NAIPAUL

V.S. Naipaul: Hai thế giới.
Diễn văn Nobel 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).
Đây là một dịp lạ lẫm đối với tôi. Tôi thường đọc văn, chẳng mấy khi diễn văn. Có ai yêu cầu diễn văn, tôi nói, tôi không có. Và thực tình là vậy. Chuyện có vẻ kỳ kỳ, đối với một người loay hoay với mớ chữ, mớ cảm xúc, ý tưởng trong vòng gần năm chục năm, vậy mà gần như chẳng có chi để mà diễn thuyết, cứ nói như vậy. Nhưng tất cả những gì có chút giá trị về tôi, là ở trong những cuốn sách mà tôi đã viết ra. Giả sử có thêm, thì chưa hình thành một cách đầy đủ, còn mơ màng ở trong tôi, như chờ đợi cuốn sách tới, và, với một chút may mắn, nó sẽ tới với tôi trong lúc viết, thường bằng sự ngạc nhiên. Chính nỗi ngỡ ngàng là điều tôi tìm, trong khi viết. Đó là cách mà tôi đánh giá việc làm của tôi – vốn chẳng hề là một việc dễ làm.
Trong cuốn "Chống Sainte-Beuve", gồm những bài viết đầu đời, Proust thật thấu đáo khi chỉ ra sự khác biệt giữa nhà văn như một người viết, và nhà văn như một con người ở trong xã hội. Sainte-Beuve, một nhà phê bình người Pháp thế kỷ 19, tin tưởng rằng, muốn hiểu một nhà văn thì cần biết, càng nhiều càng tốt, về con người bên ngoài, những chi tiết về cuộc đời của nhà văn đó. Soi sáng tác phẩm bằng con người là một phương pháp mê hoặc, và có lẽ cũng khó mà phản bác. Tuy nhiên, Proust đã phá tan lập luận này một cách thật là thuyết phục. "Phương pháp của Sainte-Beuve", Proust viết, "không biết tới điều mà chỉ cần tự giác sơ sơ cũng học được, là, cuốn sách là một sản phẩm của một cái tôi khác với cái tôi mà chúng ta biểu tỏ qua thói quen, cuộc sống xã hội, tật xấu. Cố lục lọi cõi thâm sâu, biết đâu tới được cái tôi đặc thù đó."
Những lời này của Proust, chúng ta phải tâm niệm, mỗi lần chúng ta đọc tiểu sử một nhà văn, hay tiểu sử của bất cứ ai dựa vào hứng khởi. Những chi tiết về cuộc đời, những thói tật, những bạn bè, ích chi đâu, bí ẩn trong cách viết của người đó vẫn còn nguyên. Biết bao tư liệu, lý thú biết là chừng nào, ích chi đâu. Tiểu sử một nhà văn – ngay cả tự thuật – luôn hụt hẫng như vậy.
Proust là bậc thầy trong cách nói thậm xưng sảng khoái, và tôi thật muốn trở lại trong chốc lát với cuốn "Chống Sainte-Beuve" của ông. "Thực sự," ông nói tiếp, "những phát tiết của cái tôi sâu thẳm viết trong cô đơn cho riêng mình, chính là nhà văn tặng cho công chúng. Những gì mà một người cho biết về đời tư trong khi trò chuyện... hoặc trong những tiểu văn ở phòng khách, chỉ là chuyện trò đem in ấn, và là sản phẩm của một cái tôi hoàn toàn hời hợt, không phải của cái tôi sâu thẳm mà một người chỉ có thể phục hồi bằng cách gạt đi cả thế gian và cả cái tôi chung chạ với thế gian."
Khi viết như vậy, Proust chưa tìm ra đề tài nhờ nó ông có được hạnh phúc như là thành quả của việc lao tâm khổ tứ vì những con chữ. Nhưng bạn có thể nhận ra, qua những dòng tôi trích dẫn, đây là một người tin vào trực giác, và đang rình rập cơ may của mình. Tôi đã trích dẫn những dòng trên đây một vài lần rồi. Lý do là, chúng minh định công việc viết lách của tôi. Tôi cũng tin vào trực giác. Không phải mới đây, mà ngay từ lúc thoạt đầu. Bây giờ thì cũng vậy. Khi viết, tôi thực tình không lường trước được, chuyện sẽ ngã ngũ ra làm sao, và sẽ phải tiếp tục như thế nào. Tôi phó mặc cho trực giác tìm kiếm đề tài, và khi viết, cũng viết bằng trực giác của mình. Khởi đầu tôi có một ý nghĩ, một hình dạng; nhưng phải đợi vài năm sau tôi mới hoàn toàn hiểu được những gì mình viết.
Trên đây, tôi có nói, những gì có giá trị ở nơi tôi, là ở trong những cuốn sách. Tôi nói thêm: tôi là tổng số những cuốn sách của tôi. Được cảm nhận bằng trực giác và, trong trường hợp những cuốn tiểu thuyết, được gầy dựng bằng trực giác, mỗi cuốn như thế đó, cuốn sau dựa vào cuốn trước, cuốn sau mọc ra từ cuốn trước. Cứ như vậy, ở bất cứ giai đoạn nào trong cái nghiệp viết của tôi, có thể nói, cuốn sách cuối là cuốn bao gồm tất cả những cuốn kia.
Được như vậy, là do gốc gác của tôi. Gốc gác của tôi vốn rất ư giản dị và cũng rất ư là rắc rối. Tôi ra đời tại Trinidad. Đây là một hòn đảo nhỏ ở ngay họng con sông lớn Orinoco của xứ Venezuela. Như vậy, Trinidad không thực sự thuộc Nam Mỹ và cũng không thực sự thuộc vùng Caribbean. Hòn đảo nhỏ đã phát triển như là đồn điền thuộc địa của Tân Thế Giới, và vào cái năm tôi ra đời là năm 1932, dân số đảo chừng 400 ngàn người. Trong số đó 150 ngàn là Ấn độ, Ấn giáo và Hồi giáo, hầu hết gốc ruộng và từ đồng bằng sông Hằng.
Đó là cái cộng đồng nhỏ xíu của tôi. Công cuộc di dân chủ yếu là vào thời kỳ sau 1880. Hợp đồng như vầy: sau năm năm làm việc tại đồn điền sẽ được cấp, có thể là năm sào đất, hoặc một vé tầu trở về Ấn Độ. Vào năm 1917, những xáo trộn do Gandhi và những người khác gây ra đã khiến kiểu hợp đồng trên bị hủy bỏ. Và có thể do đó, và vì lý do khác nữa, những người tới sau đã không có đất, và cũng chẳng có vé tầu trở về Ấn Độ. Họ hoàn toàn tay trắng, cơ cực. Họ ngủ đường ngủ chợ, tại thủ đô Port of Spain. Khi còn là một đứa bé, tôi đã nhìn thấy họ như vậy. Khi đó, tôi chưa biết tay trắng cơ cực nghĩa là gì, chắc là sau này mới biết. Tôi thản nhiên nhìn. Đây là cái phần độc ác của đồn điền thuộc địa.
Tôi sinh ra tại tỉnh nhỏ ở phía bên trong đảo, có tên là Chaguanas, cách Vịnh Paria chừng hai hay ba dặm. Chaguanas, đúng là một cái tên đánh vần kỳ cục mà phát âm cũng kỳ cục, và nhiều người Ấn – đa số ở trong vùng là họ – ưa gọi bằng cái tên tương xứng với giai cấp của mình, là Chauhan.
Ba mươi tư tuổi tôi mới biết cái tên nơi tôi ra đời do đâu mà ra. Tôi lúc đó đang sống ở Luân Đôn, và đã ở Anh mười sáu năm. Tôi đang viết cuốn sách thứ chín của mình. Đó là một câu chuyện về xứ Trinidad, con người ở đây, cố gắng tái tạo họ, và những câu chuyện về cuộc đời của họ. Tôi thường tới Viện Bảo Tàng Anh Quốc để đọc những tài liệu Tây Ban Nha về miền đất. Những tài liệu này – được sao chép từ những thư khố Tây Ban Nha – là để cho nhà cầm quyền Anh, vào những năm 1890, khi xẩy ra cuộc xào xáo về vấn đề biên giới với xứ Venezuela. Tài liệu bắt đầu vào năm 1530, chấm dứt cùng với sự biến mất của Đế quốc Tây Ban Nha.
Tôi đọc được một tài liệu liên quan tới cuộc tìm kiếm khùng điên El Dorado và chuyến xâm nhập giết người của người hùng Anh, là Sir Walter Raleigh. Vào năm 1595, ông này đột kích Trinidad, mặc sức tàn sát tất cả những người Tây Ban Nha mà ông ta có thể, ngược sông Orinoco, tìm Thành Phố Vàng (El Dorado). Chẳng thấy đâu hết, nhưng khi trở về Luân Đôn, ông ta nói là đã kiếm thấy. Để chứng mình, ông chìa ra một mẩu vàng và một dúm cát. Nói là đã cậy ra từ một mỏm đá ở bờ sông Orinoco. Sở đúc tiền hoàng gia cho biết, mớ cát mà ông ta đưa cho họ thử nghiệm chẳng có giá trị gì hết, còn một số người khác thì đưa ra gợi ý, rằng ông ta đã mua vàng từ trước đó, ở Bắc Phi. Raleigh sau viết sách để chứng tỏ quan điểm của mình, và bốn thế kỷ tiếp theo, người ta cho rằng ông ta đã kiếm được một cái gì đó. Tuy khó đọc, sự huyền ảo của cuốn sách của Raleigh, là ở cái tên dài thòng của nó: Sự Khám Phá Đế Quốc Guiana Rộng Lớn, Giầu Có, Tuyệt Trần, cùng sự liên hệ với thành phố lớn, chứa toàn vàng, là Manoa (người Tây Ban Nha gọi là El Dorado), những vùng Emeria, Aromaia, Amapaia, những xứ sở khác, cùng những con sông lân cận của chúng. Cứ như thiệt! Vậy mà ông ta chưa đi vào dòng chính của con sông lớn Orinoco.
Và rồi thì, đi đêm mãi thì có ngày gặp ma, Raleigh thực sự khốn khổ vì những ba hoa chích chòe của mình. Hai mươi mốt năm sau, già, bịnh, ông bị đưa ra khỏi nhà tù ở Luân Đôn, tới Guiana, để tìm những mỏ vàng mà ông ta nói đã kiếm thấy. Trong cuộc phiêu lưu gian trá này, con trai của ông mất. Người cha, chỉ vì muốn bảo vệ danh tiếng, bảo vệ những lời nói dối, đã đẩy con tới chỗ chết. Đau khổ tràn trề, sống nữa thì không biết để làm chi, vì chẳng còn lý do gì để mà sống, Raleigh trở lại Luân Đôn, để ‘được’ hành hình.
Câu chuyện đúng ra là ngưng tại đây. Nhưng người Tây Ban Nha nhớ dai – chắc chắn là do liên lạc đế quốc của họ quá chậm: nhiều khi phải mất hai năm, một lá thư từ Trinidad mới tới được Tây Ban Nha. Tám năm sau đó, những người Tây Ban Nha ở Trinidad và ở Guiana vẫn còn lo tranh chấp với thổ dân vùng Vịnh. Chứng cớ là, một bữa, tôi được đọc, tại Viện Bảo Tàng Anh, một lá thư của Hoàng đế Tây Ban Nha gửi viên toàn quyền Trinidad. Lá thư đề ngày 12 tháng Mười 1625.
"Tôi yêu cầu ông", Hoàng đế viết, "cho tôi tin tức về một đất nước nào đó, của những thổ dân Chuaganes, mà theo ông có chừng trên một ngàn người; những người này đã đặt họ vào một vị thế thật là tệ hại: họ đã dẫn dắt người Anh, khi đám người nàyï chiếm đoạt thành phố. Tội ác của họ chưa bị trừng phạt, bởi vì chưa có những lực lượng được chỉ định để làm công việc này, và bởi vì những người thổ dân thừa nhận, ngoài chuyện tự nguyện tham gia, không có quan thầy nào khác. Ông đã quyết định trừng phạt họ. Tiếp theo đây là những luật lệ mà tôi thảo ra, cho tôi biết ông sẽ tiến hành ra sao."
Ngài toàn quyền tiến hành ra sao, tôi không được biết. Tôi không kiếm thấy chỉ dẫn nào tiếp theo liên quan tới những người Chaguanes, trong số những tài liệu tại Viện Bảo Tàng. Có thể còn có những tài liệu khác về họ, trong núi giấy tờ lưu trữ tại Thư Khố Tây Ban Nha ở Seville, nhưng những nhà thông thái người Anh được nhà cầm quyền nước họ phái tới đó, đã bỏ sót, hoặc coi là không quan trọng, không cần sao chép. Duy chuyện này thì thực: cái bộ lạc nho nhỏ trên một ngàn người – có thể đã sống ở cả hai bên bờ Vịnh Paria - biến mất sạch, đến nỗi chẳng còn ai ở thành phố Chaguanas hay Chauhan biết một chút gì về họ. Và ngồi tại Viện Bảo Tàng, tôi chợt nẩy ra ý nghĩ, mình là người đầu tiên, kể từ năm 1625, với con-người-đầu-tiên-là-tôi này, lá thư của vị Hoàng đế Tây Ban Nha đã có một ý nghĩa thực sự. Và lá thư này chỉ được moi ra khỏi những thư khố vào năm 1896 hay 1897. Một sự biến mất, và rồi thì là, một sự im lặng hàng bao thế kỷ.
Chúng tôi tôi sống trên đất của người Chaguanes. Niên học - tôi vừa mới bắt đầu đi học – ngày nào tôi cũng ra khỏi nhà bà tôi, đi qua hai hoặc ba cửa hàng nằm trên đường lớn, một tiệm Tầu, nhà hát Jubilee, một nhà máy nhỏ của người Bồ Đào Nha, quãng đường này sặc mùi xà bông mầu xanh và mầu vàng, loại rẻ tiền, những thỏi dài được phơi khô ngay từ buổi sáng ở bên ngoài nhà máy – những cảnh vật tưởng như mãi mãi như thế đó, ngày nào tôi cũng đi qua, trên con đường từ nhà tới trường nhà nước Chaguanas. Quá ngôi trường, là đồn điền trồng mía, trải dài mãi tới Vịnh Paria. Những con người ngày xưa sở hữu mảnh đất này, họ có loại trồng trọt, lịch ngày tháng, mùa màng, những luật lệ, những nơi chốn đình đám thiêng liêng của riêng họ. Họ thuộc nằm lòng những đợt triều lên xuống của con sông Orinoco, đem mầu mỡ đến cho vùng Vịnh Paria. Giờ đây, mọi kỹ năng, hiểu biết của họ, và mọi chuyện về họ, đều tiêu tan.
Thế giới luôn chuyển động. Đâu đâu cũng vậy thôi, những con người có lúc trở thành trắng tay. Tôi nghĩ, cú sốc của tôi vào năm 1967, khi khám phá ra cái tên nơi mình sinh như trên, là bởi vì tôi chưa từng có một ý nghĩ gì về nó. Nhưng đây là số phần của hầu hết những con người như chúng ta, sống mù lòa, tại những xứ thuộc địa mà cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Không phải nhà cầm quyền mưu toan giữ dịt chúng ta vào trong cảnh tối đen mù lòa như thế. Theo tôi, giản dị chỉ là thế này: ở đó không có tri thức, nói nôm na, không có hiểu, chẳng có biết. Quan trọng gì ba thứ hiểu biết về những người thổ dân Chaguanes. Và cũng thật khó mà bảo tồn gìn giữ. Một bộ lạc nhỏ xíu, mà lại là thổ dân. Những người như thế – chúng tôi nghe nói về những người đồng loại với họ, ở nơi đất liền, tức nơi chốn có tên là B.G, tức Guiana thuộc Anh (British Guiana) – thường được nêu ra để làm trò cười. Theo như tôi được biết, tất cả những cộng đồng sắc dân ở Trinidad, họ đều gọi những con người ồn ào, cư xử không giống ai như vậy, là những "warrahoon". Lúc đó, tôi nghĩ, đây là một từ được bịa đặt ra để chỉ sự man rợ. Chỉ tới khi, bốn chục tuổi, bắt đầu du lịch xứ Venezuela, tôi mới biết đây là tên một bộ lạc thổ dân khá lớn tại đó.
Hồi nhỏ, có một câu chuyện có vẻ mơ hồ – bây giờ, nó gây chấn động ở nơi tôi – về những người thổ dân: vào những thời điểm nào đó, họ từ đất liền dùng ca nô tới đảo, đi vô rừng ở phía nam, tới một địa điểm nào đó, hái một thứ trái cây đặc biệt, hoặc cử hành một thứ tế lễ, rồi vượt Vịnh Paria, trở về, tới vùng đất sũng nước ở cửa sông Orinoco. Nghi lễ này chắc là rất quan trọng, bởi vì nó sống sót, qua bao thăng trầm kéo dài bốn thế kỷ, qua sự hủy diệt những bộ lạc thổ dân ở Trinidad. Và có lẽ – mặc dù Trinidad và Venezuela cùng chung một quần thực vật (flora) – họ chỉ tới để hái một thứ trái cây đặc biệt nào đó. Tôi không hiểu. Tôi cũng chẳng có cách chi để mà tìm hiểu, bởi vì chẳng tìm ra một ai để mà làm chuyện này. Và bây giờ thì một chút mảy may hồi nhớ về câu chuyện trên cũng chẳng còn; và một thánh địa như vậy, nếu có thiệt, thì cũng trở thành một thứ của chung trong trời đất.
Quá khứ là... quá khứ. Tôi ngỡ, đây là thái độ chung. Và chúng tôi, người Ấn, di dân từ xứ Ấn Độ tới đây, cũng có "thái độ chung" (general attitude) như vậy, với con đảo. Sống rúi mãi vào những nghi lễ tập tục; chẳng thể nào, hoặc chưa thể nào có đủ "nội lực" để mà tự thẩm định (self-assessment) - bởi vì khi bắt đầu đánh giá mình, cũng là lúc khởi đầu của tri thức, học hỏi. Trên đất đai của những người Chaguanes, một nửa trong số chúng tôi cứ giả đò, có lẽ cũng không phải giả đò, có lẽ chỉ có cảm tưởng, nhưng chẳng hề phát biểu ra thành lời một cách gọn gàng như một ý nghĩ, hay tư tưởng, rằng, "chúng mình" đã mang theo một thứ Ấn Độ với chúng mình, và cái thứ Ấn Độ đó, hóa ra là một tấm thảm, và cứ thế trải ra mặt đất.
Căn nhà của bà tôi ở Chaguanas chia làm hai phần. Phía trước bằng gạch và vữa, sơn mầu trắng. Giống như kiểu nhà Ấn, tầng một có miếng sân lớn có lan can, tầng trên có một phòng nhỏ dùng làm nơi cầu nguyện. Tham vọng là ở trong từng chi tiết trang hoàng: những cây cột đội bông sen, những tượng thần Ấn Độ, tất cả được thực hiện bởi những con người mà với họ, xứ Ấn Độ chỉ còn là một kỷ niệm. Đặt vào xứ Trinidad, nó là một thứ kiến trúc kỳ quặc. Ở phía sau - được nối với căn nhà phía trước bằng một hành lang cao, giống như một căn phòng dùng làm cây cầu - là một căn nhà bằng gỗ theo kiểu nhà Tây ở vùng Caribbean. Lối vào chính ở về một bên, giữa hai căn nhà. Một cái cổng sắt cao, khung bằng gỗ, mang vẻ thật riêng tư và bề thế cho căn nhà.
Vậy là, ngay từ khi còn là một đứa con nít, tôi đã cảm ra được rằng, có hai thế giới; một ở bên ngoài cái cổng sắt cao, và một ở bên trong nhà – hay khiêm tốn hơn, thế giới căn nhà bà tôi. Đó là cõi còn lại, ấy là nói về thứ tình cảm giai cấp của chúng tôi, thứ cảm quan muốn đẩy mọi thứ khác ra ngoài, và đóng sập cửa lại. Tại Trinidad, những người mới tới như chúng tôi, chúng tôi co cụm lại thành một cộng đồng, thua thiệt đủ thứ, thành thử cái ý nghĩ đẩy mọi thứ ra ngoài, tự cô lập, hóa ra là hình thức tự vệ; nó giúp chúng tôi – vào lúc đó, và chỉ nội vào lúc đó – sống theo kiểu của riêng chúng tôi, theo những qui luật của riêng chúng tôi, [nghĩa là] sống ở trong cái xứ Ấn Độ đã xa xăm, nhạt nhòa của riêng chúng tôi. Đấy là một cách chúi rũi mãi vào chính mình thật là khác thường. Chúng tôi nhìn vào phía bên trong; chúng tôi sống mòn những ngày tháng của mình; thế giới bên ngoài hiện hữu như một vùng tối tăm; chúng tôi chẳng thèm để ý, chẳng thèm tìm hiểu.
Có một cửa tiệm của người Hồi giáo ở kế bên. Hàng hiên nhỏ cửa tiệm bà tôi đụng bức tường trần trụi cửa tiệm bên đó. Người chủ tên Mian. Tôi chỉ biết có vậy, về ông và gia đình ông. Chắc đã từng nhìn thấy ông, nhưng tôi chẳng còn giữ được một hình ảnh nào về ông. Chúng tôi chẳng biết gì về những người Hồi giáo. Cái ý nghĩ về sự xa lạ, về một điều gì phải gạt phăng ra khỏi đầu, lan tới cả những người Ấn giáo khác. Tôi lấy thí dụ, chúng tôi ăn cơm vào buổi trưa, và bánh mì vào buổi chiều, trong khi có một số người khác thường, lại đảo ngược trật tự bình thường này, họ ăn cơm vào buổi chiều. Với tôi, những người ăn cơm vào buổi chiều như thế, là những kẻ xa lạ – hãy tưởng tượng ra thằng bé chưa đầy bẩy tuổi là tôi, bởi vì khi tôi đúng bẩy tuổi là cái cuộc đời ở căn nhà của bà tôi tại Chaguanas cũng chấm dứt luôn. Chúng tôi dời lên thủ đô, rồi lên vùng đồi tây bắc.
Nhưng những thói quen "khép vô-đẩy ra" như thế, nẩy sinh ở trong đầu, sẽ còn vương vất một thời gian. Nếu không đọc những truyện ngắn của cha tôi, tôi hoàn toàn mù tịt về cuộc sống chung của cái cộng đồng người Ấn của chúng tôi. Những truyện đó đã đem đến cho tôi không chỉ sự hiểu biết, mà còn sự vững tâm. Chúng cho tôi điểm tựa để mà đứng ở trên đời. Tôi không thể tưởng tượng ra được, cuộc sống tinh thần của tôi sẽ ra sao nếu thiếu chúng.
Thế giới bên ngoài hiện hữu như một vùng tối; chúng tôi chẳng thèm tìm hiểu gì hết. Tôi cũng khá lớn và biết chút ít về những hùng ca Ấn Độ, đặc biệt là hùng ca Ramayana. Những đứa trẻ kém tôi chừng năm tuổi, trong cái gia đình mở rộng đó, đã không có được cái may như tôi. Không ai dậy chúng tôi tiếng Hinđi [được nói chủ yếu ở vùng phía bắc Ấn Độ]. Thỉnh thoảng cũng có người viết ra bảng chữ cái cho chúng tôi học, chỉ có vậy; muốn biết thêm, là phải tự mầy mò. Cứ thế, tiếng Anh thấm vô, tiếng mẹ đẻ mất dần. Căn nhà của bà tôi thì đầy tín ngưỡng: có đủ thứ lễ, kinh kệ, có những buổi lễ ngày này qua ngày khác. Nhưng chẳng có ai giải thích hoặc dịch cho chúng tôi, còn chúng tôi thì càng ngày càng nghe không kịp. Niềm tin về cội nguồn, về tổ tiên ông bà cứ thế lui dần, và thay vì niềm tin, nó trở thành một thứ huyền bí, không thích ứng với cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.
Chúng tôi chẳng tìm hiểu về cái xứ Ấn Độ, những bà con trong gia đình còn ở đó. Khi nghĩ lại, hoặc mong biết về xứ sở con người, thì đã quá muộn. Tôi chẳng biết gì về bà con bên nội, nghe nói hình như có một vài bà con như thế, tới từ Nepal. Cách đây hai năm, có một tay người Nepal dễ mến, anh ta khoái cái tên của tôi, và đã gửi bản sao một số trang, từ một tập san địa lý của Anh vào năm 1872, về xứ Ấn Độ, Giai cấp và Bộ lạc Hinđi tiêu biểu ở Benares. Có một số mang tên Naipaul, trong cả mớ ở trong đó, và thuộc danh sách những người Nepal sinh sống tại thánh địa Banaras. Tôi chỉ biết có vậy về cái tên cúng cơm của mình.
Bên ngoài cái thế giới căn nhà bà tôi, nơi chúng tôi ăn cơm buổi trưa, bánh mì buổi chiều, là một cõi u u minh minh – dân trên đảo chỉ có 400 ngàn người; đa số Phi Châu, hoặc có gốc rễ Phi Châu. Họ là cảnh sát; họ là thầy giáo. Cô giáo đầu đời học trò của tôi, tại Trường Nhà Nước Chaguanas, là một trong số họ; trong nhiều năm tôi cứ nhớ hoài cô giáo kính yêu của tôi. Có thủ đô, nơi chẳng bao lâu chúng tôi tới để học, và kiếm việc làm, cũng là nơi chúng tôi đóng trụ dài dài, giữa những người xa lạ. Có những người da trắng, không phải tất cả là người Anh; người Bồ Đào Nha, người Trung Hoa, ngày xửa ngày xưa cũng là di dân như chúng tôi. Và, bí ẩn hơn hết, có những người mà chúng tôi gọi là Spanish, ‘pagnols’, những người pha trộn (mixed) có mầu da nâu ấm, tới từ thời còn người Tây Ban Nha, trước khi hòn đảo tách ra khỏi xứ Venezuela và Đế Quốc Tây Ban Nha – một thứ lịch sử hoàn toàn vượt ra khỏi sự cảm thông của một đứa trẻ là tôi hồi đó.
Để bạn có ý nghĩ như trên, về gốc gác của tôi, tôi phải viện tới sự hiểu biết và những ý nghĩ đến với tôi mãi sau đó, chủ yếu là từ những cuốn sách của tôi. Khi còn là một đứa bé, tôi hầu như chẳng biết gì hết, ngoại trừ những gì có được từ thế giới căn nhà bà tôi. Tất cả trẻ con, tôi cứ nghĩ, đều bước vào thế giới như vậy, chẳng biết chúng là ai. Nhưng với trẻ con người Pháp, thí dụ vậy, sự hiểu biết đang chờ đợi chúng. Nó ở lòng vòng chung quanh chúng. Nó sẽ tới, một cách gián tiếp, qua trò chuyện của người lớn. Nó sẽ có, ở trong tờ nhật báo, hay từ đài phát thanh. Và ở trường, qua những tác phẩm của nhiều thế hệ những nhà học giả, được thu gọn vào trong những bài học; chúng sẽ đem đến cho những đứa trẻ ý nghĩ này nọ, về nước Pháp, và người Pháp.
Ở Trinidad, một đứa trẻ như tôi, cho dù thông mình sáng láng, vẫn bị bao quanh bởi những vùng tối. Trường học chẳng soi sáng gì cho tôi. Tôi bị nhồi nhét đủ thứ, nào sự kiện, nào công thức. Mọi thứ đều phải học thuộc lòng. Mọi thứ đều trở thành trừu tượng đối với tôi. Một lần nữa, ở đây, tôi chẳng hề tin tưởng, rằng đã có một chương trình, hay mưu đồ đề ra những "giáo án" như vậy. Đây là chương trình học chuẩn. Trong một khung cảnh khác, nó có nghĩa. Vả chăng, thất bại một phần là do tôi. Do hiểu biết quá nghèo nàn về xã hội, thật khó, bằng tưởng tượng, nhập vào những cõi người khác, hay phiêu lưu tới những vùng đất xa lạ. Tôi muốn yêu sách vở, nhưng đọc chúng sao khó quá! Tôi cảm thấy thật thoải mái, với những cuốn như của Andersen, Aesop, chúng như vượt thời gian, không gian, không loại trừ người đọc. Tới năm học chót (năm thứ sáu ở trung học), tôi bắt đầu thích những bài học trích ra từ những tác phẩm của Molière, Cyrano de Bergerac – theo tôi, chúng mang dáng dấp những câu chuyện thần tiên.
Khi trở thành nhà văn, những vùng tối chung quanh đứa trẻ là tôi ngày nào trở thành những đề tài của tôi. Địa linh: miền đất cũ; nhân kiệt: những thổ dân; Tân Thế Giới; thuộc địa; lịch sử; Ấn Độ; thế giới Hồi giáo, ít nhiều gì cũng có tôi ở trong đó; rồi thì Anh Quốc, nơi tôi ngồi vào bàn, và viết. Theo nghĩa đó, tôi muốn nói, như đã nói ở trên, là những cuốn sách của tôi, cuốn nọ chồng lên cuốn kia, và tôi là tổng số những cuốn sách của tôi. Cũng vẫn theo nghĩa đó, gốc gác, nguồn văn, hứng văn của tôi, thì rất ư giản dị và cùng lúc, cực kỳ rắc rối. Bạn thấy đấy, giản dị biết bao, là cái tỉnh lỵ nhà quê Chaguanas đó. Và tôi cũng tin, bạn đã thông cảm, rằng, cái con đường đưa đẩy tôi trở thành nhà văn sao thật rắc rối đa đoan. Gay go nhất là lúc khởi đầu, khi những mẫu mã văn học của tôi – chúng đều là những mẫu mã có được từ cái mà tôi chỉ có thể gọi là tri thức dởm – phải đương đầu với những xã hội hoàn toàn khác biệt. Có thể bạn có cảm tưởng, rằng, viết dễ ợt, một khi có một mỏ chất liệu như vậy. Nhưng cái mỏ chất liệu, nói rõ hơn, những hiểu biết của tôi về gốc gác của mình, là do ba chuyện viết lách mà có. Và, tin tôi đi, khi tôi nói với bạn rằng, cái cõi văn của tôi như thế đó – cấu trúc văn học, xương sống tác phẩm, [hay nói theo kiểu chưởng Kim Dung, hai huyệt Nhâm Đốc được đả thông], cõi văn đó trở nên rõ ràng chừng hai ba tháng gần đây thôi. Bây giờ, mỗi khi nghe đọc những đoạn văn lấy ra từ những cuốn sách cũ, tôi như nhìn thấy những liên hệ, những móc nối của chúng, [tôi như nhìn thấy một con rắn luồn lách ở trong mớ cỏ đó]. Trước đây, khổ tâm nhất, là làm sao diễn tả, làm sao nói cho độc giả biết, tôi đã xoay sở viết lách ra sao.
Tôi đã nói, tôi là một nhà văn của trực giác. Trước sao, giờ vậy, khi đi gần trọn con đường. Tôi chưa hề có một chương trình. Tôi không theo một kế hoạch. Tôi làm việc theo trực giác. Mỗi lần nhắm viết, là viết, là làm sao sáng tạo ra một điều gì đó, và nó sẽ dễ đọc, sẽ thú vị. Ở mỗi giai đoạn, tôi làm việc tùy theo mức hiểu biết, cảm xúc, tài năng, và viễn ảnh của tôi về thế giới. Như kiến tha lâu đầy tổ, cuốn trước đẩy cuốn sau. Chúng đều được làm ra theo nghĩa này: tôi đã viết chúng, bởi vì chưa có những cuốn sách viết đem đến cho tôi điều tôi muốn. Và theo nghĩa này nữa: tôi phải làm cho ra ngô ra khoai cái thế giới của tôi, làm sáng tỏ nó, cho chính tôi.
Tôi phải tìm tài liệu ở Viện Bảo Tàng Anh Quốc và ở những nơi khác, để có được cái cảm quan thực sự về lịch sử thuộc địa. Tôi phải tới Ấn Độ, bởi vì chẳng có ai nói cho tôi về cái xứ mà ông bà tôi đã bỏ đi đó, nó ra sao. Có những điều được viết bởi Nehru và Gandhi; và thật lạ lùng, chính là Gandhi, đã cho tôi khá nhiều nhưng cũng chưa đủ, qua kinh nghiệm của ông về Nam Phi. Ngoài ra còn Kipling; những nhà văn Anh-Ấn, thí dụ John Masters (thật nổi đình nổi đám vào thập niên 1950 khi đưa ra kế hoạch, sau bỏ ngang - tôi e rằng như vậy – sẽ cho ra lò một chùm gồm 35 cuốn tiểu thuyết, về Ấn Độ thuộc Anh); những cuốn tiểu thuyết diễm tình của những nhà văn nữ. Một số ít nhà văn Ấn đã nổi bật được lên, vào hồi đó, nhưng đều thuộc giai cấp trung lưu, cư dân thành phố; họ không biết gì về xứ Ấn Độ mà chúng tôi đã từ đó mà ra.
Và khi nhu cầu Ấn Độ như thế đó, được thỏa mãn, những nhu cầu khác bật ra: Phi Châu, Nam Mỹ, thế giới Hồi giáo. Vấn đề luôn luôn là: bổ túc, làm đầy cái hình ảnh của tôi về thế giới, bởi vì ngay từ nhỏ tôi đã cảm thấy, phải làm sao thoải mái với chính mình. Đôi khi, có những người thật tốt bụng viết cho tôi, hỏi có nên đi Đức, hay Trung Quốc, để mà viết. Nhưng đã có nhiều cuốn sách tốt về Đức hay Trung Quốc và tôi sẵn sàng dựa vào thứ văn chương hiện có, về những nơi như vậy. Vả chăng, những đề tài đó là để cho những người khác. Không phải là những vùng tối mà tôi cảm thấy vây quanh tôi, khi còn là một đứa nhỏ. Bởi vậy, tôi viết tới đâu, cách kể chuyện, sự hiểu biết, mức xúc cảm theo tới đó, chúng như có một sự đồng nhất, một điểm xoáy, cho dù tôi muốn làm ra vẻ đi lòng vòng theo nhiều đường hướng.
Khi bắt đầu, tôi chẳng biết đi đâu. Tôi chỉ muốn, làm ra một cuốn sách. Tôi cố viết về xứ Ăng Lê, nơi tôi sống sau những năm học đại học, và tôi cảm thấy rằng, kinh nghiệm của tôi mỏng dính, không đủ, không đúng thứ để mà viết ra được những cuốn sách. Tôi cũng không kiếm thấy một cuốn sách nào viết về những điều gần gụi với gốc gác của tôi. Một người trẻ tuổi, Pháp hay Anh, nếu muốn viết, chắc là dễ kiếm ra những khuôn mẫu để bắt đầu. Tôi thì không, nghĩa là chẳng có một mẫu mã nào. Những truyện ngắn của cha tôi, về cộng đồng Ấn, đã thuộc về quá khứ. Thế giới của tôi hoàn toàn khác biệt. Nó mang nặng tính thành phố, và cũng thật tạp sắc. Những chi tiết giản dị, chỉ mang tính vật chất, là cuộc sống đại gia đình của tôi ở đô thị, cứ mỗi ngày lại thêm người thêm việc – nào là giờ giấc, nơi ăn chốn ngủ, người này kẻ nọ... - vậy mà thật khó xoay sở, sắp xếp. Có quá nhiều điều phải giải thích, cả về đời sống trong gia đình và thế giới bên ngoài. Cùng lúc đó, có quá nhiều điều về "chúng tôi" mà chúng tôi không biết, thí dụ như tổ tiên của mình ra sao, lịch sử của mình là như thế nào.
Tới một ngày, tôi bỗng nảy ý nghĩ, tại sao không bắt đầu thử nghiệp viết của mình, từ đường phố Port of Spain, nơi chúng tôi từ tỉnh lẻ Chaguanas dắt díu nhau tới. Chẳng còn cái cổng sắt để mà tống khứ thế giới ra bên ngoài rồi đóng sập lại. Cuộc sống đường phố mở rộng tay chào đón, và mời tôi kể về nó. Thật tuyệt vời, khi ngồi từ hàng hiên nhìn ra mặt lộ. Tôi bắt đầu viết, từ hàng hiên đó. Tôi viết thiệt lẹ, tránh chuyện nhìn lại những trang đã viết, và tôi giản đơn mọi chuyện. Tôi bỏ đi chuyện đời riêng, của tay kể chuyện trẻ tuổi. Tôi vờ đi những phức tạp do màu da hay hoàn cảnh xã hội, và chỉ trình bầy những con người như họ xuất hiện trên đường phố. Tôi chẳng giải thích gì hết, và cứ thế quan sát thật gần, dí sát mắt xuống mặt đường, thì cứ nói như vậy. Mỗi ngày tôi viết một truyện. Năm truyện đầu thật ngắn, và tôi bắt đầu tự hỏi, hay là mình cạn láng rồi. Rồi thì nàng tiên, hay ông Bụt xuất hiện, và giơ lên cây đũa thần; tôi muốn nói, điều huyền ảo của cái gọi là "viết". Chất liệu từ đủ thứ ngõ ngách, xó xỉnh, cứ ào ào đổ xô tới. Những câu chuyện dài ra, và thật vô phương, mỗi ngày viết một truyện. Sau cùng, hứng khởi, vốn ngày nào còn mỉm cười với tôi, nay như "về Trời" cùng với ông Bụt. Cây viết của tôi thế là teo lại, nhưng chẳng sao, tôi đã viết xong một cuốn sách, và với riêng tôi, tôi nghĩ, mình đã là một nhà văn.
Khoảng cách giữa nhà văn và cái giếng chất liệu của người đó thật rõ rệt, ở trong hai cuốn tiếp theo; tầm nhìn của y/thị rộng hẳn ra. Rồi thì trực giác xúi tôi chơi một cuốn có bề dầy tầm cỡ, về gia đình mình. Tham vọng nhà văn cũng hò theo. Khi viết xong cuốn sách, tôi có cảm tưởng mình là một con tằm đã bị rút hết, không những tơ mà luôn cả ruột, nghĩa là, cuốn sách vét cạn, cái vốn liếng ở đảo của tôi. Tôi trăn trở hoài, nhưng chẳng một câu chuyện nào bật ra nữa.
Tới đây, không phải hứng khởi, mà là sự tình cờ đã cứu tôi. Tôi trở thành một du lịch gia. Tôi du lịch vùng đảo Caribbean, và tôi càng hiểu thêm, cái gọi là cơ chế thuộc địa mà tôi có phần ở trong đó. Tôi tới Ấn Độ, quê hương của tổ tiên tôi, và ở đó một năm; cuộc du lịch bẻ cuộc đời tôi ra làm đôi. Những cuốn sách mà tôi viết về hai cuộc du lịch kể trên, như đẩy tôi lên một mức, tới những miền cảm xúc mới mẻ, cho tôi một viễn tượng về thế giới mà tôi chưa hề có được trước đó; mở rộng tôi, về cách viết. Trong cuốn tiểu thuyết tiếp theo, tôi đã tự cho phép mình "trói voi bỏ rọ", nghĩa là khoanh tròn ở trong đó, cả xứ Ăng Lê lẫn vùng Caribbean – ôi công việc mới gian nan làm sao! Tôi cũng đề cập được hầu hết những nhóm sắc tộc ỏ trên đảo, điều mà trước đây hầu như bất khả đối với tôi.
Cuốn tiểu thuyết mới này đụng tới sự tủi nhục và hoang tưởng ở những xứ sở thuộc địa; đúng ra, đây là một cuốn sách về điều, tại sao những kẻ không có một chút quyền lực lại nói dối về chính họ, và với chính họ: bởi vì đây là của cải độc nhất mà họ có được. Cuốn tiểu thuyết có cái tên "Những Kẻ Bắt Chước" (The Mimic Men). Và nó không phải về những sự bắt chước, mà là về những con người ở những xứ sở thuộc địa "làm trò khỉ", nghĩa là bắt chước làm người, làm ra vẻ mình có thân phận con người. Và những con người như thế đó, sau cùng đi tới chỗ chẳng còn tin tưởng về bất cứ chuyện gì liên quan tới họ. Mới đây, tôi được người ta đọc cho nghe một vài đoạn ở trong đó – đã hơn ba chục năm tôi chẳng rờ tới cuốn sách – và tôi chợt hiểu ra rằng: đây là về chứng thần kinh phân liệt ở những xứ thuộc địa. Trước đây, tôi không để ý đến chuyện này, là do tôi không hề sử dụng những từ trừu tượng để mô tả bất cứ một toan tính văn chương nào. Nếu có, chắc là tôi chẳng thể nào viết nổi cuốn sách đó. Nó đã được viết bằng trực giác, và hoàn toàn do quan sát, theo kiểu tôi đã nói ở trên: dí sát mắt vào sự vật.
Tôi kể sơ qua cõi văn đầu đời của mình như trên, là để cố gắng trình bầy cho quí vị thấy, qua từng giai đoạn, nơi chốn tôi ra đời đã biến đổi và phát triển ở trong những gì tôi viết ra: từ cõi têu tếu, tức cười của cuộc sống nơi đường phố tới một thứ nghiên cứu chứng thần kinh phân liệt tổng quát. Cái giản dị bỗng biến thành phức tạp.
Hai thể loại tiểu thuyết và du ký đã đem đến cho tôi một cách nhìn, và bạn sẽ hiểu tại sao đối với tôi, mọi hình thức văn chương đều có giá trị như nhau. Tôi lấy thí dụ, khi tôi tính viết cuốn thứ ba về Ấn Độ – hai mươi sáu năm sau cuốn đầu – tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất đối với một cuốn du ký như vậy, đó là những con người mà nhà văn đi du lịch giữa họ. Phải để cho những con người như thế tự định nghĩa về họ. Nghe thật giản dị, nhưng nó đòi hỏi một thể loại mới cho cuốn sách, và luôn cả cho du lịch. Đây chính là phương pháp tôi sử dụng, một lần nữa, sau đó, khi đi vào thế giới Hồi giáo.
Tôi thấy mình chín mùi, là nhờ trực giác, chỉ nội nó. Tôi không có kế hoạch, nói về mặt văn học cũng như chính trị. Tôi chẳng hề được dẫn dắt bằng một tư tưởng chính trị. Điều này theo tôi, là do ảnh hưởng từ tổ tiên, ông bà. Nhà văn Ấn R. K. Narayan, mới mất năm nay, cũng chẳng có tư tưởng chính trị. Cha tôi, viết những truyện ngắn của ông trong một thời kỳ thật tăm tối, chẳng màng tưởng thưởng, ông cũng không có tư tưởng chính trị. Có thể, tất cả là do chúng tôi, hàng bao thế kỷ, đã bị tách ra khỏi, và thật xa vời, cái gọi là quyền thế. Điều này đem đến cho chúng tôi một cách nhìn đặc biệt. Tôi cảm thấy mình nghiêng về, và thật gần gụi, với chất tếu và lòng trắc ẩn, khi nhìn mình, người, và sự vật.
Cũng gần ba mươi năm, kể từ chuyến đi thăm Á Căn Đình của tôi. Khi đó đang xẩy ra cuộc khủng hoảng du kích. Người ta mong đợi nhà cựu độc tài Peron, lúc đó sống lưu vong, trở về đất nước. Cả nước sôi sục hận thù. Những người theo Peron đang chờ đợi đến lượt họ xuống tay, ân đền oán trả. Một người trong số họ, nói với tôi, "Có thứ tra tấn tốt, có thứ tra tấn xấu". Tra tấn tốt, là cách bạn đối xử với kẻ thù của nhân dân. Tra tấn xấu, là cách kẻ thù của nhân dân dành cho bạn. Những người ở phía bên kia cũng phát biểu tương tự như vậy. Chẳng làm sao có được một cuộc trao đổi thực sự, về bất cứ điều gì, Chỉ có lửa ngun ngút, của đam mê, và mớ từ ngữ chính trị, vốn chỉ là một thứ biệt ngữ, vay mượn từ Âu Châu. Tôi cho rằng, "một khi biệt ngữ biến những vấn đề nóng hổi của đời thực, trở thành trừu tượng, và một khi biệt ngữ, sau chót, đụng độ với... biệt ngữ, khi đó con người chẳng còn có lý do, lý tưởng, sự nghiệp hay bất cứ gì gì... Họ chỉ có... kẻ thù."
Và những đam mê của xứ Á Căn Đình vẫn đang ngun ngút, nóng bỏng, bừng bừng ở những người con người của đất nước này. Vẫn là những ngọn lửa đam mê đang đánh bại lẽ phải, và đang... ngốn những mạng người. Vẫn chưa có giải pháp nào ló ra ở cuối... ngọn lửa.
Bây giờ, tôi sắp xong, việc của tôi. Tôi thật hài lòng, cái gì làm được, thì đã được làm. Hài lòng vì đã dấn mình hết mức vào con đường sáng tạo. Bởi vì, nhờ cái kiểu viết bằng trực giác, và cũng bởi vì nhờ cái bản chất rối rắm của mớ chất liệu của tôi, mỗi cuốn sách hóa ra là một sự chúc phúc. Cuốn nào cũng làm cho tôi ngỡ ngàng, ngay đúng vào lúc viết, tôi vẫn còn ngờ, không biết nó có ở đó hay là không. Nhưng phép lạ lớn lao nhất đã đến với tôi, đó là khởi sự viết. Tôi có cảm tưởng – và bây giờ, niềm hãi hùng vẫn còn nguyên – rằng tôi có thể thất bại một cách thật dễ dàng, trước khi bắt đầu.
Tôi sẽ chấm dứt như tôi bắt đầu, cũng với những tiểu luận tuyệt vời của Proust, trong Chống Sainte-Beuve: "Những điều đẹp đẽ mà chúng ta sẽ viết ra, nếu chúng ta có tài, thì ở trong chúng ta, mơ hồ, như nhớ một giai điệu, đẹp lòng ta, mà không làm sao mường tượng nổi. Những người bị ám ảnh bởi trí nhớ mờ nhạt này, về những chân lý chưa hề biết, là thuộc giống thiên tài... Tài năng thì cũng như hồi ức khiến họ sau cùng gợi được điệu nhạc mơ hồ kia, gần gũi hơn, nghe thật rõ, và ghi xuống trang giấy trắng."
Tài năng, Proust nói; còn tôi, tôi sẽ nói, cơ may, và với rất nhiều lao tâm khổ tứ.
(Jennifer Tran chuyển ngữ, theo nguyên bản tiếng Anh, và bản tiếng Pháp của dịch giả Philippe Delamare).
14.1.2002
  

Shared with Public
Public
Pankaj Mishra giới thiệu tập tiểu luận Literary Occasions [nhà xb Vintage Canada, 2003], của V.S. Naipaul.
Duyên Nợ Văn Chương
Vào năm 1836, vài tháng trước khi Pushkin mất vì cuộc đấu súng, tờ báo Telescope của Nga đăng bức thư thứ nhất trong tập thư có tên là Thư Triết Học, của nhà trưởng giả và cựu sĩ quan Nga, Pyotr Chaadaev. Vài năm trước đó, những thư này, nguyên viết bằng tiếng Pháp, đã lén lút lưu truyền trong giới trí thức Nga bị Tây Phương hoá ở Moscow và St. Petersburg - một đám tinh anh mất gốc mà Peter Đại Đế đã tạo ra, trong toan tính biến nước Nga ngày một Âu Châu hơn. Sự xuất bản lá thư thứ nhất, bằng tiếng Nga, như trên, đúng là một cú sét giữa trời quanh mây tạnh, như lời của Alexander Herzen. Ông đọc nó, khi đang trong tình trạng lưu vong. Có thể nói, đây chính là bước khởi đầu của cuộc sống trí thức Nga, như độc giả sẽ thấy sau đây.
Chaadaev tố cáo sự cô lập về văn hóa và sự tầm thường của nước Nga; ông cũng tố cáo, sự bất lực về trí thức của tầng lớp tinh anh Nga, mà chính ông là một thành viên của nó. Ông viết:
“Hồi ức của chúng ta chỉ tới ngày hôm qua, trước hôm nay đúng một ngày, không thể hơn; chúng ta đều như thế đấy, nghĩa là đều là những kẻ xa lạ, với chính mình… Điều này là hậu quả đương nhiên của một văn hóa nhập và nhái. Không có đồ lô, chỉ có đồ ngoại, hoặc nhái đồ ngoại. Chúng ta cứ thế nuốt tất cả những tư tưởng đã được làm sẵn. Như chúng ta được biết, sự vận hành của tư tưởng để lại một dấu ấn trong trí tuệ của con người. Dấu ấn này đem sức mạnh đến cho, và tạo nên vóc dáng của, trí tuệ. Do nuốt đồ làm sẵn, cho nên chẳng có cái gọi là dấu ấn ở trí tuệ của chúng ta. Nó cũng chẳng có vóc dáng nào hết. Chúng ta giống như những trẻ không được dậy tự suy nghĩ, và khi lớn, mọi tri thức của chúng thì cứ là là ở trên mặt không dính gì tới phần hồn của chúng”.
Với những dòng trên Chaadaev công khai nói lên những ‘rất ư là hồ nghi ngày càng lớn dần’, về chính họ, tức tầng lớp tinh anh Nga, có đặc quyền đặc lợi, với thói quen đã định hình từ bao đời, là cứ nghển cổ nhìn về một phía trời Tây Phương, để có cho họ một đường hướng văn hóa, và cảm thấy ôi đau đớn làm sao, đám tụi mình cứ như là một lũ đầu thai lầm thế kỷ, tách rời khỏi đại đa số lầm than, là dân chúng Nga. Trong một bài thơ, sớm sủa, từ thuở 1824, Puskhin đã để cho một nhân vật của mình lẩn thẩn, ‘nếu sự thực ở bên ngoài mình, biết đâu đấy, nó có thể ở một miền đất khác, ở Âu Châu, với trật tự lịch sử vững vàng, với cuộc sống thật là bền chắc, về mặt xã hội cũng như về mặt công dân của nó. Gần như suốt thế kỷ 19, những nhà văn nhà thơ Nga, thí dụ như Turgenev, Tolstoy, và Dostoevsky, bằng cách này hoặc cách nọ, cố gắng tìm cho ra một ý nghĩa, về liên hệ rất ư là đa đoan rắc rối, của riêng từng cá nhân với Tây Phương, cũng như với xã hội ‘nửa vời’ của họ.
Một trong những đệ tử của Pushkin, Gogol, sau trở thành một trong những khuôn mặt ảnh hưởng nhất trong cuộc tỉnh thức lớn lao về trí thức và tâm linh của Nga. Ông cho xuất bản những câu chuyện đầu tay thời gian 1831-32, bốn năm trước khi xuất hiện thư đầu tiên của Chaadaev. Chính những phác thảo bén nhạy, tếu tếu về cuộc sống ở Ukraine này, của Gogol, mà V.S. Naipaul đã có lần so sánh với những câu chuyện về thế giới người dân quê Ân Độ tại Trinidad, mà tác giả là cha của ông, Seepersad. Naipaul thấy và nghe những câu chuyện này, trong mười tám năm đầu đời ông trải qua tại Trinidad; rồi, ba năm tiếp theo, từ 1950 cho tới khi ông già mất, ông theo dõi diễn biến của chúng, từ Anh Quốc. Chúng ban cho Naipaul không chỉ tham vọng viết nhưng luôn cả - vào thời kỳ đói khổ và tuyệt vọng ở Anh, khi Naipaul bắt đầu viết và không biết làm sao xoay sở với nó – cái xương sống cốt tuỷ của việc viết.
Những câu chuyện trên, là dựa vào kinh nghiệm của Seepersad khi là một ký giả và nhân viên nhà nước tại miền quê Trinidad, nơi gia đình ông cùng dòng dõi khác của những người Ấn đầu tiên tới đây như là những học viên lao động, họ tái tạo [re-created] ra một làng Ấn Độ theo kiểu ở quê hương ngày xưa của họ. Họ làm điều này, một phần là do đầu óc lãng mạn, trong đó, một dúm người tượng trưng cho thế giới Hindu của những người dân quê, coi như một toàn thể mang tính thơ mộng, trong đó, những tập tục, nghi lễ, huyền thoại giải thích và thực thi tất cả những ước muốn của con người. Mặc dù những nhân vật của ông là dựa vào những người trong gia đình họ hàng, nhưng Seepersad tránh không đụng đến nỗi thê lương tiều tuỵ, hay niềm đau của họ, và luôn cả sự tủi nhục mà chính ông đã từng trải qua khi còn là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Và như vậy, là, như Naipaul viết, trong lời tựa cho một lần xuất bản vào năm 1976, những câu chuyện của Seepersad, "có một số điều chẳng bao giờ có thể trở thành chất liệu cho việc viết. Cha tôi, không bao giờ, trong đời ông, đụng tới điểm nghỉ, từ đó, ông có thể nhìn lại quá khứ của mình” [‘certain things can never become material. My father never in his life reached that point of rest, from which he could look back at his past’].
Theo Naipaul, sự so sánh với Gogol ngưng tại đây. Seepersad tìm ra tiếng nói của ông, như là một nhà văn trong những năm cực nhọc sau cùng của ông tại Port of Spain; Gogol kiếm thấy nó ở bước đầu khởi nghiệp viết của ông. Seepersad làm một cuộc hành trình dài, từ những nguồn gốc nhà quê của ông, khám phá ra thiên hướng văn chương của ông qua nghề ký giả, và cuối cùng thấy, mình có quá ít điều để mà viết ra, hay viết về. Ngay ở trong những câu chuyện đầu tay, Gogol đã vượt qua được cái điều mà Seepersad coi như là trí thức tủi hổ, và sự ù lỳ văn chương và từ đó, nhìn ra, chất liệu mà “Nước Nga trông vào đó và đòi hỏi”.
Như Naipaul nhận ra, Seepersad thừa hưởng nhiều, ở “xã hội không hình dạng, không tên gọi của ông” cũng như những hoàn cảnh cá nhân của mình. Dòng dã ba thế kỷ, hòn đảo Trinidad ở vùng Caribean đã là một trại lao động cho những đế quốc ở Âu Châu. Những nô lệ và những học viên lao động từ nhiều nơi khác nhau của Phi Châu, và Á Châu đã dần dà thay thế thổ dân Da Đỏ. Như là một xã hội thuộc địa, nó có tính thủ công, manh mún, và tuỳ thuộc nhiều vào một Tây Phương - thủ phủ lớn, chính quốc - hơn là Nga xô, như Chaadaev mô tả. Nó cũng quá nhỏ bé, chẳng có chút quan trọng về mặt chính trị, và về mặt địa dư, bị tách ra khỏi cả thế giới còn lại. Có gì đâu để mà gặp gỡ, viết ra? Và đây đúng là điều mà Naipaul và cha ông cho thấy, cùng những toan tính khởi nghiệp văn của cả hai: có quá ít điều để mà viết ra, hay là viết về nó.
Vào lúc thoạt đầu, có một sự không tương xứng, như Naipaul sau này viết, trong “Đọc và Viết” (1998), giữa “tham vọng, đến từ bên ngoài, từ một văn hoá khác, của cha ông”, với “cộng đồng của chúng tôi, vốn không có một truyền thống văn học sống động”. Như chính Naipaul khám phá ra, đọc văn chương, thứ mà Trinidad nhập cảng từ Anh Quốc, nó gây rối nhiều hơn là có ích. “Những tiểu thuyết gia lớn viết về những xã hội đã được tổ chức rất cao; tôi không thể chia xớt những giả định của những nhà văn đó; tôi không thấy thế giới của tôi phản chiếu ở trong những cuốn sách của họ.” Daffodil [Thuỷ tiên vàng] của Wordsworth là ‘một bông hoa đẹp, chẳng chút hồ nghi, nhưng chúng tôi chưa hề nhìn thấy nó.” Những cuốn sách ngoại chỉ tốt khi chúng có thể chuyển hóa [adapted] vào trong những điều kiện địa phương. Mưa, mưa phùn và sương mù của Dickens phải biến thành những trận mưa như trút nước của miền nhiệt đới. “Nhưng chẳng nhà văn, cho dù tầm nhìn cá nhân cao xa vời vợi cách mấy, cũng chẳng thể nào tách ra khỏi xã hội của người đó”; và những cuốn sách nhập thì vẫn luôn luôn là xa lạ, và không thể hiểu được.
Cùng lúc, văn học từ Âu Châu có một sức quyến rũ không thể nào cưỡng lại nổi, thứ “quyền lực mềm như nhung, mượt như lụa” này, chính là của một nền văn minh thành công, mang tính đế quốc. Nó làm mờ tầm nhìn trực tiếp về xã hội của chính mình, của một người nào đó. Nếu, “là một tên thuộc địa” - như Naipaul viết trong một tiểu luận sớm sủa của ông, nhan đề là “Đông Ấn” – “có nghĩa là một tên ngớ nga ngớ ngẩn, khó ưa, dưới mắt một người nào đó, đặc biệt hơn, nếu người này đến từ chính quốc”; và nếu như vậy, thì, với một tên thuộc địa, ngớ nga ngớ ngẩn đến nỗi ôm vào người tham vọng viết văn, tình cảnh này mới nhục làm sao, tủi làm sao! Đũa mốc mà lại đòi mâm son! Bởi vì, làm sao mà viết được, về một xã hội chẳng có vóc dáng, và chỉ gây bực mình? Thật khó mà cưỡng lại, lòng hồ nghi, rằng những đề tài thực sự của văn học, chúng nằm ở Âu Châu, trong cái “trật tự bền vững lịch sử, và trong cuộc sống được xây dựng rất ư là tốt đẹp về mặt xã hội và công dân của nó."
Chính là nỗi đau nhức trí thức thuộc địa, chính nỗi chết không rời đó, tẩm thấm mãi vào mình, khiến cho Naipaul có được sự can đảm để làm một điều thật là giản dị: “Tôi gọi tên em cho đỡ nhớ”. Em ở đây, là đường phố Port of Spain, thủ phủ Trinidad. Khó khăn, ngại ngùng, và bực bội – dám nhắc đến tên em – mãi sau này, sau sáu năm chẳng có chút kết quả ở Anh Quốc, vẫn đọng ở nơi ông, ngay cả khi Naipaul bắt đầu tìm cách cho mình thoát ra khỏi truyền thống chính quốc Âu Châu, và tìm được can đảm để viết về Port of Spain như ông biết về nó. Phố Miguel (1959), cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản, là từ quãng đời trẻ con của ông ở Port of Spain, nhưng ở trong đó, ông đơn giản và bỏ qua rất nhiều kinh nghiệm. Hồi ức của những nhân vật tới “từ một thời nhức nhối. Nhưng không phải như là tôi đã nhớ. Những hoàn cảnh của gia đình tôi quá hỗn độn; tôi tự nhủ, tốt hơn hết, đừng ngoáy sâu vào đó.”
Nhưng, như thế là, ông đã làm được một cú khởi đầu. Phố Miguel, giống như một câu thần chú, đã mở ra quá khứ Trinidad của ông mà chính ông, trước đó, vẫn chưa coi đây là những chất liệu có thể sử dụng được cho việc viết, và thế là ông bắt đầu phát triển, khai phá, ngày càng thêm tin tưởng và tự tin về mình. Ba cuốn sách tiếp theo bao gồm điều bây giờ được coi là một sử thi về một thế giới hậu thuộc địa. Một Căn Nhà Cho Ông Biswas (1961), Biswas, dựa vào những câu chuyện của cha ông, về đồng quê Trinidad, Naipaul coi đây là “đầy đủ và giá trị nhất”, nếu nói về kinh nghiệm của ông, khi còn là một đứa trẻ ở Trinidad.
2
Pankaj Mishra giới thiệu tập tiểu luận Literary Occasions [nhà xb Vintage Canada, 2003], của V.S. Naipaul.

2.
Nhưng chất liệu thì cứ trơ ra như thế: this material is fixed, “Tôi không có cách chi để mà thêm thắt”, như ông nói. Naipaul vẫn còn vài năm cách xa, điều mà sau này, ông coi là sự quan tâm đầy đủ của mình, về lịch sử, hay câu chuyện, của Trinidad - lịch sử của diệt chủng, bóc lột, khốn cùng và bỏ mặc – mà ông có được khi tìm tòi nghiên cứu và viết “Sự Mất Mát Thành Phố Vàng El Dorado” (1969). Ông vẫn chưa có thể viết được một cuốn sách về những năm ở Anh; và giả tưởng, tức tiểu thuyết, chúng hoạt động “tốt nhất, ở bên trong những biên cương xã hội đã được xác định”, những cuốn tiểu thuyết như thế có vẻ như không thể nào sử dụng được thứ hiểu biết ngày càng trở nên mầu mỡ, của Naipaul. Những cuốn sách du lịch, về vùng Caribean, và Ấn Độ hứa hẹn một sự giải thoát, nhưng một lần nữa, lại bật ra, tham vọng, về một văn chương thoải mái, tự do chống lại truyền thống văn chương đã được xác định. Bởi vì sách du lịch, như Naipaul khám phá ra, nó là một phần khó có thể tách ra khỏi truyền thống chính quốc, đế quốc, khó hơn nhiều, so với tiểu thuyết.
Những nhà du lịch Anh mà Naipaul muốn nương theo – D.H. Lawrence, Aldous Huxley, Evelyn Waugh – “viết vào thời đế quốc”; họ, “không thể tránh được, đều trở thành một nửa-đế quốc, trong những câu chuyện du lịch của họ”. Ông đâu muốn là nhà văn du lịch theo kiểu đó, khi viết về vùng Caribean hay Ấn Độ, xứ sở của tổ tiên của ông. Sau đó, ông viết về chuyến đi đầu tiên của mình, vào đầu thập niên 1960, ở trong Bí Ẩn Lúc Tới (1987), rằng, “chẳng có mẫu mã nào cho tôi, về cái kiểu khai phá, thám hiểm này, chẳng ông nào giúp được tôi, nào Forster, nào Ackerley, nào Kipling.” Ông không thể nào đóng vai của họ, ấy là nói vẻ cái vẻ dửng dửng, tách ra khỏi sự kiện, luôn cả cái giọng diễu cợt tí tí của họ, bởi vì, “nhìn - như một kẻ du lịch, một khách thăm viếng - những cộng đồng điêu đứng tiều tụy khác, tại một miền đất bị cướp đoạt, bóc lột đến trơ xương ra như thế… là nhìn, từ một khoảng cách, cộng đồng của chính mình, thì cũng rứa như vậy.”
Những “nhắc nhở” không thể tránh được như thế đó, về chính quá khứ của mình – cái quá khứ mà ông vẫn không thể nào rũ khỏi, vào những năm đầu thập niên 1960, chính những điều này làm cho Naipaul trở thành một “tay du lịch đáng sợ” [the fearful traveller], ở Ấn Độ. Nhưng nó cũng ép ông phải “tự định nghĩa rất rõ ràng với chính mình”: một sự nhìn nhận, về một nơi chốn có tính lịch sử và văn học, và điều này trở thành một thói quen ở nơi ông, và, sau cùng, đây là nền tảng cho những nhận xét của ông về những nhà văn khác. Những tiểu luận văn học và có tính tự thuật, nếu đọc cùng với những bài viết về những xã hội Ấn Độ, Phi Châu, và Mỹ Châu, được in trong Nhà Văn và Thế Giới, chúng đưa ra những nhận xét về nhiều người viết khác biệt, như Kipling, Gandhi, Nira C. Chaudhuri, Conrad, và R.K. Narayan. Chúng dựa vào những dẫn giải đặc sắc, uyên nguyên, về lịch sử và luôn luôn qui về vấn đề tự xác định mình, tự nhìn ra mình: làm sao, bằng cách nào nhà văn nhập vô, hoặc rãn ra, ấy là nói về những xác quyết sâu xa của họ, về xã hội có họ ở trong; và viết về nó; làm sao, bằng cách nào, hình thái, thể loại văn học mà họ chọn lựa đó lại có thể phản ảnh, hoặc méo mó, làm biến dạng những kinh nghiệm đặc thù của họ về thế giới.
Theo Naipaul, sở trường, và luôn, sở đoản [những đức hạnh và những hạn chế] của Kipling, ở trong Plain Tales from the Hills, [Những câu chuyện đơn giản từ vùng đồi], đều do ông là thành viên câu lạc bộ Hoàng Gia Anh-Ấn, nơi thoải mái dành riêng cho tầng lớp tinh anh. “Cái thế giới do con người tạo ra, đầy đủ, đồng nhất đó đâu cần giải thích”? Nó làm cái nhìn châm biếm của ông trở nên tinh tế hơn, “riêng tư” hơn. Vẫn nó, làm giọng văn của ông “dẫn dụ, uyển chuyển,… dễ đọc, nhưng gọn gàng”. Tuy nhiên, hay quá thành vụng, nếu có thể nói như vậy, bởi vì theo Naipaul, qua phân tích tính đa dạng của lịch sử của ông, nhờ tính Anh Ấn chật hẹp này mà Kipling viết được tác phẩm đầu tay, nhưng cũng chính nó đã khiến cho người Ấn không chịu tìm hiểu về chính họ.
Trong nửa sau của thế kỷ 19, người Anh ở Ấn chuyển, từ “Cái Học Mới của Âu Châu”, mà họ thoạt đầu đại diện, qua “Hiện Đại Hóa những người Ấn Độ”. Họ ngày càng tỏ ra có thiện cảm với “những sự giản dị không mang tính trí thức” của “những người Pathan mắt xanh”, hơn là với những người Bangalis chuyên bàn cãi về thuyết Darwin và Mill. [Vốn là dân] “Ngoại ô và ít học”, họ dửng dưng trước những ước mong hiện đại hoá của Ấn Độ, chính những hoài vọng này đưa đến sự phục hưng trí thức Bengali thế kỷ 19, và khi nó qua đi, Nirad C. Chaudhuri đã bùi ngùi thương tiếc, trong Tự Thuật Của Một Người Ấn Độ Vô Danh (1951). Chẳng có gì là ngạc nhiên, văn hóa Ấn và Anh cứ thế “nghinh” nhau, và ngôn ngữ chia sẻ giữa đôi bên - tiếng Anh - chỉ gây thêm những những dở khóc dở cười, những đầu Ngô mình Sở về mặt văn hoá.”
Naipaul nhìn ra hiểu lầm và vô bổ, trong “cuộc gặp gỡ Anh Ấn”, và “trí thức lộn tùng phèo, của một tân Ấn Độ” ở trong những tự truyện của người Ấn, sự thiếu sót chi tiết cụ thể, vật lý, và thiếu sót một hỏi tra nghiệt ngã về chính mình, của họ. Những cuốn sách của họ nói với Naipaul về một xã hội “chưa học nhìn, và bất lực trong việc tự xác định nó, không hề đặt ra những câu hỏi, bởi vì bao lễ nghi tập tục, huyền thoại dân gian.. đã cung cấp tất cả những câu trả lời rồi.” “Những ám ảnh về thề nguyền, đồ ăn thức uống, thí nghiệm, bệnh tật tái đi tái lại…” của Gandhi đã biến cuốn tự truyện của ông thành một thứ “tạp nhạp, lai căng, hổ lốn, trong đó, một quan niệm mang tính tôn giáo về cuộc đời, thật tiếu lâm, ở trong văn hoá này, khi chuyển qua văn hoá kia, nó biến thành một thứ tự yêu mình, self-love, thật khó chịu.
3
Pankaj Mishra giới thiệu tập tiểu luận Literary Occasions [nhà xb Vintage Canada, 2003], của V.S. Naipaul.

Nguyễn Quốc Trụ

 

 

Naipaul

 

Bằng cách nào tôi bỏ Phố Miguel

                       Gửi Sài Gòn, và quãng đời sa sẩy tuyệt vời của tôi.
                                                                                 NQT

*

 

 

Má tôi bảo tôi:

-Mày sắp thành thằng ăn hại ở đây rồi đấy. Tao nghĩ đã đến lúc mày phải đi thôi.

-Nhưng đi đâu mới được chứ hả má? Tới Venezuela?

-Không, không được. Vừa xuống tầu là họ tóm mày liền. Tao quá rành mày, và tao cũng quá rành Venezuela. Không, một nơi nào khác thì được.

-Được thôi, má cứ suy tính đi, rồi quyết định cho con.

-Pandi Ganesh là bạn của ông già mày, bà nói tiếp. Tao sẽ đi gặp ông ấy. Mày phải bỏ nơi này. Chẳng mấy nỗi, sắp trở thành một thằng vô tích sự thực sự rồi đấy, bà lập lại.

Cứ cho là bà có lý đi, tôi nghĩ vậy. Cứ như ma đưa lối quỉ dẫn đường, tôi sa chân lúc nào không hay. Tôi uống như hũ chìm, và làm khá bộn chuyện khác. Tôi làm quen ma men hồi làm nhà đoan. Thì cũng tại tịch thu toàn rượu ngon, lý do tịch thu lại càng không cần. Thoạt đầu, chỉ nội ngửi mùi rượu là đã muốn ói, nhưng tôi tự nhủ: "Mày phải chế ngự mày thôi. Hãy uống thứ thuốc này đi. Hãy nhắm mắt nhắm mũi mà uống." Cứ thế, tôi trở thành một bợm nhậu thực thụ, và tôi bắt đầu đau, nỗi đau kiêu ngạo, của mấy thằng ghiền.

Rồi thì Boyce và Errol giới thiệu tôi những ngõ ngách của thành phố. Một tối, vừa mới tới sở làm một lát tụi nó đã kéo tới một tiệm ở gần Công trường Marine. Chúng tôi trèo lên lầu một, và lọt vào một căn phòng chật cứng người, dưới ánh đèn mầu xanh. Thứ mầu xanh đặc xệt, như đóng băng. Có rất nhiều gái. Họ chẳng làm gì hết, cứ đợi, và nhìn. Tôi đọc hàng chữ lớn, viết trên tấm biển: "Cấm gạ gẫm chuyện dơ dáy."

Chúng tôi làm một ly. Một thứ nước đặc, mùi dìu dịu.

Errol hỏi tôi:

-Mày chịu thứ nào?

Tôi hiểu liền, và cảm thấy lợm giọng. Tôi vọt ra khỏi căn phòng, chạy thẳng về nhà, chuếnh choáng bịnh, chuếnh choáng sợ. Tôi tự nhủ: "Phải chấm dứt thôi, con ơi!"

Ngày hôm sau, tôi lại mò tới. Rồi lại mò tới.

Chúng tôi làm một cuộc chơi, cả một bầy thuế quan. Thế là đêm nào như đêm nấy, chúng tôi suốt đêm, hết rượu lại gái, tại bãi biển Maracas.

-Ới con ơi là con, mày thành thằng bỏ đi rồi, má tôi than thở.

Tôi chẳng thèm để ý, cho tới một tối say mèm, ói mửa liền hai bữa. Khi ngóc đầu lên được, tôi thề không bao giờ hút, không bao giờ uống nữa.

Tôi nói với bà già:

-Thực sự không phải lỗi con. Đúng là tại thành phố Trinidad. Làm gì được nếu không nhậu?

Chừng hai tháng sau đó, bà già bảo tôi:

-Tuần tới, mày đi đằng này với tao. Mẹ con mình tới thăm Nhà Thông Thái (Pandit) Ganesh.

 

Đã từ lâu, Pandit Ganesh từ bỏ cõi huyền hoặc, lao vào chính trường, và rất thành công. Hiện là bộ trưởng gì đó trong chính quyền, và nghe đồn sắp sửa trở thành M.B.E. (Membre de l’Ordre de l’Empire britanique: Thành viên Hội Đế quốc Anh. Chú thích người dịch bản tiếng Pháp).

Hai má con tới căn nhà đẹp đẽ của ông thuộc khu phố St. Clair, và được diện kiến ông, không phải trong bộ "dhoti" và "kaortah" mà là một bộ com-lê đắt tiền.

Ông đón tiếp bà già thật là nhiệt tình và nói:

-Tôi sẽ làm tất cả những gì mà tôi có thể.

Bà già bắt đầu sụt sịt.

Ganesh quay qua tôi:

-Cháu muốn ra nước ngoài học không?

-Cháu chẳng muốn học, bất cứ thứ gì. Cháu chỉ muốn đi.

Ganesh mỉm cười và trả lời:

-Nhà nước chưa cho ra thứ học bổng đó. Chỉ mấy ông bộ trưởng mới được cái món mà cháu nói. Không được, cháu phải chọn một môn học.

Tôi trả lời:

-Cháu chưa từng nghĩ tới chuyện này. Cho cháu suy nghĩ một chút.

-Được rồi. Cháu cứ nghĩ đi.

Bà già bắt đầu vừa sụt sịt vừa cám ơn.

-Cháu biết phải học cái gì rồi, tôi nói. Cơ khí.

Tôi nghĩ tới ông chú Bhakcu.

Ông Ganesh cười và hỏi:

-Cháu biết gì về cơ khí?

-Hiện giờ thì chưa. Nhưng cháu sẽ làm quen với nó.

-Tại sao con không học luật? Bà già hỏi tôi.

Tôi như nhìn thấy Chattaranjan và bộ đồ mầu xậm, và tôi la lớn:

-Không, luật hả, không, không!

Ganesh nói tiếp:

-Chỉ còn một học bổng: dược.

-Nhưng cháu không muốn làm dược sĩ, tôi phản đối. Cháu không muốn xỏ vô bộ đồ trắng, và bán son môi cho mấy ả.

Ganesh mỉm cười.

-Đừng thèm để ý đến nó, panđi, bà già nói. Nó sẽ học dược. Và quay qua tôi: con có thể học bất cứ thứ gì, nếu con muốn.

Ganesh nói tiếp:

-Hãy suy nghĩ đi. Học dược nghĩa là đi Luân Đôn. Ngắm tuyết, sông Tamise và tòa nhà Quốc hội.

-Cháu chịu rồi, tôi nói. Cháu sẽ học dược.

-Tôi không biết làm sao cám ơn ngài panđi, má tôi rên rỉ.

Và, vẫn sụt sịt, bà đếm từng đồng, đủ hai trăm đô trao cho Ganesh, nói:

-Tôi biết chẳng đáng là bao, panđi. Nhưng đây là tất cả của nả tôi tằn tiện từ bao lâu nay.

Ganesh rầu rĩ cầm tiền và nói:

-Đừng để ý đến chuyện đó. Có vậy là được rồi.

Má tôi vẫn sụt sịt, và sau cùng, chính Ganesh bật khóc.

Thấy vậy, bà già chùi nước mắt và giải thích:

-Xin panđi hiểu cho nỗi khổ tâm của tôi, tôi đã phải tặn tiện, nay chạy đầu này mai chạy đầu kia, làm đủ thứ chuyện mới có được món tiền đó. Thời buổi này mà. Tôi cũng không biết làm sao tôi có nổi số tiền đó nữa. 

Ganesh ngưng khóc liền lập tức. Bà già lại đổ nước mắt.

Và như vậy tiếp tục chừng một lát, tới khi Ganesh đưa lại bà già một trăm đô. Ông nức nở, run lẩy bẩy.

-Hãy cầm lấy, ông nói, và mua vài bộ đồ cho thằng nhỏ.

-Panđi, ông thật tốt, tôi nói.

Ông ta hết sức cảm động và la lớn:

-Khi cháu trở về với đủ thứ bằng cấp, trở nên một người lớn, và một nhà dược sĩ lớn, tới lúc đó, ta sẽ tới đòi cái điều mà cháu thiếu ta.

 

Tôi kể cho Hat nghe là tôi sẽ ra đi.

-Đi làm gì? Làm thợ hả?

-Nhà nước cho tớ cái học bổng học dược.

-Cậu xoay sở tất cả chuyện đó, hả?

-Không phải tớ mà là bà già.

Eddoes nói:

-Bà già xoay tài thật. Tớ biết một tay dược sĩ, bao nhiêu năm nay tớ chỉ lo dọn cứt đái thằng chả. Thằng chả bộn của. Bồ tèo ơi, thằng chả nằm trên đống vàng.

Tin tức tới tai Elias, và anh ta chịu không nổi. Một bữa anh ta tới đằng trước sân nhà và la lớn: 

-Đồ hối lộ! Thứ mày chỉ làm được như vậy. Đồ hối lộ!

Má tôi trả đũa:

-Những thứ chửi người khác hối lộ là toàn dân khố rách áo ôm, lấy đâu ra tiền mà lo hối lộ! 

 

Cũng mất chừng tháng trời sửa soạn mới tới ngày ra đi. Nhà cầm quyền Trinidad viết cho tòa Lãnh sự Anh ở Nữu Ước. Tòa Lãnh sự Anh cho điều tra về tôi. Người Mỹ cho tôi nhập cảnh sau khi bắt tôi thề không được dùng khí giới lật đổ chính quyền của họ. 

Sáng sớm hôm sau tôi đi, buổi tối hôm trước má tôi làm bữa tiệc nhỏ mà chẳng khác chi đám tang. Người nào tới mặt cũng buồn xo, và nói, rồi tôi sẽ nhớ họ biết là chừng nào; rồi thì họ quên luôn tôi, bắt qua chuyện quan trọng: ăn nhậu.

Laura ôm hôn tôi, và tặng cái mề đay thánh Christophe. Nàng nói tôi đeo ở cổ. Tôi hứa sẽ làm, và bỏ vào túi. Tôi không biết rồi nàng sẽ ra sao. Bà vợ Bhakcu cho tôi đồng sáu "pence" đã được làm phép, và tôi nghĩ, khó mà không tiêu đồng tiền làm phép đó. Titus tha thứ cho tôi mọi chuyện và tặng tôi tập hai bộ "Tennyson", trong tủ sách "Thư viện cho tất cả mọi người". Eddoes mang cho tôi một cái bóp, anh thề, gần như mới toanh. Boyce và Errol chẳng cho tôi gì cả. Hat đưa tôi một hộp đựng thuốc lá và nói:

-Tớ biết cậu nói cậu sẽ không hút thuốc nữa. Nhưng cứ cầm lấy, trong trường hợp cậu đổi ý kiến.

Kết quả là, tôi hút thuốc trở lại.

 

Chú Bhakcu mất cả một buổi lo sửa soạn xe đưa tôi ra phi trường. Lâu lâu, tôi lại chạy qua chỗ ông, nói, đừng mất công như vậy. Ông chú trả lời, ông nghĩ là cái các-bua-ra-tưa mắc khùng. 

Sáng hôm sau, ngay từ sáng sớm, ông chú đã mò ra chiếc xe. Chúng tôi tính tám giờ khởi hành, mà mười giờ ông chú vẫn còn loay hoay với nó. Má tôi quýnh quáng, còn bà vợ Bhakcu bắt đầu tỏ vẻ hết còn chịu nổi.

Ông chú nằm bên dưới xe, huýt sáo một đoạn bài "Ramayana". Ông chui ra vừa cười vừa nói: 

-Thằng cháu của tôi lo són đái rồi, phải không? 

Sau cùng cũng xong. Ông chú không phải tháo mô tơ, nó vẫn còn chạy được. Hành lý của tôi đã sẵn sàng ở trên xe, và tôi chỉ còn việc bước qua ngưỡng cửa nhà lần cuối cùng. 

Má tôi nói: "Thủng thẳng", và đem một bình sữa để ngay giữa lối đi dẫn vào sân nhà.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn không làm sao giải thích nổi, cái cổng rộng như thế, tôi đã cố hết sức né sang một bên, vậy mà vẫn đụng đổ bình sữa. 

Mặt má tôi nặng chĩu. 

-Điềm xấu hả má? 

Bà không nói gì. 

Bhakcu bấm còi.

Chúng tôi lên xe, đi xuống Phố Miguel theo hướng Wrightson, về phía South Quay. Tôi không nhìn ra bên ngoài.

Má tôi khóc sướt mướt, và run lẩy bẩy. 

-Má biết sẽ chẳng bao giờ gặp lại con ở Phố Miguel. 

-Sao vậy hả má? Chắc là do con đánh đổ bình sữa?

Bà không trả lời, tiếp tục khóc bình sữa đổ. 

Tôi chỉ nhìn ra ngoài khi ra khỏi Port de Spain, và khu ngoại thành. Trời trong và nóng. Đàn ông đàn bà làm dưới ruộng. Mấy đứa con nít tắm nơi ống nước bên đường.

 

Tới phi trường Piarco kịp giờ, và bỗng nhiên ngay lúc đó, tôi mong mỏi giá mà đừng được học bổng. Phòng đợi làm tôi ớn. Mấy bà Mỹ to con mang kiếng mát thấy ghê, mỗi lần nói là như hét lên. Họ như dư tiền, mặc sức thoải mái.

Rồi người ta ra thông báo, bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, chuyến bay 206 trễ sáu tiếng đồng hồ.

Tôi nói với bà già:

-Bà con mình trở lại Port de Spain.

Trở lại Phố Miguel, người đầu tiên tôi gặp là Hat. Anh ta lững thững từ quán cà phê đi ra, tay cặp tờ nhựt trình. Tôi khuơ tay, và chào khi đi ngang.

Anh buông câu cộc lốc:

-Tớ tưởng cậu chuồn mất tiêu rồi.

Tôi thấy chới với. Không phải chỉ vì thái độ lạnh nhạt của Hat. Chới với, mặc dù tôi đã quyết định và coi như số phần của mình, tốt hơn hết, là từ bỏ nơi này. Tôi cảm thấy bẽ bàng vì vẻ bên ngoài của sự vật: tất cả y như trước đó. Chẳng có gì ra dấu, về sự vắng mặt, của thằng bé là tôi.

Tôi nhìn về phía bình sữa bị hất đổ nơi bực thềm, và nói với bà già:

-Điềm triệu gì đâu! Chẳng bao giờ trở lại?

Bà già cười, coi bộ sung sướng.

 

Vậy là tôi làm bữa ăn trưa cuối cùng với má tôi, ông chú Bhakcu, bà thím. Sau đó, chúng tôi tôi làm lại cuộc hành trình, trên con đường nóng bỏng tới Piarco, nơi máy bay đang đợi. Tôi nhận ra một nhân viên thuế quan, và anh ta vờ luôn hành lý của tôi không kiểm tra.

Chuyến bay được thông báo bằng một giọng lạnh lùng, thanh thản.

Tôi ôm hôn bà già.

Tôi nói với ông chú :

-Chú Bhakcu, lúc nãy cháu không dám nói ra, nhưng cháu nghĩ là cái xú báp bị đụng.

Cặp mắt ông sáng ngời.

Tôi rời đám bà con và đi vội ra phi cơ, không nhìn lại phía sau, chỉ nhìn cái bóng của mình ở phía trước mặt, giống như một chú lùn nhẩy cà tưng trên bãi đáp.

V.S.Naipaul
 


Ghi chú: Trên đây là chuyển ngữ chương chót, cuốn tiểu thuyết "Phố Miguel", của Naipaul, Nobel văn chương 2001, từ ấn bản tiếng Pháp, dịch giả Pauline Verdun (nhà xb Gallimard, tủ sách L’Imaginaire).

Đối với một người lạ, quá giang thành phố trên xe hơi, Phố Miguel chỉ là hình ảnh nhớp nhúa của một trong vô vàn khu phố nghèo đói, khốn khổ của Port de Spain, thuộc đảo Trinidad, giữa những năm 1939 và 1947.

Nhưng với những con người sống ở đó, đây là một thế giới muôn mầu muôn vẻ, thiên hình vạn trạng, và là độc nhất. Một vũ trụ, nơi mọi chuyện đều có thể, dù cực đoan, cường điệu tới đâu.

Vẻ kỳ lạ của những nhân vật, nỗi buồn, cơn điên, cách hành xử tức cười, những nỗi không may của họ, tất cả được kể bằng một giọng têu tếu, và đây là cái thiên lương lạ lùng của tác giả, dấy lên từ những sự kiện vặt vãnh.

Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ và giới thiệu.

 

_______

 

a2a chú thêm :

1. Bản tiếng anh của truyện này có thể xem và tải xuống từ trang sau :

http://hrsbstaff.ednet.ns.ca/amirok1/English12/46629700-Miguel-Street-V-S-Naipaul.pdf

 

(Nguồn : Tin Văn

www.tanvien.net )

 

trang nguyễn quốc trụ

art2all.net

Nhân thể, nhắc anh trong bản dịch Naipaul, khúc cuối, có vài ý dịch sai khi K so bản tiếng Anh .

Sáng sớm hôm sau tôi đi, buổi tối hôm trước má tôi làm bữa tiệc nhỏ mà chẳng khác chi đám tang. Người nào tới mặt cũng buồn xo, và nói, rồi tôi sẽ nhớ họ biết là chừng nào; rồi thì họ quên luôn tôi, bắt qua chuyện quan trọng: ăn nhậu.
Laura ôm hôn tôi, và tặng cái mề đay thánh Christophe. Nàng nói tôi đeo ở cổ. Tôi hứa sẽ làm, và bỏ vào túi. Tôi không biết rồi nàng sẽ ra sao. Bà vợ Bhakcu cho tôi đồng sáu "pence" đã được làm phép, và tôi nghĩ, khó mà không tiêu đồng tiền làm phép đó.
 
Đúng ra là "họ sẽ nhớ tôi" , và " tôi không biết về sau cái mề đay ấy lạc vào cái chỗ nào" . Và " cái đồng pence làm phép ấy trông chẳng khác gì các đồng pence khác nên tôi nghĩ tôi sẽ tiêu nó" .

Không có chi quan trọng . Chỉ tiện thể thì ghi xuống vậy thôi , nhưng dịch đúng thì nét khôi hài rõ hơn .

K


Tks

Khi tôi dịch, chưa có mua bản tiếng Anh. Đọc bản tiếng Pháp, rồi dịch xong, không coi lại. Rồi cũng quên luôn. Làm sao mà K. kiếm thấy nó, cũng tài thật. Đọc lại thì quả là bồi hồi, nhớ những năm trời cực kỳ thê lương, nhưng khi qua được rồi, thì lại thật là tuyệt vời.
Bà Thảo Trần cằn nhằn hoài, sao không viết tiểu thuyết, nhưng khi đọc cái đoạn xém nhảy xuống sông Cai Lậy, tự vận, khi vừa mới cưới, từ Sài Gòn trở về lại Cai Lậy, một mình, thằng chồng bỏ đi Đà Lạt, buồn quá, giận quá, bèn ra lệnh, thôi, đừng viết nữa, đau lòng thêm 1 lần nữa.

Hà, hà!
Tks again

NQT







    Comments

    Popular posts from this blog

    Nguyễn Ngọc Tư

    30.4.2015

    Raymond Chandler by Oates