First Love
Istanbul
Tình đầu
Orhan Pamuk
Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ
Bởi vì đây là một hồi ức, tôi phải giấu
tên của nàng, và, nếu như phải gọi tên nàng ra, để cho đỡ nhớ, thì tôi
sẽ đưa ra một đầu mối, theo kiểu của những nhà thơ Divan thường sử dụng,
nhưng tôi cần gợi ý thêm ở đây, là, đầu mối này, như tất cả phần còn lại
của câu chuyện của tôi, sẽ có thể khiến bạn lạc đường.
Tên của nàng là Bông Hồng Đen, theo
tiếng Ba Tư, nhưng, theo như tôi biết, cho tới nay, chẳng có ai trên bến
cảng, nơi mà chiều chiều, nàng vô tư nhảy xuống tắm biển, và chẳng có ai
trong số bạn học của nàng ở trường trung học của người Pháp, để ý đến
chuyện tên nàng là Bông Hồng Đen, ấy là vì, mớ tóc dài long lanh sáng
ngời của nàng thì không phải mầu đen mà là mầu hạt dẻ, và cặp mắt nâu
của nàng thì cũng mầu hạt dẻ, nhưng xẫm hơn một chút, so với mầu tóc.
Khi tôi thật khôn khéo, thật tế nhị, nói
với nàng, tên nàng có nghĩa là Bông Hồng Đen theo tiếng Ba Tư, nàng
nhướng mày, nàng luôn làm như vậy, mỗi khi nàng đột nhiên trở nên nghiêm
túc, và, trề môi ra một tí, nàng nói, lẽ dĩ nhiên, nàng biết tên của
nàng có nghĩa là gì, và nàng nói thêm, tên của nàng là được đặt theo tên
của bà nàng, một phụ nữ người Albanian.
Về “bà phu nhân” đó, tức mẹ nàng, theo
như mẹ tôi cho biết, bà chắc hẳn đã lấy chồng rất sớm, bởi vì khi anh
tôi được năm tuổi, tôi, ba tuổi, vào những buổi sáng mùa đông, mẹ tôi
đưa hai anh em chúng tôi tới công viên Macka Park, ở Nisantasi, mẹ tôi
đã nhìn thấy cô bé con cùng bà mẹ, bà mẹ nhìn chẳng khác chi một thiếu
nữ, và cô thiếu nữ đã làm mẹ này thì đang dỗ cô bé con – tức là ‘nàng’ -
nằm ngủ, trong một cái xe đẩy thật lớn. Mẹ tôi có lần nhắc tới chuyện,
bà của cô bé, người Albanian, xuất thân từ hậu cung của một vì pasha,
ông này, hoặc đã làm một điều gì hết sức bậy bạ, trong những năm ngưng
chiến, hay tự hạ nhục chính mình, khi chống đối Ataturk, nhưng tôi chẳng
có một chút quan tâm nào tới những biệt thự có từ thời Ottoman đã bị đốt
rụi, hay những gia đình đã từng ở trong đó, cho nên tôi chẳng nhớ chính
xác chuyện này ra sao. Còn cha tôi, ông nói bằng một giọng nói chẳng có
vẻ chi thù nghịch hay khinh khi, cha của cô bé Bông Hồng Đen đã nhanh
chóng trở nên giầu có trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, nhờ những làm ăn,
chuyển nhượng với những công ty Hoa kỳ và Hà lan mà ông ta là một người
đại diện, và nhờ những nhân vật có thế lực trong chính quyền mà ông ta
quen biết.
Tám năm sau cuộc gặp gỡ của chúng tôi
tại công viên, khi gia đình tôi mua một căn nhà ở khu Bayramoglu, một
nhà nghỉ mùa hè ở phía đông thành phố, rất thời thượng đối với những nhà
giầu mới nổi vào thời kỳ thập niên 1960 và 70, và vào lúc này, tôi có
thể nhìn thấy nàng cưỡi xe đạp. Vào thời đại hoàng kim của thành phố,
khi vùng này chưa phát triển và vẫn còn vắng người, vào những buổi đẹp
trời, tôi thường tắm biển, hay dùng thuyền đi ra xa phiá bên ngoài, thả
lưới, bắt cá thu, cá song, hay chơi đá banh trên bãi biển, và vào những
buổi chiều mùa hè, khi tôi đã được mười sáu tuổi, khiêu vũ với mấy cô
gái. Tuy nhiên, sau đó, khi tôi học xong trung học, và đã bắt đầu học
kiến trúc, tôi có thói quen ngồi trên sàn nhà, tầng chệt, vẽ và đọc. Với
đám bạn con nít nhà giầu của tôi, chúng gọi bất cứ ai đọc bất cứ một
cuốn sách nào ngoài những cuốn sách, cuốn tập của nhà trường, là một nhà
trí thức, hay một nhân vật mờ ám bị “bủa vây bởi những mặc cảm”. Lời
bình phẩm thứ nhì, như trên, họ thường nói bừa bãi – và nó có thể còn có
nghĩa, bạn có những vấn đề tâm lý, bạn bị “mát”, hay cũng có thể, bạn bị
lo âu về vấn đề tiền bạc. Tôi thì thực sự lo âu, khi bị dán cho cái nhãn
“trí thức”, bởi vậy, hy vọng thuyết phục đám bạn nhí nhà giầu, mình
không phải là một thứ hợm hĩnh, trưởng giả học làm sang, và bất lực, tôi
bắt đầu nói với chúng, tôi đọc những cuốn sách của tôi – Woolf, Freud,
Sartre, Mann, Faulkner của tôi – “chỉ để vui thôi mà”, tuy nhiên, đám đó
lại truy tiếp, "vui thôi mà" sao gạch đít gạch chân tùm lum, tà la nhiều
đoạn?
Chính là thứ tai tiếng như trên đã khiến
cho nàng để ý đến Gấu tui, vào một mùa hè muộn màng - điều này, mặc dù
sự kiện, tất cả mùa hè đó, hay tất cả những mùa hè, trước khi tôi trải
qua nhiều thì giờ với đám bạn bè, hai đứa chúng tôi gần như chẳng ai
thèm để ý đến ai.
Khi tôi cùng đám bạn vào giữa đêm khuya
kéo nhau đi nghe nhạc discos, như là một bầy con trai hạnh phúc, hay
chạy xe (đôi khi đụng xe), trên những chiếc Mercedes, Mustang, hay BMW,
chủ xe là một người nào đó, trên Đại lộ Badat (khi đó được gọi là Đại lộ
Công viên của thành phố Á châu, chỉ cách chỗ ở của chúng tôi chừng nửa
giờ), hay là dùng ghe máy chạy ra một mỏm đá trơ trọi, ở đó, chúng tôi
bầy ra những hàng vỏ chai soda hay rượu vang, rồi dùng súng săn, thứ
thật ngon, của mấy ông bô giầu có, chúng tôi chơi trò bắn bia, và cố
gắng làm cho mấy cô gái đừng hoảng sợ la thét lên, hay chúng tôi nghe
Bob Dylan, hay Beatles, trong khi chơi bài poker, Monopoly; Bông Hồng
Đen và tôi, khi đó, chẳng ai thèm để ý đến ai.
Đám thanh thiếu niên ồn ào, náo động là
lũ chúng tôi đó dần dần rã ra cùng với mùa hè kết thúc, và rồi những cơn
bão lodos chợt tới với thành phố, quất túi bụi lên những bến cảng
vào mỗi tháng Chín, đuổi chạy có cờ mấy chiếc thuyền buồm, ghe máy chậm
chân. Trong khi mưa cứ thế trút xuống, Bông Hồng Đen, lúc này đã mười
bẩy tuổi, chẳng biết làm gì cho qua thì giờ, bèn ghé thăm căn phòng mà
tôi thường ngồi vẽ, vào những giờ phút trọng đại như thế, tôi ban cho nó
một cái tên thật xứng đáng với nàng: xưởng họa của tôi. Tất cả những bạn
bè của tôi cũng thỉnh thoảng ghé, cũng bầy đặt thử tài hội họa, này, đưa
tao cây bút chì, cho tao tờ giấy vẽ, trong khi nhìn với cặp mắt đầy nghi
ngờ những cuốn sách của tôi, và chuyện này thì cũng chẳng có gì là lạ,
so với tai tiếng của Gấu. Như tất cả hầu hết đám chúng tôi sống ở Thổ
nhĩ kỳ thời kỳ này, giầu hay nghèo, nam hay nữ, Bông Hồng Đen cũng cần
chuyện vãn để cho qua ngày, và đỡ buồn.
Vào lúc bắt đầu, chúng tôi chia sẻ với
nhau ba chuyện ngồi lê đôi mách, những câu chuyện thuộc loại rỉ tai lưu
truyền trong đám bạn bè mùa hè vừa qua - đứa nào mê đứa nào, và đứa nào
vì vậy mà ghen đến điên lên – tuy nhiên, tôi thực sự chẳng để ý đến mấy
chuyện đó. Bởi vì nhiều khi tay tôi dính sơn, cho nên, có khi, nàng giúp
tôi pha trà, hay mở một tuýp mầu, trước khi trở về chỗ của nàng hay ngồi,
ở một góc phòng, và, đá văng đôi giầy ra khỏi đôi bàn chân, nàng nằm dài
ra đi văng, lấy một cánh tay làm gối. Một bữa, không nói với nàng, tôi
đi một đường ký họa, cảnh nàng nằm dài trên đi văng. Tôi nhận thấy, nàng
có vẻ thích, và thế là lần tới, tôi chơi thêm một bức ký họa nữa.
Lần tới, khi tôi nói, tôi sẽ vẽ nàng,
nàng hỏi, “Anh muốn em ngồi như thế nào?” như một kiều nữ chưa từng bao
giờ đứng trước máy quay phim, hay như một ngôi sao nho nhỏ ước ao sẽ có
ngày trở thành đại minh tinh, run run, không biết để tay để chân như thế
nào, và ở đâu.
Khi tôi ngắm nghiá cái mũi dài của nàng,
để vẽ cho thật tới, một nụ cười thấp thoáng trên miệng nàng; ôi trán
nàng mới cao làm sao, dáng nàng thì cao, với đôi chân dài, mầu nắng hun,
nhưng khi nàng đến thăm tôi, nàng mặc một cái váy dài, bó sát người,
thật nhã, chiếc áo này là của bà nàng truyền lại, thành thử tôi chỉ nhìn
thấy đôi bàn chân thon thon của nàng. Trong khi phác hoạ, trong khi trầm
tư, chiêm ngưỡng những làn cong mềm mại của hai trái cau, hay hai trái
đào, hay hai gò bồng đảo nho nhỏ, và làn da trắng một cách lạ thường ở
nơi cổ cao, một cái bóng của ngượng ngùng, và tủi thẹn, bỗng nhẹ nhàng
lướt qua khuôn mặt thiên thần.
Vào những lần đầu đến thăm, chúng tôi
nói chuyện thật nhiều, và nàng là người hay nói. Bởi vì tôi gạn lọc ra,
một chút mây mù ở trong đôi mắt, và trên đôi môi, và nói như giao hẹn,
này đừng có bao giờ buồn như vậy nữa nhé, và nàng như được dịp, xổ tung
ra, những trận cãi cọ giữa hai đấng sinh thành, và những trận thư hùng
giữa bốn ông em trai, và sự trừng phạt của ông bố đối với chúng (những
cái bạt tai, đá đít, cấm ra khỏi nhà, cấm “ra biển gọi thầm”, trên những
chiếc thuyền máy) – và nỗi buồn bã, xót xa của bà mẹ khi ông bố chỉ lo
săn đuổi những người đàn bà khác, nàng nói, nàng nói chuyện đó, vì nàng
biết mẹ nàng và mẹ tôi là hai bạn chơi bài, và cũng đã từng than thở với
nhau nhiều lần, về chuyện hai ông bố cùng mê chạy theo gái, và khi nói
những chuyện đó, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi.
Dần dần, cả hai đứa chúng tôi chìm vào
im lặng. Có những lần, khi tới thăm, nàng bước thẳng tới chỗ nàng thuờng
hay ngồi, hay nàng sẽ ngồi, nơi ngồi làm mẫu (những bức ký họa của tôi
thời gian này ảnh hưởng nặng nề Bonnard), hay nàng sẽ mở ra coi một cuốn
sách tình cờ có đó, và nằm đọc trên sô pha, lâu lâu đổi cách nằm. Những
lần sau này, vẽ hay không vẽ, thì cũng thành lệ: nàng gõ cửa, và đi vô
phòng, chúng tôi cũng chẳng nói chi nhiều ngoài một hai câu chào hỏi, và
tới nằm tại một góc đi văng, và đọc cuốn sách của nàng mang theo, đôi
khi, từ khoé mắt, nàng nhìn tôi đang vẽ nàng. Sáng nào cũng vậy, cũng
thành lệ, làm việc được một chút, là tôi nghĩ tới nàng, và tự hỏi, khi
nào nàng tới, và như thể nàng cũng biết như vậy, cho nên ít khi nàng bắt
tôi phải chờ đợi lâu, và khi nàng tới, là tới cùng với nàng nụ cười, hơi
có vẻ bẽn lẽn, và trong một dáng điệu như muốn bầy tỏ, này hãy tha lỗi
cho em, nếu em có làm phiền gì đến anh, nếu em có đến muộn, và trong cái
dáng điệu hãy bỏ qua cho em như thế đó, nàng tới góc đi văng quen thuộc,
và trải người xuống.
Một trong những đề tài rất ít khi được
nhắc tới, là tương lai. Theo nàng, tôi là một người có tài, và cần cù
làm việc cho nên chắc chắn sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng – hay là
một họa sĩ Thổ nhĩ kỳ nổi tiếng? – và nàng sẽ cùng bạn bè người Pháp của
nàng gia nhập vào đám đông ngày khai mạc phòng tranh tại Paris, và sẽ
hãnh diện nói với mọi người, tôi là “bạn thời trẻ thơ” của nàng.
Một buổi chiều, chúng tôi rời xưởng họa
đã chập choạng tối, và cùng nhau đi bộ lần đầu tiên, mượn cớ ngắm thành
phố cơn mưa vừa tạnh làm sáng rực lên, trong hẳn ra, và nhìn cây cầu
vồng cơn mưa bỏ lại đằng sau nó, ở phía bên kia bán đảo. Tôi nhớ là
chẳng ai cất tiếng nói. Chúng tôi cũng ngài ngại, sợ gặp người quen,
hoặc đụng đầu bà mẹ, bà nào thì cũng khổ, trong khu phố vào cuối mùa hạ
chỉ còn chừng một nửa cư dân của nó. Nhưng, điều làm cho cuộc du ngoạn
đầu tiên của hai đứa chúng tôi ‘không thành công’, thì không phải là cây
cầu vồng biến mất trước khi chúng tôi kịp ngắm nó, nhưng mà là sự căng
thẳng ngấm ngầm giữa hai chúng tôi. Đó cũng là lần đầu tiên, trong khi
đi sóng đôi trên đường phố tôi nhận ra, cổ nàng mới cao làm sao, và cái
dáng đi của nàng mới làm hài lòng tôi đến thế nào. Thảo nào mà người ta
nói, yểu điệu thục nữ!
Vào buổi chiều Thứ Bẩy sau cùng của hai
đứa chúng tôi, chúng tôi quyết định cùng đi ra ngoài, cũng chẳng nói cho
bất cứ ai, trong số bạn bè tò mò, không quan trọng còn ở trong khu vực.
Tôi hỏi mượn xe của cha tôi, và tôi thật là bồn chồn. Nàng có trang điểm,
mặc một chiếc váy ngắn, và mùi nước hoa thoang thoảng trên xe một thời
gian sau đó, và trước khi tới chỗ vui vui mà chúng tôi tính tới, tôi đã
ngửi ra mùi vị ‘thất bại’ của chuyến đi lần trước, và cái bóng ma làm
hỏng chuyến đi vẫn lẩn quẩn đâu đây.
Quán nhạc disco tuy chỉ có chừng một nửa
số khách, nhưng cũng rất ồn, trong khi chúng tôi cố gây lại không khi êm
đềm của những buổi gặp mặt tại xuởng vẽ của tôi, và có lại được vẻ tự
nhiên, nhưng vô ích và tới lúc đó, tôi mới nhận ra, chúng sâu thẳm làm
sao ở trong tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khiêu vũ, theo tiếng nhạc chậm.
Bởi vì tôi đã từng thấy những cặp khác làm như vậy, và tôi vòng tay qua
lưng nàng, ôm nàng thật sát vào tôi, như do bản năng thúc đẩy, và tôi
nhận ra, tóc nàng đượm mùi trái hạnh. Và tôi nhớ ra, mình đã thật quá
yêu nàng, nhất là đôi môi, khi nàng nhẹ nhàng nhấm nháp một món gì đó,
và những lúc nàng băn khoăn, ngần ngại, hoặc có gì lo lắng, trông nàng
thật giống một con sóc.
Trước khi đưa nàng về nhà, tôi, nhân một
lúc im lặng, mở lời, “Hay là chúng mình ghé xưởng họa, anh sẽ vẽ em?”
Tuy không có vẻ sốt sắng, nàng vẫn gật đầu, nhưng khi chúng tôi bước,
tay trong tay, vô khu vườn tối, và nhìn về xưởng họa, thấy có ánh đèn -
có ai ở đó ? – và nàng thay đổi ý định.
Nàng đến thăm tôi cả ba buổi chiều ba
ngày sau đó - nằm xoải người trên đi văng, nhìn tôi đang vẽ, nhìn vô
những trang sách đang cầm trên tay, nhìn biển hơi gợn sóng ở phía bên
ngoài – và rồi rời căn phòng, lặng lẽ, chẳng quấy rầy ai, như khi tới.
Tháng Mười năm đó, tôi chẳng hề nghĩ đến
chuyện, hay là mình tìm cách gặp nàng, hay tệ lắm, gọi nàng một tiếng,
Hi. Những cuốn sách mà tôi đang đọc làm tôi say mê, và đắm đuối với
chúng, những bức họa mà tôi vẽ thật hăm hở, thật giận dữ, đám bạn cấp
tiến tả phái, những tay Mác xít thanh toán lẫn nhau ở hành lang đại học,
những đấng quốc gia, và cảnh sát – tất cả làm tôi xấu hổ về những bạn
mùa hè của tôi, và khu nhà ở giầu sang của chúng với hàng rào kẽm gai
nơi cổng ra vào, và đám nhân viên bảo vệ.
Nhưng, vào một buổi chiều Tháng Một,
trời thật lạnh, tôi bật máy sưởi ấm căn phòng, và rồi, gọi điện thoại
cho nàng. Khị mẹ nàng nhắc máy, hỏi ai đấy, tôi cúp máy liền, không trả
lời.
Ngày hôm sau, tôi tự hỏi mình, tại sao
lại cư xử như vậy, tại sao tôi thực hiện cú phôn nếu không ngu si đần
độn thì cũng kỳ cục đó. Tôi không nhận ra là mình đã tương tư nàng. Bông
Hồng Đen của tôi. Vậy mà tôi không làm sao khám phá ra điều mà tôi cứ
phải học đi học lại hoài, mọi lần nó xẩy ra: Tôi đã bị nàng hớp mất hồn
viá.
Một tuần lễ sau, cũng vào một buổi chiều
âm u lạnh cứng người, tôi lại điện thoại cho nàng. Lần này, nàng trả lời.
Tôi nói thẳng một lèo, theo kiểu tự phát, nhưng thực sự là đã được học
đi học lại, nhẩm lên nhẩm xuống không biết bao nhiêu lần, em còn nhớ bức
họa anh vẽ em, vào những ngày cuối của mùa hè vừa rồi? Liệu em có thể
ghé, để hoàn tất bức họa?
-Nhưng em có phải vận, vẫn bộ đồ những
ngày nào không?
Ui chao, sao tôi lại không nghĩ đến điều
này nhỉ?
-Em cứ vận bộ đồ đó nhé!
Vậy là Thứ Tư tiếp theo, tôi tới cửa
trường Dame de Sion, nơi ngày xưa mẹ tôi cũng đã từng là nữ sinh tại
trường này để đón nàng. Tôi lỉnh đám cha, đám mẹ, đám nấu bếp, đám đầy
tớ đứng gần cổng, và như mấy người trẻ khác, tôi cũng tách ra xa, kiếm
một gốc cây, và đứng lấp ló đợi nàng.
Chuông reo, tan trường, hàng trăm cô gái
ùa ra phía cổng, tất cả vận đồng phục nữ sinh trường Ky tô của người
Pháp – váy mầu xanh hải quân với áo sơ mi trắng – và khi nàng ló ra từ
đám đông, trông nàng như muốn rụt lại, tóc buộc ra phía sau, một tay cầm
mớ sách nhà trường, tay xách một túi ni lông trong chắc có bộ đồ tính
mặc khi ngồi cho tôi vẽ nàng.
Khi nàng biết, tôi không tính đưa nàng
về nhà, để mẹ tôi mời nàng uống trà và ăn bánh ngọt, nhưng mà là tới căn
phòng ở Cihangir mà mẹ tôi cho tôi sử dụng như là một studio, nàng có vẻ
bồn chồn. Nhưng khi tôi vận lò sưởi ấm, và lôi ra cái đi văng giống như
chiếc đi văng nàng đã từng nằm tại căn nhà mùa hè, và ngó dáng điệu của
tôi có vẻ rất nghiêm túc về chuyện vẽ tranh, tới lúc đó, nàng mới nhẹ
nhàng thở phào, thay bộ đồ ngày nào, và nằm dài trên đi văng như ngày
nào.
Đúng là trong cung cách như thế đó,
không tự huênh hoang khoác lác về nó, đây là một câu chuyện tình, mà
liên hệ của hai đứa chúng tôi, một nghệ sĩ mười chín tuổi, và người mẫu
còn trẻ hơn, bắt đầu, theo nhịp của một thứ âm nhạc thật lạ lùng, mà
những nốt nhạc ngay cả hai đứa chúng tôi cũng chẳng thể nào hiểu được.
Vào lúc bắt đầu, cứ hai tuần một lần
nàng tới studio của tôi ở Cihangir, sau đó, tuần một lần. Tôi khởi sự vẽ
những bức họa khác, cùng trong một thần thái như vậy (một cô gái nằm tựa
đầu lên tay trên đi văng). Thời gian này chúng tôi nói chuyện ít hơn, so
với những ngày cuối của mùa hè. Về phần tôi, tôi không muốn nói cho nàng
nghe, nàng vốn dĩ đã buồn, về những vấn đề của tôi, sợ làm hư sự trong
trắng tuyệt ngần của cái thế giới thần tiên vừa mở ra đó, trước cuộc đời
của tôi mỗi ngày, vốn đã quá nặng nề, chật cứng, nào là những buổi học
kiến trúc, nào là những chương trình, kế hoạch làm sao sau này trở thành
họa sĩ, ngoài ra, còn những cuốn sách. Không phải tôi sợ, nàng sẽ chẳng
hiểu được, và chẳng hề thông cảm, nhưng bởi vì tôi muốn hai thế giới
tách hẳn ra, và đừng bao giờ trộn vào nhau. Tôi hết còn để ý đến đám bạn
bè mùa hè, và những bạn học trung học, chúng đang sửa soạn để thay thế
mấy ông bố của chúng làm chủ những nhà máy, những xưởng thợ, và chỉ còn
Bông Hồng Đen – bây giờ thì tôi không còn có thể giấu đươc điều này, đối
với bản thân mình – được nhìn thấy nàng mỗi tuần một lần quả là muôn vàn
hạnh phúc.
Vào những ngày mưa, những chiếc xe tải
và xe Mỹ leo con dốc “Gà không thể bay”, tiếng bánh xe nghiến, hoặc
trượt trên mặt đường sỏi, ngồi trong căn phòng, chúng tôi có thể nghe
thấy, và tôi bỗng nhớ những ngày tôi là khách của cô tôi, cũng ở trong
căn phòng này, và cũng nghe tiếng bánh xe nghiến hoặc trượt trên mặt
đường y như vậy. Nhiều khi sự im lặng kéo thật dài giữa chúng tôi, nhưng
vẫn thật dễ chịu, trong khi tôi chăm chú vẽ, và đôi khi mắt chúng tôi
tìm gặp nhau. Vào lúc bắt đầu, bởi vì nàng vẫn như một đứa trẻ, cho nên
thật thích thú trước sự kiện được làm một người mẫu và nàng mỉm cười, và
rồi lại sợ, như vậy là làm hư nét vẽ, hư dáng nằm, và vội vàng thu lại
nụ cười, cho đôi môi trở lại như cũ, như trước khi mỉm cười, và cặp mắt
mầu nâu của nàng sẽ tìm gặp cặp mắt của tôi, với cùng sự im lặng kéo dài
thật lâu. Vào cuối những đợt im lặng lạ lùng như vậy, khi tôi chăm chú
nhìn nàng, qua ánh mắt của tôi, nàng đoán ra được ấn tượng của nàng lên
tôi, và trong khi tôi tiếp tục nhìn sâu vào mắt nàng, không nháy mắt,
làn môi của nàng rung động, có vẻ như nàng không thể giữ lâu, không thể
kìm hãm được nụ cuời, và tôi hiểu ra một điều, cái nhìn chăm chú, nhìn
sâu vào mắt nàng, nhìn thật lâu không chớp mắt của tôi làm nàng hài lòng.
Một lần, trong khi cười, bằng nụ cười “nửa hạnh phúc, nửa rầu rĩ” như
thế, và rồi đem nó tới đặt lên môi tôi, (cây cọ lúc này lơ lửng trên mặt
vải, như thể bị bỏ quên), cô người mẫu tuyệt trần của tôi bị thôi thúc,
đến nỗi phải bật ra thành lời, tại sao nàng cười:
“Em thích anh nhìn em như vậy.”
Sau cùng, điều này không chỉ giải thích,
tại sao nàng cười, mà còn tại sao nàng tới căn phòng dùng làm studio của
tôi ở Ciganhir mỗi tuần một lần. Vài tuần lễ sau đó, một lần, khi tôi
nhìn thấy cùng nụ cuời đang nở ra trên môi nàng, tôi buông cây cọ, đến
ngồi bên nàng, và như tôi đã mơ mãi điều này, trong mấy tuần lễ liền,
tôi liều lĩnh hôn nàng.
Cơn mưa bão ngoài trời như kéo cả hai
chúng tôi cùng nhập vào với nó, và bầu trời tối đen, căn phòng nhập
nhoạng càng làm cho chúng tôi thêm thoải mái. Nằm trên đi văng, chúng
tôi có thể nhìn thấy ánh đèn trên vịnh Bosphorus, những đợt đèn pha quét
dò đường của những chiếc tầu, chúng phản chiếu trên mặt nước đen tối, và
theo dõi cuộc du ngoạn lặng lẽ của những chiếc tầu qua hình bóng của
chúng chiếu trên những bức tường của căn phòng.
Chúng tôi tiếp tục nghi lễ gặp gỡ như
thường lệ. Vào lúc này tôi thật hạnh phúc với cô người mẫu của mình,
nhưng tại sao tôi kìm giữ những xúc động, tại sao không nói với nàng
những lời lẽ yêu đương, những nhớ nhung dại khờ, những ghen tuông, hờn
giận, những lo lắng, sợ mất nàng, thí dụ như vậy, như những cặp tình
nhân khác thường vẫn làm như vậy trong những tình huống như thế? Bởi vì
tôi không thấy chúng. Bởi vì liên hệ giữa hai chúng tôi là giữa nghệ sĩ
và người mẫu - điều làm chúng tôi nhận ra nhau, và trói buộc với nhau.
Và có lẽ bởi vì – một nỗi xấu hổ trẻ con từ một góc tối tăm của tâm hồn
tôi làm bật ra điều này – tôi biết, nếu tôi lấy nàng, tôi sẽ trở thành
một ông chủ hãng, không phải một nghệ sĩ.
Sau chín Thứ Tư vẽ trong im lặng, và âm
thầm làm tình, một nỗi lo đơn giản hơn xẩy ra giữa anh họa sĩ hạnh phúc
và cô người mẫu. Mẹ tôi, không khi nào sao nhãng quá lâu không để ý đến
ông con trai, một bữa, bà tới cái studio ở Cihangir, vốn là kho chứa đồ
đạc cũ trong gia đình, và,ngắm mấy bức tranh, mặc dù ảnh hưởng Bonnard,
bà chẳng mấy khó khăn nhận ra cô người mẫu xinh đẹp.
Mỗi lần tôi hoàn tất một bức tranh,
người yêu tóc mầu hạt dẻ lại hỏi: “Em như vậy sao? Có thực đó là em? (chuyện
đó đâu thực sự quan trọng, gã họa sĩ trẻ ranh mãnh sẽ nói như vậy), bởi
vậy, cả hai chúng tôi đều hài lòng về chuyện mẹ tôi đã nhận ra nàng -
điều này trả lời cho câu hỏi, “Em như vậy sao? Có thực đó là em?”, một
lần cho tất cả - nhưng cùng lúc, chúng tôi lo lắng, là mẹ tôi sẽ gọi
điện thoại cho mẹ nàng, hoan hỉ cho biết hai đứa chúng nó rất thân mật
với nhau, và mẹ tôi rất mừng vì chuyện này (Về phần mẹ của Bông Hồng Đen,
bà cứ nghĩ là Thứ Tư nào cô con gái của mình cũng tham dự lớp học về
kịch tại toà lãnh sự Pháp). Còn về sự tức giận của ông bố, có lẽ chẳng
cần nói cho ông hay gì hết về chuyện này.
Chúng tôi liền lập tức ngưng những cuộc
gặp mặt vào Thứ Tư. Sau đó một ít lâu, chúng tôi hẹn nhau vào ngày khác,
vào buổi chiều khi nàng tan học sớm, hay một vài buổi sáng, khi tôi bỏ
lớp học. Bởi vì mẹ tôi luôn thực hiện những chuyến viếng thăm bất thình
lình cái studio của tôi ở Cihangir, bởi vì chúng tôi không có đủ thì giờ
để vẽ, và để hưởng lạc thú im lặng kéo dài nhiều giờ, và bởi vì tôi giúp
một bạn cùng lớp, bị cảnh sát truy tìm – làm sao không giúp đỡ cho được,
vì đây là một tội ác chính trị - trốn tránh ở đó, cả hai chúng tôi cùng
ngưng không tới căn phòng ở Cihangir. Thay vì tới đó, chúng tôi đi bộ
bên nhau, qua những con phố Istanbul, tránh những khu phố quen như khu
Nisantasi, Beyoglu, Taskim, và tất cả những chỗ khác, những chỗ có thể
gặp người quen, mà chúng tôi gọi là “mọi người”. Sau khi hẹn gặp nhau
tại Taskim, từ trường Dame de Sion ở Harbiye đi tới chỗ hẹn mất bốn phút,
cũng bằng thời gian tôi đi bộ từ đại học của tôi ở Taskisla, và từ đó,
chúng tôi dùng xe buýt đi tới những nơi xa hơn.
Chúng tôi bắt đầu bằng quảng trường
Beyazit Square, ở đó, tiệm cà phê Cinaralti vẫn giữ được khung cảnh, cái
nhìn cũ của nó (ngay cả sau những cuộc chính biến mà khu vực phía trước
những cổng ra vào của đại học Istanbul University trở thành mảnh đất
quen thuộc của chúng, những anh bồi của tiệm cà phê cũng chẳng mất đi
nét lịch thiệp, vẻ chững chạc của họ), hướng về phía thư viện quốc gia,
the Beyazit National Library, tôi bốc phét với nàng, thư viện tồn giữ
“một ấn bản của mọi cuốn sách đã từng được xuất bản tại Thổ nhĩ kỳ”; tôi
đưa nàng tới chợ sách cũ, Sahaflar Secondhand Book Market, nơi vào những
ngày mùa đông giá lạnh, họ cho đốt những lò sưởi bằng gas, hay bằng điện;
tôi chỉ cho nàng coi những căn nhà bằng gỗ mà nước sơn đã loang lổ không
được tu bổ lại ở Verzneciler, những điêu tàn Byzantine, và những con phố
hai bên trồng những cây sung, cây vả; và tôi đưa nàng tới Vefa Boza
Shop, nơi chú tôi thỉnh thoảng đưa chúng tôi tới vào những buổi chiều
mùa đông để thưởng thức món giải khát nổi tiếng boza, làm từ men
kê, ở đó cũng có bức hình Atatuk đang uống boza, được đóng khung
treo trên tường. Một cô gái Âu châu hóa, giầu có, từ khu Nisantasi, biết
hầu hết các tiệm thời trang và những nhà hàng nổi tiếng nhất của Bebek
và Taksim, và biết tất cả những gì qua tôi, trong có những con phố buồn
ở phía đằng sau thành phố Istanbul tới quá Mũi Vàng, vậy mà cô lại quá
sức chú tâm tới một cái ly uống boza cứ để nguyên như vậy
không rửa, từ ba muơi lăm năm, điều này cũng chẳng làm tôi buồn bực. Tôi
thật sự hài lòng có một người bạn đường như nàng, hai tay đút túi áo
choàng như tôi, và thích đi bộ, thật nhanh, như tôi, nhìn sự vật một
cách thật là chi li, cẩn thận, y như tôi đã từng, hai ba năm trước đó,
khi, lần đầu tiên, tự mình thám hiểm cũng những khu xóm này. Tôi cảm
thấy thân cận với nàng hơn bao giờ hết, và dạ dầy của tôi quặn đau,
giống hệt lần khám phá ra tình yêu.
Như tôi, thoạt đầu nàng cũng bị xao
xuyến vì những căn nhà bằng gỗ từ hàng bao thế kỷ, của những con phố
nghèo khổ phía sau lưng thành phố ở khu Suleymaniye và Zeyrek. Nhìn
chúng, có cảm tưởng, chỉ cần một cơn rung chuyển thật nhỏ, là sụm xuống.
Nàng cũng ngỡ ngàng bởi vẻ trống trơn của Bảo tàng Hội họa và Điêu khắc,
chỉ cách vài phút đi bộ từ trạm xe buýt dolmus ngay bên kia
trường học của nàng. Những giếng nước công cộng bỏ hoang của những lối
xóm nghèo khổ, những ông già, đầu đội mũ đấu [mũ Thổ nhĩ kỳ] râu dài,
ngồi trong tiệm cà phê ngắm nhìn phố xá, dòng người qua lại, những bà cô
già khằn ngồi ở cửa sổ, nhìn soi mói bất cứ một người lạ đi qua, như thể
đây là một người chuyên môn buôn bán nô lệ, dân lối xóm chỉ trỏ, bàn tán
coi chúng tôi là thứ người ở đâu tới, và làm gì, bằng một giọng oang
oang vọng đến tận chỗ chúng tôi (Các ông các bà thử nghĩ coi, hai
người cao lớn này là anh em? Họ là anh em, đúng không? Coi kìa, hai anh
em đi lộn đường rồi), tất cả những điều này đánh thức ở nơi nàng
cùng một nỗi buồn bã, xấu hổ. Mấy đứa trẻ đuổi theo chúng tôi, để bán đồ
lưu niệm, hay chỉ để trò chuyện (Du khách, du khách, tên chi?);
nàng chẳng hề bực bội, khi những đứa trẻ gọi nàng là du khách, như tôi
ngày nào, hay hỏi, “Tại sao chúng coi chúng ta là người nước ngoài?”.
Cho dù vậy, chúng tôi cũng tránh khu sầm uất Covered Bazaar hay là khu
chợ Nuruosmaniye. Khi hai chúng tôi thèm nhau quá mức đến không thể chịu
đựng được – nàng không muốn trở lại căn phòng studio ở Cihangir để vẽ
nữa – chúng tôi quay trở lại Besiktas, nơi chúng tôi thường tới, vì có
Bảo tàng Hội họa và Điêu khắc, và lên chuyến phà đầu tiên (54 Insirah),
đi mãi xa xuống phía dưới vịnh Bosphorus, tới tận đâu là còn tùy thời
gian cho phép, và một khi ở trên phà, chúng tôi ngắm những rừng cây rụng
hết lá cùng với mùa thu ở hai bên vịnh, nhìn mặt biển run rẩy ở dưới
chân những yalis khi gió bấc chợt về, những đợt nước ở trên mặt
biển đua nhau sao động cùng với gió, và cùng lúc, thay đổi mầu sắc, khi
gió xô đẩy những đám mây qua bầu trời, và ngắm những cánh vườn thông
trải dài chung quanh trên bờ vịnh. Những năm sau này, tôi tự hỏi chính
mình, tại sao hai đứa chúng tôi không hề nắm tay nhau, trong những lần
đi tản bộ, hay những chuyến dạo biển, và tìm được rất nhiều lý do:
1. Chúng tôi là những đứa trẻ quá rụt rè,
e lệ, chúng tôi tìm đến những con phố của Istanbul không phải để cảm
nhận, để thông báo tình yêu, nhưng mà là để giấu diếm nó.
2. Những cặp tình nhân nắm tay nhau trên
đường phố, trước công chúng, họ cảm thấy hạnh phúc và muốn mọi người
nhìn thấy họ đang hạnh phúc, trong khi tôi, mặc dù muốn chấp nhận chúng
tôi hạnh phúc, nhưng lại sợ, cầm tay nhau như thế có vẻ hời hợt!
3. Cử chỉ nắm tay nhau như thế sẽ biến
hai chúng tôi thành những du khách, những người tới những khu vực điêu
tàn đổ nát nghèo khổ bảo thủ này chỉ để hưởng “lạc thú cẩu thả”.
4. Sự buồn bã của xóm nghèo, của một
Istanbul điêu tàn, hoang phế, đã từ lâu nhận chìm chúng tôi vào trong nó….
Khi nỗi buồn quá nặng nề ở trong tôi,
tôi sẽ chạy vội về Cihangir để vẽ, mà bằng một cách nào đó, trải bức
tranh dài ra, để song song, cùng một lúc, những cái nhìn như vậy, mặc dù
tôi không biết bức tranh của mình sẽ trông như thế nào. Nhưng chẳng mấy
chốc, tôi nhận ra, cô người mẫu của tôi đã tìm một phương thuốc khác hẳn
tôi, để điều trị nỗi buồn của nàng, và đó là lần vỡ mộng đầu tiên của
tôi, về nàng.
“Hôm nay em cảm thấy thật tệ lậu”, nàng
nói, khi chúng tôi gặp nhau tại Taksim. “Anh đưa em tới khách sạn Hilton
uống trà được không? Nếu đi tới bất cứ một xóm nghèo điêu tàn, chắc là
em không thể nào chịu nổi. Hơn nữa, bữa nay, em không có nhiều thì giờ.”
Bữa đó, tôi mặc một chiếc áo khoác kiểu
nhà binh, thứ đám sinh viên tả phái hay mặc; tôi lại chẳng cạo râu, và
giả như đám gác cửa khách sạn sang trọng này cho tôi vô, chắc gì tôi đã
có tiền để trả, dù là chỉ uống trà? Tôi lắc lắc cặp giò một vài cái, để
khởi động, và rồi cũng chiều theo nàng, chúng tôi đến khách sạn Hilton.
Ở hành lang, một người bạn thời thơ ấu của cha tôi nhận ra chúng tôi,
ông này chiều nào cũng đến đây uống trà, làm như mình là dân Âu châu, và
sau khi bắt tay người yêu buồn bã của tôi, một cách đầy dụng ý, ông ta
nói nhỏ vào tai tôi, cô thiếu nữ bạn gái của cháu đáng yêu quá. Cả hai
chúng tôi lúc này thì đều quá bận rộn, thành thử chẳng ai để ý đến ông
ta.
“Cha em bắt em nghỉ học để tống em đi
Thụy Sĩ”, người yêu của tôi nói, trong khi một giọt nước mắt của nàng
rơi xuống chén trà.
“Tại sao?”
Họ đã biết về chúng tôi. Không biết tôi
có hỏi lại nàng, “chúng tôi” ở đây có nghĩa là ai? Những đứa con trai đã
yêu nàng trước tôi, liệu chúng có gây nên sự tức giận như tôi bây giờ ở
nơi cha nàng? Tại sao tôi lại quan trọng như vậy so với chúng? Tôi không
nhớ, tôi đã hỏi nàng những câu hỏi như vậy. Nỗi sợ, và tính ích kỷ, chỉ
quan tâm đến mình đã làm cho trái tim của tôi trở thành mù lòa, và tôi
quá lo lắng đến chuyện tự bảo vệ bản thân. Tôi sợ mất nàng – trong khi
vẫn mơ hồ nhận ra một nỗi đau lớn đang chờ đợi tôi – nhưng tôi cũng cảm
thấy giận dữ, vì bây giờ nàng từ chối không chịu nằm dài xuống đi văng
và làm người mẫu cho tôi vẽ, và cho tôi làm tình với nàng.
“Chúng mình có thể nói chuyện đó dễ dàng
hơn, ở Cihangir vào Thứ Tư,” tôi nói. “Nuri đã rời đi rồi. Nơi đó bây
giờ không còn ai.”
Nhưng lần tới gặp nhau chúng tôi đi tới
Bảo tàng Hội họa và Điêu khắc. Chúng tôi làm như vậy như là một thói
quen, bởi vì từ trường của nàng đến đó thì thật nhanh, và ở đó cũng thật
dễ kiếm ra một hành lang vắng vẻ để chúng tôi hôn nhau. Trên tất cả, nơi
đó tránh cho chúng tôi cái vẻ ảm đạm lạnh lẽo của thành phố. Nhưng chỉ
được chốc lát, viện bảo tàng trống rỗng và những bức tranh quá tệ hại
của nó đẩy chúng tôi tới một nỗi buồn thê luơng hơn, so với nỗi buồn
Istanbul. Và vào lúc sau này, mấy nhân viên trông coi viện bảo tàng đã
nhìn thấy chúng tôi, và họ theo chúng tôi từ phòng này qua phòng khác,
và điều này làm tăng thêm sự căng thẳng giữa chúng tôi, và chúng tôi
cũng chấm dứt cái thú hôn nhau ở viện bảo tàng.
Nhưng liền ngay sau đó, chúng tôi lại
rớt vào một thói quen, suốt những ngày không vui tiếp theo. Chúng tôi
phải trình thẻ sinh viên cho hai ông già trông coi viện bảo tàng. Như
tất cả những nhân viên chuyên lo việc trông coi tại tất cả những viện
bảo tàng ở Istanbul, họ luôn nhìn chúng tôi bằng cặp mắt cau có, nghi
ngờ, như muốn hỏi, mấy người trẻ tuổi muốn tìm cái gì ở những nơi như
thế này? Với một chút giả lả, chúng tôi sẽ hỏi han họ một hai câu, trước
khi đi thẳng tới nơi trưng bầy những bức tranh nho nhỏ của Bonnard hoặc
Matisse. Sau khi thì thầm nhắc tên hai họa sĩ này một cách khiêm tốn,
chúng tôi lướt qua thật nhanh những bức tranh chán ngấy của họa sĩ hàn
lâm Thổ nhĩ kỳ, lập lại tên những vị thầy Tây phương mà họ đã mô phỏng:
Cézanne, Léger, Picasso. Điều làm chúng tôi mất hết ảo tưởng thì không
phải là những họa sĩ này, hầu hết tốt nghiệp trường quân sự, học hỏi tại
Âu châu, tự cho phép họ ảnh hưởng những nghệ sĩ Tây phương, nhưng mà là,
họ nắm bắt được quá ít cái gọi là sự cảm nhận, sự mầy mò, tìm kiếm, và
linh hồn thành phố, một thành phố mà chúng tôi lang thang cùng với nó,
yêu và run vì lạnh, như vào lúc này, cùng với nó.
Nhưng, vẫn còn điều gì chúng tôi chưa
nói ra được hết: chúng tôi tới tòa nhà building làm bảo tàng viện này,
nguyên được xây dựng lên, như là cung điện của Đông cung thái tử
Dolmabahce, cách nơi chúng tôi đang đứng đó chỉ vài với tay, là căn
phòng mà Ataturk đã nằm chết; và chỉ nội ý nghĩ, chúng tôi đang hôn nhau
ngay nơi chốn đó, là đủ cho cả hai chúng tôi nổi da gà: Không phải bảo
tàng viện vắng vẻ, tiện lợi, cũng không phải trần nhà cao vời vợi, và
cùng với nó là những huy hoàng ngày nào của đế chế Ottoman, không phải
những bao lơn bằng sắt tuyệt vời kia làm chúng tôi tươi mát trở lại sau
khi trở về, quá ủ rũ, từ một nơi chốn điêu tàn nghèo khổ từ khu phố sau
thành phố, cũng không phải những cảnh đẹp Bosphorus từ những khung cửa
sổ kia nhìn ra, chúng đẹp hơn nhiều so với những bức tranh treo trên
tường, nhưng có một bức họa mà cả hai chúng tôi đều mê mẩn, chính nó đã
lôi cuốn chúng tôi tôi đây hoài hoài.
Đó là bức tranh thiếu nữ nằm,
Reclining Woman, của Halil Pasha.
Vào lần gặp đầu tiên, sau lần rủ nhau đi
uống trà ở hành lang khách sạn Hilton, chúng tôi bỏ qua tất cả những
phòng tranh tại viện bảo tàng, về đến thẳng nơi treo bức họa nói trên.
Người mẫu trong tranh là một phụ nữ trẻ, mà tôi ngạc nhiên nhận ra ngay
trong lần đầu nhìn thấy bức tranh, bà đá bỏ đôi giầy, thả người xuống
cái đi văng mầu xanh, nhìn một cách buồn bã người họa sĩ đang vẽ mình (người
chồng?), dùng một cánh tay thay cho gối, giống như người mẫu của tôi vẫn
thường làm như vậy rất nhiều lần. Nhưng không phải chỉ sự tương tự lạ
lùng này thu hút tới với bức tranh, trong lần đầu chúng tôi viếng thăm
phòng tranh nhỏ này, nơi có treo bức tranh, cô người mẫu trong tranh đã
chăm chú nhìn hai chúng tôi hôn nhau. Bất cứ khi nào chúng tôi nghe bước
chân của ông gác dan già luôn tỏ ra nghi ngờ trên sàn gỗ là hai chúng
tôi rời nhau, ngồi thẳng người và cả hai lao vào một cuộc tranh luận sôi
nổi về cô người mẫu trong tranh, bởi vậy, chúng tôi rất rành về mọi chi
tiết của bức họa. Thêm vào đó là bất cứ những gì chúng tôi biết về hoạ
sĩ Halil Pasha qua bách khoa toàn thư.
-Anh tin là hai chân cô gái rất lạnh,
sau khi mặt trời lặn, tôi nói.
“Em có thêm tin buồn”, người yêu của tôi
nói, mỗi lần tôi nhìn bức tranh là lại thấy nàng càng giống cô người mẫu
ở trong đó.
“Mẹ em đã kiếm cho em một người rồi, qua
bà mối. Mẹ em muốn em phải gặp bà ta.”
“Em sẽ đi chứ?”.
“Em thấy thật kỳ cục. Anh chàng nghe nói
học tại Mỹ, và là con trai của một ai đó mà em cũng không biết nữa”. Và
bằng một giọng đùa cợt, nàng nói nhỏ cho tôi nghe tên của anh chàng nhà
giầu này.
“Nhưng gia đình em giầu gấp mười lần gia
đình anh ta?
“Em không hiểu sao? Họ làm như vậy là để
tách em ra khỏi anh.”
“Như vậy là em sẽ có mặt tại bữa uống cà
phê, khi bà mối tới nhà em?”
“Chuyện đó đâu quan trọng. Em không muốn
gây phiền hà cho gia đình”.
“Tụi mình tới Cihangir,” tôi nói. “Anh
muốn vẽ một bức tranh khác về em, một bức “Người đàn bà nằm khác”. Anh
muốn hôn em, hôn em.
Người yêu của tôi đột nhiên nhận ra
những ám ảnh của tôi, và bắt đầu tỏ ra sợ hãi chúng. Nàng cố gắng lái
câu chuyện qua hướng khác, tới vấn đề đang làm khổ cả hai chúng tôi.
“Cha mẹ rất bực vì chuyện anh muốn trở
thành một họa sĩ,” nàng nói. “Anh sẽ trở thành một họa sĩ nghèo say sỉn,
còn em sẽ trở thành cô người mẫu khỏa thân của anh… Đó là điều cha em sợ
nhất.”
Nàng tính cười, nhưng không thể. Nghe
tiếng chân người gác dan già nện thình thình trên sàn gỗ, chúng tôi quay
lại nhìn, theo thói quen, mặc dù không hôn nhau, và trở lại với đề tài
“Người đàn bà nằm”. Nhưng tôi thực sự muốn hỏi nàng, tại sao cha em muốn
biết, thứ nghề nghiệp gì đang chờ đợi bất cứ một anh con trai nào đến
nhà xin được đưa cô con gái của ông “đi ra ngoài” (“đi ra ngoài” là một
thuật ngữ được ưa dùng tại Thổ nhĩ kỳ vào thời kỳ này), và khi nào ông
muồn gả chồng cho cô con gái? Tôi cũng muốn nói, hãy nói với cha em, anh
đang học để trở thành kiến trúc sư. Nhưng ngay cả khi tôi chiến đấu nhằm
giải tỏa những sợ hãi của ông bố vợ tương lai, tôi biết rõ, làm như vậy
là tự kết án chính mình, mi sẽ trở thành một thứ nghệ sĩ chỉ vào trong
dịp cuối tuần mà thôi, kể từ lúc này. Mỗi lần kêu nàng trở về căn phòng
của tôi ở Cihangir – điều này liên tục xẩy ra trong nhiều tuần lễ - và
nàng từ chối, là mỗi lần cái đầu của tôi mất bình tĩnh, và tôi chỉ muốn
la lên. Nhưng, là nghệ sĩ thì có gì sai trái? Nhưng sự trống rỗng của
viện bảo tàng đầu tiên của Hội họa và Điêu khắc, tọa lạc tại một khu vực
đẹp nhất Istanbul, với những căn phòng huy hoàng được xây dựng cho vì
hoàng đế tương lai, với những bức tranh tệ hại treo trên tường những
phòng vắng hoe, là một câu trả lời quá đầy đủ. Vừa mới đọc xong một cuốn
sách về Halil Pasha, tôi biết, ông là một binh sĩ, và những bức tranh
của ông chẳng có ai mua, ngày này qua tháng khác, ông và bà vợ buồn,
cũng là người mẫu, phải sống trong trại gia binh, ăn những bữa ăn thanh
đạm tại căng tin trại.
Trong lần gặp gỡ sau lần đó, tôi cố làm
nàng vui, chỉ nàng coi mấy bức họa uy nghi của Hoàng tử Abdulmecit (Goethe
ở Hậu cung, Beethoven ở Hậu cung) để nàng cười. Và rồi tôi đề
nghị, “Chúng ta tới Cihangir nhé?”, mặc dù tôi đã tự hứa với mình, không
bao giờ đề nghị chuyện đó với nàng nữa. Và chúng tôi cầm tay nhau, cả
hai cùng im lặng. “Anh sẽ bắt cóc em, em chịu không?”, tôi hỏi nàng,
mượn bộ mặt sầu thảm trong một phim vừa coi.
Trong một lần gặp gỡ sau đó, rất khó
khăn để hẹn hò, vì không làm sao nói chuyện qua điện thoại, khi chúng
tôi ngồi trong viện bảo tàng nhìn bức họa “Người đàn bà nằm”, cô người
mẫu xinh đẹp và buồn bã của tôi nói với tôi trong khi nước mắt ràn rụa
trên má, cha nàng, tuy đối xử thật nghiệt ngã, hở ra là đấm đá mấy đứa
em trai của nàng, ngược lại, ông rất thương nàng, thương đến nỗi có thể
nói là bịnh hoạn, và ông trở nên ghen tuông khùng điên đối với tất cả
những đứa con trai tính bén mảng gần nàng, và vì vậy, nàng rất sợ cha,
và cùng lúc, nàng thương cha nàng vô cùng, thương đến mức cảm thấy khốn
khổ. Nhưng bây giờ nàng nhận ra, nàng thương tôi còn nhiều hơn thương
cha nàng, và trong khoảng thời gian bẩy giây đồng hồ ông gác dan già sẽ
tới chỗ chúng tôi đang ngồi, chúng tôi hôn nhau một cách say mê, thảm
thiết, cuồng si, buông thả, thất vọng, tuyệt vọng… như trước đây chúng
tôi chưa từng biết đến, chưa từng cảm thấy như vậy. Trong khi hôn nhau,
chúng tôi nâng niu bộ mặt của nhau, như thể chúng bằng pha lê, bằng thuỷ
tinh, bằng đồ gốm, và có thể bể nát bất cứ lúc nào.
Phu nhân của họa sĩ Halil Pasha, từ
trong bức tranh buồn rầu nhìn hai đứa chúng tôi, và khi người gác dân
xuất hiện ở cửa, nàng ra lệnh:
“Anh bắt cóc em đi.”
“Anh sẽ bắt cóc em.”
Tôi có một cuốn sổ ngân hàng, được mở ra
tính đến lúc đó cũng được mấy năm, trong có số tiền để dành, từ trợ cấp
bà tôi cho tôi. Tôi cũng sở hữu một phần tư của một cửa tiệm ở đại lộ
Rumeli Avenue - phần này tôi được hưởng sau những đấu đá giữa cha và mẹ
- ngoài ra tôi cũng còn sở hữu một ít chứng khoán, nhưng tôi cũng chẳng
biết chúng ở đâu. Nếu tôi xoay sở sao cho có thì giờ, chừng hai tuần lễ,
để dịch một cuốn tiểu thuyết cũ của Graham Greene, rồi mang tới cho một
nhà xuầt bản, là bạn của Nuri, bạn tôi (hết còn bị cảnh sát truy nã), và
tôi nhẩm tính trong đầu, tiền dịch sách có thể trả trước hai tháng tiền
mướn nhà, một căn phòng giống như cái studio của tôi ở Ciganhir, và sống
ở đó với cô người mẫu xinh đẹp của tôi. Hay có thể, sau khi tôi bắt cóc
nàng, mẹ tôi sẽ thương hại cả hai đứa chúng tôi, và cho chúng tôi căn
phòng ở Cihangir. Và hồi này bà cứ hỏi thằng con hoài, tại sao mà con
buồn như vậy.
Sau một tuần lễ suy nghĩ về tất cả những
tình huống có thể xẩy ra, một cách thật là quyết tâm, chẳng thua gì một
đứa trẻ lên kế hoạch mình sau này sẽ trở thành một người lính chữa lửa,
chúng tôi hẹn gặp nhau tại Taksim, nhưng đây là lần đầu tiên nàng không
tới chỗ hẹn, mặc dù tôi chờ nàng một tiếng rưỡi đồng hồ. Buổi chiều, tôi
nghĩ, nếu mình không tìm một người nào đó để than thở, thì chắc là sẽ
phát điên lên mất, tôi gọi cho một số bạn học ở Học viện Robert Academy.
Đã lâu lắm tôi không gặp họ. Thích thú thấy tôi mê gái, đau khổ vì mê
gái, và đang trong tình trạng bó tay, chẳng có ai có thể giúp đỡ được,
cả đám cười hô hố khi thấy tôi say mèm, tại một hộp đêm ở Beyoglu. Đám
bạn cảnh cáo, khoan nói chuyện mày cưới một cô bé vị thành niên không có
sự bằng lòng của bố cô ta, chỉ cần người ta thấy mày sống cùng cô gái
trong một căn nhà, là mày bị tống vô tù rồi, và rồi, thấy tôi vẫn tiếp
tục lải nhải toàn những chuyện trời ơi đất hỡi, đám bạn hỏi, làm sao mày
ước mong sau này trở thành nghệ sĩ, nếu mày bỏ học và đi cầy nuôi vợ? –
mặc họ nói gì thì nói, tôi cũng chẳng thấy bực mình – và sau cùng, trong
tinh thần bạn bè, một đứa trong đám bạn giúi cho tôi chiếc chìa khoá căn
phòng mà tôi có thể nằm ở đó với “người đàn bà nằm” bất cứ khi nào muốn.
Sau hai lần đợi ở mãi tít phía xa, bên
ngoài cổng trường Dame de Sion, thật đông người vào giờ tan học, tôi bắt
cóc được cô nữ sinh. Tôi hứa với nàng, nếu chịu đi cùng với tôi tới ổ
uyên ương mới, chẳng còn ai có thể làm phiền chúng tôi nữa. Căn phòng
này, tôi đã tới coi rồi, và cũng đã quét dọn sạch sẽ, sắp xếp cho có vẻ
ngăn nắp. Sau cùng nàng cũng chịu nghe theo. Như sau đó tôi được biết
căn phòng nói trên đúng là một tổ quỉ, không phải của chỉ một thằng bạn
của tôi, mà còn của cả ông già của hắn nữa! Đúng là một tổ quỉ, và tôi
biết là Bông Hồng Đen sẽ chẳng bao giờ nằm dài trên đi văng, làm người
mẫu cho tôi vẽ tranh! Căn phòng có một chiếc giường lớn, và những đồ đạc
độc nhất còn lại, là một tấm lịch của một ngân hàng nào đó treo trên
tường, và một giá sách, ở đó, giữa hai chai “Ông già đi bộ”, là năm mươi
hai tập Bách Khoa Toàn Thư của Anh, cả hai chúng tôi lăn xả vào nhau,
lập đi lập lại ba lần trận tình buồn thảm và giận dữ. Khi tôi nhận ra,
nàng yêu tôi nhiều hơn là tôi tưởng, khi tôi nhìn thấy nàng rúng động
đến như thế nào mỗi lần chúng tôi làm tình, khi tôi thấy nàng dễ dàng và
thường xuyên bật khóc nức nở, dạ dầy của tôi giáng cho tôi những cú quặn
thắt người, và khi tôi cố làm cho bớt đau, nó càng quất mạnh thêm, tôi
càng cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Lần gặp nào nàng cũng nói về
chuyện cha nàng tính cho nàng đi trượt tuyết tại Thụy Sĩ trong kỳ nghỉ
hè Tháng Hai, và sau đó cho nàng vô học tại một ngôi trường kỳ dị, toàn
dân nhà giầu Ả Rập và đám Mẽo dở hơi. Giọng hốt hoảng của nàng càng làm
tôi tin nàng, nhưng khi tôi cố làm cho nàng vui, bằng cách bắt chước một
ngôi sao điện ảnh đóng vai anh chị người Thổ hứa hẹn với người yêu sẽ
bắt cóc nàng, và nhìn thấy niềm hy vọng ở trong đôi mắt người yêu, chính
tôi cũng tin rằng, mình sẽ làm được điều đó.
Vào đầu Tháng Hai, trong lần gặp cuối
trước kỳ nghỉ hè của trường học, để xua đi không khí ảm đạm về một tai
họa sắp sửa xảy ra, và, cũng để cám ơn người bạn đã đưa cho tôi chiếc
chìa khóa sử dụng căn nhà làm tổ uyên ương, chúng tôi mời anh ta tham dự,
cộng thêm một vài người bạn khác nữa, và buổi tối hôm đó, đám bạn của
tôi lần đầu tiên được diện kiến Bông Hồng Đen. Đám bạn học, do hoàn cảnh,
do tính tình, do đủ thứ, mỗi đứa là nỗi nhức nhối, ở một phần khác nhau,
của thân thể tôi, chính vì vậy, do bản năng mách bảo, chẳng bao giờ tôi
muốn trộn lẫn những đám bạn này với nhau. Mọi chuyện kể như hỏng ngay từ
phút đầu tiên Bông Hồng Đen gặp họ. Cố tìm cách bắt chuyện, họ đem tôi
ra làm đầu trò, nhưng nàng lảng ra, và sau đó, để làm dịu tình hình,
nàng gia nhập những mẩu chuyện hài, những chuyện này thì cũng được thôi,
vào thời điểm khác, nhưng vào lúc này thì thật là sượng. Khi được hỏi về
ông bà già, họ là ai, và họ làm gì, hoàn cảnh ra sao, giầu hay nghèo,
nàng cắt cái bụp, như muốn nói thẳng, tôi rất ghét những câu hỏi này, và
rất ghét nói về những chuyện đó, cả buổi tiệc còn lại, ngoại trừ những
lúc nhìn ra vịnh Bosphorus từ khách sạn Bebek, hay tham gia những câu
chuyện về đá banh, về một vài nhãn hàng, khoảnh khắc mà nàng cảm thấy dễ
chịu nhất, của cả buổi tối, là khi chúng tôi ngừng tại một điểm gần
Bosphorus nhất, khu Asiyan, để ngắm một toà biệt thự bằng gỗ đang cháy
rực ở phía bên kia Bosphorus.
Đó là một yali đẹp nhất ở
Kandilli, rất gần chỗ chúng tôi ngưng xe, tính theo mặt biển, và để nhìn
rõ, chúng tôi ra khỏi xe. Người yêu của tôi quá chán cảnh mấy đấng bạn
của tôi hò reo nhìn ánh lửa thiêu rụi tòa biệt thự bằng gỗ, nàng đến
đứng cạnh tôi, và hai chúng tôi cầm tay nhau. Để tránh những chiếc xe
hơi, và đám đông người tụ lại uống trà, và để có một cái nhìn thật đẹp
đám cháy bên kia vịnh, một trong những biệt thự bằng gỗ sau cùng của
triều đại Ottoman, chúng tôi đi bộ tới mép phía bên kia của khu
Rumelihisari. Tôi kể nàng nghe, khi học trung học, tôi thường trốn lớp
và nhẩy lên phà, qua bờ phía bên kia của con vịnh và lang thang, thám
hiểm những con phố.
Đứng trước một cái nghĩa địa nhỏ, trong
đêm tối lạnh buốt, cảm thấy những dòng nước của con vịnh Bosphorus chạy
rần rần trong xương tuỷ của cả hai chúng tôi nàng thầm thì, nàng yêu tôi
biết là bao, và tôi nói tôi có thể làm bất cứ chuyện gì vì nàng, và tôi
ôm nàng chặt cứng, như là tôi có thể, với tất cả sức lực, niềm đau, và
hạnh phúc của tôi. Chúng tôi hôn nhau, một nụ hôn dài, như bất tận, và
bất cứ khi nào tạm ngưng, tôi hé mắt nhìn, và thấy mầu vàng của ngọn lửa
từ phiá bên kia vịnh bập bùng trên làn da mịn màng của nàng.
Trên đường về, chúng tôi ngồi ghế sau,
cầm tay nhau, chẳng nói một lời nào. Khi tới căn phòng của nàng, nàng
chạy vội tới cửa như một đứa trẻ. Và đó là lần sau cùng tôi nhìn thấy
nàng. Nàng không xuất hiện trong lần hẹn sau đó.
Ba tuần lễ sau khi kỳ nghỉ hè hết, tựu
trường trở lại, tôi lò mò tới cổng trường, đứng từ xa, nhìn học sinh ùa
ra khỏi trường, nhìn từng người một cho tới khi Bông Hồng Đen xuất hiện.
Mười ngày sau đó, tôi biết là vô ích, phải chấm dứt chuyện rình mò nơi
cổng trường, nhưng mỗi lần tới giờ tan trường, là đôi chân của tôi lại
mò tới, và tôi cứ tiếp tục đứng nhìn, cho đến khi đám đông tan hết. Một
bữa, đứa em trai lớn nhất, và cũng là đứa mà Bông Hồng Đen cưng nhất
trong số mấy đứa em trai, rời đám đông, tới gặp tôi, nói, Bông Hồng Đen
gửi lời hỏi thăm tôi, từ Thụy Sĩ, cùng lúc đưa tôi một lá thư.
Tôi đọc thư khi đứng trong một cửa hàng
bán bánh ngọt, trong lúc hút thuốc lá. Trong thư, nàng nói với tôi, nàng
rất hạnh phúc với ngôi trường mới của nàng, và nàng nhớ tôi, nhớ
Istanbul rất nhiều.
Tôi viết cho nàng chín lá thứ thật dài,
bẩy lá thư tôi bỏ vô phong bì, và năm trong số đó, tôi gửi bưu điện. Tôi
không hề nhận được thư trả lời của nàng.
(Nguồn : Tin Van
|
Comments
Post a Comment