SN/GCC 2018




Cái chuyện Gấu học Bưu Điện, về già mới muôn vàn cám ơn Thầy Viễn, và sau tới… Ông Trời. Khóa I năm đó, bên Bưu Vụ - ra làm Trưởng Ty Bưu Điện – thì đông, nhưng bên Kỹ Thuật, ra Cán Sự Kỹ Thuật Bưu Điện – khác Cán Sự Điện Phú Thọ - trước khi có Trường Quốc Gia Bưu Điện – kể như là những khóa đàn anh của đám kỹ thuật bưu điện – Ông Xếp Đài của Gấu, xuất thân từ trường Phú Thọ, và còn nhiều người khác nữa - … nhưng bên Kỹ Thuật, chỉ có 3 tên, sau thêm Gấu, là bốn.
Một phần nào, Gấu được nhận, dù bỏ học năm đầu, là vì con số 3 ít ỏi đó. Nhưng nếu Gấu không giỏi Toán, chắc cũng hỏng cẳng!
Thầy Viễn sau làm Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải. Ông rất thương Gấu. Khóa thi nào, cũng kêu Gấu làm giám thị, nhưng do Gấu cứ tội nghiệp đám thí sinh, tên nào không làm được bài toán thi, là bèn làm giùm. Đến tai Thầy Viễn, ông lôi lên văn phòng rũa cho 1 trận, nhưng tật vẫn không bỏ, thế là sau đó, ông không cho Gấu làm giám thị coi thi nữa!
Nếu không làm Bưu Điện, làm sao Gấu có cái việc làm thêm cho UPI, nhờ thế mà có tiền mua sách. Ui chao, về già nhớ lại, cảm khái chi đâu: Đọc túi bụi, sống túi bụi, yêu – BHD - cũng… túi bụi!
Làm sao ngồi ở trên đỉnh cồn mà thấy mình như ở Mắt Bão, khi lui cui gửi vô tuyến viễn ảnh, từ khắp bốn vùng chiến thuật gửi về, đi khắp bốn phương trời?

Khóa I, Ban Cán Sự Kỹ Thuật Bưu Điện, chỉ có 3 tên, sau thêm Gấu, là bốn. Ba tên người Nam, là Lữ Văn Bé, Huỳnh Văn Ba, Nguyễn Phước Lợi - mới được Lữ Văn Bé, qua 1 vị bạn FB cho biết đầy đủ tên tuổi. Nhà LVB cũng gần nhà Gấu, cũng khu chung cư Bưu Điện. Khi lấy Gấu Cái, không có áo sơ mi trắng xuống Cai Lậy rước dâu, Gấu chạy sang nhà anh. Sau quên trả, bà xã anh phải nhắc, tếu thế. Bộ đồ vét, cũng đi mượn.

*

Gấu có lần ngồi ăn phở với đấng bạn quí NXH tại Tiểu Sài Gòn.
Khi đó bạn quí dọn lên San Jose rồi, nghe tin Gấu qua, bèn xuống thăm, hoặc, nhân xuống thăm Tiểu Sài Gòn, nghe Gấu qua, bèn gặp.
Cùng lèm bèm về thơ DTL.
Gấu có phán: Bạn DTL có rất nhiều đòn.
Nếu ra đòn, ‘anh yêu em’ không ăn, thì đánh vào "người chị, người mẹ, cô em gái, hay bậc nữ thánh, nữ bồ tát chuyên cứu vớt k lầm lạc", ở nơi người phụ nữ, là thế nào cũng gục!
Bạn quí phì cười, gật gù: Đúng, đúng quá!
*
Hồi mới ra trường Bưu Điện, 1960 hay 61, Gấu làm việc tại Ty Trung Ương Cơ Xưởng Vô Tuyến Điện, số 11 Phan Đình Phùng. Từ phía cổng cơ xuởng trông ra là con đường Phạm Đăng Hưng. Bên phải, building số 5, của đám Tây ở. Bưu Điện mướn tầng trên cùng, đặt mấy đài VTĐ. Quá nữa, là số 3, Đài phát thanh Sài Gòn. Ra trường Bưu Điện, Gấu làm việc tại Cơ Xuởng số 11. Hai năm sau, qua số 5 làm việc tại Đài Liên Lạc VTĐ thoại quốc tế. Đó là nơi viết Những ngày ở Sài Gòn, sau khi ăn hai trái claymore của VC tại nhà hàng Mỹ Cảnh. [Biết rồi khổ lắm nói mãi].

Khi đó, chưa có trường Bưu Điện. Bọn Gấu phải học nhờ nơi trường Quốc Gia Thương Mại, ngay đầu đường Phạm Đăng Hưng. Nhà thờ Phan Xi Cô cũng ngay đầu đường.

Phiá bên trái cổng cơ xuởng, là khu nhà của các ông lớn Bưu Điện, đa số là sếp, và thầy của Gấu. Phía bên kia đường, là con đường Phan Kế Bính, chạy song song với Phạm Đăng Hưng, cả hai đều đụng với đường Phan Đình Phùng, làm thành hai ngã ba. Cả hai đều là hai con dốc ngắn đổ xuống đường Phan Thanh Giản. Thư viện Văn Hoá Bình Dân nằm trên đường Phan Kế Bính, quán Làng Văn nằm trong khuôn viên thư viện.

Đó là nơi cô bạn tổ chức tiệc cuới, vào một đêm Gấu trực tại Đài, cũng gần đó, đang trực, kêu đệ tử coi Đài, xách xe Honda, đi dự, nửa chừng bỏ ra về, rồi xách xe Honda cứ thế chạy miết xuống tới tận cầu Sài Gòn, tính lao luôn xuống!

Từ số 11, đi tới 1 chút, tới ngã tư Phan Đình Phùng/Đinh Tiên Hoàng, quẹo phải tới quán Con Ve Sầu, La Cigale, chủ Tây, vừa là nhà hàng ăn, vừa có sàn nhẩy, lâu lâu, Gấu có ghé, đôi khi, những lần trực đêm.
Khu này là giang sơn của Gấu, Gấu Đa Kao, thì cứ gọi vậy cho tiện.

Ui chao, chỉ đến khi ra được hải ngoại, một bữa tình cờ đọc hai câu thơ của DTL:

Em đi áo lụa mềm lưng phố,
Có động lòng thương kẻ cuối đường

Toàn cảnh trên đột nhiên sống lại, rõ mồn một.
Khủng khiếp đến nỗi, Gấu có cảm tưởng, hai câu thơ, là từ con dốc ngắn bò ra!

Bà hoàng hậu trong Alice lạc xứ thần tiên, có tài nhớ hai chiều, nhớ quá khứ, và nhớ cả tương lai.
Đúng là trường hợp hai câu thơ của DTL, đối với Gấu, theo nghĩa, thời gian có thể đảo ngược, reversible.
Cái bữa Gấu ‘sống cuộc biệt ly, đau nỗi đau' cô bạn đi lấy chồng đó, chỉ hoàn tất, ‘viên mãn’, chung cuộc…  khi hai câu thơ của DTL xuất hiện.

DTL chơi với bạn là số 1, chưa từng thù ghét, nói xấu bất cứ 1 tên bạn nào.
Và là 1 trong  2 người bạn, thực sự mừng, khi GNV sống lại. Anh nói, mày đúng là tái sinh, lần gặp lại ở Tiểu Sài Gòn, 1998, khi vợ chồng Gấu qua lần đầu, nhân dịp xb Lần Cuối Sài Gòn.
Người kia là thi sĩ Viên Linh.


Nơi là Trường Quốc Gia Bưu Điện, trước đó, là khu Réception, nhìn từ cổng, số 11 Đường Phan Đình Phùng. Khu bên trái, Nhà Kho. Khu phía trong, Xưởng Cơ Khí. Gấu làm việc ở Réception, chuyên lo sửa máy nhận tin, Récepteur, tức cái Đài, ladô, để nhận tín hiệu morse, điện tín,1 mình 1 cõi. Khi phá đi, để thành lập trường QGBD [Quốc Gia Bưu Điện, Gấu rời qua khu Nhà Kho, ngự trị ở trên lầu, và lúc này, có riêng cho 1 tên đệ tử, nhớ, tên Hùng, đẹp trai, con 1 ông đã về hưu, bố xin cho con vô học nghề. Trong bài viết ngăn ngắn "Đài Gương Soi Đến Dấu Bèo", Gấu đã nhắc tới tên đệ tử này

http://tanvien.net/Ghi/dai_guong.html



Ẩn dụ thơ “Đài gương soi đến dấu bèo” - không phải của Gấu, tất nhiên - lần đầu Gấu thật ‘cay đắng dã man’ được thưởng thức, là trong một lá thư tỏ tình, của một cô gái mà Gấu tưởng là cô ‘thuơn’ Gấu, nhưng hóa ra ‘thươn’ đệ tử của Gấu!
Gấu đã nói sơ qua về vụ này một lần rồi. Nay nhắc lại, một phần để đáp lại tí ‘tri tình’ của một độc giả Tin Văn, khi đọc câu chuyện tình mắc cỡ của Gấu, bèn ‘mail’, khen, ui chao ẩn dụ thơ mới đẹp làm sao, lần đầu tiên tui được nghe, và cuộc tình của ông Gấu mới tội làm sao!
*
Thời gian trường Bưu Điện đang xây cất đó, Gấu làm việc bên này, nhìn qua, thấy trong đám thợ hồ có một em xinh thật là xinh. Thế là cứ rảnh việc một tí, là thò đầu ra cửa sổ để ngắm em. Rảnh hơn thì ra hẳn bên ngoài, ngó cho đã con mắt.
Thế rồi, một bữa, được em ngó lại. Ôi chao, hạnh phúc nào bằng.
Cho đến một ngày đẹp trời, em vẫy tay cho phép gặp.
Gặp, em thẹn thùng đưa cho một lá thư mầu xanh, thẹn thùng nói, xin nhờ anh làm con chim xanh, [mấy từ con chim xanh này là của em, không phải của Gấu], đưa lá  thư xanh này cho cái anh nho nhỏ đẹp trai, hay đứng kế anh, giùm em.
Trong thư, có câu, “đài gương soi đến dấu bèo này chăng”?
Đài gương, là ông nhóc đệ tử Gấu. Dấu bèo là thánh nữ của Gấu.
Ông già làm chung, ông Lân, còn phạng thêm cho một câu, nó là thợ hồ, làm sao dám ngó lên tới đài gương, là ông cán sự Bưu Điện!

Gấu, nhà văn
*
Nhưng thú vị nhất, là cái lần talawas bị tường lửa, và bà chủ quán lên BBC than phiền, cái vụ Gấu này nhanh hẩu đoảng, ăn mừng chiến thắng:
Tôi đâu có muốn được điểm của hải ngoại!
Và Gấu lại phải lên tiếng thanh minh, hải ngoại đâu cần điểm, mà cần một "nửa linh hồn" của nó, bị thất lạc, từ thuở Tây mủi lõ đánh chiếm Nam Kỳ!

*
“Còn những người, trong những ngày qua, có lời chúc mừng talawas đã đạt được cái thành tích là trở thành món hàng cấm và vì thế có hương vị ngọt ngào hơn, thậm chí cả những người cho rằng talawas cố tình bị tường lửa để kiếm điểm tại nước ngoài, những người ấy sẽ thấy mình đã kết luận vô lối và vội vàng như thế nào. Nếu phải thành một huyền thoại thì đó là bất hạnh lớn cho chúng tôi”.
Phạm Thị Hoài, trả lời BBC, đăng lại trên talawas. 
Trên tờ Gió Đông ngày nào - mà đa số cộng tác viên là những cây viết ra đi từ miền bắc - người chủ trương, Lê Trọng Phương, trong một bài viết, đã mượn một ẩn dụ của Borges, khi nói về một bức bản đồ Việt Nam, tỉ lệ xích là 1/1, bị rách nát, mà những người Việt hải ngoại cố mang ra ngoài này để khâu vá lại, cho nó được như xưa.
Một tấm bản đồ "văn học" như thế, chỉ có một nửa, nếu thiếu những người như Lê Trọng Phương, những diễn đàn như talawas.
Trong tinh thần đó, Tin Văn viết, "... và như vậy văn học hải ngoại sẽ không còn ở trong tình trạng chông chênh, thiếu tới một nửa 'cuộc đời, linh hồn'... của nó."
Talawas bị tường lửa

*
Bài post lên, NTV đọc, phôn khen: Hình ảnh một "nửa linh hồn", mày dùng, đắt lắm !
Gấu, vừa mừng lại vừa lo, hỏi:
-Nhưng liệu bà chủ quán có biết, có 'đài gương soi đến dấu bèo'... ?
NTV:
-Làm sao không biết !

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates