Bếp Lửa


1 2 3 3 4 5 6 7 8

Bếp Lửa_Hà Nội

Tựa 1
Tựa 2
Bạt
Bếp Lửa, Tựa, Bạt







Bếp Lửa
Thanh Tâm Tuyền


1
Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng. Thanh là em họ tôi.
Bên trong cửa tiệm những cô gái chăm chú vào công việc của họ. Thanh bỏ cuộn len hồng xuống phản đón tôi. Nàng cười:
"Em đang có ý muốn gặp anh lắm".
Tôi gật đầu. Người con gái đứng tuổi ngồi ở máy ngước mắt nhìn tôi tỏ nghi ngờ. Có lẽ cô là người điều khiển cửa hiệu. Tôi lễ phép chào cô, lần thứ nhất tôi đến đây. Tôi bảo Thanh:
“Thế nào cô đã giúp anh việc anh nhờ chưa?”
“Sẵn sàng rồi ạ. Anh đợi em một tý.”
Thanh quay vào trong tìm kiếm. Trong khi ấy tôi ngắm những tủ kính bầy vải vóc, len sợi, những chiếc áo dài, áo len đã hoàn thành. Tôi nhìn những ngón tay thoăn thoắt với mũi đan và tấm vải dạ trải dưới những mái tóc cúi. Người con gái đứng tuổi ở bàn máy lên tiếng:
“Mời ông ngồi chơi.”
Tôi hơi nhích người đáp lễ:
“Cám ơn cô.”
Và tôi vẫn đứng nguyên bên cạnh quầy hàng.
Thanh đưa tôi một gói giấy báo và mở ra nói:
“Chỉ mới có cái khăn quàng thôi, áo thì em chưa tìm được cái nào vừa ý cả.”
Tôi không nhìn đến mầu của cái khăn và gói gọn lại.
“Cám ơn cô lắm. Áo thì cô mua sau hộ anh cũng được.”
Tôi vừa định trở gót.
“Anh chờ em, em có câu chuyện muốn nói với anh – Thanh quay nói với người con gái đứng tuổi ngồi ở máy - chị Nga em ra ngoài một lát nhé.”
Nga tươi cười dễ dãi và tôi cúi chào nàng nói khẽ: xin phép cô.
Ra ngoài hè tôi hỏi:
“Minh vẫn đi học chứ? Có chuyện gì quan trọng lắm không cô?”
Thanh không trả lời vào câu hỏi của tôi:
“Anh nên mời em uống một cái gì cho ấm bụng.”
“Cô phải để anh kiểm lại ngân sách cái đã.”
Tôi cười và lúc này gió nhiều ở chùm cây trên đầu.
“Anh làm như anh nghèo lắm ấy.”
“Cũng tạm thôi.”
Thanh đưa tôi vào tiệm trà đầu phố. Tôi gọi cho tôi một cốc cà phê nóng và Thanh một cốc sữa. Buổi sáng mùa đông ngây ngất, trưa còn xa. Trong tiệm nước chỉ có hai chúng tôi. Thanh choàng cái khăn đỏ mỏng suốt làm má đỏ hồng. Tôi nhớ vừa rồi đi cạnh tôi trên vỉa hè nhiều lá vàng lăn chạy, Thanh rất đẹp. Nàng đang đưa ngón tay vạch trên thành cốc.
“Cô có biết là cô nổi danh không?”
“Ai bảo anh thế?”
“Tôi bắt đầu phải nghe cô.”
“Hân hạnh.”
Thanh hát trên đài vô tuyến được vài tháng nay. Giọng nàng ấm và buồn. Lúc thường tính tình Thanh vui vẻ đùa nghịch bao nhiêu thì lúc hát giọng Thanh đầy nước mắt bấy nhiêu. Tôi không ưa âm nhạc mà nghe Thanh hát cũng cảm động. Thanh mồ côi cha mẹ và còn em gái là Minh. Hai chị em đùm bọc nhau từ ngày hồi cư bằng nghề đan may của Thanh. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, giây thân thích giữa hai chúng tôi không đáng kể. Có lẽ Thanh cũng cảm thấy điều ấy ở tôi và sẵn sàng thuận ý nếu tôi ngỏ lời – Thanh thì không dám bộc lộ trước vì đối với tôi sự kính nể của nàng rất to lớn. Nhưng chưa bao giờ tôi nói ý nghĩ của tôi cả.
“Anh Tâm”, Thanh ngừng một chút và ngón tay đứng lại trên mặt bàn. “Hiền hỏi thăm anh…”.
Tôi biết đấy không phải là câu Thanh định nói với tôi, tuy thế tôi cũng gật đầu để làm vừa lòng nàng. Hiền là người yêu cũ của tôi.
“Hiền vẫn mạnh khoẻ chứ? Bao giờ thì chia trầu cau?” Tôi hỏi gỡ rối cho Thanh.
“Hiền còn đợi anh.”
“Cô không nịnh anh đấy chứ?”
Thanh nhìn tôi trách móc cho tôi đùa quá đáng bởi vì tôi cười hơi lớn. Thanh lại im lặng và tôi nhìn vào cái khăn đỏ đẻ đừng phải nghĩ về Hiền. Một lát Thanh nói:
“Anh quen thân với Chu phải không?”
Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng trả lời:
“Có lẽ.”
Thanh tỏ ý không hiểu câu trả lời.
Năm 1945, ngày tiếng súng nổ ở Nam Bộ, Chu và tôi là đôi bạn thân cùng đi từ Nam ra Bắc. Cuộc hành trình của chúng tôi bằng xe lửa cho tới Đà Nẵng, và thuyền từ Đà Nẵng trở ra. Chính trong không khí vừa vui mừng vừa xáo trộn ấy tôi gặp Hiền và gia đình nàng trên một chiếc thuyền. Tôi và Chu chia tay nhau ở Hà Nội và cũng ở Hà Nội tôi và Hiền yêu nhau một năm trước ngày kháng chiến. Mối tình của chúng tôi càng tha thiết đằm thắm gắn bó khi không khí chiến tranh chết chóc tàn phá càng mãnh liệt. Lần gặp gỡ đầu vào một đêm tối ở một đại lộ vắng. Trời không lạnh lắm. Không bao giờ tôi quên được người ta giết nhau trước mắt tôi ngay lúc đó. Trong đêm tối một tiếng la thất thanh rồi hai người bỏ chạy. Tôi không kịp cảm, suy nghĩ gì hết. Hiền run như một con chim nhỏ trong cánh tay tôi. Chúng tôi ôm nhau đứng đấy cho đến khi hồi tỉnh và lặng lẽ rẽ sang phố khác. Người chết vẫn nằm kia. Về Hà Nội trở lại, tôi không thể yêu Hiền được nữa, mặc dù Hiền không quên tôi.
“Thế là thế nào?”
“Nghĩa là trước đây là thân nhưng bây giờ thì thôi.”
“Cô không phải là đàn ông. Hôm nay người ta có thể thân nhau lắm mà ngày mai đã hững hờ rồi, vì nhiều nguyên cớ mà cũng có thể chẳng có nguyên cớ nào hết. Rồi người ta lại có những người thân khác, thân khác nữa, mỗi năm, mỗi giai đoạn của cuộc sống.”
Thanh đã trở lại ngoan ngoãn. Nàng nhìn tôi với đôi mắt phục tùng. Tôi hỏi:
“Nhưng tại sao cô lại hỏi tôi về Chu?”
Thanh không trả lời ngay và có vẻ đăm chiêu.
Chu bây giờ làm cho một hãng buôn ngoại quốc. Tôi chỉ gặp Chu một lần từ ngày hồi cư. Câu nói đùa của tôi với Chu là:
“Cậu thôi nghiên cứu về vấn đề khủng hoảng kinh tế rồi chứ?”
Chu thật thà đáp:
“Chuyện viển vông chẳng ích lợi gì.”
Tôi hỏi lại Thanh:
“Tại sao cô lại hỏi về Chu?”
"Cô Nghĩa bảo Chu muốn đánh tiếng hỏi em.”
“Nếu thế Chu là một người chồng tốt.”
“Cô nghĩ thế nào về chuyện ấy?”
Em muốn hỏi ý kiến anh trước.”
“Cô hoàn toàn tự do.”
Thanh trông thẳng vào mắt tôi, giọng buồn như lúc nàng hát:
“Chúng em cũng chỉ còn anh gọi là thân bởi thế em muốn được ý kiến anh về câu chuyện quan trọng này.”
Tôi nghiêm nét mặt:
“Cô cũng biết là tôi cũng chỉ có cô và Minh là tnân thuộc…”
Tôi uống nốt cặn cà phê và im. Rồi tôi nói sau một lúc lâu:
“Cô để cho tôi suy nghĩ, trả lời cô sau.”
Nói thế, nhưng tôi không biết tôi sẽ suy nghĩ về cái gì.
Khi đứng lên, Thanh nhắc:
“Anh cầm gói khăn quàng chưa?”
Tôi đưa Thanh về đến cửa hiệu rồi đi xe điện xuống chợ Hôm thăm Đại. Từ chỗ đỗ xe điện, tôi đi bộ qua một phố không trải nhựa lồi lên những viên đá xanh, đến phố Lò Đúc. Căn nhà gác ba từng quyét vôi đỏ úa, già nua. Qua một cái sân nhớp nước, tôi leo lên cầu thang ẩm mốc, hôi hám. Gian buồng của Đại ở từng ba là gian buồng chứa vật dụng cũ bỏ không cho thuê với giá ba trăm đồng. Buồng kê gọn một cái giường và cái bàn gỗ không có ghế, thừa đủ một chỗ trống để bước vào trèo lên giường. Ngoài căn buồng là khoảng sân trời có những giây thép giăng ngang làm nơi phơi quần áo của những gia đình ở từng gác hai. Hôm nay trời nhiều hơi nước nên sân quang đãng.
Đại ngồi co ro ở một góc phản đọc sách. Còn một người thanh niên nữa ngồi học trước bàn. Tôi nói:
“Tôi mang xuống cho cậu cái khăn quàng.”
Đại mở gói: đó là một cái khăn dạ mầu xám. Tôi tiếp lời:
“Để dùng lúc nào ra ngoài thôi, ở đây đóng cửa lại thì ấm chán.”
Đại cười chỉ lên chỗ những miếng trống hình chữ nhật dẹp cao hai bên giường:
“Anh đừng tưởng, lạnh ghê lắm nhé. Gió hút, tôi phải hy sinh ánh sáng, dán giấy bít mà gió còn thổi rách như thường.”
Chúng tôi bước ra sân. Người thanh niên vẫn chăm chú làm việc không để ý đến sự có mặt của tôi. Đại cầm ở tay cuốn Crime et Châtiment. Tôi hỏi:
“Cậu đến trường luôn không?”
“Không.”
“Làm gì ở nhà?”
“Đọc sách và suy nghĩ.”
“Suy nghĩ về phép giết người chăng?” Tôi nói đùa.
Đại không đáp. Chúng tôi đứng nhìn xuống khu xóm lao động phía dưới. Đại bỗng nói:
“Nó đến trường tìm mình dữ lắm.”
“Cậu quyết định thế nào?”
Đại trầm ngâm một phút:
“Chưa.”
Đại là sinh viên khoa học, đã qua được chứng chỉ căn bản. Hắn bị gọi động viên và đang trốn.
“Nghĩ gì về Dostoievski?”
“Bệnh.”
Tôi không ưa lối nói cụt lủn của Đại. Hắn rất say đắm chủ nghĩa cộng sản. Những căn nhà đã bốc khói. Không khí ấm hơn. Tôi nhìn bang quơ những ngọn cây. Tôi chợt nhớ đến lời hứa với Thanh sẽ cho Thanh biết ý kiến của mình. Nhưng tôi không cho là quan trọng, Thanh sẽ quyết định theo ý riêng của nàng.
“Tại sao lại bỏ Hà Nội?’
“Tôi chán đây rồi. Sang bên ấy ở ẩn cho qua ngày.”
“Có chắc ẩn được hay không?”
“Không biết. Nhưng chắc được, ở ngay trong trường với các linh mục. Bên này nó nghi ngờ những liên lạc và hành vi của mình quá rồi.”
"Những liên lạc hành vi nào?” Đại hỏi ngạc nhiên.
“Một vài chỗ quen biết hoạt động nội thành, một vài chỗ các đảng phái khác, thư từ, sách đọc, công việc làm cũng đủ nó khó chịu, còn gì hơn?”
Tôi ngồi trên bực gạch. Đại trông thẳng mặt tôi nghiêm trang. Hắn móc túi lấy đưa cho xem một lá thư.
“Thư của người bạn ở chiến khu Trình Minh Thế.”
Tôi nhìn qua rồi trao trả Đại. Hắn vừa cất lá thư vừa nói:
“Tôi nghĩ rằng cho đến bây giờ không thể đi khác hơn được. Nó còn đúng. Mình còn phải nhắm mắt nhận lấy thân phận của giai cấp mình.”
Nó - Đại muốn nói về chủ nghĩa cộng sản. Tôi cầm lên cuốn sách của Đại để sang bên và trông vào tấm hình. Tôi nói:
“Tôi cũng nghĩ như thế nhưng tôi lại muốn nghĩ thêm chút nữa. Tôi không nghĩ đến thân phận giai cấp mình, tôi muốn nghĩ đến thân phận giai cấp khác, thân phận ngay chính giai cấp vô sản”
“Làm thế nào được khi đế quốc còn đủ nanh vuốt. Tôi không tin lực lượng thứ ba.”
“Tôi cũng không tin.”
Câu chuyện ngưng ở đấy như thường lệ. Chúng tôi gặp nhau vì cùng ham thích nghiên cứu chủ nghĩa mác xít. Trong khi trở vào buồng, Đại bảo:
“Tôi đang bị đuổi nhà.”
Người thanh niên vẫn làm việc đều đặn. Tôi nói:
“Tiện cậu xuống nhà tôi.”
“Cậu vắng nhà.”
“Không sao. Ông Chính dễ dãi.”
Và tôi ra về. Đại đưa tôi xuống tận dưới đường và hình như còn điều gì muốn nói.
Ông Chính không về nhà buổi trưa. Tôi ở thư viện buổi chiều. Mưa bụi suốt. Chưa đến sáu giờ trời đã sập xuống. Tôi rời thư viện khi những ngọn đèn treo được bật soi trên các mặt bàn gỗ dài phẳng nhẵn và lò sưởi sắt dưới chân các cột được đốt lên. Tôi gặp ông Chính ở phố Hàng Trống nhưng chúng tôi làm như không nhận ra nhau dù hai người đi ngược chiều trên cùng một bờ hè. Tôi kéo cao cổ áo choàng và nhìn sang phía bên hồ.
Tôi về nhà hơn bẩy giờ, ông Chính vẫn vắng mặt. Tôi đợi ông đến quá bẩy giờ rưỡi. Người thổi cơm ở chung nhà mang cơm sang và hỏi:
“Cụ chưa về thưa ông?”
“Có lẽ cụ tôi không về ăn bữa nay.”
Tôi ngồi ăn một mình. Chín giờ ông Chính về. Tôi nghe được tiếng chân ông từ ngoài ngõ. Tôi đã đi nằm vì buổi trưa không ngủ và tinh thần căng thẳng sau mấy tiếng đồng hồ vùi đầu trong thư viện. Ông Chính thay quần áo, sửa soạn giường của ông, xong lên giường nằm đọc sách.
Chúng tôi biết sắp phải nói với nhau nhưng chưa ai mở đầu.
Ông Chính là cha ghẻ của tôi. Sau khi mẹ tôi mất đi, ông còn đủ tuổi để có thể lập gia đình mới và tôi cũng có thể bỏ ông để sống độc thân. Dù vậy chúng tôi không xa nhau. Có lẽ chúng tôi rất thương nhau nhưng vì ít nói hoặc vì lẽ gì đó chúng tôi không được tự nhiên khi gần nhau. Chúng tôi làm việc chung một trường mà tôi chắc ít người rõ sự liên hệ giữa chúng tôi. Khi tính chuyện rời Hà Nội, tôi có nghĩ đến sự thoải mái cho hai người. Mỗi người chúng tôi theo đuổi một cuộc đời riêng.
Tôi nghe ông Chính trở dậy tìm nước uống và tôi cũng ngồi lên. Trong khi rót nước ông hỏi tôi:
“Anh đã nói với trường là anh nghỉ phải không?”
Tôi ngượng ngùng vài giây và trả lời:
“Vâng, tôi cũng định nói với thầy là mai tôi sang bên ấy.”
“Bắc Ninh?”
“Vâng, một trường công giáo.”
Chúng tôi đã bước qua sự khó khăn và ông Chính đến ngồi trước mặt tôi. Mỗi lần như thế tôi biết ông muốn nói với tôi điều gì quan trọng. Ông Chính nói:
“Chắc anh đã tính kỹ rồi?”
“Vâng.”
“Theo tôi anh vẫn có thể ở Hà Nội được.”
Tôi không trả lời mà nhìn thẳng vào ông. Tôi muốn bảo: “Ông không thể hiểu được chúng tôi”. Ông Chính đã già xuống nhiều, bàn tay ông úp xấp nổi gân và run. Năm 45, ông là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và có dự vào cuộc tương tàn lịch sử. Tuy thế tôi cho là hai thế hệ gần nhau nhất vẫn khó đồng ý với nhau.
“Ở tỉnh nhỏ là một điều phiền phức”. Vẫn ông Chính nói, “nhất là…”.
“Không, nếu mình chẳng làm gì cũng không ngại.”
“Anh không thấy bên ấy không được an toàn lắm hay sao?”
Tôi lấy cớ đứng lên rót nước uống để chưa trả lời ngay. Xong tôi nói:
“dạ, tôi cũng muốn sống cái không khí bất trắc một chút. Ở đây có lẽ bình yên quá.”
Thật ra thành phố này cũng chẳng bình yên. Thỉnh thoảng nó vẫn rung động vì những tiếng nổ lớn vây quanh và đèn pha thường đốt sáng khoảng trời đen của nó về đêm tối. Ông Chính nhíu mày, tôi đã ngồi lại trước mặt ông. Ông hỏi:
“Trường bên ấy có khá không?”
“Lớn và đẹp. Tôi được một buồng yên tĩnh để làm việc và cơm nước cũng do nhà trường lo.”
Ông Chính ngồi im, lưng cúi xuống. Tôi nghĩ chúng tôi sắp sửa chia tay nghỉ. Ngoài trời mưa thành hạt lên tiếng, hắt qua cửa sổ vào đến chỗ chúng tôi.
“Mai anh đi buổi sáng hay chiều?”
“Dạ chiều. Chiều để tránh mìn.”
Ông Chính đứng lên khép cửa và cửa sổ.  Bóng ông in lên vách. Ông dừng một chút nhìn qua cửa sổ ra ngoài và hỏi tôi – mưa lúc ấy đổ mạnh khiến tiếng ông thấp thoáng và tôi sởn gai ốc khắp người vì lạnh:
“Anh Tâm. Tôi muốn anh thành thật trả lời câu hỏi này của tôi”. Vài giây cách quãng, mưa to hơn. “Giữa chúng ta có xẩy ra chuyện gì không đẹp không? Anh cứ nói thẳng với tôi.”
Tôi muốn đứng dậy nhưng không rời chỗ. Tôi nghe trong tiếng mưa vẫn còn vang tiếng của ông Chính khắp gian phòng.
“Thưa thầy không bao giờ tôi nghĩ lại có thể có câu hỏi ấy giữa thầy và tôi.” Tôi bị xúc động mạnh.
Ông Chính quay đầu lại, mắt ông chớp nhanh, ông nói:
“Tôi muốn giữa chúng ta có được sự thẳng thắn.” Ông nuốt nước bọt. “Dù thế nào chúng ta cũng đã sống với nhau hơn mười lăm năm, lúc có mẹ cũng như lúc không. Lúc nào tôi cũng coi anh là người thân nhất của đời tôi và tôi chắc anh cũng như tôi vì anh cũng chẳng còn ai thân thích. Trước khi lấy mẹ tôi đã có một đứa con gái nhưng chúng tôi không sống gần nhau…”
Ông Chính không gọi mẹ anh, ông gọi mẹ để tỏ sự kính trọng. Sự có mặt của người đàn bà ấy hiện lên giữa chúng tôi. Chính người đàn bà đau khổ cho đến lúc nhắm mắt ấy là người buộc chúng tôi với nhau. Ngay những giờ phút monh manh nhất người vẫn với sự âm thầm cố hữu nối kết chúng tôi: năm 45 tôi ở miền Nam, còn ông Chính ở biên giới Trung Hoa, rồi chúng tôi lại trở về bên người đàn bà ấy. Và chính bây giờ vẫn còn người ấy, mãi mãi chăng? Bắp thịt má ông Chính giật giật. Tôi bàng hoàng nói:
“Thầy đừng nên có ý nghĩ ấy. Không hề có một câu chuyện nhỏ nào cả. Nếu có chỉ là sự vụng về của tôi khiến thầy nghi ngờ thì tôi xin lỗi thầy. Thầy cũng hiểu tôi còn những điều dự tính riêng, nhưng bao giờ tôi vẫn là con thầy như khi còn mẹ và…”
Mưa dịu hơn trước. Ông Chính ngồi xuống.
Chúng tôi đi nằm vào lúc mười một giờ. Tôi thao thức không sao ngủ được. Mưa dầm và lạnh. Ông Chính chong đèn đọc sách khuya. Tôi biết ông cũng không ngủ được. Tôi thương ông vô cùng, sự già cả và cô đơn vây lấy ông. Tôi nhớ đến ngày giỗ mẹ tôi vừa qua, chúng tôi không ai làm gì cả; buổi tối hôm ấy ông Chính không về nhà và tôi đi ngủ sớm. Giá có người đàn bà chúng tôi sẽ thân nhau ở những chuyện nhỏ nhặt ấy. Khi tôi ngủ, đèn đọc sách của ông Chính vẫn còn sáng.
Gần ba giờ sáng. Mưa rơi sâu vào giấc mơ. 

Comments

Popular posts from this blog

Nguyễn Ngọc Tư

30.4.2015

‘A Lament in Three Voices’