Duyên Nợ Văn Chương




Duyên Nợ Văn Chương 


Vào năm 1836, vài tháng trước khi Pushkin mất vì cuộc đấu súng, tờ báo Telescope của Nga đăng bức thư thứ nhất trong tập thư có tên là Thư Triết Học, của nhà trưởng giả và cựu sĩ quan Nga, Pyotr Chaadaev. Vài năm trước đó, những thư này, nguyên viết bằng tiếng Pháp, đã lén lút lưu truyền trong giới trí thức Nga bị Tây Phương hoá ở Moscow và St. Petersburg - một đám tinh anh mất gốc mà Peter Đại Đế đã tạo ra, trong toan tính biến nước Nga ngày một Âu Châu hơn. Sự xuất bản lá thư thứ nhất, bằng tiếng Nga, như trên, đúng là một cú sét giữa trời quanh mây tạnh, như lời của Alexander Herzen. Ông đọc nó, khi đang trong tình trạng lưu vong. Có thể nói, đây chính là bước khởi đầu của cuộc sống trí thức Nga, như độc giả sẽ thấy sau đây.
    Chaadaev tố cáo sự cô lập về văn hóa và sự tầm thường của nước Nga; ông cũng tố cáo, sự bất lực về trí thức của tầng lớp tinh anh Nga, mà chính ông là một thành viên của nó. Ông viết:
    “Hồi ức của chúng ta chỉ tới ngày hôm qua, trước hôm nay đúng một ngày, không thể hơn; chúng ta đều như thế đấy, nghĩa là đều là những kẻ xa lạ, với chính mình… Điều này là hậu quả đương nhiên của một văn hóa nhập và nhái. Không có đồ lô, chỉ có đồ ngoại, hoặc nhái đồ ngoại. Chúng ta cứ thế nuốt tất cả những tư tưởng đã được làm sẵn. Như chúng ta được biết, sự vận hành của tư tưởng để lại một dấu ấn trong trí tuệ của con người. Dấu ấn này đem sức mạnh đến cho, và tạo nên vóc dáng của, trí tuệ. Do nuốt đồ làm sẵn, cho nên chẳng có cái gọi là dấu ấn ở trí tuệ của chúng ta. Nó cũng chẳng có vóc dáng nào hết. Chúng ta giống như những trẻ không được dậy tự suy nghĩ, và khi lớn, mọi tri thức của chúng thì cứ là là ở trên mặt không dính gì tới phần hồn của chúng”.
    Với những dòng trên Chaadaev công khai nói lên những ‘rất ư là hồ nghi ngày càng lớn dần’, về chính họ, tức tầng lớp tinh anh  Nga, có đặc quyền đặc lợi, với thói quen đã định hình từ bao đời, là cứ nghển cổ nhìn về một phía trời Tây Phương, để có cho họ một đường hướng văn hóa, và cảm thấy ôi đau đớn làm sao, đám tụi mình cứ như là một lũ đầu thai lầm thế kỷ, tách rời khỏi đại đa số lầm than, là dân chúng Nga. Trong một bài thơ, sớm sủa, từ thuở 1824, Puskhin đã để cho một nhân vật của mình lẩn thẩn, ‘nếu sự thực ở bên ngoài mình, biết đâu đấy, nó có thể ở một miền đất khác, ở Âu Châu, với trật tự lịch sử vững vàng, với cuộc sống thật là bền chắc, về mặt xã hội cũng như về mặt công dân của nó. Gần như suốt thế kỷ 19, những nhà văn nhà thơ Nga, thí dụ như Turgenev, Tolstoy, và Dostoevsky, bằng cách này hoặc cách nọ, cố gắng tìm cho ra một ý nghĩa, về liên hệ rất ư là đa đoan rắc rối, của riêng từng cá nhân với Tây Phương, cũng như với xã hội ‘nửa vời’ của họ.
Một trong những đệ tử của Pushkin, Gogol, sau trở thành một trong những khuôn mặt ảnh hưởng nhất trong cuộc tỉnh thức lớn lao về trí thức và tâm linh của Nga. Ông cho xuất bản những câu chuyện đầu tay thời gian 1831-32, bốn năm trước khi xuất hiện thư đầu tiên của Chaadaev. Chính những phác thảo bén nhạy, tếu tếu về cuộc sống ở Ukraine này, của Gogol, mà V.S. Naipaul đã có lần so sánh với những câu chuyện về thế giới người dân quê Ân Độ tại Trinidad, mà tác giả là cha của ông, Seepersad. Naipaul thấy và nghe những câu chuyện này, trong mười tám năm đầu đời ông trải qua tại Trinidad; rồi, ba năm tiếp theo, từ 1950 cho tới khi ông già mất, ông theo dõi diễn biến của chúng, từ Anh Quốc. Chúng ban cho Naipaul không chỉ tham vọng viết nhưng luôn cả - vào thời kỳ đói khổ và tuyệt vọng ở Anh, khi Naipaul bắt đầu viết và không biết làm sao xoay sở với nó – cái xương sống cốt tuỷ của việc viết.
    Những câu chuyện trên, là dựa vào kinh nghiệm của Seepersad khi là một ký giả và nhân viên nhà nước tại miền quê Trinidad, nơi gia đình ông cùng dòng dõi khác của những người Ấn đầu tiên tới đây như là những học viên lao động, họ tái tạo [re-created] ra một làng Ấn Độ theo kiểu ở quê hương ngày xưa của họ. Họ làm điều này, một phần là do đầu óc lãng mạn, trong đó, một dúm người tượng trưng cho thế giới Hindu của những người dân quê, coi như một toàn thể mang tính thơ mộng, trong đó, những tập tục, nghi lễ, huyền thoại giải thích và thực thi tất cả những ước muốn của con người. Mặc dù những nhân vật của ông là dựa vào những người trong gia đình họ hàng, nhưng Seepersad tránh không đụng đến nỗi thê lương tiều tuỵ, hay niềm đau của họ, và luôn cả sự tủi nhục mà chính ông đã từng trải qua khi còn là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Và như vậy, là, như Naipaul viết, trong lời tựa cho một lần xuất bản vào năm 1976, những câu chuyện của Seepersad, "có một số điều chẳng bao giờ có thể trở thành chất liệu cho việc viết. Cha tôi, không bao giờ, trong đời ông, đụng tới điểm nghỉ, từ đó, ông có thể nhìn lại quá khứ của mình” [‘certain things can never become material. My father never in his life reached that point of rest, from which he could look back at his past’].
    Theo Naipaul, sự so sánh với Gogol ngưng tại đây. Seepersad tìm ra tiếng nói của ông, như là một nhà văn trong những năm cực nhọc sau cùng của ông tại Port of Spain; Gogol kiếm thấy nó ở bước đầu khởi nghiệp viết của ông. Seepersad làm một cuộc hành trình dài, từ những nguồn gốc nhà quê của ông, khám phá ra thiên hướng văn chương của ông qua nghề ký giả, và cuối cùng thấy, mình có quá ít điều để mà viết ra, hay viết về. Ngay ở trong những câu chuyện đầu tay, Gogol đã vượt qua được cái điều mà Seepersad coi như là trí thức tủi hổ, và sự ù lỳ văn chương và từ đó, nhìn ra, chất liệu mà “Nước Nga trông vào đó và đòi hỏi”.
    Như Naipaul nhận ra, Seepersad thừa hưởng nhiều, ở “xã hội không hình dạng, không tên gọi của ông” cũng như những hoàn cảnh cá nhân của mình. Dòng dã ba thế kỷ, hòn đảo Trinidad ở vùng Caribean đã là một trại lao động cho những đế quốc ở Âu Châu. Những nô lệ và những học viên lao động từ nhiều nơi khác nhau của Phi Châu, và Á Châu đã dần dà thay thế thổ dân Da Đỏ. Như là  một xã hội thuộc địa, nó có tính thủ công, manh mún, và tuỳ thuộc nhiều vào một Tây Phương - thủ phủ lớn, chính quốc - hơn là Nga xô, như Chaadaev mô tả. Nó cũng quá nhỏ bé, chẳng có chút quan trọng về mặt chính trị, và về mặt địa dư, bị tách ra khỏi cả thế giới còn lại. Có gì đâu để mà gặp gỡ, viết ra? Và đây đúng là điều mà Naipaul và cha ông cho thấy, cùng những toan tính khởi nghiệp văn của cả hai: có quá ít điều để mà viết ra, hay là viết về nó.
    Vào lúc thoạt đầu, có một sự không tương xứng, như Naipaul sau này viết, trong “Đọc và Viết” (1998), giữa “tham vọng, đến từ bên ngoài, từ một văn hoá khác, của cha ông”, với “cộng đồng của chúng tôi, vốn không có một truyền thống văn học sống động”. Như chính Naipaul khám phá ra, đọc văn chương, thứ mà Trinidad nhập cảng từ Anh Quốc, nó gây rối nhiều hơn là có ích. “Những tiểu thuyết gia lớn viết về những xã hội đã được tổ chức rất cao; tôi không thể chia xớt những giả định của những nhà văn đó; tôi không thấy thế giới của tôi phản chiếu ở trong những cuốn sách của họ.” Daffodil [Thuỷ tiên vàng] của Wordsworth là ‘một bông hoa đẹp, chẳng chút hồ nghi, nhưng chúng tôi chưa hề nhìn thấy nó.” Những cuốn sách ngoại chỉ tốt khi chúng có thể chuyển hóa [adapted] vào trong những điều kiện địa phương. Mưa, mưa phùn và sương mù của Dickens phải biến thành những trận mưa như trút nước của miền nhiệt đới. “Nhưng chẳng nhà văn, cho dù tầm nhìn cá nhân cao xa vời vợi cách mấy, cũng chẳng thể nào tách ra khỏi xã hội của người đó”; và những cuốn sách nhập thì vẫn luôn luôn là xa lạ, và không thể hiểu được.
    Cùng lúc, văn học từ Âu Châu có một sức quyến rũ không thể nào cưỡng lại nổi, thứ “quyền lực mềm như nhung, mượt như lụa” này, chính là của một nền văn minh thành công, mang tính đế quốc. Nó làm mờ tầm nhìn trực tiếp về xã hội của chính mình, của một người nào đó. Nếu, “là một tên thuộc địa” - như Naipaul viết trong một tiểu luận sớm sủa của ông, nhan đề là “Đông Ấn” – “có nghĩa là một tên ngớ nga ngớ ngẩn, khó ưa, dưới mắt một người nào đó, đặc biệt hơn, nếu người này đến từ chính quốc”; và nếu như vậy, thì, với một tên thuộc địa, ngớ nga ngớ ngẩn đến nỗi ôm vào người tham vọng viết văn, tình cảnh này mới nhục làm sao, tủi làm sao! Đũa mốc mà lại đòi mâm son! Bởi vì, làm sao mà viết được, về một xã hội chẳng có vóc dáng, và chỉ gây bực mình? Thật khó mà cưỡng lại, lòng hồ nghi, rằng những đề tài thực sự của văn học, chúng nằm ở Âu Châu, trong cái “trật tự bền vững lịch sử, và trong cuộc sống được xây dựng rất ư là tốt đẹp về mặt xã hội và công dân của nó."
Chính là nỗi đau nhức trí thức thuộc địa, chính nỗi chết không rời đó, tẩm thấm mãi vào mình, khiến cho Naipaul có được sự can đảm để làm một điều thật là giản dị: “Tôi gọi tên em cho đỡ nhớ”. Em ở đây, là đường phố Port of Spain, thủ phủ Trinidad. Khó khăn, ngại ngùng, và bực bội – dám nhắc đến tên em – mãi sau này, sau sáu năm chẳng có chút kết quả ở Anh Quốc, vẫn đọng ở nơi ông, ngay cả khi Naipaul bắt đầu tìm cách cho mình thoát ra khỏi truyền thống chính quốc Âu Châu, và tìm được can đảm để viết về Port of Spain như ông biết về nó. Phố Miguel (1959), cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản, là từ quãng đời trẻ con của ông ở Port of Spain, nhưng ở trong đó, ông đơn giản và bỏ qua rất nhiều kinh nghiệm. Hồi ức của những nhân vật tới “từ một thời nhức nhối. Nhưng không phải như là tôi đã nhớ. Những hoàn cảnh của gia đình tôi quá hỗn độn; tôi tự nhủ, tốt hơn hết, đừng ngoáy sâu vào đó.”
    Nhưng, như thế là, ông đã làm được một cú khởi đầu. Phố Miguel, giống như một câu thần chú, đã mở ra quá khứ Trinidad của ông mà chính ông, trước đó, vẫn chưa coi đây là những chất liệu có thể sử dụng được cho việc viết, và thế là ông bắt đầu phát triển, khai phá, ngày càng thêm tin tưởng và tự tin về mình. Ba cuốn sách tiếp theo bao gồm điều bây giờ được coi là một sử thi về một thế giới hậu thuộc địa. Một Căn Nhà Cho Ông Biswas (1961), Biswas, dựa vào những câu chuyện của cha ông, về đồng quê Trinidad, Naipaul coi đây là “đầy đủ và giá trị nhất”, nếu nói về kinh nghiệm của ông, khi còn là một đứa trẻ ở Trinidad.
2
 Pankaj Mishra giới thiệu tập tiểu luận Literary Occasions [nhà xb Vintage Canada, 2003], của V.S. Naipaul.



 2.
    Nhưng chất liệu thì cứ trơ ra như thế: this material is fixed, “Tôi không có cách chi để mà thêm thắt”, như ông nói. Naipaul vẫn còn vài năm cách xa, điều mà sau này, ông coi là sự quan tâm đầy đủ của mình, về lịch sử, hay câu chuyện, của Trinidad - lịch sử của diệt chủng, bóc lột, khốn cùng và bỏ mặc – mà ông có được khi tìm tòi nghiên cứu và viết “Sự Mất Mát Thành Phố Vàng El Dorado” (1969). Ông vẫn chưa có thể viết được một cuốn sách về những năm ở Anh; và giả tưởng, tức tiểu thuyết, chúng hoạt động “tốt nhất, ở bên trong những biên cương xã hội đã được xác định”, những cuốn tiểu thuyết như thế có vẻ như không thể nào sử dụng được thứ hiểu biết ngày càng trở nên mầu mỡ, của Naipaul. Những cuốn sách du lịch, về vùng Caribean, và Ấn Độ hứa hẹn một sự giải thoát, nhưng một lần nữa, lại bật ra, tham vọng, về một văn chương thoải mái, tự do chống lại truyền thống văn chương đã được xác định. Bởi vì sách du lịch, như Naipaul khám phá ra, nó là một phần khó có thể tách ra khỏi truyền thống chính quốc, đế quốc, khó hơn nhiều, so với tiểu thuyết.
    Những nhà du lịch Anh mà Naipaul muốn nương theo – D.H. Lawrence, Aldous Huxley, Evelyn Waugh – “viết vào thời đế quốc”; họ, “không thể tránh được, đều trở thành một nửa-đế quốc, trong những câu chuyện du lịch của họ”. Ông đâu muốn là nhà văn du lịch theo kiểu đó, khi viết về vùng Caribean hay Ấn Độ, xứ sở của tổ tiên của ông. Sau đó, ông viết về chuyến đi đầu tiên của mình, vào đầu thập niên 1960, ở trong Bí Ẩn Lúc Tới (1987),  rằng, “chẳng có mẫu mã nào cho tôi, về cái kiểu khai phá, thám hiểm này, chẳng ông nào giúp được tôi, nào Forster, nào Ackerley, nào Kipling.” Ông không thể nào đóng vai của họ, ấy là nói vẻ cái vẻ dửng dửng, tách ra khỏi sự kiện, luôn cả cái giọng diễu cợt tí tí của họ, bởi vì, “nhìn - như một kẻ du lịch, một khách thăm viếng - những cộng đồng điêu đứng tiều tụy khác, tại một miền đất bị cướp đoạt, bóc lột đến trơ xương ra như thế… là nhìn, từ một khoảng cách, cộng đồng của chính mình, thì cũng rứa như vậy.”
    Những “nhắc nhở” không thể tránh được như thế đó, về chính quá khứ của mình – cái quá khứ mà ông vẫn không thể nào rũ khỏi, vào những năm đầu thập niên 1960, chính những điều này làm cho Naipaul trở thành một “tay du lịch đáng sợ” [the fearful traveller], ở Ấn Độ. Nhưng nó cũng ép ông phải “tự định nghĩa rất rõ ràng với chính mình”: một sự nhìn nhận, về một nơi chốn có tính lịch sử và văn học, và điều này trở thành một thói quen ở nơi ông, và, sau cùng, đây là nền tảng cho những nhận xét của ông về những nhà văn khác. Những tiểu luận văn học và có tính tự thuật, nếu đọc cùng với những bài viết về những xã hội Ấn Độ, Phi Châu, và Mỹ Châu, được in trong Nhà Văn và Thế Giới, chúng đưa ra những nhận xét về nhiều người viết khác biệt, như Kipling, Gandhi, Nira C. Chaudhuri, Conrad, và R.K. Narayan. Chúng dựa vào những dẫn giải đặc sắc, uyên nguyên, về lịch sử và luôn luôn qui về vấn đề tự xác định mình, tự nhìn ra mình: làm sao, bằng cách nào nhà văn nhập vô, hoặc rãn ra, ấy là nói về những xác quyết sâu xa của họ, về xã hội có họ ở trong; và viết về nó; làm sao, bằng cách nào, hình thái, thể loại văn học mà họ chọn lựa đó lại có thể phản ảnh, hoặc méo mó, làm biến dạng những kinh nghiệm đặc thù của họ về thế giới.
Theo Naipaul, sở trường, và luôn, sở đoản [những đức hạnh và những hạn chế] của Kipling, ở trong Plain Tales from the Hills, [Những câu chuyện đơn giản từ vùng đồi], đều do ông là thành viên câu lạc bộ Hoàng Gia Anh-Ấn, nơi thoải mái dành riêng cho tầng lớp tinh anh. “Cái thế giới do con người tạo ra, đầy đủ, đồng nhất đó đâu cần giải thích”? Nó làm cái nhìn châm biếm của ông trở nên tinh tế hơn, “riêng tư” hơn. Vẫn nó, làm giọng văn của ông “dẫn dụ, uyển chuyển,… dễ đọc, nhưng gọn gàng”. Tuy nhiên, hay quá thành vụng, nếu có thể nói như vậy, bởi vì theo Naipaul, qua phân tích tính đa dạng của lịch sử của ông, nhờ tính Anh Ấn chật hẹp này mà Kipling viết được tác phẩm đầu tay, nhưng cũng chính nó đã khiến cho người Ấn không chịu tìm hiểu về chính họ.
    Trong nửa sau của thế kỷ 19, người Anh ở Ấn chuyển, từ “Cái Học Mới của Âu Châu”, mà họ thoạt đầu đại diện, qua “Hiện Đại Hóa những người Ấn Độ”. Họ ngày càng tỏ ra có thiện cảm với “những sự giản dị không mang tính trí thức” của “những người Pathan mắt xanh”, hơn là với những người Bangalis chuyên bàn cãi về thuyết Darwin và Mill. [Vốn là dân] “Ngoại ô và ít học”, họ dửng dưng trước những ước mong hiện đại hoá của Ấn Độ, chính những hoài vọng này đưa đến sự phục hưng trí thức Bengali thế kỷ 19, và khi nó qua đi, Nirad C. Chaudhuri đã bùi ngùi thương tiếc, trong Tự Thuật Của Một Người Ấn Độ Vô Danh (1951). Chẳng có gì là ngạc nhiên, văn hóa Ấn và Anh cứ thế “nghinh” nhau, và ngôn ngữ chia sẻ giữa đôi bên - tiếng Anh - chỉ gây thêm những những dở khóc dở  cười, những đầu Ngô mình Sở về mặt văn hoá.”
    Naipaul nhìn ra hiểu lầm và vô bổ, trong “cuộc gặp gỡ Anh Ấn”, và “trí thức lộn tùng phèo, của một tân Ấn Độ” ở trong những tự truyện của người Ấn, sự thiếu sót chi tiết cụ thể, vật lý, và thiếu sót một hỏi tra nghiệt ngã về chính mình, của họ. Những cuốn sách của họ nói với Naipaul về một xã hội “chưa học nhìn, và bất lực trong việc tự xác định nó, không hề đặt ra những câu hỏi, bởi vì bao lễ nghi tập tục, huyền thoại dân gian.. đã cung cấp tất cả những câu trả lời rồi.” “Những ám ảnh về thề nguyền, đồ ăn thức uống, thí nghiệm, bệnh tật tái đi tái lại…” của Gandhi đã biến cuốn tự truyện của ông thành một thứ “tạp nhạp, lai căng, hổ lốn, trong đó, một quan niệm mang tính tôn giáo về cuộc đời, thật tiếu lâm, ở trong văn hoá này, khi chuyển qua văn hoá kia, nó biến thành một thứ tự yêu mình, self-love, thật khó chịu.
3
 Pankaj Mishra giới thiệu tập tiểu luận Literary Occasions [nhà xb Vintage Canada, 2003], của V.S. Naipaul.


 Duyên nợ văn chương

3.

    Theo Naipaul, tiểu thuyết ở Ấn cho thấy một thí dụ khác về thể loại văn học bị hiểu lầm và áp dụng sai. Như ông nhìn ra, tiểu thuyết phát triển, và có những bực thầy vĩ đại của nó, tại Âu Châu. Đây đâu phải một chuyện tình cờ. [Ở đó], tiểu thuyết bật ra, từ bao tác động phức tạp, chồng chéo, đan xen, của, nào là những yếu tố lịch sử đặc thù, như sự triển nở về kỷ nghệ, sự mở rộng đế quốc, sự biết đọc, biết viết, có tí trí thức của quần chúng, nào là chủ nghĩa thế tục ngày càng mở rộng làm cho nhà thờ mất dần ảnh hưởng độc tôn của nó, nào là sự đăng quang của giai cấp trung lưu. Tiểu thuyết, thứ thể loại văn học, “hấp dẫn làm sao, dễ bắt chước làm sao, như bề ngoài của nó cho thấy”, như Naipaul viết, trong Đọc và Viết”, nó tràn  ngập “những giả định của chính quốc, [tức của Âu Châu], về xã hội: đọc nó,  chắc là sẽ học hỏi, hiểu biết thêm ra, rộng ra, sẽ có được ý tưởng này nọ về lịch sử, một quan tâm tìm hiểu về chính mình.” Trong một nước Ấn Độ thời kỳ hậu thuộc địa, Naipaul nhận ra, hoặc, những giả định [về xã hội] thì hết thảy đều “sai lầm” [“wrong”], hoặc, cái gọi là học hỏi, hiểu biết thêm, thì đều “thiếu sót, hoặc khiếm khuyết” [“missing or imperfect”].
    Tiểu thuyết gia R. K. Narayan là “một sự thoải mái và một thí dụ”, cho cả hai, ông cụ thân sinh của Naipaul, và Naipaul, trong toan tính hoàn tất nhiệm vụ khó khăn, là, viết bằng tiếng Anh, về cuộc sống Ấn Độ. Theo Naipaul, “có vẻ như ông ta viết từ bên trong văn hoá của mình” [he “appeared to be writing from within his culture”]. “Ông ta thực sự sở hữu thế giới của ông ta. Nó tràn đầy ra đó, và chờ đợi ông ta.” Nhưng thế giới của ông ta đó, nếu quan sát thật gần, thì thấy là, nó quá tĩnh, nếu không muốn nói là ù lì, thụ động. Những nhân vật của Narayan, theo Naipaul, có vẻ như được “cách ly một cách kỳ kỳ, ra khỏi lịch sử”, một lịch sử của thất bại, của quy phục, nó thì sờ sờ ra đấy, trên  toàn thể Ấn Độ, vậy mà, thế giới tiểu thuyết giả tưởng của Narayan thì cố mà cãi cho bằng được, rằng, “không, nói cho cùng, nó đâu có đến nỗi tệ hại như vậy, nó đâu có ăn sâu đến tận xương tuỷ Ấn Độ!”. Như Naipaul chỉ ra, tiểu thuyết ở Ấn Độ, và đặc biệt, tiểu thuyết của Narayan, có thể “đụng, tới nơi tới chốn, tới những cái bên ngoài của sự vật”, nhưng thường xuyên, “hụt hẫng, bỏ sót, vờ đi, cái yếu tính khủng khiếp của chúng”. [… ‘deal well with the externals of things,’, but often, ‘miss their terrible essence’].

Bản thân Naipaul cũng bắt đầu bằng những cái bên ngoài của những sự vật, hy vọng từ đó tới được, qua văn chương, “một thế giới đầy đủ đợi chờ tôi ở đâu đó”. “Tôi giả dụ”, Naipaul viết, trong một tiểu luận về Conrad được xuất bản vào năm 1974, “bằng sự quái dị của mình, tôi nhìn ra, chính tôi, đến Anh Quốc, như tới một miền đất chỉ thuần có ở trong cõi văn chương, ở đó, chẳng bị trắc trở, khó khăn vì biến cố, tai nạn lịch sử  hay gốc gác, nền tảng, tôi làm ra một sự nghiệp văn chương, như là một nhà văn chính hiệu con nai vàng.” Nhưng hỡi ơi, thay vì vậy, một sự khiếp đảm chính trị [a political panic] tóm lấy ông, ngay vừa mới ló đầu ra khỏi cái thế giới tù đọng của vùng đất thuộc địa
Trinidad. Dời đổi tới một thế giới lớn hơn, theo Naipaul, nghĩa là, ngộ ra rằng, có một lịch sử của đế quốc, và cái lịch sử này thì thật là độc địa, tàn nhẫn, và cùng lúc, thấm thía chỗ của mình, ở trong đó; trần truồng ra trước những xã hội nửa đời nửa đoạn, tức chỉ có một nửa, [half-made societies], tức những xã hội thuộc điạ: chúng cứ thường xuyên tự nhồi nặn lẫn nhau [“constantly made and unmade themselves”]: những phát giác đau thương như thế đó, thay vì dần dần lắng dịu đi, chúng lại càng trở nên nhức nhối hơn, khi ông dám chọn cho mình một ‘nghiệp văn”, ở Anh Quốc.
    Hầu như trơ cu lơ, đơn độc, giữa tất cả những nhà văn lớn viết bằng tiếng Anh, nhưng Conrad, chính ông ta có vẻ như đã giúp đỡ, và hiểu Naipaul và hoàn cảnh trớ trêu của ông, một tay lưu vong tới từ một vùng đất thuộc địa, và thấy mình đang loay hoay, kèn cựa, cố tìm cho bằng được cái chỗ đứng, như là một nhà văn, ở trong một đế quốc [thấy mình làm việc trong một thế giới và truyền thống văn học được nhào nặn bởi đế quốc … “who finds himself working in a world and literay tradition shaped by empire”]. Conrad là “nhà văn hiện đại đầu tiên” mà Naipaul đã được ông via của mình giới thiệu. Thoạt đầu, ông này làm Naipaul bị khớp, bởi “những câu chuyện bản thân chúng thật là giản dị, và luôn luôn, tới một giai đoạn nào đó, chúng trượt ra khỏi tôi”. Sau đó, Naipaul giản dị hoá vấn đề, bằng cách, khoán trắng cho những sự kiện. Đọc Trái Tim Của Bóng Đen, ông coi, nó là như vậy đấy: nền tảng của cuốn tiểu thuyết là Phi Châu - một vùng đất bại hoại bởi sự cướp bóc, bóc lột, và bởi sự độc ác “có môn bài” [licensed cruelty].
    Du lịch và viết, đối với Naipaul, là một cách để bầy ra sự ngây thơ chính trị này, của người thuộc địa. Theo Naipaul, giá trị của Conrad – cũng là một kẻ lạ, một kẻ ở bên ngoài nước Anh, và một nhà du lịch kinh nghiệm đầy mình, ở Á Châu và Phi Châu - nằm ở trong sự kiện là, “ngó bất cứ chỗ nào, thì ông ta cũng đã ở đó, trước tôi.”, “ông ta như đã đi guốc vào trong bụng tôi, theo nghĩa, ông là một trạm chung chuyển, “một kẻ trung gian, về thế giới của tôi”, về “những nơi chốn tối tăm, xa vời”, ở đó, những con người, “bị chối từ, vì bất cứ một lý do nào, một cái nhìn thật rõ ràng về thế giới”.
    Naipaul coi tác phẩm của Conrad, là đã “thâm nhập vào rất nhiều góc thế giới, mà ông ta thấy, đen thui ở đó.”  Naipaul coi đây là một sự kiện mà ông gọi là “một đề tài suy tư theo kiểu Conrad”; “nó nói cho chúng ta một điều”, Naipaul viết, “về thế giới mới của chúng ta”. Chưa từng có một nhà văn nào suy tư về những trò tiếu lâm, tức cười, trớ trêu này, của lịch sử, suy tư dai như đỉa đói, như là Naipaul, nhưng sự sống động ở nơi ông, có vẻ như đối nghịch với vẻ trầm tĩnh [calm] của Conrad, và cùng với vẻ trầm tĩnh của ông nhà văn Hồng Mao này, là nỗi buồn nhẹ nhàng của một kẻ tự mãn, tự lấy làm hài lòng về chính mình. Có vẻ như Naipaul cố làm sáng mãi ra, và đào sâu thêm mãi, tri thức và kinh nghiệm, hai món này, đối với Conrad, ông coi như đã hoàn tất đầy đủ, và cứng như đinh đóng cột. Bó trọn gói, những cuốn sách của Naipaul không chỉ miêu tả nhưng mà còn khuấy động, và cho thấy, bằng cách nào, khởi từ “những nơi chốn tối tăm và xa xôi” của Conrad”, ông dần dà mò về phiá, ở đó, có một cái nhìn thật là rõ ràng về thế giới [a clear vision of the world]. Chẳng có điểm nghỉ ngơi, trong chuyến đi này, mà bây giờ, cuộc đi này, tức cuời thay, có vẻ như là một hành trình lật ngược chuyến đi tới trái tim của bóng đen, của Conrad. Mỗi cuốn sách, là một bắt đầu mới, nó tháo bung những gì trước nó. Điều này giải thích bi kịch không bao giờ chấm dứt, và cứ thế lập đi lập lại mãi, của Sự Tới [arrival], nó có vẻ như là một ám ảnh khởi nghiệp văn, ở trong những tác phẩm của Naipaul.
    "Có đến một nửa những tác phẩm của một nhà văn, là chỉ để loay hoay khám phá đề tài”, Naipaul viết, trong “Lời Mở cho một Tự Thuật”. Nhưng văn nghiệp của chính ông cho thấy, một sự khám phá ra như thế có thể chiếm cứ hầu như trọn cuộc đời của một nhà văn, và cũng còn tạo nên, cùng lúc, tác phẩm của người đó - đặc biệt đối với một nhà văn theo kiểu Naipaul: một nhà văn bán xới, vừa độc nhất, vừa đa đoan rắc rối làm sao [a writer as uniquely and diversely displayed as Naipaul], một nhà văn mà, không như những nhà văn Nga xô thế kỷ 19, chẳng hề có một truyền thống văn học phát triển nào, mà cũng chẳng có một xứ sở rộng lớn đa đoan phức tạp nào, để mà “trông cậy vào đó, và đòi hỏi”.
    Để nhận ra những sắc thái gẫy vụn, rã rời của căn cước của bạn; để nhìn ra, bằng cách nào những mảnh vụn đó làm cho bạn trở thành là bạn; để hiểu rõ, điều gì cần thiết ở cái quá khứ đau đớn, và khó chịu và chấp nhận nó, như là một phần của hiện hữu của bạn - một hiện hữu như là một tiến trình không ngừng nghỉ, một tiến trình, thực sự mà nói, của hồi tưởng, của tái cấu tạo một cái tôi cá thể nằm dưới sâu trong căn nhà lịch sử của nó, đó là điều phần lớn tác phẩm của Naipaul say mê dấn mãi vào. Người kể chuyện của nhà văn Pháp Proust, ở trong Đi Tìm Một Thời Gian Đã Mất, định nghĩa, cũng một sợi dây nối kết sống động như vậy, giữa hồi nhớ, tri-thức-về-mình, và nỗ lực văn chương, khi anh ta nói, sáng tạo ra một nghệ phẩm cũng đồng nghĩa với khám phá ra cuộc đời thực của chúng ta, cái tôi thực của chúng ta, và, “chúng ta chẳng tự do một tí nào, theo nghĩa, chúng ta không chọn lựa, bằng cách nào, chúng ta sẽ làm đời mình, bởi vì nó có từ trước, và do đó, chúng ta bị bắt buộc phải làm ra đời mình. Và, đời của mình thì vừa cần thiếu, vừa trốn biệt đâu đâu,  và, nếu làm ra đời mình là luật sinh tồn của thiên nhiên, nếu như vậy, làm đời mình, có nghĩa là, khám phá ra nó.”
Pankaj Mishra giới thiệu tập tiểu luận Literary Occasions [nhà xb Vintage Canada, 2003], của V.S. Naipaul.
 NQT chuyển ngữ.



Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư