Nghệ Thuật Làm Dáng


Nghệ Thuật Làm Dáng

Cuối thế kỷ, hội nghị các quốc gia nói tiếng Pháp, kỳ thứ bẩy, được tổ chức tại Việt Nam, đã khai mạc bằng những cuộc biểu tình của nông dân, ở Thái Bình, Đồng Nai.
Như một trùng hợp, ngẫu nhiên (?), tờ Granta ra số đặc biệt về nước Pháp. Ian Jack mở đầu bài bình luận trang nhất, bằng một hình ảnh, chuyến vượt biển Đại Tây Dương đầu tiên, của phi công Mỹ Charles Lindbergh: Vào ngày 21 tháng Năm 1927, sau hơn ba chục giờ chỉ nhìn thấy biển, kể từ khi rời New York, dưới mắt ông lúc này là những cánh đồng, những khu rừng vùng Normandy. Cuộc hành trình kể như chấm dứt. Đã đến lúc kiếm một cái gì bỏ vào miệng. Ăn xong miếng sandwich, ông thò đầu ra ngoài cabin, tính ném mẩu giấy, nhưng cuối cùng từ bỏ ý định đó: "Hành động đầu tiên của tôi không lẽ là làm dơ khu vườn đẹp đẽ như thế này?"
Nhà văn Pháp, Jean-Marie Domenach, mới mất mùa hè vừa qua, đã kể lại câu chuyện trên, trong cuốn sách của ông, "Hãy nhìn nước Pháp - Luận về nỗi bực bội của nó" (Regarder la France - Essai sur le Malaise francais). Đây chỉ là hòn đá nhỏ, trong núi đá khổng lồ, những giai thoại về tính đặc thù của nước Pháp, như một quốc gia, một dân tộc, một văn hóa, và (ở đây) một phong cảnh.
Theo Domenach, những cánh đồng ngày xưa, bây giờ rộng hơn, những con đường thẳng, lớn hơn, nhưng những người nông dân - chẳng biết Lindbergh có nhận ra một người nào không khi ngoái cổ nhìn xuống - ngày càng ít đi, một cách thảm hại: những thay đổi thật rõ rệt ở các nước Tây phương, khi máy móc, phân bón thay cho sức người trong công việc đồng áng. Nhưng không ở đâu - ngay cả Anh, nơi đồng quê tạo nên ý niệm quốc gia - sự thay đổi lại ảnh hưởng đến căn cước quốc gia (nation's identity), như ở Pháp.
Không ai nghi ngờ, tính đặc thù. Nước Pháp - nếu không đông dân nhất thì cũng rộng nhất, đã có thời là một cường quốc - lại càng tự hào về nó. Cái nôi, nơi chốn ra đời của tư tưởng chính trị hiện đại. Bản tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ hay thật, nhưng họ làm sao phát minh ra nổi một câu thần chú (Hạt vừng, mở ra!), như là "Tự do, Bình đẳng, Thân ái". Người Việt, dù muốn dù không, đều liên tưởng tới "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc", và có thể đây là lý do hội nghị Pháp ngữ đánh dấu cuối thế kỷ được tổ chức tại Việt Nam. "Người Pháp ra đi, nhưng nước Pháp ở lại." Malraux, Phản-Hồi ký. Ngay cả thuật ngữ "Tả, Hữu" là cũng do sắp xếp ghế ngồi tại Quốc Hội Pháp, vào năm 1789.
Nghịch lý ở đây là, theo Ian Jack, trong khi nước Pháp nghĩ về nó, như là ông thầy của thế giới, nó chẳng hề tin, bất cứ một quốc gia nào bắt chước nổi nó. Không như nước hoa, nước tắm, bánh mì croissant... những món đồ như Tượng thần Tự do không phải để xuất cảng! Có một linh hồn Pháp, một nước Pháp sâu thẳm, hoặc quá nữa, một ngoại lệ Pháp (l'exception francaise). Vào năm 1990, khi được hỏi tại sao không thử bom nguyên tử trên đất Pháp; câu trả lời, chắc nịch: "Tahiti là Pháp." Ngoại lệ, khi tiếng Pháp tự coi, là một "gần như-địch thủ" của tiếng Anh, trong khi tỉ số ghi bàn là 1-4. Cũng ngoại lệ, Pháp là nước bài Mỹ nặng nhất tại Tây Âu.
Và trên tất cả, ngoại lệ lớn lao nhất, quyền lực của nước Pháp, trong việc điều hành, thỏa mãn, tạo niềm hứng khởi cho cuộc sống và tham vọng của trên 58 triệu công dân của nó. Đòi hỏi chuẩn mẫu hóa, trung tâm hóa không chỉ có trước mà là tiền đề của Cách Mạng. Napoléon đã làm thành luật, cho phép dân Pháp được tham gia đồng đều (ai cũng có phần) trong cái khuôn mẫu lớn lao, đồng nhất. Những toà án với những bộ luật chuẩn; những ngôi trường chuẩn, dậy cùng môn lịch sử nước Pháp; những cơ sở nhà nước, cùng một bảng hiệu được khắc trên đá: "Liberté, Égalité, Fraternité"; một ngôn ngữ chuẩn, cho nhiều vùng khác nhau; một kiểu đo lường: mét, lít, kí-lô. Tất cả đều do chính quyền Paris đặt để. Nhà nước can thiệp, quyết định nhưng nhà nước là nơi trú ẩn, và đây cũng là một vinh quang không thể tách rời khỏi cái gọi là lối sống Pháp: ngày nay con số công nhân viên nhà nước có cỡ chừng 5 triệu, (gấp năm ở Mỹ), những cơ sở kỹ nghệ, nhà máy do nhà nước quản lý bao gồm quá 1/3 con số kinh tế quốc gia. Quá nửa con số gia đình sống nhờ thu nhập nhà nước. Con số thất nghiệp-nỗi bực Pháp: 12.5, (gấp đôi ở Anh). Ưu việt, hay hệ thống tập trung chính trị, hành chánh vào một thủ đô Paris tỏ ra không phổ thông, và ló mòi tham nhũng. Pháp ngày càng thụt lui, trước sức ép của chủ nghĩa toàn cầu.
Họ có nhiều cái tên, để gọi hiện tượng này: chủ nghĩa tư bản man rợ, chủ nghĩa tư bản cứng rắn, chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon... Trong khi cả thế giới còn lại đành chấp nhận chủ nghĩa toàn cầu, lại một lần nữa, ở đây, ngoại lệ Pháp: nỗ lực bảo tồn những tư tưởng, những nét đáng yêu, Pháp tính; nỗ lực đóng cửa, rút cầu, tạo một Pháo đài Pháp.
Văn chương Pháp ở đâu, trong tất cả những thứ đó, Ian Jack tự hỏi. Sự thực cay đắng là, ngoài nước Pháp, và một dúm những người nói tiếng Pháp, chẳng ai hay về nó. Hãy thử nêu tên sáu tiểu thuyết gia Pháp đương thời, còn sống. Người Pháp đổ tội cho sự ngu dốt, vô tri (ignorance), thái độ thù nghịch của dòng Anglo-Saxon, nhưng trên thực tế, hiện tượng ta về ta tắm ao ta đã xẩy ra từ lâu. Saul Bellow, nhà văn Mỹ, Nobel văn chương, trên tờ Granta, vào năm 1984 đã nói về niềm u hoài "đi tìm một nước Pháp". Ông nhắc tới Paris, thủ đô văn hóa quốc tế trước Đệ nhị chiến, và cảm tưởng của ông, lần viếng thăm thứ nhất, vào năm 1948: thành phố là một nhà hát lớn, với tất cả những hội hè, đình đám nhân gian, những vấn đề lớn lao nhất của con người đang được trình diễn. Ba chục năm sau, chẳng còn gì nữa. Tất cả những "ism" như Mác-xít, Cộng sản-Âu châu, Hiện sinh, Cơ cấu, Giải cấu trúc... đều chẳng vãn hồi thế giá của một nền văn minh Pháp. Saul Bellow kết luận: "Sorry about that".
Đừng đổ tội cho thái độ, thiên kiến Mỹ. Jean-Marie Domenach, trong cuốn sách nói trên, cho rằng, đây vẫn là vấn đề của "tiểu thuyết mới": Miêu tả một cách dửng dưng, lạnh lùng một xã hội đang manh nha tan rã, với những cá nhân - những bọt bèo lềnh bềnh, chẳng khác chi mấy trái banh con nít chơi trên những con phố buồn hiu - những con người trơ ra trước số mệnh của họ, trong một hiện hữu đóng cứng, khóa chặt. Ông đổ tội cho chủ nghĩa tiêu thụ, cho "cái mặt vuông truyền hình", sự rút lui vào cuộc sống riêng tư của mỗi con người; nhưng vấn đề này đâu chỉ riêng người Pháp phải gánh chịu, cho toàn thể thế giới? Làm sao mà một nền văn chương tả thực (realistic), bao la bát ngát, và cũng thật "bình dân" với những tiểu thuyết gia khổng lồ, những đại thụ như Balzac, Flaubert, của thế kỷ 19, một trăm năm sau đã biến thành một cõi cô đơn, với những cuốn tiểu thuyết chỉ nhằm chứng minh một cõi người vô nghĩa?
Nếu chủ nghĩa toàn cầu là một điều không thể tránh được, nếu nước Pháp phải rút lui vào pháo đài của nó, một cái gì đã mất theo với họ. Có thể cảm nhận ra điều này, người Việt vẫn còn những trân trọng dành riêng cho "ông Tây, bà Đầm", cho một nền văn chương "cánh đồng tuyết năm xưa". Hình như có một nhà văn Việt Nam, khi trả lời một cuộc phỏng vấn (hay một cuộc thi viết văn bằng tiếng Tây?), đã thú nhận, cái chế độ xã hội "xã hội chủ nghĩa" mà ông suốt đời theo đuổi, xem ra thua xa, cái thời hội hè "cát tó juy-ê". Cá nhân người viết thực tình vẫn chưa làm sao trả lời được câu hỏi, tại sao người Pháp lại "coi trọng" xứ Nam kỳ hơn Trung kỳ và Bắc kỳ; ở đây không hẳn chỉ là chính sách chia để trị.
Trên có trích dẫn một câu của nhà văn Pháp André Malraux, bởi vì, ông là một tác giả có một ảnh hưởng nặng nề trên một số cây viết miền Nam trước 1975. Malraux vốn nổi tiếng như một "mythmaker", một kẻ chuyên tạo ra những huyền thoại về mình. Tôi sợ rằng niềm say mê ông, say mê nước Pháp, văn hóa Pháp cũng đã trở thành một "myth", hoặc nhẹ nhàng hơn, một cách làm dáng, ở một số nhà văn của chúng ta.
Chúng ta luôn có dáng điệu của một kẻ sắp sửa ra đi, Camus viết như vậy. Một Dũng của "Bến Gió", của "sông Đà": kéo cổ áo cao lên một chút, tóc xổ tung ra, mặc tình cho nó bù xù trước gió! Vũ Khắc Khoan, khi sinh thời có kể một huyền thoại về Nguyễn Tuân: Mặc áo gấm, nhảy xuống sông, thi bơi! Khi Siu Cô Nương của Mặc Đỗ được trình làng, Thanh Tâm Tuyền, trong một bài điểm sách, đã coi, đây chỉ là những nhân vật làm dáng. Mặc Đỗ, sau đó, đã chỉ ra những nét làm dáng trong Ung Thư. Ở đây, cứ coi như một "chân lý": không thể có văn chương, nếu không có làm dáng. Nhưng đấy chỉ là khởi đầu, là thói quen mút ngón tay của con nít; sau đó phải là chấp nhận rủi ro, hiểm nguy, là chọn lựa, quyết tâm thực hiện thực tại "của những giấc mơ".
Simon Leys, trên tờ NYR May 29, 1997, trong bài điểm sách của Curtis Cate (Malraux: một tiểu sử, nhà xb Fromm, 451 trang, 1997), cuốn mới nhất sau khi tro cốt của Malraux được đưa vào Điện Chư Thần, Pantheon (Nov 1996), đã kể một câu chuyện "làm quà": Trong một buổi thuyết giảng ở một nhà thờ nọ, cha tinh thần nhận thấy, tất cả các con chiên đều cảm động, rơi lệ, trừ một người, mắt khô queo. Hỏi, anh trả lời: "Tôi không thuộc giáo dân địa hạt này". Ông hiện sống tại Áo, tiểu thuyết gia, và là tác giả một số sách viết về Trung hoa (Bóng tối Trung hoa, và cuốn mới nhất, Khổng tử nói, The Analects of Confucius). Ông cho biết, mặc dù không phải người Pháp, tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ của ông, và ông luôn luôn cảm thấy, ở Pháp như ở nhà, nhưng chuyện đưa tro cốt Malraux vào Pantheon chôn cất lần thứ hai, mắt ông khô queo.
Ông đã có kinh nghiệm này, trước đây hai chục năm. Khi Malraux mất (Nov, 1976), một tuần báo tại Paris đã mời ông viết, về đề tài: "Malraux là gì đối với ông?" (What did Malraux represent for you?). Luôn tin tưởng cái chết không phải là một "excuse" để mà bỏ qua những nhận xét chân thật, ông đã làm đúng như vậy. Bài viết gây một cơn khiếp đảm nơi toà soạn tờ tuần báo, và người ta đành vờ đi, sự đóng góp của ông. Bây giờ, ông vẫn giữ nguyên sự ngây thơ, nghĩa là lập lại những điều nhiều tác giả khác, từ Koestler cho tới Nabokov, đã nói về Malraux: Thực chất chỉ là đồ dởm.
Thí dụ: về thảm kịch cách mạng Trung Hoa; thay vì mất thời giờ với sự làm dáng, nguỵ tạo (artificiality) trong Phận Người, người ta chỉ cần đọc bản kết toán của Harold Isaacs, ít ra tác giả cũng biết, ông viết về điều gì. Cuốn Thảm kịch Trung hoa của ông, xuất bản năm 1938, đã phải đợi 30 năm mới có bản dịch Pháp ngữ (dịch giả R. Viénet, Paris, 1967, nhà xb Gallimard). Vào những ngày tháng sớm sủa như thế đó, vốn chỉ là một du khách quá giang, "cưỡi ngựa xem hoa", nhưng đối với công chúng Pháp, Malraux đã mập mờ đóng vai chính uỷ nhân dân, trong cách mạng Trung Hoa. Chưa hết, những cuộc phiêu lưu Trung hoa của ông, sau đó, nhất là cuộc phỏng vấn trứ danh Mao Trạch Đông, vào năm 1965, chỉ là đồ dởm. Một nhà nghiên cứu về Trung hoa, người Pháp, mới đây đã làm một so sánh, miêu tả của Malraux về giai đoạn này, trong Phản-Hồi ký, với của thông dịch viên của Mao, được tiết lộ cho Vệ Binh Đỏ, và được in ra trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá; và với tài liệu xuất bản tại Pháp, lấy ra từ Tòa Đại sứ của họ tại Bắc Kinh. (Xin coi J. Andrieu, "Nhưng Mao và Malraux đã nói những gì?, in trong Triển Vọng Trung hoa, Perspectives Chinoises, số 37, Oct 1996). Hóa ra là, cuộc phỏng vấn lớn lao của thế kỷ chúng ta, kéo dài 3 giờ đồng hồ, giữa hai ông khổng lồ cách mạng gia-triết gia, thực sự chỉ kéo dài 30 phút, và chỉ là trao đổi ngoại giao tầm phào. Nhưng Mao, có thể lỡ miệng, đã đưa ra một lời cảnh cáo, rằng nhà văn, trí thức đã bị hư ruỗng tới tận xương tủy, và đám trẻ cần được sử dụng, để chống lại cái xấu phản cách mạng này. Năm sau, cuộc Cách Mạng Văn Hóa khủng khiếp đã bùng nổ. Một phóng viên nhà nghề, khoan nói một nhà văn, đã ngửi ra một cái gì đó - khoan nói mùi thuốc súng, mùi người chết - và chụp lấy cơ hội ngàn năm một thuở này, nhưng Malraux đã không được thính mũi như vậy. Và Mao sau đó, không thể kiên nhẫn hơn, đã đưa ra một lời kết luận cụt ngủn.
Nabokov, vốn coi Malraux là "nhà văn hạng ba", đã ngỡ ngàng về sự say mê nhà văn Pháp này, ở ông bạn phê bình người Mỹ, Edmund Wilson: "Bộ anh nói dỡn hả?". Ông nhận xét Phận Người, khi nhắc lại một kỷ niệm khi còn là con nít, và đã từng say mê tấm bảng hiệu bằng vàng: "Công ty Quốc Tế Xe Lửa Tốc Hành Âu châu" (Compagnie Internationale des Wagons-Lits et des Grands Express Européens). Tác phẩm của Malraux thuộc về "Công ty Quốc Tế Những Bản Kẽm Lớn" (Grands Clichés). Thùng rỗng kêu to.
Không phải ở Mỹ, mà ngay ở Pháp, Sartre chẳng hạn, đã sớm nhận ra điều này: "Vâng, Malraux có một văn phong, nhưng đâu phải thứ tốt". Thư viết cho Simone de Beauvoir, ông nói rõ hơn: "Phận Người là một thiên tai, với những đoạn văn ngớ ngẩn, những trang sách nhàm chán." Về cuốn Hy Vọng, "đầy những tư tưởng ở trong đó, nhưng Chúa ơi, sao chán quá! Tay này thiếu một cái gì đó. Và thiếu một cách tệ hại." (Jean-Paul Sartre, Thư cho Castor - biệt hiệu của S. de Beauvoir).
Điều làm Simon Leys bực bội nhất, đó là, vào năm 1935, Boris Souveraine, bí thư của Đệ Tam Quốc Tế, trốn khỏi Moscow, qua Paris. Ông viết một cuốn sách - tài liệu nghiên cứu sự nghiệp chính trị bằng sát nhân của Stalin. Tác phẩm lớn lao, can đảm, lột trần những tội ác của ông trùm đỏ, bây giờ vẫn còn giá trị, được tái bản vào năm 1977, không lâu trước khi Souveraine mất. Lần tái bản, trong bài mở đầu, tác giả nhớ lại những trở ngại xấu xa, thô bỉ mà ông đã phải đương đầu, khi toan tính in nó ra, lần đầu tại Paris. Vào lúc đó, đám trí thức đã tránh né ông như một bệnh dịch, một thứ cùi hủi. Malraux có thể nói với Gallimard vài lời, cho cuốn sách được xb dưới bảng hiệu này. Nhưng ông từ chối. Được cái, ông nói thẳng với tác giả: "Souveraine, tôi tin rằng anh và các bạn anh đúng. Nhưng trong tình hình này, đừng trông mong ở tôi. Tôi sẽ ở phía các anh, khi các anh ở trên đỉnh. (Tôi sẽ ở với các anh, khi các anh là những kẻ mạnh nhất. Je serai avec vous quand vous serez les plus forts. Boris Souveraine, "Staline", Paris, nhà xb Champ Libre 1977).
Simon, trích dẫn Einstein, theo đó, những tư tưởng hay vốn hiếm, từ đó, ông suy ra, trong trường hợp Malraux, có hai sự thực quan trọng ám ảnh ông:
1- Malraux vốn thờ phụng, và suốt đời mơ tưởng bắt chước người hùng sa mạc T. E. Lawrence; nhưng cuối cùng nhận ra, nhân vật hàm hồ này không thể nào bắt chước được. Ông thú nhận với Roger Stéphane: "Trên thực tế, (Lawrence) chẳng muốn gì hết. Thật vô phương, làm một người không muốn gì hết. (It is prodigiously hard to be a man who wants nothing. R. Stéphane, A. Malraux, Entretiens et Précisions. Paris, nhà xb Gallimard 1984, p. 91).
2- Ngay đầu Phản-Hồi ký, Malraux đưa ra cảm nghĩ, có thể coi như đối trọng với cái khối Bản Kẽm Lớn kể trên. Khi hỏi một ông cha, học được gì, sau bao nhiêu năm lắng nghe nhân sinh xưng tội, ông cha trả lời: "Nói cho cùng, chẳng có vĩ nhân."
Kết luận bài điểm sách, tác giả kể giai thoại, lấy ra từ cuốn tiểu sử Malraux của Cate; lần gặp gỡ giữa Malraux và Hemingway, khi Paris vừa được giải phóng. Nghe nói Hemingway đang cùng đám lính tuỳ tùng "giải phóng" khách sạn Ritz, Malraux thắng bộ quân phục đại tá, vai 5 vạch bạc, tới "hỏi tội" tác giả "Chuông Gọi Hồn Ai":
- "Bonjour, André," Hemingway nhẹ nhàng nói.
- "Bonjour, Ernest," Malraux trả lời.
- "Anh chỉ huy bao nhiêu đệ tử?", Malraux hỏi.
- "Cỡ mười, mười hai mạng. Nhiều nhất, hai trăm.".
Là phóng viên chiến trường, Hemingway thấy không cần phải khoác lác về binh sĩ dưới quyền.
- "Còn tôi, hai ngàn."
Cái này thì thực tình không chờ đợi. Lại càng khó nuốt trôi.
- "Tiếc thật, khi giải phóng thành phố Paris nhỏ bé, đám này đã không nhờ đến sự trợ giúp của đằng ấy." 
Nói gì thì nói, cá nhân người viết đã có thời say mê Malraux, cho tới bây giờ vẫn chưa "dứt ra được". Vả chăng, một nghệ thuật, cho dù dởm đi chăng nữa, cũng vẫn "chết người" như thường.
Trong Hồi Tưởng & Hoang Tưởng, D. M. Thomas nhắc tới Pasternak, nghệ thuật là những ngã ba, ngã tư định mệnh, nơi gặp gỡ của mơ mộng, tình yêu, và cái chết. Zhivago nói: nghệ thuật luôn luôn là suy tưởng về cái chết, và từ đó, sáng tạo ra sự sống. Nhưng theo D. M. Thomas, trường hợp ngược lại, cũng đúng luôn. Ông giải thích thêm, không phải những trang sách của tôi là một kẻ sát nhân, nhưng từ đó vang lên, tiếng cuời sảng khoái của quỷ. Cũng theo ông, không phải nghệ thuật thực, mà ngay cả "bad art", hay "non-art", cũng rứa. Và ông kể lại một kinh nghiệm; lần đọc thơ cho một số sinh viên. Bài thơ của ông, thật chỉ đáng vứt vô thùng rác, (ông nghĩ vậy), nói về một con chim nhỏ. Trước khi mọi người trong phòng có thể can thiệp, Lucina, con mèo xám của ông đã tha chú chim non đi mất. Sau đó, một đồng nghiệp của ông bước vào phòng, bàn tay khum khum nương nhẹ một vật gì. "Tôi thấy ở bên ngoài. Có người nào giúp tôi, phải làm gì với nó?" Ông mở ra, là con chim nhỏ bị thương. Mấy người sinh viên lại nghĩ, đây là một vở kịch hai ông thầy dàn dựng. Chẳng ai biết làm gì. Người đồng nghiệp sau đó đã "đặt chú chim non lên mặt đường, nơi đậu xe, rồi lên xe mở máy, cán con vật bẹp dí. Và sau đó, ra khỏi xe, nôn thốc nôn tháo."
Cũng chỉ là hậu quả của những chiếc mặt nạ. Người quen đeo mặt nạ, đóng tuồng, cuối cùng bị mặt nạ hút hết sinh khí, trong khi nhân vật của Oscar Wilde trẻ hoài, để cho bức chân dung của anh già, xấu xa, ghê tởm mãi đi. Đâu là giả, đâu là thực, nhưng qua những trang sách "làm dáng" đó, nói theo Thomas, có thể vang lên tiếng cười khoái trá, của con quỷ chiến tranh?...
Làm dáng, hãy thử tưởng tượng anh chàng Perkin, trong Con đường Vương giả (La Voie Royale), nhúng viên đạn rỗng vào vết thương, bắn lên chiếc đầu bò khô cho nhỏ máu, trước những con mắt khiếp đảm của thổ dân, những "người trần mắt thịt". Như Malraux khẳng định, nhân nói về Dostoevsky, "một cuốn tiểu thuyết thực luôn có một đề tài thực, đó là điều tác giả thực sự quan tâm, cho dù biết hoặc không biết", ở đây (La Voie Royale) là một tố cáo phận người.
Ngay cả Simon Leys, sau khi đọc cuốn tiểu sử Malraux của Cate, cũng phải công nhận một sự kiện giản dị: Malraux hiển nhiên là một thiên tài. Nhưng ông thêm vô: tuy nhiên, ông ta thực sự thiên tài như thế nào, điều này không có chi là rõ ràng. Gần như tất cả những ai có dịp thân cận, quen biết Malraux, đều bị ông ta hớp hồn, tôi không nói những người ngu si, hoặc vô danh, mà là những nhà văn nổi tiếng, nhiều người gấp đôi tuổi ông. Khi trẻ, đối với họ, ông là một thần đồng. Trung niên, một anh hùng. Về già, một nhà tiên tri. Trotsky, thời gian lưu vong, sau lần gặp nhà phiêu lưu trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đã ngay lập tức viết thư cho nhà xuất bản của ông ở New York, yêu cầu họ, phải cho ra lò liền, một bản Anh ngữ Phận Người. André Gide, một Goethe của nước Pháp, lớn hơn Malraux 30 tuổi đã "kín đáo than phiền", không thể theo kịp ngọn lửa văn chương, chẳng lúc nào chịu tắt, ở nơi con người tuổi trẻ tài cao, trong lần hai người gặp gỡ. Ngay Malraux cũng khẳng định: Tôi không mắc mớ gì với đám ngu si đần độn, (điều này biết đâu giải thích, ông là nhà văn tồi: bởi vì cuộc sống, nói cho cùng, chỉ là một cuộc đối thoại với những kẻ ngu đần?). Những sự kiện trên càng làm cho Malraux thành công, đối với phái đẹp. Người vợ đầu - sau khi ông đã nướng sạch gia tài của bà vào ba trò đánh bạc, chơi stock market, và đã trả lời vợ một cách ngang bướng: Em không thấy anh đang làm việc sao? - khi bà toan tính viết lách, ông cảnh cáo: "Là vợ anh tốt hơn là một nhà văn hạng nhì." Ngay tướng de Gaulle cũng mê vị bộ trưởng văn hóa của ông, khiến đám đồng sự của Malraux, lúc đầu ngỡ ngàng, sau đành kết luận: "Malraux khùng, nhưng thôi cứ để cho hắn ta 'mua vui, giải sầu cho Đại Tướng."
Bản thân người viết cũng đã trải qua kinh nghiệm mua vui, giải sầu này rồi. Những ngày Mậu Thân. Cũng lại một hóa thân của anh chàng Perkin, trong tăm tối đêm nào, đứng chết trân trước căn hộ, trong một con hẻm chỉ có tiếng mèo kêu thảm thiết, tiếng chuột chạy trên đám lá khô... chờ cho cơn cuồng nộ tàn lụi dần rồi thất thểu bò ra đường lộ, trời/đất/người/thành phố giới nghiêm, đèn điện tắt ngúm, mũi súng sâu đen ngó vô mắt, "làm gì có cái chết mà chỉ có tôi đang chết..." (La Voie Royale).
Nguyễn Quốc Trụ

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư