Khuôn Mặt (2)

 

 

 







Thanh Tâm Tuyền

Khuôn Mặt





 

Khuôn Mặt

I.

Tôi mặc áo mới, đứng soi gương, tự dưng tôi ứa nước mắt. Màu áo xanh lá cây thẫm hơn vì bóng nắng buổi chiều vẫn hắt từ cửa vào mặt gương đã tắt từ lâu. Tôi nhìn rõ khuôn mặt của tôi quen thuộc bao nhiêu năm trở nên xa lạ, một người khác hiện lên trong bóng mờ của tấm gương, với những giọt nước mắt ướt bên khóe. Không còn cô thiếu nữ áo đen lặng lẽ kín đáo thoáng qua trên những đường phố cố định, lộ trình từ nhà tới sở làm, cái vẻ đẹp giấu giếm bấy lâu nổi bật trên màu áo khiến tôi sợ hãi. Má tôi ửng đỏ, một vài người qua lại ngoài cửa in bóng qua gương. Tôi nói thầm với chàng, tôi vẫn giữ thói quen tưởng như chàng luôn luôn ở bên tôi khi tôi bối rối lo lắng: "Có phải anh thường bảo với em rằng anh chỉ muốn cho em được sung sướng. Anh hãy tìm cách báo cho em biết lúc này có phải là em sung sướng như anh muốn không? Hay em đang phản bội anh. Anh hãy tìm cách nào cho em biết ý muốn của anh, em sợ em lầm đường". Chưa bao giờ tôi nhận được một dấu hiệu nào của chàng, ngay bây giờ xung quanh tôi là sự im lặng hãi hùng cuồn cuộn những tiếng động của chiều ngoài châu thành. Tôi hỏi: "Có phải anh trả lời em bằng sự im lặng không? Em không tin người chết đã ra ngoài đời sống thế gian. Anh chẳng thường dạy em người chết vẫn quanh quẩn dòm ngó chúng ta hay sao?".

Tôi nhìn gian nhà, không có một kỷ niệm nào của chàng làm dấu vết, không có lấy một tấm ảnh chàng để tôi nhìn vào mà đoán biết. Chàng để lại tôi một mình trên đời. Tôi ra ngoài đường, mấy đứa trẻ đang đánh đáo ngước mắt nhìn tôi, tôi không dám ngó lại, cắm cúi bước. Tôi ngượng ngùng cúi chào mấy người hàng xóm, họ e dè đáp lễ như không nhận ra tôi. Thoát khỏi những cái nhìn của hàng phố, tôi nhẹ cả người.

Bóng tối chạng vạng, xe cộ nhấp nháy đèn pha chói. Con đường hẹp và đông đúc không vỉa hè, tôi phải đi sát lề trên những mô đất nhấp nhô cạnh mương khô và những căn biệt thự nhỏ um tùm bóng lá. Băng qua con lộ lớn thẳng tắp dẫn tới phi trường, tôi bước sang một khúc đường chưa trải nhựa nhiều bụi tối tăm. Đây là ranh giới giữa hai quận của thành phố chưa được trồng cột đèn, hai bên đường là những bãi trống đổ rác thưa thớt vài túp nhà lá. Đèn thành phố cách chừng vài trăm thước nữa mới có. Tôi đi chập chững vào khoảng đường và tôi gợi lên hình bóng chàng, hình bóng của một người đã chết. Không, một người mất tích, một người vắng mặt. Những ngày gần đây tôi hiểu chàng nhiều hơn. Trước kia chàng nói với tôi: "Anh yêu em chỉ làm khổ em. Anh biết thế mà không làm sao được. Vì giữa chúng ta còn một khoảng cách biệt anh không vượt nổi, đó là những người chết, họ xen vào giữa tình yêu của anh với em. Em hiểu anh nói gì không?". Tôi gật đầu nhưng sự thực là tôi chẳng hiểu gì hết. Buổi ấy vào mùa hè chúng tôi nằm trên đồi cát cao ven sông Nhị Hà nhìn bóng trăng vừa mọc đằng cuối sông bát ngát. Bây giờ tôi thực hiểu, khi Minh ôm tôi vào trong tay cúi xuống sắp sửa hôn tôi, bỗng dưng tôi từ chối, Minh hờn trách tôi. Minh không hiểu được lúc ấy tôi nhìn thấy khuôn mặt chàng tới trước khuôn mặt Minh. Tôi hiểu chàng còn khó hơn tôi nữa vì những người chết mà chàng nhìn thấy ngăn cách tôi với chàng là những người chàng không hề quen thuộc, không quen thuộc nên chúng lạnh lùng và tàn ác lắm, còn khuôn mặt chàng, làm sao tôi quên được, với tôi bao giờ cũng đầy vẻ rộng lượng tha thứ. Minh làm cùng sở với tôi, Minh ngỏ ý muốn cưới tôi và tôi chưa quyết định, tôi đợi ý của chàng. Tối nay tôi đặt ra một cách hỏi ý chàng, tôi khấn với linh hồn chàng (nhưng chàng đã chết thực chưa? Tôi không sao biết được, là tôi tới thăm một người bạn gái không thân lắm, nếu người ấy có nhà tức là chàng thuận, và trái lại…Tôi đi chưa hết nửa quãng đường tối thì nghe sau lưng tiếng chân lạo xạo. Tiếng giày của một người đàn ông bước thong thả. Người ấy vượt qua mặt tôi, nhìn tôi trong khi tôi cúi gầm đầu xuống. Tôi run sợ muốn quay trở về, xung quanh tôi tiếng côn trùng ầm ì như ở một bãi tha ma. Sau những lùm cây phía bắc là vùng ánh sáng bốc lên từ phi trường. Tôi đứng lại một phút và bóng của người lạ mặt trong khoảng tối trước mặt. Tôi rẽ sang lề đường bên trái, nhìn những ánh đèn sắp tới, tiếp tục đi. Nhưng sự hồi hộp vẫn ở gần quanh tôi. Giữa quãng đường vắng ngoại ô tôi cảm thấy chua xót, tôi không thay đổi được đời tôi; tôi vẫn chỉ là đứa con gái mồ côi yếu đuối như ngày nào trước khi gặp chàng. Tôi là con nuôi của một gia đình buôn bán ở Hà Nội, đời cũng chẳng buồn cũng chẳng vui. Tôi đã bỏ cái gia đình nơi tôi vừa là một người thân vừa là một kẻ lạ để theo chàng vào Nam trong dịp di cư. Chàng là nguồn tin tưởng độc nhất của đời tôi. Tôi lại nghe thấy tiếng chân người lạ ở sau lưng lúc nào, tôi chậm lại để cho người ấy vượt qua nhưng lần này hắn không đi nhanh nữa. Tôi qua đường, người lạ một lát cũng qua theo. Tiếng chân đều đều của người đàn ông không còn làm tôi hốt hoảng như lúc nãy, tôi đã đi được nửa đoạn đường tối, trái lại cái tiếng động nhẹ nhàng cách xa làm tôi yên lòng hơn, nó giúp cho tôi tưởng tượng đến chàng đang che chở cho tôi. Buổi tối bỏ Hà Nội là buổi đầu tiên và cũng là cuối cùng, tôi được sống gần chàng hoàn toàn. Chàng đưa tôi đi dạo quanh hồ Gươm và chỉ cho tôi nghe mùa thu trên không trung đen biếc trong vòm lá, dưới mặt hồ. Rồi chúng tôi về ngủ ở Tòa Thị Chính đợi sớm hôm sau sang trường bay. Chỗ làm việc dẹp bỏ, những căn phòng dài, đèn bóng lờ mờ, người ta nằm hỗn độn trên những tấm bàn chắc nhẵn bóng, dưới sàn đá hoa ngoài hành lang. Những người nóng ruột ở lại dưới mấy sân quần vợt, bóng rổ, bóng chuyền. Lúc chúng tôi về trời cũng đã hơi khuya đối với không khí thành phố bây giờ, chúng tôi đặt bước thận trọng giữa những gia đình ngổn ngang để tìm lối. Chúng tôi nằm ở góc phòng trên lầu gần cửa sổ, suốt đêm tôi thức trắng mà tưởng như mộng. Ánh sáng của những ngọn đèn lúc trắng lúc vàng khè chiếu xuống những thân người bừa bãi kỳ lạ, không quen thuộc, không mặt mũi. Nếu không có chàng bên cạnh tôi sẽ chết khiếp trong cái thế giới huyễn hoặc vì sự lặng lẽ dửng dưng đến đau đớn. Người ta nói chuyện rì rầm, những tiếng khóc của trẻ con lạc lõng, lời gắt gỏng mơ hồ… Có một lúc tôi chợp mắt vì mệt mỏi, mở mắt tôi thấy cái áo khoác của chàng đắp trên ngực tôi, tay chàng nắm lấy tay tôi. Chàng ngồi hút thuốc lá nhìn ra ngoài trời, văng vẳng tận phố xa những tiếng khua động cầu cứu đuổi cướp bằng chậu thau mâm đồng. Chàng mỉm cười bảo: "Em ngủ đi, mai đi máy bay mệt đấy". Tôi hỏi: "Sao anh không cùng đi với em, em sợ lắm". Chàng đáp: "Ít hôm nữa", nhưng hôm đó không bao giờ đến cả, chàng ở lại Hà Nội và biệt tích. Tôi nghi nếu đêm ấy những người chết đừng thức dậy lẻn vào trong thành phố, những người sống đừng bao vây chúng tôi thì chúng tôi đã thành vợ chồng và năm nay gần ba mươi tuổi rồi tôi chẳng phải là một trinh nữ bị bỏ quên. Tôi cảm thấy những người nằm xung quanh chúng tôi bấy giờ đáng ghê như những con cuốn chiếu cử động, bằng rất nhiều chân tay vô hình. Họ là những sinh vật mà đời sống bị dồn xuống thế hèn mọn là những khúc cây ngọ nguậy, sự hiện hữu của họ lén vào giữa chúng tôi như một luồng khí độc, mặc dầu họ không để ý đến chúng tôi, họ co rúm vào trong họ một cách thiểu não lạ thường. Tôi nói với chàng: "Anh đừng bỏ em, em chết mất". Tôi tựa vào góc tường để chàng che trước tầm mắt. Chúng tôi ngồi bó gối và chàng vòng tay đặt sau lưng tôi, chàng hôn lên tóc tôi, hôn rất nhiều, một lúc sau tôi gục xuống đầu gối chàng khóc. Tôi khóc cho đến bốn giờ sáng.

Tôi đứng lại vì không nghe thấy tiếng chân phía sau lưng nữa. Tôi bạo dạn liếc nhìn, người đàn ông lạ đứng cách tôi vài chục bước, có lẽ hắn đứng lại để đốt thuốc lá. Tôi hài lòng cất bước, sau lưng tiếng chân lại làm nhịp cho trí tưởng tượng của tôi. Bốn giờ sáng, chúng tôi lên xe hơi. Mười chiếc cam nhông đậu dài trên vỉa hè cây cối um tùm, ồn ào nhốn nháo đám người bỏ thành phố. Tôi đã leo lên xe đứng chen giữa một gia đình tư chức đang kiểm điểm con cái và hành lý, tôi bỗng nhận ra tôi lạc mất chàng. Tôi bấu lấy thành xe cất tiếng gọi: "Anh ơi!". Dưới đường người ta lăng xăng kiếm xe, kiếm chỗ, khuân vác đồ đạc, không ai thèm nhìn tôi lấy một giây. Tôi gọi như đứa trẻ nít lạc mẹ, những người cùng xe đã thu xếp yên vị bắt đầu chú ý đến tôi. Họ hỏi han tôi, không nghe được câu nào hết, tôi biết chỗ của tôi không ở giữa họ. Tôi xách cái va li nhỏ đựng quần áo, gia tài của tôi, xuống xe và sục sạo trên vỉa hè. Đoàn xe bắt đầu rồ máy, cái đầu tiên đã chuyển bánh, tôi sắp sửa khóc rồi thì thấy chàng cũng đang chạy quanh cái xe tôi đã lên kiếm tìm. Chàng đi mua bánh mì cho tôi ăn lót dạ. Đoàn xe bò chậm đón đợi, chạy qua các phố và im lặng trở về dần dần. Lát sau chỉ còn tiếng máy ầm ì chiếm lấy khoảng trời khuya đi qua. Tôi đứng bên chàng bám chặt lấy cánh tay chàng không muốn rời xa. Trên cầu Long Biên, gió thổi hơi lạnh từ mặt sông lên, những người đang ngồi đứng dậy nhìn về phía thành phố. Ở một xe nào phía trước người ta nghe thấy tiếng khóc lớn của một bà lão "Thôi cho tao về, tao không đi đâu cả" lẫn trong tiếng bánh xe lăn rầm rầm qua những ván gỗ, những thanh sắt của sàn cầu rung chuyển. Tôi nhìn thành phố chìm dần xuống trong sương đêm, ở đấy tôi gửi lại quá khứ.

Ngọn đèn đường đầu tiên chụp ánh sáng xuống mặt làm tôi bàng hoàng, tôi đã qua hết quãng đường tối với sự luyến tiếc vu vơ. Ở đây nhiều tiếng động hơn, tôi không còn nghe rõ tiếng chân người lạ. Tôi đi trên đường cao bên một cư xá công chức chạy dài. Những căn nhà thấp màu hồng nhạt, mái lợp fibrociment giống nhau, mỗi nhà đều có người chiếm ngụ nhưng vẫn đầy vẻ trống trải. Những đường nện đất khô cứng dẫn vào cư xá, những hàng rào gỗ mới quét sơn màu phân biệt, thỉnh thoảng một vài ngọn cây leo mới mọc lưng chừng là những dấu hiệu của một đời sống chưa thân mật. Bên kia đường dãy tường thấp của một cơ xưởng. Người đàn ông đi lui ra ngoài lộ vượt qua mặt tôi, lần này hắn không nhìn tôi và tôi trông theo hắn, cái lưng hơi gù trong dáng đi và cử động chậm chạp. Tôi nghĩ hắn sẽ rẽ xuống một con đường khô dốc nào đó của cư xá và độ dốc sẽ kéo hắn nhanh hơn vào trong một gian nhà với hai căn buồng xếp đặt như hai hộp diêm. Nhưng hắn có ý chờ tôi, thỉnh thoảng ngoái cổ lại một cách tình cờ. Tôi nghĩ đến quãng đường khá dài còn lại cảm thấy mệt mỏi.

Tôi nói thầm với chàng: "Anh khuyên em phải can đảm. Làm thế nào mà can đảm mãi một mình nổi. Anh biết không, rồi tới một ngày hình ảnh của anh em không còn giữ được trong trí tưởng em nữa, cuộc đời hằng ngày sẽ nghiến vụn nó ra làm cho nó tan biến mất. Như bây giờ muốn nhìn khuôn mặt anh, trí tưởng tượng của em đã bất lực. Năm năm qua rồi. Anh chỉ hiện lên đôi lúc rõ ràng trong giấc mộng mà thôi, khi tỉnh dậy thì đầu óc em trống trơn dù em có muốn ghi nhớ lại để có thể mở mắt trông thấy anh nhưng không thể nào được. Em muốn được gặp anh khi thức không phải khi mê, nhưng anh thấy không, mỗi giây phút trôi qua làm mòn dần trí nhớ. Đã có lúc em phải vay mượn ở những khuôn mặt khác những nét hao để tưởng tượng tới anh nhưng em biết em chỉ có được một khuôn mặt xa lạ không phải của anh…". Sang tới trường bay Gia Lâm trời đổ mưa lớn. Chàng dìu tôi chạy băng trên khoảng sân mông mênh trú dưới cánh máy bay cùng nhiều người khác. Trời vẫn còn tối, dưới những cánh máy bay, những đám đông đứng dồn vào nhau im lặng. Tầm mắt mở ra chiều rộng, mất chiều cao, chạy trên những hình khối ngổn ngang lờ mờ. Sau màn mưa dầy hiu hắt những ánh đèn sắp lặn. Đứng gần nhau người ta phải la lớn để nghe cho rõ. Những lớp nhà quanh phi trường thấp xuống hơn và lùi xa tít, có lúc tôi tưởng thấy mọi vật biến mất trong cơn mưa lũ, tôi và chàng đứng giữa một khoảng không trần trụi. Khi người ta chuyển những phi cơ từ những kho phía xa không nhìn thấy ra sân, tiếng động cơ rồ mạnh, tiếng bánh thếp cứng lăn rúng động cả cơn mưa và cơ thể, những thân sắt quay ngang dọc nặng nề. Rồi tới một sự im lặng hoảng hốt và trận mưa kéo dài vào bất tận. Một vài tiếng chân chạy giẫm trên mặt nước của mấy người phi công ngoại quốc, họ gọi nhau bằng tiếng nước họ. Càng về sáng mưa càng lớn và gió xoay chiều luôn, tôi đứng dựa vào thân máy bay chỗ cánh rộng nhất và chàng đứng phía nước tạt che cho tôi. Phía đông hừng sáng dần, màu ánh sáng nhợt nhạt tẻ ngắt như màu chì. Chàng nhìn tôi kêu: "Chết rồi, em ốm mất. Em lạnh lắm phải không?", lúc ấy người tôi run rẩy mắt tôi nhòa lệ. Chàng ôm lấy tôi như muốn ủ cho tôi bằng hơi ấm của thân chàng. Tôi ghì lấy chàng gục đầu vào ngực chàng và miệng tôi ngậm lấy một mẩu áo của chàng để ngăn tiếng nức nở. Tôi quên những người xung quanh như quên định mệnh, tôi muốn giữ chàng rất lâu cho riêng mình tôi. Những người khác, định mệnh đó sẽ không thể nào gỡ chàng ra khỏi tay tôi. Trời xấu, cầu hàng không hôm ấy bị bãi bỏ. Người ta chở chúng tôi đến tạm trú trong ngôi đình ở một làng cách phi trường chừng ba cây số. Tôi bị cảm, nằm trên một bệ đá. Chàng phải ngồi săn sóc bên cạnh. Tôi nói với chàng: "Em sợ em không đi được, anh cho em về". Chàng cười bảo: "Em đừng nghĩ quẩn, em bị cảm lạnh, uống thuốc rồi lát nữa là khỏi", rồi chàng nói đùa cho tôi vui: "Em định về đâu? Nhà của mình trong Sài Gòn cơ mà". Tôi cảm thấy yếu ớt vô kể, tôi nhớ cái giường của tôi; trước kia khi tôi ốm tôi nằm một mình trong căn gác quạnh hiu giữa sự săn sóc ơ thờ của cha mẹ nuôi, nhưng ít nhất tôi còn cảm thấy sự yên ổn bảo đảm cho tôi. Tôi nhớ tới căn nhà tôi ra vào, những người tôi gần gũi, cái bếp những buổi sáng mùa đông tôi ngồi nhóm lửa ấm áp, những tấm cửa gỗ ngoài mặt hàng tối mang xếp theo số thứ tự khi đóng mở, cái quầy hàng tôi ngồi sau đó hàng giờ nhìn ra phố xá, tất cả những vật ấy bình yên và che chở cho tôi chống mọi bất trắc ở ngoài. Bây giờ tôi có chàng tôi lại có thêm cả tôi, và lại có nhiều người khác nữa, và cả một tương lai mới mẻ nhưng tôi không thể nào tìm thấy sự bền vững ở xung quanh. Trực giác cho tôi biết rằng người con gái như tôi đã làm một hành động táo bạo quá tầm sức mình và sẽ phải nhận lãnh những hậu quả không hay. Tôi nói với chàng: "Em muốn ở lại Hà Nội vì em không muốn làm bận anh. Em sẽ không mang lại sung sướng cho anh đâu, em chỉ làm khổ anh thôi". Chàng hỏi tôi: "Em định nói chính anh là người không mang lại sung sướng cho em chứ gì?". Tôi không biết là mình đang cười hay khóc nữa, tôi vội đáp: "Anh tha lỗi cho em. Không, em sung sướng lắm, em sung sướng được gần anh". Sau này từng trải tôi hiểu được rằng có những hạnh phúc làm cho tâm hồn kẻ nhu nhược sợ hãi không dám nhận. Hình như số mệnh trêu cợt tôi nên cho tôi được nán lại bên chàng thêm một ngày. Buổi chiều tôi khỏi cảm và chàng dẫn tôi dạo chơi quanh làng. Chúng tôi đã nghe âm vang câu hát, giọng cười của những người đắc thắng sắp trở về và nhiều cặp mắt khinh bỉ của dân làng nhìn chúng tôi đi qua. Trên bờ đê một khu đồn bỏ trống đứng chơ vơ, khi chúng tôi tới gần mới biết có nhiều người trong làng đang sục sạo ở bên trong thu nhặt những đồ vật bỏ lại, vài người mang cả xẻng cuốc tới đào lấy sân gạch. Chúng tôi xuống chân đê, nhìn về thành phố li ti bên kia. Những tiếng động phá hoại ở đồn vọng xuống làm đổ vỡ dần dần những hy vọng của tôi. Tôi lo sợ nghĩ tới cuộc hành trình dài mấy nghìn cây số không có chàng ở bên đến một miền đất lạ. Tôi không dám nhìn chàng và nói: "Em sợ phải đi một mình vào trong ấy". Chàng an ủi hứa với tôi thu xếp xong vài công việc chàng sẽ vào ngay. Chàng hỏi tôi: "Lớn rồi, em sợ gì?". Tôi không trả lời được. Làm sao tôi nói cho chàng hiểu được cái linh tính của người đàn bà trong giờ phút nghiêm trọng của một đời? Tôi chỉ biết nắm lấy tay chàng, tôi chỉ biết nhìn chàng. Tôi mong chàng nhận được cái linh hồn trọn vẹn của tôi trong ánh mắt. Nhưng chàng đầy tự tin, sự hiện hữu của chàng tràn ra cuốn lấy tôi như một dòng nước mạnh. Và tôi yêu chàng, yêu chàng mãi mãi… Bây giờ người đàn ông đi ngang hàng với tôi cách tôi chừng hai bước, ánh đèn chỗ này đã bớt lộ liễu. Tôi liếc nhìn người lạ và tim tôi thắt lại. Hắn có nét mặt hao hao giống chàng. Tôi vờ trật gót chân, cúi xuống sửa guốc. Người lạ kia cũng đứng lại đợi, hắn dám quay cả người không giữ gìn ý tứ nữa. Tôi hỏi mau trong trí: "Có phải đây là cách anh trả lời em đó không? Em sẽ trở về nhà". Khi ngửng lên tôi thấy không thể quay về một cách vô lý như thế được, tôi phải tới nhà người bạn để xem người ấy có nhà hay không. Tôi bước tới và người đàn ông chỉ đi khi tôi lên ngang hàng với hắn nhưng hắn không nói một lời nào hết. Sự im lặng của người lạ đè nặng lấy tôi như một hình phạt trong chờ đợi, hắn cử động ở bên tôi như một cái bóng ám ảnh mỗi lúc một gần. Tôi bắt đầu nghe thấy hơi thở của tôi dồn trong ngực vì hắn đã sát bên tôi, thỉnh thoảng cánh tay hắn chạm vào vai tôi. Tôi thu hết can đảm nhìn thẳng sang phía hắn nhưng hắn tảng lờ quay mặt sang bên kia đường làm như người vô tình không biết đến sự giận dữ của tôi. Một lũ trẻ con đuổi nhau la hét ầm ĩ chạy xen vào giữa chúng tôi, nhân dịp tôi tìm cách lảng tránh kẻ lạ, tôi nghĩ kế làm cho hắn thất vọng. Tôi đứng lẫn vào đám người mặc áo cánh dạo phố trước một xe nước mía. Tôi thấy hắn bước sang rạp chiếu bóng trước mặt xem ảnh và cặp mắt vẫn luôn luôn theo dõi tôi. Máy phóng thanh hát oang oang một bài cải cách phổ thông, những tấm ảnh lồng trong một cái khung mắt cáo, ánh nê ông đỏ kệch, cái máy nghiền mía ầm ầm bên tai tôi gần nhất. Tôi đợi hàng năm phút hắn cũng vẫn quanh quẩn ở cửa rạp chiếu bóng. Lừa lúc hắn mải nhìn một thiếu nữ đi với một người bạn trai trên xe gắn máy bước xuống hè, tôi bỏ đi mau. Tôi đi sát vào trong những khoảng tối. Được một đỗi tôi ngửi thấy mùi khói thuốc lá và người lạ đã sát lưng tôi. Tôi bước chậm lại, không biết phải xử trí ra sao. Ở khu này ít xe cộ, phần nhiều những tắc xi chạy ngang đều chở khách về thành phố. May mắn là người lạ không tỏ một cử chỉ vô lễ nào, hắn chỉ ở sát bên tôi và nín thinh một cách thân cận. Từ xa tôi trông thấy ngọn đèn treo dưới mái hiên tại nhà bạn và cây trứng cá. Tôi gõ cửa hấp tấp và không nghe tiếng trả lời. Tôi gọi tên bạn hai lần và tôi nghe tiếng người lạ cười giễu cợt. Nhìn kỹ tôi mới thấy gian nhà khóa trái cửa, tôi quay lại bực tức. Tôi đứng dưới ngọn đèn và chắc chắn kẻ lạ mặt nhìn ra sắc diện của tôi. Hắn bước chậm từ dưới bóng cây ra ngoài sáng, khuôn mặt hắn trông rõ dần. Hắn còn trẻ lắm, trẻ hơn tôi nhiều, mắt hắn nhìn tôi không chớp, tôi nhíu mày thủ thế. Chợt hắn dừng lại như gặp một sức cản trở bất ngờ, hai tay buông thõng thất vọng. Hắn quay ngoắt bỏ đi lầm lũi, tôi ngẩn người một phút và rồi sự tủi thẹn làm tôi bất động. Tôi tựa lưng vào tường nghỉ cho đỡ mệt nhìn theo bóng người lạ khuất dần. Tôi hỏi thầm: "Bây giờ em lại trở về nhà một mình hở anh?".

II.

Đó là tại cái đầu khốn nạn của tôi. Khi tôi bước tới gần nàng đầu tôi bị giáng ba nhát búa, nhát đầu bất ngờ và mạnh nhất làm tôi buông xuôi hai tay sợ phải ôm lấy sọ, hai nhát sau nhẹ như nhịp nảy của nhát thứ nhất. Tôi nhớ rõ khuôn mặt tái mét như tàu lá của người đàn bà, môi run sắp khóc, tôi biết tôi chỉ đưa tay cho vịn là người ấy đã đi theo tôi. Nhưng tôi sợ cái đầu của tôi nên tôi bỏ đi. Tôi mắc một chứng bệnh kỳ lạ, lâu lâu tôi bị như ai cầm cái búa chim gõ vào những gân máu và đi lúc nào tôi không thể định được, có khi hàng năm không thấy nó, bất thình lình một bữa nào đang ở ngoài phố giữa trời nắng nó xuất hiện kéo dài vài ngày hay vài tháng không biết chừng. Những lúc ấy tôi vẫn tỉnh táo như thường, mỗi nhát gõ trong đầu chỉ làm tôi chết lặng vài tích tắc nhìn sự sống trôi bấp bệnh xung quanh. Một kỳ nặng nhất là chứng bệnh hành hạ làm tôi không thể nằm, dù đặt đầu lên gối bông mềm. Tôi tìm tới một ông bác sĩ. Ông ta lục những bộ sách thuốc bày ra bán trên bàn tra cứu, rốt cuộc ông cũng chẳng bảo cho tôi rõ được chứng bệnh ấy, nhưng ông cứ bắt tôi nằm sấp lên trên một cái bàn sắt trắng và tiêm cho tôi tám mũi theo hai đường song song từ sau gáy lên sọ, mũi kim chạm vào xương sọ cứng xịt thuốc phì phì. Tôi thề không trở lại với một ông bác sĩ nào nữa hết, vì trên đường từ phòng khám bệnh về nhà, bệnh của tôi vẫn phát. Tôi để mặc rồi nó quên tôi, lúc nó trở lại tôi coi nó như là chứng tật tự nhiên của cơ thể.

Như bây giờ cái đầu của tôi trở về trạng thái bình thường. Tôi đã đi một đỗi xa, quay nhìn lại không còn thấy căn nhà thắp đèn ngoài hiên nơi người đàn bà đứng. Ngoài cái rạp chớp bóng với ánh nê-ông tẻ nhạt, tất cả những gian nhà lô nhô thấp cao không thẳng hàng đã đóng im cửa, sau đó là khúc quành. Đây là lần đầu tiên tôi theo chân một người đàn bà ngoài phố. Tôi trông thấy người đàn bà khi nàng băng ngang con đường xuống phi trường, vào khúc đường không trống đèn, tôi nghĩ nàng thuộc loại đàn bà không đứng đắn. Nhìn rõ mặt nàng, tôi biết tôi nghĩ lầm. Cho đến khi đối diện với nàng trước căn nhà khóa cửa tôi vẫn cho rằng nàng thuộc loại dễ dãi, vẻ nghiêm trang chỉ là mặt nạ. Sở dĩ tôi chưa nói với nàng một câu, vì tôi muốn quan sát nàng; không gì thú vị bằng đi bên cạnh một người đàn bà biết người ấy đóng kịch và mình cùng đóng đôi. Người đàn bà đóng kịch và tin thật vào vai trò, còn tôi, một nửa người sống với vai kịch, nửa còn lại tách ra làm khán giả để cười. Hơn nữa tôi cũng chẳng tìm được cách bắt chuyện, tôi cảm thấy rằng với người đàn bà loại này tôi không thể hỏi những câu tầm thường ngớ ngẩn mà không bị cự tuyệt. Tôi bước trở lại con đường cũ, tiếc không còn được nhìn những cái dáng mảnh mai của người đàn bà. Tôi định quay lại đón nàng nhưng lại sợ phải đi bên nàng một đoạn đường quá dài vắng vẻ và còn nhiều ánh sáng, lúc nãy còn được vì phố đông không ai chú ý. Bây giờ sự quạnh hiu của ngoại ô như một con mắt lớn theo dõi mọi cử chỉ. Tôi tới khúc đường không trồng điện, những đèn trong nhà ở khúc trên không còn soi ra lộ nên khúc đường này cũng không còn tối quá nữa. Tôi đứng cạnh một bụi tre bên đường dở thuốc lá hút, tôi tính nếu người đàn bà lộn trở lại theo đường cũ tôi sẽ đưa nàng về tận nhà. Và tôi sẽ nói chuyện với nàng. Những gì? Tôi chưa biết. Khi đứng rình nàng trước rạp chiếu bóng, tôi thấy rằng nếu mình chú ý được nhiều đến người khác mình sẽ quên được mình. Chính lúc ấy tôi quên hết buổi chiều trống trải tôi đã đi qua. Có một người để mình nghĩ tới với những ý nghĩ dịu dàng, dù là giả dối, mình sẽ cởi bỏ được sức đè nặng của sự vật biết bao nhiêu. Tôi đứng đã thấy tê chân và tôi tưởng tượng người đàn bà đang đi tới trên khúc đường tôi không nhìn thấy, tôi định những vị trí nàng qua và đưa nàng tới gần đầu đường tôi đang đợi. Tôi làm như thế lần thứ hai thì nàng xuất hiện ở chỗ rẽ. Bỗng nhiên tôi hồi hộp, nàng đi trên đường phố vắng ngắt một mình nàng bíu chặt hai tay, khép tà áo như vịn vào mình bước hấp tấp. Tôi muốn chạy nhanh tới trước nàng. Tôi vứt mẩu thuốc vào bụi, hai bàn tay đẫm mồ hôi, chưa khi nào thần kinh tôi yếu ớt đến thế. Nàng càng tới gần, tiếng bước của nàng càng dội mạnh trong ngực tôi. Tôi bước ra khỏi chỗ ẩn để trấn tĩnh, nàng đứng sững trước mặt tôi, miệng mở ra kinh ngạc. Nàng vừa tính tránh sang bên thì đầu tôi bị đập mạnh. Tôi phản ứng chụp lấy bàn tay nàng. Tôi tỉnh lại ngay, miệng lắp bắp:

"Xin lỗi cô, tôi… đau đầu quá".

Nói xong tôi tức giận đã thật thà một cách lố bịch. Nàng nhìn tôi vẻ nghi ngờ thương hại, tôi không suy nghĩ nữa, ôm hôn lên môi nàng một cách táo bạo hỗn xược. Tôi nghe thấy hai đầu gối nàng rún xuống, cái hôn thứ hai nàng phải bám vào lưng tôi để khỏi khuỵu ngã, tôi cười vang trong đầu khoái trá. Sau lưng nàng, cách xa đó, con đường sáng không một bóng người, bên cạnh khóm tre và bóng tối không động đậy. Lưỡi tôi nếm phải những giọt nước mắt chảy nhanh qua môi nàng, tôi buông nàng ra nói:

"Tôi đưa cô về nhà".

Chúng tôi bước đi, tôi đỡ ngang lưng nàng và nàng cúi gầm đầu. Bình tĩnh tôi bắt đầu nói, tôi không nhớ tôi đã nói những gì, một lát hình như tôi không nói cho nàng nghe bởi không có tiếng nàng đáp lại, tôi nói cho tôi nghe. Tôi nghe cái giọng trầm trầm đều đều của tôi, tôi nghe những câu chuyện tôi đã kể vang vang bên tai, lời nói không ngập ngừng thoát ra từng nhịp bao vây lấy hai chúng tôi, đuổi lùi ngoại vật, như một giấc mơ êm ái. Từ lâu lắm tôi quên mơ ước, tôi chỉ có giấc mộng khi ngủ mà mộng chính là sự xâm nhập khủng khiếp của ngoại vật vào mình. Sự mơ ước hiện lên trong ngôn ngữ tạo thành cái thế giới buổi ban sơ chỉ có hai người. Tôi nói nhiều, tôi nói mãi, đuổi khỏi chúng tôi những mối ám ảnh của nỗi cô độc tối đen, đi vào một nỗi cô đơn chung mới lạ.

"… Bây giờ anh tưởng tượng, anh đưa em đi mãi cho tới tận cùng của đêm nay và lúc tỉnh dậy chúng mình thấy rằng chúng mình đang ở trong thành phố Hà Nội …"

Tôi nói trôi chảy như đọc thuộc lòng từ trong một bản kịch nào đó, sự thực những ý tưởng lôi cuốn nhau đến, tôi chỉ thấy rõ khi phát ra thành lời, trước và sau đó tôi không dự liệu điều gì. "Em đã sống ở Hà Nội nhưng em không thể nào biết cái thành phố Hà Nội của anh. Không có gì thay đổi cả, anh đưa em về thăm lại những căn nhà anh đã ở giữa những phố khác nhau. Anh đưa em đi qua những đường anh đã đi, anh chỉ cho em thấy những kỷ niệm dầu ở mỗi góc phố mỗi mặt nhà, mỗi khúc rẽ. Anh đưa em đi vòng quanh thành phố bằng những con đường kín đáo ít người biết. Em nghĩ xem giữa trời khuya thành phố là một căn nhà rộng dành riêng cho hai chúng ta".

Chúng tôi đã ra tới chỗ ánh sáng và tôi thấy nàng mỉm cười, nụ cười hiếm có làm cho khuôn mặt rực rỡ, khóe mắt nàng còn ướt lệ. Tôi ghì chặt lấy thân nàng sợ nàng sẽ tỉnh lại và bỏ tôi đi mất. Nhưng chính lúc này tôi đã tỉnh. Tôi ngắm tôi đứng dưới cột đèn trên một con đường gần dốc cầu vào thành phố với một người đàn bà không quen biết mặc áo xanh, tóc cắt ngắn, khuôn mặt xanh xao trong mê muội, cặp mắt dại dột, môi thoa một chút son nhợt. Những lời nói đã mất hút rồi và trời như khuya lắm ở ngoài châu thành. Tôi vẫy cái tắc xi chạy ngang. Lên xe nàng hỏi:

"Đi đâu đây anh?"

"Anh đưa em về nhà".

Tôi cười thầm, câu hỏi cũng như câu trả lời đều dối trá, những điều cả hai đã không đả động đến mới là sự thật. Tôi không muốn nàng nghĩ tới đó, tôi vuốt ve mơn man từ cánh tay nàng lên đến gáy, đến cổ, đến tóc, trên mắt, trên má, trên môi nàng. Tôi ghé vào tai nàng thì thầm. Những lời lần này hoàn toàn là gian xảo, chúng giống như những bàn tay mơn man những chỗ mê sảng của người đàn bà không phải là những lời quý báu đã làm cho chính tôi cũng say đắm như lúc ở dưới đường.

Căn nhà tôi ở nằm trong xóm cất ven sông. Con đường vào là đại lộ của xóm với những đường hẹp nhỏ ngoằn ngoèo giữa các kẹt nhà, có một phòng thông tin máy phóng thanh còn ca hát, những quán nước, quán phở, quán cà phê còn trưng đèn đông khách, những hàng rong còn tụ tập trẻ con. Tôi dẫn nàng bước trên những cầu ván. Tôi nép vào những vách nhà gỗ, nước lớn vỗ ì ọp dưới chân cừ. Tôi mở cửa, bật đèn, nàng đứng ngay ở ngoài cửa. May mắn là hai bên đều vắng người. Mấy cô hàng xóm, gái chơi đều bận việc. Tôi nói lớn, đùa giỡn một cách sỗ sàng:

"Mời giai nhân rời gót ngọc vào tệ xá".

Tôi dọn dẹp những đồ đạc bừa bộn trên giường trên bàn trong khi nàng ra đứng ngoài hiên nhìn ra sông. Tôi khép cửa lại và tới sau lưng nàng. Tôi vuốt ve nàng và nàng bỏ mặc. Bên kia bờ sông là cánh đầm lầy. Tôi hôn nàng và nàng nói:

"Em sợ lắm. Anh cho em về".

Tôi không giấu nổi nụ cười chế giễu trước mặt nàng, tôi bảo:

"Rồi anh đưa em về".

Nàng víu chặt hai tay vào thành gỗ nhô một nửa người ra ngoài mặt sông trong khi tôi vòng tay ôm lấy bụng nàng và một tay gỡ dần những ngón tay mềm yếu của nàng. Nàng nói giọng sắp khóc, lời nói yếu quá tôi nghe không rõ vì lúc ấy tôi đã bế bổng được nàng lên tay.

Tôi vẫn còn bồng nàng trên tay đứng nguyên một chỗ. Nàng chăm chú nhìn vào mặt tôi như nhìn một khuôn mặt quen thân từ lâu, trong mắt chiếu ra một vẻ phục tùng ngây thơ lạ lùng, phản nghịch với dung nhan chập chờn tàn phai ở nàng. Giây phút sự cuồng bạo đàn ông tan di, tôi thấy tội nghiệp cho nàng vô kể. Tôi ghé sát mặt nàng, bắt đầu nói, để ru tôi về gần gũi với nàng. Tôi nói, tôi kể lể những kỷ niệm thành thật nhất đời tôi:

"Em có biết tại sao anh yêu không? Anh nhỏ tuổi hơn em. Ừ, tại sao anh yêu những người lớn tuổi hơn mình?" Tôi nghe nàng thì thầm bảo tôi: "Anh nói cho em nghe đi, đừng lặng im sợ lắm". "Hồi xưa năm anh chừng lên mười, anh theo gia đình từ Bắc và người Nam, đi bằng tàu hỏa. Anh nhớ vì chiến tranh con đường sắt thường bị ngắt quãng nhiều đoạn ngắn, phải đi mất nhiều ngày. Có đêm phải rời khỏi tàu đi bộ trên đường tàu đắp cao lạnh giữa đồng, qua những cây cầu sắt bị dội bom đã chao nghiêng nhưng chưa đổ, để sang tàu khác tiếp tục cuộc hành trình. Những toa tàu thiếu điện tối om và chật ních, anh chỉ là đứa trẻ con nắm chặt lấy tay mẹ sợ lạc. Trên chuyến tàu năm ấy anh gặp một cô sinh viên học ở Hà Nội về quê ở miền Trung. Những buổi chiều chậm chạp tẻ lạnh, tàu chạy men theo những núi rừng cây khô cháy, đá lởm chởm, cô ta đứng bên đứa nhỏ là anh trông ra ngoài cửa sổ và hát khe khẽ như ru anh. Cô ấy xuống tàu, một ga nhỏ nào đó, vào nửa đêm lúc anh đang ngủ. Sáng dậy anh mất cô ấy, anh mất những đoạn đường dài đã đi qua với tiếng hát êm đềm. Anh khóc, anh khóc mãi. Anh nhất định đòi mẹ phải cưới cô ấy cho anh và nếu bây giờ gặp lại cô ấy, chắc cô đã già lắm, anh vẫn ao ước hỏi cô làm vợ. Nhưng anh không nhớ mặt cô ấy thì làm sao mà gặp nhỉ?"

Tôi vừa bắt đầu cười thì đầu tôi nhói mạnh năm sáu cái liên tiếp, miệng tôi há hốc muốn văng tục cho hả giận. Chắc lúc ấy nét mặt tôi khả ố lắm, tôi thấy nàng cựa quậy muốn thoát khỏi tay tôi. Tôi bám lấy nàng chặt chẽ, nàng đạp hai chân vào không khí nhoài người ra ngoài. Những nhát búa vẫn bổ chậm vào gáy tôi, tay tôi lỏng ra, nàng vẫn rướn người ra ngoài mặt nước. Tôi không kêu lên được, nàng đập mạnh chân một lần nữa, tôi buông xuôi hai tay và nàng ngã ngửa xuống nước. Tôi bám tay vào thành gỗ chắn ngang nhưng không cục cựa nổi, cái đầu khốn nạn chưa tha tôi. Tôi nghe vang vọng đâu đây tiếng lạ, của một người đàn ông: "Có người té xuống nước". Tôi bàng hoàng tỉnh dậy và mặt nước dưới chân tôi đã khép lại bình thản, tôi nghe tiếng nhảy ùm của người ở nhà lân cận. Tôi vội vàng lao mình xuống nước.

III.

Từ khi lớn lên, chưa bao giờ tôi được nghe một giọng nói mơn trớn đến thế. Lời nói của người con trai trôi tôi vào tới cùng bản thể trong ấy giấu kín tuổi ấu thơ hằng cửu mà mọi sự vật điều hòa lên một giọng nói khác như vậy. Ngôn ngữ rất đầy, rất thực xô đẩy nhau rơi và lấp kín những trống không của tâm hồn như một lực lượng bất tận của vật thể. Tôi chìm ngập trong một thế giới hiển hiện những cảm giác xúc động biến hóa vô lường. Đêm đen và lạnh, con đường sắt bóng song song vun vút, thân người dịch nghênh sắp trơn tuột trên cầu chênh vênh, mặt sông bốc hơi, rừng núi khô cứng gai góc đâm nhọn, tiếng hát êm đềm của một khuôn mặt bất cứ là của ai và…

Tôi nhìn vào tận mắt người con trai, anh bồng tôi trên tay, cơ thể không còn thuộc về tôi. Tôi chờ đợi nhủ thầm: Nói nữa đi, đừng để cho cái chết len vào giữa chúng ta, cái chết với muôn vàn cánh tay chới với đang níu giữ hồn em. Mắt người con trai mở sáng tươi cười, nhưng tự dưng chúng sững lại lạc tinh như mắt người chết. Cặp mắt của chàng đó. Tôi đạp chân chạy trốn, hai cánh tay ai kìm giữ tôi. Khuôn mặt kề gần nhăn nhó đổi dạng vừa thoát lên từ địa ngục, tôi đạp chân chạy trốn. Tôi rơi nhanh ra khỏi cánh tay nhẹ nhõm nhắm nghiền đôi mắt lại, không kêu một tiếng. Một làn ấm áp nghẹn ngào ôm lấy, chìm sâu vào nó, một toa tàu đơn chiếc chạy trong một đường hầm tối xô vào vách đá tan tành. Đầu tôi đập mạnh vào một vật cứng, tôi tưởng tôi sắp sửa tỉnh khỏi một cơn mê. Rồi là một cơn bồng bềnh lúc nhẹ nhàng lúc nặng nhọc trắng xóa. Cảm giác ở trong phi cơ đang bay qua cơn mưa ngoài không trung mịt mờ, lướt trên một mặt phẳng nhẵn bỗng gặp một vài hố trũng hút xuống, rồi lại xuôi trên mặt phẳng mênh mông. Giọng hát chập chờn không nghe bằng tai, đâu còn thể xác nữa, một chút gì lởn vởn như một luồng khói nhạt là tôi.

Tôi cố gượng mở mắt chỉ thấy những màu trắng, màu vàng, màu đen nhảy nhót. Những tiếng huyên náo văng vẳng ở cõi nào tới, tôi muốn bắt lại tôi nhưng tôi bay đi. Tôi tỉnh lại hơn, không biết mình đang ở đâu, không nhận nổi đâu là đầu mình chân tay của chính mình. Tôi thở ở chỗ nào đây và tôi còn sống. Tôi còn sống, tôi muốn thở mạnh, nhưng đau nhói không định được chỗ, đau nhói từng nhịp, hơi thở nghẽn lại.

Hình như người ta khiêng tôi trên băng ca, tôi thoáng nhìn được màu trắng xóa của trần nhà cao. Tôi nghĩ: người ta mang tôi vào bệnh viện, tôi vội nhắm mắt. Người ta nâng đầu tôi dậy, chỗ đau đó, tôi nghe tiếng kêu rú, lịm ngất. Tôi hồi tỉnh dần dần và tôi muốn tìm thể xác của tôi. Trước hết tôi tìm hai cánh tay không thấy, có vật gì đè nặng xuống tôi, tôi chú ý và mệt lắm. Tôi phải lấy lại hơi thở đã, tôi thở, tôi chỉ là một cơ năng đang thở yếu đuối. Trí tuệ tôi bắt đầu vận động, tôi nghe thấy đầu của tôi là một tảng đá nứt rạn. Vẫn còn cảm giác hư vô, các phần của thân thể không dính với nhau, nhiều phần đã biến mất, cái đầu không ngọ nguậy. Màu ánh sáng đục trùm lên tôi. Tôi hé mắt từ từ đón lấy sự sống chậm chậm, một chuyển động đường thẳng dao động giữa hai cõi âm dương. Một vật gì đụng nhẹ, tôi nhận ra bàn tay trái của tôi đang nằm trong một bàn tay khác. Một cái bóng cúi vào trong tầm mắt của tôi: chàng và người con trai ấy. Rồi tôi bỗng nhiên động đậy, hình như tôi mỉm cười. Bây giờ mắt tôi mở bình thường, tiếp xúc với bên ngoài, tôi cảm thấy hai bàn tay, một của tôi một của người khác, đặt nằm trên vải đen lạnh. Tôi nói một câu: "Em muốn chết". Nhưng bộ máy phát âm yếu chỉ thổi qua hơi gió và câu nói bay hút trong đầu tôi. Tôi nhìn thấy phía sau đầu người con trai cái bóng đèn trắng sữa lớn treo trên trần nhà, cái bóng đèn đêm tôi từ biệt chàng trong một phòng đông người, tôi dùng bàn tay của tôi kéo chàng che khuất. Tôi muốn hỏi: trong phòng đông người không? Nhưng tôi sợ không nói được. Người con trai ra hiệu cho tôi đừng nói. Tôi giật tay cho chàng ghé sát tai vào miệng tôi, tôi cố gắng hết sức phều phào: "Chỉ cho em… tìm lại thân thể…" Nói xong tôi phải nhắm mắt nghỉ mệt. Chừng anh không hiểu ý, tôi ráng kéo bàn tay anh đặt lên một chỗ tình cờ và hai bàn tay làm cử động, tôi nhận ra ngực tôi qua một lần chăn mỏng. Tôi thấy anh gật đầu, tôi yên lòng nhắm mắt trở lại. Bàn tay trái của tôi được buông ra. Bàn tay, vừa nắm lấy nó lúc trước vuốt lên trên cánh tay vai trần, tôi hiểu rằng tôi không mặc quần áo, chỉ phủ một lần chăn thôi. Bỗng thèm một bàn tay nữa, hai cái ấp vào mặt tôi vuốt ve hai má tôi, cặp mắt, cặp môi, cái cằm, cái cổ, xuống đến cánh tay phải và nắm lấy bàn tay phải của tôi. Bàn tay lạnh xa lạ kia đưa tới đâu cảm giác mọc lên ở đó. Thốt nhiên hai bàn tay biến mất để cho tôi rung động với những phần tìm lại được, sau đó xuất hiện ở phía xa nắm lấy hai bàn chân của tôi. Tôi sung sướng cử động mấy ngón chân. Lần lượt tôi chiếm lại cả cơ thể và ngủ thiếp. Thức dậy, tôi thấy mấy ngón tay ai đang quệt những giọt nước mắt trên gò má. Tôi đã khóc trong khi ngủ, tôi không cầm nổi nước mắt ứa tràn, tâm thần tôi tỉnh táo. Hai ống chân tôi giá buốt, có lẽ cái chết đã chiếm xong phần ấy rồi. Tôi đưa bàn tay gọi người con trai, tôi muốn nhìn rõ ràng khuôn mặt anh. Tiếng của ai kêu la thảm thiết. Người con trai quay đầu về phía tiếng kêu ấy, xong anh ghé vào mặt tôi nói thầm: "Em tha thứ cho anh", tôi không hiểu ý anh. Tôi nhìn chừng như anh vừa khóc, mắt đỏ hoe. Anh cầm bàn tay tôi hỏi: "Em đã tỉnh chưa?". Tôi muốn gật đầu mà nhấc không nổi, tôi bèn chớp mắt. "Tại sao em không bảo anh mà em lại muốn chết?". Phút tôi đạp vượt khỏi tay người con trai, tôi không có ý nghĩ rõ rệt là tôi đang tự tử, tôi biết chắc mặt sông ở sau lưng, tôi như bị thôi thúc đột ngột bởi một mãnh lực thầm kín nằm sâu trong tôi từ bao nhiêu ngày. Tôi đã từng nghĩ: nếu tôi được trông thấy mặt chàng, tôi chết mãn nguyện. Trước đó khi người con trai ôm ngang thân tôi, gỡ dần những ngón tay níu vào thành gỗ, là cảm giác khiếp sợ lạnh ngắt cả cơ thể: khiếp sợ sự trinh tiết bất ngờ của tôi đối với người con trai. Tôi nhớ tôi là một thiếu nữ chưa hề bị xâm phạm và như thế thật là quái gở đối với sự tưởng tượng của mọi người. Người con trai hỏi tiếp: "Anh muốn cưới em, có được không?". Câu nói là một lời an ủi, tôi không cầm được nước mắt. Muộn quá rồi, nếu anh biết em hằng nhìn vào cõi chết, chọc thủng cái màu tối đen dầy đặc bao phủ nó. Em đã nhìn thấy qua khỏi khúc đường mù như nơi em gặp anh, như những buổi tối mùa đông cô đơn của một chuỗi năm tháng đã díu lại làm một, hiện lên dưới ánh sáng ban ngày những con đường thẳng tắp hay quanh co, những thân cây um tùm hay xơ xác, những vỉa hè, những cánh cửa, những mặt nhà phô bày quen thuộc và những khuôn mặt trôi qua loáng thoáng không níu giữ được, chẳng thể tưởng nhớ. Con đường đi vào cõi chết dẫn trở về cuộc đời không tiên đoán được; nhìn thấy sự vật mỏng lại, dẹp xuống chỉ còn là những mặt phẳng. Em không muốn sống mãi với cảm giác chênh vênh, lòng mình sâu hút như vực thẳm trong khi xung quanh phẳng lặng như tờ. Muộn quá rồi, bây giờ em đang nhìn khuôn mặt của anh trên nền trắng hư vô, đang chới với giữa cả quá khứ ngưng đọng, hiện tại của em là những giây phút tách rời rung động một mình không ngớt. Cái chết em trông thấy trong mắt anh xa vời, em còn sống đây, sống những thời khắc cuối cùng của một cái chết chờ đợi. Và sau đó …

Tôi nhìn mấy cái bóng trắng loanh quanh bên giường tôi. Người ta sửa soạn tiếp máu cho tôi, người con trai bị che lấp. Những giọt máu ngấm vào cơ thể sưởi lên một cơn nắng của sớm mai mùa hè. Chậm chậm hơi nóng bốc lên đầu dìm tôi vào cơn say của sự sống vay mượn đang nhập, hơi thở của tôi rộn rịp hơn, nghe như có tiếng lá cỏ reo trong một cơn gió nhẹ. Tôi tận hưởng cái đời sống đơn giản chạy theo những lượng hồng huyết cầu mới tới. Tôi ngủ thiếp đi, sức căng của động mạch tăng dần trong lồng ngực yếu ớt. Giấc mộng pha trộn hai màu trắng loãng và đỏ hồng không có hình bóng và tôi nghe giọng nói ấm áp như tấm chăn đơn đắp lên một thân thể gầy gò.

Tôi mở mắt không thấy người con trai ở bên, người nữ y tá đang thu xếp dụng cụ truyền máu. Tôi nghe những tiếng xầm xì và tiếng rên la thoang thoảng. Cô y tá trước khi bỏ đi bảo: "Ông ấy sắp trở lại bây giờ". Người con trai trở lại, cặp mắt ngơ ngác thất thần, đầu tóc bù xù, bộ quần áo đêm qua không thay nhàu nát. Tôi hỏi anh chỗ tôi đang nằm ở đâu, yêu cầu anh kể cho tôi nghe về xung quanh tôi. Anh bảo tôi đang nằm ở bệnh viện cấp cứu, dưới kia là cái chợ chính ở trung tâm thành phố, nhà ga xe lửa, bến xe buýt; đã bốn giờ sáng chợ cá đã họp, tôi sắp sửa nghe thấy tiếng xe buýt tới bến. Tôi lẳng lặng để cho người con trai dẫn tôi vào cái thế giới mà mọi vật đã được lời nói phủ lên vẻ huyền ảo che đậy những khía cạnh thô kệch của nó. Tôi nằm trong gian phòng ở từng thứ nhất, hai mươi giường kê sát thành từng hàng, giường tôi ở sát cửa vào, mấy giường kế cận không có người nằm. Dãy giường bên kia, một đứa nhỏ bị tai nạn xe hơi gãy chân bất tỉnh nhân sự, một người đàn bà giận chồng tự tử – người con trai xích ra cho tôi nhìn người chồng ngồi với hai đứa con nhỏ bên giường vợ – một bà già hấp hối cảnh binh nhặt được ngoài hè, một thiếu nữ uống thuốc phá thai băng huyết.

Tôi bảo người con trai: "Anh nói nốt cho em nghe câu chuyện bỏ dở". Anh nói: "Lúc ấy anh định hỏi em: Biết đâu em chẳng chính là cái cô sinh viên anh mơ ước thuở bé?". Tôi lắc đầu: "Anh nói chuyện khác đi vậy". Người con trai nhíu mày suy nghĩ, tôi bảo: "Anh nói về anh cho em nghe". Tôi trông vào đôi mắt đen sâu của người con trai dưới cặp lông mày đậm và xếch, đuổi theo cái giọng nói âm thầm vào tận những kẹt ngách tối tăm của quá khứ anh vẫn dìm sâu trong tiềm thức, phút này hiện lên trước cái chết, cái chết của tôi. Giọng nói ấy lẫn vào tôi, đuổi tôi ra ngoài để chiếm lấy, giấc mộng của anh thành giấc mộng của tôi và tôi biết cái chết đang ôm ấp mình. Anh nhắc những ấn tượng đầu tiên của một đời, khi đứa trẻ bước khỏi ngưỡng cửa xuống thềm nhà ra đường chơi nhìn thấy mặt hồ mênh mông hơi lạnh những buổi sáng mùa thu, căn nhà tuổi nhỏ nằm trong một khu ba mặt là hồ nước xanh đục màu lá như một hòn đảo. Con đường dốc đứng, dãy tường mặt sau của xưởng máy với những khung cửa kính chấn song sắt đặt cao im lìm như nhà tù, cây cầu đá có những vòm cổng đục xe lửa chạy ngang, mỗi ngày đứa nhỏ lủi thủi đeo cặp tới trường, sân trường những hầm xi măng chữ chi lộ thiên nước ngập tới mắt cá, trông lên trời nghe những hồi còi báo động rền rĩ. Rồi những thành phố đứa nhỏ đi qua để lớn lên, những nhà ga trước những ngả đường rộng hiu quạnh, những phòng ngủ tỉnh nhỏ, những con sông cùng bến chợ, tới khi trở về nơi ấu thơ hắn hiểu rằng mình sinh ra không cội rễ, xa lạ với mảnh quê hương phần mộ cũ. Càng đi nhiều bao nhiêu hắn càng nhận thấy mình mất hết những ràng buộc thân tình để còn một mình giữa một không gian ở đâu cũng là xứ sở. Tôi nghe thêm những điều u uẩn: "Tại sao anh lại yêu những người lớn tuổi hơn anh? Tại sao anh xua đuổi chạy trốn những gì trong sạch mà người ta nâng niu quý mến ở đời? Tại sao anh không yêu nổi những thiếu nữ hồn nhiên chưa ai đụng chạm, anh chỉ tìm gần gũi những người đàn bà dày dạn? Tại sao lúc này anh yêu em?". Tôi là một người đàn bà dày dạn. Người con trai gọi về những mối ám ảnh của anh, lời nói lúng túng thiếu mạch lạc, chính anh cũng chưa soi sáng nổi tâm hồn của anh. Một mối ám ảnh. Khi người con trai mười sáu tuổi yêu người con gái hàng xóm, một đêm kia thức dậy nghe ở gác bên tiếng khóc than, người con gái đã chết vu vơ như một ngôi sao rụng trong đêm mùa hè. Khi người con trai mười tám cầm tay lần đầu một người bạn gái, nàng rút tay về kinh hãi bỏ chạy; một tuần lễ sau nàng chết, người con gái hiền hậu vừa mua một chiếc nón mới, một đôi guốc mới chưa dám đội, chưa dám đi. Những cái chết làm cho anh sợ, bàn tay anh như vấy đầy dơ bẩn chạm vào những vật quý báu sẽ làm cho đổ vỡ, anh chỉ được quyền đứng xa mà nhìn ngắm luyến tiếc một thiên đường đóng chặt cửa với anh, bàn tay giơ tới đâu sự vật tinh khiết tan biến ở đó. Bây giờ rồi em chết và anh sẽ nghĩ tất cả mọi vật trên đời này anh chẳng được quyền mó tới. Tôi muốn bảo người con trai: "Em là đứa con gái còn… nếu em chết không phải vì anh". Nhưng anh không để cho tôi nghĩ ngợi, anh đưa tôi ra ngoài mặt biển, trên một con tàu nhỏ, đậu tránh bão trong một vùng biển; buổi sáng mai thức dậy mặt biển êm tĩnh lên ngồi trên boong nhìn tất cả sự vật thản nhiên sáng sủa, húp một bát cháo nóng của đầu bếp Trung Hóa, xem một người thủy thủ câu cá. Tôi nhắm mắt, người tôi dềnh lên vội vàng, đầu tôi nhức nhối như nằm trong hầm tàu sóng biển đang xô đập…

IV.

Có người vỗ lên vai, tôi mở choàng mắt, quanh tôi và trước mặt tôi là bác sĩ và y tá. Một người bảo tôi: "Cô ta chết rồi". Tôi bàng hoàng nhìn vào mặt nàng, đầu nàng quấn băng trắng máu đỏ loang, môi tái nhợt, hai mắt khép kín, tôi vẫn còn nắm chặt bàn tay trái của nàng khi mệt quá ngủ thiếp mồ hôi ở tay tôi làm nhớp cả tay nàng. Tôi đứng lên đưa mắt thù nghịch nhìn mọi người. Lúc đêm tôi quỳ gối bên cạnh giường nàng để nói chuyện với nàng, người ta đánh thức tôi trong cái dáng điệu lố bịch ấy. Tôi tránh xa đám người, bước tới gần vòi nước ở góc phòng, xấp nước vỗ lên mặt trong khi họ sửa soạn mang xác nàng đi. Trời đã sáng, những người bệnh đều nằm im. Tôi rùng mình, trong một khắc sống lại hết đêm qua với nàng, từ khi gặp nàng ở quãng tối cho tới khi nàng ngã xuống. Đầu nàng đập thủng sâu vào một cái cọc nhà gãy ngầm dưới mặt nước, máu ra nhiều, người ta đã hai lần tiếp máu cho nàng và bây giờ người ta mang nàng trên băng ca ra khỏi phòng. Một người cảnh binh xuất hiện chụm chân chào theo lối nhà binh đáng ghét, nói: "Tôi mời ông về quận để điều tra". Tôi đi theo hắn. Ở đầu cầu thang chúng tôi phải đứng lại. Hai người phu san vực bà già ăn mày cảnh binh nhặt được hấp hối ngoài lộ vừa mang vào hồi hôm, định trốn khỏi nhà thương nhưng yếu sức đi không nổi té lăn cù dưới chân cầu thang. Trong khi người ta vực bà trở lên, bà lẩm bẩm rên rỉ: "Cho tôi về thôi"; người ta gắt với bà: "Bà về đâu? Chừng nào bác sĩ cho giấy ra mới được ra". Người bà hôi thối rách rưới đến lợm giọng, hai cẳng sưng phù. Qua chỗ chúng tôi đứng một người phu phân trần: "Bà già này kỳ cục quá. Chưa khỏi mà cứ định trốn".

Dưới phố, còn sớm, người ta chở tôi trên một cái xe jeep chạy nhanh. Về tới quận cảnh sát chưa tới giờ làm việc, tôi phải ngồi đợi ở cái băng dài ngoài hành lang không người canh giữ. Tôi có ý bỏ đi tránh phiền phức vì tôi không mang theo giấy tờ trong người. Nhưng tôi cảm thấy tôi không bỏ đi được. Tôi nghĩ đến nàng đang nằm trong nhà xác và thân nhân của nàng tới giở tấm vải phủ mặt để nhìn mà than khóc. Tôi cố tưởng tượng ghi nhớ vẻ mặt nàng, nụ cười ở đoạn đường sáng, vẻ lo âu khi tôi quàng tay ngang thân nàng, vẻ thiêm thiếp khi tôi nói cho nàng và tôi, những hình bóng của quá khứ vây bọc chúng tôi. Nhưng có những khoảng trống đáng sợ mà khuôn mặt nàng không hiện lên, tôi không chắp nổi những đường nét thành hình ảnh, sự quên lãng hãi hùng gậm nhấm cả linh hồn tôi. Hình như khi đó, sự việc xảy ra đêm qua tưởng chừng đã bị đẩy lui nhập vào một cái hố quá khứ mà dư âm còn phải chờ đợi thời gian mới vọng tới. Tôi điên tức với chính tôi và tôi chỉ muốn người ta để yên cho tôi được quỳ bên nàng úp mặt vào nàng khóc cho hả.

Viên cảnh sát hỏi cung tôi hãy còn trẻ. Chỉ thỉnh thoảng hắn mới ngước mắt ném cho tôi một tia nhìn láu lỉnh, hắn làm ra vẻ thấu suốt những ý nghĩ thầm kín của tôi. Hắn biên tên tuổi của tôi một cách nắn nót, đặt những câu hỏi một cách chậm chạp dường như thích thú muốn kéo dài câu chuyện.

"Cô Nguyễn Thị Thanh với ông là thế nào?"

Thanh là tên của nàng, tôi nghe như tên một người lạ. Đọc tên nàng lên người ta đã chia rẽ nàng với tôi, từ lúc gặp nàng tôi chỉ biết nàng không hề nghĩ hỏi tên nàng.

"Tôi quen cô ta ở ngoài đường, tôi mời cô về nhà chơi…"

Viên cảnh sát đợi tôi nói tiếp, khuôn mặt trắng trẻo bụ sữa ngửa lên, vẻ tò mò còn ngây thơ. Thấy tôi im lặng nhìn cái mũ lưỡi trai úp trên bàn, hắn hỏi:

"Rồi sao nữa?"

"Cô ấy ngã xuống sông, đầu đập vào cọc ngầm. Tôi và người hàng xóm vớt đưa vào nhà thương".

"Tại sao cô lại ngã xuống sông?"

"Tôi không biết".

"Có phải ông đã xô cô ấy không?"

"Không", tôi trả lời gằn giọng ngó thẳng vào mặt viên cảnh sát.

Hắn cúi xuống viết và đẩy tờ giấy tới trước cho tôi ký. Ký xong tôi đứng tên, hắn bảo:

"Ông phải tạm giữ ở quận để giải sang biện lý cuộc".

"Tôi phải ra tòa?" Tôi ngạc nhiên hỏi.

"Còn tùy cuộc điều tra và những điều ông sẽ trả lời ông dự thẩm".

Người ta dẫn tôi xuống nhà giam thuộc dãy nhà thấp bên hông tòa nhà lớn, gian nhà chứa xe. Gian phòng trần trụi ẩm ướt hôi hám kê mấy cái băng dài sát tường. Một cửa sổ chấn song sắt mở ra một mảnh tường rêu loang lổ. Trong phòng có chừng bảy tám người nằm ngồi tản mác trên ghế. Hai cô gái mãi dâm, mặc áo hoa ngắn, quần đen bóng nhàu nát, đầu tóc rối bù không chải, da mặt nhợt nhạt, mùi nước hoa rẻ tiền còn phảng phất. Một cô da đen như lai Miên hỏi viên cảnh binh dẫn tôi vào:

"Thằng chồng tôi chưa tới lãnh tôi sao thầy?"

"Ờ… ờ… đâu rồi có đó", viên cảnh binh giễu cợt. Viên cảnh binh đi khỏi, cô chửi tục bâng quơ. Một thằng nhỏ ở trần mặc quần xà lỏn, gối đầu lên tay co quắp ngủ. Ở một góc riêng biệt ba người đàn ông, một người đàn bà thầm thì to nhỏ, quần áo tươm tất hơn, ra dáng người buôn bán. Tôi ngồi xuống dưới chân thằng bé con tựa lưng vào tường nhắm mắt. Tôi muốn quên cái đầu khốn nạn của tôi bởi tôi cảm thấy nó sắp dở chứng. Sau một giấc ngắn, tôi tỉnh dậy nhẹ nhõm hơn trước, nhưng dấu hiệu cơn đau đầu cũng biến mất. Tôi suy nghĩ về cái chết của nàng, tôi không hiểu vì sao nàng cố tình đạp vượt tay tôi cho ngã xuống nước. Nàng sợ hãi vì tôi đã tỏ ra thô bạo với nàng? Nhưng tại sao nàng lại không chịu theo tôi vào nhà, nàng không ngờ tôi sẽ như thế, nàng tin vào những câu nói mê sảng của tôi? Giả vờ, người đàn bà chừng ấy tuổi đầu không thể còn ngây dại tới mức ấy. Một người đàn ông, một người đàn bà trong một căn nhà vắng ban đêm, không phải là lúc mơ mộng. Đó là việc ngẫu nhiên bất ngờ? Suốt đêm qua bên cạnh nàng, tôi đã chứng kiến những giây phút tỉnh táo của nàng, không hề thấy nàng tỏ vẻ kinh ngạc về sự việc xảy đến với nàng, tôi nhìn rõ cái chết quá quen thuộc với nàng. Nàng tự tử? Tôi không tin bởi khi ôm nàng trong tay, dìu nàng bước theo tiếng nói vào thế giới mơ mộng tạo ra, tôi thấy nàng say đắm như tôi, mà tôi, tôi còn ham sống lắm, mặc dầu nhiều đêm chong đèn thức giấc tôi vẫn ngắm nhìn hai bàn tay mình và cái chết. Tôi đặt hai bàn tay xòe trên đầu gối, cái quần bết sình đã khô cứng. Tôi biết tất cả những cặp mắt trong phòng giam đang dòm tôi, tôi bỏ mặc. Tôi tưởng tượng hai bàn tay tôi như còn đang xoa trên thân thể của nàng, tôi yêu nàng cùng với cái chết. Chắc một điều là tôi dự phần quyết định trong cái chết của nàng, tôi đã giết nàng cùng với những kẻ… những kẻ khác, tôi không thể nói lại điều ấy với ai.

Tôi nhớ lúc tôi bảo muốn cưới nàng và nàng khóc, lòng tôi êm ái lạ thường. Mãi mãi đó sẽ còn là những giây phút quý báu của tôi, những giây phút tôi muốn sống bình thường như mọi người. Nhưng hình như một sức mạnh nào đó cứ xô đẩy tôi và mọi vật xung quanh tôi vào trong trạng thái bất thường. Thằng nhỏ duỗi chân đạp vào đùi tôi thức dậy, nó mở cặp mắt trâng tráo ngó tôi như một người đồng cảnh quen thuộc và chẳng buồn nói lấy một lời.

Tôi rời chỗ bước ra giữa sàn, cái khoảng trống bừa bộn rác rưởi, đi qua đi lại, tôi cố nghĩ xem cái không khí buồn tẻ này giống như nơi nào tôi đã qua. Bây giờ đến phiên hai cô gái điếm nằm duỗi dài trong một dáng điệu nghề nghiệp. Người đàn bà vẫn ngồi chung với ba người đàn ông ở góc riêng biệt, tới đứng bên cửa sổ, hai tay vịn vào chấn song sắt bắt chước một vẻ mơ mộng trong tiểu thuyết. Ba người đàn ông cũng tản mác đi lại trong phòng như tôi. Một người đứng tuổi đeo kính trắng cử động uể oải hay ngáp trông rõ là một công chức kỳ cựu. Một người lanh lợi tóc sấy dợn sóng, sơ mi trắng, cổ thắt nơ đỏ, quần giữ thẳng nếp, tay còn cắp một cặp da kiểu những nhà thầu. Một người vẻ mặt lo âu thường liếc nhìn trộm ông đứng tuổi đeo kính và người đàn bà đứng bên cửa sổ. Thằng bé con cúi gập mình, đi lục soát dưới mấy gầm ghế như tìm kiếm một vật thất lạc. Cô gái điếm đen đã ngáy khò khè. Cô kia mập và trông thật ngu đần, mắt cô húp lại, lông mày cúp xuống, nhỏm dậy đập vào cẳng cô bạn kêu: "Ngủ hoài". Cô bạn tỉnh dậy và hai bên chửi lộn om sòm. Ở ngoài có giọng cảnh sát la im và tôi rơi hẫng vào sự tĩnh mịch. Trong suốt thời gian ấy, người đàn bà làm như không nghe một tiếng động nào, hắn đứng quay lưng với tất cả, màu áo hoa của hắn sáng lên vì nắng đã chiếu vào phòng. Tôi nhớ tới cái không khí của hội chợ sắp tan, trời đã khuya, đèn nến sáng trưng, hoa giấy sặc sỡ, những gian hàng thưa người bám bụi, những con đường lộn vòng giữa những dãy nhà tạm bợ, tiếng máy phóng thanh oang oang trơ trẽn. Tôi tưởng tôi đã dẫn nàng đi dạo trong đó, chúng tôi đi sát bên nhau, chúng tôi gần nhau, chúng tôi là một, chúng tôi không để cho sự chán chường mệt mỏi của kẻ khác chia rẽ chúng tôi. Tôi tưởng nàng ngoan ngoãn ngủ yên trong tay tôi và tôi che chở cho nàng. Lúc này tôi bắt đầu muốn khóc, cổ họng tôi đầy ứ nước mắt, tôi nuốt mãi vào ngực.

Một lát người ta dẫn hai cô gái điếm ra ngoài, thằng nhỏ làm hề hát mấy câu cải cách tạm biệt. Người đàn bà quay lại nói trống không: "Chín giờ". Người đàn bà bước lại gần cầm cánh tay người đàn ông đưa lên nhìn đồng hồ nói lại: "Chín giờ thiếu năm, còn phải đợi bao lâu nữa?", lần này không ai buồn trả lời. Quãng nửa giờ sau, năm chúng tôi được chở tới tòa án, thằng nhỏ ở lại một mình.

Trong khi chờ đợi biện lý cuộc xem xét hồ sơ, người ta để chúng tôi ngồi ở hành lang bịt kín phía sau, ánh sáng không đủ soi rõ mặt người bên cạnh. Tôi chỉ nhìn thấy những cẳng chân đi lại bên ngoài dưới cánh cửa tự động mở ra khép vào. Tôi nghe tiếng người đàn bà xầm xì lúc thoạt vào rồi thôi. Sự im lặng chờ đợi của đêm đã sắp tàn. Tôi trông thấy trong tưởng tượng một đứa trẻ chừng mười bảy tuổi cởi trần ngồi ở thềm nhà, một căn nhà lá tiều tụy đầu xóm những đêm tôi về muộn. Trong khi những con chó thấy người sủa ran rồi chạy tán núp vào các ngách, nó ngước mắt nhìn tôi, tôi tưởng thấy lại ở nó hình ảnh của tôi thuở nhỏ. Tôi tưởng tôi là nó với sự đau khổ thầm kín ngồi im giữa bóng đêm ngắm một người khác cũng là chính mình đang lớn lên, lớn lên một cách xa lạ. Trước khi vào tới chỗ đứa trẻ, tôi phải đi qua một ụ rác lớn, tôi phải nhìn một bà già ngồi với một đôi quang gánh bên ụ rác móc đồ. Bà thường thảnh thơi ngoáy trầu dưới bóng cây đèn điện khẳng khiu làm bằng một cây gỗ do xóm trồng. Một buổi sáng dậy muộn, tôi nghe người trong xóm bàn tán xôn xao về cái chết của đứa trẻ: bố nó thất nghiệp mấy tháng nay, sáng hôm đó mẹ nó đi chợ vắng, nó đuổi bầy em ra ngoài chơi đóng cửa lại ra sau bếp treo cổ. Lẽ ra còn cứu sống được thằng nhỏ nếu mẹ nó không hấp tấp tự ý cắt dây (người ta tin rằng cha mẹ không nên cắt dây cho con cái, phải mượn tay người ngoài). Những đêm sau, khi về ngang chỗ đứa trẻ ngồi tôi vẫn hy vọng gặp nó ở đó nhưng chỗ ấy đã vắng người, tôi không tin được thằng nhỏ ấy chết. Đối với tôi, việc tự tử vẫn là một hành động tối thậm phi lý mà tôi không thể hiểu nổi. Người tự tử nếu không điên thì cũng ngu tối trong khoảnh khắc, nhưng thằng nhỏ tự tử kia làm cho tôi sợ bởi tôi không giải thích nổi. Tôi đang nghĩ rằng nàng cũng tự tử và tôi khiếp hãi rợn gai ốc. Nàng tự tử. Nếu thế tất nhiên không phải vì tôi, tôi chẳng nghĩa lý gì trong đời nàng. Nhưng trước mắt mọi người tôi phải gánh chịu trách nhiệm về cái chết của nàng, gánh chịu một mình, ý nghĩ ấy làm tôi khổ sở. Tôi lặp lại điều tôi đã nghĩ khi ở quận cảnh sát: tôi giết nàng… cùng những kẻ khác và tôi không thể nói lại điều ấy với ai. Có những người bị đời sống tiêm vào mạch máu những chất độc phản ứng chậm mỗi ngày, cho đến một lúc vừa đủ độ thì bằng cách này hay cách khác phải chết, tôi là mũi thuốc cuối cùng tiêm vào đời nàng…

Người ta đã vào dẫn bọn bốn người ra ngoài. Bây giờ một mình tôi ngồi với những vòng tròn xanh đỏ trước mắt, mi nặng trĩu, tôi biết mình sắp ngủ gục và tôi nhất định cưỡng lại. Nhưng còn tôi, tôi cũng là kẻ bị nhiễm độc từ thuở ấu thơ và nàng, cái chết của nàng, có phải là liều thuốc cuối cùng của đời tôi? Đến bao giờ tôi gặp liều thuốc cuối cùng? Đến chừng nào độ thuốc đủ sức đánh gục tôi? Tôi còn chống trả tới lúc nào? Tôi khám phá ra rằng sở dĩ tôi chưa tự tử, và không bao giờ hết, ấy chính bởi lẽ, mặc dầu từng giờ phút chất độc vẫn tăng lên, từng giờ phút cơ thể tôi vẫn chống trả lại một cách kịch liệt. Tôi không ham gì đời sống nhưng tôi không chịu để cho độc dược hoành hành, tôi cưỡng lại một cách bướng bỉnh. Tất cả ý nghĩ tồn tại của tôi là ở chỗ đó, bắt đầu từ đó; nếu không thử hỏi với cái thân phận khốn nạn của tôi, tôi còn sống làm gì cho bẩn mắt thiên hạ. Tôi là một đứa con hoang, nói như thế không đúng Thanh ạ – bỗng dưng tôi gọi tên nàng, nàng đã thuộc, đã ngấm vào tôi rồi – anh là đứa con không muốn nhận cha mẹ. Mẹ anh là vợ lẽ và đã bỏ cha anh theo người khác. Lỗi ở cả hai người nên anh thù ghét cả hai. Khi còn sống với cha anh, mẹ anh không những bị vợ cả hành hạ khốn khổ mà còn bị cha anh đánh đập tàn nhẫn. Anh mất ngủ từ năm sáu bảy tuổi, nhiều đêm thức giấc vì tiếng mẹ khóc anh không thể ngủ lại được, anh nằm nghe giường bên tiếng cha anh càu nhàu rồi tiếng thoi đấm huỳnh huỵch, mẹ anh không dám khóc lớn và cả anh nữa. Cho tới trận đòn ghen cuối cùng của bà vợ cả trong ấy, vì thương mẹ, anh lăn vào và bị người ta đạp chết giấc thì mẹ anh quyết định dẫn con bỏ nhà chồng trốn vào Nam. Lẽ ra anh phải sung sướng với sự tự do của mẹ anh, nhưng không hiểu người ta đã nhồi vào đầu thằng bé con từ bao giờ một thứ luân lý lạ lùng, anh theo mẹ anh và anh khinh mẹ anh đã không đủ can đảm chịu đựng. Anh muốn dù cha anh có đầy đọa mẹ anh thế nào mẹ anh vẫn phải chung thủy với ông, trung tín như một kẻ nô lệ anh hùng. Đồng thời anh cũng thù cha anh đã bạc ác khiến mẹ anh phạm vào tội đối với luân lý, trong thâm tâm anh cũng không muốn mẹ anh trở về sống trong cái tù ngục gia đình của người cha. Từ đấy anh đã thù ghét luân lý vì nó bám chặt lấy anh như một cục đá đeo trong đầu, rồi anh thù ghét luôn chính anh và anh đã không dám chọn một phía nào cương quyết. Anh thương mẹ nhưng anh lại sợ luân lý xã hội. Mẹ anh rất hạnh phúc với người chồng thứ hai, điều đó càng làm tăng sự chia xé trong tâm hồn anh, anh không thể nào chịu đựng được cái vẻ mãn nguyện hớn hở của mẹ anh với một người đàn ông khác không phải là cha anh. Nhưng cha anh lại là một người khả ố. Anh chỉ được sống trong gia đình mẹ anh cho tới năm mười bảy tuổi thì anh phải bỏ đi. Mẹ anh vẫn thương anh, có phần hơn những đứa con sau này; người cha ghẻ đối đãi với anh cũng tử tế, nhưng anh không thể sống mãi với những người mà anh vẫn nuôi lòng thù hận không giảm. Anh thù hận luân lý, anh thù anh. Anh cũng không thể trở về với gia đình ấy vì họ khinh bỉ mẹ anh trong khi chính họ là nguyên nhân xô đẩy mẹ anh vào đường tội lỗi (có phải là tội lỗi không khi mẹ anh chỉ đòi cái quyền được hưởng sự sung sướng như mọi người?). Anh trở thành một đứa con hoang. Nhiều đêm khuya, anh đi qua lại hai căn nhà ngụ hai gia đình của anh, gia đình cha và mẹ anh ở cùng một khu cách nhau vài phố, nhìn từ xa ánh đèn đầm ấm của hai không khí gia đình mà chẳng chỗ nào anh có thể ở được.

Tối hôm qua trước khi gặp nàng tôi đã qua nhà mẹ tôi để nhìn trộm bà, bà chẳng thể biết tình cảnh của tôi hiện giờ. Ở quận cảnh sát tôi khai là bố mẹ tôi đã chết. Phải, nếu hai người ấy chết tôi đã được giải thoát, không còn vấn đề gì đặt ra với người chết cả. Như nàng, nàng đã chết và tôi, tôi còn sống. Có vấn đề gì đặt ra không? Người cảnh sát mở cửa vẫy tôi ra ngoài. Tôi bước theo. Nếu tự tôi không đặt ra vấn đề, kẻ khác sẽ đặt giùm tôi. Người ta sẽ phán đoán thế nào sự liên lạc giữa tôi và cái chết của nàng? Tôi sắp sửa được biết. Người cảnh sát chỉ cho tôi cái nghề ngồi trước phòng dự thẩm và hắn bước vào phòng. Một lát hắn quay ra tay cầm một cái trát tống giam. Tôi ngước mắt chờ đợi, hắn gật đầu ra hiệu cho tôi theo hắn, đối với hắn tôi đã là một người phạm tội rồi. Hắn đẩy tôi lên cái xe sơn đen bít bùng chỉ hở hai cửa nhỏ rào sắt. Hai cánh cửa sau xe đóng lại. Chuyến xe rồ máy chạy. Tôi sẽ không chịu nhận tội lỗi mà người ta xét thấy tôi có như tôi từng chấp nhận cái luân lý người ta đã nhồi vào sọ tôi thuở bé… Bởi em đã chết và anh còn chống trả, còn phản đối cho tới khi nào người ta phải nhét thuốc độc vào miệng anh để người ta khỏi chối cãi rằng anh tự tử. Bây giờ thì anh thèm ngủ, ngủ và nằm mộng thấy em, trong căn nhà chúng ta. Thanh, Thanh ơi, Thanh… Anh ngủ, anh đang ngủ, anh chỉ khóc với em trong giấc ngủ mà thôi… Tôi nghe thấy mình bật thành tiếng khóc, nhưng tôi đã chìm vào giấc ngủ rồi.



 
 



 
nguồn: talawas.org

 
 
write comments  WRITE COMMENTreviews/comments  
 
 

 
 
Write Comment

Select an Avatar

RULES:
1. No politics
2.No insults
3.No HTML
4.No Vietnamese without accents
5. vm reserves the right to delete any posts


VIQR   VNI   English

 
 
TRUYỆN DÀITRUYỆN NGẮNTRUYỆN DỊCHTẬP TRUYỆNTRUYỆN TÌNH CẢMTRUYỆN TRINH THÁMTRUYỆN GIÁN ĐIỆPTRUYỆN KINH DỊTRUYỆN TIẾU LÂM TRUYỆN TUỔI TRẺ / HỌC TRÒTRUYỆN TÌNH DỤCTRUYỆN KIẾM HIỆPTRUYỆN DÃ SỬTRUYỆN TRUNG HOATHƠTẠP CHÍPHI HƯ CẤUENGLISH EBOOKSEBOOKS FRANÇAISTRUYỆN KỊCHEBOOKS by MEMBERSTỰ LỰC VĂN ĐOÀNGIẢI THƯỞNG VĂN HỌC MIỀN NAM 1957-1975GIẢI THƯỞNG NOBEL VĂN HỌCTRUYỆN HAY TIỀN CHIẾNTRUYỆN MIỀN NAM TRƯỚC 1975TỦ SÁCH TUỔI HOATÍN ĐỨC THƯ XÃMỤC LỤC TÁC GIẢ




Please make a
donation to help us
pay for hosting cost
and keep this
website free

Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu

Duyên Anh



  Copyright © 2002-2021 Viet Messenger. All rights reserved.contact vm  

Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

Raymond Chandler by Oates