Khuya nức nở




Re: Khuya nức nở...
Hai câu thơ của J.HV, như trong bài viết được vị fb sao lục, không có tên tác giả.
Khi post trên Tin Văn, có đề tên J.HV. nhưng chính Gấu cũng không nhớ, được thốt ra trong dịp nào. Phải mãi sau này, kỷ niệm về câu thơ mới bật ra đầy đủ: Hình ảnh chiếc chiếu, nơi nhà bếp J.HV, thấy thằng bạn của mình đã đến giờ lên chuyến tầu suốt rồi, câu thơ được hình thành.
Làm sao mà tên thi sĩ dởm, chôm cái nick "Nguyễn" của Nguyễn Tuân, biết ngọn nguồn như thế:
Chỉ có thể đọc trên Tin Văn!
Cũng thế, là câu thơ:
Khi anh đi, anh đi vào sương đen
Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết.
Của TTT.
Gấu chôm từ 1 bài thơ của ông, dán trên tường, nơi bàn viết, thời gian bị gọi tái nhập ngũ.
Rồi post trên Tin Văn.
Cũng bị chôm, sửa "sương đen", thành "đêm đen".
Thành 1 lời hát trứ danh của 1 bản nhạc trứ danh...
Joseph Huỳnh Văn là một thi sĩ. Chúng tôi quen nhau những ngày làm Tập san Văn chương. Có Nguyễn Tử Lộc, đã chết vì bệnh tại Sài-gòn ít lâu sau 75. Phạm Hoán, Phạm Kiều Tùng, Nguyễn Đạt, Nguyễn Tường Giang... Huỳnh Văn là Thư ký Tòa soạn. Không có Phạm Kiều Tùng, tập san không có một ấn loát tuyệt hảo. Nguyễn Đông Ngạc khi còn sống vẫn tự hào về cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam) do anh xuất bản, Phạm Kiều Tùng, Phạm Hoán lo in ấn, trình bày. Bạn lấy đầu một cây kim chấm một đầu trang. Dấu chấm đó sẽ xuyên suốt mọi đầu trang thường của cuốn sách. Không có Nguyễn Tường Giang thì không đào đâu ra tiền và mối thiện cảm, độc giả, thân hữu quảng cáo dành cho tập san. Những bài khảo luận của Nguyễn Tử Lộc và sở học của anh chiết ra từ những dòng thác ngầm của nhân loại - dòng văn chương Anglo-Saxon - làm ngỡ ngàng đám chúng tôi, những đứa chỉ mê đọc sách Tây, một căn bệnh ấu trĩ nhằm tỏ sự khó chịu vì sự có mặt của những quân nhân Hoa-kỳ tại Miền Nam.
Huỳnh Văn với lối nói mi mi tau tau là chất keo mà một người Thư ký Tòa soạn cần để kết hợp anh em. Bây giờ nghĩ lại chính thơ anh mới là tinh thần Tập San Văn Chương. Đó là nơi xuất hiện Cầm Dương Xanh , những bài thơ đầu mà có lẽ cũng là cuối của anh. Bởi vì sau đó, anh không đăng thơ nữa, tuy chắc chắn vẫn làm thơ, hoặc tìm thấy thơ trên những vân gỗ, khi anh làm nghề thợ mộc, những ngày sau 75, thay cho nghề bán cháo phổi, những ngày trước đó.
"Mỗi thời đại, con người tự chọn mình khi đứng trước tha nhân, tình yêu, và cái chết." (Sartre, Situations). Trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, tha nhân là những người ở bên kia bờ địa ngục, và chiến tranh chỉ là một cuộc rong chơi. Nguyễn Đức Sơn tìm thấy Cửa Thiền ở một nơi khác, ở Đêm Nguyệt Động chẳng hạn. Thanh Tâm Tuyền muốn trút cơn đau của thơ vào thiên nhiên:
Mùa này gió biển thổi điên lên lục địa...
Còn Huỳnh Văn, có vẻ như anh chẳng màng chi đến cuộc chiến, hoặc cuộc chiến tránh né anh. Tinh thần mắt bão của thiên nhiên thời tiết, hay tinh thần mắt nghe, l'oeil qui écoute, của Maurice Blanchot?
Ôi khúc Cầm Dương sầu quí phái
Đàn ai xanh ngát Trời Tây Phương.
Thơ anh là một ngạc nhiên, hồi đó.
Và tôi vẫn còn ngạc nhiên, bây giờ, khi được tin anh mất. (1)
Khi liên tưởng đến câu thơ của một người bạn:
Hồn Đông Phương thất lạc buồn Phương Tây
(thơ TKA)
Tôi không biết có phải Trời Tây Phương của anh lấy từ ý thơ cổ:
Vọng Mỹ Nhân hề, thiên nhất phương
(Có thể mượn ý niệm "con người hoàn toàn" (l'homme total), hay giấc đại mộng của Marx, làm nhịp cầu liên tưởng, để thấy rằng những Mỹ Nhân, Đấng Quân Vương, Thánh Chúa... trong thi ca Đông Phương không hẳn chỉ là những giấc mộng điên cuồng của thi sĩ):
Vọng Mỹ nhân hề, thiên nhất phương
Vọng Mỹ nhân hề, vị lai
Đọc trong nước, có vẻ như Thơ đang trên đường đi tìm một Mỹ nhân cho cả ngôn ngữ lẫn cuộc đời.
Và Buồn Phương Tây, có thể từ ý thơ Quang Dũng:
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
(Tây Phương trong thơ Quang Dũng là Tây Phương Cực Lạc của một cõi Chùa Thầy, Sơn Tây, và cũng còn là vẻ đẹp của các cô thiếu nữ vùng này).
Hay Tây Phương là cõi lưu đầy của lũ chúng tôi mà Joseph Huỳnh Văn đã nhìn thấy từ bao năm trước:
Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ
Đợi vì sao dậy sớm tiễn người đi.
-Tau đây này. Nhớ mi quá!
Nguyễn Quốc Trụ
_________
(1) Joseph Huỳnh Văn Hiến mất ngày 20/2/1995 tại Sài Gòn.

Nhân đọc bài cũ, sẽ viết về Joseph HV.
Về "Khuya nức nở... "
Note: Bài viết này, về thời quen Joseph Huỳnh Văn, rồi quên luôn, một bạn fb kiếm thấy, mail hỏi có phải của Gấu không. Yes. Tks. Không nhớ đăng ở đâu, Thời Tập hay Tập San Văn Chương.
Nhớ bạn quá. Bạn độc nhất. Ngoài ra là chấm hết!
Qua vị bằng hữu fb, bài này post trên "Thời Tập" của Viên Linh. Vị này đã từng xb bản dịch của 1 cuốn của Alain, do Đỗ Long Vân dịch: Système des Beaux-Arts, qua NL.
Tks.
đêm khuya đọc thơ quang dũng bỗng nhớ đến người bạn thi sĩ
nguyễn quốc trụ
thời tập
Lần nói chuyện đó, bạn ta đã tỏ vẻ ngạc nhiên khi ta nói cùng bạn, ta khám phá ra thơ, rồi mong mỏi được làm thơ (hay làm được thơ) được là thi sĩ (được sống như là một thi sĩ) – hạnh phúc đó, ước mơ đó chỉ mới tới với ta vào lúc xấp xỉ bốn mươi.
Vào cái tuổi của A. France khi viết Cuốn sách nhỏ của người bạn tôi. Khởi từ một câu thơ của Dante:
Au milieu de chemin de la vie…
Đúng vào thời gian ta-gặp-bạn-và-bạn-gặp-ta! Ce sont là de brèves vaccances que s’accorde l’homme pour mieux se pencher sur le temps present… Ce salut à veillesse ne va pas sans un sourire meslancolique (Alain Bosquet: Chronique ou le retour au poème intime).
Những bài thơ Quang Dũng có thể có cùng một nhan đề là “Chronique”, như nhan đề 1 bài thơ của St.J Perse. Và chúng ta có thể coi thơ của chàng như một thứ thơ “in time”, thơ tình “tư” (không phải tình tự). “Tư” như riêng tư, thầm kín…
Em mới thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến …
Đó là những dòng thơ riêng tư – viết riêng cho mình cho ta (mình với ta, tuy hai mà một), trong đó kể lại những kỷ niệm mà cả hai đều nhớ, nhưng vẫn kể lại, nhắc lại cho nhau nghe. Đó là những dòng thơ “lẩn thẩn”, như ca dao vậy.
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười…
Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ… em nhớ thương?
Em có bao giờ lệ chứa chan?
Hỏi đấy nhưng biết thừa câu trả lời. Và đâu có phải hỏi để trả lời. Bởi vậy nên mới gọi là thơ tình, tức thơ lẩn thẩn. Giống như những câu ca dao lẩn thẩn mà chúng ta đã phải học, khi còn nhỏ:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Các ông thầy của chúng ta ngày xưa đã “lẩn thẩn” giảng rằng, đó là thể “tỉ”, thể “hứng”!
Bạn tỏ vẻ ngạc nhiên, vì sự biết nhau quá muộn, nhưng đó chính là sự thực. Sự thực của thơ, sự thực về thi sĩ. Người ta chỉ yêu thơ và làm thơ khi còn trẻ, hoặc khi trở về già những khi trống trải, (le sont là de brèves vaccances…) những khi mỉm cười chào buồn bã tuổi già, (ce salut à la vieillesse ne va pas sans un sourire melancolique). Chẳng thể có một Trung niên Thi Sĩ. Bởi vì một Trung niên, nếu gã không điên khùng, lẩn thẩn, chắc chắn gã đang khốn khổ, lận đận vì cuộc đời. vì nỗi mưu sinh! Và khi đó, gã không thể mong mỏi (dù rất muốn) được làm thơ, hay làm được thơ.
“Được làm thơ hay làm thơ được” làm nhớ tới Lý Thương Ẩn, tác giả những vần thơ ảo não.
Gặp gỡ nhau đã khó, xa nhau lại càng khó.
Tương kiến thời nan biệt diệc nan.
Gặp được thơ đã khó, làm được thơ lại càng khó nữa. Và cũng vẫn Alain Bosquet, khi viết về những vần thơ Chronique của St.J Perse… Et nous n’avons de rang parmi les hommes de l’instant. Tạm dịch bằng câu thơ của Vũ Hoàng Chương:
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ…
Thi sĩ, bao giờ cũng vậy, dù thi sĩ kháng chiến như Quang Dũng, hay thi si của Vân Muội, của Hoa Đăng như Vũ Hoàng Chương họ bao giờ cũng vẫn là những kẻ không đứng trong hàng ngũ của đám người hiện tại. Thi sĩ, muôn đời vẫn chỉ là trích tiên, là kẻ (bị) đi đầy. Tầm Dương đất trích (St.J Perse cũng có 1 tập thơ nhan đề L’exile) Thi sĩ không thể là người của đấm đông, của thành phố. Có lẽ vì biết vậy cho nên người xưa đã trao cho thi sĩ vòng hoa tặng, rồi đuổi thi sĩ ra khỏi thành phố!
Bời chưng thi sĩ luôn luôn suốt đời là 1 kẻ thất bại- Chẳng thể có 1 thi sĩ “thắng giữa cuộc đời”. Bời vì sự thực, hay chân lý về cuộc đời như lời than của triết gia J P Satre: Sự thực luôn luôn ở về phía của những kẻ thất bại.
Quang Dũng, cũng vậy, chàng thi sĩ kháng chiến, dù Tây Tiến nhưng vẫn không thể quên được đôi mắt u sầu của người Sơn Tây. Vẫn luôn luôn mơ ước:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Luôn luôn mong mỏi:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Thuở ấy thanh bình chắc nở hoa
Và trong lúc “Doanh trại bừng lên khúc nhạc ca”, chàng thi sĩ lại nhìn thấy “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”
Và chàng thi sĩ của chúng ta, lúc đó đã:
Mắt trừng gửi một qua biên giới
Đêm mơ Hànội dáng kiều thơm!
Giấc mộng muôn đời của chàng thi sĩ, như chúng ta đã biết:
Bao giờ gặp lại em lần nữa
Thuở ấy thanh bình…
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Đó cũng là giấc mộng muôn đời của tất cả mọi thi sĩ. Mộng được sống “không ở trong hàng ngũ những kẻ hiện tại”. Giấc mộng của Lý Thương Ẩn đêm nằm nghe mưa núi, và nói chuyện đến suốt sáng với bè bạn. Như những giấc mộng lớn, mộng con của Tản Đà… Như những giấc mộng “Luyện Kim, Thạch Cầm, Thiết Hoa…” của bạn ta vậy!
Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ
Đợi vì sao dậy sớm tiễn người đi
Hết#





 

Comments

Popular posts from this blog

30.4.2015

Nguyễn Ngọc Tư