Nhà văn và chủ nghĩa Cộng sản



Nhà văn và chủ nghĩa Cộng sản

George Steiner

Một trong những khác biệt rõ rệt giữa chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Cộng sản: Phát Xít không gợi hứng cho một nghệ phẩm vĩ đại nào. Nó chẳng lôi kéo được một nhà văn hạng nhất vào quĩ đạo của nó, ngoại lệ may ra có trường hợp Montherlant. (Erza Pound không phải là Phát Xít; ông sử dụng những cơ hội và cờ biển của nó cho chủ thuyết kinh tế kỳ quặc của mình.) Ngược lại, chủ nghĩa Cộng sản đã là một sức mạnh trung tâm trong rất nhiều tuyệt phẩm của văn học hiện đại; và kinh nghiệm riêng của từng người, khi tiếp cận chủ nghĩa Cộng sản, đã ảnh hưởng, về ý thức, cũng như là về nghiệp văn, ở nhiều nhà văn lớn của thời đại chúng ta.

Tại sao có sự khác biệt này? Chẳng nghi ngờ chi, chủ nghĩa Phát-xít quá đê hèn, chẳng thể tác động tới lòng nhân hậu, vị tha, của trí tưởng tượng, vốn rất cần cho nghệ thuật văn chương. Cộng sản ngay cả khi đã trở thành nọc độc, nó vẫn là một huyền thoại về tương lai, một viễn ảnh giầu có về nhân cách, đạo đức. Phát Xít là luật tối hậu của đám côn đồ; chủ nghĩa Cộng sản thất bại bởi vì nó muốn áp đặt lên cái đa dạng mong manh của nhân tính, và đưa ra một lý tưởng nhân tạo [đó là] từ chối cái con người, là mình, vì mục đích lịch sử. Phát xít khủng bố thông qua sự khinh miệt con người; Cộng sản khủng bố bằng cách đưa bổng tít con người khỏi cõi sai lầm riêng tư, tham vọng riêng tư, tình yêu riêng tư, mà chúng ta gọi là tự do.

Còn một khác biệt đặc thù hơn nữa. Hitler và Goebbels là những đại gia về ngôn từ, nhưng họ đều coi thường đời sống tinh thần. Những người Cộng sản, trái lại, ngay từ phút đầu tiên, đã có một ý thức về những giá trị của trí thức, nghệ thuật. Trong Marx và Engels, điều này thật hiển nhiên. Họ là những nhà trí thức đến tận xương tận tuỷ. Lênin coi nghệ thuật là món quà vô giá để chống lại nỗi sợ hãi. Ông run sợ, lẩn tránh nó, thừa nhận những quyền năng u tối, mê hoặc của những gì dễ nhào nặn, và hình thức âm nhạc, thay vì trí thức thuần lý. Trotsky là một tay văn nghệ (littérateur), theo một nghĩa rạng rỡ nhất của từ này. Ngay dưới thời Stalin, nhà văn và những tác phẩm văn học giữ một vai trò sinh động trong chiến lược Cộng sản. Nhà văn bị bách hại, bị hành quyết chính bởi vì văn chương được coi là sức mạnh quan trọng, đầy tiềm năng nguy hiểm. Đây là điểm quyết định. Văn chương được đề cao, coi trọng, tuy theo một đường hướng độc ác, ghê rợn, hiển nhiên là do sự bất tín nhiệm vào nó, của Stalin. Tới thời kỳ băng tan, vai trò nhà văn trong xã hội Xô-viết lại một lần nữa trở nên khúc mắc, và mang tính vấn nạn. Khó mà có thể tin được một điều, một nhà nước Phát-xít bị chao đảo, vì một cuốn sách nhỏ nhoi; nhưng Bác sĩ Zhivago đã là một trong những cơn khủng hoảng lớn lao trong cuộc sống gần đây của giới trí thức tại nước Nga Cộng sản.

Do trực giác, hoặc do suy nghiệm, nhà văn luôn nhận ra vai trò đặc biệt của họ trong ý thức hệ Cộng sản. Họ nghiêm trọng với chủ nghĩa Cộng sản, bởi vì nó nghiêm trọng với họ. Từ đó, một lịch sử những liên hệ giữa chủ nghĩa Cộng sản và văn chương hiện đại, là lịch sử của cả hai, với những sự vị nể bắt buộc phải có.

Ông Jurgen Ruhle là một trong những nhà văn, nhà trí thức chủ trì, đã kinh nghiệm mùi vị chủ nghĩa Cộng sản, và sau đó đã từ bỏ thực tại Stalinist. Kể từ khi chọn Đức quốc làm nơi trú ẩn, ông là một chuyên gia sử học, và quan sát viên, về cuộc sống văn chương và kịch nghệ Cộng sản. Trong cuốn Văn chương và Cách mạng, ông cho thấy tầm vóc một cuốn lịch sử, về "nhà văn và chủ nghĩa Cộng sản" trên toàn thế giới, từ 1917 tới 1960. Thực là một công trình bao la, đồ sộ: văn chương Nga từ Blok tới Zhivago; thơ ca Pablo Neruda, tiểu thuyết của Erskine Caldwell; từ lập trường chính trị của Thomas Mann tới sự phê phán Lỗ Tấn. Với phần niên biểu, và thư mục tác giả, Văn chương và Cách mạng vừa là tiểu luận phê bình, vừa là sách tham khảo. Chỉ nhìn qua mục lục và những minh họa, thấy rõ một điều, gần như tất cả những nhà văn lớn lao của thời đại chúng ta (Proust, Joyce và Faulkner là những ngoại lệ đáng kể), đều dính dáng với chủ nghĩa Cộng sản, ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời và trong nghệ thuật.

Phần đầu là về định mệnh văn chương Nga dưới thời Lenin, Zhdanov và Khrushchev. Mảnh đất quen thuộc nhưng đồ sộ. Một lần nữa chúng ta quan sát những thiên tài, và kết cuộc cay đắng của bộ ba cách mạng: Blok, Yessenin, Maiakovsky. Ruhle đặc biệt chú ý tới đề tài cuốn tiểu thuyết cồng kềnh, gần như bị bỏ quên của Gorky, "Klim Samgin". Ông tin rằng, Gorky đã không thể hoàn tất tác phẩm, vì đã nhận ra mâu thuẫn giữa cuộc sống cá nhân và tổ chức Cộng sản; mâu thuẫn này đẩy rất nhiều nhà văn Xô-viết tới im lặng hoặc cái chết. Ruhle tiếp tục bàn về những ký sự gia cuộc nội chiến, Isaac Babel và Sholokhov. Ở đây, một lần nữa, cách đọc của ông thật là sắc bén: ông cho thấy Sholokhov luôn luôn là một nhà văn miệt vườn, với nhãn hiệu bài-trí thức cổ lỗ, và đã thành công, cùng một lúc vừa là tiếng nói của tình tự quốc gia và tình cảm dành cho chế độ Stalin. Ông đưa ra một bản kết toán đáng tin cậy về những thoái bộ u uẩn, và những táo bạo, nhờ vậy mà Ehrenburg còn toàn mạng qua mùa đông và thời kỳ băng tan. Bên dưới những câu chuyện kể bề bộn về người và việc, vọng lên chủ đề khốc liệt về lưu đầy, hành quyết, và tự sát.

Sau cùng, tới Pasternak. Ruhle nhận ra ở tác giả này, tiếng nói thực của Nga, và cùng với nó, viễn ảnh vượt lên trên mọi tàn bạo của nhất thời. Ông đồng ý với (nhà phê bình Mỹ) Edmund Wilson, khi tìm thấy ở trong nhân vật Lara và Zhivago một thách đố không thể trả lời được, đối với chủ nghĩa duy lịch sử, và định mệnh thuyết chối từ-cuộc đời của ý thức hệ Cộng sản. Thật hiển nhiên, nếu Pasternak có thể giữ riêng cho đôi tình nhân một tình yêu nổi loạn, riêng tư, ngay trong lòng Liên-bang Xô-viết, điều này chứng tỏ tinh thần Nga vẫn còn sống ở bên dưới lớp băng, là kỷ luật đảng. Pasternak là một trong những người đầu tiên đọc bài thơ vĩnh biệt mà Yessenin viết bằng máu của mình. Ông biết những dòng tuyệt bút nổi tiếng, trước khi tự tử, của Maiakovsky. Nhưng bằng đức hạnh của sự can đảm, và sự kín đáo, ông đã sống sót. Và trong Bác sĩ Zhivago, là bản cáo trạng chống lại sự rẻ rúng đời sống cá nhân của chế độ Xô-viết, điều những bạn thơ của ông đành phải ám chỉ nó, bằng cái chết bi thảm của họ.

Sự thực còn có nhiều, ở đây. Và Ruhle đã diễn tả thật tuyệt. Nhưng do gần đây không ở trong Liên-bang Xô-viết, ông đã không nhận ra, thế giới hình ảnh, cảm nghĩ, của đôi tình nhân Lara-Zhivago thật xa vời đối với thế hệ trẻ ngày nay. Chính đám người cầm quyền, "đám già", đã sợ hãi cuốn sách, và tìm đủ mọi cách để làm cho nó im luôn. Tôi tự hỏi không biết những người trẻ tuổi có tìm ra được một điều gì trong Bác sĩ Zhivago, nhưng chắc họ chỉ coi đây là một câu chuyện thần tiên làm mủi lòng người đọc, hay một mẩu giả tưởng về lịch sử, xa xưa như Anna Karenina.

Phần hai của cuốn sách mới vô vàn quí giá. Nó bàn, bằng một giọng quyền uy, tới mớ bòng bong là những liên hệ giữa chủ nghĩa Cộng sản và văn học Đức. Thật chẳng có gì là quá đáng khi nói, chẳng có một nhà văn Đức thế giá nào không chọn một thế đứng phân minh - hoặc đồng tình, hoặc thù nghịch - đối với chủ nghĩa Cộng sản. Hình như có một sự đồng cảm sâu xa, ngầm, nào đó, giữa chủ nghĩa duy lịch sử, và chủ nghĩa lý tưởng mang tính hệ thống, là ý thức hệ Cộng sản, và tinh thần Đức mà nó nảy sinh từ đó. Thường xuyên, như Ruhle chỉ ra, cực hữu và cực tả ở Đức đều gặp nhau trên mảnh đất chung, là tinh thần toàn trị. Hiệp ước [bất tương xâm,1939] Hitler-Stalin, mặc dù chỉ là trò mạt cưa mướp đắng, và chết non, nhưng qua nó, là một ẩn dụ về một liên hệ chân thực.

Ruhle còn đưa ra trường hợp Johannes Becher, chàng nhạc sĩ Orpheus của chủ nghĩa Stalinism, và Egon Erwin Kisch, một trong những ký giả tài ba nhất cho tới nay, đã từng phục vụ lý tưởng Marxist. Ông tặng chúng ta một cách đọc nhậy cảm tác phẩm của Anna Seghers; những tiểu thuyết gần đây của bà cho thấy, một nghệ sĩ thứ thiệt, phải uốn éo ra sao khi cố ăn khớp với những nửa-sự thực xám xịt, của "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Ông chiếu sáng vai trò của những ý tưởng Mác-xít trong tiểu thuyết lịch sử của Heinrich Mann và Lion Feuchtwanger. Ông đề nghị, trong một chương với tài liệu tỉ mỉ, rằng sự bất đồng giữa [hai anh em] Heinrich Mann và Thomas Mann là đại diện cho một biện chứng pháp rộng lớn: sự đối đầu của tư tưởng Đức, với những cám dỗ đối nghịch nhưng liên hệ, một mặt, với chủ nghĩa quốc gia cánh hữu; mặt khác, với chủ nghĩa quốc tế cấp tiến.

Như trong phần bàn về văn chương Xô-viết, bên dưới những dòng kể những cuộc đời cá nhân, là đề tài thường xuyên, về cái chết tàn bạo. Những tiếng nói của thi ca Đức, bi kịch, và phê bình lần lượt bị bóp nghẹt bằng lưu đầy, ám sát, hay tự sát. Lật từng trang lịch sử của sự huỷ diệt - Ossietzky, Muhsam, Kornfeld, Theodor Wolff, Friedell, Toller, Hasenclever, Ernst Weiss, Stefan Zweig - người ta nhận ra, văn chương thực sự là một trong những chọn lựa nguy hiểm nhất.

Sau những khảo sát bậc thầy, về văn chương Đức, cuốn Văn chương và Cách mạng đưa ra một cái nhìn về phần còn lại của văn chương thế giới. Tốc độ [ở đây] có phần gây chóng mặt. Chỉ trong ba chục trang, Ruhle bàn tới ảnh hưởng đa dạng của chủ nghĩa Cộng sản lên Camus, Sartre, Gide, Malraux, Eluard, Céline, và Aragon. Hai chục trang tiếp theo tóm tắt những nhà văn Ý - Silone, Pavese, Malaparte, Moravia, Carlo Levi. Không đầy bốn chục trang dành cho những trò ve vãn rất phức tạp, với chủ nghĩa Marx và những giấc mơ Cộng Sản, của những nhà văn Mỹ như Dos Passos, Upton Sinclair, Steinbeck, Hemingway, và James T. Farrell. Những chương ngắn cuốn người đọc qua Mỹ châu La-tinh, và Á châu. Không thể tránh được, nửa sau cuốn sách chỉ là những danh mục, tên tuổi ngày tháng, tựa sách - hữu dụng như một chỉ dẫn, tham chiếu vội, nhưng làm sao chu toàn nổi tính nghiêm trọng, và đa dạng của đề tài.

Trong hai chương chót, là về những kẻ bỏ đảng và những kẻ nổi loạn bên trong trại (camp) văn chương Cộng Sản. Ông bàn về cuốn "Bóng tối giữa ngọ" của Koestler, "1984" của Orwell, và những trang hồi ký đầy chất thống hối của Gide, và Stephen Spender. Sau cùng ông ghi nhận sự nổi dậy chống lại chủ nghĩa Stalin của những nhà văn trẻ Balan và Hungary vào năm 1956. Trong thời kỳ tiếp theo vụ đàn áp tại Hungary, Tibor Dery đã bị kết tội cầm đầu "một tổ chức thù nghịch đối với nhà nước". Một câu chuyện tiếu lâm "thê lương" đã được truyền tụng, giữa người dân Budapest: Cái tổ chức đó là gì vậy? Trả lời: nhân dân Hungary. Kết thúc chương sách, tác giả nhắc nhở chúng ta, rất nhiều nhà văn vẫn còn ở trong nhà tù tại Xô-viết, và những vệ tinh của nó, hay trong nhà tù Trung quốc. Liên minh giữa văn chương và chủ nghĩa Cộng sản vừa thân thiết, vừa bi đát.

Cuốn sách có những nét rất mạnh, như là một ký sự muốn bao gồm mớ tư liệu lớn lao, rải rác, đưa chúng vào một trật tự trong sáng, rõ ràng. Nhưng có nhiều phiến diện ở trong đó. Thường là do ngắn gọn, (khó mà có gì mới, hoặc mang tính khám phá, trong một hai trang về một nhà văn quan trọng.) Nhưng cũng thường là do nhận định chủ quan của Ruhle, và điều này dẫn tới việc đơn giản hóa vấn đề. Suốt cuốn sách, ông cố đưa ra một mẫu mã, về sự hấp dẫn khởi đầu, mang tính lý tưởng, tiếp theo đó là sự ghê tởm, khi sáng mắt ra. Nhà văn bị lôi kéo bởi những mục đích cao cả của chủ nghĩa Cộng Sản, anh ta khám phá ra sự thực, về tính thư lại của đảng, và những đàn áp Stalinist; anh ta từ bỏ đảng. Những ông thần Đỏ đã làm anh ta thất vọng. Nhưng trên thực tế, mẫu mã này chỉ có thể áp dụng cho một số giới hạn, những nhà văn, và không thể cho những nhà văn quan trọng nhất. Vì cố bám vào nó, Ruhle đã vặn vẹo một số sự kiện. Dưới đây là vài thí dụ.

Trường hợp Malraux là một thử nghiệm khả năng của nhà phê bình về những cám dỗ mà chủ nghĩa toàn trị dâng hiến cho thiên tài thi ca. Nhận định của Ruhle về việc Malraux tới, rồi lui khỏi chủ nghĩa Cộng Sản, là hoàn toàn thiếu sót. Mặc dù ông ta đã chiến đấu lần lượt trong việc liên minh với tả và sau đó là hữu phái, chuyển từ Binh đoàn Quốc tế qua nội các De Gaulle, Malraux chưa bao giờ theo một chương trình chính trị nhất quán. Bất cứ địa bàn nào mà ông ta nhẩy vô, là để tìm điều: trong chính trị có chủ nghĩa anh hùng, sự hung bạo, và lòng trung thành kiểu hội kín. Một cách ngắn gọn, chính trị của ông ta là mỹ học; dạng thức của hành động chính trị, đã lôi kéo ông ta, chứ không phải nội dung. Chìa khóa giải mã toàn sự nghiệp chính trị của Malraux có thể tìm thấy qua nhận xét của Walter Benjamin, rằng những kẻ muốn chính trị là một nghệ thuật (fine art), sẽ luôn luôn kết cuộc ở tư thế thượng lưu, hay toàn trị - hoặc tả hoặc hữu. Ruhle đã không nhìn ra điều này, ông cũng quên tham chiếu Benjamin, trong khi đây là một, trong tất cả những nhà phê bình Mác-xít độc đáo, sâu thẳm nhất.

Hãy lấy trường hợp Orwell. "1984" không phải là một ngụ ngôn về chế độ toàn trị của Stalin, Hitler, và Mao Trạch Đông như Ruhle khẳng định. Luận chiến về câu chuyện ngụ ngôn không nhất tuyến (unilinear). Phê phán của Orwell cùng lúc là về nhà nước cảnh sát và xã hội tiêu thụ tư bản; với sự ngu si về những giá trị và những khuôn sáo của nó. "Tân ngữ" ("Newspeak"), ngôn ngữ của cơn ác mộng Orwell vừa là một thứ tiếng lóng về chủ nghĩa duy vật biện chứng, vừa là một thứ lảm nhảm về quảng cáo thương mại, và truyền thông đại chúng. Sức mạnh bi đát của 1984 là do sự từ chối nhìn sự vật đen ra đen, trắng ra trắng, của Orwell. Cái xã hội thủ đắc của riêng chúng ta đã làm ông hoảng sợ. Ông thấy ở trong đó có những mầm mống của sự phi nhân có thể so sánh với những bệnh gốc của chủ nghĩa Stalin. Orwell từ Catalonia [nội chiến Tây Ban Nha 1936-39] trở về, với một niềm tin u ám, khắc kỷ, vào chủ nghĩa xã hội nhân đạo; Đông hay Tây, chẳng bên nào chấp nhận nó, nếu có chăng là trong một phạm vi thật là giới hạn. Coi 1984 là một sách vận động (pamphlet), trong chiến tranh lạnh trí thức, là đọc sai và giảm giá nó. Câu chuyện ngụ ngôn thực về xã hội Xô-viết, là ở trong tác phẩm Trại Loài Vật của ông.

Cùng một sự ngần ngại, trước tính khúc mắc mắc của sự thực, đã ảnh hưởng Ruhle, khi ông nhận định Lorca. Mặc dù khẳng định đầy tin tưởng của ông, những hoàn cảnh về cái chết của Lorca vẫn chưa có chi là rõ ràng. Đây là một trường hợp trả thù cá nhân hơn là khủng bố chính trị. Thêm một thí dụ, là về nhà văn trẻ Balan, Hlasko. Điều "khúc mắc" ở đây, đó là không phải ông ta nhìn ra một xứ sở Ba Lan Cộng Sản đang bị bóp nghẹt, cho nên tìm tự do tại Tây phương, nhưng ông nhận thấy "thế giới tự do" cũng không thể chịu nổi. Văn chương là một tìm kiếm, săn đuổi đa đoan, phức tạp; nó không nằm gọn vào những vòng đai Cộng sản, hoặc chống-Cộng, mà Ruhle tìm đủ mọi cách để áp đặt.

Những chuyện kể trên thì cũng thường thôi. Cái dở nhất, tệ hại nhất, trong Văn chương và Cách mạng, là Ruhle từ chối, không chịu phân biệt giữa chủ nghĩa Mác-xít, và chủ nghĩa Cộng Sản, hay nói rõ hơn, giữa chủ nghĩa Cộng Sản như một viễn ảnh đạo đức, và một chủ nghĩa Cộng Sản như là thực tại chính trị thư lại. Trong nước Nga Stalinist và những xứ sở vệ tinh của nó, sự phân biệt này bị xói mòn. Nhưng ở nơi khác, với những nhà văn Tây phương rơi vào ảnh hưởng Mác-xít, điều này là cốt tủy. Ruhle luôn luôn gộp những nhà văn có thể coi là Cộng sản và những người đã rút ra - từ lý thuyết Mác-xít về lịch sử, và nhận định Mác-xít về hành xử xã hội - một chất liệu cho nghệ thuật của riêng họ. Người ta không thể đánh đồng Howard Fast và Romain Roland. Sự khác biệt thật là lớn lao.

Nghiêm ngặt mà nói, có ít nhà văn thế giá, bên ngoài Liên-bang Xô-viết, đã dâng hết nghệ thuật của họ, nhằm phục vụ Đảng Cộng Sản hay chính sách Xô-viết. Becher, Aragon, Anna Seghers, danh sách không được dài. Hiển nhiên, không có trong danh sách, hầu hết những nhà thơ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia quan trọng, những người mà Ruhle quan tâm tới. Điều mà Feuchwanger và Heinrich Mann gặt hái được từ chủ nghĩa Marx, là ý nghĩa về những sức ép vật chất, và trọng lực của sự kiện lịch sử. Sartre đã rút từ chủ nghĩa Marx, vừa hỗ trợ, vừa mâu thuẫn sáng tạo, cho viễn ảnh mang tính cá nhân về khủng hoảng, và lịch sử. Với Sean O'Casey, chỉ là sự bi phẫn nhắm vào cối xay gió, nặng chất vô chính phủ, của sự nhạy cảm Ái nhĩ lan, chống lại bất công xã hội. Với Malaparte, chủ nghĩa Cộng sản là một cái gì giống như một câu chuyện tiếu lâm, chiếc mặt nạ của một anh chàng lãng mạn tuy tàn bạo, nhưng bi thương, trầm trọng. Ở Pablo Neruda, ý thức hệ Cộng sản là hứa hẹn, cho một hoang tưởng mang tính trả thù, rửa hận. Mỗi trường hợp mỗi khác.

Hơn nữa, có một sự phân biệt thật rõ nét, giữa những người mất ảo tưởng, về chủ nghĩa Cộng sản, và những người thực sự đoạn tuyệt với Đảng Cộng sản. Trong hầu hết trường hợp, việc đoạn tình đoạn nghĩa với Đảng đẩy họ tới sự im lặng, hoặc tới Hollywood. Mặt khác, sự rút khỏi chủ nghĩa Marx có vẻ như là một tiến trình sinh động, sức tưởng tượng của nhà văn tuy thương tổn, nhưng vẫn còn sống. Từ đó, trong cuộc đời của những nhà văn như Camus, Steinbeck, hay Silone, chủ nghĩa Marx đã giữ một vai trò giải phóng. Ngay cả khi đã ngoảnh mặt đi, họ vẫn giữ cho tài năng của mình, những tinh tế về tầm nhìn; và những thói quen phản kháng đạo đức.

Và bởi vì Ruhle từ chối phân biệt giữa những giáo huấn của Marx và Hegel, và thực tế Cộng Sản, ông đã không nhận ra ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng Mác-xít trên mỹ học Tây phương và lý thuyết văn học. Dù hiển nhiên, hay là tiềm ẩn, cái nhìn toàn thể, đương thời của chúng ta về nghệ thuật đều thấm nhuần nhận thức Mác-xít, về bối cảnh xã hội và tính năng động lịch sử. Bên dưới một văn phong đầy thơ tính, ngay cả những nhà phê bình mới cũng mắc nợ truyền thống Mác-xít, một sự thể hiện nào đó, về môi trường kinh tế, xã hội. Thực ra, với mỹ học nhiều hơn là với văn chương hiện thời, chủ nghĩa Mác-xít đã có một đóng góp vững vàng nhất của nó. Ruhle ít chú ý đến ba nhà phê bình, cùng với Lukacs, đã đem đến cho Tây phương điều được coi như là mầu mỡ nhất, xum xuê nhất, tức là quan điểm Mác-xít về nghệ thuật. Họ là Walter Benjamin, Lucien Goldmann, và Edmund Wilson.

Trước khi gấp cuốn sách tuy đầy tính thông tin, nhưng với một cái nhìn một chiều, còn một câu hỏi rộng lớn hơn không thể không đặt ra: rằng chủ nghĩa Mác-xít hay Cộng sản thiết yếu gì tới sự thể hiện tài năng sáng tạo của từng cá nhân chúng ta? Phải chăng đây chỉ là tình cờ, ngẫu nhiên? Phải chăng là một thiếu sót, một món nợ nếu chúng ta bỏ qua một danh tác, trong đó thể hiện cuộc đối đầu giữa văn chương và chủ nghĩa Cộng sản? Bỏ sang một bên thơ ca Nga thời kỳ 1917-1925, theo tôi, có một vài tác phẩm.

Hai trong số những tác phẩm tiêu biểu nhất của tiểu thuyết hiện đại, là Phận Người của Malraux, và "Bóng tối giữa ngọ" của Koestler. Đây là những tác phẩm bắt nguồn thẳng từ tác động của phong trào Cộng Sản lên cuộc đời và trí tưởng tượng của nhà văn. Hơn nữa, chúng còn có giá trị, bởi vì chúng nhận ra trong chủ nghĩa Cộng sản tranh đấu (militant), có sự hiện hữu của cả hai, điều cao thượng, và cái ác. Nếu, trong tiến trình của Đảng, có kẻ nào nhận ra sự độc ác, xảo quyệt, tàn nhẫn xóa sạch mọi giá trị tư riêng, lại có người tìm thấy sự hy sinh, can đảm, và một niềm tin mãnh liệt về khả năng của con người sống và chết vì lý tưởng. Không có chủ nghĩa Mác-xít và niềm tin vào ý thức hệ của Đảng, Bertolt Brecht, nhà soạn kịch số một của thời đại đã không tìm ra tiếng nói và văn phong của mình. Hý viện Ba Xu (The Three-Penny Opera), Mahagonny, Mẹ Đảm (Mother Courage) là những vở kịch kinh điển với âm điệu hiện đại. Chúng được xếp vào kho danh mục của tình tự chung, nhưng chúng đã được bắt rễ từ chủ nghĩa Cộng sản cá nhân của Brecht, và trong khung cảnh lịch sử là sự thất bại của phong trào Cộng sản Đức. Đông Bá linh là thành phố mà Brecht cả đời luôn hướng tới, dù ê ẩm tới cỡ nào.

Cũng tương tự như vậy, một số thơ ca tuyệt vời của Aragon đã không thể tách ra khỏi cái nhìn-thế giới, và kho từ ngữ về chủ nghĩa Cộng sản. Điều này đúng, với Bác sĩ Zhivago, tuy có vẻ ngược ngạo, nhưng dứt khoát [là như vậy]. Người ta không thể nào nhìn ra tác phẩm thường xuyên tự mâu thuẫn, mang tính suy tư, và tản mạn này, nếu không nhận ra một điều: tác giả của nó, Pasternak đã đắm đuối ở trong những đau thương, và hoài vọng về Cách Mạng Nga. Trong nhiều chiều hướng, cuốn tiểu thuyết là một biện minh, một cái cớ (pretext) cho cách mạng; một cuộc cách mạng hướng nội, toàn diện hơn cả cuộc cách mạng đưa đến xã hội Xô-viết.

Ở nơi khác, yếu tố Mác-xít và Cộng sản trong nghệ phẩm thường chỉ là chất sơn mờ nhạt hay là một mã (code) tiện lợi để biểu lộ chủ nghĩa cấp tiến cá nhân. Rõ nhất là ở những kịch phẩm của O'Casey, hay những bài thơ của Eluard. Thường xẩy ra trường hợp, người nghệ sĩ muốn phục vụ những yêu cầu hiện tại của ý thức hệ Đảng, cuối cùng bị hiểu lầm là chống đối, lật đổ: người ta còn nhớ trường hợp Picasso, vì muốn vinh danh cái chết của Stalin, đã sản xuất ra được một bức tranh, một anh chàng thanh niên lơ mơ, mộng mị, với bộ ria thời Victoria.

Sau cùng là câu hỏi hắc búa nhất về liên hệ giữa nghệ thuật và chủ nghĩa toàn trị, như tên gọi của nó. Lịch sử dậy chúng ta, một chế độ vương quyền, hoặc là Augustan Rome, hay Renaissance Florence, hay cung đình Louis XIV, đều có thể đẻ ra văn chương, nghệ thuật lớn. Những bạo chúa và những thi sĩ thường xứng hợp với nhau (ngay cả ở Stalin, vẫn có những dấu vết kỳ quặc của liên hệ này - như cách đối xử của ông với Bulgakov và Pasternak). Nhưng đâu là cực điểm của chủ nghĩa chuyên chính, một khi nghệ thuật trở thành đầy tớ, hay rơi vào im lặng? Đâu là lằn ranh giữa nghệ sĩ như là con thuyền chở đạo, của xã hội anh ta, và [như là] cái loa tuyên truyền ở đầu ngõ? Đâu là sự khác biệt giữa bài thơ xưng tụng mà Andrew Marvell dành cho Cromwell, và những tán tụng mà Becher dành cho Stalin và Ulbricht? Nếu cuốn sách của Rhule không đưa ra một câu trả lời, ít nhất nó cũng chiếu sáng bản chất vấn đề. Nhưng cái đề tài hấp dẫn, khẩn cấp này vẫn còn cần phải bàn tiếp.

[Nhà Văn và Chủ Nghĩa Cộng Sản, The Writer and Communism, viết năm 1961, in lại trong Ngôn ngữ và Câm lặng, 1967.]
Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ
 


Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư