Murakami




Sân bóng chày
 
 

Murakami Haruki
Phạm Vũ Thịnh dịch
 
-"Thấm thoát mà đã 5 năm rồi, từ thuở tôi còn ở trọ bên cạnh sân bóng chày. Đó là thời tôi học đại học năm thứ ba. Gọi là sân bóng chày chứ thật ra chẳng phải là sân rộng lớn gì, mà chỉ là thứ đồng cỏ vẽ vời thêm thắt đôi chút mà thôi. Cũng học đòi theo người ta mà có đủ lưới hậu, mô đất cho người ném bóng, bảng ghi điểm đơn giản bên cạnh luỹ thứ nhất, và hàng rào thép bao quanh. Khoảng sân ngoài thì không lát cỏ xắn tỉa chu đáo, mà đầy những cỏ dại lởm chởm. Nhà vệ sinh nhỏ thì có đấy, nhưng phòng thay áo và tủ khoá đựng áo quần không thấy đâu. Chủ sân là hãng chế sắt có công xưởng lớn gần đấy, ngay cửa vào sân treo tấm bảng "vô phận sự cấm vào". Cứ đến thứ Bảy hay Chủ nhật lại thấy đủ loại đội-bóng-chày lập thành từ nhân-viên và công-nhân của hãng chế sắt ấy đến thi đấu với nhau. Ngoài ra còn có đội tuyển bóng-chày-mềm chính-quy của hãng ấy, tập luyện vào các ngày thường. Có cả đội bóng-chày-mềm của phái nữ nữa. Bởi hãng này rất thích môn bóng chày. Mà sống bên cạnh sân bóng chày cũng vui lắm chứ. Nhà trọ của tôi xây ngay phía sau hàng ghế của luỹ thứ ba, tôi ở tầng hai. Mở cửa sổ ra thì ngay trước mắt là hàng rào dây thép của sân bóng. Nhờ thế, khi nào nhàm chán, mà ban ngày thì hầu như ngày nào cũng nhàm chán cả, tôi lại thơ thẩn ngắm các cầu thủ không chuyên thi đấu hay các tuyển thủ bóng chày chính quy luyện tập, cho qua thì giờ. Thế nhưng, tôi đã vào trọ ở đấy chẳng phải là để xem bóng chày đâu. Có lý do hoàn toàn khác đấy." Người thanh niên ngưng câu chuyện, lấy từ trong túi áo vét ra điếu thuốc, châm lửa hút. Tôi gặp anh ta hôm ấy là lần đầu tiên. Anh viết chữ rất đẹp, rất hấp dẫn. Tôi muốn gặp anh ta xem sao, nguyên cũng do chữ viết duyên dáng của anh. Nói là duyên dáng, nhưng nét đẹp trong chữ viết của anh không thuộc loại uyển chuyển trau chuốt từ những lớp tập viết chữ bằng bút mực cho đẹp, mà lại có vẻ lọt ra ngoài khuôn mẫu, có phần chân-chất mà đầy cá-tính. Chữ nào chữ nấy nghiêng ngửa lảo đảo mất thăng bằng, thế nào cũng có nét dài quá hay ngắn quá quy-ước. Thế mà dù vậy, chữ viết của anh có vẻ phóng khoáng như giọng hát tung lồng ngực. Từ thuở sơ sinh đến nay, tôi chưa từng được thấy chữ viết nào đẹp mà lý thú đến như thế.
Anh ta đã viết thứ chữ như thế cho một tiểu thuyết khoảng 70 trang bản thảo, gửi đến chỗ tôi bằng gói bưu điện cỡ nhỏ.
Chỗ tôi đôi khi lại có những bản thảo gửi đến như thế. Có khi là bản sao, có khi là bản chính viết tay. Thật ra, có lẽ cũng nên đọc qua rồi viết cảm tưởng gì đấy, nhưng tôi thì không thích mà cũng không giỏi chuyện ấy, vì vốn là người có suy nghĩ riêng tư đến cùng cực, nên lần nào tôi cũng viết thư từ chối mà gửi trả lại cho họ. Dù nghĩ là làm mất công người ta, nhưng không thể múc nước từ giếng của người khác được.
Thế mà 70 trang tiểu thuyết anh ta gởi đến thì tôi đã không thể không xem. Lý do thì như đã viết, nét chữ của anh ta hấp dẫn đến không cầm lòng được, và tôi đâm ra muốn biết vô cùng: một người có thể viết chữ đẹp tuyệt như thế thì viết tiểu thuyết như thế nào. Một lý do khác là bức thư kèm theo nguyên cảo ấy, lời lẽ thật đúng lễ nghi, giản dị mà rất là bộc trực. "Thật lòng tôi xin lỗi đã làm phiền đến ông, nhưng từ lúc sinh ra đến nay, lần đầu tiên tôi mới thử viết tiểu thuyết, mà viết xong lại bấn loạn không biết nên xử trí ra sao cho đúng, cảm thấy đề tài mình định viết và tác phẩm được viết ra sao mà cách biệt nhau quá xa, tự mình không sao hiểu được đối với một tác gia thì như thế có ý nghĩa gì. Nếu có thể xin được một lời phê bình, dù chỉ ngắn gọn của ông, thì không còn gì vui mừng hơn cho tôi". Bức thư ấy viết như thế. Giấy viết thư trang nhã mà phong bì cũng thanh tao. Không có một chữ viết sai. Vì thế, tôi đã đọc tiểu thuyết của anh ta.
Bối cảnh của tiểu thuyết là một bãi biển ở Singapore. Nhân vật chính là một tư chức độc thân 25 tuổi, lấy ngày nghỉ cùng người yêu đi Singapore. Bãi biển ấy có quán ăn chuyên về món cua. Cả hai người đều thích các món cua. Quán ăn ấy chủ yếu nhắm đến khách địa phương nên giá-cả thật rẻ, vì thế mỗi ngày cứ tối đến là hai người lại quán ấy uống bia Singapore, và ăn các món cua thả giàn. Singapore có đến vài chục loại cua khác nhau, và có đến hàng trăm món cua khác nhau.
Nhưng một đêm nọ, ra khỏi quán ăn trở về khách sạn, thì chàng thấy khó chịu trong người quá, phải vào nhà vệ sinh mà nôn ra. Dạ dày đầy cả thịt cua trắng. Chàng nhìn chăm chú những khối thịt ấy nổi lên trên mặt nước trong bồn cầu một lúc thì thấy như chúng có hơi động đậy. Lúc đầu tưởng là ảo tưởng thị giác gì đấy. Nhưng quả là những khối thịt ấy động đậy thật. Cứ như là những nếp nhăn cau lại, và bề mặt của những khối thịt ấy co giật run rẩy. Nhìn kỹ thì thấy đó là những con bọ màu trắng! Hàng chục con bọ li ti cùng màu với thịt cua xuất hiện trên mặt mỗi khối thịt ấy.
Chàng gắng nôn ra lần nữa cho sạch hết những thứ trong dạ dày. Nôn mửa cho đến lúc dạ dày co rút lại chỉ còn bằng một nắm tay, chắt ra cho đến giọt cuối cùng của dịch-thể màu lục đắng ngắt trong dạ dày. Vẫn chưa hài lòng, chàng uống ừng ực nước thuốc súc miệng, rồi lại nôn cả ra.
Nhưng chàng không nói với người yêu về chuyện bọ. Chàng hỏi nàng có buồn nôn không. Nàng đáp không. Có lẽ vì anh uống bia nhiều quá đấy thôi. Chàng nói: Ừ nhỉ. Thế nhưng tối ấy, hai người đã ăn cùng món trong cùng đĩa mà!
Đêm ấy, chàng ngắm thân hình nàng đang say ngủ dưới ánh trăng. Và nghĩ đến vô số những con bọ li ti có lẽ đang lúc nhúc lổn nhổn trong thân thể ấy.
Câu chuyện như thế đấy.
Đề tài thú vị, mà văn chương cũng vững vàng. Lần đầu tiên trong đời mà viết được tiểu thuyết như thế thì giỏi quá. Mà nói gì đi nữa, chữ anh ta viết thì tuyệt vời. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì so với mức hấp dẫn của chữ viết, mức độ hấp dẫn của tiểu thuyết ấy thua sút rất nhiều. Quả là có tề chỉnh thật đấy, nhưng toàn bộ quá cân chỉnh và bằng phẳng, thiếu mất những đột khởi cần thiết cho tiểu thuyết. Tất nhiên tôi không ở trong cương vị có thể cho những phán định có tính cách quyết định đối với tác phong tiểu thuyết của người khác. Nhưng tôi cũng hiểu được rằng tiểu thuyết ấy của anh ta có khuyết điểm thuộc loại căn bản mà chí mệnh. Nghĩa là không sửa chữa gì được cả. Trong tiểu thuyết phải có ít nhất là một chỗ đột xuất đặc sắc nào đấy thì mới có thể lấy đó làm điểm chính mà, trên nguyên lý, nâng cao trình độ tiểu thuyết lên được. Nhưng tiểu thuyết của anh ta thì không được như thế. Bộ phận nào trong đó cũng bình quân bằng phẳng, không có chỗ nào bấu sâu vào tình cảm người đọc. Thế nhưng, tôi không thể viết cảm tưởng thẳng thừng như thế đối với một người chưa từng gặp mặt. Vì thế, tôi chỉ viết một thư ngắn gọn, cho vào chung với nguyên-cảo mà gửi trả lại anh ta. Đại ý rằng: "tôi nghĩ là rất thú vị, nếu lược bỏ bớt đoạn giải thích dài dòng, tu chỉnh lại cẩn thận, gửi đi dự thi lấy giải thưởng cho người viết mới của một tạp chí nào đấy thì rất thích hợp". Một tuần sau, anh ta gọi điện thoại đến, nói rằng: "xin lỗi lại làm phiền ông, nhưng có thể nào cho tôi được gặp ông một lần không". Và cho biết là anh ta 25 tuổi, nhân viên ngân hàng, gần chỗ làm có tiệm bán món lươn rất ngon, muốn mời tôi để cảm tạ đã cho anh lời phê bình, chỉ là chút lễ mọn tạ ơn, mong tôi hoan hỉ chấp nhận. Tôi nghĩ đã lỡ bước chân lên thuyền rồi, mà cũng có phần hiếu kỳ về chuyện tạ ơn đọc nguyên cảo bằng cách mời đi ăn món lươn, nên tôi nhận lời gặp anh ta.
Từ nét chữ viết và cảm nhận từ lời văn, tôi đã tưởng tượng mơ hồ rằng anh ta là một thanh niên gầy ốm, nhưng thực tế, lại gặp một người mập mạp hơn khổ người trung bình. Nói thế chứ cũng không đến nỗi béo phì, mà chỉ ở mức dư giả đôi chút nơi lớp thịt đó thôi. Đôi má phính, trán rộng, mái tóc bồng rẽ ngay giữa chẻ ra hai bên, đeo kính tròn vành mỏng. Trông toàn thể có vẻ sạch sẽ, con nhà, cách ăn mặc cũng nghiêm chỉnh. Những điểm này thì đúng như tôi đã dự tưởng.
Chúng tôi chào hỏi nhau rồi ngồi đối diện trong một phòng riêng nhỏ, uống bia và ăn món lươn. Lúc đang ăn thì không nói gì về chuyện tiểu thuyết. Tôi khen chữ viết của anh ta. Anh ta tỏ vẻ vui mừng lắm. Rồi anh kể chuyện bên trong của việc làm ở ngân hàng. Chuyện anh kể rất thú vị. Ít nhất thì cũng thú vị hơn là đọc tiểu thuyết của anh ta.
-"Chuyện tiểu thuyết ấy thì khỏi nói đến cũng được." Anh nói như biện minh, sau khi các chuyện khác đã nói xong. -"Thật ra, sau khi được ông gửi trả bản thảo thì tôi có đọc kỹ lại một lần nữa, nhưng tự mình cũng thấy là không hay. Sửa chữa lại thì có thể làm cho phần này, phần khác hay hơn đôi chút, nhưng vẫn chẳng làm sao giống với hình dạng mà tôi muốn tạo nên. Sự thực thì không đúng hẳn như thế."
-"Đấy là chuyện thực sao?" Tôi ngạc nhiên hỏi.
-"Vâng, tất nhiên là chuyện thực đã xảy ra chứ. Mùa hè năm ngoái đây thôi." Anh ta nói với vẻ thản nhiên. -"Tôi thì chỉ có thể viết được chuyện thực mà thôi. Nên chỉ viết chuyện gì đã thực tế xảy ra. Từ đầu đến cuối đều thực cả. Thế mà viết xong đọc lại thì chẳng có cảm giác đó là chuyện thực. Vấn đề là ở đấy."
Tôi ậm ừ cho qua.
-"Có lẽ tôi nên tiếp tục làm nhân viên ngân hàng như thế này cho xong." Anh ta cười nói.
-"Thế nhưng cốt truyện thật là đặc biệt, không ngờ lại là chuyện thực. Tôi cứ đinh ninh đó là chuyện hoàn toàn do trí tưởng tượng của anh tạo ra chứ." Tôi nói.
Anh ta đặt đũa xuống, nhìn tôi đăm đăm một lúc. -"Khó giải thích cho rõ được, nhưng tôi rất thường gặp những thể nghiệm kỳ dị như thế đấy." Anh ta nói. -"Nói là kỳ dị, nhưng cũng chẳng phải là chuyện gì khác thường đến quái đản, nên nếu có bảo là chẳng có gì kỳ dị cả, thì cũng có thể nghĩ là không có gì kỳ dị cả thật. Thế nhưng đối với tôi thì vẫn là sự kiện có gì đấy kỳ dị. Như hiện thực có dời đổi đi chút ít vậy. Như chuyện ăn món cua ở quán ăn trên bãi biển Singapore, nôn mửa ra thấy có bọ nhúc nhích, thế mà cô gái đã cùng ăn với mình lại ngủ ngon lành như chẳng có gì lạ xảy ra cả. Nói là kỳ dị thì quả là kỳ dị, mà bảo là chẳng có gì kỳ dị, thì cũng đúng là chẳng có gì kỳ dị cả. Có phải thế không?"
Tôi gật đầu.
-"Những chuyện như thế đã xảy ra cho tôi rất nhiều. Vì thế tôi muốn viết thành tiểu thuyết xem sao. Đề tài thì bao nhiêu cũng có. Thế nhưng viết thử xong, tôi lại nghĩ thế này. Tiểu thuyết chẳng phải là thứ như thế. Bởi nếu người nào có thật nhiều đề tài thú vị chắc chắn viết ra được thật nhiều tiểu thuyết hay ho, thì đâu còn phân biệt gì được giữa tiểu-thuyết-gia và nhân viên ngân hàng nữa". Tôi cười lớn.
-"Nhưng mà, gặp được ông là điều rất tốt." Anh ta nói. -"Nhờ thế mà lắm chuyện đã rõ ràng ra được."
-"Anh khỏi phải cảm ơn tôi, thay vào đấy, có thể kể cho tôi nghe một chuyện trong những thể nghiệm mà anh bảo là kỳ dị ấy được không? Chuyện nào cũng được." Tôi nói.
Anh ta nghe thế thì có vẻ hơi ngạc nhiên. Anh uống một ngụm chỗ bia còn lại trong ly, rồi lấy khăn ướt lau miệng. -"Kể chuyện của tôi ấy à?"
-"Vâng, tất nhiên là nếu anh định giữ lại để viết thành tiểu thuyết thì thôi cũng được." Tôi nói.
-"Không, tiểu thuyết thì tôi đã ớn rồi." Anh nói, vừa xua tay trước mặt. -"Kể hầu ông cũng đâu có sao. Tôi cũng thích kể chuyện mà. Chỉ áy náy vì cứ nói mãi về chuyện của mình đó thôi."
Tôi nói: -"Tôi thì rất thích nghe người khác kể chuyện, do đó xin đừng bận tâm."
Thế rồi, anh ta bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện sân bóng chày.
*
-"Phần sân ngoài của sân bóng chày ấy tiếp nối với bờ sông, bên kia sông lẫn vào trong đám cây tạp nhạp là vài bin-đinh chung-cư nằm rải rác. Là vùng ngoại ô cách xa trung tâm thành phố nên chung quanh vẫn còn nhiều đám ruộng khô. Mùa xuân đến thì có nhiều chim én bay vòng trên khung trời. Tuy nhiên, lý do tôi đến trọ ở vùng ấy thì không có tính cách một khúc nhạc đồng quê như thế, mà có vẻ sống sượng hơn nhiều. Khoảng ấy tôi đã mê mệt một cô gái, mà nàng lại chẳng thèm để ý gì đến tôi. Một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, lại thông minh, toát ra vẻ gì làm người ta khó mon men đến gần. Nàng và tôi cùng lứa ở đại học, cùng chung một ban sinh hoạt, nhưng lối nói chuyện của nàng khiến tôi đoán rằng hẳn là nàng đã có người yêu rồi. Nhưng thực tế có thật là nàng đã có người yêu hay không thì tôi không rõ. Người cùng ban sinh hoạt cũng chẳng ai biết gì về đời tư của nàng. Vì thế tôi đã nghĩ đến chuyện triệt để tìm hiểu về sinh hoạt của nàng xem sao. Nếu biết được nhiều điều về nàng thì chắc sẽ nắm được điểm tựa nào đấy để tiến tới, rồi dù có thất bại thì tôi cũng thoả được lòng hiếu kỳ của mình.
Tôi dựa vào địa chỉ ghi trong sổ danh sách nhóm viên trong ban, xuống tận ga cuối của đường tàu điện trung ương, rồi leo xe buýt mà đi tìm cho ra nhà trọ của nàng. Đó là một toà nhà cốt sắt ba tầng, trông thật đồ sộ đường hoàng. Bao lơn hướng ra bãi sông phía Nam, tầm nhìn trải rộng sang phía bên kia sông, nơi có sân bóng chày rộng rãi, thấy người ta đang chơi bóng chày. Nghe được cả tiếng chày đánh vào bóng và tiếng người gọi nhau. Thấy cả xóm nhà bên kia sân bóng chày nữa. Tôi xác nhận được là phòng nàng nằm ở góc trái tầng thứ ba, xong rời nhà trọ ấy, qua cầu, ra phía bên kia sông. Chỉ có một chiếc cầu ở phía hạ lưu mà thôi nên phải đi thật lâu mới qua sông được. Qua sông rồi, tôi lại đi ngược lên thượng lưu, đến khoảng đối diện với nhà trọ của nàng, đứng ngắm về phía bao lơn của phòng nàng. Trên bao lơn thấy có vài chậu cây sắp hàng, trong góc có máy giặt. Cửa sổ gắn màn cửa đăng-ten. Nhìn xong, tôi rảo bước một vòng trong sân bóng chày, dọc theo hàng rào sân ngoài, từ bên trái vòng sang luỹ thứ ba. Rồi tìm thấy căn nhà trọ cũ kỹ trên miếng đất bên nách luỹ thứ ba ấy.
Tôi tìm được người quản lý nhà trọ, hỏi xem có phòng trống ở tầng hai không. May mắn là nhằm vào đầu tháng Ba nên đang có vài phòng trống. Tôi đi vòng xem các phòng trống, chọn phòng thích hợp nhất với mục đích của mình, để thuê ở. Tất nhiên đó là phòng nhìn thấy rõ sang phòng nàng. Trong vòng một tuần sau, tôi thu tóm vật dụng dọn đến căn phòng ấy. Nhà cũ, cửa sổ lại hướng đông bắc nên giá thuê rẻ đến kinh ngạc. Sau đó tôi về nhà bố mẹ, nhà bố mẹ tôi ở Odawara cũng gần nên cuối tuần nào tôi cũng về, mượn bố tôi ống kính viễn vọng to tướng dùng cho máy chụp hình. Tôi mang về lắp vào máy dựng trên chạc-ba-chân đặt sẵn bên cửa sổ, điều chỉnh cho thấy rõ phòng nàng. Chẳng phải ngay từ đầu tôi đã có ý định dòm trộm ấy. Nhưng chợt nghĩ dùng kính viễn vọng xem thử ra sao, đến lúc dòm thực tế thì thấy được phòng nàng rõ đến nỗi tưởng không phải là thật. Cứ như là với tay ra nắm được vậy. Đến nỗi đọc được cả những đề sách trên tủ sách phòng nàng nữa."
Nói xong, anh ta hút một hơi rồi dúi tắt điếu thuốc vào cái gạt tàn.
-"Ông thấy sao? Ông có muốn nghe cho hết không?"
-"Tất nhiên rồi." Tôi đáp.
-"Khi học kỳ mới bắt đầu thì nàng trở lại phòng trọ. Thế là tôi tha hồ ngắm được sinh hoạt của nàng. Trước phòng nàng là bãi sông, bên kia sông là sân bóng chày, thêm vào đó, phòng nàng ở tuốt trên lầu ba nên có vẻ nàng không ngờ là có kẻ nào đang dòm trộm sinh hoạt của mình. Hoàn toàn đúng như tôi đã nhắm. Đêm đến thì nàng kéo màn đăng-ten lại, nhưng trong phòng để đèn sáng thì thứ màn đó chẳng có lợi ích gì. Nhờ thế mà tôi đã nhìn được thoả thích lối sinh hoạt của nàng, và ngay cả thân thể nàng nữa."
-"Thế có chụp hình không?"
-"Không." Anh ta đáp. -"Chụp hình thì không. Bởi tôi nghĩ làm đến thế thì mình bẩn thỉu quá. Mà thật ra, chỉ ngắm không thôi thì cũng đã bẩn thỉu lắm rồi, nhưng thế nào đi nữa, cũng phải vạch một đường giới hạn chứ. Vì thế mà tôi đã không chụp hình. Chỉ nhìn kỹ thôi. Dù sao, ngắm mãi sinh hoạt của thiếu nữ, cũng là chuyện kỳ dị. Tôi thì không có chị hay em gái, mà cũng chưa hề quan hệ sâu đậm với cô gái nào riêng tư nên đã hoàn toàn chẳng biết sinh hoạt bình thường của các cô là làm những chuyện gì. Do thế, đủ điều đã làm tôi kinh ngạc và đã tạo không ít cú sốc. Chi tiết rõ ràng thì hơi khó nói nên không kể ra được, nhưng quả là kỳ dị thật. Ông hiểu thế chứ?"
Tôi nói: có thể hiểu được.
-"Những thứ như thế, nếu sống chung với nhau thì có lẽ dần dần quen đi được. Thế nhưng cứ phóng lớn lên rồi đường đột nhảy vọt ra trong khung kính viễn vọng thì rất là thô tục. Tất nhiên tôi cũng hiểu là thế gian này không thiếu gì những kẻ thích những thứ thô tục, thế nhưng tôi không phải là mẫu người như thế. Nhìn thấy những thứ ấy thì tôi cảm thấy buồn bã, nghẹt thở. Vì thế, sau chỉ một tuần liên tục dòm ngó, tôi quyết định dẹp bỏ. Tôi tháo kính viễn vọng khỏi máy chụp hình, cho theo chạc-ba-chân vào trong tủ chăn màn. Rồi đứng ở cửa sổ ngắm về phía phòng nàng bằng mất trần thôi. Phía trên hàng rào sân ngoài, đúng vào khoảng giữa vị trí góc phải và trung ương của sân bóng, tôi thấy được ngọn đèn trong phòng nàng. Nhìn như thế, tôi có cảm giác dịu dàng đôi phần đối với sinh hoạt thường ngày của mọi người. Và tôi nghĩ như thế thì tốt hơn. Sau một tuần quan sát kỹ, tôi biết là có lẽ nàng không có người yêu đặc-định nào, tình hình chỉ mới đến mức như thế này thôi, thì nên quên hết mọi chuyện, quay lại từ đầu vẫn còn có thể được, nghĩa là ngay ngày mai cứ rủ nàng đi chơi, rồi nếu tiến triển song suốt thì cũng có thể trở thành người yêu của nhau. Tôi đã nghĩ thế. Thế nhưng chuyện đời thì đâu có đơn giản như thế được. Bởi tôi đã không thể bỏ được chuyện dòm ngó sinh hoạt của nàng. Cứ nhìn thấy bóng đèn mờ mờ trong phòng nàng phía bên kia sân bóng chày là trong lòng tôi, nỗi mong muốn phóng lớn nó lên mà đập cho tan nát thành mảnh vụn, lại bồng bột tăng cao. Mà sức mạnh ý chí của tôi không còn đủ để trấn áp mình nữa. Giống như là cái lưỡi trong miệng nhanh chóng phồng to lên, cuối cùng làm mình nghẹt thở. Không thể nói sao cho đúng, nhưng có vẻ đó là một cảm giác tính dục, mà đồng thời cũng là một cảm giác phi-tính-dục. Cảm thấy như là bạo lực trong thân thể mình đã giống như một chất lỏng ứ tràn ra qua những lỗ chân lông. Tôi nghĩ là có lẽ không ai có thể cản trở được bạo lực ấy. Ngay cả chính mình cũng đâu ngờ có thứ bạo lực ấy tiềm-ẩn tự bao giờ trong người mình.
Do thế, tôi lại lôi trong tủ đựng chăn màn ra cái máy hình, ống kính viễn vọng và cái chạc-ba-chân mà thiết trí như trước bên cửa sổ, để ngắm liên tục về phía phòng nàng. Không thể làm khác được. Dòm ngó sinh hoạt của nàng đã trở thành một phần cơ năng trong thân thể tôi mất rồi. Thế nên, giống như người mắt kém không còn có thể bỏ mắt kính được, hay tên sát-thủ trong phim ảnh không còn có thể buông khẩu súng khỏi tay, tôi không còn có thể sống mà thiếu đi khoảng không gian của nàng thu vào kính nhắm của máy hình được nữa.
Đương nhiên là tôi dần dần mất đi quan tâm về mọi sự vật khác trong đời sống. Dần dần tôi hầu như không còn ló mặt đến trường hay đến ban sinh hoạt nữa. Những thứ ngày trước tôi rất mê thích như quần vợt, xe đạp, hay âm nhạc, dần dần trở nên không có cũng chẳng sao. Giao tế bạn bè cũng giảm hẳn đi. Tôi không còn đến ban sinh hoạt nữa là vì dần dần tôi cảm thấy khổ sở khi gặp mặt nàng. Cũng vì sợ rằng có thể nàng sẽ đột nhiên chỉ tay vào mặt tôi trước mặt mọi người mà tố-cáo rằng: "Tôi đã biết tất cả những chuyện anh đang làm". Tất nhiên tôi cũng hiểu là chuyện ấy thì thực tế không thể xảy ra được. Chứ nếu nàng để ý được đến những hành vi vụng trộm của tôi, thì đã buông tấm màn cửa dày kín kia xuống rồi. Dù vậy, tôi vẫn không sao thoát khỏi cơn ác mộng rằng có ngày trước mặt mọi người, hành vi phản-đạo-đức, rõ ràng là hành vi phản-đạo-đức rồi, sẽ bại lộ hoàn toàn, bị mọi người lên án, phỉ nhổ, rồi cứ thế mà bị trục xuất ra khỏi xã hội mất. Sự thực, tôi đã lắm lần mộng thấy như thế mãi, đến toát mồ hôi đầm đìa mà thức dậy. Cũng vì thế mà hầu như tôi không còn ló mặt đến trường nữa.
Phục trang cũng hầu như hoàn toàn không để ý đến. Tôi vốn là người thích sửa soạn chuyện áo quần cho đàng hoàng, thế mà bây giờ đã đổi ngược, cứ mặc mãi một bộ áo quần cho đến lúc nhàu nát ra. Tóc lâu ngày không cắt, mà chẳng thèm đến hiệu cắt tóc. Vì thế, phòng trọ có mùi ống cống thối rữa. Những lon bia không, những hộp đồ ăn liền đã dùng rồi, những tàn thuốc vất bỏ lung tung, mọi thứ lăn lóc tán loạn như sau cơn lốc. Trong căn phòng trọ như thế, tôi tiếp tục theo dõi hình dáng nàng. Cứ thế trong suốt ba tháng, cho đến kỳ nghỉ hè. Vừa nghỉ hè, thì như đã nôn nóng chờ đợi quá lâu rồi, nàng vọt ngay về nhà bố mẹ ở Hokkaido. Tôi dùng kính viễn vọng theo dõi không sót thao tác của nàng, đang dồn sách vở, áo quần vào vali về quê. Nàng tháo cắm điện của tủ lạnh, khoá khí đốt lại, kiểm khoá cửa sổ, điện thoại đi vài nơi, xong nàng rời phòng trọ. Nàng đi mất rồi, cả thế giới trống hoang. Nàng đi mất, không để lại chút gì cả. Cứ như là nàng đã thu tóm tất cả các thứ cần thiết cho thế giới này vào người mà đi mất. Vì thế tôi hoàn toàn trống rỗng. Từ khi sinh ra đến giờ, chưa lúc nào tôi cảm thấy trống vắng đến thế. Cảm thấy như thân thể mình đã để mặc cho nhiều sợi dây thắt vào tim mà kéo nát cả ra. Dạ dày rạo rực nóng rang lên, tôi không còn suy nghĩ gì được cả. Tôi cảm thấy cô độc, và càng lúc càng trôi tuột vào hố bi thảm.
Thế nhưng đồng thời, tôi cảm thấy nhẹ nhõm tận đáy lòng. Kết cuộc, tôi đã được giải thoát. Nàng không còn đấy nữa thì tôi mới thoát ra khỏi cái đầm lầy chôn chân tôi mà tự sức mình tôi đã không sao rút ra được. Hai cảm tưởng ấy, nghĩa là ý muốn tiếp tục phóng lớn sinh hoạt của nàng để theo dõi cho rõ ràng, và ý thức rằng mình đã được giải thoát, cứ giằng kéo thân tôi từ hai hướng đối nghịch nhau, khiến tôi bấn loạn suốt mấy ngày sau khi nàng đi mất. Nhưng rồi mấy ngày ấy cũng qua đi và tôi đã trở nên bình thường được đôi chút. Tôi tắm rửa, đi hiệu cắt tóc, dọn dẹp trong phòng và giặt áo quần. Và tôi dần dần trở lại được con người của mình. Trở lại được con người cố hữu một cách dễ dàng quá khiến tôi đâm ra hoài nghi chính mình. Không hiểu con người thật của mình là gì nhỉ?".
Anh ta cười và đan ngón hai bàn tay trên đùi.
-"Tôi đã chăm chỉ học suốt mùa hè ấy. Hầu như đã hoàn toàn không đến lớp, nên số phận các môn học của tôi như ngọn đèn trước gió. Vấn đề trước mắt là kỳ thi nửa năm đầu sắp đến ngay sau kỳ nghỉ hè, để bù lại số giờ đi học không đủ ấy, tôi phải đạt được điểm thi thật tốt. Tôi khăn gói về nhà bố mẹ, hầu như chẳng đi đâu cả, suốt ngày chăm chú học thi. Dần dần tôi quên đi chuyện cô gái. Đến lúc sắp hết kỳ nghỉ hè, tôi chợt để ý thấy mình không còn mê mẩn cô ấy nữa.
Không sao giải thích cho rõ được, nhưng tôi nghĩ do chuyện dòm trộm ấy mà con người rơi vào khuynh hướng phân thân. Hay có lẽ nên nói là do chuyện phóng lớn sinh hoạt ấy. Nghĩa là như thế này: trong ống kính viễn vọng của tôi, nàng đã phân thân thành hai. Thân thể của nàng và hành vi của nàng đấy. Tất nhiên trong thế giới thông thường thì thân thể cử động tạo ra hành vi. Chứ gì nữa? Thế nhưng, trong thế giới được phóng lớn ra thì khác. Thân thể của nàng là thân thể, mà hành vi của nàng là hành vi. Chăm chú mà ngắm thì thấy: thân thể của nàng thì có ở đấy, nhưng hành vi của nàng thì thấy như từ ngoài khung hình mà đến. Khiến tôi tự hỏi: thế thì nàng là thứ gì kia chứ? Hành vi là nàng, hay thân thể là nàng? Mà ngay chính giữa thì hoàn toàn trống rỗng, thiếu vắng. Và nói thẳng ra là dù thân thể hay hành vi, nếu chỉ nhìn tách biệt phiến diện như thế thì hiện hữu của con người chẳng phải là thứ gì hấp dẫn."
Anh ta tạm ngưng kể để gọi thêm bia. Rồi rót bia vào ly tôi và ly anh. Anh ta uống một hai ngụm bia, xong làm thinh như suy nghĩ gì lung lắm. Tôi khoanh tay ngồi chờ anh kể tiếp.
-"Đến tháng Chín, tình cờ tôi gặp nàng trong thư viện của trường. Trông nàng rám nắng đen thui mà khoẻ mạnh hẳn. Chính nàng đã gọi tôi. Tôi bối rối không biết phải làm sao. Những hình ảnh đôi vú của nàng, âm mao, động tác thể dục mỗi đêm trước khi ngủ, quần áo của nàng xếp lớp trong tủ,... tất cả những mảnh ráp nối ấy xáo trộn cả lên trong trí tôi. Cảm thấy như có ai đấy dùng sức dúi mặt mình xuống đất bùn lầy ấy. Mồ hôi rịn ra nách. Thật khó chịu trong người. Tôi hiểu rõ như thế là bất công quá, nhưng không làm gì được cả. -"Lâu ngày quá nhỉ", nàng nói. -"Rất lâu anh không đến làm mọi người lo lắm đấy". Tôi phải nói: -"Tôi bị bệnh một thời gian. Nhưng nay thì khoẻ rồi". Nàng nói: -"Thảo nào trông anh gầy đi". Như phản xạ, tôi đưa tay lên sờ má. Quả thật lúc ấy tôi đã gầy đi 3, 4 kí so với bình thường. Thế rồi chúng tôi đứng nói chuyện một lúc. Chuyện tầm phào, ai ra sao, làm gì, thế thôi. Trong lúc ấy, tôi nghĩ đến vết chàm trên bụng bên phải của nàng. Và khi nàng mặc áo quần thì chiếc quần có dây nịt lớn bó chặt bụng và mông nàng. Nàng hỏi tôi đã ăn trưa chưa. Thật ra là chưa, nhưng tôi trả lời là đã xong rồi. Vả lại cũng chẳng muốn ăn. -"Thế đi uống trà nhé?", nàng rủ. Tôi nhìn đồng hồ nói: -"Tiếc là tôi đã hẹn với bạn để mượn vở ghi bài rồi." Thế là chúng tôi chia tay. Tôi toát mồ hôi đầm đìa. Áo quần thấm đẫm mồ hôi, vắt ra thành vũng nước được. Thứ mồ hôi dinh dính bốc mùi, thật khó chịu. Vì thế, tôi vào tắm vòi sen trong phòng thể thao, rồi phải ra quán hàng trong đại học mua áo quần lót để thay. Ngay sau đó, tôi ra khỏi ban sinh hoạt, rồi từ đó hầu như không còn gặp nàng nữa."
Anh ta châm lửa điếu thuốc mới, nhả khói có vẻ ngon lành. -"Chuyện là như thế. Không phải là chuyện nói công khai ra được."
Tôi hỏi thử: -"Thế vẫn tiếp tục ở nhà trọ ấy chứ?".
-"Vâng. Vẫn ở đấy cho đến mùa xuân năm ấy. Nhưng tôi thôi không dòm ngó nữa. Kính viễn vọng cũng đã trả lại cho bố tôi rồi. Cứ như là thứ gì dính vào người đã rơi ra rồi, tôi không còn muốn thế nữa. Chỉ thỉnh thoảng đêm đến lại ngồi bên cửa sổ, ngắm ngọn đèn nhỏ trong phòng nàng phía bên kia sân bóng chày, thơ thẩn cho qua thì giờ thôi. Ngọn đèn nhỏ vậy mà tốt. Lúc nào ngồi trong máy bay ban đêm nhìn qua cửa sổ xuống đất, tôi cũng nghĩ thế. Ngọn đèn nhỏ sao mà đẹp và ấm cúng thế!".
Anh ta mỉm cười nhẹ vừa ngước mặt nhìn tôi. -"Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác dinh dính và mùi khó chịu của mồ hôi trong lần nói chuyện cuối cùng với nàng. Và tôi không muốn có thứ mồ hôi ấy lần nào nữa. Nếu có thể được." Anh ta nói.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 12/05

Truyện ngắn "Yakyujô" là truyện thứ 13 trong tập truyện "Người Ti-Vi" từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, tháng 3 năm 2007, dịch từ nguyên tác của Murakami Haruki đã đăng trong Tuyển tập "Kaiten Mokuba no Deddo Hi-to - Carousel's Dead Heat - Chạy Ðua Sát Nút Trên Vòng Quay Ngựa Gỗ" tháng 10 năm 1985.

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư