Ngọa Hổ Tàng Long


Nhân coi Anh Hùng,

đọc lại Ngọa Hổ Tàng Long (1)


Kiếm từ hồ cầm theo tiếng đàn bật ra, kiếm tới đâu, tiếng đàn theo tới đó, khi kiếm trở lại với đàn, cũng là lúc Phí Bân biết mình trúng tử thương, nhẩy lên cao, dồn hết nội lực theo tia máu vọt ra theo vết kiếm.
Nhà thơ đàn anh, khi còn Sài Gòn còn gọi là Sài Gòn, nhân một buổi sáng ngồi bàn cà phê Cái Chùa, tình cờ nhắc tới Dostoevsky, nhân đó leo qua bi hùng kịch Hy Lạp, đã đưa ra nhận xét: bi hùng kịch Hy Lạp chưa tới đỉnh cao như chuyện Tầu, thí dụ như đoạn Tống Tửu Đơn Hùng Tín ở trong Thuyết Đường. Một đám huynh đệ uống máu, thề đồng sinh đồng tử, vậy mà khơi khơi mời bạn nhậu, rồi khơi khơi đưa bạn ra chặt đầu, chẳng thèm diễn tuồng xử lý nội bộ!
Người ngợm gì mà đến tên họ của mình cũng không biết !
Ôi chao, tưởng là một câu nói tầm thường, hóa ra là một câu tỏ tình của con quỉ nhỏ xinh xắn A Tỷ !
Ôi, giấc mộng đã tan mà sao ảo tưởng vẫn còn!
Lần cuối cùng hẹn gặp trước khi Gấu lấy vợ: cô đang học y khoa, ở tít mãi trong Chợ Lớn. Chỗ gặp mặt là một quán Tầu ngay Chợ Đũi. Gấu vẫn thường ngồi đó, chờ cô bé đưa em đi học tại một trường kế bên, rồi ghé. Cô em gái có lần thấy, đang bữa ăn chiều như nhớ ra, kêu "chị, chị ra đây em nói cái này hay lắm: buổi sáng em thấy chị đi với anh Gấu."
Bạn bè, cô, và cô em gái vẫn gọi anh bằng cái tên đó. "Có thể bữa nào giận H. nó sẽ nói cho cả nhà nghe, nhưng cũng chẳng sao..."; Gấu ngồi chờ, cố nhớ lại những kỷ niệm cũ. Khi quá giờ hẹn 5 phút, anh bỏ đi.
Sau này, anh nghe cô kể lại: Bữa đó, trời mưa lớn, H. đội mưa chạy xe từ Đại học Y khoa, suốt quãng đường Chợ Lớn - Sài Gòn. Cũng biết là vô ích, vô phương. Lũ bạn nói, con này điên rồi. Tới nơi, đã trễ hẹn. Thường, em vẫn trễ hẹn, anh vẫn chờ (có lần anh nói anh có cả một đời để chờ...), nhưng lần đó, em hiểu.
*
Phim võ hiệp Ngọa Hổ Tàng Long đề nghị 10 Oscars, được 4, qua tin tức báo chí. Theo Joan Acocella, tác giả bài viết trên báo Nguời Nữu Ước số tháng Ba 26, 2001, nếu có thêm một giải thưởng đạo diễn chuyển động (mouvement direction), thì phải là 11, bởi vì những màn đánh kiếm trong phim thật tuyệt vời và là cốt lõi của phim và Yuen Wo Ping là người sáng tạo ra "cuộc khiêu vũ của cái đẹp trong lúc chuyển động" này.
Ông người Hongkong, thuộc một gia đình chuyên về phim võ hiệp. Bốn người con trai theo nghề của bố (một, là đạo diễn những màn đấm đá trong cuốn phim mới "Những thiên thần của Charlie"). Yuen khởi nghiệp bằng vai đóng thế tài tử chính ở những màn nguy hiểm, trong phim của bố.
Ông luôn luôn đóng vai kẻ [phải] chết. Ông nói với tờ Guardian (London): "Về chuyện té xuống chết, tôi là số một."
Năm nay 55 tuổi, đạo diễn những màn đấm đá trong khi bay nhẩy (fight choregrapher) trên 50 phim. Ông đã biến Jackie Chan thành một tay quyền cước tiếu lâm, để đối lại với một Lý Tiểu Long lúc nào cũng đăm chiêu. Hai năm trước đây, làm choregrapher cho phim The Matrix, ông đưa xảo thuật dây (wirework) vào trong phim này. Những diễn viên có thể bay nhẩy nhào lộn trên không, nhờ buộc vào những sợi dây (khi in phim, họ xóa những sợi dây đi).
Đây là một xảo thuật mà người viếti, khi còn là con nít đã từng say mê những nhân vật như Phàn Lê Huê đằng vân giá vũ, di sơn đảo hải… trong các tuồng Tầu, hoặc cải lương hồ quảng…
Nhưng cho dù xóa những sợi dây, thì hiệu quả của chúng vẫn còn. Khán giả tinh ý vẫn có thể nhận ra: khi diễn viên đột nhiên bị giật lên cao, theo nguyên lý quán tính, cơ thể của họ cưỡng lại; cũng vậy, khi họ đặt chân xuống đất. Theo tác giả bài viết trên Người Nữu Ước, xảo thuật dây đối nghịch với nghệ thuật khiêu vũ: một nghệ thuật của sự dung hoà (negociation) với sức hút của trái đất tạo nên sức nặng của cơ thể, trong khi với xảo thuật, chỉ cần xóa bỏ hình ảnh những sợi dây. Trong môn vũ ba lê, cú nhẩy của diễn viên làm cho khán giả ngỡ ngàng, lý do là diễn viên nhẩy lên cứ như không, như thể không phải vận dụng một sức lực nào hết, giống như thường nhân chúng ta thảnh thơi dạo chơi trên mặt đất; trong khi bất cứ một chuyển động nhẩy vọt nào, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguyên lý quán tính. Nói nôm na, trái đất trì kéo người diễn viên, trong khi người đó phải giải tỏa sức trì kéo này, mà vẫn bay nhẩy một cách thật tự nhiên.
Người Trung Hoa chia ra nhiều thứ tình. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung gần như bao gồm đủ loại tình "truyền thống" đó: tình si, tình hận, tình hiệp… Ngọa Hổ Tàng Long, một phim võ hiệp, chắc chắn rồi, nhưng chắc chắc hơn nữa, đây là một phim tình hiệp. Cái màn "long tranh hổ đấu" giữa vị sư muội của đại hiệp Mu Bai là Shu Lien với Jen, nữ đệ tử của Hồ Ly, theo thiển ý của người viết, là do ghen tuông mà ra. Và sở dĩ, tới phút hấp hối vị đại hiệp mới tỏ tình với sư muội, là cũng do hối hận, vì đã để lòng mình ngả nghiêng, trước "tài sắc vẹn toàn" của Jen, qua những màn đấu "giao hữu" trên những ngọn cây xanh, giữa ông và người nữ đệ tử xinh đẹp của Hồ Ly (nên nhớ, cuộc tình giữa hai người đã không thể thực hiện, vì người yêu trước của Shu Liên là bạn của Mu Bai).
Như đạo diễn Ang Lee của Ngọa Hổ Tàng Long nói, "điều tôi muốn, là một giấc mơ về Trung Hoa", và ông đã đạt được. Nhưng nếu Ngọa Hổ Tàng Long là giấc mơ Trung Hoa, thì màn "khiêu vũ bằng võ nghệ" những ngọn tre, chính là giấc mơ của võ hiệp (kung-fu): Mu Bai, vị đại hiệp, trong lòng thì như dông như bão, nhưng dáng đứng trên ngọn tre lại "trầm mặc" như dáng đứng của một ông Phật; còn Jen, nữ đệ tử của Hồ Ly, bay lui về phía sau, trong cái dáng tần ngần ngơ ngẩn thật ướt át (erotic trance).
Joan Acocella, tác giả bài viết "(Dancing): Jump, Fly, and Wail", trên tờ Người Nữu Ước, xem phim, nhận ra chất Đạo (Tao) ở trong đó. Nhưng với độc giả say mê Kim Dung, họ nhận ra điều này liền, vì đây đúng là màn đấu giữa hai đệ tử của môn phái Tiêu Dao.
Joan Acocella cho rằng trong những phim Hongkong, nam hoặc nữ đều "nghiêm túc" như nhau, khi nói tới "kiếm đạo". Theo Kim Dung, kiếm đứng đầu trong mọi thứ võ khí (độc giả Kim Dung chắc khó có thể quên, lần đầu tiên Viên Thừa Chí được quỳ trước bức tượng vị tổ sư của môn phái, và sau đó, chứng kiến sư phụ Bát Thủ Tiên Vượn Mục Nhân Thanh, dùng hỗn nguyên công phóng kiếm vào thân cây ngập tới tận chuôi, trên đỉnh Hoa Sơn, trong Bích Huyết Kiếm. Trong Ngọa Hổ Tàng Long, khi Jen hỏi nhan sắc sầu muộn Shu Lien, 'Chị cũng là một kiếm sĩ", nàng trả lời, "Đúng vậy, nhưng tôi thích đao hơn kiếm"; người xem phim tự hỏi tại sao, và sẽ thấy câu trả lời sau đó: vì kiếm cũng như trái tim vị đại hiệp đã thuộc về cô em rồi!
Nói rõ hơn, Jen khi đánh cắp thanh kiếm là đã đánh cắp luôn trái tim người cầm kiếm!
Mu Bai trao tặng thanh kiếm, là để làm mồi nhử Hồ Ly, nhưng Hồ Ly không mắc bẫy, đệ tử của bà đánh cắp thanh kiếm chỉ vì "nghịch tinh"; theo tôi, điều này cho thấy, bố cục của phim Ngọa Hổ Tàng Long rất lỏng lẻo. Ang Lee chưa học được Kim Dung ở những tình tiết lắt léo, tính nghẹt thở, và kỹ thuật "rắn nằm trong cỏ" của Đông Phương. Tôi lấy thí dụ: Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, khi Nhạc Linh San giả làm cô gái bán rượu, và là nguyên nhân khiến Lâm Bình Chi giết người, gây họa cho toàn gia đình… phải mãi sau đó, chúng ta mới hiểu được, từ chính miệng Lâm Bình Chi, khi biết rõ bộ mặt thật của quân tử kiếm Nhạc Bất Quần: tất cả là do Tịch Tà Kiếm Phổ mà ra. Cái chết của Nhạc Linh San, ở tay người chồng hờ, mang tính tình nghiệt, c ủa Đông Phương. Do đó, trước khi chết Nhạc Linh San năn nỉ Lệnh Hồ Xung chiếu cố tới Lâm Bình Chi, và tiễn nàng ra đi, là âm thanh của những bài hát của những cô gái hái chè vùng Phúc Kiến, quê hương nhà chồng trong trí tưởng của nàng.
Joan Acocella cũng bị quyến rũ bởi tiếng nhạc trong phim Ngọa Hổ Tàng Long. Nó làm bà nhớ tới những phim âm nhạc tuyệt vời của Tây phương thập niên 1930. Vẫn theo tác giả, phim âm nhạc tuyệt vời sau cùng của Tây phương là "West Side Story", làm năm 1961. Nhưng những độc giả của Kim Dung chắc chắc một điều, Ngọa Hổ Tàng Long chưa đạt tới tinh thần của bản đàn do hai cao thủ chính tà hợp soạn, ở trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Ang Lee, nhà đạo diễn phim Ngọa Hổ Tàng Long, làm sao không đọc Kim Dung, và làm sao quên được cái cảnh tượng Phí Bân truy đuổi tận sát hai cao thủ chính tà là Lưu Chính Phong và Khúc Dương trưởng lão, đồng tác giả bản Tiếu Ngạo Giang Hồ, và rồi chết dưới lưỡi kiếm của Tiêu Tương Dạ Vũ. Kiếm từ hồ cầm theo tiếng đàn bật ra, kiếm tới đâu, tiếng đàn theo tới đó, khi kiếm trở lại với đàn, cũng là lúc Phí Bân biết mình trúng tử thương, nhẩy lên cao, dồn hết nội lực theo tia máu vọt ra theo vết kiếm, trông thật ghê rợn, kỳ bí! Joan Acocella đã cảm nhận được điều này, qua tiếng trống ở trong phim Ngọa Hổ Tàng Long (Drums sound, adding to the mystery).
Tác giả cũng chú ý tới mầu tre xanh: một mầu xanh bạn chẳng thể nào tưởng tượng ra nổi, mềm như nhung, dầy như nêm; trong cõi siêu thực như thế đó nổi lên hai cánh chim trắng là Jen và Mu Bai…
Đao hơn kiếm hay kiếm hơn đao? Đây cũng là một bài toán hắc búa, theo tôi, một "đệ tử" của Kim Dung. Trong Lãnh Nguyệt Bảo Đao, thì đao lại đứng đầu, với Hồ Gia Đao Pháp. Đây là một tuyệt tác của Kim Dung, nhưng là một tuyệt tác "hỏng", theo nghĩa còn nhiều sơ hở, cho nên nó là một tuyệt tác. Chính tác giả cũng đã nhận ra những sơ hở này, và đã tìm cách viết lại tác phẩm (lần đầu xuất hiện với cái tên Thần Đao Hồ Đại Đởm). Kim Dung là bậc thầy, trong quan niệm "cái đẹp thì tuyệt hảo, do bất toàn". Lục Mạch Thần Kiếm: tuyệt hảo, nhưng lúc sử dụng được, lúc không. Dịch Cân Kinh: tuyệt hảo, nhưng "cố tình học" là không được, nếu chối đây đẩy, nó lại bám chặt lấy bạn, gỡ không ra! Bẩy mươi hai tuyệt kỹ Thiếu Lâm, chỉ Đạt Ma tổ sư là kiêm đủ…
Nhìn theo quan niệm trên, Ngọa Hổ Tàng Long đúng là một giấc mơ Trung Hoa đã trở thành hiện thực.
***
Rắn nằm trong cỏ. Sóng sau đè sóng trước. Cái nên thơ của cơ cấu luận... Michel Foucault giải thích: Không thể không có tiêu ký [để chỉ ra] sự tương đồng [giữa những sự vật]. Thế giới tri âm tri kỷ là đã được tiêu ký. (Il n’y a pas de ressemblance sans signature. Le monde du similaire ne peut être qu’un monde marqué. "Chữ và Vật", chương "Những tiêu ký", "Les Signatures".) Những độc giả tri kỷ của Kim Dung chắc là tâm đắc với những khám phá, thí dụ như: Cái chết của A Châu làm nảy sinh tình yêu của A Tỷ. Nhưng trước đó, Kim Dung đã "gài"một câu, tuy thật hợp với tình tình của A Tỷ, nhưng lại nói lên một sự thực, hay là nguồn gốc của người hùng phản-anh hùng, của nhân vật mang tính máu huyết: Người ngợm gì mà đến tên họ của mình cũng không biết! (Kiều Phong không biết mình họ Kiều hay họ Tiêu, không biết mình là người Hán hay Khiết Đan).
Tất cả xảy ra như thể một người chôn một kho tàng, rồi đánh dấu để sau này có thể kiếm thấy. (Foucault trích dẫn Paracelse).
Đâu phải tự nhiên, Hân Tố Tố giả dạng Trương Thúy Sơn. Đâu phải tự nhiên, Kiều Phong loạn đả quần hùng tại Tụ Hiền Trang, chỉ vì một đứa con gái bá vơ, người hầu của Mộ Dung Phục.
Nhà thơ đàn anh, khi còn Sài Gòn còn gọi là Sài Gòn, nhân một buổi sáng ngồi bàn cà phê Cái Chùa, tình cờ nhắc tới Dostoevsky, nhân đó leo qua bi hùng kịch Hy Lạp, đã đưa ra nhận xét: bi hùng kịch Hy Lạp chưa tới đỉnh cao như chuyện Tầu, thí dụ như đoạn Tống Tửu Đơn Hùng Tín ở trong Thuyết Đường. Một đám huynh đệ uống máu, thề đồng sinh đồng tử, vậy mà khơi khơi mời bạn nhậu, rồi khơi khơi đưa bạn ra chặt đầu, chẳng thèm diễn tuồng xử lý nội bộ!
Theo tôi, đoạn Kiều Phong uống rượu cùng bè bạn trước khi mở một trường loạn sát, là đã được "tiêu ký" từ Tống Tửu Đơn Hùng Tín.
Nguyễn Quốc Trụ
(1) Bài viết đã lâu, mang ra đọc lại. NQT

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates