Chroniques HN: một phố

Jun 4, 2020

Chroniques HN: một phố


bỗng dưng tôi vừa biết thêm một số điều về hiệu sách có tờ hóa đơn đã nhắc đến ởkia; những điều ấy làm tôi nghĩ đến những hiệu sách một thời, trên một phố của Hà Nội

Thì ra địa chỉ hiệu sách Tân Việt Nam (hồi 1955) không phải 185 Hàng Bài như tôi tưởng, mà là 18F: như vậy thì quả thật rất gần Bờ Hồ. Khối nhà với một mặt là Hàng Khay nhìn thẳng ra hồ, một mặt là đoạn đầu Bà Triệu (chỗ có chùa Vũ Thạnh), mặt thứ ba là Hai Bà Trưng, có Xunhasaba và mặt cuối cùng - đoạn Hàng Bài, tất nhiên, khối vuông này từng vô cùng quen thuộc với tôi, vì hơn một lý do; và rốt cuộc cho đến cả loạt thuyết trình tháng Tám năm ngoái của tôi về lịch sử báo chí Việt Nam không hiểu sao cũng lại diễn ra đúng ở đó.

Như vậy, người chủ hiệu ký tên trên tờ giấy (có thể thấy tương đối rõ là "Thuật") khi về hưu (trước đó còn làm cho hiệu sách "Hà Nội - Huế - Sài Gòn") mở hiệu sách tên Thuật tại 80B Bà Triệu. Hiệu sách Thuật tôi hay vào, quãng cuối thập niên 90 và cả một ít thời gian từ năm 2000. Như ai cũng đã biết, cách đó một trăm số nhà, ở 180 Bà Triệu, là một hiệu sách (cũ) khác.

Tôi biết, tôi biết, rất nhiều người ác cảm với ông Dư chủ hiệu 180, nhưng đối với tôi đó là một trong những chủ hiệu sách (tính cả cũ và mới, nhưng chủ hiệu sách mới thì thật ra không đáng quan tâm mấy) tuyệt vời nhất mà trong đời tôi từng gặp. Tính cách của ông Dư và mối ác cảm dành cho ông Dư đều lên đến mức huyền thoại.

Một số nhà phố Bà Triệu tôi từng rất biết: số 66 (tiếp tục là bên số chẵn - bên số lẻ thì hơi khác, tôi sẽ còn trở lại): số 66 có nghĩa là nếu từ phố Hàm Long có xe tải thật to nào đang đi, đến ngã ba với Bà Triệu mà mất lái, thì nhà 66 sẽ đi luôn cái mặt tiền. Cách đây hai mươi năm, tại một quán cà phê ngày đó hơi bị oách phố Bà Triệu, tôi cứ ngồi đó ngắm một phụ nữ ngồi bàn không xa (trong quán chỉ hai bàn có khách), mãi về sau tôi mới biết đó là một nữ nghệ sĩ múa nổi tiếng; người ấy cũng mơ hồ cười đáp lại ánh mắt không hẳn là dạn dĩ của tôi, hồi ấy. Từ số 66 có thể đi nhiều nơi nhanh chóng, tiện lợi. Về sau, tôi cứ tự hỏi phố Hàng Kèn có thể như thế nào, chắc chắn nó quanh đây, nhưng dường như không dễ xác định cụ thể: cuối cùng (như đã nói ở đâu đó), tôi cho rằng phố Hàng Kèn không tương hợp với một phố hay một đoạn phố nhất định hiện nay, mà có vẻ nó hơi ngoằn ngoèo (so với địa thế về sau, tức là bây giờ). Chắc chắn ở đó từng có cây thị, có kèn đám ma và cũng chắc chắn rất dốc. Cho đến hơn chục năm trước đây, Bà Triệu vẫn là một phố nhiều dốc. Trong vòng hai mươi năm vừa rồi, Hà Nội chứng kiến sự xóa sổ của nhiều hồ, đầm, vũng, bãi đất trống, và nhiều dốc. Hoặc giả, nhiều dốc bỗng thoải đi rất nhiều: chẳng còn ghập ghềnh nữa.

Trên phố Bà Triệu, thập niên 90, có rất nhiều chỗ để mua sách. Đầu bên gần Bờ Hồ (chỗ từ đó, mấy năm về sau, người ta hay đứng xem bắn pháo hoa đêm giao thừa: một cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng bắt đầu bằng chính đoạn phố phường quanh đó) là cửa hàng nhỏ của hai vợ chồng, mà tôi từng kể đâu đó; tôi hay ghé đó một thời gian thì một trong hai người chết (tôi không nhớ rõ là người vợ hay người chồng, có vẻ là người vợ - vẫn còn khá trẻ). Cửa hàng rất nhỏ, thật ra chỉ là một ô cửa mở thẳng ra đường, có cửa sắt hoa xếp. Nhưng cuối phố về đoạn đã quá Thái Phiên sắp ra đến Đại Cồ Việt cũng hay thấy một ông già ngồi trước một cái cổng đổ nát, bày một vài chồng sách nhỏ, hẳn lấy từ trong nhà mang ra đó bán. Đôi khi tôi cũng vào đó xem, nếu không phải chẳng tìm được gì thì nếu có, cũng rất ít. Vả lại, ông già đơn độc ấy rõ ràng không hẳn là một người bán sách.

Chắc chắn tôi đã phát hiện hiệu sách 180 Bà Triệu hồi tôi 13 hay 14 tuổi - tôi đi xe đạp, cái xe hồi đó vẫn còn hơi quá cao so với tôi. Cái hiệu sách ấy đã quen thuộc với không biết bao nhiêu con người. Vậy là, bỗng nhiên, sau vài năm không còn đến Thư viện Hà Nội (cũng ở ngay trên phố Bà Triệu - nhưng bên số lẻ, đúng ngã tư với Trần Hưng Đạo, tức là không hề xa địa phận mà chúng ta đang nói), nói đúng hơn là phòng đọc cho trẻ con ở đó, tôi tìm được nguồn bổ sung mới, chỉ cách vài trăm mét. Phần lớn văn chương cổ điển tôi tìm được ở đó. Bản dịch tiếng Việt Hard Times của Dickens - nó khiến tôi sẽ không bao giờ còn nhầm lẫn về cái bìa đặc trưng của nhà xuất bản đã in nó. Với Dickens, tôi tìm ra những gì ngoài David CopperfieldOliver Twist đã đọc từ trước, như Hard Times, còn với Victor Hugo, Les Misérables tôi đã đọc (nhiều lần) trước đó được bổ sung Chín mươi ba, nhưng nhất là Bug-Jargal. Chắc chắn tôi đã tìm ra Bút ký người đi săn của Tourgueniev ở hiệu sách 180 Bà Triệu, cái cuốn sách kỳ lạ về nhân vật "sportsman" phát hiện cuộc sống của người nông dân Nga ấy. Từng nhiều lần tôi muốn làm nó quay trở lại ở Việt Nam.

Tất nhiên tôi sẽ không (chẳng dại) viết lại ở đây tên tất cả sách tôi từng thấy và lấy ở đó - tôi còn nhớ được không ít, chừng ấy thôi có lẽ đã khiến bộ nhớ của google không chứa nổi. Học kỳ đầu tiên cấp ba tôi được nhận tiền học bổng (cấp ba mà lại có học bổng: hiếm phết đấy) - nhưng thật ra đấy là vì tôi ăn may (có lẽ là lần ăn may duy nhất trong đời), tôi không thuộc vào số mấy người nghiễm nhiên được nhận học bổng và lẽ ra chẳng có gì nhưng bỗng dưng có một phụ huynh giàu có muốn thể hiện sự hào phóng đã double số lượng người được nhận tiền trong lớp, vậy thì tôi lại được (cũng không nên nghĩ xấu cho vị phụ huynh đó quá, bởi có nhân đôi lên thì con của ông ấy cũng không thuộc diện được học bổng), thế là lần đầu tiên tôi có thể mua ở chỗ hiệu sách 180 Bà Triệu nhiều hơn mức thông thường, có thể nói là hơn rất nhiều (vì tiền học bổng không ít lắm). Trước đó tôi đã thòm thèm nhiều thứ nhưng cầm lên rồi lại đặt xuống. Ngay từ ngày đó, tôi đã không bao giờ mặc cả. Có những quyển sách tôi thấy đúng là quá đắt, thế thì thôi không mua, nếu có những quyển quá thích nhưng không đủ tiền thì hoàn toàn có thể nhờ chủ hiệu để riêng một chỗ đừng bán cho ai vội, trong vòng vài ngày - tôi không nghĩ có chủ hiệu nào từ chối điều này, kể cả khi đó là Mister Dư lừng danh; tất nhiên đã không ít lần tôi làm thế, ở chỗ ông Dư. Khoảng thời gian đầu tiên, tôi một mực chủ yếu chỉ nhìn sang trái: những ai quen thuộc với nơi đó biết rõ cấu tạo của không gian, ngoài cùng là một khoảng không rộng, gần như không xoay xở được, ngay chỗ mấy bậc cầu thang, tổng cộng là ba mặt xếp đầy sách, chưa kể một số chồng xếp ngay từ mặt đất lên, bên trái bên phải và ngay trước mặt - đằng sau là chỗ chứa nhiều sách khác, nơi không nhiều người được vào, dẫn vào đằng sau là một cửa nhỏ nằm bên tay phải nếu nhìn từ bên ngoài. Bức tường bên trái tôi thanh toán trong vòng chắc vài tháng, sau đó rồi tôi mới bắt đầu xử lý mấy mặt còn lại (mà tôi sẽ kể sau). Những người sinh cuối thập niên 80, trong thập niên 90 chắc chắn không biết từng có lúc đoạn Lý Thường Kiệt giữa Quang Trung và Bà Triệu mới thực sự nhiều sách cũ, mấy cửa hàng nối đuôi nhau. Tất nhiên tôi biết hiệu sách nổi tiếng số 5 Bát Đàn, cũng như lịch sử lừng lẫy của nó (Minh Đức Trần Thiếu Bảo etc.) nhưng tôi đến đó đúng một lần. Nó không nói gì với tôi, dẫu đúng là vô cùng nhiều sách, suốt mấy tầng gác. Mãi về sau, tức là tương đối gần hiện tại, tôi mới đến đó thêm một lần. Lẽ ra đã có một cuộc đổi, vì thấy ở đó có một chồng tạp chí Đại học tôi muốn mua nhưng ông chủ lại ngỏ ý muốn đổi lấy các số của một tờ khác. Vụ ấy đã không thành chỉ vì một tai nạn, tai nạn thuộc loại không thể vãn hồi tuy hết sức đơn giản: cái quần tôi nhét vào túi tờ giấy viết danh sách các số tờ tạp chí cần phải kiếm để mang đổi Đại học, đã sơ ý bay vào máy giặt. Sau đó, tôi thấy đúng là đổi khó thật, tôi bèn nhờ người quen đến mua quách luôn - đó là lô Đại học đầu tiên của tôi, được cỡ một nửa trong toàn bộ - hiện nay nó lên được đến mức như đã thấy ởkia. Một hiệu sách khác, chắc hẳn rất nhiều người biết, ở Cầu Giấy, tôi ghé đúng một lần, và mua đúng một quyển (một bộ thì đúng hơn), chính vì thế tôi còn nhớ được toàn bộ lịch sử: đó là Những linh hồn chết, bản dịch Hoàng Thiếu Sơn. Mấy hiệu cũng lừng danh ở Nguyễn Trãi gần như tôi không biết, đường Láng cũng gần như không - tuy nhiên, chắc chắn rất ít người biết, quãng 1988-1989 ở góc ngã ba (hồi đó còn là ngã ba chứ chưa ngã tư như bây giờ - phố Láng Hạ tức Háng Lạ từng là phố cụt, rất lâu) Láng Hạ và Láng có một hiệu sách cũ thiên về hàng đồng nát nhiều hơn. Mấy ngõ nhỏ trên phố Thái Thịnh thì thẳng thắn là hàng đồng nát, có lần đi qua tôi bỗng rảnh rỗi ngồi lục một lúc, trong số kiếm được có một quyển Hoàng Cầm có chữ ký Hoàng Cầm: 500 đồng. Sài Gòn giữa thập niên 90 tôi cũng kiếm được một số thứ trên đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Lê Văn Sỹ - Trần Nhân Tôn thì mãi gần đây tôi mới biết; hôm đó, người chủ một hiệu trên Trần Nhân Tôn trang trọng lấy cho tôi xem Thầy Lazarô Phiền, được tận mắt xem một lúc, sau đó người chủ gói kín nó lại cất về chỗ (giấu thì đúng hơn).

Ông Dư ngày đó trẻ hơn bây giờ nhiều (tất nhiên, tôi vừa nói một điều rất thừa). Những năm ấy mà tìm được một bộ ria như bộ ria của ông Dư thì không hề đơn giản. Tôi hiếm thấy có người Hà Nội nào tốt bụng như ông Dư dữ tướng.

Tìm được một người đàn ông Hà Nội tốt cũng khó như tìm được một phụ nữ Hà Nội không đẹp (*nói thầm* sự thật không hẳn như vậy đâu, nhưng tốt nhất là cứ nói thế: Cioran bảo, người Pháp ai cũng bủn xỉn cho nên không thể không sâu sắc, tương tự phụ nữ Hà Nội đanh đá ghê gớm như thế thì không thể không đẹp được) - tôi từng miêu tả hết sức trọng điểm đàn ông Hà Nội ởkia, cái đó dẫn tôi đến với vô vàn mối nguy, nhưng không cần phải lo cho tôi lắm đâu.

Một cao bồi già nói với tôi: "Đm [tìm được một đàn ông Hà Nội không nói bậy cũng khó như -- tự điền vào chỗ trống nhé; nhất là đm và ml - tức là "mỹ linh"] nghĩ mình cũng tệ, mình đi đến chỗ nào bọn ở đấy cũng tiếp đón nhiệt tình trọng thể, đưa đi chơi khắp nơi, ấy thế mà khi nào bọn nó đến Hà Nội gọi điện cho mình là mình lảng ngay, hoặc không nghe hoặc có nghe thì bảo đang phải về quê bốc mộ ông cụ tiếc quá không gặp được lần này". Tôi lén nhìn cao bồi, thiếu điều thì tôi đã nức nở mà thú nhận, tôi cũng thế. Có những lúc tôi đi đâu đó, chủ nhà vợ chồng nhường cả giường cho tôi ngủ đêm, lại còn đưa đi ăn uống, lần nọ gặp đúng món gì của địa phương ngon quá, hết đĩa rồi tôi lại gọi thêm một đĩa ăn một mình, rồi vẫn thấy ngon quá, gọi thêm đĩa nữa, vẫn ăn một mình - trước ánh mắt không ngừng âu yếm của những người tiếp đãi, thế mà khi người ta ra Hà Nội thì tôi cũng cư xử giống hệt cao bồi kia, thậm chí mấy hôm áng chừng đối tượng đang ở đó còn không dám đi đâu vì sợ bị nhìn thấy. Ở Hà Nội khái niệm "lois de l'hospitalité" ấy mà, nó gần như là vô nghĩa (tôi chợt nghĩ đến cụm từ này, vì nó là nhan đề một cuốn sách của Pierre Klossowski).

Một sáng nọ, trong cơn lờ đờ thường quá trưa mới bắt đầu tan (đấy là trong những trường hợp tốt đẹp hơn cả, rất nhiều khi nó còn chẳng bao giờ chịu tan, như sương mù Hồ Tây vào một số ngày: nếu không có sương mù Hồ Tây, dẫu chỉ vài ngày trong năm, Hà Nội sẽ tuyệt đối là một nơi không đáng sống - sương mù làm người ta khó mà nhìn thấy nhau nữa), tôi ngu xuẩn nghe một cú điện thoại gọi đến; lẽ ra phải lờ đi chứ, phải lờ đi chứ. Đầu bên kia nói có một nhân vật ở bển đang ở Hà Nội, muốn gặp tôi. Tôi mau mắn nói đang ở hơi xa, sợ tới nơi thì còn lâu lắm; vừa dứt lời tôi đã muốn vừa đập đầu vào tường vừa kêu khổ (inh ỏi) trong bụng, tại sao mình không nói phứt là đang ở Thanh Hóa (tại sao Thanh Hóa? no idea), đi công tác hay thậm chí chỉ là đi tắm biển (dẫu đang là giữa mùa đông thì cũng kệ) vì bên kia đáp ngay, yên tâm bọn anh còn ngồi đây (Bờ Hồ, cái gì đó tương tự - tức là cách chỗ tôi đang ở vài trăm mét) cả ngày, lúc nào đến cũng được. Đã vậy thì rõ là không trốn được rồi. Tắm (kỹ hơn bình thường hai mươi lần), chỉ mong có bom nổ đâu đó trong thành phố để không thể đi lại gì được nữa, rốt cuộc gần trưa tôi vẫn phải đến điểm hẹn. Quả nhiên, ở đó phải chạm trán vài nhân vật mà nếu cứ để yên thì năng lực Lăng Ba Vi Bộ của tôi đủ giúp tôi khỏi phải nhìn thấy suốt nhiều năm dài. Và cũng quả nhiên, ngay sau đó đã có người thông báo, ảnh đã lên facebook (tất nhiên cùng nhân vật ở bển cùng mấy nội địa rất ớn). Không những thế, tin đồn gì đó về tôi ngay sau đó bay tận sang bển, loại tin đồn mà chính tôi khi lỡ nghe phải cũng thấy ngơ ngác, cứ nghĩ là chuyện của sad cowboy nào, một triste sire nào. Ở Hà Nội có vài nhân vật như ông tơ bà nguyệt, như mối lái băng nhân ("gần miền có một mụ nào"), nhà ngoại giao hụt, cán bộ Mặt trận tổ quốc (tiếng lóng, ý nói ai ai cũng quen), ngày ngày kết cái này nối cái kia, xó nào cũng thấy mặt, chuyện gì cũng nói, cứ chuyện ở chỗ này vác sang chỗ khác mà phệt. Trong Sài Gòn cũng có một nhân vật tương tự: Nguyễn Quốc Thái, trung gian của không biết bao nhiêu phi vụ loạn xạ cả trong lẫn ngoài nước. Những kỳ tài của tai họa.

Hết cả gập ghềnh và không còn hồ nghi gì nữa. Đâm vuông góc vào phố Bà Triệu là phố Trần Quốc Toản (tên như vậy thôi, nhưng ở đó không bán cam cho người ta bóp; tuy nhiên cũng có nhiều thứ khác để bóp, nếu muốn, và nếu trả tiền; từng một thời, đối diện báo Văn nghệ có cả một dãy - chị em rất nhiệt tình tuyên dương một họa sĩ đầu trọc làm bên đối diện hay sang, bo mỗi lần tận những ba, bốn trăm; vậy là rất phá giá), chạy suốt từ Yết Kiêu đến Phố Huế. Những ai thích tìm Đoàn Nhữ Hài từng hay xuất hiện trong sách Tô Hoài thì cứ tìm quanh đó; nhưng Trần Quốc Toản còn nhiều ngõ hay hơn, nhiều thứ hay hơn. Một quán ăn (giờ vẫn còn) nơi ai cũng gần như chắc chắn sẽ gặp người quen. Lần đầu tiên tôi đến đó đã có một cuộc gặp tình cờ, một nụ cười rất tươi chuyển dần từ thuần túy xã giao sang một chiều hướng khác và một phương vị khác; buổi xế trưa hôm ấy còn tiếp tục một đoạn sau, trên vỉa hè phố Ngô Quyền đoạn nhìn chéo sang đầu Đinh Lễ; ấy là một lần hiếm hoi tôi ngầm thấy biết ơn một nouveau riche: vì bận rộn business phải chạy đi gấp nên đã để lại cho tôi cả một trận địa, cũng như cả một khởi đầu. Quán Trâm Bầu xưa kia hình như cũng nằm trên phố Trần Quốc Toản nhỉ, bên hông Cung. Xa xôi hơn về thời gian, tại một ngôi nhà quanh góc đó, tôi được nghe kể về vụ giết người kinh thiên động địa Hà Nội dạo ấy, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng bị đập ghế vào đầu - người phụ nữ kể cho tôi, từng quen nhiếp ảnh gia, nghe kể lại từ ai đó nhận là mình chứng kiến tận mắt, rành rọt từng tình tiết, diễn biến và bước ngoặt. Chừng như câu chuyện kinh hãi quá, người phụ nữ kéo chăn lên quá cằm, thành ra bên phía tôi bị lạnh gió lùa: khi người này kéo chăn thì người kia mất nhiệt, rất có thể đó chính là suy nghĩ sâu sắc nhất mà tôi từng có trong suốt một khoảng thời gian không ngắn.

À quên, chủ đề là hiệu sách 180 Bà Triệu: tôi rất thích chứng kiến những dịp ông Dư nói chuyện với khách (tất nhiên không phải tôi). Ngay từ cách đây cả một phần tư thế kỷ, xem các cảnh ấy tôi đã biết ông Dư không thể được lòng nhiều người. Nhưng tôi nghĩ, ngay từ ngày đó, là cần phải thế. Nếu một người không biết mình tìm gì thì có thể tìm hiểu trước, hoặc đến những chỗ nào rộng hơn, có thể xem mọi mặt hàng một cách thoải mái. Nhưng ở hiệu sách 180, chỉ cần nói đúng tên quyển sách là sẽ có mọi thông tin cần thiết và có thể thấy nó ngay vì ông Dư biết đích xác phải lấy nó từ đâu. Phố Đinh Lễ đã sụp đổ vì những người bán sách ở đó không còn làm đúng công việc của mình nữa. Họ thích bán cà phê, tổ chức tô tượng hơn thì tất nhiên không thể là người bán sách được; nhất là, họ rất thích biến cửa hàng của mình trở thành điểm tụ hội, thì lại càng xa lạ với bán sách. Ta có thể thấy, những năm gần đây, các nouveau riche mấy thế hệ nối tiếp ngồi ký tặng sách ở Đinh Lễ: kể tên ngắn gọn, Nguyên Ngọc, Phan Cẩm Thượng, Đặng Hoàng Giang. Những chỗ bị ám mấy thứ tinh thần như vậy, thì không còn nói được gì đến sách vở nữa. Không làm đúng công việc của mình thì tức khắc biến thành mấy cái ổ buôn chuyện quàng quạc không ngớt.

Như trên đã nói, sau một thời gian thì bức tường dựa đầy sách (lên đến tận trần) của bên trái, tôi tiêu diệt gọn (đây chính là cơ sở để sau này tôi nhận ra, Aitmatov hay Pautovski sản xuất ra thứ văn chương phùng phình, thảm hại và kém cỏi đến mức nào). Tôi bắt đầu hướng ánh mắt ra khỏi cái chỗ xét cho cùng cũng hơi quá chật chội. Vả lại, như vậy thì mới đúng: ai biết tiểu sử của ông Dư thì biết, tuy thuộc lòng (tên) không biết bao nhiêu cuốn sách nhưng văn chương không phải sở trường của ông. Bắt đầu quan tâm đến một lĩnh vực khác, tôi bắt đầu tiến vào gần địa hạt chuyên môn (sâu) của người chủ hiệu sách. Tôi bắt đầu quan tâm đến một thứ: các ngôi sao, tức là thiên văn học.

Như ở trên cũng đã nói, đm (Đức Minh) và ml (Mỹ Linh) phổ biến bạt ngàn. Ngày nay, ngồi ở quán cà phê, người ta có thể (nghe) thấy hết sức rõ nét một thay đổi nào đó: Đm và ml rôm rả hùng tráng ở những bàn nào có nhiều trung niên còn những bàn lanh lảnh các giọng mới dậy thì hoặc chưa hẳn dậy thì xong thì lại rất nhiều vl (Vĩnh Lạc, hoặc cũng có thể là Vô Lý). Cuộc sống ở Hà Nội, có thể không nhiều nhà thơ nhưng chắc chắn rất nhiều con người chính là một bài thơ. Chúng ta có ví dụ ngay: dưới phần comment có hai bức ảnh tuyệt vời của Lu, rất có thể đó không phải một nhà thơ nhưng chắc chắn Lu là một bài thơ (hình như hơi nhiều tua tủa - nếu vậy thì đây chính là một bài thơ tu, hay "tu thi"; không biết dạo này bài thơ đã chuyển khu vực hoạt động khỏi vùng Hồ Đắc Di-Lương Định Của chưa, nhưng Nam Đồng thì gớm mặt lắm).

(tất nhiên [chắc] không ít người đã nhận ra - muốn nhận ra thì rất dễ, chỉ cần là một độc giả - là tôi đã thuổng cặp nhà thơ-bài thơ từ Chesterton, tức là cái điều, một ai đó có thể không phải là nhà thơ nhưng chắc chắn là một bài thơ)

Ở Hà Nội, một người làm đúng công việc của mình - điều này rất hài hước - thường sẽ không được ưa, thậm chí bị căm ghét (xem ngay dưới comment đã thấy ý đồ nói xấu Mister Dư). Nhưng cứ bẻo lẻo mồm miệng (trường phái bán sách Đinh Lễ, hai mươi năm vừa qua) thì lại rất được lòng thiên hạ - chắc hẳn là, không phụ một tấm lòng nào trong thiên hạ. Nhưng dại dột mà đi nghe dân Hà Nội (giai lẫn gái) thuốc thì đúng là đúng là (gì nhỉ, nhắc hộ cái), à đúng rồi, quá bằng đổ thóc giống ra mà ăn. Trên bất kỳ trăm mét vuông nào của cuộc sống Hà Nội cũng đều có ít nhất một (thường thì nhiều) nhân vật nói hay đến mức làm được những con gì ở trong hang cũng phải chui ra (mà nghe, mà hóng); vậy nên mới có câu "ăn như rồng cuốn nói như rồng leo làm như mèo mửa". Vô vàn trơn tru, trụi hết mọi gập ghềnh.

Phố Bà Triệu, người ta đi nó để từ một cái hồ (có những ngày nước xanh như rau muống luộc nhừ - Nguyễn Tuân) để đến một cái hồ khác, chỉ cần tới ngã tư với Nguyễn Du thì rẽ: hồ Thiền Quang, hay hồ Halais. Đoạn trước khi vào phố Bà Triệu, đâm từ Hàng Trống Jules Ferry vào, nhìn sang Hồ từng có một chốn lừng lẫy ăn chơi, Phú Gia (Nguyễn Tuân hay đến đó; cho tới cách đây khoảng hai mươi năm một trong những tột đỉnh đối với những người ở xa đến vẫn là thuê phòng khách sạn ở đây rồi bữa trưa bữa sáng ăn tại quán bên dưới); trước ngã tư với Nguyễn Du một đoạn, bên số lẻ, là bức tường của đại sứ quán Pháp (dẫu sao bức tường người Pháp, di tích của thời thuộc địa, ở Hà Nội, cũng vẫn đỡ bức bối hơn so với bức tường người Pháp Nam Kỳ Saigon, tức là đường Hai Bà Trưng, trụ sở lãnh sự quán), nếu tôi không nhầm thì đây là trụ sở cũ của hãng rượu Fontaine nhân vật từng thuộc hàng giàu nhất nước Pháp, cũng là người chủ trì và dự khánh thành Maison du Vietnam trong khu Cité Universitaire đại lộ Jourdan, Paris. Phố Bà Triệu chạy thẳng tắp như đường voi chạy ("ải Bắc quân thù etc./giáp vàng khăn trở etc."), những con voi không để bất kỳ cái gì ngáng đường ngăn chúng chạy. Vuông góc với nó là mấy phố hi-class Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng và nhất là Lý Thường Kiệt, mấy phố dài và lớn nối Hàng Cỏ lên cái phía mơ hồ từng có thời "Đồn Thủy". Nhưng phố Bà Triệu không chỉ nối hồ với hồ, ngoài các hiệu sách nằm trên nó, ngoài Thư viện Hà Nội ở chỗ ngã tư đối diện với cái nơi cứ 14 tháng Bảy là tiệc tùng (sau quãng tuổi nhỏ hay tới phòng đọc trẻ con ở đó - mà thầm hy vọng về sau sẽ được giống các anh chị lớn đi vào tòa nhà chính to để đọc sách người lớn, hồi mới vào đại học tôi từng có một lần duy nhất vào đó [tất nhiên ở phòng đọc của người lớn], dĩ nhiên cái lần đó, có một cô gái rủ tôi đi cùng; chẳng có chút hay ho nào, những gì chúng ta tưởng lúc còn bé, phần lớn chỉ là ảo và huyễn mà thôi), ở đầu phố mà rẽ ngay vào phố Tràng Thi thì sớm đến được Thư viện Quốc gia. Tôi bắt đầu đến đó từ năm mười bảy tuổi. Khi ấy, thư viện chắc vẫn còn giống hồi nhân vật trong Ung thư của Thanh Tâm Tuyền từng hay lai vãng, thập chí giống cái lúc nhân vật trong Quê hương của Nguyễn Tuân hay ghé. Nhiều bàn to đặt trong phòng lớn, nói chung nếu khôn ngoan thì nên đến sớm mà xí chỗ. Một lần, cô gái ngồi cùng bàn, rất gần và thơm ngào ngạt, nói giọng miền Nam cười với tôi và mời tôi kẹo. Về sau theo tin đồn nơi quán nước anh Hợi, tôi biết đó là con gái của một nhân vật sẽ trở thành một trong tứ trụ; hồi ấy, cô gái béo tốt nổi tiếng góc Tràng Thi vì mấy chiếc xe Spacy.

Những phố chạy ngang ấy (như Bà Triệu) cùng các phố chạy dọc: chúng làm nên khu phố Tây, mà ranh giới phân chia với khu phổ cổ chính là cái hồ trung tâm, Lục Thủy etc. và chúng cũng tạo nên vô cùng nhiều ngóc ngách, dẫu vẻ ngoài trông có thẳng thớm đến đâu. Không nhiều người biết phố Nguyễn Chế Nghĩa; gần đây nó mới trở nên đông đúc chứ hồi tôi còn hay đến đó thì gần như không bóng người. Cô bạn cùng trường nhưng không cùng lớp sống ở đó, trong một ngôi nhà rộng mênh mông. Tôi không còn nhớ ngoài cửa có cảnh vệ không, nhưng nhà một cô bạn khác (cùng lớp, celle-là) thì có cảnh vệ thật. Chúng tôi đến đó chơi, đang hò hét thì ông bố đi làm về, xách cặp nguyên tử lừ lừ bước vào. Nhưng không nói gì trước sự bát nháo, và biến mất ngay (điều này không khó, vì đó là một ngôi nhà vô cùng rộng). Đây không phải ai xa lạ, chính là người đã khiến tôi có tiền học bổng vào kỳ đầu tiên, như trên đã kể, dẫn đến chỗ mua được rất nhiều sách một lúc ở cửa hàng ông Dư. Năm ấy tất nhiên tôi không ngờ khu Vạn Bảo-Vạn Phúc (dãy parking Ngọc Khánh giờ đã hoàn toàn biến mất) rồi sẽ trở thành khung cảnh cho một mối tình khét tiếng (khét tiếng vì kín tiếng, thậm chí vô thanh) của tôi, về sau. À mà không phải chỉ một - nhưng thôi, j'en passe.

Không dễ định hướng trong khu vực phố nhỏ từ Bà Triệu hắt lên Lò Đúc: Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, những song song khoảng giữa Phố Huế và Bà Triệu, rồi Phù Đổng Thiên Vương, Thi Sách, Lê Ngọc Hân. Một lần tôi đứng ngẩn ra trước một số nhà Bùi Thị Xuân, vì thấy ngay đó không phải là nơi tôi được hẹn. Ngày đó, các nhầm lẫn tương tự không dễ giải quyết, phải đi tìm chỗ có điện thoại rồi lấy sổ ra tra số, hì hục gọi. Thì ra tôi nhầm Lê Ngọc Hân sang Bùi Thị Xuân: nhưng đúng là rất dễ nhầm - và lại, không thể khác, liên quan đến voi. Tôi cũng thấy hài hước, vì hậu duệ của Phan Khắc Khoan lại sống tại một nơi không xa phố Phùng Khắc Khoan. Hiệu cho thuê sách số 2 Thi Sách, nếu kể về nó, chắc chắn tôi sẽ thu hút được một lượng quan tâm đáng kể. Nhưng quang cảnh mà tôi rất nhớ là một buổi trưa hè nắng như boxing sắp k-o bơ vơ ngồi trên một bậc tam cấp phố Tăng Bạt Hổ, năm tôi chưa tròn mười tuổi: từ bể bơi ra, tôi không được đón như đã hẹn từ trước, phải ngồi đó mấy tiếng đồng hồ trong hoang mang. Trước đó, đã có một sự chờ đợi khác: buổi tối muộn (chắc mùa đông), ở trường mẫu giáo, không ai đến đón tôi, tôi phải vào phòng bảo vệ thẫn thờ ngồi nhìn ra cổng ngóng. Đó là trường mẫu giáo 8/3 - gần như tôi không có kỷ niệm gì về nhà trẻ và mẫu giáo, vì thời gian tôi ở đó rất ngắn. Chỉ là một sự lướt qua; rất nhiều người ở Hà Nội có bạn từ mẫu giáo, nhưng tôi thì không. Nhưng tôi vinh dự được cô giáo lớp một mời đến dự đám cưới của cô (rất tiếc tôi không nhớ mặt cả cô dâu lẫn chú rể); một đám cưới khác tôi dự hồi nhỏ, trên đường về nhà thì ngồi sau xe đạp tôi ngủ gật và làm rơi mất một cái dép dưới chân lúc nào không hay. Tôi vẫn mơ hồ cảm thấy hiện trường vụ việc là một ngã ba hoang vắng rợn người, buổi tối chẳng ai muốn phải đi qua.

Trong Hà Nội cũ, Sở Bảo Doãn Kế Thiện kể, Mã Mây từng là vùng hoang vu nhiều bãi cỏ sát mép nước, nơi quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc luyện ngựa. Cuốn sách của Doãn Kế Thiện cũng gây hãi hùng không ít ở đoạn về khu quanh Hàng Da-Ngõ Trạm kéo xuống Phùng Hưng (cái lần ngồi sau xe máy để đến cái chỗ ở Phùng Hưng mà không người Hà Nội nào không biết, cho đám tang người đêm hôm trước tôi ở trong phòng ngủ để thắp hương, vì người chở tôi đi theo một con đường tôi chưa hề biết, tôi nhận ra hóa ra có thể đi như thế, từ Cao Bá Quát vòng sang Trần Phú); một lần, sau khi *** tại một nơi trên phố Nguyễn Quang Bích thì tôi chột dạ hối hận quá chừng: không bao giờ được làm gì vì thấy tiện. Một quãng tôi ở Hà Nội lâu, cứ lần nào một cô gái từ xa đến đây là buổi sáng tôi sẽ đến phòng khách sạn của cô ấy - cô ấy muốn người đầu tiên mình nhìn thấy vào buổi sáng đầu tiên ở Hà Nội là tôi; tôi nói rất rõ nhìn thấy, nhưng tất nhiên muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Sáng sớm đến khách sạn rồi đòi lên phòng một cô gái, tất nhiên có lúc sẽ không dễ dàng. Lần cô gái ấy ở khách sạn Hà Nội (nhà 11 tầng nổi tiếng, cũng là nơi cứu rỗi những cái bụng đói về đêm gào réo đòi đồ ăn ngon và ấm) nhân viên tiếp tân định gây khó dễ. Tôi đứng đó nhìn người ấy một lúc thì lại ok: tốt nhất là nên như vậy, vì cô gái sẵn sàng đi xuống nhận tôi là "my fiancé", thậm chí "my husband" - ta không thể biết trước được hành tung cũng như hành xử của một số phụ nữ. Sau một thời gian thì cô gái không đến Hà Nội nữa, rất có thể đã chuyển sang một thành phố khác; tôi rất mong ở đó cô gái tìm được một người đến gõ cửa phòng khách sạn của cô ấy vào những buổi sáng đầu tiên. Một lần, cô gái ở khách sạn Daewoo, phòng suite có nhiều cửa sổ, trong đó có một cửa sổ nhìn xuống được đúng cái nơi tôi từng rất quen hồi còn nhỏ. Tôi cứ ngồi đó nhìn, đến nỗi cô gái phải tò mò xuống khỏi giường, khoác áo ra đứng cạnh tôi. Ở Daewoo có quán ăn Nhật Bản (Edo phải không nhỉ), nơi tôi có một cuộc gặp (một gặp lại) đầy choáng váng: đó là một trong những Shimamoto-san.

Những quán ăn Nhật ở Hà Nội: chẳng hạn trên phố Triệu Việt Vương: đỗ được xe trước cửa vào đầu giờ tối không hề đơn giản. Nhưng tất nhiên, phố Bà Triệu có một quán rất nổi tiếng, Asahi. Năm ấy, Jimmy gì đó vẫn còn ra ngoài biểu diễn làm cá cho thực khách xem. (ôi những đời nhiều lan nhiều huệ; ôi dĩ vãng chồn chân trong các quãng hẹp)

Nhưng cũng trên phố Bà Triệu, và cũng về phía cuối, từng tồn tại một quán Nhật Bản có đời dường như chớp nhoáng phù du: quán Chuồn Chuồn Đỏ (nếu tôi nhớ không nhầm), ở đoạn gần cái chùa, tức là đối diện bên kia đường với cái nhà to tướng kinh người. Một buổi trưa, tôi có cuộc hẹn ở đó. Không ngờ tôi lại là người đến sau, người phụ nữ đã đợi sẵn, ngồi đó ở ngay quầy, một đĩa edamame trước mặt để "amuse-bouche" trong lúc chờ tôi - điều này thì dễ hiểu, vì ginkgo còn chưa trở thành mốt như về sau này. Tóc ngắn và áo trắng - tôi đã suýt bước lui quay đi, coi như mình lỡ hẹn; chưa bao giờ tôi thấy một phụ nữ đẹp như thế, bàn tay bóc (nghịch thì đúng hơn) những hạt edamame ("bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời", "bàn tay nắng lóa ôi bàn tay"); tất nhiên tôi nhìn luôn xuống chân. Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ. Vì đã nghĩ vậy (tức là nghĩ trong đời, chưa bao giờ tôi gặp một phụ nữ nào đẹp như thế) nên tất nhiên tôi nói điều đó với người phụ nữ; nhưng tất nhiên tôi không nói ngay - vả lại, đó là một phụ nữ Hà Nội, nên có thể nói được một số điều.

Quanh đó, không xa, trên phố Tuệ Tĩnh, tôi không biết chính xác số nhà nào, tôi được nghe kể về một ngôi nhà chỉ cần đi qua vào buổi tối nhìn dép để bên ngoài là biết đang có những ai bên trong. Đối với tôi, đây là một trong những câu chuyện hay nhất và cũng nhiều tính cách - tính cách gì nhỉ, à đúng rồi - khuyến thiện hơn cả về đám chữ nghĩa bề bề. Cũng không xa là phố Đoàn Trần Nghiệp. Đám cưới dẫn đến vụ rơi dép được tổ chức trên phố Đoàn Trần Nghiệp ấy - giờ đây đã trở nên thật tội nghiệp, đánh mất đi bao nhiêu vẻ hoang vắng đặc biệt, sự kiêu kỳ của những cây lớn và vỉa hè khấp khểnh, cùng các ngôi nhà như thể nằm dưới đáy biển được bọc xung quanh rất nhiều rong rêu cùng bọt nước nghìn năm. Đám cưới diễn ra tại một trong những ngôi nhà đó. Nó rộng đến nỗi một phần tầng bên dưới được dùng làm nhà trẻ.

Ở Sài Gòn có đường Ký Con chứ không Đoàn Trần Nghiệp, cũng như có Tản Đà thay vì Nguyễn Khắc Hiếu và Tú Xương thay vì Trần Tế Xương. Nguyễn Khắc Hiếu và Trần Tế Xương của Hà Nội sát nhau, đều nằm trên một bán đảo - tôi từng chứng kiến có người thực sự bị lạc đúng như trong một mê cung, nơi cái vùng địa dư quái đản đó. Một cô bạn cùng lớp khác của tôi sống ở phố Nguyễn Khắc Hiếu, đó cũng là nơi tôi đến học vài buổi - thuở đó đã bắt đầu manh nha các lớp học tư chỉ vài học sinh. Ở Hà Nội không có nhiều phố mang tên địa danh khác: phố Tây Sơn, phố Vĩnh Phúc (à, nhưng có phố Huế, và cả Vạn Phúc chắc cũng nên coi là thuộc phạm trù này - té ra đâu có ít); phố Vĩnh Phúc: từ Hoàng Hoa Thám đi vào, tất nhiêu sau nhiều vòng vèo, thì sẽ đến một quán cà phê - thêm một nơi mà nhà thơ Lu rất không xa lạ. Hôm đó, ở kỳ đã suy tàn của cái quán rất rộng ấy, tôi đến cùng một cô gái rất trẻ, mặc váy và rất nhiều đăng ten. Chỉ cần liếc nhìn là tôi biết nên ngồi vào một chỗ có thể gọi là mezzanine nhưng không hẳn, vì lối vào từ bên trên chứ không có cầu thang dẫn lên - tức là giống lô ở nhà hát hơn (tuy không phải để xem biểu diễn gì mà rất có cơ may trở thành đối tượng được xem). Tất nhiên tôi rất biết nơi này từ trước khi nó biến thành quán cà phê. Tại gian chính bên cạnh cái trông như là mezzanine kia, rộng hơn nhiều, tất cả chúng tôi từng lăn ra cười khi một nhân vật xuất hiện, đai lưng đeo toòng teng đống bình sữa; đó là một trong những (nhiều lắm) nhân vật chóe của Hà Nội. Quay trở lại với váy và đăng ten. Đã là kỳ suy tàn, nên quán vô cùng vắng, thế cho nên. Cô gái rất thơm (*thì thào* nhầm lẫn kinh điển: phụ nữ nghĩ xức nước hoa thì thơm, cái đó dĩ nhiên đúng, nhưng họ lại còn nghĩ, nếu nhiều nước hoa thì sẽ rất thơm) và tôi hôn cô gái, nói cho đúng thì cũng hơn hôn một ít (cũng có thể nhiều - vì quán vắng) - mắt thỉnh thoảng đảo về phía một nhân vật tóc xù xa xa đang cắm cúi làm gì đó; tóc xù chừng như mê mải công việc lắm - có thể là bổ củi, hoặc tháo quạt máy ra lau - nên không hề ngẩng lên. Quá tốt, trong bụng tôi thầm cảm ơn lia lịa. Dẫu sao thì tôi cũng đã biết đó là lần cuối cùng tôi gặp cô gái ấy, dẫu mới chỉ là lần gặp thứ hai. Tôi không nghĩ là có lý do nào cả, nhưng chắc chính vì quá thơm.

Trở lại với bán đảo. (tôi cũng đang phải nghĩ, làm thế nào mà từ bán đảo vòng trở lại được phố Bà Triệu đây)

(có những lúc cũng cần sử dụng black magic, ở một liều lượng nhất định: chẳng hạn như khi ở vào hoàn cảnh như vừa tả phía trên, tức là đang lơ lửng tại một cái gì đó giống như mezzanine và rất ngại nhân vật tóc xù phía bên dưới ngẩng đầu lên bắt chợt cái gì đó, tốt nhất là nhủ thầm trong lòng, rằng tóc xù kia cứ cắm mặt xuống, tiếp tục bổ củi hay lau quạt đi, đừng có dại mà ngẩng đầu lên, không là dễ dính một bãi nước bọt từ trên cao phóng xuống đấy - tóc bình thường mà bị thế đã kinh, tóc xù thì còn khiếp đến mức nào: cf. Boris Vian, J'irai cracher sur vos tombes)

Đoàn Trần Nghiệp, không hiểu sao, được đặt tên cho một phố ở cách rất xa những người đồng chí, tận chỗ Mai Hắc Đế Bùi Thị Xuân và tất nhiên đâm vào Bà Triệu (một thời, cứ nhắc tên hai phố ấy, HắcBùi, là nhất định sẽ nhận về những nụ cười tủm tỉm đầy đồng lõa, như xửa xừa xưa, Khâm Thiên Ngã Tư Sở) - trong khi phải ở quanh bán đảo đã nói mới có nhiều phố thuộc về đó: Phó Đức Chính người duy nhất không xin ân xá và khi bị chém đòi nằm ngửa, Nguyễn Khắc Nhu tức "xứ Nhu" người đã hội quân có sẵn của mình từ Bắc Ninh; cũng có thể tính luôn vào đó Phạm Hồng Thái (xem thêm ởkia), nhân vật mà chắc hẳn những người Việt Nam Quốc dân đảng 1927 sẵn sàng nhận làm tiền bối trực tiếp. Một cô bạn cùng lớp của tôi sống ở phố Phạm Hồng Thái; đây là người duy nhất chưa bao giờ quên chúc mừng sinh nhật tôi (kể cả năm nay). Mốt của học sinh Hà Nội hồi tôi học sắp hết cấp ba là ra hồ Tây chèo thuyền hoặc đạp vịt trên hồ Trúc Bạch (cứ hai người một - you know what I mean; chèo thuyền thì ngồi đối diện, đạp vịt thì ngồi cạnh nhau) - ngày ấy gần như không chỗ nào ra được sát mép nước, những "ven hồ" rồi "vệ hồ" mãi gần đây mới có. Một hôm, trên bán đảo Ngũ Xã (hội làng vẫn còn được tổ chức đều đặn và tưng bừng lắm đấy, đá gà rất ác liệt), tôi bỗng trở thành người chứng kiến cảnh một người thợ xây rơi từ trên tầng thượng một ngôi nhà đang sửa sang xuống đường. Sau cơn đờ ra vì hoảng hốt chợt tôi có một ý nghĩ rất insolite: chắc người thợ xây tên là Chính hoặc có biệt danh nào đó có chữ "Chính" vì đó là Lạc Chính: Bàng Thống đang đi qua một nơi rất hiểm trở thì bỗng chột dạ hỏi quân lính, chỗ này là đâu, lính đáp, "gò Lạc Phượng", Bàng Thống vừa hét, "Thôi chết ta rồi" thì quân phục kích nhô lên từ sau các tảng đá bắn tên như mưa, biến Phượng Sồ thành một con nhím (cf. Tam quốc diễn nghĩa, cụ thể chương thứ bao nhiêu tôi quên mất rồi). Một trong những trung tâm (địa lý, kinh tế, chính trị, thương mại và văn hóa) của khu vực này là chợ Châu Long - chợ duy nhất của Hà Nội vẫn còn giống một cái chợ, ngày nay; ngay bên hông chợ là chùa Châu Long. Một cô bạn cùng lớp của tôi sống trong chùa, tôi muốn nói là chính xác trong chùa, nhà ở đó. Tại Hà Nội không khó tìm được những người sống như vậy, có khi cả đời. Phố Hàng Bè có một cái chùa, một ca sĩ nổi tiếng ("một ngọn lửa hồng" etc. "há hà ha" etc.) sống ở đó, sân thượng có vô số lồng chim; một bạn học khác của tôi thì ở ngay trong lăng Hoàng Cao Khải. Tôi hay đến nhà nó chơi, vì nhà nó rất mát, âm u thì đúng hơn, cho tới cái hôm nó lấy album ảnh ra khoe, nhất là ảnh chụp ông nó nằm trên giường hấp hối, ảnh không chụp ngang mà lại chụp đứng lên, những cây cột còn lại của cái lăng vây xung quanh. Rợn cả tóc gáy, nên tôi né luôn; vả lại muốn vào nhà nó phải đi trên bờ mấy đầm nước trồng toàn rau muống buồn thảm. Cuối phố Nguyễn Trường Tộ về phía Hòe Nhai-Phan Huy Ích có một cái trường. Năm 1954, trong khoảng thời gian chờ quân Việt Minh về tiếp quản, bọn trẻ con vào trong sân trường chơi thấy rất lạ vì có tiếng gì cứ ù ù, tìm hiểu mãi thì phát hiện, đấy là ruồi nhặng, chúng kéo đến hằng hà sa số bu lấy những xác chết trong mấy căn phòng khóa chặt, phần lớn bị treo lủng lẳng; trước khi rút đi, lính Pháp giết các tù binh đang giữ - đó là một trong những câu chuyện hay nhất tôi được nghe kể trong khi đi lượm lặt những gì có thể tìm thấy về cuộc sống Hà Nội quãng 47-54, do chính một trong số đám trẻ con ngày ấy kể lại. Cũng trên phố Nguyễn Trường Tộ nhưng về đầu phố bên kia lại có một trường khác. Cách đây mấy năm bà bán xôi trước cổng trường (bên kia đường) đã hoàn toàn biến mất; dường như cô con gái đã không nối nghiệp được. Từ đó ra Nguyễn Biểu rất gần; một cô bạn cùng lớp của tôi sống ở ngay đầu Nguyễn Biểu.

Tất nhiên, cần phải nhớ đến phố Nguyễn Thái Học. Tôi rất biết nó hồi còn chưa phải là phố một chiều, nhất là đoạn đầu Hoàng Diệu (tức là đầu mút bên kia so với Nguyễn Biểu). Từ đó có cái ngõ đi ngoằn ngoèo thì sang được mấy hướng, đại khái Nguyễn Khuyến Sinh Từ và hông Văn Miếu: Thanh Miến, tức là bước vào địa phận của những "Thanh": câu thơ "Ở lại vườn Thanh có một mình" không muốn nói đến Thanh Hóa mà là Thanh Giám, tức là Văn Miếu Hà Nội (vì băng Trần Huyền Trân từng hoạt động tại khu vực ấy). Hiệu sách Bookworm từng có thời gian ngắn ở trên phố Nguyễn Thái Học, ngõ Yên Thế, trước khi chuyển đến Châu Long. Tôi còn nhớ rõ vì từng ghé qua đó không định trước: trên đường đến cuộc hẹn với một người phụ nữ (tôi đã thấy trước, đó sẽ là cuộc hẹn định mệnh) thì tôi bỗng nghĩ cần phải tặng một quyển sách cho người phụ nữ ấy. Đó là 2666.

Khi đã vào đại học, một hôm chuẩn bị đi về thì thấy một cô bạn đứng bơ vơ chừng như đợi người đến đón nhưng người đón chẳng thấy đâu, sẵn đang rảnh tôi đề nghị chở cô ấy về nhà. Học cùng lớp từ tận cấp ba nhưng hôm đó tôi mới biết, cô bạn ở ngay trên phố Bà Triệu. (đấy, cuối cùng đã lượn về được với phố Bà Triệu; nhưng vì nói đến hơi quá nhiều nhà bạn gái học cùng, nên tôi thấy cần có một cải chính: chưa bao giờ trong đời tôi có quan hệ tình cảm với bất kỳ bạn học cùng lớp nào - cùng trường thì khác, nhưng chuyện đó không liên quan - tôi thấy như thế thì đâu có khác loạn luân là mấy; thêm nữa, không bao giờ tôi đi họp lớp)

Người đàn bà áo trắng để lại kỷ niệm tím.

Đi trên một phố thẳng và dài như Bà Triệu giống như đang mở về hai phía bằng một phéc-mơ-tuya chạy suốt: fermeture Éclair - mà cũng đúng, phải ở cái địa phận "phố Tây" ấy thì mới có thể có món đồ nhập ngoại, ceinture fermeture bretelle. Những vùng khác của Hà Nội, nhất là bán đảo Ngũ Xã và quanh đó (bãi Phúc Xá, An Dương rồi xa hơn lên Quảng Bá) thì giống cái áo cởi theo nguyên tắc mở các cúc (chuyện cởi áo: xem ởkia). Những phố chạy thẳng không phải nguyên tắc của Hà Nội - giống Rome, các phố vòng vèo chẳng buồn câu nệ lệ tục của chân trời; Rome cũng giống Hà Nội, một lần kia tôi đang cuốc bộ trong một cơn lạc đường kéo dài, ngẩng đầu lên thì thấy người ta phơi đầy quần áo trên đầu. Hàng Chiếu Hàng Buồm cong veo như dấu hỏi: căng buồm đi về đâu đây, thưa ông? le cap sur. Mã Mây cộng thêm Hàng Chĩnh suốn mình như dấu ngã. Đi ngả nào mắt cũng rơi vào nước. "Còn đó chân trời lỡ [chỉnh lại một tí] vàng phai não nề", nhưng "Biết đâu ngày ấy anh về", nhưng nữa: "Don't you come back no more no more no more" - "Oh Beth what can I do?". Những bẽn lẽn vỡ lẽ bỗng chốc.

Không gì làm tôi thấy trống trải hơn so với khi chợ Âm Phủ bị xóa sổ. Nhưng chỗ của nó là ở đấy, cái chốn của "19 tháng Chạp". Mấy tháng đầu cuộc chiến tranh bùng nổ vào mùa đông năm 1946, vắt sang mùa xuân năm sau đó, không ở đâu mật độ người chết lớn như khu chợ Đồng Xuân và chỗ này. Đây từng là cái chợ được bố trí để người ta có thể đi từ bên này sang bên kia, hoặc từ Hai Bà Trưng sang Lý Thường Kiệt hoặc ngược lại, là đã mua xong đồ cho một bữa cơm, trưa hay chiều. Chợ là nơi để người sống và người chết gặp được nhau: trống trải như một khởi đầu không muốn trước, và chật như một nồi canh rau ngót nấu đoảng. Một người bạn tôi kể bà mẹ đuổi thẳng cổ người giúp việc sau hôm đầu tiên, vì xào thịt bò mà lại cho nước mắm, luộc rau muống thì đậy nắp vung. Dân phố cổ ăn trứng vịt lộn thì nhểu vài giọt giấm. Nhưng ngày nay, người ta đi ăn phở toàn gọi thêm quả trứng.

Một địa phận như thế mà lại biến thành chỗ bán sách. Ơ mơ à? Tôi chưa bao giờ đặt chân đến đó, thấy bảo nó trở thành nơi tụ tập của lắm người nhiều chữ.

Sau đoạn đầu, phố Bà Triệu có một quãng (suốt mấy ngã tư) hai bên chẵn lẻ không đồng đều mà lệch. Một cơ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam nằm bên số lẻ. Trông thế thôi, nhưng chỗ đó tôi mới chỉ có lần đi lên hết đoạn cầu thang ngoài cùng. Đoạn đầu của Bà Triệu (tính cho đến ngã tư Lý Thường Kiệt) dường cố gắng trở thành một trung tâm cà phê: nhưng có ai ở Hà Nội nghĩ đến chuyện đi uống cà phê trên phố Bà Triệu thật à? Cũng đoạn đầu này từng có quán phở 24 - yes that shit. VOV tôi chỉ biết trụ sở tại phố Quán Sứ, tất nhiên hồi nó còn chưa được sửa lại. Đó là địa phận tiếp giáp với khu bệnh viện - ngay đối diện bên kia đường là một nơi khủng khiếp (mà tôi còn chẳng dám gọi rõ tên). Hồi còn rất nhỏ, tôi có lần duy nhất trong đời bị đưa đi bệnh viện cấp cứu. Xe máy của chú hàng xóm chở tôi đằng sau chạy vào Quán Sứ rồi rẽ luôn Tràng Thi, bị cảnh sát giao thông chặn (vì đi ngược chiều) nhưng rồi lại cho đi ngay, chắc vì thấy thảm thương và cấp bách quá: cổng bệnh viện Việt Đức cách đó chỉ vài chục mét.

(chuyện bạn học cùng lớp và sự loạn luân: xét cho cùng, nếu như vậy không phải là loạn luân [tất nhiên là không phải, đừng lo] thì ít nhất thế thì cũng dễ quá; và sự họp lớp, bạn cũ: thế nào tầm 15-20 năm sau khi ra trường cũng sẽ là cao điểm của họp lớp, đúng không? đây là quãng lý tưởng, cho cả sự xa cách không gặp nhau, lại cũng chính là quãng thời gian vừa đủ cho một điều khác: cho sự chán chồng chê vợ, ở trong mỗi nội bộ tổ ấm, có phải không? trong một buổi họp lớp, thế nào chẳng có vài câu vu vơ dạng như "biết thế hồi ấy chúng mình thích nhau đi cho xong" - điều đáng kinh ngạc là chính những gì vô thưởng vô phạt và trông như là vô hại nhất lại rất hay dẫn đến hệ quả; trong các màn tán tỉnh trai gái, chẳng gì hiệu quả cho bằng những thứ rẻ tiền và sáo mòn hơn cả - chắc vì tình ái là một thứ có quá nhiều trông đợi sẵn; có những lứa học sinh Hà Nội tổ chức họp mặt trên diện rộng - ở mức độ toàn khóa, tất cả các trường - và các hoạt động diễn ra liên miên, thấy bảo nhiều vụ oánh ghen lắm; một cao điểm nữa của sự họp lớp cũ là cái kỳ khi các phụ nữ nạ dòng bắt đầu bước vào mùa xuân cuối; một trong những câu chuyện hay nhất mà tôi biết về các high-school sweetheart: hồi đó, ở trường tôi ai cũng biết một cặp, học cùng lớp suốt mấy năm, ngay từ đầu đã dính lấy nhau và dính chặt không rời, ai cũng quá quen với việc thấy anh thì tức là thấy chị, thậm chí quen quá đến mức dường như chưa từng có đứa nào nảy ra ý định xen vào giữa; ra trường được một thời gian, đang đi ngoài đường thì tôi nhìn thấy đương sự nam đang chở xe máy một nữ nhân - đó là nhân vật đối với tôi không thân tình gì nhưng cũng thuộc vào hạng mục lỡ thấy tình cờ thì cũng phải chào hỏi chiếu lệ, thế là tôi cũng chào, nói dăm ba câu chuyện xong thì nhớ ra cũng phải chào cô gái ngồi đằng sau, thế là tôi ngoảnh đầu định chào thì lúc ấy mới phát hiện, đó hoàn toàn không phải cô gái cũ; nhân vật ngồi đằng trước nhìn tôi, tôi nhìn lại, không nói được câu nào; hôm ấy thiếu điều vì sửng sốt quá tôi đã ngã lăn ra đường gây tai nạn giao thông thảm khốc ở đoạn một ngã tư trên phố Hàng Bài - đó là quãng trước sở hay vụ ngoại kiều)

Người Hà Nội rất buồn cười, vì hay ăn phở. Nhưng khó mà khác, vì từ bé đã quen cái thói ốm thì chắc chắn được ăn phở, thì mới được ăn phở. Không biết đã có bao nhiêu đứa trẻ con Hà Nội, nhất là thời đói kém, giả vờ ốm để được bưng một bát phở vào tận giường, buổi sáng, không nhịn được ngồi phắt ngay dậy ăn lấy ăn để, để lộ hết toàn bộ trò vòi vĩnh vớ vẩn. Phở và kem, kem thùng ("em mang trên vai thùng kem to tướng/năm hào một chiếc em bán đồng đôi/Hà Nội ơi kem của em ngon nhất/đồng xu đút túi mang về cho u mua rau") chở xe đạp có cái loa giống phễu gắn vào quả bóng cao su, bóp là kêu toáng. Nhưng tất nhiên kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ. Có ai ở mạn ấy biết rõ không nhỉ: trên phố Lê Quý Đôn, nghĩa là quãng Yersin Lê Thánh Tông sắp đâm ra đê từng có một hàng kem, mà người dân khu phố khẳng định ngon nhất Hà Nội, thậm chí ngon nhất thế giới; tôi từng ăn vài lần, nếu tôi nhớ không nhầm hiệu kem tên là Bang Kỳ Lân - có ai biết lịch sử của nó không? Về sau này, Zone 9 gì đó, tôi chưa từng đặt chân đến. Farewell party lớp cấp ba của tôi được tổ chức ở một chốn không thể truyền thống hơn: Bánh tôm Hồ Tây; tất nhiên vài đứa nhanh chân tót ngay ra bên cạnh mua kem ăn. Năm chúng tôi vào đại học, tôi phải dẫn hai bạn gái cùng lớp (một trong đó là cô sống ở phố Phạm Hồng Thái) vào một hàng kem ngày ấy rất hot: kem Fanny, chỗ nhìn ra Hồ Gươm, đoạn sắp bắt đầu phố Bà Triệu; ấy là vì tôi thua một món cá độ nên phải mời kem. Mấy năm về sau, kem NZ chua loét bắt đầu hoành hành. Sau một năm vài lần bất đắc dĩ phải ăn phở tại mấy quán trong quận 13, Paris (chịu không thấu, rau mùi tàu với cả húng lá to như rau mồng tơi), sang đến Đức, nơi một quán gì đó rất không hứa hẹn, Dresden, bỗng bát phở người ta mang ra để trước mặt tôi cất tiếng, nói lên toàn bộ một hương vị quá khứ. Tôi biết đầy người (trong đó không có tôi) suốt nhiều chục năm sáng nào cũng ăn phở, lần nào cũng húp đến giọt cuối cùng - chén rượu lễ, hãy uống cho hết cả cặn. Rợn cả tóc gáy.

Trông thế thôi, tôi từng là một thằng bé rất quặt quẹo, từng bị lôi đi đủ thứ phòng khám, thử rõ lắm loại therapy và năm nào cũng lên một cơn sốt cận kề biên giới của mê sảng: những cám dỗ của ốm. Nhìn chung là dặt dẹo, lại hay tự chuốc lấy tai họa. Đá bóng lòng đường một hôm tôi bị ngã, cú ngã thuộc loại gớm, lết được về nhà lục ra bao nhiêu bông tôi đắp hết lên, lau chùi các thứ. Lúc bị phát hiện thì tình trạng đã rất tệ, tôi bị đưa khẩn cấp đến bệnh viện để một bà rửa vết thương và gắp từng sợi bông ra (nhưng không gắp hết được), nước ô xi già kêu xèo xèo làm tôi suýt ngất xỉu mấy lần; mãi về sau này cái sẹo đầu gối vẫn hành hạ kinh khiếp, nhưng giống nhiều thứ mỹ linh khác, tôi kệ luôn. Đá bóng lòng đường vỉa hè, có một hôm tất cả bọn chúng tôi đứng như trời trồng lặng phắc nhìn quả bóng từ từ đi đến với số phận của nó dưới một trong khoảng hai chục cái bánh của chiếc xe container. Năm giờ sáng hôm ấy, người dân mấy phố đang ngủ giấc cuối tưởng có phát súng nổ, hoặc tưởng mình đang mơ thấy trận chiến Napoléon nào. Thẫn thờ hơn cả là tôi, vì đó là quả bóng của tôi, và hôm đó là hôm đầu tiên tôi mang nó ra khai trương, quả bóng đúng nghĩa đầu tiên trong đời tôi. Cả lũ xúm vào an ủi khuyên giải, một thằng nói ngay, chúng nó sẽ quyên góp tiền với nhau để mua một quả mới; lời nói của thằng ấy không làm dịu chút nào nỗi đau khổ của tôi, vì tôi đã biết thừa nó chỉ bốc phét. Nó là hàng xóm rất gần, bằng tuổi tôi nhưng học dưới tôi một lớp và ở trường khác, vì mẹ nó muốn nó học gần cơ quan cho tiện quản lý và đưa đón - rất khác với tôi, ngay từ đầu lúc nào cũng cuốc bộ tự đi học. Nó nói rất nhiều và nói rất hay; nhà nó chuyển đi khỏi sau đó vài năm, nhưng có một lần nó còn quay lại thăm tôi. Khi đã vào cấp ba, một hôm đạp xe ngang Văn Miếu thì tôi nhìn thấy nó ngồi ăn ốc luộc cùng mấy bạn gái; nó không nhìn thấy tôi; tôi không gọi, chỉ liếc nhìn tôi đã biết nó vẫn thế, vẫn tán hay như xưa; tóc nó ốp gôm bồng bềnh ác - Hà Nội đã bắt đầu bước vào thời của những quả tóc hai mái.

Đã dặt dẹo, suốt toàn bộ quãng thời gian đi học lúc nào tôi cũng bé nhất lớp. Tôi có rất ít kỷ niệm về trường mẫu giáo là vì tôi từ chối nó: đến một lúc tôi không còn chịu được bọn xung quanh, lũ thò lò mũi xanh không biết làm gì ngoài hét, đái dầm và ị đùn (đừng quá quan tâm - tôi đang lý tính hóa quá khứ đấy; chưa chắc mọi sự đã đúng như vậy đâu: dẫu sao thì những gì ở quá xa trong thời gian, người ta chỉ biết được rất mù mờ, nhưng tôi chắc chắn tôi có kỷ niệm đầu tiên trước tuổi lên ba nhiều). Tôi được dẫn đi học lớp một. Cô giáo ngại ngần (đoạn này tôi nghe kể lại) nhưng rồi cũng xiêu lòng nhận cho tôi học. Tôi còn nhớ buổi học đầu tiên, phụ huynh đứng lố nhố bên ngoài, giống như các cổ động viên đến sân vận động để ủng hộ và cổ vũ cho đội nhà. Tôi được nhận vào lớp nhưng với một điều kiện: vì thấy tôi bé quá, cô giáo chỉ cho học thử một tháng, nếu hết quãng thời gian đó mà tôi đuối quá không theo được thì trả về nhà. Kết quả là tôi đứng đầu lớp cái tháng đầy thử thách ấy. Từ đó mà có chuyện cô giáo mời tôi dự đám cưới (đã kể ở trên): tôi không nhớ mặt cô dâu chú rể nhưng còn nhớ để đến dự đám cưới ở nhà cô giáo thì phải từ trên đê (nào đó - Hà Nội nhiều đê lắm) đi vào một cái ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo một lúc thì tới nơi. Đây chính là vinh quang duy nhất (một tháng đầu tiên: kể cũng hơi ít, đức minh) trong đời đi học của tôi. Vả lại cũng chẳng vinh quang mấy - chẳng qua tôi đã biết đọc từ trước đó lâu rồi.

Trăm cái ngõ không làm nên một số nhà. Trăm voi không được bát nước sáo. Một trăm con gái đời nay ấy/Đừng nói ân tình với thủy chung. Ngõ Hội Vũ không chỉ từng là nơi cư ngụ của một nhân vật lừng danh, cô Tư Hồng, mà nó còn trình hiện ở dạng thu nhỏ tình trạng ngõ ở Hà Nội: có một ngã ba ngay trung tâm, từ đó tỏa đi ba hướng, như một chong chóng gió, đi ra được ba phố, Tràng Thi, Quán Sứ và Hàng Bông. Những trò rình đợi hay bị phá sản vì cứ tưởng đối tượng sẽ đi ra chỗ này thì hắn lại ung dung thò mặt ra từ nơi khác: những ngõ và những ngõ. Hồi tôi còn bé, mỗi lần sắp đi vào một ngõ nào đó là phải hết sức cẩn thận - rất có thể sẽ không yên lành mà ra khỏi đó; hoặc giả phải có thổ công dẫn đường. Những ngõ mang tên rất êm đềm lại có thể vô vàn cạm bẫy: Thịnh Quang, Thịnh Liệt, Thịnh Yên. Phố Hàng Bột (nghe "Tôn Đức Thắng" chẳng mấy ai quen, hơi tương tự, Nguyễn Lương Bằng nào? Xã Đàn chứ - đi qua một đoạn phố ấy tôi luôn luôn thấp thỏm, không biết cô bạn học cùng lớp có đang trông cửa hàng bán quạt máy giúp bố mẹ hay không) cứ Quan Thổ, Thổ Quan, rồi phía kia của ngõ Văn Chương. Còn rất nhỏ, tôi được đưa đến một ngõ trên phố Bạch Mai, tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất nhiều màu sắc khốc liệt của cuộc sống ngõ: ngõ Mai Hương hay ngõ Quỳnh, đừng dại mà để tên gọi yêu kiều của chúng đánh lừa.

Tên các phố. Kể cả những người sống tại Hà Nội từ lâu cũng dễ không biết nhiều phố. Phố Nguyễn Trung Trực chẳng hạn: khu Hồng Phúc-Hàng Đậu-Hàng Than. Phố Nguyễn Thiện Thuật: đoạn Bắc Qua, Thanh Hà - ngay từ khi các phố Hà Nội bắt đầu mang tên những nhân vật Việt Nam thì phố ấy đã tên như thế, nhưng ban đầu là "Tán Thuật". Một người bạn học của tôi sống ven hông chợ Đồng Xuân; tôi hay đến nhà nó chơi, ngồi ban công có thể nhìn thấy một cái chùa hay đình; trông nó rất vớ vẩn nhưng té ra lại là danh nhân khu phố, vì chính là người đầu tiên sau rất nhiều năm của mạn ấy thi đỗ đại học; tôi biết một nhân vật tương tự, ở phố Hàng Ngang; rồi lại một nhân vật nữa tương tự, phố Cầu Gỗ (Ôi đẹp nhất con đường/Cửa Đông về Cầu Gỗ). Hoặc, thêm một phố nữa: Nguyễn Như Đổ. Tất nhiên đây là đang nói những phố từ quãng hậu-1954 và của đoạn vài chục năm ngưng đọng tiếp theo đó, chứ cái lúc nghe có người nhắc đến phố Trần Kim Xuyến tôi đã ngơ ngẩn hỏi lại: Trần Kim Tuyến?

Trong đợt đặt tên phố tạo cấu hình (cơ bản) cho hiện tại, phố Bà Triệu là đối tượng của nhiều cân nhắc. Ấy là cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Quãng 1958, nếu muốn chính xác hơn. Người ta họp tại Ủy ban Thành phố. Xem tờ giấy mời họp ngày đó, điều làm cho tôi thấy đáng kinh ngạc hơn cả là chi tiết: các buổi họp bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng. Người ta từng dậy và bắt đầu một ngày vô cùng sớm. Người ta mời đại diện của một số nơi, như Bộ Nội vụ, ủy ban này viện kia, chỉ có hai nhân vật được mời đích danh, một là (Sở Bảo) Doãn Kế Thiện, hai là (Thúc Ngọc) Trần Văn Giáp.

Một phố nữa mang tên một người Việt Nam Quốc dân đảng mới đặt gần đây: Phạm Tuấn Tài. Nhân vật ấy văng hẳn ra xa, ở ngay gần phố Đặng Thùy Trâm.

Tôi đã nhắc đến bệnh viện Việt Đức, nhưng thật ra ngoài lần đi cấp cứu hồi bé tí tôi chỉ vào đó thêm một hai lần, và đều là từ cổng phố Phủ Doãn (dường như nhà "Lục sì" có tên như vậy đúng là xuất phát từ "look&see"). Giống nhiều người ở đây, bệnh viện quen thuộc nhất với tôi phải là Saint-Paul. Còn chùa? Cách đây trên dưới hai mươi năm tôi rất thích ngồi, nhiều buổi chiều dài, ở một quán cà phê nhìn thẳng được vào sân chùa Quán Thánh. Tên các chùa không hề cố định, với nhiều người là Quan Thánh, với nhiều người khác là Quán Thánh. Vũ Thạch và Vũ Thạnh (cho dù nhìn chữ Tàu viết ở cổng thì biết rành rành là "thạch"), Chấn Quốc và Trấn Quốc. Cũng tương tự việc thật dở hơi khi tưởng vào bệnh viện là để chữa trị, đến chùa mà nghĩ là để tìm sự bằng an cho tâm hồn thì quá là nhầm. Chùa hay nhà thờ, hay các trung tâm của cuộc sống tôn giáo, là những thách thức, cũng chính là địa điểm của giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên. Người ta vào nhà tu kín là để chiến đấu, những ai sẵn sàng chiến đấu thì mới vào đó, chứ không phải để lánh xa cõi đời, hay để tĩnh tâm etc. Cuộc sống Hà Nội dính với nước, mẫu Thoải chủ trì cho nghi lễ chính. Mặc áo trắng, tóc phải vấn cao gọn gàng, vô cùng quan trọng sự trang nhã và ý tứ. Cứ thử lệch xem. Không xa Hà Nội cũng có một nơi, tại Hưng Yên, có cái cây to khủng khiếp, thờ một công chúa hay một nữ nhân hoàng tộc nào, dường như chết trôi từ Trung Quốc sang.

Từ Bà Triệu rẽ Nguyễn Du, vừa hết hồ (Thiền Quang) là một khối nhà bốn cạnh. Trên cạnh phố Nguyễn Du tôi đã có những ngày chơi trò PlayStation cuối cùng trong đời. Song song với nó là một phố nhỏ, phố Thiền Quang, một trong những phố ở Hà Nội rất khó đi qua nếu lái ô tô. Góc của nó giao với Yết Kiêu có một quán bánh mì - một quán bánh mì không chỉ nổi tiếng mà còn hết sức thuận tiện, cho những lúc trước khi làm gì đó, hoặc cũng có thể là sau. Tứ trụ, tứ trấn (cũng có thể là cả tứ chiếng), tứ diệu đế trong ăn uống của người Hà Nội là bún, miến, cháo, phở. Người Hà Nội là con người bún miến cháo phở - có thể thêm xôi và bánh mì. Phở chỉ đứng vị trí thứ tư (tuy trông như là nổi bật nhất). Ở Hà Nội có phố Hàng Bún, phố Hàng Cháo (chắc hẳn từng có lúc có cái gì đó tương đương với phố Hàng Miến), nhưng phố Hàng Phở thì không.

(chắc cũng phải viết một "Phố Hàng Pho" cũng như "Phố Hàng Lon")

(trong một cuộc bàn luận xem ngày nay [tức là ngay lúc này] như thế nào thì thấy rõ một người Hà Nội nhất, cuối cùng ý kiến ngớ ngẩn nhất đã thắng thế - nhưng thường thì vẫn vậy - theo đó thì, người Hà Nội là người đi xe Wave Alpha; nếu đi xe Dream II thì cũng được - loại xe ấy từng được dân Nam Định hào hùng dõng dạc gọi là Con Rem)

(những cái ngõ: mấy ngõ mang tên đanh thép một chữ tất nhiên rất nổi bật, Ngõ Quỳnh, Ngõ Trạm nhưng nhất là Ngõ Huyện, Ngõ Gạch, nhưng có một cái ngõ Hà Nội, một đầu đâm ra phố Hàng Bông, một đầu nhìn thẳng sang cổng chợ Hàng Da, ai nghe thấy một lần cũng sẽ nhớ mãi: Ngõ Tạm Thương

nhắc đến là có hình ảnh minh họa ngay:


với những người ham ăn vặt - mà dân Hà Nội, dẫu trai hay gái, đều ăn quà như mỏ khoét - thì ngõ Tạm Thương đồng nghĩa với món nem chua rán từng một thời rất mốt, sau một quãng quẩy nóng [phố Phan Bội Châu mạn gần Cửa Nam hay phố Cầu Gỗ]; một trung tâm khác là Ấu Triệu ven hông Nhà Thờ; nhưng ngõ Tạm Thương có nhiều cái hay hơn nhiều)

Sau baguette (với bức ảnh bất hủ thằng bé, của ai nhỉ? Henri Cartier-Bresson? Robert Doisneau?) của Pháp thì bánh mì Hà Nội (chắc hẳn cũng thoát thai từ đó) là vô đối. Phải từng có lúc chỉ có một cái bánh mì không ăn cầm hơi từng mẩu một thì mới thấy hết mức độ ngon của nó. Buổi sáng sớm mùa đông tôi đi học, ngày còn bé, trời chưa sáng hẳn, đi ngang qua lò bánh mì sinh khí duy nhất của một đoạn phố vắng, thì mới thực sự tỉnh. Những năm tôi học cấp hai, ngay trước khi trống đánh báo vào học, nhưng nhất là ra chơi tầm 9 giờ, là thời điểm của mua bánh mì (kẹp ba tê, xúc xích vân vân - phải có muối tiêu). Đơn vị tính là gì? Câu hỏi rất ngớ ngẩn, vì đơn vị của bánh mì là "một cái", "hai cái" etc. - nhưng trả lời như vậy là sai, vì đơn vị phổ biến hơn nhiều là nửa cái (cắt đôi): 400 đồng một nửa cái như thế, chỉ những đứa con nhà rất phong lưu mới có đặc quyền mua cả một cái. Nhưng bánh mì Hà Nội không có dưa chuột: ngày nay người ta ăn dưa chuột nhau nháu, chẳng khác gì đi ăn phở còn thêm quả trứng (lắm lúc còn hai quả).

Một lần, tại hàng bánh mì (không phải cái hàng trên phố Yết Kiêu) người phụ nữ đi cùng đang ngồi bỗng ghé sát sang tôi. Tôi hãi quá, giữa chỗ đông người lại định làm cái gì thế này (mà trời thì nực, mà người thì đang nóng), đã chực lấy tay đẩy bắn ra thì hiểu, cô ấy đang muốn nói với tôi điều gì đó. "Bà chủ - giọng thì thầm như hơi thở - có tí bạn học cùng lớp với em hồi xưa đấy" ("có tí", "làm tí": ta bắt đầu đi vào idiom đặc thù của phụ nữ Hà Nội). Vờ đưa tay với bát dưa chuột (yes) tôi quay sang bên để nhìn. Người phụ nữ thấy vẻ mặt tôi lúc đó suýt vục mặt thẳng vào bát tương ớt (vậy thì sẽ có món mascara trộn tương ớt: tuy không đến mức smoking eyes nhưng cũng không hề vừa) vì cố nín cười - thiếu điều tôi đã hét lên hãi hùng: bà chủ quán có quả bắp tay to đúng bằng đùi tôi, mà đấy là đùi tôi những lúc nào các loại cơ tứ đầu đùi, cơ đùi trước ở trạng thái khả quan hơn cả (dẫu thế nào thì tôi cũng không rơi vào category của đám mê phòng tập thể hình - ngu si tứ chi phát triển). Nghĩ đến tương phản giữa đống thịt kia và người bạn cùng lớp năm nào nhỏ nhắn ngọt ngào (và nhiều mascara) đang ngồi cạnh tôi, tôi thấy mình buộc phải tin rằng trên đời quả cũng có sự kỳ diệu - vả lại, tôi cũng đã nói, bánh mì ở Hà Nội vô cùng tốt đẹp cho trước (hoặc sau): trước và sau, trên và dưới, trong và ngoài. Có đi đâu mà thoát được.

Nhưng bún là đầu bảng. Thời đói kém, nền kinh tế Hà Nội tự động chuyển sang cơ chế hàng đổi hàng (troc). Ngoài rượu nếp (và bánh dày), mặt hàng được đổi nhiều nhất (bằng gạo) chắc chắn là bún. Khối người (chắc chẳng có ngoại lệ) từng ăn đòn vì bố mẹ đi làm về lấy gạo nấu cơm thì sinh nghi vì gạo trong thùng bị ngót đi đáng kể - bằng chứng cho thấy đã có trò gian; tôi từng nghe kể có những màn phạm tội tinh vi, mang gạo nhà đi đổi các thứ để ăn nhưng xúc cát rải xuống dưới rồi mới lại cho gạo lên để xóa dấu vết. Chắc cũng không một ai sống qua thời đó chưa từng ăn cơm rang vào buổi sáng. Đến nỗi mà hàng cơm rang nổi tiếng (vì "rang giống nhà") phố Nguyễn Du đoạn sắp đâm ra phố Huế từng đông nghịt suốt một thời gian dài, ngồi tràn ra vỉa hè (giờ hình như đã bị xóa sổ).

Cứ thẳng Nguyễn Du, qua phố Huế, thì đến Lê Văn Hưu. Lê Văn Hưu rẽ luôn khi tới Ngô Thì Nhậm, sẽ đến một cửa hàng nơi tất tật phụ nữ comme il faut một thời của Hà Nội mua xu chiêng. Đây là một trong những địa hạt thấy rõ phẩm trật: nếu không "comme il faut" thì có thể ra Gia Ngư. Tất nhiên mấy chỗ truyền thống như Hàng Trống thì khỏi phải kể. Phẩm trật ở đây có tính cách xã hội, chứ không liên quan gì đến kích thước. Những ai ti thì to nhưng tấm lòng chật chội hay không như vậy lắm thì cũng bất kể. Thời gian về sau, một quãng Đường Thành từ Hàng Bông đâm vào, sắp tới Hàng Da (rạp Hồng Hà thì đúng hơn) có một dãy cửa hàng: nhìn chung đi qua nhìn xe ô tô đỗ là biết những phụ nữ nào đang ở trong đó. Câu chuyện này (nhìn xe ô tô đỗ ngoài đường), tôi thấy hoàn toàn tương đương với câu chuyện đã kể ở trên, về một số nhà trên phố Tuệ Tĩnh chỉ cần đi qua nhìn dép để bên ngoài - chúng nói lên rất nhiều về đàn ông và phụ nữ Hà Nội. Xét cho cùng, xe ô tô thì cũng giống mấy đôi dép.

Từ Bà Triệu nếu không rẽ vào Nguyễn Du mà đi sượt qua trước cái nhà giờ đây hình như là một trung tâm văn hóa (của Hàn Quốc thì phải) - tức là rẽ chéo - là sẽ bắt đầu đi vào một khu địa dư kỳ thú. Trong đó có phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cách đây hơn mười năm, một lần (hồi còn chưa hiểu lắm) tôi bỗng thấy muốn sử dụng dịch vụ ở đó. Thế là tôi đến. Dịch vụ cũng tốt. Các loại kim châm vào người, gắn với một cái gì đó truyền được điện, rồi lại còn chiếu tia hồng ngoại nóng rực etc. Nhưng kim đã đầy trên người thì tôi bỗng hiểu ra mình đã tạch: cái giường ngay trước tôi xuất hiện một bệnh nhân mới, một phụ nữ còn trẻ (và ngon - tôi khẳng định; xinh hay không thì tôi không chắc vì không để ý ngay từ đầu nên khi thấy thì người ấy đã ở trên giường, lưng hơi chếch về phía tôi). Không khác gì tổ chức chiếu phim porn. Mà chạy thì không chạy được, nhúc nhích cũng không được, vớ vẩn chạm phải cái đèn chiếu hồng ngoại sau lưng là bỏng độ mấy ngay, chưa kể đống kim cắm trên người. Mấy y tá hộ lý ở đó lại còn vui miệng kể những câu chuyện rùng rợn, chẳng hạn như là có người một tháng sau quay lại điều trị tiếp mới phát hiện trên đầu vẫn còn dính mấy cây kim từ lần trước chưa tháo hết. Nóng như thế mà tôi toát mồ hôi lạnh, trước mặt thì màn strip-tease không thương xót cứ dần dần gỡ bỏ áo cộng thêm kéo cạp quần sâu xuống.

Nhưng đấy cũng là vì tôi được rèn luyện kém. Năm tôi học cấp hai, chúng tôi hay tụ tập ở nhà một thằng cùng lớp sống ở Ô Chợ Dừa, xuống dốc một phát là đến ngay. Một ngày nọ, ở lớp chúng nó thì thào với nhau tôi mới biết, hôm trước chúng nó tổ chức chiếu phim con heo ở nhà thằng Ô Chợ Dừa, nhưng đã không rủ tôi. Chúng nó còn tố cáo là có một thằng (chính là thằng ngồi cùng bàn với tôi - bàn chỉ có hai; hình thức "bàn năm chỗ" đã bắt đầu trở nên lỏng lẻo) sau đó bảo đứng lên thì nước mắt vòng quanh bảo tao không đứng lên được (thằng này ngọng, "lên" nói thành "nên" cho lên chuyện càng hay). Tôi thù bọn bạn tôi đến mức thù luôn cả hình thức tập luyện rất chi là vinh quang đó.

(a, tôi mới nhớ ra, ở Hà Nội còn có một phố mang tên địa danh: Bắc Sơn - "Bắc Sơn đây hố sâu mồ chôn"; "Bắc Sơn kia thời tung cánh, tới đây chim thấy lòng ngập ngừng, nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế" - Yên Thế thì đã nhắc, ở trên)

Trở lại với YK. Từ góc Yết Kiêu-Thiền Quang nhìn xéo qua đường là thấy nhà của Văn Cao - và tất nhiên cũng là nhà của một nhân vật vô cùng đặc sắc: Nghiêm Thúy Băng. Cũng thấy ngay đầu một phố: phố Vũ Lợi, phố nhà Trần Dần. "Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu/Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc": cái nhà mà "ta thuê" có "mái gục" ấy, hồi 45, là nhà nằm ngay gần đó, trên phố Nguyễn Thượng Hiền (về "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc": xem ởkia). Từng có quãng thời gian, phố Nguyễn Thượng Hiền ấy chừng như cũng gắng gượng trở thành một trung tâm cà phê của Hà Nội - nhưng đuối rất nhanh. Trong cùng một ngõ phố đó có nhà (hình như sát nhau luôn) của hai nhân vật: Lê Giản và Nguyễn Lân.

Cùng khu địa dư còn có một phố nữa, ít người biết hơn: Nguyễn Quyền (không giống cặp Yết Kiêu-Dã Tượng hay cặp Nguyễn Xí-Đinh Lễ gần và có lúc cạnh nhau, giống các nhân vật Việt Nam Quốc dân đảng, Nguyễn Quyền lại không ở gần Lương Văn Can). Toàn bộ khu này có rất nhiều chỗ ăn uống - tính cả Vũ Lợi, đoạn cuối Lê Duẩn etc. nhưng lúc nào cũng có vẻ gì đó hơi bê tha, nhộn nhạo. Chắc hẳn vì đây đã là cửa ngõ dẫn vào Khâm Thiên. Nghĩ đến chuyện mở quán thuộc dạng fine dining ở đây (cụ thể hơn, tính cho tới ngã tư Yết Kiêu-Nguyễn Du) thì đúng là bị hâm - hãm thì đúng hơn.

Ông tôi hay hát: "Hồng hồng tuyết tuyết". Hát nhiều lần (có khi đầy đủ cả bài) khiến tôi cũng sinh nghi, chắc cũng là đời nhiều hồng nhiều tuyết chi đây.

Tôi nhớ đến lần đầu tiên nghe chầu văn. Sự tình chắc hẳn bắt nguồn từ mấy mối quen biết tình cờ tại đền Bạch Mã phố Hàng Buồm. Bạch Mã có một vẻ riêng, Voi Phục ở công viên Thủ Lệ lại một vẻ riêng (có thể nói, một bên mềm, một bên cục cằn). Nhân vật ấy, trông bộ dạng như thể vừa lội mấy vòng qua địa ngục đã được miêu tả trong Phạm Công Cúc Hoa, lấy đàn ra, lên dây ("so tơ phím này") rồi ngừng tay nhìn quanh, tôi muốn nói là nhìn những người ở đó - hôm ấy nghệ sĩ ngũ cung chỉ đi một mình, không có ai phụ. Chỉ tay vào tôi, nghệ sĩ âm ti bảo, "Giữ phách nhé". Tất nhiên là tôi giãy nảy, vì tôi không biết đến a bê xê về việc đó. Nhưng Orphée của các buổi lên đồng ấy dĩ nhiên thuộc loại không dễ để ý kiến riêng bị lung lay. Hướng dẫn tôi sơ qua xong là bắt đầu luôn. Té ra tôi làm công việc lần đầu đó cũng không đến nỗi quá tệ; tôi nhớ đến câu chuyện tương tự mà một nhân vật văn chương Việt Nam từng gặp: oái oăm, đó lại không phải là một ai đó trong số những người khét tiếng ăn chơi, mà lại là Thạch Lam (yes), lần đầu đi ả đào, xuống xóm và được giao cầm trống giữ nhịp. Những tùng cắc, những tum chát: nhịp ngầm của cả một xứ sở. Bài hát hôm ấy mơ hồ kể về một ông hoàng, những chuyến đi, các sự kiện - tất thảy đều mờ ảo; có lẽ bản thân người hát cũng không hoàn toàn hiểu hết; đâu cần. Đền thờ một ông hoàng tại Bảo Hà, Lạng Sơn ở đúng vào vị trí trên bến dưới thuyền. Vòng tường bao là ranh giới, trong đó quy củ được giữ đại khái như sau: nếu ai đó tỏ ra bất kính, dưới mọi hình thức (và không có giảm án) tức thì có một tiểu âm binh nhảy ra, dang tay vạch cho hai đường chéo nhau lên mặt - đánh dấu đó đã, xử lý sau, chừng nào đã xong hội. Tất nhiên, mọi điều xảy ra trong vô hình. So you think you can laugh?

Hồi bé, rất bé, tôi học solfège trên các nhạc cụ thuộc ngũ cung. Tí chút vậy thôi cũng đủ để lúc nào tôi cũng được điểm tuyệt đối trong giờ học nhạc ở trường, nếu công việc phải làm là nhìn một tổng phổ và hiểu tường tận nó muốn nói gì, bằng ngôn ngữ riêng của nó. Tôi sẽ còn bị các bản nhạc hấp dẫn (theo lối ma thuật) rất lâu, cả cuộc đời: lần nào cũng như thể chúng muốn nói với tôi điều gì đó rất riêng, nhưng tất nhiên không phải bao giờ tôi cũng hiểu được. Ngọn nguồn lại là hàng xóm: tôi không còn nhớ được rành mạch, nhưng hẳn là tôi đã thập thò ngoài cửa một nhà hàng xóm có người đang chơi đàn và được gọi vào dạy cho mấy đường cơ bản. Đến một mùa hè nọ, tôi được đưa đến Cung (tất nhiên không phải Cung có một mặt là phố Yết Kiêu; đó là Nhà Đấu xảo xưa kia) - ca sĩ nhà có nhiều lồng chim sống trên phố Hàng Bè đã kể ở trên có thể đi sang bên Cung Thiếu nhi rất tiện (từng có thời ca sĩ ấy làm mưa làm gió với bài hát có câu "Xưa kia kinh đô Bát-đa có một etc."). Đó là mùa hè duy nhất tôi lai vãng chỗ đó (tổng cộng cũng chỉ vài buổi) - hàng kem bên hông Cung, mặt phố Lê Lai (tên Giang Sơn phải không nhỉ?) giờ đây đã biến mất; nó từng là điểm hẹn đầy kịch tính cho không biết bao nhiêu cặp trai gái Hà Nội mới lần đầu biết cầm tay người khác. Một trong những việc gái trai Hà Nội hay làm là so sánh khoảng thời gian mình từng lê la ở Cung, xem thử vì tình cờ mà nhiều năm về trước đã hụt mất nhau như thế nào. Công việc so sánh ấy, tốt nhất nên được thực hiện trên giường (trước, nhưng tốt nhất là sau); cũng trên giường, tôi phát hiện ra những dị bản (khu khác nói thế) của nhiều câu thông dụng một thời: về cơ bản, mấy câu như "Em ở nhà quê mới ra em nhìn ô tô nó đi em tưởng con trâu nó phi" hay "Cho anh phát súng tim anh nát" thì giống nhau đồng bộ nơi nơi, nhưng có lần tôi phát hiện có chỗ nói (tôi chưa từng nghe thấy) như sau: "Tao điên thì mày rồ, mày vồ bãi cứt, mày vứt vào mồm mày". Đứng trên hành lang tầng cao của Cung nhìn xuống sân hay thấy đám trẻ con tập nghi thức đội, đánh trống ếch etc. Ngay ngày đó tôi đã thấy đó là một cảnh tượng rất cuốn hút, nhất là các cô bé bỗng thoát khỏi sự ăn mặc quê mùa (và kín đáo) để vụt trở nên những sex-symbol một nửa. Cách đây chừng trên mười lăm năm, phụ nữ ở Hà Nội bỗng có mốt mặc quần đũi, đặc biệt cạp quần thường rất cao. Ấy là để bên ngoài đỡ thấy những bộ chân ngắn (và cong). Hết hè thì lớp học nhạc không tiếp tục, ông thầy (già, hom hem, nói đùa rất chát) bảo đứa nào thích thì đến nhà ông học tiếp; tôi còn đến nhà ông thầy, nằm trên một trong những phố nhỏ đâm vào phố Huế, một thời gian ngắn, rồi bỏ - dẫu sao thì cứ "Làng tôi xanh bóng tre" mãi cũng ngán.

(thêm một phố ở Hà Nội mang tên địa danh: phố Bắc Ninh; đó là tên cũ của phố ngày nay mang tên Nguyễn Hữu Huân; đây là một trong những thủ phủ của vô số quán cà phê, ngang tầm Triệu Việt Vương)

bunmienchaopho. Cũng như rất dễ nhầm về vị trí của món phở, người ta cũng hết sức hay nhầm lẫn trong nhìn nhận hàng quán (nhất là quán báo cháo, phải không nhỉ?). Những bà chủ quán nổi danh lừng lẫy thật ra đâu có đáng sợ: đó thuần túy là những người đồng bóng. Những người đồng bóng thì chẳng bao giờ đáng sợ - cái đáng sợ của phụ nữ Hà Nội nằm ở chỗ (ở một phân khu người) hoàn toàn khác.


(nhưng tôi muốn mở một ngoặc đơn trước đã - đây sẽ là một ngoặc to

Năm 1994, tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khi ấy tôi đang đi chơi Tam Đảo thì thấy xung quanh tôi người ta nhốn nháo lên: ở Hà Nội, chợ Đồng Xuân bị cháy.

Khoảng nửa thế kỷ trước đó, chợ Đồng Xuân cũng đã đổ nát, trở thành chiến địa khốc liệt (đấy là khoảng nửa thế kỷ sau khi nó trở thành cái chợ như chúng ta biết). Câu chuyện xung quanh chợ Đồng Xuân của cuối 1946-1947, tôi đọc khi còn bé, nó là một trong những gì đầu tiên tôi đọc về chiến tranh mà không phải fiction (chẳng hạn trận Austerlitz trong Chiến tranh và Hòa bình, nhiều trận đánh khác của Napoléon, trận Stalingrad đã tiểu thuyết hóa, các chiến trận trong Tam quốc diễn nghĩa hay Sử ký cùng nhiều tương tự) - được người trong cuộc sống sót kể lại.

Nhân vật kể câu chuyện là chỉ huy (trung đội trưởng, nhưng lại cũng là tiểu đội trưởng - tại sao "trung đội" rồi lại "tiểu đội" thì ở dưới sẽ nói) đơn vị bảo vệ chợ Đồng Xuân, đóng quân ngay trong chợ. Đó là Vinh Đốp (tên là Vinh nhưng giấy khai sinh lý trưởng viết lại là Phạm Bá Đốp), khi kể câu chuyện được ghi lại (hơn 40 năm sau) thì đã trở thành đại tá. Đơn vị của Vinh Đốp thuộc quân số của tiểu đoàn 101, một trong ba tiểu đoàn làm nên lực lượng vũ trang của Liên khu 1. Đến đây, cần rõ ràng về hai danh xưng: "Thanh niên Hoàng Diệu" và "Trung đoàn Thủ đô": cái tên đầu tiên tồn tại từ trước, khi chiến tranh bùng nổ ngày 19 tháng Chạp năm 1946 thì không còn, trong khi đó "Trung đoàn Thủ đô" không tồn tại ngay từ đầu: sang đầu năm 1947 thì mới có tên ấy. Ai biết về lịch sử thì đều biết, Trung đoàn Thủ đô (những gì còn lại từ đó) về sau nhập với một số lực lượng khác để tạo nên sư đoàn 308 (có lúc gọi là đại đoàn) - đây là đơn vị (ở quy mô như vậy) thuộc vào hàng nhiều quân công nhất trong lịch sử chiến tranh.

Chiến tranh bùng nổ: mốc 19 tháng Chạp năm 1946 rất rõ ràng, nhưng vẫn có thể nói nó có tính cách quy ước, vì sự gây hấn lẫn nhau giữa quân Pháp và Việt Minh đã bắt đầu từ trước; tháng Chín năm 1945 quân Pháp đã nổ súng ở miền Nam etc. Đầu buổi tối ngày 19 tháng Chạp năm 1946, chiến tranh thực sự bùng nổ tại Hà Nội - bên nào bắn trước? bên Việt Minh, trong bối cảnh quân Pháp ra tối hậu thư đòi đối phương hạ vũ khí, hạn cuối là ngày 20. Trước đó mấy hôm đã diễn ra vụ quân Pháp thảm sát Hàng Bún-Yên Ninh - gần 50 người bị giết. Tất nhiên, nổ súng trước thì Việt Minh muốn tiêu hao lực lượng quân Pháp một cách tối đa, nhưng nhiều điều cho thấy tình báo Pháp đã biết nên ứng phó không tệ. Chỉ huy quân đội bên Pháp là Valluy và Morlière, ngoài ra tại Đông Dương còn có mặt một nhân vật thời điểm ấy đã bất lực, Sainteny (chức danh của Sainteny là "commissaire", hay được bên Việt Nam gọi là "Cao ủy" - cái tên này không khỏi gợi nhớ đến các "commissaire révolutionnaire" khét tiếng hồi Cách mạng 1789).

Trong bối cảnh như vậy, tối ngày 19 tháng Chạp chiến sự nổ ra nhiều nơi ở Hà Nội. Vinh Đốp thuộc về đơn vị "Ngô Quyền" (tên lúc đó của đường Yên Phụ - Vinh Đốp sống ở đây), nằm dưới sự quản lý của lực lượng Đồng Xuân. Lực lượng vũ trang tại Hà Nội của Việt Minh là sự ghép lại của nhiều bộ phận: công an, tự vệ, Vệ quốc đoàn; từ trước đã có tập luyện nhưng về cơ bản quân số của Việt Minh trong Hà Nội không thể coi là quân đội chính quy. Khu vực của Vinh Đốp hết sức trọng điểm: quân Pháp đóng trong thành (Cửa Bắc) tức là chỉ cần vài phút đi bộ chậm rãi là đến được nơi - vụ Hàng Bún-Yên Ninh cho thấy địa phận này nguy hiểm thế nào; đây cũng là nơi trước đó có nhiều hoạt động (liên kiểm), chẳng hạn Nhà máy Nước do cả bên Pháp và bên Việt Nam canh giữ; ở đây còn có bến xe ô tô (bến Đầu Cầu), ga tàu hỏa (ga Đầu Cầu, về sau là ga Long Biên, nhưng từ rất lâu đã không còn hoạt động) - đường tàu hỏa chạy trên cao, viaduc, cuối phố Phùng Hưng rẽ vòng vòng đi qua phía trên Hàng Cót, Hàng Giấy, rồi Sở Lục lộ etc. Và rất gần chợ Đồng Xuân.

Khi chiến sự bùng nổ, vì không biết phải làm gì nên Vinh Đốp dẫn đội của mình ra đê đào hố ngồi rình quân địch. Quân địch xuất hiện, có cả xe tăng: không biết làm thế nào, Vinh Đốp lẻn lại gần cái xe tăng, ném hai quả lựu đạn - tất nhiên xe tăng không hề hấn gì nhưng cũng sợ, quay đầu chạy. Sau đó thì quân Pháp đổ đến bắn rát, cả đội hình bên Việt Minh tan tác, ai chạy đi đâu thì chạy.

Vinh Đốp cũng đi ra khỏi thành phố, vì không biết làm gì, cũng không nhận được lệnh. Đến được trạm Nghi Tàm thì biết nếu muốn mình có thể quay trở lại. Trạm đón tiếp nếu thấy có người xuất hiện thì sẽ hỏi muốn quay trở lại hay muốn tản cư, nếu muốn tản cư mà có súng thì để súng lại rồi đi, ai muốn vòng lại Hà Nội thì cứ ở đó chờ, sẽ có giao liên (quân báo) dẫn. Như vậy, trong số lực lượng đánh nhau với Pháp hai tháng tiếp sau đó, đa phần là những người tự quyết định đi vào thành phố. Nhóm của Vinh Đốp được dẫn đi qua dưới cầu Doumer rồi vào thẳng chợ Đồng Xuân:


Tổng cộng có 17 người, nhưng chỉ có 6 khẩu súng. Về sau được cấp thêm một tiểu đội nên trở thành trung đội. Dưới đây là Đỗ Tần (một nhân vật nổi tiếng) tóm tắt tình hình ngay sau khi chiến tranh nổ ra:



Miêu tả chợ Đồng Xuân:
























nguồn:


Người kể chuyện thì đã rõ, nhưng bản thân người ghi lại câu chuyện trong cuốn sách cũng không hề xa lạ với chợ Đồng Xuân: Lê Bầu từng biết rất rõ bãi Phúc Xá ngay gần đó; xem thêm về điều này ởkia)









(còn nữa)

74 comments:

  1. hẳn là đúng thế. cả hai anh em cái bác có nhiều hơn cần đó đều rất bảnh; mấy chồng tạp chí trông ra gì hơn Ngoại văn Tràng Tiền.

    Reply
  2. Bà Triệu từ ngã tư Trần Hưng Đạo kéo xuống Tuệ Tĩnh là đoạn rất đặc sắc, có phải trước 54 là phố Gia Long không nhỉ?

    Reply
  3. đúng là Gia Long mà nửa sau là Lê Lợi. Thuật là hàng sách em được mua cuốn từ điển của mình đầu tiên trong đời (Oxford Collocations something something).

    thế anh chưa viết tiếp về phố Chân Cầm ạ? :P:P

    Reply
  4. ơ định viết thì có béng luôn một bài thơ rồi còn gì, một hai ba bốn năm sáu bảy

    hiệu "Trang" thì ở số bao nhiêu nhỉ?

    Reply
  5. thơ đấy dạy trẻ con tập đếm thôi anh cứ cấu em
    mãi.

    Trang hình như 40B.

    Reply
  6. bị cướp trên giàn mướp mà vẫn phải chấp nhận

    ngay chỗ ngã ba Ngô Văn Sở vẫn còn cái hiệu bán sách y học phải không nhỉ

    chắc nhiều người giờ không biết Bookworm hồi đầu tiên nằm ở NVS, không xa Trương Hán Siêu

    Reply
  7. đoạn Bà Triệu mà NL nói có Thành Đoàn, khoảng 10 năm trước có hiệu sách Kim Đồng, một hiệu sách Kim Đồng nữa gần đấy nhìn ra hồ Thiền Quang, giờ cả hai đều không còn

    Reply
  8. "màu luôn luôn làm băng hoại hình họa" - Alain, vì nhân thấy có sách Kim Đồng. phân vân quá.

    Reply
  9. chỗ Thiền Quang góc Hồ Xuân Hương mấy năm đóng vì làm lại trụ sở thôi, sắp hoặc thậm chí đã mở lại rồi

    Reply
  10. Ông Dư, là chuyên gia, úp mở, tỏ ra nguy hiểm, để làm màu.

    Reply
  11. nhưng không bao giờ anonymous nói xấu sau lưng người khác

    Reply
  12. Ông ấy, nói xấu sau lưng cái bến xe buýt (chiếu tướng nồi cơm của ổng) thì sao. chưởi cái bus stop, ko tiếc lời

    Reply
  13. well, nhưng không anonymous

    ông Dư có lẽ là người ít úp mở nhất Hà Nội - nhưng quá dễ thấy, người ta hay thấy ở người khác cái mà người khác không hề có nhưng lại rất nhiều ở chính mình

    có gì lạ đâu

    Reply
  14. Khó rep quá, thôi kệ

    Reply
  15. no no, làm sao mà xong được

    mối ác cảm nhằm vào ông Dư luôn luôn là vì ông ấy toàn nói toẹt những điều người khác chỉ nghĩ trong đầu

    bọn lươn lẹo đi nói xấu sau lưng, theo một cơ chế tâm lý rẻ tiền, xoay ngược điều đó đi (ngụ ý: đó là một người nham hiểm - trong khi đó tất nhiên là người ngược lại)

    Reply
  16. Trong bức thư của Tam Ích gửi cho Vũ Bằng có nhắc đến “cái nhà Hạ Thượng Chu”. Chú cho cháu hỏi đó là nhà gì, ở HN ạ, bây giờ có đổi tên không ạ?

    Reply
  17. chính xác là người vợ, NL kể về chỗ đó nhiều lần, một hàng cho thuê sách phải không?

    Reply
  18. không phải cho thuê, chủ yếu bán tạp chí nước ngoài, thuê thì phải sang bên Thi Sách

    Reply
  19. tôi gặp thằng bạn trĩ mũi ở dốc phố Hàng Kèn
    tôi mua bông lay ơn tôi cho nó ngửi
    nó mua tàu lá chuối nó cho tôi xem
    hai đứa èng èng chia tay cuối phố

    :)

    trong Sợi tóc tìm thấy cũng có con dốc Hà Nội thân yêu

    Reply
    Replies
    1. Bạn viết bình luận giống thơ hay.

  20. đây có phải là hàng sách gần Bờ Hồ anh nói tới không? :)

    https://ibb.co/7QjQqXv
    https://ibb.co/Cm27bzt

    Reply
  21. đúng rồi, nhận ra được mặt hai vợ chồng, đúng là nhìn thấy cửa sắt hoa xếp

    Reply
  22. Nhà số 2 bà Triệu đâu có bậc cao vậy nhỉ(?)

    Nhà đó hồi 198x dường như đi thông cả 2 mặt, mặt Bà Triệu và mặt Hàng Khay. Bán cả giấy màu cuộn, kim châm cứu các cái. Nhiều sách cũ độc phết, và Tây cũng hay ghé xem.

    Nhà 40B và 80 lúc sau này thì lừng tiếng sách tiếng Anh các loại.

    Reply
  23. đó là nhà số 24.

    Reply
  24. những câu chuyện nhỏ “trên phố Bà Triệu, thập niên 90” có thể giúp hoà giải Vincom với Bà Triệu hiện nay không

    Reply
  25. Chúng ta cần huyền thoại (source: http://nhilinhblog.blogspot.com/2014/01/chung-ta-can-huyen-thoai.html?m=0 : ))

    Không có huyền thoại Hà Nội không có Hồ Gươm, không có Nhị Linh; Sài Gòn không có Hồ Con Rùa, không có Ngọc Sơn ;p

    Reply
  26. tiếp tục (hot kinh lắm)

    (không ai nói "Ngọc Sơn" không như vậy: thế thì quá bằng ca sĩ à?)

    Reply
  27. Rất xin lỗi đã nói bừa nhưng chắc ở Sài Gòn không “kiếm” ra một tương đương huyền thoại Nhị Linh.

    Reply
  28. : ) “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”

    (source: gúc)

    Reply
  29. tình cờ

    "Cú đổi truyện ấy cũng là một đóng góp cho sự hé mở vào thế giới người lớn. Cặp vợ chồng trẻ, người chồng rất cao lớn râu quai nón, cởi trần ra mở cửa, mắt tôi hút vào cái giá sách để hàng Thủy hử nhưng còn bị hút hơn về phía cái giường, nơi người vợ nhỏ nhắn xinh đẹp tuyệt vời tóc rối trễ nải chỉ hiện ra từ phần vai trở lên bên trên cái chăn miệng hơi mỉm cười bối rối trước sự xâm nhập đúng vào một thời khắc riêng tư của một thằng bé chạy nhanh nhưng không nhanh mồm nhanh miệng. Sau đó mấy năm, cô vợ chết vì một chứng bệnh nan y."

    Reply
  30. well con đường chúng ta đi được làm nên từ vô số cái chết, cái chết nào cũng giống cái chết nào nhưng chẳng cái chết nào giống nhau

    Reply
  31. bài thơ giờ lên mạn Xuân Diệu rồi anh ạ. Oh the irony.

    Reply
  32. mít đặc và quan tâm đến “các ngôi sao, tức là thiên văn học” thì chuyện tình ái, ngoài “lois de l’hospitalité”, sous-sol, ít nhiều trường đoạn kinh điển phải ở trên balcon, toit, hay chỗ của anh em nhà Montgolfier chứ NL ơi :)

    Reply
  33. miễn sao khỏi dính những con rồ là được

    Reply
  34. Nhà văn Uông Triều viết về HN thế nào hả chú Nhị Linh? Cháu thấy người ta khen suốt từ Đinh Lễ đến Lý Nam Đế.

    Reply
  35. hơn bốn năm em sống ở Nguyễn Quang Bích, ngay chỗ cột điện khúc quanh của phố. Thỉnh thoảng lên sân thượng phơi quần áo sẽ thấy nhiều người và mình tự nhiên cứ nhìn nhau. Một số người cười và tất cả rồi đều biến mất.

    Reply
  36. «Sống là làm sao đi cho hết một kỷ niệm» so I think it’s quite likely that she’ll come back to Hanoi

    Reply
  37. mà, tội tình chi hỡi... những M&M phụ nữ theo chân Jesus of Nazareth, những đời nhiều lan nhiều huệ (lại chỉ nhất Linh)

    Giờ đã biết lan huệ sầu ai lan huệ héo.

    Reply
  38. em nhớ là em đều từng cả bổ củi lẫn lau quạt ở cái chốn ấy.

    Reply
  39. Tây Sơn đâu thể tính là địa danh, phải là Sơn Tây

    Reply
  40. Mách #Vietravel: Sổ tay cẩm nang du lịch khám phá Hà Nội.

    Reply
  41. ơ, Sơn Tây với Tây Sơn, một đằng tên tỉnh, một đằng tên huyện, thì khác gì nhau? Sơn Tây là vì đó là đường lộ đi ST, cửa ô Thanh Bảo

    Reply
  42. chậc, cứ nói một câu sai một câu, nên tốt nhất là im, yêm, stfu, vả lại vừa hay lúc im đi thì NL lại viết đến mấy thứ có chút quan tâm

    Reply

  43. Đôi mắt người Sơn Tây
    U uẩn chiều lưu lạc
    Buồn viễn xứ khôn khuây
    Buồn viễn xứ khôn khuây

    Reply
  44. Damn photo

    Reply
  45. nên mỹ linh hoặc đức minh thì hơn, cần phải lịch sự

    (anw sẽ có chú thích ảnh cẩn thận)

    Reply
  46. ‘Bút ký người đi săn’ (dịch giả Phạm Mạnh Hùng) không phải sách xưa in lại ạ?

    Reply
  47. nếu mà đã có, thì đó là do tôi (nhưng sao lại "sách xưa"?)

    Reply
    Replies
    1. Vâng, trong đó truyện Rừng và Thảo Nguyên có ‘trích một bài thơ đã đốt’

  48. uầy sao dở hơi cám lợn thế nhỉ. kinh hãi quá ai lại kéo chăn lên quá cằm nhất lại bên cạnh có người đàn ông😊

    Reply
  49. Nhiều người không tin là phố Bà Triệu có dốc Bà Triệu như tôi vẫn kể :)

    Reply
  50. hồi toàn xe đạp thì lại nhiều dốc

    tiếp tục

    Reply
  51. ‘điều đáng kinh ngạc..’ Quá đúng ‘trên diện rộng’ ^^

    Reply
  52. Một thấp điểm nữa của sự họp lớp cũ là cái “nguyên uỷ” hehe ấy là vương vấn tiểu thuyết Vĩnh biệt mùa hè kèm thêm phim bộ 12a4h tẩm hương Mùa hè đã qua mong ước kỷ niệm xưa với cả tình thơ, khộ :D

    Reply
  53. hâm à?

    phải nói đúng giọng Hà Nội Bắc kỳ: "hãm"

    Reply
  54. ờ hãm đủ thứ :D bắc trung nam

    Reply
  55. Phố Nguyễn Lương Bằng tên cũ là Nam Đồng bác ạ. Xã Đàn là ngõ vuông góc với phố này.

    Reply
  56. tôi muốn nói, cả khu đó - hay đúng hơn, "gần Ô Chợ Dừa"

    Reply
  57. đúng rồi, quãng đó tầm mới chục năm trước có vụ tranh chấp đất ghê lắm, ầm ĩ cả lên, làm gì có chuyện bình an cho tâm hồn

    Reply
  58. ngoài những "láo nháo" phố, ngõ, quân khu... Hà nội còn ngân nga giai điệu lúc 6.00 am từ Bưu điện. Tiểng rú giữa trưa từ nóc nhà Hát lớn hay tiếng rao "quất đê" kéo dài trên phố đêm....

    Reply
  59. Hà Nội- Việt Nam ta có to lắm đâu sao chẳng ai bắt được anh? (có phải do họ mải ăn bún miến cháo phở?)

    Reply
  60. tiếp tục - đang xử lý cái ngoặc to

    Reply
  61. Thật tử tế, mấy trang sách, gần đây cũng ngẫm nghĩ chuyện “bẻ đũa từng chiếc” (hay chuyện về đoàn kết, “đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết”) hoài thôi

    Reply
  62. . Phố Hàng Bột (nghe "Tôn Đức Thắng" chẳng mấy ai quen, hơi tương tự, Nguyễn Lương Bằng nào? Xã Đàn chứ - đi qua một đoạn phố ấy tôi luôn luôn thấp thỏm, không biết cô bạn học cùng lớp có đang trông cửa hàng bán quạt máy giúp bố mẹ hay không) -------đoạn này nhầm nhẹ, Nguyễn Lương Bằng trước là Nam Đồng chứ ko phải Xã Đàn

    Reply
  63. Tiện bút, theo tôi, rất khó viết. Nó ở giữa truyện và thật vì tuy viết về sự kiện thật nhưng phải có tính văn chương của truyện để chuyên chở sức nặng và không biến sự kiện thành một thứ tabloid. Tôi cũng đọc để học những điều cần biết. Ngoài thể văn, còn vấn đề tác giả. Thời này, quá hiếm người viết được. Tôi chưa bao giờ (và có lẽ sẽ không bao giờ có cơ hội) tới Hà Nội, nhưng đọc những loạt này, có thể hình dung một thành phố với tiệm sách và cả thời sinh hoạt, như trên một con tàu từ từ đã và đang rời hiện tại. Là một người quen biết với những công tử Hà Thành (hay những 'cao bồi già') đến nay nếu còn sống cũng đã gần trăm, tôi có dịp hiểu hơn kinh thành của họ và kinh thành ngày nay. Nhiều lần tôi đã định ngồi xuống vẽ một bản đồ Hà Nội, theo lời Nhị Linh, để theo dõi cho dễ mỗi lần cập nhật nhắm so sánh với kinh thành của những người bạn trăm tuổi kia và các sự kiện lịch sử qua tác phẩm trong đời họ. Con tàu của họ đã là những con tàu ma nhưng một con tàu khác, không tiếp tục, đã lên đường. -Nguyễn Tà Cúc

    Reply
    Replies
    1. Đúng vậy, mình cũng thích đọc «tiện bút» của NL và cả mục «đọc sách». NL viết không cầu kỳ nhưng dẫn vào ngay những điểm cốt yếu mà người đọc cần biết để hiểu quyển sách, không cần từ ngữ kêu rủng roẻng cũng rất hay, chỉ tiếc là dạo gần đây mục í bị bỏ bê, không được cập nhật (cũng có thể đã có nhiều «truyền nhân» cập nhật, viết tiếp trên trang khác mà ta chưa đọc, chưa đến)

  64. đi chỗ khác mà đọc, ở đây chỉ có toàn những bỏ bê thôi, không cập nhật gì hết, và cũng không liên quan trò chạy tiếp sức

    Reply

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư