Lê Lựu: Thời Xa Vắng

Lê Lựu đại náo Huê Kỳ 

Người đã đi Mỹ hai lần

Biết rồi khổ lắm nói mãi

Xuân Sách: Chân Dung Lê Lựu

 

"Nhà thơ nhà nước" (poète d'état) Yevtushenko - trong một cuộc họp báo ở Mỹ, khi được hỏi, tại sao ở Nga có hiện tượng "làm vua suốt đời" như Stalin, trong khi ở Mỹ cứ bốn năm là phải bầu lại tổng thống - đã trả lời, đại khái: Nga là một nước cổ, lâu đời, "vợ chồng" lấy nhau một lần và chẳng nghĩ đến chuyện li dị, trong khi Mỹ là một nước mới lập, cứ thay đổi người tình xoành xoạch!

Đọc Chân Dung và Đối Thoại, đoạn họ Trần kể lại cách ứng xử của Lê Lựu khi được mời qua Mỹ, bỗng nhiên tôi nhớ tới câu trả lời thật "thông minh, dí dỏm" và cũng thật "khôn ngoan, láu cá" của nhà thơ đàn anh của ông.

"Khi hỏi cảm giác của anh tới Liên Xô và Mỹ, anh cười: 'Tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến kinh ngạc. Ở Liên Xô tôi lại tưởng Liên Xô là Mỹ, và khi ở Mỹ thì tôi cứ nghĩ Mỹ là Liên Xô. Còn hỏi về chuyến đi Mỹ của anh thì anh cười hề hề: 'Chẳng có gì to tát, và nghiêm trọng cả. Mình với Mỹ như hai anh láng giềng, có một thời xích mích, gây ra cãi cọ, dẫn tới choảng nhau, rồi thì rào kín cổng ngõ, không thèm nhìn mặt. Bây giờ cơn nóng giận đã qua rồi, cả hai đều muốn ngồi lại với nhau, nhưng anh nào cũng sĩ diện, không muốn làm lành trước, đành nghĩ ra cái mẹo, là xua chó gà sang nhà nhau, rồi lấy cớ ấy mà hỏi qua hàng rào: 'Này bác ơi, bác có thấy con gà, con chó nhà tôi chạy qua bên đó không?' Ấy thế rồi nói chuyện được với nhau đấy. Tôi sang Mỹ là cũng để làm con gà con chó thôi. Có gì ghê gớm đâu cơ chứ".

Nhưng chi tiết sau đây mới thật "tuyệt", theo tôi:

"Có một lần Lê Lựu đến dự cuộc gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn cựu chiến binh, trong một biệt thự sang trọng. Anh ăn mặc lịch sự như một chính khách. Cuộc gặp gỡ được hai bên chuẩn bị chu đáo, nhưng Lê Lựu vẫn băn khoăn, vẫn thấy có một cái gì đó chưa thật ổn thỏa. Anh vội bí mật nhìn trước nhìn sau, xem có ai tò mò để ý đến mình không rồi thì thật bất ngờ, anh vắt cả cái chân còn nguyên tất lên mũi và... ngửi. (Không biết ông có bị "ảnh hưởng" bởi Khrushchev, khi tháo giầy đập lên bàn hội nghị Liên Hiệp Quốc, và ông vua kinh dị Hitchcock đã nhìn thấy tất của ngài Bí thư có lỗ thủng to tổ bố...? NQT). Cử chỉ lạ lùng, quái đản này không lọt qua được mắt các nhà văn Mỹ, đã từng là lính trinh sát trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, họ 'mết’ Lê Lựu ngay từ cái cử chỉ dị mọ rất... Lê Lựu này. Cử chỉ ấy, nếu ở người khác, có thể gây nên sự khó chịu, nhưng ở Lê Lựu, người ta lại thấy đáng yêu, vì nó xuề xòa, tự nhiên và hợp lý như sự sắp đặt của Chúa..."

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta nhìn ra "chính chúng ta" - người Việt xấu xí - ở trong đó: Láu cá vặt. Như những chuyện tiếu lâm về Trạng Quỳnh, Bà Thị Điểm... đối đáp với xứ Tầu. Chuyện ông Trạng xé bỏ bức tranh, vì lầm chim trong tranh là thật: Sẻ làm sao đậu trên cành trúc? Kẻ tiểu nhân làm sao đứng bên người quân tử? Chuyện chọi trâu...

Cũng có thể dựa vào "hiện thực", để bắt bẻ: Cuộc chiến Việt Nam không đơn giản chỉ là chuyện hai ông láng giềng cãi cọ. Bởi vì muốn tránh né nó, hoặc không dám đối đầu, (vì dốt nát, mặc cảm tự ti...?).

Hãy nói qua về phương pháp phê bình (vẽ chân dung) một tác giả, của Trần Đăng Khoa. Họ Trần thường đưa một người lên, trong khi hạ một người khác xuống. Phê bình Nguyễn Tuân, có ngay một Vũ Bằng. Cũng vậy với Lê Lựu: có ngay một Nguyễn Mạnh Tuấn. Theo tôi, là như thế này: Vấn đề đặt ra trong Cù Lao Tràm là có thực: nhu cầu đổi mới trong văn chương, trong đời sống, trong đạo đức, trong quan hệ giữa người và người. Nhưng Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ mới khua động nó lên. Ngoài ra còn tài năng, can đảm của người viết. Với họ Nguyễn: cuốn sách vẫn được viết dưới ánh sáng của Đảng, của chủ nghĩa hiện thực vào thời điểm "đọa đầy" nhất của nó, báo trước sự xuất hiện Chuyện Thằng Cuội, một tác phẩm cũng của Lê Lựu, mà theo như dư luận, và Trần Đăng Khoa đánh giá: "Hỏng! Một cuốn sách phản động. Bôi nhọ xã hội. Thật bậy bạ quá mức... Không ngờ lão (Lê Lựu) đổ đốn thế... Ấy là lối viết tự nhiên chủ nghĩa, nhiều chỗ tuột khỏi văn chương, trượt sang phạm trù mất vệ sinh, khiến người đọc cảm thấy ghê sợ vì nó cứ bẩn bẩn thế nào..."

Trong Thời Xa Vắng, người đọc chỉ có thể mường tượng ra, chân dung một tác phẩm lớn: một cá nhân - một anh chàng nông dân Bắc Kỳ, trước hai cuộc đổi đời vĩ đại: chống Mỹ cứu nước, thống nhất hai miền thoát khỏi ngoại bang, và thoát khỏi... cô vợ: cái cùm do Đảng đè lên đầu lên cổ anh. (Đảng ở đây, còn mang tính truyền thống, dân tộc: ngày xưa cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy, bây giờ Đảng bắt lấy ai, phải chịu phép!) Bởi vậy, Trần Đăng Khoa đã không hiểu được thái độ của Lê Lựu là vậy: "Thằng Sài ghét vợ nó đã đành, vì nó lấy phải người nó không yêu, nó quẫn nên mới đâm lẩn thẩn, tàn nhẫn như thế, chứ còn bác thì có gì mà bác cũng căm thù vợ Sài đến như vậy? Cô ấy có tội tình gì?"

Hận thù ở đây không mang tính cá nhân, vợ chồng.

Hiểu theo một nghĩa nào đó, cô vợ còn là một điểm chỉ viên, của Đảng.
*
"Tất cả những nhà văn sáng suốt (đều) diễn tả một trận đánh, và công thức của Kafka - 'Thượng Đế không muốn tôi viết, nhưng tôi, tôi phải (viết)' - có thể dùng làm khẩu hiệu của họ. (Tous les écrivains lucides décrivent un combat, et la formule de Kafka: 'Dieu ne veut pas que j'écrive, mais moi je dois', pourrait leur servir de devise. Philippe Sollers: L'écriture au combat, bài giới thiệu một tập gồm những truyện chưa từng in ấn của Hemingway).

 Trong Thời Xa Vắng có một trận đánh, nhưng không phải cuộc chiến mà chúng ta nghĩ: xâm lăng Miền Nam. Vì không có trong tay văn bản, lại đọc nó từ một thuở xa xưa nào ở quê hương, người viết không thể có một cái nhìn thật chính xác về tác phẩm này. Nhưng qua tóm tắt của Trần Đăng Khoa:

"Lại còn một lớp phụ nữa không kém phần rôm rả, thú vị. Ấy là cảnh chiến tranh, ồn ào khói lửa, súng ống. Người đọc được sống lại những năm tháng hào hùng sôi động. Những năm ấy, người ta có thể xé bỏ giấy triệu tập đi học nước ngoài, lấy máu viết đơn (xin) ra mặt trận. Đó là một giai đoạn lãng mạn có thật mà Thời Xa Vắng đã đề cập đến một cách khách quan. Nhưng tất cả những ngón trò ấy chỉ là những lớp phụ".

Cuộc chiến mà Lê Lựu diễn tả - đúng như quan niệm của P. Sollers khi định nghĩa văn chương và nhà văn "sáng suốt" - nằm ngay trong cái tên truyện Thời Xa Vắng theo Trần Đăng Khoa:

"Thì Lê Lựu đã nói thẳng ra thế, nói ngay ở ngoài bìa sách. Đây là một chuyện của một thời mà Lê Lựu gọi nó là "Thời Xa Vắng". Xa mà không xa. Nó vẫn ngự trị, vẫn treo lơ lửng đâu đó ở trên đầu mỗi người như một bóng ma. Nó là nỗi ám ảnh kỳ quái nhưng lại có sức mạnh thần linh. Và vì nó tồn tại vô hình, nên người ta mới sợ. Sài sợ... Cả ông Hà bí thư, người lãnh đạo cao nhất trong Thời Xa Vắng cũng sợ nốt. Ở cái xứ sở kỳ quái ấy, con người dường như chỉ tồn tại mà không được sống, không được làm người. Sài đã chiến đấu quyết liệt để giành lại cho mình cái quyền làm người, nhưng anh đã thất bại thê thảm."

Đó mới là cuộc chiến đích thực của "Cu Sài". Cuộc chiến chống lại một Thời Xa Vắng, - nói theo nhà văn nữ người Nga, T. Tolstaya - nằm đâu đó bên dưới những tầng sâu hoang vắng của lịch sử Nga, từ đó nhô lên bông hoa độc: chủ nghĩa toàn trị.

*

Cái vụ ngửi tất, Gấu cũng đã từng hồi vừa mới qua xứ lạnh. Ở xứ nóng, nhất là ở Miền Nam, gần như suốt đời Gấu không phải sử dụng đến đôi tất, những ngày trước 1975, hình như có đôi ba lần, còn sau tuyệt. Sang đến xứ lạnh, tất nhiên phải đi tất, đi giầy, không phải thứ giầy thường.

Và còn phải đi học tiếng Anh, những lớp ESL, dành cho người mới tới.

Thế rồi, một bữa đang học, người nó nhìn người kia, và cuối cùng, có vẻ như mọi cái nhìn đều chiếu về phía Gấu, trong khi Gấu chẳng để ý đến, vì bận ngửi, và rồi cũng nhận ra cái mùi khó chịu, là từ đôi chân Gấu mà ra.

Thế là tháo giầy, tháo tất, và chẳng cần đưa lên mũi ngửi.

Được cái, cả lớp, sau khi kiếm ra thủ phạm, thì đều quay đi. Đành chịu cái mùi khó chịu suốt buổi học.

Thăm nhà văn Lê Lựu, nhớ về một thời ở đảo

Nhà văn Lê Lựu (giữa), bên phải là tác giả bài viết, bên trái là đạo diễn Lê Đức Tiến. Ảnh chụp đầu năm 2019.
Nhà văn Lê Lựu (giữa), bên phải là tác giả bài viết, bên trái là đạo diễn Lê Đức Tiến. Ảnh chụp đầu năm 2019.
% buffered 00:00
05:57

Nắng nóng như lò trong ngày tháng 7, tôi và đạo diễn Lê Đức Tiến đi 15 cây số đường nội thành đang buổi vào tầm đến thăm nhà văn Lê Lựu ở Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, ngõ 319 đường Tam Trinh (Hà Nội).

Ba chúng tôi may mắn có nhiều cơ duyên để làm nên bộ phim "Sóng ở đáy sông" từ hơn 20 năm trước. Và nay đang rốt ráo chuẩn bị làm phần 2, nhà văn Lê Lựu được chúng tôi mời làm biên tập. So với mọi năm, ông yếu đi nhiều lắm. Trong câu chuyện về đời lính của “một thời xa vắng” chưa xa, mắt ông bỗng sáng lên khi tôi nhắc về những kỷ niệm với bộ đội đảo Hòn Mê (Thanh Hóa). Thời chiến tranh chống Mỹ, trước khi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm nhà văn chuyên nghiệp, Lê Lựu là phóng viên trụ cột của báo Quân khu 3 (còn gọi là Quân khu Hữu Ngạn, bao gồm cả Thanh Hóa). Ông đã bám trụ viết hàng trăm bài báo về quân dân xứ Thanh sản xuất và chiến đấu ở tuyến đầu phía nam của quân khu, trong đó, đảo Hòn Mê và khu vực Hàm Rồng Nam Ngạn là điểm mút chiến trận... 

***

Cuối năm 1972, ở đảo Mê, tôi đang cùng phân đội trực chiến thì có điện thoại gọi khẩn từ sở chỉ huy. Khi tôi vừa đến, trung tá đảo trưởng Lê Hồng Nga còn chưa kịp nói lý do cho gọi tôi thì ba ông sĩ quan đi vào. Một thiếu tá, một đại úy và một trung úy. Ông đại úy cao phải hơn thước tám, người đen trũi và chắc nịch như một cây gỗ lim; ông thiếu tá dáng người vừa phải, rắn rỏi, da ám màu sốt rét có cái miệng cười rất tươi; ông trung úy, người tầm thước râu quai nón, lông mày rậm, tóc dày xõa nét viền loăn xoăn xuống gần nửa cái trán thấp. Ba ông đều mặc áo khoác dạ quân dụng có đai, đội mũ mềm và thái độ rất gần gũi, rất lính tráng. Ông trung úy râu quai nón vỗ vai, thân mật bảo tôi: “Anh nuôi đãi gạo vội/ Vo lẫn lời cúc cu”. Không ở đảo thì không viết được những câu như thế!”. Tôi ngượng chín người vì hai câu đó là thơ báo tường của tôi viết về loại chim cu ghì, một đặc sản của đảo Mê mà chắc là ông trung úy vừa mới đọc ở câu lạc bộ của lính đảo.

Sau đó, tôi được đảo trưởng cho biết, ông thiếu tá chính là nhà văn Mai Vui - Tổng Biên tập báo Quân khu 3, người có cuốn truyện vừa "Từ một góc Tà Cơn" viết rất sinh động về cuộc chiến ở phía tây Quảng Trị. Ông đại úy là kỹ sư công trình quốc phòng Lương Hiền (giờ đã là cố nhà văn Lương Hiền), người ra đảo để thiết kế  những hầm pháo bán lộ thiên. Còn trung úy trẻ là nhà văn Lê Lựu đang nổi tiếng như cồn với tác phẩm "Người về đồng cói" được dựng thành phim. Bộ phim có cô Riêng xinh đẹp nền nã chân quê (do NSƯT Thanh Loan thủ vai) mà tuần trước lính đảo mới xem. Thấy tôi cứ một điều thủ trưởng, hai điều thủ trưởng trong xưng hô, Lê Lựu cười, bảo: “Ở đây, chú em chỉ cần gọi đảo trưởng Lê Hồng Nga của chú và nhà văn Mai Vui - tổng biên tập của tớ - là thủ trưởng thôi. Còn lại, chúng ta đều là lính tráng, chỉ hơn nhau tí chút thâm niên, gọi thủ trưởng, anh ngượng lắm! Nhớ nhé!”. Chiều hôm đó, tôi được ở lại ăn cơm với chỉ huy đảo và ba vị khách. Trong bữa, trung úy Lê Lựu cho biết, ông thích bài thơ "Bắt đầu từ tháng Giêng" của tôi trong báo tường đón năm của đảo. Nếu tôi đồng ý, ông sẽ nhờ điện đài của đảo trực tiếp đọc cho bạn ông là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh - biên tập viên Ban Thơ, Văn nghệ Quân đội ghi lại, biên tập để trình in. Ôi trời! Làm sao tôi lại không đồng ý chứ?

Ngày hôm sau, thiếu tá Mai Vui và đại úy Lương Hiền về đất liền, trung úy Lê Lựu ở lại đi thực tế sáng tác hai tháng. Đảo trưởng Lê Hồng Nga giao cho tôi tháp tùng nhà văn Lê Lựu đến từng khẩu đội trên đảo. Lê Lựu kể chuyện phim mê ly như diễn viên thượng thặng, ông có trí nhớ tuyệt vời, dựng lên trước người nghe bộ phim miệng “Người về đồng cói”. Lời thoại không sai một từ. Ông còn bắt chước giọng nữ mỗi khi đến đoạn cô Riêng nói với người yêu là nhân vật Lê Văn trong phim, lính tráng chúng tôi cứ há hốc miệng mà “nuốt” từng lời.

Dưới con mắt của lính đảo, quanh năm chỉ tiếp xúc với trời nước, ngày ngày đêm đêm phải đối mặt với máy bay tàu chiến và bom đạn giặc, ông Lê Lựu là người trời. Nhiều chàng lính trẻ bắt chước cách Lê Lựu pha trò nói vui, cách Lê Lựu thắt dây lưng hơi trễ phía trước, cách Lê Lựu để tóc xõa trước trán... Những ngày Lê Lựu ở đảo là những ngày hội của cánh lính trẻ chúng tôi.

Nhờ có bài thơ "Bắt đầu từ tháng Giêng", năm 1974, tôi được dự trại viết của Quân khu 3 ở Tiểu đoàn Công binh 27 do đại úy Lương Hiền làm tiểu đoàn trưởng. Các thầy trong trại của chúng tôi gồm nhà văn Mai Vui, nhà thơ Duy Khán, nhà văn Lê Lựu (lúc này đã về Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Nhà văn Lê Lựu giúp chúng tôi hoàn thiện tác phẩm. Khi đến lượt tôi được thầy Lựu góp ý, ông rủ rỉ khuyên: Viết văn thì cứ phải hùng hục mà viết, phải vừa viết vừa khóc như cụ Nguyên Hồng. Anh em mình trẻ, mới vào nghề thì càng phải cần cù hơn. Ngòi bút, trang giấy và ngồi lì, viết đến vã mồ hôi, đến mờ mắt là người thầy vĩ đại nhất trong nghề viết văn.

Kết thúc trại viết không lâu, truyện ngắn "Chị dâu" có “dấu ấn” bộ đội Đảo Mê của tôi được đăng trên Báo Quân đội Nhân dân. Trong dịp về Báo Quân khu họp cộng tác viên, tôi từ trạm 31, thị xã Hà Đông ra số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội nhận nhuận bút, là 30 đồng (tiền trước năm 1975). Từ tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân, tôi tắt sang số 4 Lý Nam Đế mời nhà văn Lê Lựu đi ăn phở. Ông từ chối và bảo tôi ra Hàng Đào mua cho mẹ một cái áo bông, tiền còn lại thì mua quà về đảo liên hoan với anh em. Nói xong, ông lấy xe đạp đèo tôi đi mua áo rồi đèo tiếp ra ga. Ông rẽ qua chợ Hàng Da mua cân chè và 5 bao thuốc lá Trường Sơn gửi tôi mang về cho phân đội trực chiến ở cực đông nam đảo Mê.

Cách đây mấy năm, có dịp trở lại đảo Mê, đến phân đội cũ gặp cánh lính trẻ,  tôi kể ngày xưa nhà văn Lê Lựu đã đến đây nói chuyện phim "Người về đồng cói". Nhắc đến Lê Lựu, cánh lính trẻ bàn rôm rả về tiểu thuyết "Thời xa vắng". Tôi hỏi một hạ sĩ, thích đoạn nào nhất trong sách, anh đưa ngón tay cái lên dứ dứ và nói, đoạn Sài với Hương trên bè nứa, Sài đã bật được cúc áo ngực của Hương nhưng rồi không biết cách... tới như thế nào. Hai người ngủ quên cho đến sáng và người đi đường trông thấy rồi bị tiếng là hủ hóa... Theo hạ sĩ, tình tiết ấy thật là văn chương, thật tinh tế đến trên cả lịch sự...

***

Thế mà đã 48 năm trôi qua! Nghe tôi nhắc lại kỷ niệm cũ, bàn tay nhà văn Lê Lựu nắm chặt lấy tay tôi, môi ông khẽ mím lại và nước mắt bỗng trào ra. Hẳn trong tâm khảm của vị đại tá già, phóng viên trận mạc, nhà văn áo lính Lê Lựu, người đã một thời gắn bó với Hòn Mê và bộ đội Hòn Mê, đang dội lên những ký ức rói tươi về về những ngày chiến trận nơi đảo tiền tiêu của Thanh Hóa anh hùng.

Lê Ngọc Minh

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates