TTT par TT
23.9.2006
Thanh Thảo
Quyết tâm… chụp mũ
Chúng ta đang ở năm thứ 6 của thế kỷ 21, đất nước đã thống nhất 31 năm, người Việt dù đang sống trong nước hay nước ngoài đều muốn xích lại gần nhau, xoá đi những dị biệt, thậm chí những hận thù trong quá khứ, để cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước Việt Nam trước ngưỡng cửa những vận hội mới.
Chúng ta vừa vĩnh biệt một vị tướng tình báo Việt Nam vĩ đại: ông Phạm Xuân Ẩn. Trong suốt cuộc đời làm tình báo của mình, ông Ẩn vừa là nhà tình báo chiến lược vừa là một nhà báo quốc tế lỗi lạc, là nhà phân tích chính trị xuất sắc và là một người bạn đáng tin cậy với tất cả mọi người, không phân biệt. Những đóng góp của ông Phạm Xuân Ẩn cho công cuộc giải phóng đất nước là khó cân đong đo đếm cho hết, nhưng sống trong lòng xã hội Sài Gòn suốt 21 năm đất nước chia cắt, ông Ẩn vẫn là một con người sống rất nhân tình, nhân hậu, biết người biết ta. Có lẽ khi nhận xét về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền mà chắc ông Ẩn không xa lạ, ông sẽ không viết như Vũ Đức Tân: “Với nhiều độc giả miền Nam cái tên (Thanh Tâm Tuyền) gắn với một giai đoạn đen tối của đất nước dưới ách kìm kẹp của Mỹ-ngụy, đó cũng là giai đoạn sáng tác đắc ý của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, sĩ quan cộng hoà, với ý tưởng chống cộng tươi mới vừa chạy ngoài Bắc vào, phục vụ cho chính quyền ngụy”.
Nếu cách đây vài ba chục năm, người ta đã quen nghe những lời kết tội nặng nề như thế này, thì ở thời điểm bây giờ, có lẽ rất nhiều người sẽ kinh ngạc: sao vẫn còn những lời lẽ phê bình “kinh khủng khiếp” thế nhỉ? Và thô thiển đến mức khó tin thế nhỉ? Tôi cũng là một người đọc thơ Thanh Tâm Tuyền từ những năm chiến tranh, khi tôi đang ở chiến trường Nam Bộ, và dù so với Vũ Đức Tân (xin lỗi nếu tôi nói nhầm) lúc ấy tôi “đối mặt” gần hơn và quyết liệt hơn với “sĩ quan cộng hoà” Thanh Tâm Tuyền, tôi vẫn không cảm thấy thơ Thanh Tâm Tuyền là “chống cộng” hay chống ai. Đơn giản, vì thơ ấy nếu có, chỉ chống lại chính nhà thơ, một người luôn sống trong khắc khoải và day dứt với những tìm tòi nhằm “tháo gỡ”, “đổi mới” cấu trúc ngôn ngữ thơ. Tôi cũng không hề thấy và hiểu những “ý tưởng chống cộng tươi mới” trong thơ Thanh Tâm Tuyền nó nằm ở đâu, như Vũ Đức Tân đã thấy và tri hô lên, nhưng tôi thấy Thanh Tâm Tuyền là nhà thơ cách tân, và có lẽ ông chỉ chăm chắm mở ra một lối đi riêng cho thơ mình giữa sinh hoạt thơ ca miền Nam lúc ấy, hơn là tìm cách chứng tỏ cái “phẩm chất sĩ quan cộng hoà” của mình. “Tư tưởng chống cộng đương nhiên thấm đẫm những tập thơ quan trọng như Tôi không còn cô độc (1956), Liên đêm mặt trời tìm thấy (1964) của sự nghiệp thơ Thanh Tâm Tuyền”. Vũ Đức Tân đã kết luận như đinh đóng cột như thế. Và để dẫn chứng, ông đưa ra câu thơ Thanh Tâm Tuyền viết về cuộc chính biến 1956 ở Hungary: “hãy cho anh khóc bằng mắt em, những cuộc tình duyên Budapest”. Nếu đó là câu thơ “chống cộng” như khẳng quyết của Vũ Đức Tân, thì có lẽ trên khắp thế giới này không chỉ Thanh Tâm Tuyền là “nhà thơ chống cộng”. Vũ tiên sinh đã đi hơi quá rồi đó! Với cách lập luận “rõ như… mực đen” và khá thô lậu này, Vũ tiên sinh nếu tiến thêm lên ắt sẽ vượt qua các bậc “tiền bối” của mình về khoản “chụp mũ” (?).
Tôi không muốn bình luận gì thêm. Chỉ xin nói rõ một điều: tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, dù mới ra tới số 3, nhưng đã được bạn đọc đón nhận với nhiều tình cảm, nhất là khi tạp chí chủ trương giới thiệu thơ Việt ở cả hai miền Nam Bắc, và cả thơ Việt của những nhà thơ Việt hải ngoại không “chống cộng” hay chống ai, chỉ yêu tiếng Việt, yêu đất Việt và làm thơ bằng Việt ngữ. Đến như ông Nguyễn Cao Kỳ, nếu ông ấy có làm thơ, và thơ hay (giả dụ vậy thôi, chứ làm thơ hay đâu có dễ, kể cả ông Nguyễn Cao Kỳ, và hiểu thơ cũng không hề dễ, kể cả ông… Vũ Đức Tân) thì tôi nghĩ, tạp chí Thơ vẫn có quyền giới thiệu chứ! Mà so về khoản “chống cộng” (trong quá khứ, dĩ nhiên) thì ông Kỳ còn “kinh khủng khiếp” hơn ông Thanh Tâm Tuyền nhiều (nếu ông Thanh Tâm Tuyền quả thật có “quyết tâm chống cộng” như ông Vũ Đức Tân đã phán).
© 2006 talawas
Comments
Post a Comment