STEFAN ZWEIG: MENĐEN, NGƯỜI BÁN SÁCH CŨ

 


Stefan Zweig
 
[from Viet_Messenger]
 
MENĐEN, NGƯỜI BÁN SÁCH CŨ
 
Sau một cuộc viếng thăm vùng ngoại ô trở về Viên, tôi bất chợt gặp một trận mưa rào. Để tránh làn mưa như roi quất, khách qua đường dạt vào trú dưới các vòm cửa và các mái hiên. Tôi cũng phải tìm chỗ trú. May sao, ở Viên, góc phố nào cũng có một tiệm cà phê đón khách. Thế là, mũ ròng ròng nước, hai vai ướt sũng, tôi vào luôn một tiệm ngoại ô rất là Viên này. Ở đây không có nhạc jazz như ở các tiệm cà phê dập theo kiểu Đức ở trung tâm thành phố. Loại tiệm này đầy khách bình dân mải mê ngốn báo chí hơn là bánh ngọt. Không khí trong tiệm nặng nề dưới những làn khói xanh nhạt vằn vèo như đường vân. Tuy nhiên, ở đây vẫn có vẻ sạch sẽ với những chiếc sôpha bọc nhung và quầy bán hàng bằng nhôm. Vội bước vào, tôi không kịp đọc tấm biển ngoài cửa tiệm. Mà đọc làm gì kia chứ ? - Tôi đã có nơi trú mưa. Nóng lòng sốt ruột tôi nhìn qua các tấm cửa kính bám đầy hơi nước, chờ cho cơn mưa rào tạnh hẳn.
Chẳng biết làm gì, tôi đã bắt đầu thả mình theo cái biếng nhác êm dịu tỏa ra tại bất cứ tiệm cà phê thực sự nào của Viên. Tự nhiên, tôi đưa mắt nhìn mặt các khách hàng : trong bầu không khí ám khói này, mắt họ như bị quầng thâm một cách lạ lùng dưới ánh đèn. Tôi quan sát cô bán hàng ở quầy đang phân phát đường, thìa cho bồi bàn, cử chỉ như cái máy. Tôi mơ mơ màng màng đọc những quảng cáo dán kín trên tường và trạng thái đê mê đó khiến tôi có cảm giác khoan khoái.
Đột nhiên, tôi choàng tỉnh cơn mơ một cách hết sức lạ kỳ. Một cảm xúc mơ hồ tràn vào tâm hồn tôi, giống như một cơn nhức răng dữ dội, đột ngột, khiến ta không rõ đích xác là đau ở bên má phải hay bên má trái. Tôi có một cảm giác rất khó tả bởi vì - mà điều này chính tôi cũng không rõ duyên do vì đâu - tôi vừa nhận ra tiệm này đối với tôi không phải là xa lạ. Một hồi niệm lờ mờ ràng buộc tôi với những bức tường này, những chiếc ghế này, những chiếc bàn này.
Nhưng tôi càng cố gắng nắm bắt cái kỷ niệm mơ hồ đó thì nó lại càng vượt thoát khỏi tôi để mà đắm chìm trong vực sâu của tiềm thức như một chiếc kim mất hút dưới đáy nước. Tôi chăm chú nhìn mọi vật xung quanh, nhưng vô ích. Quả vậy, chưa bao giờ tôi trông thấy cái két bóng nhoáng kia trên quầy bán hàng, cũng chưa từng nhìn thấy lớp ván bọc tường nâu bằng gỗ tử đàn giả. Thế mà lạ thay ! Tôi đã tới đây 20 năm trước hoặc lâu hơn nữa. Một mẩu tâm hồn xa xưa của tôi còn đọng lại đâu đây, ẩn kín như một cây ghim trong khe ván sàn. Giác quan tôi ra sức lục lọi mọi vật xung quanh và lục lọi trong chính bản thân mình. Không sao tìm lại được cái kỷ niệm cũ đã vùi sâu tận đáy trái tim tôi.
Điều đó khiến tôi khó chịu vì một lần nữa phải thừa nhận rằng trí nhớ của chúng ta vẫn chưa đủ tốt và chưa hoàn hảo. Nhưng dẫu sao tôi vẫn chưa từ bỏ hy vọng khôi phục lại được kỷ niệm ấy. Tôi biết lắm, chỉ cần nắm bắt được một sự kiện, dù là rất nhỏ nhặt, bởi vì trí nhớ của tôi thật lạ kỳ, nó vừa tốt lại vừa tồi, nó thất thường, nhưng lại hoàn toàn tin cậy được. Nó thường chôn vùi thật sâu kín những sự kiện quan trọng nhất, hoặc những khuôn mặt tôi đã quan sát kỹ mà chẳng chịu trả lại theo ý muốn của tôi. Thế nhưng, chỉ cần một sự gợi lại hết sức nhỏ, một tấm bưu ảnh, vài nét bút trên chiếc phong bì, hoặc một trang báo đã ố vàng, là lập tức những kỷ niệm xưa quẫy lộn dưới bề mặt của tiềm thức bí hiểm, như con cá bị kéo bởi sợi dây câu. Lúc đó, tôi nhớ lại từng đặc điểm của một người quen cũ, tôi nhìn thấy lại cái miệng người đó, những chỗ răng sứt, tôi nghe thấy tiếng cười vang động, tôi nhìn thấy vẻ mặt vui tươi của anh ta. Tất cả đều hiện ra trước mặt tôi, hoàn toàn rõ nét và tôi nhớ lại được từng lời nhân vật đó đã nói với tôi. Muốn nhớ lại quá khứ bao giờ tôi cũng cần một sự kích thích giác quan, một sự việc cụ thể nhỏ xíu.
Tôi nhắm mắt lại để hồi tưởng rõ hơn, để thả chiếc lưỡi câu thần kỳ đó. Chẳng ăn thua gì hết. Vẫn là quên lãng, vẫn bị chôn vùi. Tôi nổi giận với bộ máy kém cỏi nằm giữa hai thái dương, những muốn đập vào trán mình như người ta lắc một cách phũ phàng chiếc máy phân phối tự động khi nó không đưa lại cho ta thứ ta cần lấy.
Không sao ngồi lâu hơn nữa. Tôi đứng lên để cử động đôi chút.
Thật lạ kỳ ! Tôi vừa bước vài bước trong căn phòng thì một tia sáng chiều tà lóe lên trong tôi. Bên cạnh quầy - tôi nhớ ra rồi - là một cánh cửa dẫn vào gian buồng không cửa sổ, được chiếu bằng ánh sáng nhân tạo. Quả thật gian phòng cách biệt đó kia rồi, một phòng giải trí. Giấy bồi tường đã thay đổi, nhưng mọi kích thước vẫn như xưa. Theo bản năng, tôi tìm đồ đạc trong phòng. Các dây thần kinh trong tôi rung lên vui sướng, tôi cảm thấy sắp nhớ ra hết rồi. Hai bàn bi-a phủ những tấm thảm xanh lục như mặt nước ao tù. Tại các góc phòng trước kia, những ngài tham sự hoặc các vị giáo sư vẫn đến ngồi vào bàn và đánh cờ. Ngay gần lò sưởi, lối ra vào buồng điện thoại, có một chiếc bàn vuông. Thế là, như một làn chớp xuyên thấu toàn thân tôi, luồng ánh sáng toàn vẹn bừng lên trong tôi, nóng bỏng và làm tôi tỉnh táo. Trời ơi ! Phải rồi, đây chính là chỗ của Menđen, của người bán sách cũ Giacốp Menđen. Vậy là sau 20 năm, không ngờ tôi lại bước vào tổng hành dinh của ông : quán cà phê Gơlúc phố Ansec. Giacốp Menđen ! Làm sao tôi lại đã có thể quên được ông, con người phi thường đó, một hiện tượng, nhà học giả, nhà phù thủy, người bán sách cũ đầy sức cám dỗ đó, con người ngày nào cũng như ngày nào, đã ngồi suốt từ sáng đến tối ở chiếc bàn này, và đã làm vinh hạnh cho quán cà phê Gơlúc, làm cho nó nổi tiếng !
Lần thứ hai tôi nhắm mắt lại để hình dung và lập tức nhìn rõ ông ta trên màn ảnh màu hồng của mí mắt tôi. Ông ta hiện ra trước mặt tôi bằng xương bằng thịt, ở chiếc bàn đá hoa chất đầy sách và giấy tờ. Ông ngồi đó, bất động như một tảng đá, mắt đeo kính nhìn đăm đăm vào một cuốn sách. Vừa đọc sách, ông vừa lẩm nhẩm, thỉnh thoảng lại đung đưa cả thân mình lẫn chiếc đầu hói, cái thói quen ông có từ hồi học ở các trường Do Thái. Chính ở chiếc bàn này và chỉ ở nơi đây ông đã đọc các thư mục và sách của mình. Ông khe khẽ hát và nhẹ nhàng lắc lư trong bộ áo thầy tu, theo kiểu người Do Thái đọc kinh Tanmút. Bởi vì những tín đồ Itxraen biết rằng khi thân mình đu đưa nhẹ nhàng, tâm trí người ta như đứa trẻ trong nôi sẽ được buông thả hơn trong trạng thái xuất thần huyền bí. Giacốp Menđen không nhìn thấy và không nghe thấy gì xảy ra quanh ông. Người ta chơi bi-a, những người đánh dấu đi qua đi lại, chuông điện thoại réo, có người lau sàn hoặc chất thêm củi vào lò. Tất cả những chuyện đó, ông đều không để ý. Một hôm, có hòn than hồng trong lò sưởi rơi xuống làm ván sàn bốc cháy ngay bên cạnh ông. Một khách hàng chạy tới dập tắt ngọn lửa mới bén. Khói trùm lấy quanh ông, vậy mà Giacốp Menđen vẫn không hay biết gì.
Ông đọc sách như người ta cầu nguyện, như những con bạc đang mải mê ván bài hoặc như người say đang theo đuổi một ý nghĩ cố định. Tôi đã thấy ông đọc sách, tập trung tư tưởng hoàn toàn đến nỗi từ đó tôi có cảm giác rằng cách đọc sách của những người khác đều nông cạn và phàm tục. Có điều chắc chắn rằng người bán sách thảm hại xứ Galixi, Giacốp Menđen đã mở mắt cho một sinh viên trẻ tuổi như tôi thấy thế nào là tập trung tinh thần tuyệt đối, chỉ có ở người nghệ sĩ hay nhà bác học, ở người thông thái hay kẻ điên rồ, cái hạnh phúc hoặc nỗi bất hạnh huyền bí, khiến con người thực sự trở thành kẻ bị ám ảnh.
Tôi quen ông nhờ những người bạn lớn tuổi và hơn tôi một chút. Thời kỳ ấy tôi đang nghiên cứu về về Metsme, người thầy thuốc và nhà thôi miên thuộc trường phái Paraxenxơ. Tôi tìm kiếm tài liệu rất vất vả. Những công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn thiếu rất nhiều. Khi tôi hỏi người giữ thư viện với thái độ tin tưởng ngây thơ, ông ta sẵng giọng trả lời rằng việc chỉ dẫn thư tịch không phải là nhiệm vụ của ông ta. Lúc đó, lần đầu tiên tôi được nghe người bạn tôi nhắc đến tên Menđen :
- Mình sẽ dẫn cậu đến nhà ông ta - anh bạn bảo tôi. Ông ta biết hết và sẽ kiếm cho cậu đủ hết. Ông ta sẽ tìm cho cậu cuốn sách khó tìm nhất trong cửa hàng của người cuối cùng trong số những người bán sách cũ. Trong lĩnh vực này, ông ta là người rành nhất thành Viên. Một con người độc đáo, đại diện cuối cùng của loại người bán sách cũ thời thái cổ.
Chúng tôi cùng đi tới quán cà phê Gơlúc. Menđen mặc đồ đen, mũi đeo kính, râu ria xồm xoàm lâu ngày không cạo, ngồi trong góc phòng, vừa đọc vừa lắc lư toàn thân như bụi cây trước gió. Chúng tôi lại gần. Ông ta không để ý thấy. Ông vẫn ngồi, nửa thân trên vẫn lắc lư như chiếc chuông. Phía sau ông, chiếc áo choàng đen, treo trên mắc rung rinh theo nhịp cử động, túi áo nhét đầy những tấm phích và tạp chí, anh bạn tôi đằng hắng để báo hiệu sự có mặt của bọn tôi. Nhưng Menđen vẫn chúi mũi vào đống sách không nghe thấy gì. Cuối cùng, anh bạn tôi gõ xuống mặt bàn hệt như người ta gõ cửa. Lúc ấy Menđen ngẩng lên và máy móc đẩy cặp kính thô kệch gọng thép lên vầng trán.
Dưới cặp lông mày rậm lốm đốm bạc, hai con mắt ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào chúng tôi, cặp mắt nhỏ sắc sảo, linh lợi và nhọn hoắt như lưỡi rắn. Anh bạn giới thiệu tôi với ông ta. Tôi trình bày mục đích cuộc viếng thăm của tôi, không quên tỏ vẻ bực bội với viên thủ thư đã không chịu chỉ dẫn cho tôi. Anh bạn tôi đã dặn đi dặn lại tôi làm cái mẹo đó khá chi tiết. Menđen tựa vào lưng ghế. Ông phá ra cười và trả lời tôi với cái giọng nói và tiếng lóng của người Do Thái xứ Galixi :
- Hắn không chịu à ? Đừng nói vậy ! Cứ nói rằng hắn không làm nổi thì đúng hơn. Đó chỉ là một con lừa đẹp mã. Tôi biết rõ hắn ta, chu cha, có dễ đến hơn hai mươi năm nay. Suốt trong thời gian đó hắn không học thêm được cái gì. Điều duy nhất mà các ngài ấy biết làm là đút tiền lương vào túi ! Cứ cho bọn họ tính đi đẩy xe cút kít còn có ích hơn là để họ lo chuyện sách vở.
Nhờ cách vào đề câu chuyện mạnh bạo như thế, chúng tôi lập tức trở nên thân tình. Ông nhã nhặn ra hiệu mời tôi ngồi. Tôi ngồi vào cái bàn chi chít những dòng ghi chép nguệch ngoạc, ngồi trước bàn thờ huyền bí của những mật khải thư mục.
Tôi liền trình bày với ông những ước vọng của tôi là tìm những sách cũ nói về thôi miên cũng như những tác phẩm mới nhất và những bài phê bình ủng hộ hoặc công kích Metsme.
Tôi vừa dứt lời, Menđen nheo mắt trái như người đang ngắm bắn. Thái độ tập trung đó chỉ trong giây lát. Liền ngay sau đó như đọc một bản mục lục vô hình theo trí nhớ, ông nêu tên đến hai hoặc ba tá tác phẩm, kể rành rọt tên tác giả, ngày tháng ấn hành cũng như giá cả ước chừng từng cuốn.
Tôi ngẩn người ra. Quả thật là tôi đã được báo cho biết từ trước, nhưng tôi đâu có ngờ sự thể lại diễn ra như vậy. Sự ngạc nhiên của tôi khiến ông ta thú vị. Lập tức, ông bắt đầu bấm trên phím đàn trí nhớ của ông những câu trích dẫn kỳ lạ nhất thuộc đề tài được hỏi đến. Ông hỏi tôi có muốn tìm hiểu cả về bệnh mộng du, về những bước khởi đầu của thôi miên, về Gaxne, về thuật trừ tà, về khoa học cơ đốc và về bà Blavatxki hay không ?
Thế là một loạt tên người và tên tác phẩm lại tuôn ra từ miệng ông rào rào như mưa đá. Chỉ đến bây giờ, tôi mới hiểu được cái hiện tượng độc nhất của trí nhớ kỳ tài đó. Giacốp Menđen là một bộ bách khoa toàn thư biết nói, một thư mục biết đi. Tôi ngây người thán phục con người phi thường đó trong bộ áo thầy tu nhờn mồ hôi của người bán sách cũ bình dị xứ Galixi. Ông vừa kể ra - như một tràng súng liên thanh - chừng tám mươi tên tác phẩm. Và bây giờ, thản nhiên như không, nhưng hài lòng vì đã mách bảo những điều gì mình biết được, ông lặng lẽ lau kính bằng chiếc khăn tay, trước kia có lẽ màu trắng.
Để giấu nỗi ngạc nhiên của mình, tôi hỏi ông rằng trong số những tác phẩm đó, ông có thể tìm giúp tôi những cuốn nào.
- Hừm ! Để còn xem, - ông lẩm bẩm. - Ngày mai ông trở lại đây : Menđen này chắc sẽ tìm cho ông được ít nhiều. Nơi này không có ta sẽ tìm nơi khác. Kẻ nào thính nhậy là kẻ đó có cơ tìm được.
Tôi rất lễ phép cảm ơn ông, nhưng lại phạm phải một vụng về khá nặng : tôi khẩn khoản xin ông ghi lại tên những tác phẩm tôi muốn tìm. Anh bạn huých khuỷu tay vào tôi, chậm quá rồi ! Menđen đã ném ngay cho tôi một cái nhìn vừa đắc ý, vừa bực bội và mỉa mai, đầy vẻ bề trên, một cái nhìn oai vệ thực sự. Chắc là Macbet đã nhìn Macđup như thế khi Macđup khuyên ông ta hạ vũ khí đầu hàng. Ông cười gần như thể cố nuốt nhịn một câu nói thô tục mắc trong cái yết hầu nhô cao của ông. Kể ra ông có quyền trút lên đầu tôi tất cả những gì thô tục nhất, cái ông Menđen tốt bụng và ngay thẳng đó. Chỉ có người lạ, một người không biết ông mới đi yêu cầu ông ghi tên một cuốn sách, theo kiểu những người tập sự bán sách hay những nhân viên thư viện. Không cần ! Cái bộ óc vô song đó, bộ óc trong suốt như kim cương có bao giờ cần làm như vậy !
Mãi sau này tôi mới hiểu rằng tôi đã làm một việc xúc phạm thiên tài hiếm hoi đó đến mức nào.
Thực thế, con người Do Thái bé nhỏ xứ Galixi, vừa còi cọc, xấu xí lại cục cằn đó, có một trí nhớ hết sức phi thường. Đằng sau vầng trán rêu mốc và bẩn thỉu đó, một bàn tay mầu nhiệm vô hình đã khắc lên, như người ta khắc lên kim loại, hằng hà sa số tên sách. Về mỗi tác phẩm mới hoặc cũ, ông đều có thể không ngập ngừng đọc ngay tên tác giả cùng nơi xuất bản, giá bán sách mới hoặc giá cũ. Ông nhớ một cách rõ ràng kỳ lạ những bức tranh minh họa và những bản chụp lại. Về tất cả những cuốn sách, kể cả những cuốn ông mới chỉ thấy trong các cửa hàng, ông đều có cái nhìn sắc nét như nhà nghệ sĩ, bằng cái nhìn nội tâm, hình dung tác phẩm mình sắp sáng tác, chẳng hạn khi một cuốn sách được bán với giá 6 mác trong thư mục của người bán hàng ở Ratixbon, ông liền nhớ ngay một bản khác của cùng một tác phẩm đó đã đem bán đấu giá ở Viên 2 năm trước, với giá 4 cuaron và ông biết cả tên người đã mua. Thực ra Giacốp Menđen chưa bao giờ quên tên một cuốn sách hoặc con số ngày tháng. Ông biết từng ngôi sao, từng cái cây, từng con thảo trùng trong cái vũ trụ luôn chuyển vần và biến đổi của thư tịch học. Ông còn biết nhiều hơn tất cả những nhà chuyên môn. Ông biết kỹ các thư viện hơn cả những người cai quản thư viện, ông biết rõ những kho sách của các hãng buôn sách hơn cả chủ nhân những kho hàng đó, mặc dù họ nắm giữ đầy đủ mục lục và phiếu thẻ. Vậy mà ông không dùng cái gì khác ngoài pháp thuật vô song của ký ức. Trí nhớ kỳ diệu của ông được xây đắp và củng cố vững chắc chỉ là nhờ cái bí quyết vĩnh cữu của bất kỳ sự hoàn thiện nào : sự tập trung tư tưởng.
Nhưng ngoài những cuốn sách, con người kỳ lạ đó bỡ ngỡ với mọi sự đời. Mọi sự trên đời đối với ông chỉ là có thực từ khi nó được thể hiện thành chữ in, được tập hợp và bảo tồn trên những trang sách. Nhưng về những cuốn sách đó, ông không xem kỹ nội dung. Duy có tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, giá tiền sách là có sức cuốn hút ông không sao cưỡng nổi. Cái trí nhớ chuyên biệt của Giacốp Menđen hoàn toàn không sinh lợi, nó chỉ là một bảng liệt kê vô tận những tên sách, tên người, in hằn vào phần mềm của bộ não, chẳng khác gì in hằn trên trang thư mục. Nhưng xét về sự hoàn thiện có một không hai đó, trí nhớ ấy có thể sánh ngang với tài nhớ của Napôlêông về diện mạo, tài nhớ của Mêdôphăngti về ngôn ngữ, tài nhớ của Laskê về nước cờ, tài nhớ của Budôni về âm nhạc. Đặt ông vào một trong những kho tàng công cộng, cái gọi là thư viện, bộ óc của ông sẽ chỉ dẫn và làm cho hàng ngàn sinh viên và các nhà bác học phải kinh ngạc và đem lại cho khoa học những ích lợi vô giá. Nhưng giới thượng lưu lại không thể dung nạp được người bán sách cũ nghèo nàn vô học, khá lắm, cũng chỉ được học kinh Tanmút là cùng. Bởi vậy cái tài năng kỳ quái đó chỉ được âm thầm biểu lộ trước chiếc bàn bí hiểm của tiệm cà phê Gơlúc. Nếu một ngày kia có nhà nghiên cứu lớn về tâm lý học phân định và xếp loại những hình thức chủng loại và sắc thái khác nhau của trí nhớ - như Búpphông đã làm với súc vật - thì ông ta phải nhớ đến Giacốp Menđen, bậc thầy thiên tài và vô danh của thư tịch học.
Về danh nghĩa công khai và dưới con mắt những người không am tường, Giacốp Menđen chỉ là một người bán sách cũ nhỏ mọn. Mỗi chủ nhật trên tờ " Báo mới tự do " và tờ " Tạp chí Viên " có đăng mấy dòng cáo thị viết theo công thức như sau : " Tôi muốn mua sách cũ, đến lấy tận nhà, trả giá cao, Menđen, phố Anxec " số điện thoại kèm theo cáo thị đó là số điện thoại của tiệm cà phê Gơlúc. Menđen lục lọi tất cả các kho sách. Hàng tuần được người phu khuân vác có chòm ria mép giúp sức, ông chất chiến lợi phẩm vào kho của ông. Thế rồi ông lại giải phóng kho nhanh vì không có môn bài. Chính vì vậy ông vẫn cứ là người bán sách cũ nghèo nàn : Sinh viên đem bán cho ông những giáo trình cũ. Nhờ ông làm trung gian, những cuốn sách đó lại chuyền qua tay những học sinh nhỏ hơn. Ngoài ra, Menđen còn nhận tìm mua lại cho họ bất cứ cuốn sách nào với một món hoa hồng ít ỏi. Người ta có thể trực tiếp nhờ ông chỉ dẫn mà chỉ phải trả công rất ít. Tiền không giữ vai trò gì trong cuộc sống của ông. Lúc này ông cũng vẫn mặc một bộ áo quần cũ sờn ấy. Buổi sáng, xế trưa và buổi tối, ông uống một tách sữa và ăn hai chiếc bánh nhỏ. Buổi trưa người ta mang đến cho ông từ hiệu ăn phía đối diện một bữa lót dạ nhẹ. Ông không hút thuốc, không chơi bời. Thậm chí có thể chê bài rằng sống như ông không phải là sống. Ở ông, cái thực sự sống chỉ có cặp mắt ở phía sau đôi tròng kính bầu dục, cặp mắt ấy không ngừng nuôi dưỡng bộ não huyền bí và phì nhiêu của ông bằng những từ ngữ, tên tác phẩm, tên người. Bộ não háo hức hút lấy dưỡng chất dồi dào đó chẳng khác gì một cánh đồng cỏ hứng lấy hàng triệu giọt nước mưa. Ông không để ý đến ai. Trong tất cả những đam mê của nhân loại, ông chỉ say mê có một điều, thứ say mê thực ra có tính người nhiều nhất, đó là tính tự phụ. Khi có người đến nhờ ông chỉ dẫn, sau khi đã mất công tìm kiếm khắp nơi không xong, mà ông lại chỉ dẫn được cho họ ngay thì ông hết sức hể hả. Có lẽ ông vẫn lấy làm tự hào rằng ở Viên và nhiều nơi khác, có đến vài ba tá các ngài có danh tiếng hâm mộ sự hiểu biết của ông và cậy nhờ đến nó. Phải nói rằng họ hoàn toàn tin tưởng tìm đến quán cà phê Gơlúc khi có vấn đề đặc biệt nan giải. Trẻ tuổi và hiếu kỳ, tôi thực sự háo hức mỗi khi được tham dự các buổi hỏi ý kiến đó.
Khi người ta đưa cho Menđen một cuốn sách vào loại tầm thường, ông gấp sập lại và lẩm bẩm " Cuốn này đáng hai cuaron ". Ngược lại, đứng trước một cuốn sách là ấn phẩm còn lại duy nhất hoặc hiếm có, ông trân trọng lùi lại phía sau và nâng niu đặt nó lên một trang giấy trắng. Ông có vẻ hổ thẹn ra mặt vì mấy ngón tay bẩn, dây mực của mình. Sau đó, ông lật giở từng trang cuốn sách quý với thái độ sùng kính thật sự. Không ai có thể quấy rầy ông giữa lúc này, cũng như không ai quấy rầy được một người ngoan đạo đang mải mê cầu nguyện. Cái cách ngắm nghía, sờ, ngửi, nâng nhấc cuốn sách có phần nào tương tự như những nghi thức thiêng liêng của một buổi lễ tôn giáo. Tấm lưng còng lắc lư, miệng thốt ra những tiếng lầm rầm và hai tay vuốt vuốt mớ tóc rậm rạp. Ông thốt lên những tiếng kêu lạ kỳ, lúc thì tiếng " a ! " kéo dài, biểu lộ sự ngưỡng mộ say sưa; lúc thì tiếng " úi chao ! " hoảng hốt khi thấy thiếu một trang hoặc một chỗ bị gián nhấm. Cuối cùng, ông cung kính nhấc cuốn sách cũ ấy lên. Đôi mắt lim dim, ông hít mạnh mùi cuốn sách, sung sướng như một thiếu nữ tình tứ thưởng ngoạn một bông hồng. Trong khi ông tiến hành thứ thủ tục hơi chậm chạp và phức tạp đó, tất nhiên chủ nhân cuốn sách phải kiên nhẫn đợi chờ. Nhưng sau cuộc sát hạch kỹ lưỡng, Menđen liền chỉ bảo cho chủ nhân một cách hết sức vui vẻ và có thể nói là hào hứng. Ông không quên gắn vào đó những giai thoại lý thú và những chỉ dẫn có ích về giá bán những cuốn sách tương tự. Những lúc đó ông dường như trẻ ra, vui hẳn lên. Chỉ có một điều có thể làm ông bực tức : đôi khi một kẻ non nớt nào đó có lòng tốt muốn trả công giám định sách cho ông. Lúc đó, ông giật sững người, phật ý, giống như một người trông nom viện bảo tàng được một vị khách Hoa Kỳ biếu món tiền chè thuốc. Lật giở trang sách hiếm mang lại cho Menđen niềm hoan lạc có thể so sánh với niềm hoan lạc của gã đàn ông ve vuốt người tình. Những lúc đó là những đêm yêu đương lý tưởng của ông. Chỉ có sách chứ không phải tiền là có quyền lực với ông. Nhiều nhà sưu tập lớn, trong đó có vị sáng lập ra Đại học Pranhxơtông đã hoài công mời ông làm cố vấn hoặc làm mãi chủ, Giacốp Menđen luôn luôn từ chối. Ông không thấy ông ở đâu bằng quán cà phê Gơlúc. Vóc người nhỏ bé, gầy yếu, cằm lơ thơ một lớp lông tơ mềm mại, tóc xoăn tít, cách đây ba mươi ba năm ông rời tỉnh nhỏ của mình đến thành Viên với ý định học tập để trở thành giáo sĩ. Nhưng chẳng bao lâu ông đã nhanh chóng từ bỏ đức Giêbôva để phụng sự chủ thuyết đa thần giáo hấp dẫn của những cuốn sách. Lúc đó ông dọn tới quán cà phê Gơlúc, dần dần nơi đây trở thành phòng giấy, tổng hành dinh, trung tâm vũ trụ của ông. Cũng như nhà thiên văn quan sát vô vàn những vì sao qua cái lỗ nhỏ của kính viễn vọng, nghiên cứu quỹ đạo, vị trí của từng ngôi, ánh sáng khi bừng lên, lúc nhợt đi cũng chúng, Giacốp Menđen đeo kính ngồi bên chiếc bàn vuông, ngắm nghía qua đôi tròng kính một thế giới khác đang vận động và biến đổi, một thế giới cao hơn thế giới thực tế, thế giới sách vở.
Cố nhiên Menđen được trọng vọng tại quán cà phê Gơlúc. Ngôi nhà này nổi tiếng là nhờ ở tòa giảng vô hình của người bán sách khiêm nhường hơn là vì nó mang tên nhà soạn nhạc thiên tài Crixtốp Vilibanđơ Gơlúc, người sáng tạo ra hai tác phẩm Anxestơ và Iphigiêni. Menđen là một bộ phận tài sản của quán cà phê cũng như chiếc quầy cũ kỹ bằng gỗ anh đào, cùng hai cái bàn bi-a vá víu và chiếc bình pha cà phê bằng đồng. Chiếc bàn của ông được chăm sóc như tòa chính điện. Cơ man nào là khách viếng thăm ông, và lần nào người ta cũng nhã nhặn mời họ dùng một món gì của tiệm, đến nỗi có thể nói rằng tiền lời thực tế do công việc của ông đem lại đã lọt vào cái túi bằng da của viên tửu bảo. Bù lại, Menđen cũng được ưu đãi đôi chút. Ông được dùng điện thoại không phải trả tiền, người ta nhận thư từ giao dịch cho ông và ông có nhờ việc gì họ cũng làm giúp. Bà lao công già tốt bụng vẫn thường chải măng tô, đơm lại cúc áo cho ông và hàng tuần bà ta đưa áo quần của ông ra tiệm giặt. Chỉ riêng ông là có quyền gọi đem đến cho mình bữa ăn mua ở tiệm ăn kề bên. Và tuần nào Xtănghacnơ - người chủ quán cà phê cũng thân chinh đến tận bàn để chào hỏi ông. Nhưng Menđen mê mải đọc sách, ít khi đáp chuyện.
Cứ đúng tám giờ rưỡi, ông tới tiệm cà phê và buổi tối khi tắt đèn ông mới ra về. Không bao giờ ông bắt chuyện với khách hàng. Ông không hề đọc một tờ báo nào và không để ý đến bất cứ sự thay đổi nào xung quanh. Một hôm, ông Xtănghacnơ nhã nhặn hỏi ông rằng bây giờ những chiếc bóng điện thay cho những chiếc đèn hơi Auơ ánh sáng chập chờn thì ông đọc sách có tốt hơn không ? Ông ngơ ngác ngẩng đầu lên. Mặc dầu việc thay đổi hệ thống đèn diễn ra ồn ào tấp nập trong mấy ngày mà ông chẳng hay biết gì hết. Đôi tròng kính long lanh của ông hút những chữ in vào não ông như cuốn hút hàng tỉ con trích trùng. Mọi việc khác trên thế gian này không mảy may gây ra cho ông một cảm xúc gì. Cứ như vậy, suốt ba mươi năm, tại chiếc bàn này ông không ngừng đọc sách, đối chiếu, kết hợp, cách biệt với thế giới như trong một giấc mộng triền miên.
° ° °
Chính vì vậy, tôi cảm thấy như có luồng điện nhẹ truyền khắp người khi nhìn thấy, lóe lên trong ánh tranh tối tranh sáng, chiếc bàn đá hoa của Giacốp Menđen trần trụi như một tấm bia mộ. Chỉ đến bây giờ, khi đã đứng tuổi hơn, tôi mới hiểu được ý nghĩa của sự mất đi một con người như vậy. Trước hết, bởi vì những hiện tượng thuộc loại như thế này càng ngày càng hiếm hoi trong cái thế giới ngày càng được chuẩn hóa của chúng ta. Mặt khác, bởi vì ngay từ hồi còn trẻ măng, với bản năng tự nhiên, tôi đã mến yêu con người độc đáo đó. Tôi đã linh cảm thấy ở ông một bí ẩn lớn : tất cả mọi sáng tạo kỳ lạ và mãnh liệt của chúng ta đều là kết quả của một sự tập trung tư tưởng, của một chứng thác cuồng cao cả gần với bệnh điên. Còn hơn cả các thi nhân đương thời, người bán sách cũ tầm thường vô danh đó, bằng tấm gương của ông, đã chứng tỏ cho tôi thấy một cuộc sống tinh thần thuần khiết, sự tôn sùng một ý tưởng độc nhất, sự nhập tĩnh sâu xa ngang với một nhà Yôga Ấn Độ hay một thầy tu thời trung cổ, vẫn có thể có thực trong thời đại chúng ta, ngay cả ở bên một buồng điện thoại và dưới những chùm đèn chói lòa của một tiệm cà phê.
Làm sao tôi lại đã quên được Giacốp Menđen ? Đành rằng chiến tranh nổ ra và tôi cũng say mê như ông ta, đã vùi đầu vào những công trình của bản thân. Bây giờ nghĩ đến ông, tôi vẫn cảm thấy chút ít ngượng ngùng, đồng thời với một lòng tò mò mãnh liệt.
Ông ta đã ra sao ? Bấy nay ông ở đâu ? Tôi gọi bồi bàn và hỏi. Anh ta tỏ ý rất tiếc và cả quyết rằng chưa hề biết ông Menđen và cũng chưa ai có tên như vậy thường lui tới quán. Ngẫm nghĩ một lát, anh ta hỏi tôi có phải tình cờ tôi muốn nhắc đến ông Măngđơ, chủ một hiệu tạp hóa ở phố Xanhphơrôrian hay không ? Tôi bặm môi, cay đắng nghĩ đến cái hư ảo của mọi kiếp người. Sống để làm gì nếu gió cuốn đi mọi dấu vết của bước chân ta ? Trên ba mươi năm trời, một con người đã thở, đọc, suy tư, nói năng trong mấy mét vuông này; thế rồi một Pharaông mới lên ngôi, và chỉ cần ba hoặc bốn năm là người ta không còn nhớ đến Giacốp nữa. Tại tiệm cà phê Gơlúc, đến cái tên Giacốp Menđen mà người ta còn không biết tới ! Gần như nổi giận tôi hỏi người bồi bàn xem tôi có thể nói chuyện với ông Xtănghacnơ được không, hoặc là trong nhà còn người nào là nhân viên cũ của tiệm. Ông Xtănghacnơ đã bán lại tiệm cà phê từ lâu và đã chết. Còn viên quản lý cũ thì đã lui về ở một dinh cơ nhỏ gần Cơrem. Không còn ai để tôi có thể hỏi chuyện được. Tuy nhiên, có... bà Xpoocsin vẫn còn đấy, bà lao công làm công việc cọ rửa các buồng vệ sinh... mà người ta vẫn thường gọi là bà Sôcôla. Nhưng chắc là bà ta không nhớ được hết các khách hàng cũ.
Tôi lại tự nhủ ngay rằng không ai có thể quên nổi một người như Giacốp Menđen và tôi nhờ gọi bà ta đến.
Mớ tóc bạc rối bù, hai bàn tay đỏ và ướt, bà Xpoocsin nặng nhọc bước ra khỏi căn nhà ở dưới tầng hầm. Có lẽ bà vừa cọ sàn hoặc lau sàn cửa sổ. Bà ta cảm thấy choáng ngợp dưới ánh đèn chói lòa của tiệm cà phê. Dân chúng thành Viên nghĩ ngay đến cảnh sát mật vụ mỗi khi có người gọi họ ra để hỏi. Bởi vậy, lúc đầu, bà còn ngờ vực nhìn tôi bằng cặp mắt dè chừng và thâm hiểm. Bà ta không chờ đợi điều gì tốt lành. Nhưng khi tôi vừa hỏi thăm về Giacốp Menđen thì bà đứng thẳng lên và nhìn tôi bằng ánh mắt tươi sáng vì cái tên đó đã gợi lại cho bà những kỷ niệm xưa.
Trời ơi ! Ông Menđen tội nghiệp !
Còn có người nghĩ đến ông ấy ư ! Bà ta gần như khóc vì xúc động, như khi những người già nhớ lại thời son trẻ của mình.
Tôi hỏi bà ông ta còn sống không.
- Trời ơi, tội nghiệp ông Menđen ! Ông ấy chết từ năm, sáu hoặc bảy năm nay rồi ! Người đâu mà tử tế đến thế. Ờ, mà tôi quen biết ông ấy đã từ lâu lắm rồi - có dễ đến trên 25 năm nay - khi tôi vào làm ở nhà này thì ông ấy đã ở đây rồi.
Mỗi lúc bà càng náo nức hơn và hỏi tôi có phải là người bà con của ông ta không. Chẳng có ai hỏi thăm ông ta cả. Ông có biết ông ta chết như thế nào không - bà hỏi tôi.
- Không, tôi không biết gì hết - tôi đoán chắc với bà ta và xin bà ta hãy kể hết cho tôi nghe.
Người đàn bà tốt bụng, rụt rè và lúng túng chùi hai bàn tay ướt vào tấm tạp dề bẩn. Tôi hiểu rằng bà ta không cảm thấy thoải mái trong tiệm cà phê. Thỉnh thoảng, bà quay lại nhìn xem có tên bồi bàn nào để ý nghe bà nói không.
Tôi mời bà cùng đi với tôi vào căn phòng giải trí chỗ Menđen ngồi trước kia. Bà nhận lời, tỏ vẻ biết ơn và đi trước, chân bước đã hơi lập cập. Hai người bồi bàn ngạc nhiên nhìn theo, mấy vị khách quen cũng sửng sốt khi thấy một đôi không tương xứng đến như vậy.
Và khi chúng tôi đã ngồi vào bên chiếc bàn của ông Menđen, bà lão kể lại cho tôi nghe cái kết thúc buồn thảm của Giacốp Menđen, người bán sách cũ (về sau này nhiều nguồn tin khác bổ sung thêm cho câu chuyện của bà) : " Hồi đầu chiến tranh, bà lão kể với tôi, hàng ngày vào tám giờ rưỡi sáng, ông vẫn còn đến đây, ông ngồi vào bàn này như thường lệ và mê mải nghiên cứu suốt cả ngày. Người ta có cảm giác là ông không hề biết đến những gì đang xảy ra. Chẳng bao giờ ông rờ đến tờ báo và không hề nói chuyện với ai. Ngay cả khi trẻ bán báo lớn tiếng rao những số báo đặc biệt, ông cũng không quan tâm. Ông không để ý đến sự vắng mặt của Phrandơ, nhân viên đánh dấu, anh ta đã hy sinh ở gần Gooclixơ, ông không biết con trai của Xtănghacnơ đã bị bắt giam ở Zơmít. Không bao giờ ông phàn nàn một chút gì về chuyện bánh mì mỗi ngày một tồi tệ và về việc người ta đem cho ông thứ nước uống kinh tởm bằng quả vả thay vì cà phê sữa. Chỉ có mỗi một lần, một lần duy nhất, ông tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy con số sinh viên đến đây quá ít, có thế thôi ! Trời ! Con người tội nghiệp, ông ta chẳng thiết gì ngoài sách vở.
" Nhưng rồi một ngày tai họa đã xảy đến. Vào lúc mười một giờ sáng, một viên sen đầm và một nhân viên sở mật thám bước vào hỏi có tên nào là Giacốp Menđen hay lui tới quán cà phê. Người ta dẫn họ đến trước bàn người bán sách cũ. Ông ngây thơ tưởng họ muốn bán sách cho ông hoặc muốn xin ông một lời chỉ dẫn. Nhưng lập tức họ ra lệnh buộc ông phải đứng lên và đi theo họ.
" Đó là điều xấu hổ cho tiệm cà phê : tất cả các vị khách quen xúm quanh ông Menđen tội nghiệp. Ông nâng cặp kính lên trán và sửng sốt nhìn tên sen đầm, không hiểu họ muốn gì. Còn về phần bà ta, bà ta đã nói với tên sen đầm là chắc chắn có chuyện nhầm lẫn, một con người chân thực như ông Menđen không thể làm điều gì xấu, ngay cả làm hại một con ruồi. Nhưng tên nhân viên sở mật thám quát bà ta đừng có xen vào chuyện này. Thế rồi họ lôi ông đi. Khoảng chừng hai năm không ai gặp lại ông ta nữa. Cho đến lúc này, thật ra bà ta cũng không biết rõ người ta buộc cho ông tội gì.
- " Nhưng tôi xin thề - bà già tốt bụng nói - ông Menđen không có làm điều gì xấu. Tôi dám đoán chắc rằng các nhân viên cảnh sát lầm. Họ phải tội vì đã bắt một người vô tội ! "
Bà già tốt bụng Xpoocsin nói đúng. Giacốp Menđen, bản chất ngay thực, không hề phạm một tội ác nào, mà chỉ mắc phải sự dại dột kỳ lạ trong thời kỳ nhiễu nhương đó, sự dại dột của ông duyên do chỉ vì ông không hề hay biết gì về mọi việc đang diễn ra xung quanh. Sự thể như thế này :
Tại phòng kiểm duyệt theo dõi việc trao đổi thư từ với các nước trung lập, một hôm người ta vớ được một tấm bưu thiếp do một ông Giacốp Menđen nào đó viết và ký tên. Một chuyện không thể tưởng tượng nổi là nó lại gửi sang một nước thù địch, tới hiệu sách Giăng Labuốcđe tại cảng Grơnen gần Pari. Người gửi bưu thiếp phàn nàn rằng đã không nhận được tám số cuối của tờ tập san thư tịch học nước Pháp, mặc dầu ông ta đã đặt tiền mua trước cả năm nay. Nhân viên phòng kiểm duyệt, nguyên là một giáo sư trung học, chuyên nghiên cứu về la tinh, không tin ở mắt mình khi đọc lướt tấm bưu thiếp đó. Một trò đùa dại dột, anh ta tự nhủ. Hàng tuần anh ta đọc khoảng hai ngàn bức thư để tìm ra dấu vết của sự liên lạc ám muội hay hoạt động tình báo, nhưng chưa bao giờ thấy xảy ra một điều phi lý như thế này : một người gửi lời chân thực từ Áo sang Pháp, điềm nhiên bỏ tấm bưu thiếp vào hòm thư gửi sang đất nước thù địch, cứ như là các đường biên giới không hề rào dày đặc dây thép gai và hàng ngày các quốc gia Pháp, Đức, Áo và Nga không tiêu diệt lẫn của nhau vài ngàn nhân mạng ! Thoạt đầu, anh ta để tấm bưu thiếp đó vào ngăn kéo coi như vật kỳ quặc không trình báo gì cả. Nhưng sau vài tuần lại có một bưu thiếp mới, lần này gửi theo địa chỉ người buôn đồ cổ Giôn Anđrigơ, Luânđôn, Hônboóc Xquarơ. Vẫn nhân vật kỳ lạ mang tên Giacốp Menđen ký cả tên và yêu cầu họ gửi cho ông ta những số mới nhất của tờ Angtiquarian 1. Vị giáo sư lắc đầu cảm thấy bị gò bó trong bộ đồng phục : liệu chừng có ẩn ý gì ở đây không ? Anh ta đứng dậy lấy tư thế quân nhân trước viên thiếu tá và đặt lên bàn trước mặt ông ta hai tấm bưu thiếp. Ông này tỏ vẻ ngạc nhiên và lẩm bẩm : kỳ lạ, kỳ lạ thật ! Trước hết ông ta ra lệnh cho cảnh sát truy tìm xem có ai tên là Giacốp Menđen thật không. Một giờ sau Menđen bị bắt, bị dẫn tới trước viên thiếu tá, bước đi lảo đảo vì kinh ngạc. Viên sĩ quan chỉ cho ông những tấm thiếp bí ẩn và hỏi ông có nhận là đã viết hay không. Điên tiết vì giọng hỏi hách dịch và bực mình vì bị quấy rầy trong khi đang đọc một mục lục quan trọng, Menđen đáp với giọng gần như cục cằn :
- Đương nhiên là người ta có quyền đòi hỏi những số báo đã đặt tiền từ trước.
Viên thiếu tá quay về phía người sĩ quan ngồi bàn bên. Họ trao đổi với nhau một cái nhìn như muốn nói : nhân vật này hơi khùng. Viên thiếu tá đắn đo một lát xem có nên chỉ khiển trách rồi đuổi lão về hay phải coi đây là chuyện hệ trọng. Khi một viên chức chưa biết nên quyết định như thế nào thì trước hết anh ta lập biên bản. Một bản tường trình khi nào cũng tốt. Nếu không có ích lợi gì thì dẫu sao cũng không phạm lỗi sơ sót, đó chỉ là một tờ giấy lộn chất thêm vào những mớ giấy lộn khác mà thôi.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều đó gây ra tại hại cho một kẻ khốn khổ. Thoạt tiên người ta lục vấn họ tên : Giacốp, đúng hơn là Gianhkép Menđen. Nghề nghiệp : bán báo (ông ta không có môn bài cửa hàng bán sách, chỉ có giấy phép bán rong). Câu hỏi thứ ba đưa đến thảm họa.
- Sinh quán của ông ở đâu ?
Giacốp Menđen khai một xóm nhỏ gần Pêtricô. Viên thiếu tá cau mày. Phải chăng là trên đất Ba Lan thuộc Nga, gần ngay biên giới ? Coi chừng có điều ám muội ở đây. Bởi vậy, từ đó việc hỏi cung chặt chẽ hơn :
- Ông được phép cư trú tại Áo từ bao giờ ?
Menđen ngạc nhiên nhìn viên thiếu tá, tỏ vẻ không hiểu.
- Giấy tờ của ông, khai sinh của ông ở chỗ quái quỷ nào ?
Ông ta chỉ có tờ giấy phép bán hàng rong.
Viên thiếu tá mỗi lúc một nghiêm nét mặt :
- Rút cuộc, ông hãy vui lòng nói cho chúng tôi rõ ông thuộc quốc tịch nào. Bố đẻ ông là người Áo hay người Nga ?
- Tất nhiên là người Nga.
- Và bản thân ông ?
- Tôi, tôi vượt biên giới đã 33 năm nay để tránh quân dịch. Từ đấy tôi sống ở Viên.
Lấy làm lạ, viên thiếu tá hỏi lại :
- Ông được cấp giấy phép cư trú từ khi nào ?
- Tôi không bao giờ bận tâm về những chuyện đó, Menđen đáp.
- Vậy thì ông vẫn còn là Kiều dân Nga ?
Cuộc hỏi cung tẻ nhạt đó làm cho Menđen ngán ngẩm, ông lạnh lùng trả lời :
- Vâng, tôi cho là như vậy.
Viên thiếu tá ngả người lên chiếc ghế bành một cách đột ngột khiến chiếc ghế kêu răng rắc. Sao lại có chuyện như vậy được ? Năm 1915, sau Tacnốp, sau trận tổng công kích, một người Nga đi dạo chơi ở Viên, thủ đô nước Áo, hơn nữa lại giao dịch thư từ với Pháp, với Anh và cảnh sát không hề bận tâm gì đến hắn ! Và bộ tham mưu của chúng ta lại ngạc nhiên vì mỗi cuộc hành quân đều lập tức bị bọn gián điệp báo tin cho người Nga.
Viên sĩ quan nhỏm dậy và đứng thẳng trước bàn :
- Cớ sao ông không khai ngay rằng ông là người ngoại quốc ?
Menđen không ngờ vực gì hết, trả lời bằng giọng Do Thái trọ trẹ :
- Tại sao tôi lại phải tự khai kia chứ ?
Câu hỏi lại ngây ngô đó chọc tức viên thiếu tá.
Bằng giọng hăm dọa y hỏi ông có đọc các thông báo của chính quyền và có theo dõi báo chí hay không ?
- Không.
Hai viên chức sững sờ một lát như đứng trước một hiện tượng lạ kỳ. Menđen mất bình tĩnh dần. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán ông...
Chuông điện thoại réo, tiếng máy chữ kêu lách tách, các tùy phái chạy lăng xăng.
Giacốp Menđen bị tống vào nhà giam của một đồn binh để chờ đoàn xe áp giải sắp tới đưa sang một trại tập trung. Khi người ta ra lệnh cho ông đi theo hai tên lính đến tìm ông, ông có vẻ nghi hoặc. Ông chưa biết đích xác họ muốn gì ở ông. Người đàn ông đeo cấp hiệu và giọng nói cứng rắn này có những ý đồ gì ? Trong thế giới sách vở Menđen vẫn sống, không hề có sự hiểu lầm, chẳng có chiến tranh, chỉ có một ham muốn duy nhất : đó là ngày càng biết nhiều hơn những từ ngữ, những mốc thời gian, những nhan đề và tên gọi. Ông lặng lẽ bước xuống cầu thang, hai bên có lính đi kèm. Tại trạm cảnh sát, người ta rút hết sách ở túi ông ra, tịch thu cuốn sổ tay có hàng trăm tờ phiếu và địa chỉ. Lúc đó ông giằng co dữ dội. Người ta phải trấn áp. Cặp kính của ông, chiếc viễn vọng thần kỳ đã giúp ông tiếp xúc với thế giới trí thức văng ra và vỡ tan tành. Hai ngày sau, người ta giải ông, trên mình chỉ có chiếc măng tô mỏng mùa hè, đến trại tập trung tù dân sự người Nga gần Kômoocnơ.
Chúng tôi không hề biết gì về những nỗi đau khổ tinh thần Menđen phải chịu đựng trong suốt hai năm trời ở trại giam. Bị dứt ra khỏi thế giới sách vở, sống giữa đám người thất học dửng dưng với thế giới tinh thần, ông như con phượng hoàng bị chặt cánh. Trong tất cả những hành động tội ác của cuộc đại chiến, không có hành động nào điên rồ hơn, vô ích hơn và thậm chí vô luân hơn là hành động tập trung và chồng chất bên trong hàng rào dây thép gai những người dân thường ngoại quốc đã quá tuổi quân dịch từ lâu, trong lúc họ còn đầy lòng tin tưởng ở lòng hiếu khách (điều mà ngay cả người Tungút và người Arôcăng cũng coi là thiêng liêng) do đó họ đã không trốn chạy kịp thời. Hỡi ôi, tội ác phản văn minh đó đã diễn ra hệt như nhau ở Pháp, ở Đức, ở Anh, ở bất cứ chỗ nào trên đất châu Âu điên loạn khốn khổ của chúng ta.
Cũng như biết bao nhiêu người vô tội khác trong cái chuồng nhốt người đó, Giacốp Menđen nhất định sẽ hóa điên hoặc sẽ chết một cách thảm hại vì bệnh kiết lỵ, vì kiệt sức hay tuyệt vọng, nếu không có một sự tình cờ thình lình trả ông về môi trường tự nhiên của ông.
Nhiều lần từ ngày ông biệt tăm, có nhiều thư của các nhân vật quyền quý gửi tới địa chỉ của ông. Bá tước Sơnbéc, cựu thống đốc xứ Xtyri, nhà sưu tập say mê những tác phẩm về huy chương học; cựu khoa trưởng khoa nghiên cứu viện thần học, ngài Xiếcghenphen, chuyên chú giải về thành Oguttanh; ngài bắc đẩu bội tinh Pixếc, thủy sư đô đốc về hưu, 80 tuổi đã nhiều lần viết thư cho Giacốp Menđen gửi về quán cà phê Gơlúc. Một số thư đó được chuyển gửi tiếp tới trại tập trung cho Menđen. Tại đây những bức thư lọt vào mắt viên đại úy tốt bụng, ông này ngạc nhiên về việc tên Do Thái nhỏ bé, bẩn thỉu, mù lòa dở, ngồi xổm trong một xó, câm lặng và xám xịt như con chuột chũi lại quen biết những nhân vật quyền quý như vậy. Con người quen biết những nhân vật như thế không thể là người tầm thường. Vì vậy, viên chỉ huy cho phép Menđen trả lời những bức thư đó và thỉnh cầu những người che chở cho ông can thiệp giúp. Các vị này, với tình cố kết thiết tha của tất cả những nhà sưu tập, đã không chậm trễ, dùng hết mọi ảnh hưởng để giải quyết cho ông. Nhờ sự giúp đỡ của họ, sau hai năm bị cầm tù, Menđen được trở vào Viên vào năm 1917, với điều kiện là hàng ngày phải tới trình diện cảnh sát. Dẫu sao đi nữa ông lại được đi lại tự do, ngụ tại căn gác xép, qua lại trước những gian trưng bày sách và ngồi tại quán cà phê Gơlúc.
Bà Xpoocsin được chứng kiến ngày trở về của Menđen. Bà kể lại với tôi một cách xác thực theo bà nhớ như sau :
- Một hôm, Giêsu Maria lạy chúa tôi, tôi không tin vào mắt mình nữa, cửa mở và ngài có biết thế nào không : vừa đúng để ông ta lọt qua. Và kìa, ông ta rón rén bước vào, ông Menđen tội nghiệp. Ông mặc một chiếc áo khoác nhà binh cũ xơ xác và đầu đội cái gì hình thù như cái mũ. Không cổ cồn, không cà vạt, tóc bạc phơ, thân hình gầy đét, mặt hốc hác xanh xao như cái xác chết moi ở dưới đất lên. Trông thấy ông ấy mà thương hại. Ông bước vào như không có chuyện gì xảy ra, không nói không rằng, ông cởi áo khoác ngoài và ngồi vào chiếc bàn của ông. Nhưng mọi cử động của ông không nhẹ nhàng như trước kia, mà rất khó nhọc, như người hết hơi. Túi áo ông không còn ních đầy sách như xưa, ông chỉ ngồi im, cặp mắt trống rỗng và đầy quầng thâm, nhìn như đóng đinh xuống bàn. Dần dần, chỉ sau khi chúng tôi mang ra cho ông cả một bó giấy tờ từ Đức gửi tới, ông mới bắt đầu đọc. Nhưng ông không còn là ông ngày xưa nữa.
Không, ông không còn là ông ngày xưa nữa. Ông không còn là vị pháp sư thần thông quản đại, một cuốn thư mục sống nữa. Tất cả mọi người gặp lại ông hồi ấy đều nhận thấy như vậy. Có vẻ gì rối loạn trong cái nhìn bình thản và vững tin xưa kia của ông. Hẳn là chòm sao chổi đẫm máu khủng khiếp trong khi chuyển vần điên loạn đã va vào cái thiên thể yên lành và đơn độc trong thế giới sách vở của ông. Cặp mắt ông từ bao năm ròng chỉ quen với chữ in chi chít như chân muỗi đã phải chứng kiến những điều kinh khủng trong chốn địa ngục rào dây thép gai. Mí mắt ông sụp xuống đè nặng lên cặp đồng tử xưa kia linh lợi và châm biếm bao nhiêu. Cặp mắt xưa kia sắc sảo là thế mà nay lim dim gà gật, mọng đỏ sau đôi kính chằng buộc bằng sợi chỉ. Đáng sợ hơn nữa là trong lâu kỳ đài trí nhớ kỳ diệu của ông, cây cột cái đã lún xuống và thế là tất cả đã sụp đổ. Bộ não của người ta thật nhạy bén, cái bộ máy tinh xác đó cấu tạo bởi một chất liệu mỏng manh đến nỗi một tĩnh mạch nhỏ bị tắc, một sợi thần kinh bị rão, một tế bào làm việc quá sức cũng đủ khiến cho trí tuệ cấu tạo hài hòa nhất phải câm lặng. Trong trí nhớ của Menđen, những phím đàn vô song của trí tuệ đã ngừng hoạt động. Thỉnh thoảng có người đến xin ông chỉ dẫn, ông ngơ ngác nhìn chằm chằm vào họ; ông không bắt nhậy ý kiến của họ nữa và mau quên những điều họ nói với ông.
Menđen không còn là Menđen nữa, cũng như thế giới không còn như trước. Khi đọc sách ông không đung đưa thân mình trong trạng thái trầm tư khoan khoái nữa, mà ngồi bất động, đôi mục kính chiếu vào sách như cái máy. Không biết ông đọc sách thật hay đang mơ. Nhiều khi ông gục đầu trên trang sách. Ông ngủ thiếp giữa ban ngày. Đôi khi ông đăm đăm nhìn hàng giờ ngọn đèn đất đầy khói trên bàn, trong cái thời buổi người ta thiếu thốn đủ thứ. Không, Menđen không còn là Menđen nữa. Ông không còn là nhân vật thần kỳ nữa, chỉ còn là một mảnh khốn khổ của kiếp người vương lại trên chỗ ngồi. Ông không còn là vinh dự cho quán cà phê Gơlúc nữa. Ông chỉ còn là một kẻ quấy rầy, một kẻ ăn bám nhớp nhúa và đáng ghê tởm.
Ít ra đó cũng là ý kiến của chủ tiệm mới, ông Gutnơ. Ông ta không thể chấp nhận việc người ta choán chỗ cả một chiếc bàn từ sáng đến tối mà chỉ dùng có hai bát sữa và bốn chiếc bánh nhỏ. Thế là ông ta tìm cách đẩy ông già Do Thái xứ Galixi đi cho nhanh. Dịp may chẳng mấy chốc đã đến. Menđen bị lâm vào cảnh cùng quẫn, số tiền dành dụm cuối cùng đã đi đời theo đà quay của máy in tiền, 2khách hàng của ông tản mát hết. Ông không còn hơi sức leo lên cái tầng lầu, qua hết cửa này sang cửa khác để mua sách nữa. Ông cạn hết mọi nguồn thu nhập. Điều đó lộ rõ qua mọi biểu hiện. Họa hoằn lắm ông mới ăn một bữa, có khi suốt cả ba tuần ông không trả nổi tiền sữa và bánh mì. Viên quản lý muốn đuổi ông ra cửa, nhưng bà Xpoocsin tử tế đã can thiệp và đối đáp hộ ông. Đã nhiều lần tên bồi bàn nhận thấy lần nào thanh toán hắn cũng bị hụt. Có những chiếc bánh nhỏ biến mất không được trả tiền. Hắn ngờ cho Menđen. Hắn rình ông và chẳng bao lâu hắn bắt được quả tang. Đứng nấp sau lò sưởi, hắn thấy Menđen đứng dậy, sang phòng bên nhón lấy hai chiếc bánh và nhai ngấu nghiến. Khi người ta đòi ông trả tiền hai chiếc bánh đó, ông lão khốn khổ quả quyết là ông không hề ăn. Điều bí mật đã sáng tỏ. Tên bồi mách với ông Gutnơ. Ông này mừng rỡ về khám phá đó, nhục mạ Menđen trước mặt mọi người, gọi ông là quân ăn cắp và dọa gọi cảnh sát. Rồi ông ra lệnh cho Menđen phải cuốn xéo ngay và từ nay cấm cửa không cho đến nữa. Giacốp Menđen run rẩy, nhưng chẳng đáp lại câu nào đứng dậy và đi ra.
- Trông ông lão thật tội nghiệp, bà Xpoocsin nói với tôi. Không bao giờ tôi quên được cảnh tượng ấy. Cặp kính ghếch lên trán, ông đứng dậy, xám ngoét như miếng dẻ, ông không kịp mặc áo khoác giữa tiết tháng giêng. Ông để quên cuốn sách trên bàn. Sau đó tôi thấy ngay, định chạy theo để đưa cho ông. Nhưng ông đã ra ngoài và tôi không dám chạy theo ông trên vỉa hè, vì ông Gutnơ chửi rủa ông và mọi người xúm đông lại. Thật là xấu hổ ! Thời ông Xtănghacnơ, không khi nào người ta đuổi ai vì tội ăn vụng chiếc bánh nhỏ. Menđen có thể ăn bánh không mất tiền cho đến chót đời. Nhưng xem đấy, bây giờ người ta không còn lòng thương người nữa. Đuổi người khách hàng đã hơn 30 năm trời ngày nào cũng đến đây ! Thật là nhục nhã ! Tôi không muốn phải trả lời việc đó trước Thượng đế.
Bà già tốt bụng Xpoocsin xúc động ghê gớm, bà không ngừng nhắc đi nhắc lại theo cách nói của những người già : " Không, ông Xtănghacnơ chắc chắn là không xử sự như vậy ". Cuối cùng, tôi hỏi bà sau đó bà có gặp lại Menđen không và ông ta rồi ra sao. Lúc ấy cố trấn tĩnh lại, bà bảo tôi :
" Hàng ngày mỗi khi đi qua bàn của ông lão, xin ngài hãy tin tôi, tôi cứ nẫu cả ruột gan. Tôi thường tự hỏi Menđen nay ở đâu, ông Menđen tội nghiệp. Nếu tôi biết chỗ ở của ông lão, tôi đã mang lại cho ông chút gì. Bởi vì chắc chắn ông không có gì để sưởi ấm, không có gì ăn. Cuối cùng, mãi chẳng có tin tức, tôi đã nghĩ rằng chẳng bao giờ còn gặp ông lão nữa, ông đã chết rồi. Có lúc tôi tự hỏi có nên làm lễ cầu hồn cho ông hay không. Ông lão tốt quá đi và chúng tôi quen biết nhau lâu như thế.
" Nhưng một buổi sáng, còn sớm lắm, mới tám giờ rưỡi vào dạo tháng hai - tôi đang đánh bóng quả đấm cửa sổ - thì ơ kìa, cánh cửa mở ra và Menđen bước vào ! Tôi không tin ở mắt mình nữa. Ông biết đấy, bao giờ ông ấy cũng đi vào bằng bước đi lén lút và vẻ mặt bối rối. Nhưng lần này khác hẳn.
" Ngay lập tức tôi đoán rằng ông bị một ý nghĩ ám ảnh xưa khiến ông đến đây. Mắt ông long lanh. Trời ơi, bộ dạng ông thật thảm hại ! Chỉ còn da bọc lấy xương ! Thoạt đầu, tôi lấy làm lạ ! Rồi tôi hiểu : con người khốn khổ này không còn biết gì nữa, ông đi giữa ban ngày như đi trong cơn mê, ông đã quên hết, quên cả việc người ta đã đuổi ông ra khỏi cửa. May thay ông chủ vắng nhà và tên hầu bàn đang ăn lót dạ. Tôi chạy đến, giải thích với ông lão là không nên ở lại đây, nếu không con người thô lỗ nọ sẽ xua ông ra khỏi cửa ".
Nói đến đây bà Xpoocsin lo ngại nhìn quanh và nói thêm :
" Tôi muốn nói là ông Gutnơ ".
Rồi bà kể tiếp :
" Tôi gọi Menđen bằng chính tên ông. Ông ngước mắt nhìn tôi. Lạy chúa, lúc ấy thật là kinh khủng, ông sực nhớ ra hết. Ông giật nẩy mình và run bắn toàn thân. Rồi ông lảo đảo bước ra ngoài cửa và ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Người ta gọi dây nói cho những người Samarin, họ tới và mang ông đi. Ngay chiều hôm ấy ông chết vì chứng sưng phổi. Bác sĩ bảo chúng tôi rằng con người khốn khổ không biết mình đang làm gì khi quay lại quán cà phê. Có cái gì xui khiến ông như một kẻ bị quỷ ám. Chắc là khi
người ta đã ngồỉ tại một chiếc bàn 36 năm trời thì người ta trở lại đó như một con chiên trở về với giáo đường.
° ° °
Chúng tôi còn nói chuyện dài về ông, hai người cuối cùng còn lại đã quen biết con người kỳ lạ đó; tôi là người được ông mở mắt cho thấy sự phong phú, mặc dầu điều kiện sinh sống hết sức đạm bạc đi nữa; bà ta, một người đàn bà nghèo nàn đã chải áo khoác và đơm cúc áo cho ông suốt 25 năm trời. Chúng tôi rất hiểu nhau trước cái bàn bỏ trống của ông, cảm thông với nhau nhờ hình bóng của ông mà chúng tôi gợi lại. Bởi vì hồi niệm bao giờ cũng khiến người ta xích lại gần nhau, nhất là những hồi niệm của tình thương mến. Đang nói, bỗng nhiên bà lão chợt nhớ ra :
- Giêsu Maria lạy chúa tôi, tôi thật lú lẫn ! Tôi còn giữ cuốn sách của ông lão để quên trên bàn. Làm thế nào tôi trả ông ấy được ? Hồi sau này vì không có ai đòi lại, tôi nghĩ rằng có thể giữ lại làm kỷ niệm. Tôi làm như vậy không có gì xấu chứ, phải không ?
Bà liền đi tìm cuốn sách trong căn lều nhỏ của bà. Định mệnh bao giờ cũng ngạo ngược, đôi khi trớ trêu, luôn luôn pha lẫn những cái khôi hài vào những chuyện thương tâm nhất. Bà Xpoocsin đưa cho tôi hai cuốn : " Bibiotheca Germanorum erotica et curiosa " 3 của Hain, cuốn sách văn chương hoa tình mà các nhà yêu sách ai cũng biết. Định mệnh muốn rằng cuốn sách tục tĩu ấy - habent sua fata libelli 4 - rơi vào đôi tay nhăn nheo và vô tội của con người chưa hề bao giờ lật giở trang sách nào ngoài sách thánh kinh. Tôi mím chặt môi để nén một nụ cười. Bà lão bối rối hỏi tôi đây có phải là cuốn sách quý không và bà có thể giữ nó hay không.
Tôi nắm tay bà, lòng đầy cảm mến :
- Bà hãy giữ lấy cuốn sách này mãi mãi ! Ông bạn già Menđen của bà sẽ sung sướng khi biết rằng trong vô số người mà ông đã sưu tầm sách cho họ, có một người vẫn nhớ đến ông.
Rồi tôi ra về, thầm cảm phục bà già tội nghiệp vẫn một lòng chung thủy với người đã chết, niềm chung thủy chất phác và nhân ái biết bao. Với tấm lòng thành, bà sùng kính gìn giữ cuốn sách để luôn luôn nhớ đến ông bạn già. Thế mà tôi, tôi đã quên bẵng Menđen nhiều năm ròng. Tuy nhiên, tôi biết rằng những cuốn sách được làm ra để liên kết người ta với nhau vượt ra ngoài cái chết và để bảo vệ cho chúng ta chống lại kẻ thù ác nghiệt nhất đời : đó là sự lãng quên.
--------------------------------
1 Người sưu tập đồ cổ (tiếng Anh).
2 Ý nói : theo nạn lạm phát. (ND)
3 Tủ sách Đức về tình dục và tính tò mò.
4 Những cuốn sách có số phận của nó.

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư