Ao Thung Vai Nhau



16.1.2007
Nam Dao
Như khi cởi quần lột yếm trần mình múa trước nhân gian
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 1   2 
 
Nam Dao (Ảnh: Ăn mày văn chương)
Nguyễn Đức Tùng: Xin chào anh Nam Dao, con người hạnh phúc. Anh vừa được cô tiểu thư toán học để mắt tới, lại được nàng công chúa thơ ca mỉm cười bắt tay.

Nam Dao: Đa đoan chứ có nào đâu hạnh phúc. Thật tình mà nói, tôi dùng toán để phân tích những vấn đề kinh tế nên đúng hơn là tôi lạm dụng (không phải lạm dụng tình dục đâu nhé) cô tiểu thư toán học để bới móc chuyện (vật chất của) nhân sinh. Còn nàng công chúa, tôi gọi là bà Chúa, khi thì mỉm cười, khi thì lạnh nhạt quay đi. Bà có thèm cho tôi nắm tay như anh nói đâu!

Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ mới nhất của anh được viết khi nào?

Nam Dao: Đó là bài “Tiễn bạn” qua ba tấu khúc năm 1995. Thời đó tôi vừa dịch xong hơn hai trăm bài thơ Đường, mục đích là “làm bài tập” rồi dịch Chinh phụ ngâm theo nguyên thể cổ phong của cụ Đặng Trần Côn... Dĩ nhiên, bản dịch theo thể song thất lục bát của Phan Huy Ích - Đoàn Thị Điểm (vẫn còn là nghi vấn, không biết là Phan hay Đoàn, nên tôi để cả hai tên các vị này) rất hay, nhưng tôi cứ ấm ức vì nó làm mất “cá tính’’ Đặng Trần Côn qua thể cổ phong, nên ngứa ngáy “dịch’’ lại, gửi cho ông bạn Tạ Trọng Hiệp và bác Hoàng Xuân Hãn. Nhưng quay lại thơ mình thì tôi giật mình: cái chất Đường thi nó ngấm vào lúc nào mà không hay, cứ thế... thơ tôi già đi nghìn tuổi trời. Tôi đành tự nhủ, thôi, không làm thơ nữa, vì cứ thế này chắc rồi tôi sẽ quay ngược lại về thời Sở từ của Khuất Nguyên mất...

Nguyễn Đức Tùng: Anh có thể vui lòng cho nghe toàn bộ bài thơ “Tiễn bạn”?

Nam Dao: Xin vâng, tuy hơi ngường ngượng .

Tiễn bạn, theo 3 tấu khúc
1.
Cánh én chao trăm hướng
Sóng nhô biển mù sương
Tiễn bạn đưa tay vẫy
Mơ theo bước chân vương

2.
Tiễn người, tay không vẫy
Nhìn xa thấy bụi đường
Trên cao con én lượn
Biển trắng mờ khói sương

3.
Trời xa cánh én chao muôn hướng
Sóng nhô biển đục trắng mù sương
Sớm mai tiễn bạn đưa tay vẫy
Đêm về mơ gặp bước chân vương

Nguyễn Đức Tùng: Ngượng cũng là một… đức tính anh ạ. Nhưng bài thơ của anh trên đây có phải chỉ là một bài, với ba versions? Sao lại gọi là tấu (khúc)? Hay nó là một bài duy nhất với ba khổ thơ (stanza)?

Nam Dao: Nó là một bài, với ba versions: Ý và tứ thơ chỉ có một, nhưng sắp đặt câu khác nhau, và vì thế gợi mở những cảm nhận khác nhau. Người làm thơ thì hầu như ai cũng cân nhắc chuyện này, để làm sao cho bài thơ nói lên được cảm nhận của chính mình. Tại sao lại là tấu khúc? Tấu là ca lên... Thi ca mà anh, đơn giản thế!

Nguyễn Đức Tùng: Tôi có được đọc bản dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm của anh.

Đất trời gió bụi
Má hồng nổi trôi
Nỗi đắng cay ai chuốc phận người!
Trăng lung lay nhịp hồi trống thúc
Lửa bay lên sém đỏ mây trời
Trên trướng gấm quẳng ly chống kiếm
hịch nửa đêm truyền hỡi ba quân
Thuở thanh bình ba trăm năm lẻ
Giáp nhung nay trao lại võ thần

Hình như đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bản dịch giữ được hình thức thể thơ của Đặng Trần Côn?

Tôi cảm thấy thú vị khi đọc bản dịch. Tuy nhiên, có thể có một câu hỏi được đặt ra ở đây: Khi đã có một bản dịch rất hay của một tác phẩm nào đó, có cần thiết hay không một bản dịch thứ hai? Và liệu nó có đóng góp gì thêm về mặt văn học? Bản dịch của anh thể hiện được “cá tính” của Đặng Trần Côn như thế nào?

Nam Dao: Tôi không biết có bản dịch nào theo nguyên thể không như bản tôi làm. Những câu anh hỏi, xin lần lượt trả lời. Bản dịch thứ hai có cần thiết không? Ngay Thượng đế, Người cũng làm rất nhiều chuyện không cần thiết đấy. Trong sinh học, có khi nào có những bộ phận khác biệt nhưng lại có những chức năng chồng chéo (overlap) lên nhau không? Sự chồng chéo nhằm bảo đảm “an ninh’’, nhỡ bộ phận này không hoạt động thì bộ phận kia xông ra “bù trừ’’. Điều này anh biết rõ gấp trăm lần tôi, và nhắc tôi không dám rủ bác sĩ Tùng để cùng sa đà vào những vấn đề ngoài văn học đâu nhé. Trở lại văn học, vâng, đúng là bản dịch Đoàn-Phan có những đoạn tuyệt vời, kẻ làm bản dịch thứ hai là loại “điếc không sợ súng’’, thất bại thì... đấm ngực kêu một mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, hay “Ô hay, ta đã làm chi đời ta”... Còn cái động cơ để liều mạng xông lên dịch bản thứ hai thì thế này: Nếu nhìn số câu, bản Đoàn-Phan lược bản chính của Đặng Trần Côn chừng vài chục câu (nhưng cũng xin công nhận thường là những câu không xuất sắc lắm trong nguyên bản). Nếu tâm cảm phần hồn, bản Đoàn-Phan đậm nữ tính và làm nhạt đi chất bi tráng chuyển tải theo dạng cổ phong trong nguyên bản. Điều này chẳng lấy gì làm lạ. Trong thơ Đường, thể tài biên tái có một vị trí đặc biệt với phong vị đặc trưng là chất bi tráng, điển hình như thơ Sầm Tham. Và có lẽ ngay cả những người tiên phong trong mảng thơ “lính’’ hiện đại như Quang Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Duy..., chất bi tráng cũng đậm đặc. “Cá tính’’ Đặng Trần Côn là cái chất bi tráng ấy.

Nguyễn Đức Tùng: Được đọc những bản dịch hay như bản dịch Tì bà hành, bản dịch Chinh phụ ngâm… là điều ai cũng mơ ước. Những người dịch thơ của Việt Nam không nhiều, vì vậy công việc của anh hết sức đáng quí. Anh có những suy nghĩ lý thuyết dịch thơ và kinh nghiệm thực hành nào trong khi dịch thơ chữ Hán mà anh muốn chia sẻ với người đọc?

Nam Dao: Đừng bắt nhau “lập thuyết’’ nhé. Công việc kinh điển lý thuyết, tôi dồn cho bà Hai, là khoa học, nên mệt rồi. Trở về bà Cả văn học, tôi làm việc như một người đa cảm. Nói lăng nhăng cho vui, phân công thì bà Hai lo cơm nước, còn bà Cả, chỉ có cái việc an ủi tôi. Và tôi, có nhiệm vụ... ngủ với cả hai theo nhu cầu “đương sự’’. Đứng đắn lại nhé: Kinh nghiệm độc nhất tôi thấy đáng nói là: nếu một văn bản không khiến tâm hồn ta cảm thấy có gì xôn xao, náo động tự trong sâu xa thì đừng bỏ công dịch văn bản ấy làm gì.

Nguyễn Đức Tùng: Bản dịch của anh có những điểm tôi xin được hỏi lại. Chẳng hạn: Những câu mà hai bản dịch giống nhau về số chữ và hình thức, thì câu của anh:

Thuở thanh bình ba trăm năm lẻ (Nam Dao)

So với:

Nước thanh bình ba trăm năm cũ ( Đoàn Thị Điểm/ Phan Huy Ích )

hoặc:

Nhấp nháy sao mai như giục bước (Nam Dao)

So với:

Sứ trời sớm giục đường mây (Đoàn Thị Điểm/ Phan Huy Ích)

Anh có thể lý giải vì sao anh lại lựa chọn cách dịch như vây?

Nam Dao: Câu đầu trong nguyên bản là:

Thanh bình tam bách niên thiên hạ

Theo tôi, đây là một câu văn xuôi, “dịch’’ ra thơ và là một trong mấy trăm câu chắp lại thành một tổng thể thơ (nay gọi là trường ca thì phải). Chúng ta không thể đòi câu nào viết trong tổng thể đó cũng là thơ được (đọc Nguyễn Du, Tô Đông Pha, hay Goethe, Shakespeare, Dante... thì cũng thấy đầy rẫy văn xuôi). Cả bản Nam Dao lẫn bản Đoàn Thị Điểm/ Phan Huy Ích cũng đều có những chỗ đậm chất văn xuôi như nguyên thể, nhưng có cái khác. Thứ nhất, tôi không thấy cái “ba trăm năm” của Đặng Trần Côn là “cũ” như lời dịch của Đoàn Thị Điểm/Phan Huy Ích. Thứ nhì, “thiên hạ” không chỉ là nước, mà là những con người. Câu trong bản Nam Dao có vẻ thời sự hơn, rộng rãi hơn vì giảm cái chất “nước”, tăng chất “người” (xin lỗi hai cụ Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích, kẻ hậu sinh này có lúc lếu láo như thế), có lẽ vì thế hệ tôi (dĩ nhiên cả anh) đã nhọc nhằn lao tâm vì cuộc chiến 30 năm vừa qua.

Câu thứ nhì trong nguyên bản là:

Sứ tinh thiên môn thôi hiểu phát

thì tôi cho là tôi dịch sát nghĩa, chẳng hiểu thế nào mà có “đường mây” trong bản Đoàn Thị Điểm /Phan Huy Ích, dễ bị hiểu là con đường công danh hay con đường phiêu lãng tìm những điều ngoài nhân gian như “đạo’’ chẳng hạn!

Nguyễn Đức Tùng: “Rồi tự nhủ thôi không làm thơ nữa”, nhưng rồi anh lại… làm thơ. Điều gì đã thúc đẩy anh trở lại với nó? Hiện nay, anh đã ra khỏi tình trạng mà anh gọi là “ngấm chất Đường thi” chưa?

Nam Dao: Không, từ năm 95, tôi thôi làm thơ. Nhưng tôi vẫn tơ tưởng Bà Chúa, như tôi thổ lộ với chị Mai Ninh trong một phỏng vấn trên báo Hợp Lưu. Cái gì nó ngấm vào thì vẫn ở đấy, nhưng tôi mong cái chất ngấm ấy thăng hoa thành chất thơ của tôi chứ không còn là Đường thi nữa thì tôi mới dám mon men đến trướng Bà. Tôi biết, chỉ những người tự do Bà mới cho nắm tay thôi. Thơ không khoan thứ bất cứ ràng buộc xích xiềng nào.

Nguyễn Đức Tùng: Làm thế nào để biết một tác phẩm là một bài thơ mà không phải là một cái gì khác?

Nam Dao: Chu choa, anh hỏi “khó’’ thật! Trả lời câu hỏi ấy khác nào… để một bàn chân trên bờ vực, chân kia thì đạp vào cái cõi chưa ai dám bàn với cái ảo tưởng nắm bắt được câu trả lời cho câu hỏi “Thơ là gì?”. Mất thăng bằng, người bị cật vấn hoặc mủm mỉm cười làm duyên (khi biết mình vô duyên). Hoặc tuôn ra một tràng những chuỗi ngữ ngôn rất bác học (thường pha chữ Hán, khó hiểu nhưng bác học), hoặc ở thời hậu hiện đại, khi con nhà nông ra góp mặt với thế giới (công nghệ thấp lẫn cao) rất ư “chuyên chế Âu châu - eurocentric” về mặt văn hoá, thì sẽ dẫn nào là Whitman, nào là Saint-John Perse, là Prévert, Apollinaire, Neruda... Bí ẩn (và hấp dẫn) nhất là ậm ừ một công án Thiền tông kiểu “nó là một bài thơ, nó cũng đồng thời là một cái gì khác, vì chính thế, nó là thơ’’. Đấy, tôi buột miệng ra ba, bốn cách trả lời, có lẽ trong hàng trăm cách khác, để không trả lời câu hỏi chẳng “vô tư’’ tí nào của anh. Vì anh chính là một nhà thơ, tôi xin hỏi lại anh câu anh vừa hỏi, anh trả lời thế nào? Câu này mong anh nhân dịp cũng hỏi các bạn thơ quen biết, tôi rất muốn biết những câu trả lời, để... học hỏi và tìm xem mình thực có cái may nắm tay bà Chúa một ngày nào đó không!

Nguyễn Đức Tùng: Làm thế nào để biết một bài thơ là một bài thơ ư? Anh hỏi lại khó thật. Xin cho tôi nói tản mạn. Trước chúng ta đã có nhiều nhà thơ và nhà phê bình tìm cách trả lời câu hỏi tổng quát hơn: Thơ là gì? Nhưng hình như không ai trả lời được chính xác. Và mãi mãi sẽ là như thế. Anh không tin thì xin hỏi… Bùi Giáng. Nói đùa thế thôi, tôi xin phép trích một vài định nghĩa:

  • Eliot: Thơ là cái thú cao cả (a superior amusement)
  • Frost: Thơ là sự thao diễn bằng chữ (a performance in words)
  • Coleridge: Nhà thơ, một cách toàn hảo lý tưởng, chuyển tất cả tâm hồn con người thành các hoạt động (The poet, described in ideal perfection, brings the whole soul of man into activity)
  • Allen Ginsberg: Thơ là một cách thiền định, nó làm tôi trở nên chậm rãi và mang tôi trở lại với chính tôi. (Poetry is a kind of meditation that slows me down and brings me back to myself)
  • Bùi Giáng:

    Vậy kẻ nào
    Tự xét mình
    Từ trong tinh thể mà ra
    Chả có chi là phiêu bồng tí chút
    Thì chả nên cưỡng cầu
    Tự ép uổng
    Ghé vào thi ca thâm xứ làm chi
    (Đi vào cõi thơ)
Nhưng định nghĩa như thế thì cũng giống như không định nghĩa. Nhưng… thế nào là định nghĩa? Tức là định nghĩa của định nghĩa? Khi tìm cách định nghĩa một sự vật, chúng ta thừa nhận rằng sự vật ấy có những tính chất cố định. Nhưng thơ không có những tính chất cố định như thế, hay đúng hơn không có những tập hợp cố định cuả những tính chất cố định như thế.

Lẽ nào em buộc cánh anh
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu

Lý Phương Liên làm cho câu lục bát thay đổi, nhờ vào chữ cánh đọc rất cứng, vần với chữ anh , và sự lập lại ba chữ liên tiếp (buộc cánh anh) ít gặp. Tuy thế, đọc lên ai cũng thấy đó là thơ, chắc không ai cãi rằng đó không phải là thơ, như đối với trường hợp (lấy ví dụ) tập thơ của Nguyễn Thúy Hằng hồi đầu năm nay (2006), được nhắc đến trong bài phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Viện mới đây (talawas). Và nhiều trường hợp khác nữa, tôi chắc là có nhiều hơn, và thơ hay hơn. Vì sao? Vì trước hết câu thơ của Lý Phương Liên là một câu có vần. Như thế vần là một tính chất của thơ. Tính chất này tạo nên các thành tựu (metrical achievement) đang ngày một ít gặp hơn.

Trần Dạ Từ, người đã từng làm những câu lục bát bay bướm, cũng như câu thơ của Lý Phương Liên, như:

Trưa vàng cỏ biếc vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.

Có lúc lại viết:

Gỗ hiếm. Hòm cụt. Thời buổi khó
Ai bảo mày dài
Bẻ đầu. Uốn chân. Mệt thấy mẹ.

Ba câu này không có vần, nhưng chúng có phải là thơ không? Tôi nghĩ là thơ, vì trước tiên, khi đọc lên chúng có một thứ nhịp điệu ngắn, gắt, ngấm ngầm rất riêng. Mặc dù ở đây ý nghĩa là quan trọng. Anh thử đảo một vài chữ, sẽ thấy ngay sự khác biệt lớn. Như thế, nhịp điệu là một tính chất của thơ.

Trong tập The Oxford Book of Modern Verse 1892 - 1935 do W. B Yeats biên tập, người đọc bắt gặp bài thơ của một… nhà văn chưa bao giờ làm thơ (Walter Pater) như sau:

Mona Lisa

She is older than the rocks among which she sits;
Like the vampire,
She has been dead many times,
And learned the secrets of the grave;
And has been a diver in deep seas,

Thật ra W. B Yeats đã bẻ gãy câu văn xuôi của Pater, vốn được viết một mạch, trong một bài tiểu luận, như sau:

She is older than the rocks among which she sits; like the vamprire, she has been dead many times, and learned the secrets of the grave; and has been a diver in deep seas… (Dẫn lại theo Stephen Matterson và Darryl Jones)

Như thế, thơ có một tính chất đặc biệt là sự ngắt câu và xuống dòng mà văn xuôi không có.

Đến Lê Đạt, sự ngắt câu còn có tác dụng thị giác:

Hay em biến trong gương
một người giống em
trở lại
Má má môi
mà mỗi mãi xa

Thị giác của gương. Ảnh chiếu đi chiếu lại. Graphic scansion.

Khi con thưa với mẹ
Mưa bay mờ đồng ta
Ngày mai con đi

Tôi đang chép một đoạn thơ hay của Thanh Thảo. Trong ngôn ngữ đời sống cũng như văn xuôi, hay trong các bài thơ dở, người ta sẽ viết thế này:

Khi con thưa với mẹ
Ngày mai con đi
Mưa bay mờ đồng ta

Câu “mưa bay mờ đồng ta” được buông bất ngờ vào giữa hai câu, phá vỡ cái hợp lý thông thường, làm cho thông điệp của bài thơ bị nhòa đi (không phải nhòa vì mưa!). Và buộc người đọc dừng lại một lúc trước cơn mưa, như dừng lại trước một ngấn lệ của cuộc chia tay không nói nên lời. Như thế làm nhòa ngôn ngữ là một phong cách của thơ.

Em ở đó, bờ sông còn ấm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm: quên

Tại sao Du Tử Lê lại nhắc bờ sông (ấm) cát, và con sóng? Sao không nói đơn giản hơn: Ôi anh nhớ em quá, em vẫn còn ở chổ cũ đó chứ và đã quên anh rồi phải không? Như thế, ngôn ngữ hình ảnh chính là đặc trưng của thơ.

Cây gậy chống cong giằng gió dữ
Khập khiễng chân đi bước mở đường

(“Trần Dần”, thơ Nam Dao)

Là một trong những câu thơ hay của Nam Dao. Toàn bộ hình ảnh tuyệt đẹp của câu thơ là một ẩn dụ lớn. Như thế, ẩn dụ là một tính chất của thơ.

Nhưng thôi, tôi xin tạm dừng ở đây, vì nói lan man nữa thì hóa ra anh phỏng vấn tôi hay tôi phỏng vấn anh đây?

Tùy theo từng bài thơ, mà các tính chất trên, và còn nhiều tính chất khác nữa, sẽ xuất hiện nhiều hay ít, đậm hay nhạt, thứ tự cao hay thấp, và trong một trật tự tương tác hết sức thay đổi. Anh xem, các nguyên tố tạo nên DNA chỉ có một số ít thôi, nhưng chúng tổ hợp lại thì ghê gớm biết bao. Làm sao biết thơ là gì? Thế nào là một bài thơ?

Thế sao tôi vẫn cứ đi hỏi anh? Là vì câu hỏi “Cái gì làm nên một bài thơ” làm cho tôi dễ tới gần hơn là câu hỏi trừu tượng “Thơ là gì”.

Nhưng quan trọng hơn là: Có những câu hỏi có thể con người mãi mãi không tìm được câu trả lời, nhưng mỗi lần đi tìm nó, người ta lại chiêm nghiệm thêm được nhiều điều, phải không?


Nam Dao: Anh hỏi, tôi xin góp một chút ý. Với tôi, thơ là cái nhặt được khi ta quậy vào đáy ao vô thức, bụi bùn lắng xuống, và may thay có một cái gì đó lấp lánh chiếu sáng với cách thế một vì sao rơi. Qua trực giác, ta có cơ duyên nhặt nó lên, nhưng nếu chưa thành lời thì vẫn chưa là gì cả. Lời đến từ đâu? Bất bình tắc minh, nghĩa là không nhịn được phải thốt ra như Hàn Dũ từng nói. Không nhịn được vì sao? Vì ấp ủ mãi thì nó mưng độc trong tâm tư. Thế là phải khi thủ thỉ kể ra, khi thét lên... tùy cái mảnh sao rơi đó đến từ đâu. Từ thời thế. Tình phụ. Niềm vui. Nỗi thống khổ. Rồi từ niềm hoang mang trước con đường vô định. Nỗi bâng khuâng sau nẻo khuất những cái bóng hạnh phúc tuột khỏi tầm tay... Vì thế, thơ trước hết phải thật. Thật tâm. Thật lòng. Thật như khi cởi quần lột yếm trần mình múa trước nhân gian. Nhưng không phải trưng ra cái xác, mà là phần hồn của kẻ làm thơ. Phần hồn, nó là cái chi chi? Câu hỏi này dễ dẫn đến những đáp án chung chung đầy bí hiểm biến thực thành ảo, cái ảo ngôn từ, thể loại đặc biệt của loài người từ ngày các “trự’’ phát kiến cách ký âm bằng những biểu tượng loằng ngoằng ta gọi là chữ.

Cũng vì thế, tôi coi hình thức - tập hợp những kỹ xảo như vần, điệu, cắt câu, ngắt đoạn, v.v… - dẫu quan trọng nhưng không là hàng đầu. Hình thức là phương tiện diễn tả cái cốt, là hồn, trong thơ. Nhạc tính, âm vận, cắt câu, ngắt chữ, sử dụng bằng trắc luyến láy... với mục đích phục vụ thị và thính giác, đã đành. Ngoài ra, còn nhịp và những khoảng lặng. Chúng tác động lên cái thở của người đọc, lên nhịp tim đập, và từ đó lên một số những cảm xúc phát từ não bộ, sau khi lọc qua cái lọc âm thanh - hình tượng cũng như ngữ nghĩa. Thơ đến với người đọc qua cả ba chiều kích, là con người sinh vật đầy nhục cảm, con người thành phẩm của văn hóa - lịch sử, và con người - nhà thơ. Chiều kích cuối vừa nói là chiều kích cá biệt của một con người có điều gì hắn muốn mang ra chia sẻ với đồng loại. Chia sẻ được, hắn khẳng định cá thể của mình như một thành tố của cái chung (tập thể người đọc), thậm chí xuyên qua thời gian và không gian, để qua trí nhớ hay sách vở trở thành một dấu vết của văn hóa. Không phải là than khơi khơi mà Nguyễn Du tự hỏi “Chăng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?’’ đâu! Cụ than và cụ hoảng lên thật đấy.

Cứ mỗi lần nói về hình thức và nội dung, tôi có cảm tưởng chúng ta tách bạch chúng như những phạm trù khác biệt có chút tính đối kháng (cái thói quen tư duy nhị nguyên của Tây phương du nhập mà!). Cặp hình thức-nội dung theo tôi thì là một quan hệ sinh hóa rất biện chứng. Chính vì thế mà khi nhấn mạnh quá nhiều đến hình thức, ta có xu hướng hạ thấp nội dung, rồi triệt tiêu luôn cả ngữ nghĩa. Từ đó, ta toàn thơ nhan sắc, thơ rỗng ngực vớí cái xú chiêng nylon hiệu wonderbra, thơ tô son bôi mắt, thơ lắp chữ làm dáng, thơ tối nghĩa hơn đêm ba mươi mượn hơi ẩn dụ, thơ đĩ thõa, thơ văng tục... Nói chung, đó là những loại thơ vô hồn và thơ cô hồn có thời gian nhiều đến nỗi không còn ai muốn đọc (trừ người viết và một dúm thân hữu, dĩ nhiên...). Thơ cứ thế xuống cấp và tạo ra hiện tượng dị ứng thơ là một nguy cơ văn hóa. Bởi nói cho cùng, văn học Việt Nam ta nếu có một chút gì để tự hào thì là thơ, ở đúng nghĩa của thơ, và nhất định phải là thơ hay.

Trong những câu thơ của các nhà thơ anh nêu tên, thú vị nhất là mấy câu cùa Trần Dạ Từ, nhưng không phải là hai câu lục bát quí phái mà là:


Gỗ hiếm. Hòm cụt. Thời buổi khó
Ai bảo mày dài
Bẻ đầu. Uốn chân. Mệt thấy mẹ

Tôi đọc, chữ “hòm” gợi cho tôi liên tưởng đến chiếc áo quan, kẻ nằm xuống bỏ vào phải “uốn chân”, “bẻ đầu”, và nếu kết bằng một tiếng than cho kiếp người thì... không gây gì ngạc nhiên. Nhưng “Mệt thấy mẹ” thì quả tuyệt vời. Người sống đem chôn kẻ chết (có vẻ) dửng dưng, khiến cái sự sống không còn ý nghĩa gì, và chỉ 3 chữ, tính thảm kịch tăng lên hàng trăm lần những than khóc. Và thử hỏi nếu đoạn thơ vừa chép du dương vần điệu thì liệu có chuyển tải được cái việc “bẻ đầu”, “uốn chân” nhét vào hòm không? Vần thừa, điệu thừa là vì vậy. Nhan nhản trong thơ đăng báo, đọc qua không xúc động khiến phải tự hỏi mình, ơ kìa, có phải chính ta là kẻ đã khô cằn trước cái chết, sự sống, tình yêu, niềm hy vọng... hay là thơ giả hình, sáo rỗng, đỏm đáng đã giết cho bằng hết cái rung cảm của lòng ta?

Phải thú thật với anh, tôi cũng từng “sáng tác’’ loại thơ tôi vừa bài bác. Và được anh bạn Tạ Trọng Hiệp dậy cho một bài học khó quên. Kể anh nghe cho vui: số là tôi qua làm nghiên cứu và dạy học ở Paris-Sorbonne, ở nhà Hiệp. Dịp hè năm đó, đâu cách đây trên mười năm, anh Cao Xuân Hạo cũng từ Việt Nam đến Pháp. Anh có cô em gái, tên N, một tuyệt sắc giai nhân mở một quán cơm ở quận 13, có món ghém vịt rất ngon. Chúng tôi thường ăn cơm ở quán và rồi một tối, nửa đùa nửa thật, tôi làm 4 câu thơ tặng N. Nàng có vẻ cảm động thì Hiệp cười hô hố, hỏi: “Có phải vẫn bài thơ tán gái làm hôm qua cho con bé quán Lào bán tiết canh không?’’. Anh xem, tôi còn chưa biết nói gì thì Hiệp phán luôn, thằng này nó hay gieo vần tán gái đấy chứ không phải là thơ đâu!

Cũng với Hiệp, tôi “thụ giáo’’ một bài học khác. Thời ấy, anh đang hiệu đính Vân Đài loại ngữ của Lê Quí Đôn, đưa cho tôi xem một đoạn dịch từ Hán văn, theo trí nhớ (khá tồi) của tôi thì ý là văn mà chỉ nhuần nhuyễn, bóng bẩy, lay chuyển được lòng người là văn hay. Nhưng nếu điểm vào được chút gồ ghề, mới đọc thì tưởng thô, đọc rồi khiến không quên nổi, thì văn đó mới lên hàng thượng thừa bất hủ. Mấy chữ “Mệt thấy mẹ” trong câu thơ Trần Dạ Từ là thế.

Anh nhắc đến Thanh Thảo, kẻ một thời làm tôi xốn xang với tập thơ Khối vuông ru-bích, và trích 3 câu thơ, hoán vị một câu rồi… “tán’’ để đi đến hệ luận cho rằng: làm nhòa ngôn ngữ là một phong cách thơ. Vâng, là một trong những phong cách thơ thì chính xác hơn. Nhưng không cứ làm nhòa ngôn ngữ mà thành thơ được. Rút cục, thơ là gì vẫn cứ là câu hỏi. Ánh sáng là gì? Vừa là hạt, vừa là sóng! Điều này kiểm nghiệm được bằng thực chứng trong khoa học tự nhiên. Tình yêu là gì? Cái thuở ban đầu chắc cũng mông lung như thơ, nhưng sau thì lấy nhau, ăn nằm, sinh con đẻ cái... toàn là những điều đến từ tình yêu (nhưng lại không phải là tình yêu!). Tôi e là câu hỏi cái gì làm nên một bài thơ không thể choán chỗ câu hỏi thơ là gì. Thơ là gì ư? Là... một tiếng chuông chăng? Nó ngân nga trong lòng người, từ năm này qua năm kia, từ làng mạc đến thị thành, thậm chí từ đại lục này qua đại lục khác, từ thời này đến thời khác... Chất liệu thơ là ngữ ngôn, thứ ký hiệu đặc thù của một nền văn hoá. Nó có khả năng tạo thanh, tạo hình cho những người chia chung văn hoá đó, thậm chí một tiềm thức nào đó đãi lọc qua thời gian. Nhưng nó không phải là tranh họa, là âm nhạc ở cái mức mắt trực tiếp thấy, tai trực tiếp nghe. Nghe và thấy sàng lọc qua ngôn ngữ trừu tượng trở thành rất hiện thực, như nghe thật, thấy thật, bằng thứ âm ba khuấy động giác quan và lắng xuống để thành một phần sâu thẳm của tâm hồn, như ánh sáng, vừa là hạt, vừa là sóng. Nhưng thơ lại đèo bòng thêm một chiều kích mới là sự tỉnh thức trước cái đọng lại dẫu, và bất chấp, cái qui luật ta nhắc như vẹt là mà chưa chắc gì đã thực hiểu là sự vô thuờng. Và, tôi tự hỏi, tiếng chuông đó ở lại rồi ngân xa phải chăng vì nó có tác động xoa dịu những nỗi đau nhân sinh, gây lửa hy vọng, giúp con người bám vào sự sống? Với mục đích như thế, thơ chỉ nệ hình thức điệu đàng không thì chưa đủ, phải không anh? Hồn vía những con chữ ở linh thức, cửa tử sinh của chữ Tâm. Nguyễn Du bảo: “Chữ Tâm kia bằng ba chữ Tài’’, và “chữ Tài lại liền với chữ tai một vần’’’. Ỷ vào tài hoa kiểu thuần hình thức có thể thành công trong ghép chữ (như cái trò scrabble) nhưng lại giết thơ đấy!

© 2007 talawas

Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

Raymond Chandler by Oates