Dương Tường Kẻ Chữ


 Dương Tường Kẻ Chữ

Đặng Tiến

Ngày 16.1.2009, đại sứ quán Pháp ở Hà Nội sẽ tổ chức một buổi lễ trao tặng huân chương Nghệ Thuật và Văn Học, Officier des Arts et Lettres cho nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Nhân dịp này, nhà văn Đặng Tiến đã gửi cho Diễn Đàn bài phác hoạ chân dung ông. 
 Gấu cũng có vài kỷ niệm về Dương Tường, và qua đó cho thấy, Đặng Tiến hình như bỏ qua một nghề của chàng: Nghề hướng dẫn du lịch.
Lần về Hà Nội, Gấu gặp ông, trong một cuộc biểu diễn hát quan họ cho một đoàn khách dụ lịch, ông làm hướng dẫn viên, và Gấu tới quán đó, hoàn toàn do tình cờ. Tay PNT - Pham Ngoc Tien - gật gù, vậy là anh may lắm, được coi biểu diễn hát quan họ, hay hát chèo, free. Gấu mang theo cái camera, bèn đi một đường bấm máy, bấm tới ông, thừa thắng xông lên xin phỏng vấn, ông nói, lúc nào mà chẳng được, sao lại lúc này?
Quả có thế.
Lần sau gặp tại nhà ông. DMT đưa tới. Tiếp đãi lịch sự. Chạy lên lầu, lấy một cuốn sách dịch, trong có bài của NTV, dịch Paz, nhờ về đưa tặng giùm.
NTV nhận sách, nói, lần trước, tôi có anh bạn, về Hà Nội, nhờ anh ta ghé hỏi thăm DT, ông ta không đưa sách. Vậy mà đưa cho anh cầm giùm.
Trong đoàn khách du lịch có một em đầm xinh lắm, Gấu có xin chụp hình em, để bữa nào trình độc giả.
 


Nhà thơ Dương Tường vừa được Cộng hòa Pháp tưởng thưởng huân chương Nghệ Thuật và Văn Học, Officier des Arts et Lettres, có lẽ trong tư cách dịch giả, vì anh đã chuyển ngữ rất nhiều tác phẩm Phương Tây sang tiếng Việt, bắc nhịp cầu giao kết hai bờ văn hóa Việt Nam và Âu Tây – trong đó có nước Pháp là thân thiết nhất. Dương Tường có nhiều dịp viếng thăm Pháp, thích dạo chơi Paris, và thường nhầm đường vì tưởng mình đang đi giữa Hà Nội ; ở Hà Nội thì khi cao hứng lại thích hát bài Tây.
Gọi anh là dịch giả là đúng, vì sinh hoạt chính của anh, thậm chí là nghề. Gọi là thi sĩ càng đúng, vì anh sống ở đời trong tâm thế thi nhân. Tôi gọi anh là ngữ nhân, hay kẻ chữ, người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian. « Ngữ nhân » rộng nghĩa, và trầm trọng hơn từ « phu chữ » mà bạn anh, Lê Đạt đã dùng.
Phu, dù là đại phu, trượng phu hay phu phen vẫn còn giới hạn nghiệp vụ hay giai cấp.
Nhân là người. Ngữ nhân là người sống bằng ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là lẽ sống. Ngôn là lời nói cá nhân, là parole, ngữ là tiếng nói cộng đồng, là langue, của nhiều dân tộc.
Người dịch thuật sống lắc lư giữa lờitiếng : cuộc đời Dương Tường là con tàu say lắc lư triền miên trên đại dương ngôn ngữ không bờ không bến.
*
Họ tên họ đầy đủ là : Trần Dương Tường. Ai gửi thư, nên ghi tên họ đầy đủ thư mới đến ; thận trọng hơn, đề tên chị ấy, Nguyễn thị Trinh, thư đến nhanh hơn.
Trần Dương Tường, sinh ngày 4 tháng 8, 1932, tại Nam Định. Dòng dõi gia thế, ông nội đỗ cử nhân, làm đốc học. Thân sinh phá nghiệp, đi kinh doanh, làm thầu khoán. Gia tư khá giả, gia đình anh ngày nay thừa hưởng ngôi nhà 3 b, ngõ Phan huy Chú, Hà Nội, một thời làm nơi tụ họp của bạn bè lãng tử. Về sau biến thành phòng triển lãm tranh, Gallery Mai, đứng tên con gái, nơi tụ họp nghệ sĩ nhiều lớp tuổi khác nhau, không nhất thiết bè phái. Nhưng hợp tính thì vẫn vui hơn.
Dương Tường học tiểu học tại Nam Định. Lên Hà Nội vào trung học vài năm thì gặp Cách mạng tháng 8. Anh bỏ trường, đi làm liên lạc cho Việt Minh, khu Vĩnh Yên. Gia đình gọi về, đi học lại vài tháng tại trường Phan chu Trinh, rồi lại đi kháng chiến, làm tuyên truyền. Gia nhập bộ đội 1949. Không biết chiến sĩ Dương Tường đánh chác ra sao, nhưng trong ba lô thường có hai từ điển tiếng Pháp và tiếng Anh : anh tự học ngoại ngữ từ đó và bằng cách ấy.
Năm 1950, tại mặt trận Hối Đào, Nam Định, chiến sĩ Dương Tường thuộc trung đoàn 66, đọc « A l’Ouest, rien de nouveau » của E.M. Remarque, và khám phá ra rằng… phương Tây cũng có điều mới lạ.
Xong chiến tranh, anh về công tác tại Thông tấn Xã Việt Nam đến 1964. Tham gia Ủy ban điều tra tội ác đế quốc Mỹ tại Vịnh Bắc Bộ, rồi chuyển sang dịch thuật.
Đời sống khó khăn và dao động, nhất là vào thời điểm vụ án xét lại chống Đảng. Anh là người kêu gọi tập hợp mua vòng hoa viếng Dương Bạch Mai bị đột tử và bị kết án câu kết với Liên Xô. Dương Tường mang vòng hoa đến ngay tang lễ. Chi tiết thôi, nhưng Hà Nội thời ấy là sự cố, và nói lên dũng khí và tình nghĩa.
Bắt đầu dịch từ 1960 : Cây Tường vi, tập truyện Liên Xô.
1960 : dịch Tchekov, cùng với Cao Nhị, Nhị Ca, Lê Phát. La Mouette, Hải Âu (cháu trai Hải Âu do tên vở kịch) ; L’oncle Vania, Ông Cậu (nhắc lại : Nguyễn Tuân viết bài về Tchekov nên thành có « vấn đề »).
1963 : Anna Karénine của Tolstoi cùng với Nhị Ca, và được phép ký tên dịch giả.
Sau đó không được phép ký tên cho đến 1972.
Tiếp theo là Đất Dữ, Terres Violentes, của Jeorges Amado, truyện Ehrenbourg, Simonov, từ tiếng Pháp. Thư người đàn bà không quen của Stefan Zweig, một số kịch Shakespeare, truyện Đồi gió hú của E. Bronte, Cội Rễ của Alex Haley, 1980 ; Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, 1989.
Có lúc anh quan tâm đến Patrick Modiano Đại lộ ngoại vi, Les Boulevards de Ceinture, (giải Hàn Lâm Viện Pháp) ; Phố những cửa hiệu u tối, Rue des Boutiques Obscures (giải Goncourt), rồi đến Claude Simon (Nobel 1985) vừa khó vừa dài : Con đường xứ Flandres, La route des Flandres ; Günter Gras (Nobel 1999) : Cái trống thiếc, Le Tambour. Cuốn l’Etranger của Albert Camus, anh dịch Người Dưng đã gây tranh cãi. Mặt trời nhà Scorta, Le soleil des Scorta, của Laurent Gandé, 2005.
Nhiều người nhận xét : Dương Tường ham vui, thậm chí ham chơi. Thì giờ đâu mà dịch nhiều thế ? Và tuổi cao, thân xác gầy còm thì sức khỏe đâu ra mà vừa dịch, vừa viết phê bình, lý luận, đặc biệt về Mỹ Thuật, tập hợp thành sách dày cộm, Chỉ tại con Chích Chòe, 2003. Và nhiều tập thơ : 36 Bài tình (chung với Lê Đạt), 1989 ; Đàn, 2003, một thể nghiệm thơ bằng hội họa ; Thơ Dương Tường (2005) gồm nhiều bài tân kỳ, có bài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, đáp ứng lại với tư trào thi ca mới trên thế giới. Và quan niệm mới về thơ, khác với ngôn ngữ đời thường. Thơ không còn là công cụ biểu đạt khái niệm : thơ là câu chữ tự lấy mình làm đối tượng, chủ yếu về ngữ âm.
Trên tạp chí Sông Hương tháng 6.1990, Dương Tường trả lời phỏng vấn : « vật liệu chính của thơ tôi không phải con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là ở chỗ họ làm việc ngôn ngữ trên chiều ‘biểu nghĩa’ (signifié), còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều ‘năng nghĩa’ (signifiant). Những gì ở thơ họ là ‘đã’ thì ở tôi là ‘đang’. Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn ‘thẳng’ còn ở tôi là mặt chữ nhìn ‘nghiêng’. Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Tôi muốn đi theo một thi pháp âm bồi, nếu có thể gọi thế. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi ».
Dương Tường sành âm nhạc, thích nhạc cổ điển Tây Phương.

Dương Tường tự họa
***
Nhà thơ Hoàng Hưng, trong lời bạt cho tập Thơ Dương Tường, để làm sáng tỏ đề tài, phân biệt hai quan niệm, hai dòng thơ : « dòng nghĩa » làm việc trên chiều biểu nghĩa, signifié, (thường gọi là « cái được biểu hiện ») và « dòng chữ » làm việc trên chiều năng nghĩa, signifiant (giới ngữ học gọi là « cái biểu hiện »).
Nói khác đi, Dương Tường ngoài công tác dịch thuật, đã góp sức vào việc cách tân thơ Việt Nam, vừa bằng sáng tác, vừa bằng lập thuyết, vừa bằng cách ủng hộ những nhà thơ trẻ và tư trào thơ mới đương đại.
Ngoài ra, trong hội họa, bằng những bài phê bình, giới thiệu và nhờ phòng triển lãm của gia đình, anh cũng đóng góp vào sự nghiệp gầy dựng cho đất nước một quan niệm nghệ thuật hội họa mới. Và bản thân anh cũng vẽ tranh.
Nhìn chung vào cuộc đời và sự nghiệp Dương Tường, tôi gọi anh là « ngữ nhân » hay « kẻ chữ » là vì vậy.
Dương Tường Kẻ Chữ : với nhau, nôm na thế thôi. Vậy thôi

Dương Tường gánh gần trọn gia tài thế kỷ 20, loạng choạng bước vào thế kỷ 21 với nhiều món hàng cách tân lỉnh kỉnh. Lịch sử điêu linh, con người phiêu linh gần trọn kiếp, có lúc anh phải bán máu (chuyện thật) để nuôi tiếp cuộc sống và niềm tin văn nghệ : cái huân chương « văn nghệ », Arts et Lettres, của nước ngoài hôm nay không thêm vinh dự nào, cũng không đánh giá được Dương Tường trong quá trình gian nan, oan khuất và thành đạt mà anh đã trải qua. Nó chỉ là một vạt nắng bất ngờ, sau những ngày giông bão, hắt vào hình trạng một hành nhân, nhắc cho bè bạn và độc giả quãng đường gập gềnh anh ấy đã đi qua.
Để rồi Dương Tường đi tiếp, còn đi tiếp, sẽ đi nữa, và đi mãi :
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi.
Tản Đà, đâu đó, đã rù quến chúng ta như thế.

Đặng Tiến

Orléans, 14.01.2009

Thơ Đàn

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư