Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu
Aug 3, 2016
Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu
Dương Nghiễm Mậu là người cuối cùng của một nhóm rất nhỏ - chỉ có ba
người - gồm Khái Hưng, Nhượng Tống và Dương Nghiễm Mậu. Sự cách nhau về
thời gian giữa hai người trước và người thứ ba không có mấy ý nghĩa, mà ý
nghĩa nằm ở chỗ họ là một bộ ba có cách tồn tại trùng vào nhau, ít nhất
là rất giống nhau. Khái Hưng lùi về đằng sau Nhất Linh, Nhượng Tống
không phải nhân vật số một mà chỉ ở bên cạnh Nguyễn Thái Học, và bản
thân Dương Nghiễm Mậu chính là người chiến đấu để người ta phải nhìn
nhận đúng vị trí của Thanh Tâm Tuyền.
Nhưng lại chính họ, Khái Hưng, Nhượng Tống và Dương Nghiễm Mậu, là
những người nắm giữ một tinh thần văn chương gần nhất với bản thể của xứ
sở này; văn chương của họ, những người tưởng chừng bị lu mờ về hành
trạng, chính là xứ sở này. Cả ba đều đã vẽ những vòng tròn, vòng
tròn của kiên nhẫn, lặng lẽ và chịu đựng. Xứ sở này có ý nghĩa và giá
trị hay không, chính là nhờ những sự chịu đựng như thế.
Trong một thời gian dài đến chừng bảy mươi năm, về cơ bản các nhà phê bình thất bại trước trường hợp Khái Hưng. Người đóng vai trò cốt yếu trong việc nhìn nhận đúng tầm vóc, không những thế còn nhìn ra được tác phẩm lớn nhất của Khái Hưng - thật kỳ lạ, đó lại không phải là Nhất Linh - chính là Dương Nghiễm Mậu. Nhà văn Dương Nghiễm Mậu thời tuổi trẻ, chứ không phải các nhà phê bình văn học, chính là người đảm bảo cho Khái Hưng một vị trí không bị hoàn toàn khuất lấp trong sương mù. Đó là cách Dương Nghiễm Mậu tự nối mình vào với thời trước, khi ấy vòng tròn của Dương Nghiễm Mậu đã tìm được cách cắt vào vòng tròn của Khái Hưng.
Dương Nghiễm Mậu cần rất nhiều thời gian để vẽ vòng tròn văn chương của mình. Lịch sử và số phận cũng đặt lên vai Dương Nghiễm Mậu quá nhiều gánh nặng và thử thách. Những truyện ngắn đầu tiên của Dương Nghiễm Mậu viết về tình cảnh điêu tàn của Bắc Việt khi chiến tranh mới nổ ra, con người đất Bắc khốn khổ lao mình vào những trốn chạy không ngừng, và cũng không hy vọng. Vực thẳm chia cách đất nước ("không thể ngờ là lịch sử nước ta lại có một thời kỳ sông Gianh thứ hai" - lời một nhân vật của Dương Nghiễm Mậu) lại đòi hỏi những tác phẩm mới ở Dương Nghiễm Mậu. Tác phẩm văn chương lớn nhất về Mậu Thân là tác phẩm nào? Lại là Dương Nghiễm Mậu: đó là bút ký Địa ngục có thật. Vòng tròn của Dương Nghiễm Mậu cứ tiếp tục phải mở ra, mở đến mức nào thì mới chứa đựng được nhiều vực thẳm đến như vậy? Mà như thế đâu đã hết, sự chịu đựng của Dương Nghiễm Mậu còn bị thử thách tiếp, ngay cả sau năm 1975 - có thể đây mới là thử thách lớn nhất.
Những vực thẳm bỗng mở ra ở xứ sở: điều này, trong mối quan hệ với văn chương của xứ sở ấy, đã mang đầy đủ mọi dấu hiệu triệu chứng kể từ Nguyễn Du. Con đường Nguyễn Du trở thành một hình mẫu; mối quan tâm bền bỉ, dài lâu của Dương Nghiễm Mậu dành cho Nguyễn Du trong mấy chục năm về sau, theo tôi là biểu hiện không thể rõ hơn của một sự hiểu.
Năm ngoái, khi rốt cuộc cũng làm được cho cuốn tiểu thuyết Lan Hữu của Nhượng Tống quay trở lại, tôi gửi tặng quyển sách cho Dương Nghiễm Mậu. Lời nhắn của ông cho tôi là lúc nào ghé Sài Gòn thì qua uống bia với ông.
Cuối cùng thì lời mời ấy tôi đã bỏ lỡ. Tôi mới chỉ uống bia với Dương Nghiễm Mậu đúng một lần, ở Hà Nội. Hôm ấy trời mưa rất to, tôi theo hẹn đến một khách sạn nhỏ ở dốc Hàng Than tìm ông. Người phục vụ ở khách sạn cho chúng tôi mượn ô. Chỉ cần đi khoảng trăm mét là ra đến quán bia ở đỉnh dốc Hàng Than.
Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ sống đã chết, dốc Hàng Than là nơi gần nhà của nhân vật nữ chính, Thu: "Thu đi xe lên tới dốc Hàng Than mới xuống để về nhà ở đường Nhà Thương Khách", và ngay sau đó là miêu tả Hà Nội của năm 1954: "Buổi chiều gần tàn, trời thấp, những con én liệng xuống lòng phố vắng". Về sự chia ly Bắc-Nam, những người từ Hà Nội đi Nam, trong đó không ít người vừa từ trên khu sấp ngửa trở về, Kẻ sống đã chết (in xong trong tháng Bảy năm 1972) của Dương Nghiễm Mậu thuộc vào những tác phẩm văn chương đáng nhớ nhất, bên cạnh Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Mặc Đỗ và cả Trần Dần của bài thơ "Nhất định thắng".
Bữa đó, Dương Nghiễm Mậu kể với tôi về trường Chu Văn An gần đó. Góc này của Hà Nội là nơi gắn bó với ông một thời; từ trước, tôi mới chủ yếu có ấn tượng về sự lưu lạc trong Văn Miếu của một nhân vật truyện Dương Nghiễm Mậu.
Đứng ở phố Cửa Bắc, nhân vật Hữu hỏi nhân vật Thu (trong Kẻ sống đã chết): "Trường Chu Văn An, cô biết không nhỉ..."
Nhân vật Thu của Kẻ sống đã chết trùng tên (tuy rằng nhân vật còn một cái tên nữa) với Thu của Bướm trắng (Nhất Linh), và cuốn tiểu thuyết Bướm trắng ấy, cùng cả Đôi bạn, cũng xuất hiện trong tác phẩm đầy đau xót này của Dương Nghiễm Mậu.
Tôi hay cảm thấy, văn chương có những điểm chung trong cách thể hiện sự chịu đựng của nó trước tác động của vực thẳm. Nước Anh của một giai đoạn biến đổi thảm khốc đã khiến Charles Dickens tạo ra rất nhiều nhân vật mồ côi. Quay đi đâu trong cõi văn chương của Dickens ta cũng gặp những cậu bé, cô bé mồ côi (có nhân vật gây cảm động to lớn như cô bé Nelly Trent của The Old Curiosity Shop). Trong văn chương của Dương Nghiễm Mậu cũng vậy, có rất nhiều trẻ mồ côi. Ngay cả Thu trong Kẻ sống đã chết hóa ra cũng là một cô bé mồ côi mặc dù tưởng chừng có gia đình đầy đủ.
Cả Dickens lẫn Dương Nghiễm Mậu đều rất biết cách đẩy lùi các cảm xúc xuống một tầng sâu; thế cho nên Dickens trong cảm nhận thông thường hay là một nhà văn hài hước của The Pickwick Papers, còn Dương Nghiễm Mậu thường được nhắc đến với một văn chương sắc lạnh, khô, diệt trừ mọi cảm xúc. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ một số nhà văn đặt cảm xúc trong các tầng hầm mà thôi.
Dương Nghiễm Mậu là một người tả cảnh rất tài tình nhưng lúc nào cũng tạo ấn tượng là mình không sa đà vào miêu tả. Trời mưa, Dương Nghiễm Mậu - trong một cuốn tiểu thuyết - nói là dòng sông như nhăn mặt khi những giọt nước rơi xuống. Trong Kẻ sống đã chết, Hà Nội năm 1954 trong mắt một người mới trở về là như thế này: "Bây giờ, gần mười năm sau, trở về một Hà-nội bàng hoàng, ly tán và ngậm ngùi như phảng phất tiếng thở dài lạnh buốt. Hữu lắng nghe trong im lặng tiếng nói thầm thì của một thành phố quê hương trong đêm tối, tiếng nói như một tâm sự của hàng mấy ngàn năm một thủ đô, nơi từng hạt cát, từng viên gạch cũng u uẩn những tâm sự chan hòa những nghẹn uất". Nhưng Hà Nội ấy, rất nhiều người phải từ bỏ; một nhân vật của Dương Nghiễm Mậu nói: "Đi là thoát một cái gì, có khi cũng vui chứ", một nhân vật khác lại nói: "Đi là một hy sinh". Đó là một tình thế vực thẳm, và một người bỏ đi, dẫu là như thế nào, cũng trở nên mồ côi một mảnh đất.
Nhà văn lớn là một lực của tự nhiên, văn chương của nhà văn ấy là biểu hiện của cái lực này, không chỉ trong câu chữ ngôn từ - như thể, nhà văn lớn dùng chính con người mình làm đường thông nối lại những gì nếu mất đi thì sẽ không thể cứu vãn được nữa. Khái Hưng hay Nhượng Tống, hay Dương Nghiễm Mậu, thậm chí cả như Nguyễn Du, là cùng một thái độ - tôi muốn nói là một tư thế, một động tác cốt tử của văn chương.
Ngoài bộ ba ấy ra, văn chương Việt Nam thế kỷ 20 còn có những tầm vóc lớn lao nào ngang tầm nữa không? Có chứ, nhưng bộ ba ấy đã là chính xác một nửa rồi.
Vòng tròn của Dương Nghiễm Mậu, nếu nói một cách thật cụ thể, có một ý nghĩa rất đơn giản. Năm 1964, Dương Nghiễm Mậu in (thành sách) một kiệt tác lớn, Gia tài người mẹ. Rất nhiều năm về sau, trải qua bao nhiêu năm tháng ngồi im một chỗ (hình ảnh Dương Nghiễm Mậu làm sơn mài rất hay làm tôi nghĩ đến hình ảnh Spinoza ngồi mài kính), Dương Nghiễm Mậu mới khép kín được vòng tròn của mình: đó chính là truyện "Gọi hồn" trong tập Lênh đênh qua cửa Thần Phù. Cuốn sách mang cái nhan đề ám chỉ đến sự "vụng tu" và "khéo tu" (làm sơn mài thì đâu có gì khác ngoài một đường lối tu tập, của sự kiên nhẫn, của sự lặng lẽ và của sự chịu đựng) chứa một kiệt tác về hình ảnh ông bố, vài chục năm sau kiệt tác về một bà mẹ. Vòng tròn của Nguyễn Du là vòng tròn khép kín cõi sống (Kiều) và cõi chết (Thập loại chúng sinh), thì vòng tròn Dương Nghiễm Mậu, sở dĩ khép kín được, là bởi đã không để thiếu, không để lệch khỏi vòng, điều mà nó không được phép thiếu thì mới có thể trở nên đầy đủ, và như vậy là sau biết bao nỗ lực phi thường.
Và đã như vậy rồi, những vòng tròn Khái Hưng, Nhượng Tống, Dương Nghiễm Mậu đã khép lại rồi, những "kẻ sống chưa chết" được hân hạnh nhận lấy khả năng kèm lẫn gánh nặng của việc vẽ những vòng tròn khác, không được phép lặp lại nữa.
Trong một thời gian dài đến chừng bảy mươi năm, về cơ bản các nhà phê bình thất bại trước trường hợp Khái Hưng. Người đóng vai trò cốt yếu trong việc nhìn nhận đúng tầm vóc, không những thế còn nhìn ra được tác phẩm lớn nhất của Khái Hưng - thật kỳ lạ, đó lại không phải là Nhất Linh - chính là Dương Nghiễm Mậu. Nhà văn Dương Nghiễm Mậu thời tuổi trẻ, chứ không phải các nhà phê bình văn học, chính là người đảm bảo cho Khái Hưng một vị trí không bị hoàn toàn khuất lấp trong sương mù. Đó là cách Dương Nghiễm Mậu tự nối mình vào với thời trước, khi ấy vòng tròn của Dương Nghiễm Mậu đã tìm được cách cắt vào vòng tròn của Khái Hưng.
Dương Nghiễm Mậu cần rất nhiều thời gian để vẽ vòng tròn văn chương của mình. Lịch sử và số phận cũng đặt lên vai Dương Nghiễm Mậu quá nhiều gánh nặng và thử thách. Những truyện ngắn đầu tiên của Dương Nghiễm Mậu viết về tình cảnh điêu tàn của Bắc Việt khi chiến tranh mới nổ ra, con người đất Bắc khốn khổ lao mình vào những trốn chạy không ngừng, và cũng không hy vọng. Vực thẳm chia cách đất nước ("không thể ngờ là lịch sử nước ta lại có một thời kỳ sông Gianh thứ hai" - lời một nhân vật của Dương Nghiễm Mậu) lại đòi hỏi những tác phẩm mới ở Dương Nghiễm Mậu. Tác phẩm văn chương lớn nhất về Mậu Thân là tác phẩm nào? Lại là Dương Nghiễm Mậu: đó là bút ký Địa ngục có thật. Vòng tròn của Dương Nghiễm Mậu cứ tiếp tục phải mở ra, mở đến mức nào thì mới chứa đựng được nhiều vực thẳm đến như vậy? Mà như thế đâu đã hết, sự chịu đựng của Dương Nghiễm Mậu còn bị thử thách tiếp, ngay cả sau năm 1975 - có thể đây mới là thử thách lớn nhất.
Những vực thẳm bỗng mở ra ở xứ sở: điều này, trong mối quan hệ với văn chương của xứ sở ấy, đã mang đầy đủ mọi dấu hiệu triệu chứng kể từ Nguyễn Du. Con đường Nguyễn Du trở thành một hình mẫu; mối quan tâm bền bỉ, dài lâu của Dương Nghiễm Mậu dành cho Nguyễn Du trong mấy chục năm về sau, theo tôi là biểu hiện không thể rõ hơn của một sự hiểu.
Năm ngoái, khi rốt cuộc cũng làm được cho cuốn tiểu thuyết Lan Hữu của Nhượng Tống quay trở lại, tôi gửi tặng quyển sách cho Dương Nghiễm Mậu. Lời nhắn của ông cho tôi là lúc nào ghé Sài Gòn thì qua uống bia với ông.
Cuối cùng thì lời mời ấy tôi đã bỏ lỡ. Tôi mới chỉ uống bia với Dương Nghiễm Mậu đúng một lần, ở Hà Nội. Hôm ấy trời mưa rất to, tôi theo hẹn đến một khách sạn nhỏ ở dốc Hàng Than tìm ông. Người phục vụ ở khách sạn cho chúng tôi mượn ô. Chỉ cần đi khoảng trăm mét là ra đến quán bia ở đỉnh dốc Hàng Than.
Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ sống đã chết, dốc Hàng Than là nơi gần nhà của nhân vật nữ chính, Thu: "Thu đi xe lên tới dốc Hàng Than mới xuống để về nhà ở đường Nhà Thương Khách", và ngay sau đó là miêu tả Hà Nội của năm 1954: "Buổi chiều gần tàn, trời thấp, những con én liệng xuống lòng phố vắng". Về sự chia ly Bắc-Nam, những người từ Hà Nội đi Nam, trong đó không ít người vừa từ trên khu sấp ngửa trở về, Kẻ sống đã chết (in xong trong tháng Bảy năm 1972) của Dương Nghiễm Mậu thuộc vào những tác phẩm văn chương đáng nhớ nhất, bên cạnh Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Mặc Đỗ và cả Trần Dần của bài thơ "Nhất định thắng".
Bữa đó, Dương Nghiễm Mậu kể với tôi về trường Chu Văn An gần đó. Góc này của Hà Nội là nơi gắn bó với ông một thời; từ trước, tôi mới chủ yếu có ấn tượng về sự lưu lạc trong Văn Miếu của một nhân vật truyện Dương Nghiễm Mậu.
Đứng ở phố Cửa Bắc, nhân vật Hữu hỏi nhân vật Thu (trong Kẻ sống đã chết): "Trường Chu Văn An, cô biết không nhỉ..."
Nhân vật Thu của Kẻ sống đã chết trùng tên (tuy rằng nhân vật còn một cái tên nữa) với Thu của Bướm trắng (Nhất Linh), và cuốn tiểu thuyết Bướm trắng ấy, cùng cả Đôi bạn, cũng xuất hiện trong tác phẩm đầy đau xót này của Dương Nghiễm Mậu.
Tôi hay cảm thấy, văn chương có những điểm chung trong cách thể hiện sự chịu đựng của nó trước tác động của vực thẳm. Nước Anh của một giai đoạn biến đổi thảm khốc đã khiến Charles Dickens tạo ra rất nhiều nhân vật mồ côi. Quay đi đâu trong cõi văn chương của Dickens ta cũng gặp những cậu bé, cô bé mồ côi (có nhân vật gây cảm động to lớn như cô bé Nelly Trent của The Old Curiosity Shop). Trong văn chương của Dương Nghiễm Mậu cũng vậy, có rất nhiều trẻ mồ côi. Ngay cả Thu trong Kẻ sống đã chết hóa ra cũng là một cô bé mồ côi mặc dù tưởng chừng có gia đình đầy đủ.
Cả Dickens lẫn Dương Nghiễm Mậu đều rất biết cách đẩy lùi các cảm xúc xuống một tầng sâu; thế cho nên Dickens trong cảm nhận thông thường hay là một nhà văn hài hước của The Pickwick Papers, còn Dương Nghiễm Mậu thường được nhắc đến với một văn chương sắc lạnh, khô, diệt trừ mọi cảm xúc. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ một số nhà văn đặt cảm xúc trong các tầng hầm mà thôi.
Dương Nghiễm Mậu là một người tả cảnh rất tài tình nhưng lúc nào cũng tạo ấn tượng là mình không sa đà vào miêu tả. Trời mưa, Dương Nghiễm Mậu - trong một cuốn tiểu thuyết - nói là dòng sông như nhăn mặt khi những giọt nước rơi xuống. Trong Kẻ sống đã chết, Hà Nội năm 1954 trong mắt một người mới trở về là như thế này: "Bây giờ, gần mười năm sau, trở về một Hà-nội bàng hoàng, ly tán và ngậm ngùi như phảng phất tiếng thở dài lạnh buốt. Hữu lắng nghe trong im lặng tiếng nói thầm thì của một thành phố quê hương trong đêm tối, tiếng nói như một tâm sự của hàng mấy ngàn năm một thủ đô, nơi từng hạt cát, từng viên gạch cũng u uẩn những tâm sự chan hòa những nghẹn uất". Nhưng Hà Nội ấy, rất nhiều người phải từ bỏ; một nhân vật của Dương Nghiễm Mậu nói: "Đi là thoát một cái gì, có khi cũng vui chứ", một nhân vật khác lại nói: "Đi là một hy sinh". Đó là một tình thế vực thẳm, và một người bỏ đi, dẫu là như thế nào, cũng trở nên mồ côi một mảnh đất.
Nhà văn lớn là một lực của tự nhiên, văn chương của nhà văn ấy là biểu hiện của cái lực này, không chỉ trong câu chữ ngôn từ - như thể, nhà văn lớn dùng chính con người mình làm đường thông nối lại những gì nếu mất đi thì sẽ không thể cứu vãn được nữa. Khái Hưng hay Nhượng Tống, hay Dương Nghiễm Mậu, thậm chí cả như Nguyễn Du, là cùng một thái độ - tôi muốn nói là một tư thế, một động tác cốt tử của văn chương.
Ngoài bộ ba ấy ra, văn chương Việt Nam thế kỷ 20 còn có những tầm vóc lớn lao nào ngang tầm nữa không? Có chứ, nhưng bộ ba ấy đã là chính xác một nửa rồi.
Vòng tròn của Dương Nghiễm Mậu, nếu nói một cách thật cụ thể, có một ý nghĩa rất đơn giản. Năm 1964, Dương Nghiễm Mậu in (thành sách) một kiệt tác lớn, Gia tài người mẹ. Rất nhiều năm về sau, trải qua bao nhiêu năm tháng ngồi im một chỗ (hình ảnh Dương Nghiễm Mậu làm sơn mài rất hay làm tôi nghĩ đến hình ảnh Spinoza ngồi mài kính), Dương Nghiễm Mậu mới khép kín được vòng tròn của mình: đó chính là truyện "Gọi hồn" trong tập Lênh đênh qua cửa Thần Phù. Cuốn sách mang cái nhan đề ám chỉ đến sự "vụng tu" và "khéo tu" (làm sơn mài thì đâu có gì khác ngoài một đường lối tu tập, của sự kiên nhẫn, của sự lặng lẽ và của sự chịu đựng) chứa một kiệt tác về hình ảnh ông bố, vài chục năm sau kiệt tác về một bà mẹ. Vòng tròn của Nguyễn Du là vòng tròn khép kín cõi sống (Kiều) và cõi chết (Thập loại chúng sinh), thì vòng tròn Dương Nghiễm Mậu, sở dĩ khép kín được, là bởi đã không để thiếu, không để lệch khỏi vòng, điều mà nó không được phép thiếu thì mới có thể trở nên đầy đủ, và như vậy là sau biết bao nỗ lực phi thường.
Và đã như vậy rồi, những vòng tròn Khái Hưng, Nhượng Tống, Dương Nghiễm Mậu đã khép lại rồi, những "kẻ sống chưa chết" được hân hạnh nhận lấy khả năng kèm lẫn gánh nặng của việc vẽ những vòng tròn khác, không được phép lặp lại nữa.
4 comments:
- Đệ AnhAug 3, 2016, 8:04:00 PMBao giờ cũng vậy, những bài viết của anh luôn hay nhất khi mọi người lao nhao cùng một đề tài...Em nhớ bài viết"Không gì đẹp bằng một cái cây đẹp", rồi bài về Bùi Ngọc Tấn, Tạ Chí Đại Trường...Reply
- Thực ra văn chương Việt Nam cũng chỉ gói gọn trong hai mô thức: vuông và tròn.Reply