‘Đợi Anh Về'



https://ninablog2008.wordpress.com/

Đã phê bình thì cần phê cho đúng – về bài viết “Clip và bản dịch bài thơ ‘Đợi Anh Về’” của hai tác giả Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh.

Gần đây một số người có chia sẻ lại bài viết “Clip và bản dịch bài thơ ‘Đợi Anh Về’” của hai tác giả Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh.


Nội dung chủ yếu của bài viết là chỉ ra nhiều chỗ mà tác giả bài viết cho là Tố Hữu dịch sai, và giới thiệu bản dịch mới của nhóm tác giả khắc phục được các lỗi sai trên.
Vì bài viết này được chia sẻ rộng rãi, có nhiều người đọc, nên cũng cần có phản hồi với những nhận định còn gây tranh cãi, vội vàng, cảm tính, chưa đủ căn cứ trong bài viết của hai tác giả trên.
Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ xem xét các lời phê của hai tác giả Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh.
1. Về đoạn phê bình thứ nhất của hai tác giả Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh. Dưới đây là trích dẫn trong bài trên
1. Trong khổ đầu, Tố Hữu dịch:
” Em ơi đợi Anh về
Đợi Anh hoài Em nhé ” 

Tố Hữu đã dùng câu điệp là thừa, hơn nữa từ ” hoài ” làm nghĩa câu thơ bị sái (hoài công, phí công). Cả hai câu này là lời nhắn nhủ của người lính ở xa. Anh nhắn nhủ thế là đúng, nhưng còn Anh thì sao? Không thấy nói đến. Do đó câu thơ trở nên một chiều.
Còn trong nguyên bản là :
” Em ơi, đợi Anh!
Anh sẽ về ” 

Hai câu là hai vế khác nhau. Một vế nhắn nhủ Em, còn một vế nhắn với Em rằng: Anh sẽ về. Đây là niềm tin hi vọng của cả hai bên, và cũng là niềm chung thủy của người lính ở ngoài mặt trận.
Đoạn thứ nhất này hai tác giả Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh đã hiểu sai chữ “hoài” của Tố Hữu. Chữ “hoài” ở đây không phải là hoài công, phí công. Thật tiếc là tác giả không tra từ điển trước khi viết. Chữ “hoài” còn có một nghĩa nữa, khi dùng phụ sau động từ, là mãi không thôi, mãi không chịu dứt. Và Tố Hữu dùng chữ “hoài” với nghĩa này, nên chẳng có gì sai quá so với nguyên tác
Жди меня, и я вернусь.
Только очень жди,
Tạm dịch nghĩa:
Hãy đợi anh, và anh sẽ trở về
Chỉ có điều, hãy đợi thật kiên định
Về mặt dịch nghĩa, tôi không thấy Tố Hữu có sai sót gì lớn.
Cả hai câu trong nguyên tác đều là lời nhắn của người ra đi đối với người ở lại, thế mới đúng với văn cảnh và ngữ pháp của nguyên tác.
Đoạn phê bình sau của tác giả bài viết đối với 2 câu thơ đầu thực tình mà nói không rõ nghĩa lắm:
Hai câu là hai vế khác nhau. Một vế nhắn nhủ Em, còn một vế nhắn với Em rằng: Anh sẽ về. Đây là niềm tin hi vọng của cả hai bên, và cũng là niềm chung thủy của người lính ở ngoài mặt trận.
Người viết những dòng này sợ rằng đây là phần tán tụng chủ quan của hai ông San, Thịnh. Chứ xét về nguyên tác ấy, đọc hai câu đầu với nghĩa đã dịch ở trên thì người Nga sẽ chỉ hiểu đơn giản – lời nhắn của người ra đi, thế thôi.
2. Đoạn thứ hai, hai ông San Thịnh bàn về hai câu thứ 8 và 9 trong bản dịch của Tố Hữu. Chúng ta lại trích dẫn hai ông trước
2. Câu thứ 8 và thứ 9 Tố Hữu dịch là :
” Bạn cũ có quên rồi
Đợi Anh hoài Em nhé ” 

Câu này không rõ nghĩa, không chuẩn về mặt ngữ pháp và nhắc lại từ ” hoài ” không đắt. Nội dung chính trong nguyên tác là :” Dù các bạn của Em, có ai đó đã quên người yêu của họ, thì riêng Em cứ chờ “. Hai câu có hai vế đối lập nhau, làm tăng thêm sức mạnh nội tâm về lòng chung thủy. Vậy nên dịch lại là :
” Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em cứ đợi ” 

Cụm từ ” ai đó ” ở đây có nghĩa không xác định, không chỉ một người cụ thể nào chứ không nên dịch như Tố Hữu là ” bạn cũ có quên rồi ” vì nó cụ thể quá làm bạc nghĩa. Ngoài ra, cụm từ ” Dẫu ai đó “đối lập với cụm từ “Thì riêng Em ” sẽ làm nổi bật lên sự kiên định của Em . Lời dịch của Tố Hữu không phản ánh được điều này.
Hai câu thơ dịch của Tố Hữu
“Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh hoài em nhé”
hoàn toàn dễ hiểu – dù các bạn cũ anh có quên, không đợi anh nữa, thì em vẫn đợi anh nhé. Chẳng có gì sai ngữ pháp ở đây cả.
Về nghĩa của chữ “hoài”, thì hai ông San, Thịnh vẫn sai như trong đoạn 1, xin phép không nhắc lại.
Nguyên tác Simonov viết:
Жди, когда других не ждут,
Позабыв вчера.
Có nghĩa là:
Em hãy đợi, khi người ta không còn đợi những người khác nữa, họ đã quên vào hôm qua mất rồi.
Cho nên ở đây hai ông San, Thịnh đã hiểu sai nội dung hai câu trong nguyên tác.
Vấn đề là ở đây, những người chờ đợi không phải chỉ là người yêu. Bố mẹ chờ con, ông bà chờ cháu, con cái chờ bố, anh chị em chờ nhau, bạn bè chờ nhau, vân vân, đối tượng chờ đợi là rất rộng. Và đó mới là cái hay – chiến tranh đã tác động đến cuộc sống, đến tình cảm của rất nhiều người. Tự dưng hai ông San Thịnh thu hẹp nó lại để “tăng thêm sức mạnh nội tâm về lòng chung thủy” là thiếu căn cứ và võ đoán. Do đó đòi hỏi bản dịch phải nêu lên điều này cũng rất khó hiểu.
Tất nhiên là chữ “bạn cũ” của Tố Hữu không phản ánh được đông đảo tập hợp người chờ đợi này, nhưng cũng là một tập hợp khá lớn, và không có gì là “làm bạc nghĩa” cả.
3. Trong đoạn này hai tác giả Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh chê đoạn dịch sau của Tố Hữu:
“Tin anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi cứ đợi”.
Trích của hai ông San, Thịnh
3. Tiếp theo Tố Hữu dịch :
” Tin Anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi người về
Thì Em ơi cứ đợi “. 

Dịch thế là sai nguyên tác, vì tác giả không hề nói :”Chẳng mong chi ngày về ” nghe nó tuyệt vọng quá ( giống như từ ” hoài ” vậy ). Xi-Mô-Nốp không nói thế. Còn vô nghĩa là ở câu dịch :” Lòng ai dù tái tê “, bởi “lòng ai ” có nghĩa không xác định, không rõ đối tượng, còn trong nguyên bản đối tượng rất cụ thể là ” Lòng Em” chứ không phải là một ai khác.
Nên dịch lại là:
“Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh dù chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ ” 
Đoạn này nguyên tác là
Жди, когда из дальних мест
Писем не придет,
Жди, когда уж надоест
Всем, кто вместе ждет.
Dịch nghĩa tạm
Hãy cứ chờ, ngay cả khi từ những nơi xa
Những bức thư không tới được.
Hãy cứ chờ, ngay cả khi
Tất cả những người cùng chờ đợi đã chán chờ rồi.
Với ý nghĩa này thì bản dịch của Tố Hữu chẳng có gì sai khác quá so với nguyên tác. Đặc biệt chữ “lòng ai” – đúng là không xác định, vì nguyên tác cũng nói đến rất nhiều người, chứ không phải nhân vật nữ trữ tình của bài thơ.
Hai ông San, Thịnh chê mấy câu này của Tố Hữu là “sai nguyên tác, vì tác giả không hề nói: “Chẳng mong chi ngày về” nghe nó tuyệt vọng quá “.
Tuy nhiên nguyên tác bảo là – em cứ chờ đi, ngay cả khi những người khác chung cảnh chờ đợi đã chán chờ rồi. Với nghĩa này, câu thơ của Tố Hữu truyền đạt đúng tinh thần của nguyên tác – những người chờ đợi đã không còn mong rằng người kia sẽ quay lại (còn mong thì người ta vẫn chờ cơ mà!).
Như vậy, hai ông Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh đã cưỡng ép Simonov phải nói theo ý các ông để mà chê bản dịch của Tố Hữu.
4. Đoạn này hai ông San, Thịnh chê Tố Hữu dịch sai nguyên tác
4. Còn một khổ dài Tố Hữu dịch là:
” Em ơi, Em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong Anh trở lại…” 

Khổ thơ này gần như sai hoàn toàn so với nguyên tác. Trong bài thơ, Xi-Mô-Nốp nói: ” Em chờ Anh, nhưng đừng có hoàn toàn mong những điều tốt lành. Bởi vì, trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra cả. Nếu chẳng may Anh có hy sinh thì nỗi đau khổ của Em, Em phải gắng quên đi trong nghị lực, hãy giúp Mẹ nuôi con thay Anh… “. Trong khổ thơ này, Tố Hữu một lần nữa lại dùng cụm từ không xác định ” Dù ai nhớ thương ai ” làm câu thơ trở nên vô hồn, không có nghĩa.
Thêm nữa, chỉ có 4 câu 5 chữ mà Tố Hữu đã 2 lần lặp lại , trùng văn , trùng ý: ” Chẳng mong có ngày mai – …. – Hết mong Anh trở lại … “. Trong thơ của mình Xi – Mô – Nốp không hề có ý nghĩ tiêu cực về bà mẹ như lời dịch của Tố Hữu: ” Dù mẹ già con dại – Hết mong Anh trở lại“. Còn trong nguyên tác ý nghĩa rất tích cực của tác giả là : ” Em hãy cố gắng quên khổ đau để nuôi Mẹ nuôi con” Tố Hữu lại bỏ mất. Có thể nói khổ thơ này dịch sai hoàn toàn cả ý, cả lời.
Nên dịch lại là :
“Chờ Anh, Anh sẽ về
( nhưng ) Đừng chỉ mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Nỗi đau cần phải quên…
Hãy nhìn vào Mẹ hiền
Và các con thơ dại…
… Nếu Anh không trở lại 

Như thế vừa sát nguyên văn, phản ánh được đúng tâm hồn của tác giả.
Ừ thì ta xem nguyên tác viết gì
Жди меня, и я вернусь,
Не желай добра
Всем, кто знает наизусть,
Что забыть пора.
Пусть поверят сын и мать
В то, что нет меня
Dịch nghĩa đoạn trên như thế này:
Hãy đợi anh, và anh sẽ trở lại
Đừng mong những điều tốt lành
cho những người biết rất rõ
Rằng đã đến lúc quên.
Dù cho con trai và mẹ có tin rằng
Anh đã không còn trên đời này nữa
Đọc sơ qua thì thấy ngay, người dịch sai nguyên tác là hai ông San, Thịnh, khổ thật. Do đó mọi bàn luận sau về đoạn thơ này của hai ông San, Thịnh đều không đáng mổ xẻ.
Đoạn này thì Tố Hữu không hoàn toàn bám sát nguyên tác, nhưng ý chính của đoạn thơ này ông đã truyền đạt đúng. Đặc biệt hai câu
Dù mẹ già con dại
Hết mong anh trở lại…
thì không những Tố Hữu dịch đúng, mà còn dịch hay. Cá nhân tôi thích cụm từ “mẹ già con dại”, rất chuẩn xác, rất Việt, và rất thơ.
5. Đoạn này hai ông San, Thịnh lại chê Tố Hữu dịch sai, bịa ý
5. Lại một đoạn thơ rất hay của Xi-Mô-Nốp, nói với người vợ ở hậu phương rằng: ” Nếu có người bạn gái của Em vẫn chờ chồng phương xa, thường ngồi bên cửa sổ nhâm nhi li rượu cay ( từ cay ở đây rất hay ) để có thể nguôi ngoai đi phần nào nỗi nhớ, nỗi khổ, thì Em ơi, Em hãy cứ như bạn mà uống đi “.
Nhưng Tố Hữu lại dịch khác hẳn:
” Dù bạn viếng hồn Anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì Em ơi mặc bạn
Đợi Anh hoài Em nghe
Anh của Em sắp về 

Thì có thể nói gần như đã phóng bút đến mức bịa ra một ý khác hẳn. Trong nguyên tác, không hề có ” nấm mồ xanh “, không có ” ai viếng hồn ai ” cả. Còn câu: “Nâng chén tình dốc cạn… ” thì không thể hiểu ý tứ gì, nghĩa lí gì được nữa. Phải dịch là :
” Như ai đó đợi chờ
Vẫn ngồi bên cửa sổ
Li rượu cay, nỗi nhớ
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ ” 
Thôi lại đi tìm đọc mấy dòng đó trong nguyên tác của Simonov
Пусть друзья устанут ждать,
Сядут у огня,
Выпьют горькое вино
На помин души…
Жди. И с ними заодно
Выпить не спеши.
Đoạn này nếu dịch nghĩa để hiểu, thì nó đại loại thế này
Những người bạn đã mệt mỏi vì chờ đợi,
Cứ để họ ngồi bên bếp lửa,
Uống cốc rượu đắng,
Để tưởng niệm người đã chết…
Nhưng em hãy chờ. Và đừng vội
Uống chung với họ.
Với ý nghĩa này thì chỉ có thể kết luận – hai ông San Thịnh mới bịa ra ý của nguyên tác. Chưa kể hai ông có những lỗi rất kỳ khôi – у огня có nghĩa là bên ngọn lửa, tức bên lò sưởi, bên bếp lửa, thì các ông lại bảo là bên cửa sổ. Simonov nhắn – đừng vội uống cùng với bạn, vì họ tin rằng anh đã chết, còn em thì đừng tin, và hãy đợi anh – thì hai ông San Thịnh lại hiểu ngược lại!
Tố Hữu dịch không đúng hoàn toàn từng chút, nhưng thông điệp chung của đoạn thơ thì ông đã truyền đạt đúng.
6. Đoạn thứ sáu của hai ông San Thịnh cho rằng Tố Hữu dịch ngoài ý
6. Và Xi-Mô-Nốp còn viết: ” Nếu có người vợ nào đó có cầm lòng không được, thì đừng trách họ làm gì. Nhưng trong bom rơi đạn lửa ta (em và anh) vẫn biết chờ nhau“. Tố Hữu dịch ra ngoài ý này: ” Thì Em ơi mặc bạn -…. “. Nên dịch lại là:
” Đợi Anh! Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi ” 

Đoạn này nói lên tư tưởng thoáng đạt, niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những người phụ nữ hậu phương có thể đi bước nữa, trong cảnh rất nhiều người chồng, người anh của họ đã ra đi mà không bao giờ có thể trở về.
Chỗ này, rất buồn mà nói, hai ông San Thịnh vẫn hiểu sai nguyên tác như các đoạn trước
Nguyên tác Simonov viết
Жди меня, и я вернусь,
Всем смертям назло.
Кто не ждал меня, тот пусть
Скажет: – Повезло.
Не понять, не ждавшим им,
Как среди огня
Ожиданием своим
Ты спасла меня.
Как я выжил, будем знать
Только мы с тобой,-
Просто ты умела ждать,
Как никто другой.
Đoạn này rất tiếc là không có gì chung với những gì hai ông San Thịnh đã viết. Xét về ngữ nghĩa, đoạn thơ trên của Simonov có thể diễn đạt như sau:
Hãy đợi anh, và anh sẽ trở lại
Cho những cái chết phải tức điên
Những ai không chờ anh, thì cứ để
họ nói rằng – May mắn thôi mà.
Những người không chờ đợi, họ đâu hiểu được
Rằng giữa chốn gian nguy lửa đạn
Em đã cứu sống anh, bằng sự chờ đợi của mình.
Làm thế nào mà anh đã sống sót được giữa nguy nan
Chỉ có em và anh biết, –
Đơn giản là em biết cách chờ đợi
Không như bất kỳ ai khác.
Chẳng có gì nói về tư tưởng thoáng đạt, niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những người phụ nữ hậu phương có thể đi bước nữa. Có thể Simonov có tư tưởng ấy, nhưng không diễn đạt nó trong đoạn thơ này. Cho nên rất tiếc, hai ông San Thịnh đã hiểu sai, và bắt Simonov phải nói những gì ông không nói.
7. Đoạn số 7, hai ông San Thịnh chê bản dịch của Tố Hữu là không đẹp, ngoài ý chí của tác giả.
7. Đoạn cuối Tố Hữu dịch là:
” Đợi Anh, anh sẽ về
Trong chết cười ngạo nghễ
Hẳn cho sự tình cờ…”. 

Trong nguyên tác không hề có sự ” chết cười “, không có ” ngạo nghễ “. Nói thế làm câu thơ không còn đẹp nữa. Trên đời không có sự tình cờ nào cả, mà nếu có thì cũng ra ngoài cái ý chí, lòng kiên định, sự tin tưởng của tác giả muốn nói. Cần phải dịch lại:
” Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau
Lúc Anh về, Anh biết ” 

Biết cái gì ? Tác giả đã lí giải và nên dịch lại đoạn này như sau:
” Chỉ có Em tha thiết
Dù dòng lệ cạn khô
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi “. 
Rất tiếc, đọc đoạn này chỉ thấy hai ông San Thịnh có vấn đề với việc ngắt câu trong tiếng Việt
Bản dịch của Tố Hữu
“Đợi Anh, anh sẽ về
Trông chết cười ngạo nghễ
Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ…”.
Câu thứ hai vốn phải ngắt câu thành
Trông chết, cười ngạo nghễ
tức là nhìn cái chết mà cười ngạo nghễ, thì hai ông San Thịnh lại ngắt thành
Trông chết cười, ngạo nghễ
Tất nhiên ngắt câu như thế thì vừa vô lý, vừa sai, vừa làm hỏng ý của Tố Hữu. Thiết tưởng không cần bàn thêm về những chỉ trích với câu này của Tố Hữu.
Bản thân cách diễn đạt “Trông chết cười ngạo nghễ” có thể hơi hào hùng quá so với Simonov, nhưng không hề sai ý. Hơn thế, nếu xét trong bối cảnh khi Tố Hữu dịch bài thơ, thì xu hướng anh hùng hóa là hoàn toàn dễ hiểu.
Tóm lại, cả 7 đoạn phê bình của hai ông Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh đều xuất phát từ việc hai ông hiểu sai bản gốc tiếng Nga, và hiểu sai nội dung tiếng Việt của Tố Hữu. Vì vậy, phần lớn các lời phê bình của hai ông San, Thịnh đều không có giá trị khoa học.
Bản dịch thơ của hai ông San Thịnh dẫn ra trong link trên, do xuất phát từ cách hiểu sai bản gốc, nên không đáp ứng được yêu cầu truyền đạt đúng tinh thần bản gốc, nếu không nói là nhiều đoạn dịch sai hẳn ý của Simonov. Do đó, không cần phải bàn thêm về giá trị nghệ thuật của bản dịch này.
Nina



Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư