Toàn tập THƠ trên THẾ KỶ HAI MƯƠI (1960 - Saigon)

 

 

Toàn tập THƠ trên THẾ KỶ HAI MƯƠI (1960 - Saigon)




IMG_1196 IMG_1197 IMG_1198 IMG_1199 IMG_1200 IMG_1201 IMG_1202 IMG_1203 IMG_1204 IMG_1205 IMG_1206 IMG_1207 IMG_1208 IMG_1209 IMG_1210 IMG_1211 IMG_1212 IMG_1213 IMG_1214 IMG_1215 IMG_1216 IMG_1217 IMG_1218 IMG_1219 IMG_1220 IMG_1221 IMG_1223 IMG_1224 IMG_1225 IMG_1226 IMG_1227 IMG_1228 IMG_1229 IMG_1230 IMG_1231 IMG_1232 IMG_1233 IMG_1234 IMG_1235 IMG_1236 IMG_1238 IMG_1239 IMG_1240 IMG_1241 IMG_1242 IMG_1243 IMG_1244 IMG_1245 IMG_1246 IMG_1247 IMG_1248

IMG_1188

IMG_1188 IMG_1189 IMG_1190 IMG_1191 IMG_1192 IMG_1193 IMG_1194 Bài của VIÊN LINH về THẾ KỶ 20

Không khí sinh hoạt văn chương ở Sài Gòn bùng lên vào những năm giữa của thập niên '50 nhờ biến động của thời thế: sự chia cắt đất nước còn nóng hổi vào năm 1954, chỉ khoảng 12 tháng đầu, tổng kết sơ khởi cho biết miền Nam đã đón nhận 533,868 người vào bằng đường biển; 243,657 người vào bằng máy bay, từ vĩ tuyến 17 trở vào đã có 9 trại tạm cư lập ra ở cao nguyên, 55 trại ở 8 tỉnh miền Trung và 122 trại ở 12 tỉnh Nam phần, trong đó riêng Sài Gòn có hai trại cho sinh viên học sinh, trong có cả giáo chức, và từ thành phần này, các loại báo chí trẻ xuất hiện, nối gót báo chí chuyên nghiệp cũ và mới ở thủ đô miền Nam.

Chỉ nói về các báo do sự di cư mà có mặt ở Sài Gòn, sớm sủa nhất là các tờ nhật báo Tự Do của các anh Mặc Ðỗ, Ðinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và ký giả kỳ cựu Tam Lang sau có nhật báo Ngôn Luận. Phía báo định kỳ có Lửa Việt của nhóm các anh Nguyễn Sỹ Tế, Lữ Hồ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, “trụ sở” tạm thời đặt tại Trại Gia Long (trên nền khám lớn cũ của Sài Gòn, ngay bên cạnh Tòa Án). Bên ngoài có các tờ Văn Nghệ Học Sinh, Cách Mạng Quốc Gia của Bộ Thông Tin, nhật báo Dân Chủ của ký giả Vũ Ngọc Các, và chậm hơn ít lâu sau là tờ Gió Mới của Hội Giáo Chức trong có Nguyên Sa, Bùi Giáng,... Tới năm 1956, không khí bùng lên khi thời đại quân chủ hoàn toàn kết liễu, Hoàng Ðế Bảo Ðại bị truất phế. Ngày 26 tháng 10, Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa được tuyên bố, miền Nam trở thành một lãnh thổ có đầy đủ các định chế của một quốc gia.

Ðối với những người yêu miền Nam, yêu thể chế cộng hòa dân chủ đầu tiên của đất nước, có Quốc Hội do dân bầu, thì không khí tưng bừng lúc đó được gọi là không khí dựng nước. (Nhưng phần này sẽ được nói sau, nó sẽ chấm dứt khi chính phủ lúc đó ra sắc luật biến các đảng phái quốc gia thành các hiệp hội, không khí bi quan và hoài nghi bàng bạc khắp nơi.) Khi các đảng phái chính trị bị canh chừng, theo dõi, khủng bố, báo chí của các đảng ấy bị kiểm duyệt, thậm chí bị đóng cửa, thì bộ mặt báo chí phản ảnh bộ mặt xã hội, khô khan, hay dửng dưng. Nhiều tờ báo đóng cửa, hay chỉ ra cầm chừng, hay xoay ra làm thương mại. Người Mỹ lúc đầu mạnh mẽ ủng hộ chế độ mới, nhưng khoảng cuối thập niên '50, họ đã ngưng lại, hay rút bớt sự hỗ trợ. Một trong những tạp chí rầm rộ hai năm trước là tờ Sáng Tạo của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, lẳng lặng ngưng xuất bản. Nó ngưng xuất hiện cả hai năm liền, làm bao người thất vọng.

Nhưng đột ngột có sự thay đổi trong không khí sinh hoạt của văn học miền Nam. Anh em cầm bút trẻ chúng tôi hồi đó người này bảo người kia: có một hay hai tạp chí văn học sắp xuất hiện. Nhuận bút trả khá lắm. Nghe nói họ trả 500 đồng một bài thơ; 3,000 đồng một cái truyện ngắn. Nhiều người trong chúng tôi hoài nghi. Trần Tuấn Kiệt chẳng hạn, cho biết tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ trả thơ cao nhất, 150 đồng một bài, là nhất rồi. Báo Bách Khoa của giám đốc Viện Hối Ðoái Huỳnh Văn Lang giàu như thế, cũng chỉ trả 100 đồng một bài thơ, mà lâu lâu mới đăng một bài.

Tạp chí Văn Nghệ của nhà văn Lý Hoàng Phong vẫn có mặt, song là báo nghèo, không trả nhuận bút cho ai.

Ðúng tháng 7, Thế Kỷ 20 xuất hiện. Rõ là báo giầu. Thứ nhất, khuôn khổ tờ báo không giống bất cứ báo nào đang có mặt, khổ hơi vuông, 7x10 phân Anh, trong khi Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn Nghệ, chung một khổ 6x9 hay già hơn 9 phân Anh một chút. Báo đầy minh họa, lại minh họa trên nền màu. Nếu có sống và làm báo văn nghệ ở Sài Gòn hồi ấy người ta mới thấy cái khó khăn của một tờ báo khi in tranh vẽ, dù là đen trắng. Muốn in tranh vẽ, hay hình ảnh chụp, phải gửi tấm tranh gốc, ảnh gốc đi làm bản kẽm. Một tấm hình bình thường, thì làm bản kẽm gọi là simili (có chấm, nay gọi là dot). Nét vẽ của một tấm hí họa, tranh vẽ bút chì thì bản kẽm vừa có simili vừa có nét (trait, hay ligne), khoảng 50 đồng một cái bản kẽm nhỏ và giản dị nhất. Nếu có cả hai thứ đương nhiên là mắc hơn, khoảng 70 đồng một cái bản kẽm. Một tờ báo văn nghệ thường chỉ có thể in 1 cái tranh ngoài bìa, bên trong họa hoằn có thêm một hai cái nữa, nho nhỏ thôi. Tranh này có khi lại dùng đi dùng lại nhiều lần. Thế mà tờ Thế Kỷ 20 ngay số 1 bên trong có khoảng 10 cái tranh vẽ to nhỏ của Ngọc Dũng, và ghê gớm hơn, in 4 cái phụ bản hai màu, mỗi cái chiếm nguyên trang, của bốn họa sĩ nổi tiếng nhất đương thời: Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Trung.

Về phương diện hình thức, Thế Kỷ 20 ăn đứt các báo đang hiện diện. Về phương diện bài vở: không tờ báo nào uy tín hơn, và đặc biệt hơn, vì phối hợp các cây bút tên tuổi trong giới sáng tác đã đành, lại còn phối hợp luôn giới khoa bảng hồi ấy.

Số 1 (phát hành tháng 7, 1960), có bài vở của các tác giả nổi tiếng như: Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Văn Trung, Ðinh Hùng, Lôi Tam, Nguyễn Sỹ Tế, Vĩnh Lộc, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Sao Trên Rừng, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa,Trần Lê Nguyễn, Quách Thoại, Duy Thanh, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Lãng, Thao Trường, Ngọc Dũng.

Người chủ trương, Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, tức nhà thơ Trần Hồng Châu, là đương kim khoa trưởng Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Người ta biết trước 1945 ông học Luật Khoa Hà Nội rồi qua Pháp, khoảng xấp xỉ mười năm sau về Sài Gòn, ông học Luật tại Cao Ðẳng Quốc Tế Học Viện, và có bằng tiến sĩ Văn Chương Ðại Học Sorbonne. Về bằng cấp như thế là tột đỉnh, nhưng điều bất ngờ là khi người ta đọc bài ông, thơ hay tham luận, ông không viết như các nhà khoa bảng khác. Ông viết vô cùng phóng khoáng mà thâm thúy.

Trong bài viết mở đầu cho tờ tạp chí của ông nhan đề “Ði Vào Ðoạn Ðường Hôm Nay,” ông viết:

“...Mỗi con tầu lênh đênh trên đại dương đều có một bến xuất phát, mỗi cánh chim vẫy vùng trong không gian vẫn quen thuộc với một cành cây, một mái nhà hơn những cành cây và mái nhà khác... Cho nên văn nghệ phẩm Việt Nam chân chính vẫn ngào ngạt hương lúa đồng Việt Nam và không thể có cái vị của nhựa cây rừng phong Bắc Hải hay mầu phương thảo Anh Vũ Châu. Cho nên chúng ta sẽ luôn luôn gắn bó với lòng đất mẹ, luôn luôn khắc khoải như những Antée trong thần thoại, xa hơi đất thì khô héo cằn cỗi. Chúng ta không là những đãng-tử-chẳng-hẹn-ngày-về, những quái thai vong bản. Nhưng chúng ta nhất định xua đuổi những bộ mặt vị quốc hẹp hòi... Ðã xa chúng ta rồi thời kỳ bế quan tỏa cảng tình cảm và tri thức, đã xa rồi những con ếch ngồi đáy nước, nhưng vẫn tưởng vũ trụ là thu hẹp trong đường tròn bờ giếng, đã xa rồi thời kỳ, mà cùng một lúc, ở Tây phương người La Mã và ở Ðông phương người Trung Hoa, mỗi bên đều tin rằng ngoài lưu vực sông Tibre hay sông Hoàng Hà tất cả đều là man di mọi rợ!

Một nền văn nghệ hay văn hóa nói chung chỉ có thể phong phú được khi phản ảnh sắc thái quê hương, khi luôn luôn hành hương về nguồn, đồng thời vẫn có quan hệ, cọ xát, trao đổi với những nền văn nghệ chân chính khác.”

Ðoạn văn trên ngắn ngủi chừng ấy, mà mênh mông biết bao!

Cũng trong số ra mắt, còn có những bài chính như sau:

-Tìm hiểu tác phẩm văn nghệ của Nguyễn Văn Trung.

-Ðối tượng của văn học sử của Nguyễn Sỹ Tế.

-Vụ án Kiều của Thanh Lãng.

-Nhận xét về nền hội họa Việt Nam của Thái Tuấn.

-Các truyện ngắn của Thanh Tâm Tuyền (Khuôn Mặt), Dương Nghiễm Mậu (Kinh Cầu Nguyện), Thao Trường (Qua một chiếc cầu lên một cái dốc), và thơ của Ðinh Hùng, Tô Thùy Yên, Quách Thoại,...

Sự có mặt của Thế Kỷ 20, hay sự có mặt của Nguyễn Khắc Hoạch, đã thổi một luồng gió mạnh vào đám đông còn chưa thức giấc. Thật ra, có người đã thức và choàng dậy kịp thời. Mai Thảo, sau khi lặng ngắt không một lời giải thích vì sao ngưng xuất bản Sáng Tạo - ngưng khoảng hai năm - đột nhiên cho tái bản Sáng Tạo, cũng vào đúng tháng 7, 1960! Thế là không khí văn chương Sài Gòn lại chuyển động. Nhà văn nhà thơ có thêm diễn đàn, và diễn đàn có thêm tiếng nói. Tô Thùy Yên nổi bật trên Thế Kỷ 20 với 5 trang thơ liền, thơ đăng kèm với minh họa của Ngọc Dũng: “Những bài thơ viết trên giường bệnh.”


tri ân

tôi gầy đét như hình thể Việt Nam

có kẻ bảo tôi không ra hồn người

may tôi sống còn như cỏ mùa đông

nên thốt luôn mồm cám ơn thượng đế



kiếp khác

tôi thổ huyết cuồng mê như núi lửa

thiêu hủy hình hài ăm ắp chất cô đơn

rồi trời đất hừng đông như trứng vỡ

tôi đã đầu thai thức dậy đỏ sơ sinh.



Liên tiếp các tháng sau, nội dung của Thế Kỷ 20 như sau:

Số 2, phát hành tháng 8, 1960, với các tác giả tên tuổi: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thoại, Trần Hồng Châu, Kiêm Minh, Nguyện, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Lãng, Duy Thanh, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Hà Thúc Cần, phụ bản Phạm Duy-Nguyễn Trung.

Số 3, phát hành tháng 9, 1960, với Nguyễn Văn Trung, Vĩnh Lộc, Dương Nghiễm Mậu, Ngọc Dũng, Trần Lê Nguyễn, Thao Trường, Nguyễn Ðăng Thục, Doãn Quốc Sỹ, Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Hà Thúc Cần.

Số 4, phát hành tháng 10, 1960, gồm các sáng tác của các tác giả: Lý Hoàng Phong, Viên Linh, Trần Lê Nguyễn, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Văn Trung, Thao Trường, Trường Duy, Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Châu Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Trung, Doãn Quốc Sỹ, Phạm Duy, Anh Oanh, Hoài Văn.

Số 5, phát hành tháng 11, 1960, với sự góp mặt của các tác giả: Lý Chánh Trung, Viên Linh, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Lãng, Võ Phiến, Hoàng Châu Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Duy.

Số 6, phát hành tháng 12, 1960, nội dung gồm sáng tác của các tác giả: Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Trường Duy, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Viên Linh, Nguyễn Ðăng Thục, Bản vẽ Ngọc Dũng.

Ðúng 50 năm qua, đúng từng tháng từng ngày, khi bài này được viết, để nhớ tới một tạp chí văn học sáng giá của miền Nam, cả về lượng lẫn về chất. Người chủ trương biên tập, Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, đã ra đi vào năm 2003, (ông sinh năm 1921), song gia tài văn hóa của ông vẫn còn đó. Chúng tôi sẽ có dịp trở lại kỹ hơn, về các tác phẩm của ông, về tinh hoa ông truyền lại cho môn sinh ở các đại học Việt Nam, qua Viện Việt Học ở Hoa Kỳ mà ông là viện trưởng một thời gian, và về đôi chút tưởng niệm riêng tư, và về bài phỏng vấn ông dành cho người viết. Bài này không viết riêng về ông, mà về đứa con tinh thần của ông, tờ báo có vị thế vững chắc trong Nền Văn Học Miền Nam Việt Nam trước 1975.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trần Lê Nguyễn, thơ kịch và phim 

(Viên Linh)


Trần Lê Nguyễn là một kịch tác gia nổi tiếng không thua gì Vũ Khắc Khoan, Vi Huyền Ðắc, ngay thập niên '50 những vở kịch của ông như Bão Thời Ðại, Quán Nửa Khuya hay Ðêm Ba Mươi đã được nhắc nhở, được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc bộ môn kịch, tuy rằng những vở này chỉ mới đăng trên các tạp chí, hay trình diễn trên làn sóng điện các đài phát thanh, mà chưa từng được dựng trên sân khấu. 

Thính giả nghe thoại kịch dù nghe ngang ở khúc giữa cũng có thể đoán đó là kịch Trần Lê Nguyễn bởi đối thoạt rất chọn lọc, lúc nào cũng đầy xung đột, mâu thuẫn, giọng nữ phải là gái Hà Nội, giọng nam phải là một trí thức nghệ sĩ, vai chính thường là đạo diễn hay họa sĩ, và âm thanh bố trí tới hai ba tầng, tiếng ly tách lanh canh va chạm cùng tiếng cười, hay hơi thở, và một điệu nhạc hòa âm xen vào đúng lúc, chúng tôi nghe và biết đó là kịch của “anh ba họ.” [Trần Lê Nguyễn]. Ngoài đời đạo diễn không là ai khác, chính tác giả Trần Lê Nguyễn, và họa sĩ không là ai khác, chính là Ngọc Dũng người bạn thân của anh, mặc dù trong chỗ bạn bè, chúng tôi gọi Ngọc Dũng là “công tử Chí Hòa.”

Từ trái sang: Duy Thanh, Trần Lê Nguyễn, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, hình chụp năm 1960.
Song song với kịch ông còn có thơ, thơ mới hay thơ tự do, đặc biệt thơ ông có địa vị trên các tạp chí văn học lớn như Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ.
Saigon Mưa
Ðế giày tôi lủng hai bên
Những chiều Saigon mùa mưa như chiều nay
tôi đi bằng gót qua nhiều lề đường đọng nước
Ðĩa nhạc quay tròn quay tròn
âm thanh nổi
Tờ báo buổi chiều loan tin chiến sự xứ Lào
Mưa lại rơi
như tháng bảy mưa rơi ngoài Bắc
Hà Nội không còn
Sáng qua tôi gặp cô gái phố Hàng Ngang
Ngoài kia đâu còn Hà Nội
Có những người chết đi mất xác bên Cầu Kiệu
Con đường hành quân thủa trước vắt qua Dốc Mơ gặp mộ người nữ cứu thương Thái
- mortier Tây bắn ở Tuy Hòa chết không hay đâu còn Hà Nội
Tôi trú mưa đầu phố
Giày tôi vào nước từ lâu
Gió tạt quán rượu góc đường Charner thủa trước
Ly rượu anh thủy thủ trên đất liền
Người đàn bà Pháp chờ taxi cô độc
Ðây không là Paris
Sao tin chiến sự Vientiane làm nhớ thương Hà Nội
Sao Hà Nội nhắc những người chết đi
Tôi đi nhận lá thư không đến chiều nay
Sao lại gặp Sài gòn mưa như trời mưa xứ Bắc.
(Trần Lê Nguyễn, Thế Kỷ Hai Mươi, 1960) (1)
Khoảng 1955 người viết bài này đã được đọc tạp chí Mùa Lúa Mới xuất bản tại miền Trung, tờ báo dầy dặn, bài vở chọn lọc đậm màu sắc kháng chiến, bởi các tác giả góp mặt phần lớn là những người cựu kháng chiến: Nguyễn Văn Xuân, Trần Lê Nguyễn, Võ Thu Tịnh,... sau này cũng đã được gặp hay nói chuyện với họ, và đọc họ nhiều hơn. (2) Hôm 18 tháng 4, 2015, tình cờ tôi lại nhìn thấy tên một trong những tay cựu kháng chiến này - Trần Lê Nguyễn - trong phim Ðất Khổ do Hà Thúc Cần đạo diễn dựa trên phân cảnh truyện phim cùng nhan đề của Hà Thúc Như Hỷ, trình chiếu lúc 3 giờ tại rạp Ultraluxe thuộc thành phố Garden Grove, trong khuôn khổ Viet Film Fest. Thấy lại mấy khuôn mặt bạn bè khác trong phim: nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhà văn Sơn Nam và chiếc xích lô máy. Trần Lê Nguyễn chỉ góp phần trong sở trường của nhà viết kịch. Người viết bài này có kể cho tác giả Như Hỷ nghe, tháng 10, 1975, tôi có gặp người phi công Mỹ mua cuốn phim Ðất Khổ của Hà Thúc Cần, và làm việc ba ngày tại căn nhà của người phi công trên đường Lee Hiway gần khu Rosslyn, Virginia. Ông là thành viên của nhà thờ Mount Vernon tại thủ đô Washington, D.C., là nhà thờ đã bảo trợ gia đình tôi ra khỏi trại tạm cư Indiantown Gap ở Pennsylvania. Họ nhờ tôi chuyển ngữ những câu đối thoại tiếng Việt ra ngoại ngữ, trả 10 Mỹ kim một giờ, cốt giúp tôi qua thời gian buồn chán, khủng hoảng những ngày đầu lưu vong, hơn là nhằm mục đích gì khác. Làm ba ngày thì xong việc, nhờ đó tôi có tiền ngay mấy ngày sau đi New Jersey thăm Thanh Nam, và mua cho bạn chai whiskey. [Tháng 11.75 mới có việc làm thường xuyên, vào học nghề ấn loát $3.75 Mỹ kim một giờ]. Một chi tiết chuyên môn mà người phi công Mỹ thắc mắc là vụ chiếc xe Jeep bị phục kích, sao giữa trận tiền một vài giây trước khi bị phục kích mà các quân nhân trên xe nói nhiều thế, lại còn biết mà chỉ trỏ vào bụi cây có Việt Cộng nằm phục kích!
Những kẻ vô tâm hay có tâm địa riêng viết ra rằng Trần Lê Nguyễn ham sống, ham ăn chơi... bằng nghề cờ bạc (3); đành rằng thơ anh có nói đến Ðại Thế Giới, và thế giới ban đêm của Hòn Ngọc Viễn Ðông trước 1954 (anh vào Nam khoảng 1953); đành rằng thơ anh ra vào những tay anh chị thuở Bình Xuyên, tay búa tay rìu, đành rằng bạn hữu tìm anh khắp nơi không thấy, mà tới sòng bài Kim Chung có nhiều hy vọng gặp anh hơn cả, song rêu rao một đạo diễn không thành công bao nhiêu vì cây thẻ cỗ bài là đem chuyện đời tư viết thành chuyện văn sử.

Vở kịch cuối cùng của Trần Lê Nguyễn trên bìa báo Thời Tập số 14, tháng 11, 1974.
Trần Lê Nguyễn sống trong một ngõ hẻm ngoằn ngoèo ở Bến Chương Dương. Có cố nhớ cũng không nhớ nổi căn nhà ấy. Cầu thang nhỏ hẹp, ọp ẹp, nhưng vào lọt bên trong rồi thì thật thích: một căn phòng dài nhiều cửa, cửa nào nhìn ra cũng thấy những mái nhà. Cả chục mái nhà phía trước. Trên tường treo một hai tấm tranh thật đẹp, của Ngọc Dũng, kể cả tranh lõa thể của Modigliani.
Giao Duyên
Từng kiếp sống bồng bềnh
Bước chân lầy lối ngõ
Tiếng gọi đò hối hả
Giữa khuya
Ngọn đèn ai còn đỏ lửa
Mười năm trời không làm thơ
Ðêm nay bút cầy luống chữ.
...
Ngoại ô trời đen khói bụi
Mái nghèo
Ðồng ruộng mông mênh
Lạc lõng vào đây vài ổ đĩ
Ðèn khuya cửa ngỏ
- Ðêm qua Sáu Nhỏ không về!
Trôi dạt vào đây vài anh chị
Búa rìu bằm nát tay trai
Có tiếng la trời ơi ới.

(Trần Lê Nguyễn, Sáng Tạo, 1958)
Khung cảnh của bài thơ là khung cảnh con ngõ của anh. Sau này tôi được biết, đó là khu nhà của ông tỷ phú Nguyễn Ðình Quát cho anh ở nhờ, hay thuê với giá rẻ. (Ông Quát này sau có ra tranh cử tổng thống Việt Nam Cộng Hòa). Ðám cưới của anh, tôi vô tình trở thành người “mừng cúng” nhiều nhất. Anh báo tin lấy vợ tuần tới, người khác giúp thế nào cũng được, riêng tôi chỉ cần cho anh mượn vài vở kịch. Nguyên là những năm làm trong bộ biên tập Ðài Tự Do, một đài đen do người Mỹ tài trợ, anh Phan Tùng Mai (con trai nhà cách mạng Phan Văn Hùm) và tôi thay nhau cung cấp cho đài những vở kịch 30 phút, khoảng 5 nhân vật, cứ hai tuần đến lượt phải cung cấp một vở mới. Trước sau trong mấy năm tôi viết được 27 vở. (4) Anh nói tôi có mừng đám cưới anh thì viết cái giấy cho anh quyền bán lại vài vở kịch tôi đã bán cho VOF để anh lấy bán lại cho một đài nào đó, không còn nhớ đài nào. Nhuận bút tùy theo đài, riêng Ðài Tự Do (thời Ðại Úy Vũ Quang Ninh làm trưởng ban chương trình) trả 5 nghìn một vở. Sau tôi nghe nói làm sao không biết, anh bán được tới 7 vở của tôi cho một đài khác. Tôi có hỏi anh, anh chỉ cười hề hề, nói rằng quà cưới của tôi lớn nhất, nhưng chỉ anh bán lại được thôi, chính tôi có bán cũng không chắc được, đừng tiếc.
Tôi có nhiều dịp đăng bài của Trần Lê Nguyễn. Anh tên thật Nguyễn Huy Tạo, người Sơn Tây, sinh năm 1923 (có nơi viết 1924). Các nhà văn miền Nam có năm bảy người viết kịch, như Nghiêm Xuân Hồng, Nhật Tiến, Dương Kiền, Phan Tùng Mai, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, song sống kịch chỉ nên kể Vũ Khắc Khoan và Trần Lê Nguyễn.
Tháng 10, 1974, Trần Lê Nguyễn ghé tạp chí Thời Tập do tôi làm chủ nhiệm, trao cho tôi vở kịch mới nhất của anh: “Ngôi Nhà Trên Ðồi Thông.” Vở kịch ghi rõ: Thời gian: một năm gần hết cuộc chiến này.
Hãy thưởng thức đoạn kết của vở kịch, xảy ra tại một đô thị trên vùng cao nguyên [nên hiểu là Ðà Lạt, địa danh thường thấy trong thơ Trần Lê Nguyễn].
Ngôi Nhà Trên Ðồi Thông
-Bường (người con gái ngoài 30 tuổi): Sao lại nhà hoang? Nhà này là nhà riêng của ba tôi để lại cho tôi mà?
-Liên (người nữ diễn viên độ 25, 26 tuổi): Nhưng cô không chịu nhận lấy mà bỏ đi hoang nên mọi người coi đấy là nhà chung. Cô phải đuổi hết những người chiếm ngụ vô quyền đi về đây mà ở thì nó mới hết là nhà hoang được.
-Bường: Cô này nói nghe cũng được đấy. Mà cô là ai mà biết rõ về ngôi nhà này quá vậy? Là nữ diễn viên phải không?
-Liên (giận dỗi): Không là nữ diễn viên gì hết. Tôi là vợ của anh Ðiềm.
-Ðiềm (hơn 40 tuổi, viết kịch - bàng hoàng): Sao Liên lại nói vậy?
-Liên (xúc động): Anh quên là đã có lần anh hỏi Liên làm vợ rồi ư? (xa, chậm). Ðấy là buổi sáng mùa Thu đúng ngày anh vào Nam. Anh đến thăm lần cuối cùng ngôi nhà đường Quan Thánh ở chỗ tầu điện tránh nhau. (5) (Vui sướng): Em đưa anh đi chơi ngoài vườn hoa, và nhớ rõ buổi sáng ấy em đẹp tuyệt vời. Không hiểu vì đâu ở tuổi 11 em bỗng nói với anh ý nghĩ ngộ nghĩnh muốn lấy chồng. Nghe thế, anh cười nhấc bổng em lên cao: Thật không? Vậy anh hỏi em làm vợ. Anh sắp đi xa. Ngày về anh sẽ cưới em. (Dịu nhẹ): Có phải đúng như thế không anh?
-Ðiềm (thấp): Anh không ngờ là Liên còn nhớ.
-Liên (hân hoan): Làm sao mà em quên được... Khi được sang du học Ðông Ðức, em đã trốn sang Tây Ðức tìm về miền Nam (buồn). Em hỏi tên những người về hồi chánh không thấy tên anh Hạo em... Cho nên lúc này, ở đây, em không có ai là thân thích.
...Màn hạ....
(Trần Lê Nguyễn, Thời Tập số 14, tháng 11.1974) (6)

Chú thích:
1. Thế Kỷ Hai Mươi, “Tập san sáng tác khảo luận phê bình văn nghệ,” số 1 ra vào tháng 7, 1960, do Nguyễn Cao Hách làm giám đốc, Nguyễn Khắc Hoạch (nhà thơ Trần Hồng Châu) chủ trương biên tập, họa sĩ Ngọc Dũng thư ký tòa soạn, in tại Tín Ðức Thu Xã, đường Tạ Thu Thâu, Saigon. Báo khổ 7”x10”, giá bán 15 đồng một số.
2. Khoảng 2005, tác giả Võ Thu Tịnh qua thăm Quận Cam, song tiếc thay ông phải trở về Paris gấp, cơn bệnh đột phát mà bảo hiểm sức khỏe của ông vô dụng ở Hoa Kỳ.
3. Xem chương Trần Lê Nguyễn trong Văn Học Miền Nam, kịch-tùy bút, Võ Phiến, Văn Nghệ xuất bản, Calif., 1999, trang 2633-34: “Giá ông Trần [Lê Nguyễn] không vướng vào các thú vui, ông tha hồ viết khỏe.”
4. Vở “Con Ðường Ngựa Chạy” được Giải Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn kịch nói, 1972.
5. “Ngôi nhà đường Quan Thánh” như một biểu tượng của trụ sở Quốc Dân Ðảng, và cả đảng Ðại Việt. Tại đường này có tòa soạn vài tờ báo, có báo Ngày Nay, nơi nhà văn Khái Hưng làm việc trước khi bị CS giết.
6. Thời Tập, Viên Linh và Nguyễn Hữu Hiệu, Lê Tài Ðiển, chủ trương, số 1 xuất bản năm 1973, số chót ra ngày 15 tháng 4, 1975.

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates