Nguyễn Tất Nhiên
Nguyễn Tất Nhiên – Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
VHSG- Tài hoa một cách kỳ diệu
trên sáng tác, một cách ngông nghênh của thi sĩ, và cái nhìn tình yêu
bằng đôi mắt châm chọc, đập vỡ cả não cân xé tung cả thân xác… để so
sánh bản thể si mê ngập ngụa điêu tàn. Trong khối tình mà Nguyễn Tất
Nhiên bắt phải dại khờ vì ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh…
Cách đây hơn 40 năm, những năm đầu thập
niên 70, trong giai đoạn đất nước dầu sôi lửa bỏng, những tác phẩm phản
chiến được phát triển rầm rộ. Một phần, trước cuộc chiến càng ngày càng
leo thang một cách cùng cực, sinh mệnh người dân như tấm bia thử nghiệm
cho những thể chế, không biết ngày nào hy vọng bình yên trở lại quê
hương. Một phần sự loạn ly làm đình trệ tư tưởng, đời sống và văn minh
văn hóa khoa học, đem lợi ích phát triển hơn là sự tàn phá nghiệt ngã vô
ích. Thơ văn là tiếng nói của người làm văn nghệ, được bày tỏ bằng
những bức xúc, chứa đầy cảm năng đối thoại với chiến tranh đang phủ chụp
khắp xóm làng. Thật vậy, nghệ sĩ với lửa con tim đều biểu lộ bằng những
sáng tác trên hội họa, văn chương, âm nhạc,…Trịnh Công Sơn là một hình
ảnh tượng trưng về nét phản chiến thực tiễn trong những thập niên 60-70.
Chuỗi tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã ghi lại những dấu ấn siêu việt ảnh
hưởng từ trong và ngoài nước, mà bất cứ hàng quán nào kể cả tư gia của
người thôn dã đều chất đống âm vang những ca khúc giữa đời sống hằng
ngày…
Nghệ sĩ miền Nam có một tư thức sáng tạo
và bày tỏ riêng mình, tất cả những khuynh hướng sáng tác đều không quy
củ trong một phương hướng chủ đạo, rập khuôn như nhau. Chính vậy, sự đa
năng được bộc phát một cách kỳ diệu, dù trong những thời khắc đầy khói
lửa, nhưng bước tiến của nghệ thuật miền Nam lại đa dạng. Mỗi khuynh
hướng lại là một sự tinh khôi bù đắp làm phong phú cho văn chương phía
Nam. Dù trong thời buổi chiến tranh, cũng rộ nở đầy những vườn hoa khoe
muôn màu sắc, đậm nét bác học không thua sút văn hóa văn chương thế
giới.
Trong môi trường thi ca, bên cạnh thơ
lửa, chất đầy ngôn ngữ bày tỏ trước thời cuộc, mà sự sống thì còn cần
chứa chan thêm một hạnh phúc tinh yêu và trong lành ở viễn cảnh xô bồ
hằng ngày. Tuổi trẻ phần đông cũng biết chọn cho thế hệ mình phần hồn,
để bộc lộ những khoảnh khắc của con tim. Nét lãng bạt vẫn là yếu tố
phong lưu trong hàng trăm nét sống tư thức dấu yêu. Sự phơi phới hồn
nhiên trong tình yêu giúp bảo tồn được nét thuần khiết chân thành trong
bản năng con người. Vì vậy, nếu những thi phẩm chan đầy nét kỳ diệu long
lanh sinh khí từ trái tim yêu thương, thì được đón nhận như cơn mưa rào
thấm đất. Đầu thập niên 60, Nhất Tuấn xuất bản thi phẩm Chuyện Chúng
Mình, ba thi tập nối tiếp trong một thời gian ngắn, đã tạo cho thơ tình
một sức hút dữ dội. Tập thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của nhà thơ
Kiên Giang tức khắc được độc giả đón nhận nồng nhiệt, cho đến bây giờ
thỉnh thoảng vẫn còn tái bản với 2000 đến 3000 bản. Thơ Nguyên Sa cũng
là một dòng thơ tình quý phái, trí thức và lãng mạn.
Tất cả những thi nhân kể trên, đều ít
nhiều kỷ niệm và có kinh nghiệm tình trường, nên sự chiêu niệm của độc
giả chỉ hướng về nét sáng tạo tích cực trong văn chương. Ngôn ngữ tích
lũy trong thi phẩm đều nhiều ẩn dụ gần như giả định, dù rằng thi hóa một
cách tuyệt vời. Năm 1969, lúc nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên xuất bản tự lực
với những tập thơ còn mang nặng nét học trò, tôi và Lưu Nhữ Thụy nhiều
phen bay về Biên Hòa tìm thăm, để trả lễ những dịp Nhiên về Sài Gòn thăm
tôi. Sự bộc phát hình như là một định mệnh, không thể ngờ trước được,
khi tập Thiên Tai ra đời năm 1970 lúc Nguyễn Tất Nhiên vừa 18 tuổi, bỗng
nhiên tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên bùng vỡ một cách ngoạn mục. Nhac sĩ
Phạm Duy bằng sự lão luyện tài hoa cùng cực, đã làm say mê những dòng
thơ tình đầy ngây thơ, ngộ nghĩnh, ông đem hết tâm huyết phổ nhạc cho
nhà thơ nhiều bài, và thành công một cách kỳ diệu, đặc thù. Thời đó,
nhạc Trịnh Công Sơn chiếm lĩnh hầu hết thị trường, đi đâu cũng chất đầy
ngôn ngữ Trịnh Công Sơn, làm quánh đặc cả không gian bão táp giữa lòng
người điên đảo. Thì sự thanh thoát tươi trẻ của hơn mươi bài nhạc phổ
thơ Nguyễn Tất Nhiên, được quảng bá rộng rãi không thua kém, bằng cách
giới thiệu xen kẽ thay thế dòng nhạc Trịnh Công Sơn, một dòng nhạc cô
đọng âm hưởng monotone bấy lâu vưởng vất quanh đời sống… Sự giải tỏa uẩn
ức của cuộc sống, bằng sự huyền diệu thanh khiết và ngây thơ cực điểm
của dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên, và âm thanh phù thủy Phạm Duy, thì không
gian như trôi chảy giữa bốn bề âm vọng tình yêu, mà những ví von so sánh
lạ lùng, ngây dại trong ngôn ngữ chứa đầy biểu tượng sáng hóa: người từ
trăm năm/về ngang sông rộng/ ta ngoắc mòn tay…, hoặc nào hay đời cạn vì
người từ trăm năm/ về khơi tình động/ ta chạy vòng vòng/ ta chạy mòn
chân.(Khúc Buồn Tình). Thơ Nguyễn Tất Nhiên có không khí bừng nở đầy trí
tuệ liên tưởng tự nhiên, đưa đẩy sự phá cách của tưởng tượng, mà tha
nhân không thể dõi bước kịp ý tưởng của dòng thơ vừa băng mình chưa hết
lộ trình thơ mộng, bỗng nhiên đóng khung ở một lý luận ví von như những
giải đáp lạ thường ngộ nghĩnh: đời chia muôn nhánh khổ/ anh tận gốc gian
nan/ cửa chùa tuy rộng mở/ tà đạo khó nương thân/ anh đành xưng quỷ sứ/
lãnh đủ ngọn dao trần/ qua giáo đường kiếm Chúa/ xin được làm chiên
ngoan/Chúa cười run thánh giá/ bảo: đầu ngươi có sừng! (Đám Đông).
Ngoại trừ những năm 60-70, với một khí
thế hực lửa của những biến động thời cuộc, sự say mê nhạc Trịnh làm bừng
cháy ý thức phản kháng một cách quy mô. Thì ta không ngạc nhiên, để
hiểu rằng sự hòa đồng nhiều lúc cũng xu hướng, mà lịch sử còn phải xâm
soi định vị cả một khoảng thời gian sau, mới khẳng định được đúng sai
trong quá trình vừa trôi qua. Ảnh hưởng của nhạc Trịnh đã bước vào tâm
thức của tầng lớp thanh niên, giục giã cái nhìn nhân chứng, sáng hóa hòa
quyện giữa thi ca và âm nhạc, nhưng không biết có tác động được để vượt
thời gian, đó là điều nan giải! Thanh lịch của thi ca cũng như những bộ
môn nghệ thuật khác, là sự tinh túy, tạo lập chân tướng bằng tất cả
phương pháp sáng tạo tùy tài năng và chân tâm của nghệ sĩ. Bởi cái giả
không là thật, mà cái thật không được là giả, người ta thường khoác lên
vai nghệ sĩ bằng y phục lòe loẹt, còn trái tim thì treo trên cành cây
trước gió. Chính vậy, sáng tác có thể dùng hết lửa để thai sinh, nhưng
cũng có lúc lửa cũng hủy diệt sáng tác. Cái tâm không của nghệ sĩ thật
cần thiết. Tôi cảm nhận thơ Nguyễn Tất Nhiên có những ý hướng vô ngã,
chỉ cần đạt đến một điều là hóa hiện bản ngã, bằng những hình tượng lập
dựng để dánh dấu cho một ý niệm bừng rõ nét tình yêu. Chính vậy, nhiều
lúc tôi so sánh giũa hai ý thức sáng tác thơ tình của Nguyễn Tất Nhiên
và Trịnh Bửu Hoài, một đàng chân thật xem tình yêu như một thánh tượng,
lãng đãng giữa không gian đầy hoa cỏ, gió và mây. Một đàng xé nát vật
thể, kể cả bản thân để phát minh cho thơ một sự khắc nhập, hoá hiện lại
cùng cực bản thể tình yêu và tình người. Nhiều lúc, có người đọc thơ
Nguyễn Tất Nhiên, những ví dụ ngây thơ, phù thủy làm đánh động sự phân
tâm, bởi những ngôn ngữ tân lập cho hình ảnh lạ lùng Thơ. Giống như một
hình ảnh tân lập thật bình dân của Bùi Chí Vinh, khiến thơ Vinh có một
nét ngông linh động và hoạt bát, mà có lúc tôi đùa với Vinh, như hai mặt
đồng tiền, mặt phải là Bùi Giáng, mặt trái là Bùi Chí Vinh. Còn thơ
Nguyễn Tất Nhiên hẳn nhiên có nét sáng tạo thật lạ, cung cách so sánh
làm câu thơ bừng lên một nét kỳ diệu, nhưng thật đau thương. Khác với
cung cách hoa dạng trong thơ tình Nguyên Sa, với cuộc đời và trái tim,
Nguyễn Tất Nhiên đã xé nát hết tư tưởng và bản thân, để tung rải cạn
láng chân khí đem đối chiếu tình yêu so sánh những dị thường: dĩ vãng là
địa ngục/ giam hãm đời muôn năm/ tôi-người yêu dĩ vãng/ nên sống gần
Satan/ ngày kia nghe lời quỷ/ giáng thế thêm một lần/ trong kiếp người
linh mục/ xao gầy cơn điên trăng……………… vì tôi là linh mục/ giảng lời
tình nhân gian/ nên không có thánh kinh/ nên không có bổn đạo/ nên không
có giáo đường/( một tín đồ duy nhất/ vừa thiêu hủy lầu chuông!) (Linh
Mục).
Sự hóa thân cho chính nhà thơ đã vỗ về
cho thơ xuất hiện trong một lớp áo biến đổi bản ngã, sự nhị trùng thật
ra chỉ là chiếc bóng của một hiện thân duy nhất. Mà chính tác giả độc
thoại trong sự phân vai giữa bản thân cô độc, lạnh lẽo ở một không gian
tưởng tượng trù dập tận cùng cái si mê ngây dại, bởi ru ta suốt cuộc
đời/ (cuộc đời tên vô đạo/ vết thương hành liệt tim). (Ma Soeur)…
Tài hoa một cách kỳ diệu trên sáng tác,
một cách ngông nghênh của thi sĩ, và cái nhìn tình yêu bằng đôi mắt châm
chọc, đập vỡ cả não cân xé tung cả thân xác… để so sánh bản thể si mê
ngập ngụa điêu tàn. Trong khối tình mà Nguyễn Tất Nhiên bắt phải dại khờ
vì ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh.
Năm 1979, buổi sáng còn vang vọng tiếng
loa tuyên truyền nhức óc của Ban Thông tin Văn xã Phường, thì thà như
giọt mưa vỡ trên tượng đá bỗng dưng xuất hiện trước cửa Thư trang.
Nguyễn Tất Nhiên với y trang đơn giản hơn ngày xưa, sơ mi bỏ ngoài loáng
thoáng theo cơn gió nhẹ, chờ tôi trước cửa còn khép hờ. Tôi khoác vai
Nhiên bước vội về một quán cà phê, cách nhà chừng 100m, với sự chào đón
im lìm và cuộc thăm viếng cũng như một cuộc giấu giếm với thế gian. Bản
thân Nguyễn Tất Nhiên thư sinh ốm yếu cao nghệu, nhưng hiện tại càng thu
liễm hơn, với vẻ mặt xanh xao giữa mái tóc lòa xòa bất cần nhân thế.
Tuy vậy Nguyễn Tất Nhiên cũng giữ lại được nét liếng thoắng, và nụ cười
nở đầy trên môi. Nhiên bắt xe từ Biên Hòa lúc 4 giờ sáng, tâm sự ghé
thăm tôi, sau gần 4-5 năm không gặp mặt: “kỳ này em chắc ít có dịp về
thăm anh”. Nguyễn Tất Nhiên vẫn cười nói thản nhiên, suốt buổi tri ngộ
thâm tình giữa huynh đệ tin yêu. Tôi lại cứ ngỡ Nguyễn Tất Nhiên và gia
đình về khu kinh tế mới, như bao nhiêu gia đình khác được vận động di
dân lập nghiệp, nên trả lời : “Nhiên muốn về thành phố thì xin một giấy
giới thiệu, đóng mọc đỏ của một hợp tác xã nơi ở, sẽ đăng ký được giấy
xe, lo gì. Tôi phục vụ bên y tế nên cũng cấp cho nhân viên như vậy”.
Nghe tôi phân trần, Nguyễn Tất Nhiên vẫn cười cười nói nói, không bộc lộ
một ý hướng gì hơn nữa. Thời gian khoảnh khắc lại là một cách biệt ngàn
trùng, đằng đẵng đến ngày hay tin Nguyễn Tất Nhiên cư trú tại Pháp qua
đài BBC, tôi không có dịp thư tín trò chuyện với nhau. Sự cật lực sống
trong một xã hội xa lạ, Nguyễn Tất Nhiên không hội nhập được, bởi bản
chất nghệ sĩ chan đầy ý tưởng huyễn hoặc, không có thời gian thực tiễn,
khiến nhà thơ chìm ngấm trong cơn lốc trầm cảm cách biệt đời
thường… Thỉnh thoảng cũng được truyền thông Nguyễn Tất Nhiên còn hoạt
động văn nghệ, xuất bản được vài tác phẩm, tôi đón nhận như tin vui chia
sẻ với cố nhân…
Tất cả đều trong nghiệp chướng vô
thường, không ai thoát khỏi thành trụ hoại diệt, nhưng sao tôi vẫn thảng
thốt khi nghe đài VOA báo tin, Nguyễn Tất Nhiên vừa giã biệt cõi đời
lúc 14 giờ 30 ngày 03 tháng 08 năm 1992, bằng thuốc ngủ trong một chiếc
xe hơi Toyota cũ kỹ đầy hoa, và một bài thơ mới sáng tác có chữ ký còn
giữ kỹ trong túi áo. Ngày giã từ cõi đọa đày suốt một đời thơ, Nguyễn
Tất Nhiên gởi lại nhân thân giữa thơ và hoa, tại sân Chùa Việt Nam, do
Thượng Tọa Thích Pháp Châu trụ trì, ở thành phố Garden Grove, Nam
California như trở lại chính bản thể và đạo pháp: đường không gian- đã
phân ly/ đường thời gian- đã một đi không về…
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
(Mùa đông, 1992, nhuận sắc tháng 7/2011)
_____________________________________
Comments
Post a Comment