PHAN TẤN UẨN VÀI KỶ NIỆM VỀ TẠP CHÍ KHỞI HÀNH

PHAN TẤN UẨN
VÀI KỶ NIỆM VỀ
TẠP CHÍ KHỞI HÀNH

tạp bút

          Nhà thơ Viên Linh trước và sau 75 đã viết cả chục bài nói về hoạt động phong phú của tạp chí Khởi Hành.Tôi chỉ có vài kỷ niệm liên quan đến tờ báo nầy, muốn được kể lại. Thật vậy, đời quân ngũ của tôi có được niềm vui không nhỏ sau khi xuất hiện bút ký Dưới Chân Trường Sơn trên Khởi Hành. Khởi Hành là tiếng nói của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội (VNCH). Tôi thấy những người điều hành của Hội rất tế nhị và lịch sự : họ không nêu điều kiện gì đối với người muốn trở thành hội viên. Nhưng với tôi, phải đến khi có truyện in trên Khởi Hành, tôi mới làm thủ tục xin vào Hội. Là thành viên , tôi được thông báo ghi tên mua một lô đất trong làng văn nghệ sĩ Thủ Đức. Cứ tưởng tượng rồi đây, mình sẽ rời Miền Trung vào SaiGon sống trong làng văn nghệ sĩ Thủ Đức cũng đủ thích khoái rồi.  Không tiện vào ngay SaiGon, tôi nhờ người bạn Bưu Điện Nguyễn Huy Tuấn đến văn phòng của Hội, đóng tiền cọc hai chục ngàn giữ một lô đất. Rất tiếc là cuối cùng tôi phải vào SaiGon , đến đường Trương Minh Giảng đầu cầu Công Lý , dẫn bác Nguyễn Đồng đến văn phòng Hội làm thủ tục chuyển giao cho bác lô đất nầy. Bác là bạn cũ của ba tôi thời kháng chiến về thành, ứng cử và trở thành dân biểu, thuộc nhóm nghị gật của Quốc Hội VNCH. O Cháu, vợ bác Đồng, có cửa hàng tráng bánh ướt lâu năm ở Chợ Tôm làng Dương Xuân, là bà bạn chí thân của mẹ tôi ,không khác nào hai chị em ruột. Nếu tôi nhớ không nhầm, bác Đồng là dân biểu đại diện cho một đơn vị ở thành phố Qui Nhơn . Đọc báo thấy người ta gọi bác là nghị gật, nhưng khi nói chuyện với bác, tôi mới biết bác rất thận trọng khi phát biểu trên diển đàn Quốc Hội. Bác đã phân tích tình hình chính trị quốc nội, thế giới cho tôi nghe hôm đó như một cán bộ chính trị cao cấp suốt hơn hai giờ đồng hồ một cách sôi nổi hào hứng. Tôi chuyển giao lô đất cho bác chỉ vì lý do cá nhân. Độc thân, đang ở Đà Nẵng, đã đặt tiền cọc,nhưng muốn nhận lô đất  phải đóng đủ tiền và phải có đủ phương tiện tiếp theo để xây nhà dựng phố. Nhiều chuyện quá.Lại chưa vào ở SaiGon được. Nhưng đó chỉ là ảnh hưởng về mặt vật chất của Khởi Hành . Ảnh hưởng tinh thần của nó đối với tôi còn quan trọng hơn nhiều. Trước đó tôi viết nhiều truyện ngắn ,kể cả những truyện tâm huyết nhất, chỉ đăng trên các nhật báo, tuần báo , nhất là hai tờ nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc và Tin Sáng. Dưới mắt những "cây bút trẻ" của Văn , Bách Khoa , Văn Học… ngày ấy mà đăng truyện trên nhật báo là không giá trị. Nhưng tôi cứ ngờ ngợ . Đọc mấy truyện ngắn trên các báo văn học nghệ thuật , mình cứ nghĩ họ viết cũng vậy thôi. Và tôi đã thử lấy phóng sự “ Trên Đường Về Nhớ Đầy” đăng trên nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc , trau chuốt chút ít chữ nghĩa câu cú rồi gởi cho tuần báo Khởi Hành xem sao. Phóng sự nầy lấy chi tiết từ lời kể của một người bạn cùng khóa đi hành quân không đụng giặc lại gặp một bà mẹ kiểu Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy.Viên Linh ,thư ký tòa soạn đã đổi tựa thành Dưới Chân Trường Sơn và đăng trên Khởi Hành số 13 ngày 24-7-1969. Vậy là đã rỏ. Một dịp khác tôi lấy một truyện đã đăng trên nhật báo Tin Sáng gởi cho bán nguyệt san Phổ Thông .Báo nầy cũng đăng nó vào số Xuân. Thử nghiệm hai lần, tôi rút ra kết luận : viết báo nào là do cái duyên văn nghệ ban đầu của người viết chứ không phải người viết báo nầy giá trị hơn người viết báo khác. Nếu anh có chút khả năng viết lách về một lãnh vực nào đó mà được một ông chủ bút, hay thư ký tòa soạn bất cứ báo nào cân nhắc, góp ý thì rất dễ trở nên nổi tiếng. Vấn đề là anh có chịu theo đuổi đến cùng chuyện viết lách hay không. Tôi gặp một người bạn  trông nom bài vở cho một tạp chí văn học nghệ thuật. Chỉ cần biết tôi có viết lách lai rai trên mấy tờ báo ở SaiGon, không cần biết loại báo nào, là anh rủ rê viết truyện văn chương. Tôi không đủ nhân duyên trở thành nhà văn, vì vốn sống quá ít. Những năm quân ngũ, chỉ quanh quẩn trong thành phố có viết được gì đều lấy chất liệu từ các bạn đồng khóa Thủ Đức ra trận ,đánh đấm kể lại. Nếu không là người trong cuộc mà gồng mình viết, chỉ là thứ văn vô duyên thiếu sinh khí, chưa kể một vài lý do cá nhân không tiện nói ra, làm cho mình bẻ bút đến hơn bốn mươi năm.  

           Sinh viên học sinh thích gởi truyện cho các nhật báo hơn. Lúc tôi ở SaiGon, được đăng mấy bài trên nhật báo Báo Mới, chỉ cần đến tòa soạn gặp cô Thanh Quế phụ trách cột báo liên quan đến bài của mình là đủ vui rồi. Nếu bạn có dịp nào gặp cô Thanh Quế bạn sẽ muốn đến đó hàng ngày để nghe cô ta nói, để thấy cô ta cười với vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng hấp dẩn… Cũng vậy,lần đầu tiên đến tòa soạn gặp Trương Đạm Thủy ,nghe biết tôi có bài trên trang báo do anh biên tập, anh kéo tôi ra ngồi uống cà phê trước cửa tòa soạn. Lần thứ hai dẫn tôi về nhà, anh vừa ru con ngủ vừa kể chuyện làm văn làm báo. Viết và trực tiếp đến với sinh hoạt báo chí năng động hào hứng như vậy chẳng có gì vui hơn. Ở Miền Trung xa cách sẽ không dễ dàng có được niềm vui kiểu SaiGon như vậy. Có chăng là giữa bạn văn với nhau, nhưng không hấp dẩn bằng. Chưa nói đến thời gian chờ đợi . Hoàn cảnh khách quan nầy sẽ làm cho những người viết văn ở xa SaiGon chịu thiệt không ít.
          Trở lại với Khởi Hành, thời Viên Linh làm Thư Ký tòa soạn , Khởi Hành là một tạp chí thuần túy văn chương. Tôi nhớ đã rất ngạc nhiên khi biết,có một kỳ báo Khởi Hành bị chính quyền tịch thu. Hầu hết những nhà văn nhà thơ đủ các thế hệ thời ấy đều có đăng bài trên Khởi Hành . Với Khởi Hành tôi còn có một kỷ niệm đáng nhớ mà các bạn trẻ viết văn ngày ấy không làm sao có được. Chỉ là trường hợp vô tình.Trần Phong Giao , thư ký tòa soạn báo Văn có dịp báo cho biết , lúc còn ở Miền Bắc chưa di cư vào Nam, bút hiệu của anh là Trần Phong. Tôi đâu biết chuyện nầy.Bút hiệu Trần Phong của tôi ký vào bài đầu tiên là một tình cờ, ngẫu nhiên. Đọc một tài liệu sưu tầm đăng nhiều kỳ trên một nhật báo , nói về hoạt động của một đội quân bí mật mà viên sĩ quan chỉ huy  có bí danh là Trần Phong , chỉ  huy phó là Trần K.T. Tôi lấy luôn  tên hai nhân vật nầy làm bút hiệu, và xuất hiện rất nhiều trên các nhật báo những năm 1960. Đến khi Dưới Chân Trường Sơn với tác giả Trần Phong xuất hiện trên tuần báo Khởi Hành ,thì xẩy ra bước ngoặt khiến tôi phải từ bỏ bút hiệu nầy. Khi gởi truyện cho bán nguyệt san Văn , thì Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn , gởi cho tôi một bức thư đánh máy, nói rằng có người bạn của ông gọi điện thoại hỏi tại sao ông lại sử dụng bút hiệu cũ để đăng bài trên Khởi Hành. Ông cho biết Trần Phong là tên người con trai của ông đã mất lúc còn  nhỏ, ông thương nhớ con nên đã lấy tên con làm bút hiệu lúc còn ở miền Bắc. Vào Nam ông đã không dùng bút hiệu nầy nữa. Ông đề nghị tôi bỏ bút hiệu nầy. Từ đó tôi ký tên thật Phan Tấn Uẩn trên những sáng tác . Việc nầy, lúc qua Mỹ, tôi đã có dịp nói cho Viên Linh biết khi nhắc lại bút ký Dưới Chân Trường Sơn của tôi đăng trên Khởi Hành số 13 (bộ cũ) . Khởi Hành đã cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ. Tôi đã theo bước Viên Linh từ Khởi Hành đến Thời Tập. Truyện cuối cùng đăng báo của tôi là truyện đăng trên Thời Tập ngày 16-9-1974.Thật dễ hiểu, khi qua Mỹ, giữa nhiều tên báo văn chương nổi tiếng sống lại ở Calif như Văn , Văn Học , Thế Kỷ 21, Khởi Hành…nhưng tôi chỉ tìm chọn Khởi Hành để đăng ký mua dài hạn.

*

          Một đàn anh nhà văn nổi tiếng của tôi tại Trường Quốc Gia Bưu Điện là Nguyễn Quốc Trụ. Nghe nói anh cũng từng quen biết nhiều với Viên Linh. Lúc tôi vừa chân ướt chân ráo vào năm thứ nhất Bưu Điện thì Nguyễn Quốc Trụ đang học năm thứ ba. Khóa anh học là khóa đầu tiên thành lập Trường, và là khóa duy nhất chỉ có một ban kỹ thuật Vô Tuyến Điện. Khóa chỉ có 5 sinh viên học một ngành trong lúc những khóa về sau đều tuyển sinh 30 sinh viên cho ba Ban Vô Tuyến Điện, Điện Thoại và Bưu Vụ.Tôi vẫn nghĩ anh không theo nghề văn nghề báo đến cùng là do anh thấy làm việc trong ngánh chuyên môn vui và thoải mái hơn chăng ? Anh cho biết bên Bưu Vụ còn có nhà thơ Hoàng Xuân Sơn cũng rất nổi tiếng trên văn đàn. Riêng chúng tôi còn biết nhà biên khảo Vũ Đình Lưu (Cô Liêu) thường dịch các bài khảo cứu lý thuyết văn học và triết học từ  Pháp ngữ sang Việt ngữ đăng trên tạp chí Bách Khoa cũng là một nhân viên Bưu Điện.Ông thuộc lứa già tuổi hơn chúng tôi,làm việc văn phòng tại Tổng Nha Bưu Điện đường Hai Bà Trưng. Có dịp đến Tổng Nha Bưu Điện, chúng tôi thường thấy ông ngồi dịch với bộ Từ Điển đồ sộ Larousse và Pháp Việt  trước mặt...
          Nguyễn Quốc Trụ có lợi thế lớn trong nghiên cứu, thưởng thức văn chương nước ngoài do giỏi cả hai thứ tiếng Anh, Pháp - mà phần lớn nhà văn nhà báo Việt Nam còn thiếu. Có một thời Nguyễn Quốc Trụ làm việc tại nhật báo Tiền Tuyến của Quân Đội (VNCH). Qua phân tích, phê bình của anh lúc đó trên báo Tiền Tuyến , các nhà văn trẻ thế hệ Trần Hoài Thư không được đánh giá cao. Điều nầy làm nhiều người  không ưa anh. Nhưng dù họ có ưa hay không thì tên tuổi Nguyễn Quốc Trụ đã được khẳng định từ mấy chục năm trước. ..


            Trước khi viết tạp bút nầy, tôi đã gởi tin nhắn cho Nguyễn Quốc Trụ, muốn anh kể lại thời cùng với Viên Linh hoạt động trong lảnh vực báo chí, văn chương,anh  cho biết :" Tôi sẽ viết về Viên Linh , và những kỷ niệm thật riêng tư, nhưng trong đó, có rất nhiều bóng dáng những nhân vật trong giới viết lách. Nhưng do đang chờ kết quả scan cái đầu, coi cái mảnh mìn ngày nào có thể gây họa, hay không, nên tôi chưa viết được. Bạn viết trước đi, bài viết của bạn chắc là sẽ giúp cho tôi, khi nhìn lại Viên Linh, vốn cũng được coi là người không hiền, trong giới giang hồ"…

          Phan Tấn Uẩn

© gio-o.com 2019

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư