TTT Ninh Ha


 *

Thanh Tâm Tuyền

1936-2006
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vừa qua đời tại bang Minesota, Hoa Kỳ, sáng thứ Ba, ngày 22 tháng Ba, 2006, hưởng thọ 70 tuổi [Tin Gió_O]



15.5.2006

 Ninh Hạ Nguyễn Ðức Tâm
Thanh Tâm Tuyền - Những điều nhớ
 
Không thể!

Chỉ ít phút sau khi anh Thanh Tâm Tuyền mất, Bùi Ngọc Tuấn từ Minnesota buồn gọi báo hung tin. Không thể được! Tôi gọi ngay chị Tuyền. Thảo, con gái, nhận ra giọng tôi. Chú Tâm. Bố cháu vừa mới mất lúc 11 giờ 30. Mẹ cháu ra ngoài chạy lo công chuyện không có nhà. Lặng đi giây lát. Quá ngạc nhiên. Mới vào độ cuối thu, anh còn gọi nói chuyện rôm rả, cười vui với tôi rất lâu. Tôi còn hẹn lên đón anh về Chicago. Hai thành phố không xa mà anh chỉ ngang qua, chưa có dịp ở chơi. Hứa không gặp ai. Chỉ đi xem cảnh, xem tranh và chuyện trò. Tôi hỏi cháu về bệnh trạng. Thảo cho biết. Bố chết vì ung thư phổi nặng. Cơ thể yếu không chịu được giải phẫu hay hóa trị. Bác sĩ phát hiện bệnh vào ngày 22 tháng 1. Chỉ vỏn vẹn ba tháng, anh từ giã “Bếp lửa” nhân quần ngày thứ tư 22 tháng 3, 2006 tại Saint Paul, nơi anh và toàn gia đình con cháu chọn làm nơi lưu trú trên mười sáu năm qua. Vì phổi không còn hoạt động bình thường, anh nằm bệnh ở nhà thở với bình ốc xy. Vẫn tỉnh táo. Nhớ chuyện. Nhớ người. Ngày thứ Sáu trở bệnh nặng. Cấp cứu. Ngày thứ Ba không còn ăn được. Trưa thứ Tư tắt thở. Chị và các cháu Trinh Thảo, Trung Từ, gái cưng và trai út, cận kề bên giường bệnh, sững sờ đau xót nhìn chồng, nhìn cha ra đi đột ngột.

Thuốc lá và cà phê đen là hai thứ không thể thiếu mà lại quá tải trong hàng chục năm với cơ thể của anh. Năm 1994, tôi lên ở chơi với anh vài ngày. Thói quen này không thay đổi. Năm 2000, lên dự đám cưới cháu Trinh Thảo. Anh đổi ra hút ống tẩu. Bên cạnh bàn trà có máy lọc không khí. Nhà mới mua, lại có thêm các cháu nhỏ, con của cháu Minh Trí vừa mới ở Việt Nam qua đoàn tụ. Sau cái chết cũng rất bất ngờ, cùng chứng bệnh, của người bạn chí thân họa sĩ Ngọc Dũng, thương lo cho chồng, chị thúc hối anh đi khám bác sĩ. Lần nào cũng gàn, bướng lần khân. Cứ mỗi lần như vậy vợ chồng lại cự nự nhau. Khi phát hiện, bác sĩ cho biết bệnh khởi đầu cách đây ba năm. Quá trễ! Có điều lạ, anh chẳng thấy dấu hiệu gì về bệnh trạng nên ỷ y. Sau chuyến về Việt Nam thăm mẹ trở về, trông khỏe hẳn, lên 5 ký. Thân mẫu của anh, tuy ngoài chín mươi, vẫn còn khỏe. Lúc còn ở bên nhà, tôi thường thấy cụ, dù đã trên bảy mươi, vẫn còn nhanh nhẹn, đi chợ bằng xe đạp. Năm trước anh cho biết, cụ đứng đợi bên lề đường, bị xe đụng gẫy chân. Có lẽ về thăm được mẹ già đã làm anh vui và khỏe. Chuyến về thăm, anh chỉ ở nhà với thân mẫu. Không tiếp xúc với ai. Chẳng đi đâu, ngoài đi ăn phở. Hỏi anh Sài Gòn. Anh cười. Tớ chẳng đi đâu cả.

Nhận được tin anh mất lúc tôi vừa xa Chicago một tuần lễ. Ðang ở Cali, trạm dừng chân đầu cho một chuyến đi dài hơn tháng. Ðại Hàn và các thành phố Nhật sẽ là những chặng đường kế tiếp. Vì thế dù rất muốn, không thể nào bay về dự đám tang anh được. Lẽ ra nơi đến đầu tiên là Minnesota. Tôi dự định lên chơi với anh mấy ngày, trước khi tạm xa thành phố gió. Một người bạn thân, anh Mai Tất Ðắc, người làm thơ và hâm mộ thơ Thanh Tâm Tuyền, lỡ dịp đôi lần gặp gỡ, muốn tháp tùng. Tôi đồng ý. Gọi bao nhiêu lần không ai bắt máy. Ðể lời nhắn, không thấy hồi âm như mọi khi. Nghĩ rằng anh chị đi xa thăm con. Cứ tưởng là cháu Quang Tuệ, đứa con trai thứ ba còn ở Texas. Cháu Thảo nói. Vì bố không muốn ai biết, nên không liên lạc với ai. Bố cũng không bằng lòng để mẹ hỏi những bạn bè trong trường hợp tương tự nhờ giúp ý kiến. Bố kiệt sức. Mẹ không chịu đựng được, buộc lòng trái ý chồng tìm kiếm dò hỏi. Ðó là lý do tôi đã mất liên lạc với anh. Lỡ dịp gặp thăm anh lần cuối.

Ðược tin anh mất, tôi gọi báo ngay cho anh Viên Linh. Tạp chí Khởi Hành, là diễn đàn nhiều công lao trong việc cổ xúy và trân trọng nền văn học, nghệ thuật tự do của miền Nam Việt Nam, trong đó có Sáng Tạo. Báo cho anh Lê Tất Ðiều, vì hôm qua, tôi mới ở chơi với anh chị trọn ngày. Chúng tôi cũng nhắc đến Thanh Tâm Tuyền. Cuối thu vừa rồi, chúng tôi đã nói chuyện rất lâu. Không ngờ đây là lần cuối nghe được giọng vừa cười vừa nói rất đặc biệt của anh. Trong câu chuyện, anh có nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy vừa ra một hồi ký của đời mình nhưng không hề nói đến tên một người anh uyên bác và tài hoa có ảnh hưởng, ông Phạm Duy Nhượng. Theo lời kể của Thanh Tâm Tuyền, là người được ông giới thiệu lên dạy học cùng ở Thủ Dầu Một. Trong dịp này, nói về thời gian làm báo Tiền Tuyến, anh cười vui nhắc đến nhà văn Lê Tất Ðiều. “Tên ấy nhỏ con nhưng võ nghệ giỏi. Qua Mỹ lại làm sĩ quan cảnh sát. Phục thật!” Chẳng ngờ cách hôm sau, ngày chúng tôi nhắc đến, anh không còn. Người thứ ba tôi báo tin ngay là Ðinh Cường, người Thanh Tâm Tuyền thường liên lạc sau những ngày tù về cho đến nay. Năm rồi qua Washington D.C. dự họp, Ðinh Cường đem xe đến khách sạn đón, đưa về nhà. Chị Tuyết Nhung cho ăn món Huế tuyệt vời. Ðinh Cường mở chai rượu chát ngon đối ẩm. Khoe bức sơn dầu vẽ chân dung Thanh Tâm Tuyền. Ðinh Cường muốn lên dự lễ tang. Cận ngày, vé quá đắt không kham nổi. Hẹn khi tôi trở về Chicago sẽ thu xếp cùng lên Minnesota thắp trước mộ anh một nén hương tiễn biệt.

Các anh nói tôi viết bài về Thanh Tâm Tuyền. Tôi không làm được. Ở xa nhà thiếu phương tiện. Việc riêng lại đang ngổn ngang. Cái chết của anh là một xúc động mạnh. Thêm nữa. Tuy sống ẩn dật trong bao nhiêu năm, sự nghiệp và tài năng cũng như tư cách của anh đã là sao Bắc đẩu trên nền trời văn học miền Nam và cả Việt Nam đương đại. Chắc chắn sẽ có rất nhiều bài viết, bài đọc về anh.

Tôi thức giấc nửa đêm, chú tâm cầu nguyện anh siêu thoát. Cầu cho anh, một người anh thương mến, một người bạn lớn tuổi, đã hiểu nhau, cùng chia sẻ những đắng cay buồn vui của tù đày, của nhân tình thế thái. Ðã cùng nhau hàn huyên tâm đắc trăm ngàn thứ chuyện trong mấy chục năm qua. Qua anh, tôi đã thấy sự thủy chung của tình bạn. Ðối với các anh chị thuộc gia đình Sáng Tạo và những người thân quen, mối dây thân ái, tương kính, quan tâm đến nhau vẫn giữ cho đến cuối đời. Phục anh về khí khái của một kẻ sĩ khi quốc phá. Không ồn ào chống đối, nhưng chưa bao giờ thỏa hiệp. Không đua chen cho những hào quang và tăm tiếng. Chưa thấy anh ghét ai. Không ưa không phục thì không gần gũi. Thế thôi. Cách sống của anh, dù chẳng bao giờ muốn, cũng đáng cho nhiều người suy nghĩ. Anh là dòng nước, xuyên qua ghềnh thác, vẫn trong vắt sáng ngần trôi chảy vào đại dương mệnh số.

Tôi gần anh, chơi thân với anh. Một con người bình dị, chí tình trước hơn một thi sĩ, văn sĩ. Tôi viết về anh, những điều gần gũi thân quen, hơn là về những bài thơ người khen kẻ chê, người yêu kẻ ghét. Những điều vặt vãnh này chiếu một tia sáng nhỏ vào một góc đời cho những ai muốn hiểu thêm về anh. Thơ văn anh canh tân đột phá cái sáo mòn xưa cũ. Chắc chắn không dễ gì chinh phục lúc đầu. Thời gian mấy chục năm, im hơi lặng tiếng. Không tranh hơn thua. Không giải thích biện bạch. Ðủ để cho những đánh giá trung thực. Không phải đợi khi anh qua đời, mà những năm khi anh còn sống, giá trị công lao, tài năng của anh đã là một khẳng định, một tự hào của văn học Miền Nam Việt Nam tự do. Những bài viết, phân tích, nhận định phê bình của nhiếu người trước và sau cái chết của anh như Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khê... và mới đây Ðặng Tiến cùng nhiều người khác, chắc chắn giúp cho người đọc có cái nhìn, cái hiểu biết khá sâu sắc về sự nghiệp văn thơ của Thanh Tâm Tuyền.

Nhờ cơ duyên, gia đình tôi được gần gũi các anh chị giới cầm bút, ngoài và trong Sáng Tạo. Các anh chị trưởng thượng như Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Thái Tuấn... thì coi tôi như người em. Riêng Thanh Tâm Tuyền trẻ tuổi hơn quý vị kia, sau này gần gũi trong lao tù và sau lao tù, cho đến những ngày trên đất Mỹ, hiểu được nhau, tôi được anh xem như người bạn trẻ tuổi hơn, rất thân thiết. Tôi thường gọi tên anh là Thanh Tâm Tuyền hay gọn là anh Tuyền. Gọi chị, chị Tuyền. Thói quen này, có lẽ tại tôi với anh cùng tên chăng? Trong bài viết này dù gọi là anh, là ông hay trơ trọi Thanh Tâm Tuyền, cũng với lòng trân quý.


Ngày vào...

Miền Nam sụp đổ. Tôi với Thanh Tâm Tuyền đi tù cùng ngày, cùng chỗ. Nhà tôi, nhà anh gần nhau. Ði bộ năm mười phút. Tôi ở hàng Keo, gần trường Mỹ thuật. Anh ở xóm Gia, ở gần Bệnh viện Ung thư Gia Định.

Năm đầu cùng chung trại Long Giao. Anh lán 9. Tôi lán 6. Lán là nhà mái tôn dài, trại lính cũ. Gặp tôi, anh mừng rỡ. Năm đầu ở đây, chưa phải lao động nhiều nên có thì giờ nhàn rỗi. Tôi thường đến chơi với anh và nói mọi thứ chuyện. Bài thơ “Hồi hương ngẫu cảm” của Hạ Tri Chương, sau này tôi trích đăng trong truyện ngắn “Nghịch lý” (Tập truyện Cơn giông ngày về, Văn Mới xuất bản 1999) là của Thanh Tâm Tuyền đọc thuộc và dịch. Tôi nghe. Học thuộc. Bài thơ Trung Hoa cổ, tiên đoán những ngày tù xa xăm biệt xứ của chúng tôi. “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi. Hương âm hối cải mấn mao tồi. Nhi đồng tương kính bất tương thức. Tiếu vấn khách tùng hà xứ lai”. Sau này, anh Hoàng Hải Thủy i meo cho biết, tôi đã trích sai bài thơ. Phải sửa lại cho đúng là Hương âm vô cải, mấn mao thôi. Tôi nhận mình lâu ngày, nhớ không đúng. Ông thi sĩ kiêm thầy dạy Việt văn không thể nhầm được. Mới đây đọc tuyển tập tạp ghi của Phan Lạc Phúc (Văn Nghệ 2002) có thấy ghi chú. “Nhiều dị bản đọc là Mấn mao suy hay Mấn mao tồi”. Vậy là tôi không nhớ sai. Bài thơ Phan Lạc Phúc trích đăng lại gây thêm một nghi vấn khác. Thay vì nhi đồng lại là mục đồng. Chuyện đó hạ hồi phân giải. Chỉ kể một kỷ niệm nhỏ với Thanh Tâm Tuyền trong năm đầu cải tạo.


Biệt xứ

Năm 1976, tù cải tạo chuyển ra vùng thâm sơn Việt Bắc. Anh bị đày ải Yên Báy, Lào Cay. Tôi bị đẩy lên vùng Sơn La nước độc. Năm 1979, Trung Quốc vượt biên giới đánh người anh em một thời môi hở, răng lạnh. Các trại tù dọc biên giới Hoa-Việt chuyển về Vĩnh Phú. Trong thung lũng hẹp, trại được phân phối thành năm phân trại.

Tôi ở K5 với Mai Trung Tĩnh. Một sáng mùa xuân nắng đẹp. Tôi theo xe trâu lên K2 nhận đường mía. K2 là trại trồng nhiều mía. Trên đường làng sỏi đá. Vượt qua suối cạn. Sau khoảng hai giờ thì đến nơi. Một toán anh em đói mệt rã rời, áo đẫm mồ hôi, trên đường về, sắp vào trại. Trong đoàn người đó, tôi chợt nhận ra anh. Với dáng người và dáng đi đó, không thể ai khác. Quá mừng không kìm hãm. Nhảy vội xuống xe trâu. Chạy nhanh về phía anh. Gọi lớn. Anh Thanh Tâm Tuyền. Mọi người quay đầu nhìn tôi. Anh mừng nhận ngay ra. Chú Tâm. Anh cười. Chú đang ở đâu? Em ở K5. Chỉ bấy nhiêu lời. Anh qua khỏi cổng giam còn cười mừng ngoái nhìn trở lại.

Hai năm sau, Thanh Tâm Tuyền chuyển về K5 cùng trại với tôi. Có khi lại được ở chung buồng giam. Khác đội. Ngày lao động đói lả. Tối ngồi chầu kiểm điểm. Tố mình và tố người. Cũng ít có khi rỗi rảnh chuyện trò. Ăn cơm chung với nhau trưa chúa nhật. Sau này anh cười nói. Tớ khai là Dư Văn Tâm, đại úy bộ binh. Chú lại la toáng lên Thanh Tâm Tuyền. Từ đó tớ bị lộ tẩy!

Một chiều mùa đông lạnh. Tôi đang ở đội nhà bếp. Anh nhắn ra gặp. Tớ mới được quà, đem chú ít dầu bơ, bồi dưỡng lấy sức. Anh đưa tôi lon gô đựng đầy. Cần cho anh hơn. Giúi vào tay tôi, anh nói. Tôi còn nhiều. Chưa kịp cám ơn, anh quay đi. Ai đã qua tù đày của cộng sản, đã qua cái đói dai dẳng hành hạ năm-năm-tháng-tháng-ngày-ngày, mới cảm được cái to lớn của miếng ăn. Chờ cơm bụng lép đo giường. Cái đói đã đưa con người trở về với bản năng sinh tồn của muông thú. Vì miếng ăn có người lừng lẫy, nhân cách một thời đã trở thành ti tiện. Rất đáng thương và thông cảm. Ðừng chê trách. Trong hoàn cảnh đó, Thanh Tâm Tuyền, với một gô dầu bơ vàng sệt hấp dẫn, thơm rực, chia cho tôi trong một chiều âm u lạnh đói. Nghẹn ngào. Nhớ mãi.

Tết 1981. “...Nguyên đán bước ngây ngây vất vưởng. Ngoài tường, ngọn ngô đồng trơ trọc. Lắng buốt tiếng gặm mòn thịt xương. Lây xót xa núi rừng điêu đứng ("Nhớ xuân"). Hẹn với anh cùng ăn trưa đầu năm. Bữa cơm ngày Tết hiếm có quanh năm, có thịt trâu và canh, xào “...Nhồi như nhồi vịt, nước mắt rơi. Giao thừa tối câm gió ỉ ôi. Ta vẳng nghe chú bỡn cợt. Tết ngày ăn, Xuân mùa vui chơi...”. Tôi quá bận ở nhà bếp, xong việc thì đã quá trưa. Xuống buồng giam của anh, một số anh em đã trùm chăn ngủ cho quên ngày tháng hay khóc thầm nhớ vợ con. Anh vừa ăn xong. Chúc anh sức khỏe. Anh thường nói. Vợ dại con thơ. Bằng cách nào, cố sống mà về. Dù ngày về mù tịt. Tôi nhìn trước sau, len lén đưa cho anh một chai nhỏ. Gì thế? Thuốc ho. Xuống giọng rầm rì. Chú liều thế. Tết tù mà như thế này là nhất! Ở tù khó nhất là đem rượu vào trại. Bị bắt thì cùm ngay. Có quan hệ bên ngoài thì tiêu thụ tại chỗ. Tôi có đứa em thân tín cùng đơn vị, Trần Quốc Ân, làm ở đội mía lo việc cất rượu. Quí ông anh, biết ông anh xưa vốn nòi Lệnh Hồ Xung, ngày Tết lén cắp rượu đem vô. Tôi chia cho Thanh Tâm Tuyền một nửa. Anh không uống được nhiều rượu. Một hai chung như thế cũng đủ cho thi sĩ của chúng ta có hứng khởi làm những câu thơ về xuân về Tết trong tù tuyệt vời. “...Trời có mấy độ xuân? Ðất bao nhiêu miền lạ? Chưa ngấy tiệc trần gian. Hồn run xanh búp lá.” Tôi bị hớp hồn về ý và từ thơ xao xuyến “Hồn run xanh búp lá”. Một câu thơ xuân khác kỳ lạ không kém. Ðơn giản mà âm vang đến sững sờ. “...Vang vang trời vào xuân. Ta bật kêu mừng rỡ...” Ở tù khổ sai mà làm thơ sảng khoái như thế, đúng là thứ thiệt.

Ghiền nặng thuốc lá. Vào trại anh là đệ tử của thần thuốc lào. “Bạn tù ơi lửa châm rồi. Rít cho ròng rã mê tơi cõi lòng. Tựa lưng nhả khói thong dong. Tít say lú lấp cả mong với chờ...” Anh làm cỏ sắn ở gần nhà bếp đội chăn nuôi. Giờ nghỉ mệt, theo bạn lén vào bếp hút vố thuốc lào. Nhà bếp, nơi nấu cám heo là nơi cấm. Sợ tù đói kinh niên vào đây ăn vụng cám lợn. Nghe kể lại, Thanh Tâm Tuyền đang phê thuốc, không kịp đi ra đã bị tay đội trưởng HÐÐ bợp tai. Tin này truyền nhanh vào trại. Tôi lấy cớ đi lấy củi đốt cho nhà bếp. Ðánh xe trâu ra tận nơi. Không gặp HÐÐ ở đó. May cho hắn mà cũng hên tôi.

Suốt những năm tháng tù đày, anh là một người tù bình thản đến lạ lùng. Không chống đối, than trách. Không tham gia hợp tác văn nghệ, văn gừng. Mùa xuân trước khi được tha, tay Bích tù hình sự làm trật tự, uy quyền trấn áp, buộc anh đưa thơ đăng bích báo Tết. Chẳng thể chối từ anh đưa bài “Ngày xuân trên cánh đồng mua”. Bài thơ có những câu tuyệt. Bích không đăng, cho là anh chửi xéo. Với những câu: “Trên cánh đồng nhàm mắt ngày tháng” hay ”Ngày tẻ lạnh đìu hiu nhớ nắng”.


Ngày ra...

Một tình cờ kỳ thú. Thanh Tâm Tuyền và tôi vào tù cùng ngày cùng chỗ. Gần chín năm sau, ra tù cùng chỗ cùng ngày. Trong chuyến quy cố hương, có thêm nhà thơ Mai Trung Tĩnh.

Khi được tin thi sĩ Mai Trung Tĩnh qua đời lạnh lẽo tai Virginia năm 2002, tôi xúc động viết trên Văn Học 193 bài tưởng nhớ “Giữa Hà Nội tìm mai”. Trong đó có nhắc nhiều kỷ niệm cùng Thanh Tâm Tuyền dạo phố Hà Nội. Nay xin trích có sửa đổi để cho ai chưa đọc bài trên biết thêm một kỷ niệm khó quên của tôi và anh.

“... Vào một ngày nắng lạnh trước Tết, cả trại bàn tán xôn xao tin sắp có đợt tha. Tôi dửng dưng. Loại binh chủng ngành nghề an ninh, biệt kích, tình báo như chúng tôi, cứ chuyển trại vào sâu vùng hiểm hóc thì vội vã chuẩn bị, chắc chắn thế nào cũng có tên. Lệnh tha trong lúc hạn tù chưa vượt quá mười năm thì đừng có mà mong. Nhưng ở đời, có những chuyện không tin mà có thật. Tôi có đứa cháu, con người bạn cùng đơn vị, thuộc loại tù nhí, rất trẻ. Mới hai mươi mấy tuổi, đẹp trai, nhanh nhẹn dễ thương mà lại hoa tay viết chữ rất đẹp. Tù vì theo Phong trào Phục quốc sau 1975. Vào trại được tay cán bộ giáo dục, một trong mấy chức phận quyền uy, tin cậy chọn làm thư ký kiêm tà lọt. Sai làm đủ mọi thứ việc. Ngược lại cũng nhận được nhiều đặc ân. Không ở buồng giam, không dầm mưa dãi nắng lao động khổ sai. Áo quần sạch mới không tả tơi rách vá chằng đụp. Tù mà được như vậy đã là tiên. Chiều hôm đó, cậu ta xuống bếp lãnh phần ăn tối, ra dấu gọi tôi ra góc nhà. Lấm lét nhìn trước sau, cười vui. “Chú có tên tha đợt này”. “Khó tin!”. “Thật. Chú đừng nói với ai. Chết cả chú lẫn cháu”. Tự nhiên tôi có linh cảm là sự thật. “Sao cháu biết? Có chắc không? Ðừng làm chú mừng hụt nghe!”. “Cháu đang chép danh sách. Có tên chú và tên cháu.” Thấy tôi ngẩn người. Như đã chuẩn bị, nó đọc rõ tên vợ tôi, địa chỉ nơi về. Nói xong nó mừng khóc. Tôi cười nghẹn. “Cám ơn cháu.” “Nhớ nghe chú. Ðừng nói cho ai. Tuần sau mới công bố”. Tin thì có tin nhưng tôi vẫn rất hồi hộp.

Mấy ngày sau thì một số lớn những người được tha, trong đó có tôi, được cán bộ quản giáo đội gọi lên cho biết bán chính thức và lại dặn dò đừng cho ai biết. Nhưng mọi người đã biết. Trại xôn xao hy vọng. Mai Trung Tĩnh đến gặp tôi lén gửi thư dặn đem về cho vợ. Hàng chục anh em khác cũng tin cậy gửi gắm. Họ biết chắc, bằng cách nào tôi cũng tìm cách giấu giếm những lá thư để đưa lọt về gia đình. Thời gian sau đó khi về Sài Gòn, hơn tháng trời tôi và đứa con gái 13 tuổi trên chiếc xe đạp cà rịch, ngày ngày tìm đến những địa chỉ khắp cùng ngõ ngách trao thư tận tay những người vợ, người mẹ, người cha, người tình. Sài Gòn, Thủ Đức, Biên Hòa. Nơi xa xôi thì gửi theo bưu điện. Qua việc làm này, tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện buồn vui tủi nhục của những bạn bè cùng cảnh đang còn kẹt trong tù, mà ngày về thì biết đến bao giờ. Tôi đã có ý định ghi lại những hoạt cảnh xã hội này, nhưng cuối cùng không thực hiện vì trân trọng những đau thương đổ vỡ riêng tư.

Một ngày trước khi tha, tôi và Thanh Tâm Tuyền cùng một người bạn trẻ rất khí khái, vốn là học trò, có bữa ăn đạm bạc chia tay. Thanh Tâm Tuyền lại giao thêm cho tôi một trách vụ hiểm nghèo khác là đem ra những bài thơ của anh sáng tác trong thời gian ở tù, viết trên những dung giấy nhỏ. Nhiều bài thơ này đến với những người hâm mộ trong thi tập Thơ ở đâu xa đã được Cơ sở Văn xuất bản tại Mỹ năm 1999. Ðem lén cả hàng chục lá thư gửi về gia đình lại thêm thơ lậu của Thanh Tâm Tuyền, qua mặt cán bộ ra khỏi trại là một “điệp vụ” căng thẳng. Có kẻ lén báo, cán bộ nhân lực, tức là an ninh trại, chặn xét tại cổng nhưng tôi đã chuyển giao cho anh bạn trẻ Phan Cảnh Phùng trước đó không lâu. Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.

Lúc ngồi với nhau, Thanh Tâm Tuyền cười nói. “Biết đâu ngày mai không phải là chú mà là tôi”. Không phải Nguyễn Ðức Tâm mà là Dư Văn Tâm, tên thật của nhà thơ tự do. Lời nói ỡm ờ này không ngờ lại đúng một phần. Nếu đúng thật thì quá tội cho tôi. Lúc đọc lệnh tha, cả hai Tâm đều trúng số và thêm Nguyễn Thiệu Hùng, Mai Trung Tĩnh.

Một buổi sáng cuối năm lạnh nhẹ và sương mù, bên bờ nhánh sông Thương hiền hòa, chúng tôi, có cả Mai Trung Tĩnh và Thanh Tâm Tuyền, ngồi tụm hút thuốc. Uống chia nhau gô trà mộc nóng đậm. Ôi tuyệt vời những giây phút đầu tiên, tạm gọi là tự do, sau bao nhiêu năm tù đày. Chúng tôi ngồi chờ ca nô xuôi sông Thương, vượt sông Hồng chở về trại chuyển tiếp Ấm Thượng, xóm nhỏ bên bờ sông Hồng. Ðể sáng hôm sau đáp tàu hỏa xuôi về Hà Nội. Ngày mai ra sao? Dẹp qua một bên. “Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết” ("Xuân tâm").

Mấy toa tàu cũ kỹ lắc lư chở hơn bốn mươi người được tha từ ga Ấm Thượng về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Tất cả được lùa nhốt trong nhà đợi. Ði tiêu tiểu phải xin phép. Chuyến tàu thống nhất tám giờ tối nay sẽ trả chúng tôi về miền Nam yêu dấu nay đã đổi chủ thay ngôi. “Hương âm vô cải mấn mao thôi”. Ngày về tóc đã bạc phai mái đầu. Tôi được giao nhiệm vụ sắp hàng anh em, điểm số.

“Thưa cán bộ thiếu mất một anh”. “Bỏ mẹ! Anh kiểm lại xem. Lúc lên tàu tôi đếm đủ. Không nhẽ rớt xuống đường. Ðếm lại!”. “Thưa cán bộ đúng là thiếu một”. “Có biết thiếu ai không?” “Thưa biết”. Ai?” “Nguyễn Thiệu Hùng”. Tôi vọt miệng nói tiếp “Tôi nghe nói anh ấy có bà cô ở đối diện ga. Chắc anh ấy tranh thủ ghé thăm. Cán bộ đừng lo. Ðúng giờ tàu vào Nam chắc chắn anh ấy sẽ có mặt thôi”. Tôi biết rõ vì trước khi lên tàu Mai Trung Tĩnh có nói với tôi. “Vô kỷ nuật. Ông nại cho vào tù ở thêm cho biết thế nào là nễ độ”. Tay cán bộ răn đe. “Anh đi ngay ra khỏi ga, túm đầu anh ấy về ngay cho tôi”. “Tôi không rành đường sá, nhỡ lạc không về kịp chuyến tàu thì bỏ bu”. “Ði. Tôi bảo đi là cứ đi. Ðừng nôi thôi”. “Hay là cán bộ cho anh Dư Văn Tâm cùng đi. Anh ấy là dân Hà Nội chính cống”. “Ðược. Nhớ tìm được thì về ngay nhé. Khẩn trương!”. “Vâng!”. Tôi chạy đến chỗ ông Thanh Tâm Tuyền. “Mình đi thăm Hà Nội ba sáu phố phường”. “Ði thế nào được. Chúng nó giam lỏng”. “Cứ theo tôi. Thế mới tài!”. Ông không tin. Tôi cười kể cho ông nghe. Ông vội vã khoác chiếc áo măng tô màu đen. Ðội nón công nhân kiểu Lenin. Nón này là bảo vật tôi để lại cho ông kỷ niệm chia tay. Không ngờ hai anh em cùng được tha. “Anh đem tôi đi tham quan Hà Nội”. “Ông Hùng thì sao?”. “Dẹp qua một bên. Lo bò trắng răng. Ðến giờ tàu chạy thì ông ấy mò về”.

Thanh Tâm Tuyền hóa xác. Thường ngày thong thả chậm chạp, giờ đi như chạy. Ðường phố dường như quá quen thân cho dẫu bao tang thương biến đổi. Ông bươn bả đi trước, tôi chạy theo. Không nói với nhau nhưng tôi biết ông đang xúc động khi trở về nơi chốn cũ. Tấp vào một quán phở bên kia đường để thưởng thức tô phở Bắc chính hiệu. Gọi mỗi đứa một cốc cà phê. Thế là nhất. Mấy năm đói khát thèm ăn, tô phở làm chúng tôi thất vọng đã đành mà ông chủ quán, thuộc loại bộ đội giải ngũ, trong bộ đồ lính cũ, lại càng làm cho tôi phát ngấy. “Phở ở đây mới là phở. Trong Nam các anh nàm sao sánh được”. Tô phở phất phơ hai lát thịt nhỏ, mỏng dính. Nước dùng bột ngọt đậm chát. “Phét. Chúng mày lấy đâu ra thịt. Bố khỉ!” Tôi chửi thầm. “Ông đói dài mấy năm còn chả thấy ngon huống hồ...!”. “Các bác được Đảng khoan hồng nhớ về lao động...” Tôi nói đểu: “Thôi nhờ ông anh tốp lại! Mấy năm nghe chán rồi. Biết rồi khổ lắm nói mãi! Vào đây đớp phở mì chính (bột ngọt) chứ không phải nghe ông lên lớp. Tính tiền!”. Ông Thanh Tâm Tuyên thấy tôi sửng cồ vội vàng đứng dậy ra khỏi quán. Bác Nguyễn Tuân ơi! Chúng bán phở Bắc như thế này là chúng nó làm nhục bác rồi!

Chúng tôi, những thằng tù khổ sai biệt xứ mới được thả, đi giữa đường phố Hà Nội trong túi cũng xu hào rủng rỉnh. Ðã gần mười năm toàn thắng, thế mà những bộ đồ lính, tấm vải dù làm võng của chúng tôi đem theo từ ngày Sài Gòn thất thủ vẫn còn là món đồ đắt giá hợp thời trang. Dân Hà Nội chen lấn qua song cửa nhà ga tranh nhau mua. So với tô phở giá năm đồng, chiếc áo lạnh áo jacket nhà binh tôi bán bảy trăm. Miếng vải dù tưởng vất đi cũng có người mua đến chín chục.

Ông Thanh Tâm Tuyền dẫn tôi đi như chạy trên Phố Thuốc Bắc rực mùi cao đơn hoàn tán, lần đến ngôi nhà cũ nát tường vôi loang lổ. Căn phố hẹp tối tăm, nhiều gia đình cùng ở, ngăn chia nhau bởi những tấm màng vải nhàu bẩn. Người cô già mù lòa vẫn nhận ra tiếng nói của đứa cháu sau bao năm trời chia cách. Ôm chầm. Cô khóc, cháu sụt sùi. Và tôi, người chứng kiến những giây phút cảm động nhất của một cuộc kỳ ngộ, bước ra hàng hiên lau vội nước mắt.

“Anh đưa tôi đi xem Hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Ðào”, từ giã người cô, ra khỏi nhà, tôi đề nghị. “Thong thả”. Anh chặn bà già bưng mẹt bán bánh dày kẹp chả chiên. Món ăn đã biến mất trong trí nhớ của tôi. “Cho chúng cháu hai cái”. Anh thích thú nói với tôi. “Ăn đi. Ðặc biệt Hà Nội”.

Ði qua những con đường loang lổ rêu phong, dễ chừng từ thời Pháp thuộc đến nay chẳng hề tu bổ. Nước cống rãnh tràn ướt lối đi rác bẩn. Những ngày giáp Tết, đường phố chen chúc bụi bặm người lam lũ, xám xịt. Nam nữ áo quần bộ đội, dép nhựa nón cối. Ôi! Ðâu Hà Nội dáng kiều thơm của Quang Dũng? Ôi! Ðâu áo dài tha thướt, đâu tóc dài thả gió lê thê của nhạc sĩ Hoàng Dương, Anh Bằng, Vũ Thành? Và rồi phố Hàng Ðào với những thiếu nữ khuê các của Nhất Linh, của Khái Hưng? Trước mắt tôi chỉ là một phố nhỏ lạc hậu so với Sài Gòn thân yêu của tôi mười năm trước đó. Hình ảnh sau cùng đổ vỡ thảm thương trong mơ tưởng của tôi. Hồ Gươm! Một vũng đọng. Tháp Rùa! Rêu bẩn, trơ trẽn phất phơ một ngọn cờ.

Cám ơn Mai Trung Tĩnh. Nhờ ông, tôi có dịp thăm Hà Nội và Thanh Tâm Tuyền trở lại cố đô” .


Sài Gòn, ngày về...

Dù trăm nghìn vất vả, lo sợ và bất an, chúng tôi vẫn có những ngày tháng nhàn rỗi. Thanh Tâm Tuyền thời gian này không giao thiệp tiếp xúc nhiều. Bạn bè hay lui tới với anh chỉ năm, ba. Anh thân với người anh thích. Một phần bản tính, một phần vì an toàn cho bản thân. Tên anh trong bìa đen "biệt kích văn nghệ" của chính quyền. Nhất là khoảng sau ngày đầu tháng 5, 1984 ngày nhà anh bị bất thần khám xét, phải trình diện Phòng Chính trị Công an Thành phố cùng lượt với sự bắt giam trở lại các văn hào kẻ sĩ Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy..., ca sĩ Duy Trác. Tôi mừng vì không tin rằng anh thoát khỏi trại giam thêm nhiều năm như các anh đó.

Nguyễn Ðình Toàn, Ðinh Cường, Phan Lạc Phúc, Cung Trầm Tưởng là những khuôn mặt thân quen tới lui. Anh qua tôi hay tôi qua anh. Uống trà, cà phê anh pha lấy hoặc ngồi ở mấy quán cóc mọc lên như nấm quanh Gia Định, Tân Định. Tôi và anh cũng thỉnh thoảng ghe thăm anh chị Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ.... nhất là từ khi anh Nguyễn Sĩ Tế bị đau mắt. Có khi cùng nhau lên quán sách của anh Phạm Kiều Tùng bên ngoài nhà thờ Huyện Sĩ, tìm sách cũ và cà phê tán dóc. Những khi rủng rỉnh thì ghé trước chợ Tân Ðịnh mua hai cái croissant nóng giòn thơm lựng mùi bơ Bretagne, ghé quán nhâm nhi cà phê đen đặc đến trưa. Nhưng giây phút đó quả là hạnh phúc. Ðủ lãng quên đời.

Anh Mai Thảo và các bạn bè thân quen đang ở nước ngoài liên lạc giúp đỡ. Tôi biết anh đã từ chối không nhận $ 50 đô của một thi sĩ gửi cho và nhờ anh Mai Thảo trả lui với lời cám ơn. Ðang lúc nghèo túng, anh cũng chỉ nhận sự giúp đỡ của bạn bè chí thân. Ngày được giấy tờ đi Mỹ, tôi đi với anh qua bệnh viện Nguyễn Văn Học, nhờ em của anh Dương Nghiễm Mậu, đang làm ở phòng quang tuyến, rọi phổi để có gì lo chữa chạy kịp khỏi trì hoãn ngày lên đường. Phổi anh tốt.


Ði Mỹ

Nhờ anh vợ, phi công, qua từ 1975 bảo lãnh, tuy đi theo diện H.O. nhưng ưu tiên đi trước vào năm 1990. Ðến Baton Rouge, New Orleans. Nơi cư trú của anh vợ. Họa sĩ Ngọc Dũng ân cần mời gia đình về với anh ở Washington D.C., anh từ chối và sau đó quyết định về cùng con. Cháu Quang Tuệ vượt biên qua trước đang ở Minnesota, nơi anh chị Cung Tiến, bạn thân của Thanh Tâm Tuyền, chưa có con, nhận Tuệ làm con nuôi. Việc làm nhân nghĩa của anh chị đã được đất trời đền đáp. Năm sau anh chị sinh con đầu lòng, cháu Ðăng Quang.

Cũng cần nói thêm, đi ở tù cũng có số là cái chắc (!) Ngày Sài Gòn sụp đổ, họa sĩ Ngọc Dũng rủ anh cùng đi Mỹ. Anh không đi được vì vợ đang có bầu. Ðứa con út của anh, cháu Trung Từ, ra chào đời đúng 9 giờ sáng ngày tan hàng 30 tháng 4. Con chưa kịp đầy tháng thì bố đi tù. Tôi đang viết bài này cũng đúng ngày 30 tháng 4, ba mươi hai năm sau.


Coi lại

Với tài năng, Thanh Tâm Tuyền đã có một vị trí trân trọng trong văn học Việt Nam. Ðặc biệt về trào lưu thơ được gọi là thơ tự do. Người yêu chuộng, nghiên cứu và phê bình về văn học đương đại của Việt Nam nhất là giai đoạn khởi sắc của miền Nam 54-75 không thể kể thiếu tên ông. Toàn bộ tác phẩm của tác giả cần được tập trung lưu giữ đã đành, mà cuộc đời của tác giả cũng trở thành đối tượng cần thiết để đối chiếu về mặt ảnh hưởng trên sự nghiệp sáng tác. Người cùng thời, kẻ quen người biết ông rồi cũng lần lượt theo ông. Cho nên, nhiều người đang cố nhớ ghi lại những điều được biết về ông. Ý kiến có khác biệt, nhưng sự kiện là điều có thể kiểm chứng. Chỉ với mục đích đó, trong khả năng hiểu biết của mình, sau khi đọc nhiều bài viết về Thanh Tâm Tuyền, những điểm sau đây nên coi lại.

1. Khi đưa tin về cái chết của Thanh Tâm Tuyền, nhiều báo có ghi rằng: sau khi tù cải tạo về, ông có thời gian đi làm ruộng ở Phước Tuy, Bà Rịa.

Thanh Tâm Tuyền chưa hề ra khỏi Sài Gòn cho đến ngày đi Mỹ.

2. Ông lấy vợ là người đẹp ở Bình Dương. Lấy ông vì yêu thơ ông.

Chị Thanh Tâm Tuyền, tục danh là Cao Thị Mai Hoa, người gốc Cần Thơ theo gia đình lên Sài Gòn. Chưa ở Bình Dương ngày nào. Học trường Tây Michelet. Ông Diệm dẹp trường Tây. Chị vào Trung Học Nguyễn Bá Tòng, học đệ tứ chương trình Việt. Gặp thầy dạy Việt văn Dư Văn Tâm. Bị thầy đì vì không rành văn chữ Việt. Ý thì có mà chính tả quá bết. Lúc đó cô nữ sinh Mai Hoa mới tròn trăng mười sáu. Thầy hơn trò đến mười tuổi. Với tuổi đó và trình độ Việt ngữ như thế, chắc không cách nào mê được thơ đếm số cửa sổ “Một cửa sổ, hai cửa sổ...” (Tôi không còn cô độc) của thầy Tâm. Sau đó thầy dần dần mê trò. Câu chuyện tình đẹp này, đầu đuôi có một người biết rất rõ: nhạc sĩ Cung Tiến. Ðộng viên nhập ngũ Thủ Ðức, 1963. Ra trường. Gia đình đi hỏi. Phong tục, lễ nghi Bắc Nam có khác. Ba chìm bảy nổi. Cuối cùng đẹp đôi. Ðám cưới ngày 4 tháng 7, 1964.

Liên, đêm, mặt trời tìm thấy, tác phẩm xuất bản đánh dấu ngày vui này. Có người quyết đoán Liên là tên một người yêu của nhà thơ. Theo Thanh Tâm Tuyền giải thích, Liên chỉ có nghĩa là liên khúc của thơ và thơ xuôi trong tác phẩm. Ngày cưới vợ mà lấy tên người yêu cũ đặt cho quà cưới của mình thì có nước... đi thăm Bùi Giáng. Theo chị Mai Hoa, anh là mẫu người chồng, người cha lý tưởng. Dạy con rất nghiêm. Không nịnh vợ. Ðúng sai rõ ràng. Ðiều này chắc chúng ta, những ông chồng, khẩu phục, tâm phục! Như bao nhiêu gia đình khác, anh cũng mất một đứa con trai trên đường vượt biên.

Thơ của Thanh Tâm Tuyền thường đề tặng bạn hữu. Ðặc biệt tặng cho vợ, chỉ có hai bài.

Thơ tình trong tù (1980): “Vẫn em của thuở trăng nào / Ðêm hôm nở đóa chiêm bao xanh ngần/ Vẫn em tình của trăm năm/ Ðoan trang khóe hạnh thâm trầm dáng thơ/ Vẫn em mối kết thiên thu/ Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này”.

Sáng sớm mồng một Tết 1984, ông bảo vợ pha trà thơm để ông đọc tặng bài thơ đầu năm. “Xuân tứ” (1984): “Cỏ hoa thầm thì hát/ Ngoài vườn trăng đêm nay/ Xuân ngàn mùa vẫn một/ Hương sắc không hề phai/ Sự trôi chảy mãi thật/ Tình đơn sơ còn đây/ Ôi nỗi niềm bát ngát/ Thủy chung nào vơi đầy.”

Theo ông làm thơ dễ hơn viết văn. Ông thích làm thơ hơn là viết văn.

3. Một đôi điều thắc mắc nhân đọc một bài viết về Thanh Tâm Tuyền của Văn Quang, nhà văn quân đội quen thuộc trước 1975, nay còn trong nước. Ðọc được trên website Gio-o.

Trích: “... Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là lần cuối cùng gặp anh cũng là ngày anh được tha ra khỏi trại cải tạo Vĩnh Phú, vào khoảng năm 1982. Anh ghé vào khu nhà giam tôi đang sống, anh hỏi. ‘Có trà ngon không, mang đãi khách. Bây giờ anh là tù, tôi là người ngoài tù’. Tôi gật gù...”

Tôi không còn nhớ chắc Văn Quang có chung trại khi chúng tôi được tha hay không. Nếu có chăng (?) thì việc Thanh Tâm Tuyền đến thăm Văn Quang và nói những lời như trên đây khó có thể xảy ra được.

Thứ nhất, như đã nói ở trên, Thanh Tâm Tuyền trước ngày đọc lệnh tha hoàn toàn không biết có tên mình nên mới nhờ tôi lén mang những bài thơ về. Bữa cơm tưởng là chia tay nhau hôm đó, gồm có Thanh Tâm Tuyền, tôi và người học trò cũ anh rất thương mến, Nguyễn Văn Thích. Khi qua Mỹ, anh làm một bài thơ rất dài tặng tôi, trích đăng trên báo Văn 26. “Ăn tết với Nguyễn Văn Thích”: “...Nhớ chứ, nhớ chứ Nguyễn Văn Thích/ Ðừng để riêng ta cái nhớ dai/ Cái nhớ thầm thì những khuya khoắt...”

Thứ hai, sau khi đọc lệnh, ai được tha tức khắc được ở khu riêng, không được tiếp xúc. Như chỗ tôi và gia đình biết, trước như thế nào tôi không rõ, nhưng sau này Thanh Tâm Tuyền không quá thân với Văn Quang, bản tính lại cẩn trọng không hồ đồ, không dại gì xé rào, hy sinh tấm giấy ra trại của mình để sang thăm Văn Quang. Ðã không quá thân tình, lại sợ làm nản lòng người ở lại, như Văn Quang viết, thì việc đòi hút thuốc, uống trà và ăn nói như trên, khó có thể xảy ra với Thanh Tâm Tuyền.

Trích tiếp: “Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13-3-1936, có bạn ghi ngày 15-3-1935, tôi lại nhận được một nguồn tin khác, anh sinh năm 1934, do chính Thanh Tâm Tuyền tiết lộ với một số bạn bè khi ngồi ở nhà hàng La Pagode.”

Giấy khai sinh cũ, rách, gia đình còn giữ được cho đến bây giờ. Cô mụ Nhự, làm chứng khai sinh ghi rõ không gì bàn cãi. Dư Văn Tâm sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936.


Tóm

Tuy đã cố nhớ để viết những điều về Thanh Tâm Tuyền, nhưng chắc chắn cũng lắm điều chưa rõ. Lắng nghe và đón nhận những bổ túc, sửa đổi cần thiết. Thúc đẩy của văn hữu. Khuyến khích của anh Lê Tất Ðiều. Tin cậy của gia đình Thanh Tâm Tuyền. Tôi đã qua được sự ngại ngùng. Và sau cùng, như nén tâm hương gửi anh về những ân tình và kỷ niệm, nhân Chung thất 49 ngày anh mất.

Chicago, ngày Chung thất 9 tháng 5, 2006

© 2006 talawas


Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

‘A Lament in Three Voices’