VHNT 562 5.5.2004

Võ Phiến có lẽ là người đầu tiên khám phá ra một Trần Thị NgH, khi ca ngợi hết lời cái đoạn đối thoại giữa hai người nam và nữ ở trong truyện (Chàng khen: Em can đảm lắm. Tự nhiên tôi nói lớn, giọng hờn mát: Rồi sao nữa, trời đất! Nằm yên!), và cái xen từ giã, chàng xin nàng món đồ lót của nàng làm kỷ niệm cuộc tình. Nhưng trong Lạc Đạn, cảnh đó diễn ra một cách chân thực hơn, cho thấy một NgH khác: Tôi nằm ngửa ngó ngược lên trần căn phòng. Đêm ngoài tầm hiểu biết. Dự nhỏ nhẹ, anh dậy cho em làm vợ chồng. Má ngủ chưa má. Má biết con đang ở đâu với ai không. Đêm ở xa má lo lắng không ai kéo chăn lên ngực con, má xót xa nghe con ho rúm ró vặn vẹo. Má mặc áo túi vải cười nhăn, tóc má búi xổ bạc trắng. Má đi lại dọn dẹp trong nhà.Con nằm đây làm gì với ai, con trinh bạch không tội lỗi, con nguyên vẹn của má, con đau xé nổ tung đầm đìa, con đỏ lòm oan uổng.
Lời khen, khám phá của Võ Phiến là một trong những lý do đưa đến sự nổi đình nổi đám của Trần thị NgH.
Kundera có nói, những nhận định đầu tiên bám chặt lấy tác phẩm, đừng mong chi rũ khỏi. Những nhận định đầu tiên của Max Brod, bạn của Kafka, đã mở ra cả một trường phái 'Kafkology', ai muốn hiểu Kafka là phải kinh qua trường phái này. Proust còn cay đắng hơn: Dante sống sót là do có ít người đọc quá! Giả sử người đọc có cùng một lúc hai ấn bản NgH, liệu họ sẽ chọn ấn bản nào?


Số 562- 5 tháng 5, 2004
I. Sống lùi thời đại.
Vào thập niên 1960, trong một cuộc họp bàn tròn trên tờ Sáng Tạo, một thành viên trong nhóm đã phát biểu, nếu một độc giả của ngày hôm nay đọc văn chương của ngày hôm qua (đọc Hồn Bướm Mơ Tiên, hay Nửa Chừng Xuân chẳng hạn), như vậy là đã sống lùi thời đại của mình.
Người viết lẩn quẩn mãi với chuyện sống lùi thời đại nhân đọc Lạc Đạn, và 10 truyện ngắn của Trần Thị NgH (nhà xuất bản Thời Mới, Canada, 2000). Tuy đầu tay, nhưng lại là tác phẩm thứ nhì được xuất bản tại hải ngoại, sau tập truyện do nhà Văn Nghệ, Cali, xuất bản 1999).
Lạc Đạn được viết cách đây 31 năm (1969-1973), nhưng vẫn nằm trong ngăn kéo của nhà văn. Vì nhiều lý do, trong đó có thời cuộc (biến cố 1975). Tên truyện như mang sẵn trong nó một định mệnh, và từ đó, một ẩn dụ. Liệu những độc giả của ngày hôm nay đã sống lùi thời đại, khi đọc Lạc Đạn?
Chẳng cần tới Lạc Đạn, Trần Thị NgH đã nổi tiếng. Trong bài viết "Nhìn lại văn chương hải ngoại năm 1999" (đã đăng trên tuần báo VHNT trên internet, do Phạm Chi Lan chủ trương), người viết có đưa ra nhận xét, đây là một năm được mùa. Mùa gặt mới trong đó có cả lúa chín muộn: sự góp mặt của một tác giả như Trần Thị NgH. Một tác giả trước 1975 tại Miền Nam, vừa xuất hiện đã gây chấn động giới viết lách ở Sài Gòn, với truyện ngắn Nhà Có Cửa Khoá Trái. Theo tôi, truyện đầu tay của bà là về một người đàn ông có vợ, nhân bữa chủ nhật được nghỉ, đi thăm một người đàn bà không chồng nhưng có con; thằng nhỏ bữa đó bị đau, anh chàng đi mua thuốc cho đứa nhỏ. Chuyện chỉ có vậy, nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảnh cô đơn của người đàn ông gầy còm ốm yếu, ngơ ngơ ngác ngác trước tiệm thuốc tây, trước cuộc chiến, và trước cuộc tình vụng trộm. Truyện được viết bằng một giọng văn rất trung tính (neutre), rất không độ ("Không độ của cách viết", Roland Barthes), không lạm dụng những thủ pháp tu từ, không thảm kịch hóa hoàn cảnh, không có chất ngổ ngáo, rất NgH như nguời ta thường nhận định về bà.
Lý do nào, tác giả-độc giả bỏ qua truyện này, khi chọn truyện kia (Nhà Có Cửa Khoá Trái), như là truyện đầu tay, và là truyện ngắn tiêu biểu cho giọng văn của bà?
Giữa những truyện ngắn ngổ ngáo, gây chấn động một thời như "Nhà có cửa khóa trái", và truyện dài Lạc Đạn, có gì không ăn khớp với nhau, và liệu có phải đây là một trong những duyên do Lạc Đạn cứ thế nằm trong ngăn kéo của nhà văn, theo nghĩa: tác giả của nó đã say men chiến thắng, và cứ tiếp tục cái giọng văn ngổ ngáo, cái con người (một người nữ gốc miền nam) ngổ ngáo, giấu biệt đi một cái tôi khác (giấu biệt đi một miền nam khác). Tại sao bây giờ tác giả quyết định in nó? Liệu chính sự thành công của những truyện ngắn đã kết án Lạc Đạn phải nằm trong ngăn kéo một thời gian dài 31 năm? Đã biến lạc đạn thành lạc đạn hay lạc đàn, biến tác giả thành một nhà văn khác, khác với tác giả Lạc Đạn? Liệu có hai nhà văn ở đây, một tác giả những truyện ngắn ăn khách, và một tác giả một truyện dài để trong ngăn kéo?
Lạc Đạn liệu mang bóng dáng định mệnh văn chương Việt Nam: trật trìa, loạng quạng, chưa bao giờ tìm thấy chính nó, và sau cùng là… lưu vong, hay phản kháng?
Khi nhìn lại văn học Miền Nam trước 1975, chúng ta không thể không đặt nó trong bối cảnh lịch sử 1954. Văn chương Miền Nam trước 1975 tưởng như hiền hòa, nhưng ở bên dưới nó, là những đợt sóng ngầm của những tranh chấp, khác biệt. Không phải tự nhiên mà nhóm Sáng Tạo hô hào đổi mới khi nhắm thẳng vào nhóm Tự Lực Văn Đoàn: họ muốn từ biệt một quá khứ văn chương cũng như một quá khứ của một miền đất, trước khi bắt đầu một cuộc hành trình đầy bất trắc, và cũng đầy cao ngạo: khởi từ ca dao qua tự do, đối diện với lịch sử, đối diện với một cuộc chiến mà họ tự nhủ: không thể trốn chạy. Sống lùi thời đại ở đây, theo tôi, chỉ có nghĩa:
Không dám đối diện với thời cuộc, ở thời điểm thật nóng bỏng của nó.
Không phải tự nhiên khi Võ Phiến có những nhận định tối tăm, rắm rối, õng ẹo - hay mượn chữ của ông, khó bảo là tuyệt đẹp, khi nhận xét về thái độ của nhóm Sáng Tạo đối với Tự Lực Văn Đoàn - khi nhận định về nhóm Sáng Tạo mà đa số là từ miền bắc di cư vào Sài Gòn.
Nên nhớ, khi VP khởi thảo Bộ Tổng Quan Văn Học Miền Nam, nghĩa là khi viết những dòng đó, trừ Mai Thảo may mắn chạy thoát, nhóm Sáng Tạo đều ở tù.
Vả chăng, tù thì tù, viết vẫn viết, nhưng phải có dẫn chứng: chỗ nào õng ẹo, đoạn nào rối rắm.
Ngay cả cuộc tranh luận đôi khi vượt quá phạm vi văn học xẩy ra ở hải ngoại, giữa một số cây viết, liên quan tới địa vị của Võ Phiến, giá trị bộ sách viết về văn học Miền Nam trước 1975 của ông, cũng không phải tự nhiên phát sinh, mà có ngấm ngầm từ trước.
Khi nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ được hết ông nhà văn này tới nhà văn khác cho đội mồ sống dậy.
Khi Nguyễn Huy Thiệp có những dòng ưu ái dành cho ông vua (Gia Long) bị nhà nước Cộng sản coi là cõng rắn cắn gà nhà: giấc mơ Nguyễn Huệ ra Bắc, đại thắng quân Thanh, giấc mơ một người miền Nam (Nguyễn Ánh) thống nhất đất nước là một giấc mơ nhằm đảo ngược định mệnh lịch sử, căn cước quốc gia: bắt buộc, bị kết án phải Nam tiến.
Khởi từ những ý tưởng trên, chúng ta có thể đọc những tác giả miền nam như Thụy Vũ, Trần Thị NgH, bằng cách đặt kế bên những tác phẩm của họ, với của một Võ Phiến, khi so sánh những nhân vật dám sống hết mình, dám ngỗ ngáo…với những nhân vật sống quay vào nội tâm, sống với những ý nghĩ cố định, và thường chịu thua hoàn cảnh… hay một Thanh Tâm Tuyền: giọng văn trong Lạc Đạn mang hơi hướng một Cát Lầy. Cô gái trong đó như một em gái miền nam của nhân vật tên Trí (?) trong Cát Lầy.
Chúng ta cũng có thể so sánh với Miền Nam Sâu Thẳm của Faulkner, nếu đặt tất cả trong bối cảnh lịch sử dẫn tới Cuộc Bỏ Chạy Tán Loạn.
Bạn có thể đọc Lạc Đạn, khi so sánh với những nhà văn Miền Nam thuộc những thế hệ trước.
Và mỗi cách đọc như thế, sẽ mở ra những vấn đề khác nhau.
Sau đây, người viết sẽ cố gắng đưa ra một vài cách đọc Lạc Đạn, khi để nó kế bên những tác phẩm của một số nhà văn tiêu biểu cho văn chương Miền Nam trước 1975, từ đó, biết đâu, chúng ta có thể có được một cái nhìn tổng quát về một thời đại văn học, tạm coi là tự do, cởi mở, sau 1954 tại một miền đất nước, và, biết đâu, nhìn ra được những thành công, và thất bại của nó.
Vả chăng, đọc lại những tác giả miền nam trước 1975, theo tôi, là một cách bới rác - như một việc làm quen thuộc để kiếm sống của một số người ở trong nước - ra khỏi những tác phẩm của họ, và như thế, rác rưởi ở đây, còn quan trọng hơn cả những món đồ đắt giá: tất cả đều đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó, hoặc đã bị thâu gom, tịch biên, biến thành tài sản riêng của một chế độ (người ta chẳng vẫn thường băn khoăn về một ảnh hưởng miền nam ở những cây viết miền bắc sau 1975?)
II. Quá khứ không bao giờ chết.
The past is never dead. It's not even past.
Faulkner, Requiem for a Nun.
Did you ever have a sister, did you?
Faulkner, The Sound and the Fury.
(Bạn đã từng có một người chị hoặc em gái, có không?)
[The] politicians, economic managers, and party officials need a fatherland to carry on their enterprises. There is no motherland in sight, no more than before.
Christia Wolf
(Tạm dịch: Chính trị gia, giám đốc kinh tế, viên chức đảng cần một quê cha để thực thi những công trình của họ. Chẳng thấy quê mẹ đâu hết, so với trước đây, bây giờ lại càng chẳng thấy).
Lạc Đạn là nhật ký của một cô gái. Cha cô là một địa chủ, thời còn người Pháp, và gia đình sau đó suy sụp do chiến tranh, và có thể, còn do luật Người Cầy Có Ruộng của ông Diệm. Quê cha bắt đầu cùng với thời mới lớn của cô gái qua hình ảnh một ông bố suốt ngày say xỉn. Quê mẹ còn thê thảm hơn, vì cùng với nó, là ám ảnh lạc đạn.
Riêng về biến cố, hoặc giản dị hơn, sự cố lạc đạn, có rất nhiều ấn bản (versions) khác nhau. Nhà Có Cửa Khoá Trái mở ra bằng câu: Thử tưởng tượng một người đàn ông đứng tuổi, đứng đắn, như vậy, phải coi đây là giả tưởng. Võ Phiến có lẽ là người đầu tiên khám phá ra một Trần Thị NgH, khi ca ngợi hết lời cái đoạn đối thoại giữa hai người nam và nữ ở trong truyện (Chàng khen: Em can đảm lắm. Tự nhiên tôi nói lớn, giọng hờn mát: Rồi sao nữa, trời đất! Nằm yên!), và cái xen từ giã, chàng xin nàng món đồ lót của nàng làm kỷ niệm cuộc tình. Nhưng trong Lạc Đạn, cảnh đó diễn ra một cách chân thực hơn, cho thấy một NgH khác: Tôi nằm ngửa ngó ngược lên trần căn phòng. Đêm ngoài tầm hiểu biết. Dự nhỏ nhẹ, anh dậy cho em làm vợ chồng. Má ngủ chưa má. Má biết con đang ở đâu với ai không. Đêm ở xa má lo lắng không ai kéo chăn lên ngực con, má xót xa nghe con ho rúm ró vặn vẹo. Má mặc áo túi vải cười nhăn, tóc má búi xổ bạc trắng. Má đi lại dọn dẹp trong nhà.Con nằm đây làm gì với ai, con trinh bạch không tội lỗi, con nguyên vẹn của má, con đau xé nổ tung đầm đìa, con đỏ lòm oan uổng.
Lời khen, khám phá của Võ Phiến là một trong những lý do đưa đến sự nổi đình nổi đám của Trần thị NgH.
Kundera có nói, những nhận định đầu tiên bám chặt lấy tác phẩm, đừng mong chi rũ khỏi. Những nhận định đầu tiên của Max Brod, bạn của Kafka, đã mở ra cả một trường phái 'Kafkology', ai muốn hiểu Kafka là phải kinh qua trường phái này. Proust còn cay đắng hơn: Dante sống sót là do có ít người đọc quá! Giả sử người đọc có cùng một lúc hai ấn bản NgH, liệu họ sẽ chọn ấn bản nào?

******

Vào những thập niên cuối thế kỷ 20, văn chương thế giới, đúng ra là văn chương Tây phương, giầu có hẳn lên, do đóng góp của những nhà văn, trí thức đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản, như Czeslaw Milosz, Milan Kundera, Joseph Brodsky.

Trường hợp văn học hải ngoại Việt Nam có hơi khác. Trước tiên nó bắt đầu bằng một biến cố không thể ngờ: cuộc bỏ nước ra đi sau khi đất nước được thống nhất. Và đây là một dòng văn chương có khá nhiều bắt đầu, như thể nó cứ phải bắt buộc tiến về phía trước.

Bắt đầu đầu tiên: Khi biến cố 30 tháng Tư 1975 xẩy ra, có một số người Miền Nam không phải chứng kiến nó. Họ đã ở hải ngoại từ trước, hoặc may mắn thoát ra được ngay giờ phút chót. Trong đó có nhà văn. Thoạt đầu, họ có thể đã nghĩ rằng, dòng văn chương Miền Nam chấm dứt, như một Miền Nam đã mất để chỉ còn một Việt Nam.
Theo tôi, cuốn Văn Học Tổng Quan và Văn Học Miền Nam của Võ Phiến đã được viết ra theo ý nghĩa đó: cố gắng bảo tồn một nền văn chương đã bị bức tử. Thành công, và thất bại của nó ở do thời điểm quyết định này, và quan điểm của người viết (về thời điểm đó).
Nhưng cùng với sự bỏ nước ra đi, một nền văn chương hải ngoại có một khởi đầu thứ nhì. Khởi đầu thứ nhì này là một khẳng định: văn chương Miền Nam không thể bị bức tử, hay nói theo nhà văn và triết gia Pháp, Jean-Paul Sartre: nó bắt đầu cùng với 'cuộc nhân sinh bắt đầu từ phía bên kia của tuyệt vọng' (La vie humaine commence de l'autre côté du désespoir.). Nó bắt đầu từ phút xuống cá bé, ra cá lớn, đối đầu với biển cả, bão tố, hải tặc, và nếu may mắn, tới được trại tị nạn, và sau cùng tại một đệ tam quốc gia, tức quê hương thứ nhì của người Việt hải ngoại.
Khởi đầu thứ ba, và đây chính là khởi đầu thứ nhất, của một nền văn chương thực sự của hai miền đất nước, tại hải ngoại. Có thể nói đây mới thực sự được gọi là Văn Học Việt Nam Hải Ngoại: sự gia nhập của những người viết ra đi từ Miền Bắc.
Khởi đầu thứ tư: sự gia nhập của một nền văn học hải ngoại trên không gian ảo, đa số là những người viết còn trẻ, cố gắng vượt thoát để không còn bị vướng mắc vào những 'lỗi lầm', hoặc những 'băn khoăn' không liên quan gì tới văn chương, hoặc Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, Miền Nam Cộng Hòa, Cuộc Chiến Không Kẻ Thắng Người Bại.
Hai tác phẩm của Trần thị NgH xuất bản ở hải ngoại là một ngoại lệ.
Nghệ sĩ nào cũng muốn tóm bắt chuyển động, nghĩa là cuộc sống, bằng những thủ thuật, và nắm cứng nó, sao cho hàng trăm năm sau, khi một người lạ nhìn vô, nó lại chuyển động, lại là cuộc sống…
(Faulkner, Trả lời phỏng vấn do Jean Stein thực hiện, in trong 'Sư tử ở trong vườn', trang 253.)
Hiểu theo cách đó, sống lùi thời đại, ở đây, có nghĩa là: làm cho một miền nam đã bị nắm cứng bởi biến cố 1975, lại chuyển động.
Between grief and nothing I will take grief.
Giữa khổ đau và vô thường, tôi sẽ chọn khổ đau.
(Faulkner, Những cây sồi dại).
Trên báo Partisan Review số Mùa Hạ 2000, Adam Michnik, khi viết về Jan Kott, một nhà văn Ba lan đào thoát qua Tây phương, đã nhắc tới bài 'Về Nọc Độc' (On Venom, 1982), qua đó, Kott ghi nhận:
'Rắn cắn làm hư cái đầu. Bên trong cái vòng tròn huyền hoặc, cái đầu luẩn quẩn trong một thế giới ảo. Cái đầu tin vào những lời dối trá, và không thể phân biệt thực với ảo.'
(A snake bite disables the mind. Inside a magic circle, the mind moves in a fictitious world, believes in lies, and cannot distinguish reality from illusion).
Ông cho rằng, những mắc míu của tầng lớp trí thức với chủ nghĩa cộng sản, gia nhập rồi rời bỏ trong chán chường và vỡ mộng: 'thời điểm vỡ mộng có lẽ là quan trọng nhất' ('the moment of disullusion is perhaps the most important').
Adam Michnik, tác giả bài viết đôi lúc nghĩ rằng, những người 'đòi cái đầu' của Jan Kott có lý của họ: Jan Kott là Không nghi ngờ chi, ông là một người Cộng Sản. Và là một tay Cộng Sản thông minh. Và cái nọc độc làm hư cái đầu của những người như ông, là từ Hegel mà ra (Hegelian venom). Bài viết của Kott, là để tưởng niệm Adam Wazyk, nhưng Wazyk không hề nhắc tới Hegel. Ông dùng từ 'bệnh viện tâm thần' (a lunatic asylum). Trong Cầm Tưởng (hay Cái Đầu Bị Tù, Bị Đeo Vòng Kim Cô, The Captive Mind ), nhà thơ Ba lan, Nobel văn chương, Czelaw Milosz đã từng tự hỏi: liệu có thể kiếm thấy sự thực, trong những tư tưởng về 'nọc độc Hegelian'?
Người viết tự hỏi, trong cuộc trốn chạy đất bắc vào năm 1954 của gần một triệu đồng bào, trong số đó, có những nhà văn nhà thơ: liệu gần triệu con người, trong đó có một dúm nhà văn, là do bị 'dị ứng' với chủ nghĩa Cộng sản? Dúm nhà văn sau quây quần thành từng nhóm xoay quanh một tờ báo như là chủ trương, tiếng nói của họ, như nhật báo Tự Do, tạp chí Sáng Tạo, tạp chí Bách Khoa, nhóm Quan Điểm, 'lò' Nguyễn Đức Quỳnh họ đều dị ứng với chủ nghĩa Cộng Sản, hay là đã nhận ra hiểm họa, về một nọc độc Hegelian, hay bóng ma của một bệnh viện tâm thần?
Sở dĩ đặt vấn đề dị ứng, là nhân một bài viết của Đặng Tiến, [đăng trên Việt Mercury] về bộ sách Tổng Quan Văn Học của Võ Phiến, tác giả đã cho rằng một số nhà văn như Doãn Quốc Sĩ… thuộc nhóm Sáng Tạo, chống cộng là do dị ứng. Cũng trong bài viết, ông cho rằng Võ Phiến mới là nhà văn chống cộng, bởi vì chính Cộng Sản cũng đã coi Võ Phiến như vậy.
Đặt vấn đề chống cộng hay không chống cộng, khi phải nhận định một nhà văn, theo tôi, một cách nào đó, là 'miệt thị' văn chương của chính người đó, và văn chương nói chung.
Theo tôi, phải nhìn những nhà văn Miền Nam trên một bình diện cao hơn thế: họ đều đã chấp nhận cuộc chiến (dù miễn cưỡng hoặc không), đã bị cuộc chiến làm cho điêu đứng trong cả hai cuộc đời: sống và viết. Họ đều chống đối cuộc chiến đó, do đó (do không tin tưởng ở 'phía bên kia'), người ta cho rằng họ chống cộng.
Họ đã 'tiên tri' đúng: bên kia đã thắng trận, và đất nước đã rơi vào thảm họa.
Thế giới đã đứng về phía miền bắc, trong cuộc chiến. Nhưng những người như Jane Fonda đã ân hận, bây giờ. Tuy nhiên, người ta chưa từng được nghe một lời ân hận, của chính những người Việt ở miền nam, có may mắn tránh khỏi cuộc chiến đó, khi chạy ra hải ngoại trong những năm chiến tranh.

NQT

III. Ba Mươi Tháng Tư Đọc Thơ Thanh Tâm Tuyền
Đầu năm 78 ở Lào Kay lần đầu tiên nhận được thư nhà, biết tin anh đi xa. (Vợ tôi viết: "Bố nuôi của Thái đã về quê ngoại sống, không còn ở Sài Gòn nữa"), tôi như chợt tỉnh sau giấc hôn thụy. Bài Nhớ Thi Sĩ viết vào lúc ấy đề tặng một thi sĩ đã mất và gửi Anh, một thi sĩ lưu lạc khi chúng tôi nghĩ chắc không còn ngày gặp lại. Trong những lời thơ vẳng trong tôi bấy giờ có cả lời thơ anh.
Thanh Tâm Tuyền: Trong Đất Trời Nhau
Tưởng niệm Mai Thảo, tạp chí Thơ số Mùa Xuân 1998].
Bài nhớ thi sĩ
Nhớ Già Ung *
Gửi MT
Sáng nay thức giấc trong nhà giam
Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ
Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu
u ám quạnh quẽ
Ánh lửa mênh mang buổi tình đầu
Mưa bụi rì rào
Gió náo nức mù tối
Trễ muộn mùa xuân trên miền cao
Đang lay thức rừng núi biên giới
Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo anh tự nhủ
Cũng qua cơn khô hạn khác thường
Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc
đầu óc quái gở
Từng thiêu đốt anh trên đồi theo vào đêm
hành hạ anh đớn đau
Từ bao giờ anh đứng trân trối cô đơn
Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song tù ngục
Hoang vu lời thơ ai reo hát cùng cỏ lá heo hút
Dẫn đưa anh về tận nẻo nguồn
chốn bình minh lẩn lút
(Bình minh bình minh anh kêu khẽ cảm động muốn khóc
Mai Mai xa Mai như hoa Mai về
tình thơ hôm nay)
Em, em có hay kẻ tội đồ biệt xứ
sớm nay về ngang cố quận
Xao xuyến ngây ngô hắn dọ hỏi bóng tối sâu thẳm
Đêm vây hãm lụn dần
Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn
Em, soi bóng em hồn nhiên trên lối thời gian
Lặng lẽ anh gầy nhóm lửa tinh mơ đầm ấm.

Lào Kay 4/78
Vĩnh Phú 1/79
Thanh Tâm Tuyền, Thơ Ở Đâu Xa


Ghi chú của tác giả:
Già Ung: Giuseppe Ungaretti (1898-1970). Thi sĩ Ý.
Ghi chú của người sao lục:
Bài Nhớ Thi Sĩ của Thanh Tâm Tuyền, qua thi sĩ Nguyễn Hà Tuệ, còn là sĩ quan cải tạo, đã được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín phổ nhạc, hát giữa bạn tù, tại trại Tân Lập K2.
Độc giả [Thính giả?] đầu tiên của bài thơ, là trại viên Nguyễn Chí Kham, như tác giả Nắng Hồng Phương Nam cho biết.
Trong đất trời nhau, là từ thơ Mai Thảo: Trong đất trời nhau mình vẫn gần. Biết tin anh đi xa, là để chỉ Mai Thảo đã vượt thoát. Quê ngoại là hải ngoại.
Hôn thụy, ngủ mê, như Gấu tôi được biết, là chữ của Tô Thuỳ Yên, khi chuyển từ "coma" [hôn mê] sang tiếng Việt. Trong một lần hai anh em ngồi Quán Chùa, TTT tâm đắc với từ này, và gật gù, 'luý' dịch từ này, hay thật!

IV. Tiểu Thuyết Chưa Chết
Lại Một Lần Nữa, Ra Tay Nghĩa Hiệp, Bảo Vệ Tiểu Thuyết.
In Defense of the Novel, Yet Again.
Mới đây, tại Hội Những Nhà Xuất Bản Anh, Giáo sư Steiner xổ ra một miệng chữ:
"Chúng ta ngày càng chán tiểu thuyết... Những thể loại văn học lên, rồi xuống, nào hùng ca, nào sử thi, nào bi kịch. Những đỉnh cao một thời, rồi sau đó, tàn lụi. Người ta vẫn còn viết tiểu thuyết, còn lâu mới thôi viết nó, nhưng, ngày càng là một cuộc tìm kiếm những hình thức lấp lửng, nửa đực nửa cái, điều mà chúng ta giản dị gọi là thực tại/giả tưởng...Tiểu thuyết làm gì được, vào những ngày như thế này, khi nó phải đọ sức với những thể loại mạnh khỏe hơn, thí dụ một bài phóng sự hảo hạng, hay cả một dòng triều dâng cao là thứ viết trực tiếp, nhảy xổ vào thực tại?...
'Pindar có lẽ là người đầu tiên trong lịch sử, nói, Bài thơ này sẽ còn được cất lên khi mà thành phố mà nó ca ngợi đã mất tăm mất tích, không còn hiện hữu.' 'Thách đố mới cao ngạo làm sao, như nhổ thẳng vào mặt Thần Chết. Ngày nay, ngay cả một thi sĩ lớn lao nhất cũng tỏ ra bối rối, khi đành phải đanh đá: Thơ của... tui không dành cho bạn!'
Thì cũng chỉ là vô thường mà thôi, nhưng cái vô thường cổ điển kia mới cao ngạo làm sao: " Ta còn mạnh hơn cả cái chết. Ta có thể xoa đầu nó, ở trong thơ của ta, bi kịch của ta, tiểu thuyết của ta, bởi vì ta đã chiến thắng nó, bởi vì ta, ít nhiều chi, thì cũng thường hằng, permanent".
"Nào đâu, những cao ngạo như thế, vào giờ này?"
Thế là một lần nữa, bằng một giọng rổn rảng nhất, lời ai điếu lại đuợc cất lên. Thì cũng vẫn bản kẽm cũ, lời ca... xưa rồi Diễm ơi, về một Cái Chết Của Tiểu Thuyết. Cộng thêm vào cái chết của tiểu thuyết, Giáo sư Steiner kèm thêm cái chết [nếu không phải cái chết, thì là sự biển đổi triệt để] của Người Đọc, biến thành đứa con hoang đàng của máy điện toán, một thứ khùng điên, vô dụng; và cái chết, [hay ít ra, sự biến đổi triệt để thành một dạng điện tử] của Cuốn Sách, chính nó.
Cái chết của Tác Giả được thông báo cách đây nhiều năm, tại Pháp - và Cái chết của Bi Kịch thì được chính Giáo sư Steiner thông báo trước đó, bằng một lời ai điếu hết sức thê lương, để lại trên sàn diễn xác chết, nhiều hơn cả màn vãn tuồng Hamlet.
Sừng sững, uy nghi, và cũng trơ cu lơ, ở trên sàn diễn, giữa một đống tử thi, là me-sừ Fortinbras (1), chính luỷ, và trước lủy, tất cả chúng ta, những người viết của những bản văn không có tác giả, những người đọc của thời kỳ hậu-văn chương, Căn Nhà Usher tức kỹ nghệ in ấn, xuất bản - vương quốc Đan Mạch với một cái gì hư ruỗng ở trong nó - và luôn cả những cuốn sách, tất cả đều ngả đầu, trước... Nhà Phê Bình, chính luỷ!
Chú thích: (1). Fortinbras: nhân vật trong Hamlet, kịch Shakespeare, cháu gọi vua Na Uy bằng chú, trong khi Hamlet là con trai vua Đan Mạch. Fortinbras được coi là con người của hành động, còn Hamlet, của suy tư. Sau khi H. chết, F. tin rằng, H. mới xứng đáng là vua, nhưng điều này đâu có ngăn cản chuyện F. đoạt lấy ngai vàng Đan Mạch.
Một nhà văn thế giá cũng vừa mới tuyên bố về sự từ biệt cõi đời của một thể loại văn học mà ông ta là một trong những kẻ thực tập nổi tiếng. Ông V.S. Naipaul không những ngưng viết tiểu thuyết, mà còn bị dị ứng bởi chính cái từ tiểu thuyết: bây giờ, cứ mỗi lần nghe ai nhắc đến nó là ông cảm thấy bịnh. Cũng như Giáo sư Steiner, tác giả Một Căn Nhà Cho Ông Biswas cảm thấy rằng, tiểu thuyết đã sống quá dai, vượt quá hoàn cảnh, thời điểm lịch sử của nó, không còn có ích, và cũng chẳng còn nhiệm vụ nào dành cho nó nữa: Mi nên chết đi là vừa. Để cho kẻ khác thế chỗ mi, đó là cách viết sự kiện [factual writing]. Sẽ chẳng có ai ngạc nhiên, rằng, ông Naipaul như vậy là đang ở đúng bước ngoặt của lịch sử, và là người tiên phong, mở ra một thể loại tân kỳ: Trường phái văn học tân hình thức thời kỳ hậu giả tưởng *
Chú thích * Ông Naipaul, và bây giờ là Ngài Vidia, mới cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết, Nửa Đời Người, Half a Life, năm năm sau lời tuyên bố kể trên. Chúng ta phải cám ơn Ngài là đã mang cái thây ma trở lại với đời sống.
Một nhà văn lớn lao khác, cũng người Anh, đã từng phán:
"Rõ ràng là vào lúc này, thế giá của tiểu thuyết xuống quá thấp. Thấp đến nỗi câu "Tớ đếch thèm đọc tiểu thuyết", trước đây người ta còn nói nho nhỏ, và có tí ti ra vẻ xin lỗi, cảm phiền ở trong đó, bi giờ người ta la vỡ làng vỡ xóm, và rất ư hãnh diện. Nếu không có những đầu óc kha khá sấn tay vô, sợ rằng tiểu thuyết sẽ trở nên nhạt phèo, chẳng bõ đọc, trở thành một thứ dị dạng, giống mấy tấm bia mộ hiện đại."
Geoge Orwell đã viết những dòng trên, vào năm 1936. Người ta nói - và như Giáo sư Steiner xác nhận - tiểu thuyết chẳng hề có tương lai. Ngay cả những tác phẩm như Iliad và Odyssey, khi vừa mới ra lò đã bị mấy ông điểm sách chê lên chê xuống. Những thứ viết tốt luôn luôn bị tấn công, luôn luôn là bởi những nhà văn tốt. Cứ nhìn lại lịch sử văn học là thấy rõ, không có đại tác phẩm nào mà không bị tấn công khi vừa mới xuất hiện. Và [lẽ dĩ nhiên], chẳng có nhà văn nào mà yên thân với những đồng nghiệp của mình, một khi tiếng tăm của anh ta /chị ta có vẻ lên giá. [Gấu tôi lại nhớ tới lời mắng mỏ NHT, về tí tỉ tì ti danh tiếng quốc tế của ông: mới nho nhoe một tí mà đã...].
Aristophanes đã từng gọi Euripides 'tuyển tập gia những bản kẽm cũ mèm"; Samuel Pepys coi Giấc Mộng Đêm Hè [của Shakespeare] là 'nhạt thếch và ngu xuẩn'; Charlotte Bronte ném tác phẩm của Jane Austen vào thùng rác; Zola coi Ác Hoa của Baudelaire là đồ bỏ; Henry James coi rác rưởi, những tác phẩm Middlemarch, Đỉnh Gió Hú, Người Bạn Chung Của Chúng Ta. Và tất cả mọi người đều nhếch mép khinh khi Săn Cá Voi Trắng [Moby Dick ]. Tờ Le Figaro thông báo, khi Bà Bovary vừa được xuất bản, tác giả của nó, "Ông Gustave Flaubert không phải là một nhà văn". Virginia Woolf gọi Ulysses là "thứ đồ tầm bậy, vô học"; tờ Thư Tín Odessa viết về cuốn Anna Karenina, "một Marie Sến. [sentimental rubbish].... (1). Hãy chỉ cho tôi một trang có một mẩu tư duy ở trong đó."

Bây giờ, khi giới phê bình Đức tấn công Gunter Grass, khi, như tiểu thuyết gia người Pháp, và phê bình gia Guy Scarpetta cho chúng ta biết, giới văn học Ý "ngạc nhiên" về chuyện thế giới đánh giá cao hai nhà văn Italio Calvino và Leonardo Scascia , khi, những khẩu cà nông đều chĩa họng vào Saul Bellow, bắn ra những viên đại bác có tên là chính trị phải đạo, khi Anthony Burgess "coi nhẹ" Graham Greene, liền tức thì sau khi ông này mất, khi, Giáo sư Steiner, vẫn luôn luôn đầy tham vọng như là ngài vẫn là, bắt giò bắt gân, không chỉ vài nhà văn, mà trọn gói văn học Âu Châu sau khi thoát ra khỏi cuộc chiến, chúng ta hiểu rằng họ đều đau, nỗi đau hoài nhớ một thời đại hoàng kim văn hóa, trong đó có tiểu thuyết, rằng đây là một hoài nhớ lập đi lập lại, giống như chu kỳ của một thứ bịnh hoàng đởm, về một quá khứ văn học, mà vào lúc đỉnh cao của nó, chưa chắc đã tới mắt cá chân, hay đầu gối của nền văn học bi giờ.
[Chú thích: (1) Xin lỗi, đùa nhả một tí. NQT]
Giáo sư Steiner nói, "Gần như là một định đề, rằng bi giờ, thứ tiểu thuyết loại gộc đến từ vùng biên cương xa vời, từ Ấn Độ, từ vùng biển Caribbean, từ Mỹ Châu La Tinh,", và một vài người sẽ cho rằng, tôi là một thằng khùng khi phản đối một tầm nhìn xa trông rộng, về một trung tâm tiểu thuyết đã cạn kiệt và một miền ven biên tràn trề sức sống. Nhưng nếu tôi có tỏ ra khùng khùng man man, một phần là do tiếng than van tiếc nuối cho một "Trung Nguyên" Âu Châu, của một dòng giống Hán tộc nào đó, nói rõ hơn, chỉ một tay trí thức Tây Âu mới thốt lên một lời ai điếu thê lương như vậy, cho cả một nền nghệ thuật, dựa trên căn bản, rằng, những nền văn chương, thí dụ như của Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha không còn là những nền nhất đẳng văn chương ở trên trái đất này, [người ta không hiểu, Giáo sư Steiner coi Mỹ Châu là trung tâm, hay là ven biên, thành thử, một tầm nhìn xa trông rộng theo kiểu bằng bằng, chim bay là là, ở trên mặt trái đất, như của Giáo sư, thì thật khó mà theo cho nổi. Nhìn từ chỗ mà tôi đang ngồi, nền văn học Mẽo có vẻ đẹp dáng ra phết].
Vả chăng, mắc mớ gì tiểu thuyết loại gộc đến từ đâu, một khi mà chúng vưỡn tới? Và trái đất phèn phẹt nào vậy, nơi vị giáo sư tốt [the good professor] sống, với những người La Mã chán chường ở "Trung Nguyên" [ở trung tâm], và những người Hottentots [một giống dân Nam Phi], và những giống dân ăn thịt người, có tài một cách đáng sợ, ở mãi tít ven biên? Cái bản đồ mà Giáo sư Steiner có ở trong đầu, là một bản đồ hoàng gia, và những đế quốc Âu Châu, thì đã tuyệt chủng từ đời tám hoánh nào rồi. Cả một nửa thế kỷ, mà những sản phẩm văn học của nó đã chứng tỏ, cho hai vị Steiner và Naipaul, sự suy thoái của tiểu thuyết cũng là nửa đầu thế kỷ thời kỳ hậu-thuộc địa. Đâu có chi là khó hiểu, sự kiện, một trường phái tân tiểu thuyết đang nở rộ, một thứ tiểu thuyết hậu-thuộc địa, "đếch cần" một thánh địa "Trung Nguyên", [không qui tâm, de-centered], xuyên-quốc gia, transnational, liên-ngôn ngữ, inter-lingual, "giao lưu hòa hợp hòa giải" văn hóa, cross-cultural; và trong trật tự mới này, hay hỗn loạn, hổ lốn thì cũng được, chúng ta tìm thấy một lời giải thích tuyệt hơn, thú vị hơn, về một vóc dáng mạnh khoẻ, đỏ da thắm thịt của tiểu thuyết hiện đại, hơn là quan niệm thoát thai từ Hegel, và ra cái điều bố già, [không có Âu Châu thì lấy đâu ra tiểu thuyết], của Giáo sư Steiner, rằng, sáng tạo có ở miền "ven biên", là do, đây là những khu vực "ở vào giai đoạn sớm sủa của văn hóa trưởng giả, thuộc một thể loại hoang sơ hơn, thô lỗ hơn, và cũng nhiêu khê hơn".
Nói cho cùng, từ thập niên này tới thập niên kia, chính quyền Franco đã thành công trong việc bóp nghẹt dòng văn chương [viết bằng tiếng] Tây Ban Nha, chính vì vậy mà mọi cặp mắt đều nhắm về những nhà văn tuyệt vời vùng Mỹ Châu La Tinh. Cái gọi là trăm hoa đua nở ở khu vực này, là hậu quả sự ung thúi thế giới trưởng giả cũ, cũng như sự sáng tạo hoang sơ cái mới. Và, thật kỳ cục, khi miêu tả văn hóa cổ xưa, phức tạp và tế nhị [sophisticated] của Ấn Độ, là như sống trong một thời "xa xưa hơn, hoang dại hơn", so với Tây Phương. Với những giai cấp thương mại lớn lao, hệ thống thư lại tỏa rộng ra mãi, sự bùng nổ kinh tế, Ấn Độ sở hữu một trong những nền trưởng giả rộng lớn nhất, đầy tiềm năng nhất trên thế giới, và nó là như vậy, bền lâu, vững chãi, chẳng thua gì Âu Châu. Một nền văn học lớn lao, khổng lồ, một giai cấp độc giả có học, là chẳng có chi là mới lạ đối với đất nước này. Cái mới, cái lạ, là, sự trồi lên, ló đầu, nở rộ, của một thế hệ tài năng những nhà văn Ấn Độ, viết bằng tiếng Anh (working in English). Cái mới, cái lạ, là 'Trung Nguyên' đã phải để ý tới một "miền ven biên"; miền ven biên này bắt đầu nói, trong hằng hà sa số những ấn bản, một thứ ngôn ngữ mà Tây Phương ngày càng dễ hiểu.
Còn cái chân dung mà Giáo sư Steiner vẽ ra, về một Âu Châu cạn kiệt, theo như suy nghĩ của tôi, là nhảm, thật nhảm. Và cũng thật dễ dàng chứng minh, rằng nó nhảm, thật nhảm. Năm chục năm chót của nó đã cho chúng ta, chỉ kể một vài trong muôn vàn, những tác phẩm của Albert Camus, Graham Greene, Doris Lessing, Samuel Beckett, Italo Calvino, Elsa Morante, Vladimir Nabokov, Gunter Grass, Aleksandr Solzhenitsyn, Milan Kundera, Danilo Kis, Thomas Bernhard, Marguerite Yourcenar. Bạn có thể làm một danh sách của riêng bạn. Nếu tiện tay, bạn thêm vào đó những nhà văn vượt quá biên giới Âu Châu, thế là bạn có cả một mùa gặt giầu có như chưa từng giầu có như vậy, những nhà văn lớn đang sống và đang làm việc cùng một lúc - rằng cái sự bi quan dễ dãi của Steiner-Naipaul không chỉ làm cho chúng ta chán ngán, mà còn thật khó tin. Nếu Ngài Naipaul chẳng còn ao ước, và không thể viết tiểu thuyết nữa, chắc chắn đây là một tổn thất lớn lao cho chúng ta. Thôi đành vậy, chúng ta bèn tự nhủ thầm, nhưng nghệ thuật tiểu thuyết, không nghi ngờ chi, [sẽ bĩu dài cái môi, rằng vắng em thì chợ vưỡn cứ đông, rằng đường ta cứ đi, ruộng ta cứ cầy, tiểu thuyết ta cứ viết], vẫn sống nhăn răng, đếch cần tới ông ta.
Theo tôi, chẳng có khủng hoảng ở nghệ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết, chính là dị dạng chân trong chân ngoài, nửa đực nửa cái [hybrid] mà Giáo sư Steiner than thở đó. Trong nó, có phần tra hỏi xã hội, có tính truyền kỳ mạn lục, hồn ma bóng quế, liêu trai chí dị, và có luôn cả cái phần thú tội theo kiểu kể trong đêm khuya, hồi ký viết dưới hầm, lời thú tội của một tên sát nhân... Như thế, tiểu thuyết luôn luôn vượt đường ranh, về tri thức cũng như về phong thổ. Tuy nhiên, ngài giáo sư đúng, khi cho rằng, rất nhiều nhà văn tốt đã làm mù mờ những đường ranh giữa sự kiện và giả tưởng. Cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về Haile Selassie, The Emperor, của Ryszard Kapuscinski, là một thí dụ đầy tính sáng tạo, làm sao mù mù ảo ảo giữa hai miền thực và mộng. Cái gọi là thể Tân Báo Chí được phát triển ở Mỹ, bởi Tom Wolfe và những người khác, đúng là một toan tính thẳng thừng trấn lột quần áo của cô tiểu thư có tên là tiểu thuyết. Và trong trường hợp cuốn Radical Chic & Mau-Mauing the Flak Catchers, hay The Right Stuff, của chính Wolfe, toan tính trấn lột này đã thành công một cách thật là thuyết phục. Kiểu vừa đi đường vừa kể chuyện [xin lỗi đã chôm từ này của "Cụ Hồ"], "travel writing", đã bung ra và ôm luôn những tác phẩm nặng tính suy tư văn hóa, Danube của Claudio Magris, thí dụ vậy, hay Biển Đen của Neal Ascherson. (1)
(1): Rushdie quên không kể, cuốn vừa đi đường vừa kể chuyện của Claude Lévi-Strauss: Tristes Tropiques, Nhiệt Đới Buồn Hiu. Nhan đề này cũng gây nhiều tranh luận, khi cuốn sách được dịch qua tiếng Anh, do chẳng có một từ tiếng Anh nào dịch nổi "Buồn Thiu", hay "Buồn Hiu", như trong ghi chú của người dịch, John and Doreen Weightman, nhà xb Penguin, 1992.
Kể từ khi cuốn này lần đầu tiên được dịch qua tiếng Anh vào năm 1955, nó đã nổi tiếng toàn thế giới qua cái tên bằng tiếng Tây của nó - và do yêu cầu của M. Lévi-Strauss- chúng tôi đã giữ nguyên tên tiếng Tây cho lần in này. Những cái tít có thể có bằng tiếng Anh, như "Sad Tropics", hay "The Sadness of the Tropics", hay, "Tragic Tropics"... không hoàn toàn chuyển hết nghĩa, hoặc hàm ý của "Nhiệt Đới Buồn Hiu", vì từ này ôm trong nó tính hài, tính thơ... và còn vì lời than, "Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu", của một con hổ nhớ rừng! ["Alas for the Tropics"].
Và trước một "tour de force" [một tác phẩm người viết phải đánh vật với nó], thông minh, sáng chói, như Cuộc hôn nhân của Cadmus và Harmony, của Roberto Calasso, trong đó việc tái thẩm định những huyền thoại Hy lạp đã đẩy độc giả tới đỉnh cao của sự căng thẳng và niềm hoan lạc, mà chỉ những cuốn tiểu thuyết bảnh nhất mới có thể làm nổi, và người đó, hoặc vỗ đùi bành bạch, hoặc nghiêng đầu chào đón sự ra đời của một thể loại mới, một cách viết, tuy "hình thức" thì có vẻ như một thứ tiểu luận, nhưng "nội dung" thì tràn trề tưởng tượng [a new kind of imaginative essay writing], hay đúng hơn, sự trở về của lối viết vui nhộn mà lại mang tính bách khoa của Diderot, hay của Montaigne. Tiểu thuyết có thể chào mừng những phát triển như vậy, mà chẳng hề lo sợ, bị đe dọa, hoặc lấn đất giành dân, hoặc đành phải chấp nhận một cuộc ngưng chiến da beo! Có chỗ cho tất cả chúng ta, nào chống cộng cực đoan, nào hận thù nam bắc, nào giao lưu hòa giải, hoà hợp dân tộc!
Cách đây ít năm, tiểu thuyết gia người Anh, Will Self cho ra lò một cái truyện ngắn tếu "Lý Thuyết Lượng Tử Về Khùng Điên", trong đó giả dụ, con số khỏe mạnh của nhân loại đã được ấn định, hoặc có thể là một hằng số; nếu như vậy, toan tính chữa bịnh khùng cho loài người là vô ích, bởi vì một anh này ở Việt Nam, thí dụ vậy, được chữa khỏi, thì một ả kia ở Mẽo chẳng hạn, dính trấu. Cứ thử tưởng tượng tất cả chúng ta cùng ngủ chung một giường, chỉ có một cái mền, và cái mền này - tức sự khỏe mạnh - nhỏ quá, không đủ che cho tất cả. Một người kéo chiếc mền, lập tức mấy ngón chân một người khác ló ra. Đúng là quá tức cười, nhưng lạ lùng thay, nó làm chúng ta liên tưởng tới lập luận "cà chớn" [zaniest] của Giáo sư Steiner, nhưng thay vì cà chớn thì giáo sư trình bầy bằng một giọng rất ư là nghiêm túc: rằng, tại bất cứ một thời điểm nào đã cho, đều hiện hữu một tổng số xác định những tài năng sáng tạo, và vào lúc này, mấy thằng chả kia , tôi muốn nói, ba cái trò điện ảnh, truyền hình, và ngay cả quảng cáo, kéo cái mền về phiá chúng nó, thế là cô tiểu thư tiểu thuyết bị hở banh ra, nằm co ro run rẩy trong cái lạnh khủng khiếp của mùa đông văn hóa của chúng ta [our cultural winter].
Khổ một nỗi, lý thuyết trên đây "nhảm" ở chỗ, nó giả dụ mọi tài năng sáng tạo thì giống nhau y chang, nghĩa là cùng một loại. Áp dụng ý niệm trên vào môn điền kinh là thấy ngay sự phi lý tổ bố của nó. Con số những cao thủ marathon không hề giảm đi, một khi môn thể thao này phổ thông mãi ra. Phẩm chất vận động viên nhảy cao không mắc mớ gì tới con số cao thủ nhảy sào.
Có vẻ như sự xuất hiện những thể loại, những hình thức mới mẻ của nghệ thuật đã cho phép nhiều nhóm người mới mẻ nhập vào cuộc chơi sáng tạo. Tôi biết rất ít, những đạo diễn bậc thầy kiêm luôn tiểu thuyết gia bậc thầy: Satyajit Ray, Ingmar Bergman, Woody Allen, Jean Renoir, và chỉ có thế. Nụ hôn tuyệt vời mà ông tài tử lừng danh gốc Hy Lạp dành cho nàng Lara ở trong phim Vĩnh Biệt Tình Em, theo bạn, liệu thay thể nổi [và đích xác là] mấy trang, Bác sĩ Zhivago? (1). Những cao thủ viết kịch bản phim, họ là những cao thủ, chắc chắn rồi, nhưng họ không suy nghĩ theo kiểu văn chương mà theo kiểu điện ảnh.
Nói ngắn gọn, sự đe dọa của những môn chơi đòi hỏi kỹ thuật cao không làm tôi lo âu nhiều, so với Giáo sư Steiner. Có lẽ chính sự kiện quá đơn giản, nếu nói về kỹ thuật viết [chỉ cần cây viết mẩu giấy], chính cái đó, đã làm cho văn chương sống sót, và cứ sống sót hoài. Những phương tiện biểu tỏ nghệ thuật đòi hỏi con số lớn lao nguồn tài chánh, kỹ thuật tân kỳ, rắc rối, tinh vi - tôi muốn nói, những trò chơi như điện ảnh, kịch, diã - chính vì chúng như thế, nên bị tuỳ thuộc, và do đó, bị kiềm chế, kiểm duyệt, trong khi, làm sao nhà nước toàn trị có thể huỷ diệt đuợc điều mà nhà văn lặng lẽ làm, trong cô đơn của một gian phòng?
(1) Nguyên văn: Bạn có thể đọc bao nhiêu trang sách đầy những chất liệu nóng bỏng của Quentin Tarenrino, bao nhiêu lần những tên găng tơ của ông ta nói chuyện đợp Big Macs tại Paris, hay là thay vì đọc, hãy nhờ mấy tay tài tử Samuel Jackson hay John Travolta nói giùm cho những trang sách đó?
Tôi "chịu" Giáo sư Steiner, khi ông ca ngợi khoa học hiện đại, 'nơi nào có vui chơi hưởng thụ, ăn nhậu đớp hít, là nơi đó có hy vọng, có nhiệt tình, có ý nghĩa lớn lao về một thế giới cứ thế mà nối vòng tay lớn mí nhau', nhưng sự bùng nổ sáng tạo mang tính khoa học này, tức cười thay, là một cú đá giò lái cho "lượng thuyết sáng tạo" [quantity theory of creativity] của ông. Ý tưởng những nhà văn lớn đầy tiềm năng sáng tạo bị mất đi, nhường chỗ cho sự nghiên cứu khoa học tiềm-nguyên tử [sub-atomic], cho lỗ đen, là một chuyện khó tin, và nếu bạn có nghĩ ngược lại, thì cũng khó tin chẳng kém. Chẳng lẽ những tác giả nổi tiếng, thí dụ như Jane Austen, James Joyce, thay vì viết văn, lại chọn một "thiên hướng" khác, thế là có một Newton, hay một Einstein, của thời họ?
Trong khi tra hỏi luợng tính sáng tạo trong tiểu thuyết hiện đại, Giáo sư Steiner đã chỉ lộn hướng cho chúng ta. Nếu có cái gọi là khủng hoảng tiểu thuyết ở trong văn chương những ngày như thế này, thì nó thuộc vào một dạng khác, không như giáo sư la hoảng.
Tiểu thuyết gia Paul Auster mới đây có nói với tôi, tất cả những nhà văn Mẽo đều nghĩ rằng, cái việc viết lách của họ đó chẳng qua là nhảm nhí, chẳng đi đến đâu, ở cái đất nước Mẽo của họ, nó giống như đá banh, người Mẽo không thích môn chơi thể thao đại chúng, ít tốn tiền, dành cho nhà nghèo này. Nhận xét này giống như một hồi âm cho nhận xét của Milan Kundera, trong tác phẩm tiểu luận mới nhất của ông, Những Di Chúc Bị Phản Bội, trong đó, ông phàn nàn, "Âu Châu đã bất lực trong việc chống đỡ và giải thích [giải thích một cách kiên trì cho chính nó và cho những người khác], rằng đệ nhất đẳng nghệ thuật của Âu Châu, là nghệ thuật tiểu thuyết; nói một cách khác, Âu Châu đã bất lực trong việc bảo vệ và giải thích, văn hóa của chính nó. "Những đứa con của tiểu thuyết đã bỏ mặc nghệ thuật tạo nên hình dáng của họ. Âu Châu, xã hội của tiểu thuyết, đã bỏ rơi cái tôi của chính nó".
Auster đang nói tới cái chết, nghĩa là sự hững hờ của người Mẽo, đối với việc đọc tiểu thuyết; còn Kundera, cảm quan về một cái chết , nghĩa là sự cắt đứt liên hệ văn hóa giữa người đọc Âu Châu, với sản phẩm văn hóa - ở đây, là tiểu thuyết. Cộng thêm vào đây, đứa trẻ ngày mai của ngài Steiner, một đứa trẻ mù chữ, mê máy điện toán đến phát khùng, thế là chúng ta có thể có được cái chết của việc đọc, chính nó.
Mà có lẽ, không phải như vậy. Bởi vì văn chương, nhất là thứ bảnh, thứ hảo hạng, không phải là món hàng ai ai cũng quan tâm, ai ai cũng vồ vập. Quan trọng văn hóa của nó không phải ở chuyện đánh đấm xếp hạng, mà là, nó bảo cho chúng ta biết, về chính chúng ta, và chúng ta không thể kiếm thấy những lời chỉ bảo đó, ở những môn nghệ thuật khác. Và thiểu số - thiểu số những con người được sửa soạn và sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách tốt để đọc - thiểu số này lạ lùng sao, chưa từng nhiều như vậy, so với trước đây. Vấn đề phải quan tâm, là vấn đề này. Đừng lo lắng đến cái chết của độc giả, mà hãy để ý đến sự hoang mang, sững sờ của họ.
Tại Mẽo, trong năm 1999, hơn năm ngàn tiểu thuyết mới đã được xuất bản. Năm ngàn! Chỉ cần năm trăm cuốn tiểu thuyết có thể xuất bản được, và được viết ra trong một năm, như vậy đã là một phép lạ! Phép lạ biến thành "phép lạ của phép lạ", nếu trong số năm trăm cuốn có thể xuất bản được đó, có năm chục cuốn thuộc loại tốt. Và cả nhân loại chúng ta sẽ mừng rú lên, nếu trong số năm chục cuốn tốt đó, có một cuốn, một và chỉ một mà thôi, là "một" đại tác phẩm!
Đám xuất bản, nhà nào nhà nấy, in sách ào ào, là bởi vì những biên tập viên tốt bị cho về vườn và không cần người thay thế, và ám ảnh về con số doanh thu khiến không còn phân biệt nổi tác phẩm xấu và tốt. Hãy để cho thị trường sách vở quyết định, hình như đa số các nhà xuất bản đều nghĩ như vậy. Cứ tống hàng ra, thế nào cũng có cuốn dính! Thế là năm ngàn cuốn bầy ê hề trên quầy, và sau đó, từ trên quầy rớt xuống "lò thiêu", bao thứ lửa quảng cáo cũng chẳng làm sao cứu nổi. Đúng là một cuộc hành trình tự huỷ. Như Orwell đã nói từ năm 1936 - Bạn thấy đấy, làm có gì mới ở dưới ánh mặt trời - 'quảng cáo giết tiểu thuyết'. Độc giả, thất lạc giữa khu rừng nhiệt đới, gồm toàn là những tiểu thuyết rác rưởi, và thấy mình trở thành thô bỉ, vì thứ ngôn ngữ quảng cáo ngoa dụ chẳng còn có chút giá trị mà cuốn nào cuốn nấy tự khoác cho nó, bèn dơ cả hai tay lên trời than, tớ chịu thua, tớ bỏ cuộc! Mỗi năm, tớ mua chừng vài cuốn được giải này giải nọ, có thể, một hai cuốn của những tác giả mà tớ biết tên, và sau đó, tớ bỏ chạy! In ào ào, và ngoa dụ quảng cáo khiến người đọc đếch thèm đọc sách nữa! Vấn đề không phải là, quá nhiều những cuốn tiểu thuyết câu một số quá ít độc giả, mà là, quá nhiều cuốn tiểu thuyết xua đuổi một số quá ít đọc giả chạy vãi linh hồn [1] ra quần!
Nếu in một cuốn tiểu thuyết đầu tay là "đánh bạc chống lại thực tại", như Giáo sư Steiner đề nghị, thì vấn đề này phần lớn là do in ào ào, cứ nhắm mắt in cầu may, mà ra. Vào những ngày này, người ta nói tới một tinh thần làm ăn mới, tàn nhẫn về tiền bạc trong xuất bản. Nhưng cái mà người ta cần, là một sự tàn nhẫn trong biên tập, thứ tuyệt hảo. Chúng ta cần một cái nhìn khác, một cái nhìn trở lại, trong nhận định, đánh giá.
Và còn một thứ nguy hiểm khác nữa mà vị Giáo sư Steiner này quên không nhắc tới, đó là, sự tấn công vào tự do trí thức, chính nó; tự do trí thức, không có nó, không có văn chương. Vả chăng, đây đâu phải là nguy hiểm mới. Một lần nữa,George Orwell, vào năm 1945, đã dâng tặng cho chúng ta một lời khuyên thật khôn ngoan, rất ư là có giá trị đương thời, và xin bạn tha lỗi cho tôi, về câu trích dẫn hơi dài dòng, sau đây:
"Vào thời đại của chúng ta, tư tưởng tự do trí thức bị tấn công ở cả hai phiá. Một phiá, là những kẻ thù lý thuyết, nhũng tên ca tụng chế độ toàn trị, [hay, những tên cuồng tín, nói như vậy hợp thời hơn, vào những ngày như thế này],; và ở phiá kia, những kẻ thù sờ sờ, đó là quốc doanh, độc quyền và thư lại. Trong quá khứ [.....], những ý niệm về nổi loạn và sự vẹn toàn về trí thức, chúng trùng khớp với nhau, có thể nói, là một. Một tay dị giáo, theo tà thuyết - về chính trị, đạo đức, tôn giáo, hay về cái đẹp - là một con người nào đó, người này từ chối hiếp đáp, chính luơng tâm của mình, từ chối vứt lương tâm của mình vào thùng rác.
[Vào những ngày như thế này], có một đề nghị rất ư là nguy hiểm [đó là], tự do là thứ đếch xài được, chẳng ai thèm [undesirable] , rằng, lương thiện trí thức là một hình thức ích kỷ chống lại xã hội, anti-social selfishness.
Những kẻ thù của tự do trí thức luôn luôn cố làm cho người ta tin rằng, nếu chúng chống tự do trí thức, vì đây là một điều rất cần làm, một thứ kỷ luật đề ra, vì đám đông, vì tập thể, một cá nhân là cái thống chế gì, so với nhân dân! Nhà văn nào mà từ chối bán ngòi bút của mình, chúng bèn gán cho họ là những tên vị kỷ, thứ đồ chỉ biết có mình nó, đâu cần biết đến người khác. Nhà văn như thế, bị buộc tội, hoặc là, tự nhốt mình vào trong tháp ngà, hoặc, coi mình như là một nơi trình diễn, của chính cá nhân mình, hoặc một kẻ đi ngược lại trào lưu của đất nước, ngược lại ba ngọn trào cách mạng, chỉ để nhằm bấu víu, bảo vệ những đặc quyền không làm sao biện minh được nữa của giới viết lách. [Nhưng], muốn viết không cần luồn lách, là phải suy nghĩ không sợ hãi, và nếu người nào suy nghĩ không sợ hãi, thì người đó không thể nào chấp nhận một đường lối chính trị chính thống."
Sức ép của quốc doanh độc quyền và của chế độ thư lại, chủ nghĩa tổ hợp cá lớn nuốt cá bé, bảo thủ, hạn chế và thu hẹp phạm vi và phẩm chất của xuất bản, những chuyện đó, bất cứ một nhà văn hiện đang viết, đều biết. Về sức ép của điều không thể chấp nhận được, và của kiểm duyệt , bản thân tôi, mấy năm gần đây, được biết khá nhiều, phải nói là bội thu hiểu biết. Có rất nhiều những cuộc chiến đấu như thế đang xẩy ra trên thế giới: Tại Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nigeria, những nhà văn bị kiểm duyệt, phiền nhiễu, làm khó dễ, bỏ tù, và bị giết nữa. Ngay cả ở Âu Châu, ở Hoa Kỳ, những "đội quân dông bão" [ám chỉ những những tên Nazi], những tên "biệt kích" [commandos] , của đủ thứ máu nóng, lạnh, đủ thứ "cảm tính", chúng tìm cách hạn chế tự do ăn nói của chúng ta. Chưa bao giờ quan trọng bằng lúc này, tiếp tục bảo vệ những giá trị nhờ chúng mà có nghệ thuật tiểu thuyết . Cái chết của tiểu thuyết thì có thể còn xa, nhưng cái chết dữ dội của nhiều tiểu thuyết gia đương thời, than ôi, là một sự kiện không làm sao tránh được. Mặc dù vậy, tôi không tin rằng những nhà văn lại từ bỏ giấc đại mộng, tác phẩm của ta sẽ trường tồn cùng với hậu thế, sau khi ta đã ngỏm củ tỏi rồi. Điều mà George Steiner gọi một cách thật đáng yêu "vô thường thôi, nhưng thật là cao ngạo", của văn chương, vẫn luôn luôn nóng bỏng ở trong chúng ta, cho dù, như ngài giáo sư nói, chúng ta tỏ ra bối rối, khi phải nói ra công khai. [Trong mỗi chúng ta đều có một Sài Gòn âm ỉ cháy. Tôi đốt lên ngọn nến của tôi, để cho Sài Gòn của bạn sáng ngời. NQT: Lần Cuối Sài Gòn]. Nhà thơ Ovide đã đánh dấu chấm hết cho tác phẩm Metamorphoses của ông bằng những vần thơ đầy tin tưởng:
Nhưng, với tất cả tinh hoa ở trong tôi
Tôi sẽ chiếm được địa vị cao vời vợi, tuyệt vời hơn cả muôn sao
Tên của tôi sẽ không thể xóa nhòa và sẽ còn mãi mãi.
Tôi chắc chắn, ở trong trái tim của từng nhà văn, đều có cùng một tham vọng như vầy: người đời còn nhắc nhở đến tôi, trong những ngày sẽ tới, cùng cái điều mà nhà thơ Rilke nghĩ về Orpheus:
Orpheus sẽ đời đời là thiên sứ
Đi qua địa ngục
Mang cho đời hoa trái ngời ngời.
Tháng Năm 2000
Salman Rushdie
Jennifer Tran dịch
[Nguyên bản tiếng Anh được in trong Step Across This Line, [Hãy bước qua đường ranh này] tuyển tập những bài viết phi-giả tưởng 1992-2002, ấn bản bìa mỏng của nhà xb Modern Library, 2003, website:
http:// www.modernlibrary.com



Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

Raymond Chandler by Oates