Năm của spaghetti


Năm của spaghetti 
 
 http://chimvie3.free.fr/73/PVT_MurakamiHaruki_NamCuaSpaghetti_073.htm
 
 
 
Murakami Haruki
 
Phạm Vũ Thịnh dịch
 
1971. Đó là năm của spaghetti. Năm 1971, tôi đã mải miết luộc spaghetti để sống, và mải miết sống để luộc spaghetti. Năm ấy, quả thật làn hơi nước ngào ngạt bốc lên từ nồi nhôm chính là niềm tự hào của tôi, và nước xốt cà-chua sôi thành tiếng sục sục trong chảo đã cho tôi niềm hy vọng.
Năm ấy, tôi đã tậu được một nồi nhôm to tướng, đủ nước tắm cỡ một con chó béc-giê Đức, một đồng hồ đo giờ nấu nướng; đã đi rảo khắp các siêu thị chuyên bán thức ăn nhập cảng cho người ngoại quốc để gom góp đủ các thứ gia vị có những cái tên lạ hoắc, và lục tìm trong các nhà sách tiếng Âu Tây ra được mấy cuốn sách chuyên môn về món spaghetti; còn cà chua thì mỗi lần mua hàng tá.
Tỏi, hành tây, dầu xà-lách, ... đủ thứ hầm bà lằn bốc lên những hạt mùi li ti bay tán loạn trong không khí, rồi quyện lại với nhau thành một thể, ướp đẫm lên khắp các xó xỉnh trong căn phòng trọ sáu chiếu [1]. Mang máng giống như mùi nước cống của thành La Mã thời cổ.
Sự tích của năm spaghetti kỷ nguyên 1971 đấy.
*
Trên cơ bản thì tôi một mình luộc spaghetti, rồi ăn spaghetti một mình. Tất nhiên, cũng không phải là không có lúc nào đấy cùng ăn với một người nào khác, nhưng tôi thì thích ăn spaghetti một mình hơn nhiều. Tôi cảm thấy spaghetti là món chỉ để ăn một mình thôi. Lý do tại sao thì tôi chẳng rõ.
Spaghetti luôn luôn có trà và xà-lách kèm theo. Ấm trà đủ cho ba tách, và xà-lách chỉ cần trộn thêm mấy khoanh dưa leo. Các thứ ấy bày tề chỉnh lên bàn xong, vừa liếc đọc nhật báo vừa thong thả ăn spaghetti một mình, cứ thế những ngày spaghetti nối tiếp nhau từ chủ nhật đến thứ bảy vừa xong, thì từ chủ nhật mới, những ngày spaghetti mới lại bắt đầu tiếp nối.
Ngồi ăn spaghetti một mình như thế, lại có cảm giác như sắp sửa có tiếng gõ cửa của ai đấy đang tìm đến phòng mình. Những buổi chiều mưa, cảm giác ấy lại càng rõ hơn.
Những nhân vật hay tìm đến phòng tôi thì tùy lúc mà khác nhau. Có lúc là người chưa từng quen biết, có lúc là người tôi nhớ đã gặp đâu đấy rồi. Có lúc là cô gái có đôi chân mảnh khảnh đến thương, mà tôi đã hò hẹn một lần duy nhất thời trung học cấp ba; có lúc là chính tôi mấy năm về trước; có lúc lại là William Holden cặp kè Jennifer Jones [2] mà tìm đến.
William Holden?
Thế nhưng, chẳng một người nào bước chân vào phòng tôi cả. Họ chỉ lớ xớ trước cửa phòng như lưỡng lự không biết có nên vào không, cuối cùng chẳng ai gõ cửa, cứ thế mà đi đâu mất. Ngoài trời đang mưa.
Xuân, hạ, rồi thu, tôi đã mải miết luộc spaghetti suốt ba mùa rồi. Cứ như là chuyên chú vào việc phục thù gì đấy. Như người con gái cô đơn ngồi nhét vào lửa lò sưởi từng lá thư tình từ người yêu phản bội, tôi mải miết luộc spaghetti mùa này qua mùa khác.
Tôi nhồi bóng thời gian đã dẫm lên, thành hình dáng chó béc-giê Đức trong chậu, thả vào nồi nước sôi bốc khói, rắc thêm ít muối. Rồi tay cầm đôi đũa cả, đứng trước nồi nhôm mà canh chừng, không rời một bước, cho đến khi đồng hồ đo giờ nấu nướng kêu lên đau đớn một tiếng "tình" bi thảm.
Đám spaghetti rất là ma mảnh, nên mắt tôi không thể nào rời họ được. Họ như lúc nào cũng sẵn sàng trượt thoát qua vành nồi mà trà trộn mất tăm vào bóng đêm tăm tối. Giống như rừng nhiệt đới nuốt trọn những cánh bướm màu rực rỡ vào thiên thu, đêm tối cũng âm thầm chờ đợi những spaghetti đào thoát.
Spaghetti bolognese,
Spaghetti basirico,
Spaghetti pesi,
Spaghetti carbonara,
Spaghetti lưỡi bò,
Spaghetti nghêu, nước xốt cà-chua,
Spaghetti tỏi,
Spaghetti không tên, là bi kịch spaghetti trộn chung vô tội vạ đủ thứ hầm-bà-lằn còn dư trong tủ lạnh.
Đám spaghetti đã sinh nhằm nồi nước sôi, trôi tuột đi như dòng sông trên vách nghiêng thời gian của năm 1971 mà biến mất.
Tôi thương tiếc họ.
Những spaghetti của năm 1971.
*
Điện thoại reo lúc 3 giờ 20 phút, lúc tôi đang nằm chường trên sàn chiếu, lơ đãng ngắm trần nhà. Ánh nắng mùa đông chỉ chiếu một vũng ánh sáng đúng vào chỗ tôi đang nằm mà thôi. Như con ruồi chết, tôi nằm dài như thế, lơ tơ mơ giờ này sang giờ khác, trong ánh nắng tháng mười hai năm 1971.
Lúc đầu, không nghe ra là tiếng chuông điện thoại. Nghe chỉ như là dăm mảnh ký ức không quen, rụt rè chui luồn qua những tầng không khí mà tìm đến. Nghe vài lần như thế chất chồng lên nhau mới bắt đầu lờ mờ ra dạng chuông điện thoại, rồi cuối cùng mới nhận ra trăm phần trăm là tiếng chuông điện thoại. Tiếng chuông trăm phần trăm rúng động không gian trăm phần trăm hiện thực. Tôi vẫn giữ tư thế nằm chường như thế, với tay bắt điện thoại.
Đầu dây bên kia có tiếng một người con gái, ấn tượng thật mờ nhạt, loại con gái biến mất tăm dạng khoảng 4 giờ rưỡi chiều. Hoá ra là cô người yêu cũ của một người tôi quen. Mà cũng chẳng quen gì lắm. Gặp nhau đâu đó thì chào hỏi, thế thôi. Vài năm trước, với duyên cớ khó hiểu mà làm ra vẻ hợp lý, họ trở thành người yêu của nhau, rồi vài tháng trước đây, cũng với duyên cớ tương tự, họ chia tay nhau.
-"Anh có thể cho em biết anh ấy đang ở đâu không?". Cô ấy hỏi.
Tôi ngắm ống nói, rồi nhìn dõi theo chiều dài dây cáp điện thoại. Chẳng có chỗ nào đứt đoạn trên dây cả.
-"Sao lại hỏi tôi?". Tôi nói.
-"Vì chẳng ai cho em biết cả". Cô nói, giọng lạnh lùng. -"Anh ấy đang ở đâu?".
-"Tôi đâu biết". Tôi đáp. Nói ra thế, chứ nghe chẳng ra giọng của mình.
Cô ta im bặt.
Ống nói lạnh ngắt như một trụ nước đá. Chung quanh tôi, tất cả mọi thứ dần dần đông đặc thành trụ nước đá. Cứ như là cảnh phim khoa học giả tưởng của J. G. Ballard [3] vậy.
-"Không biết thật đấy". Tôi nói. -"Anh ta âm thầm biến đâu mất rồi mà".
Nghe có tiếng cô ấy bật cười ở đầu dây bên kia.
-"Anh ta nào có phải là thứ đàn ông để ý để tứ thế đâu. Chuyện gì cũng hét toáng lên vung vít, mà rồi chẳng làm được gì ráo".
Quả đúng như cô ấy nói. Anh ta chẳng để ý chuyện gì cả thật. Thế nhưng tôi cũng không thể cho cô ấy biết chỗ ở của anh ta. Nếu mà biết tôi đã cho cô ấy hay, thế nào anh ta cũng sẽ điện thoại lại đây. Chuyện lộn xộn vớ vẩn kiểu này thì tôi đã ớn quá rồi. Đã đào một hố sâu ngoài vườn sau nhà mà chôn lấp cả rồi. Chẳng ai còn có thể đào lên được nữa.
-"Xin lỗi nghe". Tôi nói.
-"Anh ghét em đấy chứ gì". Cô ấy đột ngột nói.
Tôi chẳng biết nên trả lời sao. Ngay từ đầu đã chẳng có ấn tượng gì rõ ràng về cô này cả.
-"Xin lỗi nghe". Tôi lặp lại. -"Tôi đang bận tay luộc spaghetti đây".
-"Hả?"
-"Đang bận tay luộc spaghetti đây mà".
Tôi cho nước tưởng tượng vào nồi tưởng tượng rồi bật diêm tưởng tượng châm lửa tưởng tượng.
-"Thì sao?". Cô ấy hỏi.
Tôi nhẹ tay buông bó spaghetti tưởng tượng vào nồi nước sôi tưởng tượng, rắc muối tưởng tượng và canh đồng hồ đo giờ nấu nướng tưởng tượng khoảng 15 phút.
-"Đang bận tay luộc spaghetti, sợ nở quá mà dính lại với nhau thì phiền lắm".
Cô ta lặng thinh.
-"Món này khó lắm". Tôi nói thêm.
Trong tay tôi, ống nói lại bắt đầu trượt xuống dốc dưới không độ.
-"Hay là cô gọi lại lúc khác vậy nhé?". Tôi vội vàng nói thêm.
-"Bởi anh đang bận tay luộc spaghetti à?". Cô ta nói.
-"Ừ, đúng thế".
-"Ăn một mình à?"
-"Đúng thế".
Cô thở dài. -"Nhưng em đang kẹt thật đấy".
-"Xin lỗi đã không giúp được gì". Tôi nói.
-"Còn chuyện tiền nong nữa chứ".
-"À".
-"Em muốn anh ấy trả lại cho em".
-"Xin lỗi nghe".
-"Anh bận tay luộc spaghetti ..."
-"Vâng".
Cô gượng cười nhẹ, thờ thẫn. -"Tạm biệt".
-"Tạm biệt". Tôi cũng nói.
Lúc cắt điện thoại, vũng nắng trên sàn phòng đã dời đi vài cen-ti-mét. Tôi lại trườn người vào vũng nắng ấy, ngước nhìn lên trần nhà.
*
Nghĩ đến bó spaghetti vĩnh viễn không khi nào chín ấy mà buồn quá.
Bây giờ lại đâm ra ân hận rằng đáng lẽ nên cho cô ấy biết tất cả mới phải. Bề nào thì anh chàng kia cũng chẳng phải là người đàn ông xứng đáng gì. Làm ra vẻ hoạ-sĩ nhưng chỉ vẽ được dăm bức tranh trừu tượng vụng về, chỉ giỏi mồm miệng mà đầu óc trống rỗng. Vả lại, có lẽ cô ấy cần anh ta trả lại tiền thật mà.
Không biết cô ấy làm sao bây giờ nhỉ?
Hay là đã bị nuốt trọn vào bóng tăm tối của 4 giờ rưỡi chiều rồi?
Durum Semolina [4] .
Thứ lúa mì màu vàng óng ấy đã lớn lên trên cánh đồng lúa nước Ý.
Nếu người Ý mà biết rằng món hàng chính họ đã xuất khẩu năm 1971 thật ra là "niềm cô độc", hẳn là họ phải ngạc nhiên đến sững sờ.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 10/2004
Chú thích: [1] Chiếu: tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.
[2] William Holden & Jennifer Jones: tài tử điện ảnh Mỹ, đã quá cố.
[3] J. G. Ballard (1930 - ): Tiểu thuyết gia người Anh.
[4] Durum Semolina: một loại lúa mì cho bột dẻo dùng làm mì Ý spaghetti.
 
 
Truyện thứ 15 trong tập truyện "Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo" từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, tháng 5 năm 2006, dịch từ nguyên tác của Murakami Haruki "Kangaruu Biyori" bản bỏ túi do nhà Kodansha tái bản lần thứ 47 tháng 3 năm 2004.

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư