Quê Nhà, Còn Đó Hay Không?


Đặng Lệ Khánh
Quê Nhà, Còn Đó Hay Không?
    
Gởi Người Tình Tuvalu

Nơi ta sinh ra nước xanh như ngọc
Có những khóm dừa nghiêng bóng thầm thì
Cát trắng thi nhau mời Em đến học
Viết mãi tên Anh trên mỗi bước đi

Có cánh hải âu soãi dài trên đá
Có nắng rất vàng trên tóc buông lơi
Có Em ngồi đây ngắm mây đón gió
Lồng lộng hồn Anh thơm muối biển khơi

Tình yêu nồng nàn đâu cần tiếng nói
Sóng vỗ xô bờ lời nguyện muôn niên
Dã tràng ngàn năm sẽ hoài xe cát
Và Anh và Em sẽ tát biển êm

Sẽ có một ngày cát thôi chờ đón
Nước biển dâng dầy khuất lấp quê hương
Nơi Em đang ngồi sóng hờ hững gợn
Hải âu bay dài cất tiếng thê lương
Đặng Lệ Khánh
         
          Bạn đang hỏi Tuvalu là cái quái gì vậy mà K bày đặt làm thơ ư? Bạn muốn biết thì cứ mở computer và vào site này để xem nhé:

http://www.thesinkingoftuvalu.com/

Bạn đã đọc chưa? Cái quốc gia bé tí mười dặm vuông với khoảng mười ngàn người dân ấy có thể sẽ biến mất tăm trên bản đồ thế giới trong vòng năm mươi năm nữa thôi. Nơi cao nhất của nó bây giờ là 15 feet trên mực biển và nơi thấp là bốn feet. K không biết người ta đo theo kiểu nào chứ với mười lăm feet cao thì một cơn sóng lớn cũng đủ ngập rồi. Nhưng dân ở đấy văn minh lắm đấy, không thiếu truyền hình và vi tính. Có người đã xin tị nạn nước biển ở Úc và Tân Tây Lan, những nước lân cận lớn rộng, không sợ bị nước biển xâm lăng như ở quê nhà.
Năm mươi năm nữa, con số người ra biển vọng cố hương sẽ tăng thêm khoảng mười ngàn, hợp với hàng triệu người tha phương trên khắp thế giới, đứng nơi này mà vòi vọi trông nơi kia, tâm hồn vượt núi, vượt sông, vượt biển mà vọng cố hương. Người Cuban đứng trên đất Florida Bay nhìn qua eo biển mà thương người ở lại, người Việt đứng ở Cali mà vọng qua Thái Bình Dương, nhớ cuộc vượt biên. Người Nga, người Đông Âu chắc chỉ chờ mùa đông tuyết rơi rơi mà nhớ đậm nhớ đà những hội hè gia đình đầm ấm.

Các nhà văn lưu vong có người sau khi đi khắp vùng trời thế giới xin quay về sống nơi quê nhà dù phải đành gác bút, có người nhất định chôn nắm xương tàn nơi đất khách như một quê hương thứ hai, thà nhìn đất đai mây nước người từ lòng đất hơn là được chôn tại quê nhà mà vẫn thấy cô đơn.

Mất nước vì nước biển như Tuvalu mới thật là mất nước. Có ai hô hào được người dân đứng lên cùng nắm tay nhau mà tấn công hà bá long vương được. Có ai lưu vong, đi góp công, góp của, góp nhân lực để về giúp dân chống lại mực nước đang dâng được. Sự chống chỏi lại một tương lai tối mù thê thảm là sự chống chỏi tuyệt vọng ngay từ lúc sơ khai, nguyên thuỷ. Sống bây giờ là sống trên một đất nước đang đi vào cõi chết. Vài chục năm sau nữa, khi con cái khai lý lịch chánh quán của mình, tìm trên bản đồ chỉ thấy một vùng nước xanh lơ, loáng thoáng dưới đáy đầy rong, một lớp đá vẫn còn ngữa mặt nhìn trời xanh tìm bóng dáng những chú hải âu một thời nhởn nhơ bay lượn , lòng sẽ tự hỏi : Tuvalu, tên hay nhỉ, nhưng nó là gì, nằm ở nơi nào.

K lại lan man tự hỏi, con cái đời nay ở Huế, có thể có người nào tình cờ một hôm đào xới sau vườn hương hoả để đặt xuống một cây ngọc lan chẳng hạn, bỗng đào lên một di vật của Chiêm quốc. Người ấy có bâng khuâng, xót xa mà nhìn vào quá khứ để đau hận mà tìm xem Chiêm Quốc nằm ở nơi nào. Những người Chiêm mới thật là kẻ vong quốc ngay trên đất nước mình. Mỗi khi đứng giữa những hoang tàn của thành quách một thời hưng thịnh, họ chắc đau lòng vô cùng tận.

Năm kia khi K về Việt Nam, K đi Tháp Chàm ở Nha Trang, Phan Rang, Mỹ Sơn. Đứng trên Tháp ở Nha Trang và Phan Rang, K buồn buồn thôi mà không thấy thê thảm như khi đi Mỹ Sơn. Có lẽ nhờ những nơi ấy nằm trên cao nhìn xuống thành phố, còn giữ nét uy nghi ngạo nghễ của một dân tộc dù đã khuất nhưng vẫn có những trang sử oai hùng. Còn Mỹ Sơn thì khác hẳn. Nằm khuất lấp giữa rừng núi hoang vu, tiêu điều u ẩn, suối nước chảy lặng lẽ vờn quanh, cỏ hoang bơ phờ theo gió hiu hiu lành lạnh giữa trời chiều trở qua sắc tím. Những ngọn tháp rêu phong, đổ nát, tường loang lỗ, cột xiêu nằm la liệt. Trên mỗi cột to cả hai người ôm, chữ nghĩa một thời vẫn còn in dấu như những lá bùa vĩ đại bảo vệ chứng tích người xưa. Đã biết bao nhiêu nhà khảo cổ tìm về đây, mong đọc được những hàng chữ khắc đều tắp, bí mật ấy mà bó tay.

Ngồi trên cột đá, tay mân mê những hàng chữ thảo, tưởng như oan hồn một thời còn quanh quẩn đâu đây, hàng đêm khóc đòi nước cũ. Dưới chân mình là đám cỏ mắc cỡ, chạm chân nhè nhẹ cho chúng khép mắt, nằm yên ngủ bình an. Huyền Trân có vô tình góp một bàn tay diệt một giống nòi không nhỉ. Với ta, Công Chúa là một anh thư. Với người, Công Chúa chắc là kẻ phản bội. Mọi khen chê đều tuỳ theo người phán xét đang đứng ở biên giới nào. Và vì thế, lúc nào cũng chỉ là tương đối.

Người Chiêm sống trên đất nước tuy đã mất tên nhưng nắm đất rất hiện thực vẫn còn nằm đó. Từ xưa, đất vẫn là đất, họ tên do người đặt ra, đất nào cần biết tới. Đất chỉ cần biết đất đang ở cùng ai, đang ôm ấp nắm xương nào, đang nuôi sống rễ cây nào, đang góp mầu cho đám hoa nào, đang nghe trong lòng dòng suối nào len lỏi buồn buồn mà ấm áp. Tên tuổi có thay đổi, nhưng cảm giác thân quen khi vọc tay xuống đám đất xốp man mát, hay chao chân xuống con nước trong vắt, con người nơi ấy có lẽ vẫn thấy lòng gắn bó nơi mình đã sinh ra.

Người Việt lưu vong thì tâm hồn không đơn sơ đến thế. Họ làm sao biết nên đứng bên nào để nhìn về hướng quê nhà. Quê hương có mất đâu mà than mất nước. Mảnh đất hình chữ S vẫn còn nguyên, tên vẫn còn nguyên, đất đai vẫn còn đấy, chỉ có chủ thuyết là khác thôi. Chủ thuyết chắc chắn không phải là quê nhà, chủ thuyết chắc chắn không phải là quê hương. Vậy mà chúng ta vẫn buồn đau vì sự thay đổi ấy.

Chúng ta cảm thấy mất quê hương chỉ vì những kẻ theo chủ thuyết ấy đã đối xử những kẻ đối đầu với họ một cách tàn nhẫn, để lại những vết thương không bao giờ khép lại trong tim và trong trí nhớ của những anh hùng đã sa cơ. K cũng chắc rằng không phải vì bị đối xử tàn ác mà chúng ta không chấp nhận họ và chủ thuyết của họ. Chúng ta có tư duy để thấy lý thuyết ấy không sao nâng con người lên đến chỗ thăng hoa của tâm hồn.

Con người không phải chỉ thuần sinh lý. Con người còn có nhân phẩm, có tâm hồn, có tư tưởng. Con người không chỉ kiếm tìm thực phẩm cho cơ thể cần sinh tồn, nó còn cần tìm thức ăn cho tâm trí muốn được khai sáng và tự do. Những thức ăn tinh thần ấy, ở quê nhà không bán, ai muốn mua phải mua chợ đen, mua lặng lẽ và ăn trong lặng lẽ.

Quê nhà còn đó mà như mất. Bước chân về mà như đi vào một nước xa lạ, lòng lại có cảm giác như mình đang phản bội lại những người bạn một thời đã sát cánh tranh đấu cho một lý tưởng chung. Đi hay ở, người Việt có lương tâm ở hải ngoại vẫn không nguôi thổn thức trong lòng cố tìm cho mình một câu trả lời thật nghiêm trang và đầy nhân bản. Hoặc ít ra, đó là câu hỏi K riêng nhìn thấy được trong những ánh mắt của bè bạn thân quen.

Quê nhà, còn đó hay không?


Đặng Lệ Khánh

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư