VIẾT MƯỚN

 
Nguyễn Quốc Trụ

VIẾT MƯỚN


Trước 1975, tôi là một cán sự kỹ thuật bưu điện, ra trường khóa đầu tiên, [hình như là năm 1960], làm việc tại Ty Trung ương Cơ xưởng Vô tuyến điện, số 11 đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn, chuyên lo việc sửa chữa máy móc vô tuyến điện từ các đài địa phương gửi về. Lâu lâu, được phái đi các đài để sửa máy tại chỗ, do không thể chuyển về Sài Gòn. Sau hai năm, do biết tiếng Anh tiếng Pháp, tôi được chuyển qua bên quốc tế, làm việc cũng kế bên Ty Trung ương Cơ xưởng Vô tuyến điện, building số 7 Phan Đình Phùng. Đài Phát thanh Sài Gòn, tòa nhà số 5. Tôi đã có lần kể về những ngày Mậu Thân, đám biệt động thành chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn, lính Dù được trực thăng đưa tới, từ trên đánh xuống, chung quanh Đài, xe tăng, thiết giáp vây chặt. Đài Vô tuyến Điện thoại Quốc tế, nơi tôi làm việc cũng lọt vào trong vòng đai. Thời gian đó, tôi có làm part time cho một cơ quan thống tấn quốc tế. Thế là tử thủ luôn tại Đài, chuyển hình chiến tranh đi khắp thế giới, cho tới khi trận kết thúc. Khi tiếng súng im hẳn, buổi sáng hôm đó, tôi lò mò hạ sơn [Đài VTĐ ở lầu trên cùng building năm tầng này], xuống tiệm phở 44 Phan Đình Phùng ở phiá bên kia đường, làm một tô điểm tâm, hình ảnh còn đọng lại mãi cho đến bây giờ, là một chiếc rép râu, trên mặt đường phía bên ngoài tiệm phở. Chủ nhân của nó, là một xác người nằm trong nhà để xe, nơi lính Dù kéo vô chất thành đống chờ dọn dẹp, chuyển đi nơi khác, trả nhà để xe lại cho những chiếc xe đạp, xe gắn máy, của nhân viên Đài Phát thanh Sài Gòn. Nói là nhà để xe, nhưng thực sự chỉ là một khúc lề đường được lợp tôn, chăng kẽm gai, theo kiểu dã chiến.
Vào những năm sau cùng của Miền Nam Cộng hòa, tôi xin chuyển về làm ngay tại Bưu điện chính Sài Gòn, phía bên cạnh Vương cung Thánh đường. Chuyên lo về kiểm tra tần số vô tuyến điện, và liên lạc với Cơ quan Viễn thông Quốc tế, trụ sở chính tại Genève.
Dài dòng như vậy, để xin thưa một điều, là những phòng ốc, hành lang bên trong Bưu điện, tôi rất rành rẽ. Văn phòng Tổng Giám đốc Bưu điện nằm ở lầu hai, kế ngay bên chiếc đồng hồ lớn. Thời gian ngay sau khi ông Diệm đổ, ông Tổng Giám đốc Bưu điện cũ đi theo, ông Điều, thầy dậy bưu điện của tôi, lên làm Tổng Giám đốc, học trò cũ của ông là lũ chúng tôi vẫn thường lên gặp thầy tại đây. Đứa mè nheo xin nhà, đứa xin đi nước ngoài tu nghiệp. Từ đó, theo hành lang có thể đi ra phía sau, và đi ra cổng sau Bưu điện, nằm trên đường Hai Bà Trưng. Đây là con đường ra vô hàng ngày của nhân viên Bưu điện.
Sau 1975, tôi đã có lần phải “thoát ra” ra phía cổng sau, bằng con đường này.
Nói rõ hơn, trước 1975, văn phòng của tôi, là ở bên trong Bưu điện. Sau 1975, văn phòng của tôi, là vỉa hè phía đằng trước Bưu điện. Cái duyên nợ của tôi với Bưu điện quả là tuyệt vời. Không có thời gian làm Đài Vô tuyến điện Quốc tế, và nhân đó làm thêm cho hãng tin UPI, tôi không có cơ hội làm quen Châu Văn Nam, một nhiếp ảnh viên của hãng này. Sau 1975, nếu không làm chuyên viên vỉa hè Bưu điện, tôi không làm sao có cơ hội gặp lại anh, và từ đó, mới có chuyến vượt biên bằng đường bộ, qua Lào, băng qua sông Mekong, tới Thái Lan, vô nhà tù quốc tế Bangkok, vô trại tị nạn, và sau đó, tái định cư Canada, miền “đất lạnh tình nồng”, “miền đất hứa”, miền đất thiên đàng”… như một ông nhà văn Việt Nam cũng tái định cư tại đây đã từng ca ngợi, với một chuỗi tác phẩm có tên như trên.
Trở lại với những năm tháng sống bên vỉa hè phía bên ngoài toà nhà Bưu điện Sài Gòn. Đây đúng là nhà của cả nhà chúng tôi. Cả hai vợ chồng đều ra đây kiếm sống, nuôi bốn đứa nhỏ; hai đứa lớn, những lúc không tới lớp, thường ra đây phụ bố mẹ, nhất là trong những dịp lễ hội, Giáng Sinh, Tết… Có khi còn đem công việc về nhà làm, thí dụ như những ngày hội, cần hoa giấy, confetti, thế là cả nhà xúm nhau làm, có khi thức suốt đêm. Hay những ngày hè nắng gắt, đứa cháu lớn mở ngay bàn bán nước giải khát kế bên bà mẹ đang cặm cụi viết một bức thư cho khách hàng.
Người khám phá ra vỉa hè Bưu điện, là bà xã, tức nhà văn Thảo Trần, tác giả một vài truyện ngắn đã từng được bà chủ báo Sài Gòn Nhỏ cho đăng. Đó là thời gian sau khi tôi đi cải tạo về, không biết làm gì, bà xã một bữa đi đâu về, hớn hở nói, kiếm ra việc làm rồi. Tôi hỏi việc gì. Bà nói, viết điện tín, viết đơn mướn. Nhất là viết điện tín. Tôi trợn ngược con mắt, đã lé lại càng thêm lé, và hỏi lại:
“Viết điện tín? Làm sao cái có cái nghề gì kỳ cục vậy?”
Hóa ra là có cái nghề viết điện tín thiệt, ở ngay vỉa hè Bưu điện.
Thời gian này, đã có nhiều người vượt biển. Con số những người chết trên biển cả chắc là nhiều, nhưng người may mắn tới trại tị nạn, tái định cư đệ tam quốc gia cũng tăng lên. Thư từ, điện tín, rồi thùng quà theo nhau mà về. Gia đình thân nhân nhận xong thùng quà vội vàng chạy ra Bưu điện, nhờ một ông viết mướn đánh giùm cho một cái điện tín, đã nhận đồ. Với ông viết mướn, ba chữ “đã nhận đồ” đó biến thành một chữ, tính tiền cũng chỉ một chữ, đó là “danhando”.
Bởi vì tiếng Việt đơn vận, nên Bưu điện cho ghép như vậy. Tôi không nhớ, con số tối đa những mẫu tự được ghép. Nhưng quả là thật tuyệt vời, cái nghề tuyệt vời, nghề ghép chữ, những năm tháng đói khổ như thế đó, nhưng bây giờ nhớ lại, thật là tuyệt vời.
Quả là tuyệt vời, theo cả nghĩa tiếu lâm, tức cười của nó. Do không có dấu, cho dù nếu viết riêng ra, vẫn có thể hiểu theo nhiều cách. Đã có lần, trong phòng tranh của một họa sĩ, đám chúng tôi, khi đó còn là học sinh trung học, đã làm mấy cô gái đỏ mặt trước một bức tranh, vẽ ba người đàn ông, với lời chú không bỏ dấu, và nếu bỏ dấu, thì một trong những nghĩa của nó là như vầy: “Ba người nhóm cãi lộn”. Bởi vậy, có lần, tôi bị khách hàng mang bức điện đã gửi đi, được bà con của khách hàng ở nước ngoài gửi trả về, với lời chú: Đọc không hiểu gì cả.
Chính vì làm cái nghề ghép chữ đó, mà đám chúng tôi bị nhân viên bảo vệ Bưu điện làm khó dễ. Có lần tôi bị bắt, dẫn vô chính văn phòng ông giám đốc Bưu điện thuở nào, bắt ngồi đó, chờ mấy ông công an đến làm việc. Tôi đã men theo hành lang, chuồn ra cổng sau, ra trở lại phiá trước, và tiếp tục hành nghề. Đám bảo vệ không làm sao hiểu nổi, tại làm sao mà cái thằng mắt lé đó lại ra thoát được!
Tổng cộng tôi bị bắt hình như ba lần, đi cải tạo ba lần, về lại làm nghề viết mướn tiếp, cho tới ngày gặp Châu Văn Nam thì mới bỏ được Nghề Tổ Đãi đó.

Nguyễn Quốc Trụ
 
 
(Nguồn : Tin Văn
 

Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

‘A Lament in Three Voices’