Kỷ Niệm 100 Năm Mất Chekhov (1904-2004)



Tolstoy, trong "Con người cần bao nhiêu đất?", đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này:
"Ba tấc là đủ."
Chekhov đáp lại, trong "Những cây lý chua":
"Ba tấc là dành cho một xác chết, không phải dành cho một con người".




Chekhov, Pondering

 
Imagine Chekhov, at some point during the last weeks of his life, pondering old photographs. Imagine the dying man pausing over this image of his younger self. Consider the writer's possible responses, the clashing combinations of memory, observation, obsolete opinions, the present knowledge as he looks at himself sitting -posing, yes, definitely posing for the camera-on the steps of his country home in Melikhovo, little Khiva tucked in the crook of his arm. Perhaps the older Chekhov would observe the younger Chekhov with irritated amusement. He might even wince at the pretensions suggested by the pose, since he is an expert critic of insincerity and has filled his fiction with misguided poseurs- lovers, industrialists, peasants and landowners-who treat the world as their showcase. See how the cane cuts neatly toward the center of the picture, the tips of his shoes gleam-these details might provoke him to think with some chagrin of the author who claimed to have ideas for 1036 stories, who was planning to write a novel "a hundred versts long," and who intended someday to visit Tahiti, Chicago and the Arctic. And yet the older Chekhov, I believe, would forgive his younger self. Always a man who valued modesty above publicity, and "good literary manners" above ambition, he shows us in his work that some form of pretension, even awkward pretension, is necessary to survive in a civilized society. When we lose interest in the theatrics of behavior, we are in danger of succumbing to pernicious boredom. At best we end up like Laevsky in "The Duel." At worst, we drift off with poor Andrei Yefimich in "Ward No.6," muttering to the end, "It's all the same to me ... I won't answer ... It's all the same." Or perhaps Chekhov would marvel at this man a decade younger than himself, grandson of serfs and at the age of thirty-seven already the author of such masterpieces as "The Steppe" and "Three Years." Perhaps he would wonder how he fulfilled all of the obligations that fell on him that decade, when he became caretaker for his parents and sister, when he served as the doctor for the local peasants and as squire of the village of Melikhovo and still managed to make the grueling trip across Siberia to the island of Sakhalin. He might recall his pattern of responsible moderation with more than a little pride, seeing in this portrait a man who devoted himself to the problems of others and yet could come close himself in his study for hours at a time, pick up his pen and hear the grass singing in his mind. It could be, though, that the dying Chekhov would neither wince nor marvel at this picture but turn away in despair, comprehending more fully than ever before his own dishonesty. Here is Dr. Chekhov, villain of self-deception. What did it matter that he suffered his first bout of blood-spitting in 1884, shortly after graduating from medical school? What did it matter that for thirteen years, though he treated many victims of tuberculosis, he refused to identify the symptoms in himself? The disease probably would have progressed at the same speed even had he sought treatment earlier. But the lack of acknowledgement is troubling. If he'd been one of his characters, his pose of health would have revealed itself as a lie, and he would have seemed pathetic in his stubborn effort to make a lasting name for himself. Of course, this Chekhov, the Chekhov lounging on the steps of his Melikhovo home, collar turned up just so, will be remembered: as the jaunty, brilliant writer, as the modest poseur and as a dying man unable to acknowledge his illness because the telling would have made death sensible. He preferred to tell of life.            
-Joanna Scott

 ****


Thứ Bảy 17/7/2004                                                     
Cây vĩ cầm cho Rothschild
Anton Pavlovich Tchekhov
 
Đó là một thị trấn nhỏ, còn tồi tệ hơn một cái làng, trong đó dân cư hầu như toàn ông già bà lão, chết hiếm tới mức khó chịu. Bệnh viện và nhà tù cần rất ít quan tài. Nói tóm lại, công việc ở đây rất chán. Giá Iakov Ivanovich làm nghề đóng quan tài ở trên tỉnh thì có lẽ lão đã có một ngôi nhà riêng hẳn hoi, và ở đó người ta gọi lão là ông Iakov Matveevich, chứ không như cái giống dân mách qué ở đây, gọi trống không cái tên Iakov, đã thế còn đặt cho lão cái biệt danh “lão Đồng”, hoạ có trời mới hiểu là gì. Iakov sống nghèo khổ như một gã mugic tầm thường, ngôi nhà gỗ cũ kỹ chật chội, trong đó cả lão, Marpha, cái bếp lò, cái giường đôi, đống quan tài và các thứ đồ đạc khác đều nhét vào một cái phòng duy nhất. 
Iakov đóng những chiếc quan tài đẹp và chắc chắn. Đối với đám mugic và cánh đàn ông thị trấn, lão đóng quan tài theo kích cỡ của bản thân và chưa một lần nhầm lẫn, bởi vì có bói cũng không ra một người cao to, chắc khỏe như lão, kể cả trong nhà tù, mặc dù lão đã bẩy mươi tuổi. Đối với đám người có máu mặt và phụ nữ, những cỗ quan tài được đóng theo kích thước của họ mà lão đo rất kỹ bằng cái thước sắt. Còn quan tài đặt cho con trẻ lão nhận một cách miễn cưỡng, đóng chẳng theo một kích cỡ nào, và lúc nhận tiền công bao giờ cũng nói:
- Thật tình, tôi chả thích làm nhưng việc vặt vãnh thế này.
Ngoài nghề đóng quan tài, lão còn chơi đàn thuê để kiếm thêm chút đỉnh. Ở thị trấn, trên các đám cưới, người ta hay gọi đội nhạc Do thái tới chơi. Đội nhạc do lão thợ thiếc Moise Ilich Sakhkes làm ông bầu và thường thu về cho mình già nửa số thu nhập. Vì Iakov kéo vĩ cầm rất hay, nhất là những bài hát Nga, nên Sakhkes thỉnh thoảng vẫn mời lão chơi trong đội nhạc của mình và trả cho lão năm mươi copek một ngày, không tính những món thưởng của khách. Cứ thoạt ngồi vào ban nhạc là bao giờ người Iakov cũng đẫm mồ hôi và mặt thì đỏ gay đỏ gắt; không khí nóng nực nồng nặc mùi tỏi đến ngạt thở, tiếng violon rít lên, tiếng contrebasse khàn khàn bên tai trái, còn bên tai phải là tiếng sáo nức nở của gã Do Thái tóc hung, gầy nhom, mặt chằng chịt những đường gân xanh đỏ, mang cái tên của Rothschild, một người giàu nổi tiếng. Và gã Do Thái đáng nguyền rủa này, kể cả những lúc vui vẻ nhất, vẫn cố tình thổi sáo thật não nùng. Không có một nguyên cớ rõ ràng nào, nhưng trong người Iakov cứ dần dần tích tụ sự ganh ghét và lòng khinh bỉ đối với dân Do Thái, đặc bịêt với Rothschild; lão nhiếc móc, chửi mắng gã bằng đủ lời xấu xa, có lần còn định tẩn cả gã nữa. Rothschild giận giữ, làu bàu, nhìn lão, rít qua kẽ răng:
- Nếu không trọng cái tài của ông thì tôi đã ném ông qua cửa sổ từ lâu rồi.
Sau đó gã bật khóc. Chính vì thế người ta mời lão Đồng rất hãn hữu, chỉ trong trường hợp vắng mặt một nhạc công Do Thái nào đó. 
Iakov không bao giờ có được tâm trạng sảng khoái bởi lão luôn phải chịu những thất thu ghê gớm. Ví dụ, chủ nhật và những ngày lễ làm việc là có tội, còn thứ hai - húy nhật, chính vì thế trong một năm, muốn hay không, phải có tới gần hai trăm ngày ăn không ngồi rồi. Thiệt hại mới lớn làm sao! Này nhé, có những đám cưới lại không cần nhạc, hay Sekhkes không mời Iakov, thế là thiệt rồi. Cảnh sát trưởng hai năm liền ốm đau, tàn tạ và Iakov mong chờ lão chết từng ngày, ấy vậy mà lão lại lên tỉnh chữa bệnh rồi ngoẻo luôn ở đó. Này nhé, thiệt hại có khi lên tới cả mươi rúp, nếu như buộc phải đóng một cái quan tài đắt tiền có hoa văn phủ nhũ. Những tính toán thua lỗ thường dày vò Iakov vào ban đêm; lão đặt chiếc vĩ cầm lên chăn, và khi đủ mọi ý nghĩ vớ vẩn len vào đầu, lão lại bật giây đàn, cây vĩ cầm phát ra những âm thanh trong bóng tối khiến lão nhẹ lòng hơn.
Ngày mùng sáu tháng năm năm ngoái Marpha bỗng nhiên lăn ra ốm. Bà thở nặng nhọc, uống nhiều nước và đi đứng loạng choạng, thế mà buổi sáng vẫn tự mình nhóm lò, thậm chí còn đi kín nước. Tới chiều bà nằm một chỗ. Iakov chơi đàn suốt ngày, tối mịt mới xem đến quyển sổ ghi chép những thất thu hàng ngày, và vì buồn chán lão làm bản tổng kết cả năm. Tổng cộng mất tất cả hơn nghìn rúp. Điều đó làm lão sốc tới mức vứt toẹt quyển sổ xuống sàn và di di chân lên. Sau đó lão lại vớ lấy cái bàn gảy và tính toán rất lâu, thở dài căng thẳng. Mặt mũi lão đỏ gay và đẫm mồ hôi. Lão nghĩ hơn nghìn rúp thất thu đó nếu đem gửi nhà băng thì mỗi năm lãi suất cũng chẳng được là bao - có 40 rúp. Có nghĩa 40 rúp này cũng là một mất mát nữa. Nói tóm lại, dù có xoay xở như thế nào, thì ở đâu cũng độc thấy mất mát, không hơn.
 - Iakov! - Marpha bất ngờ gọi lão. - Tôi chết đến nơi rồi.
Lão nhìn bà vợ. Mặt bà đỏ rực vì nóng, sáng rỡ và sung sướng khác thường. Lão Đồng quen nhìn thấy mặt bà nhợt nhạt, len lét thảm hại, giờ đây lão thấy lúng túng. Hình như bà lão đốc chứng chết thật và tỏ ra sung sướng vì cuối cùng đã vĩnh viễn rời khỏi cái nhà này, thoát khỏi đống quan tài và khỏi Iakov... Bà nhìn lên trần, đôi môi động đậy, nét mặt của bà thật hạnh phúc, như thể bà đã nhìn thấy cái chết, người giải thoát cho bà, và đang thầm thì với nó.
Trời hửng sáng, từ cửa sổ nhìn thấy rõ bình minh đang cháy rực. Nhìn bà vợ già, Iakov không hiểu sao nhớ ra rằng cả cuộc đời chưa một lần lão vuốt ve bà, chưa từng thương xót bà, chưa bao giờ nghĩ tới việc mua cho bà lấy một tấm khăn choàng nhỏ, mà chỉ la mắng bà, chửi bới vì thua lỗ, nhào tới bà với những nắm đấm. Thật ra thì chưa bao giờ lão đánh vợ cả, nhưng mỗi lần dọa nạt như thế cũng đã đủ làm cho bà sợ rúm cả người. Ngoài ra, lão còn không cho bà uống trà, sợ tốn kém, và bà chỉ uống nước trắng. Chính vì vậy nên lão hiểu được vì sao nét mặt bà giờ đây thật kỳ lạ, sung sướng và lão cảm thấy khiếp hãi.
Chờ cho sáng hẳn, lão mượn ngựa của hàng xóm và chở Marpha tới bệnh viện. Ở đó không nhiều bệnh nhân lắm, vì thế lão không phải đợi lâu, chỉ mất có ba tiếng. Và thật quá may cho lão, lần này tiếp bệnh nhân không phải là quan đốc, vì bản thân ngài cũng bị ốm, mà là viên y tá Maksim Nikolaich, người mà cả thị trấn kháo nhau rằng mặc dù là tay bợm rượu và thích gây gổ, song còn biết việc hơn đốc tờ.
- Xin chào ngài, - Iakov vừa dìu vợ vào phòng khám, vừa chào hỏi. - Xin được thứ lỗi, chúng tôi tới quấy quả ngài, Maksim Nikolaich, vì việc vặt này. Chả là bà xã chúng tôi vừa mới bị ốm. Nói thế nào nhỉ, bạn đời, như người ta thường gọi, dạ, xin lỗi ngài về cách nói năng...
Cau đôi lông mày bạc và vuốt cái ống nghe, viên y tá bắt đầu khám cho bà già. Marpha ngồi trên ghế đẩu người gập xuống, gầy gò, mũi nhọn với cái miệng há ra, nhìn nghiêng trông bà giống như con chim đang khát nước.
- Rồi... Xong rồi - viên y tá chậm chạp nói và thở dài. - Bội nhiễm, mà cũng có thể sốt nóng. Hiện đang có dịch thương hàn ở thành phố. Biết làm sao được? Bà già sống thế cũng là đủ rồi, lạy trời... Bà ấy bao nhiêu tuổi vậy?
- Thiếu một tuổi tròn bẩy mươi, thưa ngài Masim Nikolaich. 
- Biết làm sao? Bà già sống đủ rồi. Đã đến lúc được về với Chúa. 
- Dạ, ngài dạy thật chí lý, Masim Nikolaich, - Iakov nói, mỉm cười nhũn nhặn, - xin được đa tạ lòng tốt của ngài, nhưng chúng tôi cũng xin phép được trình bầy, mọi loài sâu bọ đều muốn sống cả ạ. 
- Chứ lại à! - Viên y tá nói với cái giọng như thể sự sống chết của bà già phụ thuộc cả vào lão. - Thôi, thế này nhé, ông bạn, đắp khăn nhúng nước lạnh lên đầu bà ấy và cho bà ấy uống chỗ thuốc bột này, ngày hai lần. Còn bây giờ xin tạm biệt. 
Căn cứ vào nét mặt của viên y tá, Iakov hiểu rằng việc của vợ lão hỏng rồi và chẳng có thuốc bột nào có thể cứu nổi. Lão hiểu rất rõ rằng Marpha sẽ chết rất nhanh, chỉ nay mai thôi. Lão khẽ nắm khuỷu tay viên y tá, nháy mắt và nói thầm: 
- Masim Nikolaich, hay đặt giác hút cho bà ấy? 
- Không có thời giờ, không có thời giờ. Làm ơn đưa bà ấy ra ngoài. Đi ngay cho. Tạm biệt. 
 - Xin ngài làm ơn, làm phúc, - Iakov van nài, - Tự ngài cũng biết đấy, nếu như bà ấy bị đau bụng hay đau cái gì bên trong cơ, lúc đó mới dùng đến thuốc bột, thuốc nước, đằng này bà ấy lại bị cảm! Trong trường hợp bị cảm thì việc đầu tiên là phải rút bớt máu, Maksim Nikolaich. 
Viên y tá đã gọi bệnh nhân tiếp theo. Một mụ đàn bà dẫn một đứa trẻ bước vào phòng. 
- Ra ngoài đi, đi đi... - Lão cau có nói với Iakov. - Đừng làm vướng tôi. 
- Thôi thì ít nhất ông cũng đặt cho bà ấy một con đỉa vậy! Được thế chúng tôi sẽ suốt đời cầu nguyện cho ông! 
Viên y tá nổi đóa, gắt lên:
- Cứ lải nhải mãi! Đồ ngu...
Iakov cũng tức điên, mặt đỏ tía, nhưng lão không nói một lời, chỉ đỡ Marpha dậy và dìu bà ra khỏi phòng khám. Mãi tới lúc ngồi vào trong xe ngựa lão mới nhìn cái bệnh viện một cách nghiệt ngã và nhạo báng, nói: 
- Người ta tống bọn bay vào cả đây, lũ nghệ sĩ! Đám nhà giàu chúng bay đặt giác hút, còn người nghèo thì tới một con đỉa cũng không cho. Quân bạo chúa! 
Khi về tới nhà, Marpha đứng một lúc, tay vịn vào bếp lò. Bà sợ rằng nếu như đi nằm thì thể nào Iakov cũng sẽ lại than vãn về tiền nong, thua lỗ và chửi mắng bà cứ nằm đấy, chả chịu làm việc. Còn Iakov nhìn bà ngán ngẩm và nhớ ra rằng ngày mai là ngày lễ Thánh Ioan, ngày kia là ngày lễ Thánh Nikolai Ban Phép Lạ, sau đó là chủ nhật, còn sau nữa, thứ hai - húy nhật. Cả bốn ngày không được làm việc, mà Marpha có thể sẽ chết vào một trong những ngày này; nghĩa là quan tài phải đóng ngay ngày hôm nay. Lão cầm lấy cái thước sắt, tiến tới bên vợ để lấy số đo của bà. Sau đó bà đi nằm, còn lão làm dấu thánh rồi bắt tay vào việc. 
Khi đóng xong cỗ quan, lão Đồng đeo kính và ghi vào quyển sổ của mình: “Quan tài cho Marpha Ivanovna - giá 2 rúp 40 copek”. 
Và lão thở hắt ra. Trong thời gian đó bà già vẫn nằm, mắt nhắm nghiền. Nhưng tới chiều, lúc chạng vạng, bỗng nhiên bà gọi chồng. 
- Mình còn nhớ chứ, Iakov? - Bà vừa hỏi, vừa nhìn lão vui vẻ. - Mình còn nhớ cách đây năm mươi năm Chúa đã cho chúng ta một đứa trẻ tóc vàng? Mình với tôi khi đó thường hay ra ngồi ở bờ sông, cùng hát... dưới một cây liễu, - và bà cười cay đắng, nói thêm: - Con gái bé bỏng chết mất rồi.
Iakov căng óc, nhưng không thể nào nhớ nổi, cả đứa bé, lẫn cây liễu. 
- Bà nằm mơ đấy thôi, - lão nói. 
Ông mục sư tới ban phép Mình Thánh và xức dầu cho bà. Sau đấy Marpha bắt đầu lảm nhảm những câu khó hiểu và tới gần sáng thì chết.
 Các bà già hàng xóm tới tắm rửa, khâm liệm và đặt bà vào áo quan. Để khỏi phải chi phí cho người trợ tế, Iakov tự đọc lấy thánh thi, còn về phần mộ thì lão không phải trả một đồng nào, vì người gác nghĩa địa là cha đỡ đầu của lão. Bốn mugíc khiêng quan tài tới nghĩa địa cũng không lấy tiền, vì quý trọng Marpha. Đi sau quan tài là những bà già, những người hành khất, hai người tàn tật. Những người gặp trên đường đều làm dấu thánh một cách sùng kính. Iakov lấy làm hài lòng vì đã thu xếp công việc ổn thỏa, hết lòng, lại không tốn kém, không làm mất lòng ai. Khi từ biệt Marpha lần cuối, lão sờ chiếc quan tài, bụng nghĩ: “Cỗ quan tốt thật!”.
 Nhưng trên đường từ nghĩa địa về nhà bỗng nhiên một nỗi buồn ghê gớm choán lấy lão. Iakov thấy mình không được khoẻ: hơi thở nóng và nặng, hai chân bủn rủn, khát nước. Đã thế đủ mọi ý nghĩ cứ len vào đầu. Lại nghĩ tới việc cả đời chưa một lần thương xót Marpha, chưa một lần âu yếm bà. Năm mươi hai năm sống chung dưới một mái nhà, vậy mà chưa một lần lão nghĩ tới vợ, không để ý, như thể bà là con mèo hay con chó. Thế mà chính bà hàng ngày nhóm lò, nấu nướng, kín nước, bổ củi, nằm cùng một giường với lão, khi lão từ những đám cưới trở về say khướt, bao giờ bà cũng sùng kính đỡ lấy cây vĩ cầm, treo lên tường, giúp lão đi ngủ. Bà làm tất cả những việc đó một cách thầm lặng, dáng vẻ rụt rè, lo lắng. Trên đường lão gặp Rothschild đang đi tới. Thằng Do Thái vừa cười, vừa cúi chào. 
- Thế mà cháu cứ đi tìm bác mãi! - gã nói. - Ông Moisei Ilich gửi lời chào bác và mời bác tới ngay chỗ ông ấy.
 Iakov chẳng còn bụng dạ nghĩ tới việc đó. Lão chỉ muốn khóc.
 - Để tao yên! - Lão nói và đi tiếp.
 - Thế là thế nào? - Rothschild lo lắng, chạy lên phía trước. - Ông Moissei Ilich giận chết! Ông ấy bảo phải đến ngay!
 Iakov khó chịu bởi thằng Do Thái thở hổn hển, mắt hấp háy, mà sao mặt nó lại nhiều tàn nhang màu hung đỏ thế. Nhìn chiếc áo khoác màu xanh lá cây với những mụn vá sẫm màu và cả cái thân hình mảnh khảnh, yếu ớt của nó mà phát tởm.
 - Sao mày cứ thọc vào chuyện của tao thế hả, đồ tỏi lép? - Iakov hét lên. - Đừng có bám lấy tao!
 Thằng Do Thái cũng nổi xung, quát lại:
 - Xin ông bé cái miệng đi cho, kẻo tôi cho ông bay qua bờ giậu bây giờ!
 - Xéo ngay cho khuất mắt tao! - Iakov gào lên và nắm tay xấn tới. - Không sao sống nổi với loài sâu bọ này!

Rotsild chết lặng vì sợ hãi, ngồi thụp xuống, hai tay quơ quơ trên đầu như thể đỡ đòn, sau đó nó bật dậy, ba chân bốn cẳng chạy mất hút. Trên bờ sông nó nhảy tưng tưng, hai tay vung vẩy, và thấy rõ cái lưng dài, còm nhom của nó cứ giật lên. Đám trẻ con mừng rỡ gặp dịp, chạy theo nó, la hét: “Thằng Do Thái! Thằng Do Thái!”. Đàn chó cũng đuổi theo nó, sủa váng lên. Có ai đó cười hô hố, sau đó huýt sáo, đàn chó nhâu nhâu sủa dữ hơn... Sau đó chắc có một con cắn Rothschild, bởi vọng lại tiếng thét đau đớn, tuyệt vọng của nó

Iakov dạo trên bãi chăn gia súc, sau đấy, không mục đích, lão đi ra phía ngoài thị trấn. Đám trẻ con la lên “Lão Đồng kìa! Lão Đồng kìa!”. A mà con sông đây rồi. Ở đó những con giẽ giun và những con vịt trời kêu chí chóe. Trời nắng gắt, mặt nước phản chiếu ánh sáng làm chói cả mắt. Iakov men theo con đường hẹp dọc bờ sông và nhìn thấy từ bến tắm một bà béo tốt, má đỏ hây, đi lên, lão thoáng nghĩ: “Rõ thật, một con rái cá!” . Cách bến tắm không xa bọn trẻ con đang câu tôm bằng mồi thịt. Nhìn thấy lão chúng gào lên một cách độc địa: “ Lão Đồng! Lão Đồng!”. A mà cây liễu to lớn, già nua với cái hốc tướng đây rồi, và trên cây sao mà lắm tổ quạ... Bỗng nhiên trong trí nhớ của lão hiện lên hình ảnh một đứa trẻ tóc vàng, như sống thật, và cả cây liễu mà Marpha đã nói tới. Đúng rồi, nó đây rồi, chính là cây liễu đó - nó vẫn còn xanh, nhưng im lặng và buồn bã... Nó đã già quá rồi, cây liễu khốn khổ!

Lão ngồi dưới gốc cây và bắt đầu nhớ lại. Ở bờ bên kia, nơi hiện đang là cánh đồng cỏ ngập nước, trước đây là một cánh rừng bạch dương bạt ngàn, còn trên quả đồi trọc nổi rõ phía chân trời, ngày xưa là một rừng thông già xanh ngăn ngắt. Trên sông xà lan xuôi ngược. Còn bây giờ tất cả bình địa, bằng phẳng, và bên bờ bên kia còn mỗi cây bạch dương non trẻ, cân đối, giống như một cô nương, đứng trơ trọi một mình. Trên sông chỉ thấy ngỗng và vịt, không giống với cảnh xà lan đi lại. Có cảm tưởng khác với ngày xưa, đến ngỗng cũng trở nên ít hơn. Iakov nhắm mắt và trong óc tưởng tượng của lão từng đàn ngỗng lớn nối tiếp nhau bơi qua bơi lại.

Lão không sao hiểu nổi, tại sao lại như thế, tại sao có đến bốn, năm mươi năm lão không ra sông lấy một lần, mà giá có ra tới đây thì chắc gì lão đã để ý tới nó? Vậy mà đây là một con sông thật lớn, hoàn toàn không phải loại vớ vẩn; trên sông có thể lập những khu đánh bắt cá để bán cho đám thương gia, cho những công chức và các hàng ăn ở trên bến và sau đó tiền thu được đem gửi vào nhà băng; có thể dong duổi trên thuyền từ trang ấp này tới trang ấp khác và chơi đàn, mọi người đua nhau mời lão đi biểu diễn và sẽ trả tiền; cũng có thể thử vài chuyến xà lan - làm việc này còn tốt hơn chán vạn nghề đóng quan tài; và cuối cùng, có thể nuôi ngỗng, mổ thịt, tới mùa đông chuyển lên Moskva. Trời đất, mỗi con ngỗng quèn một năm cũng cho tới cả chục rúp. Thế mà lão đã bỏ qua, chẳng làm một việc gì như thế cả. Những tổn thất mới lớn làm sao! Ôi chao là thiệt hại! Mà nếu như làm tất cả cùng một lúc, cả đánh cá, kéo vĩ cầm, chở xà lan và giết ngỗng, thì sẽ kiếm được bội tiền! Nhưng tất cả những việc đó ngay cả trong mơ lão cũng không nghĩ ra, cuộc đời trôi qua chẳng ích lợi, chẳng vui thú gì, trôi qua vô tích sự, chẳng ra đâu vào đâu; phía trước không còn tương lai, mà ngoái lại đằng sau thì chẳng có gì hết, ngoài những mất mát, những mất mát lớn đến nỗi chỉ nghĩ tới thôi đã thấy ớn lạnh cả người. Mà tại sao con người ta lại không có thể sống như thế nào đó, để khỏi phải chịu những thiệt hại, mất mát nhỉ? Thử hỏi, vì sao người ta lại chặt cả cánh rừng bạch dương và đồi thông đi như thế? Vì sao những bãi thả gia súc quý như vậy lại bị bỏ hoang? Tại sao người ta luôn làm những việc chẳng cần thiết? Vì sao Iakov cả đời lúc nào cũng luôn miệng chửi bới, gầm gừ, xấn xổ đấm đá, bắt nạt vợ mình? Thử hỏi, cần gì phải doạ nạt, lăng mạ một thằng Do Thái? Vì sao mọi người lại cứ cản trở nhau, không cho nhau sống? Chính điều này gây biết bao tổn thất! Những tổn thất khủng khiếp! Nếu không có sự ganh ghét, đố kỵ và độc ác, mọi người có thể mang lại cho nhau những lợi ích lớn đến nhường nào.

Cả buổi tối và suốt đêm lão toàn mơ thấy đứa trẻ sơ sinh, cây liễu, cá, những con ngỗng bị đập chết, Marpha nhìn nghiêng giống như con chim khát nước, khuôn mặt nhợt nhạt, thảm hại của Rothschild, và những bộ mặt các kiểu từ mọi phía kéo đến nói về sự thiệt hại. Lão trở mình hết bên nọ sang bên kia và năm lần tỉnh dậy để kéo đàn.

Đến sáng lão gắng hết sức đứng dậy để tới bệnh viện. Cũng vẫn Masim Nikoliaich yêu cầu đắp khăn lạnh lên đầu, uống thuốc bột, và qua nét mặt cùng giọng nói của viên y tá, Iakov hiểu rằng việc của lão đã hỏng và không một thứ thuốc bột nào có thể cứu giúp được. Trên đường về nhà lão nghĩ cái chết chỉ mang lại ích lợi mà thôi: khỏi phải ăn, chẳng cần uống, lại không phải đóng thuế, không làm mếch lòng ai, và bởi vì con người nằm dưới đất không phải một, hai năm, mà hàng trăm, hàng nghìn năm, do đó, nếu tính hết, thì cả một nguồn lợi lớn. Cuộc sống đem lại cho con người sự thiệt thòi, còn cái chết lại cho nó những lợi lộc. Ý nghĩ này, tất nhiên, có lý, song dù sao nó cũng xúc phạm và thật cay đắng: vì sao lại tồn tại trên đời một trật tự lạ lùng vậy, cuộc sống mà con người chỉ được hưởng một lần duy nhất, lại trôi qua chẳng chút ích lợi gì?

Chết lão không tiếc, nhưng khi về tới nhà, nhìn thấy cây vĩ cầm, tim lão thắt lại và lão bắt đầu thấy tiếc. Cây đàn này không mang xuống mồ được, giờ đây nó sẽ đơn côi và sẽ không tránh khỏi số phận của những cây bạch dương, của rừng thông già. Mọi thứ trên thế giới này đã mất đi và sẽ còn mất nữa! Iakov bước ra, ngồi trên bậc cửa nhà, ôm riết cây đàn vào ngực. Trong khi vẫn nghĩ tới cuộc sống mất mát, chẳng chút lợi lộc, lão bắt đầu kéo đàn, bản thân cũng không hiểu tại sao, nhưng tiếng đàn của lão vang lên rầu rĩ và cảm động. Những giọt nước mắt lăn trên má lão. Và lão càng nghĩ thì tiếng hát của cây đàn càng buồn thảm.

Thanh chốt cửa kẹt lên vài tiếng và Rothschild xuất hiện trong cổng. Nó mạnh bạo đi được nửa sân, nhưng khi nhìn thấy Iakov, đột nhiên nó khựng lại, cả người co quắp, và chắc vì sợ hãi, nó không nói, mà chỉ làm những động tác như thể muốn ra hiệu bằng mấy ngón tay báo giờ cho lão.

- Lại đây, đừng sợ, - Iakov dịu dàng nói và dỗ nó lại gần. - Lại đây nào.

Rothschild nhìn lão ngờ vực, tiến thêm mấy bước và dừng lại cách lão một sazen[1].

- Xin bác đừng đánh cháu! - Nó nói, hơi chùng người xuống. - Ông Moisêi Ilich lại phái cháu tới mời bác. Ông bảo đừng có sợ, cứ đến nhà ông Iakov và bảo không có bác là không xong. Thứ năm này có một đám cưới... Vâng, phải! Ngài Sapovalov gả con gái cho một người tử tế. Mà đám cưới to lắm nhé, u-u![2] - Gã Do Thái nói thêm, hấp háy một bên mắt.

- Bác không thể... - Iakov phều phào, thở nặng nhọc - Bác không được khỏe, anh bạn ạ.

Rồi lão tiếp tục kéo đàn, những giọt nước mắt rỏ xuống cây vĩ cầm. Rothschild nghe chăm chú, đứng nghiêng người về phía lão, hai tay khoanh trước ngực. Nỗi sợ hãi, nghi ngại trên nét mặt nó dần dần biến thành nỗi sầu muộn, đau khổ. Nó trợn ngược mắt, dường như đang chịu đựng một khoái cảm đớn đau, thì thào: “Vakhkhkh!..”. Và những giọt nước mắt từ từ chảy dài trên má nó, nhỏ xuống chiếc áo khoác màu lá cây.

Sau đó Iakov nằm cả ngày, buồn bã. Đến tối, lúc ông mục sư tới làm lễ rửa tội, hỏi lão có nhớ một tội lỗi nào nào thật đặc biệt mà lão đã mắc phải lúc sinh thời. Iakov cố căng cái trí não đã trở nên yếu ớt, chợt nhớ lại khuôn mặt bất hạnh của Marpha, tiếng thét tuyệt vọng của thằng Do Thái bị chó cắn, lão thều thào:

- Cây vĩ cầm cho thằng Rothschild.

- Được rồi, - Ông mục sư đáp.

Hiện cả thành phố đều thắc mắc không biết thằng Rothschild kiếm đâu ra cây vĩ cầm tốt thế? Nó mua hay đánh cắp được, cũng có thể nó kiếm được từ hiệu cầm đồ? Nó đã bỏ ống sáo từ lâu, và hiện giờ chỉ kéo vĩ cầm. Dưới cần đàn tuôn chảy những âm thanh não nùng giống như những âm thanh của cây sáo trước đây, nhưng khi nó thử chơi lại những gì mà Iakov đã chơi lúc ngồi ở bậc cửa, thì tiếng đàn của nó u sầu, thê lương tới mức khiến tất cả những người nghe đều phải khóc. Cả bản thân nó, cuối cùng thể nào nó cũng trợn ngược mắt và thều thào: “Vakhkhkh!”. Bài hát mới đó được người ta ưa thích đến nỗi những thương gia và các viên chức giành giật nhau mời Rothschild về nhà và bắt nó chơi đi chơi lại cả chục lần liền.

Đào Tuấn Ảnh dịch từ nguyên bản tiếng Nga 
[Trích e_Văn]

_____________________

Chú thích của người dịch:

[1] Sazen bằng 2,134m

[2] Trong nguyên bản, Rothschild nói năng không rõ ràng, mạch lạc, tiếng Nga ngọng. Miêu tả sự khiếm khuyết của Rothschild, tác giả muốn nhấn mạnh tới sự thay đổi trong tâm lý của Iakov. Khi Iakov còn sống, những khuyết tật của Rothschild làm ông khó chịu, nhưng trước lúc ông chết, những khuyết tật đó làm cho ông thương xót, ân hận vì đã xử tệ với nó, song cái chính là ông đã nhìn thấy tài năng và sự nhạy cảm âm nhạc của nó, tâm hồn nó...

 Giữa địa ngục, chung quanh là biển.


 Vào tháng Tư năm 1890, khi nhà văn thầy thuốc người Nga, Chekhov, khởi sự chuyến đi thăm dảo tù Sakhaline, chẳng ai hiểu lý do tại sao. Chính ông cũng không thể giải thích, và đành coi đây là một "mania". Và nó là một giai đoạn lạ kỳ nhất trong cuộc đời của ông.
 "Tôi chỉ muốn viết một, hai trăm trang, như một món nợ đối với nghề y của mình…", ông viết cho Souvorine.
 Trên đường đi, ông nhớ tới "con quỉ bí mật" đã xúi ông làm bao chuyện rồ dại.
 Nhà văn y sĩ của chúng ta đi trong những điều kiện khùng điên. Không một thứ giấy tờ chính thức, ngoại trừ tấm giấy thông hành. Chẳng có công lệnh, giấy giới thiệu để trình cho nhà chức trách địa phương. Ông còn sợ, vừa đến nơi là bị đuổi về.
 Chuyến đi mất hai tháng rưỡi. Mệt nhoài. Tới Iaroslav, ông dùng xe lửa. Tới Perm, dùng tầu đi trên sông Volga và Kama. Từ Perm tới Tioumen, lại dùng xe lửa. Sau đó, đúng là một cuộc phiêu lưu. Mưa tầm tã, đường xá thê thảm, không biết tối nay sẽ ngủ nơi nao, có xe hơi đi tiếp nữa không… Ngay từ đầu chuyến đi, người hành khách đã ho, rồi ho ra máu… Từ Tioumen tới Tomsk, lạnh khủng khiếp, lại thêm gió. Sông lũ tràn bờ, lâu lâu lại phải xuống xe hơi, dùng thuyền vượt qua những khúc lội. Từ Tomsk tới Krasnoiark, xe và người lội trong bùn. Phía xa xa, là nóng, bụi, những trận cháy rừng. Chỉ từ sông Tình trở đi, cuộc du ngoạn mới tỏ ra dễ chịu.
 Và sau cùng, đảo tù, giữa vùng Sibérie bạt ngàn: "Chung quanh là biển, ở ngay giữa địa ngục."
 Viên Toàn quyền cho phép nhà văn thăm viếng tất cả các nơi, vào tất cả các nhà tù, và những thuộc địa. "Tôi chỉ không cho phép ông một điều, đó là tiếp xúc với tù chính trị, bởi vì tôi không có quyền." Ông cũng đưa ra gợi ý, về tên cuốn sách tương lai của nhà văn: "Mô tả cuộc đời của những kẻ bất hạnh".
 Chekhov đã ở đảo tù Sakhaline ba tháng và hai ngày. Ông đã hoàn tất một công việc với một sự chi ly, tỉ mỉ đến phát sợ. Ông cho in tất cả những hồ sơ (fiches), và ghi chú mọi trường hợp đi tù. Gần như chỉ một mình, ông hoàn tất mười ngàn hồ sơ, qua những cuộc hỏi tra cặn kẽ; lục lọi những con số thống kê về trồng trọt, câu cá, khí hậu, chế độ tù, tình trạng hình sự, tử vong, trốn trại… Như ông cho biết, thống kê chỉ là một phương tiện để gặp gỡ con người. Nhờ những lần hỏi tra tìm tòi như thế, bật ra câu chuyện một người tù, làm mồi cho một truyện ngắn. Những tác phẩm như "Tống xuất", "Một vụ sát nhân"… là từ chuyến đi này.
 Sakhaline, trước hết, là một bản hoà tấu của tiếng động phát ra từ những sợi xiềng, của gió, của biển. Một khí hậu cách biệt (thường là không độ), nơi tống xuất những con người, vì hai lý do trái ngược hẳn nhau: để thi hành bản án tù, và để xây dựng những thuộc địa. Một thế giới phi lý và độc ác. 
"Tôi viết [về] Sakhaline, và tôi buồn bực, buồn bực" (Tháng Tám, 1891).
 Cuốn sách của ông, lạnh và nhức nhối, như một báo cáo, đã đưa đến một kết quả không ngờ, là bãi bỏ những sự trừng phạt thân xác, và cải thiện điều kiện sinh sống ở trên đảo tù. Chekhov hy vọng cuốn sách của ông, một trăm năm sau, sẽ trở thành "vang bóng một thời", nhưng thảm thay, một trăm năm đã qua, vẫn còn đảo tù Sakhaline, gần như khắp nơi, trên mặt đất.
Có thể do đọc báo cáo của Chekhov mà họa sĩ Lévitan đã vẽ nên bức tranh "Đường lên Cổng Trời" (La Route de Vladimirka). Cắt ngang đường chân trời, trơ trọi, dưới bầu trời đầy mây, con đường, chỉ là một lối đi bụi bặm, cứ thế mà lao mãi vào vô tận. Không một bóng người. Nhưng tất cả mọi người đều hiểu. Cổng Trời, hay La Vladimirka, đó là tên con đường dành cho những người tù, chân bị xiềng, nối đuôi nhau, tiến về Sibérie.
 Ngày nay, Sakhaline chối bỏ [không còn] nhà tù. Lạ một điều, du khách tới đó, để tưởng nhớ Chekhov, để kỷ niệm 100 năm chuyến đi của ông (1990). Có một nhà bảo tàng dành cho ông ở Alexandrovsk-Sakhalinski, trung tâm hành chánh của đảo tù.
 Biết đâu đấy, trong số những du khách, có một người tên là Chekhov.

Chekhov và Tolstoy.

 Như tất cả mọi người, Chekhov đã làm một chuyến hành hương tới Iasnaia Poliana. Đó là ngày 8 tháng Tám 1895. Nhà văn của chúng ta đi lang thang trên những đại lộ, hai bên đường có những hàng cây bu-lô [một loại cây hàn đới, lá nhỏ]. Và trước mặt ông, là ai kia?
 Con người vĩ đại. Đầu đội nón, mặc áo choàng trắng, khăn vắt vai, Tolstoy đi tắm sông, và kéo Chekhov cùng đi tới "khúc nước lười biếng", của con sông nhỏ Voronka. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà văn là như sau: cả hai đều khoả thân, giấu mình ở dưới nước, chỉ thò đầu lên khỏi mặt sông. Sau đó, họ về nhà, tại một nơi được chủ nhân gọi là "một góc nhỏ êm ái dành cho những câu chuyện nghiêm túc".
 Chekhov ở Iasnaia Poliana hai ngày. Bạn bè của Tolstoy đọc cho ông nghe đoạn mở đầu tác phẩm "Phục Sinh", đang đương thời vào lúc đó. Chekhov, vốn chuẩn xác, khui ra liền một hạt sạn. Nhân vật nữ ở trong truyện bị kết án hai năm lao động khổ sai tại Sibérie. Với một tội như trong trường hợp này, ít lắm cũng phải bốn niên. Để đáp lễ, Tolstoy vớ ngay cuốn viết về đảo tù Sakhaline. Ông bạn viết về, nào là cuộc sống của những tù khổ sai, đưa ra hàng loạt những thống kê… nhưng còn thiên nhiên? Chẳng có một miêu tả nào về thiên nhiên cả. Chekhov lắc đầu, tôi có tới đó để vui thú điền viên đâu, đây là một cuộc điều tra, và nó phải [làm cho người đọc] nhức nhối. Vẫn không lọt tai Tolstoy.
 Nhưng Chekhov tới Iasnaia Poliana để làm gì?
 Vào thời kỳ đó, Chekhov hết còn mê Tolstoy. Nói rõ hơn, cái thái độ, "ai vả má phải đưa má trái cho người ta vả tiếp", tức chủ trương "không-chống trả" (non-résistance) của Tolstoy đã hết còn quyến rũ ông. Trước đó, đã có thời, sách Tolstoy thuộc loại gối đầu giường, rảnh chút nào là lôi ra ghi ghi chép chép. Ông mê lý tưởng khắc kỷ thanh tịnh của Tolstoy. Nhưng cứ ra khỏi ngõ là đụng đầu với nỗi đau khổ của con người, ông bắt đầu nổi loạn chống lại chủ nghĩa Tolstoy, nếu không muốn nói là chống lại Tolstoy. Bởi vì, dù thế nào, ông vẫn tiếp tục coi đây là một nhà văn hàng đầu.
 -Khi Tolstoy mất đi, mọi chuyện đều phó thác cho quỉ sứ, ông nói với Ivan Bounine.
 -Kể cả văn chương?
 -Ờ, kể cả văn chương!
 Ông tuyên bố trước Lazarevski:
 -Có những người sợ, không dám làm những hành động xấu xa, chỉ bởi vì, Tolstoy vẫn còn đang sống.
 Vào năm 1897, ông viết thư cho Souvorine, "Đúng rồi, chúng ta là những tài năng lớn, chúng ta đại diện cho nhân loại, chúng ta luôn luôn có một điều gì để mà nói, nhưng nói phỉ phui, Tolstoy vừa nằm xuống, là chẳng ai viết nổi, dù chỉ một bài viết nho nhỏ."
 Hay là đoạn này, vào năm 1900, cho Menchikov, "Tôi lo ngại cái chết của Tolstoy. Nếu ông mất đi, là có một khoảng trống lớn ở trong đời tôi. Thứ nhất, tôi chưa hề quí một người nào nhiều như quí ông ta; tôi là một kẻ vô thần, nhưng trong tất cả những kẻ hữu thần, chỉ có ông ta là gần gụi với tôi. Thứ nữa, trong đám nhà văn, nếu có một Tolstoy, như vậy không ai cảm thấy áy náy, rằng mình "cũng là nhà văn"!
 Vả chăng, làm sao mà không biết tới Tolstoy cho được? Rozanov, tác giả cuốn "Bộ mặt u tối của đấng Christ", vốn là một trong những cộng sự viên và bạn của Souvorine, có nói, "Là người Nga mà không biết Tolstoy thì cũng buồn như là người Âu châu mà không biết dẫy núi Alpes."
 Với Chekhov, nếu ông yêu con người nhưng chống lại những tư tưởng của Tolstoy, bởi vì đã từ lâu ông quá chán "sự thôi miên của tay phù thuỷ già". Điều này thật rõ ràng, trong một số tác phẩm của ông. "Một câu chuyện tầm thường" ("Une banale histoire", còn được dịch ra tiếng Pháp là "Une morne histoire"), chống Tolstoy, ngay cả trong sự mô phỏng "Cái chết của Ivan Ilitch". Bởi vì, nếu Ilitch, sau khi biết những nỗi khủng khiếp của cái chết, đã nhìn ra ánh sáng, nhân vật Nicolai Stépanovitch cũng sa xuống tận đáy cuộc đời, nhưng chẳng hề có một ảo tưởng về một cứu rỗi, cứ thế lạc lối trong cõi âm u, như Katia, người yêu bé nhỏ mà anh ta đã để mặc cho lang thang lưu lạc cùng với đám bụi đời. Tolstoy, trong chuyện kể "Con người cần bao nhiêu đất" ("Combien de terre l’homme a-t-il besoin"), đã đưa ra câu trả lời: ba tấc là đủ; Chekhov đáp lại, trong truyện vừa (nouvelle), "Những cây lý chua" ("Les Groseilliers"): "Ba tấc là dành cho một xác chết, không phải dành cho một con người".
 Tolstoy, khi quay mình về với tông giáo, đã cho rằng Chekhov thiếu chất "tâm linh" (spiritualité). Ông than thở, "Làm cho Gorky vào đạo, còn có thể, với Chekhov, thật vô phương." Đối lại, Chekhov tuyên bố, "Tất cả những nhà hiền giả lớn lao đều đáng tởm như những viên đại tướng, và cũng vô lễ, vô ơn như là họ, bởi vì họ tin chắc, chẳng ai dám đụng tới họ. Diogène dám nhổ vào mặt người khác, bởi vì biết sẽ chẳng xẩy ra chuyện gì cho ông ta. Tolstoy thì cũng là một Diogène. Đâu có ai dám xách cổ ông ta tới đồn cảnh sát, hay tấn công ông ta trên báo chí."
 Tolstoy tỏ ra ngạc nhiên, khi thố lộ với Lydia Avilova:
 -Tôi quí ông ấy, nhưng tôi không hiểu tại sao ông ấy lại viết kịch.
 Có lần, Chekhov đến thăm Tolstoy tại Gaspra, vùng Crimée, trong toà lâu đài mà nữ bá tước Panine nhường cho ông. Ông nhà văn già còn nằm trên giường. Khi Chekhov cáo lui, ông già nói: "Hãy ôm hôn tôi". Chekhov cúi xuống, Tolstoy ôm hôn, và thừa dịp, thì thầm vào tai Chekhov: "Bạn biết đấy, tôi không chịu nổi Shakespeare, nhưng những kịch của bạn còn tồi tệ hơn nhiều."
 Một lần, vào tháng Tư năm 1887, khi Chekhov đau nặng, phải vô bệnh viện, Tolstoy đến ngồi ngay bên giường. Ông nói gì với bệnh nhân? Tương lai.
 "Nhiều khi trong cái rủi có cái may: L.N. Tolstoy đã đến thăm tôi ở bệnh viện. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi thật thú vị. Cực kỳ thú vị, đối với tôi, bởi vì tôi lắng nghe nhiều hơn là nói. Chúng tôi nói về bất tử."
 Bất tử, bất diệt: khi cá nhân tan hoà vào với đám đông, một đám đông to tổ bố. Chekhov không thể hiểu được [điều này], có thể là do, một bất tử bất diệt như thế chẳng nói lên được một điều gì đối với ông, và Tolstoy hoàn toàn ngạc nhiên [về thái độ của Chekhov].
 Phải mãi sau đó, thật quá trễ, bởi vì phải tới khi "Chekhov từ giã cõi đời’, vào tháng Chín 1904, Tolstoy mới đưa ra lời tuyên bố, với phóng viên đặc biệt của tờ Rous, tới tận Iasnaia Poliana để phỏng vấn ông, "Những hình thức mới mẻ đã được Chekhov sáng tạo ra, và, hãy vứt bỏ mọi thói khiêm nhường giả tạo, tôi xác định ở đây, điều này: về phương diện kỹ thuật, ông ta hơn hẳn tôi."
 Và sau đó, "Hai ngày nay, tôi đọc Chekhov, và sướng điên lên." ("Je lis Chekhov depuis deux jours, et je suis en extase". Nhật Ký, 29 tháng Ba, 1907).
 Theo Tolstoy, "Douchetchka" là số một, vượt hẳn mọi truyện ngắn khác, cũng của Chekhov. (Tatiana Tolstoy cho biết, ông đã đọc đi đọc lại bốn lần, đọc lớn giọng, cùng trong một ngày, và khẳng định, nó làm cho ông sáng mắt sáng lòng – intelligent - thêm ra!)
 "[Truyện đó] giống như một dải lụa, dệt bởi một cô gái trong trắng. Ngày xưa, có những cô gái cứ mãi mãi là những cô gái trong trắng, suốt cả cuộc đời của họ. Tất cả những giấc mơ, họ chuyển vào trong những tấm lụa mà họ dệt. Những giấc mơ về những gì thật quí giá, thật trong trắng, và cũng thật mơ hồ…"
 Đây là câu chuyện một người đàn bà không thể sống mà không yêu. Bà tiếp nhận một cách thật ngây ngô, lố bịch những tư tưởng, những thói này tật nọ của những người đàn ông mà bà yêu. Chúng thật nhiều, mà cũng chẳng thể nào giống nhau. Cuối cùng, trơ trọi, bà hết còn tỏ ra tức cười nữa, và kể như tiêu luôn, và mọi người muốn cùng khóc với bà.
 Jennifer Tran



Giới thiệu Chekhov và Kafka
I
Thất thu lớn lao: Về đoạn mở đầu "Cây vĩ cầm của Rothschild", truyện ngắn của Chekhov
Trong những truyện cực ngắn của Kafka, "Y sĩ Đồng quê" thật đơn giản, nên cũng thật khó hiểu. Người viết còn nhớ, trên báo Văn số đặc biệt về Kafka, thời Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, Nguyễn Mạnh Côn đã dịch và giới thiệu "Y sĩ Đồng quê"; ông cho biết: dịch thì dịch, nhưng chẳng hiểu tác giả muốn nói gì! (Tôi viết theo trí nhớ).
            Amoz Oz *, trên báo Partisan Review, số Mùa Xuân 1999, khi đặt song song hai truyện ngắn, một của Chekhov (Rothschild's Fiddle) và một của Kafka (A Country Doctor), đã giải thích: thế giới truyện Chekhov - trải ra bằng những nhận xét chi li mang tính xã hội, bằng nỗi sầu miên man, và bằng sự diễu cợt vị tha, cảm thông - lẽ dĩ nhiên thật xa vời thế giới ác mộng của Kafka, nhưng cái khế ước mở đầu hai truyện ngắn giống nhau. Nó làm độc giả lầm đường: đầy những lỗ hổng ở trong đó.
            Ngay cái tên truyện, "(Cây vĩ cầm của) Rothschild's Fiddle" (xuất bản lần đầu năm 1894), làm cho độc giả lạc đường 4 lần: Nhân vật Rothschild ở trong truyện không phải là nhà hảo tâm nổi tiếng. Ông ta không phải là một người chơi đàn vĩ cầm. Vĩ cầm không thuộc về ông ta, cho tới mãi gần cuối chuyện. Ông ta cũng không phải là nhân vật chính, mà là phụ, một người thổi sáo trong những đám cưới nghèo, một người Do-thái khốn khổ.
Cây vĩ cầm ở tên truyện, thực ra là của một tay Yakov Ivanov, được mọi người gọi bằng biệt hiệu đường phố, Đồng (Bronze). Một ông già thù hận người Do-thái, tầm thường, vô tim, sống bằng nghề làm quan tài, và đôi khi, vì một vài đồng kopecks, chơi vĩ cầm trong những đám cưới cùng với đám nhạc sĩ rách rưới Do-thái.
            Người ta có thể nhận ra sự tương tự giữa đoạn mở đầu "Cây vĩ cầm..." và "Y sĩ Đồng quê" của Kafka: giả thuyết cơ bản mở đầu, trong cả hai, bị bác bỏ, theo dòng chuyện. Giả thuyết sau cùng sụp đổ, để lộ ra, qua nhìn lại, một thứ giả thuyết khác biệt hẳn. Người đọc phải đọc lại, và phải lấy lại sự tin cậy, mọi điều, mọi chuyện.
 
Đó là một thành phố nhỏ, thê thảm còn hơn cả một làng quê. Toàn những người già, họa hoằn lắm mới chịu nằm xuống, thế mới bực! Hơn nữa, ít khi người ta cần tới quan tài, dù là ở nhà thương, hay ở nhà tù. Nói ngắn gọn, chẳng làm sao buôn bán làm ăn ở đây. Nếu Yakov Ivanov làm nghề đóng hòm ở một chốn thị tứ, chắc là ông đã có được một căn nhà, và được gọi là Ông Ivanov. Nhưng ở cái chốn tệ mạt này, giản dị chỉ là Yakov. Vì một lý do nào đó, ngoài đường họ gọi ông bằng biệt hiệu Đồng. Ông sống nghèo khổ như bất cứ một người dân quê bình thường trong một túp lều, cùng với bà vợ Marfa, một cái bếp, cái giường, mấy cái hòm...
.... Viên cảnh sát địa phương bịnh dầm dề hai năm ròng, và đang chờ đi luôn. Yakov nóng ruột, đợi hoài đợi hủy chuyến tầu suốt của ông này. Nhưng viên cảnh sát dời lên thành phố chính để chữa trị, và chắc là phó thác linh hồn cho quỉ ma ở đó... thế là mất toi ít nhất 10 rúp, bởi vì đây là thứ hòm đắt tiền. Cứ đêm đêm Yakov lại bị nỗi mất mát lớn lao hành hạ. Ông để cây vĩ cầm kế bên giường và những lúc không thể chịu đựng nổi cơn dầy vò, ông mân mê mấy sợi dây. Cây vĩ cầm "tinh, tinh" trong đêm tối, và ông ta cảm thấy đỡ đi. 
Cái buồn dìu dịu, cái diễu ấm áp, nhân hậu, tha thứ... thật không ăn khớp gì với cách chọn lọc thật lạnh lùng những chi tiết, cách nhìn thiên nhiên như một ông y sĩ giải phẫu, cách đo đạc thật chi ly khoảng cách giữa nhân vật và sự thực.
Những nhân vật thường chẳng để ý, hoặc chẳng thừa nhận chân lý, sự thực, nhưng độc giả được mời nhận ra nó, giữa những dòng chữ. Ở đây cũng như ở trong những chuyện khác, Chekhov tạo một sự cân bằng thật chính xác, như một nhà hóa học cân đo đong đếm, giữa dị hợm (ridiculous) và nỗi đau xé ruột xé gan. Khế ước là sự đồng cảm, giữa người đọc và người kể, qua những con chữ. Thường xuyên người đọc phải nhận ra bằng cách đảo ngược. Thí dụ như những câu mở đầu: nỗi khóc than ca cẩm, về chuyện "hiếm" người chết ở trong làng, về chuyện người già "họa hoằn mới chết và chuyện này thật là bực". Khế ước là từ người kể chuyện, không phải từ nhân vật, nhưng người đọc nhận ra, sau khi đã hết ngỡ ngàng, đây chính là lời than van của người làm hòm, do công việc ế ẩm. Cũng vậy, "Marfa, cái bếp, mấy cái hòm...", người để kế bên vật; ở đây độc giả biết, người kể đã trộn giọng nói của mình với giọng của "Đồng không tim".
Đồng ngần ngại làm hòm cho con nít, "mất thì giờ vì chuyện không đâu", chi tiết này, ngay ở đầu truyện, cho thấy đây là một con người biển lận. Nhưng tới nửa truyện, người đọc biết, Đồng cố xóa khỏi trí nhớ, và cuộc đời, cái chết của bé gái độc nhất của hai vợ chồng, 50 năm trước. Chỉ sau khi bà vợ chết, độc giả mới hiểu, Đồng cố làm cho trái tim của ông trơ ra, để cho ông đỡ đau.
Khế ước khởi đầu làm độc giả lầm lạc, bởi vì người kể đã sử dụng thoải mái quan điểm, và luôn cả ngôn từ của người làm hòm già. Làm như vậy, người kể bắt buộc người đọc làm một công việc "chuyển dịch" cẩn trọng: "biển lận" còn là mật mã, để chỉ nỗi cô đơn sâu thẳm. Ngần ngại làm hòm cho con nít là để giấu nỗi đau mất con. Tiếng đàn "tinh tinh' trong đêm theo điệu sáo của Rothschild, là để chống banh ra những vết thương.
Dần dà theo dòng truyện, người đọc nhận ra, những mất mát lớn lao Bronze than van, là về đời người phí phạm, bỏ đi, về nỗi vô thường của vô thường (vanity of vanities), tức phận người.
Cốt truyện giản đơn, chỉ một tí, một tẹo: chuyện một người làm hòm tại một làng quê cố gắng để đừng bị chết đói, lâu lâu làm thêm: chơi vĩ cầm cho đám cưới mạt. Ông thật thảm, thật tã, và cứ thế gầm gừ, với cả đời sống và cái chết, bằng một trái tim cố tìm đủ mọi cách để đanh lại; ngày này qua ngày khác: chỉ là triền miên mất mát thu nhập.
Ngã bịnh, vui ngấm vui ngầm: bà vợ chấp nhận cái chết sau cùng tới - như một giải thoát hằng mong đợi, để ra khỏi giếng nước mắt. Thấy vợ vui, người chồng đau lòng vì suốt đời đối sử chai đá. Ông kéo bà vợ bịnh tới nhà người y sĩ độc nhất trong làng và lạy lục - đúng ra là mà cả - hãy cứu vợ tôi. Nhưng viên y sĩ già nhẫn tâm lắc đầu, quay qua bịnh nhân khác. Hai vợ chồng về nhà, và người chồng bắt đầu đo hòm cho vợ: ông đưa thất thu vào trong cuốn sổ cái. Trong những giờ cuối cùng, bà vợ cố nhắc nhở ông chồng về đứa con đã mất, nhưng ông chẳng thể nhớ. Sau đám tang, ông cũng ngã bịnh, và hung hãn gây gổ với người thổi sáo Do-thái tới trò chuyện với ông. Ông lang thang ra bờ sông, bị những đứa trẻ ngoài đường trêu ghẹo. Ông di chúc cây vĩ cầm cho Rothschild. Sau khi ông chết, Rothschild sáng tác những giai điệu buồn từ cây vĩ cầm này.
Bốn nỗi thất vọng, lạc đường ở tên truyện (Rothschild không phải là vị hầu tước; Rothschild không phải là người chơi vĩ cầm; Rothschild không phải là nhân vật trong truyện; cây vĩ cầm không phải của ông), sau cùng trở thành đúng, một cách không chờ đợi, ở cuối truyện. Rothschild được thừa hưởng cây vĩ cầm trở thành giầu có; ông không còn là một người thổi sáo mà là người chơi vĩ  cầm, "gieo nhạc buồn của Bronze đi khắp chốn". Người đọc lúc đầu đã tưởng rằng những sự kiện ở tên truyện là sai, sau mới nhận ra giá trị của chúng.
Có một nối kết thật tinh tế giữa những người Do-thái và âm nhạc, giữa âm nhạc và tâm hồn (linh hồn). "Rothschild's Fiddle" gợi nhớ những câu chuyện kể Hassidic (1), và nhân vật Bronze thuộc huyền thoại về một con người công chính tiềm ẩn (the myth of the hidden just man), của dân tộc Do-thái.
Độc giả phải chuyển hai lần, những lời ca cẩm, than van "thất thu" của Bronze: một chuyển hài, và một chuyển bi. Trong chuyển bi, có những "thất thu không thực hiện" cũng được đưa vào cuốn sổ cái:
Sau chót, đây là con sông thực, không chỉ là một con suối nhỏ. Bạn có thể tới đó câu, rồi bán cá cho những người mua, những viên thư ký, và người coi ga, và để tiền vào sổ. Bạn có thể theo thuyền đi dọc con sông, ghé những nhà hàng quán nước chơi vĩ cầm, và đủ thứ người sẽ trả tiền cho bạn. Bạn có thể lại có một công việc làm ăn trên sông nước, khá hơn nghề làm hòm. Bạn có thể nuôi ngan ngỗng, giết chúng và đưa đi Moscow làm thực phẩm mùa đông. Có thể chỉ tiền cọc không thôi cũng tới 10 rúp một năm. Ôi đau đớn làm sao, ông ta cứ để cho nước chẩy qua cầu, mà chẳng chịu động đậy chân tay. Ôi, bao nhiêu tiền bạc đã theo dòng nước trôi đi! Nếu bạn cứ cộng mãi vào - câu cá này, chơi vĩ cầm này, giữ tầu thuyền, giết ngỗng - ông ta đã làm ra biết bao nhiêu là tiền!
"Chuyển bi" là đổi mới lớn lao của Chekhov, cả trong truyện và kịch: gỡ bỏ cái hàng rào thủ cựu giữa hài kịch và bi kịch, cho về vườn (canceling) cái qui ước ngặt nghèo: rằng những nhân vật "hạ tiện" (Chí Phèo?), cục cằn, vô học, bắt buộc thuộc về cõi hài (comic realm), trong khi không gian bi là để dành riêng cho những con người phong nhã. Chỉ những kẻ phong nhã, những kẻ được soi sáng, là có thể đưa nạng chống trời, có quyền vác thánh giá, chống lại những biển sầu, đại dương nước mắt, chống lại những trục trặc của thế gian, rồi từ đó, đưa ra một kết luận cảm thông, có thể hiểu được, về số mệnh, phận người, cõi nhân sinh phi lý, hay là cái phần dơ dáy giấu sâu trong nhân vật, chính vì  nó mà họ bị kết án phải đọa đầy.
Yakov Ivanov, biệt hiệu Bronze, vào lúc hấp hối đã vươn tới đỉnh cao của cảm nhận bi. Bằng con đường ngu si đần độn, qua - hoặc quá - cuộc đời vô nghĩa của riêng ông, ông đã loáng thoáng nhìn ra phận người:
Đời cứ thế trôi, không lợi nhuận, không lạc thú, nó cứ thế qua đi, chẳng nhắm tới đâu, chẳng vì mục đích gì. Chẳng có gì để nhìn tới, và nếu bạn ngoảnh lại, chỉ là một phí phạm khủng khiếp tiền bạc, đủ để cho bạn làm một cuộc đổi đời tốt đẹp, mầu mỡ. Làm sao con người có thể sống mà không có tổn thất, phí phạm?.... Ông kết luận chỉ có thể có lời bằng cách chết: sẽ không phải ăn, không uống, không đóng thuế, không sỉ nhục người khác. Kể từ khi một người nằm trong mồ, không chỉ một năm mà hàng trăm, hàng ngàn năm, lợi nhuận thật bao la, vô cùng... Kết luận như vậy là đúng, lẽ dĩ nhiên, nhưng eo ôi, thật không thể chịu nổi. Tại sao chuyện đời lại được sắp xếp một cách kỳ quặc như vậy, một khi bạn chỉ có một đời để sống, và không có gì để phô ra, cho đời?
Khúc độc thoại thê lương không thoát ra từ cửa miệng một người hùng (nhân vật, a hero, so với nhân vật, a character mà tác giả, Amos Oz dùng để chỉ Bronze), hay một hoàng tử-triết gia, nhưng từ cửa miệng một người nhà quê vô học, thiển cận, biển lận, đã chiếu một tia sáng khác lạ cho phần đầu câu chuyện. Cái biển lận, tham lam, sự tầm thường ti tiện không chỉ được coi như là cái vỏ sò mỏng mảnh mà người đọc cứ lột bỏ đi là vớ được viên kim cương, hột xoàn ở bên trong: Tham lam, biển lận, ti tiện, tầm phào, cái vỏ, hột xoàn, tất cả "là một và chỉ một mà thôi". Với Chekhov, ở đây, Bronze là Hoàng tử Hamlet. Nỗi đau thê lương, ý thức bi đát, và công cuộc vác nạng chống trời, chống lại cái trật tự thế gian, là từ đáy sâu của câu chuyện bật ra.
Sau cùng, ở đâu, và bằng cách nào Chekhov gieo những giác ngộ vô ngôn này (unspoken understandings), giữa người viết và người đọc, ở đằng sau lưng nhân vật? Biết đâu đấy, chúng ta có thể nghe thấy chúng, qua những dạ khúc của người làm hòm, khi, cố dỗ giấc ngủ trên chiếc giường đời trơ trọi, ông ta đưa tay với cây vĩ cầm. Vào những giây phút như thế, Bronze biến thành cả hai: Saul (2), khật khừ với quỉ dữ; và David (3), người "sẽ chạm vào những sợi dây, cây vĩ cầm lại tinh tinh trong đêm tối, và như vậy ông ta sẽ đỡ hơn" (... David, who "would touch the strings, the fiddle would twang in the dark and he would feel better").
Chú thích:
(1) Hassidim: một giáo phái thần bí cực bảo thủ thuộc Do-thái Chính thống, thành lập vào thế kỷ 18, chủ yếu dựa trên KABBALA (từ điển bách khoa Cassell, 1991 edition).
(2) Saul: Vị vua đầu tiên của Do-thái, chống lại Samuel và sau cùng tự tử, khi cái đầu hết còn minh mẫn - as his mind became unbalanced - (từ điển bách khoa Cassell).
(3) David: Vị vua thứ nhì của Do-thái, người đã chơi đàn "harp" để xua đuổi nỗi buồn cho vua Saul.
* Amoz Oz, người Do-thái, viết văn bằng tiếng Dothái Hebrew, sinh năm 1939 tại Jerusalem. Năm 14 tuổi ông vào kibbutz (một làng, hoặc ấp Do-thái chuyên về canh nông. Ấp chiến lược của Ngô Đình Nhu là được "gợi hứng" từ những kibbutz). Sau ông làm thầy giáo dậy học tại đây. Ông viết về những chủ đề đương đại, nhắm vào tội lỗi, sự bách hại, ngược đãi. Cuốn tiểu thuyết quan trọng làm ông nổi tiếng, viết năm 1972: "Bikha' el Sheli", tên tiếng Anh: "My Michael" ("Michael của tôi"), được tờ New York Times đánh giá là một "Bà Bovary" (1857, tác phẩm của nhà văn Pháp Flaubert), của văn chương Do-thái. Những tác phẩm của ông gồm có: "Makom Aber" (1966), bản tiếng Anh: "Elsewhere Perhaps" ("Một nơi nào đó, Có lẽ", 1973); "Har Ha-Etsah Ha-Raah" (1976), bản tiếng Anh: "The Hill of Evil Council" ("Ngọn Đồi Của Ác Hội", 1978); "Beor Hatkhelet Ha' aza", (1979), bản tiếng Anh năm 1995: "Under the blazing light", "Dưới ánh sáng chói chang"; "Israel" (1983); "A Perfect Peace" ("Một Hòa bình Hoàn hảo"), 1984. Cuốn tiểu thuyết "To Know a Woman" ("Để hiểu một người Đàn bà"), là chuyện một cô gái Do-thái khi còn nhỏ có bạn trai người Ả Rập. Bị phân chia do chiến tranh, lớn lên, cô gái lấy chồng, nhưng không làm sao quên được những xúc động, tình cảm đầu đời, từ mối tình thơ dại với người bạn Ả Rập. Đây vẫn là chủ đề cơ bản của thế kỷ 20, về một người đàn bà ngoại tình...
II
Khúc gỗ trên dòng suối ngập: Về đoạn mở đầu truyện ngắn "Y sĩ  Đồng quê", của Kafka 
"... Xác thân ông nằm trong nghĩa địa Do Thái Mới ở Zikov cùng với mẹ và cha. Nghĩa địa bỏ trống quá nửa, thế hệ đúng ra sẽ làm đầy nơi chốn này, được chuyển tới những trại tử thần vào những năm 1940, trong đó có ba chị em của Kafka."
Peter Haigh: "Kafka in Prague, Summer 1996" (Ghi chú nhân một chuyến du lịch).
 
Strip his clothes off, then he'll heal us,
If he doesn't, kill him dead
Only a doctor, only a doctor
(Lột trần anh ta, rồi anh ta sẽ chữa chúng ta lành bịnh
Nếu anh ta không làm được, hãy giết anh ta
Chỉ là một y sĩ, chỉ là một y sĩ)
O be joyful, all you patients
The doctor's laid in bed beside you
(Các bệnh nhân ơi, hãy vui lên đi,
Y sĩ  nằm trên giường kế bên anh)
"Y sĩ Đồng quê"
 
"Y sĩ Đồng quê" (1919), là câu chuyện một y sĩ vườn, bị đánh thức trong đêm bão tuyết, tới bên giường một người bịnh nặng. Viên y sĩ đáp lời, vượt vài trở ngại kỳ cục, tới bên giuờng, nhưng không thể giúp người bệnh. Sau cùng, ông thấy mình "với cỗ xe trần thế, với cặp ngựa ngược đời, thân già lạc lõng". Ở cuối chuyện, viên y sĩ nói: "Bị lừa! Bị lừa!" (1). Câu văn đóng chuyện đẩy người đọc về phần mở đầu, để tìm cho ra, nơi đâu, chỗ nào, viên y sĩ đã phạm lỗi lầm, một và chỉ một mà thôi; một lỗi lầm chẳng thể nào sửa chữa. Nhìn bề ngoài, phần kết thúc câu chuyện chứa đựng một (ý hướng) đạo đức nào đó. Có vẻ như, nếu viên y sĩ biết sớm điều này, ông có thể tránh được lỗi lầm định mệnh (the fatal mistake).
Nhưng thực ra, viên y sĩ, hay người đọc, biết được gì, ở phần cuối chuyện? Lỗi lầm nào, và đạo đức nào? Liệu viên y sĩ có thể (chọn lựa giải pháp) không trả lời (cú gọi trong đêm)? Liệu ông ta có thể biết ngay từ khởi đầu, đây chỉ là báo động hoảng? Có cách nào (trong câu chuyện ở đây, hoặc có lẽ, vượt quá nó) phân biệt giữa báo động hoảng và báo động thực? Riết ráo hơn nữa, viên y sĩ thực sự đáp ứng lời gọi, hay cực chẳng đã, bị văng lên đường?
Nói cho cùng, làm gì có báo động, chẳng có chuông réo trong đêm, ở ngay đầu câu chuyện - chẳng có báo động hoảng, chẳng có bất cứ một thứ chi gọi là báo động. Ở đầu chuyện, có: một báo cáo thật chi li về một chuyện xẩy ra (hoàn toàn mang tính sự kiện, khả tín), theo đó, những sự cố hãi hùng xoắn xuýt vào nhau. Người đọc thực sự gặp trở ngại khi tìm cách xác định vị trí khởi đầu con xoắn. Như trong nhiều tác phẩm của Kafka, không hề có đột biến, nhưng thực tại tự nó mù mờ, các hướng các chiều chao đảo; một cuộc biến hóa (a metamorphosis), mọi vật dần dần mang những bóng dáng cơn ác mộng.
"Tôi thật quá bối rối; tôi phải bắt đầu một chuyến đi khẩn cấp; một con bệnh ngặt nghèo đang đợi tôi, tại một làng cách mười dặm đường; giữa con bệnh và tôi, là cơn bão tuyết dầy đặc; tôi có một chiếc xe ngựa, loại nhẹ, bánh xe lớn, đúng thứ xe dùng nơi đường quê; người choàng áo lông, túi dụng cụ cầm tay, tôi ở sân, sẵn sàng cho cuộc hành trình; nhưng không có ngựa để mà có, không có ngựa. Ngựa của tôi đã chết trong đêm, do kiệt lực vì những mệt mỏi của mùa đông băng giá này; người tớ gái đang đầu làng cuối xóm, cố mượn một con ngựa; nhưng chỉ là tuyệt vọng, tôi biết, và tôi bơ vơ đứng đó, tuyết dầy thêm trên người, mỗi lúc thêm khó khăn cử động. Người tớ gái xuất hiện tại cổng, một mình, và vẫy vẫy cây đèn; lẽ dĩ nhiên, làm sao có người cho mượn ngựa cho một cuộc hành trình như thế? Một lần nữa, tôi đi quanh sân; không có lối ra; trong cơn bối rối ngán ngẩm, tôi đá cái cửa ọp ẹp khu chuồng heo đã bỏ hoang từ lâu. Cửa bật tung, đập qua đập lại quanh bản lề. Một luồng hơi có mùi ngựa tỏa ra. Bên trong, một cây đèn chuồng le lói đong đưa trên một sợi dây. Một người đàn ông co rúm người ở khu đất thấp, đưa bộ mặt ngây ngô, thực tình. "Tôi sẽ đóng ngựa?", anh ta hỏi, và bò bốn chân ra phía ngoài. Tôi không biết nói sao, và khom người nhìn coi còn có gì trong chuồng. Người tớ gái đứng kế bên tôi. "Ông chủ không bao giờ biết, sẽ kiếm thấy gì, ở trong chính căn nhà của mình," cô nói và cả hai chúng tôi đều cười. "Ơ này, Anh ơi, ơ này, Chị ơi!" người giữ ngựa gọi, và hai con ngựa, những con vật lớn lao, hông hùng dũng, chân lẳn vào mình, đầu con nào cũng thật cân đối, thâm thấp như đầu lạc đà, con này tới con kia, chỉ mấy cú lắc mông đã chiếm trọn lỗ cửa mở rộng. Nhưng ngay khi đứng thẳng, những cái cẳng dài và thân hình của chúng tỏa hơi nồng nặc. "Hãy giúp anh ta một tay," tôi nói, và người tớ gái sốt sắng lo việc thắng ngựa vào xe. Nhưng cô gái vừa tới gần, người chăn ngựa túm lấy, đè mặt anh lên mặt cô. Cô kêu lên và chạy trở lại phía tôi. Hai hàm răng anh ta hằn dấu máu trên mặt cô gái. "Đồ súc vật," tôi giận dữ la lên, "anh có muốn ăn roi không?", nhưng chợt nghĩ ra, đây là một người lạ, tôi không biết anh ta từ đâu tới, lại tự ý giúp đỡ tôi trong khi mọi người khác đã làm tôi hụt hẫng. Như biết được ý nghĩ của tôi, anh không coi lời hăm dọa là trọng, lại bận rộn với mấy con ngựa, hài lòng xoay lưng về phía tôi. "Hãy lên xe!", anh ta nói sau đó, và quả đúng như vậy, tất cả đã sẵn sàng. Một cặp ngựa tuyệt vời, tôi quan sát, đúng là chưa bao giờ được ngồi đằng sau một chiếc xe như vậy, và vui vẻ trèo lên. "Nhưng tôi là người cầm cương, anh đâu biết đường", tôi nói. "Lẽ dĩ nhiên" anh ta nói, "vả chăng, tôi không đi với ông, mà ở lại với Rose." "Không", Rose la lên, chạy trốn vô nhà, linh cảm sẽ chẳng thoát khỏi số; tôi nghe tiếng dây xích cửa, tôi nghe tiếng cài then, tôi còn nhìn thấy cô gái tắt đèn nơi hành lang và tất cả các phòng, mong sao không bị phát hiện. "Anh đi với tôi," tôi nói với người chăn ngựa, "nếu không tôi sẽ không đi, dù khẩn cấp cỡ nào. Tôi sẽ không đổi cuộc hành trình với giá cô gái". "Đi nào!" anh ta nói; anh ta vỗ tay; cỗ xe bật lên như một khúc gỗ trên dòng suối ngập; tôi còn nghe tiếng cánh cửa chịu thua, vỡ từng mảnh dưới những cú đập của người chăn ngựa, rồi mắt mù tai điếc vì cơn bão, tôi không còn bất cứ cảm giác."
Cái tên truyện giới thiệu với chúng ta, người kể chuyện xưng tôi, mặc dù anh chưa hề nói một lời: một y sĩ đồng quê. Rồi anh trình bầy tất cả mọi chi tiết khởi đầu, theo giọng "đây chỉ là sự kiện" (a matter-of-fact tone), y hệt một báo cáo cảnh sát; như thể anh đang xác minh trước quan tòa, như thể anh phải tự bào chữa, bảo vệ, trước những cáo buộc hình sự.
Tình cảnh của anh: hết sức bối rối. Vấn đề của anh: một chuyến đi khẩn, một người bịnh nặng, một làng cách mười dặm đường, một cơn bão tuyết, không ngựa, không hy vọng có được một con ngựa. Những biện pháp anh đề ra: 1- Cho người làm đi mượn ngựa, mặc dù chẳng một chút cơ may. 2- Đứng ở sân nhà, trong tuyết, sẵn sàng, đợi chờ chuyến đi; để, nếu người làm mượn được ngựa, sẽ chẳng mất đi đâu một phút, một giây. 3- Lại đi lòng vòng quanh sân. 4- Đá bung cửa chuồng heo bỏ hoang, biết đâu tìm thấy gì ở đó. 5. Khi ngựa và người xuất hiện, chẳng mất thì giờ hỏi tra về sự xuất hiện lạ thường này. 5- Tỏ thái độ khi cô đầy tớ gái bị xúc phạm, nhưng không trì hoãn chuyến đi, người bịnh nặng mới là quan tâm hàng đầu. 6- Thay đổi mối quan tâm hàng đầu, khi nhận ra người giữ ngựa sẽ làm nhục Rose, quyết định không bỏ mặc cô gái. 8- Khi người giữ ngựa làm cho hai con vật lồng lên, không điều khiển được chúng, và chiếc xe bị kéo đi "như một khúc gỗ trên dòng suối ngập" ("like a log in a freshet").
            Không một phiên tòa nào có thể kết tội viên y sĩ, về hành vi, cách xử sự của ông, trong bất cứ tình huống, biến động. Tuy nhiên, ngay từ khởi đầu, cho tới cuối câu chuyện, những câu hỏi trung tâm vẫn chưa được trả lời. Hơn thế nữa, chúng chưa từng được hỏi.
            Thực sự, viên y sĩ bị cáo buộc vì cái gì? Đâu là những lời tố giác, buộc tội  ông phải chiến đấu trong tuyệt vọng để phản bác? Chúng từ đâu mà ra? Ai buộc tội ông? Ai kết án ông, ở cuối chuyện (phải): "Trần trụi, phơi người ra trong giá lạnh vào cái thời bất hạnh nhất, với cỗ xe trần thế, với cặp ngựa ngược đời, già như tôi, tôi bơ vơ lạc lõng" ("Naked, exposed to the frost of this most unhappy of ages, with an earthly vehicle, unearthly horses, old man that I am, I wander astray.")  Và vì tội (sin) gì?
Chừng 1/3 chuyện, là về những toan tính của viên y sĩ nhằm tự chống đỡ trước cáo buộc, vốn chẳng có, trước một bên nguyên chẳng hề xuất hiện ở trong chuyện. Thêm vào "lời xin lỗi" (apology) ở đầu chuyện, thật hữu lý, và cũng thật vững vàng, một "biện hộ khác" xuất hiện sau đó như một lời than van, tự thương thân, khác biệt hẳn biện hộ khởi đầu.
"Tôi là y sĩ quận lỵ, làm bổn phận của tôi tới cùng, gần như quá sức tôi. Tôi được trả lương tồi, nhưng tôi rộng lượng, giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên tôi còn phải lo cho Rose, và sau cùng tên chăn ngựa có thể không có lỗi; tôi cũng vậy, tôi chỉ muốn chết. Tôi làm gì ở đây trong cái mùa đông vô tận này! Ngựa của tôi thì chết, vậy mà chẳng một người nào trong làng cho tôi mượn một con khác. Tôi phải lấy ngựa từ nơi nuôi heo; nếu sự tình cờ không để đôi ngựa ở đó, chắc là tôi phải đóng xe bằng mấy con heo... Đâu phải đây là lần đầu tôi bị kêu ra khỏi nhà vì một chuyện vô ích, tôi đã quen với nó rồi, cả cái quận lỵ biến cuộc đời tôi trở thành khốn khổ khốn nạn với cú gọi đêm, nhưng lần này có lẽ tôi phải hy sinh Rose... thật là đòi hỏi quá đáng..."
Trái ngược với biện hộ ngắn ngủi ở đầu chuyện, khúc độc thoại ở đây cho thấy, không phải toan tính nhằm thuyết phục, mà là cố gắng làm mủi lòng. Có lẽ, một độc thoại vượt quá cơn tuyệt vọng, chán ngán, kể từ lúc người nói, ở đoạn đầu, đã tỏ ra mong ước được chết (ngay sau khi Rose được an toàn), ở đoạn cuối, anh nhìn lại chuyến đi thăm người bịnh - và cả đời mình - như là một thất bại vô phương sửa chữa.
Đoạn mở đầu là một biện hộ, vững vàng, không thể chê trách được, ít ra ở bề ngoài. Một biện hộ bi thảm: nó hầu như là một câu dài, với nhiều mệnh đề, xác định bằng dấu chấm phẩy. Lời khai của viên y sĩ, là thì hiện tại, như một buổi phát thanh trực tiếp ("at the moment she went to him and here, yes, the groom grabs her and knocks his face against hers. The girl lets out a shriek and flees toward me."), có vài chuyển tiếp giữa dòng (mid-sentence transitions) từ quá khứ qua hiện tại như thế.
Viên y sĩ đá cánh cửa bật tung, và "giải thoát" (deliver: sinh nở, giải thoát) - trước sự sững sờ của ông - người chăn và hai con ngựa, từ nơi chuồng heo. Như sự xuất hiện của cái mũi, từ ổ bánh mì, trong chuyện của Gogol, sự xuất hiện của người chăn và hai con ngựa trong "Y sĩ Đồng quê" đã được miêu tả hầu như là một cơn đẻ (as a birth): người chăn ngựa bò ra "bằng bốn chân", hai con ngựa, "con nọ tiếp con kia, bốn chân lẳn vào mình..." Cắn vào má Rose là hành động đầu tiên của người chăn ngựa, vì vậy mà viên y sĩ gọi anh là "đồ súc vật". Tính dâm tà của anh, và vụ xâm phạm cô gái thực sự mang tính thú vật. Viên y sĩ có thể nghe "cánh cửa nhà tôi long ra từng mảnh dưới những cú đập của tên chăn ngựa". Cùng lúc, tên chăn ngựa đóng vai quen thuộc của quỉ dữ, trong chuyện dân gian, đề nghị một chuyện trao đổi ma quái. Tên giữ ngựa/con quỉ như từ dưng không trồi lên, dụ khị (offering) thân chủ của nó: mày muốn được cái đó hả, thì đây này; nhưng, cái mà con quỉ lấy đi còn quí giá, còn ý nghĩa hơn nhiều. Viên y sĩ nói: ta sẽ không đổi chuyến đi với cái giá cô gái. Nhưng một khi ông chấp nhận đôi ngựa, "định mệnh đã an bài"!
Ở đầu chuyện, là một số gắng nhằm giải quyết vấn đề di chuyển - làm sao tới bên giường một người bệnh ngặt nghèo, tại một làng cách đó mười dặm đường, một cơn bão tuyết trong đêm - cuối cùng hóa ra là một "vụ việc" (affair), với đầy tủi hổ, nhục nhã, và tội lỗi: ngựa của viên y sĩ chết vì bị hành quá mức, ông ta không thể bảo vệ cô gái, ông ta cũng thất bại không cứu nổi người bịnh. Có lẽ chính vì vậy mà đoạn mở đầu mang cái vỏ một lời xin lỗi (sự thực, cả câu chuyện là một lời xin lỗi). Hỡi ơi, đây chỉ là một lời xin lỗi phi lý, xin lỗi theo kiểu vòng vo Tam quốc, giống như trong chuyện dân gian: "Có một lỗ hổng ở trong cái xô của tôi": điều thứ nhất không thể thực hiện vì thiếu điều thứ hai, điều thứ hai bị ngăn chặn (thực hiện) vì những trói buộc ở điều thứ ba... và cứ như thế. Đạt được điều thứ nhất là đạt được tất cả, khốn nỗi...
Hãy thử thực hiện câu chuyện "Y sĩ Đồng quê" theo kiểu trên, xem sao:
-Nếu mọi chuyện đều sẵn sàng cho chuyến đi - bao gồm cả chuyện "một chiếc xe nhẹ với những bánh xe lớn" - tại sao ông không đi?
Bởi vì không có ngựa.
-Ngựa đâu?
Chết đêm hôm qua.
-Tại sao ngựa chết?
Vì những mệt mỏi mùa đông băng giá.
-Tại sao ngựa mệt mỏi trong mùa đông băng giá?
Bởi vì cả quận lỵ biến đời tôi trở thành khốn khổ khốn nạn với cú gọi đêm.
-Tại sao cú gọi này lại nặng nề đối với ông, hơn là những cú khác?
Lần này "chắc tôi phải hy sinh Rose"
-Như vậy tại sao ông bỏ mặc cô gái? Tại sao ông để tên chăn ngựa cắn cô ta?
Tôi đã trách anh ta, tôi dọa quất roi anh ta.
-Tại sao ông không quất?
Bởi vì ngay lập tức tôi nhớ ra "người đàn ông này là người lạ; tôi không biết anh ta từ đâu tới".
-Tại sao ông nhận sự giúp đỡ từ một người lạ khi ông không biết gốc gác người đó?
Bởi vì anh tự ý giúp tôi thoát ra khỏi khó khăn trong khi tất cả mọi người làm tôi hỏng cẳng.
Tại sao những người khác làm ông hỏng cẳng?
"Cả quận lỵ biến đời tôi thành khốn nạn".
-Tại sao ông không ngăn tên giữ ngựa phá cửa, và rồi xâm phạm cô gái?
Tôi đã cố. Tôi ra lệnh cho anh ta đi với tôi, nếu không "tôi sẽ không đi, dù khẩn cấp cỡ nào".
-Nếu vậy, tại sao ông không huỷ chuyến đi?
Bởi vì tên giữ ngựa bất thình lình vỗ tay ra hiệu cho ngựa vùng lên, chiếc xe bị kéo đi, "như khúc gỗ trên dòng thác".
-Tại sao ông phó mặc tính mạng của ông vào một tên chăn ngựa?
Bởi vì có một người bịnh ngặt nghèo đang đợi tôi, tôi lại không có ngựa.
Ở đây có bóng dáng vòng vo câu chuyện  "bà già đi chợ đàng trong, mua năm cây mía vừa cong vừa dài; bà già đi chợ đàng ngoài, mua năm cây mía vừa dài vừa cong" (còn được truyền tụng như sau: Mẹ em đi chợ đường trong, mua em cây mía vừa cong vừa dài; mẹ em đi chợ đường ngoài, mua em cây mía vừa dài vừa cong).
Cũng vẫn một "mẫu mã" như trên, là đoạn viên y sĩ gặp người bịnh, đoán bịnh lầm. Thoạt đầu, ông không nhận ra vết thương của cậu bé, rồi không thể giúp nó...
Vậy thì đâu là "khế ước mở đầu", người đọc được yêu cầu chấp nhận?
Thoạt kỳ thuỷ, là mong ước người đọc: tin tưởng người kể chuyện-y sĩ, tỏ ra có cảm tình với con người đạo hạnh đã đáp ứng lời gọi trong đêm bão tuyết, đi chữa một bịnh nhân... Những đòi hỏi khẩn cấp, hình huống ngặt nghèo, lời khai, lời xin lỗi... của viên y sĩ khiến người đọc nhận ra ý nghĩa việc viên y sĩ quyết định sử dụng đôi ngựa. Ngay cả vụ tấn công cô gái cũng không đủ để hoãn cuộc hành trình, và độc giả hài lòng với việc trách móc "qua loa" của viên y sĩ.
Chỉ tới khi đôi ngựa lồng lên (bi kịch bắt đầu!), người đọc mới băn khoăn tự hỏi, phải chăng hoàn cảnh (thực sự) ở trong tầm tay, ngay từ khởi đầu. Những quyết định của viên y sĩ có thực sự là những quyết định? Cả một chuỗi lo toan tính toán, quyết định như thế, cuối cùng hóa ra chỉ là một cơn "hoang tưởng" hãi hùng của viên y sĩ: ông ta đã bị lừa. Ông ta đã đáp ứng một báo động hoảng. Không phải chỉ viên y sĩ bị lạc đường, mà luôn cả độc giả cũng bị "văng lên đường", theo với ông!
Bởi vì nói cho cùng, chẳng có báo động hoảng, ông ta đã "bị" lên đường, ngược lại ý muốn của ông.
"Y sĩ Đồng quê", dù hiểu thế nào đi chăng nữa, không phải là câu chuyện của tội lỗi và trừng phạt. Càng chẳng phải một câu chuyện ngụ ngôn về chuyện chuyển hướng lầm, chọn lầm (taking the wrong turn, making the wrong choice). Thảm kịch của viên y sĩ không phải là do hậu quả của những hành động, và thất bại của ông. Chuyện "xin lỗi" chỉ là nói cho vui. Khế ước mở đầu chỉ là đối tượng của một khế ước thực, khế ước ngầm. Theo những điều kiện của khế ước ngầm này, viên y sĩ đã có tội, "ngay từ tiên thiên, tiên nghiệm" (à priori). Ông ta đã bị kết tội, kết án ngay từ khởi đầu, mặc dù sự vô tội của ông. Ông ta có tội ngay cả trước khi bắt đầu những lời than van, xin lỗi, tự kiểm thảo bản thân. Ngay từ "thoạt kỳ thuỷ", ông ta chẳng khác nào "một khúc gỗ trên dòng suối ngập". Ông ta có tội, bởi vì "tội lỗi của người đàn ông" (a man's guilt) luôn luôn nằm sẵn đó, đợi ông.
Cô gái Rose hình như đã nói ra những điều kiện thực sự của tờ khế ước, của Kafka: "Bạn chẳng thể nào biết điều bạn đang tìm, trong chính căn nhà của mình".
Tội lỗi ngồi thu lu đằng sau "cánh cửa ọp ẹp của cái chuồng heo đã bỏ hoang từ bao nhiêu năm tháng...".
(Theo bài viết của Amoz Oz trên Partisan Review, số Mùa Xuân, 1999).
Chú thích:
(1). Bản tiếng Anh: "Betrayed! Betrayed!" (Bị phản bội); bản tiếng Pháp của Claude David, (nhà xb Gallimard, tủ sách Folio, 1990: "Dupé! Je suis dupé!" (Bị lừa! Tôi bị lừa!).
Jennifer Tran chuyển ngữ, và giới thiệu.


























































































































Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư