"Hannah Arendt's Legacy



*

"Gia tài của Mẹ": Hannah Arendt's Legacy

“We come to terms with and reconcile ourselves to reality, that is, try to be at home in the world.”
Qua sông lụy đò, Hãy cố coi đây là nhà. Hannah Arendt            

Để chống lại chủ nghĩa toàn trị, bạn chỉ cần nhớ, có mỗi một điều này: Chủ nghĩa toàn trị nhất quyết không thí cho bạn một tí tự do nào.
Hannah Arendt: Về bản chất của chủ nghĩa toàn trị
In order to fight totalitarianism, one need understand only one thing: Totalitarianism is the most radical denial of freedom.

"What would Hannah do?" An oracular interpretation can cheapen her work and distract us from its importance. Samantha Power—author of "A Problem from Hell" (2002), (1), a remarkable study of modern genocidehas written the introduction for a new edition of The Origins of Totalitarianism. In it she writes that Arendt's masterwork is important not just for historical understanding but as "wisdom for today's dark times—wisdom that we ignore at our peril."
Đại tác phẩm của Arendt quan trọng không phải chỉ ở sự hiểu biết lịch sử, nhưng nó là "minh triết cho những thời tối tăm của ngày này". Thứ minh triết mà chúng ta vờ đi, đúng vào lúc sắp sửa chìm xuồng.

(1) Diệt chủng nghĩa là gì? Đọc Một Vấn Đề Từ Địa Ngục của Samantha Power
*
Theo tôi, tay VC nào làm thầy dùi, đưa ra yêu cầu mấy nước Đông Nam Á xưa kia có trại tị nạn đập bia tưởng niệm thuyền nhân mới đích thị là một tay phản động hạng gộc, theo đúng nghĩa của chữ phản động của "nhà nước ta".
Tay VC này phải được coi là tổ sư của đám "chống Cộng điên cuồng" ở hải ngoại.
Nhưng Hannah Arendt nghĩ khác. Theo bà, một trong những nguyên lý cốt tuỷ của chủ nghĩa toàn trị, là tiêu huỷ hồi nhớ, tẩy sạch dĩ vãng, qua đó nhà nước VC đã áp dụng trong việc đập bia tuởng niệm:
Phải làm sao cho lũ Việt Kiều yêu nước kia chẳng còn nhớ một mảy may những ngày bỏ chạy quê hương, mà chỉ còn nhớ cảnh xênh xang áo gấm về làng.
Chế độ phong kiến rất rành nguyên lý này. Nhà tù ngày xưa được gọi là những nơi chốn của lãng quên. Thân nhân, bà con bị cấm ngặt không được nhắc tới tên kẻ phạm tội. Có khi cả một dòng họ phải bị đổi.
Tự Kiểm 3


Hannah Arendt (1906-1975): Cái Ác Tầm Phào
Thế kỷ 20 có thể coi là đỉnh cao của Cái Ác, nhập thân vào ý thức hệ, theo nghĩa mà Solzhenytsin đã chỉ ra: Thành quả của Cái Ác, qua sức mạnh và trí tưởng tượng của những Đại Ác Nhân của Shakespeare cùng lắm thì cũng chỉ đếm được trên chục xác chết. Bởi vì đám khốn kiếp này không có ý thức hệ, như là một "nghĩa cả" để mà phục vụ... Nhờ có "ý thức hệ", thế kỷ 20 đã có được cái số phận khốn nạn của nó: kinh qua Cái Ác ở mức độ hàng triệu triệu tử thi."

("The imagination and inner strength of Shakespeare’s vilains stopped short at a dozen cadavers. Because they had no idology... Thanks to "ideology" the 20th century was fated to experience evil calculated on a scale of millions.")

Mô phỏng Solzhenitsyn: Nhờ có những người như Arendt, de Beauvoir, Weil, thế kỷ 20 đã giữ được ngọn lửa tâm linh của nó. George Steiner tự hỏi, cho tới nay, liệu có một triết tưởng nào (a philosophic imagination), ở trong số những bậc nữ lưu, xứng đáng để kế bên của Simone Weil? Ông tin rằng, người ta phải có một chiều sâu tâm lý của Dostoevsky, và lòng từ bi bác ái của một vị thánh, mới hiểu nổi Weil. Hai nỗi đau lớn của bà: thân phận con người, tên nô lệ của con quái vật nhà máy, và thân phận người dân xứ thuộc địa, đặc biệt là xứ Đông Dương.

Simone de Beauvoir, qua khẳng định "Tinh thần không có giới tính" (L’esprit n’a pas de sexe), bà đã đem quyền bình đẳng tới cho giới tính thứ nhì, tức những người phụ nữ.

Hannah Arendt thì cố gắng tìm cho ra duyên do cái ác, của thế kỷ hung bạo, trong khi dò tìm những cội nguồn của chủ nghĩa toàn trị.

***


Trong ba thập kỷ vừa qua, Hannah Arendt ngày càng được nhìn nhận, như một trong những nhà tư tưởng chính trị uyên nguyên nhất của thế kỷ chúng ta (thế kỷ 20). Sinh ngày 14 tháng Mười, 1906 tại Hannover, Đức, mất ngày 4 tháng Chạp năm 1975 tại Nữu Ước, Mỹ. Lớn lên tại thành phố nơi bà ra đời, Hannover (Đức) và Konigsberg (Phổ), nay là Kalinigrad (Nga). Học đại học Marburg, Freiburg và Heidelberg. Người Đức gốc Do Thái, xuất thân từ một gia đình đã hội nhập, bà chạy trốn nước Đức của Hitler vào năm 1933, khi đó bà 27 tuổi, và sau tám năm ở Pháp, tới Mỹ, như là một người tị nạn. Suy tưởng của bà là từ những cơn bão tố của thế kỷ bật ra. Ảnh hưởng Heidegger và Jaspers, bà là một trong những người đầu tiên, nếu không muốn nói là độc nhất, đã khái quát hóa cảm nghĩ của chúng ta, về chủ nghĩa toàn trị, một đe dọa chết người cho thế giới hiện đại, và đưa ra những chiếu rọi mới mẻ vào cái cõi man rợ đã được công thức, ý thức hệ hóa, biến thành một tổ chức khủng khiếp nhất trong mọi thứ tổ chức, hội kín, mafia, đệ tam, đệ tứ quốc tế... gì gì đó.

Được học hỏi, tu luyện theo truyền thống triết học hiện sinh Đức, bà nhận ra (một cách rõ ràng hơn tất cả các môn đệ khác của môn phái này) những giới hạn của nó, và bà cố suy tưởng (tái suy nghĩ, rethink) bản chất của hành động chính trị dưới ánh sáng của kinh nghiệm thế kỷ 20. Và đây là điểm xoáy (central focus) – sự liên hệ giữa kinh nghiệm và hiểu biết mang tính phê phán, critical understanding- của tác phẩm của bà, theo Lisa Jane Disch, tác giả cuốn "Hannah Arendt và những giới hạn của triết học"

Cùng với "truyền thống", Arendt bắt đầu phát triển một tầm nguyên từ điển nho nhỏ của riêng bà về chính trị học, dành sự quan trọng đặc biệt cho những quan niệm liên quan tới đám đông, nơi chôn nhau cắt rốn, tính công cộng... theo nghĩa bật ra từ cuộc sống hàng ngày, và mọi chuyện đều "có thể được nhìn và được nghe bởi mọi người". Có thời kỳ, Arendt có vẻ như muốn đồng nhất ý nghĩa thực sự của cuộc sống công cộng với ý niệm "polis", nhà nước Cổ Hy Lạp, hoặc với những quan niệm nền tảng đưa tới nền Cộng Hòa Hoa Kỳ; tuy nhiên, như trên cho thấy, cuộc tìm kiếm của Arendt về một "cõi khác", theo nghĩa, một không gian công cộng – vừa mang tính đạo đức, văn hóa cũng như là địa lý hoặc chính trị – đã mất, cuộc tìm kiếm này bắt nguồn từ thời thơ ấu, từ kinh nghiệm của riêng bà về nỗi ăn nhờ ở đậu, tức thân phận lưu vong, ở bên lề xã hội. và từ đó, là những bài viết của bà về căn cước Do Thái, và chính trị học.

Như trên đã viết, bà thuộc một gia đình Do Thái trưởng giả đã hội nhập ở Konigsberg, và lớn lên tại thành phố này. Tò mò triết học nẩy nở ngay từ khi mới 14 tuổi. Đọc Phê bình lý trí thuần túy của Kant, làm chủ hai ngôn ngữ cổ La Tinh và Hy Lạp, và năm 16 tuổi thành lập một câu lạc bộ đọc và nghiên cứu văn chương cổ. Trước khi lấy bằng tú tài – như thí sinh tự do tại Konigsberg – bà đã theo những bài giảng (cours) của Romano Guardini ở Berlin, và đọc Kierkegaard. Với bà, triết học trở thành phiêu lưu, mạo hiểm. Tại Marbourg (một thành phố nhỏ có một đại học nổi tiếng vì truyền thống lâu đời của nó: 400 năm vào năm 1927), Hannah Arendt trở thành một mục tiêu quyến rũ của các bạn đồng học, với mớ tóc cắt ngắn, và cách ăn mặc đúng "mốt". Những sinh viên tặng cho bà biệt hiệu "Nàng Xanh" (la Verte), do thường mặc chiếc áo dài lịch sự mầu này. Tại câu lạc bộ sinh viên, khi bà cất tiếng nói là những bàn chung quanh như bắt buộc phải im tiếng, giản dị là vậy. Người ta nhận ra trong giọng nói, sự kiêu ngạo, và luôn cả vẻ rụt rè. Hans Jonas, quen Arendt trong một cuộc hội thảo, và sau đó hai người trở thành bạn, kể lại, cô sinh viên này (Arendt) được coi là một "khuôn mặt hiếm quí" giữa những bè bạn. Họ nhận ra ở bà, " sự quyết liệt, bền bỉ, phẩm chất, lòng mong muốn tới được cốt lõi của vấn đề, vẻ sâu xa huyền diệu".

Bà trọ học tại một căn phòng dành cho người làm gần đại học. Đây là nơi gặp gỡ, tiếp đón bạn bè, có những người đã từng tham dự những cuộc bàn luận triết học từ thời kỳ ở Konigsberg hay Berlin. Có một con chuột nhỏ cùng chia sẻ căn phòng với Arendt, và thỉnh thoảng, bạn bè được chứng kiến một cảnh tượng thật dễ thương: chú chuột rón rén bò ra khỏi hang, nhận đồ ăn từ tay người bạn chung phòng của nó.

Chính tại căn phòng này đã diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh, giữa ông hoàng bí mật của tư tưởng, tức Heidegger, ông thầy người Đức, và cô học trò người Do Thái, Arendt.

Arendt đã nghe nói tới Heidegger từ thời kỳ còn ở Berlin. Bà sau này nhìn lại, "Thiên hạ đồn rằng, le bruit courait, tư tưởng đã trở lại với cuộc sống, rằng những kho tàng văn hóa của quá khứ, mà người ta tưởng đã chết, nay tìm lại được lời nói.... Có một vị giáo sư...."

Cô học trò đã tiếp ông thầy của mình tại căn phòng trên, khởi từ tháng Hai năm 1924, và cuộc gặp gỡ này được Arendt giữ kín, ngay cả với những người bạn thân nhất. Hai tháng trước đó, ông thầy đã tìm thấy "niềm đam mê của đời mình", như sau này ông thú nhận với vợ, ở cô học trò, khi mời tới văn phòng, và không thể nào quên được hình ảnh, "Nàng mặc áo choàng che mưa, chiếc mũ để một mầu đậm trên khuôn mặt, và thỉnh thoảng nói thật nhỏ một tiếng ‘phải’ (oui) hoặc ‘không phải’ (non)."

Arendt biết, không thể nào không bị quyến rũ bởi ông thầy mà nàng kính phục. Ngày 10 tháng Hai, Heidegger viết cho Arendt lá thư đầu tiên: "Cô Arendt quí mến." Giữ một khoảng cách đáng kinh trọng, ông thầy bảo đảm lòng chân thành của thầy, đồng thời ca ngợi những đức tính vừa trí thức vừa đạo đức của Arendt, cuối cùng đề nghị cô học trò, là thầy sẽ giúp trò luôn trung thực với chính nàng."

Luôn trung thực với chính nàng. Trong cuốn Arendt và Heidegger: (nhà xb Đại Học Cornell Press). Theo Disch, Arendt khẳng định, "kể chuyện" ("storytelling"), chứ không phải giải thích (explanation), mới là công việc (work), của những lý thuyết gia chính trị [khẳng định này làm chúng ta liên tưởng tới một câu nổi tiếng của Marx: Triết gia chỉ lo giải thích, thay vì biến cải thế giới]. Kể chuyện là cách thức mà Arendt sử dụng để giải quyết (deal) những sự kiện và hậu quả của chúng vào một thời đại mà những môn khoa học nhân văn như lịch sử, địa lý, hoặc chính trị học đã không còn làm được chức năng "trật tự hóa quá khứ". Có thể Arendt đã coi (hình thức) kể chuyện như là một giải pháp khả hữu nhất nhằm có được giá trị trừu tượng phổ cập, trong khoa học nhân văn. Kể chuyện, theo bà, là một kiểu phán đoán thực tại và kinh nghiệm. Đây là suy tưởng không nệ vào hình thức của Arendt, khi nhìn ra thế giới, và cũng là quyết tâm nhằm bảo vệ tính toàn thể của "kinh nghiệm sống". Số phận của những người làm chính trị, (nhà xb Đại học Princeton), tác giả Dana Villa đã đọc lại cả hai Arendt và Heidegger, và đưa ra những ý tưởng mới mẻ, táo bạo, nhằm sửa lại một số quan niệm sai lầm của giới phê bình, cũng như ủng hộ. Tác giả cuốn sách cho rằng, Arendt chấp nhận cuộc thách đố, mà Nietzsche và sau đó, Heidegger, đã chối bỏ; một cuộc thách đố liên quan tới chính trị học, sau (after) cái chết của siêu hình học; từ đó, vẫn theo Dana Villa, Arendt đã xuất hiện như lý thuyết gia chính trị "hậu siêu hình, hậu hiện đại" đầu tiên đã vượt qua những vướng mắc do đoạn tuyệt với truyền thống, mà hậu quả là sự sụp đổ những mối tương quan về giá trị, cứu cánh, lẽ ở đời của chúng ta. Từ quan niệm "vô gia cư" (homeless) của Heidegger, Arendt đã tạo dựng nên tính mất gốc (the kind of rootlessness). Đây là điều những chế độ toàn trị đòi hỏi, nhằm hủy diệt thực tại, và có được sự thần phục hoàn toàn [của dân chúng]. Bà cũng chịu ảnh hưởng của ông thầy, về những phát hiện của ông đối với chủ nghĩa hư vô, kỹ thuật, sự tương phản giữa "thực" (authenticity) và không thực. Một khi tách triết học của Heidegger ra khỏi những quan điểm chính trị của ông, Arendt từ đó có thể khai triển những nghiên cứu mang tính hiện sinh của bà, và tránh được tuyệt lộ (cul de sac), tuyệt lộ này đã dẫn Heidegger tới với chủ nghĩa Quốc Xã.

Tác phẩm "Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị" của Arendt là một hiện tượng học về quyền lực, hay chế độ toàn trị (totalitarian rule). Ảnh hưởng Heidegger, nhưng Arendt đã chuyển tầm nhìn của ông thầy vào những ứng dụng rất khác biệt. Một trong những điểm then chốt của tư tưởng Arendt về chủ nghĩa toàn trị là, sự thống trị mang tính toàn trị tìm cách tái sản xuất (refabricate) con người, [chắc là theo kiểu "chủ nghĩa xã hội cần những con người xã hội chủ nghĩa"], triệt bỏ, hoặc, thay gân đổi cốt bản chất con người, được giả dụ như là có thể tha hồ uốn nắn, gọt rũa, dàn mỏng ra cho tới vô hạn. Phương án, thiết kế, công trình... mang tính toàn trị, là: nhân loại, nói cho cùng, chỉ được coi như là một nguyên liệu thô, và tha hồ tái tổ chức, sắp xếp nó, nhân danh "cái gọi là" những định luật của thiên nhiên hay của lịch sử.

Sống tại Nữu Ước trong những năm còn lại của Đệ Nhị Chiến, Arendt thai nghén tác phẩm "Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị". Cuốn sách được xuất bản năm 1951, đúng mười năm sau khi bà tới Mỹ, cũng là năm bà trở thành công dân nước này. Đây là thời kỳ mở đầu cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Chưa từng có cuốn nào gây ấn tượng và tạo tiếng vang như "Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị." Cuốn sách vẽ lại những bước đường dẫn tới bạo quyền, và những tội ác xẩy ra trong thế kỷ 20, bởi hai bạo chúa là Hitler và Stalin, và chỉ ra, văn hóa Tây Phương, và thế giá của con người (human status) đã bị tổn thương tới mức nào, và đã biến đổi ra sao, một khi Cái Ác vươn tới một đỉnh cao như thế: Chủ nghĩa toàn trị, một khi được đem ra thi hành, lấy nhân loại làm con vật thí nghiệm, qua những chiến dịch của "cái ác cơ bản" (the operations of the "radical evil"), chỉ có thể cảm nhận được bằng những mô tả địa ngục của thời trung cổ. Nói một cách khác, những lò thiêu người, những trại tập trung cải tạo chính là những mô tả địa ngục của thời trung cổ đã biến thành hiện thực.

Như trên đã viết, thập niên 1950 là thời kỳ mở đầu Cuộc Chiến Lạnh. Cuốn sách đã tạo ấn tượng, gây tiếng vang, và còn gây hồ nghi, khi tác giả đã để cho hai cái ác rong ruổi bên nhau: Cái Ác Lò Thiêu, của Đức Quốc Xã, và Cái Ác trại tập trung cải tạo của Nga xô dưới chế độ Stalin (mặc dù những thanh trừng mang tính ý thức hệ, sắc tộc, và những cuộc chiến tranh do Stalin phát động từ năm 1941 tới 1945). Sự so sánh giữa hai chế độ trên còn gây thêm hồ nghi ở một số độc giả, chủ yếu là do người ta không thể nào kiểm chứng được những nguồn tin, từ phía bên kia bức màn sắt. Nhưng Arendt nhấn mạnh tới số phận của những người Do Thái vào thời kỳ thoái trào của những lý tưởng Thời Soi Sáng, và sự kiện, rằng Đệ Tam Reich đã tiến hành hai cuộc chiến tranh cùng một lúc, một chống lại Đồng Minh, và một chống lại dân tộc Do Thái: đây là hai điểm sáng trong nhận định của bà, sau này được chứng thực bởi các nhà sử gia. Trên tất cả, Arendt đã đưa ra luận cứ này: chủ nghĩa toàn trị như là một hình thức mới của "autocracy" (chuyên quyền), như là một nguồn suối ngầm ở bên trong xã hội Tây Phương, và được đẩy tới cực điểm của nó với những tội ác ghê tởm nhất, nhằm thống trị, hoặc để trả thù. Chuyên quyền, hay là cái ác tiềm ẩn nằm bên trong xã hội Tây Phương, là còn do mê tín (the superstitious belief), rằng có những sức mạnh siêu nhiên, vô ngã - và theo Arendt, chính cái niềm tin mê tín này đã biện minh cho những cuộc làm cỏ cả một, hay nhiều dân tộc, nhiều giai cấp con người, ở thế kỷ 20. Bà kết luận, Lò Thiêu chỉ có thể khả hữu, biến thành hiện thực, như là một kết hợp của khủng bố toàn trị (totalitarian terror), sự kiêu căng, xấc xược kỹ thuật (technological hubris) và một ý thức hệ mang tính hư vô (nihilistic ideology), một kết hợp mà chính cái ao ước hủy diệt sau cùng đã trở thành mục tiêu của nó; nghĩa là giết và giết, chỉ có vậy.

Cha mẹ Arendt là người Do Thái sinh trưởng tại Nga. Bà là người con độc nhất. Tuổi thơ của bà có nhiều đau thương mất mát. Người cha, một kỹ sư, chết vì bịnh paresis (khùng điên do giang mai), khi Arendt mới 7 tuổi. Ngay từ nhỏ, bà đã trải qua những ngày cơ cực do những trận chiến giữa quân đội Nga và Đức tại vùng quê hương bà. Bà mẹ sau đó tái giá, và có thêm hai người con gái.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại Konigsberg vào năm 1924, Arendt bắt đầu học thần học với Rudolf Bultmann tại Đại học Marburg. Tại Đại học này, bà đã gặp gỡ Heidegger, lúc này là một vị giáo sư triết trẻ, nổi tiếng với tác phẩm Hữu Thể và Thời Gian (1927) gây chấn động trong giới trí thức cũng như sinh viên, mở ra trào lưu Triết học Hiện sinh. Như trên đã nói, bà đã nghe tiếng Heidegger từ khi còn ở Berlin. Cuộc gặp gỡ chỉ hoàn tất vai trò định mệnh. Bởi vì, nếu thế kỷ 20 là đỉnh cao của Cái Ác, nó còn là đỉnh cao của Tình Yêu, với những biểu tượng cụ thể như cuộc tình Kafka-Milena (Milena sau chết trong trại tập trung), Sartre-de Beauvoir, và Heidegger-Arendt. Đây không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa một đôi trai gái, mà còn là cuộc gặp gỡ của tư tưởng đối nghịch, của bóng đen và ánh sáng... Một cách nào đó, chúng ta hiểu được số phận của chúng ta, và có thể, số phận của thế kỷ, qua những cuộc tình đó. Nên nhớ Heidegger là người Đức, và là một triết gia đã từng ủng hộ Quốc Xã; còn Arendt, một cô gái ngay từ nhỏ đã cảm nhận được thân phận ăn nhờ ở đậu của người Do Thái, trong một xã hội Đức. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai người tại Đại Học Marburg chấm dứt, sau khi Arendt nghe theo lời khuyên của ông thầy, dời tới Đại Học Heidelberg thụ giáo Karl Jaspers.

Vào tháng Chín 1929, Arendt kết hôn với Gunther Stern, viết văn dưới bút hiệu Gunther Anders. Cùng năm, bà hoàn tất luận án ý tưởng tình yêu trong tư tưởng của St. Augustine. Nhưng làn sóng bài Do Thái trở nên nặng nề khiến bà không còn quan tâm đến siêu hình học, và quyết tâm đối diện với vấn đề những người Đức gốc Do Thái. Từ đó, là tác phẩm "Rahel Varnhagen: Cuộc đời cô gái Đức gốc Do Thái vào thời kỳ chủ nghĩa lãng mạn". Đây là tiểu sử Rahel Varnhagen, một cô gái Do Thái, nữ chủ nhân một "phòng trà văn học" tại Berlin, nơi gặp gỡ của những tinh hoa của xã hội Đức, vào đầu thập niên 1980. Arendt cố tìm hiểu làm sao nhân vật này lại cải qua đạo Cơ đốc (Christianity), và qua đó, là những mâu thuẫn giữa "thân phận nhược tiểu" của người Do Thái, và chủ nghĩa quốc gia Đức. Arendt khi đó 24 tuổi, sau cuộc tình ngắn ngủi với ông thầy đã có vợ, bà khởi viết cuốn tiểu sử Rahel Varnhagen (1771-1833), nhưng phải đợi tới năm 1958 nó mới được xuất bản. Với Rahel Varngahen, từ bỏ đạo gốc, cải qua Cơ đốc, thay tên đổi họ, chỉ có mỗi cách đó để được coi là người Đức, "kể từ đó", nhưng vẫn luôn luôn là Do Thái đối với những người khác; đây là tuyệt lộ nói lên tính giả đạo đức của một xã hội khi nó giả đò đối xử với những người Do Thái hội nhập: như thể họ không còn là Do Thái. Số mệnh của Rahel Varngahen là một thí dụ điển hình của về nỗi đau hội nhập, của một thiểu số, vào quê hương thứ nhì: vấn đề với Arendt, qua cuốn tiểu sử trên, không phải là, bằng cách nào những người Do Thái được chấp nhận bước vào bên trong một phòng trà văn học gồm toàn những tinh hoa của xã hội Đức, cái quốc gia đã cưu mang họ, mà là: Bằng cách nào người Do Thái được chấp nhận, như là những cư dân của trái đất.

Khi duyệt luận án của Arendt viết về Rahel Varngahen, nữ chủ nhân phòng trà văn học tại Berlin vào cuối thế kỷ 18 – một nữ trí thức kiệt xuất Do Thái mà Arendt cảm thấy có nhiều điểm chung, ông thầy Karl Jaspers đã đưa ra lời phê, rằng cách nữ đệ tử của mình đọc Rahel, chủ yếu coi đây là một trường hợp của "Vấn Đề Do Thái" (Jewish Question), coi nhẹ yếu tố: đây là một con người được giải phóng ra khỏi hào quang của Thời Soi Sáng ở Đức (the German Aufklarung). Ông cảm thấy Arendt đã thất bại không nhìn trọn Rahel, rằng cô học trò đã thiếu sót, không nhận ra "sự vĩ đại của tâm hồn" của nữ nhân vật này. Và Arendt còn đọc sai (misread) Lessing (triết gia Đức), cũng như Thời Soi Sáng (The Enlightenment). Tới mức ông thầy còn tự hỏi, cái chân dung mà Arendt đưa ra đó, có thể hiểu như là một trường hợp đổ dầu vào lửa, làm nóng thêm khí hậu bài Do Thái? Trong một lá thư dài viết vào năm 1952 về nhân vật Rahel, Karl Jaspers đã đưa ra bình luận, cuốn sách của Arendt làm cho người ta có cảm tưởng "là một người Do Thái có nghĩa là không thể nào sống đầy ứ cuộc đời của mình", (nguyên văn: "nếu một người là Do Thái, người đó không thể sống cuộc đời người đó cho tới tràn đầy", "if a person is a Jew, he cannot live his life to the full"). Cuộc tranh luận bắt nguồn từ niềm hoài nghi của ông thầy lại nóng lên, khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1958. Vấn đề ở đây là, những cái nhìn thật chõi nhau đó bắt nguồn từ hai quan niệm hoàn toàn khác biệt, tự cơ bản, về Căn cước Đức, Do Thái, và Đức-gốc-Do Thái.

Ngay cả trước năm 1933, nữ đệ tử cũng đã không chia sẻ với Karl Jaspers (một nhà phân tâm học chuyển qua triết học), về nỗi hân hoan trước một chủ nghĩa ái quốc áp đặt (the imposing patriotism) của Max Weber, về việc "cào bằng" (đánh đồng) "yếu tính" Đức với sự thuần lý và tính nhân loại [những khẩu hiệu như "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" là thoát thai từ quan niệm trên, theo người viết], và luôn cả những quan niệm lãng mạn của Max Weber, về số mệnh mang tính lịch sử của nước Đức. Nhưng Arendt đã chịu ơn ông thầy, khi Karl Jaspers hết lòng cổ võ nữ đệ tử, trong cái nhìn của Arendt về chủ nghĩa toàn trị, qua đó, Arendt luôn nhấn mạnh, rằng, chủ nghĩa toàn trị là một hình thức mới, và là độc nhất, của quyền lực (rule); một khi nó xuất hiện, tất cả những [quyền lực] truyền thống trước đó chỉ được coi như là những manh mún, tản mạn. Chắc chắn một điều, nghiên cứu của bà về "những nguồn gốc", không phải là một tác phẩm mang tính qui ước về lịch sử. Bà đả phá cái nhìn "hoạn quan" (eunuch-like), về một lịch sử mang tính khách quan, hay một lịch sử, theo đó, bằng chứng được sắp xếp theo kiểu biên niên (the chronological arrangement of evidence), vốn được các sử gia nhà nghề coi trọng. Điều mà bà đặc biệt quan hoài, là đối đầu, và cố vượt "gánh nặng thời đại chúng ta", bằng cách thăm dò, khảo sát (exploring) "ý nghĩa" những biến động mà bà đã trải qua.

Khi Quốc Xã sắp sửa lên nắm quyền, Arendt lao vào hoạt động chính trị, và đầu năm 1933, bà đã giúp đỡ tổ chức "the German Zionist Organization" và người lãnh đạo của nó là Kurt Blemfeld, trình bầy trước công luận số phận của những nạn nhân của chủ nghĩa Nazi. Bà cũng làm những nghiên cứu về chiến dịch tuyên truyền nhằm chống Do Thái, do đó, bà đã bị Gestapo bắt. Nhờ cảm tình của viên cai ngục ở Berlin, bà được tha và trốn qua Paris. Bà ở đây cho hết thập niên này (1930). Làm việc với tổ chức "Youth Aliyah", bà đã giúp đỡ trong công cuộc giải thoát những trẻ con Do Thái khỏi chế độ Đệ Tam Reich, và đưa chúng tới Palestine.

Tại Paris bà gặp Heinrich Blucher, một người vô sản ở Berlin, một cựu đảng viên cộng sản. Sau khi cả hai đã ly dị, họ kết hôn với nhau vào ngày 16 tháng Giêng năm 1940. Khi Đức Quốc Xã xâm lăng Pháp, chưa đầy nửa năm sau đó, hai vợ chồng bị phân tán, và bị tập trung, mỗi người một nơi ở miền nam nước Pháp, như là những người Đức không có quốc gia. Arendt bị đưa đi Gurs, từ đó, bà trốn thoát. Sau đó, bà xum họp được với chồng, và vào tháng Năm 1941, cả hai đã tới được Hoa Kỳ. Như trên đã viết, ở đây tới hết cuộc chiến, bà đã viết Những Nguồn Gốc Của Chủ Nghĩa Toàn Trị, xuất bản năm 1951.

Karl Jaspers, triết gia, giáo sư Đại Học Heidelberg, ông thầy đỡ đầu của Arendt, như trên đã viết, thoạt đầu rất hứng khởi với chủ nghĩa ái quốc áp đặt, đánh đồng "yếu tính" Đức với sự thuần lý và tính nhân loại, và những tình cảm lãng mạn về số mệnh lịch sử của dân tộc Đức của Max Weber, nhưng sau đó ông đã thay đổi quan điểm, và sau 1937, coi mình thuộc giới "di dân nội" - tạm dịch từ "inner emigration" – ngay cả Arendt cũng cho rằng Jaspers đã muốn nhập vào cái còn lại của "humanitas" - tạm dịch "chất người" - ở nơi quê nhà. Nhưng sự căng thẳng, về căn cước Đức-gốc-Do Thái vẫn còn nguyên, mặc dù sự tin cậy, và tình bạn chân thành giữa thầy và trò. Liên lạc thư từ giữa hai người kéo dài 43 năm (cắt quãng 12 năm, thời kỳ Đệ Tam Reich) tới khi Jaspers mất, vào năm 1969. Những lá thư viết trước năm 1933 (khi Arendt bị Gestapo bắt và sau đó trốn thoát khỏi Đức Quốc Xã, cho thấy mối liên hệ giữa hai người không chỉ trên danh nghĩa thầy trò. Vợ Jaspers là người Do Thái. Mặc dù Jaspers luôn coi Arendt là "một người Đức", nhưng bà nhấn mạnh "Tôi sẽ chỉ nói nhân danh những người Do Thái...". Arendt, về phần bà, chẳng hề cố gắng đánh bóng mình, về chuyện đã bị tống xuất ra khỏi Đức, vì là một người Do Thái, và khẳng định, tính Đức (Germanness) ở bà hoàn toàn là một sự kiện liên quan tới tiếng mẹ đẻ, và tình yêu văn học, triết học Đức.

Khi đưa ra lời bình luận về cuốn tiểu sử người nữ Do Thái Rahel, của Arendt, như ở trên đã dẫn (là Do Thái nghĩa là không sống đầy đời mình), Jaspers cho rằng yếu tố Do Thái là quá nhiều, ở cận cảnh (that the Jewish factor is too much in the foreground). Arendt không chối bỏ điều đó, nhưng bà cảm thấy, cách nhìn vấn đề hội nhập của người Do Thái tại Đức của bà vẫn còn có giá trị. Cùng với làn sóng di dân đổ xô tới các nước kỹ nghệ phát triển, như là hậu quả của chế độ thực dân tại xứ sở thuộc địa, và vấn đề hội nhập của di dân tại quê hương thứ nhì... cho thấy, có vẻ như "yếu tố Do Thái" không chỉ áp dụng cho người Do Thái không thôi, và nhận định của Arendt vẫn còn có giá trị đối với bất cứ một di dân, Do Thái hay không Do Thái. Tuy nhiên, Arendt sau này đã thay đổi cái nhìn của bà về chủ nghĩa quốc gia Do Thái (Zionism), và chỉ trích ông thầy Jaspers về sự ngưỡng mộ của ông đối với cách xử sự của Israel khi xẩy ra khủng hoảng kênh đào Suez, là quá ngây thơ về chính trị. Nhưng phải đợi tới khi xuất hiện cuốn sách viết về vụ xử án Eichmann, "Eichmann ở Jerusalem" (1963), và quan niệm "Sự Dung Tục Của Cái Ác", Arendt mới thực sự trở thành nhân vật gây tranh luận số một (the most controversial figure), của nhiều "vụ án", thông qua "vụ án" xử nhân vật Quốc Xã trên.

Vào năm 1960 mật vụ Do Thái bắt được Eichmann, trung tá SS, trong coi việc đưa người Do Thái vào trại tử thần. Năm sau, ông bị xử án tại Jerusalem. Arendt lúc đó làm cho báo Người Nữu Ước, và được cử làm phóng viên tường thật vụ xử. Những bài viết sau đó được sửa lại và in thành sách.

Cách Arendt, khi mô tả một viên chức thi hành bổn phận của mình, theo đúng lệnh cấp trên, thay vì tuân theo cái ác cơ bản [nhân chi sơ tính bản ác], được làm cho khùng thêm bởi chủ nghĩa bài Do Thái, đã thật sự gây chấn động, vì tính uyên nguyên của nó. Cái Ác cũng làm xàm, đôi khi chán ngắt, thật khác xa Cái Ác cơ bản. Thay vì bị Ông Thần Ác nhập vào cơ thể, Eichmann là một trường hợp cụ thể cho thấy, bất cứ một con người bình thường nào, cũng có thể trở thành Đệ Nhất Ác Nhân. Arendt khẳng định, và từ đó, dóng lên hồi chuông báo động, rằng sự nguy hiểm không chỉ qui vào những thành phần đầu não, hoặc những tính chất đặc biệt mang tính chính trị của chế độ Đệ Tam Reich. Trong khi chấp nhận bản án dành co Eichmann, Arendt cũng đưa ra những nhận định của riêng bà về tội tử hình. Theo Arendt, Eichmann đã làm điều ác, không phải bởi vì ông ta có một ước muốn bệnh hoạn (sadic will) làm như vậy, cũng không phải bởi vì ông ta bị tổn thương trầm trọng bởi con vi trùng bài Do Thái, nhưng bởi vì ông ta đã thất bại không hiểu tới tận nguồn cơn cái việc mà ông đang làm đó. Đây là ý niệm cơ bản làm cháy lên ngọn lửa tâm linh ở Arendt, cũng như ở Weil, về những người đeo vòng kim cô mà vẫn nghĩ là mình hoàn toàn tự do, hoàn toàn thông minh, có khi còn hơn nhiều người khác. Arendt sau này đã mở rộng lý thuyết trên, khi quán xuyến những suy tưởng "neo-Kantian" về phán đoán, trong một tác phẩm được in sau khi bà đã mất, Cuộc Sống Của Cái Đầu (The Life of The Mind, 1978). Cùng những cuốn như Cầm Tưởng của Milosz, chúng cho ta hiểu thêm về một cái ác nằm sâu trong mỗi con người, chỉ chờ dịp xuất hiện.

"Vấn đề Cái Ác sẽ là câu hỏi quan trọng số một của cuộc sống tinh thần thời hậu chiến tại Âu Châu." (Hannah Arendt, 1945).

"Qua sông lụy đò,

Hãy cố coi nơi này là nhà"

("We come to terms with and reconcile ourselves to reality, that is, try to be at home in the world. Hannah Arendt)

Jennifer Tran giới thiệu

Tài liệu tham khảo:

-Tiểu sử Hannah Arendt, tác giả: Stephen J. Whitfield, trên Web, qua Britannica.com.

-Hiểu (Understanding) Hannah Arendt, tác giả Robert Wistrich, tạp chí Partisan Review, số Mùa Đông 1998.

-Rahel Varngahen, cuộc đời một người nữ Dó Thái thời kỳ chủ nghĩa lãng mạn, tác giả Hannah Arendt, bản tiếng Pháp, nhà xb Tierce, ấn bản bỏ túi Agora.



Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

Raymond Chandler by Oates