Cây súng bá đẩy ở cuối trời

 

Cái tít thì từ Đường Thi.
 
Gấu đã từng đòi phen chôm chĩa.
 
Thí dụ:
 
Làm thơ trên đường vô Thành Nội
 
Đất ấm, thiếu sắc Thu
Dòng Hương trong trẻo, ôm trọn ráng chiều
Trống rỗng, nhưng với tiếng ve nhọn hoắt
Là nỗi hoài hương của người lữ thứ
Làng nhỏ, chó canh giữ
Một tu sĩ nhắm hướng nhà,
Ta cố hình dung 1 Xóm Đoài ngày nào
Nhưng tất cả những gì ta nhìn thấy
Là lũ gà gô chập choạng bay.
 
 
Đọc "cái này" thì suy ra, tại làm sao Ngụy thua... Cách Mạng:
Chúng giết lẫn nhau.
Huế Mậu Thân cũng rứa. Kabul mới nhất cũng mắm xốt!
Mấy chuyện này, Gấu làm UPI nghe thiếu giống. Sở dĩ Kỳ thoát chết bữa đó, nhờ mê chọi gà, đến trễ!
Tuyệt nhất là giọng văn! Tỉnh như không!
Cái tít thì từ Đường Thi.
Gấu đã từng đòi phen chôm chĩa, thi dụ:
Làm thơ trên đường vô Thành Nội!
NQT
Lưu ở đây, cho chắc ăn. Lâu lâu nhớ, giở ra coi.
Sống tới tám bó rưỡi, có rất nhiều cơ hội để chuồn, Gấu nhiều lần tự hỏi, tại sao, có phải tại mi ngu quá, liều mạng quá, "vong mạng" quá, như 1 vị bằng hữu nhận xét... Không phải, Lão Tặc Thiên cần 1 tên cù lần như thế, có lẽ. Bởi là vì quãng đời cuối cùng của Gấu quả đúng là kết quả của những tai họa trên giáng xuống, hà, hà! Cái memoir Gấu đang hăm he viết là về vụ này.


 
Lưu ở đây, cho chắc ăn. Lâu lâu nhớ, giở ra coi.
Sống tới tám bó rưỡi, có rất nhiều cơ hội để chuồn, Gấu nhiều lần tự hỏi, tại sao, có phải tại mi ngu quá, liều mạng quá, "vong mạng" quá, như 1 vị bằng hữu nhận xét... Không phải, Lão Tặc Thiên cần 1 tên cù lần như thế, có lẽ. Bởi là vì quãng đời cuối cùng của Gấu quả đúng là kết quả của những tai họa trên giáng xuống, hà, hà! Cái memoir Gấu đang hăm he viết là về vụ này. 
 
[còn tiếp]



 

Chính trị

Cây súng bá đẩy ở cuối trời 16 August, 2021

Đỗ Kh.

Cảnh sát Dã chiến trong trận Mậu Thân. (Ảnh từ internet)

Ngày hôm nay, thật sự tôi không nhớ ra được gương mặt của ông lúc đó, là 52 năm về trước.

Thì ông là một trung niên tầm thước, chẳng gầy chẳng mập và chẳng có gì đặc biệt. Hình ảnh mà tôi nhớ là mẹ tôi đứng tựa cổng căn nhà vườn ở gần cầu Bình Lợi, nét mặt lo âu. Bà tiễn ông ra, một tay đứng vin tường và ông từ tốn bảo:

– Chẳng sao đâu chị, giờ mình làm chủ lại tình hình!

Đại khái là như vậy, ông còn nói thêm mấy địa danh khu vực gì đó mà tôi không nắm mà mẹ tôi hẳn cũng không biết là ở đâu. Xong, ông leo lên xe đi. Chiếc xe chạy trên con đường nhỏ rải đá xanh hai bên trồng dừa ra tới đầu ngõ. Nó chỉ đơn độc một chiếc jeep nhà binh, loại jeep lùn.

Đây là lần đầu tôi gặp ông này, và tại sao ông ghé nhà tôi thì tôi cũng không biết. Gia đình tôi ít quen người trong quân đội, và bạn của bố tôi mang quân phục tôi chỉ biết có đại tá Cao Tiêu và đại tá Vũ Quang Tài. Hai bác này đến nhà tôi mặc thường phục, bác Tài có khi tôi gặp ở Cercle vì bác về hưu rồi và chịu khó đến đó mỗi ngày đi bơi. Ông đại tá này là bên cảnh sát và trên đường công vụ ghé qua nhà tôi uống miếng nước đá. Tôi nghĩ là trước đây ông bên ngành tư pháp nên mới quen biết bố tôi, giám đốc nha sở gì đó, hay chánh án, thẩm phán và khi sang cảnh sát, cảnh lực cho ông hàmquân đội 3 mai bạc. Ông là dạng người quen và không phải là bạn.

Tôi là người báo cho bố mẹ tôi hay tin ông đột tử.

Tôi nghe đài là xe của ông, hẳn là chiếc xe đó, ăn hai trái B40 vào 2 hay 3 ngày hôm sau. Hay là vào đúng ngày hôm sau đó thì tôi cũng không còn nhớ rõ, trên Minh Phụng khi ra đến đường Bình Thới thì lọt ngay ở của một tốp đặc công chốt trong một căn nhà. Trong ký ức của tôi, ký ức thì hay vẽ vời, là ông nói với mẹ tôi để trấn an, chẳng việc gì đâu chị, rồi leo lên xe đi, ngay chiều hôm đó đến Bình Thới thì gặp luôn hai trái tên lửa.

Từ nhà tôi ở lúc đó, phía cầu Bình Lợi, đến Bình Thới cũng đầu kia thành phố, 5 hay 7 km. Nếu đúng là vào ngày hôm đó, thì đại tá Quý sống thêm được 7 km nữa.

Đó là vào tháng 5.1968, Tổng công kích đợt hai và sau khi tướng Loan bị thương, chưa có ai được chỉ định để thay thế. Đại tá Đàm Văn Qu‎ý là phụ tá đặc biệt của tướng Loan, số 2 số 3 gì đó của Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, và có lẽ lúc tôi gặp là quyền tư lịnh Cảnh sát được mấy hôm hay 48 tiếng trước khi đến lượt ông tử trận.

Trên chiếc jeep đậu trong sân nhà, tôi lân la nói chuyện với mấy người lính tháp tùng ông. Họ có tới 3 cây CAR 15, Mỹ gọi là Colt Commando và người Việt hay gọi là XM16, tên chính thức của nó là XM 177 E2. Đây là lần đầu tôi thấy loại súng này và nhìn thấy là nóng râm ran cả lồng ngực như là thấy nữ thần nhục thể mặc đồ lót đứt giây thun.

Một binh sĩ Hoa Kỳ thuộc sư 1 “Anh cả Đỏ” mang một cây CAR 15 còn gắn thêm ống phóng lựu XM148! Bạn này hơi bị chảnh. (Ảnh từ internet).

Dạo đó AR15-M16 mới được phân phát cho các đơn vị tổng trừ bị VNCH, và CAR15-XM16 thì lại càng hiếm. Nó là cây M16 thu gọn, nòng ngắn 10.5 hay 11.5 thay vì là 20 phân anh và có cái bá đẩy ra đảy vào. Mẫu Colt Commando nòng 10.5 phân anh của lúc đầu hay bị kẹt đạn, hơi ép để đẩy ngược cu lát trở không phát triển đủ trong chiều dài chỉ có 10.5 của nòng nên nòng được tăng thêm lên 1 phân anh. Chẳng hiểu phiên bản mà tôi thấy ngày hôm đó là nòng loại nào và có thể là phiên bản đầu tiên. Súng này có lẽ chẳng hay ho gì hơn cây Carbine M2 bá xếp hay cây M3A1 tiểu liên, và kẹt đạn thì kẹt đạn nhưng nó le lói vì khác người. Lúc đó nó lâm ly bi đát vì là hàng độc toát mồ hôi, giống như là gặp túi đầm Birkin hiệu Hermes da đà điểu, nói đây ví von là để cho phụ nữ hiểu. Lúc đó ở Việt Nam độc hơn súng này có lẽ chỉ có tiểu liên Uzi Do thái; mấy người lính đưa cho tôi xem mà mê mẩn. Mấy anh này, tôi nhớ lại bận đồ xanh quân đội, không bận đồ xám của cảnh sát mà cũng không mặc đồ bông của Cảnh sát Dã chiến (còn bị gọi là Cảnh sát Giả chết).

Sau này, tìm hiểu tiểu sử đại tá Quý thì tôi mới biết ông xuất thân thuộc thành phần quân đội chứ không phải từng học chung trường Luật Hà Nội với ba tôi. Trước ông từng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 Nhảy dù, có lúc làm tỉnh trưởng Phan Thiết, rồi trung đoàn trưởng Trung đoàn biệt lập 43 (sau thuộc Sư 18 bộ binh), nhưng hoàn toàn không xuất thân từ ngành cảnh sát hay tư pháp. Chắc tướng Loan kéo ông về Cảnh lực làm vây làm cánh, còn tại sao đi đâu đó giữa mùa Mậu Thân đì đoàng ông lại ghé nhà tôi nửa tiếng thì tôi không hiểu.

Đó là lần đầu và cũng lần duy nhất ông đến nhà tôi. Khi chiếc xe jeep của đại tá Quý quẹo vào con đường Bình Thới định mệnh và lãnh đạn xối xả thì không hiểu các anh lính trên xe chống trả có cây Colt Commando nào bị kẹt đạn không và người xạ thủ đang giật ngược cu lát ra và chửi thề “Đụ mẹ có nhìn thẳng vào trái tên lửa đang chập chờn bay đến không?“ Cùng với đại tá Quý ngày hôm đó trong ba anh đi theo thày có mấy anh thiệt mạng? Cái anh cười duyên với chị giúp việc nhà tôi khi chị mang nước đến xe mời có còn giữ được hàm răng khểnh? Tôi không biết. Và khi nghe tôi báo là ông tử trận, bố mẹ tôi cũng chỉ ngạc nhiên chứ không tiếc thương gì mấy. Có lẽ ông chỉ là một quan hệ quen biết hay làm ăn gì đó thôi nhất thời. Tôi thì thấy lạ là đại tá Qu‎ý, tử trận hay chí ít là tử thương trong khi thi hành công vụ, lại không được truy thăng chuẩn tướng theo thông lệ, với Đệ tam đẳng Bảo quốc Huân chương v.v. mà lại đám ma không kèn trống. Đây là tôi đặt câu hỏi vậy thôi vì ai chẳng biết là chuẩn úy ăn B40 thì truy thăng thiếu úy, nói gì đại tá đã chết rồi người ta lại tiếc một cái sao trên quan tài.

Tướng Loan bị thương và mất chức, đại tá Qu‎ý chết thì đại tá Trần Văn Hai lúc đó chỉ huy Biệt động quân lên nắm Cảnh sát. Ông Hai vào chức vị đó sau vụ trực thăng Mỹ bắn nhầm bộ chỉ huy VNCH trong Chợ Lớn. Đại tá Văn Văn Của, đô trưởng Sài Gòn và anh em cột chèo của tướng Loan, là người thóat chết trong chuyện này vì lúc đó ra ngoài cổng đứng tiểu. Theo đại tá Của thì ông Hai là người hướng dẫn trực thăng Mỹ bắn tên lửa vào nhóm chỉ huy trên. Nhưng tôi biết gì về mâu thuẫn Thiệu Kỳ đâu, sao thì sau Mậu Thân, phe tướng Kỳ ai mà còn sống thì mất chức, người chết thì chỉ có một người được tặng một bài hát là đại tá Lưu Kim Cương để nằm xuống còn thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang* chứ đại tá Đàm Văn Quý tuyệt nhiên là không.

Đại tá Trần Văn Hai, chỉ huy trưởng Biệt động quân năm 1968

Vào năm đó, vào tuổi đó, tôi thì tôi tiếc là đằng nào cũng chết, sao ông không để lại nhà tôi một cây CAR 15.

*

(*)Lời bài hát “Cho một người nằm xuống” của Trịnh Công Sơn

 

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư