bạc, và nhỏ bé. Dù có thế nào, thì cõi
đó cũng là một cõi thoải mái bậc nhất mà độc giả của thơ có thể tìm ra,
cái cõi mà Bùi Giáng xây dựng nên bằng Thơ Việt Nam, có điểm thêm chút
“tư tưởng hiện đại” nhưng chủ yếu vẫn là Thơ Việt Nam, cụm từ mà ông
dùng nhiều lần, nhưng được phát ngôn từ ông, nó không còn mang cái tính
chất chật chội khó chịu của các quan điểm quốc gia chủ nghĩa.
Thơ Việt Nam của Bùi Giáng có Nguyễn Du
oai vệ, có những thần tượng mà không bao giờ ông hạn chế lời khen tuyệt
mù: Huy Cận, Ngân Giang, Hồ Dzếnh (mà có lúc ông nhất định gọi là Hồ
Xuân Dzếnh), và nhất là thơ lục bát. Bùi Giáng là người có tuyên dương
thơ lục bát theo cách thức hiển hách nhất: “lục bát Việt Nam là cõi thi
ca hoằng viễn nhất”, và trên cuộc tiếp sức vĩnh viễn của lục bát Việt
Nam (của những Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, và, biết đâu, cả Nguyễn
Thế Hoàng Linh) Bùi Giáng là một vận động viên có nước chạy trông đủng
đỉnh nhưng thật ra tốc độ và phong thái đều tuyệt vời.
Nhưng cõi thơ của Bùi Giáng, nằm bên
trong (hay nói đúng hơn là bên lề, một bên lề thật thoải mái dễ chịu)
Thơ Việt Nam, cũng có những phép tắc nhất định, đảm bảo cho nó không rơi
hẳn vào địa hạt sự điên mà cứ ở lại mấp mé bên rìa, không phải theo
kiểu “Bây giờ tôi dại tôi điên/Chắp tay tôi lạy cả miền không gian” (Hàn
Mặc Tử). Ở trong đó, chữ nào cũng được phép ở bên cạnh một chữ khác,
nhưng nhìn cho kỹ thì cũng không hoàn toàn như vậy, vẫn có những ngôi
cao ghế ngự cho một số từ, một số cách phát ngôn. Ở trong bình luận thơ,
mà Bùi Giáng gọi là Đi vào cõi thơ, hay Thi ca tư tưởng, rồi Ngày tháng ngao du,
đầy ắp những khen ngợi, những vinh danh nhiều khi cuống cuồng: “Thanh
Tâm Tuyền như một vị tướng lãnh gan lì, sử dụng một loại võ công chỉ
riêng một mình ông đạt tới quai nhai cảnh giới” hay “thơ Huy Cận quả có
như là cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông Phương”, rồi “Phải quên
mấy bài lục bát của ông Hồ Dzếnh thì mới còn can đảm làm thơ”. Thế
nhưng, cũng không chỉ toàn là lời khen: sự cân bằng của cõi ấy được đảm
bảo bằng việc Bùi Giáng chê Chế Lan Viên điên vờ, nói về Tản Đà: “Thơ
của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc”, rồi “Thơ Nguyễn Công Trứ là
một con zéro. Thơ Cao Bá Quát là một con zéro rưỡi”.
Những màn chuyển hóa điên-tỉnh của Bùi
Giáng gợi ra ở Thanh Tâm Tuyền cảm giác về một sự “rỡn đầy thảm họa”
(trong bài viết quan trọng “Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khổn” hồi
1973), một nghịch lý tất yếu để đạt tới chỗ cân bằng: bên cạnh những câu
như “Sáng nay bao tử mơ mòng/Cà phê bên nọ cháo lòng bên kia” thì cũng
lại có những câu kiểu “Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa/Anh thấy lòng
mở rộng đón trời xanh”, có lúc trong Đi vào cõi thơ hay Thi ca tư tưởng Bùi Giáng nói rỡn chơi về Vũ Hoàng Chương, nhưng ông cũng lại viết về tập Rừng Phong của Vũ thi sĩ theo đúng thể thức phê bình gia chuyên nghiệp: “Hình như tác giả Rừng Phong
đã can đảm thành thật nói được cái gì mà từ lâu chúng ta không dám. Tác
giả đã thành thật nói, cũng như đã thành thật sống”, rồi “Cái say của
Vũ Hoàng Chương là cái say của người muốn sống tỉnh, lòng còn hoài vọng
lý tưởng giữa thực tế buồn thương” (tạp chí Văn số chuyên đề Vũ Hoàng Chương, 1970).
Những nghịch lý đơn sơ đó, Bùi Giáng cũng từng viết ra rành rọt trong “Viết lại Nam hoa kinh”
với số 7: “Suốt năm khắc khoải loay hoay mà tự cho mình thanh thoát
phiêu bồng, ấy là đạo vậy” rồi số 13: “Chán chường thi ca, mà cứ làm thơ
hoài, ấy là đạo vậy”.
Rồi sau rốt là cái nghịch lý theo đó Bùi
Giáng khi thì được coi là nhà thơ trác tuyệt lúc lại bị xem là người
lảm nhảm tự lặp lại mình đến phát ngán. Sự tự lặp lại này là hiển nhiên,
ai cũng thấy, nhưng với tôi, đó là một sự lặp lại đương nhiên của một
cõi thơ muốn là cân bằng (và đơn giản): “tà huy” nhắc đi nhắc lại đến
kiệt cùng, nó sẽ không còn là “tà huy” bất ngờ, chói lọi, sáng lòe, gây
choáng váng âm u của Ôn Như nữa, vì “tà huy” mà Bùi Giáng muốn là một
thứ bình thường trong tầm tay với, tưởng như có thể ngồi bên cạnh ta mà
trò chuyện chứ không cao xa nỗi gì.
Con người ấy, theo một chuyển biến vật
lý hay hóa học kỳ lạ nào đó, sau những trải nghiệm ngặt nghèo kinh hoàng
của cõi đời, đã tới được một cõi cân bằng nhỏ bé nằm đâu đó ở chốn thơ
ca, để mà khẳng định rằng: Thơ vô tận vui.
-----------
về Bùi Giáng, xem thêm ở kia
18 comments:
- sonataJan 8, 2012, 11:03:00 PMHay thật! giọng thật là khinh khoái;p Nhờ bài này mình sẽ đỡ phân vân hơn khi đọc BG :))Reply
- Gio ChuongJan 9, 2012, 1:27:00 AMOh... One of "Những quả bầu của Seibei" is here, small and beautiful :-)Reply
- AnonymousJan 9, 2012, 3:57:00 AMông Nguyễn Quốc Trụ là một người mát nặng khi ông ấy chuyên môn tưởng người khác lấy ảnh hưởng từ TV của ông. Ông già thiệt vô duyênReply
- hì, có gì đâu, Mr Tin Văn khoái chí và vui vẻ thôi, tôi cũng lấy cảm hứng từ trang TV thật mà, nhưng là đoạn đầu trước dòng gạch mà tôi mới viết hôm qua, còn bài chính tôi viết xong từ trước khi Mr Tin Văn "tưởng niệm Bùi Giáng"Reply
nếu gọi là cảm hứng thực thụ thì đó là cái oxymore của Thanh Tâm Tuyền: "rỡn đầy thảm họa"; tôi chỉ làm một việc là nghĩ tại sao TTT lại viết vậy về BG thôi :) - AnonymousJan 9, 2012, 9:41:00 AMMượn ý người ra ý mình, là chuyện rất thường, có gì mà mát?Reply
NQT - Bác Ano không nên nói như thế. Bác Tin Văn là một trong số ít người có tình yêu văn chương vô tư. Bác không thích thì đừng vào trang của bác ấy, sao lại nói người ta vô duyên.Reply
- "của những Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, và, biết đâu, cả Nguyễn Thế Hoàng Linh" ===> sao còn phải do dự về NTHL ?Reply
- AnonymousJan 9, 2012, 10:46:00 PMBào này đọc thấy quen quen, nội dung không có gì mới so với những bài đã viết về Bùi giáng.Reply
- Cậu ấm: hì, ai cảm thấy khẳng định được thì cứ khẳng định thôi :pReply
- AnonymousJan 11, 2012, 12:17:00 AMBác Trụ nói linh tinh có cái trật cái đúng. Bác ấy búa BBT Da Màu không rành tiếng Việt cũng đúng. Ai đời bà chủ bút Đinh Từ Bích Thúy biên trên báo Da Màu dạy dỗ mọi người là "Công" (trong Công Dung Ngôn Hạnh) là Duyên, nên dịch ra tiếng Anh là "GRACE". Trời đất !!! "Công" dịch ra là "Grace" sao được. "Công" dịch đúng nhất là "Work" hay "Work Ethic" thì còn được. Dịch sai bét thế mà không ai lên tiếng. Hay lên tiếng mà bà chủ không cho đăng ??Reply
- Gio ChuongJan 11, 2012, 12:59:00 AM"Chúng tôi đứng ở cuối vườn. Bấy giờ gió thổi mạnh, cành lá xào xạc ở phía trên đầu. Đám phi lao ngập ngừng chuyển mình, nửa muốn phụ họa gió, nửa muốn kéo dài giấc ngủ im lìm buổi trưa. H. cùng đứa em đánh đu ở phía trước. Hàng cây che khuất tầm nhìn của tôi. Mỗi lần chiếc đu trở lui về phía sau, thân hình người con gái lại hiện ra giữa hai thân cây phi lao, rồi lại mất đi một cách đều đặn. Tiếng cười giòn, nhẹ và ấm vọng tới chỗ chúng tôi. Rồi gió thổi mạnh làm át đi tất cả; trong gió có những con vật bé li ti, những chiếc lá cây, và những hạt cát. Tôi dựa lưng vào thân cây phi lao, và bỗng nhận ra đời sống vô vị, buồn nản của mình, một đời sống không có gì để nhớ, hoặc để chờ: tôi chờ những lần chiếc đu trở lui về phía sau và cố nén cơn ho thường lệ buổi chiều. Tôi nghĩ tới những lần tự nhiên thức giấc trong đêm khuya, mọi người đều yên ngủ, tôi lặng lẽ nghe tôi nặng nề thở và mệt nhọc sống."Reply
http://www.tanvien.net/sangtac/st_da_trang.html
Over half century later, we still feel "đời sống vô vị, buồn nản của mình, một đời sống không có gì để nhớ, hoặc để chờ..."?
We can't find in Nabokov's Lolita this bitter note. He needs some Vodka while Mr.TinVan got it ;-)
A Balance of Life only can be found in "Thơ vô tận vui" but somehow also in ... "nha.c vô tận buo^n`"?? - Cách đây không lâu tôi trở về thăm Sài Gòn và... Việt Nam, đúng 40 năm sau lần đi cuối. Cảm giác vừa ngột ngạt vừa đau đớn trước những cái nhố nhăng (tất cả nhà thờ đều tráng xi-măng lại và sơn mầu hồng!). Nhưng đó chỉ là cảnh chí, nhưng con người Sài Gòn thì lại lịch lãm hơn cả 40 năm về trước, tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa cảnh vật và con người. Hẳn là sống trong hoàn cảnh chênh vênh đó, vấn đề "hiện sinh" của mỗi con người là tìm ra sự cân bằng cho mình - như NL nói đến bên trên về thơ BG. Nhưng thực tế - trong đời sống thường nhật hay trong thơ văn - cân bằng không đạt được bằng sự theo một đường thẳng tắp như hình học hai chiều Euclid. Để tạo sự cần bằng nhất thiết vẫn phải vịn vào hai cực, nhưng không nghiêng hẳn vào cực nào. Thơ BG cũng tràn đầy thế đi thế đứng giữa hai cực tỉnh và điên, nghiêm trang và đừa bỡn. Điên trong tỉnh táo, đùa bỡn trong nghiêm trang. Đó là điều khiến đa số người đọc ông, theo bản năng bình thường, đã hoang mang vì mong muốn thấy một điều gì "chắc ăn như bắp". Đa số độc giả miền Nam lúc đó đều thích thơ Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Mai Trung Tĩnh... nhưng phải lắc đầu... chào thua ông Bùi Giáng...Reply
Nhưng đó chỉ mới là một khía cạnh, khía cạnh giản dị của thơ BG. Và cũng không liên hệ đến lời bình trứ danh của TTT về GB, "hồn thơ bị vây khổn". Đối với nai chưa quen với ngôn ngữ đầy ẩn dụ (và ẩn nấp) của TTT, thì còn lâu mới hiểu ông muốn nói gì, hoặc có nghĩ ra cũng chưa dám chắc là mình đúng. Tôi cũng không dám chắc, như theo những gì tôi biết, thì văn chương TTT bề ngoài hiện đại đấy nhưng thật ra là một thứ "cổ (hay tử) ngữ", như chữ Ai Cập thời Cleopatra, gần hơn như những bản tin các điệp viên gửi về sở nhà, muốn hiểu phải cần "chìa khóa" (một thứ mechanism tự vệ của những người cầm bút "serieux"). Tóm lại, "nói dzậy nhưng không phải dzậy"...
Nhưng "cứ lần theo lối đoạn trường mà đi" thì ta có thể đặt câu hỏi giản dị: BG bị ai hay cái gì "vây khổn"? Ông BG là một trong những người tự do nhất ở Sài Gòn ngày đó, không hề bận bịu vợ con, cơm áo, ăn mặc, xã hội ý hệ... hay chủ bút, chính quyền... Nhà thương điên ông cũng vào hay ra lúc nào cũng được... ngay cả thơ ông thích làm thì làm, không thì thôi... nhiều lắm ông bị con nít tròng ghẹo tí đỉnh là cùng. Thế nhưng nhìn ông ngoài đời, không ai có thể nói là ông thoải mái sung sướng! Vậy cái gì "vây khổn", làm khổ ông? Chỉ có thể là chính ông, hay đúng hơn là cái "passion" (hiểu trong cả hai nghĩa, "đam mê" và "khổ hình") ông mang trong người. Cái passion đó khiến cho hình hai ông khô đét như một bộ xương khô. Những nhà tu khổ hạnh mà tôi gặp trong đời trông vẫn còn "mầu mỡ" hơn BG! Thơ của ông cũng chỉ ánh lên một chút cái passion của ông. Nếu ví passion của BG với lửa - ngọn lửa đã thiêu nhà thơ từng ngày - thì thơ của ông chỉ là củi đốt để giữ ngọn lửa đó cháy mãi. Ngọn lửa mà ông không thể để tắt, vì lúc đó ông cũng sẽ tàn rụi...
Dĩ nhiên, ngoài chính BG ra khó ai có thể tưởng tượng ra cái thế giới passionnée của BG, do đó cũng không thể diễn tả bằng lời! Ta chỉ biết, những bài thơ mê tỉnh tỉnh mê của BG bao giờ cũng có bóng dáng cô Thúy Kiều (thường dưới những tên hiệu khác nhau MM, BB, Kim Cương, Ni Cô Trí Hải... cũng chỉ là một cách phòng thủ tự vệ khác). Phần những những câu thơ "để đời" của BG lẩn quất trong những câu thơ triết lý khó hiểu đều nóng bỏng "nỗi chết không rời" (passion) của ông...
... Anh về là hé mở môi hồng
Và mở hé môi không hồng một lúc...
hay
... Còn hai con mắt thương người một con...
TB. Bùi Giáng có hai "đệ tử" (không chính thức) là Phạm Công Thiện và Trịnh Công Sơn. PCT chỉ học lóm được vài chiêu võ triết học, rồi ra đời múa lung tung, khiến võ lâm kinh hãi, một nửa phục một nửa ghét; TCS củ mỉ cù mì hơn, mang dáng vẻ "chân truyền" hơn, do đó cũng thành công hơn. Ông thầy nào cũng thường học trò ngoan ngoãn...