Nguyễn Tuân by NL
- Get link
- Other Apps
Jun 25, 2020
Tôi yêu đêm
Tôi yêu đêm. Đấy là những giờ quý báu nhất trong thời biểu một
ngày mà một người biết nói thầm với một người. Tôi sống cuộc đời tiềm-tàng của
tôi vào lúc khí âm thịnh.
Tôi muốn kêu lớn: Khói muôn năm!
Trong đời không thường, không định của tôi, sự thiếu thốn về
ăn mặc nhiều khi không gay go bằng sự thiếu hút. Bởi vì một người không đến nỗi
đo chai nước mắm, đếm từng củ dưa hành như tôi, lắm lúc đã phải lấy cân tiểu ly
ra cân từng dúm thuốc. Có khi suốt một tháng ròng, tôi đã phải dè dặt từng bao
thuốc, dành dụm từng điếu thuốc. Lắm lúc bần thần cả người vì thiếu thuốc hút,
tôi thấy tôi hèn yếu quá và tự nhủ lòng sao không bỏ phứt cái tật xấu nhỏ ấy đi
như một số đông đốc-tờ đã coi thuốc lá là kẻ thù. Thêm một thị dục là thêm một
cớ khổ não. Có như thế, Giáo lý đạo Phật, ở trường hợp nào thì không biết, chứ ở
vào việc thuốc lá tôi thuật đây đã rõ ràng lắm.
Cái khổ não này, tôi đã được nếm đến tàn nhẫn trong những
ngày làm trò hát bóng nói ở Hương Cảng. Tôi đã sống nhiều đêm trên đảo với tấn
thảm kịch thuốc lá.
Trước tôi, nhiều người đi Hongkong về đã gặp lại tôi với một
câu:
- Qua bên ấy ốm vì hút xì-gà.
Sự thực quả có như vậy.
Trong mấy bữa đầu tiên ở Hongkong, điếu xì-gà không rời miệng
tôi lúc nào. Mở mắt ra là đã hút xì-gà, trước cả món ăn điểm tâm. Hút cả đêm,
hút cả ngày. Và không mấy khi, tôi hút điếu thuốc quá ngấn nhẫn vàng; điếu thuốc
cháy độ một phần là đã quăng. Cái lối xa hoa này, có riêng gì mình tôi. Trong
đoàn tài tử, - ngoài đám phụ nữ ra - (!) ai cũng đều hút xì-gà một cách hoang
phí như vậy. Có khi chúng tôi lại mang cả xì-gà vào chuồng tiêu, đốt không điếu
thuốc lên để khói thơm đánh át mùi hôi rồi mới chịu giải thoát cho cái bụng. Ở
đây, thuốc rẻ mà lại! Cho nên người ta hút xì-gà như người Huế hút thuốc giấy ở
bên quê hương. Thật là hút lấy được. Của rẻ có khác. Người ta hút, nếu không để
lấy chết thì cũng để tự hào với người quen rằng có lần mình đã suýt lụy vì khói
xì-gà. Buổi tối ăn cơm xong, đến xưởng quay phim để đóng trò, đoàn tài tử Việt
Nam đã được người Tàu chú mục. Mỗi tài tử bước chân vào hãng quay phim với một
điếu xì-gà ở miệng, cục tàn lửa to bằng hòn than hoa đỏ! Người ta không đếm xỉa
gì đến những tấm biển yết trong xưởng: “No smoking” nghĩa là “cấm hút”. Người
ta quên cả lịch sự, thở mãi khói vào mặt đàn bà Tàu. Nếu có người nào phải
quăng nửa điếu xì-gà cháy dở, là vì họ rức đầu, chối, ngấy khói mà bỏ hút đó mà
thôi!
Ấy thế rồi một ngày nọ, điếu xì-gà đã lấy được cái giá trị
cũ của nó. Với đồng tiền cạn dần, chúng tôi đã biết quý điếu thuốc dù nó có rẻ
như bèo. Và điếu thuốc to quấn cả lá đã nhường chỗ cho điếu thuốc sợi nhỏ li ti
quấn trong giấy. Chúng tôi đã bắt đầu tính đếm đến từng điếu thuốc một. Với cái
hiếm hoi của đồng tiền, người ta lại dè sẻn cả đến tấm lòng. Và từ chỗ bủn xỉn
tấc lòng đến chỗ biển lận về tiền, chỉ có một gang tấc. Cái người đầu tiên khởi
việc giấu giếm gói thuốc để dùng riêng một mình, cái người đầu tiên từ chối người
bạn xin điếu thuốc bằng một câu nói ngượng nghịu, cái người đó lúc đầu còn thấy
hơi thẹn với mình. Nhưng trong lúc khan tiền và đông bạn và điếu thuốc lá là sự
cần dùng lớn như thế, lòng vị kỷ là một giọt dầu cứ thấm lan mãi. Rất đỗi, về
sau, trong bọn, không ai dám chê, dám trách nhau là coi một điếu thuốc trọng
hơn tình ràng buộc của một đoàn thể nghệ sĩ. Điếu thuốc đã xui người ta ăn gian
nói dối cả với bạn hiền. Nếu người đó còn biết tự trọng, thì một đôi khi lại tự
an ủi mình rằng đấy chẳng qua cũng là thường tình của con người ta. Với luận điệu
viện ra đó, cái thằng người tầm thường kia đã không bị lương tâm cắn rứt sau
khi lánh mình ra nơi vắng, úp mặt vào tường, hít hơi khói cuối cùng của mẩu thuốc
ngắn không còn chỗ cầm nữa.
(Nguyễn Tuân, "Dúm cỏ tương tư", Một chuyến đi)
rất liên quan: xem ởkia
Hương Cảng Lý Thương Ẩn
Tại sao Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân: tiểu thuyết Quê hương
"Anti-paradoxes"
Lại Chùa Đàn
Nguyễn Tuân không
Khái Hưng Nguyễn Tuân
Văn chương Nguyễn Tuân: hai khía cạnh
Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp nữa)
Chateaubriand
Chùa Đàn
Nguyễn Tuân đọc Kiều
Cát bụi chân ai
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp)
Nguyễn Tuân đọc sách
Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân
Văn chương của đứt đoạn
Tâm sự của nước độc
- Get link
- Other Apps
Comments
Post a Comment