G. Steiner: Ngôn ngữ & Câm lặng

 

 



 Phỏng vấn George Steiner

Ronald A. Sharp

 

Lời người dịch:
Lần đầu tiên, tôi ((NQT) làm quen với G. Steiner, nhân chuyến ghé thư viện Toronto, Canada, tình cờ cầm cuốn Ngôn Ngữ và Câm Lặng, lật đúng bài Nhà Văn và chủ nghĩa Cộng Sản, trong có nhắc tới cuốn Bác Sĩ  [Dr]  Zhivago của Pasternak, vốn là một trong những cuốn vỡ lòng của tôi. Thế là photocopy ngay tại chỗ, về nhà dịch liền, gửi đăng trên tạp chí Hợp Lưu ở Mỹ.
Thuở mới lớn, tôi "mê" Roland Barthes, cách ông đặt vấn đề ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ phê bình... G. Steiner mở cho tôi chiều sâu tối đen của ngôn ngữ, sự câm lặng:
"Thi sĩ phải thôi đi sao? Trong một thời đại mà con người bị khiến phải thổi kèn đồng [hãy nhớ những dòng thơ xưng tụng Stalin của Tố Hữu, chẳng hạn], hoặc tru tréo nỗi khổ đau của mình như sâu bọ, như lũ chuột, tiếng nói văn chương, thứ tiếng mang tính người nhất trong tất cả mọi thứ: liệu có còn được không?"
(Should the poet cease? In a time when men are made to pipe or squeak their sufferings like beetles and mice, is literate speech, of all things the most human, still possible?)

 
Ronald A. Sharp, người phỏng vấn Geprge Steiner, là giáo sư môn Anh văn (the John Crowe Ransom Professor of English) tại trường Kenyon College. Ông là đồng-biên tập The Norton Book of Friendship, cùng với Eudora Welty, và là người biên tập cuốn Đọc (Reading) George Steiner.
 

Lời người phỏng vấn: Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào mùa thu năm 1994, vài ngày trước khi G. Steiner đảm nhiệm kiêm khai sáng bộ môn văn chương so sánh (the first occupant of the Lord Weidenfeld Professorship of Comparative Literature), tại đại học Oxford. Từ 700 năm nay, đây là lần đầu tiên có một chức vị như thế, tại Oxford hay Cambridge, bởi vì nước Anh trước đó chưa chấp nhận giá trị môn học này, và Steiner thường được đón nhận ở Anh như một thế giá phức tạp, gây tranh cãi; sự bổ nhiệm ông đã được đón nhận bằng một sự quan tâm nhiệt liệt của giới báo chí, và họ coi đây như là sự trở về của đứa con hoang đàng.

Sinh tại Paris, vào năm 1929. Cha mẹ người thành Vienne, gốc Do Thái. Steiner qua Mỹ vào năm 1940. Tốt nghiệp Cử Nhân (B.A.) đại học Chicago, Cao Học (M.A.), Harvard, và Tiến Sĩ (D. Phil.), Oxford; tại đây, như ông sẽ hóm hỉnh nhắc lại cùng với cử tọa, trong bài thuyết trình mở ra khóa học: khi soạn luận án tiến sĩ, bản văn đầu tiên của ông đã bị [mấy ông thầy] loại bỏ, vì quá gần gụi với một môn học mà Oxford không giảng dậy những ngày đó: văn chương so sánh.

Ông dậy tại nhiều đại học Mỹ, như Stanford, Đại Học New York (NYU), và Princeton, nhưng Anh Quốc và Thụy Sĩ mới là những khung cảnh chính trong sự nghiệp giảng dậy ở đại học của ông (the main settings of his academic career) (1). Tại đại học Geneva, ông giữ chức giáo sư môn văn chương so sánh cho tới khi ông nghỉ hưu. Tại đại học Cambridge, ông giữ chức vị được phong suốt đời là Nghiên Cứu Sinh (Người Bạn Khác Thường, Extraordinary Fellow) của Học viện Churchill. Ông hiện đảm nhận những khóa giảng ngắn ngày tại nhiều đại học Ý, và ở Geneva.

Danh sách tác phẩm của ông thật dài. Trong đó bao gồm phê bình văn chương, triết học, và văn hóa: Tolstoy hay là Dostoevsky (1959), Cái Chết của Bi Kịch (1961), Ngôn Ngữ và Câm Lặng (1967), Ngoại Địa (Extraterritorial 1971), Trong Lâu Đài Yêu Tinh Râu Xanh (In Bluebeard's Castle, 1971), Lực Trường (Fields of Force): (kỳ thủ) Fischer và Spassky tại Reykjavik (1973), Sau Babel (After Babel, 1975, ấn bản sửa chữa, 1992). Về Sự Khó Khăn và Những Tiểu Luận Khác (On Difficulty and Other Essays, 1978), Martin Heidegger (1978), Antigones (1984), George Steiner: Độc Bản (A Reader 1984), và Những Hiện Diện Thực (Real Presences (1989). Thêm vào đó, là ba tác phẩm thuộc loại giả tưởng: Năm của Chúa (Anno Domini): Ba Truyện Ngắn (1964), tiểu thuyết The Portage to San Cristobal of A.H. (1981), Chứng Cứ và Ba Dụ Ngôn (Proofs and Three Parables, 1993). Ông phụ trách biên tập (cùng với Robert Fagles) Homer: Tuyển Tập những Tiểu Luận Phê Bình (1962), và Cuốn Sách Thơ Dịch Hiện Đại của nhà xb Penguin (1966). Những tác phẩm mới nhất của ông gồm một tuyển tập giả tưởng: The Deeps of the Sea (Biển Sâu, nhà xb Faber&Faber, 1995), Mê Đắm Chẳng Hoài (No Passion Spent, tuyển tập tiểu luận, nhà xb Yale University, 1996), và Đính Chính (Errata), một dạng hồi ký.

Chính vì kinh lịch đa dạng, sở học bao la, cho nên thật khó mà khép ông vào bất cứ một phạm trù hiện thời nào, như văn học, trí thức, hay văn hóa. Dịch thuật được ông quan tâm suốt sự nghiệp, nó đưa ra một ẩn dụ đẹp nhất, về việc làm của ông: dịch thuật theo nghĩa vượt biên giới, biên cương; và băng từ môn này qua môn khác.

Điểm đặc thù trội bật, ở cả Steiner lẫn tác phẩm của ông: trí tuệ, luôn trong dạng học vấn bao la, trong khiếu kể chuyện tuyệt vời. Ngay cả khi suy lý nhất, lý thuyết nhất, họa hoằn Steiner mới dằn được, việc nêu ra một giai thoại minh họa. Và cái lạc thú khi ông kể những câu chuyện này, còn toát ra từ thân thể ông.

Mặc dù về tâm tính có khoan dung phi thường, nhưng tinh quái có tính truyền kỳ vẫn lồ lộ ở nơi ông. Ông có thể tranh luận "tới chỉ", ông "mê" một phát biểu hay ho (good argument), nhất là khi gặp một đối thủ xứng tay; khi những thách đố, đặt cuộc trí tuệ, là ở trên đỉnh.

Những lần nói chuyện diễn ra ở hai nơi, ở văn phòng rất thoáng của Steiner tại Học viện Churchill, và tại phòng khách ở nhà riêng, trong vùng Cambridge. Trên giá sách, người ta thấy hàng chục bộ cờ, phản ảnh một trong những say mê sâu thẳm của ông, nằm kề [sưu tập] những bản in lần đầu, của Heidegger và Kant, của Coleridge và Byron. Thoải mái trong áo len dệt, quần thụng, Steiner chồm tới vuốt ve Jemi, loại chó chăn cừu cổ xưa của Anh, mớm cho cô nàng những miếng bánh ngọt có sô cô la sau bữa ăn chiều. Suốt ngày chuông điện thoại reo, từ những người chúc mừng nhân dịp ông được bổ nhiệm vào ghế văn chương so sánh tại Oxford. Steiner thoải mái chuyển từ tiếng Anh qua tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý. Chỉ vài ngày nữa, hơn một ngàn người sẽ chen vào giảng đường Phục Hưng tại Oxford, nghe ông mở ra khóa học.
 

Người phỏng vấn: Ông có lần nhắc tới "kiên nhẫn nắm bắt" (patience of apprehension), và "hỏi tra phơi mở" (open-endedness of asking), theo đó giả tưởng có thể nhập cuộc; nhưng ông lại mô tả những giả tưởng của ông như là "những ám dụ tranh luận, những dàn dựng tư tưởng". Liệu ông vẫn coi chúng là "những dàn dựng tư tưởng"? 

George Steiner: Đúng là như vậy. Văn giả tưởng của tôi, nằm trong tổng mục chung chung, của những giáo sư, những nhà phê bình, học giả; những người thích thử thách chính bàn tay của họ, một hoặc hai lần trong đời, thể loại giả tưởng. Những truyện đầu cho thấy một gợi ý về câu hỏi trung tâm của tôi. Tôi cho rằng The Portage to San Cristobal of A.H (2) còn hơn thế nữa. Cuốn sách này có thể có một cuộc đời nào đó. Proofs là một dụ ngôn khác, một dụ ngôn trí thức; những diễn văn trong A.H., những phần đoạn trong cuốn tiểu thuyết, có lẽ thực sự làm người đọc xúc động, chúng cũng là những tiểu luận. Tôi biết điều đó. Chúng là những phát biểu, tuyên bố đề thuyết, niềm tin, xác tín, tra hỏi. Sự bí mật, theo đó, bằng cách nào, một nghệ sĩ sáng tạo - chúng ta chưa có câu trả lời - tạo ra được một tiếng nói, một nhân vật ba-chiều, mười-chiều, có được một cuộc sống độc lập, sự bí mật này thật ít dính dáng tới những quyền năng thuần lý trí, hay mang tính hệ thống, phân tích. Có những tiểu thuyết gia hết sức thông minh, Trời biết, và có thể Proust là một cái đầu mạnh mẽ nhất của thế kỷ, theo một số cung cách nào đó, nhưng rất nhiều người không theo cung cách như vậy. Họ chẳng thể nào cho biết chuyện hội ngộ - giữa họ và ngôn ngữ - tạo nên sự sống động, cái điều (đang) diễn ra trước mắt bạn, khiến bạn quên cả tên tác giả. Đó là thiên tài, đó là sáng tạo, và chắc chắn là tôi không có nó. Hai trang của Chekhov đem đến cho bạn cả một thế giới, và không thế nào bạn quên nổi những tiếng nói. Chúng đây này, chúng có đó. Đó là một điều khác hẳn, mà một người nào đó như tôi, có thể làm được. 

-Như vậy, vai trò tư tưởng trong giả tưởng chỉ là phụ thuộc? 

-Đúng là một câu hỏi hắc búa. Có những cuốn tiểu thuyết mà người ta gọi là lớn, chúng sống do nội dung mang tính ý thức hệ, mang tính trí thức. Khá nhiều tiểu thuyết của Thomas Mann là theo kiểu này. Cuốn Người Không Phẩm Chất (Man Without Qualities) của Musil, được hằng hà những triết gia cũng như là những nhà phê bình văn học bàn về nó. Nhưng cái này hiếm. Đừng đòi một chuyện như thế, ở nhà tạo giả tưởng dị thường nhất của thời đại chúng ta - đừng cười tôi chứ, bạn! - người đó là Georges Simenon (3). Tôi có thể lấy trên giá sách của tôi, chừng 10 hay 12 cuốn về Maigret, và nếu phải so với 5 hay 10 trang của Balzac, hay 20 trang của Dickens (ông này nhẩn nha thuộc bậc thầy, Balzac cũng vậy): Simenon chỉ cần hai hoặc ba đoạn. Có một cuốn Maigret mở ra với một tiếng ồn lớn. Ba giờ sáng tại khu Pigalle, khu phố cổ đèn đỏ Paris, tay chủ quán rượu kéo tấm sắt đóng cửa tiệm. Rầm một tiếng. Dội ra từ đó, là tiếng xe giao sữa, tiếng chân kẻ ăn sương trở về nhà kiếm giấc ngủ, tiếng người đi vô Khu Cầu Muối (Les Halles) kiếm đồ ăn sẵn, cho một ngày đang ló dạng. Simenon không chỉ đem đến cho bạn một thành phố, không chỉ một điều không một sử gia nào có thể vượt được, về nước Pháp, nhưng còn điều này: rằng hai hoặc ba con người liên quan tới câu chuyện, đã sẵn sàng trước mắt bạn. Bằng một cách nào đó, Simenon cho bạn nhận ra rằng những bước chân của người đàn ông vừa đóng sập tấm cửa, rồi những tiếng chân rời xa quán, cách chúng lết đi gợi sự tò mòø. Và thế là bạn nhập vô mấu chốt quan trọng thứ nhất của câu chuyện. Đó là cái gọi là mysterium tremendum (điều rất thiêng) (4), về sáng tạo ra một nhân vật tự chủ. Nhưng vâng, đó có thể là ý thức hệ. Tôi may được quen Arthur Koestler, biết được cái điều: ai mà chẳng dám đánh đổi tất cả, nếu viết được một tác phẩm như là Bóng Đêm Giữa Ban Ngày: một trong những hành động tối thượng của tư tưởng. Đối với tôi, đây là một trường hợp biên cương [giữa văn học và ý hệ]. Nó sẽ vẫn còn được đọc, không chỉ vì Gletkin và Rubashov là những nhân vật giả tưởng, mà còn vì những tranh luận về chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Marx, về sự tra tấn, và khủng bố: đâu là bản chất của sự dấn thân tới chết, với ý hệ? Đâu là bản chất của dối trá, nhằm bảo vệ chính nghĩa? Đúng là một cuốn sách giầu có. Koestler đưa vô, khá đủ độ đậm của cuộc sống, khiến nó không nghèo nàn như là một kịch bản về ý hệ. 

-Ông vẫn còn thích viết giả tưởng? 

-Vâng, nhưng tôi chưa vươn tới tầm, xứng với những đề tài làm tôi đứt ruột đứt gan. Tôi cứ trở đi trở lại hoài với khởi đầu một câu chuyện, hay là một cuốn tiểu thuyết nho nhỏ, về một đề tài như sau: chúng ta hoặc đang ở một hòn đảo Hy Lạp thời kỳ mấy ông tướng, hay ở Thổ Nhĩ Kỳ, hay Nam Mỹ: bất cứ một nơi nào trên trái đất, nhưng phải là một chế độ cảnh sát trị. Một người đàn ông trở về nhà với vợ con, và vào cái lúc họ đi vô giường ngủ, hay ở bàn ăn, bà vợ ngửi thấy mùi tra tấn ở ông chồng (anh ta đã tra tấn người suốt buổi). Anh ta chẳng bao giờ nói về chuyện đó, vậy mà các bà biết: họ biết họ đang chia giuờng sẻ gối với những người đàn ông đã làm gì với thân thể của những người đàn ông đàn bà khác. Cội nguồn xa xưa nhất của nó, là từ Lysistrata, của Aristophanes, về những người đàn bà không chịu ngủ với chồng, cho tới khi họ ngưng chém giết. Ở đây, không chỉ là chuyện họ không chịu ngủ với chồng, nhưng một căn bệnh khủng khiếp bắt đầu xâm nhập vô ngay chính hành động ái ân, và sau cùng những người đàn bà bắt đầu làm thịt mấy ông chồng. Lại còn chuyện những đứa trẻ nữa: làm sao chúng sống, với sự hiểu biết về điều người cha làm?

 Nhưng chuyện này phải do tay một bậc thầy, mà tôi thì không. Tôi cứ quanh quẩn hoài với nó, mà cứ thấy nó cay nghiệt, riết róng, cứng ngắc, và trừu tượng thế nào ấy. Một bậc thầy sẽ biết phải nói gì về bữa ăn tối, về tiếng động nhỏ nơi giường ngủ, và ông ta sẽ để chúng cứ thế diễn ra. Ông ta sẽ tóm được bạn.

 Một câu chuyện khác tôi đang đánh vật với nó, thuộc loại nhẹ nhàng hơn. Tôi theo dõi những thảm kịch hôn nhân hiện nay, đặc biệt là bây giờ, chúng ta sống thọ hơn trước. Tôi làm ghi chú thật tỉ mỉ một câu chuyện theo đó, một hôn nhân biến thành một tình bạn sâu xa, nhưng lẽ dĩ nhiên, dục vọng bỏ đi, và theo một nghĩa nào đó, tình yêu cũng bỏ đi mất tiêu, bởi vì tình bạn không phải là tình yêu. Đề tài xoay quanh một câu của Rilke, trong thư gửi bà vợ mà nhà thơ từ giã, ngay thuở thoạt đầu, và chẳng bao giờ thực sự gặp lại: "Hãy nhớ rằng, trong một cuộc hôn nhân tốt, người này trở thành thiên thần hộ mạng, cho nỗi cô đơn của người kia". Đúng là một câu nói kỳ tuyệt! Tôi ao ước vô cùng mở ra nghịch lý này: rằng dục vọng và sự sống động của hôn nhân có nhiều cơ may sống còn, một khi có thù nghịch sâu xa ở trong đó.

 Đó là hai đề tài tôi đang loay hoay với chúng, nhưng cần một tiểu thuyết gia thứ thiệt, mà tôi thì không.

 -Thế còn thơ? Ông vốn có làm thơ.

 -Vâng, tôi có in ở Oxford, trong tạp chí Thi Ca, vào những ngày hiển hách của nó, ngay cả ở tờ Điểm Sách The Paris Review. Học vấn Pháp ở trung học (lycée) của tôi, may còn giống thế kỷ 19, bằng cái việc học thuộc lòng, học cú pháp tiếng La Tinh, Hy Lạp. Điều này đặt để trên giả định, rằng một văn nhân (a literate man) - có lẽ tôi nên thêm, một người đàn bà có học nhưng như thế hóa ra là dởm đời, [bởi vì] thời đó thiết yếu là chỉ đàn ông - anh ta có thể làm thơ (write verse). Chúng tôi phải bắt chước một đoạn La Tinh nổi tiếng, phải tìm ra tiếng La Tinh của riêng chúng tôi; rồi tới tiếng Pháp: làm những biến thiên về một đề tài văn chương quá quen thuộc. Làm sao làm thơ theo đúng luật một cách thật nghiêm ngặt: [thể thơ] sonnet, ode, couplet hùng tráng. Chẳng ai mong trong lũ chúng tôi có một thiên tài tự phát, nhưng mà là một "thủ công" (a craft), một tay nghề khéo (a techne), một từ Hy Lạp cho chúng ta những từ như là kỹ thuật học (technology), hay kỹ thuật (technique). Đó là "một tới mức, một thành tựu" (accomplishment), một từ mà ý nghĩa của nó đã không còn, theo tự vựng của chúng ta hiện giờ - như công việc thêu đan, hay chơi piano cho mấy thiếu nữ nhỏ tuổi, hay như môn mầu nước.

 Tôi đã được huấn luyện theo đường hướng như vậy, và khi tôi hoàn toàn nhập vào thế giới ngôn ngữ tiếng Anh, tôi làm thơ, một vài bài có vẻ khá hơn là mấy thứ kể trên. Có một ít ánh lên tí lửa, yêu cầu riêng tư, nhưng nói chung, chúng đều là những câu văn vần (verse), và khoảng cách giữa văn và thơ là phải tính bằng những năm ánh sáng. Trong một bài thơ thực sự, sự liên hệ giữa thể (set form), và cái mà chúng ta gọi là nội dung, liên hệ này thật là hữu cơ, đến nỗi, nếu chúng ta hỏi một nhà thơ thứ thiệt, tại sao bài thơ này lại là ode, tại sao nó không là thơ tự do, tại sao chỗ này lại là độc thoại, ông ta sẽ trả lời, "Đừng ngu si như thế chứ. Hãy đọc nó! Nó không thể khác."

 Tuy nhiên, đừng quá lãng mạn về chuyện này. Ben Jonson viết những tóm gọn thơ xuôi (prose summaries), và rồi sản xuất được một số những khúc trữ tình (lyrics) thần kỳ nhất. Dryden và Pope lao động, từ thơ xuôi thành thơ vần: một vài câu văn vần tuyệt vời nhất của họ, là một thứ văn xuôi được đẩy cao lên. Nhưng chắc chắn là, kể từ thời kỳ Lãng Mạn, đây không phải là điều người ta quan niệm về "sự tràn bờ tức thời của những tình cảm mãnh liệt", theo một công thức của Wordsworth. Giáo dục tại lycée trái ngược hẳn: nếu bạn chiều theo sự tràn bờ, bạn lau chùi sạch nó.

 -Chuyện gì xẩy ra cho truyền thống những "văn nhân" mà ông nhắc tới ở trên?

 -Nó đang bị nghi ngờ nặng nề. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một câu chuyện nho nhỏ. Văn nhân tiêu biểu cho một kiểu "nhất trí", về khiếu thưởng ngoạn, và sự quan tâm, trong xã hội của anh ta. Người ta muốn nghe về văn chương, nghệ thuật, từ một tay không phải chuyên viên, nhưng có học (a cultivated nonspecialist). Maculay, Hazlitt - những văn nhân có hạng - hầu như đã viết cả một cuốn, về một bài điểm sách; còn nhiều người nữa. Đây là thời để in ấn xuất bản loại này. Văn nhân cũng có thể làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, hay tiểu sử, và ở Anh truyền thống này chưa chết. Chúng ta còn có Michael Holroyd, một người học trò cũ của tôi là Richard Holmes hiện đang rất được hoan nghênh, chúng ta có Cyril Connolly, Pritchard - một người viết truyện ngắn tuyệt vời, thường xuyên phê bình, điểm sách - Và tôi cũng không phải là người coi khinh J.B. Priestley. Những người coi khinh Priestley ắt hẳn sẽ tự móc mắt, để đổi lấy một chút đỉnh tài năng của ông ta. Robert Graves vừa là phê bình gia, người viết tiểu sử, viết hồi ký, vốn là một nhà thơ tinh tế, chính là một văn nhân tuyệt vời.

 Bất cứ một người nào, trong những đối thủ của tôi, bất cứ người nào trong số những người phê bình tôi, đều có thể nói cho bạn, rằng tôi là một thứ "người tổng quát" (a generalist), viết hời hợt về mọi thứ, trong một thời đại không ai còn làm như thế nữa, một thời mà kiến thức có trách nhiệm là kiến thức chuyên môn hóa. Khi cuốn Sau Babel của tôi xuất bản lần đầu tiên, có một bài điểm sách do một nhà ngôn ngữ kiệt xuất, bây giờ ông ta già rồi, nhưng vẫn còn sống, và là một người mà tôi hết sức kính trọng: vị tiên chỉ trong làng quan viên (the high priest of the mandarins). "After Babel là một cuốn sách tồi", bài điểm sách bắt đầu, "nhưng than ôi, đây là một cuốn sách cổ điển." Thế là tôi viết thư cho ông ta, nói, chưa có một bài điểm sách nào vinh danh tôi hơn thế, nhất là cái từ ‘than ôi’ mà ông phải ép lòng nói ra, thật là tuyệt vời. Tôi có thể sống với nó. Ông ta viết trả lời, một điều thật thú vị. Ông ta nói, rằng chúng ta đã đạt tới điểm mà không một cá nhân lẻ loi nào có thể bao trùm toàn thể bộ môn ngữ học và thi học về dịch thuật Ông bảo, lẽ ra cuốn sách đó nên để 6, hay 7 chuyên gia phụ trách, còn ông đóng vai chủ biên. Thế là tôi viết trả lời, "Không, đừng như vậy. Mất thời giờ, phí phạm, và cuối cùng chỉ là thu gom bụi bặm trên những giá sách kỹ thuật". Tôi thích may rủi lớn. Trong cuốn sách thực sự có những lầm lẫn, có những điều không chính xác, bởi vì một cuốn sách đáng sống, là hành động của một giọng nói, hành động của đam mê, hành động của một "nhân vật" (persona). Chúng tôi bất đồng, nhẹ nhàng, nhưng thật sâu đậm. Ông ta nói, không, điều đó không thể làm được. Nó có thể làm được, cho tới Đệ Nhất Thế Chiến, nhưng sau đó, tri thức tự xé lẻ, phân hạt... đến nỗi, ngay trong địa hạt nhân văn, những cái đầu mạnh mẽ nhất cũng phải bỏ ra cả đời, chỉ để sao cho chuyên ngành của mình đúng hơn, nhiều hoặc ít, chứ đừng nói tới toàn cảnh. Đây là một bất đồng thật cơ bản. Như vậy George Orwell, thí dụ vậy, là gì, nếu không phải là một văn nhân (man of letters), hay Edmund Wilson, người mà tôi kế vị, ở tờ Người Nữu Ước, The New Yorker, cách đây 27 năm? - văn nhân ngày một thêm bị nghi ngờ.

 -Nói một cách tổng quát, phải chăng liên hệ giữa văn chương và phê bình đã biến cải?

 -Tôi nghĩ vậy. Chúng ta có thể nói 10 giờ [về đề tài này]. Cái nhìn của tôi là thứ say mê cay đắng, như thể chúng ta đang ở trong thời kỳ Byzantine, hay thời kỳ Alexandrine, theo đó vị ngự sử, và cái tháp ngự sử của ông ta cao hơn là nguyên tác. Sainte-Beuve khi chết còn cay đắng nhận xét: "Chưa từng có ai tạc tượng, cho nhà phê bình". Trời hỡi! Ông ta mới lầm lạc làm sao. Bây giờ, chúng ta được người ta nói cho mà biết, rằng có lý thuyết phê bình, rằng phê bình trấn áp - nào giải cấu trúc, ký hiệu học, hậu cơ cấu, hậu hiện đại. Đúng là một khí hậu kỳ quặc, tất cả là do một người, một thiên tài không ai nghi ngờ: Ngài Derrida, khi ông nói rằng mọi bản văn là một "tiền-văn bản" (pretext). Đây là một trong những trò chơi chữ lầm lạc khủng khiếp, phá hoại khủng khiếp, tầm phào một cách thật sáng láng, đã từng được phóng ra. Như vậy nghĩa là gì? Rằng bất cứ thế giá nào của một bài thơ: nó [phải] đợi nhà phê bình giải cấu trúc; nó có đó, nó chỉ là cơ hội cho sự thao tập. Đối với tôi, không từ ngữ nào diễn tả nổi sự lố bịch này. Walter Benjamin nói, một cuốn sách có thể đợi một ngàn năm, không được đọc, cho đến khi một độc giả mắt xanh chợt ghé vô. Những cuốn sách, chúng đâu có vội vã. Một hành động sáng tạo, cũng đâu cần hối hả: nó đọc chúng ta, nó "đặc quyền" chúng ta, một cách vô cùng. Quan niệm theo đó, đây chỉ là cơ hội cho chúng ta phô tài khéo, nó khiến tôi hết đỗi bàng hoàng, chua cay, và phẫn nộ. Quan niệm cho rằng học sinh ngày nay đọc những thứ phê bình của phê bình cấp hai và cấp ba, và ngày càng đọc văn ít đi, thực sự, nói một cách triệt để, chính là cái chết của trật tự tiền hậu bình thường, ngây thơ, và thuận lý (the death of the normal naive and logical order of precedence).

 Nguời phỏng vấn: Liệu nhân văn đã thất bại trong việc nhân bản hóa [con người]? Liệu ông vẫn tin rằng việc học văn, trớ trêu làm sao, lại nuôi dưỡng độc ác chính trị, và chủ nghĩa man rợ?

 G. Steiner: Chủ nghĩa Quốc Xã, chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Stalin đã thuyết phục tôi, về một nghịch lý trung tâm này: tính từ chương (bookishness), từ tiếng Anh cổ này, là một từ rất hay: bookishness, sự biết đọc biết viết ở mức cao nhất, mọi kỹ thuật về tuyên truyền văn hóa và dậy dỗ, chẳng những có thể song hành với tính thú vật, sự áp bức, độc tài bạo quyền, nhưng ở một điểm nào đó, còn nuôi dưỡng chúng. Trọn cuộc đời, chúng ta được dậy dỗ, huấn luyện dài về trừu tượng, về giả tưởng, và chúng ta phát triển một quyền năng nào đó - tạm gọi là quyền năng - để đồng nhất với giả tưởng, để giảng dậy nó, làm sâu nó (Phu nhân Macbeth có bao nhiêu con cái nhỉ? (5) Rồi thì chúng ta xuống đường, và có tiếng la thét, và nó có một cái gì đó hư ảo lạ lùng. Hình ảnh tôi muốn sử dụng ở đây: Ngay giữa trưa, tôi ở trong một rạp chiếu bóng, coi một phim rất hay. Trời nắng đẹp. Khi tôi bước ra khỏi cuốn phim, nhập vào ánh nắng của buổi trưa thành phố, tôi thường cảm thấy buồn nôn, một sự mất thăng bằng lộn mửa. Phải mất nhiều giây, nhiều phút, có khi lâu hơn, tôi mới lại có thể chú mục vào thực tại.

 -Ra khỏi cái hang của Plato? (6)

 -Còn mãnh liệt hơn thế nữa, do cung cách lạ, theo đó tác dụng của cuốn phim ắt phải là một tác dụng hoàng hôn. Tại làm sao ban ngày đi coi phim lại quái gở và không ổn như vậy? Bây giờ tôi khai triển kinh nghiệm đó: Tôi trải qua trọn ngày với những sinh viên trong một căn phòng, chung quanh một cái bàn thảo luận ở Geneva. Chúng tôi cố gắng tới được một điểm nào đó, về sự diễn tả cực kỳ súc tích đối với vai trò của Cordelia trong Vua Lear, vỏn vẹn chưa đầy 90 câu thơ. Không ai tin điều này, cho tới khi đếm từng dòng. Hay là những sự im lặng lớn lao trong văn chương, những nhân vật xuất hiện và chẳng nói gì - từ Aeschylus tới Dostoevsky - hay chỉ nói vài lời. Hay là người khờ ở cuối [cuốn kịch thơ của Puskhin] Boris Godunov: anh ta hát hai tiếng, hai tiếng đi trọn thế gian trong nỗi tuyệt vọng và kinh hoàng của chúng. Và những sinh viên đáp ứng, bạn đáp ứng, bạn biết tới tận tim gan cái đó, nó thấm tẩm vào bạn, và bạn rời chỗ, xuống đường, và bạn nhìn hàng chữ lớn trên trang báo: "Một Triệu Người Chết Ở Rwanda". Không phải chỉ là chuyện, bạn trở nên vô cảm trước những sự ghê rợn diễn ra hoài hoài của thế kỷ chúng ta: chúng chẳng gây được một chút tác động nào, lên trí tưởng tượng của bạn.

 Đối với riêng tôi, "điểm ngoặt" chính là Pol Pot. "Vào thời điểm đó" [Thế Chiến II], rất ít người biết, về Auschwitz. Vâng, cái lũ khốn nạn, cái lũ chó đẻ biết, và không tin chuyện đó, nhưng chúng chỉ là thiểu số. Sự che đậy của Nazi về Lò Thiêu đã có một hiệu quả huyễn hoặc. Những cánh đồng giết người là ở đài phát thanh, truyền hình, trong lúc đang xẩy ra, và chúng ta được biết là Pol Pot đang chôn sống một trăm ngàn đàn ông, đàn bà và trẻ con. Bây giờ tôi không thể gắn một ý nghĩa trung thực cho câu: "chôn sống một người đàn ông, một người đàn bà, hay một đứa trẻ." Một trăm ngàn! Tôi hầu như không còn cái đầu, vào những ngày này, khi cảm thấy mình cay đắng bất lực. Tôi bị ám ảnh, vì hy vọng, rằng Nga xô và Hoa Kỳ sẽ nói, "Chúng ta không biết cái mớ bòng bong địa lý chính trị khó có thể tin được này, phải trái ra sao, nhưng 45 năm sau Lò Thiêu, hay là sau Gulag, chúng ta không thể cạo râu vào buổi sáng, chúng ta không dám nhìn vào chính mặt mũi của mình, khi biết rằng một trăm ngàn người đang bị chôn sống; lưỡi dao cạo không còn chạm vào da. Không một người đàn bà nào có thể đánh phấn thoa son, và còn nghĩ rằng mình là người. Nếu mi không chấm dứt trò này, bọn tao sẽ nhẩy vào can thiệp." Trước đây, tôi đã từng hy vọng, vì những lý do hiển nhiên, Israel hẳn sẽ ra một tuyên bố như thế. Câm lặng hoàn toàn, câm lặng hoàn toàn về bất cứ một ngăn chặn hay can thiệp. Pol Pot cứ tiếp tục chôn sống người, giết một triệu rưởi người khác, thiến sống người ta ở giữa đồng, và hôm nay, chúng ta đang bán vũ khí cho hắn.

 Bây giờ, đối với tôi, Cambodia là một điểm ngoặt, về một bất lực tuyệt đối, tuyệt vọng cùng cực. Sau đó tới Rwanda, và ngày mai, đến phiên x, y, hay z. Và giờ này, chúng ta biết. Tôi sẽ làm - tôi dùng một từ khá trang trọng - một sự phân biệt mang tính bản thể học, phân biệt thuộc về yếu tính, giữa một thời đại mà chúng ta chẳng biết gì hết, hay có lẽ chẳng có thể làm được gì hết, về chuyện đó (chúng ta có nên ném bom các đường xe lửa hay là không: đây vẫn còn là một trong những luận cứ chua chát nhất về lò thiêu Auschwitz; chúng ta có lẽ nên thử; OK) và lúc này - một khi chúng ta biết, đối phương chỉ là một con cá lòng tong - chẳng thể nào so sánh được với quyền uy của cả thế giới còn lại: Me-xừ Pol Pot và đám Khờ Me Đỏ khùng của ông ta. Chúng ta chẳng làm gì hết, và chúng ta bây giờ đang tái vũ trang hắn.

 -Với tư cách là một người giảng dậy, tất cả những chuyện đó hàm ý gì?

 - Tôi cực kỳ bối rối vì nó. Hàm ý của tôi: tôi tiếp tục cố gắng thổi điều này vào trong đầu những con người đang học đọc cùng với tôi. Tôi yêu thích biết bao: được nhắc nhở tới, như là một người thầy tốt, về việc đọc. Đọc như một phương thuốc chữa trị, theo một nghĩa đạo đức sâu thẳm: rằng cái đọc sẽ đưa chúng ta tới một tầm nhìn (a vision), sẽ nhập thân nhân loại tính của chúng ta, làm cho chúng ta đỡ lơ là bỏ mặc mọi chuyện cho qua đi. Nhưng tôi không biết tôi có thành công chưa, hoặc cho những người khác, hoặc cho chính tôi.

 Liệu có một thứ học vấn, dậy thơ, nhạc, nghệ thuật, nó làm người ta không thể cạo râu buổi sáng - hãy tha thứ cho hình ảnh tầm thường này - bởi vì tấm gương ném trả một cái gì phi nhân, hay thấp hơn con người? Đó là điều tôi tiếp tục dùi mài trong suy tư, trong viết lách của mình. Thế cho nên, trong cuốn Những Hiện Diện Thực, tôi đã chuyển qua cái góc khó khăn vô cùng để hướng về thần học. Thế còn những thi sĩ lớn, nghệ sĩ lớn, những người biết về những điều như thế - Dante thí dụ vậy, hay là Shakespeare? Liệu có điều nào có thể khiến chúng ta không còn vô tri giác được nữa, không còn có thể mù lòa, câm điếc được nữa? Liệu có điều nào có thể làm cho trí tưởng tượng phải mang trách nhiệm và phải trả lời cho những nguyên lý thực tại để làm người quanh ta? Đó là vấn đề.

 -Vậy thì đã 50 năm rồi, ông thẩm định ra sao, về câu châm ngôn nổi tiếng của Adorno: "Không có thơ, sau Auschwitz"?

 -Với tôi, đó là thời điểm quyết định, cực kỳ tự nhiên để nói ra [1945]. Và nó cầu mong một phản bác. Đã có phản bác, bằng thi ca của Paul Celan. Thơ của ông phản bác một nhận định như thế - và Adorno biết điều này, trước khi mất. Chúng ta hãy trở lui vài bước. Vấn đề tục tằn, việc "đếm đầu xác chết" không nêu ra ở đây, nhưng tôi gộp những trại tập trung, dù là ở Ba Lan, ở Đức, hay ở khắp những nơi chốn khốn kiếp nào: hiện tượng tù đầy, loại trừ tập thể hàng triệu con người từ đầu này tới mút kia của thế giới. Một trong những giải đáp khả hữu: toàn bộ nền văn hóa của chúng ta đã chứng tỏ hoàn toàn bất lực, và không tự vệ. Hơn nữa, văn hóa của chúng ta còn tô điểm cho cái việc giam giữ và giết người. Trong những đêm mà người ta có thể nghe những tiếng la thét thất thanh của những con người, bị nhốt kín trong những toa xe lửa ở nhà ga Munich, trên đường tới trại tập trung Dachau, ngay ngoại ô Munich, thì Gieseking vẫn trình diễn toàn bộ nhạc dương cầm của Debussy. Những tiếng la thét có thể nghe, thấu suốt phòng hòa nhạc. Điều này được ghi lại. Không hề có một nhân chứng, dù là mỏng manh nhất, nói rằng, đêm đó ông chơi thiếu tuyệt diệu, hay là khán thính giả của ông không hoàn toàn đáp ứng, không sâu xa xúc động.

 Bởi vậy, đã có phê bình mang tính hư vô, như của Adorno; hay như được công thức hóa, qua câu nói của Walter Benjamin: "ở nền của mọi tác phẩm nghệ thuật lớn, là một đống man rợ." Bạn có thể chấp nhận câu nói đó, như nhiều người thuộc trường phái Frankfurt, theo một nghĩa nào đó, cũng đã chấp nhận. Họ còn nhấn thêm một bước nữa, và nói rằng: "Thôi chúng ta hãy tạm câm đi một lúc." Tôi thường có một ước mơ, về sự trì hoãn không bàn tới những điều này - trong 10 năm, 15 năm, một trăm năm - cố gắng không giảm trừ chúng, thành lời. Nói lên thành lời, đó là cung cách lạ lùng, khiến chúng có thể chấp nhận được. Đó là điều Adorno thực sự muốn nói: Hãy coi chừng! Ngay cả tiếng gào thét lớn lao, nếu nó được kiểu thức hóa, giả dụ thành vần, thành điệu, thành khổ, thì vẫn làm cho hiện tượng kia có thêm một sự huyền nhiệm, về điều khả dĩ chấp nhận được (a mystery of acceptability).

 Bước thứ nhì, và là bước khó khăn nhất trong tất cả mọi bước, đó là nói: "Không, mặc dù tất cả những chuyện đó, tôi vẫn có thể chuyển chở, truyền đi một điều gì về kinh nghiệm cốt tuỷ." Trong trọn mớ văn chương hằng hà sa số viết về Lò Thiêu, chỉ có 3 hoặc 4 người viết, làm được điều này.

 -Họ là những ai?

 -Celan, trên tất cả. Không nghi ngờ chi, còn Primo Levi, nhà văn Ý gốc Do Thái: tối thượng, tối cao cả. Không có một từ nào trật bản lề; đúng là một phép lạ. Một hay hai người Đông Âu không được biết đến nhiều, một vài truyện ngắn Latvia tuyệt vời. Có lẽ chỉ chừng 5, hoặc 6 bản văn mà tôi dám nói là đã biện minh cho cái toan tính táo bạo không thể nào tin được kia. Nhưng cuối cùng, tổn thất mới ghê gớm làm sao! Celan tự tử. Primo Levi tự tử. Jean Améry tự tử. Mãi sau đó. Như thể, đã xong nhiệm vụ làm nhân chứng, đâu còn ý nghĩa gì cho đời mình, cho ngôn ngữ mà mình sử dụng. Điều làm tôi kinh hoàng, là bất cứ một toan tính trục lợi nào đối với những chất liệu này, bởi những kẻ hoàn toàn không kinh qua nó.

 Người phỏng vấn: Nói về Lò Thiêu theo đường hướng này, tức là nói về điều không thể nói được, phải chăng đây (cũng) là điều ông quan tâm, khi viết The Portage?

 Steiner: Vâng, chắc chắn như vậy. Tôi thật tình muốn mọi người quan tâm tới tính hàm hồ khủng khiếp trong tất cả ngôn ngữ, trong tất cả những hành động nói. Vật lý học nói – tôi không hiểu nghĩa, nhưng thật đáng yêu – rằng có một vũ trụ phản-vật chất phản chiếu y hệt vũ trụ chúng ta, rằng, khi vật chất và phản-vật chất đụng nhau, cái nọ huỷ diệt cái kia. Tôi đã tìm cách chứng tỏ trong ngôn ngữ của Hitler, có phản-vật chất, phản-ngôn ngữ, nó huỷ diệt, theo nghĩa siêu việt, sự thật và cái nghĩa. Và nó phải đụng với Do Thái giáo, vốn là một niềm tin, một văn hóa, một sự tin cậy có lẽ hoàn toàn dựa trên từ ngữ, dựa trên tính nói lên được, và sự khả hữu của cái nghĩa, và dựa trên cuộc thoại hoài hoài, ngay cả với Thượng Đế. Điều này thực đáng suy nghĩ. Tại sao Người lại nói? Do Thái giáo luôn luôn tin vào định đề, về một Thượng Đế rất ham nói.

 Vậy thì vâng, tôi thật sự lo lắng về chuyện đó, và chắc chắn là, tôi không dám trở lại với nó. Nói cho cùng, tôi chưa hề ở trong tình huống [như vậy], và có lẽ, đừng ai nên thử. Về mặt khác, liên quan tới những cuộc tấn công nhắm vào William Styron (7). Tôi hoàn toàn ở phía đối nghịch. Styron là một tiểu thuyết gia tuyệt vời, và ông hoàn toàn có quyền thử nghiệm một nhân vật như Nat Turner, hay Sophie. Không ai có quyền nói, rằng ông ta chưa từng là một người da đen nô lệ, hay chưa từng ở Auschwitz. Chúng ta có thể nói, "Ông không thuyết phục nổi tôi". Chúng ta có thể nói, "Xin lỗi, cái đó chưa ra ngô ra khoai". Nhưng theo tôi, thử là quyền năng tuyệt đối của một nghệ sĩ.

 Trong những thế kỷ sắp tới, biết đâu, một tân Dostoevsky, hay một tân Faulkner sẽ tìm ra con đường xấn tới trái tim – và làm sáng ra - thực tại không thể nói, không thể nghĩ, không thể chịu đựng được này. Thật ngu xuẩn khi đặt vấn đề như vậy, nhưng Shakespeare sẽ nói gì? Tôi cứ suy nghĩ hoài, rằng Shakespeare sẽ có một tên hầu ngựa thứ năm, hay một người đầy tớ thứ bẩy ở cuối một màn quan trọng, có thể là một màn tiếu lâm; một kẻ mà, bằng một cách nào đó, cho chúng ta biết rằng anh ta đang ở trong một trại tù (8). Bây giờ, bạn chớ có chế nhạo tôi, nhưng chưa có một vở kịch nào trên thế gian làm cho tôi buồn hơn là Đêm Thứ Mười Hai (kịch Shakespeare) Tôi thực sự bị ám ảnh, như là với Cosi Fan Tutte (nhạc Mozart): chúng bề ngoài có vẻ vui nhộn, theo kiểu "mưa, mưa rơi mọi ngày". Những bài hát của Feste, tên hề, chúng như thuộc trong số những bài hát bi thảm tuyệt vời nhất, đối với tôi: Ớ cái này, ớ cái kia. Tôi cứ tưởng tượng ở đâu đó, có một người hầu trong căn nhà Quận công, hay của Olivia, hay Viola, và Shakespeare, trong một vài thoáng chốc, làm cho chúng ta hiểu, về những gì người hầu đã nếm trải qua. Điều này chắc là có thể chấp nhận được trong tương lai. Như vậy, nó là điều chưa biết. Nó là mảnh đất giấu mặt lớn lao (the great terra incognita), của trí tưởng tượng. Tình huống này [bên ngoài cười nói như thường, bên trong đoạn trường từng khúc], có mặt trong mọi điều tôi viết, mọi thứ tôi giảng dậy, mọi suy nghĩ của tôi, và trên tất cả, là cuộc sống của tôi tại Âu Châu.

 -Rõ ràng là có một nối kết sâu xa giữa hiểu biết về Lò Thiêu, và lý thuyết dẫn giải của ông. Ông có thể nói một chút về chuyện này không?

 -Vấn đề then chốt, đó là cảm quan về một điều không thể phân tích hay giải thích. Hành vi chủ chốt trong việc dẫn giải, là ngày càng tới gần tâm điểm của tác phẩm, nhưng chẳng bao giờ tới quá gần. Chính sự thất bại, chính cái khoảng cách bất lực, về một dẫn giải lớn lao, là khoảng cách kích thích người đọc. Chính sự bất lực này lại năng động, gợi ý, hùng biện và hoạt bát. Những hành động đẹp nhất của việc đọc, chúng là những hành động chưa hoàn tất (9), những hành động của trực giác manh mún, của chuyện từ chối (một cách đọc) hoa hòe hoa sói, siêu-đoạn (metaphrase), điều sau cùng: "Cái hay, cái tuyệt ở đây, tôi chưa chạm tới được". Nhưng chính cái điều làm cho sự không thể này không phải là một thất bại nhục nhã, hay một mẩu huyền bí, nhưng là một thứ mời gọi vui: rằng, hãy đọc lại.

 Bây giờ, vẫn ở trong mỹ học, nhưng tôi sẽ đi tới câu hỏi của ông về nối kết với Lò Thiêu, và tôi hy vọng rồi thì câu chuyện sẽ rõ ràng hơn. Một lần, có một đứa nhỏ, Paul Klee, thường bị nhà trường đưa đi chơi giã ngoại (pinic), ra khỏi thành phố Bern, nơi cậu sinh trưởng, đó là những dịp buồn tẻ nhất trong sinh hoạt ở Thụy Sĩ. Một bữa lớp cậu được dẫn tới xem một cây cầu máng La Mã, và ông thầy giải thích, nó chuyên chở được bao nhiêu lượng nước, và được kiến tạo ra sao. Lúc đó Paul Klee mới mười một tuổi, và cậu luôn mang theo tập vẽ nháp, thế là cậu hí hoáy cây cầu máng, và cho nó mang giầy. Kể từ ngày đó, tất cả những cây cầu máng đều biết đi; bạn không thể nhìn một cây cầu máng không biết đi. Picasso xuống phố. Ông thấy chiếc xe đạp ba bánh (tricyle) của con nít. Cả tỉ người thấy nó, trên đường phố. Picasso nhấc chiếc xe lên, lấy yên xe làm mặt con bò, chiếc ghi đông thành hai cái sừng (10). Chưa từng có ai làm như vậy, và kể từ ngày đó, cái xe đạp con nít tấn công người lớn, bằng hai cái sừng cứ thế húc tới. Chẳng hề có ai giải thích điều này, cũng chưa hề có ai giải thích, điều mà [nhà nhân học người Pháp] Lévi-Strauss gọi là sự bí mật tối thượng của mọi tri thức nhân loại: "sự phát minh ra giai điệu" (the invention of melody) (11). Đây là một trong những câu quan trọng nhất đối với tôi. Nó làm tôi rạng ngời, theo nghĩa này: sự không thể vẹn toàn, của những toan tính say mê, của một người nào đó, khi cố gắng tới gần hơn, gần hơn nữa. Đây là sự huyền diệu của nó. Chơi xong rồi thì buồn, dân leo núi kể cho bạn nghe, nỗi buồn như thế nào, sau khi đã lên tới đỉnh một ngọn núi trước đó chưa ai lên tới, nhưng chúng ta không bao giờ tới đỉnh bản thể học về cái mỹ, hay câu hỏi về cái nghĩa của nghĩa (the meaning of meaning), hay câu hỏi về cội nguồn của ngôn ngữ.

 Xét về mặt cái chết, sự tra tấn, tàn sát, thế kỷ của chúng ta là một trong những thế kỷ đen thui. Tôi đọc, với một niềm kính trọng chân thực, những nhà kinh tế – những người nói với chúng ta, rằng có thể sử dụng một lý thuyết tốt đẹp về kinh tế, về kỹ nghệ, để giải thích chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Phát Xít; hay là những nhà xã hội học – những người nói [với chúng ta về] những cuộc đấu tranh giai cấp, về cơ cấu xã hội học của đô thị, vào thời đó, và cứ thế, cứ thế. Tất cả những sử gia cũng có ý tưởng này, tư tưởng nọ. Như tất cả mọi người, tôi cũng cố bắt kịp với những người nói rằng, "Tôi có thể giải thích điều đó cho bạn". Nhưng đúng là, tôi chịu thua. Có thể có chút tia sáng lý thú ở đó, thí dụ như quan niệm cho rằng trong những trại tử thần, có những sắc thái của một nhà máy. Tốt thôi, đúng là một phát giác hay ho. Tôi muốn nghĩ về điều này. Có thể nó gây hứng khởi. Hay là khi tôi được bảo cho biết, rằng chủ nghĩa Nazi khác biệt với chủ nghĩa Stalin, sự khác biệt này dựa trên những bất ổn và những phẫn nộ của giai cấp trung lưu, tôi rất quan tâm. Nhưng những giải thích này, dù có quan trọng, chúng chẳng giúp gì cho tôi, trong việc nắm bắt sự kiện.

 Sự kiện là, khi bộ tư lệnh của Hitler nói với ông ta, "Thưa Lãnh Tụ, chúng ta rất đỗi là cần, những chuyến xe lửa chở xăng dầu, vũ khí, chỉ xin Quốc Trưởng [dành] cho chúng tôi 4 tuần lễ ngưng chở người tới trại tử thần," ông ta trả lời, chiến thắng cuộc chiến chưa quan trọng bằng việc tận diệt bọn Do Thái. Quan niệm rằng ông ta khùng chẳng thuận tai tôi một chút nào, ở đây. Ông ta rất không khùng. Tôi cũng chẳng thấy thuận tai chút nào, khi biết rằng Stalin đã huỷ diệt một phần lớn đám dân có học của ông ta, một cách hệ thống, trong khi lên kế hoạch tạo thành sự vĩ đại của Liên Bang Xô Viết.

 Vì thế tôi xoay sở với những dẫn giải hoàn toàn khác. Trong thời kỳ Ánh Sáng, vào những năm đầu của thập niên 1760, Voltaire, sau khi chống đỡ thành công cho một số người, đã đưa ra khẳng định: Một điều chắc chắn, là sẽ không có việc sử dụng tra tấn nữa, tại Âu Châu văn minh.". Vài năm sau đó, Thomas Jefferson, một trong những cái đầu sắc sảo nhất, cứng cựa nhất, chưa từng có vào thời kỳ đó, nói, ông ta có thể hứa hẹn – ông ta đúng là đã dùng từ "hứa hẹn" (promise) – rằng sẽ chẳng bao giờ có việc trở lại, với chuyện đốt sách. Tôi có cả một tuyển tập những khẳng định như vậy. Không phải bởi những thằng khùng ngây thơ, nhưng bởi một vài, trong số những cái đầu cứng cựa nhất, châm biếm nhất. Có một tư tưởng gia thuỷ tổ-phát xít theo Ca-tô giáo, tên là Joseph de Maistre; ông ngồi trên bờ [giữa hai phe tranh chấp], cười đến sái quai hàm, và viết một tuyệt tác thuần túy, đặt tên là Những Buổi Chiều ở St. Petersberg. Ông ta nói rằng, cứ cái đà này, thế kỷ thứ 20 sẽ chìm vào biển máu ở Âu Châu; rằng sẽ có những trại tù dành cho việc làm thịt nhân loại một cách có hệ thống. Ông ta làm việc với một lý thuyết hoàn toàn khác biệt, khởi đi từ tội tổ tông.

 Sự thực, de Maistre nói, "Làm ơn giải thích cho tôi về bản chất của lịch sử". Nếu chúng ta là những Con Người Khôn Ngoan (Homo sapiens), thuần lý đang trên đường thăng tiến, như vậy chúng ta đang làm gì nhau đây? Tại sao những cuộc chiến tranh của chúng ta ngày càng giết chóc nhiều hơn? Tại sao những trận đói ngày càng lớn hơn? Về mặt khác, nếu có một kiểu mẫu, cho cái gọi là mất ân sủng nguyên thuỷ – (original) dis-grace, một từ rất ư là mãnh liệt, khi chúng ta tách bạch bằng một cái gạch như trên – ghét bỏ (disgrace) trở thành một từ tẹp nhẹp ở đây; dis-grace: sa khỏi ân sủng (fall from grace), ngắt triệt mối tương thông với Thượng Đế – như vậy lịch sử sẽ là một sự trừng phạt, và chúng ta sa chân vào lịch sử, chủ yếu là để chịu đựng đau khổ, và chúng ta cứ thế tiếp tục chịu đựng cho đến tận cùng, cho tới khi nào chúng ta làm thịt lẫn nhau sạch sẽ không còn mống, bằng bom nguyên tử, bằng nội phá (implode) đô thị, hay là có một trận đói, hay sau cùng có một thứ bệnh AIDS không làm sao ngăn chặn được. Trọn một lý thuyết về tội tổ tông. Bằng cách nào, bạn xử lý (operate) với một lý thuyết như thế? Tôi không biết. Tôi gọi, đây là một ẩn dụ [để] làm việc (a working metaphor).

 -Nó đòi hỏi niềm tin, ở nơi Thượng Đế?

 -Vâng, hay – nguy hiểm hơn nữa – niềm tin vào địa ngục. Một lần, vào lúc sáng tinh mơ, Đức Giáo Hoàng Pius XII tiếp Paul Claudel, để vinh danh nhà viết kịch nổi tiếng và nhà thơ Ca-tô giáo. "Con của ta," ngài nói, với nụ cười mỉm, "con quá tin vào địa ngục, thế mới khổ cho con; [còn ta], ta không quá chắc mẩm, về thiên đường, đến thế đâu". Đây là một hình thức đặc biệt về dị giáo. Một hình thức của chủ nghĩa nhị nguyên (Manichaeanism). Và tôi tự coi tôi là một [người theo thuyết] nhị nguyên, một Manichaean khá bối rối. Vâng, tôi là một kẻ hèn nhát: tôi trốn vào chỗ an toàn nhất, vững chắc nhất, nếu nói về bảo hiểm nhân thọ, còn vượt quá cả một nơi chốn như là hãng bảo hiểm Lloyd’s. Immanuel Kant – một trí tuệ lành lặn nhất, trầm tĩnh nhất, cân bằng nhất – tin vào cái ác nhập thể (incarnate evil), không hẳn như của Aristotle – cái ác là sự vắng mặt của cái thiện – chính niềm tin này gỡ bạn ra khỏi mọi câu móc. Kant không định nói về một kẻ nào đó có sừng có đuôi, nhưng cái ác là một sức mạnh nhập thể, một tác nhân tích cực.

 Chỉ bằng cách này, tôi hiểu tại sao những công chuyện tuyệt vời nhất của chúng ta lại chuyển mầu địa ngục. Hãy suy nghĩ về những tài liệu gốc của chủ nghĩa quốc gia Do Thái (Zionism) – cha tôi có mặt trong nhóm đầu tiên với Herzl: một giấc mơ không tưởng về bình đẳng, sự thông cảm trọn vẹn về sắc tộc, biến Jeremiah và Isaiah thành hiện thực ("vũ khí biến thành lưỡi cày"). Bây giờ, hãy nhìn sự đau khổ. Hãy nhìn xứ sở được võ trang này: để sống sót, phải là một trong những xã hội trọng binh (militaristic) trên mặt đất. Chúng ta tới xứ sở Mogadishu, để mang thức ăn, để giúp đỡ, và cuối cùng là địa ngục, nơi xác người bị kéo lê trên đường phố.

 Đó là điều minh chứng hoàn toàn, nhận xét của Shakespeare: "Như bầy ruồi đối với lũ trẻ tinh nghịch, thân phận của chúng ta với chư thần cũng thế thôi / Chư thần giết chúng ta để đùa chơi" (As flies to wanton boys, are we to the gods, / They kill us for their sport.) Hay như trực giác này của ông, "Cái tệ nhất còn chưa tới / Chừng nào ta còn hỏi: Thế đã là tệ nhất chưa? (The worst is not / So long as we can say "This is the worst?") Cái gì đã khiến cho, chuyện cứ xẩy ra hoài, ra mãi, những thiện ý, những bác ái từ bi, những xã hội ước mơ của chúng ta, cứ biến thành địa ngục? Điều này cần tra hỏi.

 -Phải chăng chủ nghĩa quốc gia là một trong những thí dụ đầu tiên của ông?

 -Vâng. Tôi bị chỉ trích rất nhiều vì điều này, tôi chán ghét, tôi ghê tởm chủ nghĩa quốc gia. Tôi ở nhà, ở bất cứ đâu, khi mà có cái máy đánh chữ. Tôi coi những lá cờ, những tờ giấy thông hành là rác rưởi nguy hiểm. Tôi tin tưởng rằng chúng ta là những khách trọ của cuộc đời – ở đây, tôi là một người theo Heidegger. Chúng ta không biết tại sao chúng ta sinh ra, chúng ta đâu chọn lựa điều này, chúng ta không chọn lựa được sinh ra trong một cộng đồng, trong một thời đại, trong một giai cấp xã hội nào; chúng ta không chọn lựa, được sinh ra, câm điếc, giữa những người ăn mày, những kẻ bị tim la, hay mang vi khuẩn HIV, hay là một triệu phú, hay là có một tài năng phi thường. Trước hết, chúng ta là những vị khách trọ của đời sống trên trái đất này, nơi chúng ta đang cướp bóc, phá phách, huỷ diệt, làm ô nhiễm một cách có hệ thống, như chúng ta biết đấy. Tôi tin tưởng chúng ta phải học, để là những người khách của nhau. Để mà sống sót; rằng số mệnh Do Thái, bi đát, đặc biệt: cố sống (với) cái công chuyện thật là khó khăn: cảm thấy ở nhà, bất cứ ở đâu. Tôi đã từng ở nhà, với nhiều, thật nhiều mảnh đất.

 Người phỏng vấn: Tuy nhiên, qua tất cả những chuyến đi như vậy, ông vẫn bám rễ tại Cambridge?

 Steiner: Chỉ bán-thời gian thôi. Chúng mình hãy trở lui một chút. Tôi đúng là đẻ bọc điều. Mẹ tôi từ một gia đình Do Thái, dân thành Vienna, biết nhiều thứ tiếng. Ông chú/bác vĩ đại của bà là một nhà văn rất nổi tiếng, người đã khám phá ra bản thảo Woyzeck của Georg Buchner, trong một cửa tiệm thuốc. Cha tôi, từ một làng cách Lidice 8 cây số, một làng dân du mục (Bohemian) ở phía bắc, nơi mọi người đều bị giết, tàn sát trong một cuộc trả thù vì đã giết tên cầm đầu Gestapo. Cha tôi tới Vienna khi còn là một đứa trẻ. Ông có một sự nghiệp tuyệt vời ở Áo, và quyết định, vào năm 1924 - mặc dù mẹ tôi làm trận làm thượng - phải rời Vienna, nơi cả hai đều yêu thương gắn bó, bởi vì ông đã nhìn ra chuyện đang tới. Ông cứ nói hoài, "Hitler là người Áo, chớ quên điều đó." Vậy là ông bà tới Paris, và tôi đã ra đời vào năm 1929, trong một căn nhà xó xỉnh nào cũng có sách vở, âm nhạc, và văn hóa: truyền thống Do Thái Trung Âu. Má tôi bắt đầu một câu bằng một ngôn ngữ, và chấm dứt, hầu như vô tình, bằng một vài ngôn ngữ khác, vậy là tôi lọt lòng trong cả ba thứ tiếng. Cha tôi bắt đầu đọc Homer, với tôi, trước khi tôi tới tuổi đi học; ông bắt đầu dậy cho tôi những tác phẩm cổ điển, ngay dưới cái bóng ngày một vươn lên, khủng khiếp, của Hitler.

 Vào năm 1934, một vụ bê bối tài chánh lớn lao đã nổ ra ở Pháp, có liên can đến người Do Thái, và những đám đông bài-Do Thái diễn hành ngay kế trường học của tôi, vốn là một trường gần như thuần Do Thái. Thế là bà vú, bà nữ gia sư của tôi – vào những ngày đó, chúng tôi vẫn có những gia sư – chạy tới trường đưa tôi về nhà. Tại nhà, má tôi hạ mấy tấm màn cửa sổ xuống, rồi ngó ra đường, nhìn đám người bên ngoài la hét, "Giết lũ Do Thái!" Ba tôi về nhà, nói, "Hãy kéo mấy tấm màn cửa sổ lên!", và ông nắm tay tôi tới bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Tôi như bị mê hoặc, lẽ dĩ nhiên; bất cứ đứa trẻ nào cũng vậy thôi. Và ông nói, "Con không bao giờ được khiếp sợ; cái con đang nhìn, người ta gọi là lịch sử." Tôi nghĩ câu nói đó đã tạo nên vóc dáng cho trọn cuộc đời của tôi.

 -Lúc đó, ông mấy tuổi?

 -Năm. Đúng là một điều tuyệt vời để nói, với một đứa bé. Theo nghĩa đó, tôi chẳng bao giờ khiếp hãi nữa. Tôi thật quá, quá may mắn, và tôi quan tâm thật là khủng khiếp đến lịch sử, đến việc nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nhìn điều đang diễn ra, bất kể nó là cái gì.

 -Ông hãy kể thêm cho chúng tôi nghe, về những năm đầu đời của ông đi.

 -Rồi thì chiến tranh, và cha tôi được thủ tướng Pháp trao cho sứ mạng thương lượng với người Đức, về việc mua chiến đấu cơ Grumman. Một chuyện quá đỗi lạ lùng đã xẩy ra. Mọi người hầu như đều quên hẳn một điều, New York là một thành phố trung lập, vào năm 1940. Nơi đây đầy những phái bộ mãi dịch, phái bộ ngân hàng, kỹ sư Quốc Xã. Cha tôi được mời ăn trưa, nhân dịp vinh danh Uỷ Ban Thương Mại (Trade Purchasing Commission), tại Câu Lạc Bộ Phố Tường (Wall Sreet Club). Tại bàn của ông, là đại diện ngân khố Mỹ, ngân hàng, và phái đoàn Pháp. Người hầu bàn mang đến cho cha tôi một tờ giấy gấp lại, và nói, một vị khách tại một bàn khác, đã yêu cầu anh ta mang lại cho cha tôi. Cha tôi liếc quanh một vòng, và nhìn thấy một phái bộ mãi dịch Quốc Xã, chữ thập ngoặc trên ve áo. Hoàn toàn hợp pháp: họ cũng đang mua trang bị, và dàn xếp những vụ vay mượn dầu lửa (oil loans), cùng với Ngân Hàng Chase, và rất nhiều ngân hàng khác. Cha tôi nhận ra một người, vốn là bạn làm ăn rất thân, nhưng ông đã không liên lạc kể từ năm 1933 khi Hitler lên cầm quyền. Thế là cha tôi thẳng thừng xé nát mẩu giấy, rồi thả những mảnh vụn xuống sàn. Ông đứng dậy, đi vào nhà vệ sinh; người đàn ông đang đợi ở đó, ông ta nắm lấy cha tôi, và nói, "Dù muốn hay không, tốt hơn ông hãy lắng nghe tôi. Tôi không thể chi tiết. Tôi không biết tí gì. Chúng tôi sẽ vô nước Pháp, đầu hôm sớm mai." (Đó là năm 1940). "Bằng mọi giá, đưa gia đình ông đi ngay" (12).

 Đây là một tay chóp bu, của xí nghiệp quan trọng nhất về điện khí ở Âu Châu, hãng Siemens. Cuộc họp về "giải pháp chót" (the final solution: tận diệt dân Do Thái. CTND), chưa xẩy ra. Nhưng ở Ba Lan, những vụ tàn sát diễn ra rồi, và giới chóp bu Siemens đã biết một điều gì. Họ không biết chi tiết, bởi vì bạn sẽ bị bắn bỏ ngay lập tức, nếu bạn xin nghỉ, và nói về chuyện đó; nhưng tin tức này luồn lách qua đám chỉ huy cao cấp, qua những nhà ngoại giao, và người đàn ông này, cám ơn Trời, đã tin, và cha tôi, đã tin ông ta.

 Cha tôi liên lạc với thủ tướng, và xin ông cho phép gia đình được tới với ông một thời gian, vì cuộc thương lượng kéo dài hơn là cha tôi thoạt đầu nghĩ. Thủ tướng nói, "Được thôi, lẽ dĩ nhiên, hãy để cho gia đình tới với ông". Gia đình tôi được cứu thoát là nhờ vậy. Chúng tôi thoát ra trên những chiếc thuyền Mỹ cuối cùng.

 Câu chuyện này sẽ có một lý thú đáng kể, với những sử gia, bởi vì đầu năm 1940 – người Đức tới tháng Năm mới "vô", trong khi chuyện xẩy ra, là vào tháng Giêng – một nhân viên cao cấp Đức đã biết một điều gì đó.

 -Rồi thì gia đình ông đi đâu?

 -Tới Nữu Ước. Cha tôi quyết định, ít ra ông phải có một cử chỉ làm tin, với nước Mỹ, với cơ may dị kỳ của chúng tôi. Ông gửi tôi tới trường Horace Mann; tôi, một học sinh Pháp 11 tuổi, khó chịu, ngạo mạn, được rèn luyện quá chu đáo, tiếng Anh làu làu. Sau hai năm, cha tôi kéo tôi ra, gửi tới một trường trung học Pháp.

 Một bữa, chúng tôi đụng độ với Horace Mann, trong một trận túc cầu, và họ đã mang tới cả một giàn, nào trang bị, nào đồng phục, trong khi chúng tôi chẳng có gì. Chúng tôi đã "giần" cho họ một trận để đời. Chúng tôi chơi lận, theo kiểu liều mạng, nhưng bữa đó, từ Riverdale trở về nhà, là chiến thắng!

 -Tôi chưa hề biết, ông đã là một cầu thủ. Ngoài ra, trường Tây đó còn gì khác nữa?

 -Lẽ dĩ nhiên, tôi đã là một cầu thủ đá banh. Tôi đã là Tây (I was French). Trường Tây là một "bước ngoặt lịch sử", đối với tôi. Do chính quyền Vichy cai quản. Một vài giáo sư là dân tị nạn, loại thiên tài, tất cả đều cố kiếm tí cháo trước khi vớ được một chân tại đại học Mỹ. Vậy là tôi đã gặp gỡ với những ông hoàng của văn hóa tị nạn Âu Châu, và đó là nơi tôi khám phá ra thiên hướng (vocation) của mình.

 -Ông có trở lại Pháp không, sau khi tốt nghiệp?

 -Chúng tôi trở lại căn nhà cũ, cố nhặt nhạnh đồ này thứ nọ, cố tìm xem ai còn sống, ai đã mất. Thư viện của chúng tôi được chôn giấu, và còn nguyên. Tôi đã tính cứ để cho cuộc đời đưa đẩy, và trở thành một thứ quan viên Tây (a French mandarin). Tôi chẳng có một quan niệm, rồi đời mình sẽ như thế nào. Nhưng ông già khôn hơn nhiều, và - "nói theo nghĩa đen" - ông đã tóm cổ thằng con, dọng cho một trận, rằng mày phải vào đại học Mỹ, bởi vì tiếng Anh là ngôn ngữ của tương lai. Thế là tôi được nếm mùi, cái gọi là "tuần lễ huấn nhục" (orientation week), ở đại học Yale.

 -Bọn họ có "choảng" cho ông một trận không?

 -Không, nhưng một đứa nhỏ trường Tây, từ những năm trước đó, đã tới phòng tôi, và cho biết về tình trạng Do Thái ở Yale. Căng như thế nào, bị cô lập ra sao. Hãy nhớ là, đó là năm 1948; không giống như bây giờ. Thế là tôi trở lại Nữu Ước, một thân một mình. Tờ báo Time hồi đó, có một bài viết trang bìa, về một người có tên là Robert Maynard Hutchins, theo bài viết, bạn có thể lấy mảnh bằng cử nhân tại Đại học Chicago, tùy theo sức của bạn. Tôi viết cho ông ta, "thư của một cậu bé", và nhận được điện tín của ông, nói, cứ việc tới trình diện.

 -Vậy là ông tới Chicago?

 -Bằng cử nhân thông thường gồm 14 môn học, và bạn có thể thi tốt nghiệp bất kỳ môn nào, ngay khi nhập học. Nếu được điểm A, bạn khỏi cần học môn đóù. Tôi thi tất cả 14 môn, đậu 10, còn 4 môn bị điểm E trừ – dưới cả điểm loại – về vật lý, hóa học, toán, và một môn có tên là "nghiên cứu xã hội" (trước đó tôi chưa hề nghe nói đến từ này). Thế là tôi phải học mấy môn đó, và tôi đã trải qua một đoạn đời kỳ ảo. Chúng hoàn toàn mới mẻ. Một thế giới mở ra đối với tôi.

 -Ông là sinh viên chưa tốt nghiệp tại đó trong bao lâu?

 -Tôi lấy cử nhân trong một năm, và rồi tôi phải đi gặp một chức sắc được gọi là cố vấn cho sinh viên tốt nghiệp, về chuyện học khoa học. Một chức vị lạ hoắc đối với Âu Châu. Ông này là một tổ sư toán, tên là Kaplansky. Sau khi đọc thật kỹ những bài thi của tôi, ông phán, "Nói theo tính cách kỹ thuật, anh là một thằng ngu; anh chẳng biết gì hết. Cái học Âu Châu ghê gớm của anh cho thấy, anh học thuộc lòng mọi thứ, nhưng chẳng có một tia lửa nào bắn ra, nếu nói về một hiểu biết tiến trình toán học - nó cho phép anh xứng đáng bước vào khoa học". Tôi chẳng bao giờ tha thứ cho ông ta, và nhiều năm sau đó, tôi xoay sở đăng được một bài viết nho nhỏ về lịch sử một vấn đề mang tính toán học, trên tờ Tự Nhiên (Nature), một tờ báo khoa học tối thượng trên thế giới, và gửi nó tới cho thầy Kaplansky, lúc này đã nghỉ hưu.

 -Ông ta có trả lời hay không?

 -Trả lời bằng thư. "Cám ơn ông về bài viết thú vị. Tôi chẳng ân hận gì hết, về cái phần đóng góp của mình, vào lịch sử văn chương." Tôi thật "mê", câu trả lời.

 -Thế là sau đó, ông quay qua văn chương?

 -Tôi học văn chương với Allen Tate, triết với Richard McKeon. Giữa hai người, tôi không thể quyết định mê thầy nào hơn thầy nào. Tôi mê cả hai. Nhưng rồi, [đại học] Harvard liên lạc với tôi, về một chỗ học cao học, và tôi đã phạm một lỗi "dởm", là la lên rằng, "Ôi chao, Harvard", sao tôi lại ngốc đến thế.

 -Harvard liên lạc với ông? Lúc đó họ đã biết ông rồi à?

 -Một người nào ở đó bảo họ, rằng tôi là một sinh viên xứng đáng nhận vào môn văn chương so sánh, thế là cái linh hồn bé bỏng, hợm hĩnh, ngu si của tôi mắc bẫy. Tôi thật hạnh phúc ở Chicago, và say mê quan hệ với trường. Tôi tới Harvard, và chỉ vài tuần là biết ngay mình lầm: cái không khí hàn lâm ghẻ lạnh, sự kiện là, nếu bạn không học ban cử nhân ở Harvard, thì chẳng có ai thèm biết đến bạn. Đây là một trong những thời kỳ u ám nhất trong cuộc đời của tôi. Nhưng tôi có cái liều, từ Illinois xin học bổng Rhodes Scholarship thông qua trường Chicago. Tôi viết thư cho viện trưởng Hutchins – đúng là liều bình phương, liều lũy thừa – và nói, đã lâu lắm chưa có sinh viên nào được Rhodes, và tôi có thể dành một học bổng cho ông. Ông ta thấy lý thú quá đến nỗi chịu làm một trong hai người đề cử tôi.

 -Làm thế nào ông thắng?

 -Cú thắng này rất ly kỳ, gây ám ảnh, đến nỗi cho tới bây giờ tôi vẫn còn đôi chút hoang mang. Họ phỏng vấn bạn, mãi khuya lắc khuya lơ, tại một câu lạc bộ đồng quê. Giống như đối với nhân viên bộ ngoại giao. Họ gọi tôi vào phòng, cùng với một người vào chung kết khác nữa, anh này có ngôi sao vàng trường võ bị West Point trên cổ áo, và là một tay thủ quân của hai đại học; họ nói, sẽ là "một trong hai anh. Các anh có mười phút để sửa soạn một phát biểu ngắn gọn trước tiểu ban, cho biết quan điểm của mình, về trường hợp Hiss." [Hai vợ chồng bị kết tội gián điệp, trao tài liệu nguyên tử cho Nga]. (Đó là tháng Chạp 1950, giữa phiên tòa sử lần đầu, và lần thứ nhì). Anh chàng hào hoa phong nhã được gọi vô trước, đứng nghiêm chào kính, và nói, "Xin lỗi, tôi xin được không trả lời câu này, với tư cách là một sĩ quan tương lai, vì vụ án còn đang tái thẩm". Tới lượt tôi, chẳng mảy may ngần ngại, tôi khai triển câu trả lời dài của mình: Tôi tin tưởng, một cách say mê, rằng bà ta mới là bên phạm tội, và ông ta đang hành sử quyền khai man trước tòa một cách ngược ngạo, để bảo vệ bà ta. Tôi khai triển nó vượt quá cả mọi hiểu biết, nhưng họ hoàn toàn bị đưa vào mê hồn trận.

 Rồi họ nói với tôi, "Bây giờ, chúng tôi muốn cho anh học bổng, nhưng vì trở ngại thể chất của anh, không có một môn thể thao nào. Anh có mê một môn nào không?" "Ngoại trừ cờ tướng ra," tôi nói, "tôi còn mê bóng đá Mỹ (American football)." Họ đưa cho tôi cục phấn – chuyện này tất cả đều thực - và hỏi, tôi có thể chỉ cho họ, sự khác biệt giữa split-T, T, và một đội hình đơn-cánh (a single-wing formation). Tôi nói, "Chuyện dễ ợt", và tôi cứ thế bắt đầu, và họ nói, "Được rồi, anh được học bổng." Câu chuyện thực hoàn toàn là như vậy.

 Người phỏng vấn: Ông vẫn còn là một ‘si khách’ (a fan) của môn bóng bầu dục chuyên nghiệp (professional foobal)?

 Steiner: Vâng, và của bóng bầu dục đại học nữa. Tôi vốn hay đi coi những trận đấu của [trường] Notre Dame, và Michigan State, ở ngoài Chicago. Tôi [lúc này] nhớ chúng lắm, đành phải theo dõi trên TV. Tôi mê mệt sự tinh tế của cái đầu, và sự kết hợp xã hội phức tạp của môn bóng này. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật: đó là lý do tại sao tôi trở lại Anh Quốc.

 -Sau khi học Oxford, ông làm việc với tờ Người Kinh Tế (The Economist). Công việc thực sự của ông ở đó là gì?

 -Viết, viết, viết, và viết. Tôi trải qua bốn năm tuyệt vời với tòa báo. Đầu tiên, về khối Liên Minh Đại Tây Dương (NATO) và Tây Âu, và rồi, Mỹ. Nhân một tin chuyện (a story), tôi được tòa báo cử qua Mỹ, để viết về Uỷ Ban Nguyên Tử Lực, trong đó có cuộc phỏng vấn nhà bác học Oppenheimer tại Viện Nghiên Cứu Cao Cấp (the Institute for Advanced Study) ở Princeton. Vừa thấy mặt tôi, ông đã nói, ông không thể tin, người thư ký của ông lại cho cái hẹn này; rồi ông giao hẹn, chỉ ba phút thôi; rằng ông còn nhiều chuyện tốt hơn để làm, đâu có thì giờ thừa thãi ‘hầu chuyện’ mấy anh nhà báo. Sau đó, ông làm tới, xát xà- phòng một mách, về ‘cái gọi là báo chí’; thế là tôi phản pháo, "Nếu ngài tỏ ra ‘trắc ẩn’ một chút xíu, về ‘cõi báo đời’, biết đâu lại có một tin chuyện hay, cũng nên!" ("Perhaps, if you were a little more humane about it, we’d get the story right.") Thế là ông bật cười ha hả.

 Vậy là, tôi đi ăn trưa với George Kennan, và Erwin Panofsky, và vị học giả lớn lao về Plato, Harold Cherniss. Sau đó Cherniss mời tôi tới văn phòng đẹp tuyệt vời của ông, và trong khi chúng tôi ngồi bàn gẫu, Oppenheimer vô phòng, ngồi bàn đằng sau chúng tôi. Đây là một trong những mánh ác độc, trí xảo nhất (one of the most cruel, brilliant tricks): nó cho phép tay chơi mánh làm chủ tình hình, trong khi những kẻ bị hỏi chuyện không thể nhìn thấy anh ta, và đành chịu trận. Oppenheimer là một bậc thầy của những cú diễn xuất như vậy. Cherniss lúc đó đang chỉ cho tôi, cách ông biên tập, cố trám vô một đoạn tác phẩm của Plato bị tàn khuyết. Khi Oppenheimer hỏi tôi, sẽ sử sự như thế nào, với một đoạn như vậy, tôi bắt đầu lắp bắp, và ông nói, "A, vậy là ngu lắm. Một bản văn lớn phải có chỗ trống." May phước làm sao, tôi hết chịu nổi: "Trong đủ thứ thùng rỗng kêu to, đây là thứ nổ lớn nhất," tôi nói. "Thứ nhất, đây là trích dẫn Mallarmé, và một người như ngài, chắc hẳn phải biết. Thứ nhì, đó là thứ nghịch lý ông có thể đùa giỡn mãi, cho tới khi trâu bò về chuồng. Nhưng khi biên tập một bản văn của Plato cho thường nhân như chúng tôi, tôi sẽ đội ơn vô cùng, nếu các khoảng trống được điền vô." Oppenheimer phản công cũng thật ‘tuyệt cú mèo’, "Không, chính với triết, bạn phải biết rành hơn thơ. Cái thiếu tiềm ẩn là mầm gây biện luận. ("No, precisely in philosophy you should know more than in poetry. It is the implicit missing that stimulates the argument.")

 Đúng lúc đó, người thư ký của ông bước vô, cho biết xe tắc xi của tôi đang đợi. Oppenheimer đi kế bên tôi, với lối đi nổi tiếng của ông, và hỏi tôi đã lập gia đình chưa; vẫn trong trạng thái ngất ngư ở trên đỉnh, "mới đây thôi", tôi trả lời; ông quạt tiếp, "mấy con?" "À, chưa, chưa có, chúng tôi vừa mới lấy nhau." Ờ," ông nói, "hay lắm; việc nhà ở dễ lo hơn." Cách tôi nhập Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Princeton là như vậy đấy. Tôi là người đầu tiên, và quá trẻ trong ngành nhân văn, được mời nhập viện.

 -Như vậy là ông từ bỏ tờ Người Kinh Tế và trở lại Mỹ?

 -Tay chủ bút của tôi ở Luân Đôn năn nỉ tôi đừng đi; ông vạch ra rằng, bây giờ họ cho tôi có thời giờ viết lách ngay cạnh Thư Viện Luân Đôn, công việc ở tờ Người Kinh Tế chủ yếu chỉ mất có 3 ngày 1/2 mỗi tuần, và tôi có thể làm việc riêng. Đó là truyền thống văn nhân ở Anh. Nhưng Oppenheimer có nói với tôi, đừng mong làm bán-thời gian mà đẻ ra được những cuốn sách tốt. Câu nói như lưỡi sao sắc cắt lịm người tôi. Thực vậy chăng? Bây giờ thật khó mà nói. Nhưng lúc đó, nó cắt tôi, ngọt lịm: tính quyền uy của người nói ra câu đó, sức thu hút, sự khinh miệt rất ư xác đáng, của một nhận định như thế. Bởi vậy, tôi chấp nhận.

 -Tại sao sau đó, ông quyết định trở lại Âu Châu?

 -Đây thực sự là câu hỏi trung tâm, về toàn bộ con người tôi, toàn bộ công cuộc của tôi. Trước hết, hãy cho tôi làm sáng tỏ một điều, vốn thường rất bị hiểu lầm, hoặc được nói tới theo kiểu ngốc. Món nợ của tôi với Hoa Kỳ thực là lớn lao. Quốc gia này đã cứu cuộc đời chúng tôi, vào năm 1940, không chỉ vậy; nó còn cho tôi nền học vấn, quốc tịch Mỹ của nó, và học bổng Rhodes. Vợ tôi là người sinh đẻ ở Nữu Ước; con cái của tôi, chúng đều là những nhà khoa bảng trẻ ở Hoa Kỳ. Trong 27 năm, tôi là người phê bình cho tờ The New Yorker (Người Nữu Ước). Hàng năm, tôi tới Hoa Kỳ chừng vài lần, để thuyết trình, giảng dậy, và gặp gỡ gia đình và bè bạn.

 Tuy nhiên, cũng hoàn toàn thực, là tôi muốn sống và làm việc ở Âu Châu. Công việc của tôi bám quanh một điều kiện đa ngôn ngữ. Điều quan tâm số một của tôi, có lẽ là câu hỏi về mối tương quan, giữa chúng ta và ngôn ngữ của mình; mối tương quan nội tại của chúng ta, với những ngôn ngữ mà chúng ta nói, và điều kiện của người đa ngữ, vốn là điều kiện không hiếm hoi gì, ngược hẳn với vô số lập luận ngu si. Tại Thụy Điển và Phần Lan, đa số dân chúng trưởng thành hoàn toàn trong cái nôi hai ngôn ngữ. Tại một thung lũng ở phía bắc nước Ý, người ta nói tiếng Ý, tiếng Đức, và phương ngữ (local dialect). Trên thế gian này, ở nhiều nơi, con người sinh ra trong cái nôi đa ngôn ngữ. Đối với tôi, chuyện này là cơ bản. Tiếng Pháp, tiếng Đức, và rồi tiếng Ý – được thêm vô sau đó: tôi sống trong chúng, tôi viết trong chúng, tôi nằm mơ trong chúng. Điều đơn giản đối với tôi là Âu Châu ban cho hoàn cảnh khả dĩ đa ngữõ. Đặc biệt ở Geneva, trong cuộc sống của tôi ở Pháp – cái phần hoài hoài trong hiện hữu của tôi; tôi tiếp xúc với nhiều tầng lớp của bản thân, [trong khi] ở Hoa Kỳ đơn ngữ tôi không thể có được.

 Thứ nữa, tôi tuyệt đối bị mê hoặc bởi lịch sử, bởi tính cổ xưa của những đô thị và phong cảnh Âu Châu. Tôi chẳng bao giờ có thể, chẳng bao giờ có đủ thông minh, để đáp ứng với những không gian rộng lớn của hoàn cảnh Mỹ. Vứt tôi tại bất cứ một xó xỉnh Âu Châu, là tôi có thể nói cho bạn biết, trong phạm vi chừng vài cây số, xó xỉnh này thuộc về xứ nào: cái mùi, cái giọng nói, những cái tên, ánh sáng trên cây, trên tường những căn nhà. Mật độ huy hoàng và bi đát của hiện hữu, áp lực hiện hữu được cảm nhận (this pressure of felt being), đối với tôi, đây đơn thuần là bản năng, ta không lý luận về nó. Toàn phần cung cách con người tôi, dường như tuyệt đối là vậy.

 Nhưng tất cả những điều đó thực sự chỉ là mặt nổi. Có một lý do cơ bản, bất di bất dịch. Nó là một giai thoại, và là phần số [đối với tôi]. Heidegger nói một cách hung hãn, rằng giai thoại là kẻ thù của lý trí. Phải, trong một cung cách, nó là như thế, nhưng tôi đành chịu tội [là kẻ thù của lý trí]. Tôi là một người kể chuyện, và tôi mê chuyện. Thời gian đó, tôi có hai cháu, trước mắt chẳng biết kiếm đâu ra tiền, lại mới bậm vô một công việc cô đơn, là [tác phẩm] Sau Babel; hai đại học Mỹ tỏ ra thật rộng lượng, mời tôi phụ trách môn văn chương so sánh. Thế là tôi vù đi gặp cha tôi, lúc đó bịnh quá rồi, tại Nữu Ước. Chúng tôi tới một quán mà ông rất thích ngồi, Căn Phòng Sồi (the Oak Room) ở Plaza: một nơi mang chất Âu Châu tuyệt vời, và cũng thật cổ kính. Vẫn cái bàn ông đã từng ngồi, lần đầu tiên, vào năm 1924, khi ông viếng thăm nước Mỹ. Tôi xin ý kiến của ông. Tôi liệt kê lợi thế của đại học A, so với đại học B, ông rất lịch sự lắng nghe – ông là một người rất nghiêm khắc, khó khăn – và ông nói, tôi mới là người quyết định, lẽ dĩ nhiên; và rồi, sau một hồi lặng thinh, ông nói, "Thật là buồn, Hitler đã thắng." Điều ông muốn nói, là Hitler đã thề, rằng Âu Châu sẽ sạch bóng Do Thái, rằng sẽ không có một mống Steiner nào ở đó nữa. Ngay đêm đó, tôi điện thoại cho nhà tôi, nói, thà tôi là một giáo viên, một công nhân hãng xưởng, bất cứ một giống gì ở Âu Châu, còn hơn là lại phải nghe một lời khinh miệt như vậy của cha tôi. Tôi không thể chịu nổi. Làm sao tôi đủ sức chịu nổi cả ‘một trời khinh miệt buồn bã’ (the immense world of sad disdain), qua nhận xét đó. Tôi biết là cha tôi đúng. Ông đã hy sinh đời ông để cứu chúng tôi, để cố gắng cứu những người khác, và con trai của ông không bị đẩy ra khỏi đó, trong bất cứ một tình huống nào.

 Tôi là một người của hồi nhớ. Ở trung tâm tác phẩm của tôi, là toan tính: tới sau Lò Thiêu, theo nghĩa văn học, dưới góc cạnh văn hóa, triết học. Được ở lòng vòng đâu đó, với tất cả những cái bóng, những hồn ma và tro than, những thứ đó thì đầy rẫy ở đây [Âu Châu]. Điều này có phần phi lý; những người biên chép vĩ đại - như Raul Hilberg, Elie Wiesel – đã chọn làm điều này, từ một căn cứ Mỹ. Còn tôi thường xuyên trở về những nơi chốn người thực việc thực. Tôi cũng thường trở lại cái làng của cha tôi ở Tiệp Khắc. Tôi đã tới những trại tù. Tôi cứ trở lại hoài - hầu như do bản năng - với ngôi trường của tôi ở Paris. Trong lớp học của tôi hồi đó, chỉ có một đứa trẻ Do Thái sống sót, cũng là do may mắn, may mắn thuần tuý. Âu Châu dường như là nơi tôi phải ở để làm công việc của tôi, giảng dậy, và suy nghĩ.

 -Có bao giờ ông nghĩ tới chuyện sống ở Israel?

 -Có những buổi sáng, ở Jerusalem, tôi tự hỏi chính mình, "Tại sao mi không ở đây?" Với tôi, nó là một câu hỏi thật phiền nhiễu, và cũng thật khẩn cấp. Trọn đời, tôi luận chiến chống lại [chủ nghĩa] Zionism, bởi vì tôi chán ghét chủ nghĩa quốc gia, bởi vì tôi là một thứ tự kiêu về sắc tộc. Tôi là một kẻ phân biệt sắc tộc tới chân răng kẽ tóc, ‘theo một nghĩa đạo hạnh’ [của từ này]. Nói vậy có nghĩa, với tôi, sự kiện, rằng một người Do Thái phải tra tấn một con người khác, như trong trường hợp công an mật vụ Israel đã làm, là ‘để sống sót’: một điều tôi không thể sống nổi với nó, theo một nghĩa thuần lý. Dường như đối với tôi, nó là một điều quá kinh khủng. Nếu có ai hỏi tôi, tại sao lại như thế - mật vụ Do Thái tra tấn người tồi tệ hơn bất kỳ một người nào khác [tra tấn người] - tôi sẽ nói là đối với tôi, nó tồi tệ vô cùng. Chúng tôi là những con người, bởi sự bất lực của chính mình, bởi chính mình bị săn đuổi, nên có cái đặc quyền và tính quí tộc phi thường, là không tra tấn ai, là không làm cho người khác trở thành kẻ không nhà.

 Nhiều năm trước đây, tôi chui vô đứng phía sau những thính giả trong một buổi thuyết giảng của Edward Said, ở đại học Columbia. Chúng tôi chỉ biết mặt nhau; ông ta thấy tôi, và làm ra vẻ không nhận ra, ông nêu lên cuốn sách kiệt xuất của Martin Buber, Tôi và Người (I and Thou), và nói: "George Steiner có thể sẽ thú vị, khi biết rằng cuốn sách này được viết ra, trong căn nhà mà cha mẹ tôi và tôi đã bị tống ra khỏi, vào một đêm nào đó, (tôi nghĩ), đó là vào năm 1948. Và tôi hiểu ra một điều, ông ta đã thắng, theo một đường hướng khủng khiếp, theo một đường hướng hầu như siêu việt, đặc quyền chế nhạo, móc họng đó. Chúng tôi, những người Do Thái chưa hề là đề tài của sự móc họng như vậy, bởi vì sự bất lực, theo một nghĩa ngược ngạo. Nhưng với tôi, cây có rễ, người có chân, và đây là một lợi thế lớn lao vô cùng. Chúng ta là những vị khách, lẫn nhau, vì nhau, khi chúng ta di động trên mặt đất. Viễn ảnh này, về Do Thái giáo, chạy từ Jeremiah tới Trotsky, một trong những khuôn mặt vĩ đại nhất khác nữa của chủ nghĩa quốc tế Do Thái – Trotsky, kẻ tiên tri; Trotsky, một người đã tin tưởng rằng mọi biên cương sẽ bị bãi bõ; kẻ đã chết vì một cái rìu bổ băng, tại Mexico, sau khi bị săn đuổi suốt hai mươi xứ sở. Hiện ắt phải còn một vài người Do Thái không thực tế đến mức phi lý, còn sót lại trong cái thế giới bóng đen vĩ đại Âu Châu, họ ít ra cũng còn tưởng nhớ đến một nền văn minh còn vang bóng. Theo nghĩa đó, tôi giản dị không có đặc quyền, hay khả năng, hay tài năng để góp phần vào cuộc sống Mỹ, như là tôi cảm nghĩ tôi có thể, với cuộc sống ở Âu Châu.

 Người phỏng vấn: Nhưng chắc chắn có điều gì liên quan tới tính cách của cuộc sống trí thức và văn chương Mỹ, và nó làm ông giãn ra.

 Steiner: Vâng. Tôi viết một tiểu luận được tái đăng nhiều nhất và bị ghét bỏ – trong số những gì tôi viết, đây có lẽ là bài bị ghét bỏ nhiều nhất – tên là "Thư Khố Vườn Địa Đàng" (The Archives of Eden), trong đó tôi dướn mãi cổ lên mà nói rằng những bảo tàng viện, thư khố, những viện nghiên cứu, đại học Mỹ sẽ là trung tâm của thế giới văn hóa, sống nhờ nghệ thuật, triết học, siêu hình học của Âu Châu. Nói vậy có nghĩa, rằng những Wittgenstein, những Heidegger, những Sartre của trái đất này sẽ vẫn tiếp tục tới, từ một Âu Châu tự sát, bị moi ruột, tan hoang rã rời; rằng tác phẩm loại nhì - chứ không phải loại nhất - đang làm đầy văn hóa Mỹ, và cứ thế tràn lan ra mãi; rằng de Tocqueville đã đúng, khi ông nói về một chủ nghĩa đồng hạng sâu xa, cố hữu, (a deep inherent egalitarianism) ở trong những hy vọng của tâm hồn Mỹ; rằng cái thứ công lý xã hội và chủ nghĩa đồng hạng, và phép lịch sự (decency) – hãy gạch dưới từ này bằng tám cây bút chì đỏ! – trớ trêu làm sao [lại tỏ ra] thù nghịch với một vài phẩm chất triết học dứt khoát thuộc loại thượng hảo hạng và có lẽ [thù nghịch cả với] sáng tạo nghệ thuật.

 Về chuyện này, những người Mỹ sẽ nói, đúng thôi, rằng họ đang dẫn đầu thế giới, về vũ ba lê. Tôi không phải là một ông tòa, nhưng tôi hoàn toàn chiều theo một nhận định như vậy – hay là một nhận định cho rằng hiện nay có một vài nhà soạn nhạc rất tốt: không phải một Schoenberg, không phải một Bartok, không phải một Stravinsky, nhưng một người nào đó, quan trọng cỡ Elliot Carter hay là Aaron Copland. Lẽ dĩ nhiên, lên danh sách kiểu này thật là ngu xuẩn, và chẳng dẫn tới đâu. Đây là một câu hỏi về linh cảm, về bản năng. Có thể tôi lầm, nhưng tôi vẫn chưa thấy rằng mình được thuyết phục. Báo chí Âu Châu sẽ vẫn đưa lên trang nhất, một biến cố triết học, hay một cuộc tranh luận, hay là cái chết của một tư tưởng gia xuất sắc. Không gian như có dây tơ, réo rắt điệu vũ tư tưởng (There is a density to the atmosphere, a vibrato of ideas).

 Hãy cho tôi trình bầy theo kiểu khác. Từ mút phía tây Portugal tới St. Petersburg, bạn có những "cafés", nơi bạn có thể tới vào buổi sáng, kêu một ly cà phê, hay một ly rượu chát, suốt ngày đọc những tờ báo trên thế giới, chơi cờ, hay viết lách. Thư mục về những cuốn sách tuyệt vời, viết ở quán cà phê, thì thật là khổng lồ. Có những người luôn luôn làm việc theo kiểu này, và rất khoái như vậy. Bạn không thể có những quán cà phê như thế ở Moscow, một thành phố ở biên cương Á Châu. Đường ranh có thể sẽ thật rạch ròi: Odessa có lẽ là giới hạn chót của "café". Tôi thuộc loài "café’, không phải loài tiệm rượu (pub creature). Quán rượu Anh là một con vật hoàn toàn khác biệt, và "bar" Mỹ lại càng là một con vật quá đỗi khác biệt. Tôi ở nhà, tại bất cứ nơi đâu, ở Âu Châu, bởi vì ngay lúc tôi vào quán cà phê, hoặc là có một bàn cờ, thách một người khác, hoặc gọi báo đọc, những tờ báo gắn vào những thanh gỗ cổ kính, khi đọc ta phải cuốn cho tròn. Đó mới là thứ xã hội bình đẳng nhất trên thế giới, bởi vì chỉ cần trả một ly cà phê hay một cốc rượu chát là bạn mua được cả một ngày ngồi bàn, viết lách, làm bất kỳ chuyện gì. Sau những bài giảng của tôi ở Geneva, những sinh viên của tôi biết rất rõ, tôi sẽ ngồi ở đâu để uống ly cà phê thứ nhì buổi sáng, hay là một cốc rượu vang trắng, họ có thể tới, và tán gẫu với ông thầy. Đó mới là nơi cuộc sống trí thức sáng ngời.

 Đó là những vấn đề gai góc; thật chẳng có cách chi để mà ‘cò kè’, với những đam mê, hoặc những lỗi lầm nghiêm trọng của mình. Con cái tôi, chúng sẽ nói Mỹ là tương lai, và có thể đã là hiện tại. Chúng đã chọn lựa, tôi tự hào về chúng và rất vui được thường xuyên viếng thăm. Nhưng hồi ức thì thật là mãnh liệt, cái học Tây, còn đầy. Tại sao tôi không đi về thiên đàng? Rõ ràng là, tôi tới thiên đàng vì những lý do đạo đức, nhưng còn có những lý do rất ư thực tế nữa: "Tôi đã ở thiên đàng rồi." Thiên đàng là gì? Là Phòng Trưng Bầy Tranh (Galleria) ở Milan. Tôi đang ngồi với ly phê cappuccino, thứ thiệt, trước mặt tôi là (tờ báo) La Stampa, là (tờ báo) Frankfurter Allgemeine, tờ Thế Giới (Le Monde), và tờ Times. Trong túi tôi là chiếc vé đi coi La Scala, và mũi tôi thì ngào ngạt chừng cả tá mùi vị thật khó phân biệt tại Galleria này: mùi sô cô la, mùi bánh nướng, mùi sách vở của chừng 20 tiệm sách (những tiệm sách thuộc loại số một trên hoàn vũ), tiếng chân người bước về phía hí viện (oprea), hay những rạp hát tối nay; cung cách Milan rung lên quanh bạn. Tôi đang ở thiên đàng, bởi vậy tôi đâu cần một thiên đàng thứ nhì nữa.

 
Trung Tâm Lincoln không giống như vậy, đối với tôi. Tôi yêu và chiêm ngưỡng "the Met" [The Metro Museum of Modern Arts, Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại Nữu Ước], nhưng vấn đề không phải như vậy. Chúng ta là những sinh vật phức tạp và mảnh đất nội, cảnh thổ của toàn bộ con người tôi, là Châu Âu, và có thể, có lẽ – tôi biết chứ – đó là cảnh thổ của một Châu Âu đã mất rồi.

 -Nơi nào trên thế giới hiện nay, có thứ viết lách hạng nhất?

 -Đông Âu, và Mỹ Châu La Tinh, theo tôi nghĩ, hầu như chẳng chút nghi ngờ. Viết lớn, nghĩ lớn [thường] nở rộ dưới sức ép. Suy tư là một công việc cô độc, ung thư, cõi riêng, khật khùng: khả năng tập trung sâu thẳm, xoáy mãi vào bên trong. Rất ít người biết suy tư: suy tư tập trung thực sự là điều khó nhất trên đời, và nó lợi vô cùng, nhờ sức ép. Được hỏi về sự kiểm duyệt Ca-tô giáo, Joyce nói, "Cám ơn Trời, có nó. Tôi là trái ô-liu, hãy vắt tôi đi." Được hỏi tại sao không rời bỏ thành phố Buenos Aires nguy hiểm, thời kỳ Peron đang nắm quyền, đổi lấy một địa vị ở đại học Harvard, nhà văn, nhà thơ mù Borges mỉm cười nói: "Kiểm duyệt là mẹ của ẩn dụ". Không phải tôi nói ra những điều này, mặc dù tôi bị tấn công rất nhiều vì chúng; đó là những con sư tử, đó là những con người biết suy tư là cái giống gì, và biết thế nào là thứ viết lách loại tối hảo.

 Có lẽ trong một thời gian, vẫn có những thứ viết ghê gớm, từ những quốc gia mới được tự do. Nhưng nó nhạt nhòa tức thì. Jackie Collins đang làm đầy những khung cửa sổ mà Tolstoy, Dostoevsky, và Gogol đã có lần làm đầy. Những người trẻ nói, "Hãy cắt bỏ ba thứ đồ cổ". Họ muốn cuộn băng videocassette vừa mới ra lò. "Văn hóa cao của bạn ghê thấy mẹ", họ nói; ‘người ta tọng vào cổ chúng tôi. Chẳng ai hỏi chúng tôi có ưa Goethe hay là không. Chúng tôi ghê tởm ông ta." Tôi biết điều đó. Tôi không đến nỗi ngu chùm đầu. Trong trường hợp đó, tôi sẽ thấy ngay, mình là loài khổng tượng, một thứ quan viên, phần còn sót lại của một nền văn hóa ưu tú cao cấp. Tôi biết điều đó.

 Nhưng đâu là sự dị biệt thực sự giữa tôi với hầu hết những đồng nghiệp người Mỹ? Tôi có thể kính trọng, và thích hợp, với bất cứ ai, nếu người đó sống niềm tin của mình (anyone who lives his beliefs). Sống niềm tin của mình là một điều rất nguy hiểm. Tôi vừa mới cho xuất bản tại Pháp, một cuốn sách gồm những cuộc đối thoại – về [đề tài] Abraham và Antigone – với một trong những người sống sót lớn lao nhất, sau cùng, thoát khỏi phát xít Pháp, một khuôn mặt rất nổi tiếng, Pierre Boutang, một triết gia cực tả. Chúng tôi khác biệt nhau, về mọi điều, ngoại trừ điều này: sự kính trọng hỗ tương, và khả năng tranh luận (debate) những dị biệt của nhau, bởi vì ông ta đã đem cuộc sống của mình ra để mà chứng minh, còn tôi thì cố gắng sống trọn những điều mình tin tưởng. Điều tôi không thể chịu nổi, đó là một chủ nghĩa bình dân-dân chủ (democratic populism) được rao lên, được mời chào, được tuyên bố, bởi những người bản thân mắc nợ đủ thứ văn hóa cao, những kẻ sống cuộc đời đặc quyền, đặc lợi bên trong những hang động hàn lâm, và cố tình ăn theo cả hai mặt.

 Thời kỳ xẩy ra những vụ rắc rối nổi tiếng 1968 và 1969, tôi có mặt ở vài điểm nóng bỏng nhất – đại học Harvard, Frankfurt – nhưng những sinh viên tuyệt đối kính trọng một người theo Platon không chịu cải tạo (an unreconstructed Platonist), như là chính tôi. Tôi chẳng gặp rắc rối gì hết. Họ thù ghét, họ bất đồng, nhưng họ hiểu rằng tôi say mê thâm chứng chủ nghĩa Platon đó. Họ tới, chỉ để tỏ sự khinh miệt với những kẻ nào muốn tru theo chó sói. Sinh viên có thể nhìn, xuyên qua thói đạo đức giả, như xuyên qua một chiếc ly thuỷ tinh không mờ mờ. Họ biết những kẻ nào chỉ cố làm điều: làm họ hài lòng, làm họ phổng mũi. Bạn không thể ăn theo cả hai mặt. Một người mà cõi mơ, mà tình yêu, mà bực rọc, mà đời thường, mà truyền thông: là Plato, là Bach, là Shakespeare, là Wittgenstein: người đó không thể giả đò: tôi là một loài bình dân. Chính điều này làm tôi buồn nôn. Nếu tôi phải đụng đầu với một người như Camille Paglia, bà cho rằng Jimi Hendrix thì quan trọng hơn là Sophocles, hay là nếu tôi gặp một người thực lòng sống một kiểu sống như thế đó, với tất cả những hiểm nguy của nó, tôi chỉ có việc ngả mũ chào. Tôi có thể không đồng ý với họ. Thí dụ, tôi cũng đã tin, rằng nhạc kim khí nặng và nhạc rock là sự phá huỷ mọi im lặng, mọi hy vọng về niềm trầm lắng, hướng nội của con người. Nhưng nếu có người bảo tôi, rằng họ là tiếng nói của tương lai, rằng họ đang sống điều đó, rằng họ không giả đò làm điều đó từ căn biệt thự mầu trắng có vách bảo hộ, có vườn rộng, được chăm sóc, vậy là có sự kính trọng hỗ tương, không khó khăn gì hết. Tôi phát điên lên, vì thói rởm đời của ngành nghề chúng tôi, thói rởm đời, sự giả hình máu me: vừa muốn lợi dụng hai mặt, vừa muốn chạy tru với lũ chó sói chính phái chính trị, [nguyên văn: PC wolves (những con chó sói chính trị chính phái. PC: politically correct] để được yêu vì.

 -Vậy thì, hãy đồng ý rằng có những tác phẩm lớn. Hãy đồng ý rằng chúng ta có thể nói, một cách thông minh, về những người [được coi là] những nhà văn vĩ đại nhất. Những người viết hảo hạng hiện còn sống, là những ai?

 -Người ta thường lầm lẫn, về điều này, trong thời đại của mình. Edmund Wilson hầu như đã nhận ra điều này, khi cho hai nhà văn lớn kết đôi với nhau: Proust và Faulkner, Yeats và Joyce. Ông ta có cây ăng ten tuyệt hảo hạng. Tôi tin rằng [nếu trong văn học sử], tôi là một cước chú của một cước chú của một cước chú (if I’m a footnote to a footnote to a footnote), thì cước chú đó sẽ là: George Steiner đã tranh đấu rất sớm cho một nhà văn như Paul Celan. Và René Char, người mà tôi tin là một nhà thơ ngất ngưởng chót vót trên thi đàn Pháp, khi thế kỷ 20 này kết thúc. Đây là một vấn đề rất khó. Người nào đọc 10 trang cuốn Toàn Bầy Tuấn Mã (All the Pretty Horses) của Cormac McCarthy, người đó có ấn tượng là một Faulkner tái hiện. Tôi cố đọc lại 10 trang đó: không thể. Bạn bắt đầu bị chết nghẹn vì những máy móc công thức, của một tặng phẩm huy hoàng. Nó là một tặng phẩm không thể ngờ được. Có những trang văn xuôi trong tác phẩm của McCarthy ngay lúc này là một thứ văn xuôi điện giật, hung bạo nhất, phát hiện nhất, được viết ra. Tôi nghĩ là ban giám khảo còn vắng mặt, chưa quyết định. Tôi muốn thử đọc lại McCarthy. Tôi cũng sẽ không đưa ra những bảng danh sách, theo kiểu của Harold Bloom. Tôi thù ghét kiểu thao diễn như vậy. Điều làm tôi hoảngï, là những điểm đặc thù. Trong những tiệm sách Anh, thời kỳ sách tồn kho bán đại hạ giá, cho những cuốn tiểu thuyết đầu tay, là 17 ngày. Vậy thì đâu là cơ may cho một cuốn thuộc loại khó khăn, thuộc loại độc đáo? Làm sao những cuốn sách thuộc loại khó đọc hơn, có thể sống sót, qua cái mùa siêu thị những giá trị văn hóa, khi chúng chiếm một chỗ thật ngắn hạn trên kệ sách, khi không được thổi phồng, thiếu những màn tiếp cận thị trường? Làm sao chúng sống sót sự chuyển kiếp, sách biến thành dĩa, thành CD-ROM, một tân thế giới [của những cách thức, phương tiện] tiếp cận bản văn? Tôi có thể tưởng tượng ra những sách học làm người, những cuốn sách thể thao, thời sự: chúng cứ thế nở rộ. Những cuốn sách hướng dẫn viện bảo tàng, chúng thật quá tốt. Nhưng tôi không chắc, rằng một Proust, một Musil, một Broch, một Faulkner lại có một tí bóng ma của cơ may ở đây. Điều này làm tôi lo. Việc bãi bỏ thời gian cần thiết! (The abolition of the necessary time!). Thời khốn kiếp chi đâu: bạn và tôi, tất cả mọi người chẳng còn một tí thời gian, cho bất cứ một chuyện gì, dù có đủ cả, nào điện thoại, nào điện thư (faxes), nào thư điện tử (E-mails). Chúng ta thiếu hụt thời giờ thực thụ, nhưng quan trọng hơn, thiếu hụt không gian dành riêng cho mình, thứ không gian không bị ai quấy rầy, mà những người trước chúng ta đã có.

 -Ông nói tới máy fax, điện thoại, máy điện toán. Hãy nói về những công cụ của việc viết, và cung cách theo đó, kỹ thuật ảnh hưởng, hay không ảnh hưởng, vào công việc của chính ông?

 -Vâng, tôi say mê tay nghề cụ thể, đích thực của việc viết. Tôi là loài buổi sáng. Tất cả những việc làm tốt nhất của tôi đều nhắm vào buổi sáng, đặc biệt lúc sáng tinh sương, khi cái đầu của tôi, và tính mẫn cảm tỏ ra hữu hiệu nhất. Tôi đọc và ghi chú vào buổi chiều, rồi sau đó, phác họa bản viết dành cho sáng hôm sau. Buổi chiều là thời gian để nạp điện. Tôi viết bằng những cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ. Tờ Tạp chí Paris (The Paris Review) có một sưu tập lớn nhất về ba chuyện thông cảm như thế này, trong bất cứ lần in ấn nào. Thực hết sức phi lý, nhưng tôi mê loại giấy viết khổ lớn; ở Mỹ, họ gọi là khổ "pháp định" ("legal" size). Nó trước đây vốn được bán tại bất cứ một cửa hàng văn phòng phẩm nào, nhưng bây giờ bạn phải đặt trước. Tôi thường đánh máy theo lối xít hàng (single-space), trên những tờ giấy lớn đó, đánh thật dở, đánh đại, chẳng thèm phân đoạn. Đây là thứ ra lò đầu tiên, được đánh máy một cách ngây ngô, cục cằn. Bản thứ nhì sẽ là cách hàng (double-space), bắt đầu dùng loại giấy khổ thông thường, nhưng vẫn còn cả lố những chữ viết tay thêm vô, và những sửa chữa. Vậy là, theo một kiểu tức cười, bản phác thảo của tôi là xít hàng, đánh trên giấy khổ lớn; tôi không biết trò này bắt đầu khi nào, nhưng tôi đã làm vậy trong nhiều, nhiều năm và tôi cứ đi đi lại lại trong căn phòng như một con gà mái mất bầy con, khi không có được cái thứ giấy khổ kỳ cục; một cách nào đó, nó tương xứng với cung cách mà tôi nhìn một vấn đề.

 -Cách ông sửa [bản thảo]?

 -Ở mặt trái, hay ở lề. Bản thảo tiếp theo, vẫn còn rất thô bạo, là cách hàng, vì vậy, tôi sửa ở giữa hai dòng chữ.

 -Ông viết ở đâu, và khi nào?

 -Ở bất cứ chỗ nào. Tôi làm chuyện đó ở phòng khách sạn nếu có máy đánh chữ kế bên. Bây giờ tôi có rất nhiều văn phòng: một cái thật đáng yêu ở Geneva, ở đây, nơi bạn đang ngồi, căn phòng của tôi ở Churchill College [thuộc] Đại học Cambridge, và bây giờ, tôi sẽ xách cái máy đánh chữ tới St. Ann’s College, thuộc Đại học Oxford. Nói theo kiểu đó, tôi thật là may mắn: môi trường chung quanh chẳng làm phiền tôi. Tôi lại lắm thư từ. Và ngay mặt này, tôi đa số viết tay. Tính trung bình một ngày, tôi nhận chừng 10 hoặc 12 lá thư.

 -Ngày đặc biệt, ông viết bao nhiêu thư?

 -Bốn hoặc năm, và trong rất nhiều trường hợp, chỉ là một lời xin lỗi ngắn ngủi, do đã không trả lời. Tôi không làm theo kiểu thiệp in sẵn của Edmund Wilson: "Tôi xin lỗi vì tôi không thể trả lời". Bởi vì tôi viết về quá nhiều điều, bởi vì tôi nhắc tới quá nhiều cuốn sách và những người viết khác, nhận thư hoài, để hỏi tôi tìm cái này cái nọ ở chỗ nào, hỏi kiếm đâu ra để đọc, về một người viết riêng biệt. Những người đó, tôi luôn luôn trả lời. Đây, tôi nghĩ, là một thứ luật đạo đức, đối với tôi.

 -Ông có những nghi thức đặc biệt nào không, khi bắt đầu viết?

 -A, thực sự có chứ. Đúng là một câu hỏi tốt; bạn làm cho tôi nhận ra điều này đấy. Trước khi khởi đầu một cuốn sách mới, hay là một tiểu luận dài, tôi sẽ lấy một trang văn xuôi loại hàng đầu, trong một ngôn ngữ thích ứng, và đọc một cách trầm lắng trước khi khởi sự viết. Nhưng nó sẽ chẳng liên quan tới đề tài tôi viết.

 -Ông đọc lớn đoạn văn đó?

 -Vâng, và hầu như học thuộc lòng - tôi thực may mắn về chuyện này – tôi có thể học thuộc lòng rất nhanh, ngay cả với văn xuôi.

 -Trí nhớ của ông là thuộc loại chụp ảnh (virtually photographic)?

 -Nó được tôi luyện thật kỹ. Chúng tôi khởi sự, khi còn là một đứa trẻ năm hoặc sáu tuổi, trong một trường Pháp, với mười dòng mỗi tuần, về một bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, và cuối cùng là một trăm năm chục dòng mỗi tuần, khi tôi mười bẩy tuổi – chẳng khó khăn gì hết. Tôi vẫn còn thuộc lòng rất nhiều Racine của tôi. Vậy thì vâng, đây là một nghi thức. Sau này, thí dụ, khi tôi đang viết Những Hiện Diện Thực (Real Presences), tôi thường bắt đầu chính mình bằng cách lấy một trang của Coleridge. Nó tác động tuyệt vời lên tôi. Tôi có một ấn tượng, về một âm nhạc của tư tưởng (a music of thought), vượt quá cả tầm mình. Với tiếng Đức, thì thường là một bài thơ, với tiếng Ý, gần như ngày nào tôi cũng đọc Dante. Ông đi cùng với tôi hoài hoài, hoài hoài.

 -Tôi thấy mắt ông sáng rỡ, khi nói về nghi thức của ông; thật ngọt, thật tuyệt. Vậy là cái việc viết sau cùng, thực sự, hoàn toàn đem lạc thú cho ông?

 -Không, không, nhưng tôi thực may mắn. Hành động viết thường làm tôi vui tràn trề. Có những lúc, tôi cảm thấy chết khiếp, khi nghĩ tới thời hạn chót phải đưa bài, nhưng ít khi xẩy ra chuyện này. Một trong những đặc quyền trong 27 năm ở tờ Người Nữu Ước (The New Yorker), là tôi tha hồ, muốn viết về đề tài nào là viết.

 
-Ông có nhờ ai cố vấn, khi đang viết?

 -Không bao giờ. Đó là một lỗi lầm. Tủ sách Đại chúng (The Every’s Library), lần thứ nhất cho ra một bản Cựu Ước, và tôi được yêu cầu viết một lời tựa dài. Mất cả một mùa hè. Tôi không phải là một người rành tiếng Do Thái Hebrew, hay là một nhà học giả về kinh thánh; bây giờ vấn đề tế nhị là gửi mười phóng bản cho những chuyên gia, và nhờ họ chỉ giùm những sai sót tôi đã phạm phải. Có lẽ lần này tôi sẽ làm điều này, một điều trước đây tôi chưa hề làm - với phí tổn của tôi. Đây đúng là đi ngược lại với khuynh hướng làm việc theo trào lưu hợp tác hiện thời. Tôi nghĩ một trang viết - nó hát, nó sống ở trong chúng ta - như vậy phải là một hành động tự biên tự diễn thật hoang dại; thật khùng, nếu tự mình làm tất cả. Thật khùng khi nghĩ rằng bạn có một điều gì mới để nói về Cựu Ước, ới Thượng Đế ơi! Bao nhiêu cuốn sách đã viết về nó nhỉ? Hàng trăm ngàn? Tôi thật đoán cũng không nổi; chúng họp thành cơ man là thư viện. Vậy thì làm sao bạn lại khùng như thế? Làm sao, sau Proust và Joyce và Kafka và Faulkner, bạn có thể ngồi xuống và viết một cuốn tiểu thuyết? Tôi chẳng bao giờ hiểu hoàn toàn. Câu trả lời: bạn phải [ngồi xuống và viết]. Và cái "bạn phải" này là một ung thư "riêng", một cục u "tư", của linh hồn (a private tumor of the soul). Nó không phải là một hành động tập thể, như là trong những ngành khoa học.

 -Có lần ông nói với tôi, rằng The Portage "đã viết ông", như thể ông là một người thư ký ghi chép lại. Trước đó, hoặc kể từ đó, ông đã từng kinh nghiệm một điều như thế?

 -Tôi có kinh nghiệm này, ở một vài trang sách. Cái đoạn ở trong Sau Babel, về những điều dối trá như là giây phút sáng tạo lớn lao, và về tư tưởng: rằng 20,000 ngôn ngữ là phương thức đáp ứng, nhằm thoát khỏi cõi đơn điệu là cuộc sống, mỗi ngôn ngữ cho bạn một viễn ảnh khác biệt về thế giới – đây là năm hoặc sáu trang sách, về những gì chưa từng có ai nói ra, và cũng chưa từng có một người nào đồng ý. Đoạn cuối Antigones, cũng là do chính cuốn sách tự viết. Nhưng toàn một cuốn, có thể là The Portage.

 -Ông đã nhắc tới cuốn Cựu Ước trong Tủ Sách Đại chúng. Ông có thể nói cho chúng tôi một điều gì, về những dự án hiện thời của ông?

 -Vâng, tôi vừa hoàn tất – ôi sung sướng làm sao! – một cuốn sách nhan đề là Homer trong tiếng Anh (Homer in English), từ Caxton tới Walcott, bốn trăm năm chục năm, những tuyển chọn từ những bản dịch Homer, những bản phóng tác, bắt chước, châm biếm, nhại, mô phỏng. Đây là lịch sử ngôn ngữ Anh và cảm tính từ đầu thời Trung Cổ tới ấn bản mới được xuất bản, tập ba và bốn của Christopher Logue; từ ấn bản Caribbean của Dereck Walcott, tới những ấn bản Tô Cách Lan, ấn bản Ái Nhĩ Lan, Welsh và Mỹ. Đây là bản văn được dịch thuật nhiều nhất, qua bất kỳ một ngôn ngữ, còn nhiều hơn là thánh kinh. Kể từ bước mgoặt thế kỷ mười bẩy, không năm nào mà không có một người cho xuất bản một Iliad, một Odyssey, một thánh ca mang chất Homer, hay là những trích đoạn. Kể từ năm 1945, chúng ta có 14 bản Iliad và Odyssey toàn tập, tại Mỹ và Anh, và một bản mới của dịch giả Robert Fagles hiện đang được in ấn.

 -Ông còn viết gì khác nữa không, vào lúc này?

 -Dự án chính, một dự án nó làm tôi miệt mài sáng đêm, mồ hôi chẩy ròng ròng, đó là Những Bài Giảng Gifford. Tôi đã quá hết sức cảm động, hết đỗi ngạc nhiên và được vinh danh, khi được mời thuyết giảng về triết học ở cấp hàng đầu trong thế giới phương Tây này. Tôi thấy mình ngu si làm sao, khi bất thình thình nghĩ rằng, tôi sẽ ở trong cùng danh sách với Henri Bergson và William James và Bertrand Russell và tất cả những triết gia hiện đại quan trọng nhất! Đã có thỏa thuận, tôi sẽ viết và cho xuất bản những bài giảng này, đây là những bài giảng tôi đã đưa ra vào năm 1990. Vậy là một công việc lớn đang ở trước mặt. Nó là một nhiệm vụ lớn.

 -Trong số nhiều vấn đề khác nữa, phải chăng những bài giảng [còn] liên quan tới vấn đề siêu việt (transcendent)?

 -Vâng, chúng có tên là Những Văn Phạm của Sáng Tạo, và chúng bàn tới câu hỏi sau đây: tại sao, trong tiếng Anh, và trong những tiếng Âu Châu khác, bạn có thể sử dụng câu "Thượng Đế sáng tạo (created) ra vũ trụ, mà không phải là câu: "Thượng Đế phát kiến (invented) ra vũ trụ"? Đây là một nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai từ, giữa sáng tạo (creation) và phát kiến (invention). Nói theo tính cách triết học, văn học – cho dù tôi đưa tranh luận xa tới mức nào – đang dẫn tôi tới trung tâm của những câu hỏi cực kỳ khó khăn.

 -Theo một số cung cách nào đó, đây là nối tiếp Những Hiện Diện Thực?

 -Vâng, nhưng theo một đường lối rất khác. Những người buộc tội tôi "tản mạn" (scattering), là họ phỉnh nịnh tôi đấy. Thị kiến của riêng tôi, hầu như chỉ xoáy về một điểm. Khi còn là một gã quá trẻ, tôi cho xuất bản cuốn Tolstoy hay là Dostoevsky, trong đó, tôi nhắc đi nhắc lại mãi, rằng điều phân biệt hai nhà văn này với một Flaubert hay một Balzac, đó cũng là điều làm họ giống Melville, và đó là chiều thần học (theological dimension), tức là câu hỏi về sự hiện hữu của Thượng Đế. Cuốn sách nói về điều mà Những Hiện Diện Thực mở rộng ba mươi lăm năm sau đó. Tôi tin tưởng rằng có một số chiều nào đó, trong văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, và cả trong triết học: chúng sẽ không thể nắm bắt được, nếu câu hỏi, có hay không một đấng Thượng Đế, bị coi là vô nghĩa.

 Kẻ vô thần mạch lạc, là một sinh vật rất ư hiếm hoi. Anh ta gây hứng khởi cho tôi, thứ hứng khởi bao gồm khiếp sợ lẫn kính nể sâu thẳm nhất. Chín mươi tám phần trăm chúng ta sống trong thứ nước dơ gồm các mê tín, mộng tưởng, sợ hãi, và hy vọng lưu cữu từ bao đời, mỗi lần có tiếng chuông điện thoại reo trong đêm, và chúng ta nghe, rằng con cái của chúng ta đang trong một tai nạn xe cộ, chúng ta bắt đầu kêu gào Thượng Đế, cách này hoặc cách khác. Đó là một thân phận nhục nhã. Một kẻ vô thần thực sự, và một tín đồ với một niềm tin sâu thẳm thực sự – một người mà theo người đó, có một trật tự trong vũ trụ, một người mà ngay cả cái chết của đứa con mình, thật không thể chịu nổi, ngay cả một cái chết như vậy cũng có một ý nghĩa theo một chiều hướng nào đó – những con người ấy mới ít ỏi, mới đáng tự hào làm sao! Chúng mình nói tới niềm tin sâu xa của tôi, rằng có một cái ác tuyệt đối. Tôi cầu mong tôi cũng được tin tưởng sâu xa như vậy, về một cái tốt tuyệt đối.

 Nhưng tôi cảm thấy rõ ràng là, chúng ta ở Tây Phương sẽ không còn có thể sản xuất ra những trật tự nào đó, về văn chương và nghệ thuật và âm nhạc và tư tưởng, nếu sự nhất trí văn hóa là cái điều mà chủ nghĩa thực chứng luận lý và triết ngữ học ở Oxbridge, sẽ nói: rằng một câu trong có chứa từ Thượng Đế bắt buộc phải là một câu vô nghĩa. Nếu quan điểm này lấn lướt, tôi nghĩ chẳng còn gì để nói nữa.

 -Điều này mắc míu như thế nào, tới nét gẫy lớn trong ý thức Tây Phương như là ông nhìn ra trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 19?

 -Đó là khởi đầu. Mallarmé và Rimbaud sửa soạn cho Derrida, Lacan và Foucault, bằng cách nói rằng không có chủ thể, không có cái "Tôi", rằng một từ là sự vắng mặt của điều nó qui chiếu về (dòng chữ tuyệt vời của Malarmé: "chữ hồng là chẳng có hoa" (the word rose is the absence of any flower). Chúng ta đụng đầu ở đây, với hậu quả đầy đủ, của một câu khác, của một nhà thực chứng luận lý: rằng từ sư tử không đi ỉa, hay là không có bốn chân (the word lion does not defecate or have four legs.).

 -Trong Những Hiện Diện Thực ông sử dụng rất nhiều thần học Ca-tô giáo. Là một người Do Thái, ông giải thích điều này như thế nào?

 -Ky-tô giáo, khác với Do Thái giáo, có một mỹ học, tự thân đã quan tâm từ lâu về chỗ đứng của nghệ thuật trong cuộc sống và trong tương quan của con người với những cảm xúc siêu việt. Do Thái giáo không có [mỹ học, những quan tâm như vậy]. Như Hồi giáo, Do Thái giáo mang tính đả phá những hình tượng tôn giáo một cách sâu xa. Phong nhã, và bao la, Do Thái giáo không tìm hình ảnh, bất cứ loại nào. Ky tô giáo, theo quan niệm của tôi, là một đa thần giáo, bởi vì niềm tin ba ngôi của nó – một chủ nghĩa đa thần rất cao, rất phong nhã, nhưng không phải là nhất thần giáo. Ky tô giáo có trong nó niềm quan hoài về tính biểu tượng, ám dụ, và sự tưởng tượng. Tôi không tin, rằng người ta có thể viết, hay suy tư một thời gian lâu dài về vai trò của những mô típ, những đề tài, những biểu tượng siêu việt trong nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, mà không đụng đầu với bộ khung lớn lao là tư tưởng Ky tô từ Thánh Augustine và Thánh Thomas tới hiện tại.

 -Tình yêu là một quan niệm thần học quan trọng của Ky tô giáo. Trong ấn bản tuyển chọn tác phẩm của ông, nhà xuất bản Penguin, ông có cho rằng, "Cội rễ của tất cả những tác phẩm kế tiếp nhau của tôi, của việc giảng dậy của tôi, là sự tin tưởng sớm sủa, rằng phê bình triết học và văn học nghiêm túc: nó phải tới như là một món nợ tình." Ông có thể giải thích điều này?

 -Rất hân hạnh. Tôi đau khổ, trọn đời, về [vấn đề] sống trong một thời đại, không như nhiều người nói: của âu lo, nhưng của khinh miệt, ham muốn, và ghen tức. Tôi đã cho in trên một trăm năm chục bài viết ở trên tờ The New Yorker, và cỡ chừng trên hai trăm năm chục bài khác, tại những nơi như là tờ Times Literary Supplement (Phụ trang Văn học của Thời Báo, Luân Đôn) Trong ba mươi lăm năm, tôi nghĩ, cho là có đi chăng nữa. cũng chỉ độ bốn hoặc năm bài điểm sách tiêu cực. Tôi đã từng bỏ qua rất nhiều cuốn sách không điểm, vì chúng ẹ quá. Tôi đã cố ca ngợi, tôi đã cố: được rạng ngời, tôi đã cố la lên: "Hãy đọc cuốn sách này".

 Tôi hoàn toàn lỗi nhịp với cung bậc Anh, mím môi thích thú từ khước, hạ cố, bắt ne bắt nét, không thèm để mắt (bất kiến, invidia: một từ to tát tiếng La Tinh về thần học luân lý), của tính hiện đại. Chúng ta đang ở trong văn hóa ghen tị. Khi tôi có những sinh viên có khả năng hơn tôi, lanh trí hơn, sâu lắng hơn, sáng tạo hơn – tôi có chừng năm hoặc sáu người như vậy, và trong số họ có người hiện đang nổi bật ở Mỹ – đây đúng là một đặc quyền lớn lao đối với tôi. Đó là lúc mọi chuyện trở nên có nghĩa, đó là lúc tôi thấy mình có ích.

 Chức năng của những người như ông như tôi, là gì? Chúng ta là lũ cá hoa tiêu, những sinh vật kỳ quái, nhỏ nhoi, đi trước dẫn hướng cho loài cá thực, những con cá mập, cá voi, cảnh giác người ta: "Nó đang đến đấy!" Khi tôi ở Phi Châu, trong khu biệt lập dành riêng cho săn bắn, tôi thực sự nhìn thấy những con chim xinh đẹp, nhỏ bé, lông vàng; chúng đậu trên con tê giác, và chíp chíp như điên, để báo động cho mọi người rằng con vật đang tới. Vậy thì một vị thầy tốt, một nhà phê bình tốt sẽ nói, "Đây là thứ thiệt. Tại sao, thì đây này. Hãy đọc nó, đọc nó, hãy ghé vô mua nó. Hãy đi mua đi."

 Tôi sẽ chẳng bao giờ quên nổi phần việc của tôi, một bữa trong khi giảng dậy ở Cambridge. Một sinh viên đến trễ trong giờ học kèm, và tôi có vài phút rảnh; trong thùng thư có một gói lớn, một bản thảo. Thường ra, báo Người Nữu Ước tránh cho tôi việc đọc và duyệt bản thảo gửi tới để tôi giữ được hoàn toàn tự do của người điểm sách, và tôi hết sức kính trọng phong cách đó. Thế là tôi lấy gói lớn đó ra, tính bỏ vô thùng rác, nhưng thùng rác lại quá nhỏ: cái bao bì gói bản thảo mới lớn làm sao! Tôi đọc một dòng đầu bản thảo, và Trời hỡi Trời, tôi nghĩ: có một điều gì thật lớn lao vừa hạ cánh xuống bàn làm việc của tôi. Tôi điện thoại cho ông Shawn để yêu cầu, liệu tôi có thể làm một bài điểm cuốn sách đó không, ông rất khoái chí, nói, chắc cũng phải một năm rưỡi, hai năm cuốn sách mới xuất bản, nhưng được chứ, ông sẽ dành cuốn sách cho tôi: Thiền & Nghệ thuật Bảo Trì Xe Gắn Máy.

 -Ở thời điểm đó, đã có nhà xuất bản nào nhận in cuốn sách chưa?

 -Tôi không chắc. Nhưng tôi viết cho tác giả, và nói, "Bạn biết không, nó đây rồi." Tôi không nói với người đó nhưng tôi nói với bà xã, và ghi vào sổ tay, rằng tôi sợ sẽ chẳng còn một cuốn sách nào đáng đọc nữa, từ người đàn ông này. Điều này hoàn toàn rõ ràng đối với tôi, đúng là một điều khủng khiếp, và tôi đúng, thế mới thật đáng buồn. Nhưng điều mà tôi cố gắng nhấn mạnh, phần việc của tôi, là của một con chim líp chíp trên lưng con tê giác.

 Vậy thì tôi thật quá may mắn khi có thể, thường xuyên la lên: "Trời hỡi, thật tuyệt vời, cuốn sách này!" Tôi vẫn đang chiến đấu. Tôi tin tưởng, ở Anh, sau Hardy, chỉ có mỗi một tiểu thuyết gia cỡ bự: John Cowper Powys. Chỉ một dúm người đồng ý với tôi. Tôi có thể hoàn toàn lầm lẫn về chuyện này. Tôi đã có thể đưa một số tác phẩm như vậy qua ấn bản bìa mỏng, như là chuyện tiếp theo sau đó. Nhưng cho tới nay, vấn đề chưa hoàn toàn được được khai thông. Tôi tin tưởng Glastonbury Romance, Porius, và Wolf Solent là những cuốn lớn. Tôi viết về ông ta. Tôi thuyết giảng về ông ta. Tôi nói với mọi người, hãy tìm mua chúng. Cho tới nay, rất ít người làm theo, và rất nhiều người thực tình đã thử [đọc], và nói, tôi hoàn toàn lầm lẫn, rằng không thể đọc anh ta. Tốt thôi. Thà tôi phạm những lỗi lầm như thế, còn hơn ém đi những nỗi niềm đam mê của mình.

 Một trường hợp khác nữa mà tôi chẳng bao giờ được tha thứ, là về Lawrence Durrell. Nào bây giờ, hãy cẩn thận. Durrell bây giờ bị chế riễu, ở khắp mọi nơi. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng ba cuốn đầu, trong Bộ Tứ về thành phố Alexandrie (The Alexandria Quartet), là thứ thiệt, không thể có thứ khác. Tôi thừa nhận, cuốn thứ tư hỏng, một mớ hổ lốn, điều này thật là bi đát, rằng sau ba cuốn đầu, sau đó là triền miên ba thứ hổ lốn. Nhưng không sao. Cứ giả dụ rằng tôi đã lầm, giả dụ rằng tôi đang lầm: hoan hô! Điều làm tôi quan tâm, là những lỗi lầm (errors) của đam mê, những lỗi lầm mà bạn vươn cổ lên mà gánh. Trời hỡi Trời, toan tính mới đúng đắn làm sao: toan tính của những nhà khoa bảng hiện thời: cứ an toàn cho chắc ăn! Trong vòng bốn chục năm, tôi đã hỏi những sinh viên của tôi, họ sưu tập những tác phẩm nào, trong những tác giả hiện đang còn sống, ai là người họ quá mê, ngay cả những tác phẩm tồi của tác giả đó. Nếu họ chẳng sưu tập được một người viết nào, như vậy là họ ở đâu đâu chứ không phải ở chỗ của tôi, không dính gì đến ngành này, nghề này. Trong trường hợp Simenon, may mắn thay, tôi còn Gide và mọi người ở cùng phe, thành thử tôi chẳng tốn chút can đảm, khi dám tuyên bố, ông ta là một trong những tác giả hiện đại quan trọng nhất. Nhưng nếu có một người nào nói Zane Grey, là như vậy đấy, và người này sống với niềm đam mê đó, và sưu tập, và nghiên cứu; tôi nói: hoan hô! Đó là một linh hồn, và thật an toàn, cho sự cứu rỗi. Nhưng một người hỏi, ai là những người thắng giải, ai là những người thành công trên thị trường chứng khoán, đâu là chỗ nên đầu tư : không, không, không! Vậy thì vâng, tình yêu là chính đối với tôi. Đúng là một thời đại cay đắng, một trong những thời đại cay đắng nhất về văn hóa ghen tị, và có rất nhiều người thuộc loại bự trách nhiệm về điều này. Mỗi lần Leavis mở miệng ra, là để nói rằng có năm tác phẩm cổ điển, rằng cái còn lại đều là đáng nguyền rủa, đồ tầm phào, và chớ có đọc, không đáng tiền giấy bỏ ra in. Có những nhà phê bình của hận thù trong thời đại của chúng ta. Có rất nhiều vị thầy về thù hận, có quyền năng và có ảnh hưởng. Tôi chẳng có gì giống họ.

 -Trong Những Hiện Diện Thực, ông tham chiếu về những tương thông (transactions) giữa nghệ sĩ và thính chúng (audience), trong mẫu mực thù tiếp. Ông nói, người đọc thì chào đón, còn người nghe thì đưa giai điệu kia vào thâm tâm, vào ngôi nhà hữu thể của mình.

 -Đó chính là điều chúng ta đang bàn: cortesia, lòng lại gặp lòng, tâm hồn mở rộng (welcome). Thí dụ thì nhung nhúc ở trong đầu những người sẵn sàng phô trương, bằng dè bỉu, và những kẻ đã hoàn toàn khô kiệt (chính họ đã được khử trùng). Một nhà phê bình lớn là một nhà văn bất mãn. Một nhà phê bình lớn biết anh ta chỉ là cái bóng của một viên quan hoạn, so với kẻ sáng tạo. Bạn tin rằng một người nào đó sẽ viết những cuốn sách về Dostoevsky nếu anh ta có thể viết được, chỉ một trang cuốn Lũ Người Quỉ Ám? Tôi đã từng véo mũi cả đống những người đồng thời với tôi, ở trong giới đại học, và họ chẳng tha thứ cho tôi.

 -Âm nhạc hình như ngày càng là một phần quan trọng trong cả cuộc sống lẫn công việc viết lách của ông. Tại sao?

 -Câu trả lời đầu tiên, từ những điều người ta ngộ ra, khi mái tóc điểm sương, rằng âm nhạc ngày càng quan trọng đối với những kẻ sống trọn đời mình cho ngôn ngữ: anh ta/chị ta dần dần bớt đọc, lắng nghe nhiều hơn. Mặc dù tôi mới biết, nhưng có vẻ như đây là một hiện tượng tâm lý. Nếu nó thực mười mươi, nếu nó không phải là một huyền thoại - tâm lý học và những nhà tâm lý thì đầy những huyền thoại – tôi chỉ còn một cách, là phấn khởi hò theo.

 Nhưng còn nhiều điều liên quan tới chuyện mê nhạc của tôi. Nếu bạn dí người tôi vào tường, nếu bạn đá tôi một cái thật mạnh, tôi may ra có thể hiểu, bằng cách nào một vài nhà thơ lớn [có thể] làm thơ. Tôi biết tôi không thể đẻ ra, chỉ một dòng như thế, nhưng ít ra, tôi có thể tưởng tượng, rằng một con người như chính tôi có thể [làm tới đâu]. Nhưng thật vô ích, khi ngó lên những người như là Mozart, Bach, Beethoven, trên tất cả là Schubert; đối với tôi, ông đã ở trung tâm điểm, với tất cả những tác phẩm lớn lao vào lúc cuối đời của ông. Tôi không hiểu được, okay? Tôi không hiểu được. Lévi-Strauss nói, sự phát minh ra giai điệu là một "bí mật tối thượng", nhưng không phải chỉ giai điệu là điều tôi không hiểu. Tôi không hiểu tại sao Bach có thể tạo ra được bốn mươi tám dạo khúc (preludes), chỉ với một mô típ bốn-thanh (a four-note motif). Tôi không hiểu bằng cách nào Wagner có thể khư khư ôm riết lấy vòng cung, từ tiếng tơ đồng mở đầu Ring, cho tới tiếng chót. Hay là một tứ khúc của Beethoven.

 Vậy thì, trước hết, tôi thấy mình đứng trước mảnh đất chưa hề biết tới, nói về tiến trình sáng tạo. Thứ là, tôi không biết âm nhạc làm gì tôi. Tôi biết, nó làm tất cả đối với tôi. Trong những cuốn sách của tôi, tôi thường nói về câu hát mở đầu của Edith Piaf: Không, tôi không hối tiếc gì cả (Non, Je ne regrette rien.) Tôi lạnh cứng, tôi nóng hổi, tôi sẽ bỏ phiếu cho Ông Le Pen, tôi sẽ gia nhập Đội Quân Lê Dương (Foreign Legion). Tất cả những điều phi lý một cách tuyệt vời theo sau những thang âm mở đầu đó. Chúng ta đều biết âm nhạc ảnh hưởng thế nào tới tính khí. Plato ngờ là nó quá hung hiểm. Chúng ta biết, nó được dùng trong y học, trong tâm thần trị liệu. Âm nhạc làm gì, bên trong chúng ta?Và cái đáp ứng với nhạc, là cái gì?

 Thứ nữa, tôi luôn luôn bị kết án - cũng đúng, đúng thôi - là hoàn toàn lạc điệu về mặt văn hóa, có người còn bảo tôi thuộc thứ tiền sử. Nhưng tôi luôn luôn - với niềm vui và tôi hy vọng, với sự hiểu biết chân thực - cố gắng theo kịp âm nhạc hiện đại, thứ khó khăn nhất. Có những nhà soạn nhạc hiện giờ đang còn sống - Nono, Berio, Ligeti, Kurtag, Elliot Carter, Brian Ferneyhough, Zimmerman - những người mà tôi luôn luôn tới nghe, bất kỳ khi nào họ có một tác phẩm mới, và sướng run lên khi được đi nghe họ. Nhạc hiện đại thật là quá lớn lao đối với tôi. Tôi chẳng gặp khó khăn gì với nó. Nhưng tôi gặp khó khăn với nhạc rock. Không phải với nhạc jazz: jazz có vẻ thật gần gụi với nhạc cổ điển. Tôi học Đại học Chicago vào những năm Dizzy Gillespie bắt đầu chơi nhạc tại quán Beehive, và khi Charlie bắt đầu là một huyền thoại. Như vậy là tôi có một khởi đầu tốt. Nhưng tôi nghĩ, rock ở phía bên kia bờ nhân loại.

 -Nhưng như vậy nghĩa là gì?

 -Nó làm ù, làm điếc; nó hoàn toàn sa đích; nó có ý lăng nhục. Tôi cho nó cùng xuồng với điều gọi là tận cùng cảm quan của chúng ta về một sự hài hòa của cuộc sống. Nếu thống kê học đúng, vào năm 2100, con số người sống trên trái đất lớn hơn tất cả những người đã chết, hơn cả con số phỏng đoán tính từ thời người tiền sử Neanderthal. Đúng là một con số thống kế ghê sợ, nếu nó đúng. Cái chết thật gần gụi với điều mà tôi gọi là âm nhạc thực: một ý nghĩa nào đó, về sự tận cùng thời gian và cuộc sống cá nhân. Rock là một điều hoàn toàn khác biệt. Có thể nó là nhạc của sự vô cùng cứ thế trẻ mãi (the music of the infinity of the living young). Chắc là họ thực sự cảm thấy điều đó. Nó nối kết với ma túy, với cực khoái (ecstasy), nhưng trên tất cả, với lòng căm thù niềm im lặng; trong nhạc cổ điển thứ tuyệt nhất, và trong nhạc jazz, im lặng giữ một vai trò rất lớn.

 Vậy thì là, với tôi, âm nhạc có vẻ là một hoạt động hứng khởi nhất, mang tính nhân bản cốt lõi chưa được biết rõ. Chỉ có chừng năm, sáu người nói được một điều gì đó về ý nghĩa của âm nhạc: Thánh Augustine, Boethius, Rousseau, Nietzsche, Schopenhauer, Adorno. Nó thật là khó. Một Copernicus tương lai (the next Copernicus) có thể có điều gì để nói cho chúng ta về âm nhạc làm gì bên trong chúng ta và nó được làm ra như thế nào. Trên tất cả, âm nhạc minh họa cho tôi, rằng cõi ý nghĩa đó, bạn không thể chuyển dịch, không thể bàn ra tán vào, không thể dùng từ ngữ khác để mà diễn tả, tuy nhiên nó thì cực kỳ có nghĩa. Nếu tôi lao vào bất cứ một suy nghĩ nào, như tôi đang làm, với những Bài Giảng Gifford mới này, về "nghĩa của nghĩa", âm nhạc nói với tôi: "Hãy động não hơn nữa.

 -Nếu kiểu mẫu cơ bản của ông về ý nghĩa, là chuyển dịch (translation), như vậy là âm nhạc là một cái gì không thể chuyển dịch?

 -Vâng, không thể tán rộng, không thể siêu đoạn (nor paraphrased nor metaphrased). Ý nghĩa là cái gì? Tại sao chúng ta biết, rằng âm nhạc có nghĩa? Bạn tính nói gì, với cái gọi là ý nghĩa của âm nhạc?

 -Và câu trả lời là: có một nối kết nào đó, với siêu việt?

 -Với tôi, tôi thực sự chắc chắn, rằng vùng đất về những gì mà chúng ta chưa biết lớn vô cùng, so với khu đất của những gì đã biết, rằng cái phong cảnh nho nhỏ của chúng ta thì quá nhỏ bé so với tổng số hiện hữu. Khi có ai hỏi làm sao một người có thể thật thâm cảm ý nghĩa mà người đó không hiểu được, câu trả lời là quay về âm nhạc. Đó là lý do tại sao tôi luôn luôn đưa ra một giai thoại rất quan trọng về Schumann, nó là trung tâm sự giảng dậy của tôi. Nhạc sĩ đã chơi một tập khúc (etude) rất khó, và một trong những sinh viên hỏi: thầy có thể giải thích, "Được chứ" , và ông chơi lại. Điều này thật cơ bản đối với tôi, và đó là lý do tại sao tôi cố học hỏi, bằng cách học thuộc lòng, cứ trở đi trở lại mãi một bản văn với những người sinh viên của tôi: play it again, chơi lại đi. Âm nhạc là sự đánh giá của tôi, là cái âm thoa của tôi, về trọn niềm cảm nhận, về điều rất thiêng (the mysterium tremendum) trong nghệ thuật.

 -Ông có bao giờ chơi nhạc?

 -Không. Trung-chân, hạ-chân, và thượng-chân (Middle-fi, low-fi, and high-fi), như anh hề Bob Hope đã nói. Một câu trả lời hay.

 -Hãy cho tôi quay qua một câu hỏi khác, nhân tiện đây. Những người thầy quan trọng nhất của ông, là những ai?

 -Tôi thật sung sướng được trả lời. Một vài người là thầy giáo. Khi tôi ở trong một trường mẫu giáo Pháp, chúng tôi mặc đồng phục mầu xanh, khoác theo túi đồ ăn trưa, và đứng nghiêm, khi thầy bước vô lớp. Vậy là thầy giáo bước vô – tôi nhớ tên ông tới ngày này – nhìn những đứa năm, sáu tuổi, nói: "Thưa quí vị, hoặc quí vị làm thầy, hoặc là tôi." (Gentlemen, it’s you or I?). Tôi hiểu thế nào là trọn cả một lý thuyết về việc giảng dậy: "Là anh hay là tôi?". Bất cứ khi nào tôi nghe về những ông thầy đại học ở Mỹ, là tôi cười một cách mỉa mai, bởi vì nghệ thuật giảng dậy [với mấy ông] giản dị chỉ là hiểu, câu (sentence) nghĩa là gì. Bây giờ, chẳng phải bàn cãi làm chi, tại Chicago, tôi đã gặp những con người sống tư tưởng (lived thought). Richard McKeon là một trong những người đó. Tôi không hiểu rất nhiều điều những nhà khoa học nói với tôi, nhưng tôi biết – một điều thật khó diễn tả – một niềm vui xác thịt trong những gì mà họ đang làm, trong cái gọi là những ngày mai đang được phơi mở ra, từ ngành học của họ. Allen Tate là một ông thầy lớn lao, dè dặt, khó khăn, những lời châm biếm (ironies) của ông làm cho người ta thúc thủ, tuy nhiên, cứ hăm hở trở lại, đòi thêm nữa.

 Rồi tôi gặp một số những người khác, không hẳn là những ông thầy chính thức, nhưng là những ông thầy của cuộc đời tôi. Những liên hệ đặc quyền nhất mà tôi có, là với Gershom Scholem. Tôi có trải qua một thời gian với ông, ở Thụy Sĩ.

 -Khi nào?

 -1972 tới 1976. Ở đó, tôi biết điều hiếm hoi nhất, về những kết hợp: sự bác học chi li tinh tế về văn bản và cổ ngữ, dựa trên tư tưởng – nhìn qua thấu kính vĩ đại - rằng Thượng Đế là ở trong chi tiết – một điều tôi tán mộ nhưng vô vọng, vì chính bản thân tôi làm không nổi. Xung quanh tôi, là những anh lùn đầy ác ý, những kẻ nghĩ rằng, là một chuyên gia, tự nó, là con đường tới với Thượng Đế. Đúng là ma quỉ hiện hình! Housman đã nói gì nhỉ? "Sự uyên thâm thứ thiệt còn hiếm hoi hơn thiên tài thi ca". Scholem làm cho tôi hiểu câu này nghĩa là gì. Những anh lùn quanh chúng tôi làm điều gọi là sự bác học xấu về những vấn đề nho nhỏ, nhỏ nhoi, chúng chẳng mắc mớ gì tới sự chuyên biệt.

 Rồi, Jacob Bronowski, tôi chỉ gặp đôi ba lần, nhưng mỗi lần gặp gỡ đúng là một biến động lớn. Tình yêu của ông với thi ca lãng mạn, chính trị cấp tiến, nền khoa học, lý thuyết của ông về văn hóa: ông thuộc cỡ mà lập luận "hai văn hóa" [khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn cách biệt nhau] chẳng có một ý nghĩa gì. Trong cả hai, ông đều là một con người sáng tạo. Rồi tới một người, không được biết đến đối với công chúng Mỹ, ông vừa mới mất, giáo sư về triết-thần học ở đây, một người gốc Tô Cách Lan, tên là Donald McKinnon. Tôi sùng kính ông. McKinnon là một nhà học giả tuyệt vời về Aristotle và Kant. Một người chứng nghiệm cuộc sống trong một tờ nhật báo, đến từng hàng từng chữ. Tôi sẽ nói với bạn về ông ta, và tại sao tôi tin tưởng đây là cách thức mà bạn nên giảng dậy. Ông tìm thấy một đề mục nhỏ trên tờ Thế Giới; ông kiểm tra coi có thực không, và đúng như vậy. Viên chỉ huy đội quân nhẩy dù Pháp ở Algeria, một viên Đại Tướng Massu nào đó, chính ông ta để cho lính của mình lột quần áo, trói lại, và cột dây điện dương vật, và cho họ tra tấn ông tới chỉ trong ba giờ đồng hồ. Khi xong xuôi, ông ta nói, "Nạn nhân khiếu nại là cường điệu", rằng, chuyện này thật không vui, nhưng có thể chịu đựng được. Donald McKinnon đọc mẩu tin và, khăn đóng áo chùng như bất cứ một ông thầy nào những ngày đó, ông bước phòng giảng chật cứng sinh viên, và giảng về Kant và đạo đức học. Ông nói với những sinh viên rằng, nhìn theo quan điểm của mẩu tin, ông không thể tiếp tục giảng dậy Kant, và đạo đức, rằng sinh viên, trong những bài giảng kế tiếp, sẽ xem xét những hàm ý (implications) về cái ác tuyệt đối, trong mẩu tin chuyện đó, về một người đàn ông như thế. Ông khai triển mẩu tin, tới mọi lối dẫn tới thần học, và triết học, nói, một mẩu tin chuyện như thế có ý nghĩa gì, nói về mặt đạo đức. Đó là đường lối giảng dậy của ông. Ông và tôi đã quen nhau thật thân. Tôi rất hân hạnh là mới đây được người ta yêu cầu nói chuyện ở đại học Cambridge để tưởng niệm ông.

 Nhưng tôi còn những vị đại sư khác nữa. Ông Whittaker, của tờ The New Yorker, hồi thoạt kỳ thủy của tờ báo này. Biệt hiệu "Ông Frimbo", ông là vị chủ bút của tôi trong hai mươi năm đầu ở đó. Ông Whittaker coi sự không chính xác, về cú pháp (syntax), hay về chấm câu, là nhơ bẩn, theo một nghĩa, phải nói là đạo đức. Nếu một câu không tuyệt đối chính xác, nếu nó lòng thòng, nếu bạn để một cái dấu phẩy vào chỗ đúng ra là phải để một cái dấu chấm phẩy, như vậy là bạn đang vấy dơ: lên độc giả của bạn, lên ngôn ngữ, và tối hậu, lên chính bạn. Điều này còn dẫn tới những cú gọi viễn liên, mà bạn không có thể ngờ được. Ông ta sẽ nói, "Ông Steiner – luôn luôn Ông, lẽ dĩ nhiên – Tôi nghĩ điều ông thực sự muốn nói, là…", Và bạn sẽ trả lời, "Ồ, đúng nó là như vậy," và ông ta sẽ nói, "không, không, không phải vậy. Bạn lắng nghe tôi nói lại", và ông đọc lại, và dần dần bạn nhận ra rằng ông ta đúng, rằng điều [mà bạn tính nói] không thực sự như là đã nói. Một tấm tình như thế thật là phi thường đối với sự phong phú của tiếng Anh, đối với những sắc thái vô tận trong lối chấm câu của tiếng Anh: nó thật khác thường. Ông Whittaker là một ông thầy tuyệt vời; cũng vậy, là Ông Shawn: những chăm lo về chi tiết, đã trở thành huyền thoại trong suốt cuộc đời ông. Họ là những ông thầy thực sự mà bạn mong cùng làm việc.

 Vâng, tôi thực là may mắn. Hãy cho tôi quảng diễn một trong rất nhiều dụ ngôn Hasidic [Hassidim: một giáo phái thần bí thuộc Do Thái Chính Thống, thành lập vào thế kỷ 18, dựa trên KABBALA] và nói rằng tôi hy vọng tôi sẽ có can đảm, và nghị lực, đi chân trần, trên đường dài, cùng với một người đàn ông hay người đàn bà, mà người đó có thể dậy cho tôi một điều gì đó. Tôi thực biết ơn vô cùng.

 -Ai là người mà ông nghĩ là đã gây những ảnh hưởng mạnh nhất lên việc làm, lên tầm nhìn, lên việc viết của ông?

 -Trường phái Frankfurt. Walter Benjamin sẽ là người viết cuốn Sau Babel thực sự vĩ đại, nếu ông ta còn sống. Tôi bị ám ảnh, vì biết rằng cuốn sách đáng lẽ là của ông, và như thế, nó sẽ tuyệt vời biết là bao. Rồi còn Adorno, mười bẩy cuốn viết về âm nhạc của ông sẽ sống sót, sau khi lý thuyết phê bình của trường phái Frankfurt biến mất; Ernst Bloch, một nhà không tưởng Mác-xít mang tính sứ giả; Lukacs, nhà phê bình lớn về văn học Mác-xít. Truyền thống Do Thái Trung Âu – sứ điệp, đa ngữ, ở trung tâm của nó là Goethe, Pushkin, Shakespeare, và âm nhạc – đã có một ảnh hưởng thật lớn lao lên tôi: những kẻ sống sót Do Thái, dân tộc Do Thái liên can vô, những cá nhân Do Thái tạo nên những lầm lẫn lịch sử lớn lao, những người Mác-xít Do Thái, những sứ giả Do Thái, những tiên tri Do Thái, những người Do Thái đã sống thế kỷ này.

 Không gì ngu ngốc, khô héo, kém hiệu lực, bị thiến, hơn là kiểu viết khoa bảng ở Mỹ hiện thời, về trường phái Frankfurt; những người viết này chưa từng nghe thấy một cuộc hỗn loạn trên đường phố, chưa từng ngửi mùi nhà tù, chưa hề biết một trại tập trung nghĩa là gì, chẳng thể hiểu dù chỉ một điều, về sự kiện: rằng những người [thuộc trường phái Frankfurt] đã sống những trừu tượng của họ (their abstractions) đến tận xương, tận máu, tận ruột, tận dạ dầy, rằng họ đã sống thế kỷ này, trong khi những quan viên khôn khéo của chúng ta không sống. Những cuộc luận bàn kiểu Mỹ này về những sắc thái của cái nghĩa trong xã hội học của Adorno vào lúc trung niên, chúng làm dựng tóc gáy. Họ sẽ tọng cho Adorno tính mỉa mai, hoang mang, và một đầu óc thất bại.

 Ở trong căn phòng của Lukacs, là ở trung tâm trận bão của thế kỷ chúng ta. Ông bị quản thúc tại gia, khi tôi tới gặp ông ở Budapest. Tôi thì còn quá trẻ, và sướt mướt không thể tin được, và khi tôi phải rời đi, nước mắt tôi ràn rụa: ông bị quản thúc tại gia còn tôi thì đi về với an toàn, với tiện nghi ở Princeton hay bất cứ một thứ gì. Tôi phải đưa ra một nhận xét nào đó, và sự khinh miệt hằn trên khuôn mặt ông. Ông nói, "Bạn chẳng hiểu gì hết, về mọi điều chúng ta nói. Trong cái ghế này, chỉ ba mươi phút nữa thôi, sẽ là Kadar," tên độc tài đã ra lệnh quản thúc tại gia đối với ông. "Hắn ta là sinh viên của tôi. Chúng tôi đã cùng làm việc, qua từng câu, từng câu, cuốn Hiện Tượng Luận của Hegel. Bạn không hiểu được đâu." Thực như vậy, tôi đã không hiểu, tôi "đã" đã không hiểu. Chỉ mỗi câu chuyện này không thôi đã cải tạo tôi về cái thế giới mê cung kỳ quái của tầng lớp trí thức Mác-xít, và sự độc ác, và tính nghiêm trọng theo đó mọi trò như thế này diễn ra.

 R.P. Blackmut là một ảnh hưởng lớn lao khác: văn phong viết tiểu luận, cách nói gián tiếp, cách nghe, giác quan khủng khiếp về cách thức làm sao cho những ý tưởng tự chúng biến thành điều gọi là "dạng điều hành" (executive form), biến thành chuyển động mang tính trình diễn (performative motion); tiểu luận về Dante, Henry Adams, James của ông. Rồi còn một người nào đó mà ở Mỹ chẳng ai đọc. Ô, họ đọc Derrida của họ, Foucault của họ, rồi họ quì mọp vì ngưỡng mộ, và khi tôi hỏi họ, có đọc Kenneth Burke, và họ nói: "Ai nhỉ?" Burke có một ảnh hưởng đáng kể lên tôi: Một Văn Phạm của Duyên Do, Một Tu Từ của Duyên Do (A Grammar of Motives, A Rhetoric of Motives), nghiên cứu về Ngôi Lời (Logos) trong tác phẩm của Milton và những bản viết tôn giáo. Bạn đâu biết, tôi không thể nào có được một ấn bản in lại tác phẩm của Burke về tu từ trong những bài diễn văn sớm sủa của Hitler. Chính Burke đã đưa ra bản phân tích đầu tiên, tra hỏi cấu tạo ngôn ngữ [ở trong đó] là gì, con người này là gì. Có một tiểu luận ghê gớm của Burke, gần như không thể nào tìm mua được, về bạo động và chủ nghĩa phát xít về ngôn ngữ, trong kịch bản Coriolanus của Shakespeare, qua đó, ông đã làm bật ra giải cấu trúc và ký hiệu học và chủ nghĩa hậu-hiện đại. Chuyện người ta giúp tôi tìm đọc một tác giả như C.S. Peirce là quá trễ rồi: tôi coi ông như là triết gia Mỹ lớn lao nhất. Ông mở bung ra trọn ngôn ngữ hiện đại, triết học, ký hiệu học, ý nghĩa học.

 I.A. Richards cũng thật quan trọng đối với tôi. Nhưng nếu chỉ một cuốn sách, như vậy Cấu Trúc Phức Từ (Structure of Complex Words) của Empson, sẽ là cuốn mà tôi sẵn sàng đánh đổi toàn bộ tác phẩm của Derrida cho bạn, để đổi lấy nó, với tất cả sự kính trọng Derrida. Đây có thể là một trong những hành động tối thượng của việc đọc, của việc đọc xít xao (close reading). Việc ông nhập tâm hầu như trọn lịch sử thi ca Anh, toàn bộ pho từ điển Oxford [20 tập], và sinh mệnh của mỗi từ, thật là đồ sộ. Vậy kể như là những ảnh hưởng của tôi là một nhóm rất biến thiên (very varied group). Tôi cứ thêm vô mãi theo thời gian. Chuyện tôi khám phá Heidegger, thí dụ vậy, là khá trễ, khi tôi bắt đầu lao vào việc viết cuốn Antigones, cách đây chỉ hai chục năm, và kể từ đó, ông chẳng bao giờ rời bỏ tôi. Trước khi hoàn toàn câm miệng, tôi muốn tới gần hơn nữa, với câu hỏi: tại sao Plato, Heidegger, Sartre lại ve vãn, trong thẳm sâu, với cõi phi nhân. Tôi có những linh cảm về vấn đề này. Nhưng chúng vẫn còn rất tạm bợ.

 -Tư tưởng trừu tượng chắc hẳn bị đám đông quần chúng trên đường phố rù quyến, một cách nghịch thường, có lẽ vậy?

 -Nói như vậy, chỉ là để cho rằng, có sự khát khao hành động, nhập vào bùn nhơ, từ trên chót vót của trừu tượng, trong cuộc sống trí thức tuyệt đối thuần túy. Có thể nó chỉ là tiềm thức, nhưng hầu như tuyệt vọng. A. J. Ayer cho rằng, ông chỉ hạnh phúc khi coi đá banh (fooball); với Wittgenstein, thì là phim cao bồi Viễn Tây: cứ mỗi xuất trưa, là ông phải mò đi coi, vẫn một phim cao bồi này, hay là một phim trinh thám khác. Chỉ để nghỉ, tôi nghĩ vậy, chỉ để xả hơi. Và nghỉ xả hơi là có thể trở thành Nazism; hay như trong trường hợp của Sartre, trở thành tất cả những lời dối trá Stalinist; với Plato, là bạo chúa Dionysus mà ba lần Plato mong mỏi được làm thủ tướng. Nghỉ xả hơi kiểu đó thật là quá đắt, nhưng tôi nghĩ họ chẳng có một cách nào khác.

 -Nếu không tính những đoạn trích dẫn trong Cái Chết của Bi Kịch, ông chưa cho xuất bản một tác phẩm dịch thuật nào của riêng ông. Điều này có vẻ hơi ngạc nhiên, đối với một người biết quá nhiều ngôn ngữ, và lại quá quan tâm tới ý nghĩa của việc dịch thuật. Liệu có thể có một ý nghĩa nào đó, theo đó, cứ mỗi lần ông viết tiếng Anh là ông đang dịch?

 -Ông nói đúng: Tôi quyết tâm để việc dịch thực sự cho những người khác. Và vâng: có một nghĩa, theo đó, tôi tự chuyển dịch vào trong tiếng Anh. Tôi quyết tâm liên tục chuyển dịch chính mình, từ phía bên trong. Để diễn tả hiện tượng này, tôi đã dùng từø "magma" (nham thạch), là hỗn hợp trong lòng núi lửa (volcanic mixture), nếu nói về cõi thâm sâu, gốc gác đa ngữ. Tôi rất hay gặp tình trạng là, khi tôi loay hoay tìm kiếm một từ đúng trong một ngôn ngữ, [thế là] những từ của những ngôn ngữ khác xen vô, như thể chúng đúng hơn, hay như thể chúng cho tôi nhiều cơ may hơn, để nói ra điều muốn nói. Rất nhiều người đã phản đối, rằng trong văn xuôi tiếng Anh của tôi, họ cảm thấy một sự cộng hưởng nào đó, rằng nó không phải thứ tiếng Anh bản địa, nó không có tính bản năng. Điều này hoàn toàn đúng. Tiếng Pháp và tiếng Đức thì liên tục ở trong tôi và bây giờ, lần đầu tiên tôi sẽ giảng dậy bằng tiếng Ý, với sự thích thú, "con amore" ["con": cùng, "amore": tình yêu]. Tôi biết, trước khi cái bóng đèn bật sáng, trước khi sức nóng ùa vô, sợi tóc điện ở dạng đa ngữ, là một hỗn hợp (a mixture); và câu tiếng Anh là một thỏa hiệp (compromise) với ý hướng phong phú hơn, vốn mang tính đa ngữ.

 Nói một cách xấp xỉ, kể từ thập niên 1890, chúng ta bắt đầu có một dòng văn chương lớn mang tính đa ngữ. Tôi coi Oscar Wilde - ông viết cuốn Salome bằng tiếng Pháp – là một trong những khuôn mặt biểu thị nhất trong tất cả văn chương hiện đại. Hiện tượng - từ ngoại địa Ái Nhĩ Lan tới tiếng Anh – thật là quan trọng, mang tính quyết định. Chúng ta không biết Beckett xào nấu (composed) bằng ngôn ngữ nào, hay những ngôn ngữ nào, hay nham thạch (magma) nào. Chẳng bao giờ ông bàn về vấn đề này. Borges là một người đa ngữ. Ông ta nói đi nói lại hoài, rằng ông gần gụi với tiếng Anh hơn là tiếng Tây Ban Nha. Trên tất cả là trường hợp Nabokov: tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, và tiếng Anh của người Mỹ: nó đâu có ‘y chang’ tiếng Anh? Những cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh của người Anh (‘English’ English), như Cuộc Đời Thực của Kỵ Sĩ Sebastian (The Real Life of Sebastian Knight) và Mời Dự Cuộc Chặt Đầu (Invitation to a Beheading) chúng rất khác với Lolita, chẳng hạn vậy. Vậy là ông đã chuyển đổi ngôn ngữ bốn lần, biết đâu còn nhiều hơn. Nhiều người cho rằng, cuốn sách vĩ đại độc nhất, trong thi ca Anh, là tác phẩm của Milton theo văn bản năm 1667, trong đó bao gồm tiếng Do Thái Hebrew, tiếng Hy Lạp, tiếng Ý, tiếng La Tinh, và tiếng Anh.

 Chúng ta quên. Điều kiện đơn ngữ là một ám ảnh của thời kỳ Lãng Mạn. Herder và Hamann tin tưởng là bạn đóng rễ, trong máu và trong xương, một ngôn ngữ. Cả hai người đều đúng, và không đúng. Do Thái giáo hoàn toàn không như vậy, bởi vì nếu nó vượt quá cả tiếng Do Thái Hebrew, đó là do nó rời bỏ căn nhà bản địa của nó (its native home) và trở thành một kẻ lang thang lớn qua nhiều ngôn ngữ. Nhưng đây là những xuất lộ cho những bậc thầy thực sự. Với những con người nhỏ bé như tôi, đa ngữ là một giới hạn, phần nào. Thật rõ ràng, có những mức độ về điều gọi là "ở nhà mộng du", somnambular at-homeness, (từ hợp thời trang ở Cambridge hiện nay là hướng nội, inwardness), tôi chẳng bao giờ tới được cõi này. Về mặt khác, thấy mình là một kẻ đa ngữ là một sự giầu sang không bờ bến của tôi; nó là cái cửa sổ tôi nhìn ra không biết bao nhiêu là phong cảnh. Nó cho phép những kẻ ở bên ngoài phán đoán, [điều kiện] đa ngữ làm hại hay làm tốt cho tác phẩm của tôi. Như tôi hiện giờ, một thành viên của Viện Hàn Lâm Văn Chương Đức (German Academy of Literature), một người bạn của Hội Hoàng Gia Văn Chương tại Anh (Royal Society of Literature in England), của Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Khoa Học Mỹ (The American Academy of Arts and Sciences); tôi khai mạc hội chợ Salzburg, bằng tiếng Đức, lẽ dĩ nhiên, và khán thính giả coi tôi như là một người bản địa đối với họ. Chung quanh bàn thảo luận của tôi tại Đại học Geneva, trong hai mươi năm trời, thường xuyên là có cỡ chừng mười lăm hay hai chục ngôn ngữ được nói ra, chuyện đương nhiên là phải như vậy, bởi vì sự hiện diện của tất cả những sinh viên Slavonic, và Trung Đông, trong số những sinh viên của tôi. Ngày 21 tháng Mười năm ngoái (1994), tôi đọc diễn văn nhân dịp kỷ niệm 200 năm trường Cao Đẳng Sư Phạm ở Paris (École Normale in Paris), và chẳng ai ngờ, tôi không phải là người Pháp. Họ nghĩ rằng tôi chỉ lang bang một cách lập dị ở trong những miền đất Anglo-Saxon man rợ, như một kẻ truyền giáo, và rồi lại về nhà, ở Paris. Năm nay, tôi sẽ có đặc ân, là giảng dậy bằng tiếng Ý, ở Sienna.

 Tôi mắc nợ đủ thứ, từ cơ may tuyệt vời, là điều kiện rất đa dạng đó. Trái ngược với những nhà xã hội học và tâm lý học của tờ Reader Digest – họ muốn chúng ta tin rằng, dậy cho trẻ con một vài ngôn ngữ là khơi động chứng thần kinh phân liệt – may cho tôi, được biết bằng xương bằng máu, rằng đây là một lời dối trá tuyệt đối. Đúng ra là, nó khơi động sự giầu có tuyệt vời của kinh nghiệm của con người; và có thể, một khả năng sống sót, khi bạn phải bỏ chạy. Bởi vậy, những người muốn làm cho nước Mỹ ngày một trở thành một xứ sở đơn ngữ, sẽ phải trả một giá rất cao. Tôi biết tiếng Mỹ gốc Anh (Anglo American) đang bao trùm trái địa cầu, trở thành một thứ Thế Giới Ngữ (Esperando). Nhưng đây đâu có thể là một điều kiện vĩnh viễn? Nó có thể lại nhạt nhòa. Và rồi còn vấn đề, thế nào là địa phương tính của linh hồn? Đổi ngôn ngữ là một điều xiết bao kỳ diệu, được sống một đời sống khác, được biết rằng, ở Anh "bread" là bánh mì; đối với người Mỹ da đen, "bread" có nghĩa là tài sản, và với tiếng Pháp, "pain" là bánh mì, "pain" là cái gì bạn thiếu, và bạn làm cách mạng để có nó; hoặc biết rằng - có lẽ điều này cũng phải cám ơn ông Trời - chẳng thể nào dịch được, từ Heimat [quê nhà] của tiếng Đức, chẳng có tiếng nào để dịch trên Thế Gian này; và biết rằng con người chịu chết vì "Heimat", bất kể từ này nghĩa là gì, hay biết rằng, trong mỗi hội ngộ tình ái với một ngôn ngữ khác, là có một Thần Tình Ái khác, rằng có một chủ nghĩa Don Juan về ngôn ngữ, có thể còn hoang dại hơn, kích thích hơn là một chủ nghĩa Don Juan riêng cho xác thịt.

 -Ông có thể nói thêm về liên hệ giữa dục tính (eros) và ngôn ngữ?

 -Vâng, chúng ta ngày càng học thêm được rất nhiều [về vấn đề này]. Trong hệ thống thần kinh đối-cảm (the parasympathetic nervous system), khi vô thức và ý thức trộn lẫn, những cơn đau bụng bắt đầu được ý thức, những chứng ung sang dạ dầy có thể được chữa trị bằng trầm tư và tự-thôi miên (mediatation and self-hypnosis). Đó là khởi đầu, và được coi như thể là một khu vực quan trọng, nơi chúng ta gọi là "tư tưởng’, và gọi là "cơ thể", chúng đan dệt vào nhau. Cõi Dục (Sexuality) có thể nằm trên đường phay thẩm thấu này (the osmotic fault line): cương cứng, xuất tinh nửa phần là ý thức, nửa phần là vô thức, tùy thuộc vô cùng vào sự kích thích bằng lời lẽ trong hầu hết mọi người. Mỗi ngôn ngữ vạch vẽ những đường cấm kỵ (taboo lines), tại những nơi chốn hoàn toàn khác biệt. Có những điều trong ngôn ngữ này được coi là đặc quyền hoang dại tột cùng ở chốn phòng the, lại gần như là điều công cộng, trong một ngôn ngữ khác, và ngược lại. Nhịp ngôn từ mà một người sử dụng thì hoàn toàn khác biệt, trong những ngôn ngữ khác biệt. Ngay cả cách nín hơi và thở ra, cũng khác biệt, trong những ngôn ngữ khác biệt, và điều này thật quan trọng trong việc làm tình và trong lúc dạo tình (foreplay). Đây là một vùng tuyệt đối chưa được khai phá, và nếu chúng ta biết thêm về nó, chúng ta sẽ học được rất nhiều về tương tác (interaction) của ngành sinh thể học: đời sống và thân thể, ngữ nghĩa học và thân xác (semantics và somatic), ký hiệu học và chủng tử (the semiotic và the seed), cách thức chúng tương tác. Ngôn ngữ đồng tính luyến ái của nam và nữ chẳng hạn, phải tác động sâu xa ở nơi bản chất của việc làm tình. Chúng ta có mọi thứ để mà học. Một Copernic tương lai là kẻ nói: "Hãy vứt bỏ mớ tự vựng hồn-xác là thứ nhị nguyên sơ khai" Tôi tuyệt đối tin tưởng, một Einstein tương lai sẽ là một người tái suy nghĩ cho chúng ta về cái điều mà bây giờ [là] mớ tự vựng cổ xưa và hoàn toàn vô dụng.

 -Thế còn chủ nghĩa nhị nguyên theo đó, cõi văn của mấy ông đối nghịch với cõi văn của mấy bà?

 -Làm gì có chủ nghĩa nhị nguyên, trong mấy thứ viết lách tối hảo, của mấy bà. Nếu nói về ẩn danh, bạn làm sao có thể chỉ ra "nữ tính", trong một trang của George Eliot, của George Sand; may lắm thì ánh lên, một thoáng quần hồng, ở Brontes; nhưng chắc chắn là mù tịt, với Jane Austen: bà rõ ràng "đạt" hơn nhiều, so với bất cứ một đấng mày râu viết văn. Không phải khác hơn, mà đạt hơn: chân xác, sắc sảo, khôi hài, hóm hỉnh, châm biếm, cô đọng hơn. Bây giờ khác hẳn. Bây giờ, điều đó trở thành một lý do, một sự trả thù, một hy vọng được ý thức cao. Tôi chắc chắn có những sự khác biệt quan trọng. Điều này thực hết sức bất hạnh, bởi vì chỉ có viết hay, chỉ có viết dở, vậy thôi.

 -Đây là thời điểm đặc biệt quan trọng đối với ông, khi đảm trách chức vụ giáo sư (the Weidenfeld Chair). Liệu có một ý nghĩa đặc biệt, qua sự kiện này: đây là chức vụ đầu tiên tại Oxford về văn chương so sánh?

 -Rất đúng như vậy. Oxford không muốn tạo nên những nghiên cứu Âu Châu, họ cảm thấy hoàn toàn chính đáng, rằng phần lớn cái gọi là liên-ngành nghề thì không đáng kính trọng, rằng có cả một khối không khí nóng bỏng được phát ra từ những chương trình như thế, trong liên-văn hóa này, liên-văn hóa nọ. Nhưng họ cũng đã ý thức, họ không thể cứ tiếp tục như trước đây, đặc biệt dưới ánh sáng của cơn khủng hoảng căn cước của Anh Quốc, liên quan tới cả lục địa [Âu Châu], và chính nó. Anh Quốc là Âu Châu, hay nó không phải là Âu Châu? Con Đường Hầm xuyên qua biển Manche đúng là một trong những thời điểm khó khăn nhất, mang tính biểu tượng, cho người Anh chung chung, để lên tiếng ủng hộ. Vì vậy, Oxford quyết định tạo nên một chức vị về lịch sử trí thức, để vinh danh [triết gia] Isaiah Berlin, và chức vị này, về văn chương so sánh Âu Châu, theo tôi được biết, được tạo nên, với hậu ý, tôi sẽ là người khởi động.

 Lịch sử văn chương so sánh là một lịch sử bi đát của những người tị nạn Do Thái. Những nguồn gốc của nó, là trong Vụ Dreyfus (Affair) [một sĩ quan Do Thái trong quân đội Pháp, bị vu cáo phản quốc], vốn thường xuyên không được nhận ra. Tôi sẽ nói tới điều này, trong bài diễn văn mở đầu khóa học, trong đó, tôi cho rằng văn chương so sánh không hẳn là một ngành học, mà là một đường lối cảm nghĩ, kể từ khi mọi người so sánh, khi họ đọc. Vậy thì, đối với Oxford, đây đúng là một thời điểm, mặc dù không phải là một thời điểm dễ chịu, nếu nói về tất cả sự tôn kính. Tiếng Anh là một ngôn ngữ thế giới. Dân tộc Anh cảm thấy văn chương Anh là giầu có nhất, so với tất cả, chẳng cần chi, may ra thì chỉ một chút xíu, từ bên ngoài. Nếu bạn có Shakespeare, họ nghĩ, như vậy đâu cần chi khác nữa? Nếu bạn có Newton và Shakespeare, Hạ Viện và Luật Pháp Anh, nó bao trùm cả trái địa cầu, tất cả những thứ khác là những cái chi chi? Nhiệm vụ của tôi thì không dễ dàng và nó đòi hỏi, có lẽ, những kỹ năng ngoại giao, đây vốn là nhược điểm của tôi. Đó là lý do tại sao tôi trông mong rất nhiều ở nó.

 -Nếu phải tiên đoán, vào giờ này, trong những tác phẩm của ông, tác phẩm nào sẽ ‘trường tồn’?

 -Câu trả lời mang tính hiện thực sẽ là: chẳng có tác phẩm nào. Nhưng lẽ dĩ nhiên, ai nói ra câu đó mà chẳng có một chút "thiếu chân thành" ở trỏng? Chẳng ai nên thử cân đo đong đếm, làm cái chuyện nhất bên trọng nhất bên khinh, với chính những tác phẩm của mình. Tòa Lâu Đài của Yêu Râu Xanh - trong đó tôi đưa ra những nghịch lý về chủ nghĩa man rợ và văn hóa – và một số tiểu luận trong Ngôn ngữ và Câm lặng, chúng có vẻ gây ấn tượng lớn. Tác động chủ yếu mang tính kinh viện và đề thuyết của tôi, là Sau Babel, và tôi thật vui khi thấy nó đang tái xuất hiện, được coi lại, được cập nhật hoá, và được mở rộng thêm. Cuốn Cái Chết của Bi Kịch lúc nào cũng được sử dụng; được trích dẫn rộng rãi, và có vẻ như rất ăn khách. Tôi thật là may mắn. Trong số muời lăm tác phẩm, mười một cuốn đang được in, đúng là một chuyện hầu như không thể xẩy ra vào những ngày này, và hầu hết đều ở dạng bìa mỏng. Bạn đã trực tiếp tham dự trong việc xuất bản trọn một số báo The Keynon Review dành cho tác phẩm The Portage. Nếu hai đoạn độc thoại dài – của Lieber, người Do Thái săn tìm Hitler và của chính Hitler – cả hai đều biến mất, tôi sẽ buồn lắm. Tôi nghĩ chúng nói lên được một số điều mà tôi chưa từng nói ra được, ở bất cứ nơi nào, và theo một đường hướng không nói ra được, ở bất cứ đâu đâu.

 -Ngoài chuyện đọc và viết và âm nhạc, ông còn mê những gì nữa?

 -Tôi đọc, đọc, đọc, và đọc. Vâng, tôi là một loài sách (a book creature). Nhưng tôi phải có một số những đam mê khác. Tôi có thể là một tay chơi cờ dở nhất, nhưng lại là một tay chơi đam mê, và tôi đã viết một cuốn sách về trận đấu giữa hai kỳ thủ Spassky và Fischer. Tôi theo dõi môn cờ tướng một cách rất là xít xao, chơi cờ mỗi khi có thời giờ, và sưu tập những bộ cờ tướng (chess). Hiện giờ, tôi đang trong tình trạng sa sút tinh thần, do cái chuyện máy điện toán đánh bại kỳ vương Kasparov. Tôi chơi lại trận đấu bốn lần, và không có một lỗi lầm nào, về phía Kasparov. Thật là một trận đấu tuyệt vời, và [nó cho thấy một điều là] bộ máy không thể suy nghĩ, đã nhìn sâu hơn là cái đầu mãnh liệt nhất. Bỏ ra ngoài những câu chuyện tiếu lâm, đây là một trấn đấu mà tôi mong, nếu mình có mặt ở trên cõi đời này, là để không phải chứng kiến một trận đấu như vậy.

 Tôi cũng mê cảnh núi non, và với nó, là niềm vui được sống hai mươi năm ở Thụy Sĩ, và hiện có một căn cứ tại đây: chỉ để dạo giữa những đồi, chỉ đi dạo, chỉ ngó nhìn. Một khác biệt khác nữa, nếu phải so với những bản năng dân chủ của Mỹ: tôi không phải là một loài biển (marine ctrature), một người yêu dân chủ bãi biển (a lover of the democracy of beaches). Núi non là những kẻ kén chọn gay go. Càng leo cao, càng ít gặp. Chắc chắn, cô đơn là cái thử nghiệm. Là xem mình có đáng sống với chính mình không? Tôi không thể hình dung ra - ngay cả trong cõi sâu thẳm, rối rắm của tình yêu, của giao hợp – cái cung cách, mình tìm thấy riêng mình. Như với cái chết. Những xã hội tiêu thụ và không tưởng nhằm đánh đồng mọi con người, đã cố gắng xóa bỏ sự kiện này. Với tôi, chuyện này luôn luôn có vẻ hiển nhiên. Cái chết sẽ thú vị, tôi cảm thấy như vậy. Đây không phải là điều thú vị để mà chia sẻ, tôi ngờ thế.

 Ronald A. Sharp

 Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ.

 Chú thích:

 (1). G. Steiner là người đầu tiên tại Phương Tây khai sáng hai phân khoa cho đại học, văn chương so sánh (comparative literature), và dịch thuật học (translation studies), tại Thụy Sĩ. Ngữ học thế kỷ 20 có hai trung tâm quan trọng, một là Trung tâm Ngữ học Hình thái (formalism), của Nga, và hai là Trung tâm Ngữ học Praha, ở Tiệp. Cả hai đều do một đại biểu kiệt xuất, Roman Jakobson, là vận động chính. Ở Nga, thời kỳ sau Lênin (sau 1924), và ở Praha, sau khi Hitler lên cầm quyền (1933), những cải cách này đã không được hỗ trợ. Lúc đó, ở Thụy Sĩ (nhờ là một nước trung lập về chính trị), và ở London (nhờ truyền thống đón nhận những trí thức tị nạn chính trị, trốn tránh Quốc Xã), đã thành hình Trung tâm Ngữ Học Geneva, với Fernidand de Saussure, là vị tị tổ khai sáng ngành ngữ học đại cương, với tác phẩm Cours de Linguistique Générale, giảng dậy trong những năm 1907-1911, được hai môn đệ ghi lại và xuất bản vào năm 1915. Ludwig Wittgenstein (1889-1951, triết gia Áo), bỏ Vienne qua học Cambridge, được coi như tinh thần khai sáng môn triết học phân tích, mà cốt lõi là suy nghiệm về ngữ học. Trường phái cơ cấu luận ở Pháp với những tác giả như Roland Barthes, là cũng từ lò Saussure mà ra.

 (2) The Portage to San Cristobal of A.H. (Cuộc di chuyển A.H. tới San Cristobal), tiểu thuyết của Steiner, viết về một toán biệt kích Do Thái, 30 năm sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, đã bắt được một ông già trong rừng sâu ở Amazone. Ông già này chính là Adolf Hitler. Họ thông báo về Jerusalem bằng mật mã dựa trên Cựu Ước; nhưng ở những thành phố lớn trên thế giới như London, Paris, Hoa Thịnh Đốn, Moscow đã bắt được tín hiệu, và giải mã được thông điệp. Trong khi cả thế giới đổ dồn về San Cristobal, toán biệt kích đã trải qua một cuộc hành trình gian nan, khắc khoải, nhằm đưa được Đệ Nhất Ác Nhân ra khỏi rừng sâu, về với thế giới văn minh đang nóng nẩy đợi chờ...

 (3) Georges Simenon, người Bỉ, viết văn bằng tiếng Pháp, tác giả chừng trên 300 cuốn tiểu thuyết trinh thám mang chất văn chương, tâm lý hình sự, cha đẻ nhân vật thần kỳ, thanh tra Maigret.

 (4) Jacques Derrida, trong bài viết (bản dịch tiếng Anh) Whom to Give to (Knowing Not to Know), về tác phẩm Fear and Trembling (Sợ và Run) của Kierkegaard, đã dịch là: Niềm bí ẩn đáng sợ, một bí mật làm bạn run rẩy (A frightful mystery, a secret to make you tremble). Cũng trong bài viết, ông giải thích: Thượng Đế là nguyên nhân của (God is the cause of the) mysterium tremendum.

 (5) Macbeth, nhân vật trong vở kịch cùng tên của Shakespeare, giết chồng vì ghen tuông. (Ngụ ý, bao nhiêu người đọc Macbeth, và trở thành sát nhân như nhân vật mang tên này).

 (6) Plato dùng dụ ngôn, con người trong đời sống, giống như kẻ ở trong hang, chỉ thấy bóng của thực tại chiếu trên vách, và tưởng đó là cõi thực. Chỉ có cõi ý niệm thuần túy mới là cõi thực, còn chúng ta chỉ sống trong ảo ảnh. Có thể so sánh với quan niệm của Phật giáo, có hai cõi, cõi chân đế (không còn tạp niệm), và cõi tục đế (đời sống tâm viên ý mã của con người phàm phu tục tử). (7) William Styron, nhà văn người Mỹ, sinh năm 1925, tác giả những cuốn như "Những lời thú tội của (The Confessions of) Nat Turner" (1967, giải thưởng văn chương Pulitzer), viết về cuộc nổi dậy, tại Virginia, của dân nô lệ da đen, cầm đầu bởi Nat Turner; và "(Chọn Lựa của) Sophie’s Choice", viết về Lò Thiêu (cuốn này, mới gần đây, đã được dịch tại Việt Nam, dịch giả Huỳnh Phan Anh.)

 (8) Theo tôi, phim Đời thì Đẹp (Life is Beautiful), của đạo diễn người Ý Roberto Benigni, có thể đã làm được điều này.

 (9) Trong bài Work in Progress, viết về Paris của Walter Benjamin (The Arcades Project), đăng trên tờ TLS (December 3, 1999), Steiner coi "chưa hoàn tất" là mật khẩu tới chủ nghĩa hiện đại (incompletion is the password to modernism). Trích dẫn Adorno, "toàn thể là bố láo" (totality is a lie), ông chỉ ra, tất cả những tác phẩm lớn sau thời kỳ Ánh Sáng, đều chưa hoàn tất: tác phẩm của Proust, Cantos của Pound, Moses und Aron của Schoenberg… Tác phẩm "đại diện" cho thế kỷ, của Heidegger, Thời gian và Hữu thể (Time and Being), thiếu phần ba đầy hứa hẹn. Steiner tự hỏi: đâu là những toàn thể mang tính hình thái (formal totalities), trong những tác phẩm của triết gia Wittgenstein?

 (10) Khi được hỏi về chuyện này, Picasso trả lời, đại khái: như vậy, đâu có gì là lạ. Lạ, là một người nào lấy bộ mặt con bò, và hai cái sừng, biến chúng thành chiếc xe đạp…

 (11) Marx cũng đã từng nói về giai điệu ỉ ôi, của thế giới tỉnh lẻ.

 (12) Chuyện ở Việt Nam: sau 1975, một phóng viên nước ngoài tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn, sĩ quan tình báo Bắc Việt nằm vùng tại Miền Nam, lúc này sống tại một biệt thự, ở làng Đại Học Thủ Đức, giữa một đàn chó mà ông rất cưng. Vào năm 1975, chức vụ của ông là Đại Tá Công An Hà Nội. Vào năm 1954, Phạm Xuân Ẩn di cư vào Nam; thời Ngô Đình Diệm, từ Sài Gòn đi du học tại Hoa Kỳ, ở ngay Orange County (Quận Cam). Sau đó về Sài Gòn, thời chiến tranh Việt Nam, thập niên 1960-1970, làm ký giả, staff, cho tạp chí Time nên quen biết hầu hết giới quân sự và chính trị Hoa Kỳ cũng như Việt Nam Cộng Hòa. Trong cuộc nói chuyện với nhà báo Mỹ kể trên, Phạm Xuân Ẩn cho biết, vào những giờ phút cuối cùng của Sài Gòn, ông đã đưa bác sĩ Trần Kim Tuyến (phụ trách mật vụ thời ông Diệm) ra sân bay Tân Sơn Nhất,[13] để thoát ra nước ngoài. Một bạn văn, và còn là một quân y sĩ (người viết vì chưa được phép, nên không thể nêu tên ở đây), cho biết, cũng vào những ngày cuối cùng trước khi thành phố thất thủ, và sau đó, anh phải đi cải tạo ("mười ngày ở Thiên Thai là năm, mười niên, ở trần thế"), anh đã ngồi với Cao Bồi (biệt hiệu của Phạm Xuân Ẩn), tại quán Givral, ở đường Tự Do. Cao Bồi hỏi: Tại sao mấy bạn không đi đi? Người viết không hiểu, Cao Bồi, lúc đó đã linh cảm, "một giải pháp chót", cho đám ngụy, sẽ xẩy ra? Ngay tháng Tư 1975, Phạm Xuân An đã cho vợ con qua Hoa Kỳ, (chắc là) với ý đồ, nếu cần sẽ nằm vùng bên đó. Phạm Xuân Ẩn được lệnh ở lại, và sau 30 tháng Tư, đã yêu cầu Hoa Kỳ cho vợ con ông trở về Việt Nam. Hãy so sánh trường hợp Phạm Xuân Ẩn, với của Tô Hoài: trong cuốn Chiều Chiều, hồi ký viết lúc chót đời, ông còn đưa ra nhận xét là những người làm công tác đưa người ra Bắc vào năm 1954 (chiến dịch Tập Kết), đã "bỏ sót" hai người, Lam Giang (một trong những đảng viên thuộc hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng), và Võ Phiến (một người theo Việt Minh những ngày đầu, sau bị ghép tội phản động, và đã về thành, nhân hiệp định Genève 1954).

Phụ chú
13. PXA đưa TKT lên trực thăng, tại một trong những trụ sở của CIA ở Sài Gòn. Xem loạt bài về PXA trên Tin Văn

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates