Huỳnh Phan Anh Tribute
Khu Chợ Đũi,
Huỳnh Phan Anh, và tôi
HPA tại nhà, ở 1 con hẻm đường Trần Quí Cáp, 2001 or 2002
HPA & Phạm
Năng Cẩn tại 1 tiệm thịt chó ở khu cầu Thị Nghè, Sài Gòn, cc 2001
GCC & HPA @ Nhà Thờ Thánh Tâm Paris, 1999
Hồi mới tới
Sài-gòn, nơi chốn đầu tiên mà tôi làm quen, là khu chợ Vườn Chuối.
Chuyến đó ở trên tầu Rắn Biển, Marine Serpent hơi lâu, vì phải đợi ngài Hồng Y Spellman ghé thăm và ban phước lành cho đồng bào di cư.
Trong khi chờ đợi, chẳng biết làm gì, họ kéo nhau lên boong, ăn hột vịt lộn từ mấy chiếc ghe nhỏ chuyền lên, ngắm thành phố, làm con tầu khổng lồ nghiêng hẳn sang một bên.
Xưa quá rồi Diễm ơi, nhưng sao thỉnh thoảng vẫn mơ thấy những con sóng đuổi theo con tầu như cố níu kéo, mấy bà Bắc-kỳ hè nhau mở cánh cửa khoang tầu thay vì nhẹ nhàng vặn vô lăng, mấy đấng đàn ông đứng ngay trên boong "mở cửa sổ ngó xuống biển", gió tạt vào mấy anh lính thuỷ hạm đội 7 ở phía dưới.
(A, thì ra đó là lý do tại sao nước biển mặn. Cả triệu con người chứ ít ỏi gì! Nhân vật Nguyễn của nhà văn thèm giang hồ, nhân một chuyến đi xa, đành soi gương, vuốt tóc, bằng bãi nước anh ta vừa thải, đám di cư còn "cơ may" tới được Miền Nam, đâu có suốt đời phải "phóng uế" nơi đất người; phải có "căn phần" mới được như Tôn Ngộ Không đi khắp ta bà, tận cùng thế giới, tè một "phát" mà vẫn chưa ra khỏi bàn tay của quê nhà, ôi cái thú ăn, ngủ, đụ, ị, ở nơi quê hương, dân lưu vong dễ gì có được!)
Dải đất hình chữ S xa xa, dọc theo con tầu, lúc ẩn lúc hiện...
Chuyến đó đi một mình. Bà cụ cố vớt vát được đồng nào hay đồng đó, ở những phiên chợ Trời mọc lềnh khênh suốt thành phố Cảng. Chúng mới được di cư từ Hà-nội xuống. Thủ đô lúc này đã được tiếp quản, nhưng Hải-phòng còn chút ân huệ 300 ngày.
Chả là, ông anh rể lấy bà chị họ, làm nhân viên Nha Thông Tin, sở làm ngay kế bên Bờ Hồ; khi xẩy ra vụ di cư, ông nhẩy qua quân đội, lãnh chức sĩ quan đồng hóa, và lo việc tiếp rước đồng bào tại đầu cầu Hải-phòng. Bà mẹ và đứa em ở lại đi chuyến chót, cùng ông anh. Cho thằng em vào trước lo việc học.
Rời con tầu, mỗi người được phát 300 đồng. Những chuyến trước, tiền di cư "tính liền", nhưng chuyến đó, chỉ nhận được một mẩu biên nhận, mấy ngày sau tới Tổng Uỷ Di Cư, ở đường Trần Hưng Đạo đổi lấy tiền mặt.
Nếu không đến nhà bà chị ở khu Vườn Chuối, biết đâu lại có dịp tái ngộ người bạn Hà-nội, Đỗ Tiến Đức ở Nhà Hát Lớn thành phố, hoặc quen Viên Linh ở khu lều di cư Phú Thọ, ngay khúc trường đua.
Xưa quá rồi Diễm ơi.
Trường Nguyễn Trãi khi đó bị xóa sổ. Đây là nói về trường Nguyễn Trãi di cư, như Chu Văn An di cư, không phải trường Nguyễn Trãi sau này, ở miệt Khánh Hội.
Mò đến Hồ Ngọc Cẩn; thầy giám thị phán, "mê Hà-nội vào trễ, học lại lớp cũ."
Tiếc một năm đèn sách, đành nhẩy ra trường tư. Ngày ngày lãnh trách nhiệm xách một thùng nước cho bà chị có sạp bún chả tại chợ Vườn Chuối, rồi băng con hẻm cắt ngang Phan Đình Phùng, Trần Cao Vân, Hồng Thập Tự. Trường Văn Lang của thầy Nguyễn Khắc Kham nằm trong một con hẻm ở đường Ngô Tùng Châu, kế nhà thờ Huyện Sĩ.
Nhà của Huỳnh Phan Anh nằm ngay đầu con hẻm ăn ra đường Hồng Thập Tự, Khu Chợ Đũi. Nhà "cô bé" [BHD], cũng kế đó. Gần ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng.
Trường học của cô bé, trường Kiến Thiết cũng kế đó, cách con hẻm "Huỳnh Phan Anh" vài chục bước chân.
Khu này vốn nổi tiếng vì mấy tiệm sách cũ, Huỳnh Phan Anh và tôi đã từng lục lọi những số báo nrf, những cuốn tiểu thuyết đen, série noire.
Ít người Sài-gòn quên được món cơm xá xíu ngay đầu con hẻm Kiến Thiết.
Mấy đứa em của Huỳnh Phan Anh có đứa học chung với cô bé.
Đó là những chuyện sau này.
Tôi ở khu chợ Vườn Chuối tới năm học Đệ Nhị, rồi qua Thủ Thiêm trọ học, nhờ bà cô mỗi tháng từ Pháp gửi tiền về, cộng thêm tiền làm nghề "trợ giáo". Mãi sau này, khi quen cô bé, tôi mới lại lảng vảng ở khu đầu đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng.
Rồi khi quen Huỳnh Phan Anh, mới trở lại con hẻm cũ.
*
Tôi "biết" Sài-gòn, phần lớn là qua "ông thầy" Huỳnh Phan Anh. "Thằng chả" dậy tôi chơi banh bàn, bi da. Quán bi da nổi tiếng mà lâu ngày tôi quên mất tên, [Huỳnh Kỳ?], ở khu Ngô Tùng Châu, gần trường Nguyễn Bá Tòng, là nơi hai đứa nhiều ngày đứng suốt buổi, khi ra khỏi quán hai chân rã rời, kéo nhau băng qua đường, leo lên gác xép ngủ.
Nhà Huỳnh Phan Anh là nơi lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái bàn ăn "dã chiến", khi ăn mở ra, ăn xong xếp lại. Đứa em trai nói ngọng. Mấy chị em là nguồn kinh tế của hai đứa chúng tôi. Rồi thằng chả dậy tôi "xóm" nghĩa là gì.
Sau này học trò vượt ông thầy. Tôi sa xuống mãi đáy Sài-gòn, những nơi chốn mà bạn tôi đã từng căn dặn chớ mò tới.
Cái trò đọc sách trong một quán chệt, chỉ cần một ly cà phê túi, hoặc ly hồng xà (hồng trà), rồi cứ thế ngồi suốt buổi, là cũng do anh truyền cho tôi.
Và hai đứa chia nhau kinh nghiệm đọc, nhờ nó. Có lần anh kể cho tôi nghe, bữa trước đọc Buồn Nôn, La Nausée, tới đoạn Roquentin đi trong thành phố Bouville, "một mình mà như cả một đoàn quân đang xuống phố"; "đọc tới đây, thú quá tao cũng bỏ ra ngoài đường lang thang một hồi...", và có lần cũng cảm thấy, như Roquentin, "tương lai đang chờ đợi ở một ngã tư đầu đường".
Tôi cũng có những kinh nghiệm y hệt như vậy.
Qua anh tôi có được quá nhiều bạn: Dương Văn Ba, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đồng, Hoàng Ngọc Biên, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật... Có thời gian tôi "cộng tác" với báo Điện Tín, là do anh.
Thân nhất, có lẽ là lúc anh đang học Sư Phạm Đà Lạt. Tuần nào tôi cũng nhận được thư. Anh vốn là một con người rất cứng rắn, "dur", ít khi bộc lộ tình cảm. Những lá thư là một Huỳnh Phan Anh "đích thực", đối với tôi.
Lần đầu tiên tôi biết Đà Lạt là lần lên thăm anh. Đúng vào dịp Giáng Sinh, với một người bạn. Cả ba đi lang thang ngoài đường đến gần sáng, say, hát, la, rống dọc theo những con dốc.
Lần đó, tôi có cảm tưởng sống lại Hà-nội, và mơ hồ hiểu được tâm trạng của những người lính lê dương nhớ nhà, say sưa giữa thành phố, giữa cuộc chiến "không phải của họ".
Với Huỳnh Phan Anh, tôi chỉ ân hận một điều, anh dậy tôi nhiều quá, còn tôi, chỉ có một bài học, đúng ra là một kinh nghiệm, mà không làm sao nói lại cho anh hiểu: tại sao bỏ vào Nam.
Nhưng câu hỏi đó, cho đến nay tôi cũng vẫn chưa trả lời được, cho chính tôi.
Cuốn truyện đầu tay của tôi là cuốn mở đầu nhà xuất bản Đêm Trắng do anh chủ trương. Thoạt tiên "gạ" ông Nguyễn Đình Vượng, nhưng gặp Trần Phong Giao cản đường.
Của đáng tội, thư ký tòa soạn báo Văn không tin cuốn sách sẽ bán được. Tác giả cuốn sách cũng nghĩ vậy. Huỳnh Phan Anh "xúi", thì bỏ tiền ra in, tao làm nhà xuất bản. Anh nhờ Nguyễn Đồng làm bìa. In 2000, đến nhà phát hành Sống Mới, gặp ngay Nguyên Vũ, hình như đang là tác giả có sách bán chạy nhất lúc đó. Anh nói vô, ông chủ mua cho 300 cuốn. Còn lại bán lai rai, cũng thu đủ vốn.
Khi đọc tên tác giả, tác phẩm: đứng hàng thứ bẩy, trong danh sách 12 nhà văn phản động đồi truỵ, trên báo Tin Sáng, ngay sau khi Việt Cộng vào Sài-gòn, (đây là danh sách đầu tiên, sau được bổ sung thêm, thành 19, rồi cả Miền Nam, trừ mấy anh nằm vùng, tất nhiên), tôi sợ, (có), hãnh diện, (có), nhưng thật sự ngạc nhiên. Bởi vì tôi không thể tin, cuốn sách được mấy ổng chiếu cố kỹ đến như vậy.
Tôi không tin cuốn sách còn, nếu có chăng, may ra ở trong thư viện.
Đã bao lần tôi cầu mong nó quên tôi, như tôi quên đã quên nó.
NQT
Gặp gỡ cuối năm
Nhà văn Guenter Grass, khi Đức quốc còn bị chia đôi - bởi vì tên ông luôn được nhắc tới, ròng rã trên hai thập kỷ - ông vẫn thường tự hỏi, tại sao không chia giải thưởng Nobel, cho hai nhà văn thuộc hai miền của một đất nước bị chia cắt, cho Christa Wolf, và tôi? Và, "hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…", khi mấy ông Hàn Thụy điển đóng kín cửa phòng lo tranh cãi, bàn bạc, Guenter Grass bảo cô thư ký, họ lại ỳ ra thôi, và chúng ta sẽ có một mùa thu tuyệt vời!
Khi nghe tin được giải, ông nhắc lại đề nghị, nhưng mấy ông Hàn lắc đầu.
Và ông kết luận: may mắn thay, cả hai chúng tôi đều sống sót.
Grass cho rằng, cũng như ông, Wolf, bằng tác phẩm đã cố gắng ngăn chặn một sự "chia cắt vĩnh viễn" nước Đức. Tình bạn và sự kính mến giữa hai người, đã có từ nhiều năm. Nhân dịp sinh nhật thứ 70 của ông, Wolf đã viết thư chúc mừng, kể kỷ niệm, về cảm giác lúc nào cũng thấy ông hiện diện, nhưng không đâu bằng, ở Dantzig-Gdansk. "Bạn đã 70 tuổi rồi. Không có bạn, tôi không thể nào tưởng tượng ra được phong cảnh văn hóa Đức. Hãy cứ khỏe mạnh. Và hãy lấy cái ống vố ra khỏi miệng nhé!"
Theo Grass, sau chiến tranh và suốt chiến tranh lạnh, nước Đức bị tuyệt đối chia cắt về kinh tế, ý thức hệ, quân sự, nhưng hai nền văn chương, không bao giờ bị đứt đoạn. Trong bài phỏng vấn trên tờ Magazine Littéraire, sau khi được Nobel, ông nhớ lại những chuyến vượt bức tường qua Đông Bá Linh gặp bạn văn, trong những căn hộ ấm cúng, khi ra về trời đã khuya, vui như Tết, hồn thoáng chút hơi men, và tội nghiệp cho mấy tay mật vụ suốt buổi ở bên ngoài trời lạnh!
Người viết cứ luẩn quẩn với những điều Grass viết, nhân chuyến gặp gỡ ông bạn cũ Huỳnh Phan Anh, ở nơi xứ người. Bên chai rượu đỏ, tại sao chúng tôi không có quyền đi một đường cảm khái: may mắn thay, cả hai vẫn còn sống!
Nhưng gặp ở đâu, chứ ở Paris thì còn ca cẩm gì nữa!
Thầy Thanh Tuệ & Hai Lúa
@
Chùa Khánh Anh [cũ], Paris.
Huỳnh Phan Anh, sau 1975, có vẻ như
không gặp rắc rối gì
nhiều với chế độ mới. Nhưng có lẽ đó chỉ là bề mặt của câu chuyện. Lần
đầu
tiên, anh cho biết, vợ và hai con gặp tai nạn khi vượt biển. Tôi đã
được nghe,
cũng chỉ có vậy, và anh cũng không nói thêm chi tiết, như chỉ muốn xác
nhận một
chuyện mà bất cứ một người dân Miền Nam nào cũng biết, cũng
hiểu. Như
chỉ muốn xác nhận, tao vẫn vậy, vẫn "dur" (cứng rắn), như ngày nào.
Và anh quyết định cho cháu gái may mắn, không có mặt vào giờ chót ở
chuyến
trước, đi chuyến liền sau đó. Bà chị lớn hiện ở Mỹ, nhân dịp này đi
cùng cháu
gái qua Paris
thăm anh. Tôi hỏi về cô em gái, tên Như, trong nhà gọi Bé. "Nó ở Đức.
Cả
nhà tao vẫn mến mày như ngày nào." Cô em, bây giờ đã có gia đình, vậy
mà
vẫn chưa quên, cái cảm giác sững sờ, khi nhờ bạn ông anh giải giùm một
bài toán
hắc búa. "Nó nói, chưa bao giờ gặp một người giỏi toán như vậy!"
Kiệt Tấn & Hai Lúa
Cô Bé này, học cùng lớp với "cô bé" của tôi, những năm đầu trung học. Anh bạn chắc vì thương tình, không nhắc chuyện, khi em anh đọc truyện tôi, về cái cảnh thất thểu chạy theo "cô bé" nơi cổng trường Đại Học Khoa Học...
"Nó đọc và khóc vùi! Đúng là cải lương!", anh kết luận, về văn chương của tôi!
Bạn cứ thử tưởng tượng, hai thằng bạn văn, người Việt, sau cuộc chiến 30 năm vui sao nước mắt lại trào, sau thống nhất 29 năm (lúc này trên tháp Eiffeil, là dòng chữ tiếng Pháp 59 ngày trước năm 2000), vậy mà muốn gặp nhau phải... hẹn hò ở Paris!
Nhờ hên thôi, anh nói. Qua mấy ngày gặp, anh vẫn còn "nắc nỏm", tao không thể tưởng tượng, có ngày lang thang ở Paris!
Anh cho biết, chỉ riêng năm vừa qua, có 10 đầu sách xuất bản, toàn là sách dịch. Tôi hỏi về tin, anh được nhà thơ Pháp Yves Bonnefoy, với tư cách cá nhân, bỏ tiền túi ra mời anh qua thăm Paris. (Anh có dịch một tuyển tập thơ của ông Tây này, xuất bản dưới dạng song ngữ). Anh nói, "lúy" có viết thư, gợi ý hai lần, nhưng tao không ưng (thấy ngại quá!). Chuyến đi này, là do một tay Tùy Viên Sách (Attaché du Livre) của Tòa Đại Sứ Pháp. Đề nghị lâu rồi, không đi được, không phải nhà nước ngăn cấm, mà vì không đào đâu ra tiền giấy máy bay. Cuối cùng người tùy viên tốt bụïng lại phải lo giùm thêm khoản này.
Huỳnh Phan Anh được học bổng đi Pháp ba tháng, nghiên cứu về "trường" (champ) dịch thuật. Nghe nói, giới dịch thuật "chính thức" trong nước có vẻ "bực" (hay nực?) vì chuyện này. Nhưng đây là tại "thằng Tây" nó muốn cho ai thì cho chứ mắc mớ gì tới chuyện Nam Bắc kỳ, chia để trị, (văn sĩ) chính thống hay tề ngụy!
Lớp học trò chúng tôi, đa số biết Paris qua... Thanh Tịnh. Con đường tới Paris bắt đầu bằng cảnh: mẹ tôi âu yếm dẫn tay tôi trên con đường làng, tôi vẫn quen đi lại nhiều lần, nhưng lần này tôi thấy lạ. Con đường làng Việt Nam dẫn hai đứa chúng tôi tới những lối đi nơi vườn Lục Xâm Bảo, và bầu trời hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc của Thanh Tịnh, bỗng lẫn vào bầu trời chập chùng Mùa Thu Paris, những chiếc lá vàng rơi trên những pho tượng trần, những bữa cơm tối ăn dưới ánh đèn... ôi chao, tôi lại thấy cảnh này, ở nơi vườn Bờ Rô Sài Gòn, những ngày quen cô bé...
Thanh Tịnh, là của thời con nít. Gần gụi hơn, là những câu thơ, thí dụ như "hãy cho anh một tí Paris, để anh làm thi sĩ...", (mô phỏng thơ Thanh Tâm Tuyền), hoặc "ga Lyon đèn vàng..." của Cung Trầm Tưởng.... hay là những trang nhật ký của Roquentin, mùi củi ướt tại một xưởng thợ, và câu văn khép lại cuốn Buồn Nôn của Sartre: Ngày mai trời sẽ mưa trên thành phố Bouville. Chúng đã khiến cho những chiếc lá của Anatole France trên một con đường làng Việt Nam đột ngột sống lại, cùng với thời mới lớn của lũ chúng tôi.
Không biết Thanh Tâm Tuyền đã làm một chuyến ngao du "Về Miền Tây" nào chưa, nhưng thay vì một tí Paris, là những dòng Thơ ở giữa chiến tranh và trại tù. Còn nhớ, những ngày đài phát thanh Sài Gòn, bằng một cái giọng thật ư là đều đều, đọc danh sách những người phải trình diện, tôi bảo ông, bữa trước có nghe tên một người bạn của anh..., ông vỗ đùi đánh đét, thế là sắp tới tao rồi! Thanh Tâm Tuyền trước đó đã mất hai năm lính, vừa được giải ngũ ít lâu thì xẩy ra vụ Mậu Thân, và sau đó là lệnh Tổng Động Viên. Hồi còn la cà ở Quán Cái Chùa, đường Tự Do Sài Gòn, tôi và Huỳnh Phan Anh hay được dịp ngồi chung bàn với ông. Huỳnh Phan Anh cho biết, sau khi ông đi cải tạo về, có gặp, và một lần có kéo ông tới một "căng-tin", làm vài hơi bia. Trong số những cô gái phục vụ, có một cô rất mê thơ Thanh Tâm Tuyền. Bài hát tủ của cô: Lệ Đá Xanh. Cô bé thật tình muốn trổ tài trước nhà thơ, nhưng ông lắc đầu. Tôi nghĩ thầm: sau một trận tù dài như thế, vừa mới về nhà gặp vợ gặp con chưa hoàn hồn làm sao mà Giang Châu Tư Mã đầm đìa áo xanh cho được!
Chưa hoàn hồn... tôi lại nhớ tới một "tục lệ" của người dân ngoài Bắc, mà tôi đã được trải qua. Lần đó, mê chơi bi, hòn bi lăn mãi tít vô gầm chiếc rương lớn chứa thóc. Lui cui bò vô, hai chiếc mễ gỗ quá mục, sụp xuống, chiếc rương thóc đè lên thằng nhỏ. Người lớn lôi ra, thằng bé ngơ ngác, mắt lé [lác] xệch. Mấy người lớn tuổi nói: nắm cho nó mấy nắm cơm, để chuộc lại ba hồn bẩy vía.
Lại nói chuyện dịch. Huỳnh Phan Anh "khoe", nếu
mày về Sài Gòn, vào tiệm sách, là thấy sách của tao bầy la liệt...
Anh dịch khủng khiếp thật! Trước 1975,
cuốn "đắc
ý" của anh, có lẽ là "Ca Ngợi
Triết Học", dịch Merleau-Ponty,
một trong hai người chủ trương tờ Thời Mới. Sartre đã từng ca
ngợi bạn, trong
khi ông
còn mê mải với hiện sinh, Merleau-Ponty đã bước qua hiện tượng luận.
Ông [Merleau-Ponty] còn là
một trong những chuyên gia "nghiêm túc" về chủ nghĩa Cộng Sản, và đã
tìm ra những mắt xích dễ gẫy của nó. Không hiểu vào những năm 1960,
trước bóng
ma của một chiến thắng của Miền Bắc, anh bạn tôi khi dịch Ca Ngợi Triết
Học, có
nghĩ tới những dòng của Merleau-Ponty, trong cuốn Ký Hiệu (Signes,
1960):
"Chủ nghĩa Mác-xít tìm thấy trong lịch sử, những thảm kịch trừu tượng
về
Hữu thể và Hư vô và đặt vào đó, một gánh nặng siêu hình lớn lao; điều
này đúng,
vì nó nghĩ tới bộ khung, tới kiến trúc tính của lịch sử, tới sự xen
lấn, bổ
sung, giữa vật chất và tinh thần, giữa con người và thiên nhiên, giữa
hiện hữu
và ý thức, trong khi triết học chỉ đưa ra một bài toán đại số, và bản
thiết kế.
Thu tóm toàn bộ nguồn gốc nhân loại, chính trị cách mạng đi qua trung
tâm siêu
hình này. Nhưng trong thời kỳ gần đây, chính trị chỉ là thủ đoạn, một
chuỗi đứt
đoạn những hành động, những giai đoạn không có ngày mai, và người ta
'buộc' vào
đó tất cả những hình thức của tinh thần và cuộc sống. Thay vì nối kết
những đức
hạnh, triết học và chính trị chỉ trao đổi cho nhau những cái xấu: người
ta có,
một thực hành quỉ quyệt và một tư tưởng mê tín".
Là một người ở trong
nước, chắc chắn là anh có thẩm quyền hơn tôi, để nói về quỉ quyệt và mê
tín.
(Anh than, về chuyện giới viết lách ở trong nước coi anh là một trong những người sống bằng ngòi bút: cần tiền quá!).
Trong một bài viết cho tờ Việt ở Úc,
người viết có đưa đề
nghị, cái dịch là cái mới, và cái mới nằm trong cách người viết, người
đọc trân
trọng một bản văn, khi nó được chuyển dịch ra khỏi nơi chốn, thời gian
"thực" của nó, thí dụ như dòng văn chương hải ngoại chẳng hạn, vốn
được viết bởi những người Việt phải từ bỏ quê hương, ở khắp nơi trên
mặt đất,
tụ lại với nhau qua "bản văn tiếng Việt".
Nhìn theo viễn tượng đó,
với riêng tôi, dịch thuật là... cánh cửa mở vào thiên niên kỷ đối với
chúng ta.
Gerald. L. Bruns, trong bài viết "On Difficulty: Steiner, Heidegger, and Paul Celan", [in trong cuốn "Đọc Steiner"] - kinh nghiệm của cả ba ông này đều liên quan tới Nazi, tới Lò Thiêu - cho rằng chỉ những kẻ bị tống xuất, bị ruồng bỏ (outcasts), những kẻ lang thang vất vưởng (wanderers), nếu không muốn nói, chỉ những thi sĩ, mới có thể trở thành những dịch giả số một. Tại sao vậy?
Tác giả đặt câu hỏi: Điều gì làm cho
một bản văn (hay bất cứ
một cái gì khác) cưỡng lại mọi cố gắng nhằm hiểu nó? Theo ông, đây là
kinh
nghiệm cơ bản đối với người dịch. Và là một kinh nghiệm vừa mang tính
đạo hạnh,
vừa bỏ ngỏ: "Anh này (one) cố gắng lột trần anh kia (the other), bằng
một
ngôn ngữ, ở bên trong khung văn hóa riêng, nhưng anh kia không thể nào
bị biến
thành đối vật theo kiểu này, bởi vì anh (cũng lại) thuộc về thế giới
riêng, và
không thể bị bứng lên mà không phải dùng tới vũ lực."
Cổ đại La-tinh
hiểu điều
này, khi gắn dịch với chiến thắng những thành phố, bắt nô lệ, và cướp
bóc của
cải."
"Nói ngắn gọn, đây là
sự thành lập đế quốc."
Nhưng dịch có những
hậu quả không thể kiểm soát được. Gần
mực thì đen, chơi dao có ngày đứt tay: người dịch phải đối đầu với một
điều
vượt ra ngoài căn cước, bản sắc riêng. Hậu quả là, theo Steiner, "Cái
kia" (the otherness) chui vào bên trong chúng ta, làm cho chúng ta
thành
kẻ khác.... Chẳng thể có dịch thuật, ngoại trừ dưới điều kiện khủng
hoảng tri
thức luận (There can be no translation except under conditions of
epistemological crisis).
Nhìn như thế mới thấy một sự thực cay đắng
chua chát:
chỉ mấy anh/mấy chị xẩy nhà ra thất thổ, mất quê hương, sống đầu đường
xó chợ,
mất mẹ căn cước mẹ đẻ, mới hiểu thế nào là dịch thuật: chiếm tiếng
người làm
tiếng mình!
Trường hợp dịch của ông bạn tôi, có thể giải thích, bằng nhận định của G. Grass. Phản ứng trước hiện tượng "không giờ" của văn chương (hãy chui vào tháp ngà, hãy nói chuyện cái mỹ, cái đẹp, vờ đi chính trị, hãy làm đao phủ... "thiền"), ông tuyên bố: Kẻ nào muốn thống nhất nước Đức, kẻ ấy phải ôm riết lấy Lò Thiêu Auschwitz.
Điều này giải thích tại sao, trong cuốn sách vừa mới xuất bản tại Việt Nam ("Tao đi đây, phải nhắn họ mang tiền nhuận bút tới cho bà xã ở nhà"), "Không gian, Khoảnh khắc Văn chương" (Tiểu luận-Phê bình, người biên tập Lại Nguyên Ân, nhà xb Hội Nhà Văn, 1999), không nói tới những tác giả đã qua đời như Tản Đà, Nhất Linh, Đinh Hùng, giữa những tên tuổi như J.M.G. Clezio, Claude Simon, Heinrich Boll... bạn tôi đặt vào, chỉ một tác giả Việt Nam, "mới": Phan Thị Vàng Anh.
Đây là một cuốn sách thâu gom những
bài viết phê bình, tiểu
luận, rải rác trước và sau 1975. Huỳnh Phan Anh cho biết, cũng phải nhờ
một nhà
phê bình thuộc diện nhà nước, cuốn sách mới ra được:
"Mày thấy không,
một
tác giả chuyên về 'hư vô' như tao, sống giữa một xã hội 'không hư vô'
một chút
nào, với sự xuất hiện của những bài viết từ trước 1975, đấy không phải
là một dấu hiệu
đáng mừng
của 'văn chương' hay sao?"
Một dấu hiệu đáng mừng, liệu người ta có thể nhận ra nó, khi đọc Phan Thị Vàng Anh?
Một trùng hợp khá thú vị: Đọc Vàng Anh, tôi cũng liên tưởng tới Francoise Sagan, nhưng không hẳn như Huỳnh Phan Anh nhận xét: "Họ (những nhân vật trẻ tuổi của Phan thị Vàng Anh) đáng yêu hơn những nhân vật của Sagan mà người đọc có thể liên tưởng tới khi đọc Vàng Anh bởi sự buồn nản; sự nổi loạn không đẩy họ tới những buông thả, phá phách, suồng sã, mù quáng một cách vô duyên cớ, đặc trưng của một tuổi trẻ nào khác, ở một nơi nào khác."
Phan Thị Vàng Anh, theo tôi, cũng nằm trong hiện tượng "không giờ" của văn chương. Ở đây, còn có sự nuông chiều (một trong những hậu duệ, của "con cưng" chế độ). Có sự õng ẹo, với văn chương chữ nghĩa. Với tuổi trẻ. Với cái nhìn xuống, khi bóng gió xa xôi, về nỗi cơ cực của những con người quanh "cô bé". Cô bé đôi lúc cũng đăm chiêu về phận người, theo kiểu "Buồn Ơi, Chào mi!" của Sagan.
Khi "Buồn ơi…" xuất hiện tại Pháp, người ta chào đón nó như một loài chim quí. Với Vàng Anh, một loài chim quí, để nuôi trong lồng, như một dấu hiệu đẹp đẽ về một chế độ không đẹp đẽ. Giới phê bình Tây Phương cũng nhận ra điều này với bao nhiêu tác phẩm của Sagan: Trong bao nhiêu năm, người Pháp đã giữ riêng cho họ, một người tình.
Nhưng xã hội Tây Phương (nước Pháp), khi Sagan mô tả, là những năm kinh tế khá ổn định, và giới tính đang được mùa.
Có còn hơn không. Khi Sagan được đón
nhận, "như một con
chim hiếm", người ta biết, cái khí hậu văn chương hiện sinh cần một
thái
độ đạo đức-phi đạo đức như vậy.
Cũng cần phải phân biệt, phi đạo đức
khác với
vô đạo đức. Phi đạo đức, một cách nào đó, là treo lửng đạo đức bên trên
ngòi
bút.
Với Vàng Anh, độc giả trong nước có một cô bé õng ẹo, giữa một đám
đao phủ
đang ngồi thiền là thế hệ cha chú của cô. Vậy cũng là dấu hiệu đáng
mừng rồi!
Huỳnh Phan Anh đã nhận ra điều này, nhưng ông nói, với một sự châm
chước, của
một người đã lớn tuổi: "Có lẽ họ nhẫn tâm với chính họ hơn là với cuộc
sống".
[Vàng Anh là con gái nhà thơ Chế Lan
Viên. Nghe nói, những
bản viết đầu tay của cô là do bố sửa sang, đánh bóng lại. Một anh bạn
cho biết,
trong một truyện ngắn viết về người bố, sau khi mất được hỏa thiêu,
nhìn hũ tro
cốt, "cái còn lại" của một đời người cúc cung với chế độ, cô cay đắng
hỏi chủ nghĩa, hỏi chế độ, hỏi đời, hỏi chính mình, "Chỉ có thế thôi
à?"]
NQT
Comments
Post a Comment