Tình Yêu Và Những Quỷ Dữ Khác

 


 Tình Yêu Và Những Quỷ Dữ Khác 

Trong một bài viết về tác giả Trăm Năm Cô Đơn (được in lại trong Quê Hương Tưởng Tượng), S. Rushdie cho rằng, sức tưởng tượng của Garcia Marquez phần lớn là từ kỷ niệm về bà nội ông. Ngoài ra còn những nguồn khác nữa. Tác giả đã từng xác nhận, ông ảnh hưởng Faulkner, và thế giới kỳ ảo Macondo là một phần bất động sản Yoknapatawpha của Faulkner được dời tới một khu rừng ở Colombia. Ngoài ra còn có Borges, và sau lưng vị khổng lồ này, nhiều người khác. Thời gian ông viết cho điện ảnh đã cho ông ý tưởng, người Mỹ đã bắt một nhà độc tài Mỹ châu La tinh phải đem biển cả trả cho họ, thay cho những món nợ còn thiếu, trong Mùa Thu của Trưởng Lão (L'Automne du Patriarche).

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là người bà của ông. Trong một cuộc phỏng vấn, ông thừa nhận ông thừa hưởng ngôn ngữ của bà. "Chính giọng kể là của bà. Bà là một người kể chuyện tuyệt vời". Trong những gia đình thuộc sắc dân da đỏ, người đàn bà giữ gìn kho tàng chuyện kể, và Nam Mỹ cũng có truyền thống này. Garcia Marquez được ông bà nuôi nấng và ông chỉ gặp mẹ lần đầu tiên vào lúc 7, hoặc 8 tuổi. Sau 8 tuổi, chẳng có chuyện chi là "hay ho, khác thường" đối với ông. Ông nói về ông bà của mình: "Họ có một căn nhà thật lớn, đầy những ma. Họ cũng rất mê tín. Trong mỗi góc nhà là những bộ xương, và những kỷ niệm, và sau 6 giờ tối là không ai dám ra khỏi phòng". Từ những kỷ niệm về căn nhà, mượn thêm giọng kể của người bà như cục nam châm, ông xây dựng thế giới Macondo.

Nhưng rõ ràng ông còn có nhiều hơn thế nữa. Ông rời Aracataca, ngôi làng thơ ấu khi ông còn quá trẻ, và thực tại phố phường khác xa, nhiều khi trái ngược với vùng núi rừng. Trong Trăm Năm Cô Đơn, Người Đẹp Remedios bay lên trời là một biến cố được đợi chờ, nhưng khi chuyến xe lửa đầu tiên tới Macondo, một người đàn bà chạy ra giữa mặt lộ, la lớn: " Nó tới rồi. Cái gì giống như một cái bếp kéo theo sau nó cả một làng." Garcia Marquez đã quyết định để viễn ảnh thế giới của dân quê ở bên trên cái của kẻ tỉnh; đó là nguồn gốc sự diệu kỳ ở nơi ông.

Ở Mỹ Châu La Tinh, thực tại biến dạng do chính trị nhiều hơn là do văn hóa. Sự thực được bưng bít đến nỗi không còn biết đâu là sự thực. Cuối cùng chỉ còn một sự thực độc nhất, đó là lúc nào người ta cũng nói dối. Những tác phẩm của Garcia Marquez không có tương quan trực tiếp tới chính trị, nhưng chúng đề cập tới những vấn đề đại chúng bằng những ẩn dụ. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một khai triển chiết ra từ chủ nghĩa siêu thực; một chủ nghĩa siêu thực diễn tả lương tâm đích thực của Thế Giới Thứ Ba, tức là của những xã hội được tạo thành "có một nửa", trong đó, cái cũ có vẻ như không thực chống lại cái mới làm người ta sợ, trong đó sự tham nhũng, thối nát "công cộng" của đám cầm quyền và nỗi khiếp sợ "riêng tư" của từng người dân, tất cả đều trở thành hiển nhiên. Trong thế giới tiểu thuyết của Garcia Marquez, những điều vô lý, những chuyện không thể xẩy ra, đều xẩy ra hoài hoài, ngay giữa ban ngày ban mặt. Thật hết sức lầm lẫn, nếu coi vũ trụ văn chương của ông là một hệ thống bịa đặt, khép kín. Nó không được viết ở trên mảnh đất nào khác mà chính là mảnh đất chúng ta đang sống. Macondo có thực. Và đó tính nhiệm mầu của ông.

Tình Yêu Và Những Quỷ Dữ Khác (Love and other Demons) cũng nằm trong dòng huyền hoặc Hispano-American của Yêu Trong Thời Thổ Tả. Nơi chốn là một thành phố cổ Cartagena de Indias thuộc vùng bờ biển Caribbean của Colombia. Thời gian không rõ, nhưng nô lệ và mê tín vẫn đầy rẫy và bệnh hoạn được chữa trị bằng cây cỏ, bằng những trò trừ tà. Trong bài mở đầu, Garcia Marquez cho biết, câu chuyện nẩy sinh từ một biến cố xẩy ra vào năm 1949, khi một tu viện cổ dành cho nữ tu bị đập bỏ để xây dựng một khách sạn. Là một phóng viên trẻ của một nhật báo, ông được cử tới. Ở khu hầm mộ, giữa đống xương cốt, quan tài vụn nát, gần nơi bàn thờ, ông thấy có một hốc tường bị đập bể, và những người thợ lôi ra một mớ tóc còn dính vào da đầu một cô gái chết trẻ. Trải dài ra đo được 22 mét. Chúng ta đừng hỏi, tóc chết có mọc dài ra không, nhưng từ sự kiện "thực" này, tác giả liên tưởng tới một câu chuyện ông được nghe từ hồi còn nhỏ, về một nữ hầu tước 20 tuổi, tóc "dài ơi là dài", chết vì bệnh chó dại, và được dân quanh vùng thờ phụng vì những phép lạ.

Tác giả cho nữ hầu tước Sierva Maria de Todos los Angeles là con của một hầu tước và một bà mẹ nghiện ngập. Chẳng ai lo cho cô, và cô sống giữa đám nô lệ, trong tòa nhà cổ xưa gần sụp đổ của họ. Cô học nhẩy trước khi biết nói, biết 3 ngôn ngữ Phi Châu cùng một lúc, học uống máu gà trước bữa điểm tâm, và như một hồn ma, những người Thiên Chúa giáo không thấy cô, và không nghe cô nói, khi cô đến gần họ. Một bữa trong khi đi chợ, cô bị chó cắn. Vết thương có vẻ muốn lành, nhưng có tin là những người khác cùng bị chó cắn đã chết. Lần đầu tiên, ông bố để mắt đến cô, và đem cô ra khỏi khu nô lệ, cho cô ở trong căn phòng người bà nội, cho cô học, nghe âm nhạc, cho tới khi những dấu hiệu đầu tiên của bệnh dại xuất hiện. Đám y sĩ chữa trị bằng cách bơm ruột, uống chất kim antimony, và tắm bằng nước tiểu. Thân thể đầy những vết thâm tím, phồng rộp, cô gái đau đớn, điên cuồng la hét. Giám mục địa phận, sau khi phán quyết cô gái bị quỷ ám, ra lệnh phải giao cô cho các vị nữ tu Santa Clara. Cô bị nhốt trong một căn hầm, lột hết quần áo, và một tu sĩ trẻ, Delaura, từ Tây Ban Nha tới, lo việc trừ tà cho cô. Sau khi nói chuyện với cô, anh khẳng định cô không có bị quỷ ám gì hết. Nhưng khi có những chuyện quái dị xẩy ra, trong tu viện mọi người đều tin cô gái là quỷ. Một bữa Delaura tới tu viện thăm cô, thấy cô đang ngồi cho người ta họa chân dung. Cô mặc bộ quần áo lụa của bà nội, với mớ nữ trang choàng quanh cổ, trên mái tóc dài. Vị tu sĩ mất hồn, đúng như định mệnh phán bảo. Anh nói với vị Giám mục: "Thưa Cha, đây đúng là quỷ. Thứ quỷ dữ nhất trong mọi loài quỷ. Đây là Quỷ Tình".

Vị tu sĩ trẻ bị đầy tới một nhà thương cùi, trốn đi gặp cô, làm cô thương anh bằng cách đọc thơ ca, nhưng sau cùng bị đám nữ tu bắt gặp đuổi ra khỏi tu viện. Cô gái sau cùng chết vì những trò bùa phép, trừ tà. Khi cô chết, trời đất rung chuyển, trâu bò phát cuồng la rống, và người ta tin rằng, tất cả những quỷ dữ dưới địa ngục đều đau lòng vì cái chết của cô.

Đây là một chuyện tình mãnh liệt, man rợ, dữ dằn như một "chuyện thần tiên." Cuốn tiểu thuyết tuy mỏng, nhưng đầy tham vọng của tác giả, khác hẳn, và u tối hơn tất cả những tác phẩm trước đó. Sức mạnh của cuốn sách cũng là định mệnh của cô gái ngây thơ, hoang dại bị xâu xé giữa ngoại giáo, và Ca-tô giáo, ở đây, đều man rợ như nhau.

Trong tác phẩm mới xuất bản gần đây, "12 truyện lang thang", Garcia Marquez ngày càng gần với Borges, nhưng chất dí dỏm vẫn đặc biệt của riêng ông, ngay cả ở những truyện tưởng chừng như thê thảm nhất. Một cô gái điếm về già, tin dị đoan, "biết trước" được những ngày cuối cùng của đời mình, biết trước được rồi sẽ chẳng có ai mỗi chiều chủ nhật ra mộ. Cô gái đã dạy con chó làm cái việc thăm viếng đó. Một lần trên đường về, gặp mưa, cô được một người đàn ông cho đi nhờ xe. Tới nơi, khi người đó ngập ngừng ngỏ ý muốn vô thăm nhà, cô gái đột nhiên nhận ra cô đã giải đoán sai mộng triệu: Đó không phải là dấu hiệu của nỗi chết mà là của tình yêu.

 

Nguyễn Quốc Trụ

  

Gabriel García Márquez

Những Người Hành Hương Kỳ Lạ



MỤC LỤC [+]




 

MARIA DOS PRAZERES

Anh chàng nhân viên cơ sở phục vụ mai táng đến rất đúng giờ hẹn khi Maria dos Prazeges vẫn còn mặc áo tắm, tóc cuốn thành lọn và cô chỉ còn và đủ thời gian để cài mỗi bông hồng đỏ thắm phía sau lỗ tai để bớt phần quá kém hấp dẫn như cô tự cảm thấy. Cô nàng thấy hối tiếc cho vẻ ngoài của mình hơn khi cô mở cánh cửa và gặp không phải một viên thư ký lễ tang già nua ảm đạm như cô vẫn tưởng tượng về nhà kinh doanh cái chết, mà là một chàng trai trẻ rụt rè, mặc áo jacket đuôi tôm đúng thời trang, cổ thắt đuôi bướm có hình chim, nhiều màu sắc. Chàng ta không choàng áo khoác ngoài, dầu mùa xuân ở Barcelona thời tiết vẫn hay thất thường và những cơn mưa nghiêng nghiêng do gió tạt thổi xiên hầu như khiến cho mùa xuân nơi ấy còn khó chịu hơn cả mùa đông. Maria dos Prazeges, đã từng đưa đón biết bao gã đàn ông bất kể giờ giấc nào, lúc đó lại cảm thấy bối rối lạ kỳ. Cô mới vừa tròn tuổi bảy mươi sáu và yên trí rằng mình sẽ được đi chầu Chúa trước ngày Chúa sinh ra đời, nhưng mặc dầu thế cô vẫn muốn khép cửa lại và yêu cầu anh chàng tiếp thị trẻ trung của cơ sở phục vụ mai táng hãy chờ tí, đợi cô ăn mặc lịch sự rồi sẽ tiếp anh cho xứng đáng với phong cách. Nhưng rồi cô chợt nhớ ra rằng, nếu để anh ta ở ngoài cửa cơn mưa nghiêng nghiêng gió rét thấu xương như thế này thì chỉ một lát thôi anh ta sẽ đóng thành băng mất, nên cô ta mời anh bước vào.

"Xin lỗi, tôi ăn mặc không được tươm tất lắm", cô nói, "Thế nhưng vì tôi đã sống ở Catalonia này trên năm mươi năm, và đây là lần đầu có người lại đến đúng hẹn đến thế".

Cô nói tiếng Catalan rất chuẩn, với sự thuần khiết có phần hơi nệ cổ, mặc dầu người ta vẫn nhận được dư âm của ngôn ngữ Bồ Đào Nha đã lãng quên từ lâu. Dầu tuổi đã cao và những vòng cuốn tóc bằng kim loại trên đầu, cô vẫn còn là một cô gái lai dáng người thon thả, khí thế sinh động, tóc quăn, mắt vàng ánh, loại mắt nhẫn tâm, đã đánh mất lòng từ bi hỉ xả đối với đàn ông từ lâu rồi. Chàng nhân viên tiếp thị, hơi bị quáng mắt vì ánh đèn đường, không nói lời bình phẩm nào, chỉ lẳng lặng chùi đế giày vào miếng thảm cói và cúi người hôn tay cô.

"Cậu xử sự giống phong cách những người đàn ông thời trẻ của tôi lắm", Maria dos Prazeres nói với tiếng cười nhọn sắc như mưa đá rơi trên khung cửa kính. "Nào, mời cậu ngồi".

Dầu mới vào nghề, nhưng chàng trai cũng khá lanh lợi để biết rằng không nên chờ đợi gì nhiều nơi sự chào đón vồn vã vào lúc tám giờ sáng, nhất là nơi một bà già mới thoáng nhìn trông giống một bà điên đã bỏ trốn từ châu Mỹ đến đây. Và vì thế chàng vẫn đứng lại sau khi bước qua cánh cửa có một bước, rồi không biết nói gì, trong khi Maria dos Prazeres vén tấm màn bằng nhung dày nơi cửa sổ qua một bên, ánh sáng tháng tư mong manh chỉ đủ soi rọi vài góc của cái phòng đầy những vật nho nhỏ tỉ mỉ đó, trông giống phòng trưng bày của một nhà buôn đồ cổ hơn là một phòng khách. Đồ đạc trong phòng được sắm sửa để dùng hàng ngày - không quá nhiều cũng không quá ít - và mỗi vật đều có vẻ được đặt đúng vị trí tự nhiên thích hợp nhất, với một cái "gu" thật đúng mực, đến độ thật khó tìm được một căn nhà nào khác được bày trí hoàn hảo hơn, ngay cả một đô thị cổ kính và có nề nếp phong lưu từ xưa như thành phố Barcelona này.

"Xin lỗi", chàng trai nói. "Tôi đã vào nhầm cửa".

"Tôi mong là đúng như thế" bà nói, "Thế nhưng cái chết không bao giờ nhầm đâu".

Trên cái bàn nơi phòng ăn, anh chàng tiếp thị mở rộng một tấm biểu đồ gồm nhiều tấm gấp lại giống một tấm hải đồ, với những khu vực được tô màu khác nhau, được đánh dấu chữ thập và số ở mỗi vùng màu. Maria dos Prazeres thấy đó là một bức sơ đồ tổng thể của nghĩa trang Montjuich rộng lớn và bà hồi tưởng với nỗi hãi hùng xa xưa vẫn còn ghi đậm dấu ấn trong đầu óc, cái bãi tha ma mộ địa ở Manaus dưới những cơn mưa tháng mười, lúc đàn lợn lòi đào ủi những nấm mồ vô danh cũng như lăng mồ của các tay giang hồ phiêu bạt với các cửa sổ bằng kính màu xứ Florence. Một buổi mai nọ, khi bà còn là một cô bé tí tẹo, lúc dòng sông Amazone vào mùa lũ, trở thành một vùng lầy lội mênh mông, ghê tởm, lúc đó trước sân nhà, cô bé đã thấy những quan tài đổ nát trôi lềnh bềnh với những mảnh giẻ rách và những cuộn tóc của các xác chết lòi ra qua các khe nứt của quan tài. Hoài niệm đó là lý do khiến bà chọn nghĩa trang Monjuich trên đồi cao làm nơi an nghỉ cuối cùng, chứ không chịu nằm ở nghĩa trang San Gervasio, tuy gần gũi, có vẻ thân mật hơn, nhưng lại ở chỗ trũng thấp.

"Tôi muốn nơi nào chẳng bao giờ bị ngập lụt", bà nói.

"Vâng, chỗ này đây, thưa bà", chàng tiếp thị nhanh nhẩu chỉ ngay một điểm trên bản đồ với một que chỉ gấp lại được mà chàng mang theo trong túi như một cây bút máy.

"Không có đại dương nào trên hành tinh này có thể dâng lên độ cao đó đâu".

Bà nghiên cứu các ô màu cho đến khi tìm thấy cổng vào chính và ba ngôi mộ nằm kế cận nhau, giống hệt nhau, không được ghi tên lên mộ chí; ba nấm mồ chôn Buenaventura Durriti, bị giết trong cuộc nội chiến cùng với hai tay thủ lĩnh vô chính phủ khác. Mỗi đêm đều có người lén đến viết tên của họ lên các phiến đá trơn trên đầu mộ họ. Viết bằng bút chì, bằng sơn, bằng than, bằng bút chì kẻ lông mày, hay đồ dũa móng tay, và mỗi sáng mấy người gác nghĩa trang lại lau sạch đi để không ai biết được người nào nằm dưới các tấm bia đá câm nín, vô danh kia. Maria dos Prazeres đã từng dự đám tang của Durriti, một đám tang buồn nhất và náo động chưa từng thấy ở Barcelona và bà muốn yên giấc ngàn thu trong một nấm mộ gần nấm mộ của ông ấy. Nhưng tiếc rằng chẳng còn phần đất trống nào gần đó nữa và bà phải đành lòng với cái khả hữu mà thôi. "Với điều kiện", bà nói "các người đừng xếp đống tôi vào một trong những gian năm năm, rồi lại đem đào đổ đi đấy nhé". Rồi nhớ lại điều yêu cầu cốt yếu nhất, bà kết luận "Và quan trọng nhất, là tôi phải được chôn nằm, nhớ đấy nhé". Vì, đáp lại các đợt khuyến mãi được quảng cáo rầm rộ về các phần mộ được trả tiền trước, trong dân chúng lại có tin đồn rằng các cơ sở mai táng đã thực hiện những vụ chôn đứng để tiết kiệm đất chôn. Với sự chính xác của một diễn giả đã thuộc nằm lòng và đã lặp lại cùng một bài diễn văn đã quá nhiều lần, anh chàng tiếp thị giải thích rằng câu chuyện đó chỉ là một lời dối trá xảo quyệt của các cơ sở mai táng truyền thống để làm giảm giá cái kế hoạch độc đáo về phương thức bán phần mộ trả chậm của cơ sở anh ta, bỗng có ba tiếng gõ khẽ vào cánh cửa làm anh ta ngừng lại, hơi e dè, nhưng Maria dos Prazeres ra hiệu cho anh ta cứ tiếp tục. "Đừng ngại gì cả", bà ta nói với một giọng rất bình thản. "Con Noi đó mà".

Anh chàng tiếp thị tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở và Maria dos Prazeres cảm thấy hài lòng với những lời giải thích của anh ta. Tuy nhiên, trước khi mở cửa tiễn khách, bà cũng muốn tổng kết lần cuối cái ý nghĩ đã chín mùi trong tâm khảm bà, một ý nghĩ đã được nghiền ngẫm đến từng chi tiết sâu kín nhất, qua bao nhiêu năm tháng, kể từ khi xảy ra trận hồng thủy đã đi vào truyền thuyết ở Manaus. "Điều tôi muốn nhấn mạnh", bà nói, "tôi mong mỏi có một chỗ tôi có thể yên tâm nằm trong lòng đất mà không sợ những cơn lũ, và nếu có thể, dưới bóng mát của cây cối vào mùa hè và nơi đó tôi sẽ không bị đào bới lên sau một thời gian để rồi bị vất ra cùng với rác rưởi".

Bà ta mở cửa chính và một con chó nhỏ ướt sũng nước mưa chạy vào; cái vẻ phóng đãng, thảm hại của nó thật không phù hợp tí nào với căn phòng. Nó trở về nhà sau buổi đi dạo sáng, chạy rông qua các nhà láng giềng và khi chạy vào nhà, nó bỗng thấy hứng chí gây nhặng xị cả lên. Nó nhảy lên bàn, sủa om sòm như sắp hóa dại và thiếu điều làm hỏng tấm bản đồ nghĩa trang với mấy cái móng chân bê bết bùn của nó. Nhưng chỉ một cái trừng mắt của bà chủ đã đủ để tốp lại cơn rồ dại lếu láo của nó. "Noi!" bà nói mà không cần lên giọng. "Nằm yên nào !"

Con vật thu người lại phía sau, sửng sốt nhìn bà chủ, hai giọt nước mắt chảy dài xuống mũi. Rồi Maria dos Prazeres quay lại nhìn anh chàng tiếp thị và thấy mặt chàng ngơ ngác.

"Ối chà !" chàng ta kêu lên "Nó lại khóc kìa !"

"Chỉ vì nó bối rối khi thấy có người lạ đến đây vào giờ này", Maria dos Prazeres xin lỗi bằng giọng nhỏ nhẹ. "Nói chung, khi bước vào nhà, nó tỏ ra thận trọng hơn người ta. Ngoại trừ anh như tôi đã thấy".

"Nhưng nó lại khóc kìa, chó chết thật!" anh chàng tiếp thị lặp lại, rồi sực nhớ mình vừa mới nói lời thô lỗ, đỏ mặt, lúng túng xin lỗi "Xin lỗi bà, nhưng cháu chưa hề thấy con vật nào như thế, ngay cả trên màn ảnh".

"Ồ, con chó nào cũng làm điều ấy được nếu ta huấn luyện nó", bà nói. "Nhưng thay vì thế, mấy người chủ của chúng chỉ dạy cho chúng những thói quen khiến chúng thêm phần khổ sở, chẳng hạn như ăn trong đĩa, ỉa đái có nơi, đúng giờ đúng giấc. Thế mà họ lại không chịu dạy cho chúng những điều tự nhiên khiến chúng thích thú, chẳng hạn khóc hay cười. Mà chúng ta bàn đến đâu rồi nhỉ?"

Họ đã gần đến kết thúc câu chuyện. Maria dos Prazeres cuối cùng đành phải chấp nhận sẽ phải nằm dưới mộ trải qua mùa hè không có những bóng cây che bởi vì phần đất có bóng rợp trong khu mộ địa đã được dành cho các vị chức sắc cao cấp trong chính quyền rồi. Mặt khác, các điều kiện và điều khoản trong hợp đồng cũng không quan trọng lắm, bởi vì bà muốn được hưởng lợi ở phần chiết khấu do chịu trả trước bằng tiền mặt.

Trước khi kết thúc và xếp lại giấy tờ vào cặp, anh chàng đi chào hàng nhìn lại khắp căn phòng với cặp mắt quan sát kỹ hơn và chàng ta rùng mình với cái không khí ma thuật phảng phất nơi vẻ đẹp của nó. Chàng ta nhìn Maria dos Prazeres, e dè, bối rối như khi nhìn bà lần đầu.

"Cháu có được phép hỏi bà một câu hỏi hơi tò mò không?", chàng rụt rè nói.

Bà ta đi với chàng ra đến cửa.

"Được thôi, cháu ạ", bà nói "nhưng nhớ đừng hỏi tuổi tác ta là được".

"Thưa bà, cháu có thói quen đoán việc làm của người khác từ những đồ đạc nơi nhà ở của họ và sự thật là, riêng nơi đây thì cháu lại chịu, không đoán nổi", chàng ta nói.

"Thưa bà, cho phép cháu hỏi bà làm nghề gì?"

Tức cười quá, Maria dos Prazeres trả lời:

"Bà đây là một gái điếm đấy, cháu ạ. Chả lẽ trông ta không còn giống được một kiều nữ giang hồ nữa hay sao?"

Chàng trẻ tuổi đỏ mặt. "Cháu xin lỗi".

"Ta cũng xin lỗi cháu", bà nói, vừa nắm cánh tay chàng để giữ cho chàng khỏi vấp ngã vào cửa. "Cẩn thận nhé ! Đừng để vấp ngã mà vỡ đầu trước khi lo cho chu toàn đám tang của ta đấy nhé !"

Vừa đóng cửa lại sau khi tiễn chàng trai, bà quay lại ôm con chó nhỏ, nựng nịu với nó; với chất giọng khá hay, mang âm hưởng Phi châu, bà ca theo những bài hát nhi đồng vọng lại từ trường mẫu giáo kế bên. Ba tháng trước đây bà đã nằm mộng thấy mình sắp chết và từ thời điểm đó đến nay, bà càng thấy gần gũi hơn bao giờ hết với đứa con cưng trong nỗi cô đơn của bà. Bà đã tiên liệu đâu đó việc phân phối tài sản của bà sau khi chết cũng như việc ma chay tẩn liệm thi thể của bà với tất cả mọi chi tiết rõ ràng đến độ, nếu bà có ngã ra chết ngay lúc đó thì cũng không làm ai bối rối vì bất cứ chuyện gì nữa. Bà ta nhất quyết nghỉ hưu với một tài sản do chắt chiu tích lũy mà không phải chịu quá nhiều hy sinh cay đắng và bà đã chọn khu phố Gracia, một khu phố rất cổ, yên tĩnh làm chỗ ở cuối đời mình. Bà đã mua lại một căn hộ đổ nát nơi tầng hai với những dấu đạn lỗ chỗ, vết tích của các trận chiến chẳng có gì vinh quang. Cầu thang gỗ đi lên, tối tăm, ướt át, có chỗ còn thiếu vài bậc thang. Thế nhưng mọi căn phòng đều có người thuê, chẳng còn chỗ nào trống. Maria dos Prazeres cho sửa sang lại buồng tắm và nhà bếp, phủ khắp tường bằng màn vải màu sáng, lắp kính vào các cửa sổ, giăng màn nhung. Rồi bà sắm sửa bàn ghế tủ giường loại sang - những đồ vật vừa hữu dụng mà cũng có tính cách trang hoàng và những hòm tơ lụa, đồ thêu mà đám phát xít lấy cắp từ các căn nhà do đám Cộng hòa bỏ lại trong cơn tháo chạy tán loạn. Bao thứ của nả đó bà đã tom góp được trong nhiều năm qua các cuộc mặc cả mua được với giá hời trong các cuộc bán đấu giá bí mật.

Chỉ còn một mối liên hệ duy nhất với quá khứ đó là tình bạn với Bá tước Cardona vẫn tiếp tục đến thăm bà vào ngày thứ sáu cuối mỗi tháng để dùng một bữa cơm thân mật với bà, sau đó vớt vát một quả, nhưng cũng uể oải lắm, chứ chẳng còn sung độ như thời trai trẻ. Nhưng ngay tình bạn thời thanh xuân đó cũng được giữ kín đáo, vì Bá tước đậu xe ở khoảng cách khá xa và đi lên tầng lầu hai nơi bà ở, trong bóng tối lờ mờ, như thể để bảo vệ danh giá cho bà cũng như cho ông. Maria dos Prazeres không biết người nào khác trong cái building đó ngoài mấy người ở căn hộ đối diện với bà, nơi đó một cặp còn rất trẻ với một bé gái chín tuổi đã dọn đến từ lâu. Có vẻ khó tin nhưng thật sự là bà chưa hề gặp người nào khác khi lên xuống cầu thang.

Và tuy thế, việc phân phối di sản của bà để lại chứng tỏ rằng bà vẫn bén rễ sâu hơn bà tưởng vào cái cộng đồng những người Catalan vô tổ chức mà niềm hãnh diện quốc gia được đặt trên đức tính khiêm cung đúng mực. Bà đã di chúc để lại, ngay cả những vật vô nghĩa nhất cho những người gần gũi nhất với trái tim bà, đó là những người ở gần nhà bà nhất. Khi việc phân phối di sản đã được sắp xếp xong xuôi đâu đấy, bà không cảm thấy được yên tâm lắm là mình đã thật công bằng hay chưa, nhưng bà đã tin thắc là mình đã không quên kẻ nào không xứng đáng. Bà đã sửa soạn các phần di sản với sự chính xác nghiêm nhặt đến độ viên trưởng khế ở Calle de Arbot vẫn tự khen mình là người lịch duyệt, đã từng nhìn thấy đủ thứ chuyện trên đời, cũng không tin nổi đôi mắt mình khi ông thấy bà ta đọc cho các viên lục sự, từ trí nhớ bằng ngôn ngữ Catalan trung cổ, bảng danh sách chi tiết những vật sở hữu của bà cùng với tên gọi chính xác của từng món và bảng danh sách đầy đủ những người thụ hưởng với nghề nghiệp và địa chỉ và vị trí của mỗi người trong trái tim bà.

Sau cuộc thăm viếng của người chào hàng, bà trở thành một trong vô số những người khách tham quan nghĩa trang vào ngày chủ nhật. Giống như những người láng giềng mộ địa của mình bà trồng các loài hoa nhỏ quanh năm trong các bồn, tưới nước thảm cỏ mới trồng và xén tỉa bằng loại kéo xén lông cừu cho đến khi cho trông nó giống thảm cỏ trong vườn tòa thị chính và đã trở nên quá thân thuộc với nơi chốn ấy, khiến cuối cùng bà không hiểu tại sao thoạt đầu nơi chốn ấy lại có vẻ ảm đạm đối với bà đến vậy.

Lần đầu đến viếng nghĩa trang, tim bà đã nhảy sai một nhịp khi bà thấy ba nấm mồ vô danh nằm gần lối cổng ra vào, nhưng bà đã không dừng lại nhìn chúng, vì người canh gác luôn trông chừng bà ở khoảng cách chỉ vài bước. Nhưng vào ngày chủ nhật lần thứ ba, bà lợi dụng một lúc bất cẩn thiếu cảnh giác của người gác để hoàn thành một trong các giấc mộng lớn của bà: dùng son môi, bà viết lên tấm bia đá đầu tiên đã bị nước mưa xói mòn: Duriti. Từ lúc đó trở đi, bất cứ lúc nào có thể là bà lại làm điều ấy, đôi khi trên bia mộ, hoặc trên hai hoặc trên cả ba và luôn luôn với một mạch máu căng thẳng và một trái tim xôn xao nỗi niềm hoài cảm.

Một ngày chủ nhật nọ, vào cuối tháng chín, bà chứng kiến đám tang lần đầu ở trên đồi. Ba tuần sau đó, vào một buổi chiều lạnh và lộng gió, người ta mang chôn một cô dâu mới trong một ngôi mộ gần phần mộ của bà. Đến cuối năm, bảy phần mộ khác lại có người nằm xuống, nhưng mùa đông ngắn ngủi năm đó qua đi mà không gây ảnh hưởng tồi tệ nào đối với Maria dos Prazeres cả. Bà chẳng hề thấy khó ở và nhờ thời tiết ấm dần lên và dòng âm thanh rào rạt của sự sống tuôn chảy vào qua những cánh cửa sổ mở rộng, bà càng thấy vững tâm hơn để sống vượt qua những tiên báo kỳ bí từ giấc mộng của bà. Khi trở về thành phố sau mấy tháng nghỉ hè ở vùng cao, Bá tước Cardone lại thấy bà hấp dẫn hơn cả trong thời kỳ hồi xuân rất lạ đời ở tuổi năm mươi của bà.

Sau nhiều lần toan tính bị hỏng, cuối cùng Maria dos Prazeres thành công trong việc khiến con chó Noi đào huyệt mộ cho bà trên ngọn đồi rộng lớn với biết bao nấm mồ giống hệt nhau. Rồi bà dành nhiều công sức và thời gian để dạy nó khóc trên huyệt mộ trống để nó sẽ có thói quen làm như thế sau khi bà đã chết. Bà dắt nó theo rất nhiều lần trong lúc tản bộ từ nhà đến nghĩa trang, chỉ cho nó các điểm mốc dễ nhận để giúp nó nhớ kỹ tuyến xe buýt Ramblas cho đến khi bà thấy nó đã đủ khôn khéo để được gởi đến đó một mình.

Vào ngày chủ nhật của các cuộc trắc nghiệm lần cuối, lúc ba giờ chiều, bà cởi cái áo vest của nó, phần vì mùa hạ đã lãng đãng trong không khí, phần vì muốn khiến cho nó bớt bị người ta để ý và để nó được thoải mái hơn. Bà thấy nó đi xuống phía có bóng râm của đường phố bằng nước kiệu nhanh, cái mông nhỏ của nó thon gọn dưới cái đuôi ve vẩy hứng chí, và đó là tất cả những gì bà có thể làm để không khóc - khóc cho phận mình, cho con chó, cho bao nhiêu năm cay đắng với những ảo mộng cùng san sẻ - cho đến khi bà thấy nó rẽ qua góc phố ở Calle Mayor và hướng về phía biển. Mười lăm phút sau, bà lên chuyến xe buýt tuyến Ramblas ở công trường Lesseps gần đó, cố gắng dõi nhìn theo nó qua cửa sổ mà vẫn giữ để không bị nhìn thấy, và thực tế bà đã thấy nó, ở xa xa và rất chững chạc trong đám trẻ con ùa ra phố rong chơi trong ngày chủ nhật; nó đang đứng chờ đèn hiệu giao thông để đổi hướng đi ở Paseo de Gracia.

"Chúa ơi", bà thở dài "Trông nó đơn độc quá".

Bà phải đợi nó gần hai giờ dưới ánh nắng gay gắt xứ Montjuich. Bà chào mấy người quen thường đi thăm phần mộ thân nhân của họ, dầu hầu như bà cũng không còn nhận ra họ vì đã qua một thời gian khá dài từ khi bà gặp họ lần đầu cho đến bây giờ họ không mặc đồ tang, không còn khóc kể và họ đặt hoa lên các nấm mồ mà không còn nghĩ đến kẻ quá cố nữa. Một lát sau, khi tất cả bọn họ đã dời đi, bà nghe tiếng rúc não nuột của còi tàu khiến bầy chim biển dáo dác bay và trên mặt biển mênh mông bà thấy dáng một con tàu xuyên đại dương màu trắng mang quốc kỳ Braxin, bà tha thiết mong sao chiếc tàu đó sẽ mang đến cho bà một bức thư lâm ly từ một tình nhân xa xưa nào đó đã từng vì bà mà chết dần mòn trong một nhà tù nào đó ở Pemambuco. Một lát sau năm giờ, đúng mười hai phút trước thời gian biểu, Noi xuất hiện trên ngọn đồi, phờ phạc vì mệt lử với cái nóng thiêu đốt nhưng vẫn có dáng điệu hí hửng của một đứa bé thắng cuộc. Vào lúc đó, Maria dos Prazeres đã vượt qua nỗi hãi hùng với ý nghĩ một mai mình qua đời mà chẳng có kẻ nào khóc bên nấm mồ.

Mùa thu tiếp theo bắt đầu khi bà phát hiện ra những dấu hiệu xúi quẩy mà bà không thể giải đoán, nhưng đã khiến trái tim bà thêm nặng trĩu. Bà lại uống cà phê dưới tán cây hoàng xiêm ở quảng trường Del Reloj, mặc áo khoác với cổ viền bông lông đuôi chồn và cái mũ trang hoàng bằng hoa giả, kiểu cổ, đến nỗi nay nó lại trở thành "mốt" thời trang. Trực giác của bà càng trở nên bén nhạy hơn. Cố gắng tìm hiểu nỗi xao xuyến nơi lòng mình, bà dò xét câu chuyện của các người đàn bà bán chim chóc ở phố Ramblas, chuyện tán dóc của đám đàn ông nơi các quầy sách báo - bọn họ, lần đầu tiên trong hàng bao nhiêu năm, không nói chuyện về bóng đá - vẻ trầm ngâm lặng lẽ của các cựu chiến binh đã tỉnh mộng người hùng đang ngồi xem các mẩu vụn bánh mì cho đàn bồ câu và mọi nơi bà đều thấy những dấu hiệu không còn nhầm lẫn gì nữa của cái chết đang đến gần. Vào dịp lễ Giáng sinh, đèn màu nhấp nháy được giăng mắc giữa các cành cây hoàng xiêm, âm nhạc và tiếng cười nói vang vang từ các bao lơn và một đám du khách tràn chiếm các quán cà phê vỉa hè, nhưng giữa tất cả không khí hội hè đình đám đó, người ta vẫn cảm thấy được sự căng thẳng bị nén lại giống như những ngày trước khi bọn người vô chính phủ tràn ra chiếm giữ mọi đường phố. Maria dos Prazeres đã sống qua thời đại đam mê cuồng nhiệt đó, đã không thể kiềm chế được nỗi bực dọc và lần đầu tiên bà bị đánh thức dậy sự cào cấu của nỗi sợ hãi. Một đêm nọ, bên ngoài cửa sổ nhà bà, mấy tên mật vụ đã bắn sát thương một sinh viên đã dám nguệch ngoạc dòng chữ "Xứ sở Catalunya độc lập muôn năm!".

"Lạy Chúa" bà tự nhủ thầm, lòng đầy kinh sợ "hình như mọi sự đều cùng chết với mình".

Xưa kia bà đã chỉ một lần biết đến nỗi xao xuyến tương tự khi còn là một cô bé con ở Manaus, vào lúc trước rạng sáng khi bao âm thanh trong đêm bỗng chợt dừng sững lại, lặng như tờ, dòng nước như ngừng trôi, thời gian chợt ngại ngùng và rừng thẳm Amazone chìm đắm trong tịch mịch khôn cùng, như niềm cô tịch của nỗi chết quạnh hiu. Giữa lúc lòng bà căng thẳng cực độ thì vào ngày thứ sáu cuối cùng của tháng tư, như thường lệ, Bá tước Cardona đến thăm bà và dùng bữa ăn nhẹ buổi tối.

Cuộc thăm viếng trở nên một nghi lễ. Vị Bá tước rất đúng giờ giấc đó sẽ đến giữa khoảng bảy đến chín giờ tối, mang theo một chai sâm banh nội địa, được bọc trong giấy để bớt gây chú ý, và một hộp nấm sấy. Maria dos Parazeres nấu món mì cannelloni và món gà hầm nấm với nước cốt trái cây - những món mỹ vị từ những ngày tháng yên vui hạnh phúc của các gia đình quyền tìm cổ kính xứ Catalonia - và một liễn đựng đầy trái cây trong mùa. Trong khi bà nấu nướng, Bá tước ngồi nghe các tuyển tập opêra của Ý qua máy hát, ghi lại những cuộc diễn tấu lịch sử của các nghệ sĩ lừng danh thuở xưa, và nhấm nháp từng ngụm nhỏ rượu poóctô cho đến lúc nghe hết mấy đĩa hát.

Sau bữa ăn tối và chuyện phiếm, họ tĩnh tại làm tình với nhau, từ hoài niệm nhiều hơn là từ thực tại; điều đó để lại cho cả hai một dư vị của tai họa. Trước khi ra về, lúc nào cũng cảm thấy bất an khi gần đến nửa đêm, Bá tước đặt hai mươi lăm pesettas dưới cái gạt tàn thuốc trong phòng ngủ. Đó là giá của Maria dos Prazeres khi lần đầu chàng gặp nàng tại một khách sạn quá cảnh ở Paraledo, và đó là tất cả những gì mà lớp rỉ sét của thời gian còn để lại nguyên vẹn.

Không ai trong hai người đã từng bao giờ tự hỏi xem tình bạn của họ được xây dựng trên cơ sở nào. Maria dos Prazeres nợ ông vài ân huệ nho nhỏ. Ông đã cho bà vài lời khuyên hữu ích về việc quản lý phần tiền tiết kiệm của mình, đã chỉ cho bà biết giá trị thật sự của các thánh tích bà mua được và giữ gìn chúng như thế nào để không ai phát hiện được rằng chúng là những của gian do phường trộm cắp đem bán. Nhưng trên hết, ông là người đã chỉ cho bà con đường hướng đến tuổi già đoan trang ở khu phố Gracia, khi họ tâm tình với nhau trong nhà chứa về chuyện bà nên sống ở đâu trong những ngày tàn cuộc đời khi đã trở nên quá cổ lỗ sĩ đối với cái "gu" tình dục tân tiến, lúc bọn chủ chứa muốn gởi bà vào căn nhà dành cho các quí bà điếm về hưu để dạy dỗ các cậu trai mới lớn các "nam nữ phòng trung bí thuật" với giá hời chỉ năm pesetas một suất. Bà đã kể với Bá tước chuyện bà cụ thân mẫu quí hóa của bà đã bán bà tại cảng Manaus khi bà mới mười bốn tuổi và gã thủy thủ đầu tiên của chiếc tàu Thổ nhĩ Kỳ đã tận dụng không thương tiếc trong suốt cuộc hải hành xuyên Đại Tây Dương rồi vất cô đi, không một đồng xu dính túi, tiếng nước ngoài nửa chữ bẻ đôi không biết, nửa mảnh giấy tờ tùy thân cũng không, trong chốn bùn nhơ nhập nhòa ánh đèn xanh đỏ lờ mờ của các nhà thổ ở Paraledo. Cả hai người, giữa một ả giang hồ lưu lạc xứ người và một vị Bá tước quyền quí, đều ý thức được rằng thật khó tìm được điểm tương đồng nhỏ nhoi nào giữa hai người khiến họ càng thấy không lúc nào cô đơn hơn là lúc họ ở gần nhau, nhưng không ai trong hai người dám làm hỏng những thú vui của thói quen. Thật là một biến cố có tầm cỡ quốc gia đại sự đối với họ khi cả hai cùng lúc nhận ra rằng sao mà họ đã thù ghét nhau biết bao với biết bao dịu dàng đằm thắm trong bao nhiêu năm dài đến thế.

Đó là một cơn hỏa hoạn bất ngờ mang lại nhiều tai họa lớn. Bá tước Cardona đang nghe bản song ca tình tứ trong nhạc kịch La Bohême do licia Alanese và Beniamino Gigli trình diễn, khi tình cờ ông nghe mục tin tức báo chí qua làn sóng điện phát thanh mà Maria dos Prazeres đang vặn nghe ở nhà bếp. Ông nhón chân lắng tai nghe. Ngài Đại Tướng Francisco Franco, nhà lãnh tụ muôn năm cai trị đất nước Tây Ban Nha, đã nhận trách nhiệm quyết định số phận của ba phần tử ly khai người Basque vừa mới bị tuyên án tử hình. Bá tước thở một hơi dài nhẹ nhõm.

"Như thế thì chúng sẽ bị bắn, không chạy đâu cho thoát", ông nói "bởi vì nhà Lãnh đạo Anh minh là một con người chính trực".

Maria dos Prazeres nhìn trừng trừng ông ta với đôi mắt rực lửa của một con mãng xà vương và nhìn thấy đôi đồng tử lờ mờ thiếu sinh khí sau cặp kính gọng vàng, những chiếc răng thiếc, đôi bàn tay lai tạp của một con thú quen kềm chế và bóng tối. Nhìn thấy ông ta như chính bản lai diện mục của ông.

"À, tốt hơn là anh nên cầu nguyện cho ông ta đừng làm chuyện đó", bà nói, "bởi vì nếu họ chỉ xử bắn dầu chỉ một trong mấy người kia, tôi sẽ đánh thuốc độc vào bát xúp của anh".

Bá tước sửng sốt đến lặng người.

"Sao bà lại làm điều đó?"

"Vì ta đây là một gái điếm nhưng cũng chính trực chẳng kém gì cái lão Lãnh đạo Anh minh của nhà ngươi!"

Bá tước Cardona từ đó cạch mặt bà, chẳng bao giờ còn quay lại nữa và Maria dos Prazeres tin rằng chu kỳ cuối của cuộc đời mình đã đến hồi vãn tuồng. Thực tế, chỉ trước đây chốc lát, bà còn cảm thấy nổi giận khi có người nào đó nhường chỗ trên xe buýt cho bà, hoặc tìm cách giúp bà băng qua đường, hoặc dìu tay bà đi lên cầu thang, nhưng giờ đây bà chẳng những cho phép những việc làm đó mà còn thèm muốn chúng như một sự tất yếu đáng ghét. Đó là lúc bà đặt mua một bia mộ dành cho kẻ vô chính phủ, bia mộ không khắc tên hay ngày tháng năm sinh và chết, và bà bắt đầu ngủ mà không khóa cửa để con Noi có thể ra ngoài khấp báo cái chết của bà lỡ may bà có chết trong lúc ngủ.

Một chủ nhật nọ, lúc bà từ nghĩa trang về nhà, bà gặp cô bé gái ở căn hộ bên kia sân trong. Bà đi cùng với cô bé qua nhiều dãy phố, nói chuyện huyên thuyên cùng cô bé với vẻ đoan trang của một bà ngoại khả ái trong khi bà nhìn thấy cô bé và con chó Noi chơi đùa với nhau như đôi bạn thân thiết. Tại Quảng trường Kim Cương, đúng theo phương án đã hoạch định trước, bà ngỏ lời mua kem cho cô bé. Rồi bà hỏi bé "Cháu có thích chó không?"

"Cháu yêu chúng lắm", bé trả lời.

Lúc đó Maria dos Prazeres đưa ra đề án mà bà đã chuẩn bị kỹ càng từ lâu. "Nếu có chuyện chẳng lành xảy đến cho bà, bà muốn cháu đây hãy giữ lấy con Noi", bà bảo. "Với điều kiện là cháu để nó đi đâu tùy thích vào các ngày Chủ nhật và đừng nghĩ gì về chuyện đó. Con Noi nó biết phải làm gì".

Cô bé sướng mê đi. Và Maria dos Prazeres trở về nhà với niềm vui đã sống một giấc mộng chín muồi bao năm tháng trong lòng bà. Nhưng không phải vì sự chán nản của tuổi già hay cái chết đến muộn mà giấc mộng chưa được thực hiện. Cũng không phải do quyết định của bà. Cuộc sống đã làm điều đó cho bà vào một chiều buốt giá tháng mười một khi một cơn bão bất ngờ cuốn tới lúc bà vừa rời nghĩa trang đi ra. Bà đã viết tên ba nhân vật vô chính phủ lên ba bia mộ và đang đi về phía trạm xe buýt khi một cơn mưa như trút nước làm bà ướt sũng. Bà chỉ còn thời gian để tìm chỗ ở cổng vào một khu phố hoang vắng dường như thuộc về một thành phố khác với các nhà kho hoang phế và các xưởng máy bụi bặm, các xe tải khổng lồ đang gầm rú khiến cho tiếng ồn ào của mưa bão càng trở nên khủng khiếp hơn. Trong lúc cố sưởi ấm cho con chó bị ướt bằng cách ôm chặt nó vào người, Maria dos Prazeres thấy một chiếc xe buýt đầy nghẹt người chạy qua, những chiếc xe tải vắng khách vẫn trương cờ lên, nhưng không một ai để ý đến dấu hiệu cầu cứu của bà. Đến khi mà phép lạ tưởng chừng không thể nào xảy ra thì một chiếc xe nhà đồ sộ, êm ru, màu thép xám chạy qua con phố ngập nước, dừng đột ngột ở ngã tư rồi quay lùi ngược lại chỗ bà đang đứng. Cửa sổ xe hạ xuống như bởi phép thuật của người tài xế mời bà quá giang.

"Tôi đi xa lắm đấy", Mang dos Prazeres thành thật nói. "Tuy vậy, nếu anh cho tôi quá giang được đoạn nào cũng quí và tôi cũng biết ơn nhiều"

"Cho tôi biết bà cần đi đến đâu", người tài xế ân cần hỏi.

"Đến tận Gracia cơ", bà nói

Cửa xe mở ra mà anh ta không động tay đến.

"Chỗ đó trên đường tôi đi mà", anh ta nói "bà vào đi".

Bên trong xe có mùi thuốc tây ướp lạnh và khi bà ngồi vào trong xe, ngoài trời màn mưa trở nên mờ ảo, cảnh sắc thành phi thực, thành phố đổi sắc màu và bà cảm thấy mình như lạc vào một thế giới hạnh phúc kỳ lạ, nơi đó mọi chuyện điều được sắp đặt trước thời gian. Người tài xế lái xe len lỏi qua đám xe cộ lưu thông lộn xộn với hoạt tính ma thuật. Maria dos Prazeres cảm thấy bị đe dọa không bởi chỉ nỗi khốn khổ của mình mà còn bởi nỗi khốn khổ của con chó nhỏ tội nghiệp đang nằm ngủ co ro trong lòng bà.

"Đây đúng là một chiếc tàu xuyên đại dương", bà nói, bởi vì bà cảm thấy cần nên nói đôi lời hợp cảnh để phá tan bớt sự im lặng lạnh lẽo. "Tôi chưa bao giờ thấy được chiếc xe nhà nào lại đồ sộ như thế này, ngay cả nằm mơ cũng không thấy được".

"Thật thế à, có điều đáng tiếc là chiếc xe này không phải của tôi", anh ta nói bằng một thứ tiếng Catalane rất vụng về, và sau một lúc ngừng lời, anh ta tiếp thêm bằng tiếng Castilian, "Tôi có làm cả đời cũng không mua nổi chiếc xe này".

"Vâng, tôi cũng thấy vậy", bà thở dài.

Bằng khóe mắt, bà quan sát chàng ta nhờ vào ánh sáng xanh mờ của táp lô xe và bà ta thấy chàng ta còn là một cậu thiếu niên với tóc xoăn ngắn và nét nghiêng của một tượng đồng La Mã. Bà nghĩ cậu ta không đẹp trai lắm nhưng có cái duyên riêng mà cái áo jacket bằng da tuy rẻ tiền và sờn rách lại khiến cho cậu ta có cái nét đẹp lãng tử bụi đời trông hay hay và bà mẹ cậu ta hẳn cảm phải thấy hạnh phúc khi nghe tiếng chân cậu trở về nhà. Chỉ có đôi bàn tay hơi thô của người lao động làm cho người ta tin rằng cậu ta không phải là chủ chiếc xe.

Họ không nói với nhau gì thêm trong đoạn đường còn lại, nhưng Maria dos Prazeres cũng có cảm giác là cậu ta quan sát bà nhiều lần từ khóe mắt và lại một lần nữa bà lại hối tiếc tại sao đã không:

"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"

Mà còn ráng sống làm chi đến quá cái tuổi "thất thập cổ lai hi" để cho một chàng trai đáng yêu như thế đi nhìn ngắm cái dung nhan tàn tạ sắp sửa đi diện kiến tử thần của mình. Bà đang đau khổ khi cảm thấy mình xấu xí, thảm hại với cái khăn quàng của bà nội trợ phủ trên đầu để che mưa và cái áo khoác mùa thu thảm hại mà bà đã không nghĩ đến chuyện phải thay cái khác bởi thời gian gần đây bà chỉ nghĩ mãi về cái chết.

Khi họ đến khu phố Gracia, trời bắt đầu sáng sủa trở lại, đêm đã xuống, phố đã lên đèn. Maria dos Prazeres bảo người tài xế cho bà xuống xe ở ngã tư trước mặt, nhưng cậu ta ân cần muốn đưa bà đến tận cửa nhà bà, chẳng những thế, cậu ta còn cho xe leo lên lề đường để bà có thể ra khỏi xe là bước ngay vào nhà khỏi sợ bị ướt. Bà buông con chó ra, định thần, thu lực để bước ra khỏi xe sao cho có vẻ vững vàng, phong thái ung dung và khi bà quay lại để ngỏ lời cảm ơn, bà bắt gặp một ánh mắt nhìn trừng trừng của con đực khiến bà nín thở. Bà đón chịu tia nhìn đó một hồi lâu, không hiểu lắm ai đang chờ đợi cái gì từ ai, và rồi cậu ta hỏi với giọng quả quyết: "Tôi cùng lên được chứ?"

Maria dos Prazeres cảm thấy bị xúc phạm. "Ta rất biết ơn cậu đã tử tế cho ta quá giang đến tận nhà", bà nói "nhưng ta không cho phép cậu đùa ta đâu nhé".

"Tôi không có lý do gì để đùa bất kỳ ai", cậu ta nói rất nghiêm trang "Nhất là đối với phụ nữ như bà".

Maria dos Prazeres đã từng biết nhiều tay nam nhi như cậu ta, đã cứu vớt nhiều kẻ còn có vẻ gan dạ, tự tin hơn cậu ta, khỏi tìm đến cái chết, nhưng chưa bao giờ trong suốt cuộc đời dài dặc của mình, bà lại e sợ phải quyết định đến thế. Bà nghe cậu lập lại mà không hề đổi giọng chút nào. "Tôi cùng lên được chứ?"

Bà bỏ đi, không đóng cửa xe lại, và trả lời bằng tiếng Castilian để cho chắc ăn là cậu ta hiểu được "Hãy làm bất cứ cái gì cậu muốn".

Bà bước vào phòng khách chung, lờ mờ trong ánh sáng nghiêng nghiêng của đèn đường dọi vào, và bắt đầu leo lên bậc đầu tiên của cầu thang gỗ ọp ẹp với hai đầu gối run run, đầy xúc động với nỗi sợ có lẽ chỉ giống với nỗi sợ khi giáp mặt tử thần. Khi bà dừng lại bên ngoài cửa phòng ở tầng hai, run rẩy, bối rối lục tìm chùm chìa khóa, bà nghe hai cánh cửa xe đóng lại, từng cái một, vang lên từ đường phố. Noi, đi trước bà, định lên tiếng sủa. "Suỵt, im nào", bà ra lệnh như một lời thì thầm trong cơn hấp hối. Rồi bà nghe tiếng chân bước lên cầu thang và e rằng trái tim mình sẽ vỡ tung ra. Trong một phần giây đồng hồ, bà tái phối kiểm thông suốt trong đầu về giấc mộng linh cảm đã thay đổi đời bà trong ba năm qua, bà nhận ra mình đã giải thích sai giấc mộng đó.

"Lạy chúa!" bà kinh ngạc tự nhủ. "Hóa ra không phải là điềm báo của tử thần".

Cuối cùng, bà tìm được chìa khóa, lắng nghe những bước chân đều đặn trong bóng tối, lắng nghe tiếng thở lớn dần của người nào đó tiến lên gần trong bóng tối và hình như cũng với sự kinh ngạc hồi hộp giống như bà, lúc đó bà biết rằng thật đáng công chờ đợi trong bao nhiêu năm, thật đáng công chịu đựng trong bóng tối âm thầm, để được sống cái khoảnh khắc phù du bỗng hóa thành thiên thu vĩnh cửu đó.

Tháng năm 1979

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư

Raymond Chandler by Oates