TTT
23.9.2006
Phạm Xuân Nguyên
Biến cố thứ nhất của văn học thời hậu chiến: Thanh Tâm Tuyền
Bài
viết sau đây của Phạm Xuân Nguyên vốn là một trao đổi với Trần Mạnh Hảo
cách đây 12 năm, song trong chưa được công bố. Nhân bài “Sự lập lờ
trong đánh giá về Thanh Tâm Tuyền” của Vũ Đức Tân vừa đăng trên Người Hà Nội số 38, ngày 22.9.2006, tác giả gửi đến talawas bài viết này.
Trong
bản tham luận nhan đề “Từ Thơ Mới đến thơ hiện đại” đọc tại cuộc hội
thảo “Vấn đề tính dân tộc trong thơ Việt Nam hiện nay” do Trường viết
văn Nguyễn Du tổ chức (Hà Nội, 14/4/1994), sau đăng lên ở tạp chí Nha Trang (số 25, tháng 7–8/1994), tôi viết về nhóm Sáng Tạo và Thanh Tâm Tuyền như sau: “Nhóm văn nghệ sĩ tập hợp quanh tờ tạp chí Sáng Tạo
(1956-1961) chủ trương làm “văn nghệ hôm nay” trước hết là thơ. Họ kêu
gọi đoạn tuyệt Thơ Mới (gọi là thơ tiền chiến), họ tuyên bố làm thơ bây
giờ. Nhà thơ tiên phong của nhóm, người triệt để thí nghiệm thơ tự do –
thơ bây giờ, Thanh Tâm Tuyền, cho ra ngay tập Tôi không còn cô độc, ‘biến cố thứ nhất của văn học thời hậu chiến’ (Cao Thế Dung)”. Anh Trần Mạnh Hảo trong bài “Lại bàn về thơ hiện đại” đăng báo Nhân dân chủ nhật
(số 45, 6/11/1994) viết về vấn đề này như sau: “Trong dòng văn học
chính thống của miền Nam Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền giữ một ví trí khá
quan trọng. Về thơ, ông là ngọn cờ của nhóm Sáng Tạo”. So với bài trao đổi với tôi trước đây đăng ở báo Văn nghệ (số 38, 13/8/1994), lần này ý kiến của anh Hảo về Thanh Tâm Tuyền không khác nhận định của tôi, có phần lại còn mạnh hơn.
talawas
Tôi viết tiếp trong bài của mình: “Dù sao, thơ tự do của nhóm Sáng Tạo đã đạt được những bước đi đầu tiên, đã bắt đầu làm rạn nứt nếp quen sáng tạo và thưởng thức thơ lối tiền chiến, đã hé mở cho thơ một lối đi tìm mình, như vậy, cách hơn ba thập niên trước, thơ Việt đã nhúc nhích đi tới hiện đại”. Ở bài mới này của mình, Trần Mạnh Hảo muốn bác lại nhận định trên của tôi bằng cách “nêu ra một vài nét về hành trình thơ của ông (tức Thanh Tâm Tuyền - PXN) nhằm giúp bạn đọc thêm tư liệu nhận ra chân, giả”. Và anh Hảo đã trả lời câu hỏi: Thanh Tâm Tuyền là ai về mặt thơ ca? theo cách hiểu của anh. Bây giờ tôi sẽ đưa ra câu trả lời của tôi cho câu hỏi đó.
Trước khi vào vấn đề tôi xin giới thuyết thơ hiện đại theo quan niệm của tôi. Thơ hiện đại là thơ dụng chữ, không phải dụng ý, là thơ chủ cảm không phải chủ hiểu. Nhóm Xuân thu nhã tập là bước đi thứ nhất có tổ chức theo hướng này để làm mới thơ, hiện đại hoá thơ. Thơ Mới và thơ sau thời nó tuy nội dung rất khác nhau (mà thế tất là phải khác) nhưng về thi pháp lại cơ bản giống nhau, một thứ thi pháp “chủ yếu mang tính đơn tuyến, đơn nghĩa và một tính mục đích quá rõ ràng nhằm diễn đạt một ý đồ có sẵn” (Lê Đạt). Ý kiến nói rằng sau thời 1932–1945 thơ Việt chủ yếu vẫn nằm trong vòng hoặc vẫn chịu áp lực mạnh của Thơ Mới chính là nói theo tinh thần này. Nhóm Sáng Tạo là bước đi thứ hai có tổ chức nhằm muốn phá “vòng vây” của loại thơ tuyến tính đó.
Trở lại thơ ca Thanh Tâm Tuyền, muốn biết ông đã hiện đại chưa, hiện đại đến mức nào, cần phải xét đến: 1) Những ý kiến của ông bàn về thơ; 2) Sáng tác thơ của ông; 3) Đánh giá, nhận xét của giới văn học về ông. Tôi xin lần lượt điểm qua ba mặt đó:
1. Thanh Tâm Tuyền cùng các thành viên của nhóm Sáng Tạo đầu những năm 60 đã có các cuộc thảo luận về văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam, về ngôn ngữ mới trong hội họa, về nhân vật trong tiểu thuyết và về thơ bây giờ. Các cuộc thảo luận đó nhằm mục đích “thanh toán với thế hệ trước, xác định lại giá trị đích thực của nghệ thuật tiền chiến, khơi mở một con đường tiến tới trước nghệ thuật hôm nay. Một nghệ thuật để con người chinh phục thân phận của chính mình. Một nghệ thuật mang trong nó sự vận động biện chứng của huỷ diệt và sáng tạo”. Trong cuộc bàn về thơ, khi đi tìm một định nghĩa cho thơ bây giờ, Thanh Tâm Tuyền nói: “Thơ bây giờ vẫn giữ cái phần tinh tuý của thi ca từ xưa đến giờ. Hegel nói thơ là phần nghệ thuật trẻ nhất của nhân loại. Thời đại khi báo một tương lai mới là lúc thơ phát triển mạnh nhất. Thơ là một tiếng nói hoà đồng. Thơ dẫn vào một thế giới hoà đồng. Ở thơ không thể có không khí của một thế giới bất trắc. Thơ bây giờ cũng vậy. Không muốn rơi vào ngõ bí, phải tìm thấy một niềm tin tưởng dù có thể hết sức ngây thơ. Một xã hội báo hiệu điềm chết nếu không có thi ca. Thi ca báo hiệu sự sống tương lai”. Đấy là về nội dung, còn về hình thức, ông thấy: “Thơ bây giờ là một sự xáo trộn ngôn ngữ. Ta phải ghi nhận công của phái siêu thực Tây phương đối với ngôn ngữ. Tôi làm thơ, ngoài mối ám ảnh chung về tư tưởng đức lý nói trên, còn theo đuổi một mối ám ảnh về ngôn ngữ. Nhà thơ còn đóng một vai trò trong đời sống ngôn ngữ dân tộc. Nhà thơ tầm thường là thợ ngôn ngữ. Có tài là kẻ sáng chế ngôn ngữ. Thắc mắc của tôi là thơ bây giờ có tạo được một ngôn ngữ mới không?”. Trước câu hỏi của một đồng nghiệp nêu lên: Tại sao phải đổi mới thơ? Thanh Tâm Tuyền trả lời là vì mỗi thời đại có một ngôn ngữ thơ riêng và ngôn ngữ thơ bây giờ hoàn toàn khác hẳn ngôn ngữ thơ thời tiền chiến. Ông giải thích: “Tại sao bây giờ còn những người cảm được những bài thơ tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận, một thứ ngôn ngữ tôi xếp vào loại ngôn ngữ đã chết rồi. Lý do giản dị là ở người đọc chứ không phải ở nhà thơ. Nhà thơ đã không vượt qua được thời đại mà người đọc thì đã sống lùi thời đại mình. Còn bảo rằng ngôn ngữ Xuân Diệu, Huy Cận hay bất cứ một nhà thơ nào thuở trước giống ngôn ngữ thời nay chỉ là vì đã quan niệm nhầm lẫn về ngôn ngữ thi ca. Không nên quan niệm ngôn ngữ thi ca bằng những từ ngữ riêng rẽ. Nhà thơ nào cũng phải dùng những tiếng: em, anh, chúng ta v.v..., một số ngữ vựng chung, không thể đặt những chữ mới. Nhưng cái chứa đựng của từ ngữ đã biến đổi theo toàn thể cơ cấu bài thơ, và ngôn ngữ thi ca là toàn thể cơ cấu đó. Cho nên nhà thơ ngày nay có thể dùng những chữ rất cổ, nhưng những chữ ấy đã có một đời sống mới trong thơ bây giờ”. Thanh Tâm Tuyền đừng nên hỏi thơ bây giờ có lập dị hay không vì đó là “một giả vấn đề che đậy những thiên biến của những tâm hồn nông cạn”. Vấn đề là ở chỗ khác: “Tại sao không hỏi thơ bây giờ có làm mình cảm được hay không? Giả thiết tận cùng lý luận, nếu lập dị mà vẫn cảm được thì sao không nhận cái lập dị ấy? Nhưng nói thế tôi không bảo thơ bây giờ lập dị. Vả lại vấn đề rung cảm còn phải đặt với thời đại của nó”.
Thanh Tâm Tuyền cho Thơ Mới chỉ là biến dạng của thơ cũ bởi vì “Trong Thơ Mới cái tâm hồn thi nhân của quá khứ vẫn còn được lưu truyền”. Ý kiến này cực đoan nhưng không phải không hiểu được nếu chúng ta biết đòi hỏi “thoát” Thơ Mới đến tận hôm nay vẫn đang là vấn đề đối với thơ Việt. Trên tinh thần ấy Thanh Tâm Tuyền khiến cho Hoài Thanh đã “không sao hiểu nổi cái độc đáo nơi con người thi sĩ” Hàn Mặc Tử. Nghĩa là Hàn Mặc Tử, đối với Thanh Tâm Tuyền, mới đích thực là Thơ Mới. Nhận định này của ông khớp với các nghiên cứu về Hàn Mặc Tử từ trước đến nay. “Tâm hồn thi nhân” của họ Hàn, nhất là ở phần thơ Điên, là chưa từng có trong thơ Việt truyền thống. Không thể đi vào hồn thơ Hàn Mặc Tử nếu không có lối ngõ tôn giáo, tâm linh. Thanh Tâm Tuyền và bạn bè ông ở nhóm Sáng Tạo đề xướng thơ bây giờ là muốn có được cái độc đáo như ở Hàn Mặc Tử. Đối với họ “thơ không còn là cứu cánh của đời sống, thơ chỉ còn là phương tiện để họ vào sâu trong ý thức gặp mình, gặp được đời sống và may ra gặp được hồn người”. Thơ đó có thể hàm súc, linh diệu, có thể tối tăm, kỳ bí – Thanh Tâm Tuyền đã đi giữa hai bờ ấy khi thành khi bại. Ông là người triệt để, nhất quán từ lý luận sang sáng tác trên con đường thơ tự do mà nhóm Sáng Tạo mở ra cách đây gần bốn chục năm. Lẽ cố nhiên thành để lại kết quả, bại để lại kinh nghiệm, trường hợp Thanh Tâm Tuyền là một thực tế không thể bỏ qua khi nghiên cứu sự vận động của thơ Việt sau thời Thơ Mới.
2. Thời kỳ 1954–1975 Thanh Tâm Tuyền chỉ có hai tập thơ: Tôi không còn cô độc (1956) và Liên đêm mặt trời tìm thấy (1964). Chỉ riêng tựa đề tập thứ hai một nhà phê bình năm 1967 đã phải luận đoán như sau: “đây phần lớn là cái áng thơ mà tác giả đã sáng tác nhân cuộc tình duyên với một người (LIÊN), nhân khoảng thời gian đen tối sau khi người đẹp rũ áo bỏ đi (ĐÊM) và nhân lúc chợt khám phá ra một tình yêu mới (MẶT TRỜI TÌM THẤY)” (Phạm Việt Tuyền). Ở tập thơ đầu, Thanh Tâm Tuyền ý thức rất rõ việc ông đang làm là khai phá một vùng đất mới. Ông tuyên bố với các khách thơ: Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi / người hoàn toàn tự do / để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ / người hoàn toàn tự do / và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ. Khi định nghĩa một bài thơ hay ông viết:
Hoàn thành bao nhiêu tác phẩm
Chỉ để sau rốt kết luận một lời
Anh hãy từ biệt mọi người cho đẹp bằng tác phẩm của anh
Một câu thơ hay tự nhiên như lời nói
Bài thơ hay là cái chết cuối cùng.
Quả thật, tập Tôi không còn cô độc đã chứng tỏ được tài năng và tầm vóc của Thanh Tâm Tuyền từ hồi bấy giờ, do đó đã gây được một ảnh hưởng đáng kể về sau này...
Ở tập sau, Thanh Tâm Tuyền nói rõ hơn thế nào là thơ tự do. Đó là thứ thơ “không gieo vần lối đồng âm đồng thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác âm nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài hơn các hơi thơ khác”. Trong thơ tự do có “nhịp điệu của hình ảnh” và “nhịp điệu của ý tưởng”, cả hai là “sự thể hiện của nhịp điệu của ý thức”.
Để có khái niệm về thơ tự do Thanh Tâm Tuyền, tôi xin dẫn ra đây một bài.
Tĩnh vật
Mẩu bánh mì ở góc bàn
Và cốc nước trong như mắt đẹp
Thôi để giấc mơ lên cỏ hoa
Hiện hình nỗi chết
Từ ngón tay
Hết cả niềm hồn hậu
Người đau bằng màu bằng âm thanh
Những ngày nghèo đói
Ăn mày
Cố sức tiếng cười trên cổ nõn
Tóc mai
Phố nhỏ lên chiều mãi nhớ thương
Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực
Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống.
Bài này đăng trên tạp chí Sáng Tạo, số Xuân 1957. Gần bốn mươi năm trước đọc nó chắc nhiều người ngỡ ngàng không biết nhà thơ định nói gì. Đọc đi đọc lại hình như có một nỗi niềm buồn đau, hoang mang nào đó bàng bạc khắp cả bài thơ. Vẫn Phạm Việt Tuyền nhận xét: “Theo hiểu ý, những bài thơ thành công nhất của Thanh Tâm Tuyền không phải là thứ thơ dễ hiểu nhằm mục đích giảng giải, kể lể, mô tả, kích động, để thỏa mãn lý trí hay lương tâm, mà là thứ thơ thuần tuý, có một tiềm lực huyền bí tạo ra niềm hứng khởi nâng tâm hồn con người hướng lên cái hay cái đẹp siêu việt gần như nhiệm màu. Đấy là thứ thơ phải hiểu bằng trực giác, phải nhờ tưởng tượng và tình cảm để nếm cái khoái trá bí mật nhưng có thật đối với những kẻ định dùng cân lượng của văn xuôi mà đo lường...”. Tôi thấy nhận xét này đúng với tinh thần thơ Thanh Tâm Tuyền và chỉ đúng cách đọc thơ hiện đại.
3. Cuộc làm mới thơ táo bạo, quyết liệt của Thanh Tâm Tuyền, cố nhiên, đã gây dư luận sôi nổi trên văn đàn miền Nam cuối những năm 50 đầu những năm 60. Nhà thơ trẻ tuổi (ông sinh năm 1936) gốc xứ Nghệ này không để cho người ta thờ ơ, buộc ai đã đọc đều phải lên tiếng khen chê, bàn cãi gay gắt. Trong rất nhiều bài viết về Thanh Tâm Tuyền trước 1975 ở miền Nam, tôi chú ý bài phê bình nghiêm túc, thẳng thắn của Cao Thế Dung. Ông viết:
“Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ hay chỉ là nhà văn? Chúng tôi xin nói thẳng ra rằng, ông là một nhà văn hơn là một nhà thơ. (Điều này Thanh Tâm Tuyền cũng đã có lần tự nhận – P.X.N). Một nhà văn có một tâm hồn thơ, có cảm quan thơ và có nghĩ về thơ. Vậy thì thơ ông ra sao?... Thơ ông thì không phản ánh được ý nguyện của ông. Nhưng khi Thanh Tâm Tuyền trở về với thực chất thuần thể Thanh Tâm Tuyền thì thơ ông quả là tiếng thơ không những mới mà còn đủ cao điệu của tầm vóc thơ”. Nhà nghiên cứu kết luận: “Về thơ - với thơ tự do và Tôi không còn cô độc – Thanh Tâm Tuyền đã có một thời vàng son, và thời ấy đã đi qua dĩ nhiên không bao giờ trở lại. Nhưng nhất định thi phẩm đầu tay của Thanh Tâm Tuyền phải là một trong những biến cố thứ nhất của văn học thời hậu chiến”.
Sau 1975 các tác giả ở hải ngoại mỗi khi có dịp nhìn lại văn học miền Nam 1954–1975 đều có nhận định, đánh giá về trường hợp Thanh Tâm Tuyền. Trong bài viết về nhóm Sáng Tạo (Hợp Lưu, số 16, tháng 4–5/1994) Trương Vũ viết: “Những bài thơ của ông quyến rũ nhiều độc giả. Hiểu được hay không, cảm được hay không, qua thơ Thanh Tâm Tuyền, họ bắt đầu tin rằng thi ca có một cái cõi khác, ngoài cái cõi thi ca mà họ vốn biết. Điều đó khích động sự tìm tòi của nhiều người. Những người mới làm thơ sợ những nét ước lệ hơn trước. Đồng thời, miền Nam cũng bắt đầu có nhiều thi sĩ làm thơ thật lạ lùng, so với trước đây. Có nhiều bài thơ hay cũng như có rất nhiều bài dở. Thơ dở không ai nhớ, nhưng những bài thơ hay đã làm giàu cho nền văn học ở miền Nam, thật ra còn khá nghèo so với nhiều nền văn học khác trên thế giới”. Về thơ Thanh Tâm Tuyền viết ở hải ngoại với bút danh Trần Kha và ở trong tập mới in năm 1990, Trương Vũ nhận xét: “Những bài thơ sau này của ông tuyệt vời. Bây giờ ông là một nhà thơ tự do đúng nghĩa. Ông không tránh né thơ cổ điển. Ông làm thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn... và dĩ nhiên rất nhiều thơ tự do. Gần như bài nào cũng đặc sắc. Và, vẫn là thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi cho rằng ông là người vẫn tiếp tục đi tới trên con đường rất khó mà ông đã chọn”.
Nhận xét của Cao Thế Dung và Trương Vũ, theo tôi, đã nói được khá chính xác giá trị thơ Thanh Tâm Tuyền và ý nghĩa cuộc đổi mới thơ của ông đối với thơ Việt miền Nam nói riêng và thơ Việt nói chung. Nhân đây về trích đoạn thư Thanh Tâm Tuyền gửi Thi Vũ tôi muốn lưu ý Trần Mạnh Hảo hai điều. Thứ nhất, Thanh Tâm Tuyền viết “thái độ đối với thơ không chỉnh” chứ không phải “thơ không chỉnh”. Thứ hai, Thanh Tâm Tuyền có quyền “vô trách nhiệm” với mình như vậy nhưng người nghiên cứu thì không được quyền dựa vào đó để “vô trách nhiệm” với lịch sử văn học. Tác phẩm đã hiện hữu phải được đối xử đúng với hiện hữu của tác phẩm. Những lời tuyên bố, sự khẳng định hay sự phủ định của tác giả không thêm bớt được gì nhiều vào giá trị tự thân của tác phẩm đã sinh tồn.
Thanh Tâm Tuyền cùng nhóm Sáng Tạo là một hiện tượng của văn học miền Nam thời kỳ 1954–1975. Trong nền văn học ấy còn nhiều hiện tượng khác. Đặt trong tiến trình văn học dân tộc để khảo sát các hiện tượng đó là một yêu cầu lịch sử và khoa học. Một thái độ thiện chí, khách quan, khoa học khi tiếp cận đối tượng nghiên cứu ở đây sẽ giúp ích nhiều cho văn học. Và không chỉ cho văn học.
7. XI. 1994
© 2006 talawas
Comments
Post a Comment